Chương 4: Ô Đình Thiên

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Văn Tôn bị trói trong rừng trúc hết một đêm một ngày thì đói đến lã người, ruột gan cồn cào, chân tay bắt đầu mất hết cảm giác. May sao trái táo trong miệng cũng dần mềm đi, chàng cố nghiến hai hàm răng thật chặt, trái táo liền nát ra. Táo rừng thật ngọt, nuốt xuống tới đâu thấy da thịt như sống lại tới đó, thoáng chốc chỉ còn lại cái hạt. Chàng liền nhả hạt táo ra, kêu lên mấy tiếng cầu cứu, nhưng trước sau thủy chung không một ai đáp lại, chỉ nghe từ đằng xa văng vẳng vọng lại giọng nói của chàng mấy lần rồi im hẳn.

Núi này gọi là núi Nam Sơn, nằm cách xa các thôn bản chung quanh, trên núi kỳ hoa dị thảo nhiều không kể xiết, lắm loại độc tính cực cao. Mấy năm trước có một người tiều phu lên đây đốn củi bị độc trùng cắn cho mặt mũi sưng vù, toàn thân nổi lên những mụn nước đỏ li ti, phải nằm liệt giường suốt hai tháng trời. Nguyên y bị một loại muỗi vằn đốt phải gây nên chứng sốt xuất huyết, chỉ cần dùng hai vị hoạt thạch và cam lộ sắc cho uống tất sẽ khỏi. Song chứng bệnh này vốn chỉ xuất hiện ở những vùng rừng núi phương bắc, số người mắc phải cũng không nhiều, các thầy lang sau khi thăm tới khám lui vẫn không sao tìm ra được nguyên nhân, cứ kê hết thuốc này thuốc nọ, nào là họa bì đơn, ngưu giác bột, đến các vị thuốc quý hiếm như nhân sâm, linh chi mấy mươi năm, thế nhưng trị bệnh mà không nắm được nguyên căn có khác gì mò kim đáy bể, làm cho bệnh tình càng lúc càng nguy kịch, chẳng lâu sau thì người tiều phu đó cũng qua đời. Những người mê tín dị đoan cho rằng y lên núi quấy phá rồi bị thần linh khiển trách,  sinh ra quái chứng, người này kể người kia, tam sao thất bản, làm cho núi Nam Sơn ngày càng trở nên đáng sợ, là nơi tu luyện của thần quỷ, từ đó hầu như không có ai dám đặt chân lên núi. Văn Tôn vừa rồi kêu lên mấy tiếng, cũng như một người cất tiếng hát giữa thâm sơn, bốn bề vắng lặng, hiển nhiên không có ai nghe thấy. Chàng la hét một hồi, biết là vô vọng, đành nhắm mắt dưỡng thần.

Nghĩ cứ bị trói ở đây dù không có thú dữ tới ăn thịt, thì qua một hai ngày nữa thể nào cũng đói khát mà chết. Chợt nhớ tới cái ao đầy cá ở bên cạnh, chỉ cần tìm cách thoát ra khỏi dải lụa thì mặc sức mà bắt cá trong ao ăn, chàng liền gắng hết sức cựa quậy, hy vọng mảnh lụa sẽ không chịu nổi lực đạo mà bung ra. Thế nhưng loại tơ lụa này không giống như vải vóc bình thường, dẫu chàng có vùng vẫy đến mức nào thì nó vẫn chẳng hề nới ra dù là một chút. Thức ăn đã ở ngay trước mắt mà chỉ có thể giương mắt lên nhìn, có khác gì cám treo heo nhịn đói, Văn Tôn tức tối không sao nhịn được, hét rống lên:

- Con yêu nữ chết tiệt thật biết cách hành hạ người ta quá thể, đợi bổn công tử thoát ra khỏi đây nhất định sẽ...

Bốn chữ "cho mi biết tay" còn chưa kịp nói ra, bỗng một luồng hàn phong từ đâu ùa đến làm cho chàng rùng mình ớn lạnh, không cách gì nói tiếp được.

Lúc này trời đã tối hẳn, làn gió lạnh từ hướng nam lùa tới khiến mấy cây trúc nhỏ đong đưa, cành lá xôn xao. Văn Tôn nhìn về hướng đó, thấy từ trong màn đêm có một bóng người đang đi tới, thân hình nhỏ nhắn, cước bộ còn nhanh hơn cả gió, chỉ trong chớp mắt đã đứng trước mặt chàng. Người đó chính là bạch y thiếu nữ đã trói chàng tối qua, nàng lườm Văn Tôn, hỏi:

- Sẽ như thế nào?

Vừa rồi nghĩ đến dã tâm của nàng, máu nóng dồn lên, chỉ hận không thể bắt nàng cột vào đây mà hành hạ cho thỏa cơn giận trong lòng. Thế nhưng bây giờ nàng đã đứng trước mặt, dưới ánh trăng suông, khuôn mặt nàng lại càng diễm lệ tuyệt mỹ, hoa ghen nguyệt thẹn, thử hỏi một người thiếu niên đang trong tuổi cập kê, chưa trải trần sự như chàng làm sao không động lòng? Văn Tôn nhìn nàng, bao nhiêu bực dọc bỗng dưng tiêu tan đi hết, trong dạ xốn xang, không sao trả lời được. Bỗng nhớ đến vị bà bà khổ mệnh đã bị nàng gia hại, chàng tự nhủ, con người dù xinh đẹp mỹ miều đến mấy mà tâm địa độc ác đa đoan thì phỏng có ích gì? Có khác nào loài hoa hồng rực rỡ nhưng đầy gai, chỉ tổ đâm người ta trầy da tróc thịt mà thôi, liền quay mặt đi chỗ khác, không dám nhìn nàng nữa.

Bạch y thiếu nữ lại lạnh lùng nói:

- Bổn cô nương đang hỏi mi đấy, bộ chứng bệnh vừa câm vừa điếc của mi lại tái phát hay sao?

Nhớ lại tối hôm đó nàng ta sau khi hỏi câu này, đã một chưởng đánh ra khiến cho chàng dở sống sở chết, đau đớn vô cùng, đến bây giờ trước ngực vẫn còn ngâm ngẩm đau, Văn Tôn không khỏi kinh hãi. Chàng vào lúc sắp chết đói lại mưu cầu sự sống, lúc này tưởng chừng sẽ mở miệng xin tha mạng, nào ngờ nghĩ tới vị bà bà khổ mệnh vì mình mà táng mạng, trong lòng đau đớn, chỉ mong được chết đi cho nhẹ nhõm, sang sảng nói:

- Ta tuy không câm không điếc, nhưng không muốn nhiều lời với những phường tàn độc âm hiểm, yêu ma quỷ quái như mi. Mi có giỏi thì một chưởng đánh chết ta đi!

Bạch y thiếu nữ nheo mắt nhìn y, tả chưởng đã đưa lên cao. Với nội công của nàng, chỉ cần dùng ba thành công lực cũng đủ làm cho đối phương phải vỡ sọ nát óc mà chết. Văn Tôn biết rằng sống chết chỉ còn trong gang tấc, hai mắt nhắm chặt, chỉ cần "bình" một tiếng là kết thúc một kiếp người, lúc này mọi nỗi kinh hãi lo sợ đều không còn nữa. Trong thời khắc đó, bỗng dưng cả thân thể như ngã nhào về phía trước, rồi mặt chàng đập vào thứ gì đó vừa mềm vừa mịn, trong miệng lại mằn mặn, tanh tanh. Chàng vội mở mắt ra, thấy mình đã nằm sấp dưới đất, môi va mạnh vào một hòn sỏi đến bật máu.

Thì ra trong lúc bạch y thiếu nữ đưa tay lên, thấy Văn Tôn hai mắt nhắm nghiền, nàng đã tháo dải lụa đang buộc chàng ra, cất vào tay áo. Cả ba động tác cởi trói, thu lụa rồi sau đó cất đi thật là khéo léo, thủ pháp nhanh nhẹn vô tả, không khác gì giật lấy que kem trong tay một đứa trẻ, khiến Văn Tôn chẳng hề hay biết ra. Chàng lồm cồm bò dậy, tuy không tận mắt nhìn thấy nàng ta cởi trói cho mình, nhưng ở đây ngoài hai người ra thì làm gì có ai khác, nếu không phải nàng ra tay chẳng lẽ lại là ma quỷ? Chàng thầm nghĩ: "Nàng ta đã tha mạng cho ta, xem ra cũng không phải là người thiện ác bất phân, sát nhân vô cớ, chi bằng nhân lúc này thử dò hỏi hình tung của bà bà, có khi bà ấy cũng đang bị nàng ta nhốt ở đâu đó", nghĩ thế liền nói:

- Đa tạ cô nương phát dạ từ bi. Chẳng hay vị bà bà kia hiện giờ như thế nào? Chắc cô nương chưa gia hại...

Đột nhiên một dòng suy nghĩ thoáng qua làm chàng lạnh cả sống lưng, toàn thân run rẩy, không sao nói cho hết câu. Chàng nhớ khi còn nhỏ, có lần nghe phụ thân kể về một nhóm người man rợ sống ở vùng núi phía nam, giáp ranh với biên giới Ai Lao. Nơi đó quanh năm chiến tranh nổ ra, quân Ai Lao năm lần bảy lượt tiến sang quấy phá hai lộ Diễn Châu và Thanh Hóa, trên đường hành quân lại không ngừng cướp bóc, chém giết người Nam, dân chúng ở hai lộ Diễn Châu, Thanh Hóa cơ khổ trăm bề, cái ăn cái mặt đều thiếu thốn. Giữa lúc chiến trận triền miên, nạn đói bùng phát, dọc biên giới lại đột nhiên xuất hiện một nhóm người quái dị, chẳng rõ là người Đại Việt hay Ai Lao, chúng trú ẩn trong các hẻm núi, hang đá, đêm tối lại lẻn xuống các thôn bản bắt cóc trẻ con. Những đứa trẻ bị bắt đi tuyệt nhiên không có ngày trở về, một thời gian sau người ta mới tìm thấy xương cốt của chúng vứt dưới chân núi. Bấy giờ ai nấy đều kinh hãi, thì ra bọn người kia là một giáo phái ở một hòn đảo ngoài biển Đông, chẳng hiểu nguyên cớ lại đi đến Lao Ai, rồi trà trộn váo đám quân binh di cư sang biên giới Đại Việt. Họ tự xưng là Thiên Đạo giáo, trước nay vẫn được người ta đồn đại là tà giáo, chuyên tu luyện tà môn nội công. Loại tà đạo này phải lấy máu trẻ con để bổ sung nguyên khí trong lúc luyện tập, có lẽ mấy năm gần đây trẻ con trên đảo không còn, chúng buộc phải vào đất liền để tìm kiếm ấu huyết. Những đứa trẻ sau khi bị bắt sẽ bị bỏ đói ba ngày ba đêm để thanh trừ uế tạp trong máu, sau đó bị cắt đứt hết kinh mạch để rút máu cho tới chết. Sau này trẻ con ngày một ít đi, chúng chẳng màng nam nữ lão ấu gì nữa, hễ gặp người là bắt bớ chẳng chừa một ai. Bây giờ cô ta nếu muốn lấy mạng của chàng thì cũng dễ như giết con sâu cái kiến, quả thật như trở bàn tay, sao còn phải tốn thời gian trói chàng ở đây làm gì? E là người này cũng có uyên nguyên sâu xa với bọn Thiên Đạo giáo kia, giữ lại tính mạng của Văn Tôn đến lúc này tổ cũng chỉ muốn lấy máu của chàng để tu luyện nội công bàng môn tả đạo gì đó mà thôi. Nghĩ đến đây, tia hy vọng vừa lóe lên ban nãy đã hoàn toàn vụt tắt, bao nhiêu ý niệm cầu sinh cũng tiêu tan, chỉ trong khoảnh khắc, chàng từ tham sinh chuyển sang cầu tử hết mấy phen, bây giờ dường như đã muốn buông bỏ tất cả, ngã ngửa ra đất, mặc cho cô ta muốn đâm muốn xẻo gì thì tùy.

Bạch y thiếu nữ thấy Văn Tôn đột nhiên lại lăn đùng ra đất, chẳng biết y lại nổi cơn điên khùng kỳ quái gì đây, lấy ra từ trong túi một gói lá nhỏ, ném lên bụng y. Văn Tôn thấy trên bụng nóng ran, đưa tay sờ thử, thì ra bên trong có mấy cái bánh bao. Chàng ngồi dậy, đưa lên mũi ngửi, quả nhiên thơm ngon vô cùng. Đang lúc bụng đói, toan đưa lên miệng cắn, bỗng dưng chàng nghĩ ra điều gì, lại thả cái bánh xuống, nói:

- Cô nương sợ ta chết quá nhanh sẽ không còn trò vui, cho nên mới hạ độc vào đồ ăn để dày vò ta, khiến ta sống không bằng chết chứ gì?

Bạch y thiếu nữ nét mặt bình thản, giơ tay giật lại mấy cái bánh, nói:

- Ăn mày còn chê cơm hẩm. Được, để ta xem thử bộ dạng ngươi lúc chết vì đói sẽ dễ coi hơn hay lúc chết vì độc mới dễ coi hơn.

Nói rồi quay lưng bỏ đi. Văn Tôn từ tối qua đến giờ chỉ có mỗi quả táo vào bụng, đói đến rã rời, thần suy lực kiệt, lúc này đứng dậy còn không nỗi, huống gì là muốn rời khỏi nơi này, e là bất lực. Giả sử cô ta muốn lấy máu của chàng để luyện công, dĩ nhiên không hạ độc thủ, nhưng sau đó cũng sẽ bị cắt đứt hết kinh mạch; còn giả như nàng ta không thuộc Thiên Đạo giáo, nếu trong bánh bao có tẩm độc, dẫu chàng không ăn thì cô ta muốn giết chàng cũng có khó gì? Đã đến nước này, đằng nào cũng chết, chi bằng khi chết đi được làm con ma no có phải tốt hơn không? Nghĩ thế nên liền kéo vạt áo nàng lại, nói:

- Ta khi sống đã là một kẻ bất tài vô dụng, đến lúc chết đi lại làm con ma đói, không phải mất mặt lắm sao? Được, đại trượng phu có chết cũng phải chết cho khẳng khái, chết cho lỗi lạc, trúng độc thì trúng độc, đưa đây cho ta!

Bạch y thiếu nữ đưa lại gói bánh, chàng cầm lấy ăn ngon lành. Lúc này tính mạng do người, sống chết đã là chuyện không tự mình quản được nữa, chàng cứ thây kệ, ăn hết cái này tới cái khác.

Bỗng dưng nơi khóe mắt bạch y thiếu nữ rưng rưng hai giọt lệ. Nàng từ nhỏ mồ côi cha mẹ, sống nương tựa vào người cô cô đã lớn tuổi. Năm đó quê nàng gặp cảnh thiên tai, hạn hán kéo dài, mùa màng thất bát, trâu chết gà dịch, nạn đói hoành hành, cô cô của nàng cũng vì thiếu cái ăn mà sinh bệnh nặng. Trong nhà đến một mụm thóc cũng không còn, biết lấy đâu ra tiền thang thuốc, nàng đành cắn răng, bán thân cho một gia đình giàu có.

Thân phận tôi tớ thời bấy giờ thật thấp kém, chẳng khác gì trâu ngựa. Nha hoàn chỉ hơn mười tuổi đã phải làm hết mọi công việc nặng nhẹ trong nhà, từ nấu cơm giặt giũ, gánh nước chẻ củi đến hầu hạ người trên, phục thị kẻ dưới, ấy vậy mà cơm ăn ngày ba bữa nàng cũng chẳng được no. Có những hôm nàng bị đám gia nhân trong nhà tranh hết phần cơm, phải ăn cả thức ăn của lợn, mỗi lúc như thế nàng lại nghĩ đến thân phận thấp hèn của mình, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng giấy bán thân đã điểm chỉ ký tên, nếu nàng tự tận thì người ta lập lức đòi lại số tiền bán thân của nàng, khi ấy người cô cô già yếu biết phải sống làm sao? Nên mỗi lần như vậy nàng chỉ biết chui vào một xó mà khóc, rồi cam tâm sống tiếp kiếp tớ tôi tủi nhục.

Trong nhà ấy có một cô con gái vừa mới lên năm, một hôm đang chạy nhảy trong sân thì trượt chân té, lão gia biết chuyền liền gọi nàng đến hỏi tội. Vừa trông thấy mặt nàng lão đã hầm hầm quát mắng:

- Nuôi ngươi thật uổng cơm phí gạo, có mỗi việc trông chừng tiểu thư mà cũng làm không xong!

Những lời này do lão vì xót ái nữ bị thương mà cưỡng từ đoạt lý nói ra, một con nha hoàn mười tuổi cả ngày phải tối mắt tối mũi làm biết bao nhiêu công việc, lại còn phải trông chừng thêm một đứa trẻ năm tuổi, có khác gì bắt một con bê non vừa phải cày mấy mươi mẫu ruộng ngoài đồng, vừa phải xới hết mấy luống rau trong vườn? Làm sao cho thấu? Sức đâu cho toàn? Nàng trong lòng ấm ức nhưng không sao cãi lại được, nước mắt lưng tròng, ôm mặt khóc nức nở. Thấy nàng khóc lóc nỉ non, lão càng thêm tức giận, liền lấy cây roi mây treo trên vách quất cho nàng hơn chục roi mà chẳng hề thương tiếc. Đến khi tay chân đã dọc ngang những vết lằn rướm máu, nàng đau đớn không chịu được nữa liền ngất đi.

Nàng bị nhốt vào hầm rượu, bỏ đói suốt một ngày một đêm, những vết thương do roi quất bắt đầu sung vù lên, da thịt chỗ nào cũng nhói buốt. Đến đêm ngày thứ hai, vào lúc canh ba, nàng đang mơ màng thiếp đi vì kiệt sức, bỗng nghe bên tai có tiếng người thì thầm:

- Đình Thiên! Đình Thiên! Mau dậy đi!

Là một gia nhân già, y trong bữa tối đã lén lút dấu đi phần cơm của mình, đợi lúc mọi người đi ngủ hết mới dám đem đến cho nàng. Đình Thiên lúc này thần trí đã mê man, nghe người gọi tên mình thì mơ hồ mở mắt ra, nhìn thấy người gia nhân già kia thì mừng rỡ, vui sướng muốn bật lên khóc nhưng không dám phát ra thành tiếng. Hai hàng lệ ròng ròng, nàng nói trong nghẹn ngào:

- Lưu bá bá, bá bá đến thăm cháu lão gia mà biết sẽ đánh bá bá đó, bá bá mau đi đi!

Gia nhân họ Lưu mĩm cười, nói:

- Đình Thiên, cháu đừng lo, bá bá không bị làm sao đâu! Ta có mang cơm đến cho cháu đây, mau ăn đi, suốt từ qua tới giờ cháu đã ăn uống gì đâu!

Nói rồi liền thò tay qua song cửa, đưa hai vắt cơm trắng vào bên trong cho Đình Thiên. Người này tên là Lưu Hữu Trí, vào đây làm gia nhân từ lúc chín tuổi. Lưu Hữu Trí cả đời làm nô bộc, cô đơn một mình, thấy cô bé Đình Thiên mặt mũi tú lệ, da dẻ trắng hồng nên đem lòng yêu thích, xem như đứa con ruột. Những ngày Đình Thiên sống ở đây, y luôn che chở, bảo bọc cho nàng mỗi khi bị đám gia nhân lớn tuổi hiếp đáp, có lúc y lại ăn cắp que kẹo, cái bánh cho Đình Thiên. Nhiều lần y bị người ta đánh đập cũng chỉ vì cái tật ăn cắp vặt đó, Đình Thiên biết y vì mình mà bị đòn nên hết lòng chăm sóc, coi như người thân. Lúc này thấy y đem cơm tới cho mình, nàng nhìn Lưu Hữu Trí, hỏi:

- Có phải bá bá lại lấy cắp phần cơm của người khác cho cháu? Nếu vậy thì cháu không ăn đâu! Bá bá đã hứa với cháu là không ăn cắp vặt nữa cơ mà!

Lưu Hữu Trí cười hì hì, nói:

- Đình Thiên, cháu an tâm, cơm này là phần của ta, ta để dành cho cháu đó, mau ăn đi!

Lúc này Đình Thiên mới yên tâm nhận lấy hai nắm cơm trong tay y. Nàng ăn lấy ăn để, cơm vừa trôi xuống cổ thì nước mắt lại trào ra, trước kia khi còn sống với người cô cô, nàng dẫu đói đến mấy cũng chưa bao giờ cảm thấy tủi thân uất ức, còn bây giờ tuy là được ăn nhưng lại phải chịu cảnh giam cầm khổ sở, bao nhiêu sầu não bi ai cứ dâng lên. Nàng ăn hết một nắm cơm thì đưa tay lên lau nước mắt, hỏi Lưu Hữu Trí:

- Lưu bá bá, bá bá có biết khi nào lão gia mới thả cháu ra không ạ? Cháu muốn đến thăm tiểu thư, không biết tiểu thư có còn đau hay không?

Lưu Hữu Trí vẻ mặt sầm xuống, buồn rầu nói:

- Tiểu thư không sao cả, chỉ bị xướt ít da...

Đoạn hơi ngập ngừng, nói tiếp:

- Lần này ta tới đây là để thả cháu đi, cháu không ở lại đây được nữa đâu!

Rồi lấy ra từ trong túi một xâu chìa khóa. Thấy y loay hoay tìm chiếc chìa khóa của hầm rượu, Đình Thiên ngạc nhiên hỏi:

- Lưu bá bá, bá bá làm gì vậy? Cháu không thể bỏ trốn được, còn cô cô của cháu thì sao? Lão gia sẽ lấy lại số tiền bán thân của cháu, cô cô biết sống như thế nào? Bá bá cũng sẽ bị lão gia đánh chết mất thôi! Ôi, cháu không thể trốn đi được!

Lưu Hữu Trí cười buồn, rầu rỉ nói:

- Ô đại nương hơn một tháng trước đã qua đời rồi, ta vì sợ cháu quá đau buồn nên chưa nói cho cháu biết đấy thôi. Ôi, người nghèo như chung ta thì cái số nó hẩm hiu thế đấy cháu ạ!

Ô Đình Thiên không ngờ người cô cô duy nhất cũng bỏ nàng mà đi mất, bao nhiêu hy vọng để sống như tan thành mây khói, ôm mặt khóc nức nở. Nàng lại mếu máo hỏi:

- Cô cô của cháu chết đi rồi, không biết có ai mai táng cho người hay không? Ôi, người làm gì còn có ai thân thiết ngoài cháu, hu...hu...

Lưu Hữu Trí nói:

- Cháu đừng lo, ta đã nhờ người mai táng cho bà ấy chu đáo rồi. Bây giờ cháu phải đi khỏi đây, chạy càng xa càng tốt, có như vậy mới mong có một cuộc sống tử tế!

Ô Đình Thiên gạt nước mắt hỏi:

- Tại sao cháu phải bỏ trốn ạ? Mà cháu cũng làm gì còn nơi nào để đi, cháu muốn ở lại đây với Lưu bá bá!

Lưu Hữu Trí nước mắt rưng rưng, nói:

- Ôi cháu ngoan, lão già này làm sao che chở cho cháu bây giờ? Lão gia lệnh ngày mai phải đem cháu bán làm nô lệ, cái thân già này không thể mang cháu trốn đi được, chỉ còn biết giúp cháu thoát ra khỏi đây mà thôi! Đi, nhanh nào!

Lúc này y cũng đã mở được cái cửa, liền cầm tay Ô Đình Thiên kéo đi. Ô Đình Thiên biết bây giờ chẳng thể nào ở lại đây được nữa, dù trong lòng không muốn nhưng chân vẫn bước theo Lưu Hữu Trí. Một già một trẻ mon men trong đêm tối, đi qua mấy dãy nhà thì cũng ra được cổng chính. Thế nhưng chính môn đã đóng, chìa khóa lại do gia nhân khác nắm giữ, họ đành men theo tường đi đến hậu viện. Ở đây cửa cũng khóa chặt, tuy nhiên ở góc tường có một cái lỗ nhỏ, Lưu Hữu Trí dắt Ô Đình Thiên đến gần, nói:

- Ta chỉ giúp cháu được đến đây thôi, lỗ này quá nhỏ ta không chui qua được. Đình Thiên, cháu mau mau bò ra ngoài, chạy càng xa càng tốt, đến lúc trời sáng cũng không được dừng lại, lão gia nhất định sẽ cho người đi bắt cháu về đó!

Ô Đình Thiên một năm qua chỉ quanh quẩn trong trang viện này, ngoaị trừ Lưu Hữu Trí thì những người khác đều cậy mình lớn tuổi, bắt nạt, hà hiếp nàng đủ điều, bấy giờ người cô cô duy nhất cũng đã chết, nàng quyến luyến không muốn rời xa người gia nhân lớn tuổi này, cứ nắm lấy tay y mãi không buông, nước mắt đầm đìa nhưng không dám khóc lên thành tiếng. Lưu Hữu Trí hiểu được nỗi lòng của cô bé, xoa đầu nàng, nói:

- Đình Thiên ngoan, mau chạy đi, ngoài kia còn nhiều người tốt lắm, nhất định sẽ có người yêu thương cháu như bá bá! Mai này bá bá sẽ tìm cách đi tìm cháu, còn bây giờ cháu phải rời khỏi đây nhanh lên!

Đoạn gỡ tay Ô Đình Thiên ra, đẩy nàng vào lổ nhỏ trên tường. Ô Đình Thiên gạt lệ chui ra ngoài. Lưu Hữu Trí từ bên trong nhìn qua lỗ hổng, vẫy tay nói:

- Mai này nhất định chúng ta sẽ gặp lại, cháu mau chạy đi!

Đình Thiên òa lên khóc, nhưng nhớ lại tình thế lúc này thật hiểm nguy nên liền nín bặt. Hai người, một tóc bạc, một đầu xanh, trong bóng tối bị ngăn cách bởi một bức tường cao, bốn mắt nhìn nhau, trong lòng sầu khổ, tưởng chừng muốn ôm chầm lấy nhau mà khóc. Bỗng Lưu Hữu Trí hét lên:

- Mau đi đi, nếu không sẽ không kịp nữa!

Thì ra trong nhà đã có người nghe tiếng động, đốt đèn ti tìm đến hậu viện. Ô Đình Thiên hoảng quá, cắm đầu chạy về hướng tây. Nàng nhớ lời dặn của Lưu Hữu Trí, lúc đi lúc chạy nhưng không dám dừng lại. Còn nắm cơm trong tay, nàng ăn hết rồi đi mãi đến khi mặt trời lên tới đỉnh đầu, tới một con rạch nhỏ thì kiệt sức rồi ngất đi.

Đến nay đã gần sáu năm, Ô Đình Thiên đợi mãi nhưng chẳng thấy Lưu Hữu Trí đến tìm như đã hứa, nhiều lần nàng quay lại trang viện đó tìm y nhưng nơi đó đã biến thành bình địa do thiên tai. Bây giờ trông thấy bộ dạng đói khát của Văn Tôn, nàng lại nhớ đến tình cảnh của chính mình năm xưa, trong lòng miên man xúc động, mới muốn mang đến cho y một ít thức ăn.

Văn Tôn thản nhiên ăn hết mấy cái bánh bao, trong lòng chẳng còn chút lo sợ. Ăn xong lại chạy đến ao nước, toan vục mặt xuống uống, bỗng trên vai lạnh toát như có một khối băng đặt lên, chẳng cách gì cúi đầu xuống được. Chàng quay đầu nhìn ra sau, thấy bàn tay của Ô Đình Thiên đang kéo chàng lại, liền nói:

- Cô nương cho ta ăn được mấy cái bánh, không lẽ lại tiếc rẻ chút nước lã trong ao?

Ô Đình Thiên cười nhạt, nói:

- Cá kim sơn có độc, nước trong ao dĩ nhiên cũng bị nhiễm độc. Độc dược này quý hiếm vô cùng, lý nào ta lại để cho một tên vô dụng như mi được uống?

Đoạn ném một vật về phía Văn Tôn, nói:

- Ngươi chỉ đáng với thứ này thôi!

Văn Tôn vội chụp lấy, hóa ra là một ống trúc, nghe có tiếng òng ọc bên trong, có lẽ là đựng nước. Chàng tháo cái nút trên miệng ống trúc, đưa lên mũi ngửi, mùi vị thơm tho vô cùng. Lúc này chàng đâu còn bận tâm gì đến sống chết, liền uống luôn vào miệng, chỉ cảm thấy trong họng có một vị vừa ngọt vừa béo, xem chừng là nước canh, nước này chảy đến đâu thì ruột gan mát rượi đến đó. Chàng uống đến những giọt canh cuối cùng rồi đưa tay lên chùi mép, nói:

- Quả nhiên mùi vị thơm ngon, có chết cũng đáng. Đa tạ cô nương ban cho!

Chàng nói ra câu này cũng không biết làm cám ơn hay oán trách. Ô Đình Thiên làm như chẳng nghe thấy, ngước mặt lên trời, khẽ mỉm cười, nói:

- Trời đêm nay thật đẹp, sao ngươi không thử nhìn nó lần cuối!

Câu này nếu là lúc trước có lẽ khiến Văn Tôn kinh tâm động phách, thế nhưng bây giờ chàng chỉ thấy như mây bay gió thoảng, chẳng có gì phải lo sợ, cũng ngước lên nhìn sao trời, nói:

- Sao trời tuy lấp lánh nhưng chẳng thể với được, con người tuy có đẹp song bụng dạ khó dò. Cô nương thấy có đúng hay không?

Ô Đình Thiên biết chàng ám chỉ đến mình nhưng vẫn mặt lạnh như tiền, nói:

- Đúng vậy, có những thứ không thể nào nhìn rõ bằng mắt, cũng như bánh bao mà mi vừa ăn, nước canh mà mi vừa uống.

Văn Tôn thấy bánh bao cũng như nước canh vừa rồi ngoài mùi vi thơm ngon thì chẳng có gì khác lạ, không hiểu nàng ta nói vậy là ý gì, hỏi lại:

- Cô nương cứ phải úp úp mở mở với một người sắp chết như ta làm gì, cứ nói rõ ra được chăng?

Ô Đình Thiên nói:

- Bánh bao mà ngươi vừa ăn có vị rất lạ có phải không? Còn canh gà chắc là ngươi cũng nhận ra?

Văn Tôn gật đầu, nói:

- Thế thì có gì mà đáng nói?

Ô Đình Thiên nói:

- Bánh bao nhân thịt rết, vốn dĩ là có độc nhưng không đủ để lấy mạng một con người. Thế nhưng ngươi lại uống thêm canh gà, hai loại này tương khắc cực cao, khi trộn chung sẽ phát sinh kịch động. Nếu ta không nhầm, ngươi chẳng thể nào thấy được mặt trời ngày mai là màu xanh hay màu đỏ.

Nói rồi lại ung dung nhìn lên trời. Văn Tôn "A" lên một tiếng như hiểu ra, tuy chàng không sợ hãi nhưng cũng không khỏi lạnh người trước âm mưu thâm độc của cô ta. Bấy giờ đã rõ cô ta liên can gì đến Thiên Đạo giáo, song lòng dạ âm độc vô tỉ như thế thì cũng chẳng khác gì bọn tà ma ngoại đạo kia, bỗng trong đầu chàng thoáng qua một suy nghĩ: "Cô ta độc ác vô độ, giết người vô cớ, ngày nào còn sống trên thế gian thì ngày đó lê dân bách tính làm sao yên ổn? Chi bằng thừa cơ cô ta không chú ý, ta một dao lấy mạng ả coi như trừ hại cho dân?" Nghĩ đoạn liền lấy thanh chủy thủ mà Triệu Hùng đưa cho mấy hôm trước ra, nhân lúc Ô Đình Thiên lơ là ngắm sao, nhảy bổ tới ôm lấy nàng, một tay siết cổ, tay còn lại kề lưỡi dao vào yết hầu nàng, hét lên:

- Yêu nữ, hôm nay ta sẽ thay trời hành đạo, từ rày mi đừng hòng tác ác ta đoan nữa!

Ô Đình Thiên kêu "Ối" lên một tiếng, hai tay lập tức đưa lên giữ chặt cánh tay đang cầm dao của Văn Tôn, khiến chàng không tài nào thực hiện ý định của mình. Ô Đình Thiên tuy từ bé đã lưu lạc khắp nơi, nhưng võ công vài năm gần đây đại tiến, trên đời vốn chẳng có nam nhân nào đến gần nàng được quá một trượng, vốn là một xử nữ trinh bạch, người ta muốn nhìn thấy dung nhan của nàng đều phải để lại tính mạng, thế mà bây giờ đột nhiên bị một gã nam nhân trói gà không chặt ôm xiết lấy, nhất thời bối rối, cả người đơ ra như phỗng. Bỗng lưỡi thanh chủy thủ cứa nhẹ vào cổ, máu bắt đầu chảy ra, nàng như hoàn hồn, nhưng cơ thể vẫn bị nam nhân kia ôm chặt, vừa xấu hổ vừa tức giận, liền định thần sử chiêu Nguyệt Nộ Địa Lôi. Tay trái nàng đưa chéo lên, lòng bàn tay vừa chạm vào đầu vai Văn Tôn đã khiến y tê dại bì bì, một luồng hàn khí chạy khắp từ đầu vai xuống đến tận đan điền, toàn thân rụng rời, rồi từ từ ngã xuống đất. Ô Đình Thiên nhanh như chớp giật lấy con dao trong tay Văn Tôn, vù một cái đã phóng về phía y, mũi dao cắm sâu xuống đất chỉ còn lại phần cán, cách đầu y vài phân. Ô Đình Thiên giận đến run người, hai bàn tay nắm chặt, quắc mắt nhìn Văn Tôn, nói:

- Dâm tặc không biết lượng sức mình, hứ, ngươi mau cút đi, từ rày đừng để cho ta thấy mặt, nếu không đừng trách bổn cô nương độc ác!

Rồi quay người chạy đi, dưới ánh trăng non, hai gò má nàng ửng hồng, mi mắt rung rinh, chân chỉ chạm đất vài cái đã khuất xa về hướng ngôi nhà trúc. Văn Tôn thấy nàng chạy về hướng đấy, e là vị bà bà kia cũng đang bị nàng giam giữ ở đó, vội rút thanh chủy thủ lên đuổi theo. Chàng dốc hết sức mà chạy, băng qua cánh rừng si, mặc cho sỏi đá đâm vào chân, gai góc cào lên mặt, trong lòng chỉ nghĩ tới vị bà bà phúc hậu kia, hy vọng cô ta chưa gia hại đến bà ấy.

Về đến trước cửa, Văn Tôn dường như đã chẳng còn hơi sức, hai tay chống gối đứng thở dốc. Chàng nheo mắt nhìn vào, chỉ thấy trong nhà tối đen như mực. Bỗng bên trong bừng sáng lên, hình như có ai đó vừa thắp đèn, rồi một người mặc đồ trắng bước ra trước cửa, chính là Ô Đình Thiên. Nàng chằm chằm nhìn Văn Tôn, mục quang như lửa đốt, nhưng tuyệt nhiên không nói một câu nào. Văn Tôn mặc kệ nàng ta, lách người qua khe cửa chạy vào trong, thấy lão bà kia đang nằm trên giường, hai mắt nhắm nghiền, gương mặt nhân từ đã trở thành trắng bệch từ lúc nào. Chàng sà xuống bên giường, nắm lấy cánh tay bà ta, mếu máo gọi:

- Bà bà, bà bà mau tỉnh lại đi, ác nhân tới rồi, ác nhân tới rồi!

Nhưng chỉ thấy cánh tay lạnh lẽo như băng, chàng vội đưa ngón tay lên mũi thăm dò hơi thở, thì ôi thôi bà ta đã chết từ đời nào. Trong lòng đau như dao cắt, chàng gục đầu trên người bà ta mà khóc rống lên. Đoạn quay lại nhìn Ô Đình Thiên, quát:

- Con yêu nữ độc địa kia, bà ấy đã đắc tội gì với nhà ngươi, sao lại nhẫn tâm sát hại bà ấy?

Ô Đình Thiên vẫn dửng dưng như không, nói:

- Bà ta với ngươi rốt cuộc có quan hệ gì? Hà cớ phải thương tiếc như vậy, thật là nực cười!

Văn Tôn đưa tay quệt nước mắt, nhìn lại gương mặt nhợt nhạt đến đáng thương của bà lão kia, nghẹn ngào nói:

- Bà ấy với ta vốn chẳng thân chẳng thích, thế nhưng giữa lúc tính mạng ta nguy kịch lại ra tay cứu chữa, còn săn sóc cho ta, ơn đức tái sinh đó thử hỏi có đáng tiếc thương, có đáng đau buồn hay không?

Ô Đình Thiên chỉ lặng lẽ thở dài, đôi mắt như dịu lại, rồi quay người đi ra ngoài. Văn Tôn cũng chẳng còn để tâm đến nàng ta, buồn bã nhìn khuôn mặt phúc hậu của bà lão đang nằm trên giường, bỗng thấy lòng nặng như chì, nước mắt rơi lã chã. Chàng lấy thanh chủy thủ găm bên thắt lưng ra, lưỡi dao miết vào yết hầu, đau đớn nói:

- Bà bà, tiểu sinh mang ơn của bà còn chưa kịp báo đáp đã liên lụy khiến cho bà phải táng mạng, một mình bà bà ở dưới cửu luyền chắc là cô đơn lạnh lẽo lắm, để tiểu sinh xuống dưới cùng bà bà bầu bạn!

Nói hết câu thì xiết chặt cán dao. Chàng từ nhỏ đã đọc sách thánh hiền, tuy không thông minh để hiểu hết nhưng cái đạo ân đền oán trả lý nào không biết đến? Song cái mắc mớ oán cừu chàng vốn không hề lưu tâm, càng không muốn báo thù trả oán, bởi chàng luôn ghi lòng tạc dạ một câu nói của phụ thân rằng: "Oan oan tương báo biết bao giờ mới dứt? Tại sao chúng ta không thử lấy đức báo oán, dùng nghĩa đáp thù, mọi người đều dĩ hòa vi quý, lúc đó có phải là thiên hạ thái bình hay không?" Bấy giờ chàng chịu ơn cứu mạng, chưa kịp đáp đền, lại khiến cho người ta lâm vào tử mệnh, trong lòng day dứt không sao chịu được, chỉ còn nước dùng cái chết để tạ tội mà thôi. Ý đã quyết là vậy, hai mắt chàng nhắm chặt, thanh chủy thủ bắt đầu cứa vào da thịt, chỉ cần lưỡi dao cứ thế rạch ra một đường dài, động mạch trên cổ bị cắt đứt, chàng sẽ thoi thóp đến khi chảy cạn máu mà chết, lúc đó dù là thần tiên tái thế cũng không sao cứu được.

Thế nhưng khi chỉ vừa cảm thấy rang rát ở yết hầu, bỗng dưng giữa ngực nhói lên như bị đầu đũa đâm vào, rồi toàn thân cứng đơ như hóa đá, khiến Văn Tôn không cách gì tự tận được nữa. Chàng mở mắt ra, nhìn xung quanh nhưng làm gì có ai, thầm kinh hãi không lẽ là hồn ma của bà bà quay về ngăn cản mình tự sát? Bỗng nghe một giọng nói già nua cất lên:

- Tiểu tử, tính mạng là do cha mẹ ban cho ngươi, chưa chi đã muốn chết hay sao?

Văn Tôn vui mừng không để đâu cho hết, thì ra bà lão kia vẫn còn sống, thấy bà ta tuy nằm im trên giường nhưng đôi mắt đã linh hoạt nhìn mình, muốn nhào tới ôm chầm lấy bà ây nhưng không sao động đậy được, liền sung sướng kêu lên: 

- Bà bà sống lại rồi, bà bà sống lại rồi, thật hay quá!

Lão bà nhìn chàng, trong ánh mắt như thấp thoáng một nụ cười, đưa tay vuốt tóc Văn Tôn, nói:

- Tiểu tử ngốc, ta đã chết bao giờ mà ngươi lại bảo là sống lại?

Văn Tôn không khỏi kinh ngạc, lúc nãy chàng đưa tay lên mũi bà ta thấy rõ ràng là đã ngưng thở, lý nào trên đời lại có người sống mà không cần hô hấp, liền nói:

- Nhưng lúc nãy tiểu sinh...

Lão bà mỉm cười, nói:

- Là vừa rồi ngươi thấy ta đã không còn thở, nên nghĩ là ta đã chết có phải không?

Văn Tôn gật đầu. Bà ta lại nói tiếp:

- Đấy là ta tự phong bế huyệt đạo để trục hết hàn khí ra ngoài, cho nên khi ngươi đưa tay lên thăm dò hơi thở mới không cảm thấy gì.

Văn Tôn vẫn chưa nguôi thắc mắc, hỏi tiếp:

- Lẽ nào bà bà lại có thể nhịn thở lâu đến thế?

Lão bà nói:

- Đúng là tiểu tử ngốc, từ lúc ngươi vào đây thì ta vẫn hô hấp bình thường đấy thôi, chỉ là khi ngươi đưa tay lên thăm dò lại đúng lúc ta ngưng khí để đẩy lùi hàn độc. Trên đời này làm gì có ai nhịn thở lâu như vậy mà còn sống.

Đoạn giơ tay điểm vào huyệt Đản Trung trước ngực Văn Tôn. Bấy giờ chàng mới có thể cử động trở lại, liền chạy ra trước cửa tìm Ô Đình Thiên, nhưng cô ta đã biến đi đâu mất dạng. Văn Tôn thấy tạm thời nàng ta chưa ra tay, trong chốc lát chưa có gì nguy hiểm, vội quay vào trong bàn với lão bà để tìm cách chạy trốn. Chàng thuật sơ qua những chuyện xảy ra trong rừng trúc, rồi hỏi tình hình thế của lão bà, chỉ sợ đi giữa đường lại bị cô ta truy sát thì nguy nan. Lão bà bỗng nhiên cười ha ha, nói:

- Tiểu tử nhà ngươi lại suy nghĩ đi đâu mất rồi, nó là con gái nuôi của ta, lý nào lại ra tay đả thương nghĩa mẫu?

Văn Tôn mặt mày thất sắc, đầu óc bàng hoàng, nghĩ tới nghĩ lui cũng không sao tin được chuyện hoang đường như vậy, một bà lão hiền từ nhân hậu lý nào lại nuôi dạy một ác nhân giết người như ngóe không ra gì thế kia, chàng hỏi lại bà ta:

- Bà bà có nhầm lẫn gì chăng? Không phải chính cô ta là người đã đả thương bà, cho nên mới bị hàn khí thâm nhập vào cơ thể đó sao?

Lão bà chống tay ngồi dậy, lắc đầu nói:

- Hôm đó ta thấy ngươi ngủ say, mới lên núi chặt vài cây trúc, nào ngờ mấy ngày nay thời tiết thay đổi, ta vừa đi tới bờ suối đã nhiễm phải phong hàn. Ôi chao, bà lão này đã già mất rồi, già mất rồi!

Đoạn thở dài, nói tiếp:

- Cũng may là Tiểu Thiên thấy ta đi lâu không trở về mới lên núi tìm kiếm, chứ nếu không e là lúc này ta cũng đã tắt thở thật rồi cũng nên! Nhớ năm xưa Nguyệt Lão Cô này một mình tung hoành dọc ngang nam bắc, đi tới đâu cũng oai phong lẫm lẫm, đánh cho bao kẻ thất kinh khiếp vía, ấy thế mà giờ đây đến lên núi chặt vài cây trúc cũng chẳng đành chẳng đặng. Ôi, ta đã già thật rồi!

Hóa ra người này chính là Nguyệt Lão Cô, hơn mười năm trước đã đến ẩn cư ở ngọn núi này. Năm xưa Nguyệt Lão Cô hành tẩu giang hồ, võ công đã đến mức xuất thần nhập quỷ, khó mà tìm được đối thủ, nhân sĩ võ lâm bại dưới tay bà ta không biết bao nhiêu mà kể. Một hôm bà ta đi đến vùng Diễn Châu, thấy bên con rạch nhỏ có đứa bé nằm bất động, người ngợm chằng chịt vết thương, đôi giày dưới chân đã gần như nát tươm, mấy đầu ngón chân đều rướm máu, chính là Ô Đình Thiên khi còn bé. Bà ta y lý cũng tinh thông chẳng kém gì võ công, liền ra tay cứu chữa. Thấy Ô Đình Thiên một mình côi cút, không nơi nương tựa, thân phận thật đáng thương mới dẫn theo bên mình, từ đó hai người một già một trẻ ngao du khắp nơi. Bà ta vốn chẳng ai thân thích, từ khi có cô bé Ô Đình Thiên bên cạnh thì lấy làm vui thích, đâm ra chán ngán cảnh chém giết loạn lạc trên giang hồ, hai người lại lui về chốn núi rừng này ẩn cư. Ô Đình Thiên ngoan ngoãn hiếu kính, tư chất thông minh, Nguyệt Lão Cô càng ngày càng yêu thương nàng, nhận làm con nuôi, sau lại đem hết gia số võ công cả đời truyền thụ lại cho đứa nghĩa nữ này. Nguyệt Lão Cô giữa lúc danh vang bốn bể, uy chấn thiên hạ lại đột nhiên mất tung mất tích, ai nấy trên giang hồ đều mừng thầm, nghĩ thiên hạ từ nay sóng yên gió lặng. Ngờ đâu chỉ vài năm sau đó, bỗng dưng trong võ lâm lại xuất hiện một nữ nhân biết sử dụng Huyết Tích Liên Chưởng gây kinh hãi khắp nơi, thế nhưng người này hành tung bí ẩn, chẳng mấy khi để lại hình tích, thành thử không một ai biết được chút gì dù là dung mạo hay niên kỷ của nàng ta. Nàng mỗi khi ra tay giết người luôn dùng một tấm vải thưa che mặt, sau đó để lại bên cạnh thi thể của nạn nhân một nụ hoàng liên tím biếc, thủ pháp mau lẹ chẳng khác gì thần quỷ, từ đó người ta đặt cho nàng một cái tên gọi là Hoàng Liên Tiên Tử, cũng chính là cô bé Ô Đình Thiên năm xưa.

Văn Tôn càng nghe càng kinh hãi, cái tên Nguyệt Lão Cô hôm đó chỉ vừa được nhắc đến đã khiến biết bao nhiêu con người trong Hỷ Lạc lâu kinh hồn táng đởm, hóa ra lại là một bà lão hiền từ nhân hậu như thế này. Tuy nhiên chàng vẫn chưa quên những chuyện vừa xảy ra, nghĩ lại thì cô nương kia diện mạo cũng có khác gì thần tiên giáng thế, vậy mà trong bụng chỉ toàn là mưu mô quỷ quái, tốt nhất nên đề phòng thì hơn. Chàng không tỏ ra sợ hãi, song cũng có úy kị mấy phần, hỏi:

- Nếu cô nương đó quả thật là nghĩa nữ của tiền bối, chẳng hay những việc xấu của cô ta tiền bối có biết rõ hay không?

Nguyệt Lão Cô nhìn chàng, ánh mắt như dò xét, nói:

- Tiểu Thiên từ nhỏ mồ côi cha mẹ, lênh đênh cô khổ, những vẫn là một đứa trẻ ngoan, mấy năm nay cùng ta chung sống ở núi Nam Sơn này đã làm biết bao nhiêu việc thiện, cứu biết bao nhiêu mạng người. Tiểu tử ngươi lại đi nói nhăng nói cuội, coi chừng ta cắt cái lưỡi của nhà ngươi đó!

Văn Tôn nghe bà ta dọa dẫm nhưng không hề hoảng loạn, liền đem chuyện ở lâu Hỷ Lạc thuật lại đầu đuôi. Nguyệt Lão Cô nghe xong bỗng phá lên cười thích thú, nói:

- Đáng, giết đáng lắm! Cái tên cẩu tặc họ Nhạc đó chết như vậy là quá nhẹ nhàng cho hắn rồi, nếu không phải ta đã rửa tay quy ẩn, không chừng hắn còn phải chết thảm hơn thế gấp mấy thế gấp mấy lần.

Văn Tôn buồn bã, trong lòng thất vọng, những tưởng bà ta là một người hiền lương nhân hậu, hóa ra cũng là phường tác ác đa đoan, cá mè một lứa cả thôi, so với cô nương kia có khi còn hung ác hơn nhiều. Nghe Nguyệt Lão Cô lại nói:

- Tiểu tử, ngươi đang nghĩ cả hai mẹ con ta đều là hạng sát nhân như ngóe, tàn ác vô tỉ có phải không? Thế ngươi có biết tên chó má họ Nhạc đó là loại như thế nào hay không?

Văn Tôn lắc đầu. Trong lòng chàng thầm nghĩ: "Dù ông ta có gây nên lỗi lầm gì thì cũng còn quốc pháp nghiêm trị, còn quan phủ xét xử, đâu đến lượt hai mẹ con các người lộng hành". Nguyệt Lão Cô nói:

- Hắn cưới thê tử thì phải một lòng một dạ đối với nàng ta, lý nào lại ra ngoài ba lăng nhăng, cưới thêm ba người nữa. đã vậy hắn còn chưa hài lòng, gặp khuê nữ nhà lành lại buông lời ong bướm, như vậy có khác gì súc sinh?

Đoạn gằng giọng nói tiếp:

- Hắn có năm đứa con cả thảy, nhưng chẳng chăm lo cho đứa nào, bỏ mạc cho thê thiếp nuôi nấng. Suốt ngày đàn đúm rượu chè, say về thì đánh đập vợ con, người thiếp thứ ba của hắn cũng vì không chịu đựng nổi nên treo cổ tự vẫn, giết chết cả đứa trẻ đang mang trong bụng, một xác hai mạng, bấy nhiêu đó đã đáng chết hay chưa?

Nói đến đây thì cơn giận bùng lên, ho sù sụ. Văn Tôn không ngờ trên đời còn có hạng người như vậy, thầm nghĩ những chuyện như thế này đến quan phủ cũng không sao can thiệp, gã họ Nhạc kia chết cũng đáng kiếp. Chàng bước tới đỡ Nguyệt Lão Cô nằm xuống, nói:

- Tiểu sinh thật là hồ đồ, mong bà bà bớt giận!

Nguyệt Lão Cô mặt đã dịu đi, nói khe khẽ:

- Thế sự đa đoan, nhân tâm hiểm trá, con từ giờ phải hết sức cẩn thận, người tốt kẻ xấu không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá. Con đi tìm Tiểu Thiên về đây cho ta, ta có vài chuyện dặn dò.

Văn Tôn tần ngần không muốn đi, tuy chàng đã biết nàng không phải giết người vô cớ, nhưng nghĩ người này xảo kế có thừa, nhỡ may lại bày ra trò gì hãm hại mình thì biết làm sao? Nguyệt Lão Cô thấy chàng cứ đứng ngẩn ngơ, liền mắng:

- Tiểu tử ngốc, ngươi nói muốn làm trâu làm ngựa để báo đáp cho ta, bây giờ chỉ mỗi một việc cỏn con ta nhờ mà ngươi cũng không muốn làm hay sao?

Văn Tôn bèn đem chuyện bị nàng ta cho ăn bánh bao với canh gà có kịch độc kể lại. Chàng từ đầu đã không định nói ra, lúc chạy tới đây chàng chỉ một lòng lo cho an nguy của Nguyệt Lão Cô, sau đó thấy bà ta còn sống thì muốn đưa bà ta chạy trốn, đâu còn nhớ gì đến chuyện bị trúng độc. Hơn nữa muốn tháo chuông phải tìm người buộc chuông, muốn giải độc phải kiếm người hạ độc, chàng thấy Nguyệt Lão Cô sức khỏe hom hem, cũng không muốn phiền đến bà ta. Theo như những gì chàng biết, độc dược có muôn vàn cách pha chế, không biết được thành phần độc tố thì làm sao điều chế giải dược. Nguyệt Lão Cô tuy là y thuật cao minh, song không phải là người hạ độc, e là lực bất tòng tâm mà thôi. Chàng đâu biết được bà ta vốn là nghĩa mẫu của Ô Đình Thiên, chỉ cần bà ta mở miệng đòi, lý nào nàng ấy lại không giao ra thuốc giải.

Nguyệt Lão Cô nghe xong liền nói:

- Gọi ngươi là tiểu tử ngốc quả chẳng sai, võ công của nó ra làm sao? Muốn giết ngươi có cần phải lao tâm khổ tứ hạ độc như vậy hay không? Hơn nữa bánh bao với canh gà đấy ta cũng có ăn, lẽ nào nó muốn lấy mạng cả ta? Mấy hôm ngươi nằm đây như cái xác chết trôi, nếu không có nó săn sóc, một mình ta cũng khổ cực biết mấy. Mau đi tìm nó về đây đi!

Văn Tôn "A" lên một tiếng như hiểu ra, vội chạy ra ngoài. Đêm đó Ô Đình Thiên đánh Văn Tôn một chưởng vốn chỉ muốn hù dọa nên chỉ sử có hai thành công lực, nào ngờ tên thư sinh yếu ớt lại lăn đùng ra ngất xỉu. Nàng bỏ đi được một đoạn, quay lại nhìn thì thấy y vẫn bất động, không nỡ để y mất mạng bèn khiêng lên trên núi nhờ nghĩa mẫu chữa trị. Nàng nghĩ ra tay đả thương người khác rồi lại có lòng cứu giúp, chẳng phải kỳ quặc lắm hay sao, người khác biết được thể nào cũng chê cười, nên nhờ Nguyệt Lão Cô dấu việc mình mang Văn Tôn lên đây không cho y biết. Nào ngờ Văn Tôn vì đấy mà tưởng nàng gia hại Nguyệt Lão Cô, năm lần bảy lượt mắng nàng là yêu nữ, sẵn tính trẻ con, nàng dỗi lên hù dọa y một phen cho bỏ tức.

Văn Tôn nhằm hướng khu rừng trúc đi tìm, chàng vừa đi vừa nghĩ: "Là ta mạo phạm nàng ấy trước, nàng ấy có trị tội cũng chẳng trách. Nàng ấy bỏ công chăm sóc ta, thế mà ta lại lấy oán báo ơn, hết lần này đến lần khác nhục mạ nàng, tội này chẳng biết bỏ đâu cho hết. Ôi, Văn Tôn ơi là Văn Tôn, mi thật có mắt như mù, phải tìm nàng để tạ lỗi, nàng có muốn đánh muốn xẻo cũng không được oán trách". Chàng chạy một mạch đến trước tòa vọng lâu, thế nhưng nào có thấy Ô Đình Thiên. Chàng đi quanh quẩn một hồi, nhớ lại lúc đó nàng ấy chửi mình là "dâm tặc" thì không sao hiểu được, bây giờ bình tâm nghĩ lại mới biết là mình vô lễ, trong lúc nóng giận đã ôm chầm lấy cơ thể nữ nhân xinh đẹp kia, trong lòng vừa bồn chồn xao xuyến, vừa xấu hổ tự trách. Bỗng có tiếng tiêu ngân lên trong đêm tối, là giai điệu của bài dân ca miên nam mà Ô Đình Thiên đã thổi vào hôm trước, nghe thật gần, thật rõ. Văn Tôn rảo bước đi tìm, chỉ nghe thanh âm sầu não ấy vẫn văng vẳng bên tai, song người thiếu nữ diễm lệ kia tuyệt nhiên chẳng thấy đâu. Thì ra chỉ là tiếng tiêu từ đằng xa hòa vào làn gió truyền đến đây, Văn Tôn biết nàng không muốn gặp mình, lòng buồn rười rượi, vào ngồi trong tòa vọng lâu một hồi lâu, sau cùng thiếp đi lúc nào cũng không hay.

Mặt trời đã lên quá đỉnh đầu Văn Tôn mới lò mò tỉnh dậy, mấy hôm nay chàng mệt mỏi nên ngủ một giấc thật ngon. Nhớ đến phải tới Bắc Giang tìm Triệu Hùng, chàng vội vã quay lại căn nhà trúc từ biệt Nguyệt Lão Cô rồi lên đường. Chàng vào nhà nhưng chẳng thấy Nguyệt Lão Cô đâu cả, bèn lấy giấy bút trong tay nải để lại mấy dòng chữ rồi đi nhanh xuống núi.

Nam Sơn chỉ là một ngọn núi nhỏ nằm giữa vùng đồng bằng Khoái Châu, sơn đạo thoai thoải, chỉ hơn nửa canh giờ Văn Tôn đã đến được lưng chừng núi, chàng tranh thủ ngồi xuống một gốc cây nghĩ mệt. Bên rìa núi là một hồ nước mênh mông, nước xanh biên biếc, từ trên cao nhìn xuống thấy sóng gợn nhấp nhô, dưới ánh mặt trời giống như có muôn vàn con hoàng xà lăn tăn uốn lượn. Bên dưới chỗ chàng ngồi là một dãy đá xanh với đủ hình thù kì quái, có tảng trông như một bà già đang vươn tay lên chộp lấy bầu trời, có tảng thì như một đứa trẻ đang ngồi bó gối khổ sở, mấy con sóng liên miên tạt vào làm bọt tung trắng xóa. Trên ngọn cây có mấy con chim đang mổ những trái nhỏ hình tròn, nhìn ngon lành chẳng kém gì quả táo trong rừng. Văn Tôn liền leo lên chỗ mấy con chim đang đậu, thò tay hái mấy quả xem thử, thì ra là loại sung rừng. Chàng biết loại này không có độc nên có thể ăn được, bèn hái vài quả để lúc đi đường có cái mà dằn bụng. Thế nhưng ở chỗ này chỉ toàn những quả non, vừa đắng vừa chát, còn những quả chín lại mọc tít ngoài xa. Sườn núi bên dưới lởm chởm sỏi đá, rơi xuống tuy không vỡ đầu nhưng chẳng may cứ theo chiều nghiêng mà lăn xuống thể nào cũng bị đâm vào da thịt, hoặc va vào mấy tẳng đá xanh ở dưới bờ hồ thì nguy to, Văn Tôn cẩn thận tìm một nhành thật lớn mà nằm lên, với tay ra hái mấy quả sung đã chín mọng ở đầu cành. Cây sung này thật lớn, cao chưa tới hai trượng nhưng thân cây phải hơn một sải tay, cành mà Văn Tôn nằm lên cũng to bằng bắp chân đàn ông. Tuy vậy nhưng gỗ sung lại rất giòn, chẳng mấy khi người ta dùng nó để làm nhà cửa hay bàn ghế, Văn Tôn đâu hiểu biết nhiều về gỗ, cứ nghĩ cành cây này đủ chắc để đỡ lấy cơ thể mình, dè đâu chưa được một chốc đã nghe thấy tiếng "răng rắc", cả người lẫn cây đều lắc lư, cơ hồ như muốn gã lìa. Lúc này chàng muốn quay đầu bò vào cũng không được, bởi chỉ cần một cử động mạnh cũng có thể khiến cành cây rơi xuống ngay lập tức. Những tiếng "răng rắc" phát ra mỗi lúc một nhiều, Văn Tôn thầm kêu khổ, nếu như rơi xuống mà không bám vào được vật gì, cứ lăn cù cù xuống tới bờ hồ thì cả người có khác gì tấm chăn rách, bị sỏi đá đâm cho nát nhừ. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro