[Hựu Thanh Bất Thanh] Thêm một đời say - thượng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: 佑青不青/Hựu Thanh Bất Thanh @ LOFTER

Lời tác giả: Là mong muốn riêng của tui, muốn cho bọn họ một kết cục bạch đầu giai lão. Mốc lịch sử có thể không được chính xác, xin hãy bỏ quá cho.

Nếu như ok thì mời vô đọc.

Lời dịch giả: AU dân quốc, quân nhân & đào hát, HE :3

Đôi điều về Kinh kịch mà có thể bạn đã biết... Trong Kinh kịch, hay còn được gọi là Kinh hí, đán là vai nữ, nhưng ngày trước vẫn do nam đảm nhận. Đến thời hiện đại thì hoa đán dùng để chỉ diễn viên nữ thành danh, những tên gọi như đại hoa đán, tiểu hoa đán, hay gọi tắt là đại hoa, tiểu hoa... đều từ đây mà ra cả.

Tặng _lingling12_, vì AU dân quốc mà chúng ta đều thích :">

---


1.

Sư Thanh Huyền là một đào hát, diễn vai hoa đán.

Hạ Huyền là một sĩ quan cấp thấp trong Quân đội Quốc dân Trung Hoa.


2.

Sư Thanh Huyền vốn thuộc dòng dõi thế gia, nhưng lại không bao giờ chịu mặc áo quần là lượt. Lúc y mới khoảng sáu, bảy tuổi, y đã nằng nặc nói rằng thích xem kịch, vậy nên nhất định muốn học hí khúc.

Khi đó lão gia và phu nhân Sư gia đã qua đời nhiều năm, huynh trưởng như cha, Sư Vô Độ đương nhiên không cho phép y làm vậy. Nghĩ bụng, Sư gia có căn cơ thâm hậu, là danh môn nổi tiếng gần xa, con hát lại là nghề hạ cửu lưu, [1] làm sao Sư gia có thể chấp nhận nổi một đào hát làm bại hoại gia phong tông tổ?

Không được, vậy không thỏa đáng. Sư Vô Độ lựa lời khuyên bảo, nói rằng thích hí khúc cũng không nhất thiết phải học, chỉ cần Sư Thanh Huyền muốn, Sư Vô Độ có thể lập hẳn cho y một sân khấu trong hậu viện. Mỗi ngày gã đều sẽ mời người đến hát cho y nghe, đâu cần phải tự mình học?

Sư Thanh Huyền vốn chỉ nảy tính trẻ con, muốn đùa với Sư Vô Độ một chút, ai ngờ nghe được lời này liền đùng đùng tức giận. Thích chỉ đơn giản là thích, đã thích cái gì phải tự mình làm, nếu chỉ ngồi xem với nghe sao có thể gọi là thích? Như vậy không tính!

Sư Thanh Huyền nói xong lời này cảm thấy cực kỳ hãnh diện, rất có nhuệ khí, ý chí bừng bừng như vậy thật khiến kẻ khác phải thấy nhiệt huyết sục sôi.

Đáng tiếc, không phải ai cũng là một công tử bột như y. Ngay ngày hôm đó, Sư Vô Độ phạt Sư Thanh Huyền quỳ ở từ đường.


3.

Vị huynh trưởng Sư Vô Độ này thực ra cũng không thay mặt cha mẹ được mấy năm.

Một vài chuyện xưa cũ của Sư gia đột nhiên bị khơi lại, trọng tội giáng xuống, tuy đã có Nam Cung Kiệt báo tin cho trước, nhưng Sư Vô Độ là gia chủ cũng không thoát khỏi can hệ. Toàn bộ lo lắng của gã dồn hết cho Sư Thanh Huyền, liền cầu xin Bùi Minh nghĩ cách tìm một đường sống cho em trai không may mắn của gã.

Sống trên đời này, nếu tìm được hai ba người bạn vào giờ phút tồn vong còn có thể đi theo giúp đỡ mà không bỏ đá xuống giếng, thì cũng coi như đã đáng một đời người.

Ngày đó, tất cả người đi đường đều đổ xô về một hướng, Bùi Minh lại cầm tay Sư Thanh Huyền, chầm chậm đi ngược dòng người như nước.

Đột nhiên có một tiếng súng vang trời. Sư Thanh Huyền lắc lắc cánh tay của Bùi Minh, hỏi, "Chú Bùi, anh trai cháu đâu? Anh ấy đâu rồi?"

Nếu như bình thường, một tiếng 'chú Bùi' này cũng đủ để Sư Thanh Huyền ăn ba cái búng vào đầu. Riêng ngày đó, Bùi Minh chỉ cúi đầu nhìn vào mắt Sư Thanh Huyền, đoạn thở hắt ra mà đáp, "Anh của em ấy à—đã phi thăng làm thần tiên rồi."


4.

Bùi Minh hỏi Sư Thanh Huyền sau này tính làm gì.

Sư Thanh Huyền chẳng hề do dự, miệng hoa khẽ hé, nói, "Cháu muốn đi học hí khúc!"

Y cứ như vậy mà bái sư ở Lê Viên, theo suốt một chặng đường từ vỡ lòng cho đến khi nổi danh, phải chịu bao nhiêu khổ cực chỉ có mình y biết. Những chuyện năm xưa của y, qua lời thêu dệt của chủ gánh hát đã gần như thành một truyền thuyết, vì thế mà y cũng được gán cho vài cái tên. Chung quy vẫn có người vì tôn kính mà gọi y một tiếng 'Sư thiếu gia,' nhưng vì diễn vai hoa đán, nên 'Sư nương nương' là cái tên mà sau lưng y người ta thường hay gọi.


5.

Mỗi lần Sư Thanh Huyền lên hát, ngồi ở hàng đầu luôn là một người mặc quân trang.

Sư Thanh Huyền ngẩng đầu lên liền có thể thấy người kia, mặc dù chưa từng đối mắt, nhưng nhìn nhiều cũng thành quen.

Một lần đang chuẩn bị sau đài, Sư Thanh Huyền bất chợt thầm nghĩ, người luôn ngồi ở ghế đầu kia nhất định rất giống mình, cùng thích Kinh kịch.


6.

Người thanh niên ngồi ở ghế đầu kia tên là Hạ Huyền.

Thật ra hắn vốn không phải người trong quân ngũ, mà ngày trước là một thư sinh. Chẳng qua quốc gia lâm nguy, khiến cho hắn một vài năm trước nảy ra một ý nghĩ thành thực, rằng nếu muốn cứu nước chỉ có thể ném bút tòng quân. Đúng lúc đó, một tiểu đội đi ngang qua, hắn cũng không hỏi xem lòng tin của họ là gì, theo ai lãnh đạo, cứ hồ đồ nhiệt huyết như vậy mà ra trận.

Hạ Huyền nghĩ, dù sao cũng thế cả, trong tay có súng là được. Kẻ địch trước sau đều như một, chỉ cần tòng quân sẽ bảo vệ được đất nước. Vì vậy hắn trở thành một binh nhì trong Quân đội Quốc dân, bẵng đi vài trận chiến, quân hàm tăng mấy bậc, liền được cho phép lui khỏi tiền tuyến.

Hắn cũng coi như thích nghe hát, nhất là nghe vị hoa đán mới nổi Sư nương nương kia. Sư nương nương hát rất ngọt, dáng vẻ cũng yêu kiều, nghe một hai lần đã nghiện, nên những lần biểu diễn sau này hắn đều cố gắng đến nghe.


7.

Nếu đã là người thật lòng thích Kinh kịch, Sư Thanh Huyền đều muốn làm quen.

Song, kẻ trước giờ ngây ngô như y không nghĩ ra cách rào đón nào cho khéo léo, đành phải thành thật nhờ người đưa thư tay cho vị sĩ quan nọ trước giờ biểu diễn, hẹn hắn sau khi hạ màn cùng y đi ăn một bữa cơm.

Tiểu sĩ quan đồng ý.

Tiểu sĩ quan nói với Sư Thanh Huyền, hắn tên là Hạ Huyền.

Bữa ăn kia có mùi vị thế nào, đến giờ Sư Thanh Huyền cũng không còn nhớ nổi. Chỉ là sau này mỗi lần đi biểu diễn, trong lòng Sư Thanh Huyền lại có chút bồn chồn.

Không phải vì hồi hộp, cũng không phải vì không thuộc lời ca. Mà bởi vì một người ngồi ở dưới đài, Sư Thanh Huyền chỉ cần nâng mắt là đã nhìn thấy được.


8.

Từ nhỏ Sư Thanh Huyền đã là một người cố chấp, kể từ lúc đòi anh trai cho đi học hí khúc cho tới bây giờ vẫn luôn cố chấp như vậy.

Đến hiện giờ Sư Thanh Huyền vẫn cho rằng chính mình hồi đó không sai. Thích chỉ đơn giản là thích, mà một khi đã thích điều gì sao có thể nói suông?

Chỉ tiếc rằng y có lòng mà không đủ can đảm.

Y cùng Hạ Huyền dần dần có chút giao tình, nhưng mỗi lần hẹn nhau đều chỉ đi đến những nơi tầm thường, dạo chơi bâng quơ không mục đích.

Một ngày nọ, Hạ Huyền chợt lên tiếng, "Sau này thắng trận, tôi cũng không ở lại trong quân."

"Sao vậy?"

"Tôi không có mong muốn đoạt thiên hạ hay gì cả. Đợi đến khi đuổi hết lũ giặc cướp nước đi rồi, tôi cũng không muốn nhìn cảnh người nhà đấu đá lẫn nhau."

Hạ Huyền lại kể cho Sư Thanh Huyền chuyện hắn nhập ngũ vốn hoang đường thế nào. Sư Thanh Huyền cũng không hề chế nhạo, chỉ cười không nói. Y hay nhân dịp Hạ Huyền không chú ý mà lén ngắm nhìn gương mặt của hắn, cũng không biết tự khi nào đã trỗi lên ý niệm như thế trong đầu, chỉ biết trong một khoảnh khắc ánh mắt chạm nhau, y đã tự nói với mình: có lẽ là hắn, mình thích hắn rồi, có lẽ là vậy đi.

Sư Thanh Huyền cũng không rõ tại sao y lại muốn gắn bó với Hạ Huyền. Thành thực mà nói, người muốn chiêm ngưỡng y rất nhiều, những người mặc quân trang trong rạp hát nhìn đi nhìn lại cũng không ít, nếu thực sự phải tính, Hạ Huyền cũng không có điểm nào quá đặc biệt. Vốn ban đầu y chỉ chiều theo ý thích của mình, sau này lại muốn nhiều hơn, để đến bây giờ, chuyện đã thành thật.

Thời gian quá rộng dài, nhập vai quá lâu cũng có thể trở thành sự thực. Những điều thật thật giả giả kia, đôi khi chính bản thân cũng chẳng thể hiểu rõ.


9.

Sau này Hạ Huyền cũng không còn mặc bộ quân trang bắt mắt của hắn tới đây nghe hát. Thỉnh thoảng hắn sẽ mặc áo dài, còn lại hầu hết sẽ mặc tây trang.

Người trên đài chỉ cần liếc mắt cũng có thể tìm ra hắn, Hạ Huyền cũng không việc gì phải sửa lại điều này. Ngón tay hắn khe khẽ gõ nhịp trên tay ghế dựa, người trên đài vừa cất lời ca, đúng là đang diễn màn "Quý phi say rượu". Vai diễn lần này của Sư Thanh Huyền là Dương Quý phi thất sủng, một thoáng vung tay nghiêng chén cũng giống thần tiên hạ phàm.

"Tặng cho rượu gì đây—"

Một chữ như nổi sóng.

"Rượu thâu đêm."

Sư Thanh Huyền đối diện với Hạ Huyền ở phía xa, cổ tay trở mấy lượt, đưa chiếc quạt ra phía trước, đoạn nâng vành mi, không còn nhìn đến Cao Lực Sĩ đứng ở trên đài, mà toàn bộ ánh mắt đều đặt trên mình Hạ Huyền như muốn chăm chú nhìn hắn.

"Ai cùng các ngươi thâu đêm?"

Vốn là một lời kịch, mà lại như chỉ đang nói cho một người nghe.

Bốn mắt chạm nhau chỉ trong một khoảnh khắc. Sư Thanh Huyền mở quạt, chớp mắt lại trở về vai diễn, trở thành một nàng Quý phi say rượu.

Nhân sinh trong đời—

"Nhân sinh trong đời như mộng xuân."

Chi bằng để chính mình tự tại.


10.

Hạ Huyền và Sư Thanh Huyền tính tình rất hợp nhau, qua lại thường xuyên cũng trở thành thân thuộc.

Về sau, cứ mỗi lần Hạ Huyền đến nghe kịch đều sẽ đợi Sư Thanh Huyền biểu diễn xong, thu xếp mọi thứ chỉnh tề tươm tất mới đi về.

Ngày hôm nay, lúc hạ màn đã khoảng tám, chín giờ, Hạ Huyền đưa Sư Thanh Huyền về nhà như thường lệ, hai người sóng vai đi trong một con hẻm nhỏ. Đã vào cuối thu, trời về đêm nổi gió, Sư Thanh Huyền không chịu được lạnh liền hơi rụt cổ lại.

"Trên sân khấu thì chăm chút như vậy, xuống dưới đây lại ăn mặc như thế này à?"

Sư Thanh Huyền nghe vậy không nói gì, chỉ hơi cắn đầu lưỡi, nghĩ bụng, nếu hắn còn tỏ vẻ quan tâm mình thêm một câu nữa, chắc là mình sẽ theo hắn luôn.

Trong chốc lát, đầu vai y trầm xuống, trong tay áo cũng không còn cảm thấy gió lùa. Là Hạ Huyền đã cởi áo khoác của mình ra choàng cho y.

Đột nhiên Sư Thanh Huyền còn không dám thở mạnh.

Trên người y bỗng nhiên đổ mồ hôi lạnh, hai má nóng rực, hẳn là cũng đã đỏ bừng.

May sao trong hẻm không có đèn, Sư Thanh Huyền thầm nghĩ. Bằng không nhất định chuyện này đã bị hắn phát hiện.


11.

"Đến rồi." Sư Thanh Huyền đột nhiên dừng lại trước một khoảnh sân nhỏ.

Thực ra đây cũng không phải lần đầu tiên Hạ Huyền đưa Sư Thanh Huyền về nhà, nhưng hôm nay Sư Thanh Huyền vẫn không nỡ rời tấm áo của hắn trên vai mình, chần chừ một lát, đoạn hỏi, "Đi vào ngồi một chút nhé?"

Không đợi Hạ Huyền đáp lời, Sư Thanh Huyền liền rảo bước băng qua khoảnh sân. Y nhìn qua trang phục tinh tế của Hạ Huyền, lần đầu tiên cảm thấy cuộc sống của mình thật tạm bợ.

Hạ Huyền nói không sai, Sư Thanh Huyền chỉ tự chăm chút cho bản thân mỗi khi lên sân khấu. Căn phòng này là Bùi Minh cấp cho, thời điểm còn học nghệ thì ăn uống đều ở chỗ sư phụ, nơi này bắt đầu được sử dụng cũng chỉ trong một vài năm trở lại đây. Đợi đến khi y xuất sư, có được chút danh tiếng, thì những góc cạnh tuổi trẻ cũng đã bị bao tháng năm vật lộn sống đời nay đây mai đó mài mòn. Bây giờ đứng trước căn phòng này, cũng không thể cho nó sự chỉn chu của một thiếu gia tuổi thiếu niên.

Bao nhiêu năm qua Sư Thanh Huyền chưa từng nói một câu hối hận, lúc này đáy lòng lại trầm xuống: cái nghề hạ cửu lưu này, liệu có xứng với một sĩ quan cao quý như hắn không? Y nghĩ bụng, mình ít nhiều gì cũng là một quý tộc sa cơ, ít nhất thì huyết thống cũng không có gì đáng xấu hổ...

Ý niệm này vừa nảy ra trong đầu, Sư Thanh Huyền đã bị sự vô liêm sỉ của chính mình dọa sợ, tự mình phải kiềm lại, tuyệt không dám nghĩ tới vế sau.

Hạ Huyền theo Sư Thanh Huyền đi một mạch vào phòng. Sư Thanh Huyền khêu đèn, cởi áo trả lại cho hắn.

Mình ít nhiều gì cũng là một quý tộc sa cơ, ít nhất thì huyết thống cũng không có gì đáng xấu hổ, Hạ Huyền chắc sẽ không coi thường.

Sẽ có chăng? Hay là sẽ không? Y cũng không dám nói.

Y trưởng thành trong nhà hát, cũng không phải không biết đến những thứ mờ ám phía sau cánh gà. Những kẻ thiếu gia có tiền mỗi khi muốn chơi một thứ gì mới mẻ thường sẽ đến nhà hát để tìm.

Mà quá nửa thường sẽ tìm đào hát như Sư Thanh Huyền đây.

Cũng phải thôi, thời điểm sư phụ mới đón y nhập môn đã nói, muốn diễn được tốt vai đán này cần có một loại mị khí, mị hoặc mà không phàm tục—một vẻ đẹp phi nam phi nữ.

Sư Thanh Huyền thực sự rất hối hận.

Y quả thực không còn mặt mũi nào.


12.

Sư Thanh Huyền nổi giận với chính mình, chưa nói được mấy câu đã tiễn Hạ Huyền rời khỏi.

Hạ Huyền liền thấy rất lạ lùng. Rõ ràng chính mình được mời vào, sao tự dưng lại như vừa đóng vai phản diện.

Sư nương nương cũng thật là phiền.


13.

Tòa thành này không có phong cảnh gì đặc biệt, nếu nói là nổi tiếng cũng chỉ có một nơi tên là Khuynh Tửu Đài.

Đây là kiến trúc lưu lại từ thời cổ, áng chừng cũng có hơn một ngàn năm lịch sử, trước nay được ghi lại là đã được gia cố, trùng tu khoảng bốn, năm lần, nếu không cũng chẳng thế vững chãi vượt qua biết bao mưa gió.

Khuynh Tửu Đài này có một truyền thuyết, nói rằng thời vẫn chưa phi thăng, Phong Sư đại nhân đã từng ở nơi này nghiêng chén tưới rượu trừng trị kẻ ác. Sau này lại tu thành chính quả, thăng lên thần tiên đại đạo, vậy nên nơi này liền biến thành chốn thần tiên đã từng vãng lai mà người phàm ai cũng muốn đến. Xưa nay cũng từng có không ít văn nhân mặc khách đã tới đây lưu lại tiếng thơm, nhưng dù sao cũng là chuyện từ rất xưa rồi. Cho đến bây giờ, ngay cả tên tuổi vị thần tiên kia khi còn làm người cũng có một vài dị bản.

Khuynh Tửu Đài là danh thắng một phương như vậy, nên ở bên cạnh người ta cũng xây thêm một tòa miếu Phong Sư không to không nhỏ. Nghe nói dưới vòm trời này, chỉ còn lại duy nhất chỗ này vẫn cung phụng Phong Sư.

Ban đầu người ta đồn rằng Phong Sư quản tài lộ, nhưng từ khi nơi này được coi là thắng cảnh, pho tượng này cũng như đã trở thành vạn năng.

Hạ Huyền vốn muốn cầu hai chiếc bùa bình an, nhưng đạo sĩ thủ miếu lại nói, bùa bình an đã hết từ lâu rồi. Hiện tại chỉ còn khấu bình an, [2] song cả miếu chỉ còn một chiếc, bây giờ tặng lại cho Hạ Huyền, cũng coi như là có duyên.

Bề mặt chiếc khấu bình an kia đã lên một lớp men đục, [3] hẳn là một món đồ cổ. Hạ Huyền không muốn làm khó người ta, liền nói ngày khác sẽ ghé lại. Nhưng đạo sĩ kia lại một mực muốn hắn phải nhận, thịnh tình này khó có thể chối từ, Hạ Huyền đành phải đồng ý.


14.

Ngày hôm sau, Hạ Huyền lại đến xem Sư Thanh Huyền diễn như thường lệ.

Sau khi hạ màn, lần này Hạ Huyền chủ động tìm gặp Sư Thanh Huyền, mới đầu chỉ nói mấy câu qua loa, lần lữa một hồi mới lấy ra được chiếc khấu bình an. "Hôm qua tôi cầu cái này ở miếu Phong Sư, cậu đeo lên đi, phù hộ cho cậu vạn sự như ý."

Sư Thanh Huyền đang lấy khăn mặt ẩm tẩy trang trên mặt, từ trong gương nhìn thấy bàn tay của Hạ Huyền đang duỗi ra, hai má nóng lên, nhưng cũng không nhận, chỉ đùa cợt mà nói, "Phong Sư này không phải là quản tài vận sao, lại còn nói vạn sự như ý? Không sợ ngài ấy mệt chết à."

"Coi như một cái điềm tốt thôi. Cậu có nhận hay không, hay là muốn tôi đeo cho?"

Tuy là một câu hỏi, nhưng Hạ Huyền cũng không đợi người kia trả lời đã tiến lên, khẽ khàng gỡ ra đôi tay Sư Thanh Huyền đang che mặt, nói, "Ngồi yên, đừng động."

Thật ra đây cũng là lần đầu tiên Hạ Huyền làm những chuyện như thế này, ván đã đóng thuyền mới cảm thấy hơi ngại, cũng không biết phải làm sao mới không mạo phạm người ta, đành phải để nguyên đó, sau cùng nói một câu, "Cậu tự buộc vào đi, nhớ mang theo, đừng đánh mất."

Sư Thanh Huyền thấy Hạ Huyền tỏ ra cứng cỏi như vậy đã muốn cười, muốn trêu hắn thêm vài câu, nhưng liếc mắt nhìn vào gương mới nhận ra ban nãy bị Hạ Huyền xen vào như vậy, mặt y vẫn chưa tẩy trang xong. Lúc này trông y còn lem nhem phát sợ, so với Hạ Huyền thì cũng kẻ tám lạng người nửa cân. Nghĩ vậy y liền thôi cười, lại dấp nước khăn mặt trên tay, tiếp tục tẩy trang nốt.

Hạ Huyền đứng sau lưng Sư Thanh Huyền, vừa vặn có thể nhìn mặt gương kia. Trong gương phản chiếu ra hình dáng đôi tay Sư Thanh Huyền trắng thuần như ngọc, xinh đẹp thuần khiết, để cho Hạ Huyền như bị ma xui quỷ khiến muốn tiến lên nắm lấy đôi tay nọ.

Nhưng nghĩ cũng chỉ là nghĩ, hắn không muốn đương lúc tuổi trẻ đã bị mang tiếng ham sắc dục.

Mà nói đi cũng phải nói lại, có ai hát hí khúc mà tay không đẹp? Nhưng chỉ có duy nhất một đôi tay này khiến Hạ Huyền phải động tâm tư.

"Sao vậy?" Vừa lúc tẩy trang xong, Sư Thanh Huyền đang vùi đầu trong khăn mặt bỗng nhiên ngẩng đầu, thấy hình bóng mình trong gương cũng đang chăm chú nhìn lại mình. "Còn có việc gì à?"

"..." Lời này làm Hạ Huyền bừng tỉnh. Hắn quả thực không còn việc gì quan trọng, nhưng cũng không muốn cứ vậy rời đi, đành phải hàm hồ nói, "Đợi cậu đó, mình cùng đi ăn đi."

-tbc-


Chú thích:

[1] Hạ cửu lưu: chín tầng lớp dưới. Thời xưa phân biệt giai tầng theo chín dòng, trong chín dòng lại chia ra thượng cửu lưu, trung cửu lưu, hạ cửu lưu. Những nghề nghiệp nào được liệt vào hạng nào đều có sự thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng trong thời Thanh triều – dân quốc thì hạ cửu lưu bao gồm: kỹ nữ, môi giới mại dâm, đào hát, nhạc công, ảo thuật gia, diễn viên xiếc, thợ cắt tóc, kẻ cắp, kẻ bán thuốc phiện.

[2] Khấu bình an: khấu là chiếc móc, dạng như ngọc bội để đeo bên người. Khấu bình an là ngọc bội cầu bình an.

[3] Men đục: nguyên văn là 'bao tương,' còn được biết đến với tên 'quang trạch,' chỉ hiện tượng đồ vật để lâu ngày sẽ xuất hiện một lớp vỏ đục màu, không phải do bụi bẩn mà là do chất liệu đồ vật bị ô-xi hóa. Lâu ngày nó trở thành dấu hiệu để nhận biết đồ cổ, vì đồ càng cổ thì men đục càng rõ ràng.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro