Tố Hữu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tố Hữu, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành. Ông sinh năm 1920, mất năm 2002. Quê ở Thừa Thiên, Huế.

Ông giác ngộ cách mạng từ rất sớm, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 tại Huế.

Ở ông có sự thống nhất giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ, được coi là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến.

Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

_______________________________________

NGƯỜI CON GÁI VIỆT NAM
(7.12.1958)

Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây hay là mây là suối
Đôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm giông
Thịt da em hay là sắt là đồng?

Cho tôi hôn bàn chân em lạnh ngắt
Cho tôi nâng bàn tay em nắm chặt
Ôi bàn tay như đôi lá còn xanh
Trên mình em đau đớn cả thân cành!

Tỉnh lại em ơi, qua rồi cơn ác mộng
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung
Không giết được em, người con gái anh hùng!

Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại
Còn một giọt máu tươi còn đập mãi
Không phải cho em. Cho Lẽ phải trên đời
Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!

Từ cõi chết, em trở về, chói lọi
Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi
Em trở về, người con gái quang vinh
Cả Nước ôm em, khúc ruột của mình.

Em đã sống, bởi vì em đã thắng
Cả Nước bên em, quanh giường nệm trắng
Hát cho em nghe như tiếng mẹ ngày xưa
Sông Thu Bồn giọng hát đò đưa...

Cả Nước cho em, cho em tất cả
Máu tiếp máu, cho lại hồng đôi má
Cho mái tóc em xanh lại ngày xuân
Cho thịt da em lại nở trắng ngần!

Em sẽ đứng trên đôi chân tuổi trẻ
Đôi gót đỏ lại trở về quê mẹ
Em sẽ đi, trên đường ấy thênh thang
Như những ngày xưa, rực rỡ sao vàng!

Ôi đôi mắt của em nhìn, rất đẹp
Hãy sáng mãi niềm tin tươi ánh thép
Như quê em gò nổi Kỳ Lam
Hỡi em, người con gái Việt Nam!

_______________________________________

VIỆT NAM, MÁU VÀ HOA
(28.1.1973)

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ

Đây cuộc hồi sinh, buổi hoá thân
Mùa đông thế kỷ chuyển sang xuân
Ôi Việt Nam! Từ trong biển máu
Người vươn lên, như một thiên thần!

Thế này chăng? Thuở xưa hoang dã
Chàng Sơn Tinh thắng giặc Thuỷ Tinh
Càng dâng nước, càng cao ngọn núi
Chân Trường Sơn đạp sóng Thái Bình.

Chúng muốn đốt ta thành tro bụi
Ta hoá vàng nhân phẩm, lương tâm
Chúng muốn ta bán mình ô nhục
Ta làm sen thơm ngát giữa đầm.

Ta sẵn sàng xé trái tim ta
Cho Tổ quốc, và cho Tất cả
Lá cờ này là máu là da
Của ta, của con người, vô giá.

Trắng khăn tang, em chẳng khóc đâu
Hỡi em gái mất cha mất mẹ
Nước mắt rơi, làm nhoà mặt quân thù
Em phải bắn, trúng đầu giặc Mỹ.

Tình thương lớn, mạnh hơn lửa thép
Trận địa đây xây giữa lòng người
Dầu mưa nắng, trái đất tròn vẫn đẹp
Đời yêu ta, ta phải thắng cho Đời.

*

Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh!
Đã đến buổi cuối cùng phán quyết:
Trả về ta đất rộng trời xanh
Cho bay, những hố bom làm huyệt.

Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi
Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô
Cả bốn biển hoan hô Hà Nội
Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ.

Ngọc Hà em! Lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp miền Nam, miền Bắc
Chắc Bác Hồ vui, xin kính dâng Người
Và tặng cả anh em cùng ta đánh giặc.

Không nỗi đau nào của riêng ai
Của chung nhân loại chiến công này,
Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau, thắm những ngày?

*

Chưa dễ lành đâu, những vết thương
Nửa mình còn nhức, hỡi quê hương!
Song mùa vui đã mang xuân tới
Đã tắt hôm nay lửa chiến trường.

Rừng núi đã xanh màu giải phóng
Hãy trào lên, ơi sóng Cửu Long
Quét phăng những rác bùn ứ đọng
Những thép gai ngăn mặt, cắt lòng.

Ta lại về ta, những đứa con
Máu hoà trong máu, đỏ như son
Sài Gòn ơi, Huế ơi! Xin đợi
Tái hợp, huy hoàng, cả Nước non!

_______________________________________

BẦM ƠI
(1948)

Ai về thăm mẹ quê ta
Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...

Bầm ơi có rét không bầm?
Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn
Bầm ra ruộng cấy bầm run
Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non
Mạ non bầm cấy mấy đon
Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.
Mưa phùn ướt áo tứ thân
Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều
Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!
Con đi trăm núi ngàn khe
Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm
Con đi đánh giặc mười năm
Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

Con ra tiền tuyến xa xôi
Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.
Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé
Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân.
Con đi xa cũng như gần
Anh em đồng chí quây quần là con
Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí
Bầm quý con, bầm quý anh em.

Bầm ơi, liền khúc ruột mềm
Có con có mẹ, còn thêm đồng bào
Con đi mỗi bước gian lao
Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm!
Bao bà cụ từ tâm như mẹ
Yêu quý con như đẻ con ra
Cho con nào áo nào quà
Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi.

Con đi, con lớn lên rồi
Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con!
Nhớ con, bầm nhé đừng buồn
Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm.

Mẹ già tóc bạc hoa râm
Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con...

_______________________________________

SÁNG MỒNG HAI THÁNG CHÍN

Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình
Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!

Người đứng trên đài, lặng phút giây
Trông đàn con đó, vẫy hai tay
Cao cao vầng trán... ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây!

_______________________________________

LÃO ĐẦY TỚ
(6.1938)

Lão trương hai bàn tay
Nhìn tôi và trắng trợn:
“Tôi không hay đùa bỡn,
Làm việc quá trâu cày

Đến già, còn bửa củi
Gánh nước, cuốc vườn cau
Đất bụi lấm đầy đầu
Mà chủ còn hắt hủi!

Như cái kiếp ăn mày
Ngồi ăn trong góc xó
Buồn thiu như con chó
Áo rách chẳng ai may

Quần rách giơ tuốt cả!
Lạnh thì nằm chòng queo
Trơ trụi như con mèo
Không có vài tấm rạ!”

Tôi riết chặt bàn tay
Của lão: “Bao nhiêu nỗi
Đau buồn và tức tối
Sẽ tan biến ngày mai...

Ông đã nghe ai nói
Có một xứ mênh mông
Nửa tây và nửa đông
Mạnh giầu riêng một cõi?

Nơi không vua, không quan
Không hạng người ô uế
Không hạng người nô lệ
Sống đau xót, lầm than.

Nơi tiêu diệt lòng tham
Không riêng ai của cải
Hàng triệu người thân ái
Cùng chung sức nhau làm

Để cùng nhau vui sướng
Ai già nua tật nguyền
Thì cứ việc ngồi yên
Đã sẵn tiền nuôi dưỡng”.

Lão ngơ ngác nhìn tôi
Rối rít: “Ồ hay nhỉ!
Ai già nua được nghỉ
Cũng no ấm trọn đời?

Ai cũng có nhà cửa
Cũng sung sướng bằng nhau?
Đã không ai đè đầu
Làm chi có đầy tớ?

Cậu bảo: Cũng không xa?
- Nước Nga?
- Ờ nước ấy.”
Và há mồm khoan khoái
Lão ngồi mơ nước Nga...

_______________________________________

VÚ EM
(5.1938)

Nàng gửi con về nương xóm cũ
Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi
Rồi từ hôm ấy, ôm con chủ
Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi

Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn.
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên nàng tiếng đã khan!

Rồi từ hôm ấy, dưới đêm sâu
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Tìm nghe trong gió tiếng con đâu

Gió vẫn vô tình lơ đãng bay
Những tàu cau yếu sẽ lung lay
Xạc xào động cánh đau lòng mẹ
Nghe tiếng lòng con vẳng tới đây!

Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay...
Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi
Số phận hay do chế độ này?

_______________________________________

HAI CÁI CHẾT

Thôi đã hết ngượng ngùng và bỡ ngỡ
Ôi dịu dàng, êm ấm, phút tình thân!
Làn môi khô sẽ mấp máy đôi lần,
Lão đau đớn trông tôi mà nức nở:

Anh có hiểu cô đơn là nỗi khổ
Của lòng tôi? Thất thểu giữa muôn người
Vẫn thấy mình trơ trọi; muốn tìm nơi
Đầy nắng rát, vẫn còn nghe tái lạnh!

Mùa thu trước, hai tay gầy mỏng mảnh
Còn dắt bồng hai đứa cháu mồ côi,
Tôi buồn lo ngày chẳng đủ cơm nuôi,
Và dại nghĩ: “Thà “xong” đi một đứa!”

Thì ra… thật! Non ngày, con khát sữa,
Chết chiều mai. Tôi không khóc lại mừng:
Chính đời tôi đã giết chết tình thương
Mà khốn khổ vẫn đoạ đày xác héo

Ôi lạt lẽo là những ngày lạnh lẽo!
Mùa đông sang, băng giá cả lòng ai…
Tôi bảo thầm: “Không nhẽ chết chùm hai”,
Và vui nguyện về mồ cho cháu sống.
Nó chẳng sống! Ngày hôm sau, trước cổng…
Một lầu cao, nó chết trong lòng tôi
Giữa “tình thương” lưu luyến của… đàn ruồi!

Rồi từ đấy, một mình, tôi mới biết
Cái đáng buồn, đáng sợ nhất: cô đơn!
Và đây anh, cả một khối căm hờn
Mà tôi đã vun vì hai cái chết!

_______________________________________

HỎI CỤ NGÁO
(1938)

Nghe nói ngày xưa lão chặt đầu
Đầu xanh đầu bạc, tội gì đâu?
Sao không chặt hết đầu bao đứa,
Mũ mão rồng bay, áo phượng chầu?

Nay lão vác tròng đi thịt chó
Chó vàng chó mực, tội gì đâu?
Sao không thịt hết bao con đó
Liếm gót giầy Tây, béo mượt đầu?

_______________________________________

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CHẾT
(Thu-1938)

Kính tặng anh Nguyễn Chí Diểu

Anh với tôi giữa bốn tường vôi lạnh
Lặng nhìn nhau, lựa phải nói năng chi!
Anh nghe thu rứt lá gọi đời đi
Tôi thấy cả một mùa xuân bước lại.
Anh là một thuỷ thủ già vững lái
Tôi, bên anh là bạn mới cầm chèo
Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu
Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng!

Thuyền anh đã bao lần theo ngọn sóng
Trôi điêu linh trên vực mặn không cùng
Cánh buồm xưa kiêu hãnh gạt cuồng phong
Nay tơi tả rủ dòng trên cột lỏng
Và mạn ván miên man theo nhịp sóng

Chiều hôm nay giông tố giạt vô bờ
Chiều hôm nay, trên bãi đá chơ vơ
Tôi đứng ngó thuyền anh trơ xác chết
Ôi trong đó biết bao ngày oanh liệt!

Chết hay không, nhân loại, những linh hồn
Đã từng đau khổ lắm, đã tiêu non
Tất cả máu của một thời trai trẻ
Để đem lại cho Người ngày mới mẻ?
Không! Không! Không! Anh không chết. Trong tôi
Ý đời anh đã nẩy lộc đâm chồi
Trong cân não của một loài cơ cực
Anh đương sống với bao nhiêu sinh lực
Của thân cây đương buổi nhựa lên cành!

Kim nam châm đã hướng dẫn đời anh
Tôi sẵn có trong tay từ thuở ấy
Đường đi đó, nhổ sào lên, tôi lái
Chiếc thuyền tôi vui lướt giữa muôn thuyền
Nào cần chi biển rộng dẫu bình yên
Hay ghê gớm nổi cồn cao sóng dữ
Tôi cứ lái cho tới ngày mệt lử
Một chiều kia, dù lại cũng như anh
Trở về đây trong mạn ván tan lành

Giữa lúc những thuyền kia lướt tới.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tho