THỜI ĐẠI KẾT HÔN MỚI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tiếp theo dạng truyện Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu nè cả nhà nhưng là một góc nhìn nhẹ nhàng hơn, về trái đắng và trái ngọt trong cuộc sống hôn nhân.

Cố Tiểu Tây, hai mươi tư tuổi, đã kết hôn. Chồng Tây, Hà Kiến Quốc, nghiên cứu sinh khoa công nghệ thông tin trường đại học Thanh Hoa, hiện là cán bộ chủ chốt tại một công ty IT có tiếng, lương tháng 120 nghìn tệ, đã trừ thuế.

Ngoại hình cũng được, thậm chí có thể coi là đẹp trai. Có lần trên đường Quốc bị một cô gái chặn lại xin chữ ký và khăng khăng gọi là Bae Yong Jun. Trở về nhà Quốc liền hỏi Tiểu Tây xem Bae Yong Jun là ai, Tiểu Tây trả lời rằng đó là một diễn viên đóng vai nông dân rất xuất sắc. Kiến Quốc biết rõ Tây đang nói đùa nhưng chẳng biết phải làm gì bởi Quốc vốn không hề xem phim truyền hình, bao gồm cả phim Hàn Quốc. Cố Tiểu Tây thì vô cùng thích diễn xuất của Bae Yong Jun. Nguyên nhân chính mà Tây thấy thích là vì Bae Yong Jun nhìn rất giống Hà Kiến Quốc.

Thế nhưng vẫn có người cho rằng Cố Tiểu Tây đã "cắm nhầm bãi phân trâu".

Ban đầu, nghe nói vậy Tiểu Tây có phần đắc ý, và cảm thấy mọi người đang quá đề cao mình. Nhưng sau, nghe mãi lại thấy chẳng thuận tẹo nào, cái gì mà phân trâu chứ? Rõ ràng điều kiện của Tây rất tốt, nghĩ xiên đi chút thì câu nói ấy chẳng phải ngụ ý rằng: Kiến Quốc là bãi phân trâu sao.

Hà Kiến Quốc sinh ra ở nông thôn, đó cũng không phải là vùng ven ô như kiểu vành đai Xương Bình, mà là một vùng nông thôn điển hình: một vùng quê nghèo xa xôi. Mẹ Tiểu Tây đã từng dẫn đoàn bác sĩ qua thôn đấy nên bà biết rất rõ tình hình ở đó ra sao. Nhưng những gì mẹ nói dường như quá đao to búa lớn, vì thế với Tiểu Tây tất cả chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi, hơn nữa, lý lẽ Tây đưa ra rất xác đáng: Con lấy Hà Kiến Quốc chứ có lấy cả thôn họ Hà đâu. Cái thôn nghèo khó, xa xôi hẻo lánh, nước nhỏ thành băng, chó ăn đá gà ăn sỏi, không có văn hóa, coi thường phụ nữ, cả nhà đắp chung cái chăn ấy thì liên quan gì đến con chứ? Con cũng chẳng tới đó ở. Tiền con kiếm thì con tiêu, chưa từng nghĩ tới việc dựa dẫm người khác. Nói xong Tây còn phê phán mẹ thêm hai câu: Nghèo thì sao? Nghèo không có tội, có tội là khinh người nghèo. Điều này khiến mẹ tức đến mức hét ầm lên: Cô không muốn tới ở cái nhà nghèo khó đấy, nhưng đã hỏi xem người ta có muốn cô đến ở không chưa? Còn nữa, cô cũng đã hỏi người ta có chào đón cô về ở chưa? Bố mẹ chồng đòi con dâu phải báo hiếu, nếu họ có yêu cầu liệu cô có thể không về đó không? Cô cứ tới đó đi rồi xem còn có thể nói là: Cái thôn nghèo khó, xa xôi hẻo lánh, nước nhỏ thành băng, chó ăn đá gà ăn sỏi, không có văn hóa, coi thường phụ nữ, cả nhà đắp chung cái chăn ấy thì liên quan gì đến cô nữa không? Cô không dựa dẫm vào người khác nhưng người ta yêu cầu cô những gì cô có biết không? Người ta nhịn ăn nhịn mặc, thắt lưng buộc bụng để chu cấp cho con trai ăn học, chẳng lẽ cho không cô một người chồng yêu thương cô, chiều chuộng cô chắc, hai mươi năm nuôi dưỡng người ta cũng cần báo đáp chứ!

Lúc ấy, Cố Tiểu Tây cũng chưa hiểu thế nào gọi là "báo đáp", nhưng cho đến khi biết rồi Tây mới thấy những lời mẹ nói vẫn còn nhẹ nhàng chán. Vậy cái gọi là báo đáp ấy là gì, chính là trách nhiệm mà trả bằng cả cuộc đời cũng chẳng hết mà vẫn không có gì là quá đáng. Kiến Quốc nợ ân tình dưỡng dục, thử hỏi trả bằng gì đây. "Kiến Quốc à, anh con sinh quá tiêu chuẩn phải nộp phạt.", "Kiến Quốc à, mộ của ông cần phải tu sửa.", "Kiến Quốc à, cháu gái con phải đi học.", "Kiến Quốc à, ở quê sửa đường phải góp tiền.", "Kiến Quốc à, con gái thứ tư nhà chú hai tốt nghiệp cao đẳng, con có thể tìm việc cho nó ở Bắc Kinh được không?"... Bất luận là chuyện gì, chỉ cần bố mở miệng là cậu con trai liền "vâng" một tiếng đồng ý ngay, cho dù điều đó có hợp lý hay không, có làm được hay không. Lý do là vì làm con trong nhà có việc Quốc không thể làm ngơ. Lúc này, Tiểu Tây mới hiểu rõ, cái gọi là không khinh nghèo ham giàu, tự lo cuộc sống, tự tay xây nhà chỉ là cách nhìn về "gia đình". Trong quan niệm của Tây, gia đình là nơi của chàng và nàng, hai người cùng nỗ lực, đừng nói là đủ ăn đủ mặc, thậm chí có ngày sẽ được ăn ngon mặc đẹp. Thế nhưng trong quan niệm của Kiến Quốc thì "gia đình" không chỉ có Tây và Quốc, ở đó còn có bố mẹ, có anh trai chị dâu, có các con của anh chị và còn vô số các bậc trưởng bối mà Tiểu Tây chẳng thế nhớ hết đang sinh sống ở vùng nông thôn xa xôi ấy như chú, ông, anh ba, dì sáu... Trước kia, Tiểu Tây đơn giản cho rằng việc gia đình của Quốc nếu giúp được thì giúp, chẳng giúp được thì thôi. Đừng nghĩ rằng thường ngày Quốc đối với Tiểu Tây thế nào cũng xong, nói gì cũng nghe, nhưng chỉ cần sự việc liên quan tới bố là Quốc lập tức như ngồi trên đống lửa của Hà thôn, hơn nữa thái độ lại vô cùng cương quyết.

Chẳng nói đâu xa, ngay dịp tết năm ngoái thôi. Hà Kiến Quốc biết rõ Tiểu Tây đang có thai, nhưng chỉ vì một câu nói của bố, Quốc nằng nặc đòi Tiểu Tây cùng mình về quê ăn tết. Ban đầu, Tiểu Tây nghĩ rằng cứ như năm ngoái dùng mấy lời ngọt nhạt dỗ dành, bỏ ra ít tiền mua quà nịnh mọi người là xong, nào ngờ lần này Kiến Quốc "trở mặt", nhất nhất không thay đổi ý kiến vì mấy "đồng tiền lẻ": "Từ khi lấy nhau đến giờ em đã làm dâu nhà anh lần nào chưa, còn nói được gì nữa không? Gia đình anh thì làm sao? Nghèo hả? Nếu gia đình anh có một căn nhà to, trong đó có đủ vườn hoa bể bơi sân golf, có khi em lại chẳng khóc lóc van xin được về nhà anh ở cũng nên!"

Nghe vậy, Tiểu Tây mặt lạnh như tiền điên tiết quát lại: "Anh Quốc à, thôi xin anh? Vậy cho em cái cơ hội được khóc lóc van xin về nhà anh đi!"

Bình thường, nghe Tiểu Tây nói vậy, Kiến Quốc chỉ cười một tiếng ha ha rồi thôi, nhưng lần này mọi chuyện không kết thúc đơn giản như vậy, họ vẫn lời qua tiếng lại với nhau không ngừng: "Ừ thì gia đình anh nghèo, nhưng chẳng nhẽ người nghèo không có quyền yêu cầu con dâu cùng về quê ăn tết hả? Tiểu Tây, em quá đáng rồi đấy, chẳng nhẽ người nghèo thì không được ăn tết hả? Người nghèo thì ăn tết phải lẳng lặng hả?"

Đương nhiên Tiểu Tây không thể phủ nhận quyền gặp con dâu vào dịp tết của người nghèo như vậy, vì thế Tây vẫn phải dùng cái điệp khúc mà năm nào cũng xảy ra ấy là rất khó mua được vé tàu, hơn nữa người dân lao động dịp này về quê nhiều, chen chúc nhau nhỡ may sảy thai thì biết làm sao? Nghe vậy, Kiến Quốc cười khẩy đáp: "Chỉ cần em đồng ý về quê ăn tết với anh, chẳng có khó khăn nào là không thể khắc phục được." Hôm sau tan làm về, khi nhìn thấy chiếc ô tô Cherokee đời cũ Quốc thuê ở đâu về, Tiểu Tây hiểu rằng mọi chuyện thế là xong: Hà Kiến Quốc lần này không những hoàn thành nhiệm vụ bố giao là đưa con dâu về quê ăn tết, mà còn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ bố giao - áo gấm về quê. Thuê xe về quê nghe có vẻ như là vì Tiểu Tây, nhưng kỳ thực là vì thể diện của bố: họ hàng đều đến xem, kháo nhau rằng con trai thứ hai nhà họ Hà lái xe con đưa con dâu Bắc Kinh về quê!

Suốt trên chặng đường đi hai ngày ấy, điều duy nhất mà Kiến Quốc và Tiểu Tây nói với nhau là: "Mình sẽ về ở nhà ba ngày, thôn họ Hà không phải nơi có thể ở được, vì thế ba ngày ấy em cần phải nhịn. Em đi đâu cũng đừng có khinh nọ bỉu kia, em phải giữ thể diện cho anh nữa." Tiểu Tây đồng ý. Trong lòng thiết nghĩ, chỉ có ba ngày thôi xảy ra chuyện gì được chứ? Ba ngày có thể chết người chắc? Nhưng kết quả thì đúng là chết người, đứa con trong bụng Tiểu Tây bị sảy: trên đường về, xe bị sụt ổ gà, xung quanh đồng không mông quạnh, đến một bóng người cũng chẳng có, Tiểu Tây thì không biết lái xe, vì thế đành để Quốc ngồi trên xe chỉnh vô lăng còn mình xuống đẩy xe. Gió rét như cắt da cắt thịt, tay Tây như dính chặt vào ô tô và lập tức bị đóng băng. Tây dùng ngực hết sức đẩy, nước mắt nước mũi giàn giụa mà chiếc xe vẫn chẳng nhúc nhích. May sao lát sau có chiếc xe kéo giúp họ kéo chiếc xe lên, nếu không tối đó họ sẽ phải "qua đêm ngoài đường". Đêm đó, cơ thể Tiểu Tây xảy ra bất thường nên vội quay về Bắc Kinh để kiểm tra, kết quả là Tây bị sảy thai.

Đương nhiên, việc sảy thai này không phải chỉ vì Tây phải đẩy xe, có thể đẩy xe chỉ là nguyên nhân cuối cùng cho sự việc đáng tiếc ấy, tết năm ấy đối với Tiểu Tây có thể dùng mấy chữ "Thứ nhất không sợ khổ, thứ hai không sợ chết" để hình dung. Những gì Tiểu Tây trải qua thật đầy hoang tưởng, rõ ràng đang mang thai, là nòi giống của họ Hà, thôi thì không cần người khác phục vụ, nhưng có thể không phải phục vụ người khác không? Tây biết rằng, dâu con ở thôn họ Hà này đều phải phục vụ già trẻ gái trai - nhưng... - cứ nhìn chị dâu của Kiến Quốc là biết những suy nghĩ ấy của Tiểu Tây chỉ là hão huyền mà thôi. Chị dâu của Kiến Quốc đều nhanh chóng sinh con, phụ nữ mang thai ở cái thôn họ Hà này mà nói là chuyện rất bình thường. Với tình hình như vậy, Tiểu Tây có thể không động tay động chân làm gì đó sao? Suốt chặng đường Kiến Quốc chỉ dặn Tiểu Tây phải giữ thể diện cho Quốc. Mà không làm việc cùng mọi người là không giữ thể diện cho Quốc rồi. Thực ra mà nói, gia đình Kiến Quốc cũng rất chăm sóc Tiểu Tây, chị dâu nấu cơm Tây chỉ phải đứng bên làm những việc phụ vặt; chị dâu toàn phải làm việc nặng nhọc còn Tây chỉ gọi là động tay một chút như nhặt rau, rửa rau, ăn xong thì thu dọn rửa bát đĩa. Có điều nước ở đó thì rất lạnh, à không, không phải là lạnh mà là buốt, buốt vào tận xương tận thịt! Thế nhưng Tiểu Tây không được sợ lạnh, chị dâu của Kiến Quốc ngày ngày đi gánh hai xô nước ở tận giếng cách nhà 2km về để rửa - tấm gương trước mắt quả là quá lớn - nhìn chị dâu như vậy, Tiểu Tây thầm nghĩ vất vả đến đâu cũng chỉ ba ngày thôi mà. Khổ đến đâu rồi cũng sẽ qua, chỉ cần một chữ Nhẫn, cứ cố gắng mà làm, so với nỗi khổ của cả đời người thì có đáng chi, thế nên thôi cứ làm theo quy định của Hà thôn. Ngày ngày chuẩn bị cơm nước cho bảy, tám người. PHẢI LÀM! Nấu xong, thu lu trong bếp như con mèo nhỏ, lắng nghe những người lớn trong nhà vừa ăn uống vừa nói chuyện oang oang. Đây cũng là quy định của Hà thôn, chỉ đàn ông mới được ngồi ăn cơm trên bàn, phụ nữ thì phải đợi đàn ông ăn xong mới được ăn. Lại nói tới ba ngày đó, Tiểu Tây chẳng làm được việc gì, cũng chẳng làm được như chị dâu, chỉ biết ở trong bếp cố nuốt số đồ ăn thừa mà những người đàn ông ăn còn lại, Tây cảm thấy trong đó còn dính đầy nước bọt. Nhưng vì thể diện của chồng yêu quý, Tây không một lời than vãn. Thôi thì một điều nhịn bằng chín điều lành, đành ăn cơm không, không ăn thức ăn vậy, đói chắc cũng chẳng chết được. Thế là, già trẻ lớn bé ở Hà thôn hễ gặp Kiến Quốc là khen, nào là bố Quốc có phúc lớn, vợ Quốc dù là gái thành phố nhưng đến Hà thôn cũng chẳng khác gì những nàng dâu khác, không tỏ ra kênh kiệu, làm cho bố Quốc được một phen nở mày nở mặt.

Ngoài việc đứa con thứ hai này lái xe con đưa vợ từ thành phố về thì việc con dâu đang mang bầu cũng là một nguyên nhân khiến bố Quốc thấy tết năm ấy là cái tết mà ông mãn nguyện nhất trong suốt cả đời mình. Trước đây, chuyện con trai đỗ đại học rồi ở lại Bắc Kinh làm việc đã là chuyện khiến ông rất hãnh diện, nhưng kết hôn với nhau gần năm, sáu năm mà vợ chồng Tây không sinh cho ông đứa cháu đích tôn lại làm ông vô cùng bực mình, quyết định phải nói ra, con cái thành đạt để làm gì chứ? Dẫu trong nhà có núi vàng núi bạc mà tuyệt tử tuyệt tôn không người hương khói liệu có ích gì - con dâu lớn thì sinh một bé gái. Giờ thì quá tốt rồi, con dâu thứ cũng đang mang thai, hơn nữa, theo như siêu âm thì là con trai. Nói vậy nghĩa là nhà họ Hà có người nối dõi rồi, Hà gia đúng là thập toàn thập mỹ! Suốt cả tết ấy, chủ đề mà bố Quốc luôn nói tới là Kiến Quốc tài ba ra sao, con dâu hiền thục thế nào, và cả đứa cháu đích tôn trong bụng con dâu thứ nữa. Chỉ tiếc là ông đã vui mừng quá sớm, mấy câu này vừa nói ra chẳng được mấy hôm, con dâu cả liền sinh ra một bé gái nữa, còn con dâu thứ thì sảy thai.

Trước tết năm nay, ông chủ động gọi điện cho vợ chồng Quốc dặn tết này đừng về nhà, ở nhà lạnh lắm. Kiến Quốc vâng vâng dạ dạ, còn Tiểu Tây lại chẳng biết lấy làm biết ơn. Trải qua bao lần bị kéo vào những cuộc chiến cãi cọ qua lại với người lớn ở quê cùng vô số lần bị chì chiết và phải tìm cách chống chế, lòng Tây như đanh lại. Tây cho rằng bố Quốc nói vậy, không hẳn vì đã tha thứ cho vợ chồng Tây, mà trăm phần trăm là còn vì lý do khác. Còn lý do gì ư? Rất có thể là vì đứa con, khoe thì đã khoe khắp làng rồi, nhưng đứa trẻ thì cũng đã bị sảy, Hà gia tuyệt hậu rồi, bố chẳng còn mặt mũi gì nữa. Tất nhiên những lời này Tây không nói với Quốc, thứ nhất là vì nói ra Quốc đương nhiên không thể chấp nhận, hai là không khéo vì thế hai người lại cãi nhau, thôi thì "tiểu nhân phòng bị gậy", lợi bất cập hại chẳng tội gì.

--------------------------------------------------------------------------------

Tiểu Tây cũng chẳng thích thú gì trẻ con, có hay không cũng chẳng sao, là Kiến Quốc muốn có thôi. Tây không muốn có con sớm thế, vì cho rằng kinh tế của mình giờ vẫn chưa vững...

Có tiếng gọi lớn trong hành lang "Giản Giai". Giai đang ra ngoài ăn cơm, Tiểu Tây vội vã ra ngoài gọi lớn. Giản Giai vừa là bạn cùng phòng, cùng buồng và cũng là người bạn thân của Tây. Đứng bên cạnh thang máy là cô Mỹ Phu - trưởng ban biên tập số 3, trước ngực áo cô mặc in hình một bông hoa đang nở rộ. Ban biên tập số 3 nằm ở đầu phía Tây hành lang. Tiểu Tây làm ở ban 6, nằm ở đầu phía Đông, trưởng ban Mỹ Phu không tiến thêm bước nào nữa đứng ngay trước đường đi của Tây. Tiểu Tây nhanh chân bước lại, không đợi bị gọi chặn lại, trưởng ban Mỹ Phu nhét ngay bó hoa to sặc sỡ được cuốn chặt bằng dải ruy băng kim tuyến vào lòng Tây. "Thật là phiền!" Đó là giống "Hoa hồng xanh", một trong những loài hoa quý nhất trong họ hoa hồng, mỗi bông giá cũng trên một trăm tệ, một bó hoa to như vậy cũng đến mấy tháng lương của người thường. "Của Giản Giai đấy. Phòng văn thư không nhận chuyển phát nhanh nên tôi mang lên". Trưởng ban Mỹ Phu mặt lạnh tanh nói xong liền đi ngay, chiếc giày cao gót nện xuống nền nhà văng vẳng tiếng "lọc cọc". Tiểu Tây cũng chẳng lấy đó làm lạ, tính tình người trung niên là vậy, nghĩ thế nào là thế ấy, tốt thôi. Nói thật lòng, Tây thấy rất thích cái vẻ cô đơn mà ai cũng nhìn mà không thấy của mọi người.

Ôm bó hoa quay về, Tiểu Tây mới nhớ ra hôm nay là ngày Lễ Tình nhân. Chẳng cần phải nói, bó hoa hồng đặc biệt này là của bạn trai Giản Giai tặng cho. Giản Giai có một người bạn trai thật tuyệt vời. Tiểu Tây kết hôn đã gần sáu, bảy năm vì thế sớm chẳng còn dư âm của ngày Lễ Tình nhân nữa. Hai vợ chồng mà cùng nhau kỷ niệm ngày lễ này thì hoặc là mối quan hệ cực tốt hoặc là mối quan hệ cực xấu. Đến văn phòng, Giản Giai vừa đi ăn trưa về đang tìm gói canh thuốc chuẩn bị pha uống. Thấy Tiểu Tây, liếc nhìn qua bó hoa Tây ôm trong lòng, Giai liền nói đùa: "Thật không ngờ bạn vẫn thích hoa thế". Tiểu Tây vờ giận đáp: "Tất nhiên rồi, thứ hay thế ai chẳng thích, vấn đề là bản thân phải có tư cách nữa cơ". Rồi Tây văng bó hoa lại phía Giai: "Của bạn đó! Chuyển phát nhanh gửi tới." Sau đó Tây bày tỏ sự ngưỡng mộ "hơi quá" của mình. Sở dĩ Tây bày tỏ sự ngưỡng mộ một cách "quá đáng" như vậy là vì thực tế Tây không những không ngưỡng mộ mà còn có chút băn khoăn: một người phụ nữ đã hơn ba mươi tuổi lại nhận được hoa hồng trong ngày Lễ Tình nhân, điều này có ý nghĩa gì nhỉ? Chẳng phải là Giai vẫn chưa thể dứt khoát đi lấy chồng.

Giản Giai chỉ mỉm cười, đặt bó hoa xuống rồi tiếp tục công việc đang dở dang, tiếp tục tìm gói canh thuốc, dùng răng xé túi giấy gói ni lông, đổ nguyên liệu vào chiếc bát, rồi đem chiếc bát đó lại phía bình nước nóng và rót nước vào. Đó là gói canh ăn liền vị thịt lợn thăn, vừa rót ước nóng vào, mùi thịt thăn nức mũi đã lan tỏa ngào ngạt khắp phòng. Đương nhiên Tiểu Tây thấy không thoải mái nên chỉ "ây" một tiếng ngắn gọn rồi bước đi luôn. Đợi cho không ai quay lại nữa, Giản Giai vội xách chiếc túi đi vào toilet. Quả nhiên Tiểu Tây đang ở trong đó, hình như vừa nôn ọe rất nhiều, giờ đang đứng trước bồn rửa tay hứng nước rửa mồm. Vừa bước vào Giản Giai vội hỏi: "Bạn nghén đấy hả?" Tiểu Tây ngẩng mặt còn ướt nước lên nhìn thất thần. Mấy hôm nay đúng là chẳng muốn ăn uống gì, thật đáng ghét, cứ tưởng là dạ dày có vấn đề mà chẳng hề nghĩ tới là mình có thể có thai. Lần có thai trước Tây chẳng có biểu hiện gì. Nghe vậy trong lòng chợt vui chợt lo rồi lại bắt đầu nôn ọe.

Thực ra, Tiểu Tây cũng chẳng thích thú gì trẻ con, có hay không cũng chẳng sao, là Kiến Quốc muốn có thôi. Tây không muốn có con sớm thế, vì cho rằng kinh tế của mình giờ vẫn chưa vững, Tây không muốn mình trở thành ông bố bà mẹ nghèo khổ. Nhưng không thuyết phục được Kiến Quốc đành để có thai vậy. Vì thế lần trước khi biết mình bị sảy thai, trong lòng Tây có chút mừng thầm âm ỉ. Kiến Quốc đưa Tây đi làm tiểu phẫu, Quốc cũng chẳng ngờ tâm trạng mình lại bộn bề đến thế. Khi nhìn thấy chiếc chậu đựng bào thai vừa được lấy ra hiện là những cục máu đỏ, Quốc chợt thấy lặng người, và nước mắt cứ thế tuôn rơi chẳng thể kìm nổi, cũng chẳng cất thành tiếng, chỉ có nỗi buồn là hằn từng mạch máu xanh trên khuôn trán nhăn nheo. Từ khi quen nhau tới lúc kết hôn, suốt mười năm qua, Tây chưa từng thấy Quốc như vậy bao giờ, nên cũng trở nên thẫn thờ. Nhưng rồi lại tự an ủi mình rằng mấy ngày nữa mọi việc lại ổn thôi. Thế nhưng mọi chuyện đã qua lâu mà tâm trạng Quốc chẳng hề tốt hơn, hay là chẳng tốt hơn được. Quốc không nói, cũng chẳng cười, lúc nào cũng cúi gằm người xuống như thể bị ai đó bẻ cong. Lúc ấy, Tây mới nhận ra rằng những gì Tây biết về Quốc quả thật chưa đủ, đặc biệt là về vấn đề con cái. Thơ xưa đã viết về quan hệ vợ chồng rằng: "Một cục đất nhỏ, nhào nên anh, nặn nên em. Rồi làm vỡ tan anh và em, dùng nước trộn đôi ta hòa thành một. Lại nhào nên em, lại nặn nên anh. Vậy là trong anh có em, trong em có anh".

Đấy, trong anh có em, trong em có anh, Quốc cứ cả ngày sầu thảm đến vậy, hỏi Tây sống sao đây? Và thế là, Tiểu Tây quyết định lại mang bầu. Nếu trước sau gì cũng phải sinh con, thì sinh sớm khỏi sinh muộn, cũng chẳng đi đâu mà thiệt. Nhưng Tây cũng chẳng biết nói sao với Quốc, nếu nói chẳng nhẽ lại nói rằng em làm thế là vì anh và vì gia đình anh à? Nghe quyết định ấy từ Tiểu Tây, Quốc ôm Tây vào lòng và chỉ nói hai câu: Câu đầu tiên là "Xin lỗi" và câu thứ hai là "Cảm ơn". Nép mình trong lòng chồng, Tây chẳng hề thấy chút đắc ý tội lỗi nào, có chăng đó chỉ là sự cảm động và niềm vui. Như thế này mới thực sự hiểu thế nào là "Trong anh có em và trong em có anh." Điều này có nghĩa là cả hai sẽ cùng đồng cam cộng khổ với nhau. Kể từ lúc đó, hai vợ chồng sẽ cùng cố gắng vì một mục đích chung, và cuộc sống của họ cũng vì thế mà sẽ có nhiều đổi thay: Vốn đêm đến tình cảm đang độ dạt dào, đột nhiên lại nhớ phải tính ngày rụng trứng nên đành dừng lại. TÍNH! Đến khi tính xong trên mấy đầu ngón tay mà vào đúng ngày rụng trứng thì bao hứng thú cũng tan biến luôn; mà không, phải nói là không thể tiến hành được nữa, cơ thể cứng đơ như thể đang nằm trên lưỡi dao, mà đợi đến khi bên này nhập cuộc được thì bên kia cũng hết cao trào. Đương nhiên cũng có lúc hai bên ăn khớp nhau, nhưng chẳng hiểu vì sao, khoảng một tháng kiêng cữ sau khi bị sảy thai, cả hai cùng nỗ lực rất nhiều, thế mà mấy tháng rồi chẳng thấy kết quả gì. Quốc sốt ruột, Tây càng sốt ruột hơn. Không muốn có con là một vấn đề, nhưng không thể có con lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Tây cũng đã về hỏi mẹ xem lần đầu sảy thai liệu có thể dẫn tới tình trạng khó mang thai không, và câu trả lời là hoàn toàn có thể mà cũng có thể không. Cái ý an ủi cố tìm trong câu nói của mẹ là chữ "có thể" được nhấn mạnh. Vì thế khi nghe Giản Giai hỏi: "Bạn có thai à?", Tây đột nhiên chột dạ liền hỏi lại Giai: "Lần trước mang thai mình có biểu hiện gì đâu." Giai giải thích: "Không phải lần nào mang thai triệu chứng cũng như nhau." Và với Tây nó không giống nhau. Vừa nói Giản Giai vừa đi về phía khu vực bồn vệ sinh, mở tấm cửa mỗi khoang ra xem có ai không, rồi tiến ra phía cửa nhà vệ sinh khóa trái cửa lại, sau đó mở chiếc túi Giai xách theo vào đó. Chiếc túi không to lắm nhưng các ngăn ngăn cách rõ ràng, đó là món quà mà lễ tình nhân năm ngoài Giai được tặng. Trên bề mặt in hình bông hoa rất to, một bông hoa sặc sỡ như mời gọi, đúng là phong cách dòng tranh Yamato, Tiểu Tây thấy chiếc túi như một con quỷ đầy sức quyến rũ. Giản Giai lôi từ trong túi ra một gói que thử thai nhanh. Tiểu Tây ngạc nhiên hỏi: "Bạn mang theo cả thứ này à?" Giản Giai không trả lời, chỉ dùng ánh mắt ra hiệu cho Tiểu Tây mau đi thử xem sao. Một lát sau, trên giấy thử hiện rõ hai vạch màu đỏ, kết quả dương tính. Tây chẳng kịp thốt lời nào về việc có thai, thì có người đẩy ngoài cửa toilet, đẩy ra không được bèn đập cửa gọi, tiếng gọi vọng vào vừa lớn vừa giận dữ: Ai trong đó vậy? Khóa cửa làm gì? Giản Giai vội vứt que thử thai vào bồn cầu dập đi.

Người gõ cửa là cô Mỹ Phu trưởng ban 3, vừa bước vào liền nhìn xoáy vào hai người nhưng chẳng hỏi lời nào, mở cửa buồng cầu rồi bước vào, sau đó đóng sập lại. Ngay sau đó, phía sau cửa buồng vang lên những tiếng tiểu tiện sè sè khiến cho Tiểu Tây đang đi ra ngoài lại bắt đầu nôn ọe, nôn tới mức trưởng ban Mỹ Phu ngồi bên trong phải "hừm" một tiếng khó chịu...

--------------------------------------------------------------------------------

Khi di động của Kiến Quốc reo lên, Quốc cũng vừa gác máy cơ quan, vì thế máy cứ bận suốt nãy giờ, nên Tiểu Tây đành phải gọi vào di động.

Đây cũng là nguyên tắc riêng trong cuộc sống của họ: nếu có điện thoại bàn sẽ không gọi di động. Cái gì không đáng tiêu tiền thì không nên lãng phí.

Người vừa gọi điện làm đường dây bận suốt ấy chính là Tiểu Vương. Ngày nay, thanh niên thật tài giỏi, chỉ cần ngồi trước màn hình vi tính cách đó hàng vạn dặm nói qua chiếc mic gắn trên đó là có thể ngồi tán dóc với ai đó suốt 38 phút. Thời gian cứ tích tắc trôi qua, mặt Quốc dài thườn thượt, tiếng gõ phím cách và phím enter cứ vang lên cách cách. Họ đang viết chương trình phần mềm cho một ngân hàng, công việc thì nhiều mà thời gian thì quá khẩn cấp, Quốc lại là tổ trưởng của dự án này. Người thanh niên đó qua vi tính cũng đang bàn kế hoạch đi chơi lễ tình yêu với bạn gái, và cuối cùng họ quyết định ăn cơm tối tại nhà hàng Outback. Vừa gác máy đã có người hỏi Quốc ta ăn ở đó một bữa bao nhiêu tiền, với hơn 999 tệ khiến người khác kinh ngạc: 999 tệ, ăn gì vậy, ăn thịt người sống hả?!... Chẳng ai buồn để ý khuôn mặt của tổ trưởng càng ngày càng khó coi, cũng chẳng thể trách cậu thanh niên đó được, công việc sao bằng người yêu, mặt tổ trưởng thì cứ luôn luôn dài thườn thưỡn ra khiến mọi người thấy khó xử vô cùng. Cuối cùng, Quốc không thể nhẫn nại hơn được nữa, cầm cái cốc đặt bên cạnh, đứng dậy đẩy ghế ra phía sau, vì đẩy hơi mạnh tay nên va phải chiếc vi tính phía sau phát ra tiếng kêu "cạch", lúc ấy trong phòng mới yên tĩnh lại. Trong bầu không khí yên tĩnh ấy, Quốc cầm chiếc cốc, với bộ mặt nặng trĩu đi rót nước, cậu thanh niên kia không biết ý lại còn chạy tới nói đùa: "Sếp, tối nay sếp định đi đâu?"

"Về nhà."

"Hôm nay là lễ tình nhân mà!"

"Tôi chỉ có mỗi vợ thôi."

"Cũng đúng." Cậu ta gật đầu nói: "Cá đã cắn câu, cần gì phải giăng câu nữa."

"Còn nói nữa! Mau đi làm việc đi!" Kiến Quốc mạnh tay đưa cốc lên uống liền một hơi khiến nước bắn ra cả quần cả giày.

Cậu thanh niên đó nhìn Quốc đầy ngạc nhiên, cụt hứng đi khỏi mà trong lòng đầy nghi hoặc: "Tổ trưởng không biết sao lại thế nhỉ?" Suốt từ sáng đến chiều cứ giữ cái bộ mặt đưa đám ấy, động tí là nổi cáu. Trước đây, Quốc có thế đâu, trước đây Quốc đối với mọi người rất thân mật, chan hòa.

Quốc như thế này đã gần một năm nay, mọi chuyện bắt đầu từ khi Tiểu Tây sảy thai vào năm ngoái. Đầu tiên là vì đứa trẻ non nớt bị sảy, sau là vì Tiểu Tây mãi chẳng mang bầu, Quốc từng giấu vợ tới bệnh viện kiểm tra nhưng bác sĩ bảo Quốc không có vấn đề gì. Nếu thế có nghĩa là Tiểu Tây có vấn đề, mà Tiểu Tây có vấn đề gì đều là lỗi của Quốc và gia đình mình. Trước tết năm ngoái, bố có gọi điện cho Quốc bảo hai vợ chồng không cần phải về quê khiến Quốc thấy không vui, điều này có nghĩa là gì? Cháu không còn nữa thì con trai con dâu không được về nhà sao? Nếu Tiểu Tây không thể sinh con, gia đình sẽ không chấp nhận Tây nữa sao? Nếu gia đình không chấp nhận Tây nữa, Quốc biết làm sao đây? Đương nhiên, hôn nhân không có tình yêu không phải là điều đúng đắn nhưng cuộc hôn nhân chỉ có tình yêu cũng là cuộc hôn nhân không thực tế. Vậy là ăn tết nhà Tây vậy. Một cái tết qua đi, Quốc trở nên khó tính là vậy. Mà cũng đúng lúc ấy, nếu gia đình Tiểu Tây thể hiện tình yêu thương, sự bao dung, động viên Quốc, có lẽ Quốc sẽ có đủ dũng khí để cũng Tiểu Tây tiếp bước trong cuộc hôn nhân của hai người. Đằng này, họ khiến Quốc thực sự thất vọng.

Nhà Tiểu Tây có bốn người. Bố Tây là ông Cố Tử Xuyên, một giáo sư đại học khoa trung văn đã về hưu. Mẹ là Lã Xu, trưởng khoa ngoại của một bệnh viện. Em trai, Cố Tiểu Hàng, chưa kết hôn, đang ở cùng bố mẹ. Bảy ngày nghỉ tết là bảy ngày Quốc ở nhà làm việc nhà, thậm chí còn mệt mỏi hơn đi làm. Nhưng mệt thì thấm gì, đứa trẻ lớn lên từ nông thôn đâu có sợ khổ, khổ thế chứ khổ nữa mà trong lòng vui thì chẳng có vấn đề gì. Nhưng vấn đề là trong lòng Quốc không vui, cái niềm không vui ấy thực rất khó hình dung. Suốt bảy ngày từ sáng tới chiều sống cùng người nhà Tiểu Tây, điều duy nhất mà Quốc cảm nhận được là sự khổ nhục. Cái gì mà bố mẹ vợ càng nhìn càng thích con rể, cái gì mà bố vợ rót rượu mời cơm con rể, tất cả chỉ là câu chuyện của người ta mà thôi. Họ đối xử với Quốc quả thật chẳng xa cũng chẳng gần, chẳng yêu mà chẳng ghét, không hề thay đổi. Có lẽ Tiểu Tây cũng cảm nhận được điều này nên có ý giải thích hộ bố mẹ: cái gì mà những người trí thức họ vẫn vậy đó, nói chuyện với nhau thì khách sáo, xa nhau mới thấy yêu mến... Song cho dù Tây có giải thích thế nào, Quốc cũng chỉ mỉm cười chẳng nói một câu. Không phải Quốc chưa từng gặp giới trí thức, nói cụ thể là, không phải Quốc chưa từng thấy gia đình Tây tiếp khách như thế nào, cụ thể hơn nữa là Quốc đã từng thấy gia đình Tây tiếp bạn gái của Tiểu Hàng ra sao. Đó là vẻ niềm nở, thân mật ngọt ngào. Cô gái ấy gọt lê cho mẹ Tây, và được đúc kết lại với biết bao phẩm chất như: phong thái tốt, có gia giáo, sống khéo léo, gia đình ưu tú. Tất cả đều chẳng như Quốc, bất luận phải làm bao nhiêu việc nhà và làm như thế nào, đều bị coi là việc đương nhiên thôi - Đúng là cùng thân phận mà hai số phận. Vì sao ư? Vì bố mẹ của Quốc là những người nông dân sống ở vùng thôn quê xa xôi, còn bố mẹ của cô gái đó là những giáo sư của học viện âm nhạc.

Những lời này Quốc chỉ giấu trong lòng mà chẳng nói cùng ai, cả Tây, Quốc cũng chẳng nói. Vì Quốc vốn không thích nói những lời mà chẳng có tác dụng gì. Hơn nữa, không những không có tác dụng gì mà còn đem lại hiệu ứng phụ cũng nên, sẽ bị mọi người cho là "tự ti". Những đứa trẻ từ nông thôn lên thành phố học, dù chẳng tự ti cũng bị gắn cho cái tội ấy. Mà đã bị gắn cho cái mác ấy thì dù bạn giỏi giang hay phẫn nộ đều chẳng phải lỗi của người ta mà là vì bạn quá mẫn cảm mà thôi, đó chính là môi trường mà bạn phải sống. Vừa tới Bắc Kinh, vừa bước chân vào cổng trường đại học, Quốc đã cảm nhận ngay sự tàn khốc ấy của môi trường này. Ví dụ, nếu trong ký túc xá mất đồ, lập tức người ta sẽ quy cho là học sinh nông thôn lấy. Cũng vì thế mà đã có nữ sinh treo cổ tự tử chết. Quốc thì không, Quốc không treo cổ, Quốc chỉ nỗ lực làm thêm kiếm tiền học, ai nói gì sau lưng chẳng cần để ý, chỉ cần xem ai nói trước mặt, cứ thử sẽ biết? Từ khi tốt nghiệp đại học đến lúc chính thức bước vào xã hội, gần mười năm qua, Quốc đã tự đặt ra cho mình hai nguyên tắc sống: một là đối mặt, hai là kiềm chế. Nếu nói sống khéo léo phải nói tới hai điều này. Chỉ gọt lê thôi mà bảo là sống khéo sao. Thật nực cười.

Bảy ngày nghỉ tết ở nhà Tây, mọi việc trong nhà đều do Quốc "đảm nhiệm". Từ đi chợ thổi cơm, một ngày ba bữa, dọn dẹp sạch sẽ, đón khách tiễn khách, Tây cũng chỉ giúp Quốc qua loa vài việc. Nhà thì đầy người, cứ cho là người lớn có thể uống trà, còn thanh niên thì sao, Quốc không muốn nói tới Tiểu Tây, Tây làm ít hay nhiều Quốc cũng chẳng so đo, năm ngoái Tây đã phải anh dũng đối mặt với gia đình Quốc, rồi lại xảy ra chuyện đó nên Quốc cũng chẳng dám hé răng nói gì, người mà Quốc nói đến là em trai của Tây cơ. Hai nhăm, hai sáu tuổi đầu rồi, cái gì cũng không làm, ngủ dậy là ăn, ăn xong là đi, chẳng buồn làm bất cứ gì và cho rằng điều đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng quá đáng hơn nữa lại là bố mẹ Tây, đành rằng là do con trai chẳng buồn hỏi han cũng chẳng buồn để tâm đến việc gì. Con trai không để ý, bố cũng chẳng buồn quan tâm, cả ngày chỉ một nụ cười lạnh nhạt thường trực trên mặt, bận hết cái này đến cái nọ, hết người này đến người khác tới. Chẳng phải chỉ có bảy ngày thôi sao, khổ ải rồi cũng sẽ qua đi, phải nhẫn nhịn, nhảy xuống sông thì phải nhắm mắt, Quốc đành dành tặng bảy ngày này trong đời cho gia đình Tiểu Tây.

Quốc nhẫn nhịn suốt bảy ngày, cho đến tận bữa tối của ngày thứ bảy, thôi thì lùi một bước để tiến hai bước.

Vốn mọi chuyện đều tốt đẹp. Vì cho rằng đây là bữa ăn cuối cùng sẽ ăn ở nhà Tây dịp tết đó, nên Quốc đặc biệt nấu rất nhiều món ngon. Mềm ngọt có, thanh nhạt có, lại có cả canh nóng, Quốc làm theo khẩu vị của từng thành viên trong nhà, bận bịu suốt cả ngày, trong lòng định rằng đây sẽ là dấu chấm tròn trịa cho chuỗi bảy ngày vất vả vừa qua, hoặc có thể là dấu chấm than đáng nhớ.

Mọi chuyện xảy ra đều do Cố Tiểu Hàng.

Hôm đó Quốc làm món thịt rán đỏ. Cả nhà chẳng ai thích ăn thịt rán đỏ, trừ Cố Tiểu Hàng. Tiểu Hàng rất thích món này, một mình có thể ăn hết cả đĩa thịt, ăn hết còn trộn cơm vào đĩa dính chút mỡ thịt rán và ăn hết bay. Có thể nói, món thịt rán đỏ là Quốc nấu dành riêng cho Hàng. Đây là một món ăn đòi hỏi phải kỳ công, để lửa nhỏ cho thịt chín dần, ít nhất là ba tiếng đồng hồ mới được. Bữa tối hôm ấy, ngoài Tiểu Hàng ra, mọi người đều được thưởng thức món ăn mà Quốc vất vả muốn dành tặng cả nhà. Bố Tây thích ăn mềm ngọt, vì thế hết lời khen ngợi món đậu phụ Vince, mẹ Tây lại thích vị thanh nhạt, nên vừa ăn món súp lơ xanh trần cùng tỏi tây vừa gật đầu khen ngon. Tiểu Tây thì hoàn toàn bị thuyết phục, luôn miệng nhắc mọi người chú ý vào món ăn. Chỉ riêng có Tiểu Hàng là chẳng buồn nói lời nào, cắm đầu cắm cổ ăn, ăn xong buông đũa xuống phủi quần đi thẳng. Thấy vậy, Quốc đành tự nhủ bản thân phải nhẫn nhịn, nhẫn nhịn. Có điều, Tiểu Tây cũng thấy chướng mắt không chịu nổi bèn lên tiếng: "Tiểu Hàng! Thu gọn bát vào." Tiểu Hàng chẳng buồn quay đầu lại trả lời "Em có việc!" Tiểu Tây: "Bát của em không dọn ai dọn cho." Lúc này, Quốc mới mở miệng, chẳng kịp suy nghĩ buột miệng nói: "Anh Quốc!"

Không khí bỗng căng như dây đàn. Vài giây sau, mẹ Tây tiếp lời:

"Con cái nhà mình, cho dù là Tiểu Hàng hay Tiểu Tây đều có chung một nhược điểm đó là, chỉ cần chúng thấy việc gì không đáng làm là chúng sẽ không làm, có nói cũng bằng không. Nhưng làm việc gì cũng không hẳn phải thích mới làm mà còn cần có trách nhiệm. Quốc thì không như vậy, con khéo léo hơn hai đứa này rất nhiều."

Chỉ mấy từ đã hình thành nên tính cách cho hành vi của cậu con cưng: không thích thì không làm. Lời nói của giới trí thức điển hình là vậy đó, một khi nói ra thì chuyện nặng sẽ thành nhẹ. Quốc liền đứng bật dậy ra khỏi chỗ ngồi, bao uất ức nín nhịn suốt bảy ngày qua nay bùng phát dữ dội. Buổi tối về nhà, hai vợ chồng cãi nhau to, Tiểu Tây trách Quốc vì sao ở nhà mình không giữ thể diện cho Tây, điều này khiến Quốc cảm thấy đau lòng vô cùng. Cứ như vậy, tương lai nào cho cuộc hôn nhân của họ đây, hi vọng nào cho cuộc hôn nhân ấy đây? Hết tết, Quốc lại tới cơ quan làm việc, khuôn mặt Quốc thậm chí còn u ám sắc lạnh hơn trước khiến cho toàn bộ đám thanh niên ở cơ quan hồi hộp lo lắng.

Khi điện thoại của tổ trưởng đổ chuông, ai ai cũng nghe thấy bởi lúc ấy trong phòng rất tĩnh lặng. Quốc vừa xạc cho Tiểu Vương một trận, trên giầy và quần lã tã đầy nước vương vãi, chiếc di động đặt bên cạnh máy tính chợt reo lên. Tiếng nhạc chuông lê thê rầu rĩ, rất hợp với tính tình của tổ trưởng lúc này. Khi nhấc máy lên, mặt tổ trưởng vẫn sầm sì, thế mà một phút sau, nét mặt và cả con người nữa bỗng tươi tỉnh hẳn lên nhờ cuộc điện thoại này.

"... Hay là đến bệnh viện kiểm tra lại cho chắc! Anh sẽ lập tức tới cơ quan em, em đừng đi đâu, hôm nay đường tuyết trơn lắm!" Vừa nghe những tiếng râm ran trong điện thoại, Quốc vừa nhanh chân bước ra cửa, ra tới cửa mới lại như chợt nhớ ra mấy người trong phòng thuộc tổ mình bèn quay đầu lại nói đại loại dăm ba câu như "làm việc tốt vào đấy, tranh thủ thời gian mà làm", chớp mắt cái đã chẳng thấy bóng dáng Quốc đâu.

--------------------------------------------------------------------------------

Sau khi từ bệnh viện xét nghiệm đi ra, tuyết cũng đã tan trả lại bầu trời trong xanh. Tờ giấy kết quả xét nghiệm được đóng dấu đỏ đề "dương tính" được Quốc cất kỹ trong túi áo Jacket như sưởi ấm tận trong sâu thẳm trái tim Quốc.

Bậc thềm ngoài cửa phòng khám vẫn còn vương lại một ít tuyết nên Quốc đỡ Tiểu Tây bước chầm chậm đi sợ không may lại sảy mất đứa con cầu tự mà hai người khó khăn lắm mới có được này. Có con mới thực là gia đình chứ. Có gia đình, Quốc mới thực sự coi là có gốc rễ nơi Bắc Kinh này. Có gốc rễ rồi Quốc cũng chẳng cần phải quan tâm tới sắc mặt của bất kỳ ai nữa. Từ bệnh viện về, hai vợ chồng cùng nhau đi ăn cơm tiệm, Tiểu Tây vẫn chưa ăn cơm trưa mà, nên giờ đói meo, rất muốn ăn salad. Thế nên hai vợ chồng cùng tới nhà hàng, hôm nay Quốc chiêu đãi.

Nhà hàng hầu như chẳng có khách nào vì cũng đã quá giờ ăn trưa rồi. Người phục vụ nhanh chóng dọn lên món salad, xanh đỏ trắng ba màu vừa đẹp mắt lại thật ngon miệng. Quốc dùng đũa gắp một miếng rau bắp cải bón cho Tiểu Tây, Tây há miệng ăn rồi nở nụ cười mãn nguyện: "Mẹ được nhờ con rồi." Nghe vậy Quốc chỉ lặng lẽ mỉm cười rồi gắp sẵn miếng bí đỏ chờ đó. Nhưng Tiểu Tây chỉ ăn một miếng rồi không ăn nữa, món salad này chẳng ngon như tưởng tượng, Quốc liền vẫy phục vụ tới gọi món cải thảo xào, cung cách phục vụ nhẹ nhàng, chu đáo, ân cần khiến Tiểu Tây cảm thấy thật dễ chịu. Người phụ nữ đang thấy dễ chịu ấy nghĩ rằng mình nên nói điều gì đó. "Anh Quốc, anh nghĩ xem, em mang thai gần mười tháng, sinh đứa bé ra còn phải nuôi suốt ba tháng bằng sữa mẹ, đúng không? ... Tính ra là gần một năm rồi còn gì!"

"Ý em là gì?"

"Ý em là, để đẻ ra một đứa trẻ, đàn ông chỉ mất có vài chục phút, còn phụ nữ thì vất vả đến cả năm trời, vậy mà xét về luật pháp thì đứa trẻ là con của hai người, hai người cùng có quyền lợi chung." Lắc đầu Tây nói tiếp: "Chẳng hiểu sao nữa."

Quốc vẫn chỉ khẽ mỉm cười. "Thôi được rồi mà, đừng nghĩ lung tung nữa, sinh con ra rồi, mẹ sẽ nuôi mà. Hết tháng đầu, em muốn làm gì thì làm, chẳng cần em lo lắng gì hết."

"Thế nếu mà là con gái thì mẹ có nuôi không?"

"Phù phù phù! Phỉ phui cái mồm."

"Xí, con gái thì làm sao? Anh thử xem nữ hoàng Võ Tắc Thiên ấy, chẳng phải đám đàn ông toàn phải quỳ dưới chân bà ý sao?"

"Võ Tắc Thiên hả? Úi giời, mấy nghìn năm mới có một người thôi!"

Tiểu Tây đang định nói lại thì người phục vụ bưng món cải thảo xào lên, thơm phức tươi ngon, Quốc gắp một miếng thật to đút cho vợ. Món cải thảo này xào chua ngọt thật vừa miệng, mà vẫn còn chút vị hăng của cải, mùi vị đúng là hết sảy. Tây cứ nhai nhồm nhoàm đầy miệng, vừa ăn vừa khen ngon, rồi đột nhiên quay sang hỏi ý kiến Quốc.

"Ngon không anh! Anh Quốc à, cây này trồng thế nào nhỉ?"

"Những hạt mầm trên cây cải đó, khi chúng vẫn còn mềm thì đem gieo xuống đất."

"Hạt gieo rồi thì làm thế nào để thành cây?"

"Không cần làm gì nữa."

Ăn cơm xong, Quốc đưa Tây về tận cơ quan. Đi taxi. Trên đường về, đâu đâu họ cũng thấy những đôi tình nhân và những đóa hồng trong ngày lễ tình nhân. Xe ngang qua một công trường đang xây dựng, ở đó, những người công nhân đang cặm cụi làm việc, ai nấy mặt mày lem luốc đầy đất, khác xa với những kẻ đang say trong ngày lễ tình yêu nơi đô thành này.

"Lễ tình nhân chưa qua mà đã phải bắt đầu làm việc, phải chăng họ vừa từ quê lên hay cũng chẳng được về quê." Nhìn những người công nhân làm việc qua cửa sổ ô tô, Tây chợt thấy xốn lòng. Lặng im giây lát, Tây lại suy tư: "Anh Quốc à, nếu mình sinh ra con trai mà phải lao động vất vả thế kia thì có gì tốt đâu."

"Chẳng phải khoe khoang, nhưng chúng ta sẽ sinh ra một Lý Gia Thành[1] cũng nên."

"Chắc nhờ giống tốt của anh nên mới sinh ra được một Lý Gia Thành nữa... Nếu là em, thì sẽ nói hợp lý hơn thế này: hay mình sẽ sinh con gái. Anh xem Dương Ngọc Hoàn đó, 'Thiên sinh lệ chất nan tự khí, nhất chiêu tuyển tại quân vương trắc'[2] Kết quả cuối cùng thì sao nào? Bản thân biến thành phượng hoàng trên cao."

"Cũng đúng, đúng là con đường phát triển của nữ giới rộng lớn." Quốc gật đầu thừa nhận, "tiến cao thì có Võ Tắc Thiên, "ngã ngựa" lại có Dương Ngọc Hoàn. Chẳng giống như nam giới bọn anh, chỉ có thể tiến lên mà chẳng xuống được."

"Em thì thấy rằng mẹ anh sinh ra hai anh em anh thật chẳng có tác dụng gì. Nếu sinh ra một đứa con gái xinh xắn, như Dương Ngọc Hoàn chẳng hạn, anh em các anh chẳng phải thành quốc cữu hết rồi sao? Mẹ anh lại còn được làm thiên hạ quốc mẫu nữa chứ. Đâu có như bây giờ, vẫn là "Người mẹ tóc bạc", "Người mẹ dưới ánh nến leo lét" nơi thôn quê". Lúc này trong taxi đang phát bài hát "Người mẹ tóc bạc", Tây có thể nói là tức cảnh ngụ ý. "Người mẹ tóc bạc" và "Người mẹ dưới ánh nến leo lét" là hai bài thuộc cùng một dòng nhạc, dòng trữ tình điển hình.

"Thôi được rồi, có thai rồi, tích đức chút đi." Quốc lườm Tây một cái, rồi cười đầy ẩn ý. "Thực tế thì nếu sinh con gái, chỉ sợ không giống Dương Ngọc Hoàn lại giống em ý chứ. Hừm, có câu nói rất đúng rằng, chỉ thừa nam đâu có thừa nữ, đến cô gái như em đây còn có người như anh lấy nữa là."

Tây khẽ hét lên một tiếng rồi đánh nhẹ Quốc, Quốc đỡ được tay Tây nói tiếp: "Cẩn thận đấy kẻo động lưng lại ảnh hưởng đến đứa bé!" Rồi hai người ôm nhau trìu mến. Lát sau, Quốc ân cần nói: "Anh sẽ đưa em về tận cơ quan mới quay về."

Tây đáp lại còn dịu dàng hơn vậy: "Anh đi đi. Làm việc tốt nhé, vì con của chúng ta, gắng kiếm nhiều tiền hơn nhé."

Ấy là thời khắc ngập tràn yêu thương mà đã lâu lắm rồi hai vợ chồng mới có được. Và cũng chính vào lúc ấy, tiếng chuông điện thoại êm đềm của Quốc lại reo lên. Đó là bố Quốc. Từ quê xa xôi, bố Quốc dẫn đoàn bốn người gồm bác Quốc và cậu con trai lên bệnh viện khám bệnh, đã rời khỏi nhà xe phía Nam Bắc Kinh và đang đi tới bệnh viện của mẹ Tây. Bố gọi điện để Quốc thông báo với Tiểu Tây bảo cùng tới bệnh viện với họ, nếu có gì còn dễ dàng giúp họ liên hệ.

Thời khắc "ngập tràn yêu thương" ấy bỗng chốc tan biến như mây khói.

Vừa hay lúc ấy, xe cũng tới trước cổng nhà xuất bản, Tây mở cửa bước xuống xe nhưng Quốc kịp kéo lại, khẽ gọi: "Tiểu Tây" với ánh mắt như khẩn khoản.

"Mọi người lên chẳng thèm nói một lời là sao?" Tây giận giữ nói qua kẽ răng. Thực ra không phải vậy, mà vì gia đình Quốc sợ gia đình Tây từ chối nên đành tiền trảm hậu tấu vậy. Ai nói nông dân ngốc nghếch? Tinh ranh thì có! "Bố anh coi mẹ em là người như thế nào hả? Là thái y trong cung chắc, suốt ngày chẳng có việc gì làm chỉ chờ gia đình anh truyền lệnh chắc? Anh có biết mỗi ngày mẹ phải mổ mấy ca không? Em nói cho anh nghe, không phải em không thể đến bệnh viện mà là em không chắc có thể gặp được mẹ. Nếu mẹ đang mổ cho bệnh nhân thì ai đến cũng vậy mà thôi."

Quốc chẳng nói lời nào mặc cho Tây mắng mỏ giận dữ, nhưng cơn tức giận thì cũng lên tới tận đỉnh đầu. Nói đến là đến ngay, mà đến là cả một tiểu đội, ngoài việc chữa bệnh còn chuyện ăn ở nữa chứ. Theo tính cách của bố Quốc thì còn đòi phải dẫn họ đi thăm thú Bắc Kinh. Còn ăn ở thế nào, chơi bời ra sao lại là chuyện của Quốc, Quốc là người Bắc Kinh duy nhất của thôn mà, lại là niềm tự hào cả đời của bố Quốc. Cũng không ít lần Quốc định nói với bố về chuyện này, xin bố đừng làm thế này nữa. Tận trong lòng, trong đầu Quốc cũng đã suy nghĩ xem nên nói gì và nói như thế nào. N lần: Quốc sẽ nói gì và bố bảo sao, bố bảo thế này Quốc sẽ phải đáp lại thế nào. Lời chối từ thì khó nói ra, xét về lôgic mà nói thì tình cảm là chân thật, có đôi lúc còn tự thấy cảm động đến phát khóc. Thế nhưng cứ mỗi lần đối diện với bố là bao nhiêu câu, chữ định sẵn trong đầu bỗng nhiên đi đâu hết. Bạn thử nghĩ xem, gặp bố thì cũng chỉ ở hai nơi, hoặc Bắc Kinh hoặc ở quê. Nếu ở Bắc Kinh, là bố gọi mình tới, những lời nói ấy dù có nói khéo léo tới đâu cũng sẽ làm cho bố thấy không thoải mái, như thể là "đuổi" bố đi. Nhưng đáng tiếc là, những gì không nói được ở Bắc Kinh thì về quê cũng chẳng dám nói, à không, phải nói là càng không dám nói, nói không thành lời. Cứ về tới quê là Quốc lại chui vào cái vòng luẩn quẩn của e ngại và lo âu thường trực, thế nên những lời muốn nói và cả những lời định nói đều hoàn toàn ngược lại: Ở nhà có việc gì, cứ tìm con!

Xe taxi phía trước không chờ được nữa nên hỏi họ định thế nào, mau đi, và đi đâu; nếu không đi nữa thì trả tiền. Quốc chẳng nói lời nào, chỉ nhìn mãi Tiểu Tây, rồi thở dài một tiếng, Quốc quay lại bảo tài xế địa điểm đến và cho xe đi tiếp. Quốc nắm lấy tay Tây đầy cảm động, còn Tây rụt tay lại như thể giận hờn. Quốc đành rụt tay lại rồi nhẹ nhàng ngồi nhích sang bên như muốn nói "Quốc đã hiểu rồi". Vừa cẩn thận vừa hồi hộp, Quốc như đang ngồi bên cạnh một quả bom, Quốc phải nghĩ cách làm sao để quả bom ấy không phát nổ: bệnh viện quá to, mà phòng ban thì nhiều, bệnh nhân cứ xếp hàng la liệt bên ngoài. Nếu không có người của bệnh viện dẫn đường, đừng nói là người từ nông thôn lên, một mình Quốc đi cũng chẳng tìm nổi bác sĩ và phòng bệnh của mình, nếu hỏi bảo vệ thì cũng phải đứng đó đợi. Hơn nữa, khám bệnh xong vẫn còn rất nhiều việc Quốc phải làm, à không, cả hai mới đúng: là Quốc và Tiểu Tây.

Quả nhiên đúng như những gì Tây nói, chủ nhiệm khoa ngoại, bác sĩ Lã đang làm phẫu thuật. Một ca ghép gan. Phẫu thuật tiến hành suốt từ chín giờ sáng đến giờ, bác sĩ Lã còn chẳng kịp ăn cơm trưa, mà chẳng ai biết bao giờ ca phẫu thuật mới xong, Tiểu Tây chỉ biết dẫn bố chồng và Quốc tới đợi ở sảnh khu vực điều trị. Ở đó, bác sĩ, hộ lý bận rộn đi lại tấp nập, tự nhiên lại có năm kẻ nhàn rỗi như họ ngồi chờ, vừa chướng mắt, vừa cản trở công việc, ai ai cũng nhìn họ đầy ngạc nhiên, Tây chỉ biết vờ như không để ý.... Tiếng xe cấp cứu từ ngoài cửa vọng vào, Tiểu Tây cứ sốt ruột chờ đợi, cuối cùng cũng chờ được, đó là cô y tá đang mặc bộ quần áo phẫu thuật màu xanh sẫm. Cô y tá một tay giơ cao chai nước truyền, một tay đỡ cáng bệnh nhân vừa được xe cấp cứu chở về, nếu đây chính là bệnh nhân vừa được ghép gan thì có lẽ mẹ Tây sẽ ở ngay sau đó.

Khi mẹ tới, Tây không trông thấy tức thì. Lúc ấy, Tây vừa hay có điện thoại của Giản Giai gọi tới bàn về cuốn sách hai người làm chung "Nhân tỉ hoàng hoa". Nhưng trưởng ban lại phản đối kịch liệt cuốn sách này của họ, bảo rằng: "không bán được". Trưởng ban cho rằng tên sách phải mang tính kích thích mạnh mẽ, nếu không "khó có thể lọt vào mắt xanh của độc giả trong biển sách này". Lúc đó, Tây bực mình nói rằng hay đặt tên là "thi thể thiếu nữ mất đầu dưới tàu điện ngầm." Giản Giai bảo rằng trưởng phòng phát hành đề nghị cái tên "Ba năm tôi được trai bao". Lúc đầu, Tây nghĩ rằng cái tên này thực sự rất hay, chắc chắn bán chạy, mà cũng không quá dung tục. Nếu Giai không gọi điện đến bàn thì Tây cũng định mai đi làm sẽ nói, nhưng nghe giọng Giản Giai có vẻ không ưng, Tây mới chợt nhận ra ba chữ "được giai bao" quả thực quá nhạy cảm. Tây phải nghĩ cách để thuyết phục Giai về vấn đề này. Cần phải nghe theo ý kiến của phòng phát hành về vấn đề tên sách vì suy cho cùng họ mới chính là những người trực tiếp tiếp xúc với thị trường và cũng là người thực sự hiểu thị trường cần cái gì. Chúng ta đừng có lúc nào cũng coi mình là người có văn hóa, cứ ví những người phong lưu như những vòng hoa tang hay gì gì đó, dù thích hay không nếu sách không bán được cũng để làm gì chứ? Đang bàn tới vấn đề bán được ra thị trường thì tiếng nói bên cạnh làm ngắt đoạn, đó là tiếng của bố Quốc. "Ôi, bà thông gia! Chào bà!" Vừa nói chân vừa bước nhanh lại gần, khi Tây ngước lên nhìn thì bố Quốc đã nắm chặt hai tay mẹ Tây. Mẹ Tây thực sự đã mệt lử, năm nay bà gần sáu mươi tuổi rồi, lại vừa thực hiện ca phẫu thuật năm, sáu tiếng đồng hồ, bà cố hết sức chào hỏi bố Quốc đồng thời liếc nhìn con gái tỏ vẻ không bằng lòng. Đây cũng là điều mà Tây đã lường trước. Nếu là Tây, Tây cũng chẳng vừa ý, nhưng Tây biết nói gì đây? Chẳng thể nói được gì chỉ còn cách là vội vàng cúp máy và trơ mặt ra.

"Mẹ!... Họ, tới khám bệnh."

"Đây là bác của Tiểu Tây!"

Quả nhiên bố chồng không bằng lòng với cách giới thiệu qua loa của Tây, bèn chỉ vào người đàn ông đứng bên cạnh và giới thiệu thêm khiến cho mẹ Tây như cười trong đau khổ. Đó là quan niệm bên nhà chồng Tây, chỉ cần lấy nhau thì của chàng cũng là của nàng, của nàng cũng là của chàng, mọi thứ đều chung nhau, họ hàng cũng vậy. Không chỉ vào người đàn ông đấy nữa, bố Quốc vẫn nói tiếp: nếu nói đây là "anh của bà" chắc cũng không sai nhỉ? Lúc ấy lại có tiếng còi xe cấp cứu vang lên ngoài cửa, bệnh nhân giường số 32 quay về, mọi người đứng ở cửa đều phải tản đi hết, vì thế sáu, bảy người họ cũng không thể đứng chặn tại cửa mãi. Suy nghĩ một lát về hậu quả, mẹ Tây bèn quyết định, trước tiên dẫn "bác trai" đi xét nghiệm, còn Tiểu Tây dẫn những người khác tới phòng họp chờ.

Xét nghiệm cũng là việc vô cùng phức tạp, vốn dĩ bệnh viện mỗi năm tổ chức khám sức khỏe một lần mà mẹ Tây còn ngại đi, bây giờ lại phải thân chinh dẫn một người lạ đi hết phòng này tới phòng khác. Quả thực, vừa đứng phẫu thuật năm, sáu tiếng, bữa trưa chưa kịp ăn, hai chân bà nặng trĩu, chẳng thể lê bước. Không thể làm hết mọi xét nghiệm, mà cũng không thể đưa ra kết luận ngay lập tức, có một số xét nghiệm phải vài ngày mới có kết quả. Tóm lại là vấn đề này còn lâu mới chấm dứt. Chuyện như thế này không thể kéo dài mãi, nhất định phải nói chuyện với Tiểu Tây. Chuyện kiểu như thế này xét về tình, về lý, mặt nào cũng không ổn. Xét nghiệm một vòng trở về phòng chờ, mẹ Tây thấy khắp phòng nghi ngút khói thuốc, bố Quốc đang hút thuốc. Điều này càng làm cho mẹ Tây cảm thấy không vui. Chẳng nhẽ Tây không biết rằng ở khu vực phòng chờ này cấm không được hút thuốc? Song mẹ vẫn chẳng nói gì, chỉ bảo con gái ra mở cửa sổ, và chính mình cùng ra mở để khỏi phải đối mặt với bố Quốc. Từ khi họ trở về phòng, bố Quốc cứ oang oang nói mãi như thể ông ta là chủ ở đây không bằng.

"Anh kiểm tra thế nào?... Nào nào, ngồi xuống đây rồi hãy nói. Đừng ngại, ở đây cũng như nhà mình mà. Bà thông gia của tôi là trưởng khoa ở đây, quyền hành rất lớn!" Nghe vậy, Tiểu Tây chỉ dám nhìn trộm mẹ một cái, mặt mẹ đanh lại. Nhưng như vậy cũng mới chỉ là bắt đầu, vở kịch hay còn ở phía sau cơ. "Lấy cốc, rót nước mau, đứng đó làm gì!" Lời nói này là dành cho chị y tá trưởng đang tới chào khách của bác sỹ Lã. Nghe vậy chị y tá đứng chết chân tại chỗ, quả thực chưa ai từng thấy trạng thái chết chân tại chỗ như vậy bao giờ.

Mặt Tiểu Tây đỏ ửng lên. Còn mẹ Tây mặt mày trùng xuống.

--------------------------------------------------------------------------------

Chiếc giường bạt ở ngoài ban công cũng được đưa vào phòng, những đồ bày biện dễ vỡ, quý giá đều được cất đi, Quốc đã thu xếp mọi thứ. Sắp xếp rồi mới tìm đến Tiểu Tây để "thương lượng", tiền trảm hậu tấu, thật giống với bố Quốc.

Quốc tới bệnh viện nhưng chẳng dám vào bèn gọi điện cho Tây ra ngoài bàn bạc xem bố mình sẽ ăn nghỉ ở đâu. Thấy bộ dạng Quốc bỏ cả công trình để tới đây là Tây biết thực tế trong lòng Quốc đã có dự định rồi, Quốc tới đây chẳng qua chỉ để thuyết phục Tây mà thôi. Quả nhiên, Quốc định bố trí cho bố về nhà ở. Bốn người đàn ông, thêm Quốc nữa là năm, cùng ở một mái nhà. Trời đất ơi! "Ra ở khách sạn. Em chịu nửa tiền!".

"Đâu phải mình không có chỗ, sao mà phải tiêu tiền! Tiền của ai mà chẳng là tiền!".

"Thế em ở đâu?"

"Thì ở cùng đấy..."

"Cùng? Ở cùng năm người đàn ông hả?"

"Nếu không, em về tạm nhà mẹ vậy."

Tiểu Tây giận tím mặt. Thế nghĩa là sao? Tây kết hôn với Quốc chứ có kết hôn với cả gia đình Quốc đâu. Thế nên vì sao khi gia đình Quốc có việc lại đòi cả nhà Tây phải bận rộn theo. Vấn đề là ở chỗ đó, nói cách khác việc cãi nhau là không thể tránh, cứ cho là lần này Tây có cãi thắng được, thì cái sự thắng này cũng sẽ tạo ra chiến tranh kịch liệt.

Tiểu Tây về nhà. Trở về căn nhà được bố trí theo đúng sở thích của Tây. Cả căn nhà chỉ có một phòng, một phòng rất to, khoảng chừng bốn mươi mét vuông. Ban đầu, Quốc định chia ra thành nhiều phòng nhỏ, nhưng Tây kiên quyết phản đối. Ngụ ý sâu xa là không muốn để người lạ vào nhà ở. Thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại, không những không ngăn cản được khách đến nhà mình mà chính mình lại gặp rắc rối. Cả nhà một phòng, nên khách đến Tây đành dọn đi vì chẳng có chỗ trống nào mà ở. Về đến nhà, Tây thấy ghế sô-pha đôi cũng đã được hạ xuống làm thành chiếc gường đôi, chiếc giường bạt ở ngoài ban công cũng được đưa vào phòng, những đồ bày biện dễ vỡ, quý giá đều được cất đi, Quốc đã thu xếp mọi thứ. Sắp xếp rồi mới tìm đến Tiểu Tây để "thương lượng", tiền trảm hậu tấu, thật giống với bố Quốc. Đúng là cha nào con nấy!

Tiểu Tây khoác chiếc ba lô ra đi, trong ba lô là tập bản thảo phải đọc và mấy bộ quần áo tắm thay. Đói, Tây mua một suất cơm cà ri ở cửa hàng "7-Eleven" ven đường, như vậy coi như xong bữa tối. Tây không muốn quay về nhà sớm mà muốn đợi cho mọi người trong nhà ngủ đã. Trừ phi có ca phẫu thuật hoặc có bệnh nhân, nếu không chỉ mười giờ hơn là mẹ lên giường đi ngủ, mỗi năm chỉ một lần thức khuya còn đâu cứ đều đều như vậy. Đi bộ mệt, Tây ngồi bệt bên vệ đường mà trong lòng trống rỗng lạ kỳ: những ngày tiếp theo phải sống thế nào đây? Cứ dăm ngày lại có người đến, hết cô bảy lại đến dì tám, lúc thì khám bệnh, khi lại lên xin việc, họ mà đến thì đương nhiên ở nhà rồi, và người phải ra đi vẫn chỉ có mình Tây. Cứ kéo dài thế này, nhà mình có còn gọi là nhà nữa không chứ?... Đợi mãi mới tới mười một giờ kém, vừa bước vào nhà, không như Tây nghĩ bố mẹ chưa ngủ, họ đang ngồi chờ Tây.

"Đi về bàn bạc với chồng, nhanh!" Mẹ ngồi trên ghế sô pha lạnh lùng tuyên bố: "Có hai điều tôi muốn nói với cô, thứ nhất, nếu người nhà chồng cô ốm, tôi sẽ lo cho, con gái tôi là con dâu nhà họ, tôi là thông gia, đây cũng có thể coi là trách nhiệm của tôi, nhưng những người trong thôn nhà chồng cô, tôi không lo, không lo xuể."

"Nhưng người đó là bác của anh Quốc mà", Tiểu Tây vừa cởi giày vừa lẩm bẩm nói.

"Được, nói vậy tôi hỏi cô, hai họ tính ra khoảng mười tám đời, cứ bố và bác gọi là anh em! Cả cái thôn đó trước nay sinh sống ở đó bao đời, nếu cứ nghĩ như vậy thì cả thôn đó đều là người thân hả! Đi về nói với thằng Quốc, bảo bố nó đừng bao giờ đem người nhà tới gặp tôi nữa, nếu có bệnh thì cứ theo thủ tục xếp hàng vào khám. Thứ hai, về nói cho nhau rõ, nông thôn và thành thị có nhiều khác biệt." Mẹ quay sang nhìn bố tiếp lời: "Cái ông bố thằng Quốc ấy, cứ nói oang oang trong phòng của tôi, sau đó còn lên lớp cả con bé y tá trưởng nữa."

Tiểu Tây nghe hơi quá nên cãi lại: "Mẹ, mẹ nói quá rồi, như thế sao gọi là "lên lớp" chứ!"

"Như thế chẳng phải lên lớp thì là gì? Tôi nói cho cô biết, đến tôi đây này, cũng không bao giờ nói cái giọng như thế với y tá, à mà không với bất kỳ nhân viên nào của bệnh viện. Ông ta giỏi quá mà..."

"Thôi được rồi! Mẹ đừng nói nữa!"

Tiểu Tây đã phạm sai lầm lớn, lẽ ra lúc này Tây không nên nói điều gì, mà có nói cũng không nên nói như vậy, nói thế chẳng khác nào đổ dầu vào lửa khiến cho cơn giận của mẹ càng thêm bốc cao. "Từ đầu tôi đã hết nhẽ với cô, hôn nhân không chỉ là chuyện của hai người. Cô chẳng nói rằng kết hôn là chuyện giữa cô với thằng Quốc, rằng lấy thằng Quốc chứ có lấy cả gia đình nhà nó đâu. Đấy là về lý thuyết, còn thực tế thì khác, thực tế là dù cô nghĩ thế gia đình họ cũng không nghĩ thế! Trong suy nghĩ của họ, khi cô cậu lấy nhau nghĩa là cô sẽ phải lấy tổng thể các mối quan hệ xã hội của họ. Sự kết hợp giữa hai cô cậu chính là sự kết hợp giữa hai gia tộc. Quốc lấy cô tức là lấy cả những mối quan hệ xã hội của bố mẹ cô. Mọi người đều là người thân, là người một nhà, một nhà mà, nên không nên phân rõ trong ngoài lạ thân. Tiểu Tây, tốt nhất cô nên để tôi nằm ngoài cái quan hệ phức tạp này ra, nếu không..."

Nếu không thế nào chẳng cần nói ra, nhưng mọi thứ đều rõ. Nói xong, mẹ Tây đi thẳng vào phòng ngủ, bố cũng đi theo luôn mặc cho Tây bước vào. Chỉ còn lại mỗi mình trong phòng khách, Tây lại thấy lòng mình thật trống rỗng.

Sắp mười hai giờ đêm, Tiểu Tây trốn trong phòng mình gọi điện cho Giản Giai. Khi mà không thể tâm sự nỗi buồn phiền cùng cha mẹ thì chỉ còn biết trông chờ vào cô bạn thân thiết mà thôi.

--------------------------------------------------------------------------------

Trong điện thoại nghe thấy phía bên đầu dây kia rất tĩnh lặng, có vẻ Giản Giai không ở nơi công cộng nào. Giai khoe rằng vừa cùng đi ăn tối với người yêu, hôm nay là Valentine mà.

Bạn trai của Giai tên là Lưu Khải Đoạn, một doanh nhân thành đạt, giám đốc một công ty phát đạt đứng thứ năm trong thành phố. Mỗi một dự án đều lên tới hàng chục tỷ Nhân dân tệ, hàng năm đều nằm trong bảng xếp hạng do Forbes bình chọn. Giản Giai yêu anh ta khi mới hai mấy tuổi còn anh ta đã là người đàn ông chững chạc đứng trên đỉnh cao của thành đạt. Giai kể với Tây cả về nơi hai người hẹn hò, đó là câu lạc bộ Bắc Mỹ, một câu lạc bộ thành viên, nơi đây nếu không có thật nhiều tiền thì đừng nghĩ tới việc đặt chân đến. Thế mà Khải Đoạn có hẳn một bàn cố định đặt trước ở đó. Nơi đó Tiểu Tây chưa từng đến, thậm chí cũng chẳng dám mơ được đến. Nhưng trong đầu dám chắc nơi đó không giống như cái chốn ồn ào mà Tây và Quốc vẫn thường đến, tuy nhiên nhạc nền thì tất nhiên phải có, nếu không nhạc mạnh thì cũng là giai điệu du dương, ví dụ một bản nhạc rất êm đềm chẳng hạn. Ấy thế mà không hề nghe thấy bất kỳ âm thanh nào. Liệu có phải họ đã ăn xong và giờ chia tay nhau rồi? Trong lòng Tây cũng thấy thoải mái hơn, chỉ sợ làm phiền Giai, đêm nay với Giai là một đêm đặc biệt mà. Buổi trưa, Khải Đoạn gọi điện thoại hẹn Giai tối nay đi ăn cơm, giọng nghe rất nghiêm trọng bảo tối nay có món quà tặng Giai, Giai bảo Tây thử đoán xem. Tây đoán rằng đó là "nhẫn cưới", nhưng Giai khẳng định cô chẳng quan tâm đó có phải là "nhẫn" hay không? Nói cụ thể hơn, cô chỉ cần đó là "cưới". Từ đó có thể thấy, Tiểu Tây đoán đúng, và trong lòng có chút đố kỵ. Có một nhà văn đã nói rất đúng rằng: con gái lỡ bước, một ngày thì gây ra thị phi, ba năm thì thành tai họa, ba mươi năm mới hóa thành tình yêu. Như Trương Học Nương và tiểu thư Triệu Tứ là một ví dụ. Ở đây, cái quyết định tới vấn đề tình cảm chính là thời gian.

Giản Giai và Khải Đoạn đi lại với nhau đã sáu năm nay, nếu so với "bảy năm đầu kết hôn" thì cũng chỉ còn kém một năm nữa, chẳng hiểu Giai định như thế nào. Theo như Tây biết, trong sáu năm đó, Giai đã ba lần phải đi phá thai, lúc nào cũng mang theo bên mình que thử thai chính là muốn giảm ảnh hưởng không tốt với cơ thể sau mỗi lần phá thai. Của đáng tội, Khải Đoạn là một người đàn ông rất hấp dẫn, nếu như chưa có vợ con thì rõ ràng là một người đàn ông hoàn hảo. Đương nhiên có vợ con không phải là nhược điểm, nhưng đối với một cô gái yêu anh đến say đắm thì điều này cũng cần phải cân nhắc. Khi mới quen nhau, Giai vẫn nghĩ rằng Đoạn chưa có vợ, bởi khi đó anh vẫn còn khá trẻ, một người đàn ông mới ngoài ba mươi mà chưa có vợ cũng là chuyện bình thường. Sau này, khi biết anh đã có vợ con, Đoạn luôn hứa với Giai rằng anh sẽ bỏ vợ để lấy Giai. Lời hứa này chẳng khác nào miếng mồi nhử cứ kéo Giai lẽo đẽo theo anh, từng bước từng bước, năm này qua năm khác, thấm thoắt đã sáu năm trôi qua. Cho đến hôm nay, tối nay, cuối cùng Giản Giai cũng đã hóa khổ thành trái ngọt, Tây vừa thấy mừng cho bạn lại vừa thấy tủi cho mình. Bởi ai chẳng mong bạn mình tốt, đồng thời càng mong mình hơn bạn.

Vì không muốn làm phiền bạn nên Tây cứ âm thầm chịu đựng, mãi đến lúc này mới gọi điện cho Giai. Nhưng sự tĩnh lặng bên kia đầu dây khiến Tây vừa thở phào nhẹ nhõm nay lại thấy lo âu, phải chăng cùng nhau ăn tối xong giờ họ về nhà Giai và đang tận hưởng "đêm xuân" bên nhau? Dù nhìn ở góc độ nào đi chăng nữa thì đó vẫn là "đêm xuân" - một đêm mùa xuân, hai kẻ yêu nhau cuối cùng cũng đến được với nhau đang quấn quít bên nhau - nếu thực là vậy, lẽ ra Tây nên gọi điện sớm hơn, vì quấy nhiễu người ta tụ họp với nhau còn chẳng tệ bằng quấy nhiễu hai người đang ân ái bên nhau. Thế nhưng, lát sau, Tây lại cảm thấy không khí bên đầu dây kia không hoàn toàn là vậy, bởi trong cái tĩnh lặng ấy, Tây thấy giọng Giai vẫn bình thản và nhẹ nhàng, chẳng giống như đang "đêm xuân" hay "tụ họp". Hỏi Giai cái gì Giai cũng hỏi lại: "Nếu bạn không muốn ngủ hay mình lái xe qua đón bạn rồi tới chỗ mình nhé!" Giai có một chiếc xe BMW. Chẳng cần nói cũng biết đó là quà Khải Đoạn tặng. Nơi Giai ở là căn hộ trong tòa nhà Town house rộng khoảng hơn hai trăm mét vuông, đương nhiên đó cũng là quà của Khải Đoạn. Không hỏi nhiều nữa, Tây nói cho Giai nơi mình đang ở rồi cúp máy, để lại mấy chữ nhắn lại và đi khỏi nhà. Hai mươi phút sau, Giai tới đón và hai người cùng về căn hộ ở Town house.

Trên đường đi, Giai kể cho Tây nghe về đêm tình nhân của mình.

Món quà mà Khải Đoạn nói tới trong điện thoại là kim cương, nhưng không phải nhẫn kim cương mà là hoa tai kim cương. Món quà này Đoạn mua cho Giai trong chuyến đi công tác tới Amsterdam Sauer. Đôi hoa tai được gắn hai viên kim cương hình tròn khoảng hai ca-ra có phiếu bảo hành chất lượng sản phẩm kèm theo. Trước khi mở hộp quà, Giai vẫn nghĩ đó là chiếc nhẫn, vì thế, khi nhìn thấy đôi hoa tai bên trong chiếc hộp được thắt nơ xanh bên ngoài, Giai chợt lặng im chẳng nói lời nào. Khải Đoạn như đoán được tâm trạng của Giai nên cũng không hỏi thêm gì. Với giọng nghẹn ngào cùng nụ cười miễn cưỡng trên môi, Giai nhỏ nhẹ nói rằng Giai vẫn nghĩ tối nay Đoạn sẽ tặng mình nhẫn cưới cơ. Thế là Khải Đoạn lại bắt đầu những lời hứa muôn thuở của mình: "Anh và vợ bỏ nhau chỉ là chuyện sớm muộn thôi mà".

Điều này càng khiến cho Giai thêm phần thất vọng truy vấn anh đến cùng: "Sớm là khi nào mà muộn là bao lâu?"

Đoạn cố tìm cách an ủi Giai nhưng Giai tuyệt đối không để anh nói, chỉ yêu cầu anh trả lời câu hỏi ấy. Đoạn đành đáp rằng: "Ly hôn không phải chuyện một sớm một chiều."

"Không đơn giản nhưng sáu năm là quá đủ rồi!"

"Giản Giai, em phải hiểu anh yêu em đến thế nào chứ."

"Nhưng tình yêu của anh dành cho em không bao giờ bằng tình yêu anh dành cho tài sản của mình."

"Không phải tài sản, mà là sự nghiệp." Đoạn vội phân bua cho mình. "Mà anh làm việc cũng là vì em. Anh vừa mới mở thêm bảy công ty con nữa em có biết không? Mà chỗ nào cũng phải dùng đến tiền. Nếu ly hôn bây giờ, xét về lý tài sản sẽ bị chia đôi, mà đó là toàn bộ số vốn lưu động của anh, nếu làm thế chẳng khác nào đưa công ty đến chỗ phá sản."

Giản Giai chẳng buồn nói gì thêm, nhìn chằm chằm người yêu không chớp mắt, sau đó chộp lấy chiếc hộp đựng hoa tai ném thẳng vào người tình rồi quay đầu đi thẳng. Mình đã ra Đinh Lễ mấy lần nhưng không thấy có quyển này, mọi người có biết mua hiệu sách nào không Mẹ nó ra nhà sách Ngân Nga ở Đinh Lễ nhé. Quyển này ở Đinh Lễ không bán nhiều, hình như có mỗi nhà sách này có, mà cũng chỉ có vài cuốn. Mình xin phép Post tiếp nhé

Nghe vậy, Tây đang ngồi trên ghế sô pha bỗng nhảy dựng lên, lúc đó Tây đã ở trong căn hộ ở Town House. Khắp trong phòng khách này đều có "dấu tích" của Khải Đoạn. Dải buộc sau sô pha là của Giorgio Armani, trên bàn nước là chiếc bút máy hãng Mont-Blanc, chiếc đồng hồ nam của hãng Jaeger - LeCoultre, chẳng phải nói cũng biết toàn những hãng nổi tiếng, nếu nói ra giá trị của nó chắc ối người lắc đầu lè lưỡi. Nếu không có người bạn như Giản Giai đây, chắc Tây cũng chẳng có cơ hội được nhìn tận mắt những đồ vật này. Mà có thấy rồi có khi cũng chẳng biết, mà không biết thì khác gì là chưa thấy đâu. Ví như chiếc đồng hồ của Thụy Sỹ, nếu là người ngoài không biết thì thấy có gì khác so với chiếc đồng hồ Quốc vẫn đeo đâu chứ. Mà chiếc đồng hồ của Quốc thì đáng bao nhiêu tiền nhỉ? Một trăm bốn mươi tệ. Còn đồng hồ của Khải Đoạn? Bốn triệu không trăm tám mươi ngàn tệ! Tây nhảy dựng lên thét thành tiếng trước mặt Giản Giai:

"Cáiiiiii gì? Bạn không phải là đang giả vờ giận dỗi ném trả lại đôi hoa tai kim cương đó chứ hả! ... Giai ơi là Giai, bạn nghĩ bạn là ai chứ? Là diễn viên đang diễn chắc, cái vật bạn ném đi là đạo cụ làm từ thủy tinh chắc?!"

Giản Giai định nói điều gì đó nhưng đã bị Tây chặn lại nói tiếp: "Mình biết trong lòng bạn không vui - đi tới cuộc hẹn với đầy hy vọng nhưng kết quả ngược lại thất vọng hoàn toàn. Cảm giác như mình vừa bị lừa. Nếu là mình mình cũng bực mình: qua lại với bạn đã sáu năm, từ khi bạn hai bốn tuổi, giờ đã ba mươi rồi, đời người con gái có mấy lần sáu năm như vậy chứ?... Mình nói đúng không? Mình hiểu bạn mà. Nhưng cái mình thực sự không hiểu là sao bạn lại có thể trả lại anh ta viên kim cương đã nằm trong tay thế? Giản Giai à, bạn giận anh ta chứ có giận tiền đâu. Khi mình và Quốc cãi nhau, cãi nhau kịch liệt tới mức nói cả tới chuyện ly hôn, mình cũng chỉ dám ném những thứ giống như chiếc gối thôi, còn bạn quá được luôn, nguyên cả đồ quý thế, bảo ném là ném luôn."

Càng nói Tây càng tỏ ra tức giận, luyến tiếc. "Bạn nói xem, khi tức giận bạn ném cái gì chẳng được, những đồ trên bàn đấy, dao, dĩa, cốc, chén! Như thế không đủ hả giận à? Hay cho cả đĩa sa lát úp lên đầu anh ta, cho mặt anh ta bê bết cũng được - đây lại đi ném hoa tai. Trời ơi, ném hoa tai chứ lại! Kim cương nữa chứ! Lại là kim cương cao cấp mua từ Amsterdam Sauer. "Càng nói Tiểu Tây càng tiếc, tiếc rằng không thể quay ngược thời gian, tiếc không thể thay Giản Giai tới câu lạc bộ Bắc Mỹ đó, tới bên bàn ăn đó, đứng trước mặt Khải Đoạn và nhặt lại đôi hoa tai đã bị Giai ném trả ấy!

Giai nói tiếp với đôi mắt ngấn lệ: "Ừ thì bạn cứ cho rằng đó là vì tình yêu, nhưng trong con mắt của người ngoài, bạn có khác gì với mấy cô gái bao đâu. Đúng không?" Nói tới đó, Giai quay lại nhìn Tiểu Tây và mỉm cười. Cuốn sách đó hay cứ lấy tên theo trưởng phòng phát hành bảo đi "Ba năm tôi được trai bao". Nói xong, Giai lại cười, những giọt nước mắt lưng mi càng trào ra dữ dội...

Hôm đó, hai người nói chuyện với nhau tới tận khuya mới chợp mắt. Tiểu Tây cũng không kể về chuyện của mình nữa, đúng hơn là không có cơ hội để kể. Đối diện với một người đã có cả bồ tâm sự, liệu bạn có nỡ mở miệng than khổ về chuyện gia đình mình không?

Trong những ngày đợi bác Quốc có kết quả xét nghiệm, Tiểu Tây hàng ngày vẫn sáng đi làm, tối lại về ở nhà mẹ đẻ. Việc Tiểu Tây phải về nhà mẹ ở khiến mọi người ở quê lên cũng cảm thấy ái ngại, dù chẳng ai nói ra hay tỏ ra quan tâm đến nhưng trong lòng đều hiểu rất rõ. Mấy ngày này, Quốc cũng không dám gọi điện tới quấy rầy Tây có lẽ vì ngại. Nếu nghĩ cho Quốc một chút thì thấy, tự nhiên trong nhà thêm bốn người nữa ở, ăn ở, tắm giặt, Quốc đều phải lo hết. Nhưng Tây cũng chẳng lo cho Quốc được vì mấy ngày này Tây cũng bận vô cùng. Ở nhà xuất bản đang chuẩn bị cho hội chợ sách mùa xuân, mà cuốn sách do Tây và Giai làm "Ba năm tôi được trai bao" lại nằm trong số sách trọng điểm lần này. Tác giả của cuốn sách là Trần Lãm, một nữ nhà văn trung niên, văn chị viết sắc sảo mà hài hước, rất có độ phiêu, thu hút được nhiều bạn đọc yêu mến. Cuốn sách này mang đậm phong cách của chị, nội dung rất hay, tên sách cũng rất hấp dẫn, có thể nói đó là cuốn sách thập toàn thập mỹ, vấn đề chỉ là ở chỗ làm thế nào để thuyết phục tác giả đồng ý đổi tên sách. Từ trước, Giản Giai đã không có thiện cảm với cái tên này, vì thế việc thuyết phục tác giả được giao lại cho Tiểu Tây.

"Không phải chị không có tinh thần hợp tác với các em, đã hàng trăm hàng vạn lần chị tự thuyết phục mình rằng bây giờ kinh tế thị trường nó đòi hỏi thế!" Trần Lãm cứ giải thích còn Tiểu Tây cứ gật đầu lia lịa như thể những gì Trần Lãm nói là có lý lắm. Tây muốn ngừng nữ nhà văn này lại, nhưng chị ấy cũng không muốn Tây chen lời nên vẫn tiếp tục nói: "Nhưng chị không thể tự thuyết phục mình được, suốt đêm cứ nghĩ đến cái tên "Ba năm tôi được trai bao" là chị lại không thể nào ngủ được. Dù đã uống hai viên thuốc an thần cũng vô dụng. Chị đã ngần này tuổi rồi, cũng không phải cái tuổi dùng thân mình để viết nữa..."

"Chị Lãm à, chị...!" Tiểu Tây ngắt lời "Chúng em có sửa chữa chút nào về nội dung đâu! Chị nói dùng thân mình để viết là sao?"

Trần Lãm càng khăng khăng: "Thế càng không được, như thế khác nào lừa độc giả" rồi Lãm nói tiếp một cách dứt khoát "cứ đặt tên là "Nhân tỉ hoàng hoa", không đổi gì hết! ... Thế nhé, chị còn có chút việc." Rồi chẳng đợi Tây nói thêm gì nữa, chị đứng lên đi thẳng.

Sau khi Trần Lãm đi, Giản Giai vốn đang giả vờ bận bịu cắm mặt vào vi tính ngước nhìn lên hỏi Tây giờ tính sao; Tiểu Tây chỉ biết cười trừ: chỉ biết báo lại cho trưởng phòng phát hành là tác giả không đồng ý với ba năm chị ấy được trai bao. Nói xong lại phải sang phòng phát hành, đúng lúc ấy, Quốc gọi điện tới. Nhìn thấy tên Quốc hiện lên, Tây đoán lại có chuyện gì vừa xảy ra, hơn nữa chắc là việc rất gấp nếu không Quốc sẽ không gọi điện trực tiếp vào máy Tây như vậy. Và quả thực sự việc rất gấp, vô cùng khẩn cấp: Như Quốc thông báo thì ở nhà nước đang chảy tràn ra! Mà lúc này Quốc lại đang ở tận Thiên An Môn nên đành gọi cho Tây quay về nhà xem. Mọi người cũng sẽ quay về ngay. Tây kể cho Giai nghe chuyện rồi nhờ Giai lái xe đưa về nhà nhưng Giai nói cô không có xe. Cũng chẳng có thời gian để hỏi xem vì sao Giai không có xe, Tây vội vội vàng vàng chạy ra ngoài, vội tới mức chẳng nghe nổi Giai đang với gọi theo dặn Tây phải cẩn thận đừng quá vội kẻo ảnh hưởng tới cái thai.

Tràn nước là vì quên không khóa vòi ở bồn rửa mặt, thêm nữa lỗ thoát nước lại bị tắc thế là nước chảy từ bồn xuống khắp mặt đất, từ nhà vệ sinh chảy ra phòng khách, rồi lại từ phòng khách chảy ra ngoài. Mở cửa ra đi theo tiếng nước róc rách chảy vào tận buồng tắm, Tây lao tới khóa vội vòi nước và bị ngã oạch một cái khiến cho Giản Giai đứng phía sau lưng liên tục hét lên sợ hãi. Sau khi thông chỗ tắc nước, từ lỗ thoát nước Tây vớt lên một nắm lông tóc và dãi dớt bện lại thành túm. Phía bên kia, Giản Giai còn phát hiện ra mùi thối bốc lên từ bồn cầu vẫn còn nguyên đống phân chưa dập nước, bèn bịt mũi tiến lại dập nước trôi đi. Bên này Tiểu Tây cố gắng moi vứt đống lông tóc làm tắc cống rồi lấy chổi quét nước quét cho khô. Giản Giai lại vội mở cửa sổ cho bay đi những mùi còn ứ đọng trong này... Cứ thế hết việc này đến việc khác, hai người mệt đứt hơi, ngồi bịch xuống chẳng buồn động đậy gì nữa. Lúc ấy, Giản Giai mới biết nhà Quốc lại có khách, và mới hiểu thì ra vào ngày Valentine Tây gọi cho mình chính vì chuyện này. Giai đành an ủi bạn rằng chỉ cần Quốc đối xử tốt với bạn là được rồi. Tây chỉ biết lắc đầu cười gượng mà chẳng nói lời nào. Đó là những gì người chưa kết hôn nói, trước đây Tây cũng từng nghĩ vậy, thật là ngây ngô! (Mình post tiếp nhé!)

Sàn nhà được làm từ gỗ tự nhiên, bây giờ đều ngập nước, nếu biết thế này trước đây lát gạch cho xong. Lúc đầu là do Tiểu Tây nằng nặc đòi lát sàn gỗ, vì sàn gỗ có thể thoải mái ngồi, nằm hay vứt đồ linh tinh, có thể tha hồ đi đất, đó chính là giấc mơ về căn nhà của Tiểu Tây.

Quốc không đấu tranh được với Tây đành đề nghị hay lát sàn gỗ tấm, loại này vẫn đáp ứng được nhu cầu của Tây mà giá cả lại rẻ hơn nhiều so với gỗ tự nhiên, nhưng Tây không đồng ý. Phải chăng những yêu cầu của con người đối với vật chất không chỉ đơn thuần là sự thỏa mãn về cảm giác da thịt mà còn là sự thỏa mãn về khía cạnh tinh thần nào đó? Cái cảm giác ấm áp, thiên nhiên và hoa lệ ấy thì gỗ tấm làm sao đem lại được chứ? Và thế là với sự quả quyết của mình, sàn gỗ tự nhiên được lát. Gỗ được mua từ "nơi sản xuất", ở đó giá rẻ hơn. Cho dù là rẻ thì cũng đã tiêu hết một phần ba số tiền dùng để sửa nhà. Nhưng Tây cũng chẳng hề hối tiếc vì đều này, dù là đi tới đâu, ngồi đâu, nằm đâu, cảm giác đem lại thật thoải mái. Đêm đầu tiên về nhà mới, chính hai vợ chồng đã cùng ân ái trên mặt sàn đó. Sau đó, họ không ân ái như vậy thêm lần nào nữa, đó là đêm đầu tiên, lần đó, cả hai vợ chồng không bận tâm tới điều gì, cảm xúc tự nhiên, hòa với thiên nhiên, cảm giác thật tuyệt vời. Nhưng sau lần ngập nước này e rằng sàn sẽ bị hư hại không thể khắc phục như xưa được nữa. Nếu vậy, họ thực sự không đủ dũng cảm, mà cái chính là không đủ năng lực để làm lại lần nữa. Tiền mua nhà là đi vay ngân hàng, mỗi tháng trả lãi cũng đến năm ngàn. Nói như vậy, với số lương của Quốc hàng tháng trả lãi ngân hàng, cộng với số tiền gửi về quê hàng năm thì chỉ còn lại khoảng bốn mươi ngàn tệ, con số này cũng tương đương với số tiền lương của Tây. Có đôi lúc làm được cuốn sách hay, tiền lương cuối năm cộng thêm tiền thưởng của Tây cũng được đến năm mươi, sáu mươi ngàn tệ, còn nhiều hơn số tiền Quốc kiếm được. Vì Quốc còn lo trả tiền lãi ngân hàng, nên tiền tiêu hàng ngày do Tiểu Tây chi trả, nếu phải chi việc lớn thì cả hai cùng đóng góp. Bây giờ làm lại sàn gỗ, một khoản chi lớn thế, Quốc chắc chắn không chi rồi. Mà nếu không phải vì tiền thì cũng vì sợ những sự cố như việc ngập nước này xảy ra. Tiểu Tây nghĩ kỹ rồi, nếu người nhà Quốc còn tới đây ở nhờ, những việc như thế này chắc chắn còn xảy ra; mà người nhà của Quốc thì khẳng định sẽ còn tới đây ở nhiều!

Về đến văn phòng, trưởng phòng phát hành đang chờ sẵn hai người. Vì đi vội quá nên cả hai quên không mang theo điện thoại. Không đợi anh nói, Tây liền thông báo luôn việc tác giả không đồng ý đổi tên sách, Tây đoán rằng anh cũng tới đây vì vấn đề này. Bởi con người này thường ngày không có việc gì lớn thì cũng chẳng tới đây bao giờ, mà trước mắt thì việc lớn duy nhất chính là cuốn sách của Trần Lãm. Mọi người đều cho rằng đây sẽ là cuốn sách bán chạy, mà sách bán chạy vào thời điểm này chính là nguồn sống của các nhà xuất bản. Quả nhiên, Tây đoán không sai, trưởng phòng phát hành đến chính là vì việc này. Khi biết tác giả không đồng ý, anh ta trợn trừng mắt nói: "Bảo với cô ta là cùng nội dung nhưng nếu lấy tên là "Ba năm tôi được trai bao" thì bán được bảy mươi nghìn bản, nếu là "Nhân tỉ hoàng hoa" chỉ được năm nghìn bản thôi!" Nghe đến đó, hai mắt Tây cũng trợn tròn lên, thậm chí còn tròn to hơn cả mắt của trưởng phòng. Bảy mươi nghìn và năm nghìn, sao lại có sự khác biệt đến thế chứ? Trưởng phòng bồi thêm: "Thử nghĩ xem, bảy mươi nghìn bản - thậm chí còn hơn thế - và năm nghìn bản, tiền thưởng cuối năm của hai em sẽ được bao nhiêu. Thuyết phục chị ta chẳng phải cũng vì hai em sao!" Câu nói hết sức thuyết phục và hấp dẫn ấy vừa thốt ra, anh ta liền đi khỏi, để mặc Tây và Giai hai người cùng gặm nhấm dư âm còn lại.

Trưởng phòng phát hành đi khỏi, Giai liền ngồi trước máy tính tiếp tục làm việc như người chẳng liên quan khiến cho Tây thấy không bằng lòng. "Cho dù bạn không để ý tới những gì trưởng phòng nói thì cũng không thể thờ ơ với tiền thế chứ, đằng sau bạn là cả một ngân hàng tài trợ hả." Bỏ qua các vấn đề khác, cứ cho là lần này Giai và Đoạn thực sự chấm hết thì Giai vẫn còn có nhà, có xe, có bao nhiêu vàng bạc mà Đoạn tặng Giai suốt sáu năm yêu nhau, so với một người có tấm bằng thạc sĩ chuyên ngành đang "hot", mỗi năm số tiền kiếm được cũng chỉ mua đủ cái vô lăng chiếc xe Giai lái. Lúc này, Tây vẫn chưa biết rằng, Giai đã trả hết nhà cửa và xe cho Đoạn, trả ngay trong ngày Valentine ấy. Khi biết Đoạn không hề có ý định kết hôn với mình, Giai đã trả hết.

Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác Quốc dắt hai đứa con về quê. Bệnh xơ gan, nói chung không cần chữa trị gì, cứ về nhà điều dưỡng dần. Bố Quốc không về cùng với họ. Mà cũng đúng, khó khăn lắm mới tới đây được, muốn ở lại với con trai thêm mấy ngày cũng có gì là sai. Nhưng điều khiến cả Quốc và Tây bất ngờ là, lần này bố lên không chỉ vì việc bác trai đi khám bệnh mà còn vì muốn bàn bạc với con trai một việc quan trọng hơn thế. Đại khái là bố Quốc thấy việc này cũng hơi quá đáng, khi có mặt bác trai ở đó không tiện nói với con trai, vì sợ nhỡ may bố con có gì đó bất đồng mà lỡ họ nhìn được thì không hay, bố Quốc là người rất trọng sĩ diện.

Chuyện cụ thể là, ở nhà muốn xây nhà. Tổng số tiền hết khoảng tám mươi nghìn tệ, bố bảo Quốc chi ra sáu mươi nghìn. Trước tiên bố nói rằng: "Quốc à, sau này con cũng có con, bố muốn xây thêm một gian nữa, để sau con có dắt vợ con về cũng có chỗ ăn chỗ ngủ." Sau đó đề nghị cụ thể. Lần này, Quốc không dám lập tức nói "vâng". Sáu mươi ngàn, trừ khoản tiền trả nợ ngân hàng và số tiền gửi về quê hàng tháng, phải nửa năm làm việc Quốc mới có được số tiền đó. Thực ra, lâu nay Quốc rất muốn mua một chiếc ô tô nhưng vẫn chưa mua được, vì sao ư? Không có tiền. Nhìn người khác xem, làm gì có ai lương một năm khoảng hai mươi nghìn tệ mà không mua nổi chiếc ô tô chứ? Đương nhiên những lời này làm sao mà nói với bố được. Đạo lý này giống như người không ăn được nói chuyện với người ăn không biết no vậy. Nếu Quốc nói mình không có tiền, chắc chắn bố sẽ hỏi không có tiền mà sống ở nơi tốt thế này ư? Không có tiền mà sao tủ quần áo treo đầy đồ thế? Không có tiền thế tủ lạnh, ti vi, đàn piano không phải là tiền chắc? Quốc biết rất rõ những suy lý trong đầu bố, và càng hiểu rằng bố không thể hiểu nổi nỗi lòng của Quốc. Thực tế thì đây chính là khó khăn lớn nhất của Quốc.

Quốc không trả lời, mà bố cũng chẳng giục, chỉ từ từ hút thuốc và đợi. Sáu mươi nghìn tệ đâu phải số tiền nhỏ, thế nên Quốc phải suy nghĩ kỹ. Tuy nhiên bất luận Quốc nghĩ như thế nào thì số tiền này nhất định phải chi ra. Trên danh nghĩa là xây nhà cho cả gia đình, nhưng qua lời của bố thì chính là xây nhà cho anh cả. Năm đó cả Quốc và anh cả cùng thi đỗ đại học, nhưng bố mẹ chỉ đủ tiền để nuôi một đứa ăn học, và Quốc được đi học. Ai đi học ai ở nhà được lựa chọn qua bốc thăm, anh cả bốc phải thăm đề "không đi học", nên đành bỏ dở học hành, cùng cả nhà kiếm tiền cho Quốc ăn học. Khi kết hôn cũng chẳng được ở phòng mới, chỉ sống trong căn nhà cũ cùng vợ con, hai đứa con gái cũng được sinh ra ở đó, thấm thoắt đã gần mười năm. Từ trước tới giờ anh cả chưa một lần than phiền về điều đó, nhưng càng không than phiền thì lòng bố càng nặng trĩu, mu bàn tay hay lòng bàn tay cũng đều là ruột thịt mà!

"Bố - cuối cùng Quốc cũng trả lời một cách chậm rãi - hai năm nữa mới xây nhà có được không?"

"Không được. Đất xây nhà đã lấy rồi, năm nay không xây người ta thu lại đất. Sau này, liệu có xây được không cũng không rõ."

"Bố, chúng con không cần phòng, chúng con cũng không thể về đó sống."

"Về hay không là chuyện của cậu, còn xây nhà hay không là chuyện của chúng tôi. Cậu về hỏi mọi người ở thôn xem, có nhà nào không xây nhà cho con trai không?" Sau đó, bố ra lệnh cho Quốc tối nay phải về nói chuyện với vợ và phải quyết định ngay trong đêm nay. Con dâu cũng nói tối nay sẽ về nhà ngủ.

Quốc đợi tới đêm khuya vắng lặng, khi tiếng ngáy của bố đã vang lên mới dám nói chuyện với Tiểu Tây. Quốc sợ rằng sau khi nói, nhỡ may, à không phải nói là chắc chắn chứ, hai vợ chồng sẽ cãi nhau, lúc đó lại phải đứng giữa bố và vợ, Thực sự Quốc còn chẳng dám nghĩ đến tình huống đó. Quốc bắt đầu nói: "Anh có chuyện muốn bàn với em." Quốc cảm thấy Tây co người lại ra điều không muốn nghe, nhưng vẫn cố tình nói tiếp: "Bố nói, bố muốn xây nhà cho chúng ta."

"Xây nhà? Cho chúng ta?" Tây không tin nổi vào tai mình nữa, Quốc ôm bờ vai Tây và nói đó là sự thật.

"Xây ở đâu?"

"Còn ở đâu được nữa."

Quốc trả lời vu vơ nhưng Tây thì lại nghe rất rõ: "Ở quê hả?... Quá tốt! Như vậy thì từ giờ trở đi, chúng ta sẽ có hai căn nhà, khi nào làm việc thì ở thành phố, lúc rỗi rãi lại về quê..."

"Nhưng nhà xây xong không phải cho mình hết, chỉ cho chúng ta một gian thôi, ở chung với bố, mẹ, anh trai và chị dâu." Quốc không nỡ để Tây mơ tưởng thêm nữa.

"Một gian cũng tốt, còn hơn là không. Đến mùa hè, chúng ta có thể dẫn các con về quê, ở đó chẳng phải rất mát mẻ sao? Cho bọn trẻ được tiếp xúc với nông thôn, tiếp xúc với thiên nhiên, đừng có giống em, đến củ cải đường cũng không biết là gì."

Quốc không muốn Tây cứ mơ mộng như vậy nữa vì e rằng "trèo cao thì ngã đau", nên đành nghiến răng nói thẳng, không vòng vo nữa: "Tiểu Tây, nhưng chúng ta phải bỏ tiền xây nhà."

Lúc này, Tiểu Tây mới giật mình nhận ra thế nào gọi là nằm mơ giữa ban ngày. Đặc biệt khi biết được tổng số tiền xây nhà hết tám mươi nghìn tệ và hai vợ chồng phải chi sáu mươi nghìn tệ, Tây cảm thấy vô cùng tức giận. "Anh về nói với bố, chúng ta không cần nhà!" Quốc chỉ im lặng bởi sự thực là cần phải nói những gì anh đều đã nói cả nhưng có ích gì đâu. "Không cần cũng không thể! Bố mẹ dựa vào đâu mà yêu cầu thế chứ! Ở Bắc Kinh chúng ta có nhà cửa có công việc, chúng ta có thừa hơi đâu mà về quê xây nhà gì đó chứ? Ăn no dửng mỡ chắc! Hay nhiều tiền quá chẳng biết tiêu đâu cho hết! Xây cái nhà to vật cho cả nhà, hết tám mươi nghìn, bắt chúng ta bỏ ra những sáu mươi nghìn, như thế khác nào bóc lột!"

"Thì bố mẹ cũng có ý tốt thôi mà, muốn con cháu tụ tập đông vui..." Quốc cố biện minh cho bố mình, nhưng bản thân cũng thấy lời nói không có hiệu lực.

"Đâu chỉ có bố mẹ muốn là được. Cũng cần có ý kiến của chúng ta nữa chứ."

Quốc cố dùng lại chính lời của Tiểu Tây để thuyết phục "Chúng ta chẳng vừa bàn đấy thôi, đến mùa hè, dẫn các con về đó ở..."

"Anh Quốc!" Tây dằn họng nói "Anh nói mà không nghĩ hả? Tặng với mua khác hẳn nhau đấy! Cái gì được tặng thì dù tốt dù xấu cũng chẳng sao, không tốt vứt quách đi là xong, chẳng tiếc rẻ gì! Còn đồ đi mua thì, xin lỗi, đều phải chính tay mình lựa chọn đến vừa ý mới thôi!"

"Nhưng cả nhà đã tiêu rất nhiều tiền để nuôi anh học đại học. Khi anh học đại học phải xa nhà, mọi việc trong nhà đều do anh trai chị dâu quán xuyến..." Quốc cố năn nỉ.

Những câu như vậy Tây không chỉ nghe một lần. Đúng thế, năm ấy nhận vào, bây giờ phải trả. Được thôi, nếu muốn tính toán, vậy phải tính cho rõ ràng. "Quốc, anh nghe em nói đây, tiền anh cung cấp cho mọi người giờ đã vượt quá số tiền mọi người chu cấp cho anh ăn học. Ngay khi anh mới xin được việc, tháng nào cũng phải gửi tiền về, phải mua đồ về cho mọi người. Anh thử xem lại xem, trong gia đình anh, có đồ điện tử nào mà không phải do anh mua không? Điện thoại cũng do chúng ta lắp!"

Quốc vẫn nằm im nghe Tây nói, còn Tây cứ tiếp tục nói trong ấm ức: "Bình thường cũng biết nói khoác lắm cơ, kiếm được một đồng thì nói thành mười. Đau đúng không? Cũng sĩ diện phải không? Anh đúng là đứa con làm rạng rỡ mẹ cha mà. Anh cho rằng nói khoác không bị đánh thuế chắc. Thưa ngài, bây giờ thì sáng mắt ra chưa, trên đời này cái gì cũng có cái giá của nó, nói khoác cũng thế thôi! Đi! Anh đi ra nói với bố anh, nói hết sự thật, nói rằng anh kiếm cũng chẳng được bao nhiêu tiền, nói rằng anh cũng cần tiền để tiêu, anh cũng đang rất khó khăn! Hiện giờ anh vẫn đang nợ ngân hàng mấy trăm nghìn tệ chưa trả được đấy!"

Quốc chỉ biết nằm im, còn Tây trong lòng sục sôi ấm ức. Quả nhiên, Tây chẳng thể trông mong gì vào Quốc, mọi chuyện Tây phải tự ra mặt giải quyết. Thế là, Tây ngồi dậy, bước xuống giường. Quốc cứ tưởng rằng Tây muốn vào toilet hoặc đi uống nước nên chẳng để ý; đến khi thấy Tây mặc thêm áo khoác ngoài mới chợt nhận ra Tây đang định làm gì, hoảng quá bèn nhảy phắt khỏi giường giữ Tây lại. Tiểu Tây cố đẩy anh ra: "Nếu anh không nói với bố thì em nói! Em thà làm người ác còn hơn làm kẻ nghèo!"

"Tây! Tây!" Quốc vội ôm chặt Tây vào lòng "Cẩn thận cái thai!" Lúc này Tây mới đứng yên lại, sau đó òa khóc. Tiếng khóc làm Quốc cũng đau lòng, luống cuống khẽ an ủi trên mái tóc rối bời của vợ: "Để anh nói với bố, em đừng quá lo. Thôi được rồi, đừng quá lo mà..."

Khẽ ngước nhìn lên với khuôn mặt đẫm lệ, Tây khẽ xoa xoa khuôn mặt Quốc hằn rõ sự thống khổ, thổn thức buông lời: "Anh, anh bây giờ như cây cải chưa lớn, họ đã vội hái ăn, vậy còn gì là cải nữa chứ..."

Trưa hôm sau, Tiểu Tây hẹn nhà văn Trần Lãm tới quán trà "Great choice" tại khu Văn Liêu phía tây thành phố Bắc Kinh.

"Great choice" là một quán trà cao cấp, bước vào cửa là một khe nước nhỏ. Hai bên là hai phòng trà, một bên có cửa một bên không. Bên phòng không có cửa treo một tấm rèm bằng những hạt pha lê tạo cảm giác mờ ảo. Những ai tới nơi này đều mong có sự yên tĩnh vì thế đều chọn bên phòng có khóa, mỗi gian một khóa riêng; còn những ai muốn có quang cảnh sẽ chọn bên không cửa, từ bên trong có thể ngắm nhìn khe nước qua tấm rèm pha lê kỳ ảo, có gì đó thật giống câu thơ "Mỹ nhân quyên quyên cách thu thủy". Trước đây, Tây đã từng tới nơi này với Giai và Khải Đoạn, vừa tới đã cảm thấy rất thích, lúc đó Tây thầm nghĩ sau này nếu có cơ hội hoặc khi cần thiết sẽ dẫn mọi người tới đây. Bởi thế nên Tây thầm để ý, tất nhiên cái mà để ý chính là giá cả ở đây. Nhưng đúng là không để ý thì thôi, chứ nếu để ý thì không thể không giật mình vì giá ở đây, ba người ngồi đây một giờ hết năm trăm tệ! Chỉ vậy thôi đã đủ để xóa tan cái ý đồ lúc nãy, chính xác hơn là xóa tan cái ý định đãi ai đó ở đây vốn có trong đầu Tây lúc nãy. Thế nhưng lần này Tây quyết tâm sẽ đãi nhà văn Trần ở đây. Bởi Tây nhất định phải cố gắng thuyết phục nhà văn về cái tên "Ba năm tôi được trai bao" hay "Nhân tỉ hoàng hoa", đó là vấn đề giữa bảy mươi nghìn tệ hay năm nghìn tệ. Nhà văn Trần là một người giàu có độc thân, là một nữ văn sĩ, nên chị yêu cầu khá cao với giá trị của cuộc sống, vì thế không thể mời chị ấy tới nơi nào tầm thường để đàm phán được bởi như thể không thể hiện hết được sự tôn trọng và thành ý với chị. Chi tiền thì đương nhiên rồi, nhưng đúng như cái tên của quán cà phê này, Great choice, muốn có được "Choice" - cơ hội lựa chọn lớn thì phải đành lòng chi lớn - "Great". Hôm đó, Tây phải tiêu hết năm trăm tệ, như thế mới có hy vọng thu lại năm nghìn hoặc năm mươi nghìn tệ. Cũng như người nông dân vậy, nếu không trồng cây sao có ngày hái quả? Lúc này Tây phải chi tiền là chính đáng nhất.

Tối hôm qua, Quốc đã đồng ý với Tây là sẽ nói chuyện với bố. Nhưng liệu có kết quả gì không? Nếu chẳng đem lại kết quả gì thì làm thế nào bây giờ? Chẳng nhẽ vì sáu mươi nghìn tệ này mà Tây phải ly hôn với Quốc sao? Không được, sao thế được chứ? Cho rằng quan hệ về tiền bạc giữa hai vợ chồng hết sức sòng phẳng, nhưng sự sòng phẳng ấy cũng không thể tính toán chi ly từng ly từng tí được... Đúng là một loạt vấn đề. Vấn đề thì nhiều thế đấy, nhưng tựu chung lại cũng chỉ một chữ TIỀN mà ra, à không chính xác là ba chữ KHÔNG CÓ TIỀN. Nếu có tiền thì có còn vấn đề gì đâu. Mà Quốc lúc nào cũng muốn chiều mọi ý muốn của người nhà, phải giải quyết như thế nào đây? Thôi thì đành phải "lấy thân châu chấu mà đá xe" vậy. Tuy nhiên nếu chỉ mình "châu chấu" Quốc "đá xe" thì chẳng nói làm gì, nhưng đây, có đôi lúc, à không, mà là thường xuyên là cả "châu chấu" Tây cũng phải "đá xe" mới làm cho xe di chuyển được một chút. Có thể nói là, trước khi kết hôn, Tiểu Tây chính là một người thuộc tầng lớp trung lưu độc thân, bao nhiêu tiền kiếm được giữ hết, bố mẹ chẳng cần xu nào, vô tư vô lo, còn giờ sau khi kết hôn thì, đúng là một người nghèo. Tiền của, cuộc sống không chỉ còn là của riêng Tây nữa, sau khi lấy chồng thì đó là cuộc sống chung. Bây giờ lại sắp có con, cứ nghĩ đến tương lai ấy là Tây lạnh cả sống lưng. Tối qua, Tây đã khóc rất nhiều mới ngủ được, sáng hôm sau, Quốc hứa lại một lần nữa sẽ nói chuyện với bố, chỉ qua một đêm mà Quốc như già đi mấy tuổi, thế nên Tây cũng chẳng nỡ giục anh. Trên đường đi làm, Tây hạ quyết tâm hôm nay sẽ phải đi thuyết phục nhà văn Trần, thậm chí là phải thuyết phục cho bằng được.

Tây đặt một khoang bên phòng không có cửa vì Tây nghĩ nhà văn Trần chắc chắn sẽ thích "cảnh trí hữu tình". Hướng đối mắt nhìn khe nước bên ngoài qua tấm rèm pha lê lấp lánh, Tiểu Tây từ từ kể cho nhà văn Trần về nỗi khổ của mình, về chồng về con - với người như nhà văn Trần thì phải dùng khổ nhục kế như thế này... Nhà văn Trần nghe chuyện lòng cũng trĩu xuống, bèn thở dài quyết định:

"Thôi được rồi, lấy tên "Ba năm tôi được trai bao" đi."

"Cảm ơn chị!" Lúc ấy, đôi mắt Tây bỗng sáng rực lên.

Nhà văn Trần tự than thở: "Đúng là: Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình."

"Chị à, đợi đến khi nào cuốn sách này bán được một triệu bản chị sẽ thấy rồng vàng của chị tuyệt thế nào!... Mọi thứ trên thế gian này đều có thể thay đổi, chỉ cần có một cái giá hợp lý mà thôi."

"Tôi hiểu rồi, cần tiền chẳng cần đến thể diện, mà giữ thể diện thì sẽ chẳng có tiền." Nhà văn Trần gật đầu than thở "Có điều, nếu đổi tên sách thì tác giả cũng phải đổi tên, cuốn sách này đừng dùng tên tôi."

"Chị à!" Tiểu Tây thốt lên van nài.

"Đây là quyết định cuối cùng của tôi!" Nhà văn Trần kiên định nói.

"Hay để em thương lượng thêm với bên phòng phát hành"

"Không cần!"

Nước vẫn chảy trong khe bên ngoài tấm rèm đẹp tựa pha lê.

Quốc đuổi kịp Tây ở đầu cầu. Chỗ này cách xa nơi bố đang đứng, không thể nghe được gì nên Quốc mới yên tâm nói với Tây: "Em à, anh xin lỗi... việc này bỏ qua đi, coi như em giữ thể diện cho anh, được không?".

"Em giữ thể diện cho anh đủ rồi! Dẫn cả một đoàn quân lên tìm mẹ em, không buồn nói trước tiếng nào, mẹ em cũng chẳng nói gì, chạy tới chạy lui dẫn họ đi; thích ở nhà chúng ta, em lập tức dọn đi!". Quốc liên tục đáp: "Anh biết rồi mà." Tây vẫn cứ nói: "Anh còn muốn em làm gì nữa?"

"Hay xây căn nhà đó nhé!"

"Tiền đâu ra?"

Quốc chẳng nói lời nào...

Bố Quốc vẫn ngồi trên thùng nước, hai bao đồ dựng bên cạnh, ung dung hút thuốc đợi. Thời gian còn nhiều mà, ban đầu họ định đi xe buýt, sau đó lại đi taxi nên còn nhiều thời gian, cũng đủ để hai bố con nói chuyện. Hút hết điếu thuốc, con trai và con dâu cuối cùng cũng quay lại. Sắc mặt con dâu có vẻ khá hơn, thậm chí là khá tốt. Bố cho rằng như vậy thì tốt rồi nên cũng chẳng nói thêm gì nữa. Thanh niên mà, phạm lỗi là chuyện bình thường. Hai vợ chồng tiến tới trước mặt bố. "Bố", Tiểu Tây vui vẻ nói "Con và anh Quốc đã bàn với nhau rồi, chúng con không cần xây nhà đó."

Bố không dám tin vào tai mình nữa, quay sang nhìn con trai, nhưng Quốc chỉ gật đầu. Bố Quốc chuyển từ ngạc nhiên sang giận dữ: "Phòng không cần vẫn phải đóng tiền."

Tiểu Tây cũng giận dữ: "Sao lại thế ạ."

"Vì sao hả?" Bố Quốc nhấn mạnh từng chữ: "Vì chúng ta sinh ra và nuôi lớn nó! Nó và anh trai cùng thi đỗ đại học nhưng chỉ mình nó được đi học! Cả nhà phải nhịn ăn nhịn mặc để nuôi nó đấy! Giờ nó thành đạt, vào thành phố sống, có tiền có thể bỏ rơi cha mẹ đẻ không?"

"Anh ý đâu có ý bỏ rơi bố mẹ, bố mẹ muốn anh ý báo đáp thế nào nữa... Bố, bố mẹ yêu cầu quá nhiều, thực sự vượt quá khả năng của bọn con!"

Bố Quốc chẳng buồn nói chuyện với con dâu nữa, không đáng để nói chuyện với con dâu, như thế là hạ thấp mình. Ông quay sang nói chuyện với con trai. "Bố", Quốc nói với bố đầy khó khăn nhưng cũng rất rành mạch: "Bố, con, chúng con hiện giờ thực sự rất khó khăn..."

Bố Quốc giận run người: "Mày, thằng con này, đúng là phí công nuôi dưỡng rồi."

"Thế nuôi anh ý xong là để ăn thịt anh ấy chắc, anh Quốc là lợn hay là gà chứ?". Tiểu Tây ngang nhiên nói. Nếu cần phải nói chính là lúc ấy, nếu không nói sẽ không bao giờ nói rõ được nữa. "Bố, bố đừng lúc nào cũng lôi chuyện nuôi anh Quốc thế nào, chu cấp cho anh ăn học ra sao, đó chẳng phải là nghĩa vụ tối thiểu của bố mẹ với con cái sao, lẽ ra bố mẹ cũng nên nuôi anh cả ăn học, bố mẹ không thể chu cấp cho anh cả ăn học thì phải tự cảm thấy có lỗi chứ!...".

Nói về điểm này thì từ trước Quốc có quan điểm giống Tây. Khi nhắc tới anh cả, trong phút chốc ấy, Quốc lại tự thấy lòng mình trĩu nặng cùng một cảm giác áy náy, đồng thời, hình ảnh rõ nét xưa kia lại hiện về trước mắt: trong căn nhà đất, trước cái bếp đất, bố ngồi giữa, hai anh em ngồi hai bên, bên trong là hai mẩu giấy bốc thăm. Bố bảo hai anh em cùng bốc thăm để quyết định ai được đi học đại học, anh trai Quốc bốc trước. Khi anh thò tay ra phía cái bếp để bốc thăm, ánh mắt Quốc dõi theo không rời, bàn tay ấy đang run. Cũng đúng thôi, bởi thăm bốc này quyết định cả cuộc đời mà, còn có gì tàn khốc hơn thế chứ? Anh trai bốc một thăm, cầm một lúc mới dám mở ra, xem xong bèn đưa cho bố, sau đó, anh đi khỏi, chẳng nói lời nào chỉ lẳng lặng cầm cái cuốc ra đồng làm việc. Trên chiếc thăm đó viết hai chữ: "không học"...

Tiểu Tây vẫn tiếp tục nói, nhưng Quốc không còn nghe rõ Tây nói gì nữa, tim đập loạn nhịp, huyết áp tăng, hai tai ù đi. Quốc tới trước mặt Tây, giơ tay tát "bốp" một tiếng rõ ràng vào mặt trong khi Tây vẫn đang liên hồi nói. Trong phút chốc, cả thế giới chợt như yên lặng. Tây đứng chết chân tại chỗ, đôi mắt tràn trong ngạc nhiên, đẫm mùi giận dữ và cả vị khổ đau. Đôi mắt ấy hệt như đứa trẻ luôn tin tưởng người lớn một cách vô điều kiện giờ chợt bị tổn thương. Gió xuân nơi Bắc Kinh đô thị bỗng đâu ùa về thổi bay những chiếc túi ni lông trên mặt đường, trắng, đỏ, xanh...

Hai bố con cùng tiến vào bến xe Bắc Kinh.

Quốc hệt như chú lạc đà vác nặng trên lưng, trước ngực sau lưng đeo hai túi đồ, một tay bê thùng nước, một tay xách túi thức ăn đi đường của bố. Bố Quốc thì đi người không, Quốc quyết không để bố cầm vật gì. Chẳng còn cách nào, ông đành cố đỡ cho con trai gánh nặng của thùng nước hi vọng con nhẹ bớt hơn. Đức hiếu của con khiến bố cảm động, nhưng cũng khiến ông thấy bất an, buồn lòng, ông buồn vì con trai mình. Con dâu thành phố chẳng giống với con dâu ở nông thôn, nói đánh là đánh luôn. Nếu con dâu vì chuyện này mà làm khó con trai, Quốc phải làm như thế nào đây?

Tây gọi điện cho em trai lát tan làm sẽ qua đón mình. Thu dọn xong xuôi, Tây thấy vẫn còn sớm bèn rủ Giai đến bệnh viện. Cái tát còn đau đến mức Tây nói không tròn tiếng. Giai hỏi Tây vì sao phải đến bệnh viện, cứ ở nhà chườm đá là đỡ ngay. Lúc đó Tây mới thú thực mình muốn đến bệnh viện để phá thai. Nghe vậy, Giản Giai vô cùng ngạc nhiên, Giai có thể giúp bạn bỏ nhà đi chứ tuyệt đối không thể giúp bạn đi phá thai. Giai không lãnh được trách nhiệm này. Việc này nhất quyết phải thông báo ngay cho Quốc, nhưng trước hết phải làm thế nào đó để Tây bình tĩnh lại. Nhưng làm thế nào đây? Đột nhiên Giai nhớ tới buổi họp báo long trọng ra mắt cuốn sách mới của nhà văn Trần sắp tới. Nhà văn Trần rốt cuộc cũng chấp nhận đề nghị phía nhà xuất bản đổi tên sách và giữ tên tác giả, như thế sách sẽ bán chạy và dễ dàng hơn, trong đó công đầu là của Tây. Sau buổi gặp mặt ở quán Great Choice ấy, Tây còn đến thương lượng thêm ba lần nữa, nói hết lời hết nhẽ, đề nghị, nịnh nọt đủ cả, thậm chí rơi cả nước mắt van xin, nhà văn Trần rút cuộc vẫn là con người với trái tim máu thịt, vì thế cuối cùng cũng phải nhận lời. Tây được chọn là người dẫn chương trình trong buổi họp báo ra mắt cuốn sách mới này.

"Bây giờ có muốn làm gì cũng phải nghỉ mất mấy ngày, thế buổi họp báo tính sao đây?" Giản Giai viện cớ "hay thế này, để họp báo xong tính tiếp, cũng chỉ hai ngày thôi chứ mấy." Lúc này Tây mới thôi khăng khăng. Giai vì thế cũng thở phào nhẹ nhõm, thực tế Giai đang từng bước thực hiện dự định của mình, Giai đoán Tây chỉ vì cả giận mất khôn, cần có người giúp Tây bình tĩnh lại. "Tây à, sao bạn phải bỏ đứa bé đi?" Tây không trả lời. "Không muốn sống với Quốc nữa hả?" Giai tiếp tục hỏi.

"Không phải là không muốn mà là không thể. Không thể sống tiếp nữa, không có cách nào sống tiếp nữa." Tây giờ mới đáp lời: "Lúc đầu, mẹ luôn nói rằng môn đăng hộ đối vô cùng quan trọng, vợ chồng nghèo sinh ra mọi chuyện. Nhưng mình chẳng nghe lời mẹ, luôn ngang ngạnh, đối đầu với mẹ, còn bảo vợ chồng ân ái đâu chỉ ban đêm - nghĩ cho cùng vẫn là ruột thịt mà! Giai à, về lý mà nói, hai người khi kết hôn với nhau thì dựa vào quan hệ của hai người là chính, đúng không? Nếu không kết hôn thì làm gì? Bố mẹ thì tính gì trong đó? Nhưng Quốc thì luôn luôn suy tính cho gia đình của anh ta, mà việc gia đình anh ta thì nhiều không kể xiết. Ban đầu, mình cũng không hiểu vì sao anh ta phải làm thế, bây giờ thì mình đã rõ. Tất cả đều vì nghèo đói, không thì đã chẳng ai bảo vợ chồng nghèo sinh ra mọi chuyện... Bạn thấy đấy, bây giờ đã bắt đầu đánh vợ rồi đấy!"

"Cũng chỉ mới một lần nhỡ tay thôi mà!"

"Đó là cái tất nhiên trong sự ngẫu nhiên mà thôi! Giai à, bạn biết không? Họ hàng nhà anh ta rất thích đánh vợ, treo lên để đánh, dùng roi da tẩm nước đốt! Có chị bị đánh đến mức toàn thân sần sùi như cóc, mùa hè cũng chẳng dám mặc áo cộc tay..."

Giai nghe chuyện mà nổi hết cả da gà.

Tiểu Hàng đến trước giờ hẹn, cho dù đã được nghe chị kể qua câu chuyện nhưng tới nơi Hàng vẫn không khỏi ngạc nhiên: trên sàn nhà là hai túi đồ to bự và một chiếc túi xách tay, không phải một chút đồ của người muốn bỏ đi như Hàng vẫn tưởng tượng. Sau đó, Hàng nhìn qua gương mặt vẫn còn sưng ửng đỏ của chị gái. Biết chuyện, Hàng chẳng nói chẳng rằng quay người đi thẳng. Tây vội bảo Giai nhanh đuổi theo giữ em trai lại vì đoán trước nó sẽ tới gặp Quốc, thế nên tuyệt đối không để cho nó đi. Giai nghe vậy vội đuổi theo để Tây ở trong nhà vì ban nãy Tây có bảo thấy râm râm trong bụng, giờ lại thấy đau hơn. Giai đuổi kịp Hàng ở cầu thang máy. "Hàng à, cậu đừng đổ dầu vào lửa nữa được không, vợ chồng cãi nhau có động tay chút cũng có gì là to tát đâu."

"Vậy hả! Tát vợ sưng cả mặt mà bảo là "động tay chút", là "không to tát" hả?"

"Hàng à", Giai vẫn kiên nhẫn thuyết phục "Cậu là đàn ông nên cậu không hiểu, chị cậu cho đến lúc này vẫn không đành lòng rời xa Quốc đâu."

"Sao chị biết?"

"Phụ nữ thường hiểu nhau hơn mà..."

"Phụ nữ không phải ai cũng giống nhau." Ngừng lại giây lát, Hàng khẽ nhìn Giai: "Chị tôi là người rõ ràng, đúng là đúng, sai là sai. Chị ấy không giống những cô gái khác, lúc nào cũng giả vờ này nọ, lúc nào cũng diễn kế "cự tuyệt để thử thách" hay "bỏ đi để thử thách", bên ngoài ra vẻ yêu thương thật lòng, nhưng thực tế thì chẳng khác nào kẻ mưu mô, để có được tình yêu, người ta sẵn sàng đặt mọi áp lực lên người mình yêu, chỉ để đạt được mục đích cuối cùng nào đó".

Giai hiểu rõ ngụ ý trong mỗi câu nói của Hàng. Trong giây lát ấy, những gì chưa thể giải thích đều đã được giải thích. Lúc đầu, Tây đã rất tiếc của không ngừng chì chiết Giai vì đã trả lại Khải Đoạn đôi hoa tai, sau đó biết được Giai trả lại Khải Đoạn cả nhà cửa xe cộ, Tây chẳng nói lời nào. Giai cứ nghĩ chắc vì gia đình Tây dạo này xảy ra nhiều chuyện nên chưa hỏi thăm được bạn, vì thế Giai cứ đợi bạn hỏi thăm. Không ngờ Tây lại nghĩ về mình như thế, lại cho rằng Giai đang dùng mưu kế, đem bụng tiểu nhân đo lòng quân tử, đã thể còn đem bụng tiểu nhân ấy kể cho em trai mình... Lúc này, Hàng đã bước vào thang máy, khi Giai kịp định thần thì cửa thang máy đã đóng. Giai càng nghĩ càng thấy giận, cũng bấm thang máy và đi luôn. Không thèm quan tâm đến chuyện của Tây nữa! Nếu Tây không đáng là bạn, Giai cũng chẳng cần khách khí nữa.

Số chỉ tầng trên thang máy bắt đầu từ số 1, dừng lại một lát rồi tiếp tục tăng lên 2, 3, 4, 5,... đến tầng 18 thì dừng lại, ngưng một lát rồi mở cửa ra. Giai vừa bước được một chân vào thì nghe tiếng gọi từ phía sau "đợi đã". Đó là Tiểu Tây, đang vừa gọi vừa bước tới, một bên má vẫn sưng, hai tay ôm bụng. Đau bụng à? Đang mang thai mà đau bụng thì không tốt rồi! Giai chợt lo lắng, đưa tay ấn nút giữ thang máy đợi Tiểu Tây...

Quốc đang làm việc ở công ty. Tiễn bố về xong, Quốc quay lại công ty làm việc tiếp, mấy hôm nay công việc chất đống lên, không thể trì hoãn được nữa, vì thế đành tạm gác chuyện của vợ sang một bên, đợi tối tan sở về nhà nói tiếp. Trong phòng có mấy chục người, từng ấy chiếc máy tính, cũng từng ấy bàn phím đang lách cách gõ. Rầm! Cánh cửa mở bung ra với một lực rất mạnh, đập vào bàn vi tính phía sau đó rồi bật trở lại. Cả phòng ngước nhìn đầy ngạc nhiên, ngừng tay gõ, những tiếng lách cách cũng chợt im bặt, trong phòng bỗng chìm trong im ắng khác thường.

Đứng ngay trước cửa là một thanh niên sáng sủa mặc quần bò áo Jacket. Thanh niên sáng sủa là để chỉ ngoại hình chứ không để chỉ tâm trạng. Bởi lúc này, trên khuôn mặt người thanh niên ấy không chỉ có những nét sáng sủa mà còn u ám cả một bầu trời mây. Sau mấy phút kinh ngạc, mọi người bắt đầu lo lắng và tò mò: Ắt có chuyện gì đó sắp xảy ra! Ngày ngày quẹt thẻ vào làm, bắt đầu làm việc là gõ bàn phím, trưa đến ăn cơm rồi nghỉ trưa khoảng nửa tiếng, cuộc sống cứ thế đều đều diễn ra thì liệu có chuyện gì xảy ra nhỉ? Mà gây chuyện với ai vậy? Mọi ánh mắt đổ dồn về phía người thanh niên ấy, rồi lại ngoái cổ nhìn khắp phòng một lượt để xem ai là người gây chuyện với anh ta. Thậm chí đến những kẻ ngày thường ngày hay "gây sự" nhất cũng đang ngoái cổ nhìn khắp phòng một cách thành thật. Không phải mọi người không nhìn thấy tổ trưởng của họ đột nhiên đứng phắt dậy trong phòng làm việc riêng nhưng thực lòng không ai nghĩ kẻ "gây chuyện" lại là tổ trưởng - một người thật thà chất phác luôn tuân thủ mọi nội quy ở đây, thực không một ai nghĩ đến Quốc cho tới khi tổ trưởng của họ gọi tên cậu thanh niên ấy: "Hàng!". Một tiếng gọi chứa đầy ngạc nhiên trong cái dự liệu.

"Anh ra đây một chút." Người thanh niên ra lệnh bằng giọng nói có vẻ không được bình tĩnh lắm.

"Có chuyện gì vậy?" Tổ trưởng hỏi. Nhưng ai ai cũng nhận thấy rằng đó là một câu hỏi mà nguyên nhân thì đã được biết rõ.

"Em gọi anh ra thì anh cứ ra đây!" Người thanh niên bỗng chốc cao giọng quát như không thể nhịn hơn nữa.

Những đôi mắt tò mò kinh ngạc càng mở to hơn quan sát. Lúc đó, tổ trưởng không những không ra mà còn lạnh lùng ngồi xuống. "Xin lỗi, anh đang bận không có thời gian." Nói xong, Quốc lại tiếp tục gõ bàn phím lách cách. Ngay sau đó, chẳng để mọi người kịp định thần xem chuyện gì xảy ra, người thanh niên ấy đã tiến nhanh tới trước bàn làm việc của tổ trưởng Quốc và túm lấy cổ áo Quốc. Cả phòng chợt xôn xao những tiếng "ơ", "ui". Nhân viên bảo vệ cũng vội vàng chạy vào đúng lúc Hàng túm cổ áo Quốc lôi ra khỏi phòng, họ định tiến tới trợ giúp nhưng Quốc ra hiệu không cần. "Không cần, đây là việc riêng của hai chúng tôi, các anh không cần can thiệp!" Rồi không quên quay lại dặn dò nhân viên: "Mọi người tiếp tục làm việc đi, dự án này nhất định phải...", chẳng kịp nói hết lời Quốc đã bị túm lôi đi. Hai bên cứ giằng co nhau đi khỏi, để lại sau lưng những thắc mắc xôn xao...

Tiểu Tây và Giai cùng bắt xe tới công ty Quốc. Thực ra Giai vì lòng nhân đạo mới đi cùng Tây. Suốt chặng đường, Tây liên tục gọi điện cho Hàng nhưng không ai trả lời máy. Đến công ty hai người mới biết anh em Quốc đã lôi nhau ra bãi đỗ xe sau công ty.

Khung cửa sổ trong phòng làm việc nhìn thẳng ra bãi đỗ xe đó, và đương nhiên tất cả đang túm tụm ở đó tranh nhau nhìn: người thanh niên đó đang đánh cấp trên của họ, từng bước dồn Quốc, nhưng Quốc không hề phản kháng khiến đám nhân viên có phần thất vọng. Một trận đấu hay lẽ ra hai bên phải cùng ra đòn, ai thắng cuộc chính là kẻ mạnh. Nhưng không ngờ mọi chuyện lại thế này, làm cho mọi người không những thấy bất công mà còn có phần coi thường, tổ trưởng hôm nay làm sao vậy? Bình thường xem ra cũng thuộc bậc nam tử hán lắm mà, sao những lúc như thế này lại xử sự vậy nhỉ? Hay có cái đuôi cáo nào bị người ta nắm rồi? Mà nó là gì vậy nhỉ? Hay nợ người ta tiền? Hay lừa con gái nhà người ta? Tiếng bàn tán lại râm ran khắp nơi. Tiểu Tây chẳng để ý tới mình nữa liền chen vào đám đông để nhìn, hướng ra phía ngoài hét lớn: "Hàng!" Nhưng tiếng hét ấy đã bị tan biến trong tiếng xì xèo và bởi khoảng cách quá xa. Nghĩ một lát, Tây quyết định chạy ra khỏi phòng, hai tay vẫn ôm bụng lật đật bước. Giai thấy tình hình không tốt, gọi với theo Tây chẳng được, bèn chạy theo. Hai người lại từ trên tầng chạy xuống, chạy ra bên ngoài, mãi mới tới được bãi đỗ xe, quả thực Tây không thể chạy tiếp được nữa nên đứng khựng lại, rồi bỗng quỵ xuống. Giai hoảng hốt hỏi bạn có sao không, còn Tây chỉ ra hiệu bạn chạy lại khuyên Hàng đừng đánh nữa, tất nhiên là vì thương Quốc bị đau. Giai miệng thì ừ mà chân thì không đi nổi, trong lòng ngưỡng mộ Tiểu Hàng vô cùng. Anh chàng này có chút đáng ghét nhưng xem ra rất thương chị, lại biết đánh đấm nữa chứ, giá mà Giai có cậu em trai như vậy thì tốt quá. Lúc cần thiết có thể ra mặt một đấm hai đá trả thù cho chị... Đột nhiên, Giai hét lên khiến Tây phải ngẩng đầu nhìn. Hàng bị Quốc hất ra xa! Chớp mắt Hàng lại bật dậy đánh nhau tiếp, Tây cố gắng chạy đến bên em trai "Hàng! Thôi đi! Ngã có sao không? Anh ý không đánh là vì không muốn đánh nhau với em, chứ nếu đánh thật em có đánh nổi anh ý không? Anh Quốc sinh ra và lớn lên như thế nào em quên rồi sao? Sáu tuổi đã phải ra đồng làm ruộng, có ai thế đâu, mà kể cả có sức khoẻ đi nữa, anh Quốc cũng từng tập luyện Taekwondo đó!"

Quốc lạnh lùng nhìn hai chị em rồi quay lưng đi thẳng. Tây đỡ em dậy cùng đi ra ngoài, nhưng chẳng được mấy bước thì quỵ xuống, Hàng và Giai đồng thanh hét lên: "Chị!" "Tây à!". Nghe vậy, Quốc giật mình quay lại rất nhanh đẩy Hàng và Giai sang hai bên, bế vợ lên vội bước ra ngoài...

Chủ nhiệm khoa ngoại, bác sỹ Lã phải mời đồng nghiệp là chủ nhiệm khoa sản tới khám cho con gái. Kết quả là, có dấu hiệu doạ xảy thai. Chủ nhiệm khoa sản vừa kê đơn thuốc vừa nói rằng: đối với bệnh nhân có dấu hiệu doạ xảy thai thì thuốc chỉ là một phần, cái chính là phải nghỉ ngơi, phải nằm bất động trên giường. Nằm bất động ít nhất là nửa tháng, thậm chí là đến khi sinh con. Cũng vì bệnh nhân là con gái chủ nhiệm Lã nên bác sỹ cũng nhẫn nại kể tiếp các ví dụ: có sản phụ mắc chứng xảy thai tái phát, sẽ phải nằm yên dưỡng thai trên giường cho đến khi sinh, nằm suốt chín tháng, thậm chí sắp sinh nếu không cẩn thận hắt xì một cái cũng dẫn đến xảy thai. Nhìn vết sưng trên má con gái, mẹ Tây cũng đoán được đa phần sự việc, vì thế bà chẳng thèm nhìn Quốc một cái, từ phòng phụ sản đi ra liền bảo Hàng đưa chị về nhà.

Tây quyết định ly hôn với Quốc, song cũng quyết định giữ lại đứa con. Lý do Tây đưa ra là, không trông mong gì ở chồng thì đành dựa vào con vậy. Nhưng nguyên nhân thực sự của nó thì Tây không dám thừa nhận: đó là nếu Tây lại sảy thai lần này, nhiều khả năng Tây sẽ mắc chứng sảy thai tái phát, thậm chí là không thể sinh con nữa. Như vậy có thể nói, đây là cơ hội mang thai cuối cùng của Tây. Không chồng, cũng chẳng có con, đối với một người phụ nữ mà nói cuộc đời coi như chẳng có ý nghĩa gì. Tây về nhà mẹ dưỡng thai, hàng ngày cũng chẳng đi làm. Bác sỹ kê đơn với chế độ nghỉ ngơi hai tuần, hai tuần sau khám lại vẫn chưa được sẽ phải nghỉ tiếp.

Tối đến, cả nhà bốn người cùng ăn cơm. Thức ăn được bố mua về từ nhà ăn. Rau vừa mặn vừa to, Tiểu Tây nói với bố rằng bà bầu không nên ăn mặn, mẹ nghe thế bỗng dừng tay đũa nhìn chồng chẳng biết nói sao. "Thức ăn ở căng tin đúng là càng ngày càng tệ" rồi chuyển một đĩa khác tới trước mặt con gái "Món trứng xào cà chua này cũng được lắm". Vờ như chẳng có chuyện gì, nhưng thực ra cơn giận trong lòng mẹ đã sục sôi.

Kể từ khi chồng về hưu, mẹ Tây tổng kết rất nhiều "hội chứng chồng nghỉ hưu". Hội chứng bày vó từ Nhật Bản truyền sang. Ở Nhật Bản, chủ yếu là đàn ông đi làm, đàn bà ở nhà nội trợ, hia bên không gặp nhau mấy cũng chẳng để ý đến nhau nên không vấn đề gì. Nhưng khi đàn ông đã về hưu, hàng ngày ở nhà với vợ, phị nữ cũng dần nhận ra bản chất của đàn ông, lúc này nếu đàn ông vẫn không chịu làm việc nhà sẽ khiến phụ nữ cảm thấy bực mình. Dần dần tạo thành cái gọi là "Hội chứng chồng nghỉ hưu".

Gia đình Tây xưa nay đều ăn ở căng tin là chính, năm này qua năm khác cũng đã mười năm như vậy. Mẹ Tây là người thích cuộc sống sạch sẽ mà ăn uống là thứ đầu tiên cần sạch sẽ. Mẹ nấu rất ngon, nhưng không nấu được chỉ vì không có thời gian, thời gian của bác sỹ là phụ thuộc vào bệnh nhân mà. Trước đây, bố Tây cũng rất bận, vừa phải dạy học, vừa phải hướng dẫn sinh viên làm luận văn, lại còn tham gia các hoạt động xã hội nữa, có thể nói, ông cũng không có thời gian. Thế là cả hai cùng ăn cơm ở căng tin. Sau khi kết hôn, à không, phải nói là từ trước khi kết hôn đã như thế rồi, toàn ăn cơm căng tin, đến nay vẫn vậy. Vốn tưởng chồng nghỉ hưu rồi, công việc cũng bớt đi có thể về nấu cơm, nhưng bố Tây bảo ông không thích nấu nướng. Lý do hả? Tuy rằng vẫn nói nam nữ bình đẳng nhưng thực tế đến bao giờ mới thực sự bình đẳng đây? Thử nghĩ xem, nếu như phụ nữ mà nghỉ hưu trước, công việc của người nam vừa bận rộn, vừa nặng nề xem, chuyện gì sẽ xảy ra?

--------------------------------------------------------------------------------

Đương nhiên, phụ nữ phải lo chăm sóc chồng con, há miệng là mắc quai. Còn nam giới thì không vậy, không những không chăm lo cho vợ, mà ngược lại, phụ nữ vẫn phải chăm lo tới tâm lý tình cảm cũng như lòng tự tôn của đàn ông. Cả ngày mẹ bận rộn, hết giờ làm mệt mỏi chẳng muốn lê bước, về đến nhà, trên bàn lại toàn thức ăn mua sẵn ở căng tin về hâm lại. Rau cải xào với khoai tây, ăn mãi một vị. Bây giờ con gái đang có dấu hiệu doạ xảy thai, bà đón về nhà dưỡng thai, mà lý do quan trọng nhất là vì hiện giờ ở nhà có bố đã được nghỉ hưu, thế mà ông vẫn không nấu nướng gì, bắt con gái đang mang thai phải ăn đồ mua sẵn!... Cơn giận đã lên tới đỉnh đầu, gắp miếng rau xào vào miệng, bà chẳng buồn tức giận. Tức giận rất lãng phí sức lực và hao tổn tinh thần, mà cả thể lực và tinh thần lúc này bà cũng chẳng có, hôm nay bà vừa phải thực hiện một ca phẫu thuật dài. Tiểu Tây không dám nhìn mẹ, ăn một miếng khoai tây xào bắp cải vẫn lẩm bẩm chê không ngon. Lúc này, mẹ Tây dường như không nhịn nổi cơn giận nữa, đập đũa xuống bàn cạch một tiếng, đẩy bát cơm ra nói: "Chê không ngon thì về nhà cô mà ăn." Rồi đứng dậy đi thẳng vào phòng đọc sách.

Tiểu Tây thè lưỡi ra nói với bố: "Con xin lỗi, đều tại con, nhưng thức ăn đúng là không ngon!" Cầm tay bố, Tây khẽ đưa lên phe phẩy trước miệng thỏ thẻ nói: "Mình thuê giúp việc bố nhé!"

Bố lắc đầu: "Bố phải viết sách, trong nhà cứ có người đi đi lại lại làm sao bố viết được. Thực ra, giúp việc không phải là vấn đề, là mẹ con ý, đầu óc không thoải mái."

Mẹ Tây nghe tiếng, nói vọng từ trong phòng ra: "Tôi đầu óc không thoải mái, nếu là ông, ông có thoải mái không?... Thực ra mua thức ăn hay nấu thức ăn đối với tôi chẳng có gì quan trọng, mấy chục năm qua vẫn thế, nhưng hiện nay Tiểu Tây đang có thai. Con có thai cần được tẩm bổ. Nó lại bị chứng doạ sảy thai, không được cử động. Ông đang ở nhà rỗi việc, sao không nấu cơm cho con chứ?"

"Nhưng nấu gì? Nấu như thế nào chứ?"

"Không biết thì có thể xem sách, ở nhà có mấy món đâu! Nấu cơm cũng chẳng phải việc gì đòi hỏi kỹ thuật cao."

"Nhưng tôi có thể chú ý mua những món con thích ăn về, mà không, đặc biệt quan tâm tới nó chứ."

"Nhưng sao không thể tự nấu! Ở nhà nồi niêu xoong chảo có thiếu gì, thế nhưng đến tận bây giờ vẫn suốt ngày ăn cơm căng tin, một năm 365 ngày đều thế!"

"Thế chẳng nhẽ cứ nghỉ hưu là phải ở nhà nấu cơm à?"

"Sao không được?"

"Nếu không chúng ta thuê giúp việc?" Đến lúc này, giọng của bố chuyển sang chiều hướng thương lượng, thôi thì nhượng bộ chút. Nhưng mẹ Tây lại không nhận ra điều đó.

"Ông nghĩ là cứ thuê là thuê được người giúp việc ngay chắc! Tiểu Tây bây giờ cần..."

"Đừng có lúc nào cũng lôi Tiểu Tây vào đây! Tôi thấy bà mới là nhiều chuyện!" Cuối cùng, bố Tây cũng chẳng nhường nữa, chỉ trích luôn. Rõ ràng đây không phải là ý muốn của ông, vì ông luôn muốn hai bên trao đổi ý kiến với nhau, chỉ vì mẹ Tây không giứ thể diện cho ông trước mặt con gái, ông đành phải cho bà thấy mất thẻ diện như thế nào khi làm người khác mất thể diện.

"Đúng! Tôi lắm chuyện đấy." Mẹ Tây bỗng gắt lên. Những người tri thức dù là nữ đi nữa cũng chỉ tỏ ra nhã nhặn với người ngoài, còn với người nhà, họ có thể hành động như bất kỳ người phụ nữ nào. Mẹ Tây tiến tới trước mặt bố, chỉ thẳng vào mặt ông mà nói: "Ban đầu tôi kiên quyết phản đối Tây lấy thằng Quốc, chính là ông, cứ khăng khăng ủng hộ, cái gì mà hôn nhân của con bố mẹ đừng nên can thiệp nhiều. Bố mẹ như tôi và ông can thiệp vào chuyện hôn nhân của con cái chẳng phải là vì chúng nó sao? Cái khôn nhất của kẻ khôn ngoan là nghe theo những lời dạy của người có kinh nghiệm đi trước, lúc trước nó chưa hiểu, sau sẽ hiểu. Chỉ vì ông, đẩy con gái đi, chẳng nhẽ cứ để nó đi sai đường, để nó chịu tủi nhục mới nói sao, đó là loại bố mẹ gì hả? Là cái loại vô trách nhiệm."

Bố Tây chỉ biết đứng nhìn vợ đang lên cơn giận dữ, thấy vậy trong lòng Tây chợt não nề: một mình Tây ở đây đã làm náo loạn cuộc sống vốn bình yên của bố mẹ, nếu lại thêm đứa bé này nữa, cứ ở nhà mãi chắc là không ổn rồi. Để qua giai đoạn này, chờ cho sức khoẻ bình phục lại, Tây sẽ về cùng Quốc làm các thủ tục ly hôn, cái gì có thể phân chia sẽ phân chia cho rõ ràng.

--------------------------------------------------------------------------------

Trần Lãm "lại giở thói đỏng đảnh"! Đó là trích lời của trưởng phòng phát hành.

Lúc ấy, Giản Giai đang luyện tập làm MC, một mình đứng trong phòng trống, miệng khẽ mỉm cười, nói: "Kính thưa các vị khách quý, thưa các bạn đồng nghiệp,..." Mai là ngày họp báo ra mắt cuốn sách mới của nhà văn Trần, Tiểu Tây phải ở nhà dưỡng thai cho nên vai trò MC được trao cho Giản Giai. Tất nhiên, Giai rất vui, nhưng cũng thấy tội nghiệp cho Tây vì cuốn sách này do Tây mang về được, bao nhiêu khó khăn ban đầu cũng do Tây giải quyết, thế mà đến phút cuối, lúc được lộ diện thì lại không đi được, mà buổi họp báo ngày mai có đến mười mấy cơ quan báo đài đến đưa tin nữa chứ. Sau buổi họp báo, tác giả sẽ đích thân ký tặng bạn đọc, vì thế mấy hôm nay, phòng phát hành, ban biên tập ai nấy đều bận rộn cả. Giản Giai điều chỉnh lại giọng nói mình, luyện tập đến N lần lời mở đầu. Đúng lúc ấy, cánh cửa phòng làm việc bỗng mở toang, trưởng phòng phát hành mướt mải mồ hôi chạy tới nói: "Giai à, nữ văn sỹ họ Trần của chúng ta lại giở thói đỏng đảnh rồi. Đã lên kế hoạch từ trước là mai họp báo xong sẽ ký tặng bạn đọc, nhưng cô ta vừa gọi điện tới bảo, nếu số lượng người đến ít, cô ta sẽ nhất quyết không ký đâu.

"Cái này mình có thể thông cảm mà anh, một nhà văn không giống một ngôi sao, một nhà văn hạng nhất cũng không có sức thu hút như một ngôi sao hạng ba đâu. Một nhà văn ký tên trên bản thảo thì phải hoặc là rất được yêu thích, hoặc là có da mặt dày một chút. Nếu lúc đó không có ai tới, một mình ngồi đó cho người ta cười nhạo à?"

"Thế em ngồi cùng cô ta."

Giai mỉm cười: "Người ta đâu có cần người ngồi cùng."

Trưởng phòng phát hành cũng cười nói: "Giai à, anh đến để thương lượng với em, liệu em có thể huy động vài người tới đó không? Anh đã nói với cấp trên hết rồi, cũng ra lệnh rồi, mỗi người phải rủ ít nhất năm người cùng tới!"

"Nhưng nếu đi thì cũng phải mua sách nữa! Mỗi cuốn 28 đồng đấy."

"Cái này anh cũng lo đâu vào đấy rồi. Ai muốn mua thì mua, ai không muốn mua thì cứ để họ mua trước, sau đó bán lại cho phòng phát hành. Ký bán trong một giờ, nếu trong một giờ đó mà ký và bán được 150 cuốn coi như là thành công. Em thấy thế nào? Mà em cũng nói qua với Tiểu Tây nhé, xem cô ấy..."

"Ốm thì gọi điện, có sao đâu... Tóm lại, cố gắng huy động mọi người để số lượng bán tăng lên trên bảng xếp hạng nhé."

Giai gọi điện kể tình hình cho Tây, Tây nghĩ ngay đến Hàng vì Hàng có rất nhiều bạn. Nhưng Hàng từ chối luôn, Hàng nói dù có đi cũng chỉ đi một mình vì cậu là em trai của Tây nên mới phải đi, còn bạn của Hàng thì không có nghĩa vụ ấy. Cuối tuần không dưng lại bắt chúng nó đi tham gia cái mưu kế mua sách, Hàng không nhờ được kiểu đó. Nhưng nếu Hàng không nhờ bạn, Tây thực chẳng biết phải nhờ ai. Bạn của Tây giờ đều đã có chút địa vị, cho dù họ có đồng ý tới, nếu sau lỡ truyền đến tai người khác, lại bị phê bình thì chết. Hơn nữa lại bị châm biếm cũng tệ. Vì thế Tây đang đau đầu ở nhà. Tây rất hi vọng cuốn sách này bán tốt, cũng không hẳn vì tiền mà vì cuốn sách này là tâm huyết của Tây, Tây đã săn đuổi nó từ ban đầu. Cuối cùng, Tây quyết định sẽ đến. Đến một lúc khi ký tên, Tây cùng Hàng đi bằng ô tô, thêm người thêm tốt. Đưa ra quyết định này, trong lòng Tây thấy vô cùng phấn khích, lúc ấy, Tây mới phát hiện ra rằng tận trong sâu thẳm lòng mình Tây thực sự rất muốn tới đó, muốn được tận mắt chứng kiến cuốn sách với bao công sức bỏ ra sẽ được ra mắt như thế nào, Tây đã từng bước chứng kiến cuốn sách đó hình thành như thể đứa con tinh thần của mình, giờ đây, dù nó xấu hay tốt, Tây vẫn muốn nhìn thấy nó "chào đời".

Hai giờ hơn, Tây đã tới buổi họp báo, Tây phải bắt xe đi vì phút cuối Hàng lại báo không đi được, ở cơ quan có việc gấp. Hàng là giám đốc bộ phận của một công ty xây dựng, công việc hết sức nặng nề. Thực ra thử nghĩ cho Hàng xem, hai sáu hai bảy tuổi, đang tuổi phấn đấu cho sự nghiệp, tự dưng bắt cậu ta bỏ cả công việc tới tham gia cái "mưu xuất bản" của mấy bà chị, thực sự có phần hơi quá đáng. Buổi ký bán sách bắt đầu lúc ba giờ. Tây sợ Giai biết mình đến tâm lý sẽ nặng nề nên Tây tìm một nơi kín đáo và đứng khép mình ở đó. Bàn ký sách đã được bày biện xong, trên bàn trải tấm khăn màu đỏ, cũng đã có người biết tin đến cầm theo cuốn "Ba năm tôi được trai bao" đứng chờ được ký tên. Có thể thấy khắp nơi nhân viên của nhà xuất bản và những người được mời đến đang cười nói vui vẻ, đây chắc hẳn là những người đến tham gia vào "kế hoạch" này. Xong cho dù vậy, người đến tham gia vẫn rất vắng lặng. Có lẽ vì còn sớm, một lát nữa tình hình sẽ khá hơn chăng?...

"Cố Tiểu Tây!"

Quay đầu lại, Tây trông thấy trưởng phòng phát hành và nhà văn Trần, người lên tiếng gọi Tây là trưởng phòng. Trưởng phòng nhìn thấy Tây như nhìn thấy cứu tinh, tay dắt người thân, miệng vẫn nhanh nhảu nói: "Tây à, em nói chuyện với cô Trần nhé! Cô ấy sợ ít người đến, với tình hình thị trường sách hiện nay thì từng này người đến là đông rồi, đúng không em?"

Trần Lãm chỉ cười nhạt, dường như không hề bị lay động bởi mấy câu nói của trưởng phòng phát hành, vẫn thản nhiên nói: "Chị đợi đến ba giờ! Nếu đến ba giờ mà vẫn như thế này, chị sẽ về luôn."

"Chị Lãm à!.. Nếu chị đi rồi, những độc giả đã tới đây biết làm sao! Chúng em phải chịu trách nhiệm với họ mà!"

"Ký mua sách là vì cái gì? Chính là cách để thúc đẩy thị trường qua giới truyền thông, nếu chỉ có tí người như thế này đã ký, em làm phát hành mà không hiểu sao? Lúc đó, lợi bất cập hại, thậm chí là chỉ có hại mà thôi, vì như thế em sẽ cho giới truyền thông thấy cái kém cỏi của mình. Lần trước nhà xuất bản Đông Nam cũng tổ chức bán và ký cuốn sách "Thâm quy bảo bối", người đến tham dự cũng rất ít, một bài báo vì thế viết với tiêu đề rất lớn rằng: "Thâm quy bảo bối" ký bán gặp phải sự thờ ơ". Trần Lãm dùng hai bàn tay khép thành vòng tròn to và tiếp lời: "Nếu thực sự như thế này, chúng ta đừng bán sách nữa!... đối với những độc giả đã tới, phiền em giải thích với họ rằng...", ngừng lại giây lát, Trần Lãm ngậm ngùi "tác giả ốm rồi, đột nhiên bị ốm".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#ben#nhai