Bài Thứ Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sự sống phổ biến và vật chất – Tác dụng của mỗi thứ - Các trạng thái của mỗi thứ - Ba Ngôi của Thượng-đế - Cách cấu tạo ra vũ trụ - Bảy Cõi – Con người là một vũ trụ nhỏ - Con người làm thế nào để tự trị - Cao đẳng Thần học đã tiết lộ cho người đời biết những gì? Những kết quả

1 – Chúng ta có thể xem vũ trụ như thế nào?

            Như là sự phát hiện của sự sống phổ biến. Thực thế, sự sống vì muốn ứng hiện nên đã tạo ra tất cả mọi sự mọi vật, tất cả những thế giới hữu hình và vô hình, với sự cộng tác của vật chất. Bởi trong thiên nhiên, không có sự sống nào là không vật chất mà cũng không có vật chất nào là không sự sống.

            Cả hai đều bất diệt, vô thỉ, vô chung. Đối với vật chất, ngũ quan của chúng ta chỉ nhận thức được một phần rất ít.

2 – Sự sống và vật chất có những tác dụng nào?

            Vật chất tự nó vốn bất động và không có hình tướng gì cả. Nó chỉ là thụ động, còn phần chủ động là tác dụng của sự sống.

            Ban sơ, sự sống nhập vào vật chất và vận sang vật chất những phẩm tính đặc biệt. Kế đó, sự sống dùng vật chất để cấu tạo những hình thể, những khu xác hay là môi vật mà chính sự sống khiến cho linh động, lại còn nâng đỡ và bảo tồn cho. Nếu sự sống lìa hình thể tất hình thể phải chết, rời rã và tiêu tán. Nhưng, những nguyên tố của vật chất bất diệt và không hình tướng nên vẫn luôn luôn tồn tại.

            Sau khi tiêu tán, vật chất sẽ bị rút vào những hình thể mới khác, do sự sống nắn đúc và chủ động. Bởi đó, sanh ra rồi chết mất, tăng trưởng rồi tàn tạ, hiện ra rồi tiêu tán, là những cách thay đổi, biến hóa của vật chất. Những hiện tượng đó phát hiện mãi mãi và khắp mọi nơi trong vũ trụ. Sự sống chính là nguyên do, là tác nhân linh hoạt mà đồng thời cũng chứng kiến mọi hiện tượng ấy.

            Các hình thể nối tiếp nhau. Tương tục, càng ngày càng cải thiện và hoàn hảo hơn trước; đồng thời, sự sống cũng càng ngày càng phát triển về phương diện năng lực, hoạt động, tri thức và ý thức. Triều lưu tiến hóa của sự sống thật là vô cùng, không biết đến đâu là bờ bến.

3 – Vậy chúng ta có thể kết luận như thế nào?

            Ở đây, chúng ta thấy biểu lộ hai luật đại khái:

            1) Luật tiến bộ, tăng trưởng, cải thiện hay là Luật Tiến hóa;

            2) Luật Luân hồi, tức là có nhiều kiếp sống nối tiếp nhau.

            Tất cả vạn hữu trong vũ trụ đều ở dưới quyền của hai luật đó, không chừa một vật nào.

4 – Phải chăng sự sống và vật chất đều có ba trạng thái khác nhau?

            Quả thế, mỗi thứ đều có 3 trang thái, ba mà một, một mà ba.

            Bởi đó, sự sống vốn là:

1)      một trí năng không có giới hạn, hoàn toàn minh mẩn, có một năng lực sáng tạo trác tuyệt;

2)      một nguyên lý vô cùng từ thiện, một bản tính yêu thương vô tận vô biên đối với tất cả mọi vật;

3)      một ý chí có quyền lực vô cùng;

Sự sống phổ biến đó, chúng ta gọi là Trời, là Thượng-đế. Ba trạng thái Ý chí, Yêu thương và Trí tuệ (hay là Toàn năng, Toàn nhân, Toàn trí, hoặc Dũng, Bi, Trí) hợp thành ba ngôi trong một thể, giáo đồ Cơ-đốc gọi là Đấng Cha, Đấng Con và Đấng Thánh Linh.

Tinh thần của con người vốn được sáng tạo theo hình ảnh của Đấng Thượng-đế nên cũng có ba trạng thái đó, Nho giáo gọi là Dũng, Nhân và Trí.

5 – Ba trạng thái vật chất thế nào?

            Nếu thiếu sự sống, vật chất chỉ là một vật bất động, vô sinh khí. Sự sống đung đầy vật chất làm cho vật chất di động một cách hỗn độn hoặc ít hoặc nhiều. Lần hồi sự chuyển động thành ra có trật tự, cân quân, có tiết điệu. Bất động, chuyển động, cân quân là ba tính chất, ba thể thức thông thường của vật chất.

            Vật chất truyền ba tính đó cho tất cả mọi vật, và dĩ nhiên là cho con người nữa. Do đó, sinh ra tất cả những tính chất xấu hoặc tốt.

6 – Người ta có thể kể những đặc tính của sự sống chăng?

            Không, bởi như thế là đặt giới hạn cho cái không có giới hạn, hoàn toàn, viên mãn. Người ta chỉ có thể nói sự sống là cái không thể nói được và không thể phân tách được không sao hiểu biết được và cũng không thể tưởng tượng được nó như thế nào. Các nhà hiền triết chỉ gọi là cái Đó (Na-Cá, Cela) và lặng lẽ tôn kính thôi.

7 – Người ta có thể kể những đặc tính của vật chất chăng?

            Cố nhiên; khoa học không có mục đích nào khác hơn là nghiên cứu những đặc tính đó trong tất cả các hiện tượng. Khoa học lại còn tự xưng là <<Khoa học vật chất>> vì chỉ muốn nhìn nhận vật chất là thật có trong vũ trụ thôi, và lại là về vật chất hữu hình nữa.

            Tuy nhiên, tất cả các hiện tượng chỉ là những kết quả mà nguyên nhân là sự sống hay là tinh thần.

            Khoa học phải hàm hó khuynh hướng tinh thần mới có thể hoàn bị được. Như thế, sự tiến bộ của khoa học sẽ vững chắc và mau lẹ, khoa học mới có thể lý hội được cách cấu tạo vũ trụ.

8 – Thế thì, sự sáng tạo ra cõi đời không phải là một việc ngẫu nhiên sao?

            Chỉ có sự vô minh của con người mới tạo ra danh từ vô nghĩa đó. Cái cơ tạo ra vũ trụ chính là luật Tiến hóa. Cái cớ đó do nơi Đấng Toàn Trí, Toàn minh đã sắp đặt. Chương trình đã định diễn ra lần lần, đúng theo những phép tắc bất di bất dịch của Thiên ý. Chung qui, chương trình đó nhắm vào một mục đích và do lòng yêu thương của hóa công đã định: <<Tất cả những gì do đấng Thượng-đế sinh ra đều phải trở về với đấng Thượng-đế, bằng sự toàn thiện, trong luật điều hòa phổ biến>>.

9 – Đương thời, sự điều hòa có thự hiện trong vũ trụ chăng?

            Sự điều hòa vẫn có, sự vô minh và thị dục của con người không làm rối loại sự điều hòa đó được. Tất cả các ngành khoa học, nhứt là Thiên văn học, đã chứng minh trật tự tuyệt với trong cảnh tự nhiên, từ vật cực tiểu vật cực đại.

            Vũ trụ là một cơ thể duy nhứt, do sự sống phổ biến phấn khởi, mặc dầu các hiện tưởng phát sinh trong vũ trụ nhiều vô số và thảy đều khác nhau, về hình dáng, về chỗ lớn nhỏ, màu sắc, quang thái, vẻ đẹp của mỗi thứ.

            Đấng tín-đồ tự phân thân ra vô số, để sáng tạo cho đủ vẻ. Vì thế, vũ trụ bày ra trước mắt ta cảnh đa số trong nhứt bổn, sai biệt trong đại đồng.

            Vũ trụ ví như một dây xích bao la vô tận, mà tất cả các khoen đều hành dính nhau, mỗi khoen có một hoặc nhiều khả năng của cái khoen trước nó và cái khoen sau nó.

            Chỉ nói về loại thực vật thôi, nhà bác học cũng không biết đúng chỗ nào là nơi khởi thỉ và chỗ nào là nơi cuối cùng.

10 – Ta phải hiểu bảy cảnh giới trong vũ trụ như thế nào?

            Vật chất chia ra nhiều hạng, mỗi hạng có trọng lượng khác nhau và có nhiều hạng cực khinh thanh vi tế. Tất cả các hạng vật chất lập thành bảy cõi hay là cảnh giới. Sự phân sắp này không phải là một điều độc đoán. Vật chất của mỗi trạng thái cùng những tính chất riêng. Bắt từ cõi đông đặc nhứt mà kể lần lên đến cõi kinh thanh nhứt thì trước hết cõi phàm trần hay là hạ giới, kế đó là dục giới hay là trung giới, rồi đến thiên đàng hay là thượng giới, kế nữa là cõi bồ đề, cõi Niết bàn, trên nữa còn hai cõi cực tinh tế nên nhơn loại ở trình độ tiến hóa hiện thời chưa biết được.

11 – Có phải những cảnh giới đó đều riêng biệt chăng?

            Không, mấy cảnh giới thảy đều thâm nhập lẫn nhau, cũng giống như cục bông đá thấm đầy nước, trong nước có chứa không khí, trong không khí có chứa tinh khí. Trọn cả cục bông đá, chỗ nào cũng có chứa nước, không khí, tinh khí. Vật chất của bảy cõi cũng giống như thế. Mỗi loại vật chất đều hiện có trong không khí đương ở chung quanh thân thể ta, trong luồng không khí mà ta đương hít vô phổi. Chỉ vì những vật chất đó tinh tế quá nên ngũ quan thô sơ của chúng ta không nhận thức được đó thôi.

12 – Chúng ta làm thế nào để biết được những cõi cao hơn cõi trần của chúng ta, những cõi mà hiện giờ, phần đông trong chúng ta không thấy được?

            Trải qua cuộc tiến hóa thật chậm, thiên nhiên lần lần tạo cho con người những cơ thể tinh tế hơn nhục thể, làm bằng vật chất của các cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới, cõi bồ đề, cõi niết bàn; những cơ thể đó có những quan năng, những quyền lực tuyệt diệu, nhờ đó con người có thể thấy được mấy cõi trên, nghiên cứu, học hỏi để biết rành những định luật, những nhân vật sống ở mấy cõi đó, những nhân vật mà các tôn giáo gọi là Thiên thần, Thiên sứ v.v….

13 – Con người toàn thiện có phải là một hình thức thu nhỏ lại của vũ trụ chăng?

            Đúng thế, con người toàn thiện là một bản sao, một tấm gương phản chiếu, một hình ảnh của vũ trụ thu nhỏ, và vì lẽ đó, vũ trụ cũng gọi là Thiên Nhân (Hoome céleste). Thế thì, con người là một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ vậy.

            Những điều giảng giải trên đây đều giúp cho ta hiểu được một cách sơ lược ý nghĩa sâu xa của một câu sấm ở đền thờ Delphes (cổ Hy-lạp), câu nầy trong Kim thi của Đức Pytha-gore cũng có nhắc lại: <<Ngươi hãy tự biết lấy ngươi và ngươi sẽ biết được vũ trụ cùng các vị Thiên Đế>>

14 – Con người phải làm thế nào để biết được mình?

            Phải do nơi khoa học và tôn giáo. Hai con đàng đó thảy đều dắt đến Huyền bí học hay là sự nghiên cứu về các cõi vô hình.

            Huyền bí học, Đạo Học, Thông-Thiên-Học là những danh từ gần như đồng nghĩa.

15 – Các bực danh vọng trong Tôn giáo có cổ vũ những phương sách đó chăng?

            Có! Thánh Pierre đã khuyên nhủ các tín-đồ đầu tiên của Cơ-đốc giáo: <<Các anh hãy thêm khoa học vào đạo hạnh của các anh>>. Một nhà Thông-Thiên-Học có danh vọng là Thánh Clément ở thành Alexandrie (Ai Cập), một đại học giả của Giáo học, quả quyết rằng sự nhận thức được cái cõi vô hình một cách trự tiếp còn cao thương hơn lòng tín ngưỡng nữa. Sự kinh nghiệm riêng của cá nhân về Cao đẳng Thần học là điều đáng quí hơn sự tin theo ý kiến của người khác.

16 – Cao đẳng Thần học hay là Thông-Thiên-Học tiết lộ cho nhân loại biết những chân lý cốt yếu nào?

            Học thuyết nầy tiết lộ cho nhân loại biết rằng Linh hồn của con người vốn là bất tử; tương lai của con người vô cùng đẹp đẻ, không biết đâu là giới hạn; chính mình con người tự định lấy số phận của mình.

            Thế nên, chúng ta phải có một ý niệm rõ rệt về phẩm cách cao quý của mình. Biết được trách nhiệm nầy là bước đầu trong đường minh triết vậy. Chúng ta cũng phải biết rằng chính mình là kẻ tạo ra sự quang vinh hoặc sự hổn độn, hạnh phúc hay khổ nạn của mình, bởi vì do nơi luật nhân quả hay là luật công bình, con người gieo thứ gì sẽ gặt thứ nấy, không khi nào sai chậy.

            Thế thì, những chân lý của Thông-Thiên-Học dạy là chỗ viên mãn của Đạo Học. Thông-Thiên-Học giảng giải và bổ túc Tôn giáo, Thông-Thiên-Học sẽ còn lưu lại sau chót, sau tất cả các tôn giáo, tất cả các phái triết học. Chỉ có Thông-Thiên-Học là còn giữ được nguyên vẹn, đời đời không thay đổi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro