Luong -Lao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

LUÔNGANG

Mua sắm tại Lào - Phần 1

16/10/2009

Lào là một điểm đến tuyệt vời cho những ai quan tâm đến hàng thủ công mỹ nghệ và đồ cổ, và Viêng Chăn là nơi tốt nhất để làm điều đó. Ngoài ra Viêng Chăn cũng là nơi nổi tiếng với các sản phẩm dệt may, đồ trang sức…

Chợ Sáng

Chợ Sáng là trung tâm thương mại lớn và nổi tiếng nhất tại Viêng Chăn. Mở cửa từ rất sớm, hàng hóa đa dạng phong phú, có cả hàng hóa từ Thái Lan và Việt Nam. Bạn có thể tìm thấy ở đây tất cả các mặt hàng có ở Viêng Chăn từ hàng thủ công mỹ nghệ, đồ trang sức, sản phẩm dệt may. Việc trao đổi mua bán cũng rất dễ dàng, chỉ cần ra hiệu bạn cũng sẽ mua được món hàng mình muốn, hơn thế nữa có đến 80% người bán hàng ở đây biết tiếng Việt. Cũng như ở Việt Nam, mua sắm ở các chợ của Lào nói chung bạn nên trả giá.

Phố Samsenthai, Panggkam và Setthathirat

Đây là những con đường tập trung rất nhiều các cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Với số lượng phong phú và chủng loại đa dạng, mang phong cách hiện đại lẫn truyền thống, làm bất ngờ tất cả những ai quan tâm đến những sản phẩm này. Samsenthai cũng là con đường có nhiều cửa hàng bán đồ trang sức, chủ yếu làm từ vàng và bạc, rất quyến rũ và lạ mắt.

Xieng khuang

Cũng giống như những trung tâm mua sắm ở những địa phương khác trong cả nước. Ở Xieng khuang, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các khu chợ và cửa hàng buôn bán các mặt hàng nữ trang, đồ thủ công mỹ nghệ, vải lụa Lào…

Chinese Market

Chợ là một tòa nhà cao 2 tầng, nơi cung cấp các mặt hàng lưu niệm phong phú được làm từ nhựa và chất dẻo, tuy nhiên bạn cũng có thể tìm thấy các mặt hàng được làm từ vàng và bạc. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải lụa, nữ trang cũng được bày bán nơi đây.

Fresh Market

Fresh Market là nơi cung cấp những loại trái cây tươi nhập khẩu, hiếm có ở Lào. Đặc biệt, tại khu chợ này bạn sẽ tìm thấy những “cao lương” của vùng Xieng Khuang, đó là những hàng khô bao gồm món thịt nok aen dawng lên men và món nấm hét wái.

Savanakhet

Là trung tâm kinh tế lớn thứ 2 của Lào, Savanakhet là nơi có rất nhiều khu đô thị sầm uất, các khu chợ tấp nập người bán, người mua và du khách. Sản phẩm ở đây cũng phong phú đa dạng, nhiều mặt hàng nhập khẩu, miễn thuế với giá cả rất phải chăng.

Chợ Savanxay

Chỉ cách bến xe trung tâm khoảng 100 mét, chợ Savanxay là một địa điểm tham quan mua sắm rất thú vị và được nhiều du khách ghé thăm. Ngoài các mặt hàng thường thấy ở các chợ như thực phẩm tươi sống và thịt, khu ẩm thực của chợ cũng rất nổi tiếng với các món ăn ngon đặc sản Lào. Điểm thu hút du khách nhất của ngôi chợ này là các mặt hàng lưu niệm phong phú và đa dạng, các quầy hàng thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm tinh xảo và lạ mắt, các sản phẩm dệt may thổ cẩm, bông sợi với những hoa văn độc đáo truyền thống Lào.

Cửa hàng miễn thuế Dao Heuang

Là nơi cung cấp rất nhiều mặt hàng miễn thuế với giá cả hợp lý gồm các mặt hàng như socola, rượu, thuốc lá, xì gà Cu ba, cà phê, các sản phẩm điện gia dụng. Hàng thủ công mỹ nghệ, vải lụa và đồ trang sức cũng dễ dàng tìm thấy nơi đây.

Chợ Singapore

Gồm một tòa nhà 4 tầng, chợ Singapore là ngôi chợ lớn nhất Savanakhet. Hàng hóa ở đây chủ yếu được nhập từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam với chủ yếu là các thực phẩm tươi sống và vật dụng gia đình.

Chợ đêm cố đô Lào

04/10/2009

Tiếng Lào “tàlạt” là chợ, “changkhưn” là đêm nhưng Việt kiều ở Luang Prabang gọi cái chợ đêm ở cố đô Lào là “chợ Tây”; còn du khách phương Tây rất thích đến với cái chợ du lịch thú vị này.

Chợ họp trên đường Si Savangvong thuộc phố cổ Pa Kam giống như phố cổ Hội An xứ ta trên một chiều dài chưa đầy 1.000m, chiều ngang chừng 6m. Đầu chợ là chùa cổ Xiêng Thoong xây dựng từ năm 1560; cuối chợ là hoàng cung cố đô Lào bên dòng Mekong. Đối diện hoàng cung qua chợ có tháp vàng Phu Xỉ xây năm 1804 trên đỉnh ngọn núi cao 329 bậc đá giữa bạt ngàn rừng dừa, thoang thoảng hương hoa đại và rực màu phượng đỏ.

Chợ thổ cẩm

Bắt đầu từ 16g từng đoàn phụ nữ Mông gùi những bế hàng trĩu vai tất bật rời bản Pha Nôm, Bò Xiêng từ trên núi xuống khu vực tập kết hàng để xuống chợ. Các gian hàng của từng nhà bày ra gọn ghẽ, quây lưng lại với nhau và nối dài giữa lòng đường trừ hai phía trước mặt làm lối đi cho khách. Sát hai lối đi này là hai hành lang phố cổ cũng nhường nốt cho những gian hàng.

Gian hàng nào cũng có khăn trải giường, trải bàn, áo, váy, ví, túi, khăn, mũ bằng thổ cẩm nhưng mỗi nơi được thêu, dệt, pha sợi màu mỗi khác. Có cả những bức tranh dân gian thêu cảnh sinh hoạt của làng bản, có trẻ mục đồng thổi sáo trên lưng trâu, có bun (hội) làng té nước tết năm mới bên đoàn ngựa thồ hàng xuống núi...

Xen giữa hàng thổ cẩm là những ếp đựng xôi bé xíu, nơm cá, đụt cá, khèn bè, sáo trúc, voi, ngựa cũng bé xíu - thứ đồ chơi đậm nét văn hóa dành cho trẻ nhỏ. Bên cạnh hàng ô giấy che nắng được làm khá kỳ công bằng thứ giấy bản tự sản xuất là đủ loại đèn lồng vuông, tròn, đèn lồng lò xo nhiều tầng và đồ gỗ, đồng, nhôm chạm trổ kỳ công.

Anh Nguyễn Hồ, Việt kiều đến từ TP.HCM, cho biết tất cả đồ chạm trổ là sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của dân bản Bò Xiêng ở cách đây chừng 4km, những người từng thạo nghề chạm khắc cung kiếm, mũ mạo cho bao đời vua quan.

Cùng với làng Pha Nôm, Bò Xiêng có nhiều nghệ nhân truyền đời nghề thêu dệt áo quần, mũ mạo phục vụ các triều vua Lào từ năm 1975 trở về trước. Vì thế hàng thổ cẩm, đồ chạm khắc được họ đem ra không chỉ để bán mà còn như để phô diễn tài nghệ với khách phương xa.

18g phố chợ bắt đầu sáng đèn. Từng đoàn khách Tây tràn vào khiến trong chốc lát chợ đã chật người. Điều khiến tôi ngạc nhiên là có những bé gái chừng 10 tuổi nhưng bán hàng cho khách Tây thông thạo chẳng kém người lớn. Khi khách ngã giá xong bé gái nhanh chóng bấm máy tính đổi tiền đô ra tiền kíp.

Theo anh Nguyễn Hồ, đó là những bé gái xuống chợ giúp mẹ bán hàng để mẹ ở nhà lo thêu dệt thổ cẩm cho phiên chợ đêm mai. Có cả những cụ già bán hàng hai bàn tay không ngớt thêu thùa khi rỗi khách. Và không ít trẻ nhỏ theo mẹ đi chợ bán hàng rồi thiếp ngủ trong địu vải sau lưng mẹ.

Chợ ẩm thực

Đây là chợ hàng ăn tự chọn được hình thành từ nhu cầu của du khách khi họ đã đói nhừ sau buổi dạo chợ, mua sắm. Chợ ăn rộn rịp không kém chợ hàng thủ công mỹ nghệ với những mẹt khoai lang luộc, những xâu lạp xưởng, thịt quay, thịt nướng, rồi cá rô rán, cá ngừ kho... Tôi lấy từ bếp than hồng của cô gái trẻ xâu xôi nướng (xôi dẻo vắt thành nắm như bắp ngô, rưới một lớp mỡ mỏng bên ngoài rồi nướng trên bếp than cho vàng, giòn) với giá 1.000 kíp (tương đương 15.000 đồng VN).

Bên cạnh, những du khách người Mỹ chọn cơm trắng hoặc cơm chiên, gỏi đu đủ, măng xào, dưa chua, thịt heo quay vào đĩa. Ọ lam - món đặc biệt của người Lào được khách Tây phải ăn thử và gật gù khen ngon. Ọ lam là thịt trâu hoặc thịt gà nấu cùng cây sạ khan có vị cay thơm tựa bạc hà.

Nghe nói có vị công chúa, con vua Thái Lan, sang đây đi “tàlạt changkhưn” đã không bỏ qua món ọ lam này. Đặc sản Lào còn có món khày phen là những sợi rêu “hái” giữa sông Mekong được chiên, nướng làm mồi uống bia Lào ngon và rẻ hết cỡ. Hoặc món năng nhẩm lạ lẫm làm bằng da trâu giã chày gỗ đem nướng ăn nóng với chẻo ớt.

Trước đây du khách từ Mỹ, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc... sau khi bay đến Luang Prabang thăm thú hoàng cung và ngắm chùa cổ Xieng Thoong nổi tiếng nhất nước Lào sẽ đi mua hàng thổ cẩm bày bán lẻ tẻ khắp các ngả phố. “Nếu cứ như vậy thì chưa thể tạo ra một môi trường du lịch đậm đặc”- ông Bun Hương, tỉnh trưởng Luang Prabang, nghĩ thế và đầu năm 2003 ông quyết định thành lập “tàlạt changkhưng”.

Không ngờ đó là một yếu tố khiến du khách nước ngoài đến Luang Prabang tăng nhanh, từ 100.000 lượt người năm 2003 lên 160.000 lượt người vào mùa khô năm 2005. Theo ông Bun Hương, dù Lào đang chuyển sang mùa mưa nhưng mỗi ngày vẫn có ba chuyến bay từ thủ đô Vientian (chủ yếu du khách châu Âu), một chuyến từ Thái Lan và bảy ngày/một chuyến từ Trung Quốc đến cố đô này; giúp Luang Prabang thu được 270.280.000 kíp/năm từ dịch vụ du lịch, thương mại.

Cũng theo ông, từ năm 2006-2010 sân bay quốc tế Luang Prabang sẽ được nâng cấp đạt tiêu chuẩn sân bay khu vực để cố đô Lào sẽ có mức thu từ du lịch - thương mại đạt khoảng 500 triệu kíp/năm, trong đó “tàlạt changkhưn” là một tâm điểm thu hút du khách.

Cố đô Luang Prabang thanh bình

12/05/2009

Luang Prabang từng là kinh đô của vương quốc Lạn Xạng (Vương quốc triệu voi) từ thế kỷ 14 đến năm 1946. Ngày nay, Luang Prabang nổi tiếng là điểm thu hút khách du lịch và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Thành phố cổ Luang Prabang nằm ở phía bắc miền trung Lào, bên sông Mekong cách Vientian 425 km về phía bắc. Dân số của thành phố này khoảng 22.000 người.

Luang Prabang giống như lòng chảo Điện Biên, bao quanh là các ngọn núi.

Toàn cảnh thành phố nhìn từ núi Phou Si.

Một ngôi chùa nằm bên phố cổ.

Cung điện Hoàng gia Lào, nay là Bảo tàng quốc gia.

Thác nước Khuang Si, cách thành phố 30 km.

Đến buổi chiều tối, du khách thường trèo lên núi Phou Si để ngắm mặt trời lặn.

Luang Prabang ký sự - Phần 1: Bình minh cố đô Luang Prabang

06/08/2009

Luang Prabang, kinh đô cũ của Vương quốc Triệu Voi, di sản văn hóa thế giới, điểm đến thanh bình và thú vị của dân du lịch “bụi”, để bất kỳ ai đã đến một lần cũng mong có ngày quay trở lại cố cung bên bờ sông Mekong...

Chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Lào hạ cánh xuống sân bay Luang Prabang khi trời đã sập tối.

Cả một vùng núi non phía bắc miền Trung Lào như bị cuộn chặt trong tấm áo của đêm, những dải núi bọc xung quanh trở nên mờ ảo, không còn phân biệt được ranh giới giữa đỉnh và trời. Lác đác những ngọn đèn đêm lấp lánh, những chấm sáng li ti làm tan đi cảm giác vắng vẻ và có chút lặng lẽ của một phi trường vốn dĩ rất quen thuộc với du khách nước ngoài.

Sân bay Luang Prabang cách trung tâm thành phố và cố đô chỉ khoảng 4km đường. Taxi và tuk tuk đều được thống nhất mức giá 10 USD và 50.000 kip tương ứng cho một lượt chở khách. Thông thường một xe được phép chở tối đa ba người.

Tôi leo lên một chiếc tuk tuk khá lớn, có thể chở được cả chục người nếu cần với đống hành lý lỉnh kỉnh. Chiếc xe nổ máy lao đi trên con đường thênh thang gió và bóng tối. Dù chưa từng đến Luang Prabang, nhưng trong tôi chợt dâng lên cảm giác như thể đang trở về nhà, giống như tôi đang chạy xe đi Hải Dương và lát nữa đây sẽ được ăn bánh đậu xanh và uống trà mạn vậy.

Giấc ngủ đêm đầu tiên trên đất cố đô rất êm và sâu.

5g sáng, chuông đồng hồ kêu reng reng lôi bật tôi ra khỏi chiếc giường êm ái. Hối hả vệ sinh cá nhân và chuẩn bị máy quay, máy ảnh... Nếu ai đã từng biết gì về Luang Prabang đều cũng sẽ như tôi, dậy sớm, bước ra đường để cùng cố thành Luang Prabang đón bình minh ngày mới.

Khu vực thành cổ Luang Prabang được bao bọc bởi một bên là sông Mekong, phía còn lại là sông Nam Khan, phụ lưu hợp nhất với Mekong ở cuối đường Sakkarin. Khách sạn của tôi nằm ngay trên con phố chính Sisavangvong, cùng với Sakkarin nối thành con lộ trung tâm của cố đô. Luang Prabang có khoảng hơn 40 ngôi chùa cổ lớn nhỏ có tuổi đời khác nhau, mỗi công trình mang trên mình một nét văn hóa và kiến trúc nghệ thuật riêng biệt, mỗi ngôi chùa là một câu chuyện kể không giống nhau về quá khứ và lịch sử của vùng đất này.

5g30 sáng.

Không gian khá yên lặng và trong trẻo. Tưởng như vạn vật vẫn còn đang lơ mơ trong giấc ngủ. Nhưng không, trên phố chính Sisavangvong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đã và đang trải chiếu quỳ chân trên vỉa hè, sắp xếp đồ lễ để chuẩn bị cho buổi lễ khất thực.

Khất thực là nét văn hóa rất đặc trưng của các quốc gia theo tín ngưỡng Phật giáo. Giờ đi khất thực có thể khác nhau nhưng luôn diễn ra trước 12g trưa. Với người dân ở thành Luang, khất thực là việc “cần làm” hằng ngày, một cách tất nhiên như là hít thở hay uống nước vậy.

Ngày nay, nhiều du khách tới Luang cũng thích thú và thành tâm tham gia nghi lễ khất thực. Họ trả tiền mua một giỏ đồ ăn từ những người dân bán hàng rong trên phố và cũng ngồi chờ đoàn các nhà sư đi qua, kính cẩn đặt đồ lễ vào thố và trải nghiệm những giây phút yên lặng, bình an trong tâm hồn.

Bình minh Luang Prabang bắt đầu từ phía ngã ba sông, nơi nước sông Nậm Khan hòa mình vào nước sông Mekong để cùng nhau tiếp tục hành trình đi về phía biển Đông. Và ngày mới ở Luang Prabang bắt đầu bằng hoạt động khất thực của các vị sư và người dân trong vùng.

6g sáng.

Các nhà sư xếp thành hàng dài đi chân trần, vai khoác thố, đi quanh phố để nhận đồ lễ dâng của người dân, gồm đồ ăn chín, bánh trái và hương hoa.

Các nhà sư ở cùng một chùa sẽ đi thành một nhóm. Đi đầu đoàn luôn là nhà sự trụ trì và các nhà sư khác rồi đến các nhà sư mới tu. Từng đoàn xuất phát từ cổng chùa riêng của mình và nối vào nhau ở mỗi góc phố, chậm rãi và từ từ.

Nếu tinh ý, bạn vẫn sẽ nhận ra từng đoàn riêng biệt bằng việc nhìn vào cách mặc áo cà sa và nhận ra vị sư đứng đầu trong một đoàn người. Các nhà sư luôn choàng áo mà không có đai thắt ngang bụng, chỉ có những người mới tu mới phải dùng dải dây lưng.

Mỗi ngôi chùa ở Luang Prabang thường có từ hai đến ba nhà sư, còn lại là các nhà sư trẻ mới tu, những người chỉ vào chùa học tập và rèn luyện trong một thời gian nhất định nào đó tùy theo kế hoạch riêng của mình. Có người sau này trở thành nhà sư, nhưng có người chỉ đi tu trong một vài năm rồi làm lễ “ra chùa”, trở về với cuộc sống bình thường.

Đi tu là một việc khá phổ biến ở Lào, nhất là với đàn ông. Có phải vì được sống và phát triển nhân cách trong môi trường từ bi của đạo Phật và đó cũng là lý do nhiều người dân Lào rất hiền lành, thân thiện?

Tôi không biết chắc, nhưng tôi đã gặp rất nhiều những nhà sư trẻ ở thành Luang đến từ những miền đất xa xôi trên đất Lào, người đi tu lâu cũng được hơn sáu năm, người ít cũng được một tuần, họ luôn là những con người thân thiện, mộc mạc và hiếu khách vô cùng. Nói chuyện với họ, tôi thấy lòng mình lặng đi, thấy thời gian ở Luang Prabang như ngừng lại, cuộc sống sao thật chậm rãi và bình thản, không còn bon chen, giành giật, không còn lo nghĩ tới những điều vất vả hay cực nhọc khó khăn.

Thông thường các nhà sư ở Luang Prabang sẽ thức dậy lúc 4g sáng, tới chùa chính đọc kinh sáng trước khi ra khỏi chùa đi khất thực. Những đồ lễ được dâng từ người dân chính là đồ ăn hằng ngày của họ. Họ có thể ăn cả đồ mặn và đồ chay, ngoại trừ hai loài động vật là rắn và chó. Rắn là loài vật linh thiêng, luôn hiện thân trong kiến trúc chùa chiền và các đồ vật cúng tế trong Phật giáo, được trang trí trên các mái chùa hoặc cách điệu làm máng dẫn nước trong lễ tắm Phật hằng năm. Còn chó luôn là người bạn đồng hành thân thiết của nhà chùa.

Hình ảnh một đoàn các nhà sư trong màu áo cà sa vàng rực đã trở thành một biểu tượng của cố đô Luang Prabang trên toàn thế giới.

Những bước chân trần chậm rãi, ánh mắt trầm tư của vị sư trụ trì, nụ cười tinh nghịch của nhóm sư trẻ măng, bờ vai trần lặng lẽ… Tất cả lưu lại trong lòng du khách những ấn tượng sâu sắc đến mức đôi khi bạn cảm thấy nghẹn thở và vội vã như thể, những gì đang diễn ra giống như một giấc mơ, nó sẽ tan biến đi bất kỳ lúc nào.

Tất cả các buổi sáng ở Luang Prabang tôi đều dậy sớm và đi về cuối đường Sakkarin, nơi có ngôi chùa Wat Xieng Thong quan trọng bậc nhất ở đây. Tôi đi như chạy trên phố khi phần lớn các du khách và người dân tập trung trên đường Sisavangvong chờ buổi lễ khất thực. Tôi đi qua những ngôi nhà cổ vừa lộng lẫy vừa mộc mạc của thành Luang, ánh đèn vàng buổi sớm trở nên lung linh huyền ảo, những thố xôi xếp hàng dài trước cửa nhà…

Tôi đứng chờ ở cổng chùa, nơi mà những ngôi chùa không xây tường rào bao bọc tạo ra sự cách biệt, nó chỉ là một ranh giới mỏng, một ranh giới vật lý mơ hồ màu trắng thân thiện và gần gũi với cuộc sống, một cách rất bình thường.

Vị sư trụ trì bước ra trước nhất, lác đác các nhà sư khác tập trung xếp hàng phía sau. Tôi quan sát đoàn sư ở một ngôi chùa lúc nào cũng có hai chú chó mắt đã lèm nhèm vì già cả, sáng nào cũng tham gia và đi đầu trong đoàn người, một cách thong thả và cần mẫn. Đoàn các nhà sư ở chùa Wat Xieng Thong thì đông hơn với gần hai chục nhà sư trẻ thắt dải dây lưng màu vàng rực.

Đoàn người khất thực nom như một dải lụa mềm mại bị gió cuốn đi trên phố, chậm rãi chuyển động, vừa cuốn hút bởi sắc vàng cam rực rỡ, lại như vừa muốn ẩn mình trong sự trầm mặc cũ kỹ của thành Luang.

Có lẽ không nhiều người kịp đi theo dải lụa cà sa này vào những con phố nhỏ, khuất nẻo ở thành Luang nếu không có nhiều thời gian để trải nghiệm và đón bình minh ít nhất là vài ba lần. Bởi lẽ có quá nhiều thứ sẽ cuốn hút bạn, và chỉ cần lãng đi một chút, câu chuyện ở phố bên này đã rất khác với hình ảnh ở phố bên kia.

Tôi thích rời khỏi con phố chính Sisavangvong vốn luôn đầy ắp du khách và cả xe cộ, làm bớt đi phần nào sự êm ả thường trực của Luang Prabang. Tôi thích đi theo đoàn khất thực vào con phố nhỏ nằm giữa đường Khem Khong dọc sông Mekong và phố chính Sisavangvong dắt thẳng đến cổng bên của chùa Wat Xieng Thong.

Từ góc nhìn này của cố đô, bạn sẽ thấy một Luang Prabang chân thật hơn với những ông già, bà cụ tay run run dâng lễ trước cửa ngôi nhà gỗ, những hàng rào đầy hoa, những khoảng sân với bồn cây cảnh xếp dọc hiên và góc vườn. Thời gian như lắng lại trong từng bước chân trần lặng lẽ… Thỉnh thoảng lại có một tay máy hối hả chạy trên phố, khuấy động cái không gian đang trầm tư, họ đi tìm và ghi lại những khuôn hình đẹp về dải lụa cà sa, về bình minh ngày mới ở thành Luang.

Một việc mà các nhà sư luôn làm khi trở về chùa sau nghi lễ khất thực trên phố là họ sẽ mang đồ lễ nhận được, lấy một chút xíu để dâng lên Phật tại các điểm thờ cúng trong chùa. Sau khi thành kính dâng lễ, họ vào phòng và bắt đầu bữa sáng. Ngày mới bắt đầu, thanh bình và giản dị… nhẹ nhàng như nhịp thời gian chậm rãi chảy trôi qua thành cổ Luang Prabang.

LuangPrabang ký sự - Phần 2: Những ngôi chùa cổ thành Luang

07/08/2009

Vốn là đất nước của Phật giáo nên sự tồn tại của những ngôi chùa cổ ở thành Luang cũng giản dị như chính cuộc sống ở đây vậy. Các ngôi chùa được xây dựng ở khắp mọi nơi, bên này sông, bên kia sông, trên đỉnh núi, giữa phố phường. Mỗi ngôi chùa là một kiến trúc, một lịch sử, một cảm nhận...

Không phải ai cũng có đủ thời gian để khám phá từng góc chùa hay ngõ nhỏ của thành Luang. Với cuốn Lonely Planet trong tay, tôi cũng cố thu xếp để có được một hành trình khám phá thú vị nhất cho chuyến đi của mình.

Cuốn sách tư vấn về một “walking tour” với 16 điểm dừng chân khép vòng cho một ngày dạo quanh LuangPrabang. Bắt đầu từ chợ Dala nằm ở góc phố Kitsarat giao với phố Chao Sisuphon, nơi mà bạn có thể mua rất nhiều đồ thủ công mỹ nghệ và lưu niệm của Lào để tặng bạn bè và trang trí nhà cửa.

Nơi dừng chân đầu tiên trong lịch trình là Wat Wisunarat - một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Luang nằm trong danh sách di sản văn hóa thế giới, ngay cạnh đó là chùa Wat Aham.

Tiếp tục hành trình dọc theo con phố trung tâm với Bảo tàng Cung điện hoàng gia, xuyên qua cố thành với Wat Saen, Wat Sop, Wat Sirimungkhun, Wat Si Bun Heuang nằm kề liên tiếp trên phố trung tâm, Wat Xieng Thong ở cuối đường Sakkarin, dạo dọc bờ sông Mekong để đến với Wat Paphai, Wat Xieng Muan hay Wat Mai Suwannaphumaham để rồi kết thúc hành trình trên đỉnh Phousi, vọng cảnh đài ngắm hoàng hôn trên bờ sông Mekong, dưới chân tháp That Chomsi.

Nhưng tôi đã có một hành trình đầy ngẫu hứng. Mỗi buổi sáng sau lễ khất thực tôi thường lang thang dọc theo Wat Saen, Wat Sop, Wat Sirimungkhun, Wat Si Bun Heuang trên đường Sakkarin. Các ngôi chùa gần như không có ranh giới chính thức nào cả, từ chùa này có thể dạo bước sang chùa kia một cách dễ dàng. Chùa chính luôn được trang hoàng lộng lẫy, tường sơn son thếp vàng và hoạt tiết trang trí rất cầu kỳ tinh xảo, mái lợp ngói và đầu đao uốn cong mềm mại. Các nhà sư thường ở các gian nhà sàn thấp bằng gạch kết hợp với gỗ ở phía sâu bên trong.

Buổi sáng luôn là thời điểm thích hợp nhất để quan sát cuộc sống giản dị của các nhà sư, nhất là ở khu vực này. Bạn có thể thấy những người mới tu trẻ tuổi vừa quét chùa, tưới cây, dọn dẹp, giặt đồ... vừa hồn nhiên đùa nghịch. Một số người ngồi đọc sách dưới gốc cây hoa giấy, trên chiếc bàn đã cũ. Số khác tụ tập ở chân tòa tháp chuyện trò vui vẻ và sẵn lòng tiếp chuyện các du khách đi ngang.

Có một lớp học tình nguyện ở đây, nơi mà các nhà sư có cơ hội tham gia các khóa học ngoại ngữ, mỗi người lựa chọn một vài thứ ngôn ngữ mà mình yêu thích, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, tiếng Thái Lan hay Nhật Bản… Vì vậy, sẽ không hề ngạc nhiên, thậm chí bạn sẽ bật cười khi thấy các nhà sư trẻ luôn nói được một vài thứ tiếng với những câu thông dụng nhất như "xin chào", "tạm biệt" hay là... "anh yêu em"!

Wat Xieng Thông là ngôi chùa quan trọng bậc nhất ở LuangPrabang, nằm cuối đường Sakkarin, gần với ngã ba nơi sông Mekong và sông Nậm Khan gặp nhau. Chùa được xây dựng năm 1560 dưới thời vua Setthathirat có cổng chính nằm bên bờ sông Mekong. Từ trên cao nhìn xuống con đường mang tên Khem Khong, thấp hơn là dòng sông đục ngầu phù sa đang cuồn cuộn chảy, một Mekong đã gắn bó bao đời với mảnh đất và cuộc sống của người dân xứ này.

Wat Xieng Thong có một khuôn viên khá rộng với nhiều hạng mục lớn nhỏ, bao gồm một chùa chính mang phong cách kiến trúc LuangPrabang cổ điển với mái lợp ba tầng hạ sâu hướng về mặt đất. Thư viện Tripitaka xây dựng năm 1828, một tháp treo trống xây dựng năm 1961, một nhà thờ nhỏ với bức tượng Phật nằm nổi tiếng từng nằm trong Bảo tàng Paris năm 1931, sau đó được cất giữ ở Vietiane và trở về Luang năm 1964 cùng các tòa đền tháp nhỏ khác nằm rải rác.

Ngôi chùa cũng nổi tiếng bởi những bức tranh tường kỳ thú kể về những câu chuyện của nhà Phật bằng nghệ thuật ghép mảnh trong kiến trúc - nghệ thuật Mosaic.

Vào các ngày lễ chính trong năm như lễ đón năm mới, lễ tắm Phật Phạ Bang hoặc Phạ Màn, Wat Xieng Thong trở nên rộn ràng và náo nhiệt, đặc biệt vào buổi tối khi hàng nghìn người tới chùa để chiêm ngưỡng tượng Phật bằng vàng thật và tham dự lễ tắm Phật bằng nước thơm và nước hoa. Phí tham quan Wat Xieng Thong cho du khách người nước ngoài là 20.000 kip/người thu từ 8g sáng đến 5g chiều. Ngoài giờ đó du khách có thể tham quan quanh khuôn viên chùa miễn phí và thoải mái chuyện trò với các vị sư tăng ở đây.

Wat Mai Suwannaphumaham (1821) nằm trên đường Sisavangvong cạnh Bảo tàng Cung điện hoàng gia - ngôi chùa được coi như một viên ngọc của Luang Prabang với kiến trúc mái đỏ năm tầng lộng lẫy và những chiếc cột đỡ, xà nhà, tường bao được thếp vàng và trang trí khắc họa bằng những bức tranh tường và họa tiết tinh xảo.

Để vào sảnh lễ và tham quan bên trong ngôi chùa chính, du khách nước ngoài cũng phải trả phí tham quan 20.00 kip/người. Tuy nhiên, du khách sẽ được miễn phí nếu chỉ đi dạo quanh ngôi chùa chính, ngắm nghía các mộ tháp rêu phong màu thời gian, những ngôi nhà sinh hoạt be bé xinh xắn ở sau chùa, hay trầm trồ trước hai chiếc thuyền đua dài thường được trang hoàng rực rỡ vào dịp tết năm mới Bun Pi Mai Lao (tháng 4) và lễ hội té nước Bun Nam (tháng 10) hằng năm.

Wat Mai cũng là ngôi chùa trưng bày tượng Phật Pha Bang vốn thường được cất giữ trong Bảo tàng Cung điện hoàng gia vào dịp tết năm mới ở Lào. Khi đó, nhà chùa và người dân sẽ dựng một “ngôi nhà" phía trước cửa chính của Wat Mai và lễ tắm Phật Pha Bang được tổ chức như một nghi lễ truyền thống chào năm mới.

Wat Wisunarat (Wat Visoun) được xây dựng năm 1513 là ngôi chùa có tuổi đời cổ nhất ở Luang Prabang. Chùa từng được trùng tu và xây dựng lại trong khoảng 1896-1898. Wat Wisunarat nằm trên con đường mang chính tên ngôi chùa và cách khu phố balô trung tâm chừng 5 phút xe máy với 10.000 kip tiền xe máy lôi (một loại xe chở khách giống xích lô nhưng chạy bằng máy). Phí tham quan bên trong chùa cũng 20.000 kip/người.

Wat Wisunarat có một khuôn viên rộng lớn, xanh cỏ, hai mặt giáp phố chính và nằm hơi cao hơn so với mặt đường. Chùa chính được xây bằng gạch và những ô cửa sổ bằng gỗ gần như giữ được những nét kiến trúc nguyên bản. Kiến trúc ngôi chùa đơn giản và không quá cầu kỳ, ngoại trừ mái luôn có nhiều chi tiết trang trí, tạo cho Wat Visoun một vẻ đẹp giản dị và bình thản.

Ngay trước ngôi chùa chính là một mộ tháp uy nghi cao tới 34,5m Tha Pathum. Ngôi mộ tháp này được xây dựng từ năm 1503 theo lệnh của vợ vua Wisunarat và được hoàn thành trong 19 tháng. Tha Pathum từng bị hư hỏng và được khôi phục vào các năm 1895 và 1932.

Phía sau chùa chính là nơi ở của các nhà sư sinh sống và học tập tại Wat Visoun. Đa phần các nhà sư mới tu có tuổi đời rất trẻ, họ rất hồn nhiên và thân thiện. Tôi đã dành cả một buổi sáng trong trẻo và mát mẻ để ngồi chuyện vãn trên chiếc ghế giả gỗ trước cửa một căn nhà sinh hoạt, để tìm hiểu thêm về cuộc sống của những người bạn trong hành trình khám phá Luang Prabang.

Wat Aham nằm liền kề bên chùa Wat Wisunarat, gần tới mức dường như không có ranh giới. Từ chùa bên này bước sang chùa bên kia chỉ cách nhau một chiếc cổng nhỏ đã nghiêng nghiêng vì thời gian và mưa nắng.

Wat Aham cuốn hút tôi không bởi vẻ huy hoàng của kiến trúc mà bởi cuộc sống của những người khoác áo cà sa. Một vị sư già dạo bước trên khoảng sân có hai chiếc cây cổ thụ mấy người ôm không xuể, màu áo vàng cam rực lên trong không gian xanh khiến tôi chững lại giật mình. Những cậu bé với nét mặt ngây thơ hồn nhiên đến mộc mạc cứ thoắt ẩn thoắt hiện trên ô cửa sổ bằng gỗ, tiếng nói tiếng cười làm xao động cả không gian vốn dĩ quá đỗi yên lành.

Chiều xuống.

Tôi bắt đầu chinh phục đỉnh Phousi, nơi được coi như điểm cao nhất ở Luang Prabang và là một vọng cảnh đài lý tưởng để đón hoàng hôn rơi trên dòng sông Mekong. Núi Phousi nằm đối diện với Bảo tàng Cung điện hoàng gia qua đường Sisavangvong. Trạm thu phí nằm lưng chừng vách núi với 20.000 kip/người. Những bậc thang liên tiếp nằm giữa một rừng cây đại cổ thụ đưa du khách lên tận chân That Chomsi - một đền tháp nằm cheo leo trên đỉnh núi.

Từ nơi này nhìn xuống thấy Luang Prabang thật bình yên với bốn bề vách núi vây quanh, màu xanh của núi rừng, màu đỏ lô nhô của mái nhà, những con đường bé nhỏ thẳng băng, màu vàng lóng lánh của đền chùa, dòng Mekong hững hờ uốn mình về phía cuối trời.

Tôi ngồi giữa những người bạn không quen, chỉ là những kẻ gặp nhau vì chung đường thiên lý. Mặt trời xuống như quả cầu đỏ rực, khuất dần sau dải núi mờ xa…

Đêm bắt đầu phủ bóng đen xuống dòng sông ấy… Và tôi phải trở về…

LuangPrabang ký sự - Phần 3: Phiêu du trên những cung đường

13/08/2009

Tôi đã từng ấp ủ một giấc mơ được chạy xe phiêu du trên những con đường xa lạ ở xứ người. Không phải là những khúc đổ đèo quen thuộc ở Tây Bắc hay con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên, chỉ đơn giản là một con đường nằm bên ngoài biên giới Tổ quốc mình…

Sau  bữa sáng dân dã ở trong chợ Pakkham với món bánh cuốn và nước chấm kiểu Lào ở cuối chợ, tôi dạo một vòng quanh phố Tây balô, ghé qua các văn phòng du lịch và bất cứ tấm cửa kính nào có dòng chữ “cho thuê xe máy”. Không phải văn phòng nào cũng có sẵn xe cho du khách thuê, có vẻ như dịch vụ này mới được phát triển và dân thành Luang tranh thủ làm thêm mà thôi.

Hai chiếc xe phân khối lớn mà chiều hôm trước tôi đã hỏi giá cho thuê của một văn phòng du lịch 30 USD/ngày sáng nay đã có hai khách Tây đặt thuê. Phải mất thêm gần 20 phút tôi mới tìm được một chỗ khác cho thuê xe máy. Giá thuê xe Wave thường là 20 USD/ngày, hợp đồng ghi thời gian sử dụng từ 8g sáng đến 6g tối, tuy nhiên có thể thỏa thuận về muộn và trả xe muộn hơn 2 tiếng.

Khách phải đặt lại hộ chiếu và ký một hợp đồng song ngữ Lào - Anh. Ngoài ra du khách  bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm và giá trả thêm để thuê một chiếc mũ là 10.000 kíp.

Nắng lên vàng rực khu phố, bầu trời Luang Prabang xanh ngắt, không một gợn mây. Tôi hào hứng leo lên chiếc xe máy và bắt đầu hành trình phiêu du trên những cung đường. Chiếc xe bon bon lao đi bỏ lại sau lưng Th Sisavangvong, Th Chao FaNgum, cả thành cổ  Luang Prabang và chỉ dừng lại đổ đầy bình xăng ở ngã tư đường Th Pothisarat trước khi nhằm hướng thác Khuangsi thẳng tiến.

Chợ Phosy nằm cách cố đô chừng 2km, là trung tâm giao thương lớn nhất của vùng. Nhiều du khách nếu có thời gian la cà sẽ ghé chợ này để mặc cả, mua sắm đồ thủ công mỹ nghệ và lưu niệm của Lào, đồng thời có thêm cơ hội tìm hiểu cuộc sống thật sự của dân địa phương. Trên đường quay về, tôi gửi xe vào chợ để tìm mua một khẩu súng phun nước cỡ lớn và xem xét những chiếc xe máy sonic được bày bán đầy ắp trong các gian hàng dọc hai bên cổng chợ.

32km đường đến thác Tat Khuangsi khá đẹp, xuyên qua những rừng gỗ teck trải dài miên man trên triền núi. Những cây gỗ teck trụi lá, thân trắng vươn mình kiêu hãnh trên lưng núi đỏ sậm màu đất. Xen kẽ thấp thoáng là những bản làng, những trảng cỏ xanh, những ngôi nhà nho nhỏ. Đường vắng xe cộ và im ắng. Tôi cứ để cảm giác xe "dắt" mình đi, và quyết định rời khỏi con đường chính tới thác Tat Khuangsi để xem cuối con đường có điều gì đang chờ đợi.

Chỉ có những rừng cây rì rào trong gió, nắng vàng và trời xanh. Hiếm hoi mới gặp một người địa phương đi bộ hay chạy xe đạp lọc cọc trên đường. Con đường không đẹp như con đường trải nhựa tới thác Khuangsi nữa, nó trở nên sần sùi với đá nhỏ và dần trở thành con đường đất lúc nào không biết. Chạy mãi dễ đến cả chục cây số mà con đường vẫn hun hút, cuộc sống vẫn như ẩn trốn ở tận nơi nào. Tôi quay xe trở lại ngã ba đường, tiếp tục hành trình tới thăm khu thác du lịch nổi tiếng của Lào.

Khác với con đường vắng vẻ và im ắng vừa nãy, con đường bên này vui hơn với rất nhiều  bản làng văn hóa dọc hai bên đường. Bản nào cũng giản dị, đơn sơ với những nếp nhà hiền hòa nằm nép bên nhau. Ở hai đầu mỗi bản đều có biển tên bản bằng tiếng Anh và tiếng Lào, chẳng hạn như bản Thapene nằm ngay cửa rừng thác Khuangsi, ngược trở ra là bản Ou, Muang Khay hay Thinkeo, Thin Som. Du khách trên đường tới thác thường đi qua bản Lackpaid, bản Naxao, Napho và nhiều người dừng chân ở bản Naouane, bản "du lịch" nhất trong gần chục bản làng văn hóa ở phía nam cố đô Luang Prabang.

Thác Tat Khuangsi được miêu tả như một viên ngọc xanh giữa rừng nhiệt đới. Quả thật, dòng thác không quá lớn, nhưng dưới chân thác, thiên nhiên đã tạo nên những chiếc hồ nhỏ với màu nước trong xanh như ngọc bích tuyệt đẹp. Du khách có thể bơi lội ở cái hồ bơi thiên tạo này một cách thoải mái và tự nhiên. Nhiều người ưa thích trekking thường đi dạo bộ dọc những lối mòn nhỏ xung quanh khu rừng bao quanh thác Tat Khuangsi, tận hưởng cảm giác yên ả và hoang dại của khu bảo tồn, thậm chí leo lên trên đỉnh thác để nhìn xuống.

Thời điểm đẹp nhất để ngắm khung cảnh thanh bình xinh đẹp của thác Tat Khuangsi là vào tháng 11 hoặc tháng 4 - giữa mùa khô. Nhiều du khách chọn cách thuê xe máy hoặc xe đạp để tự mình tới chốn này, chủ động dừng lại các bản làng mà họ cảm thấy thích thú dọc đường. Ngoài ra, ở Luang Prabang cũng có thể dễ dàng tìm được các tour đi thác ghép với chi phí khá rẻ, 3 USD/người, hoặc thuê một chiếc xe tuktuk với giá 180.000 kip cho 6 người đi. Thời gian cơ bản dành cho chuyến đi này chỉ mất nửa ngày.

Sau khi nằm nghỉ dưới một gốc cây lớn ở khu vực đậu xe và hàng quán bên ngoài cửa rừng - cửa khu bảo tồn, tôi chợp mắt thiếp đi chừng 5 phút giữa yên bình và lòng thanh thản. Tạm biệt Tat Khuangsi, tôi trở lại với chiếc xe, với con đường đầy nắng và gió, với những triền đồi gỗ teck trải miên man, với những em bé chạy nhảy nô đùa trên dòng suối bên đường, hồn nhiên trong trẻo đến lạ kỳ.

Tôi cũng không quên dừng lại ở làng du lịch Naouane. Có hai lữ khách đang chia kẹo cho đám trẻ nhỏ. Một cô bé bị ốm đang nằm truyền nước trên chiếc sàn tre trước hiên nhà. Tôi đi lang thang dọc con đường nhỏ xuyên qua làng, hai bên là những mái nhà tranh và những sạp hàng bằng tre nứa cũ kỹ, dăm ba món hàng dệt tay, vải vóc, khăn áo. Mấy phụ nữ cặm cụi khâu vá, chỉ khẽ ngẩng lên khi thấy tiếng bước chân của vị khách lạ rồi lại cúi xuống tiếp tục công việc. Có nét gì đó tựa như bản làng ở Sa Pa.

Hai cô bé cầm một nắm vòng tay bằng thổ cẩm đi theo tôi và mời như hát khiến tôi bật cười: “You can buy for five thousand”. Các cô bé đều lên giọng ở cuối câu và lặp đi lặp lại đều đặn như một cái máy, trong niềm vui vì sự hồn nhiên của các em vẫn có điều gì khiến tôi thấy như nghẹn lòng. Ba cô bé chỉ chừng 2-3 tuổi đang cùng nhau thử váy, một chiếc váy Mông rất đẹp rực rỡ, chiếc còn lại chỉ là một tấm bao bố đã sờn rách… Chúng chạy trên lối nhỏ, những bước chạy ngây thơ và tràn đầy niềm tin vào cuộc sống…

Ngoài đường lớn, đám trẻ được chia kẹo đang hớn hở nối thành một hàng dài chạy dọc vệ cỏ, đứa nào đứa ấy cười rạng rỡ, có đứa ngã lăn quay vào đám bùn lầy ở đầu làng, nhưng rồi nhanh chóng đứng lên, không khóc nhè, cũng không chờ có người lớn đến vỗ về…

Cách làng Naouane hơn 2km đường, tôi gặp hai anh bạn voi khổng lồ đang bước đi lững thững. Hai người quản tượng dù không giao tiếp được vẫn tỏ ra khá thân thiện khi tôi ra hiệu dừng hai chú voi lại để được chạm tay vào chiếc vòi dài cũng như bộ da dày của chúng. Hai chú voi còn rẽ xuống một khe núi dọc đường để uống nước trước khi rời đi ngược hướng với tôi.

Chiều nhạt nắng. Tôi trở về trạm xăng ban sáng và quyết định đi theo con đường nối Luang Prabang với Vientiane. Ra khỏi thành phố, con đường lại trở nên vắng vẻ dù đó là một quốc lộ lớn ở Lào. Lúc đầu còn gặp nhiều ôtô chạy xuôi ngược, càng đi xa thành phố, giao thông và nhà cửa càng trở nên thưa thớt. Đôi khi tôi còn không nghĩ mình đang đi trên con đường huyết mạch nối thành Luang với thủ đô của vương quốc triệu voi.

Tình cờ dừng chân dọc một bản bên đường. Làng bản của người Lào thường ở sát quốc lộ, nhà cửa đơn giản, hàng rào phên tre nhưng luôn nở hoa, xương rồng, mào gà, dâm bụt và vô số các loại hoa trồng trong bồn khác. Bọn trẻ con đang đá bóng trên sân làng, xa xa chỗ vòi nước các bà, các mẹ, các cô gái đang tắm giặt, rồi óng ả gánh nước về. Nụ cười của người con gái Lào e lệ và thân thiện in vào khuôn hình của tôi, in vào trong ký ức tôi những khoảnh khắc quá đỗi dịu dàng.

Chiều trên núi xuống rất nhanh. Những mảng màu đỏ rực của mặt trời cứ lặng lẽ khuất dần sau bóng núi. Không khí trở nên lạnh lẽo, con đường trở nên cô độc. Ban Aen với lũ nhóc mắt nhìn ngơ ngác, nghèo khó, đứa lớn địu đứa bé, đứa ngồi thơ thẩn ở bậc cầu thang bằng gỗ trước cửa nhà… Cuộc sống bình lặng, bình lặng đến lặng người…

Tôi trở về nhà - đến ngày hôm nay thì cố đô Luang Prabang đã thành nơi trở về yên ấm của tôi rồi. Tôi đi trong ánh hoàng hôn, trong nắng chiều buông, trong ráng mặt trời màu đỏ. Để lại sau lưng tôi là em và những cung đường…

ng sự du lịch  >  Châu Á  >  Lào  >  Luang Prabang

LuangPrabang ký sự - Phần cuối: Những ánh sao đêm

19/08/2009

Những khoảng thời gian lặng lẽ và trầm ngâm ở thành Luang đã trở thành một ký ức ám ảnh tôi mỗi khi nhớ về một góc phố đơn độc trên đường Sakkarin, khi ấy thành phố lên đèn lấp lánh như những ánh sao đêm…Những khoảng thời gian lặng lẽ và trầm ngâm ở thành Luang đã trở thành một ký ức ám ảnh tôi mỗi khi nhớ về một góc phố đơn độc trên đường Sakkarin, khi ấy thành phố lên đèn lấp lánh như những ánh sao đêm…

Ngay buổi tối đầu tiên khi chiếc xe tuktuk đưa tôi vào khu thành cổ từ sân bay LuangPrabang theo đường Th Kingkitsarat, tôi đã cảm nhận một thành Luang rộn rã mà yên bình khi đêm về. Những ngôi nhà quán xá dọc phố chăng đèn vàng lấp lánh, không quá rạng rỡ sắc màu hay ồn ào dù rất đông du khách đi lại.

Có cái gì đó như níu không gian và thời gian ở LuangPrabang khiến cuộc sống lúc nào cũng chậm chạp và thong thả, dường như không ai dám bước quá nhanh, nói quá to… vì sợ mình sẽ làm vỡ đi cái khoảng lặng thanh bình của thành phố.

Chọn xong khách sạn thì đã hơn 10g tối. Chợ đêm nổi tiếng của thành Luang đã tan tự khi nào, những chuyến xe dọn hàng cuối cùng đang dời đi. Một vài gian hàng bán đồ ăn đêm vẫn còn sáng đèn, tôi mua một chiếc bánh mì kẹp kiểu Lào và một cốc nước quả thay cho bữa tối đã lỡ và ngồi ăn trên vỉa hè của khu chợ hàng thủ công mỹ nghệ nho nhỏ vốn dĩ vẫn họp cả ngày và đêm ở cố đô.

Con phố Sisavangvong dài hun hút, những ngôi nhà sáng đèn, tắt đèn nằm xen kẽ, đám du khách lang thang ngồi lê ngay trên vỉa hè uống bia và chuyện phiếm. Những ồn ào xôn xao cứ tắt dần tắt dần, trả cho Luang một không gian yên lặng gần như tuyệt đối. Tôi trở về phòng, đêm đầu tiên ở thành Luang tôi đã ngỡ như được ở trên chính quê hương mình.

Thường thì  du khách chờ đón hoàng hôn trên đỉnh Phousi cho đến khi mặt trời khuất hẳn mới xuống núi. Khi ấy thành Luang đã lên đèn. Từ trên cao nhìn xuống thấy khu chợ đêm đang dọn hàng rộn ràng và đầy sắc màu ngay trước Bảo tàng cung điện hoàng gia. Những gian hàng nhanh bằng khung thép và vải bạt màu được dựng lên trên phố, hàng hóa được mang tới bày biện và ánh đèn bắt đầu tỏa sáng. Phố đã vào đêm.

Chợ đêm LuangPrabang là điểm nhấn quan trọng nhất trong bản đồ du lịch của cố đô. Chợ thường tụ họp từ 5g chiều đến hơn 10g đêm, tập trung trên con đường quanh chân núi Phousi. Toàn bộ xe máy, ôtô và tuktuk bị cấm đi vào khu vực này trong thời gian chợ đêm hoạt động.

Chợ bày bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ và lưu niệm rất đặc trưng của Lào như khăn áo, vải vóc, các đồ làm từ gốm sứ, mây tre đan, gỗ, đồ trang sức làm từ bạc, đồng, sắt… Các sản phẩm khá tinh tế về thiết kế, phong phú đa dạng về chủng loại và màu sắc… được làm từ đôi bàn tay tài hoa khéo léo của người Mông.

Những người bán hàng vừa bán vừa tiếp tục khâu vá, thuê thùa… họ không vồ vập mời chào du khách nhưng lại rất thân thiện và vui vẻ. Phần lớn là phụ nữ tham gia vào hoạt động chợ đêm, đàn ông sẽ phụ giúp lúc mở hàng hay dọn hàng. Rất nhiều du khách lang thang chợ đêm nhiều vòng không biết chán. Họ thích thú và say mê ngắm nhìn các sản phẩm được bày bán trong chợ với vẻ yên bình và mộc mạc.

Cũng hồ hởi mua sắm, trao đổi, mặc cả và chuyện trò với dân địa phương, nhưng họ còn tới chợ để tìm và giữ lại cho mình những kỷ niệm đẹp về một cố đô bên bờ sông Mekong, về đất nước triệu voi mà có thể họ sẽ dừng chân không chỉ một lần.

Khu phố ẩm thực nằm ở một ngõ nhỏ gần chùa Wat Mai và cuối con đường gần ngã tư đường Th Chao FaNgum cắt đường Th Sisavangvong. Quầy ăn di động “búp phê rau” 5.000 kip/suất mấy năm nay vẫn nằm ngay đầu ngõ, phía trong là các quầy hàng bán rất nhiều đồ ăn chế biến theo kiểu địa phương, đặc biệt là xôi và cá sông Mekong.

Du khách chỉ cần lựa chọn một chai bia Lào mát lạnh, một kẹp cá nướng hay thịt lợn, thịt gà nướng với 2.000 kip xôi là có một bữa tối ngon lành, nhâm nhi cuộc sống theo cách mà chính người dân địa phương ở đây vẫn làm vậy, chậm rãi, thong dong trong một ngõ nhỏ đèn đóm tù mù.

Và bạn sẽ thấy thật dễ hiểu nếu tình cờ gặp vài du khách người nước ngoài, nói tiếng Lào như người Lào và thân thiết với chủ hàng một cách khó tin, là bởi có rất nhiều lữ khách khi tới LuangPrabang đã không chỉ ở lại đây một ngày, một tuần. Họ thậm chí đã chọn cách ở lại hàng tháng, hàng năm… bởi một lẽ đơn giản là yêu mến mảnh đất yên lành này, yêu mến cuộc sống và những con người Lào thân thiện …

Sau khi rảo bước vài vòng quanh khu chợ, tôi tới khu ngã tư để tìm mua một ít hoa quả tươi và nước quả xay. Có nhiều loại hoa quả được trộn lẫn với nhau để tạo ra nhiều kiểu đồ uống ngon lành với nhiều hương vị. Bánh mì kẹp kiểu Lào là một trong những đồ ăn nhanh được ưa chuộng ở phố ẩm thực, thích hợp với nhiều du khách lang thang.

Các nhà hàng, quán ăn, quán rượu ở LuangPrabang dọc theo các con phố và ngõ nhỏ luôn là những địa điểm thú vị để tụ tập và nói chuyện. Những ngọn đèn nho nhỏ, ánh sáng vừa đủ và đôi khi chỉ cần vài ngọn nến, nhưng khách khứa thì luôn tập nập với những câu chuyện to nhỏ rì rầm.

Tôi yêu thích những khoảng thời gian ngồi trên vỉa hè nhìn ra phố, một chai bia, một ly nước quả, hàng giờ trôi qua bình yên, quan sát cuộc sống chậm rãi chảy trôi dưới lòng đường, xung quanh mình. Hoặc nếu đôi chân mệt nhoài sau những hành trình dài miên man, tôi sẽ tìm tới dịch vụ massage truyền thống của địa phương để được thư giãn và ngủ quên giữa vô số mùi hương liệu thảo mộc.

Có nhiều kiểu quán xá, phục vụ đồ ăn và đồ uống theo kiểu Lào truyền thống, theo kiểu Khmer, Thái, châu Âu và cả kiểu của Việt Nam. Bạn sẽ có nhiều cơ hội để thưởng thức các món ăn khác nhau ở trên đất Lào, giá cả hợp lý, phục vụ thân thiện. Nhưng hình như sự có mặt của quá nhiều du khách, sự phát triển của ngành du lịch đang dần làm cố đô LuangPrabang đổi khác, sự sôi động và vẻ lấp lánh tràn ra trên phố nhỏ, trên những mái nhà xưa cũ màu thời gian, giản đơn và mộc mạc. Một LuangPrabang rạng rỡ hơn, lung linh hơn ngày hôm qua…

Nhưng còn có một LuangPrabang khác …

Một thành Luang đã ám ảnh tôi hằng đêm sau ngày trở về…

Là góc phố lặng lẽ với tiếng thì thầm của một cuộc điện thoại dài miên man. Là những nhõ nhỏ, tiếng bước chân tôi qua chạm vào lòng đường kêu loẹt quẹt, ánh sáng le lói hắt ra từ sau khung cửa chiếu mơ hồ lên những lùm cây.

Tôi thường đi về cuối đường Th Sakkarin khi đêm xuống rất sâu, khi những mái chùa đã đẫm mình vào bóng tối. Tôi ngồi trên chiếc ghế đá trước cửa ngôi nhà đã đóng im ỉm tự bao giờ, nhớ khoảng thời gian nhập nhoạng lúc ban chiều, nhớ câu chuyện không đầu không cuối với mấy nhà sư trẻ mới tu ở chùa Vat Souvannakhiri hay trên chùa Wat Xieng Thông… Tôi ngồi đó, lặng lẽ và một mình…

Tôi đã đến và đã thấy, đã sống và đã yêu miền đất ấy, đã giữ lại cho riêng mình những kỷ niệm không bao giờ quên trong “Đêm thành Luang”…

1. Hà Nội - Vientien -( Xuất phát từ HN lúc 19h đến 19h hôm sau tới Vientien, đi bằng bus). Nghỉ Vientien chơi 1 ngày là ok, ăn chơi từ sáng đến chiều. Đến 6h chiều lên xe đi Luong. Đoạn đường này nhiều người dọa là lắm cướp, phỉ... nhưng tớ mới đi thấy chả sao ( chắc tại số tớ may ), nếu RIP sợ thì sáng hôm sau đi Luong, đi ban ngày yên tâm hơn. Bọn tớ ít thời gian nên toàn đi đêm.

2. Luongprabang. Thành phố này có rất nhiều thứ để tham quan, núi Phusi, thác Sai, chùa Watxengthong... tất cả đều đẹp vô cùng và sẽ rất tiếc nếu không ghé nơi đây. RIP có thể ăn chơi ở Luong 2 ngày là ok.

3. Luong - Chieangmai : Nếu thích phiêu lưu và thử một lần ngược dòng Mekong thì chơi thế này. RIP mua vé xuồng cao tốc, chạy 7 tiếng liên tục từ Luong tới Huayxay, đi từ sáng đến chiều tới nơi, đi xuồng này hơi nguy hiểm vì xuồng bé tý mà lại chạy toàn trên 80km/h, đá ngầm và xoáy liên tục, khi đi xong rồi mới biết là mình sống.

Tiếp theo làm thủ tục xuất nhập cảnh với Thái rồi lên oto ngủ một giấc từ 19h đến 22h là đến Chiangmai. Nếu đi đường này khi mua vé xuồng bao gồm cả vé ôtô nữa, họ đón mình sẵn và đưa thẳng về Chiangmai. Còn không thì bay thẳng từ Luong đến Chiangmai.

4. Tại Chieangmai, RIP nên dành thời gian nhiều ở đây, thành phố này cũng những vùng phụ cận đẹp vô cùng và có rất nhiều chỗ để khám phá.

5. Còn từ Chiangmai đến Bkk thích thì đi máy bay còn không đi xe bus cũng đc. Lên xe ngả ghế ngủ một giấc từ 7h tối đến 5h sáng hôm sau tới Bkk. Xe bus ở Thái đi rất sướng mà giá rẻ vô cùng.

6. Còn Bkk thì em không khoái lắm nên chả biết giới thiệu gì, thích thì đi Ayuthaya chơi hay đi Salobury xem cánh đồng hoa hướng dương. Chả biết mùa này còn không.

Em chỉ biết thế thôi ạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro