Thông tư 79: Hướng dẫn thống nhất về thủ tục hải quan và quản lý thuế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thông tư 79: Hướng dẫn thống nhất về thủ tục hải quan và quản lý thuế

Nguyễn Thủy - 9/06/2009 11:00 AM

Thông tư 79/2009/TT-BTC được ban hành ngày 7/4/2009, có hiệu lực từ ngày 4/6/2009 là văn bản pháp lý quan trọng, hướng dẫn thống nhất, cụ thể về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Thông tư 79/2009/TT-BTC thay thế các Thông tư số 112/2005/TT-BTC, 114/2005/TT-BTC, 59/2007/TT-BTC và 05/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính nhằm thu gọn đầu mối văn bản tạo điều kiện thuận tiện khi áp dụng.

Quy định có tính hệ thống

Thông tư số 79 ra đời góp phần giúp ngành Hải quan đạt các mục tiêu: Đơn giản hóa thủ tục hải quan, thống nhất thủ tục hải quan trước, trong và sau thông quan, tiếp tục kiên trì nguyên tắc chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tiếp tục áp dụng mở rộng hải quan điện tử, đưa thêm một số quy định mới để thống nhất giữa luật Hải quan và luật Quản lý thuế.

Hướng dẫn thống nhất về thủ tục hải quan và quản lý thuế là một trong những yêu cầu đặt ra khi ban hành Thông tư này. Bởi lẽ, thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được quy định tổng hợp tại nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Nghị định 154/2005/NĐ-CP, và đã được hướng dẫn cụ thể tại các Thông tư số 112/2005/TT-BTC, 114/2005/TT-BTC, 59/2007/TT-BTC và 05/2009/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan.

Cụ thể như:

Luật Quản lý thuế, mặc dù đã quy định thống nhất thủ tục thuế với thủ tục hải quan, nhưng các thủ tục này lại được hướng dẫn tại các văn bản riêng của Bộ Tài chính;

Một số quy định về thủ tục mang tính quy phạm pháp luật được đưa vào các quy trình thủ tục hải quan do Tổng cục Hải quan ban hành như Quyết định 929/QĐ-TCHQ, 927/QĐ-TCHQ... nên giá trị pháp lý chưa cao.

Bên cạnh đó, do các văn bản nêu trên chưa hướng dẫn cụ thể hoặc hướng dẫn còn chưa phù hợp, có sự chồng chéo giữa các văn bản nên trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc. Nhiều trường hợp Tổng cục Hải quan hoặc của Bộ Tài chính phải ban hành các văn bản hành chính như công văn hướng dẫn thực hiện. Các văn bản hướng dẫn này có giá trị pháp lý chưa cao, không tạo ra quy chuẩn cho các doanh nghiệp cùng tra cứu, áp dụng.

Thông tư 79/2009/TT-BTC đã ra đời và hệ thống lại một cách đầy đủ các quy định liên quan đến thủ tục hải quan và thủ tục quản lý thuế, giúp doanh nghiệp và cán bộ hải quan dễ tra cứu, áp dụng.

Thủ tục hải quan có nhiều điểm mới

Về hồ sơ hải quan, đã bổ sung một số loại chứng từ phải nộp thêm nhưng giảm về số bản phải nộp (từ 2 bản xuống 1 bản).

Cụ thể, với chứng từ phải nộp:

Đối với hàng xuất khẩu có quy định bổ sung thêm: hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng; hợp đồng uỷ thác XK (nếu XK uỷ thác); hợp đồng mua bán hàng hoá phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bản dịch; và hồ sơ đối với trường hợp hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế XK.

Đối với hàng nhập khẩu đã quy định bổ sung: hợp đồng uỷ thác NK (nếu NK uỷ thác); hợp đồng mua bán hàng hoá phải là bản tiếng Việt hoặc bản tiếng Anh, nếu là ngôn ngữ khác thì người khai hải quan phải nộp kèm bản dịch ra tiếng Việt; hướng dẫn cụ thể, đối với hàng hoá NK qua bưu điện quốc tế nếu không có vận tải đơn thì người khai hải quan ghi mã số gói bưu kiện, bưu phẩm lên tờ khai hải quan hoặc nộp danh mục bưu kiện, bưu phẩm do Bưu điện lập. Đối với hàng hóa NK phục vụ cho hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí được vận chuyển trên các tàu dịch vụ (không phải là tàu thương mại) thì nộp bản khai hàng hoá thay cho vận tải đơn.

Ngoài ra, còn bổ sung thêm một số trường hợp phải nộp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Cụ thể phải nộp 1 C/O bản gốc trong các trường hợp như: Hàng hoá có xuất xứ từ nước thành viên FTAs (trong đó có VN), trừ hàng hoá NK có trị giá FOB không vượt quá 200 USD, nếu người NK muốn được hưởng các chế độ ưu đãi đó; Hàng hoá NK được thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; Hàng hoá NK từ các nước đang ở trong thời điểm VN áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng; Hàng hoá NK phải tuân thủ các chế độ quản lý NK theo quy định của pháp luật VN hoặc các Điều ước quốc tế mà VN là thành viên. C/O đã nộp cho cơ quan hải quan thì không được sửa chữa nội dung hoặc thay thế, trừ trường hợp do chính cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền cấp C/O sửa đổi, thay thế trong thời hạn quy định của pháp luật.

Với số bản chứng từ phải nộp: để giảm giấy tờ phải nộp và xuất trình cho cơ quan hải quan, Thông tư 79 quy định mỗi loại chứng từ chỉ phải nộp 1 bản. Theo Thông tư 112 hướng dẫn đối với: Hoá đơn thương mại, Bản kê chi tiết hàng hoá, khi làm thủ tục hải quan người khai hải quan phải nộp 1 bản chính và 1 bản sao.

Về xác nhận trước xuất xứ hàng hóa: Thông tư 112 không quy định điều này, Thông tư 79 quy định thủ tục cụ thể về xác nhận trước xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu gồm: hồ sơ (Khoản 1 Điều 8), thông tin, thời hạn xử lý, hiệu lực của giấy xác nhận trước xuất xứ. Thẩm quyền giải quyết và ban hành giấy xác nhận trước xuất xứ là Tổng cục Hải quan (1.b, 2,4,5,6,7,8,9,10 Điều 8).

Về kiểm tra hải quan và xử lý kết quả kiểm tra trong quá trình làm thủ tục: Quy định rõ hơn về nguyên tắc kiểm tra (Điểm 2 Khoản d Điều 14: Kiểm tra xuất xứ hàng hoá căn cứ vào thực tế hàng hoá, hồ sơ hải quan, những thông tin có liên quan đến hàng hoá và quy định tại Điều 15 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP, các văn bản hướng dẫn có liên quan) và quy định chi tiết hơn về việc xử lý kết quả kiểm tra (Khoản d.1, d..2 Điều 14 ) nhằm đảm bảo tính minh bạch, thống nhất khi xử lý kết quả kiểm tra xuất xứ hàng hoá, tránh các vướng mắc phát sinh, phù hợp với quy định tại Nghị định 19 và Hiệp định Quy tắc XX của WTO..

Ngoài ra, Thông tư cũng chính thức quy định trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc giải quyết thủ tục hải quan ngoài giờ hành chính ở Khoản 4 Điều 5: Cơ quan Hải quan có thể xem xét, chấp thuận việc kiểm tra thực tế và thông quan hàng hóa ngoài giờ hành chính trên cơ sở đăng ký trước bằng văn bản của người khai hải quan và điều kiện thực tế của mình và hướng dẫn cụ thể quyền lợi của doanh nghiệp được xem hàng hoá XNK trước khi khai báo hải quan. Việc xem trước hàng hoá phải được sự chấp thuận của người đang giữ hàng hóa và chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan. Khi xem trước hàng hoá, người giữ hàng hoá phải lập biên bản chứng nhận, có xác nhận của người đang giữ hàng hoá, chủ hàng và công chức hải quan giám sát. Hải quan niêm phong hàng hoá sau khi chủ hàng xem hàng hoá...

Thủ tục thuế thuận tiện, minh bạch, thống nhất, phù hợp thông lệ quốc tế

Thủ tục thuế được quy định rất chi tiết, cụ thể, thống nhất, minh bạch cho từng nội dung, như: khai thuế, hồ sơ, bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, bảo lãnh nộp thuế,... đối với từng loại hình xuất nhập khẩu.

Cụ thể:

Khai thuế: Để thuận tiện cho việc thực hiện thời hạn nộp thuế, theo dõi nộp thuế, Khoản 1 Điều 10 quy định: Hàng hoá xuất nhập khẩu theo các loại hình khác nhau và/hoặc có thời hạn nộp thuế khác nhau thì phải khai trên tờ khai hải quan khác nhau tùy theo từng loại hình tương ứng hoặc từng thời hạn nộp thuế tương ứng; Đối với trường hợp được giảm mức thuế suất so với quy định: khai cả mức thuế suất trước khi giảm và tỷ lệ phần trăm giảm nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho kiểm tra thuế, xác định tiền thuế phải nộp, thống nhất khi thực hiện.

Ngoài ra, để làm rõ trách nhiệm của người khai hải quan, người nộp thuế Luật Quản lý thuế, từ đó ngăn ngừa vi phạm. Tại Khoản 2 Điều 10 của Thông tư còn hướng dẫn chi tiết trách nhiệm của các bên trong việc khai hải quan và sử dụng hàng hoá theo mục đích kê khai.

Khoản 3 Điều 10 hướng dẫn xử lý cụ thể trường hợp thay đổi mục đích sử dụng hàng hoá đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế hoặc đã được miễn thuế, xét miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế; xử lý vướng mắc qua kiểm toán:

- Người nộp thuế thông báo với cơ quan hải quan về hàng hóa dự kiến sẽ thay đổi mục đích sử dụng;

- Trong vòng mười ngày kể từ ngày nhận thông báo, cơ quan hải quan kiểm tra, xác định thực tế hàng hóa;

- Người nộp thuế chỉ được chuyển đổi mục đích sử dụng sau khi cơ quan hải quan kiểm tra;

- Trong thời hạn mười ngày kể từ ngày thực tế chuyển đổi mục đích sử dụng, người nộp thuế có trách nhiệm kê khai số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp (nếu có) theo mẫu;

- Người nộp thuế có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính (nếu có) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày bắt đầu hết thời hạn phải kê khai

- Nếu không thông báo hoặc không kê khai, kê khai quá thời hạn thì bị ấn định số tiền thuế, tiền phạt, xử lý vi phạm khác.

Hồ sơ hải quan: Điểm e.7.3 Khoản 2 Điều 11 quy định đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư có sử dụng thường xuyên năm trăm đến năm nghìn lao động phải có:

- Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án khi đi vào hoạt động sử dụng thường xuyên từ năm trăm đến năm nghìn lao động;

- Bản cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng thường xuyên từ năm trăm đến năm nghìn lao động.

Quy định đó nhằm thống nhất trong thực hiện, vì loại hình dự án này chưa rõ cơ sở xác định hàng hoá thuộc đối tượng miễn thuế.

Khai bổ sung hồ sơ thuế: thông tư 59 chưa hướng dẫn, Thông tư 79 nêu rõ điều kiện khai bổ sung hồ sơ hải quan trong thời hạn sáu mươi ngày đối với các nội dung có sai sót ảnh hưởng đến số tiền thuế phải nộp (Khoản 1,2,3,4, Điều 12) và hướng dẫn rõ thủ tục thực hiện trong trường hợp đáp ứng được các điều kiện khai bổ sung nhưng khai báo quá thời hạn 60 ngày (Khoản 5 Điều 12)

Thời hạn nộp thuế: Hướng dẫn cụ thể thời hạn nộp thuế đối với dầu thô xuất khẩu, trong khi Thông tư 59 không hướng dẫn (Khoản 1, Điều 18)

Hướng dẫn chi tiết hơn về việc xử lý trong trường hợp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng lại tái xuất hoặc tiêu thụ nội địa hoặc không xuất khẩu sản phẩm hoặc xuất khẩu ngoài thời hạn (Điểm b.3 Khoản 2 Điều 18)

Hướng dẫn mới về thủ tục, điều kiện ân hạn thuế 30 ngày đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng tiêu dùng do Bộ Công thương công bố nhưng sử dụng làm vật tư, nguyên liệu để trực tiếp sản xuất hàng hoá tiêu thụ trong nước (Điểm e.13 Khoản 2 Điều 11 và Điểm b.4 Khoản 2 Điều 18).

Hướng dẫn chi tiết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp (i) Khai bổ sung hồ sơ khai thuế, (ii) Khai báo nộp bổ sung tiền thuế thiếu, (iii) Thay đổi mục đích sử dụng hàng thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn, xét miễn thuế (Điểm g,h Khoản 3 Điều 18)

Hướng dẫn thống nhất thời hạn nộp thuế đối với trường hợp phải có giám định để đảm bảo chính xác cho việc tính thuế (Điểm d Khoản 3 Điều 18, Điều 21)

Về bảo lãnh nộp thuế: Điều 19 Thông tư hướng dẫn thêm hình thức bảo lãnh chung (Bảo lãnh chung là việc cam kết bảo lãnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp số tiền thuế cho 02 tờ khai hàng hoá nhập khẩu trở lên tại một Chi Cục HQ) chi tiết, đầy đủ hơn về điều kiện áp dụng bảo lãnh, không quy định cứng số tiền bảo lãnh phải bằng số tiền thuế, Hướng dẫn rõ việc xử lý khi tổ chức bảo lãnh vi phạm, hướng dẫn xử lý khi có tiền thuế nộp thừa...

Thay đổi cách thức, thủ tục tiến hành kiểm tra sau thông quan, thanh tra thuế

Việc tiến hành kiểm tra sau thông quan theo Thông tư 79 là kiểm tra theo diện, chuyên sâu chứ không kiểm tra theo từng lô hàng hay theo từng tờ khai (trừ khi có dấu hiệu vi phạm đặc biệt). Cách thức tổ chức tiến hành thông thường phải tuần tự từ kiểm tra tại trụ sở cơ quan, cần thiết thì tiến hành tại trụ sở doanh nghiệp rồi mới tiến hành thanh tra thuế. Ngoài ra còn quy định rõ nguyên tắc áp dụng rủi ro trong kiểm tra sau thông quan; giải trình và xác minh trong kiểm tra sau thông quan, thanh tra. Trường hợp doanh nghiệp chọn hình thức đối thoại thì nơi đối thoại có thể là trụ sở cơ quan Hải quan hoặc trụ sở doanh nghiệp, tùy theo sự lựa chọn của doanh nghiệp. Nội dung đối thoại được ghi nhận bằng biên bản làm việc, kèm tài liệu, chứng từ chứng minh. Biên bản này có giá trị là căn cứ xem xét vụ việc.

Về thanh tra thuế, đây là nội dung mới hoàn toàn, từ điều 150 đến Điều 161 hướng dẫn cụ thể về thanh tra thuế theo tinh thần Luật Quản lý thuế theo từng bước cụ thể: Thu thập thông tin về đối tượng thanh tra; lập báo cáo, kế hoạch thanh tra; đoàn thanh tra; thời hạn thanh tra; quyết định thanh tra; thực hiện thanh tra; kết luận thanh tra.

Như vậy, Thông tư 79/2009/TT-BTC ra đời là sự kết tinh thành quả các Thông tư 112, 114, 59 của Bộ Tài chính và Nghị quyết 30 của Chính phủ, đồng thời đúc kết kinh nghiệm, loại bỏ các phần hạn chế, chồng chéo giữa các văn bản dưới luật theo hướng đơn giản hóa thủ tục hải quan, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho cán bộ hải quan và doanh nghiệp cùng tra cứu, áp dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro