Chương 16. Bồ câu hầm Hoàng Sơn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lần đầu tiên tôi ngồi tàu hoả là vào mùa xuân năm 1931, sau khi anh họ thuyết phục được cha mẹ cho tôi theo anh đến Thượng Hải vài tuần.

Từ khi thay tôi gánh vác cơ nghiệp của gia đình, anh họ vẫn luôn không ngừng mở rộng kinh doanh của Lưu gia, trong mấy năm đã đưa được tên tuổi chúng tôi đến Thượng Hải. Nơi phồn hoa bậc nhất Trung Hoa ấy đâu có dễ dàng gì mà trụ vững nhưng cha mẹ tôi đều nói anh Tô Kiệt không phải người bình thường, tôi cũng thấy anh ấy luôn kiên định với những suy nghĩ khác biệt của mình nên chúng tôi hoàn toàn tin tưởng con đường mà anh Tô Kiệt đã vạch ra. Sự thật đánh bại mọi nghi ngờ của mọi người ở An Huy, anh ấy đã khiến Lưu gia nổi tiếng với trà cụ và cả tơ lụa thượng hạng. So với những thương nhân lớn trong giới, anh Tô Kiệt vẫn chỉ là con cá nhỏ nhưng con cá này rất liều lĩnh và cố chấp, dùng sức mạnh nhỏ bé của mình vẫy vùng bên bến cảng thượng vàng hạ cám.

Ngày theo anh họ đến đây, tôi vẫn còn là một thiếu niên bỡ ngỡ, ra bến tàu còn thấy lạ lẫm, lên tàu thấy cái gì cũng tò mò, còn rón rén chạm lên từng món đồ trong khoang. Anh họ chỉ cho tôi mọi thứ, trên đường sợ tôi căng thẳng nên đã trấn an tôi bằng cách kể về từng vùng đất mà chúng tôi đi qua, chậm rãi đưa tôi đến với Thượng Hải thật dịu êm.

Thoáng cái đã mấy năm, chuyến tàu vẫn đi qua những vùng đất ấy, cảnh vật thay đổi, tôi không còn là thiếu niên năm xưa, anh Tô Kiệt cũng không còn là chú cá nhỏ nữa. Ngũ Tử đi trước lo liệu khoang hành khách cho chúng tôi rồi sắp xếp người mang hành lí sang khoang kế bên. Mấy năm lăn lộn cũng đã biến anh ấy trở thành một người nội liễm, anh họ tôi nói có hôn phối phù hợp với Ngũ Tử nhưng anh ấy cứ lần khất mãi không chịu nên cũng không ép nữa.

Tôi mỉm cười, vừa giúp anh tôi gập áo khoác, vừa đáp lại:

"Anh nghĩ mà xem, người trong giới này, nào ai dám mơ tưởng đến hạnh phúc cá nhân chứ. Cho dù có người ưng mình nhưng nguy hiểm luôn rình rập, chính bản thân họ cũng không đảm bảo được gì."

"Ngũ Tử mồ côi cha mẹ, lúc nhỏ đã đi theo anh làm thư đồng, trưởng thành cũng không chịu ở lại An Huy mà muốn đến Thượng Hải. Anh hi vọng cậu ấy có người nối dõi tông đường, có người ở cạnh chăm sóc vẫn tốt hơn hiện tại."

Tàu chuẩn bị xuất bến, tôi quay đầu nhìn ra ngoài sân ga đông đúc, người người đều đang hối hả chạy lên chuyến tàu về với quê hương, về với gia đình trước khi năm mới tới. Tôi ngẫm nghĩ những lời anh tôi vừa nói, cuối cùng không nhịn được mà hỏi:

"Anh lo cho Ngũ Tử, vậy anh còn anh thì sao?"

Tôi nhìn về phía đối diện, anh Tô Kiệt không đáp, chậm rãi rút ra một điếu thuốc đưa lên miệng nhưng dường như nhớ ra còn có tôi ở đây, anh liền cất lại vào bao.

"Em tin rằng anh hiểu rõ tình cảm mà An Sinh dành cho mình hơn bất kỳ ai. Chị ấy cũng chưa từng có ý định che giấu tình cảm dành cho anh, thậm chí còn chẳng mong cầu anh hồi đáp." - Tôi nói tiếp. - "Nhưng tuổi xuân của người con gái giống như sen đã cắt cành, cho dù cắm trong lu nước cũng chỉ được hai bận là tàn lụi. Anh nghĩ em không biết anh định ở vậy cả đời sao? Anh đoán xem An Sinh cũng giống anh hay chịu thành thân cùng một người khác?"

Tiếng còi tàu bỗng vang lên mạnh mẽ, cả đoàn tàu từ từ chuyển mình rời khỏi sân ga.

Ngoài trời bắt đầu đổ mưa, anh Tô Kiệt vẫn ngồi yên bất động, xoay xoay bao thuốc trong tay. Tôi thở dài, đứng dậy đóng tấm kính cửa sổ để mưa không hắt vào người anh, đồng thời ngăn cách phần nào tiếng kim loại bên ngoài kia.

"Thiên hạ có trăm vạn người, năm đó anh cứu An Sinh một mạng là cái duyên trong trăm vạn người ấy." - Tôi nói. - "Sau này cũng vì thiên hạ mà sợi dây ấy bị cắt đứt rồi lại trở về. Em nghĩ ban đầu anh cũng không nghĩ gì nhiều, chỉ là chuyện trái tim mình rất khó nói. Có người rung động từ đầu như An Sinh, có người nước chảy đá mòn mà cảm động. Em tự hỏi không biết anh là người nào?"

Tôi biết anh vẫn đang nghe từng lời tôi nói, có thể anh đang suy nghĩ câu trả lời tôi cần hoặc sự im lặng chính là lời hồi đáp.

"Anh lo việc người khác không bằng lo việc mình thì hơn." - Tôi lẩm nhẩm nhắc nhở anh Tô Kiệt. - "Em sẽ nói chuyện với Ngũ Tử, bù lại anh hãy cân nhắc những gì chúng ta vừa thảo luận nhé."

Tôi đứng dậy, cẩn thận trải chăn đệm mà Ngũ Tử chuẩn bị trước lên ghế của mình rồi đốt một ít trầm hương trong cái lư cầm tay bằng đồng.

"Em sang tìm Ngũ Tử, nếu anh khát nước thì dưới gầm bàn có một cái phích nhỏ là trà em pha từ nhà. Sáng nay chúng ta đi sớm, anh lại vừa trở về chiều hôm qua nên em mong anh có thể ngủ một giấc thật ngon. Tỉnh táo rồi chuyện gì cũng rõ ràng hơn."

Không đợi anh đáp lại, tôi đã bước ra ngoài, cẩn trọng kéo tấm cửa lại sau lưng. Hành lang không có mấy ai, tôi thở dài rồi tiền về khoang tàu kế bên, lịch sự gõ cửa. Ngũ Tử khẽ kéo cửa ra, đôi mắt sắc lẹm đầy cảnh giác bỗng trở nên nhu hoà khi nhìn thấy tôi.

"Nhị thiếu gia, tôi có thể giúp gì cho cậu?"

"Anh tôi vừa ngủ nên tôi sang đây làm phiền anh một lát." - Tôi mỉm cười. - "Anh sẽ không thấy ngại chứ?"

"Ôi thiếu gia nói gì vậy, cậu mau vào đi." - Ngũ Tử vội vàng đáp, mở rộng cửa để tôi bước vào. - "Cậu uống trà nhé? Tôi vừa pha xong một ấm Hoàng Sơn Mao Phong đó."

Tôi gật đầu, trong lúc đợi Ngũ Tử chuẩn bị thì đảo mắt nhìn quanh khoang tàu, một nửa băng ghế và giá để đồ trên cao đều là hành lý nên cảm giác không gian nhỏ hẹp hơn rất nhiều. Ba người chúng tôi đều là kiểu người mang đủ đồ dùng cá nhân, phần lớn còn lại đều là quà mang về biếu cha mẹ và họ hàng ở An Huy.

Ngũ Tử hơn tôi hai tuổi, năm xưa bác tôi đi chùa thì được sư trụ trì gửi gắm mang về phủ. Trụ trì nói anh ấy là một đứa trẻ sáng dạ, chỉ tiếc chưa đủ duyên với Phật tổ nên hi vọng Ngũ Tử có thể nhìn thấy thiên hạ ngoài kia, nếu một ngày muốn trở lại thì cửa chùa luôn rộng mở đón chào. Bác tôi đương nhiên rất vui mừng, về đến phủ đã báo quản gia rằng anh ấy sẽ làm thư đồng của anh họ tôi. Cứ như vậy qua nhiều năm, Ngũ Tử cùng anh Tô Kiệt lớn lên, trở thành cánh tay phải đắc lực và là người bạn thân hiếm hoi bên cạnh anh ấy.

Hơn ai hết, tôi hiểu anh Tô Kiệt quyết tâm muốn lập gia đình cho Ngữ Tử như thế nào.

Tôi nhìn người đối diện đang tỉ mỉ rót trà ra chiếc chén gốm màu nâu nhạt, hương trà thơm ngát quẩn quanh khoang tàu. Ngũ Tử là một nam nhân vô cùng điển trai, gương mặt có nét cương nghị và lạnh lùng, duy chỉ có lúc đối diện với người thân thì anh ấy mới lộ ra vẻ nhu hoà giống như hồi còn nhỏ. Tôi bất giác thấy chạnh lòng, tuy anh Tô Kiệt là thương nhân liêm chính nhưng ít nhiều cũng phải đối diện với những cảnh tối tăm, Ngũ Tử có lẽ còn chứng kiến nhiều hơn như thế, nụ cười hiện tại thật đúng là khó mà giữ được.

"Hình như lần cuối cùng gặp nhau là lúc anh đưa tôi về nhà mới nhỉ?" - Tôi hỏi. - "Chẳng mấy chốc đã đến hết năm rồi."

"Đúng vậy, lúc ấy là sau lễ Thất tịch khoảng một tháng. Cậu ở căn nhà đó thấy thế nào?"

"Mọi thứ đều tốt lắm. Tuy ban đầu tôi chưa quen ở nhà rộng nhưng tôi đã bày trí từng phòng theo ý mình, bảo an và hàng xóm cũng rất thân thiện. Anh nhớ khoảng sân trước nhà chứ? Tôi đã thử gieo hạt trồng một ít hoa, có lẽ qua mùa đông sẽ trổ bông, đợi lần tới anh Tô Kiệt về, tôi sẽ nhờ anh ấy mang một chậu về cho anh."

"Cậu chẳng không thay đổi gì cả, vẫn chu đáo ghi nhớ thói quen của mọi người." - Ngũ Tử bật cười.

Lúc còn ở chùa, Ngũ Tử chưa được dạy chữ nên đã đi học cùng tôi khi về phủ, ba huynh đệ luôn ở chung với nhau và cũng chính anh ấy là người đã cùng tôi trồng từng khóm hoa ở mảnh đất quanh thư phòng. Ngũ Tử cực kỳ yêu thích thiên nhiên, rảnh rỗi vẫn hay chạy theo mấy sư phụ chăm sóc cây cảnh trong phủ nhà anh Tô Kiệt, mỗi lần sang nhà tôi sẽ thử nghiệm với hoa cỏ mà chúng tôi trồng. Đáng tiếc là từ khi lên Thượng Hải đến nay, chúng tôi chỉ gặp lại nhau khi về An Huy nên tôi biết sẽ mất một chút thời gian để anh ấy gỡ bỏ trạng thái phòng bị với tôi.

May mắn, nụ cười ban nãy của Ngũ Tử nói cho tôi biết anh ấy đã hoàn toàn thả lòng, đôi vai căng cứng dần xuôi xuống tựa nhẹ vào lưng ghế phía sau.

"Thật ra không ai trong chúng ta thay đổi cả, tôi vẫn là Lưu Vũ và anh vẫn là Ngũ Tử như lúc còn ở An Huy." - Tôi đáp, nhấp thêm một ngụm trà trong chén. - "Những ngày tháng qua thật vất vả cho anh, tôi thấy vô cùng có lỗi khi không thể ra mặt giúp anh tôi ở Thượng Hải."

"Cậu đừng nói vậy" - Ngũ Tử vội vàng xua tay. - "Cậu chỉ cần mạnh khoẻ và tập trung vào chuyện học là Tô thiếu an tâm rồi. Cậu không biết sự kiện đêm Thất tịch đã khiến chúng tôi náo loạn như thế nào đâu, lần đầu tiên tôi chứng kiến cậu chủ trở nên đáng sợ nhường ấy. Nếu không phải Tô thiếu vẫn bình tĩnh giao lại việc xử lý ở xưởng cho tôi, tôi còn tưởng cậu ấy sẽ lật tung đất Thượng Hải lên để tìm cậu."

"Chuyện đã qua rồi, chẳng phải tôi đang khoẻ mạnh ở đây rồi sao? Dù gì tôi cũng không gặp lại Diệp Lâm An nên tôi nghĩ sẽ ổn thôi." - Tôi chần chừ một chút rồi nói tiếp. - "Anh Tô Kiệt bảo tôi rằng anh ấy đã tìm được một hôn phối tốt cho anh, là tiểu cô nương tên Hiểu Khê đi theo chị An Sinh mấy năm qua. Tôi nhớ anh đã gặp cô ấy rồi thì phải?"

Nhắc đến chuyện này, bầu không khí lập tức trở nên ngại ngùng. Đương nhiên người ngại ở đây không phải tôi, Ngũ Tử chỉ vừa nghe được hai chữ 'hôn phối' thì mặt mũi liền đỏ bừng lên, tay phải cầm chén trà còn hơi run rẩy. Tôi có chút vui mừng, xem ra cuộc tẩu thoát của tôi đêm Thất tịch đã tạo ra một mối lương duyên tốt đẹp.

Ngũ Tử hắng giọng, rót thêm trà vào hai chén rồi bình tĩnh trả lời:

"Tôi có gặp qua Hiểu cô nương lúc cùng Tô thiếu đến nhà An tiểu thư vài lần nhưng không có chuyện gì xảy ra cả. Tôi cũng đã từ chối Tô thiếu về hôn phối này vì Hiểu cô nương là một cô gái tốt, tôi tin cô ấy xứng đáng với một người tốt hơn."

Tôi nhìn Ngũ Tử, nhớ lại Tiểu Minh cũng từng từ chối lúc tôi ngỏ ý giới thiệu anh ấy với chị gái chủ quán bánh đối diện Di Hoà. Một người gặp trở ngại với chuyện giao tiếp, một người sống cuộc sống nhiều hiểm nguy, tình yêu đôi lứa hay hạnh phúc gia đình đều là thứ xa xỉ đối với họ, dường như ngay cả mơ cũng không dám mơ đến.

Trước đây tôi đã giống họ, sợ hãi, rụt rè và lo lắng về những điều chưa xảy đến nhưng lúc ngồi cùng An Sinh trên sân thượng, nhìn Thượng Hải trong đêm mưa, tôi chợt nhận ra mình đâu có nhiều thời gian để suy nghĩ như thế. Có thể Tán Đa sẽ từ chối tình cảm của tôi, thậm chí đoạn nhân duyên này cứ thế dừng lại vì ngài ấy không thể chấp nhận tôi nhưng vậy thì sao chứ? Ít nhất tôi đã bày tỏ với ngài ấy và tôi không có gì để hối hận nữa.

Vì vậy mà tôi hi vọng anh Tô Kiệt và Ngũ Tử cũng sẽ có đủ can đảm để yêu và được yêu một lần trong đời.

"Hiểu Khê vẫn luôn ở bên chị An Sinh từ khi chị ấy tiếp quản Long Phụng nên tôi nghĩ cô ấy hoàn toàn hiểu được phần nào nghề nghiệp của anh." - Tôi nói tiếp. - "Anh lo lắng cô ấy sẽ gặp nguy hiểm nếu ở cạnh anh nhưng Ngũ Tử à, sống trong thời chiến thì lấy đâu ra an toàn đây? Tuy rằng chúng ta không nhắc đến chúng nhưng sự thật là chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào. Nếu đã vậy thì vì sao không vì hiện tại trước? Sống chết kề cận đâu phải ngày một ngày hai, chẳng bằng cứ nắm lấy hạnh phúc và bảo vệ chúng bằng tất cả những gì chúng ta có."

Ngũ Tử nhìn tôi đầy kinh ngạc, hoàn toàn không tin được những gì tôi vừa nói. Tôi cũng có chút mất khống chế, trái tim đập như trống bỏi. Đây là lần đầu tiên tôi nói với anh ấy nhiều như thế, cảm giác giống như đang muốn nói cho cả anh họ tôi nghe.

"Vì chúng ta là người trong nhà nên tôi hay anh Tô Kiệt thật sự mong anh sẽ có bến đỗ của riêng mình. Anh vẫn luôn vì gia đình này mà quên đi hạnh phúc cá nhân nhưng tôi tin rằng ai cũng sẽ rất vui mừng nếu anh có người kề cận chăm sóc."

Khoang tàu lại rơi vào im lặng, chỉ còn tiếng còi tàu bên ngoài vang lên từng nhịp. Tôi tự mình rót thêm một đợt trà nữa, thong thả uống từng ngụm cho đến khi cạn chén.

"Thay vì từ chối, anh hãy cân nhắc thêm rồi trả lời anh tôi. Hiểu Khê rất tốt, Ngũ Tử cũng thế, cả hai không có gì gọi là xứng hay không xứng cả."

Tôi để lại Ngũ Tử một mình suy nghĩ rồi trở về khoang riêng. Với tay lấy xuống chiếc vali trên giá, tôi lần tìm quyển sổ vẽ và cây bút chì, tranh thủ hoàn thiện nốt bức vẽ món bánh Giáng sinh đang còn dang dở. Trước đây, tôi thường mang theo bút lông và mực để vẽ trên tàu nhưng từ khi bắt đầu vẽ kí hoạ thuần thục hơn thì bút chì dần trở thành một người bạn đồng hành với tôi qua những đêm mất ngủ.

Tôi là một đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn, mẹ tôi từng nói như thế. Lúc nhỏ tôi không có vấn đề gì nhưng lần đầu tiên gặp phải chuyện này là khi tôi vừa lên Thượng Hải, phải mất vài tuần sau đó tôi mới có thể ngủ bình thường. Mẹ nói có lẽ vì tôi chưa từng xa nhà, cho dù ở nơi an toàn cùng anh Tô Kiệt thì tâm cũng không yên, tôi đã tìm nhiều cách nhưng đều không thành công, đành để thuận theo tự nhiên. Sau này mỗi lần từ Thượng Hải về nhà rồi trở lại, tôi cũng sẽ mất ngủ thêm vài ngày, duy chỉ có lần ở nhà chị An Sinh là do tôi sinh bệnh mà lịm đi.

Có nhiều đêm tôi tỉnh giấc vì cơn đau truyền đến từ vết thương trên người, mồ hôi lạnh túa ra ướt đẫm cả gối, tôi lại không dám gọi ai đến giúp, thành thử chỉ có thể ngồi dậy uống chút nước và điều hoà lại nhịp thở. Đến khi cơn đau qua đi thì giấc ngủ cũng biến mất, tôi sẽ lấy bút ra vẽ lại căn phòng mình ở hay đọc lại những bức thư tay của Tán Đa mà bản thân vô tình đem theo. Đợi đến lúc tôi có thể di chuyển bình thường thì ngoài ban công đã có thêm một chiếc ghế tựa để tôi ngồi ngắm cảnh đêm và vẽ thêm vô số bức tranh mới vào cuốn sổ nhỏ.

Nhớ lại chuyện này, tôi chợt nhận ra mình chưa kể cho Tán Đa nghe về quãng thời gian ấy. Chúng tôi của khi đó còn chưa chia sẻ thân phận riêng của mỗi người cho đối phương, cho dù sự tin tưởng lẫn nhau giống như đã thấm vào da thịt.

Giờ thì khác rồi, chúng tôi chẳng những ở cùng một khu nhà mà hình bóng của ngài ấy cũng đã sớm xâm chiếm toàn bộ trái tim tôi. Tôi bỗng mỉm cười, nhớ về Tán Đa khiến tôi cảm thấy đứa trẻ thiếu cảm giác an toàn ngày nào nay đã không còn sợ hãi điều gì nữa. Bút chì trở thành bạn đồng hành bởi vì ngài ấy dạy tôi kí hoạ bằng tranh vẽ của mình và cũng là ngài ấy vỗ về tôi bằng ngôn từ chứa đựng trong mỗi lá thư tay.

Người ta vẫn thường nói có thức mới biết đêm dài, tôi không phủ nhận điều ấy nhưng đêm dài của tôi không có sự cô độc kể từ khi Tán Đa xuất hiện.

Tôi nhìn xuống chiếc bánh khúc cây được vẽ bằng chì trên nền giấy trắng ngà, cảm giác nôn nóng khi thuyết phục Ngũ Tử đã theo ngòi bút mà tan thành mây khói. Đêm Giáng sinh năm nay của tôi không có cả anh Tiểu Minh và Tán Đa nhưng tôi coi đó là một thử thách để rèn luyện chính mình.

Giống như những gì tôi nói với Ngũ Tử ban nãy, chiến tranh có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Bên ngoài mưa ngày càng nặng hạt, nước phủ trên cửa sổ chảy thành dòng, lặng lẽ biến mất vào gió và nhịp chuyển động của đoàn tàu.
-----

Cuộc sống trên tàu không có gì đặc biệt, ban ngày tôi thường vẽ và đọc sách, buổi chiều ngồi pha trà với anh họ và Ngũ Tử, lúc hoàng hôn sẽ đi bộ dọc theo khoang tàu một vòng rồi về buồng. Nghe có vẻ rất nhàm chán nhưng tôi vốn đã quen như thế, mỗi năm sẽ nhìn cảnh vật qua khung cửa sổ này một lần và khi dừng lại ở các ga tàu quen thuộc, tôi thích tìm kiếm sự thay đổi của chúng rồi vẽ nhanh vào sổ kí hoạ.

Chúng tôi ở trên tàu vài ngày thì dừng lại ở An Huy. Anh họ đã gửi điện tín về nhà từ Thượng Hải nên vừa xuống sân ga, chúng tôi liền thấy quản gia ở xưởng lụa chờ sẵn. Sau một tiếng ngồi trên xe ngựa, rốt cuộc tôi cũng nhận ra hàng cây ngân hạnh sừng sững hai bên đường quen thuộc dẫn lối đến phủ đệ nhà họ Lưu.

Từ xa nhìn thấy cha mẹ đang đợi trước cửa phủ, lòng tôi bỗng dâng trào hạnh phúc. Chẳng đợi xe ngựa dừng hẳn, tôi đã gấp gáp nhảy xuống, lao thật nhanh vào vòng tay đang dang rộng của họ. Trên người cha vẫn là mùi trầm hương cha thường đốt trong thư phòng, dường như ông có béo lên một chút, tóc cũng dài hơn, ngay cả nếp nhăn nơi đuôi mắt cũng nhiều lên thì phải. Tôi nhìn sang mẹ, bà không thay đổi gì so với lúc tôi đi, vẫn vô cùng xinh đẹp, trên người mẹ là một bộ sườn xám mới bằng nhung đỏ, còn thời gian đã bỏ qua bà rồi.

Chúng tôi ngậm ngùi ở cửa phủ một lúc rồi vào trong, anh Tô Kiệt chỉ kịp chào hỏi cha mẹ thì nhanh chóng rời đi, Ngũ Tử có báo trước rằng công việc ở An Huy vẫn còn đang đợi anh ấy.

Tôi nhờ quản gia mang đồ vào sảnh chính, tranh thủ trước khi mọi người về nhà liền chia hết quà mang từ Thượng Hải. Năm mới đến, người làm đều sẽ về ăn tết mấy hôm, chỉ có gia đình chú quản gia là sinh sống trong phủ đệ của nhà tôi. Mọi người vô cùng hào hứng hỏi tôi những chuyện ở thành phố, hỏi tôi liệu năm sau có thể đem về một số món điểm tâm của người phương Tây không, tôi nói mình sẽ tìm cách vì bánh của họ thường không thể mang đi dài ngày.

Tàu hoả đến An Huy lúc bình minh vừa lên không lâu nên cha mẹ đã khéo léo nhắc nhở mọi người quay lại làm việc để tôi nghỉ ngơi. Cuối năm vẫn còn nhiều việc phải lo, cha tôi cũng không ở nhà nên sau khi cùng mẹ tiễn cha đi, tôi mới thong thả mang đồ về phòng mình.

Phủ đệ nhà tôi không quá rộng nhưng vì ông tôi rất thích cây cỏ nên quanh mỗi gian chính đều có một khoảnh đất để trồng trọt. Cha mẹ tôi thích trồng trà nhưng tôi thì thích trồng hoa, trước khi lên Thượng Hải học, hàng ngày tôi đều chăm sóc cho chúng, sau này mỗi năm đều gieo thêm vài hạt giống mới. Lần này cũng không ngoại lệ, chỉ cần xuân về là tôi có thể cào đất trồng hoa.

Thong thả đi qua hành lang dài dẫn đến nơi trú ẩn của mình, tôi dừng chân khi nhìn thấy bóng dáng gian phòng nhỏ dưới màn tuyết trắng. Tôi mỉm cười nghĩ mình thật sự đã về đến nhà.

Băng qua khu vườn đang ngủ đông rồi đẩy cửa bước vào trong, tôi nhẹ nhõm đặt hành lý lên ghế rồi nhìn ngó xung quanh. Thư phòng vẫn như trước khi tôi rời đi, dãy bút lông được treo trên một cái giá nhỏ trên bàn, sập giấy vẽ nằm gọn bên tay trái và vài quyển sách nằm phía đối diện. Mấy bức tranh thư pháp đầu tiên dưới cái tên Lưu Tự được treo trên tường phía sau bàn, bên cạnh là hai chiếc tủ chất đầy những cuộn tranh và sách học của tôi từ nhỏ đến lớn.

Phía sau bình phong đối diện thư phòng là phòng ngủ, người làm đã để sẵn một chậu nước nóng và khăn sạch nơi góc tường. Tôi thay sang một bộ đồ thoải mái hơn, lau qua người rồi nằm xuống giường, thở ra một hơi thật nhẹ nhõm. Tuy hẵng còn sớm nhưng hôm nay tôi cho phép mình được lười biếng một chút. Những chuyến đi tàu dài ngày chưa bao giờ khiến tôi thoải mái, gần như tôi chẳng có một giấc ngủ an ổn nào.

Thế rồi tôi chợt nhận ra đây là lần đầu tiên tôi ngủ vào ban ngày, một điều khác hẳn con người luôn nghiêm khắc tuân thủ thói quen sinh hoạt suốt bao nhiêu năm qua như tôi. Có lẽ chuyện quen biết với Tán Đa đã từ từ giúp tôi học cách thả lỏng bản thân hơn trước.

Ngó thấy ánh sáng bên ngoài cửa sổ đối diện chân giường, tôi liền nhớ đến nụ cười của ngài ấy, trái tim bỗng mềm lại, cứ thế chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
-----

An Huy vào đông có rất nhiều món ăn đặc biệt nhưng mỗi lần về nhà, món đầu tiên mà tôi nấu sẽ là Bồ câu hầm Hoàng Sơn, dùng hai đặc sản nổi tiếng của núi Hoàng Sơn là chim bồ câu và khoai mỡ làm nguyên liệu chính. Mẹ biết tôi về nên đã nhờ người lên núi săn chim, đào khoai từ hôm trước, đến lúc tôi đứng trong bếp thì củi cũng vừa đỏ lửa.

Đầu tiên, tôi bắc nồi trần qua bồ câu, sau đó đun thêm một nồi nước, cho bố câu vừa trần, hành lá, gừng thái lát, táo tàu đỏ, câu kì tử, táo đen và sâm dây vào. Trước khi đậy nắp, tôi cho thêm một ít muối, đợi đến khi nước sôi thì đun nhỏ lửa. Khoai mỡ rất nhanh chín nên trong lúc hầm chim, tôi mới bắt đầu dùng dao cạo vỏ khoai, rửa sạch rồi cho vào nồi.

Thời gian hầm càng lâu thì thịt chim càng mềm, phần xương ninh nhừ tạo thành vị ngọt thanh và khoai mỡ làm nước sánh nhẹ, lúc mở vung ra sẽ thấy một lớp váng mỏng màu vàng nhạt lấp lánh. Khoai mỡ cũng giống như khoai tây, mềm mịn, ăn cùng bồ câu rất hợp nên không cần nấu thêm cơm. Mùa đông lạnh chỉ cần ăn một bát bồ câu hầm này là đủ ấm, vị cay nhẹ của gừng thoang thoảng trong khoang miệng cứ vậy mà trôi vào bụng khiến người ta thoả mãn thở ra một hơi.

Thời gian bình lặng trôi qua, tôi loanh quanh trong bếp cũng hơn một canh giờ, đến khi ngửng mặt lên thì trời đã xâm xẩm tối, hoàng hôn màu cam nhạt đang ánh lên ở đường chân trời.

"Tiểu Vũ nấu đến đâu rồi?"

Tiếng gọi dịu dàng của mẹ vang lên, tôi quay lại nhìn mẹ rồi đáp:

"Con vừa hấp thêm một ít màn thầu và há cảo, còn thịt hầm đã xong ạ, mẹ có muốn nếm thử cùng con không?"

"Cũng được." - Mẹ mỉm cười. - "Chúng ta ra sau vườn ngồi nhé."

Bên cạnh cửa sau của phòng bếp có một băng ghế tre, mỗi lần mẹ và tôi cùng nấu cơm, chúng tôi sẽ ngồi đó cùng nhau trò chuyện.

Tôi mở nắp nồi hầm, hương thơm lập tức lan khắp bếp. Tôi hít một hơi rồi múc canh vào hai chiếc bát mộc, cẩn thận bưng ra ngoài.

Gió đông thổi qua rặng trúc nơi góc vườn tạo thành tiếng xào xạc nhè nhẹ, củi trong lò thỉnh thoảng lại kêu tách tách rất vui tai. Mẹ mặc một bộ trường bào bằng nhung màu xanh cổ vịt, trên vạt váy có thêu hình hoa súng đang e ấp trong đầm, viền tay và cổ áo được may thêm một lớp lông dày để giữ ấm. Mẹ tôi dưỡng nhan rất kĩ nên da mặt đẹp vô cùng, mái tóc được bà quấn thành búi đơn giản phía sau gáy, cài một cây trâm vàng gắn ngọc phỉ thuý.

"Một năm nữa sắp qua rồi, mới ngày nào ta còn lo lắng xếp hành lý cho con mang đi mà giờ con đã xa nhà tới mấy năm." - Mẹ nói. - "Con thấy Thượng Hải thế nào?"

Tôi ngẫm nghĩ một lát, sau đó đáp lại:

"Con thích ở An Huy, cũng thích ở Thượng Hải."

Đôi tay cầm thìa của mẹ bỗng khựng lại trong giây lát rồi bà đặt bát xuống khay, nhìn tôi đầy thú vị.

"Sao vậy ạ?" - Tôi hỏi bà.

"Câu trả lời của con thay đổi rồi." - Mẹ mỉm cười nói. - "Không biết con có để ý rằng lần nào con về, ta cũng hỏi con một câu như thế. Tiểu Vũ luôn kể cuộc sống của con ở đó ra sao, việc học ở trường có gì mới nhưng con chưa bao giờ nói mình thích ở Thượng Hải."

Tôi ngỡ ngàng nhìn bà trong giây lát và rồi chúng tôi đồng thời bật cười thành tiếng. Đặt chiếc bát mộc sang một bên, tôi nắm lấy tay mẹ mà chẳng nói thêm gì bởi vì tôi biết bà hiểu đứa con này hơn bất kỳ người nào khác. Có lẽ mẹ đã nhận ra sự thay đổi trong tôi từ lúc tôi còn đang đứng ở sảnh chính cùng mọi người và câu hỏi của bà chỉ là để xác nhận lại chút ngờ ngợ thoáng qua. Tôi cũng rất an tâm bởi vì điều ấy không có nghĩa rằng bà ép tôi phải nói ra tất cả mà để mọi thứ thuận theo tự nhiên, tôi muốn nói thì mẹ sẽ nghe và ngược lại.

Trời xâm xẩm tối, hoàng hôn ngày đông ngắn ngủi kịp chiếu sáng một khoảng không rồi biến mất. Tôi cùng mẹ dọn cơm lên sảnh chính, chờ cha về và cả nhà lại quây quần bên nhau sau nhiều ngày tháng xa cách.
-----
Chap 16 là chap tôi viết lâu nhất từ trước đến nay, từ lúc bắt đầu là từ khoảng tháng 10-11 năm ngoái, sau đó công việc có nhiều vấn đề nên không thể viết tiếp. Mãi tới sau tháng 3 tôi mới trở lại và kết thúc chap này.

Tôi cũng định hình được các chap tiếp theo nên hãy yên tâm là Thư tình sẽ được cập nhật nhé.

Cảm ơn mọi người vì vẫn kiên nhẫn đi cùng Santa và Lưu Vũ 🧡💙

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro