Chương 5. Tống tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

*Tống tử: Hay còn gọi là bánh ú, một loại bánh truyền thống trong Tết Đoan ngọ của người Trung Quốc.

-----
Thượng Hải, tháng 4 năm 1934

Gửi Tiểu Vũ,

Tiểu Vũ tốt với tôi quá, lúc nào cũng tặng quà cho tôi, còn vô cùng tinh tế vẽ tranh lên giấy gói hộp trà nữa. Tôi đã đi mua ấm trà tử sa như cậu gợi ý trên đường đi làm về, sau đó lập tức pha uống thử. Uống rồi thì không dứt được nữa, ngày nào cũng túc tắc một ấm nhỏ.

Tôi vừa bỏ lớp giấy bọc đã ngửi thấy mùi thơm từ trong hộp toả ra rồi. Nước trà trong suốt màu vàng nhạt, đưa lên miệng liền ngửi thấy hương thơm thoang thoảng của hoa, nhấp một ngụm sẽ cảm thấy vị ngọt nhẹ, uống ngụm thứ hai thì như đang ngậm hoa cỏ mùa xuân trong miệng, vô cùng tươi mát và trong lành. Quả thực là trà xanh thượng hạng! Hôm nay tôi đã mua đủ đồ, học thuộc cách làm Thanh đoàn tử rồi, ngày mai sẽ dậy sớm làm một mẻ bánh thật ngon để uống cùng trà của cậu.

Nghề nghiệp của tôi đòi hỏi tôi phải có kỹ năng vẽ kí hoạ, đặc biệt là kí hoạ kiến trúc và chân dung nên tôi đã theo học bộ môn này từ khi còn đang đi học. Đúng là tôi thuộc kiểu người quảng giao nên việc thường xuyên bắt chuyện với người lạ đối với tôi là một chuyện không quá khó khăn nhưng tôi cho rằng tính cách nào cũng đáng quý. Chúng ta không giống nhau, căn bản không nên so sánh. Tiểu Vũ yêu thích khả năng giao tiếp của tôi, còn tôi thấy người kiệm lời, ít nói luôn đem trong mình một vẻ bí ẩn và thu hút khiến tôi đặc biệt để ý tới. Tôi tin rằng Tiểu Vũ có rất nhiều tài năng ẩn giấu mà tôi chưa có cơ hội biết đến, vì vậy tôi mong Tiểu Vũ hãy tin tưởng ở bản thân mình nhiều hơn nhé. Cố gắng thay đổi bản thân để trở nên tốt đẹp hơn là một điều đúng đắn nhưng tôi hi vọng cậu thực sự cảm thấy thoải mái với sự thay đổi ấy.

Nếu cậu thích, tôi có thể hướng dẫn cậu một số ghi chú trong vẽ kí hoạ kiến trúc. Môn học này không khó nhưng cần nhiều thời gian thực hành để rèn kĩ năng. Tôi gửi kèm trong phong thư này một số bức kí hoạ đơn giản để người mới bắt đầu tham khảo, cậu cứ giữ lấy nhé.

Tôi đợi thư hồi đáp của cậu.

Ký tên
Tán Đa

-----
Thượng Hải, tháng 5 năm 1934

Gửi Tán Đa,

Hôm nay tôi chạy qua tiệm Di Hoà đem cho Tiểu Minh mấy chiếc bánh ú vì ngày mai là tết Đoan Ngọ, tiện thể xem ngài có gửi cho tôi phong thư nào dài hơn lần trước không nhưng vẫn chưa có gì cả. Tôi quyết định nhét thêm bức thư này trong cuốn Điểm tâm bốn mùa mà ngài để lại ở tiệm. Tôi hi vọng ngài vẫn khoẻ mạnh.

Thời tiết Thượng Hải bắt đầu nóng hơn rồi, chẳng mấy chốc mà vào hạ. Tôi đã chuyển sang những bộ áo ngắn tay nhưng trong túi vẫn mang theo một chiếc áo khoác mỏng để không nhiễm lạnh khi hoàng hôn buông xuống. Tiết trời giao mùa là lúc dễ ốm nhất, Tán Đa ngài đừng quên chăm sóc bản thân mình thật tốt nhé.

Hôm qua, tôi được nghỉ tiết học buổi chiều nên tranh thủ tới chợ Vĩnh Lợi mua nguyên liệu làm bánh ú. Mọi năm tôi vẫn gói bánh ú truyền thống của quê nhà nhưng  gần đây tôi đang tìm hiểu về lịch sử và sự đa dạng của chúng nên đã quyết định thay đổi cách làm năm nay.

Tôi thu thập được công thức của mười loại nhân bánh, mỗi loại làm hai cái, một nửa gửi cho anh họ tôi, một nửa đem cho Tiểu Minh. Nếu ngài hỏi tôi đọc cuốn sách nào ghi lại ngần ấy loại nhân thì tôi không có đâu nhưng lịch sử của bánh ú nằm trong cuốn Lễ hội quanh năm, đặt tại tầng thứ ba của giá sách nhé.

Cũng chẳng giấu gì ngài, mấy ngày trước tôi ra chợ tập vẽ kí hoạ. Ở đó có một quán trà nhỏ nằm giữa khu bán đồ điểm tâm nên tôi đã ngồi lại để vẽ quang cảnh của khu chợ. Đương lúc vắng khách, các chủ sạp hàng xung quanh mới gọi vọng sang nói chuyện phiếm với tôi, giới thiệu với tôi rằng mỗi chủ quán ở khu điểm tâm này đến từ một tỉnh trên đất nước, hoàn toàn không trùng nhau. Tôi vô cùng bất ngờ, hoá ra họ vô tình hội tụ ở nơi này, cùng nhau đem đến những món điểm tâm riêng của từng vùng quê nơi họ sinh ra và lớn lên. Thượng Hải, như ngài nói trước đây, là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá nhưng tôi không ngờ sự giao thoa trong ẩm thực mà tôi thường nghĩ tới lại tồn tại ở một nơi dân dã nhường này. Tôi rất vui, quyết định gác lại chuyện vẽ kí hoạ, tranh thủ hỏi họ về cách làm bánh ú của mỗi người. Các dì và các chú đều vô cùng hào hứng kể cho tôi nghe để tôi ghi chú. Chúng tôi nói chuyện mãi tới khi phiên chợ chiều bắt đầu mới dừng lại. Họ còn tặng tôi một ít bánh trái, hẹn tôi sớm quay lại để tiếp tục những câu chuyện dang dở.

Trở về nhà, tôi cứ nghĩ mãi về họ, cuối cùng cầm bút viết một danh sách các nguyên liệu cần mua để làm tống tử. Mười loại nhân, nghe thì to lớn lắm nhưng tôi chỉ cảm thấy lòng quyết tâm của mình đang rạo rực và mình phải làm được một nồi bánh ú thật ngon và độc nhất.

Sở dĩ bánh được gọi là 'tống tử' là vì khi xưa, gạo nếp được đặt vào chính giữa hai phiến lá rồi gói lại, chữ 'tống' đồng âm với chữ 'tông', có nghĩa là lá cọ. Bánh ú đã xuất hiện từ rất lâu rồi, qua nhiều thời đại mà thay đổi hình dạng và nhân bánh nhưng phổ biến nhất vẫn là dạng bánh hình chóp tam giác, bên trong dùng gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và một số loại hạt.

Bánh ú thời Tống rất đặc biệt, không có nhân mà dùng lá ngải ướp với gạo nếp, sau đó đem gói và luộc chín. Khi ăn cũng không cần dùng thêm món gì ăn kèm bởi gạo nếp mềm lại thấm đẫm hương thơm đặc trưng và vị đắng nhẹ của lá ngải. Tống tử của nhà Minh thì khác, nhân bánh có thêm đậu xanh, thịt lợn, hạt hồ đào và mật đường, mặn ngọt đủ đầy đều gói gọn trong lớp lá tre.

Trong mấy cô chú ở chợ Vĩnh Lợi, có một người đến từ Sơn Đông làm tôi vô cùng ấn tượng bởi vì bánh ú của chú ấy dùng gạo nếp cái hoa vàng và quả chà là. Đây cũng là phần nguyên liệu khiến tôi bỏ ra nhiều công sức nhất để tìm kiếm, cũng sở hữu hương vị xứng đáng với sự kì công của chúng. Gạo nếp cái hoa vàng rất quý, hạt gạo vừa to vừa mềm, vị ngọt của gạo kết hợp cùng vị chát nhẹ của quả chà là thanh mát, cắn một miếng liền cảm thấy rất 'thượng hạng'.

Tống tử phổ biến nhất ở Thượng Hải hiện nay chịu ảnh hưởng nhiều từ Gia Hưng, bên cạnh những nguyên liệu nền tảng là gạo nếp, tống tử của Gia Hưng sử dụng đậu đỏ và phần thịt lấy từ chân sau của con lợn, ăn vô cùng mềm mà lại không quá nhiều mỡ, một số nơi còn ngâm phần thịt và gạo vào tương để tăng thêm hương vị cho tống tử. Ngài nhất định phải thử món này nhé, khu chợ nào của Thượng Hải cũng có bánh ú như thế này, nếu muốn ăn bánh chính tông của Gia Hưng thì có thể đến nhà hàng Lục An ở cuối phố Cẩm Đường.

Cuộc sống là ngũ vị tạp trần, ăn mặn rồi thì chúng ta ăn ngọt. Bánh ú của An Huy cực kì đơn giản nhưng đậm nét truyền thống, người người nhà nhà đều có thể làm, tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể ăn, bởi vì bánh ú của vùng gói sẵn gạo nếp trong lá sậy, khi nào ăn thì mới luộc lên nhưng chỉ ăn kèm với đường hoặc mật ong. Người bắc Giang Tô và Thượng Hải cũng làm loại bánh ú ngọt này nhưng đem đường trộn sẵn trong gạo nếp. Ăn sáng cũng tốt, ăn trưa cũng được, dù sao gạo nếp cũng rất tốt cho dạ dày, lại dễ làm, dễ đem tặng người quen nếu chẳng may không rõ hương vị mà họ yêu thích.

Tôi thích ăn cay một chút nên thử làm cả bánh ú của Tứ Xuyên, Tiểu Minh và anh tôi đều thích ăn bánh trộn nhiều nhân nên tôi gửi cho họ bánh của vùng Ôn Châu, Hồ Châu và Triều Châu. Trước khi đem luộc, tôi dùng những sợi chỉ nhiều màu buộc lên dây gói bánh ú rồi đem luộc để tránh lẫn các hương vị với nhau. Mẻ bánh này mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị nhưng tôi cảm thấy vô cùng thoả mãn. Một năm chỉ có một Tết Đoan ngọ, chi bằng dùng một ngày này để đi nhiều nơi trên khắp Trung Hoa bằng ẩm thực, mệt nhưng xứng đáng. Tôi chưa thể đi nhiều nơi, ngài thì vướng bận ở Thượng Hải, chúng ta thực ra đều đang dùng niềm vui thích này để thoả mãn chút hư vinh của bản thân. Tán Đa thấy có đúng không?

Tết Đoan ngọ vui vẻ nhé. Tôi đợi thư hồi đáp của ngài.

Ký tên
Vũ Tử

-----
Thượng Hải, tháng 5 năm 1934

Gửi Tiểu Vũ,

Tôi về rồi đây.

Xin lỗi Tiểu Vũ rất nhiều vì bây giờ mới có thể viết một lá thư hồi đáp cậu. Cơ quan tôi giao việc đột xuất ngay sau Tết Thanh minh nên tôi phải rời khỏi Thượng Hải từ ngày ấy. Trước khi đi cũng chỉ có thể vội vàng viết vài chữ cho cậu. Tôi may mắn kịp trở về đúng ngày Tết Đoan ngọ, sau khi cất gọn đồ đạc thì lập tức đến tiệm sách. Tiểu Minh lúc ấy đang ăn cơm tối, nhanh chóng gọi tôi lên tầng hai ăn cùng.

Trên bàn ăn là mười cái bánh ú và một bát canh cà chua nóng hổi. Lúc ấy tôi chưa biết bánh do ai làm, vừa cầm được đôi đũa thì Tiểu Minh đưa tôi xem tờ giấy ghi danh sách màu sợi chỉ ứng với bánh của từng vùng, tôi liền nhận ra chữ viết của cậu. Tiểu Minh không bảo gì thêm, tôi cũng không hỏi cậu ấy.

Tôi đã vừa ăn vừa mỉm cười vì đây là lần đầu tiên tôi vô tình được ăn món ăn do chính tay Tiểu Vũ làm. Tiểu Minh luôn tay ra dấu bảo tôi ăn loại này loại kia, ánh mắt sáng rực, tôi cũng hiểu ý cậu ấy bởi vì bánh thực sự rất ngon. Tiểu Vũ làm tống tử khéo quá, bánh nào cũng xinh xắn và đầy đặn, kích cỡ đều tăm tắp. Hơn nữa, có vẻ như chúng ta có cùng khẩu vị vì tôi cũng thích bánh ú Tứ Xuyên. Ăn các món làm từ gạo nếp như thế này cần có thêm tiêu, tương ớt hoặc dưa chua ăn kèm để bớt bứ, tống tử Tứ Xuyên quết thêm cả tương ớt của Tiểu Minh lại càng ngon hơn. Mà Tiểu Vũ còn thay đổi phần gạo trong bánh ú vùng An Huy sang gạo nếp cái hoa vàng phải không? Lúc tôi dùng với mật ong, hương thơm của chúng hoà quyện vào nhau làm tôi ăn đến ngây ngất.

Kết thúc bữa tối no say, tôi tranh thủ chạy xuống tìm thư của cậu. Cậu viết cho tôi hai lá thư, vậy tôi sẽ trả lời một lượt trong lá thư này nhé.

Tiểu Vũ có thể yên tâm, công việc của tôi vẫn thuận lợi. Do tổng cục ở thành phố khác yêu cầu tôi phải đến gấp nên tôi không kịp viết thư dài hơn, chỉ nhắn cậu bảy chữ "đừng lo lắng, tôi sẽ quay lại". May mắn nhất là tôi vẫn kịp đem theo hộp trà mà cậu tặng để giảm bớt cảm giác xa nhà. Tôi nhận ra mình bắt đầu gắn kết hơn với Thượng Hải, có lẽ bởi vì tôi đã có một người bạn tốt luôn đợi tôi trở về tên là Tiểu Vũ.

Còn nữa, tôi thực muốn hỏi cậu, sao cậu lại tỉ mỉ và cẩn thận đến như vậy. Sợ tôi không kịp trải qua Tết Đoan ngọ thì liền gửi tôi phần ghi chú về cách làm nhân bánh ú để tôi tự làm ở nhà. Cậu cứ chiều tôi như thế này thì sớm muộn gì tôi cũng ỷ lại cậu đấy, Tiểu Vũ ạ. Nhưng mà tranh kí hoạ của cậu tốt hơn nhiều rồi, để tôi gửi thêm cho cậu một ít tranh mới. Lần này tôi đi công tác đã tranh thủ vẽ lại nhiều cảnh vật ở tổng cục mỗi cuối tuần, thời tiết cũng rất đẹp và dễ chịu. Tin vui là sau chuyến đi vừa rồi, từ nay tôi sẽ không phải rời Thượng Hải đến cuối năm, an ổn ở đây làm việc. Vậy nên Tiểu Vũ hãy an tâm nhé, tôi ở đây cùng cậu thoả mãn chút hư vinh trong chuyện ăn uống.

Lần sau tôi sẽ nhắn nhủ dài hơn nếu phải rời đi để cậu không phải lo lắng.

Tôi đợi thư hồi đáp của cậu.

Ký tên
Tán Đa

-----
Toàn bộ thông tin liên quan đến món Bánh ú đều tham khảo tại Wikipedia tiếng Trung.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro