Chương 1| Bức thư tay bí ẩn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

17 giờ 30 phút.

Mặt trời ngả dần về phía tây, ánh nắng vàng cuối chiều đổ sang màu đỏ rực như hòn than đang dần tắt. Những áng mây trắng trên nền trời xanh biếc giờ đây lại nhuốm đủ màu sắc của hoàng hôn, lóe lên ánh sáng còn sót lại của cả một ngày trời tựa như níu giữ chút hơi tàn rồi dần chuyển sang màu đen khi màn đêm u tối ập đến.

Châu phủi phủi đi vài chiếc lá rơi trên bia mộ, dọn bớt đám cỏ dại mọc um tùm bên cạnh, đưa tay chỉnh lại khóm hoa lay ơn trong bình hoa được đặt gọn một góc phía trong bia. Sau đó con bé thu lại từng tờ giấy đã ố vàng, đôi chỗ đã rách viền trên nền đất, trên bề mặt giấy chi chít những dòng chữ uốn lượn bên nhau, đôi chỗ đã mờ đi vì dấu tích của thời gian, và vài chỗ thì nhòe chữ như bị nước rơi vào. Châu cầm chiếc lược nhôm đã cũ kỹ, màu sắc lốm đốm đen chải lên mái tóc của người trong tấm hình trên mặt bia mộ.

Xong xuôi, con bé bỏ hết những thứ trên vào một cái túi vải mang bên mình, kéo khóa lại, đứng dậy gật đầu chào rồi quay lưng bước chầm chậm ra khỏi nghĩa trang.

Đằng sau nó, ánh tà dương cuối cùng chiếu lên khuôn mặt người trên tấm di ảnh, le lói một chút rồi tắt hẳn. Màu trời nhá nhem tối lặng lẽ bao trùm cả khoảng không gian im lặng, buồn đến thê lương.

Hôm nay trời có vẻ nhanh tối hơn hôm qua thì phải?

***

Châu lững thững đi bộ về nhà bà nội. Con bé đã dành cả chiều hôm nay để dọn lại mộ và đọc thư cho bà cô nó nghe. Cứ cách một khoảng thời gian, mỗi lần đi thăm mộ Châu đều mang thư theo rồi ngồi một bên mộ đọc cho bà vơi bớt nỗi cô đơn.

Có lẽ do hoàng hôn đã tắt, hoặc có lẽ do cái màu đỏ hồng của chiều tối cuối hè làm cho tâm tình con người trầm xuống, Châu mang trong lòng một bầu tâm sự nặng trĩu và mớ suy nghĩ rối ren như đống tơ vò, muốn gỡ mà chẳng biết nút thắt ở đâu..

Cơn gió bất ngờ nổi lên, thổi tung mái tóc của Châu bay tán loạn, xua đi đám mây đang lững lờ trôi trên nền trời, cuốn đi cái nóng oi ả của những ngày cuối mùa hè nơi đất Hà thành. Không khí xung quanh trở nên bớt nực hơn, mang lại chút dễ chịu cho tâm trạng còn rối ren của cô bé 16 tuổi.

Châu về đến nhà là trời đã tối hẳn và một bàn cơm nóng hổi, nồi canh còn đang bốc khói đang chờ con bé ở trên bàn.

Ăn uống xong xuôi, con bé cùng anh trai dọn dẹp, rửa bát đũa rồi bước vào buồng ngồi học.

Thời gian chầm chậm trôi đi. Đồng hồ kêu lên từng tiếng tích tắc, tích tắc trong căn phòng yên tĩnh.

Đến hơn 9 giờ rưỡi, Châu không học nữa. Con bé ném sách vở sang một bên, với tay lên cửa sổ trước bàn học mở toang cánh cửa ra cho mát rồi nhảy lên giường nằm, lấy mớ thư trong túi ra thong thả lướt qua từng lá.

Đầu ngón tay Châu nhịp nhàng lật từng lá thư một. Những lá thư cũ kỹ, bạc màu và ố vàng như được phủ một lớp bụi dày qua bao năm tháng, lốm đốm những chấm đen loang lổ trên trang giấy tựa như mảnh đất màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa lại bị những mảnh bom tàn phá, cày xới dữ dội đến từng tấc đất. Những chiếc tem đủ hình hài màu sắc, giờ đây đã mờ, có cái còn mất dấu chẳng giữ được dáng vẻ ban đầu, có cái thì bị cháy xém cùng một góc thư, tất cả là minh chứng cho cả một chặng đường lịch sử của dân tộc.

Bà cô của Châu rất thích đọc thư. Châu nghe bố kể, ngày mà bà trở về, bà rất hay lôi thư ra đọc cho các cháu nghe. Đó là thư mà bà nhận được từ những ngày chiến trường đỏ lửa. Thư từ cha mẹ, anh chị em gửi từ Bắc vào, thư của đồng đội thân thiết mà khi chiến đấu được điều đi nơi khác phải tách nhau ra, thư từ bạn bè của những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường,...

Có những tờ chữ đã nhòe, thậm chí còn bị rách hay nát cả rồi thì bà vẫn đọc đều đều như thể nó đã khảm sâu vào tâm trí. Ngày Châu còn nhỏ xíu chỉ tầm vài tuổi, cái tuổi mà còn chưa hình thành nhận thức về thế giới xung quanh thì từng lời hát ru "Con cò bay lả bay la. Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng." và những lời thư tâm tình đều từ từ, nhẹ nhàng đi vào cuộc sống của nó đến khi bà mất.

Bà thương Châu lắm, quý Châu nhất trong dàn con cháu trong nhà. Ngay từ khi còn bé tí, những bức thư quý giá của bà cũng được bà đưa cho Châu đọc. Chiếc lược nhôm làm từ vỏ máy bay, thứ gần như là vật bất ly thân với bà, trước giây phút lâm chung cũng được tận tay bà truyền lại cho con bé.

Ngày ấy Châu mới chỉ nhận biết mặt chữ, tập tành đọc văn thơ, bà đã kiên nhẫn ngồi dạy cho Châu đọc thuần thục mới thôi. Bà hay kể cho Châu và các cháu nghe những trận đánh hồi kháng chiến, những lần đi công tác, những lần gặp vất vả trong khi thi hành nhiệm vụ. Bà kể về chiến tranh, về tình quân dân thời ấy, về những người đồng đội cùng sát cánh bên bà nhưng rồi cũng ra đi vì bom đạn kẻ thù,... Bà kể rằng ngày toàn thắng, hòa bình lập lại trên mọi miền đất nước, bà đã trở lại giảng đường sau những tháng ngày dang dở, rồi tốt nghiệp đi làm.

Nhưng chỉ có một chuyện Châu không hiểu, tại sao bà lại không lấy chồng, đến khi bà mất, ngoài gia đình và một vài người đồng đội và bạn của bà đến chia buồn thì chẳng còn ai cả. Bà ngày ấy sau khi ra trường thì làm giảng viên, mà nhà giáo vốn là cái nghề cực kỳ cao quý, lại được xã hội nể trọng. Trong tư duy non nớt của một đứa trẻ, Châu nghĩ rằng một người phụ nữ xinh đẹp, tài giỏi, đoan trang như bà ắt hẳn phải có rất nhiều người theo đuổi. Ừ thì cũng có, nhưng Châu không hiểu sao bà vẫn một mình. Mỗi lần Châu ngước khuôn mặt ngây thơ hỏi bà, bà chỉ nhẹ xoa đầu nó rồi im lặng, khóe miệng phảng phất một nụ cười buồn. Có một lần Châu nhìn thấy bả ngoảnh mặt đi, len lén lau nước mắt. Đến khi bà quay lại thì những giọt nước trong mắt bà đã không còn, chỉ là ánh nhìn ráo hoảnh và giọng bà trở nên nghèn nghẹn. Sau đó, không bao giờ các cháu nhắc tới chuyện đó với bà nữa mà chỉ dám hỏi ông bà nội. Sau khi nghe ông bà kể qua, Châu biết rằng bà có người yêu hồi còn trẻ, nhưng chuyện tiếp theo thì ông bà không nói. Lúc ấy Châu chỉ là đứa con nít, nên không để trong lòng rồi cũng quên bẵng đi đến tận bây giờ.

Ký ức về bà dần tái hiện lại trong tâm trí. Châu nằm thẫn thờ trên giường, để cho cuộn phim kỷ niệm tua đi tua lại trong đầu với tâm trạng thổn thức.

Bỗng gió mạnh từ bên ngoài thổi vào trong phòng, những cuốn sách, tập vở để trên bàn bị gió thốc vào làm trang sách lật tán loạn vang lên tiếng "loạt soạt", mấy tờ đề ôn tập bay tứ tung trong phòng, đống phong thư trên giường cũng vì cơn gió mà rơi lả tả xuống nền nhà. Châu vội vàng chạy tới nhặt vội mớ giấy tờ, xóc chúng lại cho gọn gàng rồi cầm viên đá cuội đè lên đống tài liệu của nó rồi quay lại giường cất gọn thư vào một tập bìa lớn cho khỏi bay ra. Xong xuôi, Châu mở cánh cửa tủ bên cạnh giường định cất hết mọi thứ đi để lên giường đi ngủ sớm cho đẹp da thì bất thình lình một cái hộp gỗ từ bên trong hộc tủ rơi ra. Cái hộp bị đập xuống sàn nhà, nắp hộp bay sang một bên, bên trong hộp là một xấp giấy được xếp gọn gàng. Vài ba tờ giấy vô tình bay ra ngoài, đáp lên mu bàn chân của nó.

Châu cúi người xuống, nó thấy những lá thư này bị rách vài chỗ ở khắp các viền, giấy mỏng dính như bị cỗ máy thời gian mài mòn. Châu nhấc lá thư lên nhìn một chút. Cái màu của tờ giấy không phải ngả vàng nữa mà đã thành màu nâu như màu cà phê ông nội hay uống, trên đó là những dòng chữ ngay ngắn thẳng băng, nét chữ mạnh mẽ và đầy phóng khoáng.

Lạ quá! Hình như mấy bức thư này Châu chưa thấy bao giờ. Sao lại thế nhỉ? Bà có bao nhiêu bức thì Châu đã đọc hết rồi mà? Còn cả một hộp gì nữa đây?

Châu nhấc cái hộp để lên đầu giường, thả mình lên tấm nệm, xoay ngang xoay dọc trên giường nghiền ngẫm lá thư. Nó kiễng chân với lấy cái gối ôm ở góc tường, quặp chân vào rồi nằm nghiêng đọc.

"15 tháng 9 năm 1969,

Hạ thân yêu,

Anh đang ngồi giải lao với các đồng đội trong đơn vị giữa giờ huấn luyện, tranh thủ viết cho em vài dòng.

Em và gia đình có khỏe không? Từ ngày khai giảng đến giờ em đã học đến đâu rồi? Mới hôm nào còn bé, còn chạy đi chơi từ làng trên đến xóm dưới mà nay Hạ đã vào lớp 10 rồi đấy. Chẳng mấy chốc mà sẽ vào đại học nhỉ? Em cố gắng học tập thật tốt nhé, để có thể cùng anh đưa đất nước mình sánh vai với cường quốc năm châu.

Anh ở đây vui lắm em ạ. Đám thằng Hòa, Quyết, Thắng, Vinh cũng cùng một tiểu đội với anh. Hôm nay bọn anh hành quân qua đồi, còn đào hố tập bò trận địa nữa. Tuy mệt mà vui. Có thằng trong tiểu đội của anh hành quân mới đi được nửa đường thì mệt, nằm lăn ra đất đấy, báo hại anh với thằng Vinh bị thủ trưởng gọi lại dìu nó đi hết cả quãng đường.

Trong đội cũng có một cậu bạn là sinh viên trường Kinh tế Kế hoạch, cậu ấy còn vẽ ra cho bọn anh cả một nền kinh tế phát triển vượt bậc của nước mình sau chiến thắng nữa cơ.

Ở đây nhiều cỏ cây lắm, có sông có suối, nước mát trong nhưng nhà cửa không nhiều, cũng không sát nhau như ở Hà Nội mình em ạ. Bọn anh ngày vừa tới đã được người dân ở đây đãi một bữa no say, còn được ra sông tắm thỏa thích nữa.

Hôm nào gặp lại, anh sẽ kể cho em nghe chi tiết hơn nữa nhé.

Trường đã sơ tán về Khoái Châu, em cũng phải xa gia đình đi theo trường học tập. Em nhớ giữ gìn sức khỏe, ăn ngủ đúng giờ. Có máy bay thì phải nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Đi học cũng chịu khó đội mũ rơm nữa nhé. Anh biết Hạ không thích mang nhiều thứ theo bên người, nhưng an toàn phải được đặt lên trên hết em ạ.

Thủ trưởng thông báo hết giờ nghỉ rồi. Anh phải đi đây.

Nhớ Hạ của anh lắm.

Đông của em."

Châu đọc xong bức thư, nó lờ mờ đoán ra danh tính của người viết bức thư này.

Có lẽ nào đây là người yêu của bà? Nhưng như thế thì tại sao ông bà lại không lấy nhau? Tại sao bà lại giữ thư mãi trong tủ mà không thấy lấy ra bao giờ?

Bao câu hỏi dồn dập vào trí óc của Châu. Con bé tò mò, mong ngóng tìm ra câu trả lời nhưng mi mắt lại nặng trĩu. Kim đồng hồ đã nhích gần đến số 11, đèn trong nhà đã tắt gần hết và ngoài đường còi xe cũng bớt inh ỏi. Cơn buồn ngủ ập đến đánh úp làm Châu trở tay không kịp. Con bé mơ màng muốn vươn tay đến cái hộp đọc tiếp những bức thư trong đó nhưng không được. Nó gục đầu xuống chiếc gối mềm, bàn tay buông thõng trên nệm và hai hàng mi dần dần khép lại. Một lúc sau, trên chiếc giường chỉ còn tiếng thở đều đều của Châu và bức thư đã không còn nguyên vẹn vẫn nằm yên bên cạnh gối. Đôi mày Châu dãn ra, miệng nó mấp máy như đang nói gì đó. Hình như con bé đang trải qua một giấc mơ.

Đồng hồ điểm 11 giờ. Cảnh vật xung quanh giờ đây hoàn toàn chìm vào sự yên lặng, chỉ còn mặt trăng sáng tỏ trên bầu trời đêm lấp lánh ánh sao, rọi ánh sáng bàng bạc mát lạnh vào căn phòng thông qua ô cửa sổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro