Những điều cơ bản về Đạo Mẫu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

💢NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VỀ ĐẠO MẪU

1. TỨ PHỦ

Là bốn phủ gồm thiên phủ, địa phủ, thoải phủ, nhạc phủ.
Thiên phủ (trên trời) gồm 3 cõi vô sắc giới, sắc giới, dục giới
Cõi vô sắc giới là cõi tối thượng của thiên phủ, hoàn toàn thanh tịnh.
Cõi sắc giới cai quản về vật chất
Cõi dục giới cai quản về nòi giống, tình dục.
Mỗi một cõi đều có 1 vị vua cai quản. cai quản cả 3 cõi là vua cha Ngọc Hoàng.
Địa phủ (dưới âm phủ) gồm thập điện cai quản âm phủ và 18 tầng địa ngục, mỗi điện có 1 vị Diêm Vương cai quản. các điện đều có các quỷ thần phục dịch.
Thoải phủ (dưới nước) gồm cửu giang tứ hải nghĩa là 9 sông 4 biển, có 8 vị cai quản gọi vị là bát hải Long vương.
Nhạc phủ (mặt đất, phương vị, trên núi) gồm 5 phương 8 hướng, có 5 vị Nhạc phủ cai quản 5 phương.

2. Tam giới thiên chúa, tứ phủ vạn linh công đồng thánh đế

Tam giới thiên chúa là 3 giới thiên phủ như trên.
Tứ phủ vạn linh công đồng thánh đế là tất cả vị vua các phủ như trên. Vua cha Ngọc Hoàng đứng đầu cai quản cả Tứ phủ. Tứ phủ là hệ thống thần của Trung Quốc.

3. Tam giới

Là 3 cõi “Thiên, Địa, Nhân”, gọi tắt Thiên là tất cả các chư thần tiên của Tứ phủ, Địa là âm ti địa ngục ma giới, Nhân là con người trần cõi dương gian nhạc phủ.

4. Tam phủ
Gồm thiên - địa - thoải, ý nghĩa như trên.
Sự chuyển biến của đạo Phật, đạo thần tiên sang đạo Mẫu Việt Nam:

Phật giáo: với đạo Phật là quan âm bồ tát, đến Việt Nam là Mã vàng bồ tát cộng với Diệu tín thiền sư, Diệu nghĩa thiền sư.
Ngọc Hoàng của Trung Quốc đến Việt Nam là Đức thánh Tản, Đức thánh Trần thay quyền vua cha cai quản Tam giới đất Nam.
Mẫu Cửu trùng đông cung vương mẫu của Trung Quốc đến Việt Nam là Cửu trùng Thiên Thành công chúa, lục cung đô thống công chúa là con của vua cha Ngọc Hoàng và bà Cửu trùng vương mẫu.

Mẫu tây cung còn là Mẫu địa đứng trên quả cầu của Trung Quốc đến Việt Nam là Hậu thổ phu nhân nguyên quân thần nữ thần sau này là bà Địa tiên Sòng Sơn Liễu Hạnh công chúa.
Mẫu nhạc phủ là phu nhân của các vua nhạc Trung Quốc đến Việt Nam là bà Na Bình công chúa con Đức thánh Tản.
Mẫu thoải cung của các vua Long vương Trung Quốc đến Việt Nam là con gái của vua cha Bát hải Động Đình, vị vua thứ 8 cai quản hồ Động Đình Trung Quốc .

Như vậy trong đạo Mẫu không nói đến phu nhân của địa phủ mà chỉ nói đến Mẫu địa tương ứng với Trung Quốc vừa là thiên vừa là địa. Vì vậy Mẫu của Việt Nam cũng được thống nhất vừa là thiên vừa là địa. Bà chúa Liễu Hạnh quy Phật đắc đạo thánh bồ tát, là hàng Phật, hàng tiên, hàng thần và nhân. Bà có đủ yếu tố đứng đầu trong đạo Mẫu Việt Nam và đứng thứ hai trong Tứ bất tử. Thị hiện như của Trung Quốc, vua cha Ngọc Hoàng là dương, là cha, là trời, Cửu trùng vương mẫu là mẹ, là đất. Việt Nam Đức thánh Tản là cha, là thay trời, Mẫu Liễu là mẹ, là thay đất. Vì vậy, trong đạo Mẫu, Thiên Địa là một. Mẫu thượng ngàn thứ hai, Mẫu thoải thứ ba.

Dòng dõi của thần và dân Việt Nam ta là dòng con rồng cháu tiên, nghĩa là cha ta ở dưới nước thuộc phủ thoải, mẹ ta ở trên rừng thuộc phủ nhạc. Các vị thần của Việt Nam cũng được sắp xếp theo ý nghĩa đó. Ta thấy như ở trên, Mẫu thượng xếp trước Mẫu thoải, đó là sự sắp xếp ngược trong Tứ phủ. Nhưng nếu lấy đạo Mẫu làm gốc thì Mẫu thượng là dòng của mẹ sau mới đến Mẫu thoải là dòng của cha. Đó cũng là từ đời thượng cổ, sau này dựa trên cơ sở đó, đạo Mẫu phát triển phối hưởng thêm Mẫu thiên địa cho toàn vẹn.

Sự sắp xếp trong Tứ phủ lấy Phật làm chân lý, lấy Tứ phủ làm luân lý, lấy Tam tòa thánh Mẫu làm đường đi tạo nên 1 hệ thống bất tử dòng nối dòng, thay quyền thiên địa tứ phủ khâm sai quản lý thần dân cõi Việt. Vì vậy trong đạo Mẫu các vị thần thánh đó là có thật, là những anh hùng có công dựng nước giữ nước, khai hóa con người, nghĩa là nhân sau thành thần thành thánh được huyền háo là con trời hạ giáng xuống thoải phủ và đảo sinh lên trần gian thành đạo. Ở đây ta thấy rất phù hợp với sự toàn quyền của trời đất và sự huyền hóa bám sát vào ý nghĩa “con rồng cháu tiên”, con của Cha lên giúp đỡ bảo vệ chúng sinh, con cháu của Mẹ.

Trong cúng thì lại tách bạch theo bốn phủ. Cúng Phật phải cúng trời đất trước, nghĩa là cha mẹ là phủ thiên và nhạc, sau mới đến địa phủ và thoải phủ. Cúng Tứ phủ hoặc khoa cúng Mẫu thì cúng thiên – địa – thoải – nhạc. Các vị vua cha cúng theo Tứ phủ của Trung Quốc, các vị Mẫu thì cúng tách bạch nhưng cũng không có Mẫu địa phủ của phủ địa mà là Mẫu cai quản đất, là “khôn”, sau đến Mẫu thoải, Mẫu nhạc. Ở dây Mẫu nhạc ở cuối vì đã có bà Liễu Hạnh là vị tổng của các phủ là thiên, là địa, là nhạc. Sự kết cấu này vẫn bám sát theo lối thời cổ là đạo chỉ có 2 vị Mẫu thượng và thoải nhưng sự xắp sếp trongTam tòa lại không theo Tứ phủ, bà Thượng thiên được thờ ở cây hương, bà Địa tiên được thờ ở giữa là Mẫu Liễu Hạnh, bà Thượng ngàn đứng thứ hai, bà Thoải cung đứng thứ ba trong nội cung Tam tòa thánh Mẫu.

Sự sắp xếp các Quan và các Chầu bà lại là đặc tính của Việt Nam. Các Quan xếp theo thiên – thượng – thoải – địa. Ở đây ta không được hiểu sang theo Tứ phủ của Trung Quốc như thiên phủ quản lý thiên phủ … mà ở đây là quan thượng thiên quản lý bầu trời của đất Nam và là người đại diện của cõi Nam trên trời, các vị quan khác cũng như vậy, riêng phủ đệ tứ thì là khâm sai kiểm soát cả bốn phủ và quan lớn Tuần đại diện cho “nhân vi chúa tể”. Năm vị quan này mang đủ yếu tố của Tam giới thiên chúa, quan Đệ nhất đi tu cõi tiên, quan Đệ nhị tài lộc cõi sắc, quan Đệ tam nhân sinh cõi dục, quan Đệ tứ tổng 3 cõi ngoài ra cũng thị hiện cả về mặt Tứ phủ và về Năm phương nhạc phủ, đủ cả yếu tố phật – tiên – nhân, rất bám sát vào đặc tính của dân tộc thời thượng cổ. Các vị chầu bà được sắp xếp như các quan nhưng không xa rời nguyên lý của Trung Quốc là có 12 bà tiên – bà mụ nên ở Việt Nam có 12 bà tiên chúa – tiên chầu. Như vậy là Việt Nam ta có thần riêng thánh riêng Phật riêng để khẳng định sự độc lập tự tôn dân tộc. Đạo Mẫu chỉ dành cho người sống không dùng cho người chết. Tất nhiên là đạo nào cũng dành cho người sống nhưng đạo Mẫu lại trực tiếp độ người sống mà không trực tiếp độ người chết. Vì lẽ đó đạo Mẫu chỉ mở phủ cho người sống, không mở phủ cho người chết, nên cúng phả độ cho người chết thì phải cúng Phật và Tam phủ là chính. Đối với người sống cúng Mẫu là chính. Tuy đạo Mẫu lấy cái chết nhưng đó là cái chết bất tử và hiện hữu, vì vậy những người trẻ thường được quy vào đạo Mẫu. Ngôn từ dùng chỉ công đồng thánh mẫu là “mẫu”, “chúa”, “chầu” nhưng khi đạo mẫu kết hợp bà chúa Liễu tức mẫu Liễu Hạnh thì đâoj Mẫu sắp xếp theo cấp sắc rõ ràng hơn tránh lộn xộn mẫu chúa chầu. Tuy nhiên tùy địa phương vẫn gọi các vị đó là Mẫu. Vì vậy trong đạo Mẫu của ta có cái chung cái riêng cũng như chữ Hán ta phát triển ra chữ Nôm. Ngoài ra đạo Mẫu của ta còn lấy theo Tứ bát tử của Việt Nam được sắp xếp trong kinh “Quang minh tu đức” là Đức thánh Tản, Mẫu Liễu Hạnh, Chử Đồng Tử, Đức thánh Gióng. Ở đây có đầy đủ 3 yếu tố thiên địa thoải nhưng có 1 cái khác là Đức thánh Tản được phát triển theo nhà Trần, sau này chỉ có con gái và các bộ tướng được phát triển theo mẫu Liễu Hạnh tức là theo đạo Mẫu hiện nay Mẫu là chúa, chầu, tiên cô, Chử Đồng Tử là các Quan, ông Hoàng, Thánh Gióng là các cậu.

Đạo mẫu là phong cách riêng của dân tộc Việt Nam, nếu biết thống nhất quy định và thể hiện quan điểm rõ ràng với đạo Mẫu thì đạo Mẫu sẽ xứng tầm quốc tế. Thứ nhất, nếu để đạo Mẫu theo kiểu xô bồ thả lỏng như hiện nay và không có hướng nghiên cứu rõ ràng thì đạo Mẫu ngày càng trở thành mê tín dị đoan và hủ tục. Không nên cấm đồng bóng, ta nên quy chế phối hợp với phương thức đồng bóng cổ tạo ra quy định cho đồng bóng. Thứ hai, quy chế rõ ràng về tổ chức rõ ràng về đồng bóng, về số lượng tài chính, số lượng lộc để giảm thiểu về kịnh tế. Thứ ba là quy chế rõ ràng có nghiên cứu cương mục các điều khoản, cam kết của các nhà bói toán, ngoại cảm về tâm linh. Muốn được như vậy phải hiểu biết phong tục tập quán và phải theo hướng tùy tâm có quy định bám sát vào hầu bóng cổ truyền, thực sự là người hành đạo. Thứ tư là các cơ sở hành lễ tâm linh phải có báo cáo đăng ký rõ ràng có sự giám sát chặt chẽ giữa cơ sở và người dân, các cấp chuyên quản và chính quyền địa phương, có quy chế nội quy yêu cầu thực hiện đúng. Thứ năm, tâm linh đạo Mẫu là lòng tín ngưỡng của nhân dân nhưng phải có sự nghiên cứu chặt chẽ và quy định một cách tôn trọng, hiểu biết tín ngưỡng, phù hợp cân bằng giữa cái cổ và cái kim, giữa lòng tín ngưỡng và vật chất, điều quan trọng là không làm mất đi tính phong cách văn hóa nghệ thuật tâm linh.

Trên đây là những ví dụ và ý kiến của tôi. Tất nhiên nói thì dễ mà làm thì khó, nhưng tôi thiết nghĩ chúng ta đặt ra khó để có sự quyết tâm làm, chứ không phải khó để chùn bước thả lỏng làm bừa như hiện nay. Tôi ví dụ như một số lễ hội tổ chứ thi đồng làm nhân dân và thanh đồng trong lễ hội rất phẫn nộ, người xem chỉ là hiếu kỳ và coi trọng tính chất có tổ chức mà thôi. Những người ngồi chấm thi thì không hiểu biết về phong cách trang phục, lề lối, phép tắc. Tôi xem những người đó gì ở ngoài cũng như ở trong băng đĩa được giải nhất, được trao tặng này nọ nhưng thật ra các vị đó, theo đồng bóng gọi là “đồng cua, đồng ốc” và theo biểu diễn thì thuộc loại nghiệp dư. Thà rằng mời đoàn chèo về biểu diễn còn hơn. Tôi nghĩ rằng một là chúng ta phát triển theo phong cách nghệ thuật biểu diễn, hai là chúng ta phát triển theo ý nghĩ tâm linh. Tuy nhiên, có thể tự cho là hơn về phong cách đối với nghệ thuật nhưng đối với ý nghĩa tâm linh thì phải cực kỳ khuôn khổ. Không phải trong đồng bóng không có quy định, tất cả được đúc kết bằng câu “lính có công, đồng có phép”. Vì vậy các vị cần phải lấy cái “công” cái “phép ” đó để mà bám sát nghiên cứu.

Hiện nay dân trí con người rất cao nhưng sự hiểu biết về văn hóa tâm linh rất mù quáng, không chỉ về đạo Mẫu mà cả về đạo Phật và các đạo khác khiến một số kẻ lợi dụng lòng tin và cơ chế pháp luật thực hiện những chuyện buôn trời bán phật, buôn thần bán thánh, làm ra không ít sự tan cửa nát nhà của nhiều gia đình. Từ sự hỗn độn đảo điên kém hiểu biết trong tâm linh khiến tâm linh trở thành thời rất thịnh nhưng tồn tại trong đó sự “mạt pháp”, suy thoái phẩm chất, văn hóa một cách trầm trọng, đáng báo động. Tâm linh là một phần tồn tại song hành với duy vật trong con người khi hình thành con người cũng như âm dương – âm dương phải cân bằng thì vạn vật sinh sôi. Trong con người cũng vậy, âm dương cân bằng thì khí huyết mới lưu thông. Trong ý thức cũng vậy, vật chất và tâm linh phải tương xứng thì ý thức mới tư duy ổn định.Sự vận dụng ý thức tâm linh và ý thức vật lý sẽ tạo nên sự tương đồng, khi đã có sự tương đồng cân bằng thì sự phát triển của tâm, của vật chất sẽ hoàn toàn đạt được đỉnh cao chân thiện mỹ.

Tôi thấy rằng chúng ta phải có một môn khoa học tâm linh thực sự chứ không phải giảng dạy về hình thía của các tôn giáo, mà nên giảng dạy bám sát vào ý thức tâm linh dân tộc, ý thức đó tồn tại trong mỗi con người của dân tộc Việt Nam và toàn thế giới. Lối giảng dạy nghiên cứu chuyên sâu theo triết lý để dành cho những vị học đạo rồi giảng dạy theo lối học để biết thì quá sơ sài, trong đó không kết hợp được sự thực hành tư duy ý thức tâm linh dân tộc khiến những người rất có trí thức lại rất mù quáng về tâm linh, đặc biệt về tâm linh dân tộc. Những phong tục gắn liền với tâm linh như lễ hội đình chùa miếu mạo đền ???, gia tiên, ma chay, cưới hỏi, … không được chú trọng trong giảng giải, các bài cúng Nôm – Hán gia tiên không được ví dụ trong giảng dạy mà chỉ giảng dạy bằng lý thuyết cao siêu. Những lý thuyết này hoàn toàn là duy tâm. Phải có sự biện chứng và chứng thực, còn những vấn đề để cải biến, duy trì vốn cổ của tâm linh ngay tại dân ộc mình thì lại không có. Chính sự không hiểu biết này khiến cho cả một hệ thống trí thức đến người dân dần dần mất đi và không hiểu biết đến tâm linh tạo nên sự tranh cãi nhau ở các gia đình, nhà đám, các lễ hội như một mớ bòng bong và một cục không ra đầu không ra cuối.

Các nhà chuyên quản tạo quy định và quy chế cũng rất chung chung như phù hợp với phong tục tập quán tại địa phương đơn giản tiết kiệm…nhưng phong tục tập quán địa phương là gì? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm giảng giải cái phong tục tập quán này. Trên thì không quy định rõ, dưới mặc kệ thì tất phải lộn xộn. Nếu như dựa vào quy định trên của từng làng xóm hợp lại với chính quyền địa phương đưa ra quy định rõ ràng giảm những hủ tục không cần thiết nhưng khốn nỗi phong tục tập quán hiện nay đến người 60 tuổi sinh sống tại đó còn lờ mờ thậm chí không biết thì làm sao mà quy định được. Chính vì chúng ta không tổng kết cái chung của phong tục tâm linh Việt Nam nên chúng ta không có điểm dựa để phát triển cơ bản bền vững.

I. Đạo mẫu của Việt Nam ta được kết hợp với đạo giáo và phật giáo

Trong đạo mẫu người ta thường thờ đức phật bà quan âm hoặc đức phật chuẩn đề nghìn tay nghìn mắt.

Về đạo giáo người ta thờ Tam giới thiên chúa tứ phủ vạn linh.
Tam giới thiên chúa là ba vị vua cai quản trên ba cõi trời là: Tiên giới, dục giới và sắc giới. Tam giới thiên chúa không phải là Tam giới ba cõi Thiên địa thoải hoặc “Thiên địa nhân”.
* Tứ phủ vạn linh công đồng thánh đế gồm có:
+ Trên có vua cha Ngọc Hoàng cai quản vùng trời;
+ Dưới có Ngũ Nhạc Thiên Tề cai quản vùng núi;
+ Tiếp đến Thập Điện diêm la cai quản Địa Phủ;
+ Cuối cùng là Bát hải long vương cai quản thủy phủ;
Đó là hệ thống thần của Trung Quốc

II. Đạo mẫu của Việt Nam phải được hiểu theo phương diện đạo dành cho những “Linh hồn bất tử” luôn luôn sống và hiện hữu với con người tuy không thể thiếu yếu tố của trời của tam giới nhưng đạo mẫu lại tôn vinh con người chứ không phải là tôn vinh thế giới quyền uy của Tâm linh.

Đạo mẫu là sự bất tử của con người nghĩa là “Nhân vi chúa tể”. Con người là chúa tể của vạn vật “sinh nhân, sinh thiên, sinh địa, sinh phật, sinh thánh, sinh thần, sinh tiên”.

Vì vậy cái riêng của đạo mẫu rất đặc sắc và khác với các tôn giáo khác. Ngoài sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đạo Tam giáo thì đạo mẫu của Việt Nam đã tìm được một ý nghĩa riêng.
Ta thấy trong tục thờ mẫu như sau:

Thứ nhất Mẫu Liễu Hạnh: là người đứng đầu và có uy quyền nhất được mặc áo đỏ
Tiếp theo là mẫu đệ Nhị Na Bình công chúa mặc áo xanh.
Sau cùng là bà Thủy Tinh công chúa mặc áo trắng

Đó là toàn bộ hệ thống Tam tòa thánh mẫu.

Trong sách cúng ghi chép khác sự sắp xếp lại theo thiên địa thoải thượng. Nghĩa là: đứng đầu là bà Thanh Vân công chúa, tiếp đến Địa tiên Liễu Hạnh công chúa và thủy cung công chúa, sau cùng là Nhạc tiên công chúa. Nhưng đối với hình ảnh của linh hồn bất tử trong đạo mẫu thì bà Địa tiên là con trời là Thanh Vân công chúa, là huyễn tưởng và được huyền hóa thành bà Địa Tiên Liễu Hạnh công chúa.

Cái thứ 2: Đạo mẫu đạo của linh hồn bất tử được hiện hữu và tồn tại là chính những con người đang sống. Chính vì hai lẽ trên bà Thanh Vân cửu trùng công chúa được thờ tưởng vọng ngoài trời.

Bà Địa tiên được thờ chính cung trong hậu đường, vì bà mang ý nghĩa nhân vi chúa tể với sự bất tử là “Càn khôn hợp đức” là mẹ, là phật, là tiên, là nhân gian. Chính vì vậy bà có vị trí tối thượng trong đạo mẫu.

Chính vì đạo dành cho sự bất tử, sự tồn tại của nhân gian và sức sống, sự sáng tạo vật chất ái lạc trẻ hóa đoàn kết của con người Việt. Tác dụng của rừng của nước đối với đời sống nhân dân, không chỉ riêng dân ta mà là toàn thế giới.

Bà Nhạc Tiên thánh mẫu được xếp trong vị trí thứ hai trong đạo mẫu. Bà Thủy Tinh thánh Mẫu được xếp vị trí thứ ba trong đạo mẫu.

Mẫu thiên ở đây vừa là thiên vừa là địa là mẫu Liễu Hạnh (Sắc phong Đệ nhất Thiên Tiên).
Mẫu thượng là Na Bình công chúa.
Mẫu thoải là Thủy Tinh công chúa.

III. Sự huyền hóa của đạo mẫu với tòa Sơn Trang

Sơn trang còn có tam thập lục động, nghĩa là ba mươi sáu động sơn trang
Bát bộ sơn trang (tám bộ sơn trang) và 82 cửa rừng, 72 cửa biển.
Sơn trang có ba bà quản lý tối thượng nhất trong sơn trang. Sách cúng có ghi “Ba vị tối linh quyền hành một cõi”. Ba vị này là ai?

Thứ nhất: Thanh Sơn Đại Vương Bạch Anh Quản Trưởng Sơn Lâm Công Chúa Lê Mại Đại Vương

Thứ hai: bà Diệu Tín thiền sư Na Bình công chúa
.
Thứ ba: bà Diệu Nghĩa thiền sư Quế Hoa công chúa.

Ở đây bà Na Bình công chúa là hình ảnh chuyển hoá vì vậy được thờ phối với tam toà Thánh Mẫu như vậy trong Sơn Trang Chầu bà Đệ Nhị Đông Cuông là người đại diện mẫu và chúa bà cai quản tam thập lục động thập nhị tiên nàng bát bộ sơn trang .
Đó là sự kết hợp hài hòa giữa người Kinh và người dân tộc, là sự hòa nhập với ý nghĩa Đất nước là của chung không phải của riêng, của người kinh hay của người dân tộc. Chúng ta cùng sống cùng trị vì non sông, dân ta cùng chia sẻ cùng thờ một thánh. Ý nghĩa đoàn kết sâu xa của tục thờ sơn trang thật huyền diệu và cao cả. Ở đó có cây rừng, muôn thú có mỏ vàng, mỏ bạc có hoa thơm trái ngọt, có muôn giống cây trồng và có hàng nghìn vị thuốc để cứu đời cứu người. Đó là sự cân đối giao thoa giữa trời và đất. Rừng núi giữ nước cho đất, che chở cho đất để con người dựa vào đất mà sống mà tồn tại và vĩnh hằng bất tử với trời xanh.

Đó là sự tôn vinh tinh thần dân tộc. Sớm hiểu ra giá trị cao cả của rừng của núi, ý nghĩa sống còn góp phần tồn tại đất và nước, cho con người luôn trẻ hóa và thanh xuân, sự cân bằng sinh thái giữa tâm và vật giữa con người với thiên nhiên.

IV. Đạo mẫu được thể hiện đặc sắc hơn khi ta thấy năm vị quan lớn hiện hữu trên ban công đồng

Năm vị quan được dân ta quan niệm là con trời giáng sinh nhưng không giáng sinh ngay xuống trần gian mà giáng sinh xuống thoải phủ. Qua đó đã cho ta hiểu được phần vị trí quan trọng của nước như thế nào đối với dân tộc. Các vị quan ấy đều từ nước mà lên, đều từ người cha của đất Việt của dân tộc ta mà ra.

Theo truyền thuyết 5 quan đều sinh ra và tồn tại thời vua Hùng, về lịch sử của năm quan thì còn chưa rõ. Chưa rõ bởi lịch sử viết một cách, đạo nói theo một kiểu và dân địa phương dùng theo nghĩa địa phương.

Trong Đạo Mẫu bất kể ở đâu đều chỉ có năm ông quan, năm vị quan này đại diện cho Thiên, Nhạc, Thoải, Địa, Nhân, đại diện cho năm phương nhạc phủ, đại diện cho ba cõi Thiên Địa Thoải, đại diện cho sắc màu phương vị. Vì vậy trong đạo mẫu không tồn tại thêm một vị quan nào khác.

Sự lầm tưởng bấy lâu của dân chúng là có quan Điều thất. “Đào tiên quan Điều thất” chính là đệ nhất thượng thiên tôn quan.
Chúng ta cũng thấy được xung quanh đền vua cha Đồng Bằng là cả một hệ thống đền phủ các quan. Đi ra ngoài ta thay đền quan đệ nhị, sang sông ta thấy đền quan tam, rẽ ra đường mười ta thấy đền quan đệ tứ, qua phà tranh ta thấy đền quan đệ ngũ.
Có những ý kiến cho rằng quan đệ nhất, đệ nhị là sự huyễn hoặc của dân ta nhưng không phải các vị đó đều là nhân thần là người Việt, được dân ta huyễn hoặc ra, được bất tử hóa với chính cái tâm của nhân dân.

Như vậy ta thấy được:
Quan đệ nhất Đào Tiên, quan Điều thất đại diện cho con người tâu đối Thượng Thiên và Trấn Nam mặc áo đỏ
Quan đệ nhị giám sát thượng ngàn đại diện cho con người, quản lý rừng núi muôn dân, tạo phúc thế gian. Trấn Đông phương mặc áo xanh.
Quan đệ tam: Tam Hoàng Thái tử đại diện cho con người, dưới thủy cung trấn Tây phương mặc áo trắng
Quan đệ tứ: Thiên Hựu Đại Vương khâm sai tứ phủ đại diện cho con người dưới cõi âm ti địa ngục. Xem xét việc duyên trần, nghiệp kiếp của thế gian trấn trung ương mặc áo vàng.
Quan đệ ngũ: Đệ Ngũ Tuần Tranh là vị quan chịu trách nhiệm tội phúc nhân gian, đại diện của con người trong ba cõi, kiểm duyệt tâu đối sớ sách về các phủ các tòa, thống lĩnh thiên địa binh, trấn Bắc phương mặc áo tím.
Văn “Tiếng oai hùng mời năm quan hoàng thái tử tuân sắc rồng trấn thủ 5 phương”

Sự sắp xếp của 5 quan lại theoTam tòa thánh Mẫu. Ta thấy sự hiển thị của quan đệ tứ và quan đệ ngũ, một vị quan làm việc ở cõi địa phủ và một vị quan làm việc ở cõi nhân gian. Đó chính là
“Thiên, Thượng, Thoải, Địa, Nhân "

Như vậy sự tách bạch của các cõi đối với đạo mẫu rất rõ ràng nhưng không lộn xộn, không xa rời Tam Tứ Phủ và nguyên lý Ngũ Hành. Đó là cái được trong đạo mẫu, là ý nghĩa văn hóa của dân ta. Không bị đồng hóa với văn hóa phương bắc mà ta dùng cái của ta, ý chí linh hồn ta đồng hóa lại văn hóa phương bắc.

V. Trong đạo mẫu ta thấy sự hiện diện của 12 vị Chầu bà, là những vị hóa thân của mẫu thiên thượng thoải, là những hình ảnh đời nối đời trong một xã hội và nó chứng minh cho sự thanh xuân trẻ hóa con người, đất nước.

Chầu bà thứ nhất Thượng Thiên là Bán Thiên công chúa: được thờ ở cây hương các đền phủ. Ngài là hóa thân của mẫu Liễu Hạnh.
Chầu bà đệ nhị Đông Cuông là hóa thân của mẫu đệ nhị, thay quyền mẫu, thay quyền chúa bà cai quản Tam Thập Lục Động, Bát Bộ sơn trang. Bà là một trong tứ phủ chầu bà Khâm Sai có vị trí rất quan trọng trong đạo mẫu

Chầu bà đệ tam là hiện thân của thánh mẫu đệ tam. Đời Lý có bà Mẫu Thoải ở Bắc Ninh, bà Vũ Nương ở Nam Hà. Đời Trần có bà bán nước, bà Châu Nương. Đời Lê Nguyễn thì tôn vinh mẫu Hàn Sơn Thanh Hóa.
Chầu bà đệ tứ là “Chiêu Dung công chúa” là tướng của Hai Bà Trưng.
Chầu bà đệ ngũ là công chúa đời Lý, tu trên suối Lân, phù giúp nhà Lê đánh giặc.

Chầu lục đời Trần, là hóa thân của mẫu Liễu Hạnh, bị giặc Nguyên hãm hại, bà tự vẫn giữ trọn khí tiết. Sau này bà hóa thân, phù giúp vua Lê đánh giặc và được phong là Lục cung công chúa hay Chúa lục cung nương.
Chầu bẩy là tướng của Hai Bà Trưng được phong là Tân la công chúa.
Chầu tám là tướng của Hai Bà Trưng được phong là Bát Nàn công chúa, Bát Nàn Đại Tướng Đông Nhung.
Chầu chín là hiện thân của mẫu Liễu Hạnh ở Sòng sơn Thanh Hóa.

Chầu mười là tướng của vua Lê Thái Tổ ở Đồng Mỏ Chi Lăng “Mỏ Ba công chúa”.
Chầu bé Bắc Lệ là hiện thân của mẫu thượng ngàn, là người con gái bị giặc Nguyên hãm hại nên khí tiết quên sinh. Sau này bà hiển linh phù giúp nhà Trần, nhà Lê.
Chầu cuối cùng là bản đền hoặc vị bản cảnh, chầu này trong số 12 chầu có khi được hầu ở trên hoặc ở dưới tùy theo sắc phong của vị chầu đó ở bản xứ.
Đó là mười hai vị chầu bà.

Trong 12 vị chầu bà này có 4 vị là Tứ Phủ Khâm Sai:
Chầu bà đệ nhị
Chầu lục cung
Chầu mười Đồng Mỏ
Chầu bé Bắc Lệ

Bốn vị này được cho là anh linh nhất hay hiện hữu với người trần gian nhất và cũng là bốn vị được sang khăn nhận đồng.
Chầu bà đệ nhị và chầu Lục cung là hai vị hầu cận bên cạnh mẫu thượng và chúa bà.

VI. Sau 12 vị chầu bà là 10 giá ông Hoàng

10 giá ông Hoàng theo dân gian thì các ông đều là con của trời giáng xuống thủy cung, con vua cha Bát hải và đầu thai lên trần gian để giúp đời qua các thời kỳ Lý Trần Lê và Lê Trung Hưng

Ông Hoàng Quận làm việc Thượng Thiên
Ông Hoàng Đôi làm việc Khâm Sai
Ông hoàng Bơ làm việc thoải cung Khâm Sai
Ông Hoàng Tư làm việc Tùy Tòng
Ông Hoàng Năm làm việc Nội Chính
Ông Hoàng Sáu làm việc Lục Bộ
Ông Hoàng Bảy làm việc Khâm Sai
Ông Hoàng Tám làm việc Lục Bộ
Ông hoàng Chín làm việc Nội Chính
Ông Hoàng Mười làm việc Khâm Sai

Như vậy ở đây ta thấy được có 4 vị Khâm Sai, 4 vị này đại diện cho 10 ông Hoàng, chấm lính nhận đồng được gọi là tứ phủ ông Hoàng.

VII. Sau 10 ông Hoàng là 12 giá cô

Cô có Thánh cô, Tiên cô, Chúa cô, Chầu cô nhưng tất cả được quy chuẩn với 12 vị Thánh cô
Cô cả Động Đình
Cô đôi Thượng Ngàn
Cô bơ Thoải Cung
Cô tư Tây Hồ
Cô năm suối Lân
Cô sáu Trang Châu
Cô bảy Tân La
Cô tám Đồi Chè
Cô chín Cửu Tỉnh
Cô mười Mỏ Ba
Cô mười Một Bản Đền
Cô bé Bắc Lệ

Trong 12 thánh cô thì có 4 cô hầu cận mẫu và được mẫu cắt cử việc “chấm lính nhận đồng” ban tài phát lộc và thường xuyên biến hiện kiểm tra giám sát tội phúc nhân gian. Đó là:
Cô đôi Thượng Ngàn
Cô bơ Thác Hàn
Cô chín Cửu Tỉnh
Cô bé Bắc Lệ
Được gọi là Tứ Phủ Thánh Cô

VIII. Sau 12 thánh cô là 10 giá thánh cậu
Cậu Quận
Cậu Đôi
Cậu Bơ
Cậu Tư
Cậu Năm
Cậu Sáu
Cậu Bảy
Cậu Tám
Cậu Chín
Cậu Bé
Mười giá cậu chỉ có 4 cậu hay về đồng và chuyên trách việc chấm lính nhận đồng đó là:
Cậu Quận
Cậu Bơ
Cậu Đôi
Cậu Bé

IX. Ta thấy trong trong đạo mẫu thờ các linh vật

Rắn, gồm (thanh xà và bạch xà), đó là sự hiện hữu của loài vật bất tử, loài vật luôn thanh xuân và trẻ hóa, nó còn là hình ảnh của nước, hình ảnh linh thiêng, là chúa tể của nước, nó hiển hiện trên rừng dưới biển.

Hổ (ông Hổ - 5 dinh quan lớn gồm có 5 ông hổ), được cho là chúa sơn lâm, lấy từ tích ông mãnh hổ là tôi thần của thổ địa và từ tích 5 ông mãnh hổ sinh ra ở Thanh Hóa về sau thành 5 tướng phù giúp đức Thánh Tản.

Sự hiện hóa của các linh vật, một là chúa rừng núi hùng mạnh,hai là sự bất tử lột xác thanh xuân và trẻ hóa. Là sự kết hợp rất vuông tròn và đồng ý nghĩa đã tao nên 2 chữ thiêng liêng “đất nước” và ý thức bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn và cân bằng sinh thái.

X. Thông qua các giá trong đạo mẫu ta thấy được sự sắp xếp hài hòa tư trên xuống dưới

Sau Mẫu là các quan là chầu bà là ông hoàng là cô là cậu.
Sự hài hòa này liên quan đến 1 chuỗi phả hệ. Được hiện hữu như một gia đình, mặt khác lại như một triều đình. Như vậy Đạo mẫu đã đồng hóa được Nho giáo và Lão giáo.

Đạo mẫu đã nói lên được cái gốc vững bền là gia đình hạnh phúc. Cái gốc của đất nước là Đức, cái Đạo của Trời Đất là hiếu sinh “Từ bi” là “ái lạc”.

Đạo mẫu đã khẳng định một chân lý mới, con đường mới cho tâm linh Việt nam và tâm linh thế giới. Đó là gì? Là “Từ bi” là “vô lượng” như đức phật là Huyền Hóa toàn năng như đấng Ngọc Hoàng vô thượng là nhân vi chúa tể, con người là chúa tể của vạn vật, là gia đình là xã hội. Một gia đình, một xã hội, “từ bi hỷ xả” “nhân ái” “trọn tình” “an lạc”.

Đạo mẫu thể hiện một tính chất đồng hóa các đạo, tạo nên một nét chấm phá, một chân lý, một ý nghĩa nhân văn mà sự tổng hợp đó là đạo Phật được hiện hóa như một người mẹ, người mẹ từ bi.

Đạo mẫu đã nói lên được sự vô thượng được triết lý cao siêu của nhà phật, nhà thánh đối với đạo là hòa nhập với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên cùng sống với thiên nhiên.
Đạo mẫu còn khẳng định được chân lý dân tộc, rèn luyện con người ý chí và trách nhiệm đối với dân tộc.
Đạo mẫu tôn vinh người phụ nữ, phá bỏ cố chấp là sự tiên phong của bình đẳng nam nữ.

Đạo mẫu là gốc của ngọn nguồn của tâm con người được nung nấu chính tâm của những con người đang sống, khơi dậy cho con người chân tính, “nhân chi sơ tính bản thiện”
Bằng những hình ảnh và những lý do trên “linh hồn bất tử” ra đời và nó không ngừng biến đổi để một ngày này đó trong dân gian hình thành nên đạo mẫu và hình thành nên đồng bóng.

HIỂU ĐÚNG VỀ NHÀ TRẦN - THỜ NHÀ TRẦN - HẦU NHÀ TRẦN

Nhà Trần không phải một phủ. Sự sắp xếp nhà Trần theo gia đình chứ không theo chức tước, hàng bậc như trong Tứ phủ: có vua Mẫu, các Quan, Chúa, Chầu, ông Hoàng, thánh Cô, thánh Cậu.

Tất cả nhà Trần, lục bộ thánh ông đều được phong tước, ngự áo đỏ, riêng cô Đại Hoàng ngự áo vàng, cô Thái Bình ngự áo xanh. Đức đại vương tuyệt đối không lên đai thượng, không múa long đao, đi cờ kiếm từ vào hè trở đi, còn mùa xuân khai đền Ngài đi cờ hồng bằng khăn phủ diện. Đức đại vương không xuyên lình lấy dấu máu. Người thủ nhang đồng đền có căn mới được hầu Ngài chứ không như bây giờ thích hầu là hầu, thật là lỗi đạo, không có phép tắc gì cả.

Hiện nay có người nói là chỉ có sáu vị hầu mà thôi là Đức đại vương, Đức ông đệ tam, cô Đệ nhất, cô Đệ nhị, cô Cửa Suốt, cậu Cửa Suốt. Điều đó thật là nhố nhăng và vô căn cứ. Điều này rất tai hại cho tục thờ nhà Trần. Cứ nghĩ rằng lục bộ là sáu giá, nhưng lục bộ ở đây là lục bộ Đức thánh ông, sáu tướng phù giúp Đức đại vương. Họ cho rằng cô Cửa Suốt là cháu Đức đại vương nhưng cô là người chở thuyền và dắt ngựa cho Đức ông đệ tam. Cậu biển Đông là cháu của Đức đại vương nhưng làm gì có cậu biển Đông. Cậu chỉ là cậu bé bản đền hầu Mẫu ở đền Cửa Ông. Điều nhầm tưởng đến nực cười và lố bịch là người ta quy cô bé cậu bé vào nhà Trần và hầu như hầu Tứ phủ. Giá như có cô bé cậu bé nhà Trần thì các đền các phủ phải thờ cùng, đằng này chẳng một nơi đền thờ điện cổ thờ hai vị này cả. Nếu có đi nữa thì không thể lấy theo tên của Đức ông Cửa Suốt mà là cô Thiên Trường, cậu Bảo Lộc mới đúng. Thực ra hai vị này chỉ là tùy tòng của Đức ông đệ tam không thuộc hệ thống chính của nhà Trần, chỉ được hầu ở vùng Đông Bắc Quảng Ninh. Do thiếu hiểu biết mà truyền bá lung tung. Chúng ta cũng phải hiểu rõ nhà Trần không phải là 1 phủ nên không có Chúa, Chầu, ông Hoàng, cô bé, cậu bé. Cô đệ nhất, cô đệ nhị là theo tên gọi trong gia đình chứ không phải theo tên gọi của Tứ phủ.

Hầu nhà Trần riêng biệt, không phải tráng bóng Tam tòa thánh Mẫu. Hầu nhà Trần đều đi cờ kiếm gọi là cờ kiếm lệnh vua ban “đánh đông dẹp bắc cho an nước nhà”. Chỉ có mình Đức ông phò mã là Điện tiền tướng quân, tức tướng tiên phong, Ngài mới đi chấp kích hoặc đao.

Hiện nay ở đền Kiếp Bạc, Bảo Lộc, đền Trần cho hầu đồng, thậm chí còn thi đồng đều cho hầu cả Tứ phủ. Điều đó là điều kỵ ở các cửa đền nhà Trần. Tôi cũng không hiểu các vị già làng bô lão cũng như các vị đồng thày, đáng trách hơn là các vị làm văn hóa, một di tích quốc gia mà lại làm sai như vậy. Nực cười thay lại tổ chức trình UNESCO công nhận di sản văn hóa trong khi đó chính bản thân các vị chưa hiểu và nghiên cứu chỉn chu nghiêm túc về đồng bóng. Ở Kiếp Bạc, sau khi hầu nhà Trần phải sang bên Nam Tào Bắc Đẩu để hầu Tứ Phủ. Ở Bảo Lộc thì ra hầu Tứ phủ ở ngoài. Tôi đi rất nhiều nơi nhưng nay thấy mẫu ở Đại Lộ là vẫn giữ nguyên lối thờ cổ và lối hầu về nhà Trần mà thôi. Hiện nay người ta hầu nhà Trần chung với Tứ phủ rất lộn xộn.
Nhà Trần thuộc dòng tam phủ: thiên, địa, thoải nên không phỉa mở phủ, nười có căn nhà Trần chỉ cần làm lễ đội lệnh nhà Trần là hầu được, trước nhất chỉ hầu cô đệ nhị Đại Hoàng mà thôi. Quy định 3 năm mới được hầu nhà Trần là sai. Quy định này do cảm hứng tự bịa của các ông đồng bà đồng, vốn dĩ họ chưa nắm chắc các hàng giá nhà Trần thì làm sao mà biết quy định.
Người đội lệnh nhà Trần trước khi mở phủ phải được đội lệnh tại điện thờ nhà Trần, hầu tráng bóng các vị sau đó mới xuống phủ hầu, đến khi hầu tạ là được phép hầu cô đệ nhị Đại Hoàng, từ đó trở đi được hầu Đức thánh ông khác nhưng không được hầu Đức đại vương.

Các quy định mà trở thành buôn bán như bây giờ ở các đền Bảo Lộc, Kiếp Bạc là cấp sắc thanh đồng, người nào cũng đến xin sắc. Tôi không hiểu họ xin về để làm gì. Trước đây các vị nào muốn thờ nhà Trần, muốn hầu nhà Trần thì phải mời pháp sư thảo sắc để vào trong 1000 vàng đại thiếc. Đạo trưởng hầu chư vị đức ông về lấy tay đập nát 1000 vàng ra lấy sắc, pháp sư tuyên đọc sau đó Ngài phê sắc, đặt tên đền điện, đóng dấu cất ấn. Còn bây giờ thì quá lộn xộn. Tâm linh mỗi người một vẻ nhưng tôi khuyên các vị dừng ngay mà phải hiểu đúng lý chứ đừng nghe bọn buôn thần bán thánh mà rước họa vào thân.
Nhà Trần không phải một phủ vì vậy nhà Trần không ai phải trả mã cũng không ai nợ mã nhà Trần cả. Tất cả dâng lễ nhà Trần chỉ có hình thức tiến cúng vàng mã mà thôi. Có thể là chục vàng lá, trăm vàng đại thiếc hoặc có thể là tiểu đàn, trung đàn, đại đàn. Mà tôi cũng nói thẳng là các vị đồng cổ và đồng thày của các thày đồng bây giờ cũng chưa trả mã nhà Trần vì làm gì có mã mà phải trả. Nếu có nó đã là đường mòn phải nhớ ngay, đằng này đều đếm xem bao nhiêu giá rồi phán lung tung không theo quy định nào cả.

Người có căn nhà Trần mới đội lệnh nhà Trần. Người Đinh Nhâm Quý Giáp, người có căn Ngọc Hoàng cầm mệnh, Ngũ vị Tôn quan, lục bộ khâm sai ???. Người hầu nhà Trần đều lập điện lập tĩnh để thờ và chủ yếu là những vị kim chi đôi nước trừ tà trị bệnh cấp sắc làm dấu làm bùa.

Vì vậy hiện nay tất cả những người đồng bóng đều hầu nhà Trần và người ta gọi một cách vô học là “mở phủ nhà Trần”.
Trên đây là một số hiểu biết mà hàng trăm năm nay của chư vị tổ sư cũng như các chư tổ tôi truyền lại vì vậy rất mong chư vị hiểu được, đi theo đúng đường lối, đừng vì cái lộc cái tài mà quên đi nguyên tắc, bất chất mọi lời nói tốt đẹp mà đi theo cái mê hoặc của bọn tà ma buôn thần bán thánh mê tín dị đoan, tài lộc chẳng thấy đâu, chỉ thấy con cháu tù tội, trộm cướp, nghiện hút, rược họa vào thân muôn đời chịu nghiệp.

Vàng mã nhà Trần không được quy định như bốn phủ vì không có nợ hay mở phủ nhà Trần. Chỉ cần chục vàng lá, trăm vàng đại thiếc là hành lễ được. Nếu tiến cúng nhà Trần để xin binh xin quyền thì có 3 đàn để tiến cúng
• Đàn tiểu: dâng từ 1 đến 6 ngựa đỏ (1 Đức đại vương, 4 vị hoàng tử, 1 Đức ông phò mã)
• Đàn trung: 6 đến 8 ngựa đỏ, 1 kiệu rồng 1 voi vàng hoặc trắng, 1 thuyền rồng đỏ, 60 người lính năm phương năm màu (1 ngựa, 1 voi, 1 kiệu dâng Đức ông; 4 ngựa dâng Tứ vị hoàng tử, 2 ngựa dâng Đức ông tả hữu,1 ngựa dâng Đức ông phò mã, thuyền rồng dâng cô Đệ nhị Đại Hoàng)
• Đàn đại: ngũ phương binh tướng (ngũ phương binh lực), Đức đại vương dâng 1 long mã đỏ, 1 thuyền rồng đỏ, 1 kiệu vàng, 1 bạch tượng; Tứ vị hoàng tử dâng 4 ngựa đỏ, 4 voi vàng, 4 thuyền rồng; Đức ông phò mã dâng 1 ngựa đỏ; Đức ông tả Yết Kiêu dâng 1 ngựa đỏ, Đức ông hữu Dã Tượng dâng 1 voi đen; cô Đệ nhất 1 xe loan; cô Đệ nhị 1 phượng cát, 1 thuyền rồng vàng, 1 voi vàng; Lục bộ binh tướng khâm sai dâng 6 tướng cưỡi ngựa đỏ cắm cờ năm màu. Đông phương 12 đội quân, mỗi đội 12 lính mặc áo xanh cưỡi ngựa cầm kiếm, 1 vị tướng cưỡi ngựa đứng đầu cắm cờ xanh. Nam phương màu tím, Bắc phương màu đỏ, Tây phương màu trắng, Trung phương màu vàng, Tiền binh màu đỏ, Hậu binh màu đen, tất cả đều số lượng như trên. Ngoài ra ở Trung phương còn thêm 6 đội binh (12 quân) cầm trung tiễn, 6 đội quân cầm giáo, 6 đội quân cầm kiếm, 1 tướng cưỡi ngựa vàng cắm cờ vàng; Nam phương các binh đều cưỡi voi đen và 1 tướng đi đầu cưỡi voi đen cắm cờ đen; Bắc phương các tướng ẩn xe hỏa và bắn pháo, đi đầu là xe ngựa trên có lốt tướng cắm cờ đỏ; Tây phương các binh đứng trên thủy xa, mỗi tướng đứng trên thuyền rồng trắng cắm cờ trắng; Tiền binh mỗi đội đều gồm 4 xe ngựa, trên mỗi xe 3 lính, 1 tướng ngồi trên xe; Hậu binh các đội đều cưỡi ngựa, 1 tướng ngồi trên ngựa cắm 5 loại cờ. Ba đội binh thượng Nùng, Tày, Mường mỗi đội gồm 6 tiểu đội đi thuyền độc mộc, 6 tiểu đội đi mảng, 6 tiểu đội cưỡi ngựa, 6 tiểu đội bộ binh, 5 lốt tướng giả hổ (đầu hổ mình người), 100 cờ lệnh các màu, 3 mũ Bình thiên tam phủ, 1 mũ Ngọc Hoàng vàng, Nam Tào tím, Bắc Đẩu đỏ, 1 hành khiển, 1 hành binh (màu sắc tùy theo năm đó), mũ đương cảnh thành hoàng (tùy địa phương), mũ Đức ông, Tứ vị hoàng tử, Đức ông phò mã, Lục bộ đức thánh (tất cả đều màu đỏ), 1 mũ thày văn đỏ, 1 mũ thày võ đỏ, 3 mũ phượng màu đỏ, vàng, vàng dâng Vương phi va 2 cô, 17 mũ quan văn, 17 mũ quan võ các màu, 36 mũ rừng man di bộ tướng, 36 cờ tiễn thêu rồng, 36 cờ thần để không, 8 cờ bát quái in các quẻ, 5 cờ ngũ hành kim mộc thủy hỏa thổ, 5 cờ hỏa tiễn năm màu thêu chữ “lệnh”, 36 cờ khải hoàn thêu chữ “thái bình”.

Trên đây là mã tối thiểu đến tối đa dâng nhà Trần, ngoài ra còn thêm 100 xe lương, 100 kho lương, 100 núi vàng.

1. Lễ cầu an dân quốc
Tiến lễ - Dân tự cầu lễ
Trung lễ - Quan dân cùng làm lễ
Đại lễ - Toàn vua, quan, dân chúng làm lễ
2. Lễ bảo an gia đình
Xin bùa dấu trấn tà trị bệnh
3. Lễ tam phủ đối kháng giải nghiệp
Giải nghiệp ngục tù báo trướng bệnh hạn, vận hạn…
Trước đó:
- Lễ phát tấu
- Lễ phật
- Tụng kinh
- Lễ nhà Trần
- Lễ Mẫu
- Lễ hạ ban Ngũ hổ và các quan

Lễ tam phủ đối kháng như sau:
Thiên phủ tức “thanh thiên” trời xanh
Địa phủ tức “bạch địa” đất trắng
Thủy phủ tức “xích thủy” nước đỏ
Tự nhiên trời là xanh, tính trong của đất là trắng, cốt huyết của thủy là đỏ, vì vậy ở đây tất cả phủ thiên là màu xanh, phủ địa màu trắng, phủ thoải màu đỏ.

Mỗi phủ 3 quyển vở, 3 cái bút, 3 cái gương, 3 cái lược, 3 cái quạt, 3 quả cau, 1 đĩa hoa, 1 đĩa gạo muối, 1 đĩa tiền, 1 bao thuốc, 1 lạng chè, 1 bao diêm, 1 lọ nước hoa, 3 khăn mặt bông, 1 bó đuốc, 5 nén hương phủ, 9 hoặc 7 quả trứng thuộc vía, 1000 vàng đại, 1000 vàng tiểu, 1 cầu giấy, 1 gáo, 1 chum, 1 bát con, 1 cây trồng, 1 con chim trắng (thiên phủ) gà trắng (địa phủ) cá chép (thoải phủ), 1 cờ xanh (thiên phủ) cờ trắng (địa phủ) cờ đỏ (thoải phủ). Mỗi phủ đều có 1 cành phan, 1 dao, 1 kéo, 1 ngọn đèn dầu.
Pháp sư làm lễ (không có đạo trưởng dẫn trình).

Sau khi pháp sư làm lễ ??? khi lễ đến thiên phủ thì pháp sư xin đài cài cờ thiên phủ vào gáy rồi dùng kiếm lệnh khai phủ. Lấy một quả trứng, dùng kéo cắt hai đầu xoắn, sau đó bóc trứng ra đặt vào bát con rồi lấy hương thả vào bát, lấy gáo múc nước tưới vào trứng 3 lần, miệng đọc khẩu quyết: “Thỉnh thiên phủ cắt dây cởi trói, cắt giải oan khiên nghiệp chướng cho sinh nhân …… tuổi ……. được thần khí lai hoàn, bản mệnh khang cường, phúc thọ khang ninh. Nguyện chú các linh hồn oan gia cừu thù tiên tổ tốc thoát tà ma siêu sinh cực lạc. Nam mô giải oan kết bồ tát ma ha tát. Nam mô hoan hỉ bố tát ma ha tát”.

Đốt đuốc phóng lên thiên phủ. Pháp sư dùng kéo cắt dây hình nhân thiên phủ, dùng gương lược, hương, khăn mặt, quạt khai quang phủ thiên và hình nhân cho trồng cây thiên phủ báo ân, tha chim giải nghiệp. Cho sinh nhân uống nước thiên phủ và rửa mặt.

Phủ địa và thoải cũng làm như vậy.
Sau khi hết ba phủ thì thỉnh lễ nhà Trần. Pháp sư dùng kéo cắt dây cởi trói hình nhân bản mệnh, khai quang làm lễ. Pháp sư khai quang ngựa mã sau đó hỏa hóa kim ngân tài mã.
Thày đại tấu dẫn trình

Sau khi pháp sư cúng thỉnh các khoa giáo thì thầy đại tấu thay xiêm y vào hành đạo. Trước khi hành đạo dùng dây vải buộc tay các hình nhân thiên địa thoải vào nhau, cắt 1 áo vải trước viết chữ “tù” sau viết chữ “ngục”, đằng trước bên phải viết họ tên, tuổi, ngày sinh, giờ sinh của sinh nhân. Đặt sinh nhân nằm ngửa mặt, đầu quay vào đền, chân ra cổng, trói sinh nhân chéo vòng cổ sang hai tay. Xung quanh hình nhân là 7 hoặc 9 đĩa sành úp, trên đầu hình nhân là 3 ngọn đèn dầu. Trước 3 ngọn đèn dầu là 1 chum nước bịt giấy, trên chum nước úp 1 chiếc đĩa sành, bên cạnh là chiếc áo của sinh nhân. Để 1 cái ghế ngang chum nước phía tay phải nhìn từ ngoài vào trong. Thày đại tấu hầu tráng bóng 3 giá Mẫu, sau đó hầu Đức đại vương hoặc tứ vị hoàng tử. Ngài về làm lễ khai quang kiểm soát đầu phủ. Chừng xa loan giã ngự long mã, bạch tượng. Sau đó Ngài ngự ghế nghe tuyên trạng rồi Ngài phê trạng ký sổ. Ngài dùng 3 hiến hương thư vào chum “tứ trung ngũ hành” và chữ “tâm” sau đó dùng kiếm hất đĩa xuống sao cho đĩa vẫn úp. Ngài dùng chân dẫm tan đĩa, dùng kiếm khai giếng ngọc (giếng sinh nhân để cải tử hoàn sinh chứ không phải giếng phủ). Ngài lấy nước vẩy vào hình nhân và cho sinh nhân uống, rửa mặt. Sau đó xe giá hồi cung. Cô đệ nhị Đại Hoàng về chứng lễ chứng sớ long mã, bạch tượng; dùng kéo cắt bỏ dây bỏ dây trói tù ngục của người hình nhân bản mệnh.
Quan đệ nhất về khai quang chứng voi xanh, ngựa xanh, thuyền xanh. Ngài ngự vào ghế bên phải pháp sư tuyên trạng kể tội, phê sớ giải nghiệp, sau đó lấy cờ thiên phủ cắm vào gáy, dùng kiếm khai thiên phủ làm như pháp sư. Chỉ có khẩu quyết là pháp sư cung văn đọc, tứ trụ kêu. Ngài ra chỗ hình nhân bản mệnh dùng kiếm thư vào 2 hoặc 3 đĩa úp cạnh hình nhân chữ tâm, rồi dùng chân dẫm tan đĩa. Ngài hô to một tiếng “thừa lệnh thiên phủ khai phá thiên ngục giải thoát sinh nhân bất đắc cừu đình cấp như luật lệnh”. Sau khi phá ngục, thắp một ngọn đèn dầu khai quang, lấy nước vẩy vào người hình nhân thiên phủ và bản mệnh, rồi cho sinh nhân rửa mặt và uống 3 ngụm.
Quan đệ nhị, đệ tam cũng vậy.

Quan tuần về làm lễ khai quang dùng chuôi dao hất hình nhân bản mệnh nằm sấp, rồi dựng hình nhân lên quay mặt vào cung thờ. Ngài cầm kéo cắt áo ngục tù, lấy gương, quạt, hương khai quang. Ngài lấy nước tam phủ cho sinh nhân uống, lấy nước rửa mặt, lấy lược chải tóc hoàn hồn, lấy áo cho sinh nhân mặc cho yên bản mệnh. Đưa hình nhân bản mệnh vào lễ tam phủ, sau đó lạy thiên địa thoải. Các quan tiễn đàn.

Nếu đồng nhân xin thuốc Tứ phủ thì hầu chầu Lục, ông Bảy, cô Đôi, cô Bơ, cô Sáu, cô Chín, cô Bé. Cô Đôi hái thuốc, cô Bơ lấy nước, cô Sáu sao thuốc, cô Chín làm thang, cô Bé phù chú. Nếu cầu duyên thì hầu chầu Đệ tam, ông Bơ, cô Bơ, cô Chín. Nếu cầu tài lộc thì hầu chầu Đệ nhị, ông Mười, cô Bơ, cô Bé.
Chú ý các cờ thiên phủ, địa phủ, thoải phủ sau khi làm lễ giải xong thì cắm vào gáy các hình nhân.

Phê sổ thì pháp sư phê như sau “Phật pháp tăng Ngọc Hoàng sắc chỉ. Thiên phủ lệnh hành (địa phủ, thoải phủ) giải oan giải oan kết”. Sau đó quan lớn Ngài phê chứ “ứng” và đè lên là chữ “tâm” của phủ thiên, chữ “chí” hoặc “phúc” của phủ địa, chữ “mệnh” của phủ thoải. Hai bên phê chữ “thập tốc”.

Như vậy ta thấy lễ ở đây rất khác với tứ phủ. Lễ tam phủ dành cho người ốm đau bệnh tật, tiền duyên nghiệp kiếp cả âm lẫn dương còn lễ tứ phủ dành cho người sống lễ căn mạng.
Nếu không có thày đại tấu thì pháp sư làm tất. Nếu có thày đại tấu thì pháp sư lễ và làm việc văn sớ.
Phải có 9 thước vải hồng làm cầu.

Đàn lễ này làm người ta nhầm tưởng là mở phủ nhà Trần nhưng không phải mà ở đây là Ngài về khai giếng ngọc để làm thuốc và chữa bệnh cho sinh nhân (không phải là khai phủ). Đa số trước đây các cụ làm đàn này thương cho sinh nhân đội lệnh nhà Trần kèm theo nên có một số người nhầm tưởng là mở phủ nhà Trần.
Nếu làm lễ tập trung thì phải bày riêng mâm phủ, bát con và hình nhân. Vàng tiến cúng tam phủ ngoài vàng phủ ra còn có thêm 6000 vàng đại thiếc (3000 cho nhà Trần, 1000 cho Ngọc Hoàng, 1000 đương cảnh, 1000 đương niên), 1000 đỏ bản đền, 5000 ba quan, 2000 vàng (Nam Tào tím, Bắc Đẩu đỏ), 1000 vàng ba màu, 1000 vàng bốn màu, 1000 vàng năm màu. Phải có chim, cua, ốc phóng sinh.

Nếu làm ở đền nhà Trần không có bốn phủ phải thiết lập bài vị bốn phủ. Nếu làm ở Kiếp Bạc, Bảo Lộc chỉ được làm ở cung Mẫu và quan Nam Tào, Bắc Đẩu. Đàn lễ này là đàn lễ kết hợp “kim chi” lấy tam phủ và nhà Trần làm chủ đạo. Đàn lễ này nên làm ở các đền thờ kim chi và đền tam phủ Tuần Vường nơi thờ “thiên đại thoải công đồng thánh đế”.

Nguồn: Nguyễn Hà Khánh

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dẫn