Ninh Bình 3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NAM THIÊN ĐỆ TAM ĐỘNG- ĐỊCH LỘNG

Động đẹp nhất thứ ba trời nam nằm ở xã Gia Thanh huyện Gia Viễn. Động có từ lâu lắm rồi nhưng tương truyền người dân ở đây đi kiếm củi đã phát hiện ra động năm 1739. Vào trong động có rất nhiều nhũ đá tuyệt đẹp, đặc biệt một nhũ đá có hình giống tượng phật nên họ đã lập bàn thờ phật ngay từ đó. Theo văn bia để lại trong thành phố mãi đến năm Canh Thân triều vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ nhất ( tức năm 1740) động mới được biến thành chùa để tho phật. Muốn lên chùa Địch lộng phải leo lên 105 bậc đá mới tới nơi, vì động ở lưng chừng một quả núi hùng vĩ. Do ở độ cao, động dài, nhũ đá lại thắt ở giữa nên gió thổi vào động phát ra âm thanh của đá nghe như tiếng sáo động chính là cây sáo khổng lồ bằng đá do sự sắp đặt của tạo hóa giữa đất trời mênh mông bao la. Tên Địch Lộng có nghĩa là thế ( Địch là sáo, Lộng là gió).

Theo tấm bia tạc năm Tự Đức thứ 7 (1854) ở chùa Địch Lộng vào năm 1821 trong chuyến ra Bắc Hà khi trở về kinh đô, vua Minh mạng nghe tiếng đồn Địch Lộng đẹp nên đã ghé thăm. Nhà vua ngự thuyền sắp phải chui qua Kẽm Trống thì có một viên cận thần ngồi chung thuyền đọc cho vua nghe bài thơ nôm kẽm trống của bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương: Hai bên thì núi giữa thì sông Có phải đây là kẽm Trống không? gió lật đật sườn non khua lắc cắc Sóng dồn mặt nước vỗ long bong.

Ở trong hang núi còn hơi hẹp Ra khỏi đầu non đã rộng thùng Qua cửa mình ơi nên ngắm lại Nào ai có biết nỗi vân bồng. Vua nghe xong mặt đỏ ửng bừng tức giận liền hạ lệnh cho thuyền đòi viên quan địa phương đến truyền bắt đốc thúc ngay nhân dân huyện Gia Viễn phải đào một con sông khác vòng cung quanh núi kẽm Trống không đi qua kẽm trống để ng thuyền tham quan Địch Lộng. Sông đào xong vua Minh Mạng ngự thuyền đến tham quan Địch Lộng quả là một cảnh đẹp diệu kỳ. Nhà vua liền tặng năm chữ “ Nam Thiên Đệ Tam Động”. Phòng tuyến Tam Điệp – Biên Sơn trong cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc năm 1788 – 1789, phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn giữ vai trò chiến lược quan trọng trong giai đoạn rút lui chiến lược cũng như giai đoạn phản công chiến lược. Đó là giới hạn rút lui cuối cùng của quân Tây Sơn ở Bắc Hà. Đó cũng là địa điểm tập kết của đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh từ phú Xuân kéo ra. Và đó cũng là bàn đạp của cuộc phản công chiến lược, là căn cứ xuất phát của các đạo thủy bộ hùng binh Tây Sơn tiến ra đại phá quân giặc.

Thế nhưng, sử sách xưa ghi chép sơ lược đến mức hầu như không thể hình dung được cách tổ chức phòng tuyến, thậm trí vị trí đèo Tam điệp ở đâu cũng không xác định được. Điều may mắn là tuy 187 năm đã trôi qua (1789 – 1976), nhưng phòng tuyến Tam Điệp lịch sử đó còn để lại một số di tích và dấu ấn đậm đà trong ky ức của nhân dân qua nhiều truyền thuyết dân gian phong phú. Gần đây, những người làm công tác sử học đã phát hiện và khảo sát những di tích đó.

Núi Tam Điệp, xét về mặt địa ly, là dải cuối cùng của vòng cung đá vôi Hoà Bình ăn ra gần sát biển. Đó là một dải núi đá vôi xen lẫn một số đồi đất ở vào vùng giáp giới hai tỉnh Hà Nam Ninh và Thanh Hoá. Núi Tam Điệp tự nó đã có giá trị như một bức tường thành thiên nhiên lợi hại ngăn cách hai vùng Ninh Bình – Thanh Hoá và án ngữ các đường thuỷ bộ từ Thăng Long vào Thanh Hoá. Đấy là đường Thiên ly qua đèo Tam Điệp; đường núi (hay thượng đạo) qua Phố Cát và đường thuỷ qua cửa Thần Phù.

Bộ binh Tây Sơn lui về giữ Tam Điệp là chiếm lĩnh một tuyến địa hình lợi hại, giành nơi dừng chân vững chắc trong phòng ngự cũng như tiến công. Quân Tây Sơn tổ chức phòng ngự nhằm ngăn chặn các đường giao thông qua Tam Điệp, chủ yếu là đường Thiên ly.

Đường Thiên ly qua ải Tam Điệp rồi men theo các vách núi đá vôi dựng đứng, băng qua một số thung lũng và trườn qua đèo Tam Điệp gồm ba đỉnh đèo, rồi vào đồng bằng Thanh Hoá. Di tích của con đường giao thông cổ đó đến nay vẫn còn từng đoạn và có nơi cách quốc lộ 1 đến 4 km về phía đông. Trên đỉnh đèo cao nhất với độ cao 110m còn tấm bia đá khắc bài thơ “ qua núi Tam Điệp “ ( quá Tam Điệp Sơn) của thiệu trị khi tuần du qua đây năm 1842. Đỉnh đèo phía Bắc cao 68m, phía Nam cao 80m. Qua đèo Tam Điệp ( hay đèo Ba Dội) mới hiểu được những lời thơ mô tả hết sức hiện thực và sinh động của “ bà chúa thơ nôm “ Hồ Xuân Hương.

“Một đèo, một đèo lại một đèo, Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo. Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Hòn đá xanh rì lún phún rêu.”

Trước ải Tam Điệp còn di tích thành lũy của quân Tây Sơn. Lũy dài 135m, chân rộng 15m, có chỗ cao 1,8m, nối liền hai mạch núi đá vôi nhằm chặn một lối đi qua đấy. Thành rộng gần một mẫu Bắc bộ, hình gần vuông, chân rộng 7m, có chỗ cao hơn 2m. Phía ngoài thành đều có hào, di tích còn lại có chỗ rộng 4m, sâu 0,5m. Thành nằm gần đường Thiên Ly và giữ như một tiền đồn phía bắc cửa ải. Những lũy này được xây dựng từ trước và quân Tây Sơn đã tu bổ, xây dựng khi lập phòng tuyến Tam Điệp. Vì vậy nhân dân địa phương thường gọi “đồn lính trú cổ triều” hay là ‘’lũy Quang Trung”, ‘’ đồn Tây Sơn” Biện Sơn là một hòn đảo ở phía nam Thanh Hóa, nay thuộc xã Hải Thượng, huyện Tĩnh Gia. Đảo rộng gần 4km vuông, dài hơn 4km, chiều ngang chỗ rộng nhất hơn 1km, cách gần 1km. Phía ngoài Biện Sơn còn một loạt đảo lớn nhỏ như đảo hòn Bung, đảo hòn Sò, hòn Sập … lớn nhất là đảo hòn Me.

Thủy quân Tây Sơn rút về giữ Biện Sơn là kiểm soát con đường thủy ven biển từ Bắc vào Nam và chuẩn bị sẵn một căn cứ tập kết và xuất phát cho các đạo thủy binh.

Phía Bắc đảo Biện Sơn có vũng Biện Sơn ăn lõm vào, ba bề núi bao bọc. Hàng trăm chiến thuyền có thể đậu an toàn trong vũng sóng yên biển lặng ấy. Trên đảo còn di tích ba thành nhỏ, xây theo lối ghép đó. Thành Đồn ở phía đông Bắc, hình tròn, đường kính phía trong là 72m. Thành dày 10m, có chỗ cao đến 3,5m, phía trên thành đắp thêm tường phụ cao 1m, dầy 1,2m.

Thành Hươu ở phía đông nam, cũng hình tròn, đường kính phía trong 13m. Thành dày 1,3m, chỗ cao 1,7m. Nhân dân gọi là ‘’ thành Hươu” vì gần đó có ghềnh đá hình con hươu.

Thành Ngọc ở nam tây đảo, phía trên vũng Ngọc ( vì vậy gọi là thành Ngọc), thành hình bán nguyệt, đường kính phía trong 22m và đã bị phá huỷ nhiều chỗ. Những thành trên đảo Biện Sơn đã có từ đời Lê và quân Tây Sơn sử dụng trong thời gian đóng quân ở đây. Sau đó, nhà Nguyễn sửa chữa lại, lập thành đồn Biện Sơn ( thành Đồn) và pháo đài Tĩnh Hải( thành Hươu). Di tích cả hai thành này đã qua sự tu tạo của nhà Nguyễn.

Những di tích trên là những tư liệu lịch sử rất quí, cho phép bổ sung những thiếu sót của sử sách, khôi phục một cách đầy đủ hơn phòng tuyến Tam Điệp – Biện Sơn của quân đội Tây Sơn.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Thanh, trên phòng tuyến Tam Điệp – Biên Sơn không xảy ra một trận đánh nào. Nhưng chính bằng chiến tuyến đó, một binh lực nhỏ của quân Tây Sơn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bí mật cho đại quân Tây Sơn do Quang Trung trực tiếp chỉ huy tiến ra tổ chức cuộc phản công chiến lược và cũng chính từ chiến lược này, 5 đạo quân Tây Sơn xuất trận, hình thành thế trận tiến công bất ngờ, thần tốc, giáng những đòn sấm sét nghiền nát hàng chục vạn quân xâm lược, lập nên chiến công kỳ diệu của màu xuân Kỷ Dậu năm 1789, giành lại độc lập, thực hiện thống nhất nước nhà.

Vườn quốc gia Cúc Phương

Cách thủ đô Hà Nội 120 km về phía nam, nằm lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, có một mảnh đất với diện tích 22.200ha nằm trên địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình đã trở nên vô cùng quen thuộc, thân thương, gợi nên tính hiếu kỳ cho biết bao du khách trong và ngoài nước, đó là Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Được thành lập ngày 7 tháng 7 năm 1962, Cúc Phương đã trở thành Vườn Quốc Gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, sự đa dạng về hệ sinh thái, các giá trị văn hóa lịch sử, từ lâu Cúc phương đã trở thành điểm du lịch sinh thái nổi tiếng và hấp dẫn.

Cúc phương có đặc trưng là rừng mưa nhiệt đới, xanh quanh năm. Bước vào rừng già nguyên thủy Cúc Phương con người cảm thấy sững sờ, nhỏ bé khi lạc vào thế giới hoang sơ đậm màu xanh kỳ vĩ trường tồn. Hàng chục người ôm mới hết chu vi những cây đại thụ ngàn năm cao trọc trời từ 45 đến 75 mét như cây Đăng cổ thụ cao 45m đường kính 5m, cây Chò Chỉ cao 70m đường kính 1,5m, cây Sấu cổ thụ cao 45m đường kính 1,5m, cây Chò xanh ngàn năm cao 45m, chu vi gốc 25m.
Rừng nhiệt đới là xứ sở huyền diệu của các loài phong lan với hoa lạ rất thanh tao, quý phái được ví như những cô gái kiều diễm điểm tô hương sắc cho rừng.

Chẳng thua kém thế giới thực vật, khu hệ động vật Cúc Phương cũng rất đa dạng và phong phú. Theo số liệu điều tra mới nhất Cúc Phương có 89 loài thú, 307 loài chim, 110 loài bò sát và lưỡng cư, 65 loài cá, và gần 2000 dạng côn trùng.

Trong các loài thú Cúc Phương, nhiều loài đã được xếp vào loại quý hiếm, như báo gấm, báo lửa, gấu ngựa…và nhiều loài được là đặc hữu của Cúc Phương như sóc bụng đỏ. ở Cúc Phương có một loài thú linh trưởng rất đẹp, ngoài Việt Nam ra chúng không còn tồn tại nơi nào khác trên thế giới, đó là loài Voọc mông trắng – một báu vật của tạo hóa, loài vật này đã được chọn làm biểu tượng của Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Cúc Phương là nơi cư trú của nhiều loài chim nhiệt đới với nhiều sắc lông, kích cỡ, âm thanh giọng hót. Trong tổng số 307 loài, Cúc Phương có nhiều loài chim quý hiếm chẳng hạn như gà lôi trắng, chim gõ kiến đầu đỏ, chim phượng hoàng đất, đuôi cụt bụng vằn… Chính vì vậy Cúc Phương được chọn là một trong những điểm xem chim lý tưởng của các nhà khoa học và những người có sở thích xem chim trong nước và thế giới.

Thế giới côn trùng Cúc Phương cũng đa dạng muôn hình muôn vẻ. Mùa bướm nở, rừng già như trẻ lại tưng bừng lấp lánh ngàn vàng, bướm nhiều vô kể đủ dạng, đủ màu phơi bày một bức tranh kỳ ảo.

Thuộc địa hình catxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với cái tên rất gợi cảm như động Sơn cung, Động Vui xuân, động Phò mã…. Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những di chỉ khảo cổ có giá trị, các nhà khoa học cho rằng đây là một trong những chìa khóa để tìm hiểu lịch sử Việt Nam và Đông Nam á, những di cốt này còn lưu giữ ở động Người Xưa, hang Con Moong.

Từ xa xưa Cúc Phương còn là nơi cư trú và sinh sống của đồng bào Mường với những nét văn hóa riêng. Đó là những nếp nhà sàn, những trang phục, những phong tục tạp quán, lễ hội cồng chiêng, những điệu hò … mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Mường.

Năm 2000 Cúc Phương đã phát hiện một hóa thạch động vật có xương sống. Hóa thạch lộ ra trong đá vôi phân lớp dày, hệ tầng Đồng giao tuổi Trias giữa. Theo kết luận ban đầu của Viện cổ sinh học Việt Nam đây là hóa thạch của một loài Placodontia (Bò sát răng phiến) sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm và là hóa thạch đầu tiên tìm thấy ở Đông Nam Á.

Đến với Cúc Phương ngoài những gì cảm nhận được mà thiên nhiên đã ban tặng, du khách còn được thăm các công trình nghiên cứu, các thành quả của dự án bảo tồn và đang thực hiện ở Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Đây thực sự là những tài nguyên du lịch không chỉ có giá trị về mặt khoa học mà còn có giá trị cao về giáo dục ý thức bảo tồn thiên nhiên, môi trường, như Trung tâm du khách, Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng, Vườn thực vật…

Thiên nhiên Cúc Phương thật là kỳ thú, đến với Cúc phương là hòa nhập với thiên nhiên – cái nôi sinh của muôn loài. Với một hệ thống giao thông khá thuận lợi, nhà nghỉ đa dạng, các dịch vụ ăn uống, hàng hóa lưu niệm và nhiều công trình vui chơi đã và đang được xây dựng, chắc chắn Cúc Phương sẽ là điểm hẹn của tình yêu thiên nhiên và những giá trị văn hóa – thiên nhiên và con người Cúc Phương luôn chờ đón các bạn.

HOÀNG HẬU DƯƠNG VÂN NGA

Trên thế giới đã có rất nhiều hoàng hậu nổi tiếng tài ba nhưng chỉ làm vợ một ông vua. Còn bà Nga đã làm vợ hai vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Điều đó khẳng định bà rất xinh đẹp, có sức quyến rũ, thông minh nên mới được vinh dự ấy. Công lao lớn nhất của bà là lượng sức mình không đảm đương việc nước. Bà đã quyết định trao ngôi báu lại cho Lê Hoàn tức là truất cơ nghiệp của nhà Đinh, xây dựng nhà Tiền Lê. Đây là việc làm phù hợp với lòng trời, lòng dân. Bà là người phụ nữ thức thời yêu nước, nghĩ đến vận mệnh đất nước là trên hết, bỏ ngoài tai lời bàn tán, phản đối thậm chí cả những dư luận rất xấu của triều đình lúc bấy giờ. Và một lần nữa, vượt trên những người phụ nữ đương thời dám tự quyết đoán tình cảm riêng tư theo tiếng gọi của con tim bà chia sẽ hạnh phúc với Lê Hoàn, góp phần xây dựng đất nước sau chiến thắng. Bà qua đời vào năm 1000. Nga chính là người phụ nữ nổi tiếng, vô tiền khoáng hậu trong lịch sử dân tộc việt nam. Trong lịch sử nước ta cũng có hoàng hậu hai vua đó là công chúa Lê Ngọc Bình- em của công chúa Lê Ngọc Hân nhưng về tài đức thì không thể nào so sánh với Dương Vân Nga.

Hang Sinh Dược

Hang Sinh Dược thuộc địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nằm giữa các danh thắng cùng các di tích lịch sử lớn trong vùng. Hang Sinh Dược cách cố đô Hoa Lư khoảng 2km về phía Bắc, cách khu du lịch Tam Cốc Bích Động không xa về phía Đông Nam, dịch chuyển sang phía Tây nam là hồ Đồng Chương nên thơ và chiến khu cách mạng Quỳnh Lưu.

Là một hang xuyên thủy chạy dài theo lòng núi Mắt Rồng, hai đầu của hai cửa hang là hai thung lũng rộng. Bởi vậy du khách có thể vào thăm lòng hang bằng hai lối: lối thứ nhất qua cửa hang Vồng – thung Nước và lối thứ hai là cửa hang thung áng Nhồi.

Nếu du khách vào thăm hang qua cửa hang Vồng thì từ bến cầu Đen du khách lên thuyền đi bộ khoảng 100m là tới cửa hang Vồng. Sở dĩ có cái tên ”Hang Vồng” vì nơi đây đã được thiên nhiên ban tặng cho một chiếc cổng bằng đá, mái uốn vòm cong tựa một chiếc cầu vồng nhỏ bắc trên một dòng suối trong xanh mát lạnh. Vì vậy người dân nơi đây gọi là hang Vồng. Có lẽ hiếm có nơi nào có một chiếc cổng đẹp và lạ kỳ đến như vậy.

Từ cổng hang Vồng du khách phóng tầm mắt ngắm nhìn một lòng thung rộng mát hiện ra trước mắt du khách bốn bề được bao bọc bởi các dẫy núi đá vôi trùng điệp, đó chính là thung Nước. Nơi đây cứ đến mùa mưa cả thung ngập tràn nước, cá tôm từng đàn kéo về sinh sôi nẩy nở, đặc biệt có loài cá rô Tổng Trường to, béo đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng của đất cố đô. Đây cũng chính là môi trường sống lý tưởng cho các đàn có về đây trú rét.

Lối vào thứ hai qua thung áng Nhồi một lòng thung rộng khoảng 3ha xung quanh là cây, hoa rừng và những cánh chim ríu rít chuyền cành, tới nơi đây du khách sẽ được khám phá một thế giới hoàn toàn khác lạ, thật là thanh bình yên ả, những thảm cỏ xanh mướt, trải dài như những chiếu nghỉ cho du khách sau một hành trình dài, không khí trong lành của thiên nhiên dường như xua đi cái nóng, cái rét cùng những lo toan thường nhật.

Du khách xuống thuyền để bắt đầu chuyến du lịch kỳ thú trong lòng hang Sinh Dược và rồi sẽ không khỏi sửng sốt ngạc nhiên giữa một rừng nhũ đá muôn hình muôn vẻ, ngắm nhìn khối nhũ đá nào cũng thấy lạ, ở mỗi một góc độ lại mang một dáng vẻ hình thù khác nhau. Trần hang là những vòm đá rủ xuống nhiều dải thạch nhũ lấp lánh, dáng hình rất lạ kỳ, giống như các con vật ở dưới nước và trên rừng.

Sự tưởng tượng phong phú của du khách sẽ làm cho cảnh vật nơi đây trở nên sinh động và có sức sống hơn. Có lẽ bởi nhũ đá nơi đây chưa bị tác động của bàn tay con người nên mới có được vẻ đẹp nguyên sơ rực rỡ đến như vậy. Trong hang có những cột thạch nhũ rủ từ trên trần hang xuống như được dát vàng, dát bạc lóng lánh. Trên trần động, ở nhiều hốc đá, là nơi trú ngụ của những đàn rơi đông đúc, khi có tiếng động là bay đi dáo dác… Chỉ tận mắt đến nơi đây chiêm ngưỡng mới thấy hết được vẻ đẹp của hang.

Hang Sinh Dược có hai ngách rất dài: Ngách hang lên thung cậy có chiều dài trên 500m, có một chiếu nghỉ lý tưởng cho du khách nghỉ chân, hoặc là nơi cắm trại cho những du khách thích sống trong khung cảnh thiên nhiên hoang sơ. Ngách thứ hai theo như lời kể của dân địa phương thì ngách này thông ra đền Trần (đền Nội Lâm) một di tích liên quan đến hành cung Vũ Lâm, nơi xưa kia các vua Trần đến đây tu luyện. Vì vậy ngách hang này vẫn còn là một bí ẩn, rất phù hợp cho các du khách ưa mạo hiểm và khám phá hang động. Hang Sinh Dược còn giữ nguyên được cái đẹp vốn hữu hình, nguyên sơ, tinh khiết của đá. Nơi đây còn hứa hẹn nhiều điều mới lạ chưa được khai thác hết.

Động Tam Giao

Từ thành phố Ninh Bình theo quốc lộ 1A đi Thanh Hóa, qua đền Dâu (ở thị xã Tam Điệp), rẽ tay trái đi khoảng 3km nữa là đến động Tam Giao. Động nằm trong một dãy núi đá vôi bắt nguồn từ Hòa Bình đổ về, chạy dài, là ranh giới giữa hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa.

Nước mưa chảy nhiều, ngấm vào núi đá theo đường kẽ nứt trong đá vôi, đục rỗng núi từ bên trong đã làm thành động. Động có từ lâu, che kín sau những lùm cây um tùm, rậm rạp. người dân ở đây đi chặt củi mới tìm ra động vào tháng 3 năm 1986.Động ở lưng chừng núi, có ba cửa vào ra và ba buồng giao nhau nên gọi là Tam Giao.Du khách thăm động phải đi theo sườn núi phía Tây hoặc phía Bắc, vào cửa Bắc, trên độ cao so với chân núi khoảng 150 mét. Cửa Bắc hướng về thị xã Tam Điệp. Cửa Nam động thấp hơn, hướng về phía động Từ Thức (Nga Sơn Thanh Hóa).Cửa tây động hướng về đèo Tam Điệp (Đèo Ba Dội ).

Vào qua cửa tây, bước vào động là buồng thứ nhất, được gọi là “Cung Bái Yết”, rộng khoảng 80m2. Từ nền động lên đến trần động cao khoảng 30 mét. ở gần cửa Tây, có khối nhũ đá tròn, chảy dài từ trần động xuống nền động, trông giống như 3 cột hiên nhà. Trong động có nhiều nhũ đá có hình thù voi chầu, hổ phục, sư tử múa, đại bàng bay, Phật Bà Quan Âm, ông Tiên, cô Tiên và những đám nhũ đá chảy dài như những thác nước…

Từ bên tay trái buồng thứ nhất, du khách bước sâu xuống gần 10 mét nữa là đến buồng thứ hai, được gọi là ” Cung Đàn Thần “, hay ” Động Âm Nhạc “. Trong động toàn nhũ đá chảy dài từ trên cao xuống nền động thẳng tắp như những dây đàn. Du khách chỉ cần cầm một hòn đá nhỏ, gõ vào ” những dây đàn” đó là có thể nghe được những âm thanh phát ra đủ bảy nốt nhạc. Nếu du khách gõ liền một mạch, nhịp tay nặng nhẹ, sẽ được nghe một bản nhạc độc đáo của cây đàn đá vang vọng, như không bao giờ dứt.

Muốn vào buồng ba, phải bước xuống một cái hang rồi bước sâu khoảng gần 20 mét nữa mới tới nơi. Buồng ba được gọi là “Cung Kim Cương”còn gọi là “Kho Kim Cương”. Đây là buồng dài, rộng nhất, cao sâu thăm thẳm, cũng có rất nhiều nhũ đá có hình dáng chim muông, hoa quả như: Chim Bói Cá, cây Vạn Tuế, dàn Bí Xanh, quả Phật Thủ, quả Khế…. vừa như hữu hình vừa như vô hình. Trong động cũng có các nhũ đá gõ vào sẽ phát ra những âm thanh trầm bổng như từ chốn xa xôi nào vọng xuống động.

Mùa đông vào đây du khách sẽ cảm thấy ấm áp, còn mùa hè thì mát lạnh. Khoảng giữa vách”Cung Kim Cương” có dòng nước chảy ngầm từ trên cao xuống, tạo thành một dòng nước nhỏ dài vài mét, nước không bao giờ cạn, trong vắt, được gọi là ” Suối Giải Oan “.

Men theo “Suối Giải Oan “, chui sâu xuống một cửa hang nhỏ hẹp ở bên phải mới đến được “Kho Kim Cương”. “Kho Kim Cương ” như một ngôi nhà hình tháp, cao khoảng trên 20 mét. Điều kỳ lạ là,khi có ánh đèn pin hoặc có ánh sáng chiếu vào, du khách sẽ nhìn thấy một vách động ánh sáng như nhảy múa trong màn đêm, nhũ đá phát ra sắc mầu lấp lánh sáng long lanh như được khảm bạc, dát vàng, như kim cương. Nền” kho Kim Cương” rất phẳng, rộng khoảng 20m2.

Từ “Kho Kim Cương”, du khách ra theo đường đã vào, bước lên nèn buồng ba, đi thẳng xuống bên phải là một khang sâu thăm thẳm. Hang này có “lối lên trời”, tức là có đường leo lên đến tận đỉnh núi nhìn thấy trời xanh và có “lối xuống âm phủ” là đường xuống hang sâu, càng xuống miệng hang càng nhỏ dần, trần hang càng cao, với nhiều ngóc nghách, sâu đến vài chục mét. có lẽ, chưa ai dám đi hết “lối âm phủ này”.

Đèo Tam Điệp

Đèo Tam Điệp là một tuyến phòng ngự rất lợi hại, mang vị trí chiến lược quan trọng trong quân sự cũng như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường thiên lý ra Bắc vào Nam.

Đèo thuộc thị xã Tam Điệp, cách phía Nam thị xã Ninh Bình khoảng 18 km. Nơi đây có 3 dãy núi chạy suốt từ Hòa Bình về. Chỗ đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Từ bắc vào đến địa phận này có ba đèo liền nhau nên gọi là Tam Điệp. Đèo thứ nhất cao 68m, đèo ở giữa cao 110m, đèo thứ ba cao 80m (so với mặt nước biển).

Đèo Tam Điệp còn gắn liền với một sự kiện lịch sử. Tháng Chạp năm Mậu Thân, tại nơi đây vua Quang Trung đã mở tiệc khao quân ở đèo Tam Điệp trước khi ra bắc lần thứ hai.

Đèo Tam Điệp không chỉ là một thắng cảnh đẹp mà còn là một di tích lịch sử nổi tiếng đã đi vào thơ văn của các thi sĩ xưa và nay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dẫn