Tên Hà Nội

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thăng Long - Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam, bắt đầu từ năm 1010 khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) về vùng đất này [lúc ấy còn mang tên thành Đại La– ATABOOK] và đặt tên là Thăng Long (nghĩa là Rồng bay lên). Tuy nhiên, trước đó, nơi đây đã là đất đặt cơ sở trấn trị của nhà Tùy (581-618), nhà Đường (618-907) thời Bắc thuộc.

Sau khi trải qua khá nhiều tên gọi như Long Đỗ, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, ..., vào năm Minh Mạng thứ 12, vị vua  nhà Nguyễn này đã tiến hành đợt cải cách hành chính lớn trên toàn quốc, xoá bỏ Bắc Thành tổng trấn (vốn được nhà Tây Sơn đặt tên trước đó - ATABOOK) với 11 trấn và 1 phủ trực thuộc ở miền Bắc; đồng thời lập ra 15 tỉnh trực thuộc Trung ương. Lúc đó, Hoài Đức trở thành một trong bốn phủ họp thành tỉnh Hà Nội. Danh từ Hà Nội bắt đầu có từ thời điểm này, năm 1831.

Tỉnh Hà Nội lúc ấy có 4 phủ gồm:

• Hoài Đức gồm 3 huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận, Từ Liêm;
• Thường Tín gồm 3 huyện Thượng Phúc, Thanh Trì, Phú Xuyên;
• Ứng Hoà gồm 4 huyện Sơn Minh (nay là Ứng Hoà), Hoài An (nay là phía nam Ứng Hoà và một phần Mỹ Đức), Chương Đức (nay là Chương Mỹ), Thanh Oai;
• Lý Nhân gồm 5 huyện: Nam Xang (nay là Lý Nhân và Kim Bảng), Duy Tiên, Thanh Liêm, Bình Lục.

Có thể lý giải việc vua Minh Mạng quyết định đổi tên Thăng Long thành Hà Nội vì 02 lẽ:  

1. Thăng Long nghĩa là rồng (long) mà rồng lạilà biểu tượng độc quyền của vua trong khi vua lại không còn ở đó nữa thì chẳng có lý do gì vùng đất ấy được giữ tên Rồng! [Chúng ta đều biết nhà Nguyễn đặt kinh đô tại Phú Xuân (Huế)- ATABOOK]

2. Vua Minh Mạng muốn xóa cái tên ấy hầu muốn dân đừng nhớ tới kinh đô của các triều đại trước, nhất là vua vừa lên ngôi được một hai năm, giặc giã đã nổi lên khá nhiều ở miền Bắc.
Tên gọi Hà Nội  lâu nay vẫn có những tranh cãi nhất định trong giới nghiên cứu văn hóa – lịch sử. Tựu trung lại, có hai ý kiến lý giải nguồn gốc và ý nghĩa của địa danh Hà Nội như sau:

Ý kiến thứ nhất cho rằng Hà Nội có nghĩa làvùng đất trong sông [Hà = sông, Nội = trong). Những người theo quan điểm này lý giải rằng trong thực tế, Hà Nội trên đại thể nằm kẹp giữa 3 con sông Hồng, sông Nhuệ và sông Đáy(1).  

Về ý kiến này, nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn (cũng là người dẫn chương trình nổi tiếng ở hải ngoại) đã có những lập luận phản biện như sau:

“ (..) theo cách dụng ngữ thông thường thì chúng ta chỉ hay nói “trong nhà, trong vườn, trong thành, trong lồng…” chứ chưa bao giờ nghe nói “trong sông” bởi nó rất tối nghĩa trong tiếng Việt. Khi chúng ta nghe “Đại Nội, Thành Nội hay Quốc Nội” chúng ta hình dung ngay ở bên trong một khuôn viên nào đó. Trong thành (thành nội), trong nước (quốc nội), tiếng Việt rất rõ ràng, ai nghe cũng hiểu ngay. Còn “trong sông” thì tiếng Việt nghe lạ tai quá, có thể nói là vụng về nữa! Một vùng đất nằm ở giữa hai con sông chúng ta cũng không gọi vùng đất ấy là “trong sông”!

Nói đến sông thì thường chỉ nhắc đến hữu ngạn hay tả ngạn, hoặc bên này sông, bên kia sông mà thôi. Chẳng hạn sách Dân Tôi Nước Tôi ghi: “Hà Nội nằm ở hữu ngạn sông Hồng.” Hoặc Tự Điển Hán Việt của Nguyễn Lân ghi: “Hà Nội là tỉnh nằm cạnh sông Hồng.” Đơn giản và minh bạch!

Vua Minh Mạng vốn là một vị vua thông minh vào bậc nhất của nhà Nguyễn, từng sáng tác 5 tập thơ và 2 tập văn xuôi. Người hay chữ như thế mà nhìn một thành phố nằm giữa hai con sông, vua dùng chữ “nội” thì thật là khó tin! 

Tất nhiên cũng có những trường hợp một vùng lãnh thổ được chia làm hai và người ta dùng chữ Nội và Ngoại để dễ phân biệt. Thí dụ Nội Mông, Ngoại Mông của Trung Hoa, hay ở Việt Nam khi nói đến xứ Thanh, chúng ta cũng nhắc đến Thanh nội hay Thanh ngoại. Nguyễn Tuân viết trong Vang Bóng Một Thời: “Cai Xanh là một tay chơi nổi tiếng ở mấy vùng Thanh nội và Thanh ngoại”. Trong phạm vi nhỏ hơn, có những ngôi làng, thí dụ làng Vĩnh An, được chia đôi bằng một con đường lớn, một nửa đông dân cư, thành hình lâu đời, được gọi là Vĩnh An nội. Nửa bên kia mới nới rộng, ít dân cư mà lại gần cánh đồng làng, người ta gọi là Vĩnh An ngoại.

Nhưng cần lưu ý là tất cả những trường hợp này, hễ có Nội thì phải có Ngoại hoặc ngược lại, chứ không bao giờ chữ Nội hay Ngoại đứng một mình! Nghĩa là nếu cứ theo cách đặt tên kiểu này thì hễ có Hà Nội tất phải có Hà Ngoại mới hợp lý.”

Ý kiến thứ hai cho rằng Hà Nội là một địa danh lấy từ bên Trung Quốc. Trong cuốn Hà Nội Nghìn Xưa, hai tác giả Trần Quốc Vượng và Vũ Tuấn Sán viết: “Thăng Long là một cái tên độc đáo và sáng tạo vì không lấy chữ có sẵn trong sách và khối địa danh có sẵn ở phương Bắc (tức Trung Hoa) như người ta vẫn làm trước đó và sau này, như trường hợp cái tên Hà Nội.” 

Vậy địa danh Hà Nội cụ thể ở bên Tàu là ở đâu? Trong cuốn Trung văn đại từ điển (中文大辞典) tập 19 phát hành tại Đài Bắc năm 1967 cho biết Hà Nội là tên một quận được đặt từ đời Hán (202 Tr.CN - 220 S.CN) nằm phía Bắc sông Hoàng Hà (Trung Quốc).

Tên Hà Nội cũng được ghi trong Sử ký của Tư Mã Thiên (Hạng Vũ kỷ), kèm lời chú giải như sau: “Kinh đô đế vương thời xưa phần lớn ở phía Đông sông Hoàng Hà, cho nên gọi phía Bắc sông Hoàng Hà là Hà Ngoại”.

Ngoài ra, sách Mạnh Tử(2) (孟子) trong thiênLương Huệ Vương (梁惠王) cũng có ghi về địa danh này như sau: “Hà Nội hung, tắc di kỳ dân ư Hà Đông, di kỳ túc ư Hà Nội” (河內凶,則移其民於河東,移其粟於河內 - tạm dịch: Hà Nội bị tai họa thì đưa dân về Hà Đông, đưa thóc từ Hà Đông về Hà Nội).

Chuyện vay mượn của Tàu thời xưa là điều rất bình thường khi văn hóa Trung Hoa còn ảnh hưởng rất nặng nề trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, bởi ngày xưa Trung Hoa được cha ông ta coi là thiên triều, cái gì của Trung Hoa cũng hay cũng đẹp. Cho nên việc lấy tên Hà Nội từ Trung Hoa đem vào nước ta không phải là một cái gì mới mẻ. Huống chi vua Minh Mạng lại là người rất quý trọng thiên triều Trung Hoa. Từ Huế, vua ra Thăng Long nhận lễ phong vương của nhà Thanh, được vua chỉ thị tổ chức cực kỳ trọng thể năm 1821. Vua đem theo đoàn tùy tùng gồm hoàng thân, bá quan và quân lính tổng cộng 6,936 người! Sứ nhà Thanh đâu có đòi hỏi như thế! Đây chính là ý vua tự nguyện, thù tiếp sứ nhà Thanh vô cùng chu đáo suốt 33 ngày đêm! Một người say mê Trung Hoa như vậy thì có mượn một địa danh Trung Hoa đem về dùng ở nước ta cũng là chuyện không ngạc nhiên.

Mặt khác, Minh Mạng có thể đã rất khôn khéo khi chọn tên gọi Hà Nội để thay tên gọi Thăng Long, vì dù chỉ là một cái tên hết sức bình thường nhưng tên gọi mới Hà Nội này lại có thể được giải thích là “đất Kinh đô các đế vương thời xưa” [như trong Sử Ký Tư Mã Thiên đã viết - ATABOOK] để đối phó với những điều dị nghị đối với triều Nguyễn của các sĩ phu Bắc Hà lúc bấy giờ - những người vốn vẫn còn cảm tình với nhà Lê.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#dẫn