THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở NƯỚC TA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH DÂN TỘC Ở NƯỚC TA

- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

NGUYỄN MẠNH QUANG

Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Trong những năm gần đây, Đảng ta đã ra nhiều nghị quyết quan trọng về công tác dân tộc. Các nghị quyết đó đã được triển khai rộng rãi và được Chính phủ thể chế hoá làm chỗ dựa vững chắc cho việc chỉ đạo, xử lý cụ thể; các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội được bổ sung, đổi mới và cụ thể hoá phù hợp với tình hình thực tế ở từng vùng. Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành tích cực, có hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương nên công tác dân tộc đã có những chuyển biến tích cực.

 Theo thống kê của Uỷ ban Dân tộc, Chương trình 135 (giai đoạn I), Nhà nước đã đầu tư trực tiếp 9.142,2 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn 2.410 xã (trong 330 huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố), với gần 5,5 triệu đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng. Trong giai đoạn I, đã có 671 xã đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu chương trình, còn 1.644 xã đang tiếp tục được đầu tư giai đoạn II. Do có sự đầu tư lớn của Nhà nước, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc và miền núi từng bước phát triển. Hệ thống đường bộ được nâng cấp, mở mới với 6.658 công trình, tạo thành mạng lưới giao thông phục vụ giao lưu, phát triển kinh tế, xã hội cho các tỉnh vùng dân tộc, đã có 97,42% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; đã xây dựng 1.425 công trình điện sinh hoạt, đưa tỷ lệ hộ dân được dùng điện quốc gia lên 64%; xây dựng 3.297 công trình thuỷ lợi nhỏ, 2.574 công trình nước sinh hoạt; các công trình phúc lợi xã hội được xây dựng đã góp phần quan trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào. Kinh tế vùng có bà con người dân tộc thiểu số sinh sống từ một nền sản xuất phân tán, tự cung, tự cấp đã chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hoá; tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng dân tộc thiểu số tăng đều, năm sau cao hơn năm trước (năm 2006, các tỉnh Tây Bắc đạt 11,2%, các tỉnh Tây Nguyên đạt 11,7% tốc độ tăng trưởng). Giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú trong cả nước từ Trung ương đến địa phương đã được củng cố và phát triển (có 804 trường, trong đó cấp Trung ương có 11 trường, cấp tỉnh 48 trường, cấp huyện 226 trường...) thu hút gần 60.000 học sinh theo học. Hệ thống trường bán trú ở các địa phương đang phát triển mạnh; riêng trường bán trú cụm xã có 519 trường, tiếp nhận 52.000 học sinh theo học. Hệ thống trường dự bị đại học và các khoa dự bị đại học đang được phát triển về qui mô đào tạo và cơ sở vật chất. Mạng lưới y tế cơ sở đã có những bước tiến cơ bản. Công tác thông tin, tuyên truyền cũng đạt những kết quả đáng kể. Đài Tiếng nói Việt Nam đã phủ sóng quốc gia tới 95% dân cư, 98% lãnh thổ, đã phát thanh 9 thứ tiếng dân tộc; 26 đài phát thanh tỉnh có chương trình phát thanh bằng 18 thứ tiếng dân tộc. Đài Truyền hình Việt Nam đã phủ sóng trên 90% lãnh thổ quốc gia, truyền hình 11 thứ tiếng dân tộc, trên 80% đồng bào vùng dân tộc, miền núi được xem truyền hình. Nhà nước đã cung cấp không thu tiền 20 loại báo, tạp chí, bản tin cho 48.491 thôn, bản, buôn; 5.309 xã vùng dân tộc và miền núi, 415 đồn biên phòng, hơn 100 nghìn trường học của 41 tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện và nâng cao hơn trước. Nhiều hộ gia đình làm giàu từ kinh tế trang trại, kinh tế VAC có thu nhập cao. Chính trị, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Hệ thống các tổ chức chính trị - xã hội ở vùng dân tộc được củng cố và tăng cường, năng lực cán bộ, đảng viên được nâng cao, từng bước phát huy được vai trò đảng viên, cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, người có uy tín ở vùng dân tộc, phát triển thêm nhiều đảng viên, đoàn viên, hội viên mới..., khối đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường, gắn bó cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Bên cạnh những mặt tích cực, những kết quả đạt được, công tác dân tộc trong những năm qua vẫn còn những tồn tại, như:

+ Một số chủ trương, chính sách về công tác dân tộc đã triển khai trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn. Có những mục tiêu đến nay chưa hoàn thành. Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc, năm 2006, tình trạng thiếu đói, đói giáp hạt trong đồng bào còn cao, như: Sơn La còn 3.012 hộ, với 14.274 khẩu; Lai Châu 3.123 hộ, với 15.990 khẩu; Yên Bái 5.174 hộ, với 26.482 khẩu; Cao Bằng 10.948 hộ, với 47.246 khẩu; Thanh Hoá 18.967 hộ, với 84.457 khẩu... Tình hình di cư tự do vẫn còn diễn ra, như: Điện Biên có 46 hộ với 222 khẩu, Yên Bái 14 hộ, với 85 khẩu... Tình hình buôn bán ma tuý, tái trồng cây thuốc phiện ở vùng miền núi phía Bắc có nơi trở thành “điểm nóng”. Năm 2006, tỉnh Sơn La đã phát hiện và thu giữ 33,897 kg hêrôin; 8.542 viên ma tuý tổng hợp. Tình trạng nghiện hút và tiêm chích ma tuý gia tăng. Toàn vùng còn gần hai ngàn xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao và chủ yếu là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê hiện còn 333.313 hộ cần hỗ trợ nhà ở, 83.984 hộ cần đất ở (1.884 ha), 237.616 hộ cần đất sản xuất (73.535 ha), cần nước sinh hoạt phân tán là 280.994 hộ, với 7.398 công trình, nước tập trung cần sự hỗ trợ theo Chương trình 134. Như vậy, kết quả thực hiện Chương trình trong 2 năm qua đạt thấp ở tất cả các mục tiêu đề ra, kinh tế miền núi nhìn chung còn chậm phát triển. Một số vùng còn lúng túng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xác định phương hướng sản xuất. Công tác tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa theo qui hoạch hợp lý, chất lượng sản phẩm hàng hoá thấp, sản xuất chưa gắn với thị trường, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ. Công nghiệp địa phương ở miền núi chưa phát triển, nhất là công nghiệp chế biến. Hàng hoá xuất ra thị trường chủ yếu còn ở dạng sản phẩm thô, giá trị thấp, sức cạnh tranh không cao. Thương mại chủ yếu phát triển tập trung ở thị xã, thị trấn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất và đời sống của đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng giải quyết nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao, biên giới, đưa cán bộ lên vùng dân tộc, xây dựng các trung tâm khoa học - kỹ thuật vùng... vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

+ Cơ sở hạ tầng vẫn còn ở tình trạng thấp kém, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hội nhập và quốc phòng, an ninh. Giáo dục và đào tạo ở miền núi còn hạn chế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho giáo dục các cấp học còn thiếu, một số vùng sâu, vùng xa tỷ lệ trẻ em đến trường chưa cao, việc dạy chữ dân tộc chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn chưa đảm bảo yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, dẫn đến chất lượng, hiệu quả đào tạo còn thấp. Hệ thống y tế vùng dân tộc còn bất cập, người nghèo khó tiếp cận với các dịch vụ y tế; công tác quản lý còn yếu kém, chính sách đối với cán bộ y tế chưa hợp lý. Một số vùng dân tộc còn tiểm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, như: truyền đạo trái phép, di cư tự do, tranh chấp đất đai đang diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng, kích động, chống phá, gây mất ổn định chính trị, xã hội...

Nguyên nhân của những hạn chế trên là do địa bàn miền núi rộng lớn, địa hình hiểm trở, chia cắt, phức tạp, có độ dốc lớn lại luôn bị thiên tai, lũ lụt gây khó khăn cho giao lưu, phát triển. Nhiều vùng sâu, vùng xa cách biệt vì hệ thống giao thông chưa được xây dựng, đồng bào khó có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ thông tin, y tế, giáo dục, tiến bộ khoa học kỹ thuật... Điểm xuất phát của vùng dân tộc còn thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, kinh tế chưa phát triển, phụ thuộc vào thiên nhiên. Còn tồn tại các phong tục tập quán lạc hậu ảnh hưởng rất lớn tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Các thế lực thù địch thường xuyên tập trung chống phá. Một số địa phương, cấp uỷ đảng, chính quyền nhận thức về vai trò, vị trí công tác dân tộc chưa đầy đủ, chưa thấy hết tầm chiến lược của địa bàn dân tộc. Một số chính sách chưa được cụ thể hoá phù hợp từng vùng, từng dân tộc nên hiệu quả thấp. Một số chương trình, dự án chưa thật sự đáp ứng nguyện vọng của đồng bào. Công tác chỉ đạo điều hành chưa đồng bộ, thiếu tập trung, còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Vừa qua, nhiều địa phương chỉ chú trọng tập trung phát triển kinh tế, ít chú ý đến giải quyết các vấn đề xã hội, chính sách dân tộc. Nhiều địa phương, bộ, ngành chưa kịp thời đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm để uốn nắn, điều chỉnh những vấn đề phát sinh, còn buông lỏng công tác kiểm tra, thanh tra, để xảy ra nhiều sai phạm trong thực hiện chính sách dân tộc và các chương trình dự án chưa thật hiệu quả. Hệ thống chính trị, nhất là cấp cơ sở còn thiếu về số lượng, nhiều yếu kém về năng lực, cán bộ làm công tác dân tộc nhưng lại không biết tiếng dân tộc... nên chưa nắm được dân, chưa hiểu dân, chưa sát dân. Công tác phát triển Đảng ở nông thôn vùng đồng bào dân tộc còn chậm. Một số tổ chức chính trị - xã hội hoạt động chưa hiệu quả, chưa tập hợp được đồng bào. Hệ thống bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương chưa hoàn chỉnh, chậm được kiện toàn, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Một số vấn đề bức xúc về cán bộ chưa được giải quyết triệt để như đào tạo, tạo nguồn cán bộ dân tộc, chính sách huy động cán bộ lên vùng dân tộc, sử dụng, đãi ngộ cán bộ... Công tác cán bộ chậm đổi mới so với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Tư tưởng ỷ lại, trông chờ, cơ chế xin - cho còn ăn sâu trong nếp nghĩ, cách làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số địa phương chưa phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, tự vươn lên của đồng bào.

+ Chính sách cho vùng dân tộc và miền núi có nhiều nhưng tổ chức thực hiện thiếu đồng bộ, còn dàn trải, chưa hội đủ các điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh nền kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi phát triển. Một số chính sách còn trùng lặp về đối tượng, địa bàn. Việc xây dựng chính sách mới và rà soát, đánh giá tổng thể các chính sách chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác dân tộc. Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hiện chính sách chưa sâu sát. Việc sử lý các vi phạm chưa nghiêm, chưa kịp thời, thiếu tính răn đe, giáo dục. Nguồn đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc còn hạn chế, một số chính sách không đủ nguồn vốn đề triển khai thực hiện.

 Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, phát huy những thành tích đã đạt được trong việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, huy động được mọi nguồn lực trong dân, các địa phương vùng dân tộc cần tiếp tục:

Một là, quán triệt sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể từng địa phương. Thực tế cho thấy địa phương nào nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo, cụ thể hoá chính sách, xây dựng các bước đi phù hợp thì đạt kết quả cao, ngược lại sẽ lúng túng, bị động, dẫn đến phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.

Hai là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện là yếu tố quyết định thắng lợi. Qua thực tế đã chứng minh rằng: những địa phương có hệ thống chính trị mạnh, cán bộ lãnh đạo có năng lực tổ chức thực hiện thì tình hình kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo.

Ba là, phải kết hợp tốt nguồn vốn đầu tư hỗ trợ của Nhà nước và phát huy nội lực của địa phương, của đồng bào các dân tộc. Các địa phương thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, động viên ý thức vươn lên của đồng bào thì kinh tế - xã hội phát triển một cách bền vững.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Vùng miền núi rộng lớn, phức tạp, năng lực tổ chức thực hiện ở cơ sở còn thấp. Vì vậy, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát là rất quan trọng vừa nhằm uốn nắn, điều chỉnh những thiếu sót, vừa nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án.

Năm là, thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo sự ổn định xã hội, phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Các chương trình, dự án nếu thực hiện tốt chủ trương công khai hoá, chính quyền và nhân dân cùng bàn bạc, lựa chọn, huy động sức dân tham gia thực hiện và giám sát thì hiệu quả đầu tư sẽ cao, quản lý sử dụng tốt hơn, hạn chế tiêu cực, thất thoát.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Trong điều kiện đất nước ta còn nghèo, vốn đầu tư có hạn, tất yếu phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút thêm vốn đầu tư, đảm bảo thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Hợp tác quốc tế còn mở ra các cơ hội để trao đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ chính quyền các cấp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro