Thức khuya để học bài?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thức khuya để học bài?

Ai đó, hễ đã có thời gian ngồi trên ghế nhà trường, cũng gần như đều trải qua cái kinh nghiệm … thức khuya để học bài. Thường các anh chàng, hoặc các cô nàng nổi tiếng học giỏi, lại hay thức khuya mới … ác chứ!

Buổi sáng ra, vội vội vàng vàng, đầu tóc bù xù, hối hả chạy đến trường, ra vẻ rất bận rộn, luộm thuộm, lơ đễnh mới giống học… thiệt. 

Nhưng thôi, chúng ta hãy bàn qua thử xem, thức khuya để học bài có thực sự tốt không?

Theo các bác sĩ và các chuyên gia về sức khỏe thìkhông! 

Thức khuya rất hại cho sức khỏe, nói chung 

Các tác hại như sau: 

1. Giảm trí nhớ và khó tập trung vào việc học ở lớp, nhất là khi thường xuyên thức khuya.

2. Dễ nóng nảy, cáu kỉnh, gắt gỏng, trở nên xấu dưới mắt thầy cô, bạn bè.

3. Mỏi mệt, uể oải, thiếu sinh khí, tiếp thu chậm bài giảng và hoạt động kém trong các sinh hoạt ở trường.

4. Đau mỏi cơ, tức ngực, ù tai, chóng mặt, mắt mờ và có thể giảm thị lực nếu làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng.

5. Có thể tăng trọng lượng do hay ăn thêm buổi tối khuya. Điều này dẫn đến các hệ quả xấu là nguy cơ đau dạ dày, mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, và các bệnh tim mạch khác.

6. Suy nhược thần kinh, giảm sức đề kháng bệnh tật của cơ thể, da xấu, nhờn và nổi nhiều mụn. Đối với các thiếu nữ thì thức khuya nhiều cũng là nguyên nhân gây nên bệnh ung thư ngực sau này.

7. Thường phí thời gian mà thực chất chẳng học được bao nhiêu. Thật vậy, nhất là các SV ở ký túc xá, hoặc các bạn rủ nhau tới nhà thức khuya để học chung cho vui, và vui quá nên …quá đà nói chuyện. Thức khuya cũng làm các em vật vờ nữa tỉnh nửa mê, nên khó tập trung, do vậy hiệu quả việc học không cao.

Chừng đó tác hại là đã quá dư rồi.

Nhưng làm sao để đừng phải thức khuya đây? 

Các lý do để phải thức khuya 

1. Ban ngày và chiều tối quá ồn ào: Thường thì các em ít khi tập trung để học lúc ban ngày và chiều tối. Lý do nhà cửa rất bận rộn ồn ào. Ở các đô thị lớn thì khoảng thời gian này rất ồn ào với đủ loại âm thanh. Của người đi lại, TV, máy nghe nhạc, loa phóng thanh, xe cộ… Các em rất khó tập trung để học trong điều kiện như vậy, đành phải thức khuya để học vì yên tĩnh hơn. 

2. Ban ngày quá bận rộn: Các em học sinh ngày nay đa số rất bận rộn, vừa học ở trường, rồi đi học thêm 2, 3 chỗ, bận học đến mức có học giả đã so sánh là các em như robot, được …lập trình để học! Và như vậy thì phải thức khuya để có thời gian ôn tập hoặc làm bài để nộp thầy cô. 

3. Ban ngày và lúc chiều tối không có chỗ học tốt: Nhiều, thậm chí rất nhiều các em học sinh phải học ở nhà ăn hay phòng khách, chỗ sinh hoạt chính của gia đình. Vừa học bài các em vừa bị chia trí bởi cái TV khi có người khác ngồi xem, hoặc bị chia trí bởi bạn bè, khách khứa của cha mẹ hay anh chị…Thức khuya, như vậy là giải pháp bắt buột đối với các em trong trường hợp này. 

4. Ban ngày và chiều tối có quá nhiều yếu tố gây chia trí: Bạn bè điện thoại hỏi han hoặc rủ rê đi dạo mát, đi uống cà phê, đi nghe các show nhạc, hài…, đi mua sắm, và thậm chí cả đi làm đẹp (đối với các em gái). Cha mẹ ở các đô thị bây giờ lại có xu hướng hay đem cả gia đình đi ăn ngoài và sau đó la cà vài nơi… Các em rất khó cưỡng lại các “cám dỗ” này. Và sau đó để học bài thì buộc các em phải thức khuya! 

5. Có thể còn nhiều lý do khác, như một số em con nhà nghèo còn phải phụ cha mẹ làm việc để kiếm sống, xong việc thì đã muộn, mới có thời gian để học. Vân Vân. 

Làm sao để khắc phục? 

Ở tuổi của các em, thời gian cần ngủ mỗi ngày là từ 7- 8 tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian từ 0g - 5 giờ sáng là thời gian mà cơ thể tạo ra các chất tái sinh, nâng cao hệ miễn dịch. Nếu chúng ta không ngủ đủ trong giai đoạn này, cơ thể sẽ suy sụp nhanh chóng. Tuy nhiên, tốt hơn là các em nên đi ngủ vào khoảng 21 – 22 giờ tối, để đến 0 giờ thì não bộ đã chìm vào giấc ngủ sâu. Buổi sáng, nên dậy sớm khoảng từ 5 – 6 giờ sáng, tập thể dục một chút, nhất là tập thở, trí óc các em sẽ trở nên hưng phấn, chuẩn bị tốt cho một ngày học mới. 

Nhưng làm sao để đi ngủ sớm và đúng giờ? 

Điều mấu chốt nằm ở cách thức các em tổ chức việc học và quản lý thời gian. Hãy thử các cách sau: 

1. Đừng để dồn bài vở đến tối mới học. Các em hãy tranh thủ đọc ngay bài học sau khi vừa ở trường về. Thường cách học này giúp các em hiểu bài và nhớ lâu, vì nó giúp các em ôn lại ngay những gì thầy cô vừa giảng trên lớp trước đó vài giờ. Cũng vậy, nếu các em dành được khoảng 1 giờ để đọc trước bài học trước khi lên lớp, các em sẽ hiểu bài khi thầy cô giảng rất nhanh. Học kiểu này sẽ giúp các em để dành được nhiều thời gian buổi tối để tập trung học những phần quan trọng hơn. 

2. Nên tập một thói quen và cố gắng lập đi lập lại, cố gắng giữ cho bằng được. Hãy nói lập đi lập lại với chính mình là tôi sẽ làm được, tôi nhất định làm được. Thói quen đó là ngồi vào bàn học đúng giờ, và hễ ngồi vào là học, không xao lãng vì bất cứ chuyện gì. 

3. Mỗi ngày, các em phải lập kế hoạch học tập cho chính mình. Buổi sáng, trước khi đi học, dành ra 10 phút ngồi suy nghĩ và ghi vào sổ tay, những môn nào cần phải học trong ngày, học lúc nào, ở đâu, học những gì… Cố gắng ghi thật chi tiết. Buổi trưa hay chiều rảnh, lấy ra đọc lại xem có cần bổ sung hay thay đổi gì không. Mỗi khi hoàn tất một việc, các em đánh dấu “R”. Nếu chưa xong, lên lại kế hoạch khi nào sẽ học cho xong. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, mỗi học sinh cấp cơ sở cần khoảng 2 giờ học ở nhà mỗi ngày, và học sinh cấp 3 cần khoảng 4 - 5 giờ học ở nhà mỗi ngày. Các em thử lập kế hoạch sắp xếp sao cho đủ thời gian cần thiết. 

4. Nên sắp xếp bàn học ngăn nắp, để đỡ mất thời gian tìm kiếm bài vở, bút viết… mà cũng để tạo ra một không gian thoáng đãng để dễ tập trung khi học nữa. Đừng trang trí bàn học bằng những hình “kích thích sự mơ mộng”. Hãy trang trí bàn học bằng những hình ảnh của những thần tượng mà em ước mơ được trở thành. Nhà bác học Einstein gắn trên tường trong phòng học của mình hình Newton, Edison, Faraday, những nhà bác học ông ngưỡng mộ. Những người này giúp các em có cảm hứng trong học tập, có động lực để nỗ lực vươn lên. Cũng nên trang trí thêm vài hình ảnh thiên nhiên để tạo cảm giác thư giãn thoải mái. Nên tạo khung cảnh chỗ học thoáng đãng, ngăn nắp. 

5. Không nên để đồ ăn trên bàn học, và vừa học vừa ăn. Nhưng các em có thể vừa học và thỉnh thoảng nhấp một ngụm nước. Nên uống nước lọc hoặc nước trái cây. Không nên uống cà phê và tuyệt đối không được uống rượu bia. 

6. Không nên vừa nghe nhạc vừa học bài, cách này rất dễ làm các em chia trí. Thỉnh thoảng lúc nghỉ ngơi một chút các em có thể nghe nhạc nhẹ, nhưng cũng nên hạn chế 1 hoặc 2 bài mà thôi. 

7. Cố gắng bố trí chỗ học cách xa TV, càng xa càng tốt. Không có gì có thể làm các em chia trí và tốn thời giờ nhiều bằng TV. Nếu các em không có phòng riêng để học, nên có một thỏa thuận với các thành viên khác trong nhà, về thời gian xem TV để không làm trở ngại việc học của các em. Khi học, bố trí bàn học sao cho ngồi quay mặt vào tường, như vậy dễ tập trung hơn.

8. Học trong khoảng 1 giờ đồng hồ, nên dừng lại, nghỉ ngơi khoảng 5 phút. Có thể nằm lăn ra sàn nhà, vươn vai, duỗi chân một chút. Cũng có thể chạy lên sân thượng hay ra trước sân hít thở sâu một chút rồi quay trở lại học. 

9. Phương pháp học cũng rất quan trọng để tiết giảm thời gian. Khi gặp một vấn đề gây thắc mắc, hoặc khó hiểu, đừng nên suy nghĩ quá lâu. Nên tra cứu thêm tài liệu khác về vấn đề đó. Ngày nay trên mạng internet đã có khá nhiều tài liệu để các em tham khảo đối chứng, giúp các em hiểu nhanh hơn và sâu hơn. Cách khác nữa là trao đổi với bạn bè, “học thầy không tày học bạn”. Nhà nào bây giờ cũng có điện thoại, internet giúp các em trao đổi với nhau dễ dàng hơn. Vấn đề là đừng lạm dụng để tốn phí thời gian vô bổ vì “chat, chít”. Nên tra cứu nhiều tài liệu. 

10. Trạng thái thể chất và tinh thần cũng rất quan trọng. Nếu mệt mỏi, hoặc buồn ngủ thì các em sẽ rất khó tập trung để học. Như vậy năng suất việc học rất thấp, các em sẽ tốn phí thời gian vô ích. Thường thì nên kiếm chỗ nằm nghỉ, chợp mắt chừng 5, 10 phút rồi sau đó “quơ tay, múa chân” một chút rồi quay lại bàn học. Nhà bác học Edison dùng cách này, hễ mệt mỏi ông ngã người ra ghế bố, ngủ chừng 15 phút, sau đó thức dậy và làm việc tiếp.

11. Sau bữa ăn chúng ta thường dễ buồn ngủ, do máu dồn xuống bao tử để tiêu hóa thức ăn nên não thiếu oxigen. Thường ăn nhiều chất bột và dầu mỡ sẽ dễ buồn ngủ hơn ăn rau hoặc ăn thịt. Do vậy, để không bị uể oải và buồn ngủ sau bữa ăn, các em nên ăn vừa thôi, đừng ăn no và nên ăn nhiều rau, trái cây, thịt (đừng nhiều thịt quá), tránh ăn nhiều dầu mỡ và các chất bột.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro