6.1 Làng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"...Về nguồn gốc của Ánh Sáng Nguyên Thủy, các nhà khoa học đã đưa ra rất nhiều giả thuyết. Trong đó, giả thuyết nhận được nhiều sự đồng tình nhất cho rằng, Ánh Sáng Nguyên Thủy xuất hiện cùng với sự ra đời của nhà nước Văn Lang-Âu Lạc, tức khoảng từ năm 2879 trước Công Nguyên (TCN) tới năm 258 TCN.

[...] Cuốn Đại Việt Sử Lược của sử gia Trần Phổ, bản hiệu đính lưu hành trong các Mảnh Sáng viết: 'Đến đời Trang Vương nhà Chu (696-682 TCN), ở Cổ Loa có sinh ra thứ ánh sáng lạ, rải khắp đất trời. Ở bộ Gia Ninh có người dùng ánh sáng đó áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu, chất phác...'

Các Mảnh Sáng đầu tiên dưới hình thức xã hội khép kín, chỉ chính thức hình thành dưới thời vua An Dương Vương (khoảng năm 257 TCN đến 208 TCN).

Cuốn Đại Việt Thiên Sử chép: '... Ất Tỵ, năm thứ Hai (258 TCN), vua thấy trong nước có nhiều tộc người man di biết phép lạ, có thể hô phong hoán vũ, muốn mang về trọng dụng. Thủ lĩnh tộc man di ở Bắc Phong Châu có ý muốn lập tộc riêng, không can dự tới việc nước. Vua đem quân đi dẹp loạn mấy lần, nhưng đều thất bại.

Bấy giờ Thục Vương đắp thành ở Việt Thường, [...] gọi là Loa Thành [...] Thành này cứ đắp xong lại sụt, vua lấy làm lo, mới trai giới khấn trời đất và thần kỳ núi sông, rồi khởi công đắp lại.

Bính Ngọ, năm thứ Ba (259 TCN) Mùa xuân, tháng 3, tộc trưởng tộc người man di ở Bắc Phong Châu đến tâu vua xin giúp đắp thành. Vua đồng ý không đem quân chinh phạt nữa. Bấy giờ mới mang theo Rùa Vàng khổng lồ cùng vua đi diệt yêu nghiệt trong núi Thất Diệu. Yêu nghiệt chết, vua đem xác đi hỏa táng, rải tro cốt xuống sông. Từ đó yêu khí mất hẳn, thành đắp không quá nửa tháng là xong. Vua giữ lời cho các tộc người man di lập tộc riêng, nhưng phải hứa không dùng phép lạ hại nước...'

Tới năm Mậu Thìn 968, sau khi Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân, có thương thảo với các bộ tộc lớn sử dụng phép lạ thời bấy giờ, phân chia ranh giới địa lý rõ rệt giữa các vùng đất có chứa ánh sáng, gọi là Quang Châu (nay gọi là ''Mảnh Sáng'), và các vùng đất không chứa ánh sáng, gọi là Vĩnh Châu (nay gọi là 'Mảnh Gương')..."

- trích 'Lũng Mây Sử Lược' của Hoàng Lý Diệu Ngân, 1969, tái bản lần thứ 15-

***

Chiều hôm đó, Tùng Linh dẫn cả Đăng Minh và Hạnh 'vào làng'.

Chỉ vừa mới có một ngày trước đó, hai chữ 'vào làng' còn khiến Đăng Minh ngán ngẩm, thậm chí là gắt gỏng với Hạnh và Cháng. Ấy vậy mà giờ nó lại vô cùng hào hứng. Nó cảm thấy mình như Alice lạc vào xứ sở diệu kì, háo hức chờ đón tất cả những điều kỳ ảo khó tin sắp xảy ra ngay trước mắt.

Những thứ mà trước nay nó vốn chỉ nhìn thấy trên phim ảnh.

Khu trung tâm của Lũng Mây nằm ở phía bên kia quả đồi Đá Biếc. Đi qua hành lang dài dằng dặc nối từ nhà khách tới cổng chính của Đe Lửa mới thực sự vào đến làng.

Quầy lễ tân của Đe Lửa, khác với phong cách 'hầm trú ẩn' của khu nhà trong núi, nằm trong một sảnh lớn vô cùng khang trang. Trần nhà cao tới chục mét, rộng cả trăm mét, toàn bộ được ốp gỗ đen láng, xung quanh treo những tấm rèm tre lớn với nhiều hình vẽ tinh xảo. Trướng thêu bằng nhiễu đỏ, chỉ vàng. Sàn nhà lát gỗ đã lên nước nâu bóng, sáng loáng, âm vang từng bước chân. Đứng trực sau chiếc bàn đá dài chục mét cao ngang hông là hơn chục nhân viên lễ tân với đồng phục là chiếc khăn choàng nửa người màu đỏ mận, trên ngực trái có thêu hình một con chim lửa. Giống hệt chiếc áo Tùng Linh mặc vào hôm đầu tiên gặp tụi nó. Nhìn thấy bọn trẻ bước ra, một chị lễ tân với mái tóc dài búi gọn cúi đầu mỉm cười: "Chúc quý khách một ngày vui vẻ."

Giữa sảnh là một đài phun nước lớn, với bức tượng hình con chim lửa bằng đồng đỏ đang giang cánh. Phía trên, gần trần nhà là hàng loạt những chiếc đèn trứng cỡ lớn làm bằng đá trắng trong suốt với hàng loạt hình thù đẽo gọt công phu, LƠ LỬNG giữa không trung. Thỉnh thoảng, một vài con chim lửa bé bằng nắm tay thình lình vọt ra từ những 'quả trứng', lượn một vòng trên trần, kéo theo vệt sáng màu cam lân tinh lóng lánh.

Đăng Minh há hốc. Không ngờ có thể tìm thấy một nơi 'sang chảnh' như thế này ngay giữa núi rừng âm u của Lũng Mây. Còn đang đờ người ra cảm thán, thì Cháng đã hăm hở kéo nó ra ngoài phố.

Khung cảnh hiện ra trước mắt còn khiến Đăng Minh ngỡ ngàng hơn nữa.

Con phố lớn lát đá xanh xám, nhẵn thín, nhộn nhịp người. Hai bên đường, nhà cửa tương đối thấp, quét vôi trắng hoặc vàng. Mái cong lát ngói âm dương đã ngả màu xanh xám. Cột chống bằng gỗ chắc nịch, chạm trổ hình long vân. Sàn nhà cao hơn mặt đường khoảng ba, bốn chục phân, cửa gỗ xếp nhiều màu, bên trên gắn quyển thư với nhiều chữ Hán. Hầu hết mở cửa bán hàng.

Người đi lại nườm nượp.

Đăng Minh há hốc nhìn quanh, cảm tưởng như mình đang lạc vào một phiên chợ vùng cao được tổ chức giữa khu phố cổ đông đúc hiện đại. Người ở đây ăn mặc khá đa dạng. Có người mặc trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số và Hán phục, có người chỉ mặc trang phục cách tân cùng quần áo hiện đại, có người lại mặc đồ tây hoàn toàn. Nhưng tuyệt nhiên ai cũng khoác lên người một chiếc khăn choàng ngắn bên ngoài, giống như Tùng Linh hoặc cô gái có đôi mắt mèo từng mặc.

"Này, tôi hỏi," Đăng Minh tò mò khều khều Tùng Linh. "Tại sao ở đây ai cũng mặc cái áo choàng ngắn không tay trông giống khăn ở ngoài thế?"

"Áo Piêu," Tùng Linh cười giải thích. "Trang phục ở Lũng Mây đấy. Chỗ này quanh năm mây phủ, nhất là sáng sớm với về chiều, áo vừa để giữ ấm lại vừa che sương mù. À, còn cái tên là gọi theo chiếc khăn Piêu đội đầu của phụ nữ dân tộc Thái, do những chiếc áo đầu tiên được làm với hoa văn lấy cảm hứng từ khăn Piêu. Nói chính xác thì ngày xửa ngày xưa, áo Piêu trông không khác gì khăn Piêu khổng lồ ý. Sau này người ta may thêm khuy áo, cài khóa, rồi cũng không dùng hoa văn và chất liệu giống khăn Piêu truyền thống của người Thái nữa, nhưng vẫn gọi là áo Piêu."

Tùng Linh giải thích cả tràng rành rọt, gãy gọn bằng giọng điệu hết sức tự nhiên, như thể lịch sử văn hóa Lũng Mây là thứ nó thuộc nằm lòng. Đăng Minh tặc lưỡi, tự dưng có tí nể phục. Bảo nó thử giải thích về lịch sử áo dài cho người nước ngoài thì chắc nó chỉ còn nước bó tay.

Bọn trẻ tiếp tục chậm rãi tản bộ dưới hai hàng cây cổ thụ cao lớn thân ba người ôm đang vào mùa thay lá, vàng rực như màu nắng.

Dưới gốc cây là la liệt các xe đẩy nhỏ bán quà bánh. Đăng Minh hớn hở nhìn ngó xung quanh. Ngoài xôi, chè là những thứ quen thuộc, còn có không ít những thứ kì quái khác. Từ những bắp ngô luộc đỏ au như lựu, nổ tanh tách trong miệng khi ăn, cho tới thùng kẹo kéo đổi màu liên tục mỗi lần kéo khiến bọn trẻ con cứ há hốc nhìn theo.

Thứ gì cũng mới, cũng thú vị. Đăng Minh ngoác miệng cười sung sướng, tâm trạng cứ thế mà lên như diều được gió.

Tùng Linh tỏ ra là một đứa vô cùng rộng rãi, hiếu khách. Đi qua khoảng năm hàng, tay nó đã lủ khủ đủ thứ linh tinh hầm bà lằng nào xôi nếp nướng, nào bánh tẻ chay, kẹo mạch nha, nước gạo ép. Sau khi tống hết cả đống vào tay Cháng, Tùng Linh giơ ra trước mặt Hạnh một que kẹo bông màu trắng xà cừ óng ánh: "Cho bạn này, Hồ Thu!"

"Hồ Thu?" Đăng Minh thắc mắc hỏi ngay.

"Ừ, từ giờ tôi sẽ gọi Hạnh là Hồ Thu," Tùng Linh thản nhiên quay qua đáp. "Vì mắt bạn ấy rất đẹp, sâu thẳm sóng sánh như nước hồ mùa thu vậy."

Đăng Minh há hốc miệng, ánh mắt đã chuyển qua chế độ khinh bỉ. Hạnh lại có vẻ ngại ngùng trước sự nịnh nọt trắng trợn của Tùng Linh, con bé không nói gì, chỉ bẽn lẽn đưa tay đỡ lấy cây kẹo bông trên tay thằng này.

Nhưng Hạnh còn chưa kịp đưa tay còn lại lên chạm vào cây kẹo, cả chùm bông óng ánh xà cừ đã bất thình lình bay vọt lên không trung, lượn một vòng như trêu ngươi tụi nó trước khi bay tít về phía cuối đường.

Trong khi Hạnh và Đăng Minh còn chưa kịp hoàn hồn, Cháng đã hăm hở chạy rượt theo túm kẹo bông. Giọng nó í ới vẳng lại: "Để cak! Đợi cak! Lần này em nhất quyết bắt được nó."

Cháng vốn là đứa nhanh nhẹn hơn người, lại ở nhà lâu ngày cuồng chân nên còn có phần thừa năng lượng. Nó mải miết chạy theo túm kẹo bông, xiên trái, quàng phải. Nhưng túm kẹo dường như tinh quái hơn nó tưởng rất nhiều, cứ lởn vởn trước mặt Cháng, khi thì là là gần mặt đất , lại thình lình vọt hẳn lên cao, rồi có khi đang lao vun vút lại bất thần đổi hướng làm Cháng ngã dúi dụi. Quần thảo như thế chừng mười phút thì Cháng có vẻ mất bình tĩnh. Nó ngồi phịch xuống, thở không ra hơi.

Lúc này Tùng Linh mới từ tốn quay qua Hạnh hỏi xin cây que trên tay con bé. Rồi với một động tác ngắm bắn rất chuyên nghiệp, nó phi chiếc que lên không trung. Túm kẹo bông đang bay lộn vèo vèo, giật đùng đùng lên xuống, bị cây que xiên trúng ngọt sớt thì lập tức bất động rơi xuống. Tùng Linh đưa tay đón lấy cây kẹo rất điệu nghệ rồi đưa ra trước mặt Hạnh: "Cẩn thận, đừng để mây của bạn bay mất như thế chứ?"

Hạnh cười thích chí, đón lấy cây kẹo từ tay Tùng Linh: "Hay quá! Cảm ơn bạn nha."

"Có gì đâu," Tùng Linh nghiêng đầu, nheo mắt. "Bạn vui thì tôi cũng vui nữa mà."

Đăng Minh nhìn Tùng Linh, càng nhìn càng thấy nóng mắt. Rõ ràng thằng này cố tình mua cây kẹo bông biết bay để có cơ hội 'lấy le' với Hạnh. Đã thế, chẳng ngờ nó còn là đứa dẻo miệng, giỏi nịnh hót. Riêng việc nhìn vào mắt con nhà người ta mà nghĩ ra cái hình ảnh hồ nước mùa thu đã là sến sẩm lắm rồi, lại còn thản nhiên nói được ra miệng những lời như thế, da mặt phải dày tới cả tấc.

Đăng Minh hừ một tiếng tức tối, quay qua Hạnh. Chưa kịp mở miệng chê bai câu nào, thì một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu. Nó lại lập tức xoay qua phía Tùng Linh: "Này... tôi hỏi... nếu kẹo bông cũng bay được, thì người Lũng Mây có biết bay không?"

"Bay?" Tùng Linh ngạc nhiên, nhưng vẫn trả lời: "Dĩ nhiên là được. Không hẳn có thể bay lượn như chim... nhưng vẫn có thể bay lơ lửng trong phút chốc, hoặc có thể dùng các phương tiện như quạt mo, quạt giấy... À, như anh có thể dùng cả pang ki... Nhưng sao anh hỏi vậy?"

"Tao... ờ... tôi đang nghĩ là nếu người cũng biết bay, thì cô gái mắt mèo hôm trước có thể đã thoát thân rồi?"

"Có thể lắm!" Tùng Linh gật gù: "Theo miêu tả của anh thì cô gái đó mặc áo Piêu, hẳn là người Lũng Mây, vậy thì khả năng cao cô ấy không rơi xuống vực..."

Đăng Minh gật gù theo, cảm thấy an tâm hơn đôi chút. Từ hôm qua tới giờ, nó vẫn canh cánh trong lòng về sự biến mất của ân nhân cứu mạng. Giờ nghe Tùng Linh khẳng định thế, nó cũng thấy có chút nhẹ lòng. Chẳng rõ vì lí do gì, Đăng Minh luôn có cảm giác nó đã gặp cô gái có đôi mắt mèo ở đâu đó từ trước. Hôm qua còn thảng thốt, nó chẳng thể suy nghĩ rõ ràng, nhưng càng nhớ lại, nó lại càng thấy cô gái có cái gì đó rất quen thuộc.

"Tại sao..." giọng Hạnh rụt rè vang lên bên cạnh. Đôi mắt huyền của con bé cứ nhìn Đăng Minh chăm chú: "Tại sao.. cậu lại có vẻ quan tâm đặc biệt tới cô gái mắt mèo đó thế?..."

"Ơ..." Đăng Minh lắp bắp, không hiểu sao lại cảm thấy bối rối: "Người... người ta cứu mạng tớ mà? Chẳng phải là nên quan tâm hay sao?"

"Chỉ thế thôi à?" Hạnh vẫn nhìn chăm chú.

Ánh mắt long lanh của Hạnh không hiểu sao làm Đăng Minh lúng túng. Nó gật đầu lấy lệ, rồi cắm cúi đi về phía trước, không lí giải nổi sự bối rối trong đầu.


Tiếng Mông: đấy, đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro