Phụ-lục và Chú giải

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phụ-lục.

Một nhà danh-nho và danh-y của nước ta ngày xưa - Cụ Lãn–ông

Ở cái đời tân-học đang mở-mang thịnh-vượng như ngày nay, mà khảo đến những cái học-thuật tư-tưởng của một nhà cổ-triết nào thì phải bình-tĩnh, phải tĩnh-tâm mà bới vạch ở trong cái rừng bác-tạp trùng-lũy lâu đời kia, để xét tìm lấy những cái chân-lý, những lời vi-ngôn mà nhà cổ-triết ấy đã sở đắc riêng ra được, rồi đề-xướng lên, phát-huy lên, mong có ngày lan khắp ra mà bổ-ích cho thiên-hạ hậu-thế, thì mới là biết cái cách "dụng-cổ" vậy.

Xem như bên Âu-châu ngày nay, nhất thiết những sự sở-học, sở-hành, đều là những lẽ tân-tri, tân-sáng; độ-việt cả các đời vãng-cổ, dẫu gọi cho là Âu-châu của nhà tân-học, cũng không là quá; thế mà xét đến những lịch-sử của một khoa học nào, cũng đều có tự một cái uyên-nguyên rất sâu-xa, để qui-công cho tiền-nhân: như cái học "thiên-diễn" thì nối tiếp xa mãi từ thượng-cổ, bởi một nhà danh-hiền Hi-lạp xướng lên; cái khoa hóa-học thì cho là nhân ở cái thuật luyện-đan đời trung-cổ, vân-vân. Người ta sở-dĩ nghĩ như thế không những là có cái mĩ-ý không vong-bản mà chính là mở ra một cái diệu-quyết để cầu-tân vậy.

Nước Việt-Nam ta có cụ Lãn-ông quật-khởi lên ở cuối đời cận-cổ, cụ là một nhà kiêm cả đại-y-học, đại-văn-hào, đại-thi-hào và đại-cao-thượng; cái học-thuật, cái tư-tưởng của cụ so với cái học-thuật, cái tư-tưởng của các nhà tiên-triết Thái-Tây thế nào, đã có sự-nghiệp ở trong lịch-sử sau này, độc giả tự hiểu, tôi không dám đoán trước, nhưng tôi chắc rằng cái học-thuật của cụ là cái học-thuật muốn cầu-tân, mà cái tư-tưởng của cụ là cái tư-tưởng cực siêu-mại, nay phân làm hai phương-diện mà lược bàn ra đây: là phương-diện về y-học với phương-diện về đạo-đức văn-chương; hai phương-diện ấy cũng đều khả-dĩ để làm mô-phạm cho đời sau, mà nhất là cho cái xã-hội ta đang lúc cách-cố đỉnh-tân này.

Về phương-diện Y-học.– Khoa này là một khoa dụng-công nhất trong sự học của cụ, một sự-nghiệp rất lớn-lao trong học-giới nước ta; từ cụ về trước, nghề Y nước ta chuyên-dụng sách Tàu, tuy có sách cụ Tuệ-tĩnh, nhưng là sách "bản thảo" sơ-lược về thuốc nam mà thôi, chưa thành ra khoa học. Cụ nổi lên mới dung-hội cả bách-gia, gia-công trước-thuật, lập riêng ra một khoa Y-học-đại-toàn. Lúc kỳ-thủy tôi mới trông thấy thuốc tây, khí-nghệ thì xảo-diệu, chế-hóa thì tinh-vi, mà trắc-nghiệm thì xác-thực, so với thuốc của cổ-nhân ta hơn kém nhau một vực một trời, tôi ngờ rằng cái lẽ làm thuốc của cổ-nhân ta không còn có cái gì là có thể dung-hợp được với thuốc tây bây giờ; sau xét đến căn-nguyên thì thấy có nhiều lẽ tương đồng, đan-cử mấy vị thuốc thường dùng như sau này:

1) Quế (cannelle), thuốc tây trong sách Mi-Ghê (Mémorial de l'infirmier annamite) nói: "Quế uống cho được bổ sức, khải tỳ, giáng hỏa vào khi bệnh nặng mà hao tổn kiệt sức", mà thuốc ta trong sách Lãn-ông-dược-phẩm cũng nói: "Quế chủ trị lao-thương mà bổ-trung ích-khí, trị tỳ vị hư hàn..."

2) Đại-hoàng (rhubarbe), thuốc tây trong sách Cố Minh-thịnh người Tàu nói: "Đại-hoàng giúp sức vận-động cho hạ-bộ đại-tràng để bài-tiết những chất vô-dụng ra ngoài" và nói: "Đại-hoàng chỉ dùng về bệnh tiện-bí mà thôi..." sách Mi-ghê cũng dùng đại-hoàng làm thuốc tẩy, mà thuốc ta trong sách Lãn-ông dược-phẩm cũng nói: "Đại-hoàng tả các chất thực-nhiệt bất thông-hoạt địa-tiện bí kết."

3) Ngải (absinthe), sách Mi-ghê nói: "Ngải lợi kinh thủy, chữa sốt, lại dùng rượu absinthe chữa bệnh thổ tả choléra", mà sách Lãn-ông dược-phẩm cũng nói: "Ngải điều kinh, trừ ngoại-cảm phong-hàn, chỉ hoắc-loạn chuyển cân."

4) Bạc hà (menthe), sách Mi-ghê nói: "Bạc-hà đỡ bệnh kinh-phong, thổ-tả, đầy-bụng, ăn không tiêu"; mà sách Lãn-ông dược-phẩm cũng nói: "Bạc-hà tiêu thực, hạ khí, trừ kinh-đản, định hoắc-loạn."

Coi đó thì biết thuốc tây ngày nay sở-dĩ tinh-diệu hơn thuốc ta, tuy có nhiều cái mới phát-minh ra mà cũng nhiều cái nhân cái cổ-học mà khéo biến-hóa đi đấy thôi. Thế mà cái môn cổ Y-học của Á-Đông ta ngày xưa, người sáng-kiến thì có ít, mà kẻ manh-tòng thì có nhiều; gián-hoặc có người phát-minh thì cũng không ai biết mở rộng ra được, nên chi đến phải liệt-bại như kia là phải. Hiện nay Nhật-bản đã cải học thuốc tây mà nổi danh trong hoàn-hải rồi, Trung-quốc cũng đã đang thí-nghiệm; nước ta nhờ có Đại-Pháp khai-hóa, sớm muộn rồi cũng theo được một công-lệ như người, nhưng tôi chỉ ước-ao rằng sẽ có người nổi lên ở giữa cái giao-giới tân Y-học và cực Y-học thay đổi nhau này, đem cái trí-thức mới mà khảo-nghiệm bộ sách toàn-thư của cụ Lãn lại một lần thì chắc thế nào cũng có ít nhiều chỗ khả-thủ để mà dung-hội với các nhà đại-y-học Đông Tây bây giờ, thì cụ Lãn sẽ vẫn là một vị đại-y-tôn ở nước ta, mà dân-tộc ta sẽ tỏ ra là một dân-tộc đã từng có học-thức kinh nghiệm.

Vả không những thế, cụ Lãn lại có một cái công đáng làm mẫu-mực cho hậu-nhân ta là cụ sinh trước ngày nay mà đã biệt-lập ra được một môn-hộ để tranh-hùng với các nhà y-học Á-Đông, vậy sinh sau cụ mà ở vào cái thời-đại y-học của thế-giới đang tinh-tiến này, tất cả phải thâu-thủ, nghiên-cứu thế nào mà dựng lấy một lá cờ ở trong tân-y-giới toàn-cầu, thì mới không thẹn với cái gương sáng cảu cổ-nhân minh ngày nọ.

Về phương-diện đạo-đức văn-chương.– Cụ Lãn ghé vai gánh lấy cái gánh đạo-thuật cho đời, mà tự cam đạm-bạc, lúc thuốc-men thong-thả, đem cái ngòi bút thiên-tài, để giãi nỗi lòng, mà khích-dương đời một cách rất nồng-nàn, nay đọc đến những thơ những văn bằng chữ Hán của cụ còn để lại, thì những cái cao-ngâm dật-hứng, những cái kính-tiết thanh-phong của cụ vẫn còn mơ-màng phảng-phất ở trên tờ giấy, khiến cho những kẻ đang chìm-đắm vào trong cái bể tham-ô du-nọa, nghe thấy mà biết phấn-nhiên tự-lập, để mà mở mặt ra với non-sông xã-hội; vậy thì cụ lại là người có quan-hệ cho nhân-tâm thế-đạo đời sau là dường nào!

Hai phương-diện trên ấy, về phương-diện y-học thì xin đợi các ngài yêm-bác trong tân-y-giới sau này, còn về phần tôi thì xin tạm đem cái ngòi bút non-nớt quê-mùa, trước kính làm truyện và biểu-trương ra những cái đại-yếu có đặc-sắc bất-hủ về hành-trạng của cụ, rồi sẽ dịch những thơ những ký là về phương-diện đạo-đức văn-chương, mà cụ đã tự soạn ra, để cống-hiến cùng quốc-dân, mong có tì-ích gì cho phong-hóa đôi chút chăng, nhất là mong cho trong tân-y-giới nước ta ngày nay, sẽ có nhiều ông Lãn-ông mới khác, văn-phong mà hưng-khởi lên, thì xã-hội ta may lắm! đường thực-học, thực-nghiệp ta may lắm!

Thân-thế và đức-nghiệp của cụ Lãn

Cụ húy Trác 卓 họ Lê 黎, tức là Lê Hữu-Trác,黎有卓tự hiệu Lãn-ông 懒翁, nghĩa là một ông lão lười biếng, đó là ý cụ tự-trào rằng cụ đối với cái công-danh phú-quí ở đời, thì cụ là một người rất lười biếng, nhưng xét đến học-vấn sự-nghiệp của cụ, thì cụ thực là một người cực sốt-sắng chuyên-cần.

Cụ là con thứ bảy quan Thượng-thư họ Lê, làng Liêu-xá 遼舍, huyện Đường-hào 唐豪, tỉnh Hải-dương (bây giờ thuộc về huyện Yên-mĩ, Hưng-yên), tục gọi cậu "Chiêu Bảy", sinh ở đời vua Giụ-tôn nhà Hậu-Lê, ngang lịch tây năm 1721, thọ ngoài 70 tuổi, chưa tường mất năm nào. Thủa còn bé đã có chí lớn, khi Tiên-Đại-phu đang làm Thượng-thư tại Triều, cụ học tập ở kinh-đô, đã nổi tiếng hay chữ, có kết với mấy người thi-nhân làm một thi-xã, lúc thừa-nhàn rủ nhau tiêu-dao đề-vịnh trên Tây-hồ (Hà-nội), đến tuần "cập-quán", Tiên-Đại-phu từ-lộc, cụ phải đinh-gian về quê.

Trên nhà thi-lễ, vừa mới vắng âm-dong; ngoài cửa lý-dào, bỗng nổi cơn binh lửa. Số là đến cuối năm ấy là cái năm cụ Thượng cố mới nhất, về thời Cảnh-hưng sơ-niên (vua Hiển-tôn nhà Hậu-Lê mới tức-vị), bốn phương nổi loạn.

Ấy chính là cuộc loạn đó đã từng khiến cho cụ Lãn một hồi hơn mười năm trời đương độ thiếu-niên, làm một người trong cuộc, trước còn điên-bái lưu-ly, sau ra tri-khu xung-đột, rồi sau nữa thì thành ra phân-vân ngậm-ngùi, muốn thôi không nỡ thôi, muốn làm như ai không nỡ làm, mà muốn làm cho ra làm, thì lại chưa tiện làm, thật là một cuộc loạn có quan-hệ đến trong tâm-sự, trong thân-thế của cụ mà đào-luyện nên cái đức-nghiệp, cái tư-tưởng cho cụ vậy.

Nguyên-lai nước Đại Việt ta từ lúc nhà Hậu-Lê trung-hưng đến đời cụ Lãn đã hơn hai trăm năm, quốc-thế vẫn phân làm hai, là từ nam-ngạn sông Gianh dĩ-nam là cái đất tân-cương của nhà Lý, nhà Trần và nhà Tiền-Lê đánh nước Chiêm mà khai-thác ra, rồi đến các đấng Tiên-vương Bản-triều ta mở rộng thêm ra, thì thuộc về quyền tự-chủ của Chúa Nguyễn. Còn từ bắc-ngạn sông Gianh dĩ-bắc là cái đất Tổ-quốc của cụ Lãn, tức là cái đất bản-hộ của nước Đại-Việt thì thuộc về vua Lê chúa Trịnh, nhưng vua Lê chỉ còn có cái hư-vị mà thôi, chính-quyền chuyên ở một tay nhà chúa Trịnh, chúa Trịnh truyền đến đấy là Trịnh Xâm, xử với tôn-thống nhà Lê lại càng nhiều việc gian-bạo hơn các đời trước, nên-chi những kẻ quật-cường, nhân cớ đó mới kích-động nhân-tâm mà phiến-biến, như Hoàng-thứ-tử Lê Duy-Mật thì chiếm-cứ một vùng ở Thanh-hóa, những bọn loạn-dân thì khởi lên khắp cả các châu-quận, có đảng thì chân-tâm, có đảng thì giả-danh mà đảng nào cũng đều lấy cái tiếng "phù Lê diệt Trịnh" để làm thanh-thế, nhất là về Hải-dương là cái chỗ tử-phần của cụ, có tướng Cừ, tướng Hẻo đều khiêu-dũng khác thường, mà cái vạ binh-đao lại càng khốc-liệt hơn các nơi khác. Ấy cái thế tam-phân tứ-khởi lúc bấy giờ đại-khái như vậy, mà cụ Lãn thì sẽ đối-phó với cái cuộc loạn ấy như thế nào?

Cụ vốn là một vị thiếu-niên công-tử, sinh-trưởng trong chỗ đỉnh-chung, dùi-mài ở nơi đèn sách, mắt chưa từng trông thấy ngọn lửa, tai chưa từng nghe thấy tiếng súng ở chỗ sa-tràng bao giờ, thì dẫu có cái thiên-tài hùng-vũ còn ẩn chưa lộ ra thế nào mặc lòng, mà thốt-nhiều gặp cơn binh-lửa tới nơi, thì cũng không khỏi phải bàng-hoàng bôn-tẩu, tìm chốn ẩn-thân như mọi người thường. Sau cực chẳng đã, cụ bèn phấn-nhiên mà rằng: "Can-qua mãn mục, nam-nhi hà tất lão thư-song.– Trông ra bề bộn can-qua, nam-nhi hà-tất chết giả thư-song." Bấy giờ mới quyết đi dạo chơi các nơi phương-ngoại để rộng tìm lấy những chi-sĩ mà kết-giao; cái chi bốn phương "hồ-thỉ" nó thúc-giục cho cụ phải xếp bút nghiên mà rấn thân ra cái bước phong-trần từ đấy.

Trông vời trời bể mênh-mang,

Thanh gươm yên ngựa lên đằng thẳng giong.

May đâu gặp Vũ tiên-sinh là một nhà xử-sĩ ở làng Đặng-xá, huyện Hoài-an, trước đỗ hương-tiến (cử-nhân), không muốn ra làm quan về ẩn-cư ở bản hương, đã tám-mươi tuổi, rất tinh về "thiên-nhân chi học". Vũ tiên-sinh mới dạy cho cụ Lãn những phép binh-thư và cái thuật nhâm-độn; cụ nghiên-cứu ít lâu thì tinh: bấy giờ mới cắp gươm ra đầu vào đảng quân Chính-phủ đi chinh-tiễu, để thí-nghiệm cái học của mình.

Cho hay những bậc anh-hùng xưa nay, lúc còn ẩn-phục ở nhà, thì nhu-mì ôn-nhã, chẳng khác chi cô thiếu-ngải đang ngồi đọc sách ở trước song-the; đến khi đã xuất-hiện ra với đời rồi, thì nhanh-nhẹn hùng-cường chẳng khác chi con mãnh-hổ đang thét gió gào mây ở trước cửa rừng. Cụ Lãn từ vào làm việc trong quân, bao nhiêu những sự lâm-nguy lý-hiểm đều coi như không; những lúc vận-trù quyết-sách cũng đều được ứng-nghiệm cả, thường thường trận nào cũng được phần hơn người, quan Thống-tướng tin yêu lắm, đã định chờ dịp mà đề-bạt lên cho cụ, nhưng cụ tuy cái thân ở chỗ hàng-trận, lúc làm ông tham-mưu trong duy-ốc, lúc làm viên dũng-tướng ngoài chiến-tràng mà hằng đem cái nhỡn-quang của kẻ nhân-nhân để quan sát cả toàn-cục:

Gẫm từ dấy việc binh-đao,

Đống xương vô-định đã cao bằng đầu!

Cụ càng kinh qua cái tấn kịch tham-tàn của người đồng-bang bao nhiêu, thì đối với cái cuộc nộp quách dâng công của bọn cò nhờ nước đục kia, thì lại càng thêm khả-ố bấy nhiêu, cụ càng trông thấy giọt máu đào của người đồng-bào lai láng ra bởi tay người đồng-bào bao nhiêu, thì cái bụng thương nòi xót giống lại càng chan-chứa ra bấy nhiêu. Ôi! Tranh nhau cũng vị hơi đồng, giết nhau vị miếng đỉnh-chung của trời, cả một cái chiến-cục tương-tàn tương-sát nhau trong đồng-loại, đang ồn-ào sôi-nổi, mà kỳ-thực bên nào cũng đều không có cái chủ-nghĩa gì chân-chính, cái mục-đích gì công-minh, như thế thì còn tri mà làm chi, dũng mà làm chi, thăng-trạc cùng hiển-hách nữa mà làm chi; bởi thế cụ đối với quan Thống-tướng đáng lẽ là một người ân-nhân tri-ngộ, nên tỏ ra lòng săn-sóc dường nào, mà cụ là xử ra ơ-hờ lạnh-nhạt, ấy cái sự-nghiệp cường-chủng thọ-thế của cụ sau này, mà truyền để được đến muôn đời, cũng là phát-quang ra từ cái đám máu rơi thịt nát lúc bấy giờ, rồi phản-chiếu ra đó. Không thế thì sao đang đường-đường một vị thiếu-niên tướng-quân, chỉ thanh long-tuyền đi đồ-thành hãm-trận, uy-danh lừng-lẫy trong quân, mà bỗng quay ngay ra làm một ông thầy thuốc, đeo bầu quẩy níp, lang-thang đi cứu-dân độ-thế làm gì?

Tuy-nhiên, cụ Lãn sở-dĩ không hoan-nghênh cái thịnh-tình của quan Thống muốn đề-bạt cho mình, là vì cụ cảm thấy một cái tranh đoan lúc đó, là một cái tranh-đoan đều vị tư-lợi, nên chi trong lòng bất-giác sinh ra chán-ngán mà thôi; còn như nhà quân là cái chốn sinh-hoạt của đấng anh-hùng, việc quân là cái việc gốc yên dân giữ nước, cụ là một đấng anh-hùng muốn hết lòng vì dân vì nước, mà không lợi-dụng lấy cái sức mạnh của nhà quân, để trừ-tàn khử-bạo, thì làm thế nào được, cho nên cụ vẫn cứ trù-trừ lưu-luyến, chưa nỡ chia-phôi. Nay đọc mấy bài thơ thuật-hoài về khi cụ đã thành một ông lang già rồi, mà còn có những câu như: "Gươm thiêng bỏ xét, anh-hùng già-nua". và câu: "Câu thơ tráng-chí bận lòng lúc say", thì đủ chứng rằng cái hùng-tâm của cụ vẫn bứt-rứt về việc vát-loạn đến già chửa thôi.

Cụ đang ở trong quân, bổng có giấy "phó-cáo" ở nhà quê đưa lại nói rằng: "Ông anh thứ năm cụ về nuôi mẹ ở quê ngoại Hương-sơn (Nghệ-an), quan-sơn nghìn dặm, nay bị bệnh mất rồi". Gia-vận gặp cơn sa-sút, trên thì mẹ già bảy-mươi tuổi, chân chậm răng long, dưới thì năm ba đứa cháu bồ-côi, ngây-thơ măng-sữa. Cụ phải vội-vàng bẻ tên cởi giáp, chạy về Nghệ-An để thu-xếp việc nhà; ai hay chính cái ngày hôm cụ Lãn tạm từ nhà quân mà về thì lại thành ra cái ngày cụ vĩnh-biệt nhà quân, để cái cái nghề "thị-sát" đi mà làm cái nghề "hiến-sinh", thì còn biết đâu mà đoán trước được.

Loạn nước chửa bình, việc nhà thêm rối, cụ Lãn một mình kinh-doanh gia-kế không lúc nào ngơi, mà thử đem tính lại cái hiện-tình trong toàn-quốc lúc đó, thì cái thế tam-phân tứ-khởi kia, chưa biết ngày nào liễu-kết, dân-sinh còn lắm nỗi lầm-than, vả trông về trung-nguyên là cái đất Tổ-quốc, nay dù đang khi hỗn-loạn thế nào cũng không có lẽ bỏ mà đi đâu, mà muốn vì Tổ-quốc lập-công, thì sự-thế như ngày nay, chỉ có một cách là lại phải tuốt lưỡi gươm thiêng ra, xông-pha bách-chiến, lấy nước làm trọng, lấy mình làm khinh-sở-ngộ cái gì có lợi cho dân cho nước thì để, cái gì có hại cho dân cho nước thì trừ, thì mới có thể giải-quyết được những cái vấn-đề trên nọ mà mong cho nước nhà được tràng-trị cửu-an, dân-sinh được an-cư lạc-nghiệp. Nhưng lại ngặt vì còn chút mẹ già yếu đuối, như ngọn đèn trước gió, chưa biết phó-thác cho ai; trải xem các đấng trung-thần từ xưa, đều là những người hiếu-tử, nước tuy không phụ, nhà đâu nỡ quên, phải liệu sao cho hiếu trung đều vẹn, mới là trượng-phu. Vì thế cụ Lãn còn phải nấn-ná lại ở nhà, hễ được lúc nào gia-sự sảo-thư, thì lại cứ đem sách ra coi, đem gươm ra múa, cái khí "hồng-nghê" bầng-bầng muôn trượng, chưa biết thôn-thổ vào đâu, cụ có ngâm thành một bài thơ ngũ-ngôn bằng Hán-văn như sau này:

十年磨一劍, 鋒刃正光芒

殺氣橫牛斗, 嚴威動雪霜

入秦旣不可, 歸漢亦未遑

湖海空飄蕩, 壯志成大狂.

Nay dịch ra việt-văn thể lục-bát rằng:

Mười năm mài một lưỡi gươm,

Hào-quang sáng quắc phi-thường ai đang.

Ngất trời sát-khí mơ-màng,

Nghiêm-uy chuyển-động tuyết sương nghìn trùng.

Tìm đường về Hán chưa xong,

Sang Tần thì việc đã không nên rồi.

Bể hồ trôi-rạt đôi nơi,

Cho người tráng-chí ra người cuồng-ngông.

Một bài thơ ấy thực đủ tả hết cái tâm-sự của cụ lúc bấy giờ bối-rối là nhường nào! Hay đâu chí nam nhi chưa toại, việc gia-sự đã mang, lao-lực lao-tâm quá mà nhiễm-thành một chứng bệnh nặng, mời khắp các thầy chữa hai ba năm không khỏi sau phải sang bên huyện Thanh-sơn, trọ ở nhà ông y-sĩ họ Trần để nhờ ông chữa cho.

Lạ thay cho một cái bệnh dai-dẳng đến mấy năm trời làm ngăn-trở mất cả cái tiền-đồ may-mắn của một tay hào-kiệt thiếu-niên, đang hội phong-vân, ở người ta thì thực là một cái bệnh rất ác-nghiệt đáng nên thù ghét là dường nào, mà ở cụ Lãn thì lại phản-thành ra một cái bệnh rất có công-ơn đáng nên kỷ-niệm, là vì cụ nhân có cái bệnh ấy, nó bách-thiết đến thân mình, để cho mình tỉnh-ngộ ngay ra được rằng ở đời còn có nhiều cái sự-nghiệp rộng lớn, không phải khu-khu cốt luyện lấy lời văn cho hay, hay là mài lấy thanh gươm cho sắc, mà đủ thoát được mọi khổ-ách, cầu được mọi cái hạnh-phúc cho loài người. Và cụ sở-dĩ biết được cái môn-hộ nhà y, rồi trút bỏ mọi việc, chỉ chuyên-tâm chí-ý để phá tan lấy cái cõi thiên-hoang cho nhà y họ Việt-Nam ta được, cũng là nhờ có cái bệnh ấy nó làm môi-giới cho vậy. Cụ đi lại nhà ông Trần y-sĩ đến gần một năm. Ông là người ở Trung-cần, huyện Thanh-chương, bác-học đa-văn, vốn là một tay văn-chương cự-phách ở Hoan Diễn, đỗ hương-tiến, rồi tuyệt chí công-danh, về ẩn cư ở Thành-sơn, làm thuốc đã có tiếng, có một hôm cụ Lãn nhân thong-thả mới đem bộ sách Phùng-thị-cẩm nang là một bộ sách thuốc của Tàu ở nhà ông ra xem, phàm những chỗ uyên-áo ở đâu cũng đều hiểu thấu cả. Trần y-sĩ lấy làm lạ, bèn khuyên cụ Lãn nên lưu-tâm đến nghề làm thuốc để mà bảo-thân tế-nhân, và hứa sẽ đem tất cả cái học của mình mà truyền-thụ cho. Vả trong cái chí trạch-nghiệp của cụ Lãn lúc bấy giờ cũng đã thể-nhận ra được cái tôn-chỉ của khoa y-học là một cái học cách-tri rất bao-la, rất thâm-áo và rất mật-thiết. Mà trong học-giới của Á-Đông ta ngày trước, nói đến cái nghĩa tri-trí cách-vật, cũng chỉ có một khoa học này là lược-bị mà thôi, nghĩa là trước phải nhất-quán cả thiên địa nhân, phải hội-thông với cái triết-lý trong kinh Dịch, rồi sau phải khảo-nghiệm và điều-nhiếp chế-hóa cả các tinh-chất của vạn-loại trong vũ-trụ, để dùng làm cái tài-liệu hộ-vệ cái phúc-thọ-khang cho nhân-loại, thật là một cái học rất quan-hệ cho nước cho dân, cho nhân-quần xã-hội, cho nên cổ-nhân thường cho cái trách-nhiệm của một ông thầy thuốc cũng bằng cái trách-nhiệm của một ông tể-tướng. Phương-chi người Việt-Nam ta, đối với khoa-học này từ trước đến bấy giờ, cũng chỉ mới biết học mò cái cách làm thuốc của Trung-quốc mà thôi, thực chưa có ai biết tự thí-nghiệm để biệt-lập ra được một nhà danh-gia bao giờ, nay ví đem cái tài yêm-bác, cái lòng cao-thượng, cái bụng bác-ái, cái chí kiên-nhẫn như cụ Lãn, mà hết sức nghiên-cứu lấy một khoa-học này, thì học-nghiệp lo gì không thành-tựu, sự-nghiệp lo gì không phát-đạt, mà cái đạo-thuật truyền để đến muôn đời, lại chả còn hơn cái huân-danh chỉ rực-rỡ được có một lúc hay sao? Cụ Lãn nghĩ như thế cho nên cái sự thụ-nghiệp ở Trần y-sĩ, vì mắc việc thì lại thôi, mà cái chí học thuốc của cụ thì đã nhất-định rồi. Xẩy có quân loạn-đảng ở ngoài Bắc, bị quân Chính-phủ đánh thua chạy vào hạt Nghệ-An, nên quan Hải tướng-quân (ông này trong bài tự của cụ Lãn không nói rõ tên, nhưng chắc là ông Phạm Đình-Trọng 范廷重 người Hải-dương đuổi đánh giặc Hẻo) là chủ-súy quân Chính-phủ kéo vào vây đất Bào-giang (về hạt Nghệ-an), những người thân-bằng của cụ ở Nghệ-an ra đi tòng-quân cũng nhiều, có người nói với Hải tướng-quân mà đề-bạt lên cho cụ. Hải tướng-quân cho cờ lệnh về tận nhà mời, cụ mới phải ra yết-kiến trước viên-môn. Hải tướng-quân vốn có bụng ái-tài, nay xét thấy cụ Lãn là người thực quả có tài, thì tin-dụng ngay, bèn mật sai cụ đem quân việt-hiểm qua Cao-châu lẻn ra đàng sau giặc mà đánh chặn đường viện-binh của nó; tướng-quân lại dụ cụ rằng: "Trận này thành-công thì được bái-tướng phong-hầu ngay." Đó là cái chân-tình của Hải tướng-quân như vậy, nhưng có biết đâu cái chí cao của một đấng trượng-phu đã quyết-định làm việc gì mà đã đinh-ninh trong dạ rồi, thì dẫu tôn-hiển phú-quí đến thế nào, cũng không di-dịch đi được, nữa là một cái công nhặt bã mía đi sau voi, thì có làm gì? Cho nên cụ nghĩ ngay trong bụng rằng: "Cái đám lợi-danh mình đã phó theo với phiến nhàn-vân cùng dòng lưu-thủy kia bao lâu rồi." Bèn cáo-từ có mẹ già không có thể đi xa được, tức-thì trở về Hương sơn dùm mấy gian thảo-dưỡng ở dưới cửa rừng, dốc trí học thuốc, thu-tập khắp cả các sách bách-gia, đêm ngày kê-cứu, không dám bỏ qua một chút thì-giờ nào. Song cái chỗ cụ ở là một nơi ngõ hẹp hang cùng, trên không có ai là minh-sư, dưới không có ai là lương-hữu, để mà cậy trông, chỉ tự nói tự bàn, tự hỏi tự đáp, lần mò tưởng-tưởng lấy một mình mà thôi. Duy ở Đỗ-xá là một làng gần miền, có một thầy lang cũng họ Trần, học-hành cũng khá, cụ đi lại rất thân, cũng có bổ-ích đôi chút. Mãi hai ba năm sau cái trí-thức về y-học cũng đã mở-mang ra nhiều, mà cụ vẫn còn lấy làm ngờ, chưa dám tin cái sự suy-trắc của mình là phải. Đến năm Cảnh-hưng thứ 17, lại ra kinh-thành tìm thầy, nhưng thầy thì nhiều mà hay thì hiếm, rủi thay cho cụ không gặp được ai là bậc cao-minh lại phải trở về cố-sơn, tạ-tuyệt những bạn trúc-tùng, đóng cửa xem sách, tẩm-lì dần-dà, mấy năm nữa rồi mới ra chữa, thì thấy kiến-hiệu nhiều. Trong huyện-hạt người ta đều gọi là một ông thầy thuốc, cụ mới tự nghĩ rằng: Mình đã chót nhận lấy làm một ông thầy thuốc, thì phải làm thế nào cho hết cái năng-sự của mình, là phải trước-thuật cho rộng, để dựng lấy một lá cờ xích-xi ở trong y-giới, dù có ai cho là phô-trương cũng không ngại, chỉ ngại rằng cái lẽ làm thuốc thì cực rộng, sách làm thuốc thì cực nhiều, môn này mục nọ, tản-mạn vô-cùng, mà những chỗ các đấng hiền-triết tiền-bối, luận-bệnh lập-phương, cũng còn nhiều điều chưa được đích-đáng lắm, thế-tất bây giờ phải hội-thông cả bách gia lại, mà lập ra thành một bộ sách riêng thì mới được. Nhưng cụ lại nghĩ rằng: "Cái sự trước-thư lập-ngôn không phải là dễ, ngạn-ngữ có câu rằng: cho đơn hơn cho thuốc, nghĩa là thuốc chỉ chữa được một người mà đơn thì cái ơn không bao giờ hết; song nghĩ cho kỹ, nếu trong đơn mà có một vị nào chưa đáng, thì bao nhiêu người sẽ phải hàm-oan. Phương-chi là sách đã thoát-cảo ra rồi, câu nào cũng phải nhất-định bất-di, nếu có một chữ nào sai-lầm thì di-hại lại bằng mấy mươi cho đơn vậy...(lược)... Coi đó thì ai là người mà không phải hàn-tâm". Bởi thế cụ muốn nói mà chưa dám nói, có chí mà chưa dám làm; sau đó có một hôm gặp một cái bệnh biến-ảo vô đoạn, phải tra bao nhiêu sách, phí bao nhiêu công, nghĩ-ngợi mới chữa khỏi. Ông Thạch-trai tiên-sinh là anh cụ, thấy thế mới khuyên cụ nên dụng lực về sự trước-thư để truyền-thụ cho đời sau, cụ bấy giờ mới dám quyết làm trong mười năm, thành một bộ sách thuốc sáu-mươi-nhăm quyển, nhan là: "Lãn-ông tâm-lĩnh", Sách của cụ làm xong, còn để ở nhà, chửa cho công-bố ra ngoài, mà khi cụ thượng Kinh, mới tới Hà-nội, đã thấy kẻ được một tập, người được vài quyển, nhờ [đó] mà nổi danh trong nghề làm thuốc. Người thì truy-ơn lập bàn thờ sinh-vị cụ đã lâu, người thì nghe thấy tin cụ ra, đưa thơ đưa lễ đến lạ. Mới biết là bởi học-trò cụ sao được rồi truyền đi. Vậy thì sách của cụ có giá-trị ở trong y-giới Việt-Nam ta mà được quốc-dân hoan-nghênh ngay hiện-thời là dường nào!

Bấy giờ cụ Lãn thấy cái nền-nếp về y-khoa của mình, đã có cái thế vững-vàng rồi, mới lo tìm cách để khuếch-trương ra cho được thực-hành, bèn mở ra một trường dạy học thuốc ở trong nhà và lập ra một hội Y-ti để cho các đạo-đồ, kẻ còn đang tòng-học hay kẻ đã tốt-nghiệp rồi, được có chỗ mà quan-ma căng-thức với nhau.

Cụ Lãn vốn là một người tính-tình vui-vẻ, biết thưởng-thức cả những cái thiên-công nhân-xảo, chứ không một niềm thiết-tha khắc-khổ như mấy ông cụ đồ già khác, ở trong nhà bấy giờ lập ra có đường (nhà rộng), có đình (nhà vuông giữa vườn), có hoa-viên, thư-viện, có ao cá, mưỡu chim, mà mỗi chỗ đều có đặt một tên riêng, như Di-chân-đường 怡眞堂 là nơi tự lạc của gia-tộc; Tối-quảng-đình 最廣亭 là nơi để xem sách, vân vân. Lúc dư-nhàn cùng năm ba kẻ quán-đồng dạo chơi giải trí, nào đàn, nào cờ, nào thơ, nào rượu, nào đi câu, nào hoa cười dưới tiệc, chim nói trong lồng, trước cửa chờ trăng, ngoài hiên hóng gió, giữa chỗ non xanh nước biếc mà cái thú thanh-lao phong-vận lại gấp mấy mươi nơi gác tía lầu son. Cụ thường thuật-hứng có câu rằng: "Chỉn mong đời được thọ khang, ngâm thơ chuốc rượu thày lang càng rồi". Cụ thật là đạo-đức-tiên-sinh mà phong-lưu-tiên-sinh.

Năm Cảnh-hưng thứ 43, cụ đã sáu-mươi tuổi, có quan Chánh-đường (tức là quan Tể-tướng, ông này trong sách Du-ký của cụ Lãn không nói rõ tên, nhưng cứ cái việc cố-mệnh bị-sát về sau thì ông Nguyễn Hoãn阮睆) trước trấn Nghệ-an đã từng mời cụ chữa thuốc; nay nhân thế-tử Trịnh Cán là con Thánh-tổ Trịnh-vương Trịnh Xâm có bệnh, ông mới tâu với chúa Trịnh truyền-chỉ triệu cụ vào Kinh chữa cho Thế-tử; cụ tiếp chỉ lấy làm phiền-muộn lắm, sau bất-đắc-dĩ mới phải đi.

Trước cụ không muốn đi là vì sợ cái danh-cương lợi-tỏa nó thúc-phọc mình mà không thực-hành được cái đạo nghệ của mình, cho nên cụ có nói rằng: "Mình lấy sự bảo-thân tế-nhân làm đắc-sách, nhất-đán bị cái hư-danh nó làm hệ-lụy cho mình đến thế này". Ấy cái sơ-tâm của cụ đối với sự tuyên-triệu mà sinh ra ác-cảm là thế, chứ không phải như cái chủ-nghĩa của bọn Tràng Thư, Kiệt Nịnh ở Trung-Quốc, chán đời trốn thế, chết rấp nơi ngòi lạch mà không ích gì cho ai. Sau nghĩ đi nghĩ lại cụ thề với thần-mình mà rằng: "Tôi khốn-tâm hoành-lự về một nghề y-đạo đã 30 năm nay, tập được một bộ Tâm-lĩnh muốn đem vấn thế, nhưng việc cả nhà nghèo, xin thần-minh cảm-cách cái tấm thành-tâm này cho, thì chuyến đi này tất có chỗ tao-ngộ cũng chưa biết chừng." Nghĩa là cụ biết không đi không được, thì lợi-dụng chuyến đi đó may mà cái thành-tâm của mình có cảm-cách được ai là kẻ hữu-tâm giúp cho ít tư-bản để ấn-hành được bộ sách mới của mình mà truyền-bá ra với thiên-hạ hậu-thế, thì càng hay lắm. Cho nên phải thề với thần-minh, tức là phân-phô với cái lương-tâm mình để giãi bày ra cái bụng khổ-tâm vị đạo, chứ không phải như cái bọn Di Tề giả ở nước ta, trước làm quan nhà Lê đến lúc nhà Lê mất rủ nhau đi ẩn, sau chán rau vị chát lại giắt nhau hạ-sơn vậy.

Cụ vào vương-phủ thăm bệnh cho Thế-tử. Thế-tử mới lên độ 5, 6 tuổi mà bị bệnh đã lâu ngày, cụ biết không thọ được, vả xem qua cái gương thế-sự ở ngoài trong bấy nhiêu ngày trời, thì lại càng chắc rằng cái điều sở-ước của mình cũng chẳng ăn thua gì nữa, nếu nay dùng cách chữa cấp-hiệu ngay cho tạm đỡ, thì sợ không thoát khỏi lao-lung, để về chốn cố-sơn của mình được. Cụ bèn kê một đơn thuốc hòa-hoãn bất-trùng bất-viễn đệ lên. Trịnh-chủ xem khải, khen cho thâm-thông y-lý, truyền ban cho thế-tộc. Cụ biết tin liền cáo-bệnh không vào chầu, rồi hết sức nhờ quan Chánh-đường kêu cho là suy-lão, xin phóng-hồi mà không chịu ăn lương; quan Chánh-đường tuy có kêu cho, nhưng còn bắt cụ phải lưu lại ở trong kinh để đãi-mệnh. Cụ xin ra ngoài phố trọ, làm thuốc kiếm lộc tiêu, chứ không ở trong công-dinh nữa.

Cụ từ ra Hà-nội, nào là y-học tinh-vi, nào là thi-hoài siêu-mại, nào là khí-tiết thanh-cao, tiếng-tăm lừng-lẫy cả trong triều ngoài nội. Không kể những kẻ xin thuốc chữa bệnh, từ các bậc danh-công cự-khanh, cho chi các hàng thân-sĩ, ai được tiếp chuyện họa thơ với cụ thì lấy làm hân-hạnh vô-cùng. Có người chưa từng biết mặt bao giờ cũng họa thơ đưa lại, cụ phải ứng-tiếp luôn luôn, không lúc nào ngơi.

Ở kinh sáu tháng, vào vương-phủ làm thuốc hai lần, quan Tể-thần lễ-trọng, chúc Trịnh-vương là một vị hùng-chủ, vũ mạnh văn hay, uy-quyền lẫm-liệt, có lòng quyến-ái, ân-ngộ ưu-ốc, khi thì thưởng tiền "Thái-lao", lúc thì ban cơm "Ngự soạn", mà cụ vẫn lấy làm bứt-dứt khó chịu, chỉ xin phóng-hồi không được. Có một hôm, Trịnh-vương ban khen về việc "tấu-đối tường-minh, am-thông y-lý", thưởng cho tiền để may áo mới mà vào chầu cho trọng-thể; quan Chánh-đường đã biết ý cụ, phải dặn đi dặn lại hai ba lần và đe rằng: "Hễ mai ông vào chầu mà còn ăn-vận thế này, thì cho là bạc-thị-quân-ân, sẽ phải tử-tội," cụ mới phải đi mượn áo mũ của những chỗ thân-nhân, chứ không chịu may. Thế ra trước kia những khi gần kề trướng gấm, gang-tấc mặt rồng, cụ cũng chỉ đeo cái bộ y-phục chất-phác cũ của nhà nho đấy thôi, chứ không có trang-tác quan-dạng gì cả.

Tuy-nhiên, cái vận-mệnh của Trịnh-vương và Thế-tử cũng đã đến ngày cả rồi, cho nên chẳng khác chi ông Tề Hoàn-công lúc bệnh còn ở ngoài thấu-lý thì không cho chữa; đến khi bệnh đã vào trong cao-hoang rồi, dẫu ông Biển-Thước cũng phải bỏ mà chạy. Cuối năm ấy, chúa Trịnh phát bệnh nặng, lại triệu cụ vào, cụ hết sức chữa mà chúa Trịnh cũng không qua được. Còn Thế-tử thì bệnh đã lâu, mà cái đơn của cụ kê lên từ mấy tháng trước, thì tin lời gièm-pha không cho uống qua một lần nào, đến lúc vào chữa cho Trịnh-vương thì mới cho chữa cho cả Thế-tử nữa. Thế-tử tuy đã bớt, hôm tập-vị ra thị-triều, bị cảm lại mà phát kịch thêm ra. Cụ mới thác-ngôn với quan Chánh-đường rằng: "Có gia-thư nói trong nhà quê có người bị bệnh nguy-cấp lắm, xin tạm về." Bấy giờ quan Chánh-đường với các quan cố-mệnh kẻ ưng người không, cụ cũng cứ vào tạ Tân-vương mà về, đi đường mừng lắm, nói rằng: "Chẳng khác như cá thoát lưới, chim sổ lồng". Về đến nhà được mấy hôm, thì bọn Tam-phủ-binh kéo đến phá và giết cả nhà quan Chánh-đường, và các quan cố-mệnh-đại-thần, phế Trịnh Cán mà lập Trịnh Khải, rồi Trịnh Cán bệnh thêm nguy ra mà chết. Cụ liền cất bút chép lấy những sự lịch-du và những án chữa bệnh trong khi thượng Kinh, đề là "Thượng-kinh ký-sự", phụ xuống cuối bộ Tâm-lĩnh thành 65 quyển. Quyển du-ký ấy vừa thơ vừa ký, văn-thái phong-lưu, thật là một cuốn văn du-ký kiệt-tác mới xuất-hiện ra ở trong văn-học-giới Việt-Nam ta xưa nay. Từ đó khuếch-trương, thêm cái y-hội đã tổ-chức trước, giảng-lập cho đạo-đồ mà ưu-du chung-lão.

Cụ Lãn là một người con nhà thế-phiệt, văn võ kiêm-toàn, tài đức vẹn đủ, đang buổi thiếu-niên anh-nhuệ, đủ sức tranh-khôi đoạt-giáp, có dịp bái-tướng phong-hầu, mà bỗng nhất-đán vất bỏ cả công-danh không thiết gì đến phú-quí, chỉ biết hi-sinh một cái thân mình, để cống-hiến cho khoa-học, mà học thì cốt lấy sáng-kiến làm quí, về y-khoa thì biệt riêng ra một môn-hộ ở Á-Đông, về văn-học thì lấy thơ văn để làm cái chỗ phát-triển ra những tư-tưởng mới, cụ thật là một nhà kiêm cả đại-y-học, đại-văn-hào, đại-thi-bá và đại-cao-thượng ở Việt-Nam ta, dẫu đem so-sánh với các đấng cao-hiền thạc-học về hai phương Thái-đông Thái-tây xưa nay, cũng không thẹn gì vậy.

Một câu cách-ngôn về thực-nghiệp của Cụ Lãn

Ta muốn biết một câu cách-ngôn của cụ Lãn sẽ kể ra sau này là một câu sáng-kiến thế nào, thì trước hết ta phải biết cái học-thuật tư-tưởng của thời-đại cụ lúc bấy giờ thế nào đã. Nước ta nhất là về thời-đại nhà Hậu-Lê, cái học-thuật tư-tưởng của cả toàn-thể quốc-dân, cơ-hồ thu-nạp cả vào trong bốn chữ "cao-khoa hiển-hoạn" mà thôi; xả cái văn-chương cử-nghiệp ra, không còn có cái gì là đáng nghiên-cứu, ngoài cái sự tố-quan ra không còn có cái sự-nghiệp gì đáng nên làm, cứ xem ngay những lời vật-luận của người ta đối với cụ lúc bấy giờ thì biết. Một ông quan Văn-thư bảo cụ rằng: "Cụ là một người cao-ẩn mà mượn cái tiếng làm ông thầy thuốc đấy thôi." Lại như ông Thạch-Trai-tiên-sinh là anh cụ, đã là người đạt-giả, mà lúc khuyên em là sách thuốc cũng nói rằng: "Ngô-nho học giỏi thì ra làm quan,...(lược)..., đạo y cũng bởi đạo nho mà ra, tuy là bá-đạo, chẳng còn hơn nhà Đạo nhà Thích là những bọn dị-đoan dư?" Mà chính cụ Lãn cũng tự-thán rằng: "Họ cứ đồn rằng mình là một người đại-thần-cử-tri, Thánh-chỉ-tuyên-triệu, thì họ tưởng là mình có kỳ-tài gì ở nơi nham-huyệt, còn sự làm thuốc thì họ cho là một nghề mọn đó thôi, chứ có kể gì." Nhất là một hôm có một ông khách họ Trần mới đỗ Giải-nguyên đến chơi nhà cụ, ông thấy ở trên án chồng-chất một bộ sách thuốc khá cao của cụ mới soạn ra, ông thâm-bỉ mà rằng: "Đạo-lý là cái đường để vi-trị rất lớn, ở trong Kinh nói: "Tinh-nhất chấp-trung", trong Truyện nói: "Tu, tề, trị, bình", người ta mà sở-dĩ lập lên được những cái qui-mô chất-trị thăng-bình cũng là nhờ cả ở đó, tức như chữ "bác-thí" của đời Đế cùng nghĩa "toại-nhân" của đời Vương, bao nhiêu thiện-chính lương-pháp còn đầy dẫy ở cả trong sử-sách; đến như sự làm thuốc thì chỉ thấy chép có một chỗ ở sách ngoại-sử về Ngũ-đế-kỷ mà thôi, rồi không thấy nói đến ở đâu nữa, bởi vậy nho-giả ở đời, xôi kinh nấu sử, hè lại đông qua, lấy cái áo mũ được ban lúc đỗ làm cái thê-giai, lấy cái việc chống-đỡ ngôi trời làm cái sự-nghiệp rất lớn, còn như sự làm thuốc, thì chỉ gọi là một nghề, kêu là một thuật, có hơi trọng thì cho là một nhân-thuật mà thôi, tựa-hồ việc làm thuốc không phải là đạo-lý." Lời của Giải-nguyên họ Trần thực đủ làm đại-biểu cho cả học-thuật tư-tưởng đời ấy.

Thế mà cái nghề mà cụ Lãn lấy làm trân-bảo thì lại hóa ra người ta cho là khinh-thường, quan Văn-thư thì cho là mượn tiếng làm thuốc mà đi ẩn, anh ruột thì cho là bá-đạo, chúng-nhân thì ngơ là có cái kỳ-tài gì khác, đến lần này lại bị một viên cừ-khôi trong đám khoa-tràng bài-xích hẳn ra ngoài đạo-lý; giá những kẻ kiến-thức không xác, tri-chí không kiên, mà đương vào những đám vật-luận công-kích như thế thời không khỏi đến phải ngã lòng, thế mà cụ không những không thoái-xúc, lại cả gan như dám vì cái chủ-nghĩa khoa-học của mình, kéo cờ gióng trống ra mà phản-đối lại, dạn-dầy mới biết gan liền tướng-quân! Cụ đối khách ngậm-ngùi than rằng: "Ông chấp-kiến như thế chẳng hóa ra ông thả chông đường rộng, dấp gai lối dài hay sao? Phàm đã gọi là đạo, thì chu-lưu bàng-bạc khắp cả ở trong thiên-địa-gian này không đâu không có, suy ra từ lớn chí nhỏ, không biết bao nhiêu là việc, có phải chỉ cứ một việc nào mới là khang-tế..." ấy một câu từ chữ "đã gọi là đạo", cho đến chữ "mới là khang-tế" của cụ Lãn nói đây, thực là một câu cách-ngôn rất tinh-thiết về thực-nghiệp-giới mới sáng-kiến ra ở Á-Đông này vậy. Ôi! "Đạo là việc đương-nhiên, lý là việc sở-dĩ-nhiên", đó là lời của vua Thánh-tôn là một nhà lý-học về lúc học-giới nhà Lê đang thịnh thời đã giải về nghĩa chữ đạo-lý rất rõ-ràng thiết-đáng như vậy. Vậy đã gọi là sĩ-quân-tử ở đời, thì bao nhiêu những việc ở đời, xa từ trời đất muôn vật, lớn từ việc nước việc đời, gần đến trong thân trong nhà, nhỏ đến ăn-uống hành-động, cái gì mà người đời đã phải làm đến, đã phải biết đến, thì cái gì mà không phải là đạo-lý, không phải là việc phận-sự của kẻ sĩ-quân-tử, phải nên khang-tế cho đời được hay được thịnh, thế mà nhà-nho chỉ khu-khu biết có vài đại đoan về "Tu, tề, trị, bình" mới là đạo-lý mà thôi, thì sở-kiến hãy còn hẹp lắm.

Cụ HUXLEY (Tầu dịch là Hách-ti-lê) là một nhà đại-nho nước Anh, có bàn về các phái cổ-học Thái-Tây ở trong sách Thiên-điển-luận của cụ; cụ giải cái học của cụ SOCRATE (Tầu dịch là Tô-cách-lạp-để) là cái học không biết lấy cách-tri làm trọng, rồi cụ nói rằng: "Lý không cứ gì lớn hay là nhỏ, hễ đã có tích-luận đối-đãi với nhau thời đều là cái việc ở trong học-vấn phải nên biết đến cả." Đó là thuyết của cụ Hux-ley nói về nghĩa trí-tri, mà thuyết của cụ Lãn nói ở đây thì là nghĩa thực-hành, có biết thì mới làm được, muốn làm thì phải biết đã, hai phương-diện có khác nhau, mà đại-bản thì là một.

Cụ HUXLEY lại nói rằng: "Bàn về sự học ở đời bây giờ thì có: danh-học, số-học, chất-học và lực-học, là những cái học rất tinh hơn cả, cương nào mục ấy, tiêm-tất sẵn-sàng, người ta có thể cầm lấy cái tả-khoản mà xoay đi xoay lại được, còn như cái học tâm-thân, tinh-mệnh, đạo-đức, trị-bình kia, bất-quá mới hơi nhòm thấy cái đại-ý đấy mà thôi, chứ chưa phải là vén mây trông thấy trời xanh vậy." Đó là cụ HUXLEY cho cái học tâm-tính trị-bình của nhà cổ-nho bên Thái-Tây là còn khuyết-điểm, chưa được hoàn-toàn bằng cái học cách-tri bây giờ, mà cái học cổ-nho bên Thái-Tây thì cũng tức như là cái học cổ-nho bên Thái-Đông ta, hai cái học ấy so với cái học cách-tri, tuy cái phạm-vi còn hẹp-hòi thật, nhưng cũng vẫn là thực-học, là cái học chân-nho, không đến nỗi như cái học khoa-cử của Trần Giải-Nguyên xưng-giương ở trên kia, thì thực là học hư-văn, là cái học ngụy-nho, chỉ mượn lấy cái lời không-ngôn của cổ-nhân để làm cái sáo khẩu-đầu, còn kỳ-thực thì "lấy thánh-kinh làm quyển văn cũ, coi cổ-sử như vở biên bài" như lời điều-trần thời-tệ của Bùi Sĩ-Tiêm đã nói ở đời Vĩnh-khánh (Lê-đế Duy-Phường), cho được bước lên cái thế-giai phú-quí là hết, chứ không còn có tí gì là cái tinh-thần của cổ-nhân nữa. Coi đó thì biết cái học-thuật tư-tưởng của người Việt-Nam ta đến đời nhà Hậu-Lê lúc bấy giờ lại càng là kém quá, mà dân-trí từ đó về sau cũng hệ ở đấy.

Cụ HUXLEY thì giải-minh ra cái học tâm-tính trị-bình của cụ SOCRATE là không được mĩ-bị bằng cái học cách-tri đời này, mà trên kia những thuyết của cụ Lãn biện-luận với Giải-nguyên họ Trần đều là cụ tự-thuật ra ở trong bài tự-tự sách Tâm-lĩnh để giải-minh ra cái tôn-chỉ về khoa y-học của mình mà tuyên-chiến với bọn hủ-nho để tranh lấy một địa-vị ở trong học-thuật tư-tưởng-giới đời ấy. Vậy thì cụ Lãn với cụ HUXLEY hai cụ niên-đại cách nhau xa, phong-khí khác nhau hẳn, mà văn-chương tư-tưởng thật là giống nhau quá! Thế mới biết lý đã đến chân-thực thì cổ-kim đông tây không khác gì nhau. Tuy-nhiên, cụ HUXLEY sinh ở đời này là lúc học-lý đã minh-thịnh rồi, thì biết cũng dễ, đến như cụ Lãn thì sinh và hóa đều trước cụ HUXLEY hơn một trăm năm (Lãn-ông 1721-1792, HUXLEY 1825-1895) là lúc cái vầng bạch-nhật của học-lý trong thế-giới, về Thái-Tây thì mới như rạng ngày mà về Á-Đông thì còn như đang đêm, thế mà cụ Lãn biết nói như thế mà không phải là sáng-kiến là gì?

Ôi! cái học khoa-cử hư-văn bằng Hán-tự làm mê-muội quốc-dân ta nay đã quá-khứ đi rồi, sao cho tránh khỏi cái học khoa-cử hư-văn khác sau này thì cái tiền-đồ của học-giới nước ta mới mong có ngày tấn-tới lên được.

Môn thuốc của cụ Lãn

Trong cựu-y-giới nước ta có một môn thuốc gọi là "môn thuốc Lãn-ông" được tín-dụng với quốc-dân ta đã hơn một trăm năm nay, hơn cả các môn thuốc khác của Trung-quốc đưa lại, phàm những nhà có học, khi đi lấy thuốc, nghe ông thầy nào làm môn Lãn-ông thì không nghi-ngờ gì nữa, mà ông thầy nào có học-thức nhiều, mới làm nổi môn ấy, bởi vì luận-thuyết của cụ thì tinh-túy mà cách trị-liệu của cụ thì bình-ổn chắc-chắn. Xem như một bệnh thương-hàn (đây nói cả các chứng sốt fièvre), cụ cực-lực bác các bài "phát-hãn" của Tàu là mãnh-liệt không thích-hợp với cái tinh-chất của người nước ta. Ở xứ nóng cụ có nghiệm, mấy bài "giải, lại biểu và hòa-lý" cho được thuần-hòa để chữa bệnh thương hàn cho người bản-xứ, đã có hai nhà bán sau này thực là hiểu-thấu được cái tinh-thần về môn thuốc của cụ. Ông Vũ Xuân-Hiên làm tựa sách Tâm-lĩnh của cụ Lãn có nói rằng: "Lãn tiên-sinh luận cái khí-bẩm của nam-phương khác với bắc-phương thì cái cách trị-liệu của hậu-nhân nên khác với cổ-nhân". Lại nói rằng: "Tiên-sinh nói những nghĩa mà tiền-nhân chưa nói đủ". Ông Đại-tráng-thiền-sư là một nhà yêm-bác ở gần thời cũng nói rằng: "Ông Lãn sinh ở đất này, hiểu cái cách chữa bệnh cho người ở đây"; và rằng: "Tập đại-thành của các nhà mà phát-minh ra những lẽ mà cổ-nhân chưa biết đến". Còn về những tính dược và những phép bào-chế của cụ cũng thiết-thực, tinh-mật hơn các sách khác. Về thuốc nam cụ cũng càng lấy làm chú-ý, tường-biện những tên thổ-âm và những tên tục-danh của những vị thuốc sản ở đất Lĩnh-nam ta, rồi chú-giải các tinh thuốc và các cách chữa mà biện làm sách Lĩnh-nam bản-thảo riêng. Xem một vị Bá chính-xâm từ cụ đề-xướng lên mà đến nay thành đại-dụng, giảm được cái số xâm bắc đi nhiều. Coi đó thì biết cụ Lãn học cổ-nhân mà biết tùy-thời biến-hóa, chứ không chịu nô-lệ của cổ-nhân, học bắc-quốc mà biết tùy đất biến-thiên, chứ không chịu chấp-nệ của bắc quốc, hấp lấy cái tinh-túy của người ta mà lập riêng ra một môn-hộ cho người nước mình, cụ thật là một người khéo biết học thay!

Ôi! Cái trình-độ dân-trí đã ngày một tiến lên, thì cái phạm-vi học-vấn cũng phải ngày một đổi mới, cụ Lãn đến nay đã lâu rồi, cái học của cụ đã thành cổ rồi, cụ khả-dĩ cáo vô-tội với tổ-quốc ở trong học-giới về quá-khứ thời-đại, còn sinh sau cụ mà xử vào cái thời-đại học-giới canh-tân này thì sao?

Công-phu trước-thuật của cụ Lãn

Cái sự-nghiệp về nghề trước-thuật của người Việt-Nam ta phát-đạt đã lâu, sách soạn ra cũng nhiều mà kể cái số đại-đoạn-công-phu thì chửa có bộ nào bằng bộ Tâm-lĩnh là một bộ sách thuốc của cụ Lãn. Sách soạn dòng-dã ngoại 10 năm mới thành toàn-chật 66 quyển, hội-thông cả bách-gia, chỗ thì theo, chỗ thì cãi, chỗ thì bổ thêm, chỗ thì duyệt-nghiệm lắm mà tâm-đắc nghĩ ra, luận-liệt sung-thiệm tinh-tường, chú-thích kỹ-càng cẩn-thận, những chỗ tiết-mục dấu-hiệu, số-thứ cũng đều tinh-tế minh-bạch, cho đến những tên nhan sách cũng đều dùng lấy những tiếng điển-nhã, như là sách nói về nhi-khoa thì đề là "Ấu-ấu tu-tri", sách nói về sản-khoa thì đề là "Tọa-thảo lương-mô", sách nói về những bài thuốc của cụ mới tìm ra thì đề là "Hiệu-phỏng-tân-phương"; v.v., đến như y-án, những bệnh khó mà chữa được thì ghi vào tập "Dương-án" đã đành, những bệnh khó không chữa được, cũng ghép vào tập "Âm-án" để làm cái nghi-án hỏi đời sau.

Ngoài việc thuốc-thang ra lại phụ thêm những lời y-huấn cách-ngôn và những thơ những ký trong khi đắc-ý làm ra, mà chỗ nào cũng đới có cái ý phải hết trách-nhiệm về việc làm thuốc, để cho bọn con nhà nghề được thêm cái lòng đạo-tâm, cái thú cao-hứng ra, mà hết lòng hết sức với nhân-quần xã-hội. Tổng-chi là bộ sách ấy, cách kết-cấu bài-bố đều nhóm có cái thể-tài văn-minh cả, cụ thật đã sành nghề thay! Sách đến nay tuy đã thành sách cổ rồi, mà cứ kể cái công phu, cái thể-thế cũng còn đáng dự vào hạng những nhà đại-trước-thuật trong thế-giới bây giờ.

Thơ văn của cụ Lãn

Thơ Hán-văn ở Việt-Nam ta, vốn học của Tàu, mà nhất là lấy thơ Thịnh-Đường làm cái mô-phạm tối-cao, từ Lý, Trần, đến Tiền-Lê, trong thi-giới đã có nhiều nhà thơ phảng-phất được với thơ Thịnh-Đường rồi, tới Hậu-Lê có cụ Lãn là một người cao-khiết phong-lưu, bi-ca khảng-khái, người đáng nên thơ, cảnh đáng nên thơ, sự-nghiệp cũng lại càng đáng nên thơ, mà thơ lại sẵn có thiên-tài ngay từ thủa nhỏ, cho nên lại có nhiều vẻ đặc-sắc, biệt-thành ra một nhà danh-gia, nay đan-cử vài câu dịch ra như sau này:

Hai câu "Nhàn-hứng"

Gia-Cát vị gì ba bận rước,

Thơ cùn rượu hết chán Nam-dương.

諸葛豈憐三顧厚,

囊無詩酒薄薄南陽.

Lại hai câu đi qua núi "Thiên-nhân hoài-cổ"

Thỏ-thỏ chim đồng ôn chuyện cũ,

Lờ-mờ rêu đá ký bài minh.

野鳥向人言往事,

霜苔銷壁篆山銘.

Thời ý-tứ đều cực cao-siêu mà mới-mẻ lắm. Còn thơ nôm là thơ nguyên-văn chính bằng tiếng ta, như hai câu "Cung-oán" rằng:

Mây ruổi chẳng kinh vầng nhật xế,

Xuân về thêm tiếc cánh hoa tàn.

Thời cũng thanh-thoát khả-ái thay!

Ông Viên-Hinh là người rành thơ nhất ở đồng-thời với cụ có khen thơ của cụ rằng: "Thơ của ông thực là ý tại ngôn-ngoại mà nghe ra hàm-súc bất-tận." Lại có Đặng-tiểu-thư là một nhà nữ-thi-sĩ trứ-danh ở thời ấy cũng nói: "Thơ của Tôn-bá, ý-tại ngôn-ngoại, đáng làm mô-phạm cho nhà thi-học." Ấy thơ của cụ hay như thế, mà cụ thì không muốn hay lấy một mình, lại muốn cho ai ai cũng biết cách làm thơ hay nữa, cụ nói: "Thơ quí ở ý, ý quí ở xa, để người ta phải nghĩ mới tới, chứ không toàn ở lời, thế là một thượng-cách trong nghề làm thơ đó." Vậy thì cụ lại kiêm cả thi-hào thi-học mà làm một nhà.

Văn thì hay viết lối cổ-văn, hùng-hồn mà uyên-súc lắm, và cũng lại một giọng "ý tại ngôn-ngoại" như là thơ, mà sở-trường nhất là về thể ký-sự. Cụ xử vào cái thời-thế danh-phận không minh, ngôn-luận rất không được tự-do, thế mà xem một bài Tự-tự và một quyển Du-ký, lấy cái địa-vị của một người bần-y, cất cái ngòi bút của một nhà hàn-sĩ mà miêu-tả được cả bao nhiêu cái chân-tướng của một xã-hội bấy giờ để truyền-bá ngay hiện-thời, nào cái tư-tưởng của phái "khoa-cử chi-học", cái phong-lưu đạo-vị ở nơi nham-huyệt, nào cái cảnh-trí của giang-sơn, cái dư-vận của đế-đô, cái cao-sang của nhà vương-hầu; cho đến các việc bình-dân sĩ-nữ, dù dở dù hay, cứ việc chép thực, ngụ-bao ngụ-biếm, tùy người xem ra, thật là một lối văn-chương thâm-túy khôn-ngoan vậy.

Trích dịch mười bài trong tập thơ "Y-nhàn phụ-chí" của cụ Lãn

Thơ Hán-văn của cụ Lãn có hai tập, một tập là những thơ làm trong khi ra Kinh, thì đã chép ở quyển "Thượng Kinh ký-sự" sẽ dịch đủ cả ở quyển ấy sau này, còn một tập đề là: "Y-lý thân-nhàn, lý-ngôn phụ-chí", là những thơ làm trong khi làm thuốc dược nhàn, có 29 bài, bài nào cũng hay, dịch-giả chọn lấy mười bài đặc-biệt hơn để dịch ra đây, gọi là tô-mạc lấy một đôi chút tinh-thần trong nguyên-thi cho khỏi di-lạc đi mất, còn những nhà bác-nhã muốn xem cho đủ thì đã có nguyên-thư.

I. An-bần

不干榮辱事, 抱道入窮林

債冗難賒酒,閒餘更鼓琴

活人應積善,計利豈初心

樂在安貧處,何求一飯金.

Xá chi vinh nhục việc đời,

Đem thân đạo-nghĩa vào nơi lâm-toàn.

Khi rổi sẽ gầy cung đàn,

Rượu đừng mua chịu kẻo mang tiếng đời.

Lòng lành gọi chút thương người,

Sơ-tâm nào phải mưu lời chi đâu.

Biết vui nghèo cũng như giàu,

Nghìn vàng7 bữa ấy có cầu gì ai.

LẠM-BÌNH.– Khỉ rổi mới gẩy đàn, không bỏ phí thì-giờ, thế là cần; rượu không mua chịu khỏi mang nợ người, thế là kiệm. An-bần mà vẫn phải cần-kiệm, cụ Lãn sở-dĩ làm nên một nhà hiền-triết cũng là vì thế. Kia những kẻ cũng mượn tiếng phù-vân phù-quí, mà cứ lười-biếng, hoang-phóng, không sở-chí việc gì, rồi sau không tự-trị tự-lập được, cùng quá hóa quẫn, đến phải đi lụy người, thì con người ấy không những là người bỏ đi, mà lại có tội với xã-hội nữa.

II. Ngày xuân nhàn-hứng

Bài nhất

山僧閑裏水雲茫

豈似閑醫坐草堂

鳥戀幽窻傳細語

花癡琴韻通微香

功名分外看流水

仁義珍藏不換方

渚葛豈憐三顧厚

囊無詩酒薄南陽.

Xem cảnh chùa kia cũng khá nhàn,

Mà nhàn còn kém cảnh thầy lang.

Chim mến song râm dìu-đặt gáy,

Hoa ưa đàn ngọt ngạt-ngào nhang.

Công-danh ngoài ngõ xuôi dòng nước,

Nhân-nghĩa trong nhà sẵn có phương.

Gia-cát8 vị gì ba bận rước?

Thơ cùn rượu hết chán Nam-dương.

LẠM-BÌNH - Lãn-ông tiên-sinh ở đất Việt-Nam ta với Gia-Cát tiên-sinh ở bên Trung-quốc, hai cụ đều là những tay đa-tài túc-học, sinh phải thời buổi cùng một dân-chủng, chung một quốc-thổ, gây thành đảng-phái tranh-hành quyết-liệt với nhau, làm cho nhiễu-loạn một cái khu-vực tiểu-thiên-hạ, thời-cục phân-biệt rưa-rứa như nhau, ôm một cái hoài-bão viễn-đại như nhau, mà chỉ vì chí-hướng không giống nhau, toại-thành ra kết-cục mỗi người một khác. Số là cụ Lãn kỳ-thủy cắp gươm ra xin đi tòng-nhung, nào thiết-kỳ, nào chế-thắng, chẳng ngại hiểm-nghèo, thì ai không bảo là chí về công-danh, thế mà không bao lâu bỗng nhân có điều cảm-súc, chẳng cần gì đến phong-hầu bái-tướng, quyết-ý quay về giảng-cầu thực-học để khai-đạo cho đời sau, thì lại thành ra người chí về đạo-đức. Cụ Gia-Cát kỳ-thủy cày ruộng ở đất Nam-dương, bó gối ngâm thơ Lương-phủ, thì ai không bảo là người chí về đạo-đức, thế mà không bao lâu nhân có Lưu Bị đến mời, bèn ra phù-tá, thì lại là người chí về công-danh. Nay cụ Lãn tự-vấn cái thủa bình-sinh của mình mà tự-giác rằng mình sở-dĩ hơn cụ Gia-Cát cũng ở chỗ ấy, cho nên cụ làm thơ nhàn-hứng này, về hai câu luận thì đề-khởi cái ý khinh công-danh, trọng nhân-nghĩa lên trước, rồi đến hai câu kết thì bỉ cụ Gia-Cát vì thơ cùn rượu hết, nên chán đất Nam-dương, là thừa-ý hai câu trên để tả rõ ra cái chí công-danh dù đến thể nào cũng không bằng cái chí nhân-nghĩa đạo-đức vậy. Ý cụ nói: Gia-Cát cũng chỉ vì không còn có cái hứng-vị gì đáng nguyền-ước với non-sông hoa-cỏ đất Nam-dương nữa, cho nên nhân chán sẵn mà ra, chứ ví bằng Gia-Cát mà còn có cái sở-chí như là lấy nghiên-cứu trước-thuật làm cái chức-phận của mình phải nên làm, lấy kế-vãng khai-lai làm cái sự-nghiệp độc-nhất vô-nhị, thì bông hoa nội, tiếng chim ngàn, cũng đủ làm trợ-hứng, câu thơ thần, chén rượu thánh, cũng đủ ngụ nhàn-thân; cho rằng ai có đón rước đến mấy mươi bận cũng không có thể đem cái việc lập-công ngắn-ngủi nhất-thời mà đánh đổ cái chí lập-ngôn lâu-dài vạn-thế kia đi được, nữa là mới có ba bận!

Xem Gia-Cát tiên-sinh về sau đến nỗi cúc-cung tận-tụy một đời mà sự-nghiệp bất-quá cũng chỉ làm cho dai-dẳng thêm vạ phân-tranh, mà chậm thêm cái mối nhất-thống của Trung-quốc đi mà thôi, chứ cũng không bổ-ích gì cho xã-hội, cho quốc-dân nước ấy, thì sao cho bằng cụ Lãn, nào văn-thơ, nào sách-vở, nào đạo-đức cao-thượng, nào y-học vĩ-nhân, sự-nghiệp đối với xã-hội, với quốc-dân ta bao giờ cho cùng!

Gia-Cát ở Á-Đông từ mười-tám thế-kỷ về trước, người ta chúc-tụng là dường nào, mà cụ Lãn bỉ-bác đi như thế, thế mới biết cái học-thuật, tư-tưởng của cụ, thật là trác-việt thiên-cổ.

Bài nhì

山居無事掩柴扉

懶看嬴楡半局碁

數點梅梢知易理

一陽雷雨悟醫機

花含笑臉來陪酒

鳥練嬌音學做詩

門外桃花紅色處

辰聞漁笛隔花吹.

Vắng-vẻ sơn-cư 9khép cửa sài10,

Biếng trông cờ thế được thua hoài.

Cơ-thể tuần-hoàn nghe tiếng sấm11,

Lẽ trời bĩ-thái ngắm hoa mai12.

Bồi rượu hoa chào cười hớn-hở,

Học thơ chim tự giọng khoan-thai.

Phất-phới thôn đào hoa đỏ-chói,

Cách hoa văng-vẳng sáo chài ai.

III. Cáo-biệt bọn học-trò ở Bồ-đề (Hà Nội) để về nhà quê

(nhân đi thăm một bệnh biết thế không chữa được, bèn cáo-từ trở về)

膏盲無計却空還

竹杖芒鞋入故山

磨劍讀書君壯志

攜琴酌酒我酡顔

庭前月色留秋興

牆外砭聲起夜寒

別後諸君如憶我

雲烟深處可重看.

Về thôi, thôi chịu bệnh cao-hoang13,

Gậy trúc xăm-xăm nẻo cố-san14.

Chuốc chén ôm cầm tôi chếnh-choáng,

Mài gươm đọc sách bác hiên-ngang.

Trước của còn đang chung bóng nguyệt,

Ngoài tường đâu đã giục còi sương15.

Các bác tiễn tôi rồi có nhớ,

Cứ trông thăm-thẳm chỗ mây ngàn.

IV. Đề chùa Bồng-lai

偷閒媒別興

攜手拜金仙

寺古雜銘迹

松高不計年

林平雲散漫

樹密鳥留連

醫道能窮理

忘機吋定禪.

Nhân gặp khi nhàn-hứng,

Rủ nhau trước phật-tiền.

Chùa cổ từ bao thủa?

Thông già đã mấy niên?

Cây cao chim quấn quít,

Rừng thấp khói liên-miên.

Muốn biết đạo làm thuốc,

Phải nên ngồi "định-thiền"16.

V. Đi chữa thuốc qua núi Thiên-nhận17 hoài-cổ

醫讓此度此山行

感昔興今未已情

野鳥向人言往事

霜苔销壁篆山銘

殘雲欲起園地陣

落石猶分伏路兵

最是關情無處瀉

斜陽牧笛隔溪聲.

Níp bần qua đó buổi sơn-hành18,

Ngán nỗi xưa sau chẳng xiết tình!

Thỏ-thẻ chim đồng ôn chuyện cũ,

Lờ-mờ rêu đá ký bài minh.

Mây như phấp-phới vào vây lũy,

Đá vẫn lô-nhô yểm phục-binh19.

Gành ấy tình này khôn dãi tỏ,

Bóng chiều tiếng địch vắng bên ghềnh.

LẠM-BÌNH.– Thơ này hai câu thứ ba, thứ tư, ý-tứ cụ cao xa, cựu-sử nói rằng: Lúc Lê-mạt, thiên-hạ chỉ biết có Trịnh mà không ai nhớ đến Lê, cho nên ở đây ý tác-giả nói: "Cái công-đức của đức Thái-tổ quốc-triều ta, đối với tổ-quốc ta, với quốc-dân ta, tưởng muôn nghìn đời về sau cũng không bao giờ quên đi được, thế mà mới hơn ba trăm năm nay, bây giờ ta đi qua đây là cái chỗ sáu năm buổi đầu Ngài mới ra chống nhau với quân nhà Minh ở đó, di-chỉ tuy còn mà ta muốn hỏi chuyện thì không ai nhớ, chỉ có những con chim nó hót thỏ-thẻ ở ngoài đồng như người ôn lại những câu chuyện cũ; ta muốn xem bia thì bia không có, chỉ có những rêu nó lan lờ-mờ ở trên vách đá, như những chữ bài minh ký-công mà thôi! Thế ra thời-nhân cơ-hồ quên mất cả cái lịch-sử của Ngài ở đây rồi chăng? Tuy-nhiên, thời-nhân dù quên mặc lòng, nhưng ta nghe tiếng chim đồng, ta trông vết rêu đá, ta cũng đủ tưởng-tượng ra được một cái chuyện thực-lực của một đấng đại-anh-hùng, đại-vĩ-nhân, đã từng vì giang-sơn của tổ-quốc, vì quyền-lợi của quốc-dân, mà sáu năm đầu khống-tống gian-lao ở chỗ này, thế thì cái công-đức của Ngài bao giờ cũng vẫn còn ghi tạc ở trong tâm-mục của những người có cảm-tình, mà cùng với non sông cầm-thảo cũng phảng-phất lâu dài mãi mãi." – Ý tác-giả cảm-hoài công-đức vua Lê Thái-tổ, tức là tỏ lòng yêu-mến tôn-xã nhà Hậu-Lê vậy.

VI. Đi qua sườn núi Hồng-Lĩnh20 cảm hứng

千峯鸿嶺多名勝

累我醫途未一登

樹石籩中皆古刹

烟霞深處隱山僧

斜陽雙鶴栖松[]

明月孤猿拜佛燈

野老指言香積寺

中峯高出白雲層.

Muốn dạo qua xem cảnh núi Hồng,

Thuốc-thang những bận chửa thong-dong.

Cây đá từng chòm tinh cổ-sái21,

Khói mây mấy lớp khuất tăng-phòng.

Trăng tỏ vượn ra qui cửa Phật,

Chiều hôm hạc dủ đậu cành thông.

Ông xã trổ tầng mây trắng-xóa,

Rằng chùa Hương22 ở đỉnh trung-phong.23

VII. Đêm trăng đi thuyền trên bề

海月催行棹

淸宵興轉幽

岸花肥得路

山影瘦宜秋

鐘出烟林寺

歌囘柳浦舟

琴撙思一樂

爭奈爲人憂.

Trước doành trăng giục mũi thuyền quay,

Đêm vắng càng thêm lắm thú hay.

Hoa ngàn nhóng-nhánh mầu sương nhảy,

Cảnh tiết đìu-hiu bóng núi gầy.

Véo-von thuyền khách bên bờ liễu,

Lanh-lảnh chuông chùa đỉnh núi mây.

Ví chẳng vị người lo chút việc,

Cung cầm chén rượu chác vui đây.

VIII. Trùng-du chùa Sơn-Quang24

累我醫司十載間

如今始得暫偷閒

石床獨酌無知已

幽谷傳聲有異顏

西望鴻山争地立

東流浪水接天還

千峯夕照斜分影

水色嵐聲動筆端.

Bấn-bít mười năm việc thuốc-thang,

Bấy nay mới được chút thanh-nhàn25,

Rượu chờ tri-kỷ ngồi trên đá,

Tiếng nói truyền-thanh ngó trước hang.

Chật đất non Hồng trông bát-ngát,

Nghiêng trời sông Lãng26 chẩy mênh-mang.

Tà-dương cảnh ấy thơ như gợi,

Non nước trùng trùng bóng sáng choang.

IX. Đi chữa thuốc đêm qua núi Thiên-nhận

浮空一色白漫漫

石髮案根不辦顏

樹影斜分知路徑

煙髮高捲認山巒

城邊燐火和霜冷

露裏鵑聲起夜寒

此夕辛勤忘所苦

濟人之急任艱難.

Một mầu trăng xóa ngất lưng trời,

Mặt đá chân mây chẳng rõ người.

Tan cơn đỉnh núi trông lồ-lộ,

Vạch lối bên cây bóng tả-tơi.

Khắc-khoải đêm sương chim quốc rũ27,

Lạnh-lùng thành cỏ28 lửa ma chơi29.

Quản chi vất vả đêm hôm ấy,

Phận-sự về ta phải giúp đời.

LẠM-BÌNH.– Cụ Lãn đề thơ ở núi Thiên-nhận hai lần, bài trước đi ban ngày mà hoài-cổ, bài này đi ban đêm mà tức-cảnh, về hai câu luận thì có ngụ-ý điếu-cổ, nghe tiếng quốc kêu khắc-khoải ở dìa núi Thiên-nhận đang lúc đêm sương mà chạnh niềm hưng-phế trong mấy tang-thương; thấy ma-chơi lập-lòe ở bờ thành Lục-niên bỏ cỏ mà thương đến những cái u-hồn kẻ tử-sĩ kia, đã từng vì đâu mà phơi xương ở nơi chiến-địa lạnh-lùng ấy. Ý-tứ thật là bi-đát hoang-lương.

NGUYỄN TRỌNG-THUẬT biên-dịch

Chú Giải:

[←1]

Chỗ này là ông nói ông với tôi cùng bị triệu đến Kinh. Nguyên-chú

[←2]

Cụ Lãn-ông hay gẩy cây đàn thất-huyền.

[←3]

Hầu với tôi cùng người phủ Thượng-hồng.

[←4]

Nguyên Hán-văn vần "phanh" nhưng phần quốc-ngữ khó dùng được vận ấy, vậy xin tạm đổi ra vận "xanh" cho dễ dịch, độc giả lượng cho.

[←5]

Như 4 trên.

[←6]

Cải-chính bài "Thượng-kinh du-ký" của cụ Lãn-ông.– Chỗ tự cuộc loạn đời Lê-mạt, nói: "Chúa Trịnh truyền đến đây là Trịnh Xâm" là sai, vì trước đời Cảnh-hưng là Trịnh Giang, đến đầu Cảnh-hưng là Trịnh Doanh, mãi đến Cảnh-hưng 28 mới đến Trịnh Xâm thì đổi là: "Chúa Trịnh truyền đến đấy là Trịnh Giang rồi đến Trịnh Doanh".– Lúc đó chỉ triệu cụ Lãn-ông là vì có quan Chánh-đường tâu mà tiểu-chú rằng: quan Chánh-đường ấy là ông Nguyễn Hoàn là sai vì tra ra thì ông Hoàn vốn là quan triều có dự-chức cố-mệnh đại-thần mà trấn xứ Nghệ, bình giặc bể, về triều làm Tham-tụng (tể-tướng), chịu thác-cô thì là ông Hoàng Đình Bảo cháu thân-điệt ông Hoàng-Ngũ-Phúc, vậy đổi là Hoàng Đình Bảo 黃廷寶.– Chỗ nói về phụ-tử chúa Trịnh đều phát-bệnh có dẫn điển Biểu-Thước với Tề Hoàn mà nói: "Bệnh tại cốt-tỷ", vậy đổi là: "Bệnh đã vào đến cốt-tỷ thì dẫn ông Biểu-Thước cũng..." cho đúng.

[←7]

Hàn Tín đói, bà Phiếu-mẫu cho ăn cơm, sau Tín làm nên, trả ơn một nghìn nén vàng.

[←8]

Gia-Cát Lượng là người đệ-nhất nhân-hào ở đời Tam-quốc nhà Hậu-Hán bên Trung-quốc, ẩn-cư ở núi Ngọa-long-cương đất Nam-dương, tự cày lấy ruộng mà ăn. Lưu Bị là đế-trụ nhà Hán vào nhà thảo lư rước ba bận mới chịu ra giúp cho Lưu Bị, đang tay không mà lấy Kinh-châu, lĩnh Ba-thục, chia ba Trung-quốc mà lập nên cơ-đồ nhà Thục-Hán, cùng nước Ngụy, nước Ngô cùng giốc-trục ở đất trung-nguyên, mưu kỳ chước lạ, kinh-sửng một đời, người ta đều xưng là thần-nhân.

[←9]

Sơn-cư là nhà ở trong rừng.

[←10]

Cửa-sài là cánh cổng làm bằng củi.

[←11]

Cựu-thuyết: Sấm là bởi khí dương với khí âm xô-xát vào nhau mà thành ra tiếng và sáng. Cứ năm đến tháng 10 là tháng thuần-âm thì sấm không nổ nữa, sang tháng 11 là tháng nhất-dương-sinh thì sấm đã phục sẵn ở dưới đất rồi, sắp tùy khí dương mà phát lên, cho nên nghe tiếng sấm mà biết cái cơ tuần-hoàn trong trời đất, cũng như cái cơ tuần-hoàn trong mình người. Đó là nói về lẽ làm-thuốc, - cứ nguyên văn thì nghĩa câu này là theo lẽ nhà y học cũ chỉ về hai quả thận - đây theo lẽ nhà y-học mới dịch thay làm bộ máy tuần-hoàn, cho hợp-thời dễ hiểu.

[←12]

Các hoa nở về mùa xuân chỉ có hoa mai là cảm được dương-khí sớm nhất, cho nên đang khí âm-hàn, thấy hoa mai nở một vài bông thì biết dương-xuân đã hồi-phục, cũng như lẽ trời bỉ rồi lại thái.– Đó là nói về thế-vận theo nghĩa kinh Dịch.

[←13]

Cao-hoang tức là cái màng ngăn, tức là chỗ hoành-cách-mô trên thì có tâm, phế, dưới thì có vị, tràng, bệnh đã truyền đến cao-hoang là nơi hiểm, thì phải chết không tài nào chữa được.

[←14]

Cố-san là cái núi cũ của nhà hiền-triết ẩn-cư.

[←15]

Nguyên văn dùng điển Tàu "biêm thanh" (砭聲) là tiếng rặt vải đêm, đây đồi làm tiếng còi tuần cho hợp-tục.

[←16]

Nhà chùa có phép ngồi thiền-định là ngồi yên và nhắm hai mắt lại mà tư-tưởng những lẽ siêu-việt ra ngoài thế-giới, nay nhân người làng này muốn mời cụ ở lại đó dạy học-trò học thuốc, cho nên ý cụ nói nên ngồi-yên mà suy nghĩ lẽ làm thuốc cũng như lối "định-thiền".

[←17]

Nói Thiên-nhận ở huyện Thanh-chương, Nghệ-an" đấy có cái cổ-thành của vua Thái-tổ nhà Lê đóng ở đó sáu năm rồi mới ra chống nhau với quân nhà Minh, nên gọi là Lục-niên-thành.

[←18]

Sơn-hành là đi đường núi.

[←19]

Trận pháp vua Lê Thái tổ hay dùng lối phục binh.

[←20]

Núi Hồng Lĩnh 99 ngọn ở huyện Nghi-xuân, Nghệ-an.

[←21]

Sách Phật: cổ-sái là cái chùa cổ.

[←22]

Chùa Hương-tích ở núi Hồng-lĩnh này cũng như chùa Hương, Hà-đông.

[←23]

Trung-phong là ngọn núi ở giữa cao hơn các ngọn trong tòa núi ấy.

[←24]

Chùa ở bến đò Dũng-quyết, Nghệ-an.

[←25]

Không đáng nhàn mà trộm nhàn.

[←26]

Sông ở tỉnh Nghệ-an.

[←27]

Chim quốc rũ là chim quốc kêu đến rũ kiệt đi. Hán-văn gọi là chim "quyên鵑", có điển rằng: Ông Đỗ Vũ là vua nước Thục đời thượng-cổ, bị mất nước rồi chết đi hóa ra làm chim quyên, tiếng kêu "quốc-quốc", là nhớ nước mà gọi "nước ơi!nước ơi!"; bởi vậy ngày sau các nhà thi-nhân hay dùng điển ấy, tiếng Việt-ngữ ta thì nhân cái tiếng kêu mà gọi là chim quốc.

[←28]

Thành Lục-niên bỏ cỏ.

[←29]

Ma chơi: Hán-ngữ gọi là "lân-hỏa", là cổ-giả hai phương Á-Âu đều cho là hồn ma, vì đến tối thì thấy nó cứ hay ở chỗ tha-ma thổ-phụ bay ra, sắc thì thanh-thảm, đến gần thì thấy có tiếng ào-ào như thông reo, cho nên người ta càng đặt bịa ra nhiều trạng quái-lạ. Đến cận-thế, bên Thái-Tây có nhà bác-vật tra xét ra mà biết rằng nó là một chất rắn ở trong xương loài động-vật hay ở trong loài thực-vật mục nát mà phân ra, hợp với khinh-khí mà thành một chất tân-khinh, bay lên mặt đất bị dưỡng-khí đốt cháy, thành ra một thứ lửa sáng xanh, nhân dùng phép chế lấy chất lân ấy để làm thuốc bao-diêm và các thuốc hạt nổ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro