1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thuở đó, chàng hơi mơ màng.

Hữu Dư thì ngược lại, lúc nào cũng vô tư lự.

Một hôm, Dư bảo chàng:

"Nhà cậu tôi ở gần đây, hay ta vào nghỉ chân lát nhé?"

Bấy giờ, hai người đang đi ký hoạ trên đường Paul Bert, trán Việt Hoài đã lấm tấm mồ hôi nên chàng cũng không chối từ.

Họ dừng lại tại một cửa hàng vắng vẻ, trên biển đề bốn chữ "Đồ chơi trẻ em".

Trịnh Việt Hoài từng nghe không ít lời đồn: Nhà ngoại Hữu Dư giàu nứt đố đổ vách. Chàng bèn nghĩ: "Cậu ruột cậu ta hẳn cũng là một nhân vật tầm cỡ", tâm tình vì thế mà nảy sinh xa cách. Nhưng nhìn khung cảnh trước mắt, xem ra chỉ là có chút dư dả. Trịnh Việt Hoài bỗng thấy thoải mái hơn.

Hữu Dư thì vẫn vô tư nói cười:

- Ông cậu này của tôi, tính tình hơi lập dị. Biệt phủ không ở lại dọn về đây, ông ấy bảo: "Nhà cửa rộng rãi quá sẽ cảm giác cô đơn".

Trịnh Việt Hoài: "..."

Cuối cùng, chàng vẫn theo Hữu Dư đi vào cửa hàng. Một bác gái đang lim dim trong quầy, nghe thấy tiếng người thì bật dậy:

- A cậu Dư!

- U già ơi, cậu Thương có nhà không?

- Có đấy, có đấy. Để tôi lên thưa với ông chủ. Hai cậu cứ vào phòng nghỉ chân cái đã - nói đoạn, bác gái lớn tiếng gọi: Thằng Tuất đâu rồi, ra đây trông cửa hàng.

Hữu Dư cũng theo đó mà vào trong, nhưng vừa quay người lại thì thấy Việt Hoài đang chăm chú ngắm mấy món đồ bày trên kệ. Hữu Dư chậc lưỡi:

- Đều do ông cậu tôi làm đấy. Cậu ấy tự hào về chúng đến mức mở hẳn cửa hàng để bày bán, mặc dù... - đến đây, giọng Hữu Dư nhỏ hơn hẳn - làm gì có người mua.

Hữu Dư còn nói thêm:

- Tí nữa gặp mặt, cậu tôi mà hỏi thì nhớ khen cho cậu tôi vui. Tính tình cậu tôi hào phóng. Hễ quý mến ai là sẽ tặng quà.

Trịnh Việt Hoài chẳng nói gì. Hai người cứ thế đi xuyên qua cửa hàng đồ chơi, bắt gặp một khoảng sân nho nhỏ và một gian nhà nữa. Đây chắc là gian chính, bởi vì ngay trước cửa là bộ bàn trường kỷ. Lầu hai của gian chính và lầu hai của cửa hàng thông với nhau tạo thành một hành lang chữ U bao lấy khoảng sân. Vị chủ nhà có lẽ đang ở lầu hai của gian này. Trịnh Việt Hoài ngước lên, chỉ thấy mành tre buông xuống, ánh nắng lấp lánh trên những chắn song bằng gỗ đã bạc màu sơn.

Hữu Dư kéo chàng ngồi xuống trường kỷ, đúng lúc u già ban nãy cũng đẩy cửa bước ra.

- Ông chủ mới ngủ dậy. Hai cậu đợi một lát.

U già vừa nói vừa sắp nước pha trà. 

- Còn lại thì u cứ để đấy cho con.

Hữu Dư nhanh nhảu nói. Nghe vậy, u già cũng lật đật rời đi.

Trịnh Việt Hoài biết Hữu Dư có thú thưởng trà, đoán chừng cậu ta sợ u già pha không vừa ý. Quả nhiên đã thấy Hữu Dư ngửi một lượt các hũ trà trên bàn, nghĩ nghĩ hồi lâu rồi chọn lấy một hũ.

- Đó là gì vậy?

- Thiết Quan Âm.

Nhìn những lá trà cuộn xoắn, mập mạp, Trịnh Việt Hoài không hiểu sao lại liên tưởng đến hình ảnh "đám sâu chết khô". Trong khi đó, Hữu Dư vẫn thao thao bất tuyệt:

- Tùy vào từng loại trà mà dùng nhiệt độ phù hợp. Cái này phụ thuộc vào màu nước của trà ấy. Ví dụ như trà Long Tỉnh có màu xanh ngọc. Không nên dùng nhiệt độ quá cao. Nước sôi thì rót vào chén tống* để hạ nhiệt rồi mới rót vào ấm.

(*tên một loại trà cụ)

- Lại bắt đầu ba hoa rồi đấy.

Âm thanh từ phía sau khiến Việt Hoài quay đầu lại. Vị chủ nhà bước tới, anh mặc sơ mi trắng, cả người toát ra vẻ ưu nhã.

- Cậu Thương!

Lần này, Việt Hoài thật sự chấn động. Trong tưởng tượng của chàng, ông cậu kia là một gã đàn ông đứng tuổi chứ không phải một người trẻ trung như vậy. Chàng hoàn toàn không biết xưng hô thế nào, cuối cùng, nghĩ rằng đối phương hơn tuổi mình, liền cúi đầu chào.

- Em...chào anh.

- Giới thiệu với cậu - đây là Hoài- bạn cùng trường cháu. Còn giới thiệu với Hoài, đây chính là cậu Thương giỏi giang của gia đình chúng tôi.

Đỗ Ngọc Thương phì cười:

- Ăn nói linh tinh gì thế.

Trịnh Việt Hoài không dám nhìn trực diện Ngọc Thương. Chàng cũng chẳng hiểu vì sao mình căng thẳng đến vậy.

Lúc này, họ đã cùng nhau ngồi lại vào bàn. Ngọc Thương vừa pha trà vừa nói:

- Pha nhiều thì sẽ biết thôi. Giữa được và không được cũng chỉ nằm ở cảm giác. Đừng nghĩ đó là thứ cao siêu gì.

Việt Hoài thấy tay anh nắm quai siêu rồi lại buông, rồi lại nắm. Đoán chừng ấy là cách anh nghe tiếng nước reo. Các công đoạn sau đó cuối cùng chỉ đọng lại trong đầu Việt Hoài bằng một câu duy nhất:

Tay của anh đẹp như bạch ngọc.

Việt Hoài bừng tỉnh khi nhận ra chén trà đã ở trước mặt mình. Nước trà óng ánh vàng. Mùi thơm của Thiết Quan Âm làm lòng chàng trở nên thanh tịnh.

Gió thổi qua những gian nhà thông thoáng. Đám cây cảnh trong sân khe khẽ lay. Việt Hoài nghĩ đến cái nắng gắt và huyên náo ở ngoài kia, chàng bỗng chẳng muốn rời đi.

Bọn họ chuyện trò vài câu. Có mấy lần chàng lén nhìn sang anh. Người nọ chống cằm, đuôi mắt cong cong, thật giống dáng vẻ của một thiếu niên tươi sáng. Anh hào hứng kể về những con búp bê gỗ - mà lúc ở cửa hàng, chàng cứ cho đó là tượng trừ tà.

Trịnh Việt Hoài không giỏi giao tiếp, sợ sẽ làm anh mất hứng nên chàng chọn cách im lặng, tập trung thưởng thức đĩa bánh đậu xanh trên bàn.

Chẳng bao lâu sau, một chàng trai cao ráo bước tới. Y cúi chào bọn họ rồi ghé tai Ngọc Thương nói gì đó. Việt Hoài thấy sắc mặt anh trầm lại, trong lòng đột nhiên hiểu ra, cho dù gương mặt tươi trẻ thế nào thì khí chất của người này vẫn là thứ khác biệt hơn hẳn với đám thanh niên bọn chàng.

Ngọc Thương đứng lên, anh ôn hoà nói:

- Cậu phải đi có việc. Hai đứa cứ ở nhà nghỉ ngơi - đoạn, anh nhìn sang chàng - Tự nhiên nhé, đừng ngại.

Trịnh Việt Hoài thoáng ngây người.

Sau đó, Ngọc Thương nhanh chóng rời khỏi căn nhà. Trước khi đi, anh khoác thêm một chiếc vest trắng. Trịnh Việt Hoài nhìn anh từ phía sau, chỉ thấy bóng lưng thanh thoát mà vững chãi, rồi chàng lại ngẩn ngơ đối diện bàn trà, phát hiện ấm Thiết Quan Âm mới thay hai lần nước.

Vậy mà.

Hữu Dư và chàng cũng không ở lại lâu. Chiều nay, thầy giáo muốn kiểm tra bài ký hoạ của bọn họ. Lúc bước ra khỏi căn nhà của Ngọc Thương, u già vội vã dúi vào tay Hoài một món đồ gì đó, nói rằng ông chủ muốn đưa cho chàng.

Mới đầu hè, nắng đã chói chang. Trời xanh như chẳng thương đám học trò. Nhưng Việt Hoài không mấy bận tâm. Cả đoạn đường về sau, chàng vui vẻ ra mặt. Nghĩ ra chuyện gì lại đột ngột hỏi Hữu Dư:

- Cậu của anh bao nhiêu tuổi?

- Hơn chúng ta một giáp. Sao vậy?

- Không có gì.

Trịnh Việt Hoài khẽ cười. Lòng nghĩ về hộp bánh đậu xanh trong túi và những ngón tay đẹp như bạch ngọc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro