Chương 9: Khỉ con

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

An táng thần y xong, hai đứa ngây ngốc ngồi tựa vào nhau nhìn ra khoảng sân trống trải, thấy rất buồn khổ.

Nhưng cái buồn khổ ấy nhanh chóng bị làm phiền, sáng hôm sau khi ra ngoài, Tôn Ngộ Lư phát hiện một đứa trẻ nằm trước cửa nhà mình.

Đứa trẻ tầm bốn năm tuổi, quấn cái chăn rách, sốt hầm hập, trong người còn nhét một bức thư.

Cha nó mất rồi, nó ốm bệnh khó chữa, mẹ nó không nuôi nổi bỏ con ở đó mong thần y xót thương.

Tôn Ngộ Lư đau lòng bế đứa bé vào để sư phụ chữa bệnh cho nó.

Bé con ốm nặng thật, tầm trưa thì nhiệt độ hạ xuống một chút, đến đêm lại sốt li bì. Tôn Hợp Lễ ngồi trông cháu thấy mà thương. Ngày xưa cha mẹ y cũng mất sớm, nhưng y không yếu ớt thế.

Tôn Ngộ Lư đứng sau lưng tết tóc cho sư phụ, thấy y buồn mà không biết an ủi sao nên im thin thít.

--

Đứa bé nằm mê man tầm gần chục ngày nữa thì bắt đầu tỉnh lại được. Nhưng có tỉnh thì nó cũng khóc nhằng nhẵng suốt ngày, cứ mẹ ơi mẹ ơi nghe mà xót hết cả ruột. Nó bị bỏ lại ở đây rồi, tìm đâu ra mẹ cho nó bây giờ?

Bình thường Tôn Hợp Lễ bận tiếp bệnh nhân và nghiên cứu thuốc thang nên trọng trách trông bé con được giao cho Tôn Ngộ Lư.

Lư Khỉ Cam ôm bé con đi lòng vòng khắp nhà dỗ dành đến mức tuyệt vọng. Sáng sớm ngày ra, Tôn sư phụ vừa sắc thuốc xong bê vào thì thấy đồ đệ nhà mình ngồi khoanh chân ôm bé con vừa ngủ, nó đầu bù tóc rối, mặt mũi đờ đẫn rưng rưng nhìn bát thuốc trong tay sư phụ. Khi y tiến tới gần, Lư Khỉ Cam run rẩy thì thào, bé vừa ngủ xong thuốc để uống sau có được không?

Rồi Tôn sư phụ bảo là không. Hiện thực lúc nào cũng tàn khốc.

Nhưng may mắn là, sau chín chín tám mốt kiếp nạn, bé con cũng đỡ hơn và có thể nói chuyện được. Ý là nó nói những điều khác ngoài phần khóc ré lên đòi mẹ, ví dụ như con đói, con không muốn uống thuốc các thứ.

Thầy trò nhà họ Tôn cũng hỏi được con tên là gì, nhưng bé con nói ngọng quá, không nghe rõ cháu tên Hầu hay tên Hạo, cuối cùng thống nhất gọi là Khỉ Con.

Khỉ Con thực ra cũng ngoan, khỏe lại rồi là cháu không khóc quấy nữa, chỉ tủi thân hỏi mẹ con đâu rồi, cho con đi tìm mẹ con. Tôn sư phụ xoa đầu Khỉ Con đang ngồi gọn trong lòng Lư Khỉ Cam, bảo con cứ ngoan ngoãn ở đây đi đã, mẹ con có việc bận đi xa lắm, mấy nữa chúng ta đi xa chữa bệnh thì sẽ đưa con đi tìm mẹ con luôn.

Tôn Hợp Lễ không nói dối, năm nào họ cũng xa nhà mấy tháng, đi khắp mọi nơi, nhưng không tìm được mẹ của Khỉ Con.

Lúc bỏ Khỉ Con lại, người mẹ nghèo chẳng để lại thứ gì cho nó, đứa nhỏ còn bé quá cũng không nhớ được nhiều. Họ chỉ đành dò hỏi xem ở đây có người mẹ nào đang tìm con tầm này tuổi hay không, có mấy lần cũng gặp người tìm con, nhưng người ta thấy chăn rách và mấy dòng thư đi cùng đứa bé thì đều lắc đầu bảo không phải.

Khỉ Con cứ nghe thế là thất vọng cúi gằm mặt, tủi thân mân mê cái lược nhỏ định tặng mẹ. Mới đầu cháu còn khóc, rồi sau khi gặp cảnh đó đã quá nhiều lần, thằng bé dần học được cách nén nước mắt lại, chỉ im lặng rũ vai. Nhưng dù Khỉ Con có khóc hay không, lần nào Tôn Hợp Lễ cũng đau lòng ôm cháu vào lòng an ủi, không sao đâu chắc lần sau sẽ tìm được.

Thật ra, cả y và Tôn Ngộ Lư đều biết khả năng tìm thấy người mẹ ấy gần như bằng không, nhưng vẫn không nỡ nói thế với Khỉ Con.

--

Khỉ Con dần lớn lên thành một cậu bé khỏe mạnh ngoan ngoãn, cơ mà buồn cái là cháu chẳng hứng thú gì với y thuật, gạ cháu cháu không học. Tôn đại phu hơi phiền lòng một xíu, tiếc y thuật cao siêu thế này mà chẳng có chỗ truyền lại. Nhưng thôi đời còn dài đồ đệ còn nhiều, tính sau vậy.

Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, Khỉ Con cũng hiểu luôn rằng khả năng nấu nướng của Tôn đại phu và Lư Khỉ Cam nhà mình sẽ chẳng bao giờ khá lên được. Cháu muốn cải thiện chất lượng cuộc sống của cái nhà này thì cháu phải tự thân vận động thôi.

May là cháu cũng có vẻ có năng khiếu nấu nướng, mới tý tuổi đầu mà cơm nước đâu ra đấy. Nhà có cháu nên thầy trò nhà họ Tôn cũng có lộc ăn hơn nhiều, không phải ăn mấy món lung ta lung tung chín là được nữa.

Ba người sống trong biệt viện trên núi của thần y, ngày ngày Tôn Hợp Lễ phụ trách nghiên cứu y học, chế thuốc, chữa bệnh cho những người lên nhờ, là người mang lại nguồn thu chính cho gia tộc.

Lư Khỉ Cam lâu lâu có người thuê bảo kê thì sẽ hí hửng đi làm bảo vệ thời vụ cho phong phú cuộc sống, rảnh ra thì ở nhà hầu sư phụ, ăn hại ở mức vừa phải.

Còn cháu Khỉ Con chuyên lo việc bếp núc, ngoài ra còn khéo tay giúp sư phụ gói thuốc và có thời gian thì theo Lư Khỉ Cam đi phá làng phá xóm, là nhân vật cực kỳ quan trọng trong gia đình.

Lớn thêm một chút, cháu chạy lên trấn làm thêm cho một quán ăn. Tôn Hợp Lễ có ơn với nhà ấy nên họ đối xử với Khỉ Con tốt lắm, vừa dạy nghề vừa trông cháu giùm thầy trò nhà nọ. Khỉ Con đi làm được một thời gian thì bắt đầu lập chí lớn lên sẽ mở quán ăn, suốt ngày chăm chỉ nghiên cứu việc bếp núc và sáng tạo món mới, cũng khá thành công.

Tôn Hợp Lễ và Tôn Ngộ Lư thấy vậy thì gật gù, hai đứa dắt nhau đi chợ rồi ôm về nhà một con heo đất, bắt đầu tích cóp tiền cho Khỉ Con lớn lên mở quán. Mỗi ngày cả hai cố gắng bỏ vào đấy ít nhất mấy xu, cất tiền xong hí hửng nhét gầm giường, cười hì hì với nhau rồi mới chui vào chăn ngủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#junzhe