Tiem thuy dinh tu sat p1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

10. MỘT THAY ĐỔI CHIẾN THUẬT KHÁC. RA ĐI VỚI TOÁN TEMBU

Trong khi chiếc I.47 ghé Tanegashima ngày 1 tháng Tư năm 1945, để xem xét các vết thương, lực lượng Hoa Kỳ tấn công lên bờ biển Okinawa. Một mũi dùi toàn lực, đâm thẳng vô trái tim của Đế Quốc Nhật Bản, với hơn 1.200 chiến hạm và gần 200.000 quân. Riêng khu trục hạm của Hoa Kỳ, tổng số lên đến 150 chiếc, vượt trội hơn con số loại tàu nầy của Nhật Bản ở bất cứ thời gian nào. Do đó, hai trong tống số khu trục hạm có tầm hoạt động bao trùm nầy đã phát hiện và tấn công I.47, ngay trong hải phận Nhật Bản, là điều không đáng ngạc nhiên.

Sự quay về của chiếc I.47 là một điềm báo trước những gì sắp xảy ra. Toán Tatara hoan toàn thất bại. Trong khi đó phần còn lại của toán bao gồm hoa tiêu Kaiten là Trung úy Seiji Fukushima, một người bạn thân nhứt của tôi, và Thiếu úy Hiroshi Yagi cùng bốn hạ sĩ quan thuộc nhóm Tsuchiura: Yoshikatsu Kawanami, Shingoro Ishinao, Kazuo Miyazaki và Kiyoshi Yashiro, đã rời Otsujima trên tiềm thủy đỉnh I.56 ngày 31 tháng Ba. Sau khi rời hải cảng I.56 biệt vô âm tín. Các hồ sơ hậu chiến cho biết chiếc tàu bị đánh chìm vào ngày 8 tháng Tư bởi phi cơ hàng không mẫu hạm và khu trục hạm gần Okinawa. Tất cả những người trên tàu đều thiệt mạng.

Sau ngày I.47 trở về Hikari, I.44 cũng thực hiện sứ mạng tấn công. Mười ngày sau, chiếc tàu bị phi cơ của hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ phát giác và đánh chìm, cũng gần Okinawa.

Tuy nhiên, I.58 lại gặp may mắn một lần nữa, mặc dù không tấn công được địch quân. Chiếc tàu nầy vừa chạy ngầm vừa chạy trên mặt nước tiến đến Okinawa từ phía Tây, nhưng bị phi cơ và chiến hạm địch phát hiện. Lúc đó thời tiết xấu, nhưng cũng vì vậy mà chiếc tàu đã chạy thoát. Thiếu tá Hashimoto, giống như việc làm của ông ở Iwo Jima trước đây, đã thành công trong việc đưa chiếc I.58 đến gần hạm đội địch, nhưng lại phải bỏ chạy khi bị phi cơ nhìn thấy. Sau đó, ông nhận được lịnh kết hợp với thiết giáp hạm khổng lồ Yamato cùng với tuần dương hạm Yahagi và tám khu trục hạm để tạo một nổ lực cuối cùng ở Okinawa.

Theo kế hoạch dốc toàn lực này, khoảng 700 Kamikaze sẽ tấn công hạm đội Hoa Kỳ ở Okinawa. Nối bước theo phi cơ Thần Phong, lực lượng Yamato sẽ nghiền nát các lực lượng thủy bộ của địch quân ở gần đầu cầu đổ bộ lên hòn đảo nầy. Cùng lúc, những đơn vị bộ binh của chúng tôi từ các pháo đài trên Okinawa sẽ đánh rốc xuống và đẩy lực lượng địch quân ra biển. Yamato và những chiến hạm tháp tùng đã bơm bớt nhiên liệu ra trước khi rời Nội Hải, do đó nhiều chiến hạm khác có thể xử dụng số nhiên liệu nầy. Chúng cũng bỏ lại một số lớn lương thực. Nếu chiến thắng, hạm đội có thể tái tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm ở Okinawa. Bằng không, hiển nhiên, lực lượng Yamato không cần đến những thứ nầy nữa.

Nhưng trước khi Hashimoto có thể gặp lực lượng đặc nhiệm nhỏ nhoi nầy, thiết giáp hạm Yamato đã bị hơn 300 phi cơ của Hoa Kỳ tấn công và đánh chìm. Yahagi và bốn khu trục hạm cũng cùng chung số phận. Mạng lịnh đưa đến phòng truyền tin của I.58: "Lướt vô và chiến đấu cho đến chết.". Hashimoto tuân lịnh, xả hết tốc lực chạy đến Okinawa và bị oanh tạc cơ tuần tiểu của Hải Quân Hoa Kỳ phát hiện. Ông bị quấy nhiễu suốt ngày suốt đêm, nhưng vẫn cố gắng lướt xuyên qua để tạo ra một cuộc tấn công. Vào ngày 14 tháng Tư, sau một tuần cố gắng, thình lình ông được lịnh bỏ qua Okinawa và chạy vô Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vì vấp phải màn lưới khu trục hạm và phi cơ Hoa Kỳ, I.58 phải chạy xa mãi về phía Nam, giữa Okinawa và Hoa Lục, đi ngang qua Formosa trước khi có thể chạy về phía Đông một cách an toàn. Tiềm thủy đỉnh báo động tổng quát hơn 50 lần và chạy ngầm về hướng Bắc trong một cố gắng khác, nhằm hướng đến phía Đông Okinawa. Khi Hashimoto cố gắng tìm cách để thực hiện một cuộc tấn công nữa, ông được lịnh trở về Nhật Bản. Do đó, các hoa tiêu Kaiten là Trung úy Nobuo Okebuchi, Thiếu úy Ichiro Sonoda, hai Trung sĩ Hidemasa Yanagiya và Raita Irie bắt buộc phải trở về lần thứ hai.

Tháng Tư là một tháng xấu cho lực lượng tiềm thủy đỉnh Nhật Bản. Ngoài I.44 và I.56 chúng tôi còn mất sáu tiềm thủy đỉnh khác. RO.41 chìm vào ngày 5 tháng Tư, RO.46 vào ngày 9 tháng Tư, và RO.56 vào ngày 17 tháng Tư. Ngày 15 tháng Tư, hai chiếc RO.64 và RH.67 bị chìm trong hải phận Nhật Bản vì rơi vô các bãi mìn do Hoa Kỳ gài. RO.109 chìm vào ngày 25 tháng Tư, dưới một cuộc tấn công dữ dội mà theo báo cáo vô tuyến về Đệ Lục Hạm Đội, chiếc tàu đã tồn tại sau khi chịu đựng hơn ba trăm khối thuốc nổ do địch quân thả xuống. Nhưng từ đó, không có một tin tức nào nhận được từ RO.109 nữa.

Bây giờ hai trong bốn tiềm thủy đỉnh chở toán Tatara và hai trong ba tiềm thủy đỉnh tấn công Iwo Jima trước đây đã bị đánh chìm. Việc nầy đưa đến một cuộc thảo luận sôi nổi giữa các giới chỉ huy cao cấp. Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân ở Đông Kinh vẫn nhấn mạnh rằng tiềm thủy đỉnh tự sát Kaiten có thể hoạt động hữu hiệu trong việc chống lại các vùng thả neo, các căn cứ và các lực lượng thủy bộ của đối phương. Tư Lịnh Đệ Lục Hạm Đội, Đề Đốc Tennosuke Torisu phản đối mạnh mẽ ý niệm nầy. Theo ông, hiện thời nên gởi các toán Kaiten xa về phía sau những lực lượng chánh của địch quân, để tấn công tàu chuyển vận đồ tiếp tế và tàu chở dầu của họ. Sự mất mát sẽ khiến cho các lực lượng tiền phương của địch phải rút lui. Ít nhứt, bước tiến của đối phương cũng chậm lại, đủ thời gian cho Nhật Bản chuẩn bị một cuộc tổng tiến công toàn lực.

Cũng có một số người ở Bộ Tham Mưu đặt câu hỏi: "Làm sao một chiếc tiềm thủy đỉnh tự sát nhỏ nhoi như vậy có thể hoạt động hữu hiệu trong biển cả bao la, sóng to, gió lớn? Khó lắm!" họ cho rằng các hoa tiêu Kaiten chỉ có thể hoạt động hữu hiệu nếu được chỉ định một nhiệm vụ đặt biệt, có ngày giờ nhứt định. Thật khó cho một người giữ vững tinh thần liên tục trong lúc chờ đợi một cơ hội để tấn công bất ngờ.

Họ cho rằng hoạt động thích hợp hơn hết là nên xử dụng tiềm thủy đỉnh lớn mang Kaiten vô các vùng buông neo hoặc sát bờ biển, tại những nơi có mặt nước yên tĩnh. Đương nhiên, câu chuyện không phải đơn giản như các kế hoạch gia Đông Kinh đã tưởng. Tiềm thủy đỉnh của chúng tôi không thể hoạt động suốt ngày dưới mặt nước, chúng còn phải nổi lên vào ban đêm để lấy dưỡng khí. Và màn đêm không phải là một sự bao che an toàn, chiến hạm và phi cơ địch đều được trang bị rada bén nhạy, không có vật gì qua mắt được chúng. Tám tiềm thủy đỉnh của chúng tôi đã bị đánh chìm là một bằng chứng. Cố gắng chọc thủng tuyến tuần thám của địch quân là cả một vấn đề, nhưng dù cho có chọc thủng được đi nữa, chúng tôi cũng gặp ngay sự phản công nhanh chóng và chính xác của đối phương. Kể từ sự thành công đáng kinh ngạc ở đảo San Hô Ulithi, tình thế đã thay đổi nhiều. Hiện thời hạm đội Hoa Kỳ đã mở rộng các cuộc tuần tiểu trên biển lẫn trên không, cách thành phần chánh của họ rất xa. Những cuộc tuần tiểu nầy sẽ hạ gục các tiềm thủy đỉnh của chúng tôi mau lẹ, hoặc kêu gọi tăng viện để làm việc nầy.

Tấn công quân vận hạm địch lại là một vấn đề khác. Loại tàu này chỉ được hộ tống sơ sài hoặc hoàn toàn không có hộ tống. Theo Đệ Lục Hạm Đội, chúng tôi có thể hạ đối thủ dễ dàng. Tiềm thủy đỉnh của chúng tôi có thể thoát thân và trở về mang thêm Kaiten, hoặc có thể xử dụng thủy lôi thông thường để tấn công. Bộ Tư Lịnh Tối Cao đồng ý để cho hai tiềm thủy đỉnh tấn công các hệ thống tiếp tế của địch quân. Nếu thành công, một quyết định cuối cùng trên chính sách sẽ được tạo ra.

Tôi vui mừng khi được biết I.47 sẽ là một trong hai tiềm thủy đỉnh tấn công nầy. Chiếc thứ hai là I.36 của Thiếu tá Tetsuaki Sugamasa, một hạm trưởng tiềm thủy đỉnh trẻ nhứt trong Hải Quân Hoàng gia. Đúng như tiên đoán của Trung úy Kakizaki, sáu hoa tiêu chúng tôi sẽ bắt lại dịp may nhanh chóng.

Sự chờ đợi I.47 đến và mang chúng tôi đi thật vất vả. Ở Tanegashima, chúng tôi được cho biết tiềm thủy đỉnh của Thiếu tá Orita chỉ phải sửa chữa một đôi ngày nhưng khi về đến Hikari, chúng tôi được biết thời gian sửa chữa phải mất hai tuần lễ. Thật đáng chán nản, vì chúng tôi không có việc gì để làm hơn là chờ đợi. Thay vì được trao dồi thêm tài nghệ, như đã từng thấy trước đây, hiện thời những người huấn luyện không được huấn luyện nữa. Kakizaki và năm đứa chúng tôi coi như đã "tốt nghiệp". Trong suốt thời gian ăn không ngồi rồi nầy, chúng tôi không có dịp may nào mó đến một chiếc Kaiten.

Dĩ nhiên, không có đủ tiềm thủy đỉnh khả dụng để chở tất cả hoa tiêu Kaiten đã hoàn tất công việc huấn luyện thi hành sứ mạng. Do đó, hầu hết số người nầy được sử dụng vào một chiến thuật mới mang danh là "chiến thuật Kaiten cố định". Theo đó, những người nầy và tiềm thủy đỉnh tự sát của họ được chuyển đến nhiều địa điểm khác nhau dọc theo các bờ biển Nhật Bản. Các địa điểm nầy gần với những nơi được dự đoán địch quân có thể mở ra một cuộc tấn công thủy bộ. Các hoa tiêu Kaiten đến và nằm một chổ, chờ cho đến khi địch quân tiến vô bờ biển, bấy giờ họ sẽ nhận được lịnh của Bộ Tư Lịnh Tối Cao, tung Kaiten ra và đánh chìm các quân vận hạm của địch càng nhiều càng tốt. Chiến lược từ lâu của Hải Quân Nhật Bản vẫn không thay đổi, đó là chiến lược dốc toàn lực, nhận quân Mĩ vô biển máu, như đã được sử dụng ở quần đảo Midway, Mariana, Phi Luật Tân và ở Okinawa với lực lượng đặc nhiệm Yamato. Cho đến bây giờ, chiến lược nầy không mang đến một lợi thế nào cho chúng tôi, nhưng khi khoảng cách giữa kẻ thù và Nhật Bản thâu hẹp lại, hy vọng lại được đặt vô chiến lược nầy một lần nữa.

Vào ngày 15 tháng Tư, lúc tôi cảm thấy mỏi mòn trong sự chờ đợi, một công điện đến từ Kure: "Công việc sửa chữa I.47 đã hoàn tất. Lên đường đến Hikari vào sáng mai."

Khi I.47 đến Hikari, Thiếu tá Koreeda triệu tập sáu hoa tiêu Kaiten chúng tôi tham dự một buổi họp. Ông nói:

"Với sứ mạng nầy, toán Kaiten mang tên Tembu. Theo kế hoạch, hai tiềm thủy đỉnh I.47 và I.36 sẽ đưa Kaiten đến các vị trí nằm giữa đảo San Hô Ulithi và Okinawa. Người Mĩ đã biến Ulithi thành một căn cứ quan trọng. Các bạn sẽ tấn công tàu chở đồ tiếp tế cho những lực lượng tiền phương của địch quân.

Chúng tôi nhìn lẫn nhau. Cuối cùng, Kaiten được tung ra để tấn công những mục tiêu mà Thiếu tá Mitsuma Itakura, chỉ huy trưởng đầu tiên của Otsujima đã nói trước đây.

Ngày 20 tháng Tư, ngày khởi hành của toán Tembu, cả sáu chúng tôi giống như những người mới mẻ, tất cả đều tràn đầy niềm tin. Mỗi người cầm một nhánh "sakura" trong tay và chụp hình kỉ niệm. Tôi nhìn nhánh đào đơm đầy bông và nhủ thầm:

"Yukuta Yokota, mầy sanh ra là trai thật là may mắn. Nếu mày là một thiếu nữ, làm sao mầy có được một cuộc phiêu lưu như thế này?"

Tất cả chúng tôi đều nôn nóng. Shinkai và tôi thề hạ một đứa một chiến hạm lớn nhứt của địch quân. Tôi nghĩ đến cái tuổi mười chín của tôi, và thầm nhủ: "Hãy chết trong lúc dân chúng còn tiếc thương cái chết đó, hãy chết trong khi mầy còn thanh khiết, cái chết nầy mới đúng với tinh thần biushido". Phải, tôi sẽ nương theo con đường của những Samurai. Đôi mắt tôi rực sáng khi bước chân lên I.47 một lần nữa. Tôi nhớ lại giọng vui vẻ của Thiếu tá Nabuo Anzai khi đọc lên câu thơ: "Hãy rụng xuống, như cánh hoa đào thanh khiết."

Chúng tôi lại đứng trên thân các Kaiten của chúng tôi, tay vung kiếm lên cho đến khi những chiếc tàu tiễn đưa quay lại. Sau đó, tôi leo vô ben trong Kaiten, đặt hủ đựng hài cốt của Yazaki và cành sakura cạnh chổ ngồi. Các nhân viên bảo trì đã dánh trên tiềm vọng kính một mảnh giấy viết mấy chữ: "Chắc trúng vào kẻ thù", và chữ ký của họ.

Lúc 11 giờ sáng, những đám mây vần vũ tan biến. Một điềm tốt. Mặt trời chói lọi, một ngày đi biển thích hợp. Tôi lại ngắm nhìn những dãy núi xanh rì lần cuối cùng, nhưng lần nầy tôi không mang một xúc cảm nào. Tôi nhìn một cách bình thản.

Trên hải trình đến eo biển Bungo, những sợi dây cáp chánh buộc vô tiềm thủy đỉnh của các Kaiten được tháo ra. Nếu địch quân chờ đợi chúng tôi bên ngoài eo biển, chúng tôi sẽ gây cho họ sự sững sốt. Chỉ cần vài phút, 18.000 cân Anh chất nổ cực mạnh sẽ được tung ra. Kẻ đi săn sẽ trở thành bị săn.

Hạm trưởng Orita đích thân xem xét cẩn thận từng Kaiten một. Quan sát viên đề cao cảnh giác ngay cả khi chúng tôi vẫn còn trong eo biển, và khi ra hẳn bên ngoài, chúng tôi vung nhẹ về phía Đông Nam, chạy 20 hải lý cho trên mặt nước.

Tôi gặp một điềm tốt khác ngay khi bước vô phòng ngủ của thủy thủ. Tôi không còn là một khách lạ nữa. Nhiều người vui cười chào đón tôi. Họ hỏi tôi làm gì trong ba tuần lễ vừa qua, trong khi họ phải quần quật với chiếc tàu hư hại nầy.

Đếm đầu tiên tôi tĩnh giấc nhiều lần, mặc dù chung quanh yên tĩnh. Tôi khó làm theo lời dặn ngủ càng nhiều càng tốt của Trung úy Kakizaki, và buổi sáng một cơn bực bội hiện đến với việc dùng nước hạn chế. Nước trên tiềm thủy đỉnh được chia theo khẩu phần, và tôi ý thức ngay rằng tôi không còn ở Hikari nữa, nơi mà tôi có thể xúc miệng hoặc tắm rửa bao nhiêu cũng được. Nhưng tôi cũng tự nhắc nhở rằng tình trạng nầy sẽ không kéo dài, và tình trạng của tôi vẫn còn tốt đẹp hơn thủy thủ đoàn. Họ phải sống trong tình trạng nầy trong vòng nhiều tuần lễ, và nhiều lần sau nầy nữa khi chúng tôi đã ra đi.

Tôi đến phòng sĩ quan. Kakizaki còn ngủ. Maeda đã thức và đang đọc sách. Tôi rất khâm phục kiến thức của ông ta. Hai mươi ba tuổi, Maeda là sĩ quan trừ bị duy nhứt thuộc toán Tembu. Maeda đã bước vô hải quân với tánh cách đồng hóa trong khi theo học ở Trường Đại Học Kokura. Một người trầm lặng không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình, tối ngày chỉ chúi mũi vô một quyển sách, ngay cả trong hoàn cảnh nầy. Tôi đoán chừng ông ta sẽ tiếp tục học hỏi cho đến giây phút cuối cùng.

Trước đây, Maeda đã gây cho tôi sự ngạc nhiên khi ông nói với tôi rằng trước sau Nhật Bản cũng bại trận. Tôi không tin vào tai mình khi nghe một sĩ quan nói như vậy. Tôi hỏi:

"Dạ thưa, Trung úy nói gì?"

Ông lập lại:

"Nhật Bản sẽ bị đánh bại, Yokota"

Tôi xúc động. Tôi không biết nói gì lúc đó, vì tôi chưa từng nghe người nào trong quân đội nói về việc nầy trước đây. Tôi hỏi vặn:

"Vậy sao Trung úy tình nguyện chết?"

Ông đáp đơn giản:

"Một người phải làm tất cả những gì mà hắn có thể làm cho xứ sở của hắn. Cái chết của hắn không có nghĩa lý gì. Nhật Bản sẽ chiến bại, tôi chắc chắn như vậy. Nhưng Nhật Bản sẽ hồi sinh, và trở thành một quốc gia vĩ đại hơn bao giờ hết."

Meada lý luận rằng cứ một vài thế hệ một nước phải đựng và luyện lọc trở lại bằng cách xóa bỏ hết những chất dơ đi, do đó mà xứ sở đó sẽ khỏe mạnh hơn. Xứ sở cyar chúng ta đang tắm trong lửa đỏ, và nó sẽ phương phi hơn khi lộ diện.

Tắm trong lửa đỏ, ít ra ông ta đã nói đúng. Đông Kinh bùng cháy và các thành phố khác của xứ sở tôi cũng quen thuộc với hình dáng của những chiếc B.29 đáng sợ, loại phi cơ không thể nào chận đứng nầy.

Khi tôi bước vô phòng, Maeda hỏi:

"Anh ngủ ngon không?"

"Trăn trở luôn, thưa Trung úy!"

Ông vừa xếp sách vừa nói:

"Rồi anh sẽ quên đi! Dù sao, anh cũng phải nghỉ ngơi."

"Thưa, khó lắm! Tôi tưởng sẽ ngủ ngon sau một ngày mệt mỏi, nhưng..."

Ông nhìn đồng hồ và nói:

"Gần sáng rồi! Hãy đi lên và hút một điếu thuốc trước khi tàu lặn xuống."

Chúng tôi không được phép hút thuốc trong khi tàu chạy dưới mặt nước. Chúng tôi đến phòng chỉ huy và đứng phía dưới cánh cửa mở rộng phía trên, thưởng thức không khi mát mẻ thổi xuống. Đây là cơ hội duy nhứt trong ngày để chúng tôi hút một điếu thuốc. Một lát sau, Trung úy Kakizaki bước đến, kế đó là Yamaguchi và Trung sĩ Tanaka, thuộc thủy thủ đoàn I.47.

Tanaka lên tiếng trước:

"Tôi tìm anh không thấy, Yokota. Anh vẫn chưa quen với chiếc giường nhỏ hẹp của chúng tôi, giống như lần trước?"

Tôi đáp:

"Anh nói đúng! Đêm rồi, càng nghĩ tôi càng nể phục sức chịu đựng của giới thủy thủ tiềm thủy đỉnh các anh."

Hắn nói:

"Thời gian đã làm thay đổi nhiều thứ. Khi chiến tranh bắt đầu, tôi đến Hawai. Tiềm thủy đỉnh quanh quẩn trong hải vực rộng lớn Oahu. Chúng tôi phóng thủy lôi vô bất cứ chiến hạm Hoa Kỳ nào mưu thoát ra khỏi Trân Châu Cảng. Thời gian nầy, chiến tranh nằm xa hẳn Nhật Bản. Hiện tại, chỉ sau ba năm, chiến tranh nằm ngay cửa ngõ chúng ta."

Tôi hỏi:

"Có khác gì đâu? Sự chịu đựng của các anh cũng vậy thôi! Thức ăn hộp, không khí ngột ngạt, và tất cả những thứ khác."

Tanaka đáp:

"Sự chịu đựng khác hơn nhiều chớ. Năm 1942, tôi hoạt động ở Ấn Độ Dương. Đó là một cuộc hải hành dài dằng dặc, nhưng vô cùng thích thú. Chúng tôi bẩn thỉu hơn bây giờ, mình mẩy luôn luôn quến dầu mở. Nhưng chúng tôi được hưởng một vài sự thú vị."

Yamaguchi hỏi vặn:

"Thú vị? Chiến tranh mà thú vị?"

"Chiến tranh lúc đó khác, thú vị là như vậy. Không có cái cảnh chạy trốn chui trốn nhủi như ở hiện tại. Năm 1942, chúng tôi bình tĩnh. Chúng ta đang chiến thắng. Chúng ta đánh thẳng tay. Chúng ta đánh dàn mặt với kẻ thù. Chúng ta không có rada nhưng kẻ thù không thể nào chận chúng ta lại được. Chúng ta tìm thấy họ, chiến đấu với họ và đánh chìm tàu họ. Hiện thời nếu phát hiện được đối phương trước, chúng ta coi đó là một điều may mắn. Nhưng thường thường họ phát hiện chúng ta trước. Ba năm qua, bị phát hiện trước có nghĩa là bị đánh chìm chắc chắn. Trước đây, khi các quan sát viên la lớn: "Tàu địch," mọi người đều hò reo. Chúng tôi vừa cười vừa hét, nhảy ùa tới vị trí chiến đấu, thỉnh thoảng còn ca hát nữa, ngay cả trước khi mạng lịnh được ban ra. Nhiều khi sợ xử dụng thủy lôi sẽ phí đi, bởi vì một trái thủy lôi giá tiền lên đến 30.000 yên, chúng tôi yêu cầu hạm trưởng cho tiềm thủy đỉnh nổi lên mặt nước để xử dụng súng bắn hạ tàu địch. Nếu được phép, xạ thủ sẽ nhảy dựng lên và chạy đến các pháo khẩu. Thành phần còn lại sẽ đứng nhìn, không khác nào theo dõi một môn thể thao. Khi xạ thủ bắn trúng, tất cả chúng tôi reo hò cổ vỏ. Chiến hạm địch trong thời gian nầy cũng chạy chậm chạp, không thể nào lảng tránh kịp. Chúng tôi có thể săn đuổi và hạ gục dễ dàng. Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng cảm thầy buồn giùm thủy thủ địch bị đánh chìm, nhưng mấy gã trẻ tuổi hơn thì lại nghĩ khác. Hiện thời, kẻ hoan hô, la hét, nói cười, ca hát là thủy thủ tiềm thủy đỉnh của Hoa Kỳ. Mọi may mắn của chúng tôi đã sang tay đối phương. Chúng tôi không có một cơ hội nào để làm những việc làm của ba năm về trước."

Câu chuyện của Tanaka hấp dẫn. Chúng tôi châu đầu lắng nghe. Tanaka tiếp:

"Khi tôi kể những câu chuyện cũ cho các thủy thủ trẻ của tiềm thủy đỉnh nầy, họ cũng nuối tiếc thời gian đã qua. Hạm đội tiềm thủy đỉnh của năm 1942 hầu như không còn gì nữa."

Tôi biết hắn nói đúng. Khoảng 60 tiềm thủy đỉnh đã bị đánh chìm từ trận Trân Châu Cảng đến nay, hơn chục chiếc trong số nầy do tiềm thủy đỉnh địch gây ra.

Các hoa tiêu Kaiten đi ăn sáng sau khi Tanaka quay lưng. Sau đó chúng tôi họp trong phòng sĩ quan. Một tấm hải đồ to lớn trải trước mặt, chúng tôi cố định vị trí hiện tại. Đại úy Kawamoto, thay thế Đại úy Obori trong chức vụ hạm phó I.47 ngay trước khi rời khỏi Hikari, gọi chúng tôi đến phòng Chỉ Huy. Nơi đây có mặt hạm trưởng và hoa tiêu trưởng. Thiếu tá Orita hỏi:

"Các bạn cảm thấy sao?"

Và không chờ câu đáp, ông tiếp:

"Chúng ta không địch quân gần eo biển Bungo. Tuy nhiên khi đi xa hơn về phía Nam, chúng ta sẽ gặp tàu chiến Hoa Kỳ đầy dẫy. Nếu chạm trán với một hạm đội tơ lớn của họ tôi sẽ phóng Kaiten. Thời gian nầy, mỗi ngày chúng ta luôn luôn ở dưới mặt nước. Chúng ta sẽ tập dượt cách xử dụng Kaiten thường xuyên, để các bạn gia tăng mức độ chun vô vũ khí nhanh chóng hơn. Chúng tôi sẽ xử dụng đồng hồ để đo lường thời gian các bạn nhận lịnh và báo cáo từ trong Kaiten bằng điện thoại. Trong mỗi lần thực tập, tôi muốn các bạn đạt đến tốc độ mau hơn trước đây."

Tôi khoái trờ chơi nầy. Nó giải tỏa mối buồn bực và khó chịu trong tôi. Chúng tôi trở lại phòng sĩ quan, hiện thời đã trở thành nơi tập hợp thông thường, và đứng chờ lịnh.

Trung úy Tajitsu đặt một chiến hạm địch nhỏ bé trên một chiếc bàn cách chúng tôi năm thước. Chúng tôi sẽ nhìn và đo lương góc độ từ chúng tôi đến nó. Sự xét đoán chính xác của chúng tôi khiến Tajitsu kinh ngạc. Đến lượt tôi, tôi nghĩ rằng mũi của chiếc tàu nhỏ cách tôi một góc khoảng dưới 40 độ. Sau khi đo gốc độ cẩn thận, Tajitsu nói:

"Đúng! Ba mươi bảy độ! Chắc anh đã luyện tập thuần thục lắm! Nếu anh đạt được sự chính xác như vậy trong lúc chiến đấu, tôi nhận thấy không có cách nào anh để mất mục tiêu được".

Thời gian trôi qua nhanh chóng, và khi đầu bếp bắt đầu dọn bữa ăn trưa, lịnh thình lình ban ra:

"Hoa tiêu Kaiten!"

Chúng tôi ba chân bốn cẳng. Tôi chậm chân nhứt, vì lúc đó tôi đang cười đùa với Shinkai, đang ở trong phòng vệ sinh với tôi. Coi hắn thật buồn cười. Hắn vừa chạy vừa kéo quần.

Sáu hoa tiêu chúng tôi lần lượt chạy lên sàn tàu chánh đến các Kaiten của chúng tôi. Lúc tôi leo vô Kaiten, tôi nghe tiếng cánh cửa khổng lồ bên trên tiềm thủy đỉnh đóng lại. Tôi khép cửa Kaiten, ngồi vô ghế và nói trong điện thoại.

"Số 3 đã ở bên trong!"

Tiếng từ phòng chỉ huy:

"Anh có nghe rõ không?"

"Rất rõ!"

"Tốt! Tất cả hoa tiêu đều đã bước vô Kaiten của họ với tốc độ là hai phút năm giây!"

Tàu lặn xuống. Hạm trưởng Orita hình như hài lòng cuộc diễn tập. Không có một câu phê bình nào bất lợi.

Lúc 6 giờ chiều, tiềm thủy đỉnh nổi lên mặt nước. Thông thường chúng tôi không được ra sàn tàu trong thời gian nầy, nhưng tôi muốn ngắm nhìn đại dương đang lướt cuồn cuộn hai bên cạnh của chiếc I.47. Shinkai cũng muốn bước ra. Đây có lẽ dịp may được nhìn đại dương bao la lần cuối cùng của chúng tôi. Chúng tôi xin phép Hạm Trưởng Orita.

"Được lắm! Nhưng nếu chúng tôi bắt buộc phải lặn xuống mau, có lẽ chúng tôi phải bỏ các bạn ở lại.!"

Ông vừa nói vừa cười, tôi không hiểu ông nói thật hay đùa. Lúc ấy Đại úy Kawamoto có mặt trên đài chỉ huy với chiếc ống dòm đeo lủng lẳng trên cổ. Ông giơ ống dòm lên và nhìn một vòng. Mắt tôi ngó đăm đăm biển cả hùng vĩ. Từ trước đến nay mặt nước rộng lớn nhứt mà tôi nhìn thấy là Nội Hải, và chỉ nhìn một phía. Nhưng ở đây, xung quanh tôi đều là nước, trải dài vô tận. Có những đám mây lơ lững ở chân trời phía Tây, giống như những cánh chim khổng lồ đang bay về phương Bắc. Phía trên đám mây đỏ ối một màu, phản chiếu ánh mặt trời lặn. Ngôi một của tôi sẽ nằm ở một nơi nào đó trong đại dương nầy. So sánh với tạo vật, con người nhỏ nhoi làm sao. Một hồi lâu, Shinkai nói:

"Chúng ta nên đi xuống tốt hơn!"

Tôi miễn cưỡng xuống cầu thang, lòng lưu luyến cảnh đẹp trước mắt. Vô phòng lái, tôi hỏi viên hoa tiêu hiện thời chúng tôi đang ở đâu. Hắn đáp:

"Nằm trên tuyến phía Đông của đảo Tanegashima"

Điều nầy khiến tôi thắc mắc. Đáng lẽ lúc nầy chúng tôi phải chạy xa hơn về phía Nam, do đó tôi hỏi hắn. Viên hoa tiêu đáp:

"Chúng ta không thể đâm đầu vô kẻ thù với hết tốc lực, Yokota. Ban ngày chúng ta không muốn đến gần đối phương trong khi chạy trên mặt nước, do đó phải chạy chậm lại hoặc đổi hướng để rồi sau đó sẽ chạy suốt đêm. Đêm nay chúng ta có thể nuốt trôi một hải trình 200 dặm hoặc hơn nữa. Và cứ như vậy, ngày chạy chậm, đêm chạy mau. Thật ra, ngày đầu tiên chúng ta muốn ở gần Nhật Bản khi chạy trên mặt biển, để nếu bị tấn công, chúng ta có thể xin giúp đỡ dễ dàng. Chúng ta cũng muốn ở ngoài tầm không thám của địch quân, nếu có thể.Từ bây giờ trở về sau, chúng tôi chạy ngang qua Okinawa, hướng đến phía Đông trên mặt biển vào ban ngày và dưới mặt biển vào ban đêm, cho đến khi qua hòn đảo nầy."Tôi ăn tối vội vã. Có lẽ Hạm Trưởng Orita không muốn xử dụng Kaiten trong đêm tối, nhưng rạng đông, bất cứ lúc nào việc nầy cũng có thể xảy ra. Tôi muốn nghỉ ngơi đầy đủ, do đó tôi có thể ở trong tình trạng đề cao cảnh giác vào ngày hôm sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro