Tiem thuy dinh tu sat P3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

13. TOÁN TODOROKI ĐƯỢC THÀNH LẬP

Khi tiềm thủy đỉnh I.47 về ngang eo biển Bungo, tôi sống trong tình trạng tuyệt vọng nhứt. Bốn cái máng Kaiten trống rỗng luôn ám ảnh tôi. Kaiten số 3 của tôi, ở sau lái, đã ngã màu đỏ rĩ sét. Nó không còn giống chiếc Kaiten đen bóng mà tôi đã kiểm tra với sự hiêu hãnh hồi lúc khởi đầu sứ mạng.

Shinkai còn tỏ ra tuyệt vọng hơn tôi nữa. Con người luôn luôn vui tươi nầy trở nên trầm mặc, u sầu. Cả hai đứa chúng tôi cảm thấy như những kẻ bị trục xuất. Chúng tôi sợ hãi khi nghĩ đến giây phút trở về doanh trại. Chắc không ai nói chuyện với chúng tôi. Sáu hoa tiêu Kaiten ra đi, và bốn đã được phóng. Shinkai và tôi trở về lần thứ hai. Mọi người sẽ nghĩ xấu về chúng tôi, và họ sẽ quay mặt đi.

Ngay khi rời khỏi tiềm thủy đỉnh, chúng tôi chui vô phòng cũ, và nằm lì trong đó tự biệt lập chừng nào hay chừng nấy. Chúng tôi tránh tiếp xúc với người khác. Chúng tôi hy vọng trái đất nứt ra và chôn vùi chúng tôi xuống đáy sâu. Căng thẳng tinh thần cũng khiến cho thể xác của tôi sút giảm. Suốt ba tuần lễ không tắm, người tôi đầy mồ hôi, bùi bậm và dầu mỡ. Cho dù tôi có tắm mấy đi nữa hình như tôi không thể nào tẩy xóa hết đi cảm giác dơ bẩn đang luân lưu trong người tôi. Tôi có cảm giác như những người mắc bình trầm trọng, kéo dài triền miên, vừa bình phục.

Chúng tôi đã trãi qua bốn năm ngày trong tình trạng nầy sau khi trở về Hikari. Sau đó, vào ngày 17 tháng Năm, lúc tôi đang nằm trên giường, nhìn trần nhà với đôi mắt trống rỗng, Trung úy Tsuboi hấp tấp bước vô phòng tôi và lên tiếng hỏi:

"Yokota, anh đâu rồi?"

Trước đây, tôi sẽ mau chóng ngồi dậy, đứng nghiêm và đáp một cách nhanh nhảu: "Da, thưa tôi đây!". Lần nầy, tiếng dạ thưa thớt thốt ra một cách miễn cưỡng. Tsuboi nói:

"Anh sẽ đi Otsujima ngay lập tức. Hãy gói ghém hành trang!"

Tôi choáng váng:

"Thưa, Trung úy?"

Trong thâm tâm, tôi đã nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ được chọn lựa cho một sứ mạng Kaiten khác. Tôi sợ rằng các sĩ quan có thể nghĩ một người đã từng ra đi hai lần không thành công, có thể hắn sẽ không đủ quyết tâm cho lần ra đi thứ ba. Dĩ nhiên, bốn người bạn của tôi, Kakizaki, Furukawa, Yamaguchi và Maeda đã chứng minh quan niệm nầy không đúng, nhưng Bộ Tổng Tham Mưu Hải Quân đã không từng lý luận rằng mọi người không thể còn vững tin khi đối diện với cái chết bất định?

Tsuboi đáp:

"Anh còn chờ ai nữa! Trung sĩ Irie thiệt mạng trong buổi huấn luyện hôm qua. Hắn được chọn thi hành một sứ mạng Kaiten mới với chiếc I.36. Anh được lịnh thay thế chổ của hắn. Sửa soạn mau lên!"

Tôi hỏi:

"Nhưng ... nhưng việc gì đã xảy ra cho Irie?"

Trong phi đội đặt biệt của tôi ở Tsuchiura, chỉ có tôi và Raita Irie được chọn để chuyển qua huấn luyện Kaiten. Chúng tôi gần gũi nhau trong suốt thời gian ở Hải Quân.

"Hắn đụng vô chiếc tàu mục tiêu, cùng với Shoichi Sakamoto trên Kaiten. Sửa soạn mau lên!"

Tôi nghĩ Shinkai sẽ buồn khi nghe tin hai cái chết nầy. Cả bốn chúng tôi đều chơi thân với nhau. Shinkai! Tôi đã quên khuấy hắn trong lúc bối rối. Hắn sẽ nói gì về chuyến đi Otsujima của tôi? Cảm giác của hắn ra sao? Trung úy Tsuboi không đề cập đến đến một người nào khác ngoài tôi. Chỉ một người được chọn. Bạn Shinkai thân mến của tôi phải ở lại Hikari. Việc này sẽ khiến hắn đau lòng.

Trung úy Tsuboi vừa bước ra vừa nói:

"Trình diện Đại úy Mitani ngay khi anh thu xếp hành lý xong, Yokota!"

"Dạ!"

Khi tôi vừa mặc quần áo xong, Shinkai bước vào phòng. Hắn nhìn hành lý của tôi, và hỏi lớn, giọng xúc động:

"Anh sắp đi hả, Yokota? Anh đi đâu?"

Chắc hắn đã nhìn thấy đôi mắt đầy trắc ẩn của tôi, nên thình lình hắn trở giọng kết tội.

"Anh sắp đi mà không có tôi theo! Ngay cả một tiếng từ biệt anh cũng không nói!"

Hắn nói đúng. Tôi biết, tôi không thể nào chịu đựng nỗi khi đứng trước mặt hắn. Tôi hy vọng rời khỏi Hikari trước khi hắn biết. Tôi hỏi hắn:

"Tôi có thể làm gì được, Shinkai? Họ mới vừa ra lịnh cho tôi một vài phút đây thôi!"

Tôi không biết nói gì hơn. Tôi cố an ủi hắn.

"Họ biết tài ba của anh. Họ chỉ cần ngay một người thôi, vì một tai nạn vừa xảy ra. Raita Irie thiệt mạng hôm qua trong một buổi huấn luyện với Shoichi Sakamoto. Tôi thế chổ hắn. Khi đến Otsujima, tôi sẽ hỏi coi trưởng toán có cần một người khác hay không. Tôi sẽ nói cho hắn biết có anh ở đây, và nôn nóng ra đi."

Shinkai hét:

"Vô nghĩa! Hãy đi đi! Tôi không cần đi!"

Tôi nói:

"Shinkai, tôi sẽ trở về trong vài phút. Hãy chờ tôi ở đây!"

Tôi vội vã đến phòng Đại úy Mitani, hơi giận vì hắn đã làm chậm chân tôi. Tình bạn đã bay bổng lên không gian ngay khi Trung úy Tsuboi chuyển mạng lịnh cho tôi. Tôi quan tâm đến Shinkai, nhưng mối quan tâm ấy không vượt nỗi sự vui mừng được chọn để thi hành sứ mạng.

Tôi gõ cửa phòng và Đại úy Mitani chào đón tôi với một nụ cười:

"Tốt lắm, Yokota, tôi chắc anh biết tin rồi. Coi anh không được khỏe, nhưng không sao. Anh phải lên tàu để đi Otsujima trong vòng 30 phút. Anh đủ thời giờ chuẩn bị không?"

Tôi đáp:

"Hiện tôi đã chuẩn bị xong, thưa Đại úy. Nhưng Shinkai ra sao?"

Mặt của Mitani nghiêm nghị:

"Đừng lo! Chúng tôi sẽ nhờ đến Shinkai. Nhưng bây giờ chỉ cần một người thôi. Dĩ nhiên, một người phải ở lại. Không làm sao được!"

Tôi nói:

"Thưa phải! Nhưng Shinkai, hắn khóc lóc, buồn rầu!"

Mitani vỗ vai tôi. Ông nói không có thì giờ đâu để nói chuyện nầy, và tôi phải gấp rút lên đường. Do đó, tôi không thể làm gì hơn cho Shinkai, ngoại trừ ưu ái nhìn hắn đang đứng trên cầu tàu vẩy nón từ biệt, trong khi tàu rời xa, trực chỉ về phía Otsujima.

Đặt chân lên Otsujima, tôi vội vã đến khu cư trú của sĩ quan để gặp Thiếu tá Mizoguchi. Ông vừa thăng cấp và thay thế Thiếu tá Itakura trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Căn cứ. Ông nói:

"Gặp lại anh thật may mắn. Tôi nghe thành tích trong thời gian huấn luyện của anh, gây phấn khởi cho căn cứ nầy."

Tôi nói chuyện thân mật với ông, và sau những câu lễ nghi vắn tắt, tôi hỏi ông ngay:

"Dạ thưa, chừng nào I.36 lên đường ? "

Ông đáp:

"Ồ! Chưa đâu! Chiếc tàu con tu bổ ở Kure một thời gian ngắn, rồi sau đó đến Hikari chở hoa tiêu Kaiten. Trong khi đó, anh sẽ có nhiều buổi huấn luyện phối hợp. Tôi nghĩ, ít ra cũng cuối tháng anh mới rời khỏi đây."

Cuối tháng? Tôi đã hy vọng đặt chân lên tiềm thủy đỉnh ngay khi đến Otsujima. Tại sao Mizoguchi có vẻ nhởn nhơ như vậy? Một tuần trước đây, quân Đức đã đầu hàng các lực lượng Đồng Minh. Hiện thời Anh - Mỹ có thể mang hết sức mạnh trên biển và trên không của họ để chống lại Nhật Bản! Hầu như chúng tôi bị đẩy bật ra khỏi mọi hòn đảo trên Thái Bình Dương. Lực lượng của chúng tôi bị cô lập ở quần đảo Mariana, Phi Luật Tân, New Guinea và đang bị tiêu diệt đến người cuối cùng. Làm sao có thể tha thứ một sự trì hoãn như vầy được?

Tôi lộ vẻ thất vọng, nhưng Mizoguchi không đưa ra một lời nào nhằm trấn an tôi. Ông nói:

"Tốt hơn là anh nên đi về chổ ở. Sĩ quan trưởng toán chắc đang mong anh"

Tôi trở ra bến tàu lấy hành lý và đến doanh trại. Kỳ lạ , tôi vừa xếp đồ vừa suy nghĩ. Sứ mạng vừa rồi của tôi được thực hiện với I.47, "chiếc tàu bất tử". Bấy giờ tôi lại sắp đi với đối thủ của nó, chiếc I.36. Không biết thủy thủ đoàn của chiếc tàu nầy có thân mật như chiếc trước không?

Hôm tôi đến Otsujima, một buổi lể đơn giản đã được tổ chức để cầu nguyện cho Trung sĩ Irie và Sakamoto. Sakamoto, vô địch nhu đạo, con cuồng hổ đã cùng với tôi tham dự trận kỹ mã đấu nổi tiếng trên tuyết và hạ gục Thiếu úy Toyama, đã ra đi vĩnh viễn. Thật đáng buồn, một người có tinh thần cao như vậy mà không được chết trong lúc chiến đấu. Cả hai cùng lái chugn một Kaiten để chạty thực tập, và đụng vô hông một quân vận hạm 10.000 tấn được xử dụng làm mục tiêu. Kaiten của họ chìm ngay tức khắc. Khi xác được vớt lên, mắt cả hai đều lòi ra ngoài vì bị áp lực nước.

Tôi biết được các tiềm thủy đỉnh lảnh nhiệm vụ thực hiện cuộc tấn công sắp tới là: I.361, I.363 và I.36, chiếc tàu của tôi. Sau nầy còn thêm chiếc I.365, nhưng lúc tôi lên được chỉ có ba chiếc đầu tiên được chỉ định hẳn vào nhiệm vụ chở toán Todoriki. "Todoriki", có nghĩa là "tiếng dội" cũng có thể được diễn dịch như là tiếng đùng đùng của súng đại bác. Nghĩa thứ hai nầy là tên toán của chúng tôi. Mức độ hữu hiệu của chúng tôi được vị như nhiều khẩu đại bác nả vô kẻ thù. Chúng tôi sẽ là một "tiếng gầm to lớn" , một "todoriki".

Được đi với I.36 thật may mắn, tôi nghĩ. Hai chiếc kia nguyên là loại tiềm thủy đỉnh chuyển vận to lớn, chậm chạp, giống như I.368. Chúng chỉ chạy được 13 hải lý một giờ trên mặt nước, mặc dù tầm hoạt động rất xa. Nếu bị khám phá, những tiềm thủy đỉnh chậm chạp như vậy không thể nào chống lại được các khu trục hạm của địch. Với tốc độ kém cõi, chúng cũng không thể nào thành công trong việc truy đuổi chiến hạm. Độ lặn sâu tối đa của loại tiềm thủy đỉnh chuyển vận nầy là 240 bộ. Chiếc I.165, gia nhập cuộc tấn công sau đó, được cải biến gấp rút, nên chỉ chở được có hai Kaiten.

Lúc tôi ở biển với I.47 có một sứ mạng Kaiten khác được thực hiện, mang tên Shimbu, có nghĩa là sự giúp đỡ theo phương thức Samurai. Tên này được đặt cho nhiều tổ chức tinh thần ở Nhật Bản. Những tổ chức mang tên nầy bao gồm những người tình nguyện xả thân và chấp nhận mọi gian khổ. Danh từ nầy dành để chỉ một người ái quốc đúng nghĩa. Chiếc tàu duy nhứt thực hiện sứ mạng Shimbu là chiếc I.367, điều nầy cho thấy hạm đội tiềm thủy đỉnh của chúng tôi đã lâm vào tình cảnh tồi tệ trong thời gian đó. Khi I.367 lên đường, chúng tôi chỉ còn lại bốn tiềm thủy đỉnh có tốc độ cao: I.36, I.47, I.53 và I.58.

I.367 hoạt động ở phía Đông Okinawa, với năm hoa tiêu Kaiten. Chỉ có Kaiten của Trung sĩ Masaaki Ona là phóng đi được vào ngày 31 tháng Năm, và theo ghi nhận chánh thức, đã đánh đắm được một chiến hạm địch. Bốn Kaiten còn lại bị trục trặc máy móc.

Trong thời gian nầy, thêm nhiều phương cách tuyệt vọng được đưa ra nhằm để bảo vệ xứ sở của chúng tôi. Vào ngày 4 tháng Năm, một cuộc tấn công Kamikaze với số lượng đông đảo được thực hiện ở Okinawa, phối hợp với một cuộc phản công trên bộ bởi các lực lượng của chúng tôi ở đây. Trong lúc các phi cơ Thần Phong tấn công, quân phòng ngự trên đảo cố gắng dồn địch quân vô hai gọng kềm để tiêu diệt. Chiến thuật không thành công. Quân Mỹ quá mạnh. Phi cơ bị bắn rơi hầu hết, và lực lượng phản công trên bộ bị tàn sát.

Lúc nầy toán của tôi do Trung úy Nabuo Ikebuchi cầm đầu, bao gồm hai sĩ quan khác, Thiếu úy Minoru Kuge và Thiếu úy Ichi Sonoda, và đây là chuyến đi thứ ba của họ. Thiếu úy Sonoda đã từng đi với Ikebuchi trên tiềm thủy đỉnh I.58 trong hai sứ mạng Tembu và Tatara. Cả hai được gọi trở về trước khi khai hỏa. Thiếu úy Kuge đã ra đi trong sứ mạng Kongo, nhưng Kaiten của ông trục trặc máy móc. Ông cũng gặp trường hợp tương tự trên chiếc I.36 với toán Tembu. Ông là một trong hai hoa tiêu không được phóng đi vào ngày chiếc tàu nầy lập được chiến công vĩ đại: đánh chìm bốn quân vận hạm địch.

Trung sĩ Eizo Nomura, như tôi, đến Tsuchiura. Anh ta là người thứ hai không được phóng đi vào ngày I.36 lập chiến công, tức ngày 27 tháng Tư. Trung sĩ khác Hidemasa Yanagiya, cũng là cựu khóa sinh phi công ở Tsuchiura, đã từng thực hiện hai sứ mạng trên chiếc I.58 với Ikebuchi và Sonoda.

Do đó, có thể giải thích tại sao tất cả chúng tôi đều nôn nóng ra đi. Chúng tôi bắt đầu công cuộc thực tập cuối cùng vào ngày hôm sau 18 tháng Năm, quyết chứng tỏ cho mọi người thấy tài ba của chúng tôi. Vịnh Tokuyama nhỏ hơn khu vực huấn luyện ở Hikari, và gần như cả tháng nay tôi không mó tay đến một chiếc Kaiten. Thái độ của các huấn luyện viên cho thấy họ chú ý nhiều đến tôi.

Sau cuộc thực tập, một buổi hội thảo đã diễn ra sôi nỗi trong đêm đó. Chúng tôi rất buồn khi biết các sĩ quan ở đây nghĩ rằng cuộc diễn tập vừa rồi không đạt đến các căn bản hy vọng của những người sẵn sàng cho một sứ mạng. Họ nói tôi lướt ngang phía dưới lái của chiếc tàu hơi thấp. Thiếu úy Kuge cách phía trước mục tiêu 60 bộ, còn thiếu úy Sonoda lại lướt cách phía sau mục tiêu 60 bộ.

Trung sĩ Yanagiya tính sai thời gian. Thay vì lướt ngang phía dưới tàu mục tiêu và tiếp tục lướt đi cho đến khi hắn nhận thấy Kaiten của hắn chận ngay lối của chiếc tàu sắp chạy đến. Một cái lách cấp tốc của viên Hạm Trưởng đã cứu mạng sống của Yanagiya. Và tài nghệ của Trung sỹ Nomura tệ hơn hết. Không người nào trên chiếc tàu mục tiêu nhìn thấy Kaiten của hắn lướt qua.

Toán trưởng của chúng tôi, Trung úy Ikebuchi được miễn phê bình trong buổi hội thảo. Kaiten của ông đã chết đứng dưới nước năm phút sau khi được phóng ra vì hư máy. Ông được kéo về căn cứ. Trường hợp của Kuge và Sonoda được tha thứ vì lướt qua như vậy, họ cũng có thể đánh chìm một đại chiến hạm địch. Và tôi, sau một báo cáo ngắn của huấn luyện viên, đã được cho là chạy khá nhứt trong buổi diễn tập, và nếu tấn công thực sự, tôi sẽ đánh trúng vô giữa một chiếc tàu.

Riêng trường hợp của Yanagiya và Nomura rất đáng buồn. Báo cáo về Yanagiya không tốt đẹp. Hắn không thể giải thích được lỗi lầm của mình và đã nhận lỗi. Nomura không chịu thua. Hắn không chịu thừa nhận lỗi lầm. Việc nầy khiến cho huấn luyện viên trưởng nổi giận, và ông ta trút cơn giận xuống hắn lập tức. Ông hỏi:

"Nomura, từ lúc khởi đầu cho đến khi chấm dứt buổi diễn tập, anh ở trên Kaiten của anh bao lâu?"

Câu hỏi nầy là một dịp may cho Nomura đưa ra một lượng định thời gian và nhận lỗi. Nhưng hắn lại tìm cách chạy tội, và cuối cùng hắn nói rằng hắn không biết chắc. Một trong những huấn luyện viên hét lớn:

"Cái gì? Ngay cả thời gian ở dưới mặt nước của anh mà anh không thèm theo dõi. Được rồi. Bây giờ tôi hỏi anh, trong lần quan sát cuối cùng, giữa anh và mục tiêu cách bao xa?"

Nomura đáp:

"Khoảng một ngàn thước. Sóng quá cao, tôi không thể thấy rõ. Nhưng tôi đoán khoảng một ngàn thước!"

"Sao anh lại cách xa mục tiêu dữ vậy? không một quan sát viên nào trông thấy anh lướt ngang qua. Anh đã tính gốc độ sai lầm. Hãy công nhận điều nầy."

Nomura bối rối, và cố để nói câu gì đó, lúc một huấn luyện viên khác hỏi lớn:

"Anh đã lái Kaiten bao nhiêu lần?"

"Hai mươi sáu lần, kể cả cuộc diễn tập ngày hôm nay."

Nomura chỉ nói được như vậy rồi im lặng. Trông hắn khốn khổ đến nỗi chúng tôi hu vọng có người lên tiếng tha thứ cho hắn và kết thúc buổi hội thảo. Nhưng hạm trưởng I.36, thiếu tá Sugamasa nói:

"Tôi quan sát mỗi Kaiten lướt qua tiềm vọng kính. Không có Kaiten nào rời khỏi tiềm thủy đỉnh êm ái hết. Tôi cũng quan sát tài nghệ của mỗi hoa tiêu Kaiten trong buổi diễn tập. Hoa tiêu thứ sáu, Nomura, tệ hơn hết."

Vị tân chỉ huy phó căn cứ đạp mạnh que chỉ bảng bằng tre xuống bàn và nói lớn:

"Anh không thấy tự xấu hổ sao, Nomura? Thật không ngạc nhiên khi thấy mỗi sứ mạng đều có một hai người trở về, không được phóng đến mụcn tiêu. "Hachimaki" của các anh có ý nghĩa gì? Và đoản kiếm của các anh? Nó hoàn toàn vô nghĩa đối với tinh thần của các anh. Và thêm vào đó là những hy vọng mà mọi người đã gởi gấm cho các anh. Những điều nầy đáng lẽ ra không làm cho các anh quay đầu trở về nữa! Một lần ra khơi, các anh phải đè bẹp kẻ thù! Nếu Kaiten các anh hư hỏng ở chổ nào, hãy tìm cách thích nghi với chổ đó. Nếu chân vịt không xoay, hãy dùng tay của các anh để xoay nó. Vở tan với kẻ thù, không cần biết vấn đề nào khác."

Tôi không thể tin ông ta nói những câu như vậy! ông ta nói đùa hay nói thật? ông ta nghĩ rằng sáu chúng tôi trở về vì muốn trở về? có lẽ ông ta nên ở trên những tiềm thủy đỉnh như những chiếc mà chúng tôi đã ra đi. Chừng ấy ông ta biết tất cả chúng tôi trở về chỉ trong hy vọng được ra đi tức khắc, với các Kaiten khả dụng. Tôi chắc không có một người nào trong số sĩ quan nầy biết được những gì đang diễn ra trong đầu óc của một hoa tiêu Kaiten trở về. Một Samurai luôn luôn chuẩn bị để chết, hắn không thể sống trong sự hổ thẹn. Chúng tôi đã cố nương theo bushido, giáo điều của giới Samurai. Sở dĩ chúng tôi sống bây giờ là để chết trong một phút giây đích đáng.

Hiện tại, tôi có thể đọc sự oán ghét trên gương mặt của những tên sĩ quan nầy. Tôi cảm thấy, trong thâm tâm họ, họ đã coi chúng tôi là những tên hèn nhát.

Nomura được lịnh ngồi xuống, và buổi hội thảo chấm dứt ngay sau đó. Tôi định chạy mau về phòng và nằm lì trong đó, không muốn nhìn mặt những người ở Otsujima nữa. Ikebuchi chận tôi lại ở cửa và nói lớn:

"Mọi người, đến phòng tôi. Lập tức!"

Khi năm chúng tôi tụ họp trong phòng ông, ông nói:

"Ra đi lần nầy, chúng ta quyết tâm chận họng bọn đó. Lần nầy chúng ta sẽ chết, không cần biết những gì xảy ra. Bọn đó sẽ biết chúng ta không phải là những kẻ hèn nhát. Bọn đó quá nông nỗi! chúng quên rằng chúng ta ra đi là để đánh kẻ thù, không phải để chết vô nghĩa. "Chúng ta không về", đó là mối quan tâm chánh của bọn đó. Xoay chân vịt bằng tay, câu nói đã chứng tỏ mối quan tâm nầy. Câu nói đang buồn cười, vì cho thấy họ quên mục đích chánh: đè bẹp kẻ thù."

Nếu người nào trách cứ tôi một cách riêng tư về việc tôi đã trở về từ sứ mạng, tôi có thể chịu đựng được. Hoặc nếu người nào trêu chọc tôi, với tánh cách bè bạn, tôi sẽ chấp nhận. Nhưng sự kết tội công khai nầy, nhắm vào những người đã hiến dâng mạng sống của họ, thật là hoàn toàn trái lẽ. Tôi không còn muốn ở Otsujima nữa. Tôi muốn ra khơi lập tức. Tôi sẽ không bao giờ trở lại.

Cảm nầy luôn luôn đeo đẳng sáu chúng tôi trong những ngày còn lại ở Otsujima, và ngay cả sau khi chúng tôi di chuyển đến Hikari để chuẩn bị lên đường.

Vào ngày 23 tháng Năm, tiềm thủy đỉnh I.361 với năm Kaiten rời khỏi Hikari, dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Masaharu Matsuura. I.363 tiếp theo năm ngày sau đó, hạm trưởng là Thiếu tá Sakae Kihara, cũng với 5 Kaiten.

Sau ngày I.361 rời bến, phi cơ của các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ càn quét các phi trường của chúng tôi ở Kyushu, gây nhiều thiệt hại. Điều nầy khiến cho việc di chuyển qua eo biển Bungo nguy hiểm hơn bao giờ hết, vì sự giúp đỡ về mặt không sẽ giảm thiểu nếu chúng tôi bị tấn công gần quê hương. Hiện thời, chúng tôi phải đề phòng mìn, khu trục hạm và phi cơ địch trước khi lướt ra đại dương. Hai cuộc tấn công Kamikaze qui mô lần thứ 24 và 25 ở Okinawa chỉ làm giảm sút lực lượng của chúng tôi ở Kyushu hơn nữa mà thôi. Hình ảnh của cuộc chiến càng ngày càng tối tăm. Và một tiềm thủy đỉnh khác, chiếc I.12 đã bị đánh chìm trước khi chúng tôi rời hải cảng.

Khi I.36 lướt ra eo biển Bungo vào ngày 24 tháng Sáu, nó đánh dấu sứ mạng Kaiten thứ 24 của chúng tôi. Theo ước lượng chánh thức của Đệ Lục Hạm Đội, có hơn 30 chiến hạm của Hoa Kỳ bị đánh đắm kể từ sứ mạng đầu tiên, ngày 8 tháng 11 năm 1944, cho đến nay. Số chiến hạm nầy bao gồm: hàng không mẫu hạm, thiết giáp hạm, tuần dương hạm, khu trục hạm, tàu chở dầu và quân vận hạm. Phía chúng tôi mất 6 tiềm thủy đỉnh.

Tôi cảm thấy buồn cho thủy thủ đoàn của I.36, kể cả của I.47, I.53 và I.58 nữa. Đây là những tiềm thủy đỉnh thuộc lớp đầu tiên của Hải Quân Hoàng gia còn sống sót. Bởi đó, thủy thủ đoàn của những chiếc tàu nầy phải thực hiện các hải vụ chuyên chở Kaiten không lúc nào ngưng nghỉ. Khi ở biển, họ luôn luôn đứng trong các vị trí chiến đấu. Khi trở về hải cảng nhà, người họ dơ bẩn và kiệt sức, nhưng họ phải bắt tay ngày vào công việc bảo trì, sửa chữa chiếc tàu, để nó có thể quay ra khơi với các Kaiten khác. Nhật Bản có hơn 70 'cá voi sắt" lang thang trong Thái Bình Dương hồi đầu cuộc chiến. Hiện thời chỉ còn hơn một chục con còn "lội được". Ngay cả tiềm thủy đỉnh I.300, được chế tạo để chuyển vận, cũng bị "xung công" cho nhiệm vụ Kaiten. Thủy thủ tiềm thủy đỉnh Nhật Bản thực hiện các hải vụ liên tiếp hơn bất kì thủy thủ của quốc gia nào khác trong cuộc chiến Thái Bình Dương. Sau chiến tranh khá lâu, tôi có đọc sách và biết thủy thủ tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ được dành nhiều phòng đặt biệt trong khách sạn danh tiếng Royal Hawaiian ở vịnh Waikiki (Hạ Uy Di) để nghỉ ngơi giữa các hải vụ chiến đấu của họ. Chổ ở của họ đầy đủ tiện nghi, thức ăn ngon lành, và họ còn được đẩm mình trong ánh nắng mặt trời chói lọi. Khi biết được việc nầy, tôi hiểu tại sao các lực lượng địch chống lại chúng tôi mạnh mẽ như vậy. Đối phương cung cấp cho binh sĩ chiến đấu của họ những tiện nghi như vậy, nên các binh sĩ nầy có thể hoạt động bền bĩ và lâu dài.

Ngoại trừ các công nhân và đồng đội, bến tàu Hikari gần như hoang vắng sau khi chúng tôi ra khơi trở lại. Có khác chăng chỉ là một đám đông tụ họp để hoan hô với các biểu ngữ và băng tay. Tôi không mảy may lưu ý hình thức bề ngoài nầy. Những gì tôi nghĩ về cái ngày 4 tháng Sáu rực nắng đó: "Mầy lại được một cơ hội khác, Yokota! Cơ hội lần thứ ba! Lần nầy mày phải thành công. Định mạng không thể nào chơi xỏ mầy mãi mãi được!"

Mục tiêu sứ mạng của chúng tôi là một khu vực ở phía Đông Saipan, trên hải trình tiếp tế từ Hoa Kỳ đến quần đảo Mariana. Đoạn hải trình từ Ulithi đến Okinawa, theo xét đoán, địch quân đã gia tăng các cuộc tuần tiễu manh mẽ, sau khi toán Tembu đạt được những thành quả tốt đẹp. Dĩ nhiên, chúng tôi biết sẽ không có dịp may nào để đánh các chiến hạm lớn. Chúng tôi phải bày ra các trò chơi nho nhỏ. Thắng lợi của trò chơi nào cũng đều quan trọng, nếu làm giảm cường độ của giòng suối xăng nhớt và đạn dược chảy đến các lực lượng đặc nhiệm hùng hậu của Hoa Kỳ đang chỉa vô khu vực phía Nam Nhật Bản. Đạn dượt và xăng nhớt là huyết mạch.

Hai tuần lễ đầu tiên trên hải trình của chiếc I.36 gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi luôn luôn lâm hiểm vì bị mạn lưới tuần tiễu của địch quân khám phá. Nhưng Hạm trưởng Sugamasa rất khéo léo trong việc tránh né, và chúng tôi không phải chịu đựng các cuộc tấn công bằng chất nổ ngầm hoặc bị oanh tạc.

Tôi có thời giờ để hiểu biết thêm các đồng đội mới của tôi. Trung úy Nabuo Ikebuchi chẳng hạn, là người duy nhứt đã lập gia đình. Tất cả chúng tôi đều được chọn lựa cẩn thận, những người kết hôn rồi sẽ bị loại bỏ. Ikebuchi độc thân khi đến Otsujima, nhưng ông có người yêu từ hồi còn đi học ở Trung Học Osaka. Tuy là sĩ quan trừ bị, nhưng thoạt đầu chúng tôi nghĩ ông xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải Quân Eta Jima, qua cung cách của ông.

Ikebuchi liên lạc thơ từ thường xuyên với người yêu và cố thuyết phục nàng từ bỏ ý định kết hôn với một người không còn sống bao lâu nữa. Nhưng, trong một bức thơ, nàng phản đối: "Nếu trở thành vợ của anh chỉ một đêm, đối với em cũng là phúc lắm rồi.". Do đó, lễ cưới của Ikebuchi đã diễn ra. Ông trở về căn cứ ngày hôm sau, và ra biển không lâu sau đó.

Càng ngày tôi càng thấy mến thích ông ta, và những người khác, đặt biệt là Thiếu úy Kuge, một tay tổ đánh bài. Tôi chưa bao giờ hạ nổi ông ta. Một người khác nữa là Trung sĩ Yanagiya, quê quán ở hòn đảo hẻo lánh Reibun tận miền Bắc, gần Hokkaido, tay chân gầy guộc, thường hay mắc cở nhưng ý chí mạnh mẽ. Không thể hồ nghi điều nầy, vì hắn có một người anh mất trong cuộc chiến và muốn phục thù. Hắn cũng muốn phục thù cho Raita Irie, người tôi thế chổ. Irie và Yanagiya là hai người bạn thân.

Ngay sau khi chúng tôi rời khỏi Hikari, một tiềm thủy đỉnh khác, I.127 đã bị đánh chìm ngay trong biển Nhật Bản. Hiện thời người Mĩ mạnh đến nổi có thể đi xuyên thẳng qua hệ thống phòng thủ quê hương của chúng tôi để tấn công chiến hạm Nhựt, ngay trong hải vực an toàn mà từ trước đến nay chúng tôi coi như là một cái hồ của Nhật Bản. Sau ngày chúng tôi đi, một cơn bão đã chụp lên hạm đội của Hoa Kỳ ở Okinawa, gây thiệt hại to tát. Sau chiến tranh, tôi được biết có bốn thiết giáp hạm, tám hàng không mẫu hạm, bảy tuần dương hạm và mười bốn khu trục hạm đã bị tổn thương nặng nề do bão gây ra. Nhưng "gió thần" chưa đủ. Cuộc tấn công của đối phương hồi phục nhanh chong, dữ dội hơn bao giờ hết.

Tin tức về trận bão nầy khiến chúng tôi vui mừng hớn hở, nhưng không lâu. Khi hạm trưởng Sugamasa quyết định thực tập chúng tôi trên đường đi, một trong sáu Kaiten của chúng tôi không chịu nhúc nhích. Kaiten được xếp thành ba đội song song, hai nằm ở phía trước tháp chỉ huy và bốn nằm phía sau, mũi đều hướng về đằng lái.

Bắt đầu từ mũi, Kaiten được đánh số như sau: số 6 của Nomura phía tả mạn, và số 5 của Thiếu úy Kuge phía hữu mạn. Số 3 của Yanagiya và số 2 của tôi nằm sát phía tháp chỉ huy. Gần lái là Kaiten số 4 của Thiếu úy Sonoda và số 1 của Ikebuchi. Kaiten của tôi và của Ikebuchi nằm phía hữu mạn của sàn tàu.

Cuối cùng, chỉ còn ba trong số sáu Kaiten hoạt động được: đó là Kaiten của Ikebuchi, Kuge và Yanagiya. Ba hoa tiêu còn lại nghiến răng, chửi rủa, quýnh quáng, nhưng vô ích. Nhiều xú bấp trong Kaiten của Sonoda rỉ sét. Tuy nhiên chúng tôi cũng còn hi vọng sửa chữa được. Riêng Kaiten của tôi thì đành bó tay, vì bị bể hai nơi trên ống oxy. Không ai dám kê hàn điện đến gần. Một tia lửa có thể làm nổ oxy và luôn đầu đạn của Kaiten, có nghĩa là chiếc tiềm thủy đỉnh tiêu luôn.

Chúng tôi bắt được tiến động đầu tiên vào khoảng 5 giờ sáng ngày 17 tháng Sáu, sau khi tiềm thủy đỉnh lặn xuống không lâu. Chúng tôi đã chạy suốt đêm trên mặt biển, và các cơ khí viên cố gắng sửa chữa ba Kaiten hư hại.

Phòng khám phá âm thanh báo cáo:

"Tàu! Phía trái 50 độ. Cường độ âm thanh 2!"

I.36 hồi sinh mau lẹ. Các vị trí chiến đấu sẵn sàng, và đôi mắt của Sugamasa dán sát vô tiềm vọng kính khi chiếc tàu nhích lên một chút. Không có việc gì xảy ra cho đến 5 giờ 40 sáng, phòng âm thanh báo cáo tầm của mục tiêu càng lúc càng rút ngắn lại.

Hạm trưởng Sugamasa la lớn:

"Các Kaiten chuẩn bị! Hoa tiêu số 1 và số 5!"

Ikebuchi và Thiếu úy Kuge chun vô Kaiten của họ, một ở mũi và một ở lái.

Phòng quan sát báo cáo:

"Có hai mục tiêu. Một dương vận hạm to lớn và một hải vận hạm!"

Tất cả cơ khí viên của các Kaiten còn lại, ngay cả Kaiten hư hại của tôi, Sonoda và Nomura, đều đứng sẵn bên các ống tiếp. Nhưng không có lịnh hành động cho các hoa tiêu khác.

Tôi đứng trong phòng sĩ quan, hy vọng Hạm Trưởng Sugamasa ra lịnh cho Kaiten số 2 chuẩn bị. Ngay cả ống oxy có hở, cản trở tôi trong việc xử dụng áp lực cao để tạo tốc lực tối đa, tôi vẫn có thể tấn công bằng cách lái cẩn thận không cho địch quân phát hiện. Nhưng hình như ông ta chỉ cần sử dụng Kaiten số 1 và số 5 để mở một cuộc săn đuổi ở tầm dài. Tốc lực dưới nước tối đa của tiềm thủy đỉnh I.36 không đủ mau để đưa chúng tôi đến phía trước vị trí của các mục tiêu. Chỉ có Kaiten mới đuổi kịp.

Nhưng một giờ trôi qua, Ikebuchi và Kuge không nhận được một lịnh nào khác. Cuối cùng, Hạm Trưởng Sugamasa đình chỉ và ra lịnh cho hai hoa tiêu trở vô tàu. Ông giải thích sau đó:

"Các mục tiêu đã di chuyển quá xa, tấn công vô ích!"

Ikebuchi không lộ vẻ thất vọng. Ông vừa cười vừa nói với chúng tôi:

"Việc nầy đúng ý muốn của chúng ta. Có lẽ chúng ta sẽ gặp một đoàn tàu sau đó, và tất cả cùng đi chung với nhau."

Chuyện này khó thể xảy ra, vì các xú bấp Kaiten của Nomura và Sonoda rỉ sét, còn của tôi thì hở ống oxy, nhưng câu nói của Ikebuchi khiến chúng tôi phấn khởi. Thiếu úy Kuge cũng nói:

"Nếu chỉ phát hiện một chiến hạm thì tôi bất cần. Phải đi hết một lượt!"

Mọi người trầm lặng, không uống rượu, không hút thuốc, Kuge vẫn còn cay cú mấy lời nói của bọn sĩ quan ở Otsujima. Ikebuchi nói:

"Bỏ qua đi. Chúng ta làm một ván bài!"

Đây có lẽ là một ngày bất thường, vì trò chơi thông dụng nhứt của người Nhựt nầy không làm cho chúng tôi phấn khởi. Trung úy Kuwahara, cơ khí trưởng, mang một vài chai bia lớn và rót cho tôi một ly. Tôi nốc ly bia một hơn. Cơ khí trưởng la lên:

"Số dách, Yokota. Anh làm cho một con sâu rượu như tôi cũng phải sửng sốt. Anh đổ xuống họng giống như một tay kỳ cựu thực sự."

Tôi cười, cảm ơn ông và đi vô phòng thủy thủ. Sớm muộn gì cũng gặp được tàu địch. Người Mỹ đã xếp tàu của họ dầy đặc trên đại dương. Tôi sẽ nhận chìm một chiếc, nếu Kaiten của tôi sửa chữa kịp thời. Tuy nhiên, không có việc gì để làm ngoài chờ đợi.

14. TẤN CÔNG VÀ PHẢN CÔNG

Gần một tuần lễ yên tĩnh. Các quan sát viên của chúng tôi không nhìn thấy vật gì cả. Ra đa cũng không. Trong lúc đó, các chuyên viên nôn nóng đã làm việc không hở tay quanh các Kaiten hư hại của chúng tôi. Họ sửa chữa bên trong Kaiten một vài giờ vào ban ngày và tiếp tục suốt đêm, khi tàu nổi lên mặt nước. Cuối cùng, lúc chúng tôi quây quần trong phòng sĩ quan, tin mừng đưa đến. Tất cả Kaiten đều hoạt động, ít ra đủ tốt để xử dụng nếu một cuộc tấn công sớm xảy ra. Việc sửa chữa chỉ có tánh cách tạm thời, các chuyên viên cho biết. Nếu may mắn, chúng tôi sẽ được phóng sớm, còn nếu như trì hoãn mãi họ không thể đảm bảo Kaiten có chống lại nổi tác dụng khác của nước biển và sự ẩm ướt bên trong hay không.

Một tàu địch được phát hiện vào chiều ngày 23 tháng Sáu. Các quan sát viên la lên rằng đó là một chiếc tàu dầu. "Tốt!" chúng tôi hét. I.36 chuẩn bị chiến đấu. Hạm trưởng Sugamasa định hướng chiếc tàu, gia tăng tốc độ, lướt trên mặt biển về phía trước con mồi béo bở nầy, rồi chờ cho đến sáng hôm sau sẽ chặn đường và phục kích. Trong lúc chiếc I.36 chạy với tốc độ cao, Trung úy Ikebuchi bước lên đài chỉ huy lộ thiên. Ông nói: "Tôi muốn nhìn tận mắt mục tiêu nầy." Khi trở xuống, ông cho chúng tôi biết đó là chiếc tàu chở dầu, khoảng 14 ngàn tấn, không có hộ tống, chạy với tốc lực 12 đến 14 hải lý, chứng tỏ đối phương không biết chúng tôi ở phía sau.

Sự khích động tràn ngập I.36. Thủy thủ đoàn nói với nhau họ hi vọng ghi thêm một điểm nữa và vượt tỷ số của đối thủ họ là chiếc I.47. Hoa tiêu trưởng cắm cúi trên hải đồ, compa và viết chì trên tay, ghi hướng tiến và vị trí để đáp lại các câu hỏi của hạm trưởng Sugamasa. Cuối cùng, theo quyết định, vị trí đến lúc 4 giờ sáng là thích hợp nhứt. Đến điểm nầy, chúng tôi sẽ lặn xuống và chờ đợi con mồi.

Đêm trôi qua, trong lúc I.36 xã hết tốc lực chạy về phía trước. Bốn giờ kém mười phút, chúng tôi đã đến vị trí và bắt đầu lặn xuống. Không lâu sau đó, phòng âm thanh báo cáo tiếng động do chân vịt tàu phát ra. Hình như có đến hai mục tiêu, hiệu thính viên nói. Điều nầy khiến cho tất cả thủy thủ đoàn nôn nao hơn bao giờ hết, nhứt là các hoa tiêu Kaiten. Hai chúng tôi sẽ được phóng đi, thay vì một. Tôi có cảm giác mạnh mẻ rằng tôi sẽ là một trong hai hoa tiêu nầy. Sự chờ đợi từ lâu của tôi đã đến.

Đúng 4 giờ sáng, lịnh ban ra:

"Hoa tiêu leo vô Kaiten!"

Thủy thủ nép sát vách tàu khi chúng tôi chạy ngang qua họ. Tôi chụp ngay điện thoại bằng tay nầy trong khi tay kia gài cửa Kaiten số 2 và báo cáo:

"Số 2 sẵn sàng!"

Trong giây lát, tôi không nghe tiếp đáp. Phòng chỉ huy đang nhận báo cáo của năm hoa tiêu khác. Tôi kiểm soát dụng cụ và chờ đợi.

"Số 5 và số 6! Chuẩn bị phóng!"

Nghe lịnh nầy, tim tôi chìm xuống. Thiếu úy Kuge và Trung sĩ Nomura đã được chọn. Một lần nữa, tôi bị cho ra rìa. Shikata ga nai. Đó là định mạng. Và định mạng thì tôi không thể nắm được. Tôi ngồi bật ngữa trên ghế, cảm thấy rất thoải mái.

Giây lát sau, tôi khom người về phía trước, nhìn vô tiềm thủy đỉnh. Nước biển trong suốt chưa từng thấy. Đúng là chiếc I.36 đang nằm trong một cái lồng bằng kiếng. Với độ sâu để nâng tiềm vọng kính lên, phía trên tôi, rạng đông vỡ ra trên đại dương bao la, thoa mọi vật bằng một màu sáng bóng. Thân của chiếc tiềm thủy đỉnh sắc nét, giống như một bức ảnh. Các Kaiten của Ikebuchi, Sonoda và Yanagiya cũng vậy. Tất cả bốn chúng tôi đều day mặt về phía lái.

Tôi xoay tiềm vọng kính Kaiten đủ 180 độ, nhỏm lên khỏi ghế nhìn đằng mũi của I.36. Tôi nhìn thấy rõ ràng tiềm vọng kính của tiềm thủy đỉnh nâng lên nâng xuống để quan sát. Hạm trưởng Sugamasa đầy đủ kinh nghiệm. Sợ đôi mắt sắc bén của địch quân, ông nâng tiềm vọng kính lên, quan sát, và xoay nhanh như chớp, rồi hụp xuống lập tức. Cảnh tượng nầy khiến cho tôi nghĩ đến một con báo rình rập trong rừng già.

Tiếng nói trong điện thoại của tôi:

"Góc trái, 70 độ. Tầm ba dặm. Mục tiêu hình như là quân vận hạm hay tàu chở dầu. Kaiten số 5 chuẩn bị phóng!"

Cổ tôi mỏi dần vì phải xoay lại nhìn về phía đằng mũi của tiềm thủy đỉnh. Không nhìn về phía trước Kaiten, tôi đã bỏ cả qui luật của một hoa tiêu. Nhưng tôi muốn coi Kaiten của Thiếu úy Kuge lướt đến mục tiêu ra sao.

Nhiều phút trôi qua, chưa thấy động đậy gì hết. Sau đó, tôi nghe tiếng nói từ phòng chỉ huy:

"Số 5 hỏng máy! Số 6 chuẩn bị!"

Tôi ứa nước mắt giùm Kuge. Đây là lần thất vọng thứ ba của ông. Ông từng đi với toàn Kongo đến eo biển Kossol. Ở đây ông chứng kiến Kaiten của bạn ông. Trung úy Hiroshi Kuzumi phát nổ một cách bí mật sau khi vừa được phóng đi. Vài phút sau đó, tới lượt ông nhưng Kaiten của ông chết máy.

Kuge ra đi một lần nữa, cũng trong chiếc I.36, với toán Tembu, bao gồm chiếc I.47 của tôi, hoạt động phía Đông Okinawa. Kaiten của Kuge lại bất động trong khi 4 chiếc khác lướt đến mục tiêu. Và bây giờ cũng y như hai lần trước.

Để coi Nomura làm ăn ra sao. Tôi chờ đợi. Nhiều phút trôi qua, tôi nghe một báo cáo khác:

"Chân vịt của Nomura không quay!"

Như chết đi sống lại, tôi hét:

"Kaiten phía sau lái sẵn sàng!"

Đó là một hành động vô lễ của tôi. Tôi đã qua mặt Trung úy Ikebuchi. Người kế sẽ là ông ta, đó là một sự chọn lựa hợp lý của Hạm Trưởng. Tiếng hét của tôi đường đột, không khác nào một kẻ thô bị, hạ tiện, nhưng tôi đã nhìn thấy dịp may để nắm lấy lợi thế. Tàu địch trên 10.000 tấn. Một con mồi béo bở. Tôi muốn xẻ thịt nó. Vấn đề lịch sự nên đặt qua một bên trong giây lát.

Nhưng, mạng lịnh không đến. Im lặng kéo dài. Sự đường đột chắc đã gây buồn lòng cho mấy ông bạn của tôi, nên họ làm khó tôi bằng cách im lặng. Tôi định thốt lời xin lỗi, nhưng một lịnh vang lên:

"Tất cả Kaiten chờ đợi!"

Ngưng một phút, rồi tiếng nói tiếp trên mạch điện tổng quát:

"Chúng ta sẽ tấn công bằng thủy lôi!"

Tôi nghe tiếng thủy lôi đầu tiên được phóng đi, và ba trái khác nối liền sau. Bây giờ không thể làm gì được ngoài hành vi nghèo nàn: "Cầu nguyện".

"Trúng đi! Trúng đi!"

Tôi nói với mấy trái thủy lôi như nói với một sinh vật.

Ngay lúc đó, tôi nghe một tiếng nổ. Rồi một tiếng nổ khác. Tôi có thể nghe thấy tiếng la hét trong phòng chỉ huy. Tôi chắc I.36 đã ghi điểm.

Các hoa tiêu Kaiten được lịnh trở vô tàu. Tôi cảm thấy thấy dễ chịu khi bò qua ống tiếp. Đầu nầy ống tiếp dẫn đến sự sống, đầu kia ống tiếp dẫn đến cái chết. Tôi bò qua bò lại như vậy không biết bao nhiêu lần rồi. Chừng nào tôi mới bò trở ra. Không thành vấn đề. I.36 đã tung ra một cú đấm. Một kẻ thù gục ngã.

Chúng tôi gặp hạm trưởng trong phòng sĩ quan. Ông cho biết chiếc tàu vừa rồi không phải là chiếc tàu chúng tôi nhìn thấy trong đêm đó. Chiếc kìa là một chiếc tàu dầu. Chiếc nầy là một quân vận hạm. Khi Kaiten của Kuge và Nomura hư hỏng, Sugamasa nói, ông đã nổi nóng. Ông cho tiềm thủy đỉnh tiến sát vô mục tiêu không đầy một dặm rưởi và phóng một loạt bốn trái thủy lôi. Tôi hỏi:

"Chúng ta có đánh chìm chiếc quân vận hạm không, thưa Thiếu ta?"

Tôi cho là "ăn chắc", vì tiếng nổ vừa rồi rất lớn.

Hạm trưởng Sugamasa đáp, giọng bực tức:

"Không. Nó hơi nghiêng một chút khi trúng thủy lôi, nhưng đã lấy lại tốc độ và dông mất!"

Chúng tôi không dám nổi lên trên hải phận nầy để mở cuộc săn đuổi. Và với tốc độ dưới nước của I.36, bất kì loại tàu nào cũng chạy thoát được hết. Bây giờ chúng tôi đành bỏ cuộc và rút lui. Chúng tôi đang ở khá gần Saipan. Trinh sát cơ của địch sẽ được gởi đến đây để kiếm chúng tôi.

Thật vậy, ngày 24 và 25 tháng Sáu, chúng tôi nhìn thấy nhiều trinh sát cơ bay đến, nhưng chiếc tàu lặn xuống kịp thời. Hiện thời, hạm trưởng Sugamasa quyết định không làm chuyện cầu may nữa. Ông không muốn liều lĩnh như vừa rồi cho đến khi ông chắc chắn các Kaiten đều hoạt động được. Do đó, chúng tôi bắt đầu lặn một hơi thật dài về phía Bắc, cách xa hẳn tầm tuần tiểu của Saipan. Khi chúng tôi nổi lên, trời đã tối xẩm, vác các Kaiten đều hư. Cố gắng lắm, nhân viên sửa chữa mới hồi sinh được ba chiếc, nhưng chiếc số 2, 4 và 6 đành bó tay.

Do đó, hạm trưởng đưa ra một quyết định: hoặc là ở đây để tiếp tục sửa Kaiten, hoặc là quay trở lại để đánh xả láng với những gì mà ông còn nắm trong tay. Ông chọn quyết định sau. Chúng tôi sẽ vừa tìm kẻ thù vừa nổ lục hồi sinh ba Kaiten. Ngày 27, trong đêm tôi chúng tôi lại lướt về hướng Nam.

Tôi tiếp tay với chuyên viên cơ khí, và gặt hái được chút ít tiến triển trong việc sửa chữa Kaiten của tôi. Tôi thúc họ nổ lực hơn nữa, mặc dù tôi biết tất cả đều đã cố gắng hết mình. Tôi lâm vào tình trạng hầu như sa sút tinh thần. Ở Otsujima, với năm hoa tiêu khác, tôi đã thề quyết tử. Tôi không thể trở về nữa. Chết đơn giản hơn và dễ dàng hơn.

Nhưng Thần Chết, lại một lần nữa, đã không chịu nhìn về hướng tôi với vòng tay rộng mở. Tôi cảm thấy bất lực, không còn hơi sức nữa. Tôi thảo luận việc nầy với Thiếu úy Sonoda. Tôi hỏi:

"Thưa Thiếu úy, tôi phải làm sao bây giờ? Tôi không thể trở về căn cứ được. Chắc Thiếu úy hiểu!"

Sonoda chỉ nói:

"Anh nói đúng, Yokota!"

Ông thường nói vắn tắt như vậy. Bây giờ tôi nẩy sanh một ý kiến. Tôi nhớ lại thỉnh thoảng trong các buổi huấn luyện hai người thường lái chung một Kaiten. Tôi hỏi Sonoda:

"Tại sao chúng ta không đi chung một Kaiten?"

Gương mặt đẹp trai của Sonoda trở nên nghiêm nghị:

"Tôi đã từng nghĩ như anh vậy, Yokota. Sự thật, tôi muốn đi chung Kaiten với Kuge, và tôi đã xin phép Hạm Trưởng Sugamasa để làm việc nầy!"

"Ông ta trả lời sao?"

"Ông ta bác bỏ!"

"Hả?"

"Ông ta không cho phép. Ông ta biểu tôi đợi một cơ hội khác, đồng thời yêu cầu tôi thuyết phục anh và Nomura hãy chờ đợi."

"Thuyết phục chúng tôi chờ đợi? Sau khi bọn họ nói như vậy ở Otsujima,"

"Phải! Tôi nghĩ, hạm trưởng Sugamasa đã nhận thấy mọi sự đều khác ở hiện tại. Ông biết chúng ta không phải lũ hèn nhát, như ám chỉ của một số người. Ông biết niềm kiêu hãnh và sự mong muốn được chết của chúng ta. Ông nói với tôi rằng sự chịu đựng, ngay cả chịu đựng những lời ám chỉ của sự hèn nhát, quan trọng hơn niềm kiêu hãnh. Tôi coi như ông ta đã thay đổi thái độ. Tôi sẽ vâng lời ông ta, và tôi muốn các anh cũng làm như vậy."

Những lời nói của Sonoda khiến tôi ngơ ngác, nhứt là những lời ấy thốt ra từ cửa miệng của một người xuất thân Eta Jima. Những người tốt nghiệp Hàn Lâm Viện được coi là đầy đủ tư cách chỉ huy nhứt của Hải Quân Hoàng gia. Họ là kim chỉ nam hành động cho những người khác. Tôi biết, ở Eta Jima, sĩ quan được dạy rằng niềm kiêu hãnh quan trọng hơn chính mạng sống. Kiêu hãnh, danh dự và ý thức nhiệm vụ. Thời gian còn lại của ngày đó tôi luôn luôn nghĩ đến những lời nói của Sonoda. Tại sao con người như ông ta lại nuốt lời thề quyết tử giữa sáu hoa tiêu chúng tôi lúc ra đi? Thật ra, những gì ông ta nói đều có lý. Nhưng còn bọn sĩ quan ở Otsujima. Làm sao chúng tôi chứng minh được sự sai lầm của bọn họ, nếu chúng tôi lại trở về? Những tư tưởng nầy khiến tôi trằn trọc suốt đêm.

Hôm sau là ngày 28 tháng Sáu, ngày hải hành thứ hai mươi lăm, kể từ khi chúng tôi rời khỏi Hikari. Lúc 5 giờ sáng, chúng tôi lặn xuống sau một đêm chạy trên mặt nước. Tiềm vọng kính nhô lên và tìm kiếm kẻ thù. Trong I.36 lặng lẽ hoàn toàn. Những nhiệm vụ giống nhau diễn tiến đều một nhịp. Cũng khoảng thời gian đó, chúng tôi nhận được tin tức vô tuyến cho biết số phận của tiềm thủy đỉnh I.165. Chiếc tàu dự định chạy đến kết hợp với chúng tôi nhưng bị đánh chìm ngày 27, không phóng được một Kaiten nào.

Tiềm thủy đỉnh I.361 biệt vô âm tín và được ghi là mất tích. Chắc đối phương đã vồ nó rồi. Số lượng tiềm thủy đỉnh càng ngày càng giảm sút.

Chiếc I.363 đã trở về căn cứ vào ngày 28. Chiếc I.36 thật sự trở thành kẻ mồ côi trên Thái Bình Dương. Không một hòn đảo nào nằm trong tay quân Nhật ở xung quanh, chẳng hạn như Tanegashima trước đây. Chúng tôi không có chổ trú và sự bảo vệ. Không một chiến hạm bạn nào chạy gần đó để chúng tôi liên lạc. Những gì còn lại của Hạm Đội Hỗn Hợp chui rúc vào vùng thả neo chánh ở Nội Hải. Lực lượng hàng không mẫu hạm và thiết giáp hạm còn lại của chúng tôi tơi tả, xơ xác, không thể nào ra đi để chống chọi lại kẻ thù. Thủy lôi và sự đe dọa của các cuộc không kích, với khối lượng khổng lồ đã từng nhận đầu chiếc Yamato xuống đáy biển, đã nhốt lực lượng nầy vô rọ, nằm im lìm và hoi hóp. Nhưng I.36 vẫn phải tiếp tục chiến đấu, không có một sự hổ trợ nào.

Tất cả rau cải và thịt tươi trên tàu đã hết sạch. Chỉ còn lại thức ăn hộp khó ngửi. Đúng như Trung sĩ Tanaka trên chiếc I.47 đã nói: "Đi lâu trên một chiếc tiềm thủy đỉnh các bạn sẽ hết thèm ăn!" Đúng ra, không thể nuốt nổi. Vị quân y sĩ lưu tâm đến tình trạng sức khỏe của chúng tôi, luôn luôn bận rộn phân phát thuốc bổ và chích kích thích tố. Mệt nhọc thái quá đã đè bẹp tất cả. Chỉ một người canh chừng lúc tàu ở dưới mặt nước, còn bao nhiêu ngủ vùi như chết. Ngay cả tôi mà trước đây không cần nghỉ ngơi, bây giờ cũng phải buông thân trên giường ngủ mê mệt.

Lúc 11 giờ trưa ngày 28 tháng Sáu, mặc dù đã ngủ nhiều rồi, tôi vẫn ngồi mắt nhắm mắt mở trong phòng sĩ quan, thấp thoáng thấy một hạ sĩ quan từ phòng trực chạy ngang qua, hướng về phòng ngủ của Hạm Trưởng Sugamasa.

Địch quân! Ý nghĩ nầy lóe lên trong đầu tôi, khiến tôi tĩnh ngủ hẳn. Phút kế đó, Hạm Trưởng Sugamasa ba chân bốn cẳng chạy đến phòng chỉ huy. Giây lát sau, tiếng nói của ông vang lên từ loa phóng thanh:

"Nhìn thấy địch quân! Tất cả thủy thủ vô vị trí chiến đấu!"

Thêm một lịnh nữa, và liền sau đó:

"Chuẩn bị tấn công thủy lôi!"

"Nạp tất cả ống phóng phía trước!"

"Chuẩn bị tấn công Kaiten!"

"Hoa tiêu Kaiten số 1, leo vô vũ khí đi!"

Trung úy Ikebuchi vẫn còn ngủ. Thiếu úy Sonoda lay vai ông, giọng đầy khích động:

"Trung úy, chúng ta nhìn thấy một tàu địch. Trung úy được lịnh leo vô Kaiten!"

Ikebuchi nằm ngủ với quần áo, nhưng phạch ngực. Ông nhảy xuống, gài nút áo, rồi chạy về phía sau lái cảu tàu vừa nói lớn với chúng tôi:

"Các bạn hãy lo liệu mọi thứ giùm tôi!"

I.36 gia tăng độ sâu khi thấy địch quân. Bây giờ Hạm Trưởng Sugamasa ra lịnh nâng chiếc tàu lên đến mức quan sát của tiềm vọng kính. Phòng âm thanh báo cáo khi I.36 di chuyển vô tầm phóng thủy lôi.

"Cường độ tiếng động của mục tiêu lớn dần!"

Phòng chỉ huy gặp rắc rối. Từ phòng sĩ quan, chúng tôi có thể nghe tiếng nói của Sugamasa:

"Chúng ta đang ở một vị trí bất lợi. Từ đây, hầu như khó thể tìm một góc độ tốt để phóng thủy lôi. Tôi sẽ xử dụng Kaiten."

Rồi tiếng nói của ông vang lên trong loa phóng thanh, ban lịnh cho các thủy thủ. Chúng tôi cũng có thể nghe ông ra chỉ thị cho Ikebuchi:

"Mục tiêu bên phải, 90 độ. Tầm ba dặm. Mục tiêu là một quân vận hạm lớn. Tốc độ 12 hải lý."

Và tiếng nói liên tục sau đó:

"Kaiten chuẩn bị phóng!"

"Sẵn sàng chưa?"

"Đi!"

Chúng tôi có thể nghe tiếng chân vịt Kaiten của Ikebuchi quay. Ông lướt đi. Phòng âm thanh ghi nhận tiếng động của ông liên tục. Bây giờ là giữa trưa.

Mười phút trôi qua. Hiện thời, Ikebuchi đã đi hết khoảng cách từ đây đến mục tiêu. Thế rồi, mặc dù ở dưới nước tất cả chúng tôi đều nghe nhiều tiếng súng.

Tiềm vọng kính được nâng lên để quan sát. Chúng tôi nghe có người la lớn:

"Địch quân đã khám phá Kaiten và khai hỏa!"

Rồi một báo cáo khác:

"Tàu địch đổi hướng, chạy xa Kaiten!"

Tôi nôn nóng:

"Hạ nó đi, Ikebuchi!"

Hình như việc nầy khó thể được. Tôi đoán Ikebuchi đã bị phát hiện khi nâng tiềm vọng kính lên để quan sát lần cuối cùng. Bị bắn, ông sẽ lặn sâu xuống, do đó đạn địch có thể không trúng, nhưng ông không dám nâng tiềm vọng kính lên nữa, vì sợ bị nhìn thấy. Kẻ thù đã đổi hướng để tránh né. Lúc nầy có thể ông đã lướt hết tốc lực về phía đại dương trống không.

Tôi cũng hi vọng Ikebuchi sẽ điều khiển Kaiten khéo léo như Furukawa. Trước đây, Furukawa đã săn đuổi một khu trục hạm hàng tiếng đồng hồ và cuối cùng hạ gục đối thủ. Tôi nghĩ Ikebuchi có thể làm giống như vậy. Trong bất cứ trường hợp nào, tôi biết ông sẽ không bỏ cuộc, trừ phi cạn nhiên liệu. Những người khác cũng đồng cảm nghĩ như tôi.

Trong phòng sĩ quan, bọn hoa tiêu Kaiten chúng tôi có những cử chỉ coi thật kì dị. Chúng tôi đứng sát vào nhau, khom lưng, hướng về hữu mạn, hướng có nhiều tiếng súng vọng lại. Chúng tôi im thin thít, lắng nghe tiếng nổ to lớn của Kaiten trúng vô mục tiêu. Từng phút, từng phút trôi qua nặng nề. Tôi nhìn đồng hồ. Đã bốn mươi phút tròn từ khi Sugamasa ban lịnh "Đi!" cho toán trưởng của chúng tôi.

Hiện thời tôi đã tê cứng, do lối đứng kỳ dị quá lâu gây ra. Tôi hơi thẳng người lên khi hiệu thính viên âm thanh báo cáo:

"Tiếng chân vịt mới! Rất gần!"

Hạm trưởng Sugamasa hét:

"Đưa tiềm vọng kính xuống. Lặn khẩn cấp. Độ sâu 125 bộ. Mau lên!"

Chiếc tiềm thủy đỉnh 3.000 tấn của chúng tôi chúi mũi khẩn cấp. Nhiều giây sau đó, tiếng chân vịt tàu quạt ngang qua, ngay phía trên chúng tôi. Sugamasa hét:

"Chuẩn bị đón nhận một cuộc tấn công bằng chất nổ ngầm!"

Đến rồi, tôi nhủ thầm. Thần Chết ta chào mi. Ta khỏi cần lo lắng đến Kaiten số 2 bướng bỉnh của ta thêm nữa. Kẻ thù trên đầu sẽ cho câu giải đáp mà bọn sĩ quan ở Otsujima mong muốn. Lần nầy không có một ai trên chiếc I.36 trở về. Không một ai hết.

Rồi những khối chất nổ ngầm được thả xuống. Chúng giống như một cái máy nện khổng lồ nên vô cạnh chiếc I.36. Chiếc tàu rung chuyển và đu qua đưa lại, đẩy tôi ngã sụm. Bàn ghế trong phòng sĩ quan nhảy tưng lên và lật nhào. Đèn đóm tắt phụt, và sau đó chỉ phân nửa cháy lại. Lớp sơn chống ẩm ướt trên trần tàu bể ra và rớt xuống từng mãng lớn, chụp lên đầu chúng tôi.

Thêm hàng tá khối chất nổ được thả xuống nữa, sát bên ngoài vỏ tàu. Thân xác khổng lồ của I.36 đưa sang bên phải, quăng về bên trái, và lăn qua lăn lại đến nổi chúng tôi cầm chắc nó sẽ lật úp.

Đúng là một khu trục hạm phía trên rồi. Nó chui ra từ đâu vậy? Làm sao nó có thể gây sửng sốt cho chúng tôi đến nỗi nầy. Tư thế của chúng tôi hiện thời biến đổi hoàn toàn. Từ kẻ đi săn thực sự trở thành kẻ bị săn. Ý nghĩ thoáng hiện qua đầu tôi lúc một tượng Phật nhỏ để trong cái hộc sát trên trần, rớt ngang qua mặt tôi và bể làm hai mảnh dưới sàn tàu. Một điềm xấu! Tôi chắc số phận của chúng tôi đến rồi!

Tại sao có cuộc tấn công bất thần như vậy! Hai lầm lỗi đã vấp phải. Khi nâng tiềm vọng kính lên, Hạm Trưởng Sugamasa chỉ lo nhìn về phía Ikebuchi mà quên quan sát một vòng chung quanh, như các hạm trưởng khác thường làm trong một cuộc tấn công. Sugamasa đinh ninh các hiệu thính viên âm thanh sẽ báo động cho ông biết nếu có một vật khác xuất hiện trên mặt biển.

Nhưng các hiệu thính viên cũng không lắng nghe chung quanh. Họ chỉ lo có hai hướng. Một hướng thẳng về mục tiêu mà chúng tôi cố đánh chìm, và một hướng theo dõi Kaiten của Ikebuchi. Không ai trong I.36 biết một khu trục hạm Hoa Kỳ đã nhìn thấy tiềm vọng kính của chúng tôi và xã hết tốc lực để ủi vô, mưu nhận chìm chúng tôi. Cũng may, tàu địch được khám phá vào giây phút cuối cùng. Hiệu thính viên âm thanh đang theo dõi Ikebuchi không còn nghe tông tích của ông nữa nên bắt đầu quét một vòng tròn, và đã phát hiện khu trục hạm ở phía sau.

Khi nghe tiếng la của hiệu thính viên, Hạm Trưởng Sugamasa quay tiềm vọng kính lại thì hình ảnh chiếc tàu địch đã lấp đầy thị kính của ông rồi. Nếu hiệu thính viên không mất dấu của Ikebuchi, tất cả chúng tôi đã chết hết rồi. Và nếu thủy thủ đoàn không đưa I.36 xuống cấp kỳ, mũi tàu địch sẽ cắt ngang chúng tôi, chôn vùi mọi người xuống đáy biển mà không có một dịp may nào sống sót.

Tiếng động chân vịt của khu trục hạm nhỏ dần, nhưng thình lình lớn trở lại. Nó đang cố gắng một lần nữa.

"Bốn độ! Năm độ! Ngay phía trên!"

Đến nữa rồi, tôi thầm nói, và nín thở, chuẩn bị đón nhận những cú đấm. Tôi sợ hãi. Có lẽ tôi sợ hãi hơn bất cứ người nào trên tàu. Tất cả thủy thủ đều có nhiệm vụ chiến đấu. Tôi không có. Đầu óc của tôi không có vật gì xâm chiếm ngoài sự sợ hãi. Tay chân, tâm trí tôi không bận rộn với công việc. Tôi chỉ đứng đây với các hoa tiêu Kaiten, và đón nhận những gì xảy ra. Tôi kêu trời:

"Con phải chết vì chất nổ ngầm sao?"

Tiếng nói của tôi bi thiết. Mười tháng huấn luyện, hy vọng có, thất vọng có, nhưng hiện thời là nỗi thất vọng vĩ đại nhứt! Chết mà không có cơ hội đánh trả.

Thêm chất nổ trút xuống như mưa xuống chúng tôi, nhưng tôi nghe thật kỳ dị.

Báo có tiếp theo:

"Lái mất kiểm soát, phải điều khiển bằng nhân lực!"

Nhiều thủy thủ vụt chạy ngang qua tôi, hướng về đằng mũi. Họ đến tiếp tay chận lỗ hỏng phía trước. Tiếng động của chân vịt nhỏ dần rồi lại lớn dần. Thêm chất nổ ngầm được thả xuống, lần nầy gần lái thay vì hai bên hông tiềm thủy đỉnh. Tôi tự hỏi làm sao người của Sugamasa có thể xoay trở chiếc tàu để tránh né. Điều khiển lái tàu bằng nhân lực đòi hỏi nhiều sức mạnh và chậm chạp hơn điện lực.

"Lổ hỏng ở phòng thủy lôi phía trước đã lấp kín!"

Tiếng nói trong loa phóng thanh thật trầm tĩnh. Những người được huấn luyện thuần thục đã tỏ ra thuần thục trong công việc của họ. Tôi khâm phục tột cùng.

Sugamasa đã hoạt động hữu hiệu nhứt trong việc giữ đằng lái của I.36 hướng về phía trước kẻ tấn công. Như vậy có thể tránh được nguy hiểm phần nào, vì gần mũi có nhiều bộ phận dễ vỡ.

Chiếc khu trục hạm hiện thời đang lướt qua lần thứ tư trên đầu chúng tôi. Hàng chục khối chất nổ khác lại được tuông xuống. Tiếng nổ phát ra phía dưới, phía sau chúng tôi, đẩy I.36 trồi lên mặt nước, như có một cánh tay mạnh mẽ nâng bổng lên. Lỗ hỏng phía trước bị chặn đứng, nhưng hiện thời có một lỗ hỏng khác, cũng đằng lái, sau hàng loạt tiếng nổ như sấm vừa qua, I.36 bắt đầu chìm, đằng lái lún từ từ xuống.

Hạm trưởng Sugamasa phải ngăn chận việc nầy. Thoạt đầu, chúng tôi nhận chất nổ ngầm ở độ sâu 125 bộ, và vẫn duy trì độ sâu nầy trong suốt các cuộc tấn công tiếp theo đó. Chiếc I.36 có thể lặn sau đến hơn 300 bộ, nhưng Sugamasa đã đánh một ván bài.

Một chiếc tiềm thủy đỉnh khi bị tấn công thường thường lặn sâu chừng nào hay chừng nấy, để giữ khoảng cách nước xa hẳn kẻ thù. Hiểu biết điều nầy, hạm trưởng khu trục hạm địch đã ra lịnh thả những khối chất nổ ở độ thật sâu. Nhưng Sugamasa đã cao tay ấn hơn. Do đó, loạt chất nổ cuối cùng đã nổ xa hẳn phía dưới chúng tôi. Bao lâu mà địch quân còn "hiểu biết" như vậy, chúng tôi còn có cơ may sống sót. Sugamasa là Hạm Trưởng tiềm thủy đỉnh trẻ nhứt của Hải Quân Hoàng gia, quả thật không đáng ngạc nhiên. Ông biết những gì ông phải làm. Ông có thể cứu chúng tôi lần nầy.

Nhưng đằng lái của I.36 đã chứa đầy nước, khiến chúng tôi chìm xuống dần dần, mặc dù máy vẫn còn chạy. Hiện thời chiếc tàu đã nằm ở một góc 15 độ, mũi cao hơn lái nhiều.

Đã đến lúc đánh một ván bài khác, hạm trưởng của chúng tôi nghĩ vậy, và ông ra lịnh "đánh nhỏ".

Ván bài khác nầy nguy hiểm, và hiếm khi được làm lúc kẻ thù hiện diện. Sugamasa muốn dồn áp lực của không khí vô bồn chứa chánh để giữ thăng bằng cho chiếc tàu, nhằm đẩy một số nước ra ngoài. Việc nầy phải làm cẩn thận, rất cẩn thận. Nếu không, không khí dồn vô bồn chứa chánh sẽ thoát ra ngoài tàu, tạo ra những chuổi bọt phía trên mặt nước, chỉ điểm vị trí của chúng tôi cho các quan sát viên địch.

Nhưng chúng tôi phải làm, và đã làm được. Không khí được thận trọn dồn vô một trong những bồn chứa, và nước bị đẩy ra ngoài. I.36 hầu như đứng chựng lại. Tôi cảm thấy nó đang thở hổn hển, giống như một võ si nhận quá nhiều cú đấm. Hơn 50 khối chất nổ được gởi xuống cho chúng tôi, nhưng nhờ sự khéo léo của Sugamasa chúng tôi đã từ chối nhận trục tiếp hết thảy. Chúng tôi còn may mắn.

Nhưng may mắn có ở lâu với chúng tôi hay không? Giống như một võ sĩ đầy đủ can cường, chúng tôi vẫn không chịu bỏ cuộc. Nhưng, cũng giống như một võ sĩ đã nhận lãnh năm chục cú đấm dữ dội của đối thủ, chúng tôi đã bị thương. Lúc nầy chúng tôi không làm gì khác hơn là lơ lơ lững lững. Chúng tôi mất năng lực, không thể chiến đấu trở lại, và biết rằng còn nhiều cú đấm dữ dội nữa chưa tung ra. Chúng tôi có thể tồn tại được với những cú đấm nầy không?

15. HÀO KHÍ VÀ TỒN TẠI

Năm hoa tiêu Kaiten còn lại đứng trong quang cảnh đổ nát của phòng sĩ quan. Chúng tôi nhìn nhau, mặt mày hốc hác, xanh xao. Người nầy biết rõ tư tưởng của người kia. Chúng tôi sẽ chết ở đây. Đây là câu trả lời cho những chỉ trích nhắm vào chúng tôi. Tất cả sự huấn luyện, tất cả tinh thần, tất cả nổ lực của chúng tôi được tạo ra là để đón nhận sự kết thúc đầy nỗi sợ hãi nầy, chết mà không có cơ hội nào để giúp đỡ quê hương? Tôi hi vọng sẽ không bao giờ nhìn thấy đôi mắt của một người tuyệt vọng, như đôi mắt của các đồng đội tôi đang đứng tựa nhau, chờ đợi cú đấm cuối cùng và nghiền nát của kẻ thù.

Hạm trưởng Sugamasa có một lý do khác để không xuống sâu hơn nữa, mặc dù chiếc tàu có thể đạt đến mức sâu 325 bộ. Ở độ sâu tối đa nầy, chúng tôi có thể tránh né kẻ thù phía trên, nhưng không thể nào bảo tồn được các Kaiten. Độ sâu tối đa mà các Kaiten có thể duy trì là 250 bộ, xuống sâu hơn nữa sẽ không bảo đảm. Các cuộc tấn công vừa rồi chắc chắn đã gây hư hại cho các Kaiten, mỗi lần tàu chúi xuống sẽ khiến cho những hư hại nầy sẽ bị xé rách thêm.

Nhưng còn nhiều khó khăn hơn nữa. Các báo cáo cho biết chiếc tàu có nhiều lổ hỏng. Không cần chịu đựng thêm nữa, I.36 cũng chìm trong trận nầy. Tình thế tuyệt vọng.

Bây giờ Thiếu úy Kuge, đang ngồi trên ghế trong phòng sĩ quan, đứng bật dậy và nói:

"Tôi sẽ đi!"

Ông bước vô phòng chỉ huy và đối diện với hạm trưởng Sugamasa:

"Thưa Thiếu tá, Kaiten của tôi vẫn còn xử dụng được. Xin cho tôi ra đi và hạ chiếc khu trục hạm đó."

Hạm trưởng nói:

"Cám ơn đề nghị của anh, Kuge. Nhưng không thể làm được. Dầu cho máy móc Kaiten của anh còn hoạt động đi nữa, tôi chắc chắn các hệ thống điện cũng đã đứt. Hãy nhìn hệ thống bên trong chiếc tầu nầy anh sẽ biết. Đèn đóm hầu như tắt hết."

Kuge vẫn thúc giục:

"Xin hạm trưởng để cho tôi đi! Xin cứ để cho tôi đi!"

Giống như tôi, Kuge cảm thấy được chết trong lúc chiến đấu còn khá hơn là chết như một con chó oằn oại bên trong chiếc võ tàu nầy.

Hạm trưởng hỏi:

"Nhưng, bánh lái điều khiển bằng điện của anh không xử dụng được, anh không thể nào điều khiển bằng tay."

Câu nói nầy phải chi bọn sĩ quan ở Otsujima nghe được. Nhứt là viên sĩ quan đã biểu chúng tôi xoay chân vịt bằng tay, nếu cần. Nhưng, thiếu úy Kuge vẫn nằn nĩ xin đi. Ông nói:

"Chúng tôi không thể ngồi chờ kẻ thù giết chúng ta!"

Nói cách nào, Sugamasa vẫn từ chối. Kuge lớn tiếng giải thích rằng ông được huấn luyện đầy đủ, ông tin tưởng có thể hạ kẻ thù bên trên. Khi hai người còn nói qua nói lại, chiếc khu trục hạm đã quay đầu lại để tấn công lần thứ năm. Cuộc nói chuyện kết thúc khi những khối chất nổ thả xuống và nổ tung gần I.36

Chiếc tàu chao qua một phía, quăng mọi người xuống sàn tàu hoặc vô vách. Khi tiếng nổ chấm dứt, I.36 nghiêng hẳn qua một phía, chạy chậm chạp, đằng lái lún sâu hơn. Mũi tàu hiện thời ngước lên 15 độ nữa. Bước dọc theo chiếc tàu giống như leo lên sườn Phú Sĩ Sơn, ngọn núi thiêng liêng ở Đông Kinh chỉ cách nhà tôi vài dặm.

Sugamasa nói lớn:

"Tất cả thủy thủ không có nhiệm vụ hãy tập trung trong phòng thủy lôi phía trước !"

Hàng mấy chục thủy thủ chạy bước ngang qua phòng sĩ quan, mỗi người mang một số dụng cụ. Phải giải tỏa sức nặng phía sau và dồn về phía trước đè mũi chiếc tàu xuống, nếu không, đằng lái sẽ lún mãi cho đến đáy biển. Tôi và các hoa tiêu Kaiten bước theo thủy thủ, khệ nệ leo lên "dốc núi" với những túi cớm được phân phát. Chúng tôi chất đầy trong phòng thủy lôi, nhưng độ sâu vẫn lún phía sau của chiếc tàu không thay đổi chút nào. Nó vẫn như dốc núi.

Hiện thời hầu hết đèn trong tàu đều tắt. Trong ánh sáng leo lét của những ngọn đèn còn lại, mặt mày của thủy thủ hốc hác và tối tăm, bê bết dầu mỡ và mồ hôi. Cách chết của một chiếc tiềm thủy đỉnh là như vậy, tôi nghĩ. Đây cũng là cách chết của một số đồng đội Kaiten của tôi đã gặp. Cuộc tấn công nầy không giống như cuộc tấn công mà tôi đã chịu đựng trong chiếc I.47 ở gần eo biển Bungo nhiều tuần trước đây. Lần nầy, chúng tôi ngồi bó tay, nhận hết cú đầm nầy đến cú đấm khác, và chờ đợi một cú đấm kết thúc mạng sống của mình. Cuộc tấn công không lúc nào ngưng nghỉ. Ngay cả lúc I.36 ngừng run rẫy, kẻ thù đã quay lại và rót chất nổ xuống nữa.

Lần nầy chúng tôi có thể nghe thấy rõ tiếng động cơ của hai chân vịt tàu. Khu trục hạm đầu tiên có thêm kẻ yểm trợ? Có lẽ đó là chiếc tàu đã tránh né Kaiten của Ikebuchi. Ikebuchi hiện thời ở đâu? Chết rồi. Không hồ nghi gì nữa. Xăng của ông đã cạn từ lâu. Có lẽ ông đã xử dụng thanh đoản kiếm để seppuku (mổ bụng). Chúng tôi không nghe một tiếng nổ nào ở xa cả, vì muốn Kaiten nổ, Ikebuchi chỉ có thể ấn nút bên trong. Chắc chắn ông đã tiếp tục chạy cho đến khi xăng cạn, rồi tự mổ bụng.

Mỗi tiếng nổ của một khối chất nổ ngầm đều gây cho tôi ý nghĩ: tiếng nổ cuối cùng, nhứt là khi cả hai khu trục hạm chạy đan chéo nhau bên trên chúng tôi, mở cuộc tấn công thứ sáu. Chúng đã nắm chắc vị trí của chúng tôi. Cái chết chỉ còn là vấn đề thời gian. Những gì mà địch quân đang chờ đợi là những bựng dầu nhớt nổi lên mặt nước, chứng tỏ chiếc tiềm thủy đỉnh đã vỡ ra và đang chìm. Tại sao chúng tôi nhận sự trừng phạt cho đến bây giờ mà vẫn còn sống sót, đó là một điều khó hiểu đối với tôi.

Cuộc tấn công thứ bảy lại đến. Hơn chục khối chất nổ vừa trút xuống. Lần nầy cũng vậy, tất cả đều nổ phía dưới tàu. May mắn. Nếu biết mưu mô của hạm trưởng Sugamasa, tàu địch sẽ thả chất nổ cạn. Trên lưng tiềm thủy đỉnh đang mang 15 ngàn cân Anh chất nổ cực mạnh, đầu đạn của 5 Kaiten. Một đầu đạn nổ, chúng tôi sẽ đi đời, và có lẽ kéo thêm một trong hai khu trục hạm, nếu nó ở ngay phía trên lúc đó. Lườn nó sẽ rách te tua.

Chúng tôi đã lãnh hơn 90 khối chất nổ rồi. I.36 lảo đảo liên hồi. Sự căng thẳng của tôi đã tiến đến mức độ sắp vỡ tung ra. Tôi run rẩy, giống như những người khác. Tôi lấy sẵn một viên thuốc độc, nắm trong lòng bàn tay. Một khi chiếc tàu bị trúng trực tiếp, nước ùa vô thân, tôi sẽ nuốt viên thuốc nầy. Nghĩ đến chết đuối hoặc chết ngộp, tôi không thể nào chịu nổi rồi.

Bây giờ là 3 giờ chiều. Chúng tôi chịu đựng bảy lần tấn công, suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ. Tiếng nói của hạm trưởng Sugamasa trên loa phóng thanh. Đó là tiếng nói đầy tuyệt vọng:

"Các hoa tiêu Kaiten sẵn sàng! Số 5 và số 3 chui vô vũ khí!"

Cuối cùng, mong muốn của Thiếu úy Kuge đã đạt được. Yanagiya cũng ra đi.

"Chúc hai bạn may mắn!"

Tôi la lớn khi hai người lếch thếch leo lên sàn tàu dốc ngược. Tôi không hiểu Sugamasa đã đặt hy vọng nào vô hai người. Có lẽ ông chỉ làm một việc đơn giản là thõa mãn mong muốn của họ, chết trong tư cách của một hoa tiêu Kaiten, hay là ông biết mạng sống của ông không còn mấy chốc nữa, và ông muốn kết thúc nó bằng một hành động "vĩ đại".

Các cơ khí viên đã kiểm soát Kaiten. Cần lái điện của chúng đều liệt, nhưng bên trong nước không vô. Đó là một phép lạ, sau những loạt tấn công vừa rồi. Kuge và Yanagiya phải sử dụng sức người để lái. Điều nầy rất khó khăn cho họ trong việc duy trì hướng tiến đến kẻ thù.

Tất cả chúng tôi đều tập xử dụng cần lái bằng tay trong khi huấn luyện. Lái như vầy Kaiten chạy siêu vẹo khủng khiếp. Ít có dịp may để đánh trúng, nếu hai khu trục hạm địch không ở gần khi các Kaiten được phóng khỏi I.36. Khoảng cách mục tiêu phải ngắn mới mong thành công. Hạm trưởng Sugamasa biết rõ điều nầy, bởi vậy ông đã lưỡng lự khi Kuge yêu cầu ông cho ra đi nhiều giờ trước đó. Nhưng hiện thời một nổ lực điên cuồng phải được đưa ra để hạ hai con quái vật ở trên lưng chúng tôi.

Liên lạc điện thoại với hai Kaiten bị cắt đứt hẳn, do các cuộc tấn công gây ra. Kuge và Yanagiya sẽ không nhận được một tin tức nào từ phòng chỉ huy để nương theo đó mà hành động. Một búa đập vô thân tàu: ám hiệu ra đi của Yanagiya. Hai búa là ám hiệu cho Thiếu úy Kuge.

Dây cáp buộc Kaiten của Yanagiya được tháo ra, và một thủy thủ vung một cái búa lớn nện vô thân tàu. Rồi chúng tôi chờ đợi. Một giây trôi qua. Một giây nữa. Sau đó, chúng tôi nghe chân vịt Kaiten của Yanagiya xoay mau. Hắn rời xa, và bắt đầu tìm kiếm kẻ thù.

Tôi tự hỏi hắn sẽ điều khiển Kaiten ra sao? Lúc đó chúng tôi đang ở độ sâu 215 bộ, và mọi nổ lực làm cho chiếc tàu được thăng bằng được đưa ra, kể cả việc mang nhiều bao gạo về phía trước, nhưng Yanagiya hầu như phải vượt lên theo hình vòng cung.

Tiếng máy của Yanagiya vẫn còn nghe rõ khi thủy thủ thứ hai đạp búa vô thân tàu phái trước hai lần. Chúng tôi nghe những sợi dây an toàn buộc Kaiten của Kuge tháo ra và rơi xuống sàn tàu, nhưng không nghe tiếng máy của ông hoạt động. Ông sẽ nổi lên mặt nước như cái phao? Như vậy địch quân sẽ quét đạn lên Kaiten của ông. Chúng tôi có thể nào sống sót được không nếu đầu đạn cực mạnh nổ ngay phía trên chúng tôi? câu hỏi nầy quanh quẩn trong đầu của nhóm người đứng gần tôi, và một người nói:

"Có gì khác đâu? Nếu mấy Kaiten nầy không đánh trúng mục tiêu, chúng ta cũng tàn đời vậy!"

Chúng tôi chờ đợi, nín thở, tự hỏi những gì sẽ xảy ra. Thế rồi, khoảng ba mươi giây sau khi những sợi dây an toàn của Kuge được tháo ra, chúng tôi nghe một âm thanh quen thuộc. Máy Kaiten của ông đã chạy! Thật là một phép lạ! Kaiten là một vật đầy bất trắc. Tôi nghĩ. Ở Hikari và Otsujima, mặc dù công việc bảo trì cẩn trọng, nhưng máy móc của Kaiten vẫn hư hỏng luôn luôn. Hai Kaiten vừa phóng ra đã ngâm trong nước biển 25 ngày, và chịu đựng những cuộc tấn công chất nổ dữ dội, nhưng vẫn còn hoạt động được. Có nhiều việc không thể nào giải thích được một cách đơn giản.

Yên tĩnh kéo dài một đôi phút kế đó. Động cơ Kaiten mất dần và chân vịt của một khu trục hạm cũng không nghe. Một vài phút trôi qua. Gần 15 phút kể từ khi Yanagiya được phóng đi. Cả hai hoa tiêu chắc đang hướng đến mục tiêu.

Hoàn toàn bất ngờ, chúng tôi nghe nhiều tiếng nổ nhỏ, hỏa lực ngăn chặn của đối phương, và tiếp tục theo là một tiếng nổ dữ dội. Một Kaiten đã trúng mục tiêu.

Tiếng hoan hô khàn khàn thoát ra từ những cổ họng khô khan của chúng tôi. Chúng tôi hét lên:

"Trúng rồi! Một Kaiten đã hạ một đối thủ.!"

Với khối chất nổ 3.000 cân Anh, tôi chắc rằng tàu địch đã bị hủy diệt. Mắt tôi rưng rưng giòng lệ buồn vui lẫn lộn. Một trong hai người đã làm xong sứ mạng của mình.

Còn người kia? Phòng âm thanh báo cáo chỉ ghi nhận tiếng động của một khu trục hạm, và hình như nó hướng đến nơi vừa phát ra tiếng nổ lớn, thả chất nổ xuống nghe rất xa chúng tôi.

Phòng âm thanh ghi nhận thêm nhiều khối chất nổ được tuông xuống liền liền. Chúng tôi đoán chắc khu trục hạm còn lại đang truy diệt Kaiten thứ hai. Một trong những đồng đội đã cứu mạng sống của chúng tôi. Hắn đang lôi kẻ tấn công ra xa, do đó I.36 có thể tìm cách thoát thân. Kẻ thù chắc sửng sốt biết bao, chúng tôi nói với nhau. Họ tưởng đã hạ được chiếc tiềm thủy đỉnh, nhưng sau đó lại đối diện với hai trái thủy lôi khổng lồ, có tốc độ cực mau, đang tìm kiếm để sát hại họ.

Một khoảng thời gian nữa trôi qua. Tiếng động chân vịt của tàu địch biến mất hoàn toàn. Chất nổ không còn thả xuống nữa. Cả hai, Kaiten và chiếc khu trục hạm, chắc hẳn đã ở một nơi nào đó phía bên kia chân trời. Hạm trưởng Sugamasa đổi hướng và cố chuồn êm chừng nào hay chừng nấy.

Trung sĩ Yanagiya và Thiếu úy Kuge đã cứu chiếc tiềm thủy đỉnh của chúng tôi. người nào đánh trúng chiếc khu trục hạm, người nào đóng vai trò chim mồi?

Chúng tôi không bao giờ biết được.

Hạm trưởng Sugamasa nói với chúng tôi qua loa phóng thanh, lời nói của ông đứt khoảng bởi những tiếng nấc nghẹn ngào:

"Tất cả thủy thủ lưu ý! Tôi muốn mọi người dồn hết nổ lực sửa chữa những chổ hư hại của chiếc tàu. Thiếu úy Kuge và Trung sĩ Yanagiya vừa chết, cái chết của những người anh hùng, giống như Trung úy Ikebuchi. Đừng để cho họ chết một cách vô ích. Chúng ta sẽ trở về căn cứ ngay khi những chổ hư hại sửa chữa xong. Chúng ta sẽ bồi dưỡng và trở lại đánh nữa. Chúng ta sẽ phục thù cho ba đồng đội dũng cảm của chúng ta. Tôi hứa với các bạn, đích thân tôi sẽ hướng dẫn cuộc chiến đấu sắp tới."

Tất cả những người đứng quanh tôi đều bật khóc. Những hàng nước mắt chảy xuống, mang theo chất dơ bẩn và dầu mỡ trên khuôn mặt của họ. Trước đây tôi đã từng khóc, nhưng khóc lần nầy hoàn toàn khác biệt. Đây là những giọt nước mắt bi thương thật sự, dành cho những người dũng cảm, hành động đầy hào khí và danh dự của họ. Tôi muốn trở về Hikari, nhận một Kaiten mới và ra đi ngay với Sugamasa.

Sau khi hạm trưởng dứt lời, chúng tôi thôi khóc. Chúng tôi cũng không có thời giờ để khóc. Chúng tôi thoát khỏi tay địch quân, nhưng chúng tôi chưa thoát khỏi tay biển cả. Chiếc tàu hư hại trầm trọng và đang chìm từ từ.Tất cả thủy thủ đều tận lực làm việc. Tôi không biết một chút gì liên quan đến một chiếc tiềm thủy đỉnh. Góp công duy nhứt của tôi là trao dụng cụ cho thủy thủ sửa chữa. Công việc nầy được xúc tiến liên tục, và lúc 10 giờ tối, sau hơn 17 tiếng đồng hồ chạy ngầm, chúng tôi cố gắng nhô lên mặt biển. Tất cả thủy thủ đều căng thẳng, nín thở và lặng yên, thầm thúc giục cho chiếc nổi lên. Chậm chạp, có nhiều lúc thất vọng, nhưng cuối cùng chúng tôi làm được việc nầy. Quá 10 giờ đêm tối như bưng của ngày 28 tháng Sáu, chúng tôi lướt nhè nhẹ trên mặt đại dương, trong lòng van vái đừng có chiến hạm nào trang bị ra đa nào của địch quân hướng về phía chúng tôi. Các bồn chứa hơi ép đã trống rỗng sau khi chúng tôi cố gắng trồi lên. Nếu lặn xuống lại ngay, chiếc tàu không thể nào trồi lên được nữa. Sau một ngày gặp vận xấu, vận tốt trở lại với chúng tôi. Trời không trăng. Ăng ten ra đa hư hại được sửa chữa, các bình điện được sạc lại, và dưỡng khí được rút vô các bồn chứa. Mất một thời gian khá lâu chiếc tàu mới đủ khả năng lặn trở lại, nếu xét thấy cần thiết. Không khí mát của biển cả ướp tươi lại thể xác mệt mõi của chúng tôi. Những khuôn mặt ngời sáng khi các cây kim đồng hồ điện kế và áp lực không khí chuyển động. Mặ dù khu vực nầy được ghi nhận có phi cơ địch hoạt động, nhưng chúng tôi có cảm giác linh hồn của những đồng đội đã chết đang phù hộ chúng tôi. Nhiều giờ trôi qua. Mặc dù không có nước để tắm rửa, nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy mát mẻ. Không khí trong lành thay thế cho không khí nhiễm độc, đối với chúng tôi là quá đủ rồi. Sau đó, phòng ra đa báo cáo ghi nhận một phi cơ địch bay cách xa 12 dặm. Chiếc tàu đã sửa chữa xong nhưng chỉ có tánh cách tạm thời, tuy nhiên chúng tôi phải lặn xuống. Việc nầy được làm một cách cẩn trọng. Nếu sơ sẫy, chiếc tàu có thể vỡ tan khi chúi xuống.

Phi cơ địch không phát hiện chúng tôi, và chúng tôi hy vọng được trở lên mặt nước để thưởng thức không khí mát lạnh của đêm. Nhưng vì thận trọng, hạm trưởng Sugamasa vẫn ở dưới nước một hồi lâu.Trong suốt cuộc tấn công vừa qua, tất cả chúng tôi đều sợ hãi nên không lưu ý đến không khí nóng bức. Thoát chết, đó là ý nghĩ của chúng tôi lúc đó. Nhưng hiện thời, sau khi qua cơn ngặt nghèo, chúng tôi mới ý thức nhiệt độ bên trong tiềm thủy đỉnh ngột ngạt thực sự. Hệ thống điều hòa không khí của chúng tôi hư hại không thể nào sửa chữa được. Có một số quạt máy, nhưng không thấm tháp vào đâu. Tất cả đều đẩm ướt mồ hôi. Các sĩ quan, luôn mặc đồng phục ngay cả những ngày nóng bức nhứt, cũng chỉ còn độc chiếc quần xà lỏn như chúng tôi. Chúng tôi cứ nuôi nấng hy vọng Sugamasa cho tàu nổi lên sớm nên cảm thấy "mát mẻ" phần nào. Bước vô phòng ngủ của thủy thủ gần mủi tàu, tôi thấy Trung sĩ Eizo Nomura nằm trên giường khóc lóc thảm thiết. Tôi chưa từng thấy ai trong Hải Quân Hoàng gia cứng rắn bằng Nomura. Thấy hắn khóc một mình, tôi ngạc nhiên. Tôi hỏi hắn tại sao khóc, và nhìn thấy một quyển sổ của Thiếu úy Kuge, đã gởi lại cho chúng tôi trước ngày ông chết. Nomura nói:

"Đọc đi, Yokota!"

Hắn trao quyển sổ tay cho tôi. Ở trang gần cuối, Kuge viết những giòng sau đây:

"Vì trục trặc máy móc, ba hoa tiêu Kaiten sẽ bắt buộc phải trở về căn cứ một lần nữa. Nhóm sáu người chúng tôi đã rời hải cảng, tình thân như thủ túc, nhưng đáng buồn là chỉ ba người có thể gặp gỡ kẻ thù. Đối với Sonoda, Nomura và Yokota, đây không phải là sứ mạng đầu tiên của họ. Họ đã từng ra đi hai lần trước đây. Mặc dù họ sẽ phải trở về với các bạn, tôi van xin các bạn đừng nhìn họ với những ánh mắt lạnh lùng. Khi biết được Kaiten hư hỏng, Thiếu úy Sonoda đã khóc lóc bi thiết trong phòng sĩ quan. Tôi hiểu rõ cảm nghĩ của hắn ta.

Xin hãy giao phó sứ mạng mới cho ba người nầy, càng sớm càng tốt. Họ muốn có những vũ khí hoàn hảo trong tay để đánh kẻ thù.Đây là lời yêu cầu cuối cùng của đời tôi , được gởi đến các bạn trong khi tôi chờ lịnh để ra đi vĩnh viễn."

Đọc xong tôi cũng khóc như Nomura. Tôi muốn kêu tên của Kuge thật lớn, và cầu nguyện cho ông, nhưng tôi không làm, vì quanh tôi còn có nhiều người khác. Tôi nằm xuống giường và thầm nói:

"Tôi không cần lòng thương hại, Kuge. Tôi sẽ trở về và bình thản chấp nhận những gì xảy ra. Nếu người ta phỉ báng sau lưng chúng tôi, hảy để cho họ phỉ báng, kệ họ.Thiếu úy hiểu, Trung úy Ikebuchi và Yanagiya hiểu, ngoài ra không còn gì quan trọng hơn nữa. Trì hoãn, nhưng mà chúng tôi sẽ ra đi. Hãy chờ đợi chúng tôi. Không bao lâu chúng ta sẽ gặp nhau."Tôi lau nước mắt, không suy nghĩ thêm nữa. Giấc ngủ đến trên thân thể đẫm mồ hôi của tôi.

Trong khi tôi ngủ, thủy thủ đoàn của Hạm Trưởng Sugamasa giữ cho chiếc I.36 di chuyển chầm chậm về phía Bắc, trực chỉ căn cứ nhà. Mọi người muốn nổi lên, nhưng không có cơ hội. Các cuộc tuần tiễu của địch quân gia tăng mạnh mẻ. Mỗi lần hạm trưởng đưa chiếc tàu nhích lên vừa đủ cho ăng ten ra đa nhô lên khỏi mặt nước, là mỗi lần hiệu thính viên nhìn thấy phi cơ địch xuất hiện trên màn ảnh. Do đó, chúng tôi tiếp tục chạy ngầm. Người nào không có nhiệm vụ đều đi ngủ, cố phục hồi năng lực tiêu hao. Lúc 9 giờ sáng, thình lình chúng tôi nghe một tiếng nổ lớn, đủ lớn để đánh thức mọi người. Chúng tôi lo âu, vì không nghe loa phóng thanh cho biết việc gì vừa xảy ra.Khi tôi và Nomura bước vô phòng sĩ quan, chúng tôi nghe hạm trưởng Sugamasa gọi:

"Hãy tìm ra nguồn gốc của tiếng động!"

Phòng âm thanh báo cáo dụng cụ của họ không ghi nhân được.

Hạm trưởng ra lịnh phòng ra đa dò tìm. Sau đó, sĩ quan ra đa báo cáo không nhìn thấy vật gì trên màn ảnh. Hạm trưởng ra lịnh phòng ra đa dò tìm. Sau đó, sĩ quan ra đa báo cáo không nhìn thấy vật gì trên màn ảnh. Có phiên họp ngắn trong phòng sĩ quan chỉ huy, rồi tin chuyển xuống chúng tôi cho biết có thể chiếc tiềm thủy đỉnh thoát dầu, nên phi cơ nhìn thấy và thả một quả bom đánh dấu. Tàu chiến địch có thể đang lướt đến để tìm chúng tôi. Đây là phỏng đoán của Hạm Trưởng Sugamasa. Nếu phỏng đoán nầy đúng, chúng tôi sẽ gặp rắc rối lớn hơn trước đây. Chúng tôi không thể nào chận đứng được một kẻ hở thoát dầu nào, từ bên trong tiềm thủy đỉnh. Tất cả thủy thủ vô vị trí, và chuẩn bị chiếc tàu để đón nhận một cuộc tấn công bằng chất nổ. Chúng tôi kinh hãi, vì không biết chiếc tàu sẽ chịu đựng sự thiệt hại thêm đến mức độ nào. Chắc chắn nó không thể nào lặn sâu hơn, và trên lưng vẫn còn mang 9.000 cân Anh chất nổ. Chúng tôi chờ đợi, nhưng cuộc tấn công không xảy ra. Sugamasa cho rằng phi cơ địch chỉ đánh dấu phóng chừng để hướng dẫn chiến hạm, bởi vì nếu đánh dấu đsung vị trí của chúng tôi, viên phi công sẽ tiếp tục thả bom.

Khoảng 20 phút sau, phòng âm thanh báo cáo:

"Chân vịt tàu! Bên trái 90 độ. Cường độ âm thanh: hai!"

Kẻ thù đang tiến đến! Phi cơ kêu gọi họ! Họ sẽ tìm thấy chúng tôi không khó với một vệt dầu bỏ lại phía sau.Bây giờ chúng tôi nghe tiếng nổ, xa xa. Phòng âm thanh lại báo cáo tiếng chân vịt tiến đến gần hơn. Kẻ thù sắp đến! Nhưng vài phút sau, báo cáo cho biết tiếng chân vịt vẫn giữ cường độ cũ! Khó hiểu! Tại sao không tiến sát hơn! Chúng tôi lại nghe tiếng nổ. Lần nầy xa hơn lần trước. Thật khó đoán, nhưng chiếc I.36 vẫn chạy về hướng Bắc với tốc độ 5 hải lý. Tốc độ nầy sẽ duy trì năng lượng của chiếc tàu, và ít gây tiếng động, khiến kẻ thù khó khám phá.

Sugamasa nói trên loa phóng thanh:

"Chúng ta gặp vận may! Mặt biển đang nổi sóng, Trời giúp chúng ta. Tôi chắc chắn chiếc tàu thoát dầu, do đó phi cơ địch nhìn thấy. Nhưng sóng lớn sẽ đánh tan dầu, khiến cho khu trục hạm địch không biết chúng ta ở đâu mà mò. Tôi vẫn tiếp tục hướng chạy cũ, và hy vọng kẻ thù cũng sẽ làm công việc vừa rồi, thả chất nổ sai chổ."

Nhiệt độ càng lúc càng gia tăng trong tàu. Dưỡng khí cạn dần. Tới 6 giờ chiều, hạm trưởng Sugamasa ra lịnh nổi lên mặt nước. Chúng tôi nhìn nhau sung sướng. Lúc chúng tôi chờ đợi để đón nhận không khí trong lành, I.36 bắt đầu lún về phía sau và chìm xuống. Chúng tôi nghe tiếng thét trong phòng chỉ huy:

"Do shimashitaka? Việc gì xảy ra?"

Một trong những thủy thủ quan sát đọc độ sâu liên tục trong lúc chúng tôi cố giữ thăng bằng: "270 bộ! 300 bộ! 330 bộ! 360 bộ! 390 bộ!"

"Trời ơi!"

Tên thủy thủ đọc tiếp: "420 bộ!" có một tiếng thé lúc tiềm thủy đỉnh rung động giống như một mảnh vãi trước gió. Tiêu rồi, tôi nghĩ. Kế đó, tôi nghe cả tiếng rít của không khí dưới áp lục. Các bồn chứa không khí chánh bị ngập nước. Chiếc tàu oằn oại một vài giây rồi bỗng nhiên vượt thẳng đứng lên tới mặt nước. An toàn! Sau đó, tôi được biết một hạ sĩ quan trong tình trạng kiệt sức đã vặn lầm xú bấp, nhưng hắn đã điều chỉnh kịp thời. Vẫn chưa hết rắc rối. Hạm trưởng Sugamasa muốn thông báo cho Đệ Lục hạm đội biết chúng tôi sắp trở về, nhưng ông biết địch quân sẽ nghe được công điện chuyển đi, rồi trắc giác để định vị trí của chúng tôi và tấn công nữa. Trong khi chạy trên mặt biển, Sugamasa viết một công điện, sửa đi sửa lại nhiều lần, rút gọn chừng nào hay chừng nấy, để chúng tôi khỏi phải mất nhiều thì giờ chuyển đi. Chúng tôi phải tối thiểu hóa sự khám phá của địch quân. Khi mọi việc đã sẵn sàng để chúi xuống nước trở lại, Sugamasa trao cho hiệu thính viên tài ba nhứt của chúng tôi một công điện và dặn dò cẩn thận. "I.36 trở về căn cứ. Hư hại nặng nề bởi chất nổ ngầm. Ba Kaiten đã xử dụng."Ngay khi công điện nầy được chuyển đi, chúng tôi lặn xuống, chạy ngầm suốt ngày 30 tháng Sáu và gần nữa đêm khi chúng tôi nổi lên lấy dưỡng khí, chúng tôi nghe nhiều công điện của địch quân chuyển đi bằng ngôn ngữ thông thường. Điều nầy chứng tỏ sự tự tinn của hạm đội Hoa Kỳ trong thời gian đó. Địch quân không cần mã hóa và dấu diếm những gì họ đang làm, vì tin chắc hải quân Hoàng gia không thể làm gì được họ. Trung úy Hagiwara, sĩ quan hoa tiêu của I.36, cho chúng tôi biết báo cáo của địch quân liên quan đến các tiềm thủy đỉnh Nhựt, bao gồm chiếc I.36, với vị trí hầu như chính xác. Chúng tôi chỉ ở trên mặt nước một thời gian tối cần thiết rồi lặn xuống trở lại. Đêm 1 tháng Bảy, chúng tôi lại nổi lên lấy dưỡng khí, và cứ tiến đều đặn như vậy trong bốn ngày kế đó. Chúng tôi chỉ ghi nhận các trinh sát cơ một lần, còn tiếng chân vịt tàu không một lần nào nghe thấy nữa. Có lẽ, I.36 mới đáng mang danh "chiếc tàu bất tử", chớ không phải là I.47.Quá nửa đêm ngày 6 tháng Bảy, chúng tôi đã ở trong eo biển Bungo, chạy trên mặt nước. Hiện thời quê hương không còn xa mấy. Nước nóng, thức ăn ngon chờ đợi chúng tôi một đôi giờ nữa. Ở bên trái, hình dáng lờ mờ của hòn đảo Kyushu hiện lên trong đêm tối, và ở bên phải là hòn đảo Shikoku. Tôi không bao giờ hy vọng được nhìn thấy chúng trở lại.Nhưng hiện thời, mọi thứ đều thật, tôi thầm nhủ khi thưởng thức không khí mát mẻ trên đài chỉ huy lộ thiên trong một vài phút. Không mấy chốc chúng tôi sẽ lên bờ. Mọi người sẽ biết được chúc thơ của Thiếu úy Kuge, và Hạm Trưởng Sugamasa sẽ nói chuyện với chúng tôi. Không mấy chốc, có lẽ hai tuần lễ, Sonoda, Nomura và tôi cùng với ba hoa tiêu Kaiten nữa, sẽ lại lướt ngang qua hải trình nầy, hướng về phía Nam, để tìm kiếm địch quân. Sugamasa đã nói như vậy.Do đó, tôi nghĩ, sau cùng mọi việc không phải đều tồi tệ hết, và tôi trôi lênh đênh trong cơn mơ mọng của hân hoan. Cơn mơ mộng vỡ tan bởi một tiếng la và bốn tiếng nổ lớn. Mọi người chạy xuống tàu, và I.36 gia tăng tốc độ tối đa. Trong phòng chỉ huy, tôi hỏi nhiều người khác, nhưng không ai biết những gì đã xảy ra.

Giây lát sau, cơ khí trưởng của I.36 bước vô phóng chỉ huy và nói:

"Khó thể tin nổi! Sau khi vượt hết mọi gian ngay, hầu như đã ở trên đất nhà rồi mà chiếc tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ vẫn còn cố hạ chúng ta."

"Một tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ? Ở đây, trong eo biển Bungo?"

Chúng tôi biết các tiềm thủy đỉnh địch thường lãng vảng gần phía Nam của eo biển và đã đánh chìm nhiều chiến hạm Nhựt ở đó. Nhưng mấy tiếng nổ vừa rồi đã xảy ra khi chúng tôi đã vô hẳn bên trong eo biển rồi.

Viên sĩ quan nói:

"Đó là sự thật! Nó đã phóng bốn trái thủy lôi vô chúng ta! Trái gần nhứt lướt ngang cách lái tàu 14 thước. Những tiếng nổ mà các bạn vừa nghe là do thủy lôi chạm vô bờ biển. Nhóm người chúng ta có phải may mắn không?"May mắn, thật vậy! Sau tất cả những vận xấu mà chúng tôi đã gặp, đây là một dấu hiệu khác của sự may mắn. Một đôi giờ sau đó, tôi đứng trên boong của chiếc I.36 đang rẽ sóng tiến vô hải cảng Hikari. Mặt trời mọc rực rở, chiếu xuống lưng tôi. Đã ba mươi ba ngày rồi, tôi mới được nhìn thấy nó.

Mặt trời mọc không mấy lần nữa, tôi sẽ lại ra đi.

16. TIẾN THOÁI LƯỠNG NAN

Vào ngày 6 tháng 6 năm 1945, khi chiếc tiềm thủy đỉnh I.36 mang thương tích lê thân vô hải cảng, tôi xuống tinh thần. Tình trạng nầy kéo dài hồi lâu, khiến tôi đứng mãi trên boong tàu, cho đến khi không thể đứng được nữa. Sau khi xem xét, sự thiệt hại của chiếc tàu không lấy gì làm trầm trọng. Nó sẽ chạy đến Kure để sửa chữa. Không ai biết công việc nầy sẽ kéo dài bao lâu. Trong khi tôi ở Hikari, sứ mạng Kaiten thứ 9 được sắp xếp để ra đi. Tên của toán thi hành sứ mạng mới nầy là Tamon, gồm 6 tiềm thủy đỉnh, mang 33 Kaiten. Tamon là tên của một trong bốn vị Phật đã từng phù hộ Nhật Bản chống lại ngoại xâm. Trong sứ mạng nầy chỉ có 3 tiềm thủy đỉnh hàng đầu là I.47 của Thiếu tá Shokichi Suzuki, I.53 của Thiếu tá Saichi Oba và I.58 của Thiếu tá Mochitsura Hashimoto. Đó là tất cả số tiềm thủy đỉnh chiến đấu còn lại của Nhật Bản. Hiện thời chiếc I.36 bị loại khỏi vòng chiến. Mỗi tiềm thủy đỉnh vừa nói sẽ mang 6 Kaiten. Ba tiềm thủy đỉnh khác là I.363 của Thiếu tá Sakae Kihara, I.366 của Đại úy Takami Tokioka và I.367 của Đại úy Kunio Taketomi.

I.53 ra đi đầu tiên, khởi hành từ Otsujima từ ngày 14 tháng Bảy. Cuối cùng là chiếc I.363, khởi hành từ Hikari ngày 8 tháng Tám. Hai chiếc I.47 và I.367 cùng rời khỏi hải cảng ngày 19 tháng Bảy. Cả hai chiếc nầy đều không gặp may mắn, và đã trở về mà không mở được một cuộc tấn công nào, giống như I.363. Hai mươi mốt trong tổng số ba mươi ba Kaiten của toán Taimon bị trục trặc máy móc. Chỉ có 12 Kaiten được phóng ra. Tôi đứng ngồi không yên ở Hikari trong suốt tháng Bảy, khi hầu hết tiềm thủy đỉnh đã ra đi. Không ai để tôi lái Kaiten. Tôi cần thực tập để chờ khi hữu sự. Nhiều hoa tiêu khác đang hối hả huấn luyện cho kế hoạch "Kaiten cố định" phòng thủ từ đất liền. Mãi sau chiến tranh khá lâu, tôi mới biết được kế hoạch nầy đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chận đứng những cuộc tấn công lên các bờ biển Nhật Bản của địch quân. Khi I.53 rời khỏi Otsujima vào ngày 14 tháng Bảy, không có hoa tiêu Kaiten hoặc thủy thủ nào trên chiếc tàu nầy biết rằng Thiên Hoàng đã quyết định phải kết thúc cuộc chiến, trước khi thảm họa chung cuộc trên quê hương chúng tôi xảy ra. Hai ngày trước đó, Thiên Hoàng đã phái hoàng thân Konoye đi Mạc Tư Khoa trong tư cách sứ giả đặt biệt, để yêu cầu chính phủ Nga đứng trung gian sắp xếp các điều khoản hòa bình giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lúc đó cả Thiên Hoàng lẫn Konoye đều không biết Nga Sô sẽ từ chối một vai trò như vậy, vì xứ nầy đã hoàn tất kế hoạch tuyên chiến với chúng tôi. Ngay trước ngày I.53 ra đi, hoa tiêu thứ 14 của chúng tôi thiệt mạng trong một buổi huấn luyện ở Otsujima. Trung úy Yoshio Kobayashi đụng một trái mìn do Hoa Kỳ gài trong khi lướt qua mục tiêu thực tập, giống như trường hợp của hai trung sĩ Taruhara và Kitamura hai tháng trước đây. Cùng lái chung Kaiten với Kobayashi là Trung sĩ Hiroshi Takahashi. Hắn ta gặp may mắn không thể tưởng. Khi chạm mìn, tiếng nổ làm cho cửa trên của Kaiten bật ra. Takahashi bị thổi tung ra cánh cửa nhỏ bé nầy. Mặc dù choáng váng, nhưng hắn vẫn giữ cho thân nổi lên trên mặt nước cho đến khi một ngư lôi đĩnh vớt lên. Tuy nhiên, Kobayashi chết đuối. I.53 hoạt động suốt ba mươi mốt ngày, phóng bốn Kaiten, báo cáo đánh chìm ba hải vận hạm địch và một khu trục hạm. Còn I.56 hoạt động chỉ mười lăm ngày. Vào ngày 8 tháng 8, chiếc tàu nầy phóng ba Kaiten và hạ ba hải vận hạm. Mấy chiếc I.47, I.36 và I.363, như tôi đã nói, không nắm được may mắn nào cả. Trong số những người trở về có bạn thân của tôi, Trung sĩ Kikuo Shinkai. Trong khi tiềm thủy đỉnh I.58 vẫn còn dưới quyền chỉ huy của Hashimoto, đạt được kết quả to lớn. Mặc dù chỉ xử dụng thủy lôi thông thường, Hashimoto đã đánh chìm một đại chiến hạm địch. Chiến công nầy, sau đó Hashimoto có viết lại, là một may mắn không thể tưởng. Hừng sáng ngày 30 tháng Bảy, trong khi chạy trên hải tuyến Guam - Leyte, ông đã đánh chìm chiến hạm địch vừa nói. Chiến hạm nầy được phát hiện trước nửa đêm, hầu như bất ngờ, khi nó chỉ là một chấm nhỏ ở phía chân trời phía Đông. Hashimoto cho tàu nổi lên vừa tầm tiềm vọng kính, và xuyên qua thị kính quan sát đêm, ông nhìn thấy một cái chấm nhỏ, dần dần trở thành hình tam giác và sau cùng hiện rõ hình dáng của một chiến hạm to lớn. Ông xét đoán đó là một chiếc thiết giáp hạm, thuộc lớp với Idaho. Nếu chiến hạm nầy giữ y hướng tiến, nó sẽ chạy ngang mũi của I.58. Hashimoto nói thầm:

"Đó là một chiếc tàu chết!"I.58 cứ việc nằm yên một chổ, vì ông thấy tàu địch không có vẻ gì chạy theo hình chữ chi (Zigzag). Tuy nhiên, khi hạm trưởng Hashimoto định tầm, ông bắt đầu e ngại tàu địch sẽ chạy ngang quá gần ông. Nếu việc nầy xảy ra, thủy lôi sẽ không đủ tầm để kích hỏa.Thủy lôi của Nhật Bản, cũng như của nhiều xứ khác, phải chạy xuyên qua nước với một khoảng cách thích hợp, như vậy tất cả bộ phận cơ hành mới vận chuyển đầy đủ. Hashimoto ra lịnh bẻ lái qua phải, đảo một vòng chầm chậm rồi xoay lại đúng hướng mà ông vừa nhắm, nhưng khoảng cách xa hơn. Thế rồi, khi chiến hạm địch chạy ngang qua mũi I.58 ở một tầm chỉ khoảng 1.500 thước, ông rãi một loạt sáu trái thủy lôi.

"Bốn trúng!"Ông hét lớn trước khi ra lịnh lặn xuống và quay mau về phía mặt. Ông muốn di chuyển chận đầu tàu địch và ở sâu dưới nước, trong lúc I.58 tái nạp thủy lôi vô ống phóng để tấn công một lần nữa. Phải mất gần một giờ để làm cả hai việc nầy. Khi nổi lên, các quan sát viên của I.58 không thấy dấu vết chiến hạm địch đâu nữa. Sau khi tìm kiếm một thời gian ngắn, Hashimoto mới chắc rằng ông đã đánh chìm chiếc tàu. Ông ra lịnh lặn xuống vav chạy ra xa, vì e rằng lực lượng hộ tống của địch quân sẽ tìm ra. Lúc ấy ông không biết rằng chiếc tàu địch nầy không có hộ tống mà không phải là một thiết giáp hạm. Sau chiến tranh, ông mới tìm ra tài liệu xác định chiếc tàu chính do thủy lôi của ông nhận xuống đáy biển. Vào ngày 28 tháng Bảy, Hashimoto cũng đã phóng bốn Kaiten, đánh chìm một khu trục hạm, một tàu chở dầu và hai hải vận hạm, theo xét đoán của ông. Vào ngày 1 tháng Tám, ông phóng Kaiten thứ năm và báo cáo đánh chìm một tàu chở thủy phi cơ. Kaiten thứ sáu trục trặc máy móc, không thể phóng được, và trung sĩ Ichiro Shiraki đã phải trở về. Thủy thủ đoàn I.58 sẽ phải kinh ngạc, nếu họ biết được việc đánh chìm đại chiến hạm địch vừa nói sẽ khiến cho vị sĩ quan chỉ huy của họ phải trải qua một kinh nghiệm kỳ lại nhứt, chưa có một sĩ quan hải quân nào gặp bao giờ. Sau chiến tranh, nhà cầm quyền chiếm đóng dẫn độ Hashimoto qua Hoa Thịnh Đốn xét xử trước Tòa Án quân sự về tội đánh chìm chiếc tuần dương hạm hạng nặng Indinapolis, tức chiếc tàu đã mang bom nguyên tử từ Hoa Kỳ đến quần đảo Mariana. Giữa tháng Bảy chiến hạm Hoa Kỳ tiến sát vô các bờ biển của chúng tôi, một số nả trọng pháo lên các thành phố và những cơ xưởng quốc phòng Nhật Bản. Nhiều đợi phi cơ của hàng không mẫu hạm địch bay rợp bầu trời, đánh phá Đông Kinh và hai căn cứ hải quân lớn của chúng tôi, Kure và Yokosuka. Những đơn vị còn lại của hạm đội Nhật Bản đã qui tụ về thả neo ở Kure để chờ đợi tham dự và kế hoạch sau cùng nhằm bảo vệ Nhật Bản. Nơi đây phi cơ của Hoa Kỳ đã đánh chìm hai hàng không mẫu hạm Amagi và Kaiyo, ba thiết giáp hạm Haruna, Ise và Hyuga cùng với ba tuần dương hạm, một khu trục hạm và tiềm thủy đỉnh I.372. Nhật Bản chỉ còn lại một thiết giáp hạm duy nhứt, Nagato. Đây cũng là thiết giáp hạm duy nhứt còn sống sót sau chiến tranh, mặc dù hư hại nặng nề. Trong khi tôi lo âu không có dịp để lái Kaiten, Đô đốc Soemu Toyoda đã kiểm điểm "tài sản" còn lại của chúng tôi và thúc giục Thiên Hoàng đánh nữa. Ông biết rằng Nhật Bản còn hơn 1.000.000 binh sĩ trú đống trên quê hương với đầy đủ súng ống và đạn dược. Ông cũng biết còn hàng trăm Kaiten được bí mật dàn dọc theo các bờ biển Kyushu, Shikoku và Honshu. Chúng tôi cũng có gởi sáu Kaiten đến đảo Hachiijojima, cách phía Nam Đông Kinh khoảng 200 dặm, do Đại úy Toshiharu Konida cầm đầu. Lực lượng Hoa Kỳ sẽ phải đi ngang qua nơi nầy để tấn công miền Trung Nhật Bản. Lúc đó, Konida sẽ từ bờ biển lướt ra và đánh chìm sáu chiến hạm địch, ưu tiên là các hàng không mẫu hạm.Kế hoạch tấn công toàn lực được phác họa ở Đông Kinh, mang danh "Cuộc Hành Quân quyết định", nhắm vào các lực lượng địch ở gần Okinawa. Hồi đầu tháng Bảy, các lực lượng võ trang của chúng tôi vẫn còn trên 10.000 phi cơ. Một số què quặt và một số chỉ là phi cơ huấn luyện chậm chạp, nhưng tất cả đều được toan tính mang ra xử dụng trong những phi vụ Kamikaze. Đa số phi cơ nầy đều dấu dưới mặt đất, để đánh lừa địch quân lầm tưởng chúng tôi chỉ còn một vài chiếc mà thôi. Nhật Bản cũng mới đóng trên 100 tiềm thủy đỉnh chở 5 người, có tên là Koryu, và khoảng 300 tiềm thủy đỉnh, chở được hai người, có tên là Kairyu. Cả hai loại tiềm thủy đỉnh nầy đều trang bị mỗi chiếc hai thủy lôi. Kairyu có thể mang một đầu đạn đặt biệt, thay vì thủy lôi, chứa 1.000 cân Anh chất nổ ngay ở trước mũi, sử dụng như Kaiten. Hai loại tàu nầy, cộng với hơn 100 "Kaiten đặt trên đất liền" dự tính sẽ đánh chìm hàng nhiều trăm tàu địch. Chúng tôi cũng còn một loại vũ khí khác gọi là Shinyo. Đây là những chiếc khinh tốc đỉnh nhỏ, dài khoảng 15 bộ. Mỗi chiếc mang 550 cân Anh thuốc nổ trước mũi, dự trù đâm thẳng vô chiến hạm địch vào ban đêm, với vận tốc hơn 20 hải lý giờ. Một số Shinyo đã được gởi đến Formosa và Okinawa, và 2.000 chiếc khác được phân tán rãi rác trong những vịnh và đảo nhỏ dọc theo duyên hải Nhật Bản. Một số nằm bên trong các hải cảng tốt nhứt của chúng tôi, để tấn công những chiến hạm địch khinh xuất buông neo trong một hải cảng chiếm đóng.Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhật Bản suy đoán chính xác như đã biết sau chiến tranh, rằng địch quân sẽ cố đổ bộ sơ khởi lên phía Nam đảo Kyushu, và tiếp liền theo là một cuộc đổ bộ thứ nhì lên bán đảo nằm ở phía Đông Đông Kinh. Các lực lượng của chúng tôi, với khoảng 3.000 phi cơ Thần Phong dấu kín trên hòn đảo phía Nam và 1.000 chiếc khác trên hòn đảo phía Bắc, được chỉ thị lưu ý về việc nầy. Cuộc tấn công theo suy đoán vào đầu tháng Tám, trước khi tôi được chui vô một chiếc Kaiten trở lại. Những ngày u ám của tôi bừng sáng khi tôi nhận được lịnh đến Otsujima để huấn luyện chung với những hoa tiêu được chỉ định tham dự "Hành Quân quyết định", tức cuộc tấn công tiềm thủy đỉnh và phi cơ qui mô nhắm vô hạm đội địch ở Okinawa. Sự chỉ định nầy khiến tôi sung sướng. Cuộc tấn công chỉ có một vài hoa tiêu Kaiten đi theo, bởi thiếu phương tiện chuyên chở. Tôi là một trong vài người may mắn đó. Tôi không biết những gì đang diễn tiến ở Đông Kinh, và cũng không biết những gì về kế hoạch phòng thủ vĩ đại. Tôi chỉ biết, và tất cả hoa tiêu Kaiten khác đều biết, chúng tôi vẫn còn chiến đấu, và sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng. Trước khi tôi rời Hikari đến Otsujima, một người bạn khác đã thiệt mạng trong khi huấn luyện. Hoa tiêu Kaiten thứ mười lăm đã chết bằng cách nầy. Đó là Thiếu úy Minoru Wada, đã từng ra đi một lần với tiềm thủy đỉnh I.363 trong toán Todoroki. Lần đi nầy, chiếc tàu hoạt động 31 ngày, nhìn thấy nhiều chiến hạm địch nhưng không nằm trong vị trí thuận lợi để tấn công nên phải mang 5 Kaiten trở về. Trong một buổi thực tập để thực hiện sứ mạng thứ hai, Kaiten của Wada đã đâm đầu xuống đáy vịnh Hirao. Tin buồn về cái chết nầy hầu như không gây được sự chú ý. Vào ngày đó, phi cơ Hoa Kỳ lướt ngang qua đầu chúng tôi trên đường tấn công Kure. Các chiến hạm đang buông neo, các cơ xưởng và nhà cửa ở đây thiệt hại nặng nề. Cuộc không tập nầy và một cuộc không tập nữa vào ngày 28 tháng Bảy, khiến công việc sửa chữa tiềm thủy đỉnh I.36 bị chậm trể.Ở Otsujima, chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện một hải vụ tấn công khác. Lần ra đi nầy, chúng tôi đoán chắc sẽ không có buổi lễ tiển đưa. Giai đoạn quá khó khăn, không có thời giờ trống để tổ chức những nghi thức cũ. Tôi đã có một hachimaki và một thanh đoản kiếm, buổi lễ không còn cần thiết đối với tôi. Tôi chỉ quan tâm một điều là được ra đi nữa. Lần nầy, tôi lập đi lập lại câu thề nguyền không trở về. Trong khi chúng tôi sẵn sàng lên đường thi hành sứ mạng, thì hai biến cố đã xảy ra tại Đông Kinh. Hai biến cố nầy gần đẩy quốc gia chúng tôi vô cảnh đổ vở triền miên. Hai phe tranh chấp có thế lực tìm mọi cách để thuyết phục Thiên Hoàng chấp nhận hai sự việc hoàn toàn trái ngược. Một phe muốn chiến tranh kết thúc bằng bất cứ giá nào, trước khi Nhật Bản bị tiêu diệt hoàn toàn. Họ lo sợ một cuộc nổi loạn của dân chúng đang chịu đựng cảnh thiếu thốn thức ăn đến mức độ khủng khiếp. Phe thứ hai muốn đánh nữa. Họ muốn đổi hàng trăm ngàn sinh mạng của người Nhựt để lấy hàng trăm ngàn sinh mạng của người Mỹ. Chết nhiều, họ nhấn mạnh, người Mỹ bắt buộc phải tìm kiếm hòa bình.

Phe chủ chiến nầy đã cổ võ dân chúng ở miền quê tự động võ trang bằng tầm vong vạt nhọn để chống lại quân nhảy dù địch. Họ dán nhiều khẩu hiệu Samurai trong các nhà ga và những nơi công cộng khác, đồng thời yêu cầu các cơ quan truyền thông và báo chí cổ võ lòng yêu nước của quần chúng. Nhưng phe chủ hòa đã đặt trước mặt Thiên Hoàng những sự thật mà Ngài chưa từng được biết đến. Chỉ riêng trên các hòn đảo quê hương, hơn 1 triệu dân lành đã bị sát hại bởi những cuộc oanh tạc khủng khiếp và các trận hỏa hoạn do bom đạn gây ra. Gần 9 triệu người không nhà, sống chui rút trong hang hóc và lều trại. Gần 5 triệu ngôi nhà bị san bằng bởi kẻ thù hoặc bị kép sập bởi nhân viên chữa cháy để chận đứng hỏa hoạn. Chỉ riêng thành phố Đông Kinh, ngay trước mắt các nhà lãnh đạo của chúng tôi, hai phần ba nhà cửa đã bị thiêu hủy. Sự phồn thịnh của quốc gia hầu như không còn nữa, các đội thương thuyền vĩ đại đã bị quét gần sạch, và Hải Quân chúng tôi chỉ còn lại hầy như con số không. Đa số dân cư lâm vào cảnh đói kém thực sự. Bom đạn đã san bằng nhà cửa, tước mất công ăn việc làm của họ, làm cho họ không còn mái nhà để che thân, không còn tiền của để đánh đổi thức ăn.Nhật Hoàng Hirohito đã nghỉ đến một cuộc dàn xếp với đối phương. Và việc nầy đã được Ngài quyết định ngay cả lúc tôi ra đi với toán Todoroki trên tiềm thủy đỉnh I.36. Rồi Ngài nắm chặt lấy quyết định nầy nhiều tuần lễ trước ngày 6 tháng Tám, "Ngày bình minh gấp đôi". Ngày đó, một trái bom nguyên tử đã được thả xuống Hiroshima, tạo thành một trái cầu lửa khủng khiếp, khiến cho những người chứng kiến đã nói rằng "Hiroshima nhìn thấy hai mặt trời mọc". Ba ngày sau đó, trái bom nguyên tử thứ nhì nổ ở Nagasaki. Cả hai đã gây nên sự tàn phá rộng lớn và mất mát sinh mạng đáng ghê sợ. Cả hai đã giúp thuyết phục "một việc không cần thuyết phục" rằng Nhật Bản không còn bất kỳ cơ hội nào để đạt chiến thắng. Tôi vẫn tiếp tục công việc tập luyện, lòng hân hoan với ý nghĩ sẽ được ra đi lần thứ tư không bao lâu nữa, và thêm một chút ít kiêu hãnh rằng tôi là kẻ được lái Kaiten nhiều hơn bất kì hoa tiêu nào khác. Tôi không nhận được tin tức bên ngoài, và thay vì quan tâm đến sự an nguy của gia đình, tôi luôn luôn nghĩ đến ngày khởi hành. Tôi không biết một chút gì về việc Thiên Hoàng thay đổi nội các, mà cũng không biết gì về những truyền đơn đe dọa sát hại nhóm người đang cố gắng giúp Thiên Hoàng tìm ra một kế hoạch đầu hàng có thể được Đồng Minh chấp nhận. Tôi cũng không nghe nói đến một âm mưu nắm giữ chánh quyền, nhằm "bảo vệ chánh quyến nầy cho Thiên Hoàng, người đang nhận sự cố vấn xấu của những kẻ phản quốc". Tôi cũng không biết hồi giữa đêm 9 tháng Tám, nhà lãnh đạo của chúng tôi đã nói với các cố vấn đầu não của ông rằng "thời gian để mang một sức nặng không thể mang nổi đã đến", rằng Nhật Bản phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện hơn là bị hủy diệt hoàn toàn. Ngài lắng nghe những lý luận trái ngược kéo dài bốn tiếng đồng hồ trước khi xử dụng uy quyền tối hậu của Ngài, khiến cho tất cả những người hiện diện phải đồng ý rằng đầu hàng là con đường duy nhứt để chọn.Vào ngày 11 tháng Tám, chánh phủ đưa ra một tuyên cáo khắp nước rằng chiến tranh phải được kết thúc. Tuyên cáo nầy không gây ảnh hưởng đến dân chúng mấy, nhưng gây ảnh hưởng mạnh cho Lục Quân Nhật Bản. Lục Quân của chúng tôi vẫn cố lèo lái chính sách của quốc gia, cho dù tướng Hideki Tojo đã rời bỏ quyền hành và không còn được trọng dụng nữa. Trong thời gian đó, Tướng Korechika Anami, Tổng Trưởng chiến tranh, cũng đã đưa ra lời kêu gọi với những danh từ mà dân chúng đã trở thành quen thuộc. Anami thúc giục dân chúng chuẩn bị chiến đấu quyết liệt với kẻ thù ngay trên mảnh đất quê hương. Ông viện dẫn gương phấn đấu của người xưa, và tin tưởng rằng cuối cùng đối phương sẽ phải rút lui. Ngày đó, chắc chắn các sĩ quan Lục Quân ở Đông Kinh đãn hoàn tất một kế hoạch "nắm lấy chánh quyền tạm thời". Mặc dù có lời kêu gọi của tướng Anami, họ đã tỏ ra lưỡng lự, ảnh hưởng bởi các tuyên cáo chánh thức của Nội Các. Nhưng sau đó, họ phấn chỉ trở lại khi một công điện truyền thanh của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Byrnes cho biết "kể từ giây phút đầu hàng", Thiên Hoàng của chúng tôi sẽ chịu mạng lịnh của Tổng Tư Lịnh Tối Cao Đồng Minh ở Thái Bình Dương. Những sĩ quan hung tợn nầy không thể để cho sự việc như vậy xảy ra một giây phút nào cả. Họ cho rằng việc nầy đã xâm phạm đến Kokutai, tức hệ thống quyền năng tuyệt đối của Thiên Hoàng. Quyền năng nầy không thể giao cho ai, ngoại trừ những vị thần. Họ cũng nói rằng "kunsoku no kan", "bọn tà ma đã kề cận ngai vàng", đồng thời họ viện dẫn lời của tướng Anami, người đã tuyên bố rằng quốc gia phải tiếp tục chiến đấu cho dù chúng ta bắt buộc phải ăn rau, gậm đá sạn, và ngủ trong rừng núi. Họ nói chỉ một tên phản quốc mới chấp nhận đầu hàng vô điều kiện của tuyên ngôn Postdam, khiến cho Thiên Hoàng của chúng tôi phải lệ thuộc kẻ thù, và họ hăm bắn bỏ những ai đồng ý với những tên "cố vấn tà ma" nầy.

Ở Otsujima, trong khi tôi vừa huấn luyện dưới nước vừa chờ đợi chiếc I.36 đến để mang chúng tôi tham dự vào cuộc "Hành Quân quyết định", ngày 13 tháng Tám, Thiên Hoàng triệu gọi Tướng Anami và Đô đốc Toyoda vô hoàng cung bệ kiến Ngài. Thiên Hoàng cho hai nhân vật nầy biết Nhật Bản sẽ phải chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng, bởi không thể chần chờ được nữa. Trong ngày hôm đó, tiềm thủy đỉnh Hoa Kỳ dám cả gan nả đạn lên quê hương chúng tôi, và các lực lượng địch mạnh đến nổi một trong những thủy phi cơ của họ đáp ngay trong Vịnh Đông Kinh để giải cứu một phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi.Tướng Anami và những người ủng hộ ông lý luận dong dài với sự tiếp sức của Đô đốc Toyoda, nhưng Thiên Hoàng không thay đổi ý kiến. Cuối cùng, bản dự thảo công bố đầu hàng được hoàn tất vào chiều ngày 14 tháng Tám và gần nửa đêm, vị lãnh đạo của chúng tôi bắt đầu đọc vô máy ghi âm. Cuộn băng ghi âm được cất khóa cẩn thận bên trong Hoàng Cung, chỉ hai người biết chổ, vì sợ những kẻ nổi loạn cướp lấy và ngăn chặn không cho truyền thanh công bố nầy.

Bọn Kichigai, "Cuồng tín", bắt đầu hành động. Chắc chắn Tướng Anami, hoặc một người thân cận với ông, đã nói sự công bố sắp xảy ra cho bọn nầy biết. Các sĩ quan Lục Quân trẻ tuổi hạ sát Đại tướng Takeshi Mori, Tư Lịnh Sư Đoàn Vệ binh Hoàng gia, lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ hoàng thành, khi ông này từ chối tham gia cuộc nổi loạn của họ. Kế đó, họ ngụy tạo mạng lịnh của ông, điều động vệ binh chiếm giữ tất cả cổng thành, không cho ai vô ra. Bọn sĩ quan nầy định làm những gì mà người khác đã làm trong lịch sử Nhật Bản, quản thúc Hoàng tộc, rồi sau đó sẽ "trao trả" quốc gia lại cho Thiên Hoàng, khi mọi việc đã ổn định theo đường lối của nhóm nổi loạn. Sau đó, họ lục lạo hoàng cung, tìm kiếm cuộn băng ghi âm. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã tiếp tay phá hỏng kế hoạch nầy. Những hồi còi báo động không tập Đông Kinh đòi hòi tất cả đèn đóm phải tắt hết. Hoàng cung chìm trong bóng đêm, bọn nổi loạn chỉ có thể dùng đèn pin, nên cuộc tìm kiếm nầy trở nên chậm chạp. Cho mãi đến bình minh, bọn nầy vẫn chưa tìm ra cuộn băng. Không lâu sau đó, Đại tướng Shizuchi Tanaka, Tư Lịnh Quân Đoàn Lục Quân Miền Đông, tiến đến các cổng thành. Lực lượng của ông có trách nhiệm bảo vệ thành phố Đông Kinh. Ông từ chối tham gia cuộc nổi loạn và sở dĩ ông đưa quân đến đây là để dẹp loạn. Suốt ba tiếng đồng hồ, bằng những lời lẽ lôi cuốn, ông đã thuyết phục được lực lượng Vệ Binh tin rằng mạng lịnh của tướng Mori là ngụy tạo. Ở thời gian đó, ba trong số các sĩ quan nổi loạn tự sát ngay trước mắt tướng Tanaka. Một tuần sau, ông cũng tự sát, lúc sự đe dọa mạng sống của Thiên Hoàng không còn nữa, vì ông nhận lấy trách nhiệm không chận đứng được cuộc nổi loạn từ đầu.Tuy nhiên, ở căn cứ không quân của Hải Quân Atsugi , còn một bọn kichigai nữa. Đó là các phi công hải quân được cầm đầu bởi viên chỉ huy trưởng căn cứ, Đại tá Ozono. Viên Đại tá nầy cũng nghe phong phanh công bố đầu hàng sắp sửa đưa ra. Ông ta lập tức cắt đặt 50 binh sĩ canh gác cơ sở truyền tinh của căn cứ và bắt đầu gởi công điện vô tuyến cho các chiến hạm và các căn cứ Hải Quân khác, van xin mọi người không nên đầu hàng. Ông ta nói rằng mọi phi cơ và phi công ở Atsugi sẽ tiếp tục chiến đấu cho đến chết. Tuy nhiên, lúc 7 giờ sáng ngày 15 tháng Tám, cả nước choáng váng với một tin tức lạ lùng. Lần đầu tiên trong lịch sử của Nhật Bản, Thiên Hoàng sẽ lên tiếng trên đài phát thanh Đông Kinh lúc 12 giờ trưa cùng ngày. Tôi biết tin nầy lúc đang kiểm soát Kaiten của tôi để tham dự một buổi thực tập dưới nước. Sĩ quan chỉ huy đình chỉ công việc. Mọi người tụ họp gần các loa phóng thanh để nghe coi Thiên Hoàng nói những gì. Đúng Ngọ, tiếng nói của Ngài cất lên. Những điều khoản của Tuyên Ngôn Postdam đã được chấp nhận. Toàn dân phải duy trì trật tự và hành động một cách danh dự. Vì sự tồn tại của quốc gia, tất cả hãy chuẩn bị để chịu đựng những có thể xảy ra. Chúng tôi vẫn há hốc miệng khi tiếng nói chấm dứt. Chiến tranh kết thúc thật sao? Chúng tôi đã thua trận rồi? Mọi thứ đều xong? Tất cả những nổ lực của chúng tôi, tất cả những mạng sống đã mất mát đều vô ích hết hay sao? Những người bạn thân của tôi, Furukawa, Ikebuchi, Maeda, Yamaguchi và bao nhiêu nấm xương chôn vùi dưới đại dương hoang phí hết sao? Các hoa tiêu Kaiten chúng tôi đều biết diễn tiến cuộc chiến không thuận lợi, nhưng chưa bao giờ chúng tôi nghĩ rằng cuộc chiến đã "khánh tận" đến nỗi Nhật Bản phải cho phép bình sĩ ngoại quốc đặt chân lên đất nước của chúng tôi. Đối với những kẻ đã tự nguyện hiến dâng mạng sống cho xứ sở từ lâu, như chúng tôi, chúng tôi khó có thể chấp nhận sự thật một cách đơn giản rằng Thiên Hoàng vừa ra lịnh cho chúng tôi phải sống. Căn cứ lâm vào hoàn cảnh rối rắm hoàn toàn. Không ai biết nói gì, làm gì. Hàng mấy chục Kaiten đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng công điện gởi đến bắt chúng tôi phải đình chỉ xử dụng. Chúng tôi làm gì bây giờ? Đó là đề tài bàn tán chánh yếu trong suốt buổi chiều. Trước thời gian lời công bố của Thiên Hoàng loan đi trên đài phát thanh, tinh thần chiến đấu đầy ấp trong chúng tôi. Hiện tại, chúng tôi mang tâm trạng bối rối. Chiều ngày đó, Đại úy Yuasa, đương kiêm Chỉ huy phó Otsujima, tập hợp tất cả hoa tiêu Kaiten quanh ông. Ông nói:"Hình như có một cái gì không ổn về công bố của Thiên Hoàng. Chúng tôi có nhận được tin tức cho biết cuộc đầu hàng là do sự chọn lựa của chính Thiên Hoàng, đồng thời chúng tôi cũng nhận được tin tức cho biết việc nầy không phải do ý kiến riêng của Ngài, nhưng do sự bày mưu lập kế của những kẻ phản quốc. Sự thật ra sao, chúng tôi không biết, do đó tất cả sẽ tiếp tục chờ đợi. Chúng ta sẽ không hành động theo lời công bố vừa rồi. Những căn cứ Kaiten vẫn hoạt động đều đặn như trước đây, cho đến khi chúng ta nhận được một lịnh chánh thức của Tổng Tư Lịnh Hạm Đội Hỗn Hợp Hoàng gia. Ông là người thay mặt Thiên Hoàng ban lịnh cho chúng ta. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được mạng lịnh nào của ông.""Banzai!"Mọi người cất tiếng hoan hô. Đó là những gì mà chúng tôi muốn nghe. Nó nâng cao tinh thần của chúng tôi trở lại. Trong khi các sĩ quan Lục Quân ở Đông Kinh rút vô những đồi núi gần thành phố và phi cơ Hải Quân cất cánh từ Atsugi rãi truyền đơn trên các đô thị ở Honshu thúc giục mọi người không chấp nhận đầu hàng, chúng tôi tiếp tục công việc huấn luyện. Chúng tôi không biết việc Phó Đô đốc Ugaki cầm đầu một phi vụ Thần Phong hướng về Okinawa. Chúng tôi cũng không biết việc Phó Đô đốc Takijizo Onishi, cha đẻ của các phi đội Thần Phong, và Đại Tướng Anami đã mổ bụng tự sát.

Ngày hôm sau, 16 tháng 8, tôi được phóng thực tập từ một ngư lôi đĩnh. Ngày hôm đó cũng giống những ngày hôm trước, ngoại trừ các câu chuyện bàn tán nhuốm màu tuyệt vọng. Một số hoa tiêu Kaiten ở trên bãi đang nhận các chỉ thị, một số khác, đang lo điều chỉnh và kiểm soát lại vũ khí trên ụ nổi. Thêm vào đó là các ngư lôi đĩnh hổ trợ công việc thực tập, với các sĩ quan quan sát trên boong như thường lệ. Ngày đó, I.363 và I.367 đã trở lại từ chuyên đi vô hiệu quả. Hải xuất Kaiten cuối cùng do tiềm thủy đỉnh I.159 thực hiện, hạm trưởng là Đại úy Takesuke Tekeyama. Chiếc tàu khởi hành từ Hirao, mang hai hoa tiêu, Thiếu úy Masashi Saito và Trung sĩ Shinzo Imada, cả hai đều chưa ra đi lần nào. Đại úy Tekeyama cho tàu chạy về phía Tây và rời khỏi Nội Hải qua ngõ eo biển Shimonoseki. Eo biển Bungo đã bị địch quân phong tỏa. I.159 sẽ nằm chờ bên ngoài biển Nhật Bản. Ngày Takeyama ra đi, một hoa tiêu Kaiten đã thiệt mạng trong lúc không phải thi hành sứ mạng. Trung úy Hiroshi Hashiguchi tin rằng đời sống sẽ không còn ý nghĩa gì nữa nếu chiến tranh kết thúc trong sự chiến bại của Nhật Bản. Ông tự sát bằng súng lục. Ngày 17 tháng Tám, vẫn còn nôn nóng được chiến đấu, tôi lại tham dự một buổi thực tập khác. Tối đó có một buổi hội thảo, và những người thờ ơ, chểnh mảng với nhiệm vụ trong giai đoạn đầy khủng hoảng nầy đã bị chỉ trích nặng nề.Tiềm thủy đỉnh I.36 được cho biết sẽ đến và chở chúng tôi tham dự cuộc "Hành Quân quyết định", tấn công Okinawa vào ngày 20 tháng Tám. Tuy nhiên, thay vì chiếc tàu,Đề Đốc Mitsuru Nagai, Tư Lịnh Đệ Lục hạm đội, từ Kure đến thăm viếng chúng tôi. Tất cả thủy thủ được tập hợp phía trước Bộ Chỉ Huy để nghe ông nói chuyện. Ông nói:

"Tin tức mà các anh nhận được ba ngày qua là sự thật. Nhật Bản đã đầu hàng vô điều kiện. Các đại biểu của chính phủ chúng ta đang trên đường đến Phi Luật Tân. Ở đó, họ sẽ nhận được các chỉ thị để chuẩn bị cho các lực lượng Anh, Mỹ đổ bộ lên quê hương chúng ta. Thiên Hoàng mong muốn tất cả các bạn hãy buông võ khí. Tôi đích thân đến đây để chánh thức trao lịnh nầy cho các bạn."

Trong hàng ngũ bắt đầu xì xào bàn tán. Nhiều người hét lớn: "Không bao giờ!". Nhiều người rập theo: "Không đầu hàng!" và một số khác la lớn khẩu hiệu: "Một trăm triệu người Nhựt chết trong danh dự!".

Đề Đốc Nagai đỏ mặt tía tai khi tiếng ồn ào càng lúc cáng gia tăng. Ông không hài lòng. Ông giơ cả hai tay lên, và khi tiếng ồn ào lắng xuống, ông nói lớn:

"Đó là mong muốn của Thiên Hoàng. Các bạn nghĩ rằng các bạn có thể không tuân mạng lịnh của Thiên Hoàng, và giữ vững được xứ sở trong giây lát được sao?"

Ông ngừng lại, đủ thời giờ cho câu nói thấm thía trong đầu óc của chúng tôi. Ông nhìn quanh một hồi lâu, nhìn thẳng vô đôi mắt của nhiều người để dò xét hiệu quả của câu nói vừa rồi. Ông tiếp tục, giọng đầy thuyết phục:

"Hãy nhìn Đức quốc! Xứ nầy đã từng chiến bại trước đây, và sau đó phục hồi năng lực mạnh mẻ hơn bao giờ hết. Sự phục hồi nầy sẽ được nhìn thấy ở Đức Quốc một lần nữa. Nhật Bản cũng sẽ như vậy, tôi có thể nói với các bạn, mạnh mẻ hơn bao giờ hết!"

Câu cuối cùng nầy, giọng ông trở nên đanh thép, đúng là cái giọng mà ông đã từng xử dụng trên các chiến hạm dưới quyền chỉ huy của ông. Ông không cần phải cố gắng thuyết phục hơn nữa, ông ban lịnh và người nhận phải thi hành. Ông tiếp:

"Các bạn sẽ rời khỏi đây ngay khi các bạn đã chuẩn bị hành trang xong. Nhưng hãy nhớ, các bạn vẫn còn là những người của Hải Quân Hoàng gia. Các bạn phải luôn luôn duy trì tư thế của mình. Các bạn sẽ được về nhà nghỉ phép vô hạn định. Có thể một ngày nào đó, các bạn sẽ được gọi tái ngũ. Hãy chờ ngày đó! Cám ơn tất cả các bạn về những gì các bạn đã làm. Chúc các bạn may mắn, xin từ biệt!"

Đô đốc Nagai bước xuống bục gỗ. Giây lát sau ông rời khỏi căn cứ. Đó là ngày thứ ba sau công bố đầu hàng loan đi từ Đông Kinh, mặc dù chúng tôi quyết tâm tập tành như trước đây, nhưng có nhiều người vẫn bàn tán về buổi công bố trên đài phát thanh của Thiên Hoàng. Một số trong nhóm người nầy trước khi nhập ngũ nguyên là sinh viên, họ cho rằng họ phải chấp nhận một sự việc không thể nào tránh được. "Shikata ga nai!", họ nói, như dân chúng Nhựt thường nói sau một thiên tai và thảm họa khác. "Đành phải chịu vậy!". Họ lý luận rằng không một ai dám khuyên nhà lãnh đạo của chúng tôi đầu hàng, nếu họ xét thấy đầu hàng không cần thiết cho sự tồn tại và lớn mạnh của xứ sở chúng tôi sau nầy. Nhưng chúng tôi cũng như một số người khác, những hoa tiêu Kaiten đàn anh của nhóm sĩ quan nguyên là sinh viên nầy, chúng tôi không bao giờ nghe những câu nói như vậy. Chúng tôi đã từng ra đi. Chúng tôi đã từng chứng kiến đồng đội gục ngã. Chúng tôi cảm thấy đầu hàng là một sự phản bội những đồng đội nầy. Khi các phi cơ bay trên căn cứ và thả truyền đơn không đầu hàng xuống, chúng tôi nhặt lên đọc và nghĩ không phải ai ai cũng bỏ cuộc. Nếu không có tiềm thủy đỉnh đến chở chúng tôi đi, chúng tôi sẽ đưa các Kaiten ra một vài vịnh nhỏ để chờ đợi địch quân. Tuy nhiên, việc này chỉ dự tính trước khi Đề Đốc Nagai, vị chỉ huy thân yêu và khả kính của chúng tôi ngõ lời. Cơn sốt của chúng tôi hạ xuống. Ảnh hưởng của ông mạnh mẽ đến nỗi có một số người đi ngay vô doanh trại, thu xếp hành trang và bước ra khỏi căn cứ ngay khi đêm xuống.

Tôi vẫn ở Otsujima. Tôi không đi đâu hết. Hình như không có một nơi nào để tôi đi. Tôi đã tự giam mình trong đất chết. Bây giờ làm sao tôi có thể chui ra, và bước vô vùng đất sống. Linh hồn của tôi đã đến đó trước, nó không còn thuộc về thể xác của tôi nữa. Tôi sẽ tuân lịnh Đề Đốc Nagai, rời bỏ Kaiten của tôi, nhưng làm sao tôi có thể rời bỏ ước muốn tiếp tục với những người đa từng quen biết thân cận với tôi.

I.159 từ biển Nhật Bản trở về cùng ngày Đề Đốc Nagai nói chuyện với chúng tôi không phóng một Kaiten nào. Chiến tranh đã thật sự chấm dứt rồi. Thủy thủ dọn dẹp các Kaiten trên tàu hoặc rút hết nhiên liệu ra. Đầu đạn được vô hiệu hóa hoặc tháo gở. Ở nhiều nơi khác, binh sĩ Nhựt bắn lũng các thùng chứa xăng của các xe thiết giáp, hoặc tìm cách gở cánh quạt phi cơ. Giới chỉ huy cao cấp tìm mọi cách ngăn chặn những hành động chống lại quân đội Mĩ có thể khiến cho chiến tranh tái diễn.

Với sự trở về của tiềm thủy đỉnh I.159, chương trình Kaiten kể như kết thúc. Chương trình nầy đã làm cho 80 hoa tiêu Kaiten thiệt mạng trong khi thi hành nhiệm vụ. Mười lăm hoa tiêu Kaiten thiệt mạng do tai nạn huấn luyện. Tám tiềm thủy đỉnh I.37, I.44, I.48, I.56, I.65, I.361, I.168 và I.370 đã bị đánh chìm trong khi lùng địch, bao gồm toàn thể thủy thủ đoàn hơn 600 người. Đổi lại sự thiệt hại nầy, Đệ Lục hạm đội ước đoán chúng tôi đã hạ khoảng từ 40 đến 50 tàu địch, gồm có một tuần dương hạm lớp Leander của Anh Quốc. Thêm nhiều người nữa rời khỏi Otsujima. Tôi vẫn ở lại, lơ lửng giữa sự chết và sự sống. Tôi đã chuẩn bị hủy diệt mạng sống kỹ càng đến nỗi hiện thời tôi không biết làm gì khác hơn. Một số bạn bè tôi đã đạt được mục đích của sự chuẩn bị, còn tôi thì chưa. Bây giờ họ đang đứng trước cổng đền Yasukuni, chờ đợi để cùng tôi bước vô bên trong. Nhưng mà chiến tranh đã hết rồi, và tôi không có quyền bước vô nơi linh thiêng đó nữa. Tôi cảm thấy khổ sở, và nghĩ đến việc tự sát. Nhưng, mạng sống của tôi giá trị bằng một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, tôi tự nhắc nhở, làm sao tôi có thể giao nộp nó cho một viên đạn nhỏ bé được. Tôi không muốn trở về Đông Kinh. Tôi nghe nói hiện thời thành phố nầy hoang tàn đổ nát. Tôi chịu đựng nổi, nhưng không thể nhìn thấy kẻ khác chịu đựng. Linh hồn của tôi như trong cơn hấp hối, do đó, tôi ở lại Otsujima không làm gì khác hơn là nằm dài hai tuần lễ. Tôi nghiền ngẫm lịnh của Thiên Hoàng ban ra cho quân nhân các cấp sau công bố đầu hàng. Theo đó, Người muốn chúng tôi khắc phục được nỗi gian nguy, chịu đựng, muôn vàn khốn khó. Việc nầy không thể làm nỗi. Mặc dù tôi quyết định không tìm cái chết, nhưng tôi không thể nào bước trở vô đời sống một cách hăm hở được. Tôi trở thành một kẻ vô hồn, nằm chờ tương lai đến. Tôi cảm thấy giống như một cây bonsai, loại cây kiểng không bao giờ lớn, ngoại trừ thiên niên của nó. Nhưng giai đoạn bất động nầy chấm dứt không lâu sau đó. Vào ngày 2 tháng Chín, trên thiết giáp hạm Missouri của Hoa Kỳ buông neo trong Vịnh Đông Kinh, văn kiện đầu hàng chánh thức được ký kết lúc 9 giờ sáng. Lực lượng Mỹ đến chiếm đóng tất cả căn cứ của Lục Quân và Hải Quân. Chúng tôi, những người vẫn còn nằm ngủ trong các doanh trại, chúng tôi được lịnh phải ra đi.

Tôi làm gì bây giờ, câu hỏi nầy quanh quẩn trong đầu tôi, và cuối cùng tôi quyết định "hỏi chuyện" mấy người bạn của tôi, gia đình Harada. Tôi đi Hikari, bước vô cửa nhà họ với một chiếc valy trên tay.

"Mừng gặp lại anh, Yokota san!"Người con gái của gia đình vừa nói vừa giơ tay đở chiếc va ly của tôi. Gương mặt vui tươi ấy đã cho tôi niềm hạnh phúc đầu tiên mà từ lâu tôi không biết. Cô thiếu nữ xinh đẹp nầy lấy làm hân hoan khi thấy tôi vẫn còn sống sót. Tôi giải thích cặn kẻ tình cảnh của tôi cho nàng biết, tuy rằng vấp phải nhiều khó khăn trong việc lựa lời. Tôi nói nàng rằng tôi không còn nơi nào để ở, và tôi không muốn trở về Đông Kinh, tôi không còn thiết sống ở đó nữa, và hiện thời bạn bè của tôi đã ra đi hết rồi. Nàng nói, bằng một giọng đầy thông cảm mà tôi hy vọng rằng má tôi còn sống bà cũng sẽ được như vậy:

"Hãy ở đây! Anh muốn ở bao lâu cũng được. Ở đây cho đến khi nào anh mong ước làm một việc gì đó!"Tôi bước vô nhà. Ở đó suốt tháng Chín, khi những kẻ nổi loạn bị nhà cầm quyền Nhật Bản kết án và tống vô nhà giam vì tôi không tuân lịnh Thiên Hoàng. Tôi vẫn ở đó khi mùa Đông đến, viết vài lá thơ trong tháng 10 và 11 cho gia đình, nhưng không nhận được hồi đáp. Tôi không hiểu những người thân còn ở chốn cũ hay không, chết sống ra sao. Tôi càng lúc càng chìm sâu vô nỗi tăm tối, u sầu. Tôi cũng không có gắng tìm việc làm để có tiền trả tiền ăn cho gia đình Harada. Tôi không muốn bước chân ra khỏi nhà họ vì sợ gặp kẻ thù. Không phải tôi oán ghét bọn chiếm đóng, nhưng tôi không thể chịu đựng nổi khi phải đối diện với những người đã đánh bại xứ sở tôi. Sau đó, tôi nhận được thơ của chị Chiyoe. Cả gia đình tôi đã tản cư đến một vùng gần núi Phú Sĩ, nhưng vợ chồng chị Chiyoe của tôi vừa trở về Đông Kinh. Mọi người đều khỏe mạnh, tuy rằng bửa đói bửa no. Tôi sắp xếp va ly, cảm ơn gia đình Harada về sự rộng lượng của họ và leo lên xe lửa đi Đông Kinh. Đến kinh đô, một hình ảnh khiến tôi khiếp hải. Trên các đường phố, ăn mày đầy dẫy. Tim tôi chùng xuống. Đó là hình ảnh bi thảm còn bi thảm hơn những người bu quanh nhặt thịt thừa trên xương thú vật vứt bỏ. Nước Nhựt đã lụn bại biết bao! Trước chiến tranh xứ tôi không có một người ăn mày! Đường phố của Nhật Bản không giống mấy đường phố của Trung Hoa và Ấn Độ. Đường phố Nhật Bản không có ăn mày. Ăn mày là một việc đáng xấu hổ đối với dân tộc chúng tôi. Ngay cả những nhà sư đi khất thực, vì những mục đích có tánh cách tôn giáo, cũng đội một cái rỗ đặt biệt trên đầu để che dấu mặt mày của họ. Nhưng, hình ảnh trước mắt tôi là do tình thế gây nên. Nhiều người mất mát kẻ nương tựa, chở che, đành phải đi ăn xin, hoặc chết đói.

Tôi đến nhà chị Chiyoe, và tìm thấy tình yêu mến của người chị. Khi biết sự thật về những gì tôi đã làm trong mấy tháng vừa qua, chị tôi xúc động. Gia đình tôi vẫn đinh ninh tôi lái phi cơ. Tuy nhiên, khi tôi nói thêm về những người bạn và mục đích việc làm của chúng tôi, chị tôi bắt đầu thông cảm. Chị để tôi sống trong thế giới của riêng tôi. Một lần nữa, tôi lại trở thành kẻ ăn bám, hết nằm lại ngồi, không làm một việc gì cả, từ chối bước chân ra khỏi cửa, rút vô thế giới vẫn vơ của nỗi chết.

Tình trạng nầy kéo dài một tháng. Thế rồi, vào tháng Giêng năm 1946, một lá thơ đến từ Mitsuo Takahashi, một hoa tiêu Kaiten khác. Nguyên hắn chào đời bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, không phải trên các hòn đảo chánh, do đó, nhà cầm quyền Đồng Minh không cho phép hắn bước chân lên mảnh đất quê hương. Takahashi bắt buộc phải cư trú và tìm việc làm ở Hikari. Hòn đảo sanh quán của hắn cũng như một số khu vực khác bị tách rời khỏi lãnh thổ Nhật Bản. Trong thơ hắn viết:

"Yokota thân mến! Tôi muốn nói với anh một việc, có lẽ hữu ích cho anh, bởi vì tôi đã biết cảm nghỉ của anh lúc chiến tranh chấm dứt ra sao, và khi anh ở gia đình của Harada như thế nào."

Bức thơ rất dài. Takahashi kể chuyện về Đề Đốc Nagai. Theo đó, ông đã lấy làm lo lắng cho các hoa tiêu Kaiten, những kẻ hình như không còn thiết sống nữa. Tình nguyện trở thành những thủy lôi người, họ đã phủ nhận thế giới chung quanh. Giống như tôi, tôi không thể tái hồi với thế giới đó nữa. Vì vậy, Đề Đốc nghỉ ra một kế hoạch sinh sống cho số người nầy. Ông đang thành lập một nhóm nông dân. Ông có một mảnh đất và một số tiền. Tất cả hoa tiêu Kaiten muốn sống ẩn dật, Takahashi nói, có thể đến Hikari để gia nhập vô nhóm nông dân nầy.

Tôi trả lời bức thơ của Takahashi lập tức: "Tôi mong muốn như vậy, mặc dù tôi không biết gì về nghề nông." Khi viết thơ, tôi luôn luôn thầm nhủ, đây là giải pháp cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan của tôi. Tôi sẽ không phải sống dở chết dở như thế nầy. Tôi viết: "Tôi nghĩ, tôi có thể trở thành một nông dân nếu cố gắng, Mitsuo. Tôi sẽ đến ngay."Lòng đầy hân hoan, tôi thu xếp va ly một lần nữa. Chị Chiyoe, anh rễ tôi, và một số bạn bè của họ cố thuyết phục tôi không nên đi, nhưng tôi không nghe và đáp ngay một chuyến xe lửa trở lại Hikari. Ở đây, tôi mới biết người cầm đầu nhóm người nông dân nầy là Đại úy Shingo Takahashi, nguyên chỉ huy phó đơn vị tiềm thủy đỉnh bỏ túi tham gia cuộc tấn công Trân Châu Cảng bốn năm trước đây. Shingo Takahashi quê ở Hiroshima, và là một kẻ gặp hoàn cảnh đau khổ nhứt. Sau khi nghe lịnh ngưng chiến đấu của Đề Đốc Nagai, trong tình trạng xuống tinh thần trầm trọng, ông quay ngay về thành phố sinh quán và biết được ba của ông, một giáo sư đại học, đã bị chôn vùi dưới trái bom nguyên tử thả xuống vào ngày mồng 6 tháng Tám. Nhà cửa của ông cũng biến mất. Trong khi cố gắng khuyên giải viên sĩ quan cô độc nầy. Nagai nẩy sanh ý kiến thành lập nhóm nông dân vừa nói.

Ở Hikari, tôi cũng biết một cảm tình viên của chương trình nầy. Đó là Kichinosuke Nakao, một nhà thầu xây dựng. Ông Nakao tặng một số tiền lớn để mua đất, đồng thời cung cấp một số nông cụ. Nông trại chiếm khoảng 25 mẫu Anh nằm bên ngoài ngôi làng Mitsuomura cách Tokuyama 20 dặm, một thành phố không xa Otsujima lắm. Viên xã trưởng ở đây hiểu rõ hoàn cảnh của chúng tôi, nên đã hợp tác trong việc mua bán mảnh đất nầy. Nhóm chúng tôi gồm 11 người, sáu hoa tiêu tiềm thủy đỉnh bỏ túi và năm hoa tiêu Kaiten. Chúng tôi tìm cách khai thác mảnh đất theo ước muốn của các ân nhân, và trong một đôi ngày, chúng tôi biết nơi đây thích hợp với chúng tôi. Chúng tôi độc lập, sống tách rời với thế giới bên ngoài. Chúng tôi bắt đầu gieo trồng một số hoa màu như lúa mì, lúa mạch, khoai tây, khoai lang và nhiều loại rau cải khác. Chúng tôi chăm sóc, gặt hái hoa màu, và đem bán, tránh tiếp xúc với những người khác càng nhiều càng tốt. Nhiều tháng làm việc khó nhọc, mồ hôi đổ ra, đã luyện lọc tôi. Thân thể tôi trở nên cường tráng, và đám mây đen lơ lửng trên đầu tôi tan biến hẳn. Chúng tôi cảm thấy như những nhà tu hành. Trong khi các tội phạm chiến tranh bị xét xử, tống giam hoặc treo cổ, chúng tôi miệt mài với công việc đồng áng, thế giới chung quanh trở thành hư không. Thu qua rồi Đông đến, sự mãn nguyện của tôi càng gia tăng. Tôi cảm thấy hoàn toàn thỏa ý để tiêu diệt hết quảng đời còn lại của tôi như thế nầy. Tâm sự thanh thản, giòng đời trôi lơ lững, không một sự phá rầy nào đến từ bên ngoài. Thế rồi, gần cuối năm 1946, một lá thơ đền từ một hoa tiêu Kaiten khác, một cư dân ở Đông Kinh. Hắn ta lập tức rời khỏi Otsujima để trở về nhà ngay sau buổi nói chuyện của Đề Đốc Nagai. Hắn viết:

"Trở về đây, tiếp tục công việc học hành dang dở của tôi, thật là một tuyệt thú, Yokota. Nhà cầm quyền chiếm đóng Đồng Minh đã hoàn tất công cuộc điều tra. Họ không còn phá rầy ai nữa, như anh chẳng hạn, không sợ gặp rắc rối. Tôi rất hạnh phúc, và hy vọng rằng anh cũng hạnh phúc như tôi. Đời sống học đường vẫn vui tươi như ngày tôi bỏ dỡ con đường học vấn để bước vô hải quân."Rồi bức thơ đổi giọng trách cứ: "Tại sao anh không từ bỏ ý tưởng kỳ hoặc của anh. Yokota? Anh không thể sống tách rời hẳn với cuộc sống như một người đã chết. Anh phải trở lại mảnh đất sống. Cuộc đời trước mặt anh còn xa thăm thẳm. Những gì đã qua, đều đã qua hẳn rồi. Anh không thể tự giam mình trong sự cô độc một cách ngu dại. Anh phải tạo ra một cái gì cho nhiều năm đang nằm trước mắt anh, do đó, anh có thể giúp Nhật Bản phục hồi sau cuộc chiến bại nầy. Học hỏi, đó là sự cần thiết trên phương diện nầy. Đó là bước đầu tiên để tiến đến thành công. Đã một lần anh mong muốn được chết cho xứ sở. Bây giờ anh có muốn cố gắng học hỏi và làm việc để tái thiết xứ sở nầy hay không? Hãy trở về nhà, và quày lại ngưởng cửa học đường."Tôi đọc bức thơ người lần và ngẫm đi xét lại. Những người bạn nông dân khác của tôi cũng nhận được thơ, một số có lẽ cũng mang nội dung như bức thơ nầy. Giữa tháng Giêng năm 1947, con số 11 người chúng tôi giảm xuống còn phân nửa. Năm người đã ra đi, tạo đời sống mới. Tôi lại ngẫm nghĩ, lại suy xét bức thơ, khiến cho tôi mang cảm giác giống như được trở lại Hikari một lần nữa, chờ đợi ngày lên đường thi hành một sứ mạng Kaiten. Những ngờ vực cũ càng bắt đầu sống dậy trong tôi. Tôi luôn luôn tự hỏi: công việc đồng án nầy có phải là ước muốn thành thật của tôi hay không? Thật sự tôi muốn làm gì? Tôi muốn chôn vùi đời tôi mãi mãi ở đây không?Ba tháng sau khi nhận được bức thơ của người bạn, tôi đã nhìn thấu tâm hồn tôi và tìm ra câu giải đáp. Tôi gói ghém hành trang, từ biệt mọi người và đi ra nhà ga Đầu tháng Tư năm 1947, tôi ghi tên vô học Đại Học Kanagawa ở Yokohama. Tôi quyết tâm, như triệu triệu đồng bào tôi, xây dựng một đời sống mới.Gần hai mươi tháng sau khi chiến tranh kết thúc đối với Thiên Hoàng, chiến tranh mới thực sự kết thúc đối với Yukuta Yokota.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro