Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ca sĩ quán bar Tiện x Nam sinh trung học Trừng

------- Giang Trừng gặp được Ngụy Anh vào một buổi đêm, người kia mãi thuộc về đêm tối, cả cuộc đời chỉ có một lần trông thấy ánh bình minh.

Cả gia đình Giang Trừng chuyển đến Hàng Châu là chuyện từ năm 1997, lâu đến mức cậu đã không nhớ nổi cảnh tượng lúc đó nữa rồi. Năm ấy, Tây Hồ còn phải đợi đến sau 5 năm nữa mới bắt đầu mở cửa miễn phí tham quan, Hàng Châu vẫn còn là một thành thị nhỏ, tuy nói vào thời điểm đó có lẽ cũng không phải quá nhỏ, song tuyệt đối chưa thể coi là chốn đô hội phồn hoa. Gia đình họ từ Tứ Xuyên núi non trập trùng dọn đến đây, một thành phố gần biển đến như vậy, mà cho đến tận năm 2007, Giang Trừng mới được nhìn thấy biển một lần.

Người Hàng Châu không có tư tưởng bài xích người ngoài, nhưng Giang Trừng lại rất ít khi nói mình đến từ Tứ Xuyên, cậu không thích bày đặt ra vẻ, nói mình vốn là thế này thế nọ thế kia, cậu không biết chơi mạt chược, không ăn được cay, nói được giọng phổ thông Giang Nam tiêu chuẩn, ngoại trừ cốt cách quật cường như người đến từ vùng Tây Nam ấy, thành thật mà nói, so với người vùng Giang Chiết gần như chẳng có gì khác nhau.

Khi ấy nhà cậu sống ở cạnh trường học, nơi đó không lớn lắm, cũng chỉ cần chạy dọc chạy ngang ba con phố, tập trung hết trường tiểu học, sơ trung, cao trung và cả một trường đại học đang trong quy hoạch nữa.



Giang Trừng từng đi tàu hỏa một lần, vào kỳ nghỉ hè năm lớp 5, nghe bảo vì bà nội mất, cậu nghe ba mẹ ở trong phòng cãi cọ đến nửa đêm, ồn ào đến mức cậu phải chui ra khỏi chăn chạy vào trong phòng chị gái, chảy nước mắt mà hỏi "Ba mẹ sẽ không ly hôn chứ?", từ 'ly hôn' này cậu mới vừa học được, phụ huynh của người bạn ngồi cùng bàn với cậu thời gian trước mới vừa ly hôn, nghe nói ba của cậu ấy đã tìm được một bà dì rất đẹp.

Nơi này lớn đến mức nào chứ, lời đồn liền cứ thế truyền đi trong phố thôi. Thứ thuộc về bản chất của cái thành phố xinh đẹp này chính là lời đồn, mà đồn đại cũng không hẳn toàn bộ đều là giả, bóc tách ra mà xem, có vài điều chân thật cũng nằm trong số những lời đồn ấy, giống như loài trai xấu xí lại cất giấu trong lòng một hạt trân châu vậy. Thành phố này cũng là một hạt trân châu, mà lời đồn - trái tim của nó, kỳ thực lại là một hạt cát xù xì thô kệch.

Đêm hôm đó, chị cậu đã nói rằng, không đâu, chúng ta vĩnh viễn là người một nhà, vĩnh viễn.

Một từ vĩnh viễn ấy về sau còn được nói rất nhiều lần, một lần lại một lần lặp lại, cứ như thần chú của thầy phù thủy, quẩn quanh trong tâm trí Giang Trừng, rồi lại theo cậu đi vào giấc mộng hồi hồi vang lên, giống như những mũi tên vùn vụt bắn tới, từng mũi một thẳng tắp cắm phập vào tim.

Ngày hôm sau cả nhà ngồi trên con tàu màu xanh về lại Tứ Xuyên, cái mảnh đất mà người ta suốt đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời, rồi họ lại đón thêm một chuyến xe đường dài nữa. Chiếc xe di chuyển lúc lên lúc xuống quanh co trong núi, trong trí nhớ của Giang Trừng nào đã gặp qua ngọn núi nào hiểm trở thế này đâu, xe bọn họ hết lên lại xuống, mà lại cứ như đi mãi chẳng ra được, tài xế thì bẻ cua rất gắt, về sau Giang Trừng mới tìm được một cụm từ cực kỳ phù hợp để hình dung về chuyến xe mình đã đi - 'tàu lượn siêu tốc', rồi khi ngồi trên cái tàu lượn siêu tốc đó, cậu say đến nôn thốc nôn tháo, nôn đến mức nước mắt nước mũi cũng trào ra vị chua, ba mẹ thì cười, nói cậu chẳng giống người Tứ Xuyên tí nào cả.



Cũng trong khoảng thời gian đó, cậu tìm được một hình ảnh so sánh có thể coi là phù hợp nhất với cuộc đời mình, "tàu hỏa". Rằng cậu chỉ cần an an ổn ổn mà chạy trên trục đường ray đã được kiến thiết từ hàng chục hàng trăm năm, và bởi cậu vẫn luôn muốn đi đến một nơi nào đó.

Cậu tuần tự đi theo con đường vạch sẵn, đọc sách, thi cử, học lên cao, tuần tự kết giao bạn bè, giống như mỗi một thiếu niên có thể gặp được nơi đầu đường cuối ngõ, cũng đu theo nào là Châu Kiệt Luân, Lâm Tuấn Kiệt, Trần Dịch Tấn, để dành tiền tiêu vặt trốn đi chơi net, rồi bị giáo viên chủ nhiệm đi vào hốt luôn cả đám. Quen tay viết kiểm điểm, xong xuôi lại đâu vào đấy rục rịch chuồn êm.



Trong nhà thì luôn cãi cọ căng thẳng, hệt như những cặp vợ chồng trung niên khác mà thôi, ba mẹ cứ cãi nhau suốt, từ sau khi chị gái đi học đại học xa nhà thì tình hình càng ngày càng tệ, vốn lúc trước còn có người có thể khuyên can, bây giờ cãi nhau coi như bất chấp chẳng nể nang gì nữa.

Trên chiếc kệ ở huyền quan có đặt một cái hũ đựng tiền lẻ, khi đó bọn họ bắt xe bus đi làm hoặc tan tầm, ai có tiền lẻ trong túi thì lấy ra nhét vào đó, rồi lúc đi lại tiện tay nhặt lấy hai đồng, lúc nhỏ Giang Trừng rất thích thò tay vào trong hộp khua khoắng, đống tiền xu va chạm vào nhau phát ra tiếng động leng keng. Về sau hũ tiền bị rơi vỡ rất nhiều lần, mỗi một lần rơi vỡ, chị em cậu lại tìm một cái hũ khác thay thế, cho đến khi chuyện rơi vỡ đã thành chuyện thường xuyên như cơm bữa, họ không dùng hũ thủy tinh nữa, đổi thành cái hũ bằng nhựa. Mỗi lần rơi xuống đất chỉ việc cúi xuống nhặt lên, nhón từng đồng xu lẻ bỏ lại vào trong hũ là được. Giang Trừng kể từ đó cũng trở nên chán ghét tiếng lách cách leng keng này, những tiếng vang chỉ toàn là vụn vỡ.

Nguyên cớ của việc cãi nhau thì nhiều, nhưng sâu xa thì chỉ có một, Giang Trừng câu được câu chăng nghe ba mẹ cãi cọ nhiều năm, cũng hiểu ra được một chút. Mà cái nguyên cớ sâu xa này cũng chính là lý do khiến cả gia đình cậu phải chuyển đi. Ba cậu có một vị bạch nguyệt quang, đã kết hôn với anh em tốt của ông, về sau hai người đề đã mất cả rồi.

Nghe nói họ để lại một đứa con trai, nhưng không biết đã lưu lạc nơi nào, có lẽ là vẫn ở Hàng Châu, nơi họ từng sinh sống.

Có thể là vì một đôi tất không bỏ vào máy giặt, hoặc là một câu bông đùa thuận miệng nói ra lại bị xem như thành thật, là cuộc sống lúc nào cũng nghi thần nghi quỷ, là mối quan hệ chật vật giữa cha con cậu, là không biết lỡ miệng nói sai cái gì mà có thể lập tức làm bùng lên cơn tức giận của mẹ. Tranh cãi xong thì luôn là một hồi chiến tranh lạnh, Giang Trừng chong mắt mà nhìn trần nhà, bóng đèn dây tóc lung lay dưới chụp đèn cũng tối om om, chỉ có tiếng hít thở đều đặn phát ra từ phòng bên có thể chứng minh cho việc bọn họ vẫn là những người sống trong một mái nhà.

Khi đó cậu đã nghĩ, một ngày nào đó cậu sẽ phải chết chìm trong khoảng biển mịt mù này mất.

---

Đúng ngày sinh nhật năm 18 tuổi, Giang Trừng gặp được người kia.

Cậu sinh vào cuối năm, đi học muộn, lớp 12 là chồng chất bài thi và áp lực giày vò vô tận vô cùng, ba mẹ hầu như không nói chuyện với nhau nữa, cho nên mẹ đã tập trung toàn bộ tâm huyết vào cậu, với việc sắp sửa thi học lên cao.

Lại là một trận cãi nhau to đã quá mức quen thuộc, bánh sinh nhật bị ném bay xuống đất, đĩa CD mà ba tặng cũng bị mẹ giận dữ bẻ nát luôn, "Giang Phong Miên, nó sắp thi đại học đến nơi rồi ông còn đưa cho nó mấy cái vớ vẩn này, ông điên rồi đấy hả? Ông muốn hại đời nó phải hay không? Ông vốn dĩ không yêu thương gì nó! Nhưng nó là con trai của ông đấy!"

Giang Trừng chán ghét mà nói thế này: cậu hy vọng mình không phải con trai của bà.

Lúc cậu tông cửa đùng đùng bỏ đi, cậu nghĩ về tuổi 18 của mình, đột nhiên muốn chảy nước mắt. Cậu không phải người thích làm ra vẻ, nhưng khi nhìn thấy đám thiêu thân cứ cố chấp lao vào ánh sáng nơi ngọn đèn đường, bỗng nhiên cậu nghĩ, vì sao bọn chúng cứ phải làm những kẻ đuổi theo ánh sáng như thế chứ? Đến lúc chết đi rồi, điều mà chúng hối tiếc phải chăng là vì bản thân không chết bởi ánh sáng nóng rực thiêu đốt, mà chết vì giá lạnh vô biên?

Tháng 11, gió rất lạnh, thổi suốt con đường từ ba phía, từ cả không gian giữa mấy căn nhà lụp xụp xuống cấp phía sau lưng, thổi đến cậu một thân lạnh buốt.

Cậu nghĩ, 18 tuổi rồi, cũng nên đi uống một ly.



Quán bar ồn ào náo nhiệt, cậu tò mò nghiêng mắt ngó vào trong, có lẽ là vì dáng vẻ không bao lớn mà bị ngăn lại không cho vào. Giang Trừng lớn đầu nhưng nét mặt lại trông như đứa trẻ, khuôn cằm gầy gầy mới chỉ hơi lộ ra chút góc cạnh, còn thêm một đôi mắt hạnh to tròn, nhìn thoáng qua tựa như chú mèo nhỏ chưa trải mấy sự đời.

Cậu lôi thẻ căn cước ra, chỉ vào chỗ ngày tháng nói: "Tôi đủ tuổi rồi."

Dưới ánh đèn đường tù mù, người bảo vệ cầm tấm thẻ căn cước, nhìn gương mặt in trên đó đã là dáng vẻ của ba năm trước, lăn tăn năm lần bảy lượt xác nhận không xong, Giang Trừng bình tĩnh đứng chờ, lắng nghe tiếng ồn ào bên trong kia, nghe ra được một chút giai điệu, bài hát vang lên là [Hướng về phía bắc] của Châu Kiệt Luân.

Bảo vệ trả căn cước lại cho cậu, cậu liền nhấc chân bước vào trong. Giữa đám đông chen lấn xô bồ, cậu rốt cuộc vẫn được coi là người Xuyên Thục (Tứ Xuyên - tên cũ), thiếu niên mảnh dẻ thân cao 1m85, nhẹ nhàng khéo léo lách người một chút liền trông thấy được cái người đang bị một vòng người vây quanh. Người nọ chải kiểu đầu bảy ba phổ biến lúc bấy giờ, mái tóc đen nhánh chứ không nhuộm vàng theo trào lưu, khoác kiểu áo da đang thịnh hành, tay ôm guitar đứng trước micro. Giang Trừng đứng xa xa nhìn, chỉ thấy được một dáng hình dong dỏng cao.

Cậu nghĩ, người này hát không tệ nha, rất có ý vị, nhưng đến tận cùng lại thấy như thiếu đi chút cảm thương, hệt như một thiếu niên sốt sắng vội vàng muốn trốn chạy lên phía bắc xem nơi đó có gì vậy.

Đúng lúc đó, người vẫn luôn cúi đầu gảy từng phím đàn kia bỗng nhiên ngẩng đầu lên, xuyên qua mênh mang quần chúng, Giang Trừng ngẩn người chạm phải một cặp mắt đào hoa. Không gian rất tối, cậu lại chỉ có một cảm giác rằng, người kia đã nhìn thấy mình.

Giang Trừng từng xem rất nhiều phim truyện Hong Kong cùng với chị gái, thường trỏ vào màn hình TV nho nhỏ mà cười cợt nữ chính ngu ngơ, một cái liếc mắt liền tự tác đa tình, lại chê cười biên kịch không có chính kiến, thế nào cũng chỉ một kiểu vừa gặp đã yêu.

Nhưng vào cái khoảnh khắc ấy, cậu mới biết được cái gì gọi là một thoáng kinh hồng (*). Nào phải thứ dây dưa lâu ngày sinh tình khiến người ta chán nản, cũng không hề thô thiển nông cạn như kiểu thấy sắc liền nổi tư tâm, mà là chỉ một ánh nhìn cũng có thể xuyên qua biển người, xuyên qua hết thảy nhân gian, một đôi mắt xinh đẹp hơn bất cứ điều gì.

Nếu như nhất định phải chết chìm, vậy hay là chết chìm trong khoảng biển này đi.



(*) Một thoáng kinh hồng: chỉ một thoáng lướt qua, lại khiến người ta lưu lại ấn tượng vô cùng đậm sâu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro