tienbo

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tại Hội An, Computer Tiến Bộ là một địa chỉ khá quen thuộc với sinh viên, học sinh và viên chức của thị xã. Tuy nhiên, chính người chủ Computer Tiến Bộ mới là chuyện e-CHÍP muốn giới thiệu với các bạn...

Không buông xuôi

Anh Lê Nguyên Bình, chủ cơ sở Computer Tiến Bộ trạc bốn mươi tuổi, mắt sáng, phong cách đĩnh đạc dù di chuyển khá chật vật do hai chân bị liệt hoàn toàn. Bình giải thích về tai nạn của mình một cách nhẹ nhàng: "Năm học lớp Mười (1981), tôi mắc phải căn bệnh ra mồ hôi tay. Gia đình đưa đi chữa trị, bị chích nhầm thuốc, dẫn đến biến chứng...". Vậy là cậu học sinh lớp Mười, yêu thích những môn khoa học tự nhiên, mê bóng đá và nhiệt tình với các hoạt động cộng đồng đành bỏ học nửa chừng do phải ngồi xe lăn, đi lại khó khăn. Hai năm sau, không muốn việc học dở dang, Bình đăng ký đi học bổ túc văn hóa cho tới năm 1986 thì tốt nghiệp cấp III. Sau đó, Bình tiếp tục đến lớp học ban đêm do Trung tâm Ngoại ngữ trường Trần Quý Cáp phối hợp với Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng tổ chức tại Hội An. Năm 1990, Bình hoàn tất chương trình cử nhân Anh văn.

"Năm 1990, tôi để ý tới tin học và máy tính nhờ đọc một bài báo kể về một nhóm thanh niên khuyết tật ở nước ngoài đã nhờ máy tính mà tạo dựng được cuộc sống ổn định cho mình. Những thông tin này như một tia sáng, giúp tôi vạch ra cho mình một hướng đi riêng..." - Bình kể. May mắn chợt đến khi năm 1991, Trường Trung cấp Thủy lợi Hội An - nơi cha của Bình làm hiệu trưởng - cử một nhóm giáo viên đến Trung Tâm Tin học ng dụng ASDAT thuộc Đại học Bách Khoa Đà Nẵng dự một khóa học ngắn hạn đào tạo giáo viên tin học. Bình xin đi theo. Để gắn với lớp học chỉ kéo dài trong sáu tháng, Bình đã hết sức chật vật trong ăn ở, đi lại: phải di chuyển bằng xe lăn từ nhà trọ đến trường; các bậc tam cấp tại trường quá cao; cánh cửa nhà vệ sinh quá hẹp,... Dù sao, từ đó một cánh cửa mới đã mở ra với Bình. Năm 1992, một dịp may khác lại đến khi một Việt kiều từ Mỹ về tổ chức lớp tin học miễn phí cho người khuyết tật tại Trung tâm Xúc tiến Việc làm Đà Nẵng. Vị mạnh thường quân này được đào tạo bài bản về tin học, đồng thời còn là một người khuyết tật thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nên rất muốn giúp những người đồng cảnh ngộ ở trong nước tiếp cận với lĩnh vực mới mẻ này bằng kinh nghiệm của bản thân. Khóa học kéo dài chỉ chừng một năm song đó chính là nền tảng vững chắc giúp Bình tự học sau này. Chưa kể, việc tiếp xúc với một người đã đi trước như vậy còn giúp Bình củng cố niềm tin rằng chính anh, một người khuyết tật, vẫn có thể ngẩng đầu đi tới một cách chững chạc...

"Tiến Bộ" và "Hoà Nhập"

Chiếc máy tính đầu tiên mà Bình có là loại 486, được mua vào khoảng năm 1995 trích từ khoản tiền ít ỏi dôi ra khi gia đình anh bán nhà. "Lúc đó, mười mấy triệu đồng là một gia tài! Tôi thật lòng biết ơn ba mẹ đã tạo điều kiện cho tôi có chiếc máy tính đó". Có máy, Bình miệt mài tìm tài liệu về tin học, tự nghiên cứu và mày mò trên máy. Đến năm 1998, khi Bưu điện bắt đầu cung cấp dịch vụ internet, anh là một trong những khách hàng đầu tiên ở Hội An đăng ký sử dụng dịch vụ này để tìm thêm tài liệu trên mạng do thiếu những tài liệu chuyên sâu bằng tiếng Việt.

Sau đó, một số người quen dạy cùng trường với ba mẹ Bình gởi con nhờ anh dạy kèm tin học. Thấy công việc phù hợp, Bình mày mò đọc sách, dịch tài liệu, soạn thảo rồi sửa chữa, bổ sung từ kinh nghiệm thực tế để xây dựng bộ giáo trình tin học đầu tiên của riêng mình. Số lượng học viên của Bình tăng dần và Bình cứ thế sắm thêm máy. Đến nay, Computer Tiến Bộ có 13 máy tính, mỗi ngày dạy năm ca, có lúc số lượng học viên lên tới 120 người. Tiến Bộ hiện có 13 khóa học dành cho mọi đối tượng: từ căn bản sử dụng máy tính, tin học văn phòng, kế toán máy đến khai thác internet, vẽ kỹ thuật, quản lý dữ liệu, thiết kế website,... "Sau này, do số lượng học viên đông, tôi tuyển thêm ba cộng sự nữa để cùng tôi hướng dẫn các lớp học. Họ cũng là những người khuyết tật. Tôi muốn mọi người chung quanh thấy rằng khi có một công việc thích hợp, người khuyết tật cũng có thể làm việc tốt như những người bình thường khác, thậm chí còn tốt hơn không chừng." - Bình nói.

Trong số ba cộng sự của Bình, không thể không nhắc đến Huỳnh Tấn Cường - chàng trai 21 tuổi, bị liệt một chân, vừa giành giải khuyến khích cho cá nhân trong Hội thi Công nghệ thông tin APEC tổ chức tại Hàn Quốc năm rồi, góp phần quan trọng trong việc mang lại giải Ba toàn đoàn cho đoàn Việt Nam. Cường vốn là học viên trong một khóa tin học dài bốn tháng dành cho người khuyết tật do chính Bình khởi xướng và trực tiếp hướng dẫn.

Bình kể thêm: "Qua một mẩu quảng cáo tìm người trên báo, tôi đã viết một đề án về việc tổ chức những khóa tin học cho người khuyết tật, gởi Tổ chức Thầy thuốc Tình nguyện Hải ngoại (Health Overseas Volunteers) và được hỗ trợ một phần kinh phí cho khóa học. Ba trong số mười bạn trẻ tham dự khóa học đã có việc làm ổn định, trong đó có Cường và Hoa - một bạn gái hiện quản lý một cửa hàng dịch vụ internet phục vụ du khách ở khu phố cổ Hội An".

Cũng từ cuộc tiếp xúc trên, Bình trở thành người làm việc tình nguyện cho Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam với vai trò nhà quản trị của website www.forum.wso.net, phục vụ được cả nhu cầu truy cập của người khiếm thị. Bình còn một niềm tự hào khác: Đó là cậu học trò nhỏ Phạm Nguyên Phan Dương, học sinh lớp 5 trường Nguyễn Bá Ngọc (Hội An), mới 11 tuổi đã đoạt giải nhì Hội thi Tin học trẻ không chuyên toàn quốc lần 8 (năm 2002) với phần mềm "Robot vạn năng".

Bên cạnh đó, Bình còn vận động thành lập và điều hành cửa hàng "Hòa Nhập" (Reaching Out) trong khu đô thị cổ Hội An nhằm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật trên toàn quốc. Bình cũng đã đề xuất với Chủ tịch UBND thị xã Hội An dành riêng một số tiện ích cho người khuyết tật ở nơi công cộng trong chiến lược phát triển du lịch...

"Đối với những người liệt hai chân như tôi, đi lại và thành kiến là hai rào cản lớn nhất khiến họ khó hòa nhập với xã hội. Dù không ai nhắc tới bằng lời nhưng thành kiến luôn có thật. Thế nhưng khi tôi ngồi trước máy tính và giao tiếp với thế giới bên ngoài bằng internet thì những rào cản này không còn. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn tự tin và bình đẳng. Máy tính và internet đã cho những người như tôi cơ hội được học hành, giải trí, giao tiếp và quan trọng hơn cả là đã cho chúng tôi cơ hội làm việc".

Trong một cuộc gặp gỡ gần đây tại Hà Nội với người phụ trách về CNTT của UNDP - tổ chức đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong dự án giúp mọi người trên toàn quốc tiếp cận CNTT, Bình đã được mời tham gia với tư cách là một trong hai tham vấn viên tại miền Trung. "Khi nhận lời, tôi muốn nói thay những người khuyết tật vì chắc chắn trong tương lai sẽ ngày càng có nhiều người khuyết tật hoạt động trong lĩnh vực CNTT".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro