tiếng đàn của em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau sự kiện đó, Nó chuyên tâm học hành trở lại, vẫn tập đàn thường xuyên và vẫn kể cho tôi nghe. Những lúc đó tôi không trả lời bằng một từ “Ừ” cộc lốc nữa, mà đáp là: “Ồ. Giỏi thật”.
Thời gian ngày càng rút giần về phía những kỳ thi. Không khí học tập của trường sôi nổi hẳn. Mỗi khi đặt chân vào trường, tôi lại có cảm tưởng mình vừa bước vào một thế giới ấm áp của riêng chúng tôi. Cây phượng vĩ chuẩn bị ra hoa. Khắp sân trường đầy những tà áo dài quen thuộc. Trên các dãy hành lang hai lầu là những nhóm nhỏ ríu rít tiếng học sinh hỏi bài thầy giáo. Tôi nghe nói ở lớp bên cạnh có cậu kia bói điểm thi hay lắm. Nguyên một đám đông đang bu lại xem cậu ta treo lủng lẳng một chiếc nhẫn vào một sợi chỉ.
Một con nhỏ mang cặp kiếng dày cộm nghiêm trang bước tới, nghe đồn con này học giỏi nhất lớp bên đó. Nhỏ nói dõng dạc không khác gì người chiến sĩ đọc lời tuyên thệ:
- Tôi sẽ thi đại học được hai mươi lăm điểm.
Cái nhẫn không hề nhúc nhíc.
Nhỏ đó bình tĩnh nói tiếp. Có vẻ nhỏ đã lường trước được việc này.
- Tôi sẽ thi đại học được hai mươi điểm.
Cái nhẫn chẳng động đậy gì.
Nhỏ bắt đầu để lộ vẻ căng thẳng. Nhỏ phùng mang trợn má hít một hơi thật sâu, rồi vụng về sửa sang lại quần áo trước khi nói:
- Tôi sẽ thi đại học được... mười điểm.- Hai từ “mười điểm” ri rí trốn sâu trong họng nhỏ.
Chiếc nhẫn nãy giờ bất động bỗng nhiên từ từ chuyển động, sau đó xoay tròn tít mù trước những cái mồm há hốc của đám học trò. Vì mồm bọn chúng không thể nào há to hơn được nữa nên tất cả gần như rách mồm khi tiếng thét của nhỏ bốn mắt vang lên.
“Á...á...á”. Bầy chim bồ câu trên mái nhà kinh hãi bay khỏi tổ. Ngay cả những con non chưa biết bay cũng bất đắc dĩ phải thực hiện chuyến bay đầu tiên trong đời.
Hai giờ sau, mặt trời thấy tôi ngồi trong căn tin. Tôi mới cúp tiết học toán, vừa nhai hạt trân châu trong ly trà sữa vừa nhìn mấy đứa học sinh lớp dưới đang tung tăng chơi bóng rổ.
Thằng bạn của tôi bước tới, đặt thêm một ly trà sữa nữa lên bàn, chưa kịp ngồi nó đã nói:
- Con nhỏ lớp phó lao động lớp 12a3 tỉnh lại rồi. Cô y tá ghi vào sổ bệnh án là nó bị “chấn động thần kinh nghiêm trọng”.
Nó thở dài nói tiếp:
- Kỳ thi đại học sắp đến rồi. Chắc là nó bị áp lực quá. Cũng phải thôi, đứa nào chả vậy.
- Ngoại trừ tao.
Tôi suy tư hướng mắt về sân thể dục. Một cu cậu học sinh lớp dưới vô tình ném quả bóng rổ trúng ngay vào đầu con bạn nó. Cô bé ôm đầu khóc nức nở.
Thằng bạn tôi cũng nhìn thấy cảnh đó, nhăn mặt.
- Mày bảo mày không thi đại học, mày ở lại với cánh đồng của mày. Vậy còn con bồ mày thì sao?
- Nó có phải bồ tao đâu. Hai đứa tao là bạn thân, thân hơn cả tao với mày nữa.
Nói xong tôi cay đắng hút một phát ba hột trân châu vào mồm, nhai nát luôn cái ống hút.
Trên sân bóng rổ, cu cậu kia đang khẩn khoản dỗ dành bạn nó. Con bé lúc đầu còn ấm ức tỉ tê, nhưng sau cũng nguôi dần. Nó phát cho cu cậu hai quả tát rõ mạnh vào mặt trước khi nở một nụ cười tha lỗi. Về phần quả bóng khi nãy, sau khi đập vào đầu cô bé, đã rơi xuống và lăn dần về phía tôi.
Tôi chạy lại lượm quả bóng ném trả cho cu cậu rồi hét to lên trước vừng trời đầy nắng chứa chan:
- Em trai, đừng bao giờ làm bạn gái khóc nữa nhé!
Chắc là tôi cũng tập chơi đàn thôi. Mùa thu sau mà không có Nó thì buồn lắm!
Sở thích riêng của tôi là Nó, hay nói cách khác là tôi thích Nó. Có thật vậy không?
Hồi mà bọn tôi còn hay trốn học đi rong lang thang, có một hôm Nó nghỉ học nên không ai trốn đi với tôi. Nếu chỉ đơn giản là tôi thích Nó, thì tôi đã không tự trốn học một mình để tìm đến những con đường mà chúng tôi từng qua với một nỗi nhớ nhung cồn cào da diết. Có khi nào kể từ lúc đó, tôi đã không còn thích Nó nữa, mà chuyển sang yêu Nó rồi?
Hồi đó ở cuối chân đồi có một khu đất rộng trồng bạt ngàn cây mì, loại mì mà người ta dùng để sản xuất bột mì, đến bò ăn phải còn há mồm huống chi là người. Tôi chả thích ra đó lắm, giá như Nó dẫn tôi ra vườn táo hay vườn cam thì thích hơn. Nhưng Nó bảo mặt trời lặn ở đó rất đẹp nên hay kéo tôi đi xem vào những tiết học cuối buổi chiều.
Trước hôm đó tôi có nói:
- Ngày mai sẽ là ngày cuối cùng của mùa thu.
- Thế thì mai bọn mình lại ra đây nhé. Tao muốn xem những khoảng khắc cuối cùng của mặt trời mùa thu.
Hôm sau Nó nghỉ học.
Không có Nó, tôi vẫn một mình đi xem mặt trời cuối thu.
Tôi đến cánh đồng mì vừa lúc ông mặt trời màu lòng đỏ trứng gà đang kéo theo cả bầu trời hoàng hôn chìm xuống ngọn đồi. Tôi hốt hoảng chạy về nhà Nó tìm Nó nhưng không thấy, chạy đến những nơi Nó hay lui tới cũng chẳng thấy. Loanh quanh và bế tắc, tôi quay lại cánh đồng mì, và tôi thấy Nó ở đó.
Lúc này trời đã sẩm tối, những tán cây không còn có màu xanh nữa mà trở thành những bóng đen. Tôi thấy Nó ngồi thu lu nhìn về phía ngọn đồi, bèn khẽ gọi:
- Này. Cả ngày nay mày đã ở đâu? Sao giờ này lại ra đây ngồi?
Nó quay lại trình ra đôi mắt tròn xoe đẫm nước, mếu máo khóc:
- Hu hu! Mặt trời mùa thu lặn mất rồi.
Đến tận bây giờ, dù khóc hay cười, đôi mắt của Nó vẫn tròn xoe như xưa, không hề thay đổi. Khi nhìn vào đôi mắt đó, tôi không thể nào linh cảm được liệu Nó có yêu tôi, hay chí ít là Nó có nhận ra rằng tôi yêu Nó. Ngày xưa, trong khi tôi đi tìm Nó, thì Nó đi tìm mặt trời. Vậy cây đàn ghi-ta hôm nay có giống như ông mặt trời? Tôi là người để Nó chia sẻ niềm vui đối với đàn ghi-ta, hay cây đàn mới là thứ để Nó bày tỏ tình yêu dành cho tôi?
Chúng tôi đã thi xong ba môn tốt nghiệp. Học sinh khối mười hai sẽ được nghỉ một tháng trước khi bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng. Chưa biết kết quả nhưng tôi tự nhắm chừng là mình đủ điểm tốt nghiệp. Tôi bước vào lớp, lòng bâng khuâng vì hôm nay là buổi học cuối cùng.
Lớp học ồn ào như cái chợ trời. Thằng bạn tôi đến ngồi cạnh tôi, Nó cũng thuộc thành phần chuyên đi buôn chuyện trong các chợ trời.
- Nghe tin gì chưa? Con lớp phó lao động lớp 12a3 sắp thành tân thủ khoa trường mình đấy.
Tôi hỏi giọng sốt sắng:
- Có điểm rồi hay sao mà biết?
- Chưa. Giờ này đã có điểm thế nào được. Nhưng sau khi đáp án đề thi chính thức được công bố. Bài làm môn anh văn và môn toán của nhỏ không sai một câu nào. Chỉ có môn văn là không dò kết quả được. Nhưng trong tất cả các môn học, môn văn là môn nó học giỏi nhất.
Tôi chẳng hào hứng gì với điểm chác của người dưng, nhưng vẫn cố tỏ ngạc nhiên.
- Ồ, giỏi thật!
Thầy giáo đột ngột bước vào lớp khiến cả lớp im bặt, vẻ mặt thầy vẫn nghiêm nghị như thường lệ.
Hôm nay hơi khác so với các buổi học trước, cả lớp vẫn im phăng phắc nhằm nghe thầy giảng. Nhưng hôm nay đâu còn bài học nào để thầy giảng. Kết quả là hai bên lặng im như tờ.
Tình trạng này diễn ra một lúc lâu làm thấy rất khó chịu, bèn bộc phát hỏi to:
- Thưa thầy, hôm nay chúng ta học bài gì ạ?
Thầy đáp gọn ghẽ:
- Tích phân.
- Nhưng chúng em đã học qua bài đó lâu rồi, và đều đã làm khá tốt phần đó trong bài thi tốt nghiệp.
- Vậy sao?- Thầy hỏi bằng giọng uy hiếp.- Vậy em hãy giải thích cho tôi nghe: “tích phân là gì?”.
Giờ này mà hỏi tôi tích phân là gì thì tôi cũng chịu rồi. Nhưng tôi vẫn bịa ra được mà không hề ấp úng.
- Thưa thầy. Theo em nghĩ, tích phân là tích tụ lại, rồi sau đó phân tán ra.- Tôi nói tiếp sau khi liếc thấy cả rừng con mắt đang trố lên nhìn tôi.- Cũng giống như lớp ta vậy.
Rõ ràng câu trả lời của tôi động chạm tới nhiều người. Cả lớp đều sững sờ, thầy giáo cũng sững sờ. Tất cả đều im lặng.
Bỗng giữa lớp vang lên một tiếng khóc nấc. Nó bưng mặt khóc ra như mưa. Cả lớp xúm lại dỗ cho Nó nín. Không khí im ắng bị lúc ấy bị lật đổ hoàn toàn. Ai cũng thi nhau lớn tiếng chỉ trích cả tôi lẫn thầy giáo.
“Hai người đó lấy buổi học cuối cùng của tụi mình ra để đá đểu nhau sao?”, “mình biết thầy ấy lúc nào cũng nghiêm túc vì thầy luôn làm việc có trách nhiệm, nhưng thầy ấy đâu cần phải làm căng thẳng quá như vậy trong buổi học cuối cùng”, “còn cái thằng oái oăm kia nữa. Lớp mình sẽ không chia tay nhau mãi mãi như ý hắn nói”... Tiếng trống tan học không chấm dứt được sự hỗn loạn mà còn kích thích cho nó tăng lên. Tôi chen vào dòng người đông nghịt đang đổ ra sân trường. Trong cơn chen lấn, tôi thoáng thấy Nó cũng mất hút vào đám người đó.
Đa số học sinh khối mười hai đều không muốn về nhà ngay mà đứng đầy ở sân trường. Tôi đao dác nhìn quanh. Cây phượng vĩ đã ra hoa. Tôi thấy những nhóm học sinh quây lại bên nhau để chụp ảnh lưu niệm. Lớp nào kia đang tập hợp lại đứng thành hình trái tim. Có vài người cặm cụi khắc tên mình vào thân cây. Một anh chàng chạy ra giữa trụ cờ gào lên rất to. Một cô gái đứng bần thần trước cửa lớp học cũ. Và ở xa tít góc cuối hàng rào, thằng bạn tôi đang tỏ tình với nhỏ lớp phó lao động.
Tôi chạy thục mạng lên cầu thang, mở phanh phách cửa lớp học cũ, nhưng chẳng có ai ở đó. Tôi xông vào nhà vệ sinh cả nam lẫn nữ, một cô gái la toáng lên và đuổi tôi ra. Tôi chạy đến căn tin, chạy đến bãi giữ xe, đến sân thể dục, đến phòng y tế. Tôi lùng sục mọi ngõ ngách của ngôi trường.
- Các bạn có thấy con bạn thân của tôi đâu không?– Tôi hỏi một cặp trai gái nhưng họ chẳng thèm quan tâm vì họ đang bận nắm tay nhau.
Trời đã gần tối, trên sân trường chỉ còn vài người. Tôi ngoảnh lại nhìn ngôi trường và cảm thấy nó trông thật héo mòn. Ngay tại khoảnh khắc đó, tôi nghe thấy một tiếng đàn sâu thăm thẳm.
Tôi tức tốc hướng về phía phát ra tiếng đàn, đó cũng là con đường mà ngày nào tôi cũng chở Nó về. Tôi đạp xe điên cuồng cho đến khi thấy Nó ở đoạn đường có nhiều hoa cỏ dại và những cánh bướm trắng. Nơi đó cách trường tôi năm cây số.
Nó đang ngồi chơi đàn trên bãi cỏ dại. Thấy bóng dáng tôi mập mờ đi tới, Nó ngẩng đầu lên, hỏi:
- Mày có nghe thấy tiếng đàn của tao không?
Tôi trả lời:
- Có. Tao nghe từ cách đây rất xa.
Nó cười:
- Phải vậy chứ. Vì tao đàn cho mày nghe mà.
--- Hết ---

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro