Đá trên sóng (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

      Một
      Bầu trời phía Đông đã hồng dần lên. Hừng sáng của ban mai pha với màu của trời biển thành một màu sáng hồng. Trên cái nền tối sẫm của biển đã khảm một thứ men dìu dịu như màu hoa ti-gôn và biển cũng như thổi mạnh hơn. Mỗi đợt sóng trào lên mép bờ đã mang màu sáng trong.
       Hoàng Nam tỉnh giấc, anh nhìn qua cửa sổ xi măng của nhà đảo, thấy trời sắp sáng. Anh em vẫn còn ngủ, Nam bước xuống dưới thềm đảo, hơi gió lành lạnh vẫn mang mùi mằn mặn quen thuộc xộc vào mũi. Nam chống tay, hít thở rồi bằng động tác nhanh nhẹn, anh bất ngờ xuống tấn và đi một bài quyền.
        Đã tháng tám mà biển chưa có bão. Biển lặng. Tiếng sóng quen thuộc vỗ oàm oạp vào đảo. Sáng nay như mọi sáng khác, đảo bình yên sừng sững như một cọc tiêu khổng lồ tạc vào nền trời ban mai. Nam cởi chiếc áo lót và thận trọng lội xuống gờ đá. Đám rêu xanh bám khắp mặt đá, anh bấm chân và nhoài người vào làn nước mát lạnh,  bơi sải; đã quen mỗi sáng phải bơi một vòng ra tận cái chỗ sâu nhất của vịnh đảo; ở đó có cái phao bến người ta neo cho tàu mỗi lần vào đảo. Nam nhìn thấy điểm A và điểm B của đảo, ở đó cũng có nhà lâu bền, điểm A là vị trí chỉ huy của đảo. Từ đây tới đó khá xa, chỉ có thể đi xuồng tới thăm nhau, ngủ qua đêm ở đó và đi ít nhất cũng mất một ngày.
       Cái khoảng sáng càng lớn, trời như cao hơn so với biển. Đám mây pha sắc hồng như trôi gần tới trên đầu. Đám hải âu cũng đã thức giấc, chúng rời cái phao bến vào nhà sắt - nơi chứa củi và cũng là chỗ trú chân của chúng. Bọn chúng vỗ cánh bay loạn xạ, nhao xuống nước, nổi lềnh bềnh gần chỗ Nam bơi. Mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển; thoạt trên chỉ là một cái núm be bé, đỏ lừ, chỉ sau cái chớp mắt đã thấy nó to bằng nửa quả cam chín, đội biển lên. Một loáng sau, quả cầu đỏ như được nung từ lòng biển bắt đầu rời mặt biển. Có cảm tưởng lúc mặt trời bắt đầu rời khỏi mặt biển, chỉ còn dính tí ti, sau đó bay lên rất nhẹ, nhẹ đến nỗi như gió thổi quả bóng khỏi mặt nước vậy. Đỏ tròn như không thể tròn hơn. Bình minh vĩ đại, trời biển huy hoàng một cõi mênh mông. Những đám đỏ rậm của chân trời bao lấy quả bóng mặt trời và dần chuyển thành sáng. Khi Nam bơi vào bờ đảo thì còi báo thức, mọi người chạy xuống thềm tập thể dục, cũng là lúc mặt trời bừng sáng. Những tia nắng đầu tiên, tinh khôi bắt đầu chảy dài trên biển. Những tia sáng nhấp nháy, nhảy cờn cợt trên đầu những con sóng, xiên qua nước, trượt qua mặt nước. Nam vuốt mái tóc bồng bềnh đã ướt sũng nước; những sợt tóc quăn hai bên thái dương rũ xuống tai; khuôn mặt trắng trẻo, cái mũi dài dọc dừa, anh em gọi là Puskin, Puskin của đảo C, Puskin này cao một mét 70, cặp dò săn, thon dài, cái dáng thư sinh xem ra không hợp với cảnh ở đây; nhưng Nam lại có một sức khỏe dẻo dai, dẻo như dây chảo ni lông! Anh có thể bơi tới điểm A, hoặc nhịn đói hai ngày trên xuồng, sẵn sàng ăn cá sống và phơi nắng đến vài ngày mà da không bóc vảy như người khác.
       Đảo trưởng Đại - một anh chàng 40 tuổi, thấp đậm như cục gạch màu nâu, tóc húi cua, tay chân ngắn và to, đang đứng nhe hàm răng hơi hô cười, rồi cất giọng ồm ồm nghe rất chói tai:
       -  Này dậy sớm thế? Hôm nay không tập võ à?
       - Bức bối quá, sáng sớm thấy tức ngực - Nam nói, giọng sang sảng. Đại cúi người làm động tác thể dục, vừa thở sâu vừa nói:
       - Sáng nay, biển êm hơn đấy! Cậu cho anh em đi câu cá, còn tớ sang giao ban tháng, trên cho biết có tàu ra, sao hai ngày rồi mà không thấy nhỉ?
       - Hôm nay kiểm tra thể lực ai còn hắc "nào" thì oánh điểm thi đua xuống loại C! - Đại nói oang oang.
       - Mấy anh lính nhe răng cười.
       - Cười cái gì! Có đứa nào ra vật nhau với tao đây! - Đại cười, xong nghiêm giọng.
       - Có, thì em chiều bác! Tuần trước bác thua em ba keo, còn nợ đấy! - Người vừa nói là một anh chàng cao lớn, đen trùi trũi, vai u lên, đầu cạo trọc, mắt hùm hụp, mặt to như cái thớt nghiến, có cái mũi to như cái nắm đấm trên cái miệng mỏng và rất nhỏ. Đó là Sự, pháo thủ 1. Đại hừm. Tiếng cười cất lên:
       - Anh Đại chỉ sợ Sự thôi!
       - Chỉ có Sự mới "bắt nạt được anh Đại"
       - Phen này cụ lại chổng vó...
       Đại dang tay ra làm động tác "Đại bàng vồ hổ" và đưa tay vẹt một đường, kiễng chân lên, bàn tay phải chìa ra.
       - Xin mời đấy! Sự kìa, làm đi. Trưa nay phần rau muống anh Đại sẽ nhường mày đấy!
       Sự sùng sục lao vào, cúi người. Hai người cuốn lấy nhau. Nam đứng cạnh Đại, bảo to:
       - Tha cho anh Đại đi Sự! Nhẹ tay tý Sự ạ!
       Đại văng một câu rất tục, rồi bằng một thế võ lợi hại, anh tuồn người qua háng Sự và lật bổng anh chàng to con lên, bê sát bờ đảo và ném tùm xuống nước.
      - Cho chúng mày biết, có lại bảo tao yếu. Thế là hôm nay tao được thêm phần rau muống!
      - Bố chơi đểu! - Sự lóp ngóp lên bờ, mặt đỏ gừng - Đó không phait là võ vật! Lại còn ném mình xuống nước. Chớ dại mà khích bác cái ông ăn đu đủ không cần thìa ấy! - Sự càu nhàu.
      -Thằng ranh con! Mày vừa nói cái gì đấy? - Đại quắc mắt.
      - Lại động vào gót chân Asin rồi. - Một giọng khẽ khàng cất lên, lập tức mấy cậu trẻ bụm miệng cười. Đại giậm chân, trợn mắt; cả bọn chạy ùa lên nhà.
      - Đúng là lũ trẻ ranh - Đại cười bảo Nam. Đảo phó chính trị không nói, nhìn đôi mắt lóa nắng của Đại, tủm tỉm cười.
***
       Đại kẹp quyển sổ vào giữa ngón tay trỏ và ngón cái, đĩnh đạc bước ra trước hàng quân. Những dải yếm bay chéo trước gió sớm. Họ đứng thành hai hàng. Nam đứng ở bên phải, đầu hàng thứ nhất, dáng người dong dỏng, trông anh như đẹp hơn trong bộ quân phục sĩ quan: Áo trắng, quần xanh, mũ kê pi trắng viền xanh có tua dây vàng.
      - Nghiêm! Chào cờ, chào! - Tiếng Đại rất gọn, âm sắc lanh lảnh. Tất cả ngước lên đỉnh nhà lâu bền. Minh - y sĩ của đảo, từ từ kéo lá cờ đỏ sao vàng lên. Lá cờ quấn chặt lấy cột, lên một đoạn, bỗng sổ tung và bay phần phật. Tiếng hát của đoàn đơn vị hòa thành giọng trầm đều đập vào vách xi măng.
     - Đồng chí Nguyễn Tiến Sự! - Đại hô.
     - Có! - Sự cất giọng đanh.
     - Ra khỏi hàng, đọc 10 lời thề danh dự!
     - Rõ!
     Sự bước ra khỏi hàng, đi đều đến bên trái cạnh Đại, giơ tay chào Quốc kỳ, trở về tư thế nghiêm và cất giọng:
     - Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, xin lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc! Một! Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam...
      Giọng Sự to, chắc nịch, dáng vâm như hòn đá nhám.
       - Xin thề!
      - Xin thề!... Âm thanh vút lên không trung, lan xuống mặt biển, bay ra xa... Trên cao, lá cờ bay phấp phới. Họ im phăng phắc sau mỗi câu xin thề.
      - Xin thề!...
      Sự đọc xong, được lệnh bước về hàng. Đại bắt đầu quay người về phía mọi người, nói:
      - Nhận xét công tác ngày qua, triển khai kế hoạch công tác trong ngày, nghỉ! - Tính Đại không thích nói nhiều.
     Căn nhà  của họ được xây kè chắc chắn. Tầng hai làm nhà ở, chia thành các ô, ô to nhất làm phòng khách, còn ô khác làm nơi ở. Mỗi người một giường sắt. Cạnh tường sát giường, anh nào cũng dán đầy tranh ảnh. Đầu mỗi giường có một hòm đựng quân tư trang cá nhân. Anh thì sưu tập vỏ ốc, sò; anh thì sưu tập san hô; anh thì nhét vào hòm đám sao biển. Anh nào được nằm gần cửa sổ là may mắn. Vì họ có thể phóng tầm mắt qua cái ô cửa xi măng vuông vức ấy, hướng về phía chân trời, nơi có đất liền - những suy tư rõ nét về quê hương, về nỗi nhớ. Trong khoảng không gian nhỏ bé vài chục mét vuông ấy, họ phải sống. Loanh quanh, ngày lại qua ngày, tất cả rất dễ trở thành vô vị, tẻ nhạt, nhàm chán đến rợn người. Nam đã nghĩ về điều đó, suy nghĩ về cái sự sống đó. Sự sống hay sự tồn tại? Có lúc anh tỷ mẩn ngồi cạo vỏ ốc, hoặc ngồi thò chân xuống mép nước với ý nghĩ nếu như không cố gắng sống thì có lúc hóa điên mất. Độc một việc phải nhìn biển, nhìn cái màu xanh nhưng nhức đến lóa mắt, đến ngấy chán, đến rờn rợn vì sự im lặng, vì sự quá mênh mông của nó, đã khiến người ta muốn băm bổ cái xanh ra, miễn sao giống màu đất hay màu xanh của rau muống cũng được! Miễn là không phải cái xanh thẫm như mực, xanh nghẹn, xanh ào ạt khủng khiếp kia.
       Đại bảo, cái thứ chúng ta phải có, đó là tình yêu! Nam vốn máu mê văn chương, muốn lý giải tận nghĩa "cái gì đó" và phải bằng phương pháp luận của một chính trị viên làm công tác Đảng, công tác chính trị thì mới rõ nghĩa được. Ốc đảo này vẫn sống và phải sống. Anh là lính, các bạn anh cũng là lính. Trước mặt là muôn trùng chất chứa bao điều bí ẩn, sự đe dọa của kẻ thù, của đại dương bất trắc; sau lưng là Tổ quốc bắt đầu từ chân sóng của đảo.
      Nam ra đảo đã hơn một năm, đi đảo trở thành một động cơ trong sáng, lương phụ cấp được tăng: Tiêu chuẩn bồi dưỡng của Quân đội cho quân nhân công tác tại đảo cũng đủ khuyến khích họ yên tâm công tác. Tính ra sau một đợt phục vụ ở đảo, lương thu thập của sĩ quan có thể mua được một cái xe máy tốt; hạ sĩ quan, chiến sĩ có thể đủ tiền cưới vợ, học nghề hoặc có vốn tạo dựng cho tương lai. Chính sách ưu đãi được thực hiện tốt, tạo ra sự yên tâm và phấn khởi hơn cho người ở đảo. Đất liền cũng quan tâm nhiều mặt, phong trào hướng tới Trường Sa hiện nay đang ở mức cao, liên tục và rộng khắp.
      Nam đi đảo cũng cố gắng để quên hẳn một mối tình. Anh muốn xa đất liền để dành một khoảng lắng của thời gian "vá víu" chỗ trống trong lòng. Người yêu của Nam là một cô bạn cùng thời cấp ba. Lúc học, họ không yêu nhau, sau 6 năm, gặp lại trong một tình huống khá bất ngờ. Lần đó, Nam nghỉ hè trong năm học cuối cùng ở Học viện Hải quân; trên chuyến tàu về từ Nha Trang, anh thấy một cô gái ngồi cách mình ba hàng ghế, thoạt tiên không chú ý, chỉ nhìn lướt qua, sau đó anh mới nhận ra cô bạn học cùng lớp năm nào. Nam đã đổi chỗ cho một bà sồn sồn, để ngồi cạnh Phượng. Họ tỷ tê tâm sự rất nhiều. Cả hai đã già dặn hơn. Phượng đã tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán, làm việc ở Đà Nẵng. Co vào thăm bác ở Sài Gòn. Nam cao lớn, điển trai và từng trải hơn nhiều so với 6 năm trước. Hè ấy, họ đi chơi với nhau, nhưng thành một đôi riêng. Bạn bè cũng vun vào. Gia đình hai bên gán thêm. Một buổi tối, trên con đê gần nhà Phượng, họ ngồi ngắm trăng. Nam bảo:
     - Cậu biết tớ mê trăng, nhưng giờ tớ hêta mê trăng rồi.
     Phượng nói:
     - Thế Nam mê gì bây giờ?
     Nam bảo:
     - Chỉ mơ Phượng gọi bằng anh thôi! - Nhẹ nhàng nhưng kiên quyết, anh ôm hôn cô bạn.
     Phượng im lặng và đáp lại, sau bảo:
     - Nam giờ mạnh mẽ thế, chả bù cho ngày xưa.
     Họ yêu nhau. Trả phép, Nam nhớ cô bạn đến thẫn thờ; đúng lúc đó thì Phượng viết thư chia tay, nói tất cả chỉ là trò chơi tuổi học trò, để cho tròn hẳn cái tuổi thơ ngây mà ngày xưa do Nam vô tình, làm "vẹt" mất của cô ta! Nam nghĩ cô ta trẻ con thật. Nam uất nhiều hơn là đau khổ. Anh viết thư chửi mắng cô bạn thậm tệ và để tỏ " uy danh" của một chàng sỹ quan Hải quân kiêu hùng, Nam viết: "Với ta, tất cả những trò trẻ con chỉ là thứ bọt biển, chỉ tiếc cô đã chơi một trò đùa của người lớn và để cố quên nó đi, chỉ còn cách là coi dòng tên đó không hơn thứ ta kinh tởm". Ngày xưa, Phượng là cô bé tinh quái nhất, Nam luôn bị bọn con gái trêu chọc, bây giờ vẫn là thế. Anh chàng cay cú lắm, giấu tịt chuyện này không cho ai biết; lọ mọ bước vào yêu đương sau 4 năm dùi mài kinh sử, bị cô bạn cũ chơi cho một vố! Nhưng mà ai được, ai mất? Nam có lúc cười, cô ta đùa mình hay trốn chạy mình? Lấy cái lí do đó để xóa đi cái nỗi đớn hèn vì sợ yêu một thằng lính nghèo rách? Anh mong có ngày được gặp lại Phượng. Nhưng dù sao cũng phải cố quên đi cho nhẹ lòng!
      Biển mêmh mông xua dập đi tất cả. Nhưng khổ nỗi, ở cái chốn trên là trời dưới là nước, ở giữa cái đảo đá này, mỗi lần nghĩ về đàn bà, Nam không có ai khác để hình dung, ngoài Phượng. "Khái niệm" phụ nữ cũng ở đấy cả, thế mới khổ.
     Cả đảo, không ai biết chàng Puskin đẹp trai này đã từng có mối tình "đau khổ" ấy.
     Cái giọng nhéo nhéo của y sĩ Minh khiến Nam khó chịu, đàn ông gì mà giọng thì nhẽo thượt, lúc thì the thé, đúng là cái giọng đàn bà! Nam nhìn dáng lẻo khẻo của Minh đứng chống nách, cái mũi đỏ thỉnh thoảng lại nẩy lên một cái như mắc cụt; anh ta vai xuôi, mặt đầy trứng cá trông buồn tẻ, cười chum chúm như có lỗi điều gì, Nam thấy buồn cười... Anh em gọi là Minh hấp, tính cẩn thận hay cáu bẳn, càu nhàu; làm quản lí, ai mà múc quá một số nước, hoặc đánh rơi vài hột cơm mà không nhặt cho gọn, ăn cá bới thân, bỏ đầu, anh ta nhắc ngay. Việc gì cũng cố làm ra vẻ nghiêm trọng. Từ việc lấy ráy tai "có kĩ thuật" tới việc khám hắc lào anh em.
      Hai người chèo xuồng đi đánh cá. Minh ngồi trước Nam, cẳng dài lêu nghêu co cao hơn vai, tay lều nguều quào quào như bới không khí.
      - Này! - Minh gọi - Ông có biết tại sao ăn cá san hô lại đái ra nước gạo không? - Minh xưng hô bằng vai với Nam, vì anh ta tuổi hơn Nam, là kính chuyên nghiệp già.
      - Tất nhiên - Nam vừa rải bước vừa nói - Họ đang bơi ra giữa lòng vịnh. Nước rút, bờ các riềm đá san hô viền quanh đảo đều đã nổi hẳn lên, sóng đánh tung bọt trắng xóa. Vịnh nước ở giữa đảo khá sâu và rộng. Đảo chìm là miệng một ngọn núi lửa mọc từ lòng biển. Một dải núi gồ ghề, liền nhau tạo nên một dãy trập trùng, san hô sống, chết đi, phủ bồi lên mặt núi tạo thành đảo san hô. Ở vịnh, có cá chép biển, cá hồng, cá kìm; phía ngoài đảo có cá thu, ngừ, mực. Họ đánh cá bằng lưới, câu, xâm; giờ cấm đánh bộc phá, dù cách đó kiếm được nhiều cá nhất, nhưng nhanh hủy diệt môi trường sống các loài sinh vật biển; nếu kẻ đến trước ăn xổi thì người đến sau nghỉ ăn!
      Đánh cá buổi sáng là tốt nhất. Vịnh nước nông nhất ngang ngực, chỗ sâu tới chục mét, dễ bắt nhất là cá kìm, bắt bằng lưới; cá chép, cá hồng phải câu. Minh cắt con cá chuồn ra thành những miếng mồi to bằng đầu ngón tay cái, cuộc cước là cái lon sữa bò cong hai đầu. Chèo ra tới giữa vịnh nước, có thể nhìn thấy đáy, thấy rõ đám san hô, đám đá xám và những dải cát trắng nhỏ lẫn rong màu thẫm.
      Từng đàn cá nhỏ như cá diếc cỏ vảy sọc xanh thẫm và trắng, bộ đội gọi là cá Hải Quân đang lượn lờ ở dưới. Một con rắn dài màu xám đang trườn giữa khe đá. "Túm cho ông Đại làm món bồi dưỡng thì phải biết". Nam nghĩ. Đi them một đoạn nữa, Minh bỗng thò hẳn cổ xuống sát mép nước, trợn mắt nhìn, rồi ngoắc tay bảo Nam:
     - Các chú đây rồi!
     - Cái gì?
     - Cá chép! Nhìn kỹ xem.
     Nam căng mắt nhìn xuống đáy, thấy ba con cá chép biển nửa đầu xám, nửa sau trắng, mình giống hệt cá chép ở đất liền, đang lờ đờ ở ngay dưới xuồng. Chúng có vẻ coi thường cái vật trắng to lù lù ở trên đầu. Phen này bác cho chúng mày vào nồi. Nam sáng mắt ra và với vẻ bình tĩnh vốn có, anh búng đánh chũm một cái xuống nước. Bọn cá giật mình. Hai miếng mồi thò xuống cùng một lúc. Hai miếng thịt cá chuồn trắng phếu lắc lư trong nước.
      - Cho quả thù tạc là xong! - Minh nói.
      - Ấy! Cứ bình tĩnh, tớ cam đoan với cậu trưa nay có món cá chép luộc chấm nước mắm đấy!
      Xuồng nhẹ nhàng bám theo. Hai miếng mồi rê theo, lê trên cát, bọn chúng bu lại, nhưng... Nam nhìn rõ miếng mồi của mình rời khỏi lưỡi câu. Minh cũng kêu lên.
      - Tớ mất mồi rồi. Bọn này quái thật.
      Họ kéo lưỡi câu lên thay mồi mới. Nam đã quen kiểu rỉa mồi rất khó chịu của bọn cá chép; chúng không tham mồi như cá bò. Cá bò - loài cá háu ăn và hung dữ có thể nghiến cả nước; nếu gặp được đàn cá này, có thể câu được chục ký. Ăn thịt cá bò ngon nhưng ghê ghê; nếu hình dung cái bụng của chúng chứa nhiều loại thịt người chết trôi thì ớn. Khi đói, chúng có thể tấn công, rỉa cả người đang bơi. Nam xiên miếng mồi vào lưỡi câu, ngúc ngoắc làm mấy đoạn, tạo thế thuận nhử tốt cho mồi. Anh treo mồi lưng lửng, cách mặt cât độ một gang tay. Xuồng khẽ trườn đi, rê mồi trên đầu bọn cá. Chúng liền bơi theo rỉa. Miếng mồi nhấp nhấp như kiểu khích cá. Chúng cố tỏ ra kiên trì, cố gắng rỉa mồi chứ không tợp luôn cả miếng. Một con cá to nhất, tỏ vẻ nhùng nhằng một chút rồi lao theo. Nma nghiến răng. Miếng mồi dừng lại. Con cá vừa kịp lao tới, há mồm ra rỉa, thì miếng mồi bị giật ngược trở lại. Nó vùng vẫy, lao xiên xiên, phơi cái bụng trắng. Nam giật dây cước, rồi thả dây cước từ từ, thả một đoạn cho con cá bơi cuống cuồng, lại từ từ kéo nhẹ nhàng. Một hồi chơi trò giỡn vậy, cốt để con cá nhược đi, Nam mới kiên quyết kéo nó lên. Một chốc, chú cá khoảng hơn một ký đã giẫy đành đạch giữa xuồng. Bọn cá còn lại nhao lên một chút, bơi đi. Nam lại lướt theo, cái bài cũ được lặp lại, cho đến khi cả bọn nằm cả trên xuồng. Trời sắp trưa, nắng đã rát tay.
     - Vậy là ông chỉ câu được một con cá còi nhất - Nam bảo Minh.
     - Sáng nay dậy, tớ bước chân trái xuống sân - Minh cười hì hì, cái mũi lại nẩy lên. Đi câu cá với Nam ai cũng yên tâm, anh có thể nhịn đói để săn bằng được những chú cá khôn nhất. Minh lừ lừ nhìn xuống đống cá, vừa thích, nhưng cũng không khỏi ghen tỵ với Nam. Hắn ta việc nào cũng làm tốt, cứ y như hắn đẻ ra vào đúng giờ đỏ vậy. Ở hắn cái gì cũng tuyệt vời, bộ râu quai nón của hắn cũng ăn đứt cái mã đàn ông của mình! Minh thầm rủa, nhìn chăm chăm vào hàng râu xanh và đôi môi đỏ của Nam. Hắn mà chết thì ối cô bé khóc. Hắn không bao giờ thổ lộ chuyện riêng, chỉ nói phét các chuyện tâm lí nọ kia, chắn gì đã tán gái giỏi. Đôi lúc Minh tỏ ý ganh tỵ với cậu bạn nhưng lại là cấp trên, là sỹ quan. Anh ta có lúc thầm rủa chính mình là đồ vứt đi, khi so sánh với sự chững chạc và trình độ sâu sắc của Nam. Nam khéo lắm, có lần Minh bảo: Cậu "tanh tưởi" lắm. Mà cái bọn tanh tưởi thường là của hiếm. Nên giữ mình mọi lúc, mọi nơi, vì trời sinh ra cậu, thế nào cũng có lúc giao phúc phận. Ngoài giữ chức vụ công việc ra, Minh vẫn giưc khoảng cách, kính trọng Nam.


  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro