Phong vân khó lường [Phần 4]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lời bạch: Cuộc đại chiến ở hồ Bà Dương vào cuối thời nhà Nguyên, lại là một trận gió lớn giúp cho Chu Nguyên Chương trong tình huống thực lực có sự chênh lệch quá xa, đã đánh bại quân đội của Trần Hữu Lượng lớn mạnh gấp mấy lần quân đội của ông, đặt định địa vị Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh của ông. Mấy chục năm sau, lại có một người nữa ba lần trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, cũng nhờ vào trận gió lớn mà giành được thắng lợi, đăng cơ xưng Đế đồng thời đưa văn trị võ công của triều đại nhà Minh lên đến đỉnh cao, như vậy người này là ai?

Sau khi Chu Nguyên Chương xưng Đế định đô ở Nam Kinh. Năm Hồng Vũ thứ 28, Chu Nguyên Chương ra một quyết định, mời một số tăng nhân dạy cho các Hoàng tử học kinh Phật. Hoàng tử thứ tư của Chu Nguyên Chương là Chu Đệ. Có một hòa thượng pháp danh gọi là Đạo Diễn, tên tục gia gọi là Diêu Quảng Hiếu. Khi vị hòa thượng này nhìn thấy Yên Vương Chu Đệ (lúc ấy đất phong của Chu Đệ là tại Bắc Kinh, cho nên gọi là Yên Vương), ông phát hiện vị Yên Vương này có tướng mạo không hề tầm thường. Theo như "Minh sử" ghi chép, Yên Vương có "dung mạo kỳ vĩ, có bộ râu rất đẹp," chính là râu mọc dài vô cùng đẹp, ngoại hình lại vô cùng cao lớn khôi vũ. Chu Đệ cũng là một vị tướng tài đặc biệt hiếm có của triều nhà Minh, đánh trận vô cùng lợi hại.

Khi Đạo Diễn nhìn thấy Yên Vương, liền tiến lên nói: Hy vọng ngài có thể cho tôi đi theo ngài. Nếu ngài cho tôi theo ngài, tôi sẽ tặng ngài một chiếc mũ trắng để đội. Trong quyển thứ 16 của "Minh sử kỷ sự bản mạt" có viết như thế này, Đạo Diễn nói với Yên Vương: "Đại Vương cho thần được hầu hạ, thần dâng tặng Đại vương một chiếc mũ trắng để đội, đem 'bạch' đội lên 'vương' thành chữ 'Hoàng' vậy". Chính là bên dưới chữ "Bạch" (白) thêm một chữ "Vương" (王), bởi vì lúc này Yên Vương đã được phong Vương rồi, đây chính là chữ "Hoàng" (皇) trong Hoàng đế (皇帝). Ý tứ chính là nói, nếu như ngài để cho tôi theo ngài, thì tôi có thể bảo đảm đưa ngài lên làm Hoàng đế. Chu Đệ lúc ấy rất khẩn trương, bởi vì lúc ấy Chu Nguyên Chương đã lập người kế vị.

Ban đầu Chu Nguyên Chương lập Thái tử là người anh cả của Chu Đệ, tên là Chu Tiêu. Chu Tiêu là một người vô cùng nhân hậu. Chu Nguyên Chương cũng hiểu rất rõ rằng, một quốc gia, một vương triều có thể dựa vào chiến tranh để đoạt được, gọi là giành được thiên hạ trên lưng ngựa, nhưng không thể "trị thiên hạ trên lưng ngựa." Vì vậy lúc ấy Chu Nguyên Chương liền tuyển nho sinh tốt nhất đến giảng đạo lý nhân ái trị quốc của Nho gia cho Chu Tiêu, cho nên Chu Tiêu là người cực kỳ nhân hậu. Thế nhưng rất đáng tiếc, sức khỏe của Chu Tiêu không được tốt lắm. Khi Chu Nguyên Chương còn chưa chết vì bệnh, thì Chu Tiêu đã bị bệnh mà chết.

Nhưng Chu Nguyên Chương rất thích người con trai này, cho nên bèn đưa con trai của Chu Tiêu là Chu Doãn Văn, chính là Hoàng thái tôn, vào vị trí người kế vị, đợi đến khi sau khi Chu Nguyên Chương mất, thì chính là do Chu Doãn Văn kế vị, cũng quả thực là như vậy. Chu Doãn Văn chính là Kiến Văn Đế sau này.

Hoàng đế của triều đại nhà Minh Chu Nguyên Chương đặt tên cho con cháu theo từng đời một đều rất có quy tắc. Toàn bộ tên thế hệ các con ông đều có chữ Mộc (木) ở bên cạnh, con trai lớn của ông có tên là Chu Tiêu (标) có chữ mộc bên cạnh, vị Yên Vương Chu Đệ (棣) cũng là có chữ Mộc đứng bên cạnh. Lại xuống thêm một đời nữa thì tên đều là có chữ Hỏa (火) ở bên cạnh, việc đặt tên đều được chú trọng như vậy, cứ dựa theo trình tự kim, mộc, thủy, hỏa, thổ này mà lần lượt đặt tên.

Như vậy thân phận của Chu Đệ lúc đó là một Phiên vương. Nghĩa là lúc ấy Chu Nguyên Chương phân phong cho các Hoàng tử, phân đất phong vương cho các Hoàng tử đến các vùng khác nhau làm Phiên vương. Phiên vương có quyền lực rất lớn ở trên đất phong của họ, có quân đội riêng, có chính sách thu thuế riêng của mình, có quyền nhất định trong việc tự bổ nhiệm quan quân. Vì vậy quyền lực của Phiên vương rất lớn. Sau khi Chu Nguyên Chương băng hà, Chu Doãn Văn lên kế vị, ông nhìn thấy các Phiên vương này liền có phần sợ hãi.

Những vị Phiên vương này đều là chú ruột của Chu Doãn Văn, mỗi người đều có thực lực rất mạnh, lại đều là danh tướng. Chu Doãn Văn sợ địa vị của mình sẽ bị uy hiếp. Có hai vị đại thần là thuộc hạ của Chu Doãn Văn, một người tên là Tề Thái, người kia tên là Hoàng Tử Trừng. Hai người họ bèn đưa ra một kiến nghị cho Chu Doãn Văn – tước Phiên, cắt giảm quyền lực đối với những Phiên vương này. Kỳ thực Chu Doãn Văn muốn nhất chính là cắt giảm quyền lực của Yên Vương, nhưng lúc mới đầu ông không dám động đến Yên Vương. Ông bèn bắt đầu động đến các Phiên vương ở các nơi khác, có một số Phiên vương bị bắt giữ, có người bị nhốt vào ngục, cũng có người tự sát... Như vậy cuối cùng đến lúc muốn tước Phiên Yên Vương, thì Yên Vương bèn làm phản.

Kỳ thực lúc ấy, sau khi Yên Vương đến Bắc Kinh, hòa thượng Đạo Diễn suốt ngày đi theo khuyên ông: Làm phản đi, làm phản đi. Nói như vậy với Yên Vương qua mấy năm. Về sau tình thế bắt buộc, Yên Vương bất đắc dĩ bèn tạo phản thật. Nhưng mà quân đội của Yên Vương không thể nào so sánh với quân đội của triều đình. Quân đội của Chu Đệ chỉ có mười mấy vạn, mà quân đội của triều đình là mấy chục vạn. Hai bên đã từng phát sinh mấy cuộc chiến, tôi chỉ kể một lần trong số đó thôi.

Năm 1400 chính là vào năm Kiến Văn thứ hai, đã xảy ra một trận quyết chiến giữa quân đội của Chu Đệ và quân đội triều đình tại vùng sông Bạch Câu, tỉnh Hà Bắc ngày nay. Lúc đó, quân đội của Chu Đệ là từ Bắc Kinh tiến về hướng Nam Kinh, nên gọi là bắc quân; quân đội triều đình lại từ Nam Kinh tiến về hướng Bắc Kinh, nên gọi là nam quân. Khi ấy, bắc quân và nam quân gặp nhau tại sông Bạch Câu và xảy ra trận quyết chiến.

Chỉ huy của nam quân, chính là tổng chỉ huy của quân đội triều đình, gọi là Lý Cảnh Long, mang theo 60 vạn quân. Mà Chu Đệ chỉ có mười mấy vạn quân. Trận chiến này đánh nhau rất quyết liệt, cuối cùng quân của Chu Đệ đã bị quân của Lý Cảnh Long bao vây chặt chẽ. Giữa lúc đó con trai của Chu Đệ là Chu Cao Húc mang một đội quân còn đầy đủ sức lực đến, nhưng rất nhanh đều bị tiêu diệt hết. Chính bản thân Chu Đệ cũng đã thay ba con ngựa, dùng gãy hết ba thanh kiếm, cho nên lúc đó Yên Vương đã lâm vào tình trạng đạn hết lương cạn rồi.

Ngay lúc này xảy ra một chuyện vô cùng kỳ quái. Theo quyển thứ năm của "Minh sử" ghi chép rằng, "gió lốc nổi lên, cờ của Cảnh Long gãy, Yên Vương thuận theo thế gió phóng hỏa dũng mãnh tấn công, chém đầu mấy vạn quân địch, người chết đuối hơn mười vạn," nghĩa là lúc đó đột nhiên nổi lên một trận gió lốc. Tâm của trận gió lốc này vừa khéo lại thổi ngay trên vị trí cờ soái của Lý Cảnh Long, cờ soái lập tức bị gió thổi gãy mất. Vì vậy mà toàn bộ chiến trường lúc này lập tức liền yên tĩnh xuống, mọi người đều đang nhìn xem, ngọn cờ soái kia làm sao bị gãy. Bởi vì trong chiến tranh thì điều này là một chuyện rất không may.

Chính ngay lúc đó, hướng gió của trận gió này thay đổi, từ trận gió lốc bắt đầu biến thành một trận gió bắc, từ phía bắc bắt đầu thổi về phía nam, gió thổi khiến cho nam quân không thể mở mắt ra được, cho nên Chu Đệ bèn "thuận theo chiều gió mà phóng hỏa." Theo chiều gió mà phóng ra một mồi lửa, chém đầu mấy vạn quân, chết chìm hơn mười vạn. Vốn là tình thế nam quân tất thắng, bởi vì một trận gió quái lạ mà ngàn dặm tan hoang.

Ở đây không chỉ là một trận gió đâu, lúc ấy khi Chu Đệ đánh trận, tổng cộng là ba lần, đang ở thời khắc ngàn cân treo sợi tóc thì gió lớn nổi lên, chẳng khác gì ba trận gió đem Chu Đệ từ Bắc Kinh thổi về Nam Kinh, sau đó lên làm Hoàng đế tại Nam Kinh. Điều này thoạt nhìn thì chính là những sự việc có xác suất nhỏ không ngừng xảy ra, nhưng kỳ thực đây chính là Thiên ý.

Tại quyển thứ 145 của "Minh sử" có ghi chép một đoạn đối thoại giữa Yên Vương và Đạo Diễn vào thời ấy. Yên Vương bèn hỏi Đạo Diễn rằng: "Dân tâm hướng về đối phương, thì làm thế nào?" Ông nói rằng ngươi luôn khuyên ta làm phản, thế nhưng tâm của dân chúng hướng về Kiến Văn Đế, ta có thể có biện pháp gì đây? Lúc ấy Đạo Diễn nói tám chữ, tạm dịch là "Thần biết Thiên đạo, cần gì bàn đến dân tâm?" Ý là tôi đã biết ông sẽ lên làm Hoàng đế rồi, cho nên ông cũng không cần nói lời khách khí nữa.

Vào thời nhà Minh, có một người xem tướng vô cùng nổi tiếng gọi là Viên Củng. Có một lần, Yên Vương đi ra ngoài uống rượu, mang vài thị vệ từ trong cung đi theo. Vì không muốn để lộ thân phận, Yên Vương không mặc quần áo của Hoàng tử, mà mặc quần áo thị vệ bình thường. Khi đi đến tửu lâu, Viên Củng cũng đang uống rượu ở tửu lâu đó. Viên Củng nhìn thấy Yên Vương, liền chạy tới quỳ trên mặt đất nói: Điện hạ ngài làm sao có thể mặc áo quần của hạ nhân (hạng người thấp kém) được? Yên Vương nói, quần áo của hạ nhân gì chứ, tôi là thị vệ. Viên Củng nói ngài khỏi cần khách khí nữa, tương lai ngài là sẽ làm Hoàng đế đó.

Hôm nay kể cho mọi người nghe bốn câu chuyện liên quan đến gió. Trận chiến Xích Bích, là một trận gió lớn, đặt định cục diện thế chân vạc cho tam quốc; cuộc chiến Sở – Hán, một trận gió lớn đã cứu được tính mạng của Lưu Bang, khai sáng giang sơn nhà Hán 400 năm; trận đại chiến hồ Bà Dương, một trận gió lớn giúp Chu Nguyên Chương tiêu diệt Trần Hữu Lượng, trở thành Hoàng đế khai quốc của triều đại nhà Minh; còn trong cuộc chiến Tĩnh Nan, không phải là một trận gió lớn, mà là ba trận gió lớn đã giúp Chu Đệ tiến về Nam Kinh, trở thành Minh Thành Tổ của sau này. Về sau, ông dời đô thành từ Nam Kinh về Bắc Kinh.

Khi tôi đọc lịch sử thì thường sẽ có những cảm khái như thế này, lịch sử có đôi khi giống như một con thuyền đi trong biển lớn, một trận gió thổi tới liền thay đổi hướng đi của nó.

Phong vân của lịch sử ấy chính là luôn khó lường. Trời có mưa gió thất thường, người có họa phúc sớm tối. Đối với mỗi một người mà nói, trên con đường nhân sinh này cũng sẽ luôn có những chuyện đột nhiên xảy ra, làm thay đổi vận mệnh của một con người.

Ở tập tiếp theo, chúng ta bắt đầu từ thời chiến tranh Ngô – Sở, kể lại những câu chuyện kinh tâm động phách, hoặc là những câu chuyện khiến người ta cảm động sâu sắc trong lịch sử. Mời quý vị đón xem tập tiếp theo "Tai họa bất ngờ."

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro