Tai họa bất ngờ (Phần 3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sở Bình Vương vừa mới nói, Ngũ Xa đã biết ngay ông ta muốn giết ba cha con họ một lượt. Ngũ Xa nói: Thần là một trung thần, nên mệnh lệnh của quân vương thần chỉ biết nghe theo. Thư thần có thể viết, nhưng thần xin nói với Đại vương là con trai lớn của thần sẽ về, con trai thứ hai chắc chắn sẽ không về. Sở Bình Vương nói: Về hay không về là việc của họ, nhưng thư thì khanh nhất định phải viết. Ngũ Xa liền viết một bức thư gửi ra ngoài thành.

Khi đó Ngũ Thượng và Ngũ Tử Tư đọc thư xong, Ngũ Thượng nói: Sở Bình Vương gọi chúng ta về. Nếu như chúng ta về thì có thể đặc xá tội cho phụ thân, hay là chúng ta cứ về đi. Ngũ Tử Tư nói: Ngàn vạn lần không thể về. Sở dĩ Sở Bình Vương không dám giết phụ thân, chính là vì kiêng nể chỗ huynh đệ ta. Nếu như chúng ta về, chính là "thúc nhanh cái chết của cha" sẽ khiến cha chết nhanh hơn. Cho nên chúng ta tuyệt đối không thể về. Nếu như Sở Vương dám giết phụ thân, chúng ta sẽ báo thù cho phụ thân.

Ngũ Thượng nói: Phụ thân gọi chúng ta về, nếu chúng ta không về chính là bất hiếu; Nếu như phụ thân chết rồi, chúng ta lại không có khả năng báo thù cho phụ thân, đó là tầng bất hiếu thứ hai. Như huynh đây mà nói, năng lực so sánh với đệ, thì quả thực kém rất nhiều. Ông nói: Như thế này vậy, huynh lấy việc về đô thành cùng chết với phụ thân làm phương thức báo hiếu. Nếu như ta và phụ thân cùng chết, xin đệ hãy lấy việc báo thù làm phương thức báo hiếu. Huynh đệ họ hai người bái nhau bốn lạy, rồi từ biệt nhau.

Rất nhiều khi tiếp tục sống còn khó hơn chết, anh đến đằng kia bị người ta giết rồi, đằng nào anh cũng đã tận hiếu rồi, xong hết mọi chuyện rồi, cũng rất đơn giản. Nhưng nếu sống để báo thù, đó quả thực là rất khó.

Chúng ta xem, Triệu thị cô nhi (đứa con côi nhà họ Triệu) cũng là câu chuyện như vậy, khi bàn cách cứu cô nhi họ Triệu, hai môn khách của Triệu Thuẫn, một người là Trình Anh, một người là Công Tôn Xử Cữu, hai người họ thương lượng nói: Một người khảng khái đi đến cái chết, đó là một con đường; Còn có một con đường là bảo hộ cho đứa trẻ, nuôi dưỡng nó nên người, cuối cùng báo thù, con đường nào dễ hơn? Trình Anh trả lời: Đương nhiên chết dễ dàng hơn rồi. Xử Cữu nói: Vậy tôi đi chết, anh sống tiếp đi, cuối cùng phò tá cô nhi họ Triệu báo thù. Cho nên sau này Trình Anh nhẫn nhục chịu đựng 15 năm, nuôi dưỡng cô nhi họ Triệu trưởng thành, quá trình phải trải qua là vô cùng gian khổ, đó là một việc hết sức khó khăn.

Đối với Ngũ Thượng mà nói, ông đi chết cùng với phụ thân rồi, nhưng đối với Ngũ Tử Tư mà nói, đây là một vấn đề nan giải, bày ra trước mắt ông.

Lời bạch: Năm 522 TCN, 5 năm sau chuyện Sở Bình Vương dưới sự thao túng của Phí Vô Kỵ làm ra chuyện loạn luân, cho rằng thời cơ đã chín muồi, họ muốn một lần tiêu trừ cả Thái tử Kiến, Thái phó của Thái tử là Ngũ Xa và hai người con của ông. Nhưng Thái tử Kiến được Tư mã Thành Phụ Phấn Dương nhất mực trung thành thả cho đi, Ngũ Xa bị ngồi tù, con trai cả của Ngũ Xa là Ngũ Thượng nguyện cùng đi chết với phụ thân để bảo toàn hiếu đạo. Con trai thứ hai của Ngũ Xa là Ngũ Tử Tư muốn giữ lại được thân mình, để báo thù cho phụ thân và huynh trưởng.

Chính là như vậy, Ngũ Thượng theo sứ thần về đến đô thành. Ngũ Tử Tư thay y phục chuẩn bị trốn chạy. Khi đó sứ thần được cử đến là Vũ Thành Hắc. Ông ta nghe nói Ngũ Tử Tư muốn trốn, liền phái xa binh truy đuổi Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư liền đứng ngay ven đường, cầm một cung và một tiễn, kéo căng ra rồi nhắm vào xe của sứ giả. Khi đó Vũ Thành Hắc sợ đến mức chạy trối chết. Vì sao? Bởi vì Ngũ Tử Tư rất dũng cảm. Nếu như bạn đọc "Đông Chu Liệt Quốc Chí" miêu tả về Ngũ Tử Tư, trong đó nói Ngũ Tử Tư là người Giám Lợi (địa danh), thân cao một trượng.

Một trượng là cao bao nhiêu, một trượng là mười thước. Vào thời triều đại nhà Chu, thước có hai loại có độ dài khác nhau, một loại có độ dài 19,91cm; một loại có độ dài 23cm. Chúng ta nói đến thước nhỏ là 19,91cm, một trượng chính là 1,99m. Ngũ Tử Tư rất khôi ngô (cao lớn), thân cao gần 2m, Ngũ Tử Tư: "Thân cao một trượng, mày rộng một thước." Lông mày của ông rất dài, "ánh mắt như điện," con mắt sáng giống như tia chớp. "Có cái dũng bạt núi vác đỉnh, xét về tài thì kinh văn vĩ vũ," ông là người văn võ toàn tài, cho nên lúc đó mọi người nghĩ xem, khi Ngũ Tử Tư như một người khổng lồ cầm cung tiễn nhắm vào sứ thần, sứ thần quá sợ hãi mà chạy mất.

Sau khi Ngũ Thượng theo sứ thần về đến đô thành, cùng với Ngũ Xa bị chặt đầu ở chợ. Trước khi bị chặt đầu Ngũ Xa nói: "ai dà, tôi biết con trai thứ hai của tôi chắc chắn sẽ không về." Từ đó quân thần nước Sở đều sợ hãi ăn không ngon ngủ không yên.

Ngũ Tử Tư đã bước vào con đường chạy trốn như vậy. Vấn đề đầu tiên là trốn đến đâu, đương nhiên vấn đề này cũng tương đối dễ trả lời, bởi vì Thái tử đã chạy đến nước Tống. Cho nên Ngũ Tử Tư liền chuẩn bị đến nước Tống để nhờ cậy Thái tử. Chính vào lúc ông đang chuẩn bị bắt đầu lưu vong, hãy còn ở trong biên giới đất Sở, ông nhìn thấy từ xa một toán lính đang đi đến. Ngũ Tử Tư khi đó rất căng thẳng, liền nấp vào vệ đường. Đợi đến khi tốp lính đến gần, ông phát hiện người dẫn đầu toán lính là người bạn rất thân của ông, tên là Thân Bao Tư. Ngũ Tử Tư liền từ chỗ nấp đi ra, đứng ngay bên đường. Thân Bao Tư nhìn thấy Ngũ Tử Tư, vô cùng ngạc nhiên, ông ta nói, tại sao huynh lại ở chỗ này? Ngũ Tử Tư liền khóc kể lại một lượt những gì mình đã trải qua. Thân Bao Tư nói thế huynh định làm gì bây giờ? Ngũ Tử Tư nói: Tôi nhất định phải đến một nơi có thể mượn binh về giết chết Sở Bình Vương.

Thân Bao Tư liền khuyên ông ta, từ đời ông nội nhà huynh đến nay, mấy đời ăn bổng lộc của nước Sở. Đại Vương tuy có làm việc không phải với nhà huynh, nhưng nếu như huynh giết Đại Vương rồi, đó chẳng phải là hành vi bất trung sao? Đương nhiên Thân Bao Tư là đứng ở góc độ một trung thần để khuyên Ngũ Tử Tư.

Ngũ Tử Tư trả lời như thế nào? Sở Vương đã làm bốn việc bất nghĩa, đó là: nạp con dâu, vứt bỏ con trưởng, nghe sàm nịnh, hại trung lương.

Nạp con dâu, chính là lấy vợ của con trai mình, đây là một việc loạn luân; Việc thứ hai là "vứt bỏ con trưởng," muốn giết Thái tử do chính mình lập, giết con ruột của mình; Việc thứ ba "tin sàm nịnh" nghe theo lời nói của Phí Vô Kỵ; Thứ tư "hại trung lương," chính là muốn giết cha và huynh trưởng của Ngũ Tử Tư. Ngũ Tử Tư nói nếu như ta bây giờ đem binh vào kinh đô Dĩnh, chính là vì nước Sở mà quét sạch ô uế, đó chính là thật lòng nghĩ cho giang sơn xã tắc của nước Sở. Làm sao có thể để một người đạo đức bại hoại như thế làm quân vương của nước Sở được? Bởi vì Ngũ Tử Tư về mặt đại nghĩa mà nghĩ chứ không phải rơi vào lối nghĩ của loạn thần tặc tử.

Lúc đó Thân Bao Tư nghĩ một lúc rồi nói: Nếu như tôi đồng ý để huynh báo thù, là tôi đối với vua bất trung; Nhưng nếu tôi không để huynh báo thù, lại là ép người khác vào tội bất hiếu, bởi vì huynh không có cách nào báo hiếu cho cha. Ông nói: đối với tôi mà nói, quả thực là việc khó cả đôi bên. Tôi có một giao ước với huynh, xuất phát từ nghĩa bằng hữu, tôi không tiết lộ hành tung của huynh, tôi cũng không bắt huynh, huynh có thể dẫn quân tiêu diệt nước Sở. Khi huynh diệt được nước Sở xong, tôi nhất định phục hưng lại nước Sở. Chính là "Tử năng nguy Sở, ngã năng an Sở." Huynh có thể làm cho nước Sở nguy hiểm, tôi có thể khiến nước Sở an toàn, huynh có thể tận hiếu, cuối cùng thì tôi còn phải tận trung. Chính là như vậy, Thân Bao Tư cáo biệt Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư cũng vội rời nước Sở đến nước Tống.

Ngũ Tử Tư hiện tại muốn báo thù cho cha và huynh trưởng, ông đứng trước ba vấn đề khó. Cái khó thứ nhất là phải rời khỏi được nước Sở, bảo toàn được tính mệnh của mình; Cái khó thứ hai là phải giành được quyền bính của một quốc gia, có thể điều động quân đội của nước đó; Cái khó thứ ba là điều động quân đi đánh nước Sở, còn phải đánh thắng. Ba sự việc này đúng là việc đầu tiên đã khó, việc thứ hai khó hơn thứ nhất, việc thứ ba lại khó hơn việc thứ hai.

Nước Sở là một nước rất lớn, Vào thời Xuân Thu, từng có năm người lần lượt xưng bá: Tề Hoàn Công, Tống Tuyên Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công và Sở Trang Vương, gọi là Xuân Thu ngũ bá. Trong Xuân Thu ngũ bá có Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công đều đã từng giao tranh với nước Sở, chính là trong thời Xuân Thu khi họ làm bá chủ. Khi đó họ đã liên kết với rất nhiều nước, cùng đánh nước Sở. Bọn họ cũng chỉ có thể đánh nước Sở một trận, rồi phải vội vàng dừng lại, bởi vì tại trung nguyên không có bất kỳ nước nào có đủ thực lực để tiêu diệt nước Sở. Nước Sở chính là lợi hại như vậy.

Mà đối với Ngũ Tử Tư mà nói, ông muốn báo thù cho huynh trưởng, báo thù cho cha, thì tất phải tiêu diệt được nước Sở. Mọi người nghĩ xem chuyện này khó cỡ nào, huống hồ ông làm sao có thể bảo đảm khi ông đến một quốc gia, quân vương của quốc gia đó sẽ xuất binh giúp ông? Nói "gặp chuyện bất bình ra tay tương trợ," đó chỉ có thể là những người như Lý Quỳ hoặc Lỗ Trí Thâm, quân vương của một nước tuyệt đối sẽ không làm việc như vậy.

Hơn nữa xưa còn có câu nói gọi là "Vạn thặng chi chủ, bất vị thất phu hưng sư." Vạn thặng tức là sao? Chính là vào thời Xuân Thu Chiến Quốc ngày xưa, khi ra trận, họ dùng binh xa để tác chiến. Khi đó người ta không cưỡi ngựa, khi đánh nhau ngồi trong xe, một cái binh xa gọi là một thặng, một thặng có ba giáp sĩ, người ở giữa là người đánh xe, "đánh xe" là một trong sáu nghề (lục nghệ) của nho gia, chính là người đánh xe. Quan võ khi đánh nhau ở bên phải, chủ tướng ở bên trái, khi hai xe tiếp cận đánh nhau, võ tướng sẽ dùng mác để đánh nhau. Đương nhiên còn có một số vũ khí tầm xa, chính là cung, tiễn, đồng thời còn có một số có tính phòng ngự, ví dụ như áo giáp, khiên.v.v. đều là dùng da thú để làm. Cho nên làm được một cỗ xe là rất rất đắt, khi đó một cỗ xe, ba giáp sĩ, còn có 72 bộ binh đi kèm. Chính là ngoài ba nhân lực tác chiến ở trong xe ra, phía sau còn có 72 bộ binh. Như vậy là 75 người rồi, lại còn có 25 người bảo đảm hậu cần phía sau. Cho nên một thặng tương đương 100 binh sĩ. Nước có một nghìn cỗ xe, giống như một nghìn cỗ xe của nước Lỗ, tương đương có quân là 10 vạn người. Vạn thặng chi quốc, là tương đương có quân là 100 vạn người.

"Vạn thặng chi chủ, bất vị thất phu hưng sư." Một quốc gia có thực lực lớn như vậy, không thể nào vì một người bình thường mà đi báo thù, chính là phải động đến rất nhiều nguồn lực. Cho nên đối với Ngũ Tử Tư mà nói, ông hiện đang phải đối mặt với khó khăn như vậy, đương nhiên khó khăn nhất chính là ông phải thoát ra khỏi nước Sở. Tất cả những khó khăn đó, Ngũ Tử Tư đã lao tâm khổ chí 16 năm, cuối cùng từng cái từng cái được giải quyết, rốt cuộc hoàn thành được nguyện vọng báo thù. Ông đã trốn khỏi nước Sở như thế nào? Xin mời xem tập sau "Ma nạn trùng trùng." 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro