Tập 6 - Khoái ý ân cừu (Phần 3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngũ Tử Tư diệt Sở báo thù, theo đường xưa trở về báo ân

Khi Phù Khái chạy về Dĩnh Đô, đã nói với Hạp Lư, liên quân hai nước Tần-Sở rất hùng mạnh, e rằng chúng ta không chống đỡ nổi.

Nét mặt Hạp Lư tỏ vẻ sợ hãi, Tôn Vũ liền nói, khi đó thần muốn để ngài lập Mễ Thắng làm Sở Vương, chính là lo lắng Sở Chiêu Vương sẽ lớn mạnh trở lại. Bây giờ chúng ta không thể giao tranh với hai nước Tần-Sở được. Nước Ngô hiện tại quân lính đang vô cùng kiêu ngạo, mà bên kia số lượng binh sĩ nhiều và đang trong trạng thái báo thù, quả thực, sĩ khí của hai bên là khác nhau. Chúng ta muốn đánh cũng không thắng được, biện pháp tốt nhất là giảng hòa với nước Sở. Chúng ta đánh không được họ, thua trận rồi cũng không thể quay lại giảng hòa, tranh thủ khi chúng ta vẫn chưa bại, chúng ta còn có thể ra điều kiện với họ, yêu cầu nước Sở cắt nhượng biên giới phía Đông của họ cho chúng ta, đổi lại chúng ta đồng ý Sở Chiêu Vương phục quốc. Như vậy, chúng ta có thể mở rộng lãnh thổ quốc gia.

Phía Đông nước Sở giáp với phía Tây của nước Ngô, khi lãnh thổ nước Ngô được mở mang, nhân khẩu ở đó sẽ tăng lên và có thể thu được nhiều thuế hơn, quốc gia vì thế sẽ trở nên giàu có hơn.

Tôn Vũ phải đối mặt với bước ngoặt nguy hiểm như vậy, ông đang tính toán làm thế nào mới có thể đem lại lợi ích lớn nhất cho nước Ngô. Ngũ Tử Tư biết Tôn Vũ nói rất đúng, cũng rất đồng ý với các suy tính của Tôn Vũ, nhưng Bá Bỉ không đồng ý. Bá Bỉ nói chúng ta năm đó đánh năm trận vào đến Dĩnh Đô, thế như chẻ tre, vì sao vừa nhìn thấy quân Tần, chúng ta ngay lập tức cầu hòa? Ông ta thưa, cho thần một vạn quân, thần có thể đảm bảo đánh thắng, nếu không sẽ cam tâm chịu theo quân lệnh.

Khi đó Hạp Lư tin lời ông ta, liền cấp cho Bá Bỉ một vạn quân. Kết quả Bá Bỉ vừa đi liền bị thua ngay, một vạn quân cuối cùng chỉ còn lại hai ngàn quân trở về. Bá Bỉ tự mình ngồi xe tù đến gặp Ngô Vương thỉnh tội. Tôn Vũ nói với Ngô Vương, Bá Bỉ là người kiêu căng tự phụ, lâu dài sẽ là cái họa của nước Ngô, chi bằng nhân lúc thua trận lấy quân lệnh xử trảm ông ta.

Tôi không biết Tôn Vũ có biết chuyện thần tướng Bị Ly (người giỏi coi tướng) nói Bá Bỉ "bản tính tham lam nịnh hót, cướp công và tùy tiện giết người" hay không, nhưng Ngũ Tử Tư lại một lần nữa xin tha tội cho Bá Bỉ, nói Bá Bỉ trước đây đã đánh rất nhiều trận thắng, nên được lấy công chuộc tội, kết quả Bá Bỉ được xá tội.

Lời bạch: Thân Bao Tư đứng giữa sân triều đình nhà Tần khóc bảy ngày bảy đêm, khiến Tần Ai Công cảm động đồng ý vì ông mà xuất binh, khôi phục lại nước Sở. Em trai Ngô Vương Phù Khái thua trận, Tôn Vũ và Ngô Tử Tư đều khuyên Ngô Vương lui quân, Bá Bỉ lại kiên trì quyết chiến, kết quả đại bại. Tôn Vũ khuyên Ngô Vương xử tội chết cho Bá Bỉ để làm gương quân pháp, nhưng Ngũ Tử Tư lại xin tha cho Bá Bỉ. Ngô Vương đặc xá cho Bá Bỉ. Hình thế đối với quân Ngô đã rất bất lợi, vậy thì Ngô Vương muốn tiếp tục chống cự hay là dừng lại bảo toàn đây?

Hạp Lư cũng suy nghĩ rốt cuộc nên cầu hòa hay chiến? Ông đầu tiên nghĩ chiến, mệnh lệnh cho em trai là Phù Khái trấn thủ Dĩnh Đô. Kết quả Phù Khái nghĩ nước Ngô truyền ngôi từ đời anh đến em, anh chết rồi thì em kế vị. Nhưng hiện tại Hạp Lư chưa lập Phù Khái làm thái tử, mà lập con trai Phù Sai làm thái tử. Phù Khái nghĩ, đây chẳng phải là ta không có cơ hội làm Ngô Vương hay sao? Nhân lúc hiện nay Hạp Lư đang giao chiến với hai nước Tần-Sở, ta phải nhanh chóng âm thầm về nước Ngô xưng Vương. Cho nên Phù Khái dẫn theo quân binh chạy một mạch, trên đường còn ban bố tin giả là quân Ngô Vương bại trận không biết giờ ở đâu. Theo quy định của nước Ngô, anh chết thì em kế vị, nên Phù Khái về để lên làm Ngô Vương, đồng thời Phù Khái giao hẹn nước Việt giúp đỡ và chi viện cho ông ta về quân sự và chính trị.

Phù Khái vừa chạy, Hạp Lư liền biết ngay. Hạp Lư hỏi Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư, tại sao Phù Khái chạy? Ngũ Tử Tư nói ông ta chạy lần này, chắc chắn là muốn tạo phản. Ngũ Tử Tư khả năng nhớ được thần tướng Bị Ly nói Phù Khái "lông mao mọc ngược, tất có chuyện phản chủ phản quốc". Cho nên Hạp Lư vừa nghe trong nước có loạn, lập tức cũng dẫn binh về dẹp loạn.

Khi bình loạn Hạp Lư hạ lệnh rằng, Quả nhân hãy còn đây, các ngươi cũng là do tin theo lời dối trá của Phù Khái, chỉ cần các ngươi quay lại, ta lập tức miễn tội cho các ngươi, dù trước đây các ngươi có theo Phù Khái hay không. Nhưng nếu các ngươi bây giờ không quay lại, Phù Khái một khi bại trận, ta sẽ giết toàn bộ những người đi theo Phù Khái.

Chiêu này của Hạp Lư quả thật lợi hại, bởi vì Phù Khái vốn là nói dối, nên mọi người vừa nghe nói Ngô Vương còn sống, ông ta lại ra quân lệnh như vậy, hầu như toàn bộ binh lính nước Ngô đều quay về phía Hạp Lư. Phù Khái chỉ còn lại một ít người ngựa, vừa đánh đã thua. Sau khi bại trận, Phù Khái chạy sang nước Việt. Khi đó nước Việt nhìn thấy Phù Khái bại trận, cũng không xuất quân giao đấu với nước Ngô nữa.

Do quốc gia có nổi loạn trong nước, Hạp Lư nhanh chóng lệnh cho Tôn Vũ và Ngũ Tử Tư thu quân. Ngũ Tử Tư đang chuẩn bị rút quân, Tôn Vũ liền hỏi "Sao không tìm cách lo cho Mễ Thắng?", đã đành chúng ta không thể không thu quân, nhưng sao không tranh thủ lúc này, khi vẫn chưa thua, vẫn còn có cơ hội, yêu cầu nước Sở phong cho Mễ Thắng một quận lớn, để cho Mễ Thắng trở thành người đứng đầu của một khu vực.

Các bạn xem Tôn Vũ khi thắng lợi không kiêu ngạo. Mọi người còn đang uống rượu, ông đã nghĩ làm thế nào có thể chiếm lĩnh được nước Sở mãi mãi. Ông kiến nghị thành lập chính quyền bù nhìn. Khi nhìn thấy mình không có khả năng thắng, ông liền đề nghị cắt của nước Sở một mảnh đất lớn. Hiện tại khả năng đã không có cơ sở để nói chuyện rồi, ông muốn đem Mễ Thắng đưa trả về. Đây cũng là lẽ thường tình của con người, vì cậu ta vốn là con của Thái tử Kiến đã quá cố, nên Sở Chiêu Vương cũng sẽ đồng ý và phong cho Mễ Thắng một ấp lớn. Như vậy, nước Ngô rút quân từ nước Sở về.

Trước khi lui binh, nước Ngô mang hết những thứ trong kho, phủ của nước Sở như tiền, lương thực ... toàn bộ đều vận chuyển về nước Ngô, ngay lập tức nước Ngô trở thành một nước vô cùng giàu có.

Ngũ Tử Tư khi rút quân, để cho Tôn Vũ theo đường thủy về trước, còn bản thân ông men theo con đường lúc chạy trốn khi xưa về lại Chiêu Quan. Ông cho người phá bỏ Chiêu Quan, đồng thời cho người hỏi thăm tông tích của Đông Cao Công và Hoàng Phủ Nột. Ông muốn báo ân. Kết quả không tìm được Đông Cao Công và Hoàng Phủ Nột, nên Ngũ Tử Tư ở chỗ hai người từng trú ngụ trước đây bái lạy lần nữa rồi rời đi.

Đến bên dòng nước chảy xiết, là nơi cô gái giặt sợi tự vẫn, Ngũ Tử Tư đem một nghìn cân vàng vứt xuống nước. Ông nói, cô gái ở dưới suối vàng, xin hãy nhận cho lời ta hứa với cô năm đó. Ngoài việc muốn báo thù, Ngũ Tử Tư còn muốn báo ân.

Ngũ Tử Tư sau khi về đến nước Ngô, Hạp Lư luận công ban thưởng, xem ai có công cao nhất trong việc phá Sở. Trong các công thần lập công cao nhất hẳn nên có Phù Khái, nguyên là người tiên phong, nhưng ông ta đã phản bội, đã chạy sang nước Việt. Công đầu là Tôn Vũ, Ngô Vương Hạp Lư khi đó muốn trọng thưởng Tôn Vũ, kết quả Tôn Vũ không nhận, ông đã không nhận quan tước, cũng không nhận bất cứ tài vật gì.

Ông nói riêng với Ngũ Tử Tư mấy câu như thế này — "Tử tri thiên đạo hồ? Thử vãng tắc hàn lai, xuân hoàn tắc thu chí, Vương thị kỳ cường thịnh, tứ cảnh vô ngu, kiêu nhạc tất sinh. Phu công thành bất thối, tất hữu hậu hoạn, ngô phi đồ tự toàn, tịnh dục toàn tử."

Ông nói theo đạo lý của Trời, mùa xuân qua đi rồi mùa thu sẽ đến, một quốc gia không thể luôn mãi cường thịnh. Nước Ngô của chúng ta sau khi diệt Sở chính đã đạt đến đỉnh điểm rồi, như vậy cũng là khởi điểm nước Ngô bước xuống dốc. Tôn Tử nói, hôm nay "tứ cảnh vô ngu", bốn bề không có bất kỳ người nào dám khiêu chiến với chúng ta, "kiêu nhạc tất sinh", Quốc quân nhất định sẽ kiêu ngạo, nhất định sẽ bắt đầu hưởng lạc, đây chính là khởi điểm suy bại của nước Ngô. Cuối cùng ông nói "công thành bất thối, tất hữu hậu hoạn", cho nên hôm nay ta phải rời khỏi nước Ngô, không chỉ là muốn bảo toàn bản thân ta, ta cũng muốn ông cùng ta rời đi, đây cũng là ta muốn bảo toàn cho ông. Nhưng Ngũ Tử Tư không nghe. Tôn Vũ liền rời nước Ngô.

Hạp Lư cho Tôn Vũ rất nhiều tiền, Tôn Vũ dọc đường phân phát cho bách tính, bản thân một xu cũng không giữ lại, phiêu nhiên quay về núi, tiếp tục viết binh pháp của mình.

Chúng ta nhìn thấy trong chiến tranh Ngô-Sở, có rất nhiều người cá tính thật rõ ràng. Ngũ Tử Tư lao tâm khổ chí 16 năm, cuối cùng đạt được nguyện vọng báo thù, ông cũng là người ân oán rành mạch. Tôi cảm thấy Tôn Vũ là một người thông hiểu thiên đạo, hơn nữa vô cùng coi nhẹ danh lợi.

Sở Chiêu Vương sau khi phục quốc, cũng muốn thưởng cho các công thần dưới trướng. Trong đó công thần không thể bàn cãi chính là Thân Bao Tư, nhưng Thân Bao Tư không chịu nhận. Sở Chiêu Vương nhất định phải thưởng, Thân Bao Tư liền chạy mất. Người vợ liền hỏi Thân Bao Tư, ông vì non sông xã tắc nước Sở lập được công lao lớn như thế, từ nước Tùy chạy sang nước Tần mượn binh, khóc bảy ngày bảy đêm, cảm động được Tần Ai Công; quay trở về lại đuổi được quân Ngô, lẽ nào việc ông được phong thưởng, chẳng là điều quá hợp lý hay sao?

Thân Bao Tư nói, ta đối với nước Sở có tội, không có công. Năm đó ta vì trọn vẹn cái nghĩa đối với bằng hữu, cũng là trọn vẹn đạo hiếu cho Ngũ Tử Tư, ta mới ngồi xem Ngũ Tử Tư tiêu diệt nước Sở. Ta nay không dám lấy tội thay công. Nói ta khôi phục nước Sở, nhưng kỳ thực chuyện nước Sở bị diệt vong trước đó có quan hệ đến ta. Nay ta chỉ làm chút chuyện bù đắp cho lỗi lầm trước kia mà thôi, căn bản là không có công lao gì. Thân Bao Tư lúc đó liền trốn đi, Sở Chiêu Vương sau này cảm kích Thân Bao Tư, đến nơi ở cũ của Thân Bao Tư đề chữ cho ông ta, gọi là "Trung Thần chi môn".

Lời bạch: Ngô Vương Hạp Lư dẹp phản loạn của người em Phù Khái, về đến nước Ngô. Ngũ Tử Tư đi theo con đường đã trốn chạy năm đó trở về báo ân. Sau khi về đến Cô Tô, Ngô Vương luận công ban thưởng, nhưng Tôn Vũ không nhận. Ông nhận thấy sứ mệnh của mình đã hoàn thành, liền quay về trong núi tiếp tục viết binh pháp. Trước khi đi có khuyên Ngũ Tử Tư đi cùng, để có thể bảo toàn tính mệnh. Còn đệ nhất đại công thần khôi phục nước Sở là Thân Bao Tư cũng không tự cho mình có công lao mà kiêu ngạo, liền trốn vào trong núi ẩn cư.

Chiến tranh Ngô-Sở đã kết thúc như vậy, Ngũ Tử Tư đã mất thời gian 16 năm mới hoàn thành được tâm nguyện báo thù. Nhưng còn có một người, ông đã mất gần 20 năm, cũng vì báo thù rửa nhục cho mình, người đó là ai vậy? Xin mời xem tập tiếp theo "Thạch ốc dưỡng mã". Cảm ơn.

(Còn tiếp)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro