TIỂU KHA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TIỂU KHA

Posted by Alex on May 8 2009 Năm một ngàn chín trăm tám mươi lăm.

Năm ấy, tôi mười ba tuổi, một số tuổi không may mắn chút nào.

Năm ấy, tôi gặp lão.

Và năm ấy, nguyên thần.

Alex dịch tặng Anh Cúc, Nhàn Cúc, Nhàn Vân Lão Hạc, K5,

Lục Hương, Rùa, phongdao, simi, Thiền Hoa Tử, Vấn Cúc.

1. LÃO GIÀ

Tôi là một kẻ khô khan, một học sinh cao trung năm nhất không có gì nổi trội - ít nhất theo quan điểm của đám bạn cùng lớp.

Vừa vào cao trung, bài vở thảnh thơi, thời gian rộng rãi, nhưng tôi cũng chẳng mặn mà với những trò vui mà giới thanh thiếu niên ưa thích. Nào phải tôi cố ý làm mình khô khan thế đâu, chỉ bởi mỗi người một tính, biết sao! Sau giờ học, tôi thường vào hiệu sách đứng đọc chùa, đấy là thú tiêu khiển lớn nhất của tôi!

Chớ tưởng do không có tiền mua nên tôi đứng coi cọp thế mà lầm. Nói không ngoa chứ, nhà tôi có một công ty gia công dệt may, một ngành hái ra tiền vào khoảng cuối thập niên tám mươi, mà nói chung bây giờ vẫn vậy. Tôi đứng xem nhờ sách, chỉ vì không muốn mò về căn nhà thiếu sinh khí của gia đình.

Bố tôi thường tha ở đâu về hàng bầy bợm nhậu, cả bọn bù khú la hét, thành ra lúc nào nhà cửa cũng ầm ĩ như quán rượu, tôi toàn cúi đầu tránh họ, len lén chuồn ra hiệu xem tiểu thuyết.

Mỗi lần đứng xem thường kéo dài tới hai tiếng đồng hồ.

Thị hiếu tiểu thuyết của tôi cũng tầm thường thôi, xem hết Kim Dung thì sang Cổ Long, xem hết Cổ Long lại về Kim Dung, thế giới võ hiệp của các ông thu hút tôi, đó là thế giới mà cầm một thanh kiếm lên ta có thể thả sức chém giết những quân khốn kiếp, thế giới ấy đáng yêu hơn gia đình tôi nhiều.

Còn nhớ một buổi chiều, tôi đang đứng tựa vào giá sách to cao nặng nề, lật giở cuốn Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung, xem Vi Tiểu Bảo hí lộng bọn nhà Thanh, Nga La Tư với Thiên Địa hội - đọc hết cuốn này là tôi đã đọc hết một lượt toàn bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung - thì bỗng một giọng nghèn nghẹt cất lên:

- Có xem quyển này không?

Tôi ngẩng đầu trông. Một lão già đang đứng cạnh đấy nhìn tôi, tay cầm một cuốn sách. À,Tiếu Ngạo Giang Hồ, tôi đọc từ đời tám hoánh nào rồi.

- Cám ơn, tôi đọc bộ ấy rồi. - Tôi mỉm cười, tiếp tục quay vào thế giới của Lộc Đỉnh Ký.

Lão già vẫn đứng lì bên cạnh, giương mắt nhìn chòng chọc làm tôi ngứa ngáy cả người.

- Còn quyển này? Hay phết đấy! - Lại giọng lão ta.

Tôi đành ngẩng đầu lên, liếc quyển sách trong tay lão già. Ờ, Hiệp Khách Hành, cũng của Kim Dung.

- Quyển ấy tôi cũng đã đọc qua, cám ơn ông. - Tôi lễ phép đáp. Một người bình thường như tôi luôn biết cách giữ lịch sự tối thiểu. Và để đúng phép lịch sự, lần này tôi nhìn lão già kỹ hơn.

Chịu không biết lão ta bao nhiêu tuổi, vì khả năng trông mặt đoán tuổi của tôi cực kém, chỉ biết lão ta đã già, mình vận bộ áo màu xanh lục, mặt cáu ghét, những lớp ghèn ghét ấy che kín các nếp nhăn tuổi tác, nhưng sự già lão vẫn đều đặn tuôn ra từ mùi cơ thể chua thối đặc trưng.

Tôi sinh nghi, có phải lão già này là người chào hàng do chủ tiệm mời đến để ngầm báo cho tôi biết rằng tôi đã đứng coi cọp sách của họ lâu lắm rồi? Ý nghĩ ấy khiến tôi hơi xấu hổ.

Tôi bắt đầu do dự xem có nên rời hiệu sách ngay lập tức không, nhưng lại ngại... ngộ nhỡ lão già này có lòng tốt giới thiệu sách hay cho tôi, tôi lại bỏ đi thì chẳng phải sẽ khiến người ta sượng mặt lắm ư?

Tôi xưa nay vẫn vậy, hiền lành dút dát, không bao giờ làm gì khiến thiên hạ khó xử. Mọi người đều nói tôi hay nể nang vớ vẩn, cũng có người nói tôi là dạng dễ bắt nạt, lại có người nói tôi hèn. Nhưng gì thì gì, tôi vẫn cầm quyển sách, ngần ngừ nghĩ xem nên bỏ đi vào lúc nào cho thích hợp? Mà có nên bỏ đi không hẵng? Bỏ đi thế nào cho khỏi mất mặt? Nhất thời, tôi lúng túng đứng đực ra.

- Quyển này thì sao? Thú vị lắm đấy! - Lão già lại ve vẩy một cuốn tiểu thuyết võ hiệp trước mắt tôi, tôi miễn cưỡng phải nhìn nó, Lưu Tinh Hồ Điệp Kiếm của Cổ Long. Ồ nói thực chứ, bộ ấy đọc tẻ nhạt chết đi được.

- Quyển ấy tôi cũng đọc rồi, thật ngại quá! - Tôi nhìn lão già nhiệt thành, trong dạ rất áy náy. Có khi tôi nên giả tảng là chưa đọc, thuận ý lão giở giở vài trang cho phải phép chăng? Nhưng mà lão già không hề cụt hứng, thậm chí còn ra chiều tán thưởng.

- Cậu bạn còn ít tuổi mà đọc nhiều thế nhỉ? Tốt, tốt lắm! Còn quyển này thì sao? - Lão già nhấc một cuốn Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện bám đầy bụi giơ lên, nhìn tôi vẻ chờ đợi.

Á, bộ này đúng là tôi chưa đọc, vì nó dài quá! Dài tới mức tôi thậm chí không rõ nó có mấy cuốn? Bảy mươi? Tám mươi? Cái lối viết trường thiên dây cà dây muống của Hoàn Châu Lâu Chủ, xưa nay tôi vẫn kính nhi viễn chi.

- Hừm, tôi chưa xem bộ này. Đợi xong Lộc Đỉnh Ký tôi nhất định sẽ đọc. - Tôi chân thành nói.

Không ngờ mắt lão già bỗng rực sáng kỳ lạ, lão cười váng lên:

- Hay, hay quá! Cậu còn nhỏ mà đã biết gạn đục khơi trong, phân biệt sách hay sách dở! Bộ Thục Sơn Cứt Chó Truyện này toàn là nói năng tầm phào dấm dớ! Cái gì mà kiếm tiên, huyết ma! Cái gì mà sơn tinh, hồ quái! Xem xong thật là hao tổn nguyên thần, không xem thì hơn! - Nói xong, lão xé toác cuốn Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện, tung hai tay lên, những mảnh giấy rách lả tả rơi xuống như những cánh bướm trong hiệu sách.

Lúc ấy tôi hoảng lắm, đến giờ vẫn nhớ như in. Lần đầu tiên trong đời gặp một người điên, chẳng mấy ai quên được ấn tượng ấy đâu nhỉ?

Chí ít tôi đã có thể khẳng định, lão già này không phải do chủ hiệu vời đến để nhắc nhở tôi, vì chủ hiệu đang lon ton chạy đến, mặt mũi xám xạm vì tức, tay vung vẩy cây chổi quét nhà kia.

- Cút! Cút! Nếu không thì đền tiền đi! - Chủ hiệu nén cơn nộ hỏa, khẽ quát lão già, mấy người khách hướng ánh nhìn tò mò về phía chúng tôi.

Chủ hiệu là người tinh ý, chỉ nhìn thoáng qua đã nhận ra lão già không có khả năng chi trả bồi thường gì hết, vừa muốn lôi lão đến đồn cảnh sát, vừa mủi lòng cho nắm xương gầy guộc.

Lão già cúi mình thật thấp, giọng hết sức hối hận:

- Thất lễ, thất lễ quá, tôi nhất thời cao hứng nên đã xé sách của ông, thế này vậy, hiện tôi không mang đủ tiền theo, mai tôi sẽ đền cho ông nhé.

Lão già nói giọng tỉnh lẻ nằng nặng, đại khái là Sơn Đông, Thiểm Tây hay Sơn Tây gì đó, tôi không chắc lắm.

- Đi mau đi, đừng cản trở việc làm ăn buôn bán của tôi! Đi đi, đi mau! - Chủ hiệu sầm mặt đuổi.

Lão già bối rối gãi đầu, ngồi xổm xuống nhặt đống sách tả tơi dưới đất, tự nhiên tôi cũng ngồi xuống theo, giúp lão thu dọn mớ giấy vụn.

- Khỏi cần! Khỏi cần! Ông mau xéo khỏi đây là đã giúp tôi rồi! - Chủ hiệu sốt ruột gắt, thúc giục lão già hôi rình bước cho nhanh.

Lão già ngượng ngùng đứng lên, vái một cái thật thấp rồi rảo chân chạy ra khỏi hiệu, để lại mình tôi mặt đỏ tía tai lui cui nhặt những mẩu giấy rách tả tơi phủ đầy mặt đất.

Chủ hiệu dùng chổi quét vun mớ giấy vụn vào xẻng. Tôi đã đọc chùa của người ta mười mấy phút rồi, bèn mua bừa hai cây bút kim tinh rồi rời khỏi hiệu, mặt hết đỏ lại tái.

Thực ra từ đầu đến cuối tôi chẳng có lỗi gì cả, tôi không hề gây rắc rối, nhưng tính tôi rất sợ rầy rà, những chuyện khó xử thế này khiến tế bào thần kinh tôi chết nhanh lắm.

Lão già đáng thương thực ra cũng rất lễ độ, hơi lập dị chứ không có ý đồ hãm hại ai. Lão chỉ nhiệt tình giới thiệu sách cho tôi thôi.

Quên chuyện ấy đi vậy, đấy chỉ là một dấu hỏi cộng thêm một dấu chấm than, chưa đủ làm thành một câu trọn vẹn trong đoản văn đời.

Tôi đi trong con hẻm cách nhà ba trăm mét, đèn đường nhấp nháy không đều, bóng tôi lúc mờ lúc đậm, nhưng tôi đã quen lắm với đường đêm, quỷ quái gì cũng không khiến tôi bận tâm được.

Tự dưng tim tôi đập nhanh... nhanh không kiềm chế được.

Cảm giác ngột ngạt bỗng cuộn chiếm trái tim, thân tôi tựa hồ bị một bàn tay khổng lồ bóp nghẹt.

Tôi gắng gượng hít một hơi thật sâu, rảo chân chạy. Lạ thế, một kẻ ghét về nhà như tôi mà lúc này chỉ muốn chạm cổng nhà càng nhanh càng tốt.

Con hẻm cứ quái quái sao ấy.

Khiến người ta nôn nao khó tả.

Mà đấy mới chỉ là bắt đầu.

Suốt dọc đường, tôi bị xô đẩy lèn nhét giữa một luồng không khí nặng nề kỳ dị, mãi cho đến khi đẩy cánh cổng sắt của gia đình, áp lực đè trĩu lên người mới tiêu tan, tôi thở phào nhẹ nhõm như vừa thoát ra khỏi đáy biển sâu, tưởng chừng sự hoảng hốt ban nãy là không có thật.

- Con về rồi đây! - Tôi cúi xuống hẩy hẩy chân cho giày văng ra, chỉ muốn lao ngay vào phòng ngủ.

Nhưng kinh nghiệm mách bảo tôi điều ấy là bất khả. Một quân nhân từ chiến trường Normandie trở về làm sao tránh được mấy viên kẹo đồng, đó là sự giác ngộ cơ bản.

- Uyên! Lại đây uống trà! Trà hảo hạng xách tay từ đại lục. - Một lão béo hói rống to.

Lúc nào lão cũng khoe vừa mang từ đại lục sang hàng đống hàng hóa thượng hạng, mỗi đồ vật nhỏ lão đều thổi phồng lên thành kỳ trân dị bảo độc nhất thế giới, thực chất chỉ rắp tâm bịp bố tôi thôi. Mặt trông gian giảo thế kia mà tôi phải lễ phép thân tình gọi là bác Vương đấy hic.

Đám bạn hao cơm tốn rượu của bố cũng nhao nhao gọi tôi lại sô pha ngồi, cùng họ thưởng lãm cái bình sứ thiên cổ khó tìm với cái bánh trà cực phẩm trăm năm mới gặp một lần, còn gắng dạy tôi cách phân biệt thế nào là hàng tốt, hàng xấu. Trời, tôi nhủ bụng, hẵng dạy bố tôi làm sao để phân biệt được bạn tốt bạn xấu thì thiết thực hơn.

Trong lúc uống trà với họ, lòng tôi ngao ngán vô cùng, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ háo hức cứ như các-vị-thúc-thúc-bá-bá-dạy-phải-lắm, không phải vì tôi bắt chước điệu bộ gian giảo của họ, mà mấu chốt là ở cá tính tôi. Tôi bình sinh không muốn làm ai phải khó xử cả.

Ngồi chừng nửa tiếng đồng hồ trong phòng khách mù mịt khói thuốc, cuối cùng tôi cũng tìm được đường trốn về buồng ngủ, mệt quá rồi.

Mấy hôm trước bố nói, vài tháng nữa ông phải sang đại lục mở nhà máy, vì ngành dệt may ở Đài Loan sắp hết tương lai, nói theo ngôn ngữ khoa học là "đang bước vào buổi xế chiều". Tôi thực lòng mong mỏi ông đi cho mau, mở mấy nhà máy cũng được, lỗ lã cũng chẳng sao, miễn là không còn liên thủ với đám thúc bá hỗn tạp này hủy diệt cuộc sống của tôi nữa.

Tắm rửa xong, tôi xem lươn lướt mấy cuốn sách rồi trèo lên giường. Y như bình thường.

Mấy hôm nay trước khi ngủ tôi đều nghĩ, có nên đi học thêm không nhỉ? Thực chất bài vở chẳng khó khăn áp lực gì mà cần phụ đạo, tôi nảy ra ý đó là vì nó sẽ giúp tôi về nhà muộn hơn một cách danh chính ngôn thuận.

Để tính xem sao, tôi lẩm bẩm.

Trước hết cứ tiếp tục đến hiệu sách xem tiểu thuyết, sống chết gì cũng đọc cho xong bộ Thục Sơn Kiếm Hiệp Truyện dài thậm thượt kia đi, coi như vượt qua cửa ải định kiến của chính mình.

Lúc ấy, tôi tưởng chừng năm một ngàn chín trăm tám lăm sẽ trôi đi trong hư không của hư không, chẳng để lại vết tích, cũng chẳng mang theo thứ gì. Chỉ hoàn toàn là một tờ giấy trắng bóc.

Nhưng mà...

Sắp thiếp ngủ, tôi sực nhớ đến một chi tiết kỳ dị.

Tôi lật chăn, lôi lên một cuốn tiểu thuyết dày hơn trăm trang, căn ngay chính giữa mà giằng thật lực về hai phía ngược nhau.

Đúng như tôi nghĩ, không làm sao giật rách nó được cả.

Theo lô gic thông thường, xé mạnh từ chính giữa quyển sách, chỗ người ta phết keo dính các trang lại với nhau ấy, ta sẽ tách được một cuốn sách dày thành hai phần trước và sau.

Nếu là một tờ giấy, cứ cầm hai mép giằng bừa một phát là dứt đứt được thành hai mảnh, vậy mà không sao thực hiện tương tự được với một cuốn sách, dù chỉ là cuốn sách có hơn trăm trang.

Tôi kéo giằng đến lúc hai cổ tay mỏi nhừ, vẫn tốn công vô ích!

Lão già tôi gặp hồi tối ở hiệu sách, cổ tay lão mạnh thực nhỉ! Vừa cười vừa giật nhẹ nhàng hai mép là rời rã cuốn sách gần ba trăm trang, đúng là gừng càng già càng cay khiếp!

- Quái nhân! - Tôi lẩm bẩm, từ từ thiếp vào giấc ngủ.

Chi tiết đó hơi khác thường, nhưng thắc mắc một chút rồi nên bỏ qua thôi, chứ tốn thời gian để đào sâu nghiền ngẫm thì thực là ngu xuẩn!

Lòng hiếu kỳ là một cái gì đó rất nhạt nhòa ở con người tôi.

Hôm sau tôi dắt xe đạp ra để đến trường như thường lệ, nào ngờ sự như thường lệ ấy chấm dứt ngay vào lúc tôi đặt chân lên bàn đạp, soạn sửa lao vù khỏi cổng nhà.

Bàn đạp của tôi hình như bị chằng đá, mỗi vòng đạp là mỗi vòng chật vật, mới đạp được năm phút, đến chỗ trụ đèn giao thông là tôi đã thở hồng hộc như trâu.

Hình như mình sắp kiệt sức mà chết rồi, tôi nghĩ.

Gia đình xô bồ tác động xấu đến sức vóc con cái như vậy đấy, bố mẹ mà biết tôi bị lão hóa buồng tim thế này, chẳng rõ có cho phép tôi ra ngoài thuê nhà sống riêng để dưỡng bệnh không?

Tôi đang nghĩ ngợi vẩn vơ, quả tim bỗng đập thòn thọt, huyết quản dường như căng trướng lên trong lồng ngực! Cảm giác này không sai khác gì so với lúc đi trong hẻm đêm qua!

Mồ hôi mặn chát lăn ròng ròng từ hai hàng mày xuống, rịn vào mắt cay xè, tôi nhắm mắt lại.

Mồ hôi lạnh toát.

Cbn, nghĩ chơi chơi mà hóa ra có bệnh tim thật ấy à?

- Mồ hôi lạnh phải không? - Giọng sao quen quá.

Tôi mở bừng mắt, trông thấy lão già quái đản trong hiệu sách tối qua lúc này đang đứng trên vệ đường, hỏi thăm vẻ quan thiết.

Tôi bàng hoàng, với một chút lơ mơ.

- Xin lỗi, xin lỗi, tôi phải đi học. - rồi vội vàng guồng chân xuống bàn đạp, tránh khỏi bị lão già quấn lấy làm phiền.

Đạp vội thế nào lại tuột cả xích, chiếc xe bỗng chốc trở nên nặng trịch.

Tôi ngoái lại nhìn, bỗng chốc giật bắn mình.

Lão già quái đản đã ngồi chễm chệ trên poóc-pa-ga, hai mắt trân trối nhìn lên, đôi đồng tử nháy nháy.

Nếu là bạn, bạn làm thế nào?

Dừng xe, chửi bới lão ta một trận?

Không dừng được, vì tôi bị ngã nhào khỏi xe, ngã vì kinh hãi quá, kinh hãi quá.

Tôi không còn cả sức để thét lên, chiếc xe đổ nghiêng sang trái, đầu gối trái sục vào đất đau điếng, chiếc quần xanh lam rách một miếng, cổ tay trái bị trầy.

Còn lão già?

Đã đứng ngay ngắn bên cạnh, cúi sát xuống hỏi:

- Vừa rồi là mồ hôi lạnh phải không?

Lần này tôi cóc cần lịch sự gì nữa, lén lén lút lút ngồi tót lên xe người ta, thật là nhố nhăng, thật là biến thái, gần như mưu sát!

- Ông bị điên à? - Tôi vừa lếch thếch dựng xe lên vừa nghiến răng chửi lão già. Khỏi phải khách sáo, đang giận sôi đây, đang muốn phát tiết đây.

Lão già không buồn để tâm đến tình trạng thảm hại của tôi, càng không ý thức được là mình sai, chỉ ngoan cố lặp lại câu hỏi ấy:

- Mồ hôi trên trán cậu là mồ hôi lạnh phải không?

Hỏi gì mà vô vị, tôi càng nhận định rõ rệt rằng đây chỉ là một kẻ điên không hơn không kém.

Câu hỏi hay mới dẫn đến câu trả lời hay, hiền triết nào đã phán thế nhỉ? Một câu hỏi tầm thường thì tuyệt đối không thể làm nảy ra một lời hồi đáp tinh hoa.

Hiền triết này nói chuẩn đấy.

- Ừ lạnh. Ông đừng làm phiền tôi nữa! - Tôi phát cáu, nhưng giọng điệu kiềm chế ở hết mức có thể.

Lão già nghe xong, mắt sáng rực, gật đầu như giã cua:

- Hay quá, cậu còn trẻ, tu vi bình thường mà đã có công lực căn bản rồi, tư chất tốt thật!

Khó chịu quá!

- Đừng có bám theo tôi nữa! - Tôi lại nhảy lên yên, lần này tôi vừa ngoái đầu canh chừng lão già, vừa nhấn mạnh xuống bàn đạp.

Còn bị lão dọa cho một phát như vừa rồi là tim tôi sẽ nứt, sẽ chảy mủ ra mất.

Lão già đi đi lại lại ở chốt đèn đỏ, bộ dạng đăm chiêu, tôi nhân đó phóng như ma đuổi tới trường.

Một buổi sáng xúi quẩy.

Một cái đuôi tởm gớm.

Giờ ôn bài, tôi lén ăn sáng tại bàn, cô giáo tôi là một mụ điên, bà ta không cho phép học trò được ăn uống gì trong giờ ôn bài, vì buổi sáng minh mẫn cần dùng để làm bài kiểm tra, học thuộc từ mới chứ không phải ăn sáng.

"Tốc, tốc." Lưng tôi bị một cây bút nguyên tử chọc chọc.

- Cậu bị thương à? - Tinh Tinh từ bàn sau hỏi với lên.

Tinh Tinh thường chọc lưng tôi vào các buổi ôn bài sáng bằng bất cứ thứ gì nó có trong tay, sau đó thì thào gạ chuyện tôi suốt cả giờ.

Truyện gì cũng cần một vai nữ chính đáng yêu, trong câu chuyện của chúng ta, cố nhiên tôi cần phải thích Tinh Tinh, nhưng học sinh trung học thì hiểu biết gì mấy về ái tình đâu? Tôi thích con bé xinh nhì lớp này đơn giản chỉ vì không có nhiều lựa chọn, lớp có lơ thơ mười đứa con gái mà cái đứa được công nhận là xinh nhất lớp, con Mi Mi, đã bị thằng Luân bạn thân tôi thề độc là phải giành cho bằng được rồi, nên tôi không có hứng thú tán nó.

- Tớ kể cậu nghe, sáng ngày tớ gặp một lão điên, lão lén lút trèo lên poóc-pa-ga xe làm tớ sợ chết khiếp. - Tôi vừa nhai bánh bao vừa nhìn cô hướng dẫn đang ve vãn một thầy giáo ngoài hành lang.

- Rủi thế, làm sao lão trèo lên được? - Tôi lấy một cái bánh bao trong ngăn bàn ra, Tinh Tinh theo dõi với cặp mắt chăm chú. - Có cho ớt không đấy?

Theo lệ thường, tôi kèm thêm một cốc nước gạo rang ướp lạnh theo cái bánh bao rồi đưa cả cho Tinh Tinh:

- Có tí chút thôi.

Tháng trước tôi và Tinh Tinh đã thỏa thuận thi đua điểm kiểm tra một tiết môn tiếng Anh, người thua phải lo bữa sáng cho người thắng trong hai tuần. Tôi hay chơi trò ấy với con bé lắm, đến giờ xét tương quan thì tôi thắng ba, nhưng thua đến mười bảy bận rồi.

Tinh Tinh đón lấy bữa sáng, không quên hỏi:

- Kể đi, điên thế nào?

Tôi thuật lại toàn bộ câu chuyện kỳ cục tối qua, tiếp đến chuyện vớ vẩn sáng nay cho nó nghe. Tinh Tinh ngạc nhiên ra mặt:

- Cậu lừa tớ hả? Lão nhảy lên chỗ đèo xe mà cậu không nhận ra? Phải giật thật mạnh ấy chứ!

Tôi ngớ người:

- Đúng, thế mới quái, lúc ấy tớ chỉ thấy xe tự nhiên nặng trĩu, bèn ngoảnh đầu lại nhìn... Chắc gần đây thể trạng tớ không tốt nên tri giác kém bén nhạy.

Tinh Tinh nhận xét:

- Lão già ấy cũng lạ đấy, tay lão mạnh thật.

Tôi gật gật đầu:

- Đêm qua tớ có thử mấy phút, không sao xé được một quyển sách làm hai đâu.

Tinh Tinh cười hì hì:

- Đúng là số ruồi bâu, nhưng kể ra lão ấy cũng hạ thủ lưu tình với cậu rồi.

- Vì sao? - Tôi thắc mắc.

Tinh Tinh nói:

- Nếu chả tử tế thì ngồi lên sau xe cậu xong, lão có thể vặn cổ cậu ...

Tôi phát hoảng:

- Không ác liệt thế chứ hả? Tớ có trêu gì vào lão ấy đâu, vô duyên vô cớ lão vặn cổ tớ sao được?

Tự nhiên một cái máy bay giấy phi vào đầu tôi. Thằng Luân - tác giả của trò phóng phi cơ ấy - nhăn mặt làm hiệu bảo tôi mở xem. Tôi gỡ cái vật gấp từ giấy xé ở vở bài tập ấy ra, bên trong viết: "Không được tán tỉnh nhau trong giờ học sáng. T/b: Mi Mi quên mang đồ ăn sáng cho tao, vì vậy tao quyết định tịch thu cái xăng-đuých của mày."

Tôi liếc thằng bạn. Tinh mắt gớm, chẳng hiểu láo liên thế nào mà biết tôi có mua xăng-đuých. Tôi ném cái bánh sang cho thằng bạn, nó bắt gọn.

Đến đây, tôi phải mở ngoặc một chút về thằng Luân và thằng Nghĩa.

Hai thằng này là bạn cánh hẩu của tôi trong lớp. Thằng Luân mồ côi từ nhỏ, bươn chải va vấp nhiều nên khôn sớm. Nó kể với tôi, từ hồi học năm thứ ba tiểu học nó đã quyết định mai sau sẽ cưới Mi Mi làm vợ. Đúng là ông cụ non!

Thằng Nghĩa thì nổi tiếng vì đã từng viết trắng trợn trong bài tập làm văn "Hãy kể ước mơ của em" rằng tương lai nó muốn làm lưu manh. Như để phục vụ cho ý nguyện kỳ cục đó, nó rất giỏi ẩu đả, ngoài ra còn có một năng lực đặc biệt là hút liền tù tì mười điếu thuốc một lúc mà không mảy may say sưa choáng váng. Tôi và thằng Nghĩa đánh cuộc, nếu trước năm mười bốn tuổi nó vẫn chưa bị ung thư phổi thì tôi sẽ cho nó một triệu, nhưng nếu nó bị ung thư phổi thật thì tôi cũng chẳng muốn đòi lại ở nó cái gì, vì thế cũng đủ thảm rồi.

Chào cờ xong, trên đường trở về lớp, tôi kể lại chuyện lão già với hai thằng bạn.

- Tay lão ta mạnh thế, hay lắm, mày bảo lão đến đánh nhau với tao. - Thằng Nghĩa lơ đãng nói. Thằng này hút thuốc nên mồm rất hôi, nó vừa mở miệng là tôi đã ngửi thấy.

- Hay dở gì thì người ta cũng trọng tuổi rồi, mày có tí tự tôn nào không vậy? - Thằng Luân bất bình hỏi.

- Thảm quá, đầu gối tao vẫn đau nhức, thế mà còn phải leo núi nữa. - Tôi than thở.

Thổ tả vậy đấy, trường cao trung Chương Hóa mà chúng tôi đang theo học lại nằm cheo leo trên sườn núi Bát Quái, đúng là hành hạ chân cẳng người ta.

Đang nói chuyện, tôi chợt nhận ra bước chân mình bỗng nặng trĩu.

Lại bắt đầu rồi chăng?

Tôi thở gấp, trái tim co thắt. Thằng Luân nhận ra bước chân rối loạn của tôi, liền hỏi:

- Khó chịu hả? Mặt mày nhợt nhạt lắm!

Trán tôi vã mồ hôi, lòng bàn tay cũng ướt lạnh.

- Cảm giác y như đêm qua và sáng nay... - Tôi nghiến răng. - Chúng mày đến lớp trước đi, tao đi sau.

- Thế cẩn thận nhé! - Thằng Nghĩa vừa nói vừa bước đi.

Thằng Luân cười:

- Chiêu này được đó chứ, tao cũng giả vờ ốm bệnh, xem Mi Mi có quan tâm lo lắng gì không.

Tôi nhăn mặt:

- Tao khó chịu thật đó, tao còn đang lo có khi phải xin nghỉ về nhà đây.

Thằng Luân tỉnh bơ:

- Mày mà về cái nhà ấy dưỡng bệnh thì chết sớm chứ được gì.

Tôi gật đầu biểu tán đồng:

- Tao vào nằm viện vậy, chiếu chụp X quang xem tim phổi có thủng rách ở đâu không.

Thình lình có hai bàn tay to khô đét đặt bịch lên vai tôi, tôi giật mình ngoái lại nhìn.

Trời, cái lão già quái gở, kẻ đã hại tôi ngã sáng ngày!

Tôi khiếp sợ đến nỗi quên bẵng cả tức giận, chỉ đờ đẫn đứng chôn chân tại chỗ, không biết là mình có há hốc miệng không nữa. Thằng Luân cũng sững sờ mất mấy giây, nhưng nó thét lên ngay:

- Ông làm gì thế? - Rồi lập tức kéo tôi sang một bên thì thào. - Lão quái ấy đây phải không? Cái lão hồi sáng trêu mày đó?

Tôi gật gật đầu, tôi nghĩ đến lúc này bắt đầu phẫn nộ được rồi. Lão già như từ dưới đất chui lên, vẫn mặc bộ áo xanh rách rưới, mặt mũi lấm lem nhưng không làm lu mờ nổi đôi mắt sáng quắc.

- Rốt cuộc ông muốn sao đây? - Tôi hỏi với nỗi tức giận vô biên.

- Trong người cậu đang khó chịu phải không? - Lão già ra chiều ân cần.

Tôi gật đầu thật mạnh:

- Mỗi lần gặp ông là tôi khó chịu, vì vậy cầu xin ông đừng quấy rầy tôi nữa. Tôi lấy danh dự ra bảo đảm sẽ đọc hết sách ông giới thiệu mà.

Lúc này đã có thêm vài người bạn học xúm lại quanh tôi, tò mò xem chuyện gì xảy ra.

Lão già gãi gãi đầu, mỉm cười hỏi:

- Thế bây giờ đã đỡ hơn chưa?

Hỏi ngu tệ!

Tôi sắp phát bẳn thì thân thể bỗng thoải mái hẳn đi, thoải mái như dầm mình trong một dòng nước ấm tuôn chảy không ngừng, áp lực bí ẩn đè trĩu trái tim cũng đã tan biến.

Tôi á khẩu, không biết nên nói gì, thằng Luân bỗng xen vào:

- Bác ơi, xin bác đừng làm phiền bạn ấy nữa, chúng cháu phải lên lớp bây giờ đây.

Lão già hình như không nghe thấy lời nó, chỉ ráo riết nhìn tôi thôi. Tôi đành miễn cưỡng gật đầu:

- Tự nhiên lại đỡ hơn nhiều rồi.

Lão già mừng quýnh, túm lấy hai tay tôi hô lớn:

- Vậy là quyết định rồi! Cậu lạy ta làm sư phụ đi! Mau quỳ xuống!

Lần này, tôi không gợn chút ngập ngừng hay do dự nào, vặc thẳng:

- Quỳ cái cục c.!

Lão già sửng người, rồi gào lên:

- Mau cầu xin ta dạy võ công cho ngươi! Sau đó ta sẽ giả bộ cân nhắc đôi chút!

Hừ, cái màn hoạt kê này giống cảnh Nam Hải Ngạc Thần ra lệnh cho Đoàn Dự bái sư học nghệ trong Thiên Long Bát Bộ quá.

Tay tôi bị lão già vặn đau nhói, không sao gỡ thoát được, nhưng cái miệng vẫn được tự do, tôi thét toáng lên:

- Đồ điên như ông mà đòi dạy tôi học võ công! Có mà dạy tôi phát điên theo ấy!

Thằng Luân bảo:

- Lão khốn, có giỏi đừng trốn! Tôi có đứa bạn chuyên môn đánh nhau! - Nói đoạn nó chạy huỳnh huỵch đi tìm thằng Nghĩa.

Lão già không đếm xỉa đến đám học trò xúm quanh, thận trọng nhìn tôi:

- Ngươi rất có tư chất! Nhưng ta không biết liệu có thời gian dạy ngươi không, để ta xem độ thành tâm của ngươi đến đâu.

Tôi bừng bừng tức giận, la hét điên cuồng:

- Ông dở dại cái gì vậy? Tôi đâu có cần ông dạy!

Lão già nghiêng nghiêng đầu, ngây ngốc bảo:

- Nếu ngươi thực có lòng thành, hãy quỳ bên ta ba ngày ba đêm, ta sẽ cân nhắc, suy nghĩ cho kỹ.

Tôi bị túm cả hai tay, đành dùng chân đá lia lịa vào bụng lão già, đồng thời bảo đám bạn học:

- Đứa nào giúp tao đi gọi thầy phụ trách lại đây!

Lão già bị tôi đá vào bụng vẫn tỉnh khô như không có gì xảy ra:

- Cước này cương nhu bất phân, mất trật tự, đủ thấy ngươi mò mẫm luyện tập nên không tiến bộ được, cứ giậm chân tại chỗ, chẳng bao giờ đạt được thành quả gì, đúng là do thiếu thầy giỏi bồi dưỡng.

Tôi giận điên cuồng, đá luôn một phát vào ống đồng lão, nhưng lão già giơ chân, gập gối, đá nhẹ ra nhanh như chảo chớp, chiếc giày nát vừa khéo áp luôn vào gan bàn chân tôi.

Lão già lắc đầu thở dài:

- Cú đá này trong công có thủ, là sai lầm hết sức, sai rồi không biết sửa chữa nên càng thêm sai, chí ít cũng phải theo học ta chừng một năm Lăng ba họa bộ mới được.

- Họa cái mẹ lão! - Thằng Nghĩa phì phèo thuốc lá, ánh mắt hằn học, gằm đầu lừ lừ quay lại.

Thằng Luân tử tế khuyên:

- Bác chưa đi à, bạn cháu không biết nể nang ai đâu, dù là trẻ em, phụ nữ có thai, người già hay tàn phế nó cũng táng hết.

Lão già nhìn thằng Nghĩa, mặt không biểu lộ gì:

- Ngựa non háu đá là điều đại kỵ của binh gia, điềm báo tẩu hỏa nhập ma. Nhưng ngươi lầm lạc hẳn rồi, ta chẳng thừa công phu đâu mà dạy ngươi.

Thằng Nghĩa đẩy thằng Luân sang một bên, hằm hằm bảo:

- Thả thằng Uyên ra, nếu không tôi sẽ chôn lão dưới gốc cây kia, - đoạn nó trỏ cây bàng mọc bên hành lang, bọn học sinh xúm đông xúm đỏ xung quanh thi nhau cười vụng, còn có đứa xúi bẩy đổ dầu vào lửa.

Lão già thở dài, buông tôi ra thật:

- Nếu hôm nay không bái sư được thì để bữa khác vậy, ta sống ở...

Thằng Nghĩa búng tàn thuốc vào mặt lão già, đoạn thụi một quyền sấm sét vào bụng dưới lão. Lão già đau quá ngồi thụp xuống, thằng Nghĩa lại tung cước đá bốp vào mặt lão, thét lớn:

- Không cút mau đi à!

Cái thằng, người ta già cả thế mà không nương chân chút nào.

Lúc này tôi đâm thương hại lão già, dẫu sau cũng tuổi tác rồi, lại bị thằng Nghĩa hành hung...

- Thôi! - Tôi với thằng Luân giữ thằng Nghĩa lại, nhìn lão già nằm cò quay dưới đất, tôi thở dài bảo - Đừng bao giờ làm phiền tôi nữa, đúng là...

Đoạn ngồi xổm xuống bên cạnh lão, chắn tầm mắt của bọn học sinh tọc mạch, moi trong túi ra mấy tờ bạc giấy một trăm nhét vào tay lão, ôn tồn bảo:

- Ông ạ, không phải tôi coi thường gì ông, chỉ muốn giúp ông vài bữa cơm thôi. Đừng quấy rầy tôi nữa, được không ông? Tôi là một học sinh cao trung cuối thế kỷ XX, học sinh thời đại này phải đọc sách chứ không phải vào núi hoang rừng vắng để luyện võ đâu. Xin lỗi ông.

Tôi chính là người không có chính kiến thế đấy. Có đứa còn bảo tôi nhu nhược thiếu quyết đoán, giống như một gái già lắm điều. Tôi nhìn lão già, mắt lão long lanh lệ, tôi đâm hoảng, chẳng lẽ mình đã xúc phạm lòng tự tôn của người ta.

Không ngờ lão già nắm chặt lấy tay tôi, cảm kích nói:

- Tiên học lễ (vật) hậu học văn, thành ý của con khiến sư phụ xúc động quá, thôi thì ta nhận học phí trước, nhất định sẽ dạy đủ công phu cho con không thiếu một chiêu nào. Đây kể cũng như duyên phận.

Tôi chỉ muốn ngất.

Lúc này tiếng chuông vang lên, thằng Luân nhăn nhó lôi tôi vào lớp, tôi vừa trách thằng Nghĩa ra đòn quyền cước quá nặng, vừa miên man nghĩ đến lão già hâm nặng kia.

Lão già lập dị chắc có hoàn cảnh đáng thương lắm, bị con cái vứt ra đường chẳng hạn.

Cũng có thể vì thế mà lão mới trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, đi níu kéo tình thân và sự thông cảm ở người ngoài...

Tôi vào giờ Địa lý mà không sao rũ khỏi đầu hình ảnh ngã lăn ra đất đáng thương nhường ấy của lão già, không nhịn được lại phải quay ra chĩa ngón giữa lên với thằng Nghĩa, thằng ấy đang ngủ gục trên bàn.

Giờ tan học hôm ấy, như thường lệ, tôi và Tinh Tinh đi sau thằng Luân và Mi Mi, vừa lững thững xuống núi vừa bàn tán:

- Lão già lạ lùng thật đấy, chưa chừng lát nữa cậu lại chạm mặt lão - Tinh Tinh nói.

- Thẳng thắn ra, sáng nay thằng Nghĩa tẩn cho lão trận ấy khiến tớ áy náy cả buổi.

- Cậu hiền quá đi, thế nên mới toàn bị người ta bắt nạt. - Tinh Tinh vừa xem quyển sổ tay chép đầy những từ mới tiếng Anh, vừa bước xuống theo những bậc cấp.

- Dù sao đi nữa, đánh một người già là cũng không hay ho gì, - Tôi vẫn ấm ức - Lẽ ra tớ đã có thể oán trách lão già, nhưng bây giờ tớ lại đâm ra thông cảm với lão.

Tinh Tinh gật đầu. Lúc nào nó cũng rất hiểu tôi.

Có lẽ là do tâm tính thiếu niên, tôi vẫn giữ một tình cảm hết sức trong sáng thuần phác với Tinh Tinh, cái lúc thong thả cùng nhau xuống núi sau mỗi giờ tan học là khoảnh khắc tươi sáng nhất trong ngày của tôi, nói quá lên là tôi đi học chỉ để được tan học như thế với Tinh Tinh.

Nhưng thiện cảm thuần khiết của một học sinh cao trung đối với một học sinh cao trung cũng chỉ giới hạn ở... à, thiện cảm thuần khiết mà thôi.

Tôi hoàn toàn đồng ý.

Núi Bát Quái có lối đi rất đẹp, vụn vàng kim của vầng tịch dương đan qua kẽ lá, thi thoảng có cơn gió mát cuốn thốc đám lá vụn dưới đất lên, quạt cho bay sàn sạt qua hai người. Đó mới đúng là thanh xuân.

Tinh Tinh là một con bé bộc tuệch vô tư, có lẽ, nó còn chưa sẵn sàng để yêu đương. Không sao, tôi cũng chưa sẵn sàng. Cứ để chúng tôi đi qua thời hoa niên một cách hồn nhiên đi.

Trong lúc tôi đang nghĩ ngợi lung tung, cảm thán lộn xộn, thì đột nhiên lại thấy choáng váng, suýt chút nữa thì ngã lộn nhào xuống các bậc cấp, cũng may Tinh Tinh kịp thời đỡ lấy tôi.

Tôi ôm ngực, trán mướt mồ hôi.

Đúng rồi, lại cảm giác ưu tư đáng ghét đó!

Tinh Tinh đỡ lấy tôi, sè sẹ dìu tôi ngồi xuống bậc cấp. Nó nhíu mày hỏi:

- Tại sao lại thế? Tình trạng cậu kể hồi sáng là thế này đây phải không?

Tôi gật đầu, thở gấp:

- Đêm qua, sáng nay lúc đến trường, sau lúc chào cờ, và cả bây giờ...

Lúc này, tôi đột nhiên phát hiện ra một sự lạ đáng sởn gai ốc.

Tôi căng thẳng ngó quanh, vô thức siết chặt tay Tinh Tinh.

- Sao thế? Đừng làm tớ sợ chứ! - Tinh Tinh thấp thỏm nói. - Để tớ gọi thằng Luân với cái Mi.

Tinh Tinh nói rồi rảy tay tôi ra, tháo cặp sách rồi lao xuống các bậc thang, để lại mình tôi trơ trọi.

Để lại mình tôi với nỗi sợ hãi bắt đầu nhóm lên.

Cảm giác trong đầu tôi bắt đầu rõ rệt và sắc nét dần theo tiếng tim đập gấp gáp không ngừng.

Mỗi lần cơ thể tôi xảy ra hiện tượng lạ, là đều có liên quan một cách kỳ quái với sự xuất hiện của lão già.

Một sự liên quan đáng lo ngại làm sao.

Tôi cảnh giác nhìn quanh, xem xem lão ta có thập thò đâu đấy quanh đây không.

Không gian ngập trong sắc vàng óng của trời chiều, tựa hồ đang ngưng thành màu xanh lam trong khi tôi đang phập phồng tìm kiếm. Áp lực ghê gớm khiến tôi không thở nổi, tôi sục tìm bóng dáng lão già trong khu rừng, nhưng đồng thời lại sợ phát hiện ra lão.

Không có.

Không có.

Chỗ này không có.

Chỗ kia... chỗ kia cũng không có.

Đằng sau... cũng... may quá, cũng không có.

Tôi nhẹ nhàng thở phào. Có lẽ, tôi phải đi khám bệnh thật thôi.

Đúng lúc tôi đang cúi đầu xuống, thì chân lông toàn thân tôi dựng đứng lên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro