tieu luan quan tri DN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN MỞ ĐẦU

1.Lý do chọn đề tài

Giao tiếp là đặc trưng quan trọng nhất trong hành vi của con người, nó không những là điều kiện quan trọng bậc nhất của sự hình thành và phát triển tâm lý, ý thức, nhân cách mà còn giúp cho con người đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả trong mọi lĩnh vực hoạt động.

Đối với ngành công nghệ, giao tiếp không những có vai trò quan trọng trong sự nghiệp hình thành và phát triển nhân cách nhân viên kỹ thuật mà còn là bộ phận cấu thành hoạt động kỹ thuật, là thành phần chủ đạo trong cấu trúc năng lực xã hội của người làm kỹ thuật. Giao tiếp là phương thức, công cụ cơ bản nhất để tổ chức hoạt động làm việc. Nếu không có giao tiếp thì không thể hướng hoạt động công việc của các nhân viên vào việc đạt được mục đích công việc. Do đó, vấn đề đặt ra đối với nhiệm vụ đào tạo ngành công nghệ là mỗi sinh viên phải được chuẩn bị và chủ động chuẩn bị cho mình về năng lực giao tiếp.

Trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi đào tạo nghề cho những kỹ sư và cử nhân tương lai phục vụ công tác xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hành trang của sinh viên Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh ngoài tư cách, phẩm chất, đạo đức, nhiệt huyết với công việc còn phải vững mạnh về chuyên môn và giỏi về nghiệp vụ kỹ thuật( hay còn gọi là tay nghề đối với công nhân kỹ thuật nói chung), trong đó có năng lực giao tiếp. Vì vậy, việc rèn luyện năng lực giao tiếp mà cụ thể là kỹ năng giải quyết tình huống  giao tiếp cho sinh viên công nghệ là vấn đề thiết yếu.

Khoa công nghệ cơ sở Thanh Hóa của Trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh là nơi đào tạo đội ngũ kỹ sư,cử nhân Kỹ thuật công nghiệp cho các ngành nghề kỹ thuật đang rất phổ biến hiện nay như cơ khí ô tô, điện tử - điện lạnh,kỹ thuật điện,hóa lọc dầu,công nghệ môi trường…. Với đặc điểm của thế kỷ 21 là công nghệ đang trên đà phát triển rất nhanh,công nghệ mới được tạo ra qua một thời gian lại đã lỗi thời.Do đó việc giao lưu trao đổi kinh nghiệm và học hỏi công nghệ mới là yêu cầu cấp thiết đôúi với sinh viên của khoa. Trên thực tế địa điểm của cơ sở đặt tại vùng nông thôn nên môi trường giao tiếp của sinh viên trong khoa cũng như trong cơ sở đã bị hạn chế đi rất nhiều, bên cạnh đó là vấn đề về sự chênh lệch giới, về thái độ giao tiếp của từng sinh viên,…cũng làm ảnh hưởng không ít đến kỹ năng giao tiếp.

Để khắc phục những khó khăn ấy và rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên Khoa công nghệ  thì một hệ thống bài tập tình huống giao tiếp là vô cùng cần thiết . Vì vậy, tôi mạnh dạn chọn đề tài : “Vấn đề giao tiếp của sinh viên khoa công nghệ và giải pháp nâng cao hiệu quả học tập kỹ năng giao tiếp trong sinh viên của khoa thông qua bài tập tình huống”. Với hy vọng góp phần nhỏ bé nhằm rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, nâng cao khả năng giao tiếp cho các bạn sinh viên trong khoa - những kỹ sư ưu tú tương lai.

2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề

Giao tiếp là một phần không thể thiếu của con người, đặc biệt là sinh viên nói chung và sinh viên khoa công nghệ nói riêng - Những kỹ sư công nghệ tương lai của đất nước.

Hiện nay, giao tiếp hay cụ thể hơn là kỹ năng giao tiếp ngày càng  trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong thời đại xã hội ngày càng văn minh. Kỹ năng giao tiếp có tốt hay không thế hiện rõ nét nhất trong cách ứng xử, giải quyết tình huống giao tiếp diễn ra hàng ngày xung quanh mỗi chúng ta.Vì vậy, tôi thấy cần thiết phải đi sâu vào nghiên cứu nội dung này với hy vọng xây dựng được một hệ thống các tình huống giao tiếp điển hình trên nhiều mặt để nâng cao một cách hiệu quả kỹ năng giao tiếp cho sinh viên công nghệ trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa.

3. Mục đích nghiên cứu

Xây dựng được một hệ thống bài tập thực hành để  luyện tập kỹ năng giải quyết tình huống trong giao tiếp cho sinh viên khoa Công Nghệ  trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh Cơ sở Thanh Hóa.

4.Đối tượng nghiên cứu và khách thể nghiên cứu

4.1.Đối tượng nghiên cứu

Xây dựng hệ thống bài tập thực hành để luyện tập kỹ năng giải quyết tình huống giao tiếp.

4.2.     Đối tượng nghiên cứu

Phương pháp luyện tập giải quyết tình huống giao tiếp.

5.Nhiệm vụ nghiên cứu

5.1.Nghiên cứu cơ sở lý luận của đề tài

5.2.Tìm hiểu nhu cầu giao tiếp, thực trạng kỹ năng giao tiếp và giải quyết tình huống giao tiếp của sinh viên khoa Công Nghệ trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa.

5.3.Xây dựng hệ thống bài tập thực hành để luyện tập kỹ năng giải quyết tình huống giao tiếp cho sinh viên Khoa Công Nghệ trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa.

6.Phạm vi nghiên cứu

Do hạn chế về thời gian, những tình huống giao tiếp nói chung là vô hạn nên trong phạm vi đề tài của mình tôi chỉ xây dựng những bài tập tình huống điển hình, phù hợp với nhu cầu giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ cũng như phù hợp với những kỹ năng thiết yếu trong giao tiếp.

7.Các phương pháp nghiên cứu

7.1.Phương pháp nghiên cứu tài liệu

Phương pháp này được dùng trong suốt quá trình thực hiện, nghiên cứu đề tài, từ việc xây dựng đề cương nghiên cứu vấn đề đến việc xác định cơ sở lý luận của giao tiếp và xây dựng hệ thống bài tập tình huống. Số lượng tài liệu tham khảo là trên 10 sách và tư liệu có liên quan (xem phần Tài liệu tham khảo)

7.2.Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết

Phương pháp phân tích và tổng hợp tài liệu lý thuyết về giao tiếp để xây dựng những bài tập tình huống phù hợp nhất.

7.3.Phương pháp quan sát

Qua quan sát những biểu hiện trong các mặt hoạt động để tìm hiểu thực trạng nhu cầu giao tiếp và kỹ năng giao tiếp của sinh viên.

7.4.Phương pháp trao đổi, trò chuyện

Qua trao đổi trò chuyện với sinh viên, với cán bộ Đoàn, cán bộ lớp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, thái độ của họ trong khi trả lời các phiếu điều tra, từ đó phát hiện ra yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu giao tiếp và kỹ năng giao tiếp.

7.5.Phương pháp điều tra bằng phiếu 

Phiếu điều tra đảm bảo tính khách quan, tổng hợp, gồm 95 câu hỏi về 4 lĩnh vực là: Nhu cầu giao tiếp, nội dung giao tiếp, mức độ cởi mở của cá nhân và kỹ năng giao tiếp, yêu cầu sinh viên chọn ý kiến phù hợp với mình. Từ đó dựa vào barem điểm, cho điểm các phiểu điều tra. 

Phiếu điều tra được phát ra hơn 200 phiếu trên hơn 200 đối tượng là sinh viên các lớp: DHDI8, DHDI7,DHHD7,DHTH7,DHTH6,DHTH5. Tổng số phiếu thu được là 200 phiếu.

7.6.Phương pháp tổng kết kinh nghiệm

Nhóm phương pháp này được thực hiện trong việc đưa ra các nhận định, luận cứ có tính thực tiễn, có độ tin cậy cao trong phần tìm hiểu thực trạng kỹ năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ, nêu ra những nguyên nhân hạn chế của việc giao tiếp và xử lý tình huống giao tiếp, tổng kết rút kinh nghiệm từ nhiều chuyên gia về kỹ năng giao tiếp.

Ngoài ra, còn sử dụng các phương pháp logic, toán học thống kê,… trong việc lập bảng và phân tích số liệu,…

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN LÝ LUẬN VỀ GIAO TIẾP VÀ KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG TRONG GIAO TIẾP

1.1.Khái niệm chung

1.1.1.Khái niệm giao tiếp

Giao tiếp là một hoạt động rất phong phú, đa dạng và phức tạp của con người. Nên khái niệm giao tiếp được giải thích cũng rất đa dạng và có nhiều bàn cãi trong lĩnh vực này.

 nhận thông tin trao đổi giữa người với người.

T.Chuc Com (Mỹ): Giao tiếp là sự tác động qua lại trực tiếp lên nhân cách dẫn đến việc hình thành những ý nghĩa biểu tượng, chuẩn mực và mục đích hành động. Quan niệm này cụ thể hơn, đề cập đến các yếu tố tham gia trong giao tiếp nhưng chưa nêu được bản chất của giao tiếp.

T.Stéc Sen (Pháp) đặc biệt chú ý đến sự thay đổi ý nghĩa, tình cảm và xúc cảm giữa con người với con người và khi đó ông  coi sự trao đổi này là quá trình hai mặt của sự thông báo thiết lập, sự tiếp xúc và trao đổi thông tin.

L.X. Vưgôtxki (nhà tâm lý học Liên Xô) cho rằng: Giao tiếp xem như là sự thông báo hoặc quan hệ qua lại thuần tuý giữa con người, như là sự trao đổi quan điểm và xúc cảm (L.X.Vưgôtxki).

Ngày nay, cùng với việc xây dựng một cách tích cực và khoa học hệ phương pháp nghiên cứu giao tiếp thì bản chất, hiện tượng giao tiếp cũng được lý giải ngày càng đầy đủ và rõ ràng. Ở một khái niệm chung nhất chúng ta có thể hiểu: Giao tiếp là sự tác động qua lại giữa con người với con người, mà trong quá trình của nó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý, được thể hiện ở sự trao đổi thông tin, sự ảnh hưởng lẫn nhau, sự rung cảm lẫn nhau, sự hiểu biết lẫn nhau, và cuối cùng là những quan hệ qua lại giữa con người với con người được thực hiện, được thể hiện và được hình thành.

1.1.2.Vai trò của giao tiếp

Ngày nay, giao tiếp trở thành vấn đề rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng trong khoa học và cuộc sống.

Người ta không thể nghiên cứu con người với tính cách là đơn vị độc lập, không phụ thuộc vào môi trường xã hội xung quanh vì: “Bản chất con người không phải là trừu tượng vốn có của một cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà của tất cả những mối quan hệ xã hội” (Mác – Anghen “Tuyển tập” – Nhà xuất bản sự thật Hà Nội, 1971)

Cơ sở của quan hệ phụ thuộc lẫn nhau là những nhu cầu của con người biểu thị mối liên hệ của con người với những người khác cũng như với những đối tượng và những hoàn cảnh có ý nghĩa quan trọng sống còn đối với họ và quy định vị trí cá nhân trong môi trường xã hội. Nói cho thật đúng thì tất cả những nhu cầu của một người riêng lẻ đều chỉ có thể thoả mãn khi tính đến những nhu cầu của những người xung quanh. Đồng thời cơ cấu nhu cầu càng phức tạp thì quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa người này với người khác càng tăng. Chẳng hạn chúng ta khó mà tưởng tượng là nhu cầu muốn được người khác tôn trọng lại có thể thoả mãn ngoài mối liên hệ với những người xung quanh.

Giao tiếp là điều kiện quan trọng nhất của sự hình thành bản thân con người như là con người xã hội, đồng thời là điều kiện tất yếu của sự tồn tại con người. Chính vì vậy mà nhiều nhà bác học thuộc lĩnh vực tâm lý học cũng quan tâm đến vấn đề giao tiếp. Chẳng hạn nhà bác học Đức R.Noibe đã nói: “Con người là nhu cầu quan trọng của con người, con người sẽ bị mất mát nhiều nếu họ không thể so sánh được mình với người khác, không thể trao đổi được với người khác về các ý nghĩ, không thể định hướng được vào người khác. Căm thù người khác còn tốt hơn là phải sống cô đơn”

Hơn nữa, trong quá trình giao tiếp với nhau, người ta trao đổi quan niệm với nhau. Trong quan niệm của họ thể hiện thái độ đánh giá về mặt trí tuệ của họ đối với những mặt khác nhau của đời sống thực tế, của đời sống vật chất và tinh thần. Những quan niệm này có thể giống nhau và như thế thì củng cố lẫn nhau và trở thành cơ sở cho hoạt động chung và cho cách xử sự (giống nhau) của những người ấy. Những quan niệm giống nhau sẽ củng cố thái độ đạo đức nảy sinh một cách tự phát. Còn trong trường hợp có những quan niệm khác nhau thì sẽ nảy ra sự đấu tranh quan niệm dẫn đến việc hình thành quan điểm chung.

Trong quá trình giao tiếp người ta cũng trao đổi kiến thức cho nhau và chính như thế là nâng cao trình độ văn hoá chung của tập thể cũng như của mỗi thành viên trong đó. Điều quan trọng không phải là bản thân các kiến thức được truyền đạt lại mà là thái độ tích cực đối với các kiến thức đó. Điều đó giải thích tại sao lại có sự lựa chọn thiên lệch đối với một số nghề nghiệp, sách báo phổ biến, khoa học, tác phẩm nghệ thuật nào đó – Do ảnh hưởng của chúng mà hình thành một cái mà ta có thể gọi là “mốt” trong nhận thức thẩm mỹ. Và trong quá trình giao tiếp người ta cũng trao đổi cho nhau các kinh nghiệm riêng về cuộc sống và lao động, tác động vào ý chí và tình cảm của nhau nhằm mục đích tạo nên sự thống nhất rộng lớn để giải quyết các vấn đề xã hội một cách có kết quả.

Có thể nói rằng con người hiểu biết mình và nhận thức mình như là một nhân cách qua quá trình giao tiếp. Nhận thức được sức mạnh tinh thần và thể lực của mình trong sự thống nhất với người khác. Từ đó, có được tình đồng chí, bè bạn và sự giúp đỡ lẫn nhau, lòng tin tưởng ở chính mình, thủ tiêu sự cô lập. Đặc biệt qua quá trình giao tiếp, con người có được ấn tượng mới và thông tin mới, truyền thụ cho nhau những kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm sống, tạo nên sự phong phú thực sự về mặt tinh thần của mỗi cá nhân.

1.1.3.Chức năng của giao tiếp

1.1.3.1.Chức năng xã hội

Trong nhóm chức năng xã hội, trước hết chúng ta phải nhắc đến chức năng thông tin của giao tiếp. Chức năng thông tin được biểu hiện ở khía cạnh truyền thông (trao đổi thông tin) của giao tiếp: Qua giao tiếp, con người trao đổi cho nhau những thông tin nhất định. Những thông tin này sẽ có ý nghĩa về nhiều mặt như kiến thức, tâm lý, cảm xúc. Sự thiếu thông tin sẽ làm cho con người cảm thấy lạc lõng và cô đơn, mất đi tính cộng đồng vốn có.

Trong xã hội, con người luôn hoạt động trong một hay nhiều tổ chức nhất định. Đó có thể là gia đình,lớp học, trường học, công ty,… Và trong một tổ chức, một công việc thường do nhiều bộ phận, nhiều người cùng thực hiện. Để có thể hoàn thành công việc một cách tốt đẹp, những bộ phận, những con người này phải thống nhất với nhau, tức là phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng. Muốn vậy họ phải tiếp xúc với nhau để trao đổi, bàn bạc, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng người, phổ biến quy trình, cách thức thực hiện công việc và trong quá trình thực hiện cũng phải có những “tín hiệu” để mọi ngươi hành động một cách thống nhất. Đây chính là chức năng tổ chức phối hợp hành động của giao tiếp.

Chức năng điều khiển được thể hiện ở khía cạnh tác động ảnh hưởng qua lại của giao tiếp. Trong giao tiếp, chúng ta ảnh hưởng, tác động đến người khác và ngược lại, người khác cũng tác động, ảnh hưởng đến chúng ta bằng nhiều hình thức khác nhau như: Thuyết phục, ám thị, bắt chước. Đây là một chức năng rất quan trọng của giao tiếp.

Trong xã hội, mỗi con người là một chiếc gương. Giao tiếp với họ chính là chúng ta soi mình trong chiếc gương đó. Từ đó chúng ta thấy được những ưu điểm, những thiếu sót của mình và tự sửa chữa, hoàn thiện bản thân. Chức năng phê bình và tự phê bình này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển toàn diện của con người, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới hiện nay của xã hội.

1.1.3.2.Chức năng tâm lý

Bên cạnh nhóm chức năng xã hội, giao tiếp còn mang những chức năng tâm lý nhất định.

Chức năng động viên khích lệ của giao tiếp liên quan đến lĩnh vực cảm xúc trong đời sống tâm lý của con người. Trong giao tiếp, con người còn khơi gợi ở nhau những cảm xúc, tình cảm nhất định; chúng kích thích hành động của họ. Một lời khen chân tình được đưa ra kịp thời, một sự quan tâm được thể hiện đúng lúc có thể làm người khác tự tin, cảm thấy phải cố gắng làm việc tốt hơn.

Giao tiếp không chỉ là hình thức biểu hiện mối quan hệ giữa con người với con người, mà còn là cách thức để con người thiết lập các mối quan hệ mới, phát triển và củng cố các mối quan hệ đã có. Tiếp xúc, gặp gỡ nhau – Đó là khởi đầu của các mối quan hệ. Nhưng các mối quan hệ này có tiếp tục phát triển hay không, có trở nên bền chặt hay không, điều này phụ thuộc nhiều vào quá trình giao tiếp sau đó.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta có những cảm xúc cần được bộc lộ. Những niềm vui hay nỗi buồn, sung sướng hay đau khổ, lạc quan hay bi quan,… chúng ta muốn được người khác cùng chia sẻ. Chỉ có trong giao tiếp chúng ta mới tìm được sự đồng cảm, cảm thông và giải tỏa được cảm xúc của mình.

Trong quá trình tiếp xúc với những người xung quanh, chúng ta nhận thức được các chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ, pháp luật tồn tại trong xã hội, tức là những nguyên tắc ứng xử: Chúng ta biết được cái gì tốt, cái gì xấu; cái gì đẹp, cái gì không đẹp; cái gì nên làm, cái gì cần làm, cái gì không được làm và từ đó mà thể hiện thái độ, hành động cho phù hợp. Những phẩm chất như khiêm tốn hay tự phụ, lễ phép hay hỗn láo, ý thức nghĩa vụ, tôn trọng hay không tôn trọng người khác,… Đó chính là quá trình hình thành, phát triển tâm lý, nhân cách của mỗi chúng ta.

Như vậy giao tiếp có nhiều chức năng quan trọng. Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, khi các quan hệ giao tiếp cơ bản không thực hiện được đầy đủ các chức năng này thì điều đó không những sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và hoạt động, mà còn để lại những dấu ấn tiêu cực trong sự phát triển tâm lý nhân cách của mỗi chúng ta.

1.2.Các phương tiện giao tiếp

Trong quá trình giao tiếp chúng ta phải sử dụng những phương tiện giao tiếp khác nhau. Phương tiện giao tiếp là tất cả những yếu tố mà chúng ta dùng để thể hiện thái độ, tình cảm, mối quan hệ và những tâm lý khác của mình trong một cuộc giao tiếp.

Phương tiện giao tiếp hết sức phong phú và đa dạng nhưng chúng ta có thể chia chúng thành hai nhóm chính: Ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Giao tiếp ngôn ngữ và giao tiếp phi ngôn ngữ ít khi tách rời nhau, mà thường bổ sung cho nhau. Trong các mối quan hệ tương đối gần gũi, thân thiết, giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm ưu thế hơn, còn trong các mối quan hệ ít nhiều có tính chất xã giao thì nó làm nền cho giao tiếp ngôn ngữ.

1.2.1.Phương tiện giao tiếp ngôn ngữ

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp chủ yếu của con người. Bằng ngôn ngữ, con người có thể truyền đi bất cứ một thông tin nào, như diễn tả tình cảm, ám chỉ, miêu tả sự vật… Ở phương tiện này, sự giao tiếp thường dựa vào những yếu tố sau đây:

-  Nội dung ngôn ngữ:

Tức là ý nghĩa của lời nói, của từ. Ở đây chúng ta cần lưu ý đến vai trò của ý cá nhân của ngôn ngữ trong giao tiếp. Một từ hay một tập hợp từ đều có một hay vài ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa của ngôn ngữ có hai hình thức tồn tại: Khách quan và chủ quan. Khách quan bởi nó không phụ thuộc vào sở thích, ý muốn của một cá nhân nào. Chẳng hạn, không ai dùng từ “cái túi” để chỉ “cái cây” và ngược lại. Tính chủ quan thể hiện ở chỗ, có những từ vô thưởng vô phạt, nhưng trong qua trình sử dụng gây ra những phản ứng, những cảm xúc tích cực hay tiêu cực nào đó. Đây chính là ý cá nhân của ngôn ngữ. Ví dụ: từ “ma tuý” đối với người nghiện hút thì không gợi lên cảm giác tiêu cực như ở những người bình thường.

Ngay trong một nhóm người, đôi khi cũng có những quy định riêng cho một số tập hợp từ. Tiếng “lóng” là một ví dụ. Mỗi cá nhân, mỗi nhóm người từ cộng đồng địa phương đến đẳng cấp dân tộc đều có những sắc thái riêng trong cách sử dụng ngôn ngữ. Hiểu được ý cá nhân là cơ sở tạo nên sự đồng điệu trong giao tiếp, còn được gọi là sự đồng cảm.

- Tính chất của ngôn ngữ:

Trong giao tiếp, tính chất của ngôn ngữ như nhịp điệu, âm điệu, ngữ điệu…cũng đóng vai trò quan trọng. Có người trông vẻ ngoài hình thức khá hoàn hảo khiến mọi người thích thú, nhưng khi họ thốt ra những tiếng chát chúa hay the thé làm cho ta cảm thấy thất vọng ngay. Cũng có người nhờ tiếng nói ấm áp, dịu dàng, quyến rũ làm cho người nghe cảm tình ngay, mặc dù dung mạo không lấy gì làm khả ái.

Trong khi nói, chúng ta cần chú ý tới giọng điệu, ngữ điệu. Lời nói có được rõ ràng, khúc triết hay không, phụ thuộc nhiều vào cách nhấn giọng. Nhờ cách nhấn giọng người nói có thể làm cho người nghe chú ý đến những lời nói của mình. Muốn nhấn giọng cho đúng phải hiểu rõ mình nói những gì và suy nghĩ, đắn đo từng lời một. Biết nhấn mạnh những lời quan trọng và để những lời nói phụ lướt nhẹ đi.

Hai yếu tố khác có thể thay đổi ý nghĩa của lời nói là cách uốn giọng và ngữ điệu. Trong lúc nói phải có lúc lên giọng, xuống giọng, lúc nhặt, lúc khoan, lúc nói nhẹ, lúc gằn từng tiếng thì lời nói mới nổi bật lên. Trước và sau khi nói ra những lời quan trọng phải ngừng một lúc, để cho người nghe chú ý.

-  Điệu bộ khi nói

Điệu bộ là những cử chỉ của tay chân và vẻ mặt. Có khi vừa nói vừa chỉ, vừa nói vừa nhìn chằm chằm, vừa nói vừa liếc, vừa nói vừa vuốt ve, âu yếm,… Thường điệu bộ phụ hoạ theo lời nói để giúp thêm ý nghĩa cho nó. Tuy nhiên, việc sử dụng điệu bộ khi nói cũng phải phù hợp với phong tục, tập quán, nền văn hoá. Những cử chỉ, điệu bộ tự nhiên là đáng yêu nhất, đừng gò ép mình bằng cách bắt chước điệu bộ của người này hay người khác.

1.2.2.Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ

Trong giao tiếp, chỉ một tỷ lệ những điều hiểu nhau mà chúng ta có được là nhờ nghe qua lời nói. Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong giao tiếp tác động của từ ngữ chỉ chiếm từ 30% - 40% , phần còn lại là do cách diễn đạt bằng cơ thể,  hoặc giao tiếp không lời qua vẻ mặt, động tác, dáng điệu và các tín hiệu khác. Việc nghiên cứu phương tiện phi ngôn ngữ là hết sức quan trọng, giúp chúng ta trở nên nhạy cảm hơn trong giao tiếp.

-  Nét mặt:

Trong giao tiếp nét mặt biểu lộ thái độ, cảm xúc của con người. Các công trình nghiên cứu thống nhất rằng nét mặt của con người biểu lộ sáu cảm xúc: Vui mừng, buồn, ngạc nhiên, sợ hãi, tức giận và ghê tởm. Ngoài tính biểu cảm, nét mặt còn cho ta biết ít nhiều về cá tính con ngươi. Người có nét mặt căng thẳng thường là người dứt khoát, trực tính; người có nét mặt mềm mại ở vùng miệng thì hoà nhã, thân mật, biết vui đùa và dễ thích nghi trong giao tiếp.

Nhướn mày thường là dấu hiệu cho biết người ta không hiểu và muốn lặp lại thông tin. Đôi khi nó chỉ sự không tin tưởng mấy. Nhăn trán, cau mày là dấu hiệu phổ biến của sự lúng túng và sự lo lắng, và đôi khi là biểu hiện của sự giận dữ.

-  Nụ cười:

Trong giao tiếp, người ta có thể dùng nụ cười để biểu lộ tình cảm, thái độ của mình. Con người có bao nhiêu kiểu cười thì có bấy nhiêu cá tính. Có cái cười tươi tắn, hồn nhiên, đôn hậu, có cái cười chua chát, miễn cưỡng, đanh ác, có cái cười đồng tình, thông cảm nhưng cũng có cái cười chế giễu, cười khinh bỉ… Mỗi điệu cười biểu hiện một thái độ nào đó, cho nên trong giao tiếp, chúng ta phải tinh nhạy quan sát nụ cười của đối tượng giao tiếp để biết được lòng dạ của họ.

-  Ánh mắt:

Dân gian có câu nói: “Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn” bởi lẽ cặp mắt là điểm khởi đầu cho tất cả mọi nghiên cứu quan sát, tìm hiểu qua ánh mắt con người có thể nói lên nhiều thứ. Ánh mắt phản ánh trạng thái cảm xúc, bộc lộ tình cảm, tâm trạng và ước nguyện của con người ra bên ngoài.

Trong giao tiếp, ánh mắt còn đóng vai trò “đồng bộ hoá” câu chuyện, biểu hiện sự chú ý, tôn trọng, sự đồng tình hoặc là phản đối. Ánh mắt trong giao tiếp cũng phụ thuộc vào vị trí xã hội của mỗi bên. Người có địa vị xã hội cao hơn (hoặc tự cho mình là người có vai trò cao hơn) thường nhìn vào mắt của người kia nhiều hơn, kể cả khi nói, lẫn khi nghe.

Ánh mắt của một người còn phản ánh cá tính của người đó: Người có óc thực tế thường có cái nhìn lạnh lùng, người ngay thẳng nhân hậu có cái nhìn thẳng và trực diện, người nham hiểm đa nghi có cái nhìn soi mói, lục lọi,… 

-  Các cử chỉ:

Các cử chỉ gồm các chuyển động của đầu (gật đầu, lắc đầu,…), của bàn tay (vẫy, chào, khua tay), của cánh tay,… Vận động của chúng có ý nghĩa nhất định trong giao tiếp. Thật vậy, chuyển động của đầu có thể là “đồng ý” hay “không đồng ý”, của bàn tay là lời mời, sự từ chối, chống đối hay van xin,…

Người ta cũng có thể dùng cử chỉ để điều khiển cuộc giao tiếp, chẳng hạn như một số vận động của tay và đầu có ý nhắc người đối thoại nói nhanh, chậm, dừng lại hay giải thích thêm.

Mũi cũng là phương tiện truyền thông, bởi vì khi nhìn người khác với cái vẻ coi khinh người ta thường nhìn xuống mũi của mình. Khi động tác này đi kèm với một cái hít vào khinh khỉnh thì thái độ phủ nhận lại càng được gia tăng. Ngoài ra, lưỡi, cằm, cử chỉ của bàn tay, vị trí của đôi chân, … cũng nói lên nhiều điều.

-  Tư thế:

Tư thế cũng là một trong các phương tiện giao tiếp. Nó có liên quan mật thiết với vai trò, vị trí xã hội của cá nhân. Thường thường, một cách vô thức, nó bộc lộ cương vị xã hội mà cá nhân đang đảm nhận. Ví dụ, tư thế ngồi thoải mái, đầu hơi ngả ra phía sau là tư thế của bề trên, của lãnh đạo. Tư thế ngồi hơi cúi đầu về phía trước, tựa hồ lắng nghe là tư thế của người cấp dưới.

Tư thế có vai trò biểu cảm, có thể nhìn thấy qua tư thế trạng thái tinh thần thoải mái hay căng thẳng. Những tư thế để “mở” tay và chân tựa như tạo điều kiện để tiếp cận gần gũi cho người đối thoại, phản ánh một thái độ cởi mở, hoà hợp.

-  Diện mạo:

Là những đặc điểm tự nhiên, ít thay đổi được như tạng người (cao hay thấp, mập hay ốm, mặt vuông hay dài, môi mỏng hay dày…), sắc da (trắng hay đen, xanh xao, vàng vọt hay “ngăm ngăm”...), và những đặc điểm thay đổi được như tóc, râu, trang điểm, trang sức, trang phục…

Diện mạo có thể gây ấn tượng rất mạnh, nhất là lần đầu tiên. Ví dụ, đàn ông cao ráo, có vẻ khoẻ mạnh, sẽ gây ấn tượng tốt hơn là người thấp bé hay gầy đét; một người “tốt tướng” thường được mọi người tôn trọng từ cái nhìn đầu tiên. Cách trang sức, cách ăn mặc cũng nói lên nhiều cá tính, văn hoá, nghề nghiệp, địa vị, lứa tuổi của một cá nhân.

-  Những hành vi giao tiếp đặc biệt:

Đó là động tác ôm hôn, vỗ vai, xoa đầu, khoác tay, bắt tay,… Những phương tiện này gọi là đặc biệt vì trong những mối quan hệ đặc biệt ta mới sử dụng chúng. Chẳng hạn, không phải gặp ai ta cũng có thể ôm hôn được; hoặc ở nước ta người lớn xoa đầu trẻ con chứ không được phép ngược lại.

Những cái bắt tay cũng nói lên cá tính và thái độ của hai người đối với nhau: Bắt tay mạnh mẽ, khô ráo chứng tỏ con người có cá tính mạnh và nhân cách đáng tin; còn cái bắt tay ẻo lả, ướt át thuộc về con ngươi yếu đuối và đáng ngờ. 

1.3.Một số kỹ năng giao tiếp cơ bản

Giao tiếp vừa là một khoa học vừa là một nghệ thuật. Muốn thành công trong giao tiếp, chúng ta không chỉ cần nắm vững những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực này mà còn phải biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tiễn hoạt động giao tiếp của mình. Tức là nắm vững kỹ năng và không ngừng trau dồi, rèn luyện để đạt đến mức nghệ thuật. Dưới đây là một số kỹ năng cơ bản trong giao tiếp.

1.3.1.Kỹ năng lắng nghe

Trong quá trình giao tiếp, chúng ta vừa phải tác động lại vừa phải quan sát lắng nghe “đối phương”. Việc lắng nghe người khác, nắm bắt, thông hiểu các thông tin để có thái độ, hành vi tương xứng là điều rất có ý nghĩa trong giao tiếp. Có nhà nghiên cứu đã nhận xét rằng, trong cuộc sống, mỗi ngày làm việc, ít ra là chúng ta phải dùng nửa thời gian để lắng nghe và xử lý thông tin trên cơ sở đó mà chúng ta có những tác động phản hồi đối với mọi người.

Hình 1.1. Biểu đồ thời lượng sử dụng các kỹ năng

1.3.1.1.Để có thể lắng nghe tốt

Trong quan hệ giao tiếp, việc lắng nghe tích cực thường diễn ra khi ta thật sự quan tâm đến vấn đề nào đó và vì thế, tất nhiên khi có quan hệ, tác động ta hướng tất cả sự chú ý vào vấn đề. Tuy nhiên có những trường hợp ngược lại: Do công việc yêu cầu, do thái độ ứng xử đối nghịch của đối phương gây cho chúng ta sự ức chế về mặt tâm lý, đòi hỏi sự tự kiềm chế khá căng thẳng.

Để có thể vượt qua tình thế như vậy và có thể lắng nghe có hiệu quả cần tự điều chỉnh để tự thích ứng với tình hình, và hình thành được thái độ sau:

Thái độ tự thấu cảm: Ta tự đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh của người nói, thử đặt mình vào tình cảnh như vậy, từ đó mà tạo ra sự thấu hiểu thông điệp cả từ hai phía: Phía công khai và những gì tiềm ẩn bên trong các thông điệp đó. Trong phần lớn trường hợp người truyền thông tin thường có mong muốn ta thấu hiểu họ một cách đầy đủ cả hai khía cạnh ấy, nhất là ở phía “ý tại ngôn ngoại”, tiềm ẩn bên trong.

Sự tập trung, chú ý vào nội dung thông tin với thái độ khách quan là không thể thiếu. Cần hết sức chăm chú nắm bắt thông tin, sẵn sàng phản hồi bằng ngôn ngữ, bằng tín hiệu, bằng biểu cảm (thái độ) ví dụ như: Gật gù tỏ vẻ hiểu, hưởng ứng, mỉm cười tán đồng. Tất nhiên để bộc lộ thái độ khách quan như vậy, ta phải hết sức tự kiềm chế, kiên nhẫn với thái độ tự tin để duy trì sự giao lưu, tiếp xúc diễn ra một cách thuận lợi. Đôi lúc có thể kiểm tra ngược lại hoặc để tâm xem lại những điều mình đã nắm được,  ta có thể  xen kẽ bằng những câu nhắc lại những gợi ý khéo như: “Theo anh nên hiểu vấn đề ấy như thế nào?” hoặc  gợi mở thêm sự giao lưu được tiếp tục kiểu như “Hình như anh cũng cảm thấy khó xử…” thậm chí có thể tỏ thái độ trung lập với những gợi ý vô thưởng vô phạt như “Tôi hiểu anh trong trường hợp này…”. Tác dụng của những câu đưa đẩy ấy sẽ duy trì được sự giao lưu, tiếp xúc và nếu có dụng ý ta sẽ gián tiếp hiểu được thái độ đích thực của đối tượng giao tiếp.

1.3.1.2.Những trở ngại trong việc lắng nghe

Có nhiều trở ngại khiến cho chất lượng lắng nghe người khác nói không phải  lúc nào cũng như nhau, do nhiều nguyên nhân rất dễ sa vào tình trạng chất lượng kém với các mức độ khác nhau như: Do không tập trung chú ý nên chẳng nắm được nội dung, nghe lõm bõm, chỉ thông hiểu một phần, nghe nhưng nắm thông tin không chính xác, nghe rồi nhưng không có chủ định và quên mất thông tin,….

Trước hết phải nói đến trở ngại về mặt tâm lý – Ví dụ như tốc độ suy nghĩ, chúng ta có thể nghe với tốc độ nhanh nhưng người nói lại rề rà, quá chậm. Do vậy có những khoảng trống, khiến ta dễ liên tưởng, dễ suy nghĩ lan man về các vấn đề khác. Hơn thế nữa, trong trường hợp tâm trạng chúng ta xao động, ta mải chú ý vấn đề khác, nếu người nói lại không “tâm lý” dễ dẫn ta đến trạng thái suy nghĩ lan man. Có thể xem trở ngại tâm lý là trở ngại quan trọng nhất, làm giảm hiệu quả của sự lắng nghe.

Cùng với tốc độ suy nghĩ, việc phân tán chú ý còn do nội dung thông tin quá khó, ta không thể hiểu rõ và cũng không thể không nắm bắt được thực chất của thông tin, cảm thấy căng thẳng do vậy không tập trung được chú ý.

Cũng có thể do thiếu kiến thức, đôi khi trong trao đổi, một bên cứ nói và một bên cứ lảng đi, không chịu “nghe”. Như vậy là trong giao tiếp, sự hiểu biết về đối tượng: Cá tính, trình độ học vấn, kinh nghiệm xử thế,…thì chắc chắn sẽ gặp ít trở ngại hơn.

Về mặt cá tính, một số người có tính thiếu kiên nhẫn trong giao tiếp – Thái độ này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giao lưu, tiếp xúc. Với tâm trạng như vậy, chúng ta nói vào tai này thì thông tin sẽ trượt ra tai khác, vô hiệu quả.

Thực tế chứng tỏ rằng đôi khi thái độ thờ ơ, tiêu cực trong giao tiếp nảy sinh ra do định kiến, thành kiến và nhân cách của ai đó; thái độ gây nên trạng thái ức chế, cản trở sự trao đổi thông tin, nghĩa là không chịu tiếp nhận, trao đổi các thông tin.

1.3.2.Kỹ năng đặt câu hỏi

Thu thập thông tin từ người khác là một kỹ năng khá quan trọng trong giao tiếp. Có nhiều thông tin chúng ta cần được chứa đựng trong não bộ của người khác. Có lúc chính họ tự nguyện, tự giác cho ta tin tức, nhưng đa số trường hợp chúng ta phải khai thác nó bằng các câu hỏi khác nhau. Muốn khai thác thông tin có hiệu quả chúng ta cần thực hiện nó một cách có bài bản.

Muốn khuyến khích việc cung cấp tin, bạn phải làm sao cho việc ấy trở thành niềm vui thú đối với người khác. Hãy sử dụng nghệ thuật lắng nghe để tạo hứng thú ở đối tượng cung cấp thông tin.

Khi muốn khai thác thông tin, bạn hãy bắt đầu bằng một câu hỏi dễ. Những câu hỏi dễ sẽ giúp người khác có cơ hội trả lời đúng một cách dễ dàng. Chúng làm cho đối tượng thoải mái, bớt căng thẳng và tự tin hơn. Nói chung, trước hết cần phải làm nóng cuộc nói chuyện để khi người đối thoại thấy được sức cuốn hút thì anh ta sẽ say sưa trút bầu tâm sự.

Sau khi đã làm cho người khác cảm thấy thoải mái, bạn cần biết đặt những câu hỏi để có được những tin tức đầy đủ và chính xác. Có rất nhiều loại câu hỏi để bạn có thể sử dụng, tuỳ vào từng hoàn cảnh và dụng ý sử dụng.

-  Câu hỏi hẹp: 

Đó là những câu hỏi nhằm thu hẹp vấn đề để tranh thủ những thông tin chính xác, ngắn gọn. Ví dụ: “Ai thực hiện việc này?”, “Tên anh là gì?”. Những câu hỏi hẹp có ích khi bạn cần những dữ kiện rõ ràng, thẳng thắn. Hầu hết các cuộc gặp gỡ đều có những câu hỏi hẹp ở một thời điểm nào đó.

-  Câu hỏi trực tiếp: 

Tức là hỏi thẳng vào vấn đề mà mình cần tìm hiểu. Loại này có ưu điểm là thu thập thông tin một cách nhanh chóng và thường tạo ra yếu tố bất ngờ ở đối tượng. Hỏi trực tiếp thường để lộ mục đích tìm hiểu, làm cho đối tượng không được tự nhiên. 

-  Câu hỏi gián tiếp:

 Tức hỏi về một vấn đề này để suy ra vấn đề mình cần tìm hiểu. Loại câu hỏi này thường dùng để khai thác những yếu tố tế nhị mà không thể hỏi trực tiếp.

-  Câu hỏi gợi mở:

 Là loại câu hỏi mà không thể trả lời có hoặc không được, chúng đòi hỏi phải có lời giải thích tại sao. Nhờ câu hỏi này mà chúng ta bước vào một giai đoạn mới của cuộc đàm phán độc thoại chuyển thành đối thoại. Loại câu hỏi này làm dễ dàng cho người đối thoại. Mục đích của loại câu hỏi này chủ yếu là thu thập thông tin sâu hơn mà câu hỏi hẹp không làm được.

-  Câu hỏi để suy nghĩ: 

Mục đích của câu hỏi này nhằm xây dựng bầu không khí thân thiện, hiểu biết lẫn nhau. Chúng đặc biệt có lợi khi nhắc lại một phần các ý kiến đã phát biểu. Câu hỏi này sẽ tạo điều kiện cho đối tác cải chính, bổ sung vấn đề đã được trình bày.

1.3.3.Kỹ năng thuyết phục

Để giải quyết tốt một công việc nào đó, chúng ta thường cần sự giúp đỡ, hợp tác của người khác. Điều này đòi hỏi giữa chúng ta và họ phải có sự thống nhất về quan điểm, lập trường, về cách giải quyết công việc. Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta thường gặp trường hợp, trong đó người khác không cùng chung ý kiến, quan điểm với chúng ta. Trong trường hợp này, việc chúng ta có đạt được mục đích hay không phụ thuộc vào khả năng thuyết phục của chúng ta. Thuyết phục chính là đưa ra tình tiết, sự kiện, phân tích, giải thích làm cho người khác thấy đúng, thấy hay mà tin theo, mà làm theo.

1.3.3.1.Những điểm cần chú ý khi thuyết phục

Thuyết phục người khác là một công việc không hề đơn giản, bởi một lẽ thường tình là bất kỳ ai, khi đã có ý kiến về một vấn đề nào đó, cũng có niềm tin nhất định vào mình và không muốn tiếp thu ý kiến của người khác. Hơn nữa không phải ai cũng biết cách thuyết phục người khác. Để thuyết phục có hiệu quả chúng ta cần chú ý một số điểm sau đây:

Bầu không khí bình đẳng là điều kiện đầu tiên để có thể thành công trong thuyết phục, bởi vì nó làm cho người đối thoại cảm thấy thoải mái, được tôn trọng, làm giảm sự đề phòng, phản kháng của họ.

Thông  thường người đối thoại luôn muốn bảo vệ ý kiến của mình, không muốn tiếp thu ý kiến của người khác. Muốn thuyết phục họ, trước hết phải tôn trọng và lắng nghe họ. Đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện chỗ hở trong quan điểm của người đối thoại vì thiếu thông tin, vì cân nhắc chưa thấu đáo. Lúc này họ sẽ cảm thấy thiếu tự tin và muốn nghe ý kiến. Đây chính là lúc để thuyết phục.

Khi trình bày ý kiến cần lưu ý: Lý lẽ đưa ra phải rõ ràng và có cơ sở; lời nói phải ngắn gọn và có trọng tâm, không nên dài dòng tràn lan, phải nhã nhặn, ôn tồn, lịch sự; ngôn ngữ và cách lập luận phải phù hợp với trình độ nhận thức của người đối thoại; biết thừa nhận những điểm có lý trong ý kiến của người đối thoại; cần tác động đến cả nhận thức, tình cảm và ý chí của người đối thoại.

1.3.3.2.Quy trình thuyết phục

Từ sự phân tích trên, ta có thể đưa ra một quy trình thuyết phục bao gồm các bước cơ bản: 

Trước hết hãy tạo một  không khí bình đẳng, thân thiện gây thoải mái cho người đối thoại. Đây là một bước quan trọng, ảnh hưởng khá nhiều đến kết quả thuyết phục. Sau khi đã tạo được một không khí cởi mở nhất định, chúng ta cần tìm hiểu, lắng nghe để hiểu tâm lý người đối thoại. Muốn thuyết phục ai đó về một vấn đề nào đó. Trước hết hãy tìm hiểu quan điểm cá nhân của họ về vấn đề, những vướng mắc, bận tâm khiến họ lo ngại, từ chối. Chúng ta không thể đưa ra cách giải cho một bài toán khi chưa biết đề bài. Hãy vận dụng hết khả năng lắng nghe trong bước này.

Bất kỳ ai cũng đều mong muốn có được sự đồng cảm, chia sẻ của người khác với những ý kiến, lo lắng của mình. Hãy chứng tỏ sự cảm thông với những vướng mắc đó, coi vướng mắc của người đối thoại cũng chính là vướng mắc của người thuyết phục.

Và cuối cùng, khi đứng trên quan điểm của người đối thoại đồng thời trên quan điểm của người đưa ra được cách giải quyết những vướng mắc ấy, chúng ta cần dùng lý lẽ để giải tỏa lo ngại và bận tâm của người đối thoại.

1.3.4.Kỹ năng thuyết trình

Trong cuộc sống, có những khi đối tượng chúng ta cần trình bày quan điểm, suy nghĩ về vấn đề nào đó, không chỉ là một hay hai người, mà có thể là mười người, hai mươi người, một trăm người, hay hơn thế nữa. Đó chính là lúc chúng ta thực hiện một bài thuyết trình. Thuyết trình hay còn gọi là diễn thuyết, là nói chuyện trước nhiều người về một vấn đề nào đó một cách có hệ thống.

1.3.4.1.Các bước thuyết trình

Một bài thuyết trình thành công bao giờ cũng đi qua ba bước: Chuẩn bị thuyết trình, tiến hành thuyết trình và kết thúc thuyết trình.

-  Chuẩn bị thuyết trình

Bất kỳ một nhà diễn thuyết chuyên nghiệp nào cũng có lúc lúng túng, e ngại, căng thẳng. Để có thể đường hoàng, tự tin, chúng ta và cả những nhà diễn thuyết chuyên nghiệp cũng đều phải có sự chuẩn bị chu đáo cho buổi nói chuyện của mình.

Khi được mời thuyết trình về một vấn đề nào đó, chúng ta cần cân nhắc hai vấn đề. Đó là: Chúng ta có am hiểu vấn đề, có đủ thông tin để trình bày hay không? Con người và cương vị của người nói có được người nghe chấp thuận hay không? Nói cách khác, tầm quan trọng của vấn đề phải ngang tầm với người diễn thuyết, nếu không người nghe sẽ thiếu tin tưởng.

Bài nói chuyện phải được xây dựng xung quanh người nghe, lấy người nghe làm trung tâm. Cùng một vấn đề nhưng nói cho những đối tượng khác nhau thì cách xây dựng bài nói cũng khác nhau. Chẳng hạn, cùng một vấn đề thời sự nhưng nói cho sinh viên khác với nói cho giáo viên. Vì vậy, người thuyết trình cần tìm hiểu người nghe là ai, giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, tín ngưỡng…để chuẩn bị bài nói chuyện cho phù hợp.

Bài diễn thuyết cần được chuẩn bị một cách chu đáo. Người diễn thuyết có thể thảo sẵn nội dung diễn thuyết ra giấy hoặc chí ít cũng phải lập một đề cương chi tiết các ý cần phải trình bày và những dẫn chứng, những số liệu để minh hoạ. Không nên quá tin tưởng vào trí nhớ. Nếu lần đầu diễn thuyết thì cần tập dượt trước . Sự chuẩn bị tốt luôn làm người diễn thuyết tự tin trong quá trình nói chuyện.

-  Tiến hành thuyết trình

Khi tiến hành thuyết trình, điều quan trọng nhất của người diễn thuyết là kiểm soát được nội dung mà mình đang trình bày. Tránh tình trạng, vì một vài câu hỏi hay một vài yếu tố khách quan dẫn đến quên mất trình tự hay quên mất nội dung định trình bày. Để có được một bài thuyết trình hay, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng dẫn dắt vấn đề, khả năng gây thiện cảm, khả năng xử lý tình huống của người thuyết trình.

-  Kết thúc thuyết trình

Người thuyết trình cần biết kết thúc đúng lúc. Khi người nói đã dùng đến cụm từ “cuối cùng là…” thì có nghĩa chỉ còn vài phút nữa thôi. Nếu sau đó, người nói vẫn còn muốn nói tiếp thì người nghe sẽ cảm thấy rất ức chế. Sau khi tóm tắt những ý then chốt của bài nói chuyện và tuỳ theo tính chất của bài nói chuyện mà đưa ra lời kêu gọi, lời chúc mừng, cần nhớ cảm ơn thính giả đã chú ý lắng nghe. Trong trường hợp cần thiết, cần dành một ít thời gian để giải đáp những ý kiến, những thắc mắc của người nghe.

1.3.4.2.Một số điểm cần lưu ý với người thuyết trình

Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng có một vị trí nhất định trong sự thành công của bài thuyết trình. Để có được những ấn tượng tốt đẹp ấy, người thuyết trình cần chú ý một số điểm sau:

Trước hết người thuyết trình phải ăn mặc nghiêm túc, lịch sự, phù hợp với tính chất của buổi thuyết trình. Tránh những bộ quần áo cầu kỳ, kiểu cách, xa lạ với người nghe. Quần áo phù hợp sẽ làm cho người thuyết trình thêm tự tin. Bên cạnh đó, dáng đi chững chạc cũng thể hiện sự đường hoàng, tự tin của người thuyết trình, không nên đi quá nhanh nhưng cũng đừng chậm chạp, ung dung, thong thả quá. Khi bước ra chào, cần tiếp xúc bằng mắt và mỉm cười với người nghe.

Khi đứng trên bục, người thuyết trình cần đứng thẳng người với tư thế tự nhiên, không bỏ tay túi quần, mắt nhìn thẳng xuống người nghe, ánh mắt nhẹ nhàng, tôn trọng và quan tâm. Trước khi nói chuyện, cần tự giới thiệu về bản thân, những lời giới thiệu này nên ngắn gọn, không rườm rà, dài dòng.

Khi nói, giọng nói cần to, rõ ràng đủ cho người ngồi xa nhất cũng có thể nghe thấy. Thêm vào đó, cần thay đổi tốc độ nói, nhịp độ nói: Khi lên, khi xuống, khi trầm, khi bổng, khi nhanh, khi chậm, khi lướt qua, khi nhấn mạnh, tuỳ thuộc vào nội dung trình bày. Trong quá trình trình bày, thường xuyên đưa mắt xuống người nghe, bao quát tất cả những người có mặt trong phòng, đừng để ai đó có cảm giác bị “bỏ rơi”.

Ngoài ánh mắt, người thuyết trình cần chú ý sử dụng cả phương tiện phi ngôn ngữ khác như nét mặt, cử chỉ, động tác. Tuy nhiên, cần sử dụng chúng một cách tự nhiên, hợp lý. Người diễn thuyết có thể đi lại trong khi nói chuyện, song không nên rời khỏi tầm nhìn của một nhóm người nghe nào đó quá lâu. Chẳng hạn, trong khi giảng bài, có những giáo viên đi xuống cuối lớp và dừng lại ở đó trong một khoảng thời gian. Trong trường hợp này, những học sinh ngồi ở dãy bàn đầu dễ phân tán chú ý và sẽ khó tiếp thu bài giảng hơn.

1.3.5.Kỹ năng đọc và tóm tắt văn bản

1.3.5.1.Kỹ năng đọc

Đọc là hoạt động nhận thức có từ lâu đời, nó xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Đọc là một kỹ năng. Để đọc có hiệu quả, chúng ta cần được dạy cách đọc và không ngừng rèn luyện để biến kỹ năng thành kỹ xảo. Để đọc có hiệu quả, cần chú ý một vài khía cạnh sau:

Khi đọc một đoạn văn bản, chúng ta cần nắm được thông tin chứa đựng trong đó. Trở ngại lớn nhất cho sự lĩnh hội là khi đọc, người đọc không được tiếp xúc trực tiếp với người viết. Vì vậy, điểu cốt lõi khi đọc là người đọc phải thực hiện một cuộc đối thoại trong tưởng tượng với người viết, tức là phải tập trung tư tưởng cao độ đặt câu hỏi, phân tích, và tự tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó. Đó là đọc tích cực.

Tốc độ đọc cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc đọc. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, tốc độ đọc trung bình vào khoảng 250 từ/1 phút. Bí quyết để đọc có hiệu quả là chọn tốc độ đọc phù hợp với tài liệu. Không nên đọc nhanh với bất kỳ tài liệu nào, cũng đừng bận tâm đọc kỹ mọi thứ. Để có thể quyết định có nên đọc một tài liệu nào đó hay không, hoặc đọc phần nào, tốc độ nào, người đọc có thể sử dụng phương pháp khảo sát, phân tích và đọc với tốc độ phù hợp. Khi khảo sát, người đọc chỉ cần đọc phần đầu, phần cuối và lướt qua bố cục. Điều này giúp người đọc nắm bắt được cấu trúc tổng quát và những điểm chính của văn bản. Từ đó, mà quyết định văn bản có đáng đọc hay không và đọc với tốc độ nào.

Tóm lại, đọc là một kỹ năng quan trọng trong giao tiếp gián tiếp. Nó giúp chúng ta thu thập được nhiều thông tin có chiều sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.

1.3.5.2.Kỹ năng tóm tắt văn bản

Tóm tắt văn bản là trình bày lại nội dung của văn bản, có loại bỏ những thông tin không cần thiết theo mục đích đã định. Như vậy, văn bản tóm tắt bao giờ cũng ngắn gọn hơn văn bản gốc. Trong tóm tắt văn bản, việc lựa chọn thông tin nào để đưa vào văn bản tóm tắt phụ thuộc vào mục đích và yêu cầu của người tóm tắt.

Khi tóm tắt văn bản, cần loại bỏ hết những thông tin không cần thiết đối với mục đích tóm tắt, diễn đạt lại nội dung văn bản bằng cách vắn tắt và súc tích nhất nhưng vẫn phản ánh trung thực nội dung của văn bản gốc. Điều khác biệt giữa văn bản tóm tắt và văn bản gốc là người tóm tắt phải diễn đạt lại văn bản gốc theo ý của mình, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng lại các câu, các đoạn của văn bản gốc.

Nói chung, văn bản tóm tắt dài bao nhiêu là phụ thuộc vào văn bản gốc và mục đích và mục đích tóm tắt của chúng ta. Cũng có những trường hợp cả một bài văn dài, chỉ được tóm tắt bằng một câu. Ví dụ, khi giới thiệu bộ sử thi Ramayana của Ấn Độ thời cổ đại, tác giả Cao Huy Đỉnh viết: “Ramayana chủ yếu mô tả cuộc tình duyên trắc trở và mối tình chung thuỷ của hoàng tử Rama và nàng Xita”.

1.4.Các tình huống giao tiếp đặc trưng

Con người sống trong một xã hội với rất nhiều mối quan hệ giao tiếp phức tạp. Các tình huống giao tiếp diễn ra hàng ngày với mỗi người cũng vô cùng phong phú. Để tìm hiểu một cách chung nhất, ta có thể xem xét các tình huống giao tiếp nảy sinh trong ba môi trường: Gia đình, nhà trường và xã hội.

1.4.1.Tình huống giao tiếp trong gia đình

Gia đình xét trên quan điểm của tâm lý học là một tập thể nhỏ, trong đó mọi người quan tâm đến nhau, chú ý đến những nhu cầu, hứng thú của nhau. Giao tiếp trong gia đình là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển nhân cách của mỗi con người.

Không khí tươi vui, lành mạnh trong gia đình là một “tiểu khí hậu” thuận lợi cho sự phát triển đầu đời của mỗi chúng ta. Trong một gia đình đầm ấm, yêu thương thì ngay từ những ngày đầu tiên, con trẻ đã được phát triển dưới ảnh hưởng của sự giao tiếp thường xuyên với cha mẹ, ông bà, anh chị em. Sự giao tiếp thường xuyên và tích cực này không chỉ gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, mà còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho việc hình thành kỹ năng giao tiếp sau này của trẻ.

Mỗi một cá nhân sống trong gia đình đều có vị trí nhất định, họ mang trên mình nhiều chức danh. Ví dụ: Người phụ nữ trong gia đình có thể là vừa là người vợ, người mẹ, người con, người em,… Với mỗi một chức danh họ lại có những tiêu chuẩn đạo đức, văn hoá, cách giao tiếp khác nhau. Làm sao đảm bảo trong gia đình có đầy đủ lễ nghĩa, có trên có dưới để trở thành một gia đình văn hoá.

Thời gian sống trong gia đình của mỗi con người là rất lớn, vì vậy mà thời gian giao tiếp cũng như các tình huống giao tiếp xảy ra trong gia đình cũng vô cùng phong phú và khá phức tạp. “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi gia đình đều có những truyền thống, những đặc điểm riêng, vì vậy mà những tình huống phát sinh trong các gia đình khác nhau là khác nhau. 

Tình huống giao tiếp trong gia đình nảy sinh do nhiều nguyên nhân như: Truyền thống đạo đức, khác biệt giữa các thế hệ, bất đồng về tính cách giữa các thành viên,… Những tình huống này có khi chỉ là tình huống giao tiếp xã giao thông thường như: Mời, chào, hỏi,… Nhưng có khi nó lại là những tình huống giao tiếp có mâu thuẫn nảy sinh mà muốn giải quyết được, các thành viên trong gia đình phải có những kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống nhất định.

Xử lý tốt các tình huống giao tiếp nảy sinh trong gia đình sẽ mang đến không khí yên vui, hạnh phúc. Góp phần làm nền tảng tinh thần và vật chất của mỗi thành viên thêm vững chắc.

1.4.2.Tình huống giao tiếp trong nhà trường

Sau gia đình, nhà trường được xem như môi trường giao tiếp quan trọng thứ hai, bởi lẽ nhà trường  không chỉ là nơi đào tạo, giáo dục con người về tri thức, nhân cách mà còn là nơi thiết lập những mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến mỗi người đó là tình thầy trò, tình bạn.

Môi trường giao tiếp trong nhà trường là lớp học. Trong đó, đối tượng giao tiếp là thầy cô, bạn bè, sách vở. Khác với gia đình, cá nhân trong nhà trường không có quan hệ về huyết thống và đặc điểm giao tiếp trong môi trường này cũng có những sắc thái riêng, đó là “Kính thầy, yêu bạn”. Cũng chính từ sắc thái riêng này mà chúng ta có thể phân chia các tình huống giao tiếp trong nhà trường thành hai mảng đó là: Tình huống giao tiếp giữa thầy giáo - Học sinh và tình huống giao tiếp giữa người học với người học.

Để xử lý tốt cả hai mảng tình huống trên, trước hết, chúng ta cần thể hiện sự khéo léo, tế nhị, linh hoạt của bản thân sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh khác nhau, đồng thời phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản giữa các mối quan hệ. Những nguyên tắc cơ bản đó là gì? Sự tôn trọng, yêu mến, hết lòng vì học sinh của thầy đối với trò; là lòng kính yêu, kính trọng của trò với thầy giáo; là tình cảm yêu thương, đoàn kết, tôn trọng lẫn nhau giữa những người học.

 Xử lý tốt các tình huống giao tiếp diễn ra trong nhà trường không những đem lại hiệu quả cao trong học tập mà còn làm đẹp thêm giá trị nhân cách của mỗi con người.

1.4.3.Tình huống giao tiếp trong xã hội

Môi trường giao tiếp thứ ba này là môi trường rộng lớn nhất, phức tạp nhất và phong phú nhất. Ở đây, chúng ta chỉ xét trên những mối quan hệ xã hội phổ biến nhất đối với sinh viên.

Cuộc sống hàng ngày của sinh viên, ngoài những giờ lên lớp, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, sách vở để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập của mình, họ còn tham gia vào nhiều mối quan hệ xã hội khác xung quanh họ để thoả mãn nhu cầu về tâm lý, cũng như nhu cầu phát triển về nghề nghiệp.

Các tình huống giao tiếp nảy sinh trong những mối quan hệ xã hội của sinh viên chủ yếu trên ba mặt sau: Tình bạn, tình yêu, công việc (công việc làm thêm, khi đi phỏng vấn,…), và mối quan hệ xã hội khác (trong xóm trọ, trong kí túc xá,…). Những tình huống giao tiếp này ảnh hưởng tới sinh viên về nhiều mặt như tâm lý, tình cảm, sự nghiệp. Để giải quyết tốt các tình huống này, cần có những yêu cầu khác nhau như trong phỏng vấn xin việc cần có kỹ năng trả lời câu hỏi của nhà tuyển dụng, trong tình yêu cần có sự cảm thông, chia sẻ, tôn trọng,...

Tóm lại, để xử lý tốt các tình huống giao tiếp nói trên, mỗi sinh viên chúng ta, ngoài nhiệm vụ học tập để trang bị cho mình tri thức mới, cần trang bị thêm những kỹ năng giao tiếp để hoàn thiện thêm hành trang để làm chủ cuộc sống sau này.

1.5.Đặc điểm giao tiếp của sinh viên  Khoa Công Nghệ trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa

1.5.1.Đặc điểm giao tiếp của sinh viên Cơ Sở Thanh Hóa

Giao tiếp có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với mỗi người. Con người luôn sống trong xã hội, nên giao tiếp giữa người với người là nhu cầu tất yếu. Sinh viên Cơ sở Thanh Hóa cũng như con người, luôn luôn cuốn vào những hệ thống khác nhau của giao tiếp. Trong quá trình giao tiếp đó những nguyên tắc sống, những tiêu chuẩn đạo đức được hình thành và ngày càng hoàn thiện.

Trong trường Đại học, sinh viên trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh nói chung và sinh viên cơ sở Thanh Hóa nói riêng sống trong những lớp học, một trong những đơn vị cơ sở trong hệ thống dạy học trong trường. Ở đó, họ có cuộc sống tập thể, tiếp thu tri thức mới hiện đại, sâu sắc của loài người, hình thành và phát triển nhân cách, tu dưỡng những phẩm chất đạo đức và năng lực của mình. Bên cạnh những vấn đề trên giao tiếp cũng trở thành một vấn đề đặc biệt quan trọng và có đặc thù riêng ở mỗi trường. Nhưng hầu hết sinh viên cơ sở  đều mang những đặc điểm sau trong giao tiếp:

Nhu cầu giao tiếp của sinh viên cơ sở ngày một tăng cao theo yêu cầu của Giáo dục, đó là xu thế phù hợp với xu thế chung của xã hội và lịch sử. Không thể có sự cô đơn trong đa số các trường hợp như quan niệm của một số học giả Tiến sĩ.

Phạm vi giao tiếp của sinh viên cơ sở là rất tập trung. Nó đặc trưng bởi hoạt động hoc tập. Đối tượng chủ yếu là bạn học, ngoài ra còn giao tiếp với cán bộ trong trường, với học sinh phổ thông và các đối tượng khác.

Nội dung giao tiếp của sinh viên cơ sở đặc trưng bởi hoạt động chủ đạo là học tập. Ngoài ra còn trao đổi với bạn bè về tình bạn, tình yêu. Không khí giao tiếp trong tập thể sinh viên tốt, lành mạnh, cởi mở, sôi nổi, có sự thống nhất hành động.

1.5.2.Đặc điểm giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ trường Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa

Trong giao tiếp, sinh viên Khoa công Nghệ cũng mang những đặc điểm chung của sinh viên, cũng như sinh viên Đại Học Công Nghiệp Thành Phố Hồ Chí Minh cơ sở Thanh Hóa. Nhưng bên cạnh đó, họ lại có những nét riêng, được hình thành do ngành học.

Những môn học của khoa công nghệ mang tính khô khan cao,chú trọng nhiều vào thực hành,môi trường học tập vất vả hơn khoa Kinh Tế, thời gian học tập cũng sắp xếp rất dày (do một tín chỉ thực hành có thời gian học tập gấp đôi một tín chỉ lý thuyết).

Chính những đặc điểm trên về ngành học tạo nên một vài nét riêng biệt trong đặc điểm giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ đó là: Phạm vi và đối tượng giao tiếp bị thu hẹp. Sự chủ động và tích cực trong giao tiếp còn hạn chế. Điều này được thể hiện không chỉ qua việc tự học mà ở cả các hoạt động ngoại khoá trong trường và xã hội do sinh viên khoa Công Nghệ thực hiện. Hầu hết sinh viên Khoa Công Nghệ còn “ngại” khi giao tiếp với những môi trường giao tiếp ngoài sách vở, trường lớp và bạn học.

 Tóm lại, mặc dù có những đặc điểm giao tiếp riêng do đặc thù ngành học nhưng sinh viên Khoa Công Nghệ cũng giống như sinh viên Cơ sở nói chung đều là đối tượng được giáo dục đồng thời cũng là những kỹ sư, cử nhân tương lai, nên việc tìm hiểu đặc điểm và phát triển kỹ năng giao tiếp cho sinh viên là vô cùng cần thiết, có ảnh hưởng lâu dài.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG NHU CẦU GIAO TIẾP VÀ KỸ NĂNG GIAO TIẾP CỦA SINH VIÊN KHOA CÔNG NGHỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HÒ CHÍ MINH CƠ SỞ THANH HÓA

Trong phần tìm hiểu thực trạng nhu cầu giao tiếp và kỹ năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ Trường Đại Học thành Phố Hồ chí minh Cơ sở Thanh Hóa, tôi đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong đó có phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi (Ansquest) trên 200 sinh viên của khoa ở cả 4 khối: Năm I, năm II, năm III, năm IV. Cụ thể là các lớp: DHDI8, DHDI7,DHTH7,DHHD7, DHTH6, DHTH5.

Phiếu điều tra chia làm bốn phần: I - Nhu cầu giao tiếp; II - Nội dung giao tiếp; III - Mức độ cởi mở của cá nhân; IV - Kỹ năng giao tiếp. Tổng số là 95 câu. Với mỗi mục khác nhau, có số lượng câu hỏi và cách đánh giá khác nhau. Nội dung phiếu điều tra được trình bày ở phần phụ lục.

2.1.Nhu cầu giao tiếp

Để tìm hiểu nhu cầu giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ, tôi đã sử dụng phiếu trắc nghiệm P.O do Trường ĐHSP Lênin (Liên Xô cũ). Gồm 33 câu hỏi trả lời “Đúng”,  “Không”. Trả lời “Đúng” ở những câu sau đây được một điểm: 1, 2, 7, 8, 11, 12, 13, 14, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 26, 28, 30, 31, 32. Trả lời “Không” ở những câu sau đây được một điểm: 3, 4, 5, 6, 9, 10, 15, 16, 25, 27, 29.

 Sau đó tính tổng số điểm đạt được của đối tượng được điều tra rồi đối chiếu theo bảng phân mức độ.

Nhìn chung, giao tiếp là một vấn đề không thể thiếu được trong đời sống của sinh viên cơ sở nói chung và sinh viên Khoa Công Nghệ nói riêng. Hoạt động giao tiếp là một trong những hoạt động nổi bật của người sinh viên. Phần lớn sinh viên đều có nhu cầu muốn được giao tiếp với người khác và nhu cầu giao tiếp ngày càng  phong  phú, đa dạng, phù hợp hơn với xu thế phát triển đi lên của xã hội, phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Cũng qua tìm hiểu thực trạng nhu cầu giao tiếp của sinh viên khoa Công nghệ, tôi nhận thấy nhu cầu giao tiếp là không đồng đều, có sự chênh lệch giữa nam và nữ, giữa các khối lớp. 

2.1.1.Thực trạng nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

Nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ có sự chênh lệch giữa các khối theo các mức độ khác nhau, được thể hiện rõ nét qua bảng sau:

Bảng 2.1. Nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ  Khoa Công Nghệ

               Mức độ

Năm họcThấp

(3 - 20)TB thấp

(21 – 22)Trung bình

(23 – 24)TB cao

(25 -27)Cao

(28 – 32)

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

I (12 người)325433,33325216,6700

II (12 người)758,33216,66216,6618,3300

III (19 người)1052,63421,05315,78210,5200

IV (30 người)1446.67723,33723,3326,6700

∑ (73 người)3446,571723,281520,5479,5900

Qua bảng số liệu ta thấy một điểm nổi bật, đó là:  mức độ nhu cầu giao tiếp cao, không có một sinh viên nữ nào.

Trong khi đó, tỷ lệ của sinh viên nữ ở mức độ thấp lại chiếm khá cao 34/73 người (46,57%) và sinh viên năm thứ II có tỷ lệ mức độ nhu cầu giao tiếp thấp là cao nhất 7/12 người (58.33%).

Ở mức độ nhu cầu giao tiếp trung bình cao, tỷ lệ sinh viên nữ đạt được chiếm tỷ lệ khiêm tốn 7/73 người (9,59%). Trong đó, cao nhất là sinh viên năm I với 2/12 người (16.67%).

Như vậy, ta dễ dàng nhận thấy rằng nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ khoa Công Nghệ còn thấp, đặc biệt là khối sinh viên năm II. Bên cạnh đó, giữa các năm học có sự chênh lệch khá lớn về nhu cầu giao tiếp.

2.1.2.Thực trạng nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công nghệ

Để đánh giá một cách rõ nét thực trạng nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ, ta xem xét bảng số liệu sau:

Bảng 2.2. Nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ

      Mức độ

Năm Thấp

(3 - 20)TB thấp

(21 – 22)Trung bình

(23 – 24)TB cao

(25 -27)Cao

(28 – 32)

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

I(26người)1038,46519,23519,23311,53311.53

II(20người)13653153151500

III(45người)1226,671328,891737,7736,6700

IV(36người)822.221233.33822.22411.1138.33

∑ (127người)4434.653325.983325.98118.6664,72

Nếu như ở mức độ cao, không có sinh viên nữ nào thì ở nam, tỷ lệ sinh viên đạt mức này chiếm 4.22% (6/127 người).

Tỷ lệ sinh viên đạt mức nhu cầu giao tiếp thấp nhìn chung đã giảm so với nữ 36.22% (46/127 người). Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất ở mức độ này vẫn là sinh viên năm II với 65% (13/20 người).

Sinh viên năm II cũng là khối sinh viên nam duy nhất không đạt mức nhu cầu giao tiếp cao (0%).

Sinh viên nam năm I có tỷ lệ nhu cầu giao tiếp ở mức cao và trung bình cao là cao nhất 11.53% (3/20người).

Sinh viên nam năm IV có tỷ lệ nhu cầu giao tiếp ở mức cao và mức trung bình cao đứng thứ hai, chỉ sau sinh viên năm I.

Như vậy, nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam cũng có sự chênh lệch giữa các năm. Nhưng chiếm tỷ lệ nhu cầu giao tiếp cao nhất vẫn là sinh viên năm I và năm IV.

2.1.3.Sự khác nhau trong nhu cầu giao tiếp giữa sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

Qua điều tra thực tế cho thấy trong nhu cầu giao tiếp có sự chênh lệch giữa sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa Công Nghệ. Điều này được thể hiện qua bảng số liệu dưới đây:

Bảng 2.3. So sánh nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

      Mức độ

GiớiThấp

(3 - 20)TB thấp

(21 – 22)Trung bình

(23 – 24)TB cao

(25 -27)Cao

(28 – 32)

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

Nữ

(73người)3446,571824,651419,1779,5900

Nam

(127người)4434.653325.983325.98118.6664,72

Nhìn vào biểu đồ và bảng số liệu ta thấy: 

 Ở mức độ thấp, nhu cầu giao tiếp của nữ chiếm tỷ lệ 46.57% cao hơn ở nam là 34.65%.

Ở mức độ trung bình thấp thì nhu cầu giao tiếp của  nữ và nam xấp xỉ bằng nhau, chỉ  chênh nhau 1.13%.

Ở mức độ trung bình, tỷ lệ nhu cầu giao tiếp ở nam (25.98%) cao hơn so với ở nữ (19.17%).

Ở mức độ trung bình cao, tỷ lệ của nam thấp hơn so với tỷ lệ của nữ. Còn ở mức độ cao, thì ở nữ là không có, còn ở nam là 4,72%.

Như vậy,  giữa sinh viên nam và sinh viên nữ khoa Công Nghệ có sự chênh lệch khá lớn về nhu cầu giao tiếp. Sinh viên nam có nhu cầu giao tiếp lớn hơn so với sinh viên nữ.

2.1.4.So sánh nhu cầu giao tiếp giữa các khối lớp Khoa Công Nghệ

Cũng qua quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, tôi nhận thấy nhu cầu giao tiếp không chỉ có sự chênh lệch về giới, mà còn có sự chệnh lệch giữa sinh viên ở các năm học. 

Bảng 2.4. So sánh nhu cầu giao tiếp giữa các khối lớp Khoa Công Nghệ

    Mức độ

NămThấpTB thấpTrung bìnhTB caoCao 

Bậc

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

I

(38người)1334.21923.68821.05513.1537.892.371

II

(32người)1856.25618.75618.7526.25001.754

III

(64người)2234.371726.562031.2557.81002.133

IV

(66người)2233.331928.791522.7369.0934.552.182

Qua cột xếp thứ bậc ta dễ dàng nhận thấy rằng sinh viên năm I có nhu cầu giao tiếp cao nhất, đứng thứ hai là sinh viên năm IV, sau đó đến sinh viên năm III, và cuối cùng là sinh viên năm thứ II. Tỷ lệ cụ thể ở từng mức độ như sau:

 Ở mức độ thấp, sinh viên năm II có tỷ lệ cao nhất (56,25%), sau đó đến sinh viên năm III (34.37%), sinh viên năm IV có tỷ lệ thấp nhất (33.33%).

Ở mức độ  trung bình thấp, sinh viên ở các năm có tỷ lệ xấp xỉ bằng nhau trong đó tỷ lệ cao nhất là sinh viên năm IV (28.79%), thấp nhất là sinh viên năm II (18.75%).

Ở mức độ trung bình, sinh viên năm thứ III có tỷ lệ cao nhất (31,25%), sau đó đến sinh viên năm IV (22.73%), năm I (21.05%), sinh viên năm II có tỷ lệ thấp nhất (18,75%).

Ở mức độ trung bình cao, tỷ lệ sinh viên đạt được ở các năm đã giảm khá nhiều. Nhưng đứng đầu vẫn là sinh viên năm thứ I (13.15%) , thứ hai là sinh viên năm IV (9.09%).

Ở mức độ trung bình cao, chỉ có sinh viên năm I và năm IV có tỷ lệ, và sinh viên năm I cao hơn (7,89%) so với sinh viên năm IV (4.55%) còn năm II và năm III không có sinh viên nào.

Sự khác biệt này là do ở năm thứ nhất, sinh viên rất hồ hởi, háo hức bước vào môi trường hoạt động mới – môi trường mà ở đó phạm vi giao tiếp rộng rãi hơn, tinh thần tập thể, tính tự chủ cao hơn. Đặc biệt vì vẫn còn bỡ ngỡ, chưa quen với nếp sống mới cho nên năm thứ nhất được sự quan tâm của nhà trường, của khoa một cách thường xuyện. Họ háo hức chờ đón những cái mới mà cái mới này được tiếp thu thông qua con đường giao tiếp. Bởi vậy, ở sinh viên năm thứ nhất luôn có mong muốn, nhu cầu tiếp xúc với người khác. Và kết quả điều tra cho thấy nhu cầu giao tiếp của họ rất cao và là cao nhất.

Nhưng đến năm thứ hai, nhu cầu giao tiếp của sinh viên bị giảm đi một cách đột ngột. Ở năm thứ hai, sau khi đã làm quen với môi trường tiếp xúc mới, sinh viên bắt đầu học các môn khoa học, kiến thức được mở rộng, cái mới nhiều hơn lẽ ra nhu cầu giao tiếp cũng  phải cao hơn? Nhưng ngược lại, kết quả điều tra lại cho thấy, nhu cầu giao tiếp của sinh viên năm hai là thấp nhất. Phải chăng hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và những hoạt động khác của trường còn ít, và không có sự đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu giao tiếp  ngày càng tăng của sinh viên?.

Ở năm thức III, nhu cầu giao tiếp của sinh viên lại tăng lên và đến năm thứ IV nhu cầu giao tiếp của sinh viên là rất cao. Điều này cũng có thể lý giải được, bởi lẽ, ở năm học thứ ba và thứ tư, sinh viên đã trang bị một vốn tri thức nhất định, hiểu biết của họ rộng hơn. Họ đã nhận thức được bản thân mình, nhận thức được người khác, có niềm tin vào bản thân. Hơn nữa, ở năm thứ tư, sinh viên được tham gia đợt thực tập, giúp họ tự tin hơn rất nhiều trong giao tiếp và nhu cầu giao tiếp tăng cao.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, nhu cầu giao tiếp của nam cao hơn ở nữ. Qua việc tìm hiểu, tôi thấy nhìn chung, sinh viên nữ của Khoa Công Nghệ rất ít. Điều này có thể ảnh hưởng ít nhiều đến nhu cầu giao tiếp của nữ sinh viên. Đối với nam sinh viên, thì môi trường kỹ thuật thích hợp hơn, có lòng yêu nghề, yêu trường cao hơn, vì vậy phần nào cũng ảnh hưởng đến nhu cầu giao tiếp của nam sinh.

Tóm lại, qua điều tra phân tích kết qủa thu được , chúng ta thấy sinh viên khoa Công Nghệ đều có mong muốn, có nhu cầu giao tiếp với người khác. Biểu hiện ở:

- Thích sống giữa mọi người;

- Muốn tham gia vào công việc chung;

- Muốn mở rộng phạm vi giao tiếp;

- Có nguyện vọng giúp đỡ người khác;

- Có thể hy sinh hứng thú riêng vì bạn;

- Có rung động mạnh khi mối quan hệ tốt bị rạn nứt;

- Có nhu cầu tâm sự với bạn bè, nhu cầu về tình bạn;

- Muốn thiết lập mối quan hệ nhân ái với mọi người;

Cũng qua điều tra, tôi nhận thấy rằng, nhu cầu giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ hiện nay là chưa được thoả mãn. Điều đó có thể do một số nguyên nhân như: Phạm vi giao tiếp của sinh viên còn hạn chế, do địa điểm của trường đặt tại vùng nông thôn; giao tiếp chưa mang lại kết quả cao trong học tập mà chỉ mới ảnh hưởng phần nào tới học tập; thời gian học tập và khối lượng kiến thức các môn học lớn; hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao của nhà trường, của khoa chưa thực sự phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của sinh viên…

2.2.Nội dung giao tiếp

Khi nghiên cứu nội dung giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ, Trường Đại Học Công Nghiệp thành Phố Hồ chí Minh Cơ sở Thanh Hóa, tôi đã sử dụng bảng “Nội dung giao tiếp của sinh viên” của Th.s Lê Quang Sơn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng),  gồm mười tám nội dung giao tiếp thường gặp. Kết quả điều tra cho thấy, nội dung giao tiếp của sinh viên rất đa dạng, phong phú: Từ nội dung học tập, phương pháp học tập, đến việc phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; từ thời sự, chính trị đến sinh hoạt hàng ngày; từ  tình bạn, tình yêu đến nhận xét về người khác; từ tệ nạn xã hội đến thời trang, nghệ thuật, thể thao… Kết quả của việc điều tra về nội dung giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ được thể hiện cụ thể trong bảng số liệu sau:

Bảng 2.5. Nội dung giao tiếp của sinh viên Khoa Công nghệ

TT                           Mức độ

Nội dung giao tiếpThường xuyênĐôi khiChưa bao giờ 

Bậc

*     

SL%SL%SL%

1Nội dung học tập18391,5178,5212.91

2Phương pháp học tập17185,5221152,52.842

3Tay Nghề150754020136,52.685

4Tình bạn15979,52311,5178,52.714

5Tình yêu15778,52512,52914,52.616

6Hôn nhân2613142713316,51.9714

7Thời trang157,512763,55929,51.7816

8Sinh hoạt hàng ngày162813115,552,52.793

9Giới tính46234924,540202.0912

10Phim ảnh, các trò giải trí12160,54321,530152.477

11Việc Làm thêm3527,5402012562,51.5517

12Việc phấn đầu, tu dưỡng, rèn luyện154779145,55527,52.339

13Các tệ nạn xã hội52269547.55728,51.9813

14Các vấn đề thời sự, chính trị8140,58743,52311,52.310

15Thể thao9145,59145,52211,2.348

16Nhận xét, đánh giá về người khác64326331,546232.111

17Việc làm khi ra trường50255929,58743,51.8115

18Các vấn đề khác1475728.5128641.4318

Nhiệm vụ quan trọng số một của sinh viên không gì khác chính là học tập. Làm cách nào để đạt được kết quả cao trong học tập là điều trăn trở và quan tâm của hầu hết các bạn sinh viên. Chính điều này đã lý giải cho vị trí thứ nhất của “Nội dung học tập” (với   = 1) và thứ hai của “Phương pháp học tập” (với   = 2) trong các nội dung giao tiếp thường xuyên của sinh viên Khoa Công Nghệ .

Là sinh viên Công Nghệ nên những vấn đề xung quanh “Tay Nghề” cũng trở thành đề tài giao tiếp quen thuộc của các bạn sinh viên trong khoa với mức độ thường xuyên xếp vị trí thứ 5 (  = 5). Bên cạnh đó, những vấn đề quen thuộc của giới trẻ như tình bạn, tình yêu, sinh hoạt hàng ngày cũng là những nội dung được đề cập nhiều trong giao tiếp của các bạn sinh viên.

Một trong những vấn đề khá quan trọng đối với sinh viên hiện nay là “Việc làm khi ra trường” lại ít được các bạn nhắc đến với vị trí 15 trong các nội dung (  = 15). Những vấn đề như: “Thời trang”, “việc làm thêm”, “Các vấn đề khác” được xếp ở những bậc cuối cùng trong 18 chủ đề (với   lần lượt bằng: 16, 17, 18) nội dung giao tiếp. Điều này có thể lý giải một phần bởi sinh viên trong khoa chiếm đa số là sinh viên nam  và cơ sở ở vùng quê nên Thời trang hay những vấn đề việc làm thêm ít được quan tâm trong các cuộc trò truyện.

Như vậy, nội dung giao tiếp và thứ bậc của chúng có liên quan chặt chẽ đến lứa tuổi thanh niên, với nội dung và tính chất của hoạt động chủ đạo là học tập và rèn luyện, với đặc trưng nghề được đào tạo của sinh viên Đại học Công Nghiệp Thành Phos Hồ chí Minh cở sở Thanh Hóa. Trong đó, nội dung và phương pháp học tập được sinh viên trao đổi nhiều nhất. Ngoài ra, những nội dung có liên quan mật thiết và gần gũi thuộc về yêu cầu đào tạo của sinh viên công Nghệ cũng được sinh viên thường xuyên bàn đến, đó là chủ đề Tay Nghề kỹ thuật, xây dựng, phấn đấu, rèn luyện, về đạo đức, chính trị, tư tưởng, về tình hình công nghệ hiện nay,….

2.3.Mức độ cởi mở của cá nhân

Mức độ cởi mở của cá nhân là một phần không thể thiếu trong quá trình giao tiếp của mỗi người. Đánh giá mức độ cởi mở của cá nhân chính là đi tìm hiểu sâu hơn nữa về nhu cầu giao tiếp, phong cách giao tiếp của sinh viên.

Để điều tra mức độ cởi mở của cá nhân, tôi đã sử dụng bảng hỏi gồm 16 câu, có 3 mức độ trả lời là: “Đúng”, “Đôi khi”, “Không đúng”. Với mỗi câu trả lời “Đúng” được hai điểm, “Đôi khi” được một điểm, và “Không đúng” được không điểm. Sau đó tính tổng số điểm đạt được rồi tra vào bảng phân chia mức độ cởi mở của cá nhân.Với mỗi mức đều có một lý giải riêng về mức độ cởi mở của cá nhân. Cụ thể về phần diễn giải được trình bày trong phần phụ lục.

2.3.1.Mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

Qua điều tra, đánh giá tôi đã thu được kết quả như sau trên 73 nữ sinh viên Khoa Công Nghệ.

Bảng 2.6. Mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nữ  Khoa công Nghệ

  Mức độ

NămIIIIIIIVVVIVII

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

I

(12người)0018.33325216.67541.6718.3300

II

(12người)18.33325541.67216.6718.330000

III

(19người)15.26210.52526.31421.05526.3115.2600

IV

(30người)003106201033.331033.3313.3300

(73người)22.73912.321926.022027.392128.7634.1100

Nhìn chung, sinh viên nữ Khoa công nghệ hầu hết đạt mức III, IV, V  trong các mức độ của nhu cầu giao tiếp (60/73người - chiếm 82.17%). Ba mức độ này đều có một đặc điểm chung đó là chỉ những người cởi mở, ham hiểu biết, thích trò truyện. Trong đó, sinh viên năm I có tỷ lệ ở ba mức này cao nhất trong bốn năm (8/12người - chiếm 83.34%).

Mức độ VII không có sinh viên nào. Đây là mức chỉ người nói nhiều, có những phản ứng tiêu cực trong giao tiếp. Điều này cũng dễ lý giải bởi đặc điểm về giới. Mức độ I là mức độ có tỷ lệ sinh viên thấp thứ hai sau mức độ VII (2/73 người - chiếm 2.73%).

Ở những mức độ khác, tỷ lệ sinh viên nữ ở các năm cũng có sự chênh lệch. Đây là trắc nghiệm về đặc điểm cá nhân nên không thể tránh khỏi sự chênh lệch này.

Như vậy, ở các năm học khác nhau, thì mức độ cởi mở của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ là khác nhau. Cũng qua bảng số liệu, ta thấy sinh viên nữ năm I và sinh viên nữ năm IV có mức độ cởi mở của cá nhân cao hơn hẳn sinh viên nữ năm II và năm III (tỷ lệ sinh viên nữ đạt mức I của  năm I và IV là 0%, còn năm II và III là 8.33% và 5.26%). Sinh viên nữ năm II có mức độ cởi mở cá nhân là thấp nhất (tỷ lệ sinh viên nữ năm II ở mức I và II là cao nhất: 8.33% và 25%). Sự chênh lệch này cũng phù hợp với nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ đã phân tích ở trên. Do nhu cầu giao tiếp của sinh viên nữ năm II là thấp nhất nên mức độ cởi mở của cá nhân họ cũng rất thấp. Trái lại sinh viên nữ năm I và sinh viên nữ năm IV có nhu cầu giao tiếp cao nên mức độ cởi mở cá nhân của họ cũng cao (tỷ lệ sinh viên nữ đạt mức IV và V là cao nhất 66.66%).

2.3.2.Mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nam Khoa Công Nghệ

Dưới đây là bảng số liệu điều tra về mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nam Khoa Công Nghệ:

Bảng 2.7. Mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nam Khoa công Nghệ

    Mức độ

NămIIIIIIIVVVIVII

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

I

(26người)0027.69311.531142.31830.7627.6900

II

(20người)004203159454200000

III

(45người)0048.89817.781533.331431.1124.4424.44

IV

(36người)0038.33719.441233.331130.5625.5612.78

(127người)001310.242116.544737.013729.3164.7232.36

Nhìn vào bảng số liệu ta thấy, ở mức độ I - Mức độ cởi mở của cá nhân thấp nhất, không có sinh viên nam nào. Nhóm mức độ tích cực trong các mức độ cởi mở của cá nhân (mức II, IV, V), có tỷ lệ sinh viên lớn (105 người - chiếm 82.68%).

Sinh viên năm I, có tỷ lệ sinh viên đạt mức độ III, IV, V cao nhất trong tổng số sinh viên nam khoa công Nghệ (22/26 người - chiếm 84.60%).

Sinh viên năm II có tỷ lệ sinh viên ở mức II cao nhất trong các năm (4/20 người - chiếm 20%). Đây cũng là mức độ chỉ những người có mức độ cởi mở của cá nhân chưa cao.

Vậy là giống như sinh viên nữ, sinh viên nam cũng có sự chênh lệch về mức độ cởi mở của cá nhân giữa các năm. Đồng thời mức độ này cũng hoàn toàn phù hợp với nhu cầu giao tiếp của sinh viên nam đã nghiên cứu ở trên. 

2.3.3.Sự khác nhau về mức độ cởi mở cá nhân giữa sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa Công nghệ

Để đánh giá một cách toàn diện hơn nữa, tôi lập bảng so sánh giữa mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên nữ và sinh viên nam khoa Công Nghệ trên bảy mức độ và thu được kết quả như sau:

Bảng 2.8. So sánh mức độ cởi mở cá nhân giữa sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa công Nghệ

  Mức độ

GiớiIIIIIIIVVVIVII

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

Nữ22.73912.321926.022027.392128.7634.1100

Nam001310.242116.544737.013729.1364.7233.26

Ta có thể biểu diễn qua biểu đồ như sau:

Qua bảng số liệu và đặc biệt là qua biểu đồ, ta có thể dễ dạng nhận thấy là mức độ cởi mở của sinh viên nam và sinh viên nữ Khoa Công Nghệ có sự chênh lệch. 

Sinh viên nam có mức độ cởi mở của cá nhân cao hơn so với sinh viên nữ. Điều này có thể được giải thích bởi một số nguyên nhân chính như: Sự khác biệt về giới tính; sự chênh lệch lớn về số lượng nam và nữ trong khoa. Nhưng nói chung, mức độ cởi mở của sinh viên Khoa Công Nghệ là khá cao. Trong quá trình điều tra, tiếp xúc, tôi nhận thấy hầu hết các bạn đều là những người cởi mở, thích trò chuyện, thích thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề khác nhau, thích tham gia vào các hoạt động của lớp, của khoa, và của trường tổ chức,…

2.4.Khả năng giao tiếp

Khả năng giao tiếp là một phẩn rất quan trọng trong phần điều tra thực trạng nhu cầu và kỹ năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ Trường Đại Học Công Nghiệp thành Phố hồ chí Minh Cơ sở Thanh Hóa. Việc tìm hiểu, đánh giá một cách chính xác và nghiêm túc khả năng giao tiếp sẽ giúp cho việc rèn luyện các kỹ năng giao tiếp của sinh viên đạt hiệu quả cao hơn.

Để thực hiện điều tra khả năng giao tiếp của sinh viên Khoa công Nghệ, tôi sử dụng bảng hỏi gồm hai mươi tám câu. Có hai phương án trả lời: “Đúng” khi câu hỏi phù hợp với ý kiến của người được điều tra, và “Không” khi câu hỏi không phù hợp với ý kiến của người được điều tra. Trả lời “Đúng” ở các câu: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 12, 13, 14, 15, 16, 18, 19, 21, 22, 24, 25, 27 được một điểm. Trả lời “Không” ở các câu: 2, 9, 11, 16, 17, 20, 23, 26 được một điểm. Nội dung mỗi câu hỏi được trình bày trong phiếu điều tra ở phần phụ lục. Kỹ năng giao tiếp trong phiếu điều tra bao gồm bốn nhóm: Nhóm I (Thể hiện tính chủ động, tích cực trong giao tiếp), nhóm II (Thể hiện tính bị động trong giao tiếp), nhóm III (Thể hiện sự cân bằng phù hợp trong giao tiếp), nhóm IV (Thể hiện năng lực diễn đạt bằng ngôn ngữ trong giao tiếp). Mỗi nhóm gồm các câu khác nhau trong đó thể hiện các kỹ năng khác nhau, đồng thời có sự đánh giá về mức độ của mỗi nhóm theo bảng phân chia mức độ và bảng phân chia nhóm theo các câu hỏi khác nhau.

Nhóm INhóm IINhóm IIINhóm IV

Câu hỏi sốCâu hỏi sốCâu hỏi sốCâu hỏi số

1234

5678

9101112

13141516

17181920

21222324

25262728

Ở những phần điều tra trên, chúng ta đều nhận thấy luôn luôn có sự chênh lệch giữa nam và nữ về nhu cầu giao tiếp, mức độ cởi mở của cá nhân và kỹ năng giao tiếp cũng không ngoại lệ. 

2.4.1.Thực trạng khả năng giao tiếp của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

Thực trạng khả năng giao tiếp của sinh viên nữ Khoa công Nghệ được thể hiện rõ nét qua bảng số liệu dưới đây:

Bảng 2.9. Khả năng giao tiếp của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ

Nhóm       Năm học

Mức độI(12 người)II(12  người)III(19 người)IV(30người)

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

Nhóm ICao18.330015.2613.33

Tương đối cao32518.33526.311033.33

Trung bình6506501052.631550

Thấp325541.66315.78413.33

Nhóm IICao00000000

Tương đối cao18.33216.6715.26930

Trung bình758.33758.331578.941446.66

Thấp433.33325315.78723.33

Nhóm IIICao00000000

Tương đối cao216.6618.33210.52413.33

Trung bình866.67541.661368.422273.33

Thấp216.66650421.05413.33

Nhóm IVCao00000026.66

Tương đối cao216.66216.66210.52723.33

Trung bình650758.331263.151343.33

Thấp433.33325526.32826.66

Ta thấy một điểm nổi bật trong bảng số liệu trên, đó là tại các nhóm II, III, IV ở mức độ cao, không có sinh viên nữ nào. Ở nhóm I, năm I có tỷ lệ sinh viên đạt mức cao là cao nhất (1/12 người - chiếm 8.33%), năm II không có sinh viên nào đạt mức cao trong cả bốn nhóm kỹ năng giao tiếp.

Mức tương đối cao ở tất cả các nhóm của tất cả các năm cũng chiếm tỷ lệ khiêm tốn, chỉ từ  8.33% - 33.33%. Trong đó, hai tỷ lệ cao nhất thuộc về sinh viên năm IV ở nhóm I (33.33%) và nhóm II (30%). Ngược lại, tỷ lệ sinh viên đạt mức thấp và trung bình của các năm ở các nhóm khá lớn từ 60% - 90%.

Qua bảng số liệu, ta cũng thấy rằng sinh viên năm IV có tỷ lệ sinh viên đạt mức cao và tương đối cao ở bốn nhóm là cao nhất so với năm I, năm II và năm III.

Sinh viên năm II có tỷ lệ sinh viên đạt mức trung bình và thấp cao nhất trong các năm ở cả bốn nhóm (từ 83% -91%).

Các nhóm khác nhau thì tỷ lệ sinh viên tại các năm đạt các mức độ khác nhau là khác nhau. Cụ thể là sinh viên năm I và năm III có tỷ lệ sinh viên đạt mức trung bình và thấp ở nhóm II cao nhất trong cả bốn nhóm . Trong khi đó sinh viên năm II và năm IV lại có tỷ lệ sinh viên đạt mức thấp và trung bình cao nhất ở nhóm I và nhóm III. 

Như vậy, nhìn chung khả năng giao tiếp của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ chưa cao (đa số sinh viên đạt loại thấp và trung bình), có sự chênh lệch về khả năng giao tiếp giữa các năm. Ở mỗi kỹ năng giao tiếp khác nhau lại có sự chênh lệch khác nhau…

Để có sự đánh giá khái quát nhất về mức độ khả năng của sinh viên nữ Khoa công Nghệ ở cả 4 nhóm kỹ năng trong giao tiếp, chúng ta có bảng số liệu và biểu đồ sau:

Bảng 2.10. Mức độ khả năng giao tiếp của sinh viên nữ  Khoa Cong Nghệ

Mức độCaoTương đối caoTrung bìnhThấp

Tỷ lệ (%)5.8215.3053.5425.34

Trong ba nhóm I, II, III bao gồm các kỹ năng giao tiếp khác nhau, (chi tiết được trình bày trong phần phụ lục), qua điều tra, tôi đã thu được bảng số liệu thể hiện khả năng giao tiếp của sinh viên nữ khoa Công Nghệ trong từng nhóm kỹ năng cụ thể.

Bảng 2.11. Kỹ năng giao tiếp của sinh viên nữ  trong từng nhóm

Nhóm INhóm IINhóm III

ABCDEFGHI

SLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTL

233134463446111617231723233128394562

Ghi chú

    A - Biết kiềm chế và kiểm tra người giao tiếp với mình

   B - Biết thuyết phục

   C - Biết chủ động điều khiển quá trình giao tiếp

   D - Biết nghe người nói chuyện với mình

   E - Nhạy cảm trong giao tiếp

  F - Biết cách tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với người khác

  G - Biết cân bằng nhu cầu của cá nhân và đối tượng trong khi tiếp xúc

  H - Biết tự chủ về xúc cảm và hành vi của mình trong giao tiếp

   I - Biết cách thay đổi cần thiết trong qúa trình giao tiếp

Từ bảng số liệu ta có biểu đồ sau:

Qua biểu đồ và bảng số liệu ta thấy, ở cả ba nhóm, kỹ năng cụ thể trong từng nhóm mà sinh viên nữ  Khoa Công Nghệ đạt được là chưa cao. Cao nhất là kỹ năng “Biết cách thay đổi cần thiết trong giao tiếp” ở nhóm III cũng chỉ đạt 61.5%. Kỹ năng “Biết thuyết phục” và “Biết chủ động điều khiển quá trình giao tiếp” đều đạt 46%. Điều này có nghĩa là hơn nửa số nữ sinh Khoa Công Nghệ thiếu hai kỹ năng quan trọng này. Tiếp theo là đến kỹ năng “Biết tự chủ về xúc cảm và hành vi của mình trong giao tiếp” với tỷ lệ 38.5%, kỹ năng “Biết cân bằng nhu cầu của cá nhân và đối tượng trong khi tiếp xúc”- 31%. Ba kỹ năng có tỷ lệ sinh viên nam đạt được thấp nhất là : “Biết cách tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với người khác” – 23%, “Nhạy cảm trong giao tiếp” – 23%, và cuối cùng là “Biết nghe người nói chuyện với mình” – 15.5%.

Những kết quả trên cũng hoàn toàn phù hợp với mức độ khả năng giao tiếp của sinh viên nữ Khoa Công Nghệ đã xét ở trên. Cũng từ thực trạng này, chúng ta thấy cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên nữ ở rất nhiều mặt. Đặc biệt là tính chủ động trong giao tiếp.

2.4.2.Thực trạng khả năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ

Qua kết quả điều tra về nhu cầu giao tiếp và mức độ cởi mớ của cá nhân, sinh viên nam Khoa Công Nghệ đều thể hiện sự chênh lệch về mức độ giữa các khối lớp, khả năng giao tiếp cũng không ngoại lệ. Dưới đây là bảng kết quả nghiên cứu về khả năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ qua 127 phiếu điều tra thu được.

Bảng 2.12. Khả năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ

Nhóm

           Năm học

Mức độI(26 người)II(20  người)III(45 người)IV(36người)

SLTL%SLTL%SLTL%SLTL%

Nhóm ICao13.840024.4438.33

Tương đối cao934.614201226.671644.44

Trung bình1142.3112602453.331336.11

Thấp519.23420715.56411.11

Nhóm IICao27.692100025.56

Tương đối cao1453.846301022.221747.22

Trung bình726.929452862.221233.33

Thấp311.53315715.56513.89

Nhóm IIICao13.840024.4400

Tương đối cao623.08420613.33719.44

Trung bình1557.6913652555.561336.11

Thấp415.383151226.67822.22

Nhóm IVCao001512.22411.11

Tương đối cao311.53210715.56925

Trung bình1661.5311552657.781233.33

Thấp726.926301124.441130.56

Từ bảng số liệu, ta thấy rằng: Ở mức cao của tất cả các nhóm đều có sinh viên đạt được. Trong đó, chiếm tỷ lệ cao nhất là sinh viên năm IV với 25%  trên bốn nhóm. Riêng sinh viên năm II, không có ai đạt được mức cao ở nhóm I và III.

Sinh viên đạt mức trung bình và thấp tuy có giảm so với sinh viên nữ nhưng nhìn chung vẫn khá cao. Trong đó, sinh viên năm III có tỷ lệ sinh viên đạt hai mức này cao nhất trong bốn năm, sau đó đến sinh viên năm II.

Cũng giống như sinh viên nữ, sinh viên nam cũng có sự chênh lệch về khả năng giao tiếp giữa các năm. Sinh viên năm IV vẫn là sinh viên có khả năng giao tiếp cao nhất.

Giữa các mức độ trong cùng nhóm cũng có sự chênh lệch. Sinh viên nam năm I có khả năng thể hiện tính bị động trong giao tiếp, biểu hiện ở tỷ lệ sinh viên đạt loại cao và tương đối cao ở nhóm II khá lớn (16/26 người - chiếm 57.68%). Trong khi sinh viên nam năm II chưa có khả năng thể hiện tính chủ động, tích cực trong giao tiếp, biểu hiện ở tỷ lệ sinh viên đạt mức trung bình và thấp ở nhóm I  cao (16/20 người - chiếm 80%)...

Dựa vào bảng số liệu trên, chúng ta hãy cùng xem xét bảng số liệu và biểu đồ sau:

Bảng 2.13. Mức độ khả năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ

Mức độCaoTương đối caoTrung bìnhThấp

Tỷ lệ (%)5.7624.5249.0120.71

Qua biểu đồ ta thấy, mặc dù mức độ kỹ năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ có cao hơn sinh viên nữ nhưng nhìn chung mức độ trung bình và thấp ( Trung bình: 49,01%; Thấp:20,71%) vẫn khá cao. Ở mức độ tương đối cao vào cao chỉ chiếm gần 1/3 trong tổng số.

Để tìm hiểu một cách chi tiết hơn nữa các kỹ năng giao tiếp trong các nhóm của sinh viên nam Khoa Công Nghệ, tôi có bảng số liệu sau:

Bảng 2.14. Kỹ năng giao tiếp của sinh viên nam  trong từng nhóm

Nhóm INhóm IINhóm III

ABCDEFGHI

SLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTLSLTL

675347376249725765517761534260476652

Ghi chú:

    A - Biết kiềm chế và kiểm tra người giao tiếp với mình

   B - Biết thuyết phục

   C - Biết chủ động điều khiển quá trình giao tiếp

   D - Biết nghe người nói chuyện với mình

  E - Nhạy cảm trong giao tiếp

  F - Biết cách tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với người khác

  G - Biết cân bằng nhu cầu của cá nhân và đối tượng trong khi tiếp xúc

  H - Biết tự chủ về xúc cảm và hành vi của mình trong giao tiếp

   I - Biết cách thay đổi cần thiết trong qúa trình giao tiếp

Từ bảng số liệu ta có biểu đồ sau

Qua biểu đồ ta thấy, trong các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng “Biết cách tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với người khác” có tỷ lệ sinh viên nam đạt được cao nhất (61%). Kỹ năng “Biết thuyết phục” có tỷ lệ sinh viên nam đạt được thấp nhất (37%)

Trong ba nhóm kỹ năng, nhóm II có tỷ lệ sinh viên nam đạt được cao nhất (57% và 51%). Các kỹ năng khác, mức độ tỷ lệ sinh viên đạt được thay đổi trong khoảng từ 40% - 50%. Số liệu này cũng trùng khớp với số liệu và nhận xét về khả năng giao tiếp của sinh viên nam Khoa Công Nghệ đã nói ở trên.

 Tóm lại, qua quá trình điều tra về kỹ năng giao tiếp của sinh viên nam và nữ Khoa Công nghệ, tôi có một số nhận xét như sau:

Khả năng giao tiếp ở nữ sinh viên có sự chênh lệch lớn giữa các năm. Càng những năm cuối, sinh viên càng thể hiện khả năng giao tiếp cao hơn. Mặc dù vậy, so về mặt bằng trung thì khả năng giao tiếp của sinh viên nữ đạt mức trung bình.

Ở sinh viên nam Khoa Công Nghệ cũng có sự chênh lệch giữa các năm về khả năng giao tiếp, đồng thời khả năng giao tiếp của sinh viên nam có cao hơn sinh viên nữ nhưng số lượng sinh viên đạt mức trung bình trong các kỹ năng còn rất cao.

Kết luận chung:

Qua quá trình điều tra và đánh giá về thực trạng nhu cầu giao tiếp và kỹ năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ trên cả bốn mặt: Nhu cầu giao tiếp, nội dung giao tiếp, mức độ cởi mở của cá nhân và kỹ năng giao tiếp. Tôi đã rút ra một số những kết luận như sau:

1)Về nhu cầu giao tiếp

-Nhu cầu giao tiếp là một phần không thể thiếu của sinh viên nói chung và sinh viên Khoa Công Nghệ - Trường ĐHCN  TP Hồ Chí Minh cơ sơt thanh Hóa nói riêng.

-Nhu cầu giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ đang tăng theo nhu cầu giáo dục, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thời đại.

-Có sự chệnh lệch về nhu cầu giao tiếp giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Sinh viên nam có nhu cầu giao tiếp cao hơn hẳn sinh viên nữ.

-Có sự chênh lệch về nhu cầu giao tiếp giữa các khối lớp. Trong đó, sinh viên năm I và năm IV có nhu cầu giao tiếp cao hơn sinh viên năm II và năm III.

-Nhu cầu giao tiếp của sinh viên vẫn chưa được đáp ứng

2)Về nội dung giao tiếp

-Nội dung giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ rất phong phú, đa dạng. Trong đó, nội dung được đề cập nhiều nhất trong các cuộc giao tiếp là “Học tập” (  = 1)và “Phương pháp học tập” (  = 2).

-Nội dung giao tiếp cúa sinh viên Khoa Công Nghệ thể hiện rõ tính chất của hoạt động chủ đạo trong sinh viên là học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó, nội dung giao tiếp cũng mang đậm dấu ấn của lứa tuổi thanh niên (các hoạt động vui chơi, giải trí, tình bạn, tình yêu,…)

3)Về mức độ cởi mở của cá nhân

-Nhìn chung, mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên Khoa Công Nghệ khá cao, phù hợp với nhu cầu giao tiếp tương đối lớn.

-Có sự chênh lệch về mức độ cởi mở của cá nhân giữa sinh viên nam và sinh viên nữ, giữa các khối lớp. Trong đó, mức độ cởi mở của sinh viên nam cao hơn so với sinh viên nữ. Mức độ cởi mở cá nhân của sinh viên năm IV là cao nhất, sau đó đến sinh viên năm I, năm III và năm II.

4)Về khả năng giao tiếp

-Khả năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ chưa cao, với hơn 40% sinh viên đạt mức trung bình và thấp.

-Khả năng giao tiếp cũng có sự chênh lệch giữa nam và nữ và giữa các khối lớp. Trong đó, sinh viên nam có khả năng giao tiếp cao hơn sinh viên nữ. Sinh viên năm IV có khả năng giao tiếp cao nhất trong các năm.

-Trong các kỹ năng giao tiếp cụ thể, kỹ năng “Biết thuyết phục” và “Biết cân bằng nhu cầu giao tiếp của cá nhân và đối tượng trong khi tiếp xúc” có số sinh viên nam đạt được thấp nhất (37% và 42%). Trong khi sinh viên nữ lại hạn chế trong việc “Biết lắng nghe người khác nói chuyện với mình” (16%), “Nhạy cảm trong giao tiếp” (23%), “Biết cách tiếp xúc và thiết lập được mối quan hệ với người khác” (23%).

CHƯƠNG 3

XÂY DỰNG HỆ THỐNG BÀI TẬP TÌNH HUỐNG 

3.1. Tình huống giao tiếp trong gia đình

Tình huống 1:  

Bạn đang sống trong kí túc xá và có ý định chuyển ra ở ngoại trú trong học kỳ tới. Nhưng bố mẹ bạn không đồng ý với quyết định này. Trong tình huống đó, bạn sẽ thuyết phục bố mẹ bạn như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bạn cần nói chuyện với bố mẹ và lắng nghe lý do mà bố mẹ bạn không đồng ý. Hãy nói rằng những lý do đó bạn đã từng nghĩ đến và đưa ra những phương án giải quyết những lo ngại của bố mẹ. Sau đó, bạn nên nêu những ưu điểm của việc ở ngoại trú so với việc sống trong kí túc như: Không bị làm phiền khi bạn tập trung học tập, có một không gian riêng cho sự riêng tư mà không phải phiền đến nhiều người, tránh được những xích mích không cần thiết do không hợp tính cách với bạn cùng phòng,…Và cuối cùng bạn cần đảm bảo kết quả của học kỳ tới sẽ cao hơn học kỳ này.

Tình huống 2:

 Nhân ngày sinh nhật, cô của bạn tặng cho bạn một chiếc áo mới. Nhưng khi vừa nhìn qua, bạn đã không thích chiếc áo. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào? Tại sao?

Gợi ý trả lời:

Vẫn vui vẻ nhận món quà và cảm ơn cô. Nếu như không thể khen chiếc áo, bạn có thể nói: “Chiếc áo này trông thật lạ mắt” hay “ Cô đã mua chiếc áo độc đáo này ở cửa hàng nào vậy?”

Tình huống 3:

Em trai/ Em gái bạn vừa biết tin thi trượt Đại học. Em đang rất buồn. Trong tình huống này, bạn sẽ nói gì để động viên em?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, cần tỏ ra cảm thông với nỗi buồn của em. Sau đó hãy lấy ví dụ về một người bạn của bạn hay một người mà hai người cùng quen biết cũng đã từng thi trượt Đại học, sau đó cố gắng ôn thi lại và có kết quả cao trong kỳ thi sau. Nói với em rằng “thất bại là mẹ thành công” và bạn sẽ luôn bên em, giúp đỡ em để hai người cùng cố gắng đạt kết quả cao trong kỳ thi và năm học tới.

Tình huống 4:

Do gặp chuyện không vui nên cha hay mẹ bạn mắng bạn vô cớ. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào? Tại sao?

Gợi ý trả lời

Tuyệt đối không cãi hay phản ứng lại. Cách tốt nhất đó là bạn hãy im lặng. Cơn giận nào rồi cũng sẽ qua. Khi cha/mẹ bạn đã bình tĩnh, bạn nhẹ nhàng khéo léo nhắc lại để cha/mẹ tránh mắc phải sau này.

Tình huống 5:

Em trai/Em gái bạn đang xin  phép bố mẹ đi học thêm, trong khi bạn biết một nhóm bạn của em đang chờ ngoài để rủ em đi chơi. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào? Tại sao?

Gợi ý trả lời:

Vui vẻ ra nói chuyện thân mật với nhóm bạn của em xem dự định của cả nhóm định đi đâu, làm gì. Khi em đi chơi về, nhẹ nhàng hỏi thăm xem buổi đi chơi có vui không. Sau đó nói với em rằng bạn đồng ý việc đi chơi lành mạnh với bạn bè để thư giãn đầu óc sau thời gian học hành căng thẳng, nhưng bạn không đồng tình việc em nói dối bố mẹ để đi chơi. Và bạn chắc chắn rằng bố mẹ cũng đồng ý với bạn. Nhắc nhở em không được nói dối bố mẹ như vậy nữa.

Tình huống 6:

Bạn về dự đám cưới một người họ hàng ở quê. Khi đến nơi, rất nhiều người họ hàng ở đó biết bạn nhưng bạn biết rất ít người trong số họ. Bạn không biết nên xưng hô, chào hỏi họ như thế nào? Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bạn hãy tìm một người em họ, em họ hay một người họ hàng thân thiết để hỏi về mối quan hệ của bạn với những người chưa quen để từ đó đưa ra cách xưng hô, chào hỏi cho đúng. Nếu như không có ai, bạn có thể chỉ cần mỉm cười và lễ phép với từ “Dạ” hay “Vâng” với những người hơn tuổi của mình khi họ hỏi bạn.

Tình huống 7:

Nhà bạn có em nhỏ, một lần bạn của bạn sang chơi cũng mang theo em họ của bạn. Em bé đó nhìn thấy một chú gấu bông rất đáng yêu và muốn giành lấy món đồ chơi đó, còn em bạn thì không muốn cho mượn và bằng mọi cách đuổi em bé đó về. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Lúc này, bạn cần nói cho em hiểu là cần phải chia sẻ đồ chơi cho các bạn. Muốn tránh làm em giận dỗi, khóc hờn bạn phải kiên nhẫn giải thích cho em rằng nếu em cho bạn mượn đồ chơi thì bạn cũng cho em mượn một món đồ khác. Bạn cũng có thể hướng sự chú ý của em tới một thứ khác.

3.2.Tình huống giao tiếp trong nhà trường

3.2.1.Tình huống giao tiếp trong trường Đại học

Tình huống 1:

Nhân ngày 20/11, bạn được lớp cử lên tặng hoa và chúc mừng cô giáo chủ nhiệm. Sau nhận hoa và lời chúc, cô đề nghị bạn hát tặng cô và lớp một bài. Nhưng bạn không có năng khiếu trong lĩnh vực này. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Có thể xin lỗi cô và cả lớp là bạn không hát được nhưng sẽ đọc tặng cô và cả lớp một bài thơ. Hoặc nói với cô và cả lớp rằng bạn hát không hay và mong cả lớp giúp sức cùng gửi đến cô một bài hát tập thể thật vui vẻ, sau đó bạn có thể bắt nhịp cho cả lớp hát hoặc nhờ một bạn có năng khiếu bắt nhịp.

Tình huống 2:

Thầy giáo yêu cầu bạn nhận xét bài báo cáo trước lớp của cô bạn thân. Bạn nhận thấy có khá nhiều lỗi trong bài báo cáo đó nhưng không muốn làm mất lòng người bạn thân. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, bạn hãy nêu lên những ưu điểm của bài báo cáo, sau đó có thể chuyển sang nhận xét khuyết điểm bằng câu “Bên cạnh đó, bài báo cáo cũng không tránh khỏi một số sai sót sau…”. Bạn hãy nêu lên một vài lỗi điển hình của bài báo cáo mà không nên nếu hết tất cả. Chờ một dịp khác, khi chỉ có hai người trong không khí vui vẻ, bạn hãy khéo léo nhắc nhở để bạn tránh mắc phải những sai lầm đó.

Tình huống 3:

Do được điểm thấp hơn bạn trong một bài kiểm tra mà một người bạn cùng lớp cho rằng đó không phải là “điểm thật” của bạn và thầy cô đã thiên vị bạn. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bạn không nên giải thích với người bạn đó, mà cần chứng tỏ rằng họ đã sai bằng cách chăm chỉ học tập và tích cực trong các giờ học môn đó bằng cách thường xuyên lên bảng giải bài tâp hay hăng hái giơ tay phát biểu, đạt được điểm cao trong những bài kiểm tra tiếp theo. Chính những hành động và kết quả đó sẽ chứng tỏ cho cả lớp và chính người bạn đó thấy rằng họ đã sai.

Tình huống 4:

Trong nhóm làm bài tập lớn của bạn, tất cả các thành viên đều hăng hái, chăm chỉ trừ một người. Người bạn đó luôn có tính ỷ lại và lười biếng. Với cương vị là trưởng nhóm, trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

 Gợi ý trả lời:

Nói chuyện riêng với bạn đó. Nêu mục tiêu mà nhóm muốn đạt được và những yêu cầu đối với từng thành viên trong nhóm. Khuyên bạn nên vì thành tích của cá nhân và thành tích của tập thể mà cố gắng. Nếu bạn đó vẫn không sửa đổi, có thể đề nghị với thày/cô giáo chuyển bạn sang nhóm khác.

Tình huống 5:

Khi đang thuyết trình bằng powerpoint trước lớp, bạn phát hiện ra một lỗi chính tả khá tế nhị trên slide của mình. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Nếu như chỉ có một mình bạn phát hiện ra, bạn có thể chuyển nhanh sang slide tiếp theo và nói nhanh nội dung của slide chứa lỗi chính tả đó. Ở trường hợp khác là lỗi chính tả của bạn đã bị mọi người phát hiện, bạn cần xin lỗi cả lớp và sửa nhanh lỗi chính tả đó và tiếp tục bài thuyết trình.

Tình huống 6:

Khi bảo vệ đề tài của bạn trước lớp, có một câu hỏi khó mà bạn không thể trả lời được. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết cảm ơn và ghi nhận câu hỏi (“Cảm ơn bạn vì đã đưa ra một câu hỏi rất thú vị. Bạn đã đề cập đến một vấn đề rất hay của đề tài”). Sau đó có thể xin phép được trả lời sau (cần nêu rõ nguyên nhân vì sao không trả lời được như: Phạm vi câu hỏi nằm ngoài phạm vi của đề tài, không đủ thời gian nghiên cứu…) hoặc nêu lại câu hỏi cho cả nhóm để cả nhóm thảo luận và đưa ra câu trả lời.

Tình huống 7:

Một lần, vì mải đi chơi với nhóm bạn mà bạn thông báo với lớp trưởng xin phép thày giáo cho bạn được nghỉ học vì lí do bạn bị ốm. Nhưng thật không may, trên đường đi chơi về, đang vui vẻ cười cùng nhóm bạn thì bạn phát hiện ra thầy giáo đang đi ngược chiều với bạn và thầy cũng vừa nhận ra bạn. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết bạn cần lễ phép chào thầy. Sau đó, càng sớm càng tốt bạn xin nói chuyện riêng với thầy, thành thật nhận khuyết điểm và hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.

Tình huống 8:

Sắp đến ngày 26 – 3, với tư cách là một Bí thư Chi đoàn, bạn muốn tổ chức cho chi đoàn mình một hoạt động bổ ích nào đó, nhưng kinh phí của chi đoàn bạn quá eo hẹp. Bạn có kế hoạch đi xin kinh phí trên đoàn trường. Trong tình huống này, bạn sẽ thuyết phục Bí thư đoàn trường như thế nào để nhận được tiền trợ cấp đó?

Gợi ý trả lời:

Bạn cần chuẩn bị sẵn nội dung của cuộc thuyết phục ở nhà. Khi trình bày với Bí thư đoàn trường, bạn cần nói một cách rõ ràng và ngắn gọn kế hoạch tổ chức và những lợi ích mà hoạt động này mang lại cho đoàn viên trong chi đoàn cũng như trong khoa hay trong toàn trường. Đồng thời bạn cũng trình bày những khó khăn về mặt chi phí của hoạt động và mong Bí thư chi đoàn có thể giúp đỡ phần nào đề hoạt động đó được diễn ra tốt đẹp.

3.2.2.Tình huống giao tiếp trong khi thực 

Tình huống 1:

Bạn có tật nói ngọng giữa “L” và “N” vì vậy trong lúc báo cáo công việc với tổ trưởng,ca trưởng, mỗi khi có sự nhầm lẫn này, các thành viên khác trong tổ, trong ca lại bấm nhau cười đủ để bạn biết. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?Tại sao?

Gợi ý trả lời:

Nói với mọi người rằng “Em biết các mọi người vì tật nói ngọng của em. Em sẽ cố gắng sửa và mong mọi người hãy giúp em sửa cái tật xấu này”.

Tình huống 2:

Trong một buổi họp, bạn phát hiện thấy bạn của mình báo cáo có một số chỗ sai sót về kiến thức. Trước tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào? Giải thích tại sao bạn chọn cách đó?

Gợi ý trả lời:

Sau buổi họp, khéo léo góp ý trực tiếp với người bạn đó.

Tình huống 3:

Trong khi họp, bạn phát hiện thấy mình có chỗ trong báo cáo chưa chính xác về kiến thức. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào? Tại sao?

Gợi ý trả lời:

Khéo léo trở lại chỗ báo chưa chính xác, nêu vấn đề cho mọi người phát hiện và chủ động cùng mọi người chữa cho chính xác.

Tình huống 4:

Vì là sinh viên thực tập nên bạn được mọi người nơi thực tập quý mến. Trong một lần trò chuyện, mọi người khen bạn làm việc tốt  hơn tổ trưởng(chủ yếu là kiến thức về kỹ thuật vì tổ trưởng mới ở trình độ tốt nghiệp trung cấp) và nói xấu về tổ trưởng với bạn. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết cần cảm ơn mọi người vì những tình cảm mà mọi người đã giành cho bạn. Sau đó cần nhắc khéo với mọi người: Mỗi người có phong cách làm việc riêng, tổ trưởng là người có nhiều năm kinh nghiệm,tuy nhiên có phần không theo kịp kỹ thuật của thời đại nhưng trăm hay không bằng tay quen , không nên khen người này mà thành chê người khác và nói với mọi người rằng tổ trưởng là thợ giỏi nhiều năm, mọi người cứ tiếp xúc rồi sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị trong phong cách làm việc của tổ trưởng.

3.3.Tình huống giao tiếp trong xã hội

3.3.1.Tình huống giao tiếp thông thường trong xã hội

Tình huống 1:

Bạn đang đi trên phố thì nhìn thấy A - Một trong số bạn học hồi phổ thông. Bạn định cất tiếng chào nhưng thấy A vẫn điềm nhiên, không có biểu hiện gì là sẵn sàng chào lại bạn. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cũng có thể thời gian đã làm cho A không còn nhận ra bạn, trong trường hợp này bạn nên chủ động tiến lại gần chào hỏi và chắc chắn không khó khăn lắm để A nhận lại bạn cũ. Cũng có thể là đúng lúc A bận quá nên không muốn mất thời gian vào việc chào hỏi, trong trường hợp này bạn chỉ cần mỉm cười, gật đầu là đủ.

Tình huống 2:

Bạn hãy đưa ra lời từ chối trong những tình huống sau:

a. Một người mời bạn đi xem phim vào tối thứ 7.

b. Một người bạn hỏi mượn tiền của bạn.

c. Một người tặng bạn một món quà đắt tiền.

Gợi ý trả lời:

a. “Xin lỗi cậu nhé! Hôm đó mình có hẹn rồi. Mình hẹn bạn khi khác nhé!”

b.  “Rất xin lỗi cậu, nhưng tháng này, bố mẹ mình cũng chưa gửi tiền lên”

c.  “Rất cảm ơn Ông/Bà về món quà! Tôi xin ghi nhận tấm lòng của Ông/Bà dành cho tôi. Nhưng xin phép được gửi lại món quà này vì tôi không có thói quen nhận những món quà có giá trị lớn như vậy. Thật lòng xin lỗi Ông/Bà!

Tình huống 3:

Trong một cuộc điện thoại ba bên, sau khi nghĩ rằng bên thứ 3 đã gác máy, bạn bắt đầu tán gẫu với người còn lại, nói xấu kẻ vừa gác máy. Nhưng điện thoại chưa bao giờ được gác xuống và dĩ nhiên bên thứ ba nghe được mọi thứ bạn nói. Ngay khi vừa lỡ miệng nói những điều không nên nói, bạn chợt nhận ra “kẻ thứ 3” vẫn đang nghe bạn nói. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cách tốt nhất là vẫn vờ như không biết gì, vẫn tiếp tục trò chuyện với người nhưng kín đáo chêm vào lời nói của mình vài lời ngợi khen hoặc đánh giá tích cực về người thứ ba. 

Tình huống 4:

Khi đi cùng một người bạn của bạn trên phố. Bạn của bạn gặp người quen. Hai người nói chuyện với nhau. Nhưng bạn của bạn không giới thiệu bạn với người đó. Bạn sẽ  xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trong tình huống này, cũng có thể bạn của bạn không muốn bạn phải tốn thời gian vào câu chuyện vô bổ nên đã không giới thiệu bạn với người đó. Bạn có thể bước lùi ra phía sau một bước để hai người họ trò chuyện.

Tình huống 5:

Tại một quán ăn, bạn phát hiện ra bạn trai của bạn đang ngồi cùng bàn với một cô gái lạ mặt. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bước đến bên bạn trai, khéo léo nhẹ nhàng đề nghị bạn trai giới thiệu cô gái đó với bạn.

Tình huống 6: 

Tại một bữa tiệc, trong khi giới thiệu, người giới thiệu chợt lúng túng vì quên tên bạn. Trong trường hợp này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Đứng dậy hoặc bước ra phía trước một bước, vui vẻ tự giới thiệu về mình.

Tình huống 7:

Bạn đưa em nhỏ đi siêu thị. Bé xin đến gian hàng đồ chơi và nằng nặc đòi mua một món đồ chơi đắt tiền. Bạn không đồng ý, bé liền khóc ầm lên và lăn ra đất ăn vạ khiến mọi người xung quanh quay lại nhìn. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Trước hết, bạn nên dắt bé ra khỏi gian hàng và bình tĩnh dỗ dành em. Bạn có thể nói “Chị/Anh biết chỗ này còn nhiều thứ hay hơn nữa. Chị/Anh em mình đi xem nhé!” rồi đưa bé đi xem hay mua kẹo cho bé. Đi đến đâu cũng chỉ cho bé thấy những sự vật mới lạ để bé dần quên món đồ chơi đắt tiền đó.

Tình huống 8:

Khi đang xếp hàng chờ thanh toán ở siêu thị, bỗng nhiên có một người mua hàng xen vào đứng đằng trước bạn. Trong tình huống đó, bạn sẽ giải quyết như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Bạn nên bình tĩnh và nhẹ nhàng nhắc nhở người đó rằng: “Anh (chị) không nên chen lấn xen ngang trong khi mọi người đều phải xếp hàng chờ đến lượt mình như vậy. Anh (Chị) làm như thế không chỉ ảnh hưởng đến tôi mà còn ảnh hưởng đến tất cả những người đã mất thời gian và công sức đứng chờ phía sau.”

Tình huống 9:

Trong bệnh viện, mặc dù đã có biển cấm hút thuốc nhưng người đàn ông bên cạnh bạn vẫn ngang nhiên hút hết điếu này đến điếu khác làm khó chịu cho những người xung quanh. Nếu ở tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Nhẹ nhàng nhắc nhở người đàn ông đó ngừng hút thuốc vì đó là hành động đã bị cấm và ảnh hưởng không tốt đến những người xung quanh, đặc biệt là những người có sức khoẻ yếu. Nếu người đó nghiện thuốc và không thể không hút, bạn có thể khuyên anh ta tìm đến một nơi vắng người, thoáng mát và không có biến báo để hút.

3.3.2.Tình huống giao tiếp trong qúa trình xin việc, phỏng vấn xin việc và làm thêm

Tình huống 1:

Trong khi đang trả lời phỏng vấn xin việc. Chuông điện thoại của bạn reo. Trong tình huống đó bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Khi tham gia phỏng vấn bạn nên tắt điện thoại hoặc để điện thoại ở chế độ rung. Nếu không may trong tình huống trên, bạn cần xin lỗi nhà tuyển dụng và nhanh chóng tắt điện thoại để cuộc phỏng vấn được tiếp tục.

Tình huống 2:

Bạn đang làm thêm cho một tiệm bánh tết, một người khách sau khi nghe bạn tư vấn về sản phẩm của cửa hàng đã đồng ý mua với số lượng lớn và đề nghị hôm sau đến lấy. Trong giờ nghỉ trưa, bạn tranh thủ sang một cửa hàng bánh mứt tết khác để chọn mua loại bánh mà một người họ hàng của bạn nhờ mua. Vừa mua xong, đang khệ nệ mang về thì bạn bắt gặp vị khách nọ. Khi người khách hàng nhìn thấy bạn mua cùng một loại bánh như họ nhưng lại của một nhãn hiệu khác không phải của cửa hàng bạn làm, người khách đó đã rất bực bội và cho rằng mình bị lừa về chất lượng sản phẩm và muốn hủy bỏ đơn hàng. Trong tình huống này, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời

Trước hết, bạn nên nói thật cho người khách hàng đó hiểu rằng bạn đang đi mua hàng hộ một người họ hàng rất bảo thủ. Người đó không muốn thay đổi nhãn hiệu mà ông ta sử dụng. Sau đó, bạn có thể vui vẻ mời người khách đó ăn thử cả hai loại bánh để họ tự cảm nhận và quyết định lựa chọn sản phẩm phù hợp với sở thích của mình. 

Tình huống 3:

Ngay khi bước vào phòng phỏng vấn, bạn đã cảm thấy tâm trạng của người phỏng vấn không được tốt. Bạn sẽ làm gì để giảm bớt căng thẳng cho bản thân cũng như làm giảm sự mệt mỏi cho người phỏng vấn?

Gợi ý trả lời:

Ngôn ngữ cơ thể đóng một vai trò quan trọng trong buổi phỏng vấn. Để cho không khí của buổi phỏng vấn nhẹ nhàng hơn. Bạn nên thực hiện những biện pháp sau:

- Nụ cười: Nụ cười khiến mọi người thân thiết hơn. Nó cũng làm bạn tăng thêm sức mạnh và sự tự tin - những yếu tố ghi điểm với nhà tuyển dụng.

- Đặt ra những câu hỏi: Nếu bạn cảm thấy những câu trả lời của bạn không thoả mãn câu hỏi của nhà tuyển dụng. Hãy thử một cách khác bằng việc đặt ra những câu hỏi cho họ. Nếu bạn có thể chuyển sự tập trung từ bạn sang nhà tuyển dụng, bạn sẽ có cơ hội trấn tĩnh và suy nghĩ lại. Ngoài ra, khi các nhà tuyển dụng nói, họ có thể hé lộ những mong muốn của mình.

- Phản hồi nhanh: Nếu nhà tuyển dụng tỏ ra chán nản, không hài lòng với câu trả lời của bạn. Có thể bạn đã hiểu nhầm ý câu hỏi, hoặc câu hỏi của họ có một số cụm từ không rõ ràng. Trong trường hợp này, bạn nên lịch sự hỏi lại những điều chưa hiểu, sau đó trả lời ngắn gọn và nhanh chóng đưa ra câu hỏi với họ.

- Khen ngợi nhà tuyển dụng: Lời khen sẽ làm cho tâm trạng của nhà tuyển dụng tốt hơn. Tuy nhiên, bạn cần chú ý không nên khen ngợi quá nhiều, tốt nhất lời khen của bạn nên đơn giản và an toàn. Ví dụ như “Mọi người ở đây thật thân thiện”.

- Tin tưởng vào bản thân: Hãy tin tưởng vào bản thân và làm những gì tốt  nhất trong khả năng của bạn.

Tình huống 4:

Bên ngoài quán ăn, cạnh công ty mà bạn làm thêm, bạn vui vẻ bình phẩm về vị khách hàng bạn đang chuẩn bị làm việc mà không để ý đến những người xung quanh. Khi vào giờ làm việc, bạn hốt hoảng nhận ra vị khách đó là một trong những người “xung quanh” đã lắng nghe câu chuyện của bạn. Trong tình huống đó, bạn sẽ xử lý như thế nào?

Gợi ý trả lời:

Cố gắng làm thật tốt, thật nhanh những công việc liên quan đến vị khách hàng đó. Sau khi đã xong công việc, bạn có thể xin gặp riêng để xin lỗi vị khách hàng đó một cách chân thành (bạn có thể nói rằng do áp lực công việc quá lớn nên bạn đã nói những điều không nên nói. Giờ nghĩ lại bạn thấy thật sự xấu hổ…).

Tình huống 5:

Bạn hãy trả lời một số câu hỏi sau của nhà tuyển dụng:

a.Hãy tự giới thiệu về Anh/Chị?

b.Điểm yếu của Anh/Chị là gì?

c.Theo nhận định riêng của Anh/Chị, mức lương thích hợp cho vị trí này là bao nhiêu?

d.Nếu được nhận vào vị trí này, Anh/Chị sẽ mang đến cho công ty sự thay đổi gì?

Gợi ý trả lời:

a.Hãy bao quát một vài lĩnh vực trong cuộc sống của bạn như: Những năm đầu đời, học vấn, kinh nghiệm, ước mơ về nghề nghiệp… Nội dung trình bày không nên vượt quá hai phút, đừng lan man hay quá chau chuốt. Câu hỏi này thường được nêu lên khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, vì thế nếu trả lời tốt, bạn sẽ có nhiều sự tự tin.

b.Với câu này, bạn nên bộc lộ khiếu hài hước của mình nhưng vẫn trả lời được câu hỏi mà không đề cập đến sự tiêu cực nào trong công việc. Ví dụ “Tôi là người không hiểu về máy móc. Vì vậy, nếu chiếc máy photocopy bị hỏng, xin đừng gọi tôi”…. Những câu trả lời về sự cầu toàn và ham việc đã trở nên phổ biến vì vậy sẽ ít gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và có thể còn khiến họ nghi ngờ.

c.Bạn nên nâng cao giá trị của mình bằng cách nói rằng bạn muốn được biết thêm về trách nhiệm và nghĩa vụ trong công việc trước khi bàn đến mức lương. Nếu tình thế qúa bắt buộc, bạn có thể trả lời câu hỏi này như sau : “Xin được hỏi mức lương cơ bản cho các công việc tương tự trong công ty là bao nhiêu?”.

d.Đây là một câu hỏi khó, vì bạn không thể có câu trả lời cụ thể nếu không nắm vững một số chi tiết về vị trí công việc, công ty và nến văn hoá. Thậm chí nếu bạn có được câu trả lời, hãy thận trọng khi mô tả về các thay đổi sâu rộng cho công ty. Nếu người phỏng vấn không đưa ra các vấn đề mà bạn cảm thấy tự tin để giải đáp, hãy giải thích khôn khéo rằng bạn cần tìm hiểu thêm về công ty, trao đổi với nhân viên, thực hiện các cuộc đánh giá trước khi đề ra bất kỳ kiến nghị nào.

Tình huống 6:

Bạn sẽ mặc gì cho buổi phỏng vấn vào ngày mai?

Gợi ý trả lời:

 Mặc một bộ đồ đẹp và lịch sự nhưng không quá cầu kỳ. Màu sắc là màu sáng nhưng không quá sặc sỡ. Với con gái nên trang điểm nhưng không nên trang điểm quá đậm. Đối với nam thì tốt nhất là mặc vest thắt calvat. Bộ đồ của bạn phải thể hiện bạn là một con người lịch sự, ngăn nắp, nhanh nhẹn. Hơn hết bộ đồng phục phải đem lại cho bạn cảm giác thoải mái khi mặc.

PHẦN KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1.Kết luận

Do hạn chế về thời gian và kinh nghiệm nên đề tài mới chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu cơ sở lý luận, thực trạng nhu cầu, kỹ năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ và xây dựng hệ thống bài tập thực hành các tình huống giao tiếp mà chưa có cơ hội tiến hành thực nghiệm để đánh giá toàn diện.

Qua toàn bộ những nội dung nghiên cứu trong đề tài, có thể rút ra một số kết luận sau đây:

-Giao tiếp là sự tác động qua lại giữa con người với con người, mà qua đó nảy sinh sự tiếp xúc tâm lý được thể hiện ở sự trao đổi thông tin, sự ảnh hưởng, sự rung cảm và sự hiểu biết lẫn nhau.

-Giao tiếp trở thành một vấn đề rộng lớn có ý nghĩa quan trọng trong khoa học, cuộc sống và sự phát triển của mỗi cá nhân. Đối với sinh viên công Nghệ, giao tiếp không những có vai trò quan trọng trong sự nghiệp hình thành và phát triển nhân cách mà còn là bộ phận cấu thành hoạt động công việc, là thành phần chủ đạo trong cấu trúc năng lực tổ chức công việc của người kỹ sư, cử nhân kỹ thuật tương lai. Chính vì vậy, nâng cao kỹ năng giao tiếp cho sinh viên Công Nghệ là tất yếu và mang tính cấp thiết.

- Nhu cầu giao tiếp và khả năng giao tiếp của sinh viên Khoa Công Nghệ  có sự chênh lệch giữa sinh viên nam và sinh viên nữ, giữa các khối lớp trong khoa. Nhu cầu giao tiếp của sinh viên trong khoa khá cao, trong khi đó, khả năng giao tiếp chỉ đạt mức độ trung bình. Khả năng giao tiếp chưa đáp ứng được nhu cầu giao tiếp của sinh viên.

- Nội dung giao tiếp của sinh viên phong phú, đa dạng phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm về ngành học.

- Mức độ cởi mở trong giao tiếp của sinh viên cao, tương xứng với nhu cầu giao tiếp đang ngày một tăng nhanh.

2.Kiến nghị

Để góp phần nâng cao kỹ năng giao tiếp cho sinh viên Khoa Công Nghệ, tôi xin đề xuất một số ý kiến sau:

-Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc rèn luyện và nâng cao kỹ năng giao tiếp như: Đảm bảo tốt các phương tiện học tập, có đầy đủ tài liệu học tập, tài liệu tham khảo, sách bài tập, tài liệu kỹ năng giao tiếp,…

-Nhà trường và Khoa Công Nghệ cần tổ chức những buổi hội thảo khoa học về vấn đề kỹ năng giao tiếp và kỹ năng giải quyết tình huống giao tiếp; có kế hoạch tổ chức mời các chuyên gia về báo cáo các vấn đề mới xung quanh kỹ năng giao tiếp; tổ chức hội thi tay nghề mỗi năm một lần, tạo điều kiện cho sinh viên thể hiện và trao dồi những kỹ năng giao tiếp.

-Cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện hơn nữa hệ thống bài tập tình huống để nâng cao có hiệu quả kỹ năng giao tiếp cho sinh viên một cách toàn diện (mà không phải chỉ trên một số kỹ năng giao tiếp cơ bản).

-Hệ thống bài tập cần được xem xét và tiến hành sử dụng trên đối tượng là sinh viên các lớp thuộc Khoa Công Nghệ - Trường ĐHCN TP Hồ chí Minh cơ sở Thanh Hóa trong môn học Giao tiếp để đảm bảo tính khả thi và độ tin cậy.

-Tăng cường tổ chức các câu lạc bộ sinh viên Công nghệ, nơi sinh viên có thể trao đổi với nhau những quan niệm về tình bạn, tình yêu, về các vấn đề trong cuộc sống.

-Đặc biệt, nhà trường cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp và các trường dạy nghề, trung cấp nghề , cao đẳng nghề kỹ thuật  để tạo thêm nhiều môi trường học tập và giao tiếp mới cho sinh viên.

Tóm lại, giáo dục kỹ năng giao tiếp trong nhà trường là một việc làm cần thiết. Lâu nay, nhà trường nhìn chung thiên về dạy chữ, dạy tri thức, ít chú ý dạy cách giao tiếp giữa con người với con người. Trong nhiều giải pháp giáo dục văn hóa giao tiếp cho con người, có lẽ những giải pháp quan trọng nhất, có tính quyết định chất lượng kỹ năng giao tiếp trong nhà trường, văn hóa học đường, đó là giáo dục cái tâm, giáo dục cái đẹp và xây dựng các nguyên tắc giao tiếp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro