Tieu Thuyet Mẹ Ghẻ Con Ghẻ Hồ Biểu Chánh 13-17

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHẦN THỨ BA

I- THỬ NHƠN TÌNH

(13)

Mười hai năm qua. . . . Cậu Quí con của Bồi bái Tồn, lìa cố hương lật bật đã mười hai năm rồi. Thời gian ấy rất mau cho người dư ăn vui sống, mà rất chậm cho người chờ đợi ngóng trông.

Làng Mỹ Huê là chỗ chúng ta đã nhận thấy một lớp gia đình thảm sử, nay đổi tên là làng Mỹ Cẩm dầu "Huê" dẹp bỏ, mà "Cẩm" cũng chưa thấy dệt ở ấp nào. Nhiều người già cả hồi xưa đã quá cố lần lần, nhượng chỗ lại cho hạng trai trẻ tấn công lên nối nghiệp mà làm làng làm ruộng. Tuy vậy mà con giồng dài theo lộ liên tỉnh vẫn còn chình ình đó, mấy cây dầu lớn ở trong đất ông Bang vẫn phơi nhánh mà hứng nắng mưa, cái quán dì Ba Thới ở ngã ba Suối Cạn mặc dầu đã được kêu là "tiệm", song cũng bán bánh bán rượu như cũ.

Tiết tháng giêng là tiết vui vẻ hơn hết ở vùng Càng Long, vì ngoài đồng lúa đạp rồi đương kinh kịch kéo về, nên trong xóm chỗ tụ hội đá gà, chỗ gây sòng tứ sắc.

Buổi sớm mai, lúc ngoài 9 giờ, quang cảnh tiệm dì Ba Thới từ trong ra ngoài có vẻ náo nhiệt. Trong tiệm thì Hương Nhì, Út Tám Thâm, hai người ở lối xóm, đương ngồi đối diện nhau tại bàn tròn để giữa tiệm mà nhậu rượu, và nhậu và nói chuỵên đá gà. Hai người năm nay đã già rồi, mà Út vẫn còn là Hương Nhì chớ chưa được lên Hương Nhứt, còn Thâm lại càng ốm thêm, râu lê thê không che kín cái miệng móm xọm được.

Ở trước tiệm thì dì Ba Thới đương kêu chị bán cá đồng ngừng lại biểu để gánh cá bên đường cho dì lựa và trả giá mà mua, có phó Hương hào Liếm, một người trai ở bên đầu cầu, với vợ trùm Sốc, nhà ở gần đó, xúm lại coi cá.

Dì Ba Thới năm nay đã gần sáu mươi, nên tóc bạc quá nửa phần, răng đã rụng cả chục cái nhưng sức vẫn chưa suy, bộ vẫn còn gọn gàng. Dì mua ba con cá lóc với năm con cá rô, rồi kêu con gái là Hường, đem rổ ra trút. Hường đã được 27 tuổi, hình vóc đều đạm bộ tướng dình dàng, mặt nghiêm nghị chớ không vúc vắc liến xáo như hồi nhỏ nữa; mà bây giờ nhan sắc như hoa nở hoàn toàn, nên có vẻ tươi đẹp hơn, cái đẹp thiên nhiên, không cần trang sức, nên trai thấy thèm thùa mà cung kỉnh.

Hương vừa xách rổ bước ra thì có một chiếc xe cam nhông lạ chở bàn ghế vun chủn, ở phía ngoài chợ chạy vô, đương chạy rồi lại ngập ngừng, dục dặc. Chừng tới ngang ngả ba Suối Cạn thì đậu sát lề, sóp phơ rồ máy một hồi nhảy xuống với tên lơ phụ dở đầu máy ra coi. Chẳng hiểu máy trục trặc chỗ nào, mà sớp phơ thò tay đút vô máy một chút rồi kêu tên lơ xe tắt máy.

Kế đó có ba chiếc xe cam nhông khác, cũng chở đồ kình càng, ở phía chợ Càng Long chạy vô một dọc. Người sớp phơ xe ngừng trước bèn ra đứng giữa đưa tay mà cản. Cả ba xe đểu nối đuôi nhau mà ngừng, rồi ba sớp phơ lại phụ với bạn mà sửa máy cho xe thứ nhứt.

Thấy chuyện lạ, mấy người đàn bà bỏ cá đừng ngó. Hương nhì Út với Tám Thấm nghe rần rộ ngoài lộ cũng bước ra coi.

Ba chiếc xe đậu sau thì chở giường đồng, tủ kiến, với những vật gì không biết mà bao kín mít kỹ lưỡng lắm. Một người sớp phơ đương đứng ngoài hút thuốc. Dì Ba Thới kêu hỏi:

- Xe chở đồ của ai mà nhiều vậy cậu?

- Chở đồ quan Bác vật trên Sài Gòn cụ à.

- Chở đi đâu vậy?

- Ông cất nhà mới dưới Trà Vinh, nên mua đồ gởi đặng dọn nhà.

- Đồ tốt quá.

- Trời ơi! Đồ mua hơn một trăm ngàn đồng bạc, không tố sao được cụ bà.

- Dữ hôn!

- Đồ Quí lắm mà?

- Quan Bác Vật đó giàu lắm hả?

- Tự nhiên. Nghe nói ổng có vườn cao su, có ruộng, mà còn có ca phê nữa. Giàu to lắm mà!

- Ở Sài Gòn mà cất nhà dưới Trà Vinh làm gì?

- Ổng có tiền bạc nhiều, ổng muốn làm gì tự ý ổng, mình biết sao được.

- Cậu ở với ổng phải hôn?

- Không cụ. Mấy xe nầy là xe của hãng vận tải. Ổng mướn chở đồ cho ổng hai ba lần rồi.

Phó Hương hào Liếm xen vô hỏi người sớp phơ:

- Chắc nhà mới của ông Bác vậy là cái nhà lầu đương cất ngang cây dầu một,gần tới châu thành đó chớ gì. Phải vậy hay không anh?

- Phải. Mà cái đền chớ không phải cái nhà lâu. Cất theo kiểu đền bên Pháp đẹp lắm, ở xứ mình ít ai biết kiểu đó. Chung quanh lại có miếng đất thiệt lớn, có xây hồ tắm, có xẻ đường trồng cây, trồng bông. Trong ít năm nữa cây lớn coi tốt lắm.

- Hôm tháng trước tôi đi Trà Vinh tôi có thấy. Hôm đó nhà cất chưa rồi.

- Chắc bữa nay rồi hết, nên ổng mới mướn chở đồ dọn xuống chớ.

Vợ trùm Sốc nghe con khóc ở nhà nên lật đật chạy về dỗ con.

Hương nhì Út đứng coi sửa máy xe nghe phó Hương hào Liếm với người sốp phơ trầm trồ nhà mới của quan Bác Vật, thì day lại nói:

- Hôm kia tôi đi đá gà dưới Bàn đa, đi ngang qua đó tôi thấy nhà cất rồi mà. Đi ngoài lộ ngó vô coi tốt hết sức. Tôi chắc miệt Lục Tỉnh này không có nhà nào bằng. Phải vậy hay không anh sốp phơ?

Sốp phơ cương quyết đáp:

- Chắc như vậy. Thuở nay tôi chưa thấy nhà nào dưới Lục Tỉnh này tốt hơn.

Phó Hương hào Liếm nói:

- Vì nhà tốt nên họ đi coi dữ quá. Hổm nay mấy ông nhà giàu miệt mình rủ nhau đi coi kiểu. Nghe nói miệt Mỏ Cày. Cầu Kè cũng qua coi nữa. "

Dì Ba Thới hỏi Liếm:

-Họ cho coi sao?

-Có lẽ cho chớ. Nghe nói có một người Pháp ở đ1o coi làm. Mình vô xin phép đi coi, mình có phá quấy gì mà không cho.

- Phải mình rảnh đi coi cho biết.

Dì Ba day lại hỏi sớp phơ:

- Mà quan Bác Vật tên gì vậy cậu?

- Tên Tây, tôi không nhớ cụ à.

- Á, té ra là người Pháp mà.

- Có lẽ. Tôi không biết mặt ổng. Ổng mua đồ hồi nào không biết; hãng biểu anh em tôi đem xe lại chở thì cứ chở, có thấy ổng đâu.

Xe sửa xong, 4 chiếc nối đuôi nhau mà qua cầu đặng thẳng xuống Trà Vinh.

Chỉ có Hường đã bưng cá đi vô tiệm, còn mấy người kia cứ đứng ngoài lộ nói chuyện về cái đền của quan Bác Vật mới cất.

Xe hơi đò đường Sài Gòn - Trà Vinh về tới nữa. Theo lệ thường xe này chạy mau lắm, cuốn bụi lên mù mịt. Mấy người muốn tranh bụi, nên lật đật đi vô hết, duy chỉ có chị bán cá gánh cá tẻ vô Suối Cạn.

Chạy gần tới ngã ba, xe lại tốp máy rồi rề rề ngừng ngang trước tiệm dì Ba Thới nữa. Dì Ba vui vẻ nói: "Bữa nay tiệm tôi hên quá, xe hơi ghé hoài".

Mấy người đều tưởng có ai trong giồng đi Sài Gòn về nên xúm nhau lại cửa tiệm mà dòm. Một người đàn ông ở trên xe leo xuống, mình mặc một bộ đồ ka ki vàng cũ xì, đầu đội nón trắng lấm lem, tay có xách một giỏ mây nho nhỏ.

Dì Ba Thới nói lớn: "Ý! Quí mà !"

Hương nhì Út hỏi: "Quí nào?"

Dì Ba không trả lời. Dì Ba bước ra ngoài kêu mà hỏi: " Mấy năm nay, bây giờ mới về vậy hử?"

Xe hơi rút chạy. Quí xách giỏ vô tiệm, miệng cười ngỏn ngẻn, dở nón chào: "Dì Ba mạnh giỏi hả Dì Ba?. . . Chào mấy bà con".

Dì Ba vui vẻ đáp:

- Ừ, mạnh giỏi. Cha chả con đi đâu lâu quá vậy con?

- Thưa, nghèo nên con đi kiếm cộng chuyện làm ăn.

- Dầu làm việc gì, lâu lâu cũng phải về thăm nhà chớ.

- Thưa, con ở xa, về không được.

- Ở đâu mà xa?

- Thưa ở cùng hết, ở Bắc, ở Trung và ở Lèo.

- Dữ hôn!

Hường ở trong chạy ra mừng:

- Anh Q. . u. . í!

- Ờ, em Hường! Em mạnh giỏi hả?

- Mạnh, còn anh?

- Anh cũng mạnh luôn luôn. Năm nay em có được mấy đứa con?

- Em chưa lấy chồng mà có con nỗi gì! Năm cậu Bồi mất, anh có nghe tin hay không, mà sao anh không ve?

- Hồi cha anh mất anh không hay, sau lâu rồi anh mới hay.

Hương nhì Út hỏi Dì Ba:

- Phải con Bồi bái hay không?

- Thì nó chớ ai.

- Bất nhơn dữ! Đi hồi nhỏ, bây giờ về nó lớn đại, có biết đâu. Qua nhớ hồi trước em theo ở bồi với quan Kinh lý La-Co phải hôn em?

Quí kéo ghế ngổi và đáp:

- Thưa, phải.

- Ở bồi không khá hay sao?

- Làm tháng nào ăn tháng nấy, khá nỗi gì thứ ở bồi.

- Vậy thì về nhà làm ruộng rồi làm làng chơi chẳng là hay hơn.

- Ai có chí nấy.

- Em về thăm bà con chơi rồi đi nữa hay là ở nhà luôn?

- Tôi chưa nhứt định. Để rồi coi, như ở đây có công việc làm ăn thì tôi ở, còn như không có việc gì làm thì phải đi, chớ ở không thì lấy gì mà ăn.

- Ở đây thì làm ruộng, chớ có nghề gì khác được.

- Có lẽ buôn bán được chớ.

- Ừ, mà phải có vốn.

- Cha chả, khó tại chỗ đó.

Quí ngồi không an, lộ sắc lo ra, dường như muốn nói chuyện với dì Ba, mà vì có khách lạ nên nói không tiện.

Quí nha nhổm muốn đi.

Dì Ba biết ý bèn thôi thúc Hường nấu cơm riết đặng dọn cho Quí ăn. Dì nói: "Con phải ở nhà đặng ăn cơm với dì, rồi sẽ về thăm nhà. Không gấp gì. Ở ăn cơm đặng dì hhỏi thăm một chút".

Hương nhì Út trả tiền rượu rồi rủ Tám Thấm với Phó Hương hào Liếm vô ấp tư đá gà.

Khách đi rồi dì Ba Thới biểu Quí xách giỏ mây để trên ván và cởi áo bành tô cho mát. Quí vâng lời cởi áo móc trên cây đinh đóng treo lịch, bây giờ chỉ còn bận áo cụt tay, lại sau lưng có vá một miếng bằng bàn tay.

Quí đi thẳng xuống nhà bếp kiếm nước rửa mặt, gội đầu vì đi xe hơi bụm bặm đóng đầy tai đầy cổ. Hường vui vẻ múc một thau nước để trên ghế rồi vô buồng lấy khăn lông của mình thường đội đi ra vường mà vắt trên thành ghế.

Quí lum khum gội đầu rửa mặt. Dì Ba và Hường đứng nhìn, mẹ con thấy quần tây vàng phai màu, xười lai, đôi giày đen mòn gót hết phân nửa, áo sơ mi đã khâu vá, lại đứt mất một nút, thì có lẽ tội nghiệp cho Quí nên buồn hiu.

Quí gội rửa rồi lấy khăn lông đi lại cửa sau đứng ngó ra vườn lau.

Quí vui vẻ nói :

- Vườn bây giờ không trồng gì hết. Em Hường lớn rồi chắc sanh tội làm biếng hay là vướng đi tứ sắc như họ chớ gì".

Hường cười mà đáp:

- Trồng dưa hấu bán rồi hôm Tết. Tháng này nắng qua, trồng cực tưới lắm, nên em đợi mưa rồi sẽ trồng chớ.

- Vậy thì qua trách lầm. Nãy giờ về đến đây, qua thấy dì Ba với em có mòi thong thả hơn hồi trước, quán đã thành cái tiệm, có hàng hoá nhiều, thì qua mừng lắm. Không biết dì của qua ở ngoài nhà với chị Hai qua và thằng Sen ra thế nào?

- Thân chị Mỹ khổ lắm anh ơi?

Quí châu mày, nghiêm mặt. Dì Ba nói tiếp: "Con bước ra đằng trước cho mát con, ra đây dì nói chuyện nhà cho con nghe".

Quí trả khăn lông lại cho Hường, rồi đi theo dì Ba mà ra phía ngoài, tuy y phục lam lũ nhưng tướng mạo thanh nhã, tuy nước da đen đúa, nhưng có ấn tượng cao sang. Mà người ở chốn thôn quê như mẹ con dì Ba Thới đây, không có cặp mắt tinh đời thì không tài nào thấy vẻ thanh nhã hay nét cao sang ấy nổi.

Dì Ba mời Quí ngồi, rồi rót một tách nước trà nóng mời Quí uống. Dì kéo ghế ngồi nganh Quí mà hỏi:

- Con bỏ xứ mà đi từ ấy đến nay là mấy năm, con nhớ hay không?

- Mười hai năm.

- Tại sao con đi biền biệt, con không về?

- Con đã quyết chí đi lập thân thì về sao được?

- Hồi nãy con có nói với con Hường rằng con hay anh Bồi bái mất, mà mất lâu rồi con mới hay, phải vậy hay không?

- Thưa phải.

- Ai cho con hay?

Quí dụ dự một chút rồi mới đáp:

- Con có gặp một người ở Láng Thé nói với con.

- Ai vậy?

- Con quên.

- Gặp ở đâu?

- ....... . Trên....... Lèo.

- Anh Bồi bái mất năm Tý, năm nay đã 5 năm rồi.

- Mới 5 năm? Đau sao mà mất vậy dì?

- Con đi rồi ảnh đau rề rề, ngày tối cứ ở nhà, ít đi đâu lắm. Mấy năm sau thấy ảnh ốm và già, chớ không có bịnh chi nặng. Thiệt đau thì ảnh đau có mấy bữa rồi mất.

- Không biết dì con táng cha con chỗ nào?

- Thì chôn dựa mả má con đó chớ chôn đâu. Dì nói sợ con buồn, chớ thiệt anh Bồi bái chết là tại ảnh rầu. Con đi rồi ảnh ăn năn, nên buồn rầu lung lắm. Ảnh không chơi bài như trước nữa. Ngặt ảnh yếu trí quá, không trị má thằng Sen nổi, nên con mẻ cứ bài bạc hoài. Gia đạo một ngày một thêm suy sụp. Ruộng cho mướn đã ba năm rồi, ảnh lấy lại làm, tưởng làm đặng gỡ nợ, té ra làm mà còn mắc nợ thêm nữa. Có lẽ ảnh liệu thế không kham, nên ảnh bán sở ruộng 25 mẫu trong Mỹ trường mà trả nợ. Sau ảnh bị má thằng Sen làm cho ảnh bị mắc nợ một lần nữa. Ảnh buồn rầu ảnh bịnh. Ảnh mòi làng lập tờ di chúc chia ruộng hương hỏa với nhà thờ đều để cho trưởng nam là Phan Văn Quí đứng bộ. Chừng ảnh mất rồi, chủ nợ đứng lên kiện; họ thi hành sở ruộng 13 mẫu, may nhà thờ với hương hỏa con đứng bộ, họ phát mãi không được, nên mới còn cho mẹ con thằng Sen hưởng mấy năm nay đó.

Quí nghe nói động lòng thương cha, nên ngồi khóc rấm rứt. Quí khóc một hồi rồi nói:

- Còn bây giờ chị Hai con ở đâu?

- Nó cũng ở đó...Tội nghiệp nó lắm con ơi. Nó thiệt thà hiền hậu quá. Năm nó được 20 tuổi, anh Bồ bái tính gả nó cho thầy giáo ở trên Giồng Ké. Coi mà chưa cưới kế người ta hay ảnh mắc nợ bán ruộng người ta hồi đi, không thèm cưới. Từ ngày ảnh mất đến nay nó cũng ở đó, chớ biết đi đâu. Má thằng Sen là người không biết điều. Nhà là nhà thờ của con, ruộng là hương hỏa của con. Má thằng Sen ở nhà đó, thâu huê lợ ruộng đó, rồi mẹ con giành hết mà ăn xài, không cho chị Hai con đồng tiền hột lúa nào, bỏ chị Hai con rách rười tội nghiệp hết sức. Nó ở đó thì như đầy tớ, mà làm công chuyện đặng ăn cơm chớ không có tiền công; lại còn bị hắt hủi mắng nhiếc tối ngày nữa.

Quí nghe tới thân phận chị cực khổ thì đau lòng xót dạ chịu không nổi, nên khóc và than: "Chị Hai con có làm tội gì mà trời hành phạt đến thế! Chị Hai con cực khổ từ thơ bé đến giờ! Cực khổ lâu quá rồi! Tội nghiệp biết chừng nào! Con thưa thiệt với dì, ngày trước con không được qua Cần Thơ mà học nữa, thì con có ý phiền cha con không thương con. Nhờ có dì nói lại, con được biết cha con không cho con học nữa là vì nhà suy sụp, chớ không phải tại cha con không muốn lo cho con, thì con hết phiền nữa, rồi con tự quyết phải xuất thân đi làm ăn, làm ăn đặng nuôi sự sống của con và đặng khỏi tốn hao cho cha con nữa.

Con đi biệt mười mấy năm, con thương nhớ cha mẹ, chị em, bà con, nhiều khi ăn ngủ không được. Nhưng mà con không lai vãng, lại cũng không thơ từ, ấy là vì đi lập thân, con quyết đạt cho được nguyện vọng. Chưa lập thân được, nếu trở về xứ e làm nhục thêm cho cha con; nếu gởi thơ từ sợ làm buồn cho những người thương con, chớ ích gì đâu. Bởi nghĩ như vậy, nên con để biệt tich. Ngày nay về đây, con mới hay cha con bị lượn sóng xa hoa dầm vật lôi cuốn ra khỏi đường chơn chánh mà rồi lại biết hồi tâm tự hối mà trở lại với gia đình. Nhờ dì nói con mới biết ở nhà cha con ăn năn đến nỗi ngày già hết an nhàn, hết vui vẻ, rồi gần chết lại còn lo lắng cho con, nên lập hương hỏa với nhà thờ cho con hưởng. Con có một người cha như vậy mà con không được thấy mặt nữa, thiệt con đau đớn vô cùng".

Dì Ba Thới muốn an ủi Quí nên chận nói: "Hồi trước cứ lo cho mẹ cho con thằng Sen, không ngó ngàng đến chị em con, thiệt dì hờn ảnh lung lắm. Chừng con đi rồi, dì thấy ảnh ăn năn, có ý lo cho con, thì dì hết phiền. Thôi, con cũng chẳng nên buồn lắm. Con người hễ già thì phải chết, chớ lột da mà sống hoài hay sao. Con đi mười mấy năm nay, vậy mà con đã có vợ con hay chưa? Đã có lập gia cư ở đâu hay không? "

Quí đương ngồi lo ra nên không nghe hai câu hỏi của dì Ba. Một lát chàng nhớ lại, mới vội vã trả lời:

- Thưa không. Con mắc lo lập thân, nên không có tính tới việc vợ con. Thưa dì, không biết thằng Sen bây giờ nó làm nghề gì?

- Có làm nghề gì đâu. Thấy nó đá banh và thả theo mấy trường gà vậy thôi.

- Không biết nó học đến bực nào?

- Thấy nó học trường Càng Long được ít năm, rồi từ ngày anh Bồi mất, thì nó ở nhà, chớ không có đi học đâu nữa.

- Học ít quá, lại không làm nghề gì hết, rồi làm sao nuôi sống?

- Thì cho mướn ruộng hương hỏa của con đó mà ăn với nhau. Hương hỏa đến 12 mẫu chớ phải ít sao?

- Còn dì con thì cũng chắc đánh bài hoài, bỏ tật đó kkhông được?

- Dễ bỏ hôn? Trở về già, con mẻ chuyên ròng nghề bài bạc, nhiều khi đánh cả đêm nữa chớ.

Hường dọn cơm rồi bước ra thưa cho mẹ hay. Dì Ba liền đứng dậy biểu Quí: "thôi đi ăn cơm com, ăn cơm rồi về thăm nhà một chút".

Ba người ngồi lại ăn cơm, Quí thấy Hường bây giờ nghiêm trang, tề chỉnh, đã có hình dạng phụ nữ hoàn toàn, chớ không phải liến xáo vúc vắc như hồi xưa nữa; lại nhớ hồi nãy Hường nói chưa có chồng con, thì lấy làm lạ bèn hỏi Hường:

- Em Hường, mười hai năm nay em ở nhà em làm việc chi vậy?

- Anh hỏi kỳ quá. Em giúp má em mua bán và trồng tỉa vậy thôi, chớ đàn bà con gái mà làm việc chi được.

- Té ra trót mười mấy năm nay em cứ an lòng mà sống im lìm lặng lẽ, không sóng gió, mà cũng không vinh quang, không lo buồn, mà cũng không vui vẻ; thế mà em cũng thấy thỏa thích, không ước mong điều chi nữa hay sao?

- Người ta hằng nói: "Vô sự tiểu thần tiên" Em được vô sự, vậy em còn mong điều chi nữa.

- Chà chà! Lớn rồi em biết nói chữ, mà lại nói giọng triết lý, thiệt qua không dè.

Dì Ba Thới cười mà nói: "Con đi rồi, dì muốn cho con Hường biết rành tiếng mẹ đẻ đặng biên chép chút đỉnh. Dì cậy chú biện Hiếu dạy dùm nó. Nó học đâu một năm rưỡi; đọc thông viết thạo rồi nó nghe trong suối có thầy thuốc Hòa ông dạy trẻ em trong xóm học chữ nho, nó đòi vô đó nó học. Dì nghĩ nó ở nhà cũng không làm việc chi bận cho lắm, nên dì để nó học chữ nho vài năm nữa. Nhờ vậy nên bây giờ nó biết chữ chút đỉnh".

Quí ngó ngay Hường mà hỏi:

- Đời này chữ Việt được thông dụng, nên em học là phải. Mà em học chữ nho làm chi?

- Học chữ quốc ngữ làm việc về phần xác cho hợp thời, còn học chữ nho để tập luyện tánh tình cho đúng đắn. Em muốn tập luyên tánh tình cho trong sạch, nên em học chữ nho.

- Chà chà! Ai bày cho em, nên em biết như vậy?

- Em nghĩ như vậy không trúng hay sao?

- Không, trúng lắm chớ. Mà qua muốn biết coi ý ấy em tự nghĩ ra, hay là nghe ai giảng dạy.

- Thiệt, em nghe người ta nói, chớ em làm sao mà biết việc cao xa như vậy nổi. Một bữa ông Hội đồng Bảy trong ấp tư, ổng ra tiệm em ngồi đón xe đi Sài Gòn. Thấy thầy Nhứt Vĩnh đi chơi, ổng mời vô đây uống nước. Hai ông nói chuyện đời với nhau. Em lóng nghe rồi em nghĩ hai ông nói phải nên em mới học chữ nho đó.

- Đúng lắm! Em nghe lời hai ông đó thì hay biết chừng nào! Còn tại sao em không lấy chồng?

- Lấy chồng rồi bỏ má em cho ai nuôi?

- Hiếu nghĩa...!. . Mà sống với cái cô đơn lạt lẽo không có mục đích cao sâu, không hy vọng rực rỡ, có lẽ nhiều khi em cũng chán nản chút đỉnh chớ?

- Anh nói như vậy em không phục. Em sống với má em, sao anh gọi đời em cô đơn lạt lẽo? Nuôi má già mà chán nản nỗi gì?. . . Sao anh biết em không có mục đích cao sâu, không có hy vọng rực rỡ?

Nghe mấy câu trả lời ấy Quí thấy hơi thẹn thùng, kính trọng mà ngay trong lòng lại chẳng khỏi tư lự, Quí muốn kéo dài chuyện thêm nữa, ngặt bỏ nhà đi trót 12 năm, hôm nay trở về nghe nỗi buồn của cha, và thân khổ của chị. Quí buồn tủi nao nao, muốn về riết mà thăm nhà, nên đành phải dứt câu chuyên ấy để qua ngày khác sẽ bàn tiếp.

Ăn cơm rồi, Quí liền bận áo và từ giã mẹ con dì Ba Thới mà về nhà. Dì Ba Thới không cầm lại nữa, song đưa Quí ra cửa đi dặn nói: "Về ở ngoài nhà có buồn thì vô trong nầy chơi, nghe hôn con".

Quí dạ rồi xách giỏ mây ra đi, xung xăng trên lộ đá, giữa lúc trời nắng chang chang.

Đến buổi gáy trưa, gà cồ tiếp nhau mà gáy,tiếng ò ó o nghe vang trong xóm. Con chó vàng của ai đương nghểu nghến bên đương, thấy Quí lạ mặt thì lõ mắt ngó lườm lườm và ngừ ngử, đợi Quí đi khỏi mới cất tiếng sủa oáu oáu.

Quí cứ lầm lũi đi...

(14)

Quí đi về nhà tới ranh đất tổ phụ thì trong lòng bồi hồi, qua gò mả chỗ mẹ an giấc ngàn thu, rồi ngó lại vuông tre chỗ mình thiếu thời đùm bọc. Thấy gần bên mả mẹ có mồ lùm tùm, nghi đó là mồ cha,thấy vuông tra xưa còi cọc tả tơi, biết ngày lụn tháng qua không ái kéo chà bồi gốc.

Tới cửa ngõ bằng tre, Quí đưa tay xô cánh cửa rồi thủng thẳng buớc vô sân. Một đám bắp ở giữa sân, đã ăn trái từ bao giờ cây đã khô queo, ngả ngữa ngả nghiêng nhưng chưa ai chịu nhỏ bỏ. Cỏ mọc tàng làng từ sân vô đến nền nhà, chứa có một đường mòn để dẫn bước vô tới thếm nhà mà thôi. Thềm cũng có vẻ ủ ê rũ liệt, hai trụ gạch ở ngoài đã lở lói ngã xiêu, mấy nấc than đã sụp hư từng chỗ. Cửa nhà trên đều đóng chặt, im lìm quạnh hiu. Trước quang cảnh rõ ràng điêu tàn và hình như vô chủ ấy Quí chẳng khỏi bâng khuâng buồn tủi, nên đứng dưới thềm giọt lụy tuôn rơi.

Thình lình con chó mực ở trong nhà bếp chạy ra sủa om sòm, mới xé được cái màn im lìm vắng vẻ mà pha một tia sanh hoạt.

Quí bước mạnh lên thềm, tiếng giày nện trên gạch nghe lộp cộp. Chú Tiền, một người tớ thâm niên, vẫn ở trần trùi trụi, nhưng bây giờ đã có râu mọc lơ thơ, chú ló ra cửa bếp mà hỏi: "Ai đó?" tiếng pha với tiếng chó sủa. Quí nhìn biết người tớ xưa, nên không đáp, cứ đi thẳng lại cửa nhà bếp.

Chú Tiền đứng ngó trân rồi hỏi lớn:

- Úy ! Cậu ba phải không?

- Phải.

- Cậu ba về !. . . Cô hai ơi, cậu ba về.

Quí đã bước vô cửa.

Mỹ mặc quần vải trước kia là mầu đen mà bây giờ là mầu mốc, với áo túi trắng có vá trên vai hai miếng vải ngà ngà, cô đương ngồi ở nhà trên, dựa cửa sổ trở ra sau vườn, mà kết nút áo, cô nghe xao xiến thì bỏ kim lật đật chạy ra dòm. Ngó thấy em, cô mừng quýnh, nên chỉ la một tiếng: "E...m!", rồi đứng trân trân, không nói được nữa. Quí cũng la: "chị h. . a. . i" rồi xách giỏ đi thẳng lên nhà trên.

Chú Tiền theo mở cửa nhà trên, Quí để giỏ trên ván. Mỹ ngồi bên giỏ mà hỏi:

- Em đi đâu mà biệt tích vậy em?

- Đi làm ăn.

- Chắc hết rồi, em về đây có thấy mặt cha nữa đâu !

- Em ghé trong ngã ba, dì Ba nói cho em hay rồi.

Mỹ ngổi khóc thút thít.

Quí bước lại bàn thờ, kiếm hết hai bàn mà không cô một cây nhang, Quí lắc đâu thất vọng, song cứ cúi lạy trước hai bàn thờ, không cần đốt đèn nhang chi hết. Lạy rồi Quí đứng im mà lâm râm nói thầm hồi lâu rồi lui ra, cởi áo bành tô bỏ trên ván và ngồi ngang chị mà hỏi:

- Dì đi đâu?

- Thì cũng đi đánh bài hoài, đánh đâu phía ngoài chợ.

- Còn thằng Sen.

- Nó vô đâu trong trường gà.

Chú Tiền tiếp nói: "Mùa gà thì cậu Sen đeo theo mấy trường gà, bao giờ chịu ở nhà". Quí châu mày, nghiêm nét mặt. Mỹ thủng thẳng nói:

- Mấy bữa cha đau nặng,có lẽ cha biết sẽ qua đời hay sao nên cứ nhắc em hoài.

- Lúc cha nhắm mắt có chị tại đó hay không?

- Có. Cha tắt hơi trên tay chị.

- Cha có trối lời gì hay không?

- Cha ngó chị cha khóc, rồi kêu tên em chớ không nói chi được. Mà cha có ngoắc dì với Sen lại gần, rồi chỉ chị mà biểu phải thương chị.

Chú Tiền tiếp nói: "Lúc ông đau, tôi ràng một bên đặng lo cơm cháo thuốc men cho ông. Ông có than với tôi không biết cậu ba ở đậu đặng đánh giây thép kêu về cho ông thấy mặt. Tội nghiệp quá, ông nhớ cậu lung lắm".

Vì đã biết trước việc nhà rồi, nên nãy giờ về nhà Quí tỉnh táo. Bây giờ nghe được lời cha và hiểu được ý cha, trong lúc cuối cùng, thì Quí cảm xúc, không dằn nữa được, nên khóc rống lên. Mỹ cũng khóc với em. Có lẽ chú Tiền thấy cảnh buồn thảm như vậy thì đau lòng, không vui mà tham dự nữa, nên chú bỏ đi xuống bếp.

Chị em Quí khóc với nhau một hồi rồi Quí biểu chị dắt đi viếng mả cha. Chị em bận áo, Quí đội nón, Mỹ đội khăn, rồi đi ra cửa. Mỹ kêu chú Tiền mà dặn coi nhà.

Quí ngó chú Tiền vừa cười vưa nói:

- Tôi không dè chú còn ở đây. Tôi tường chú đã thôi rồi chớ.

- Trước khi mất, ông có biểu tôi cứ ở đây....

- Cám ơn chú.

- Ở quen rồi mà bỏ đi ở chỗ khác nghĩ cũng tủi.

- Chú là người trung thành, thuần hậu. Trời sẽ ban phước cho chú. Chắc chắn như vậy.

Chú Tiền cười bịt hạt, tay rờ mấy sợi râu và cười và hỏi: "Phước gì bây giờ? "

Nghe lời thiệt thà ấy. Quí cũng tức cười mà đáp:" Chú muốn phước nào trời ban phước nấy. Mà dầu chú không ước mong điều gì hết, thì trời cũng cho chú sung sướng ngày già. Thôi chú coi nhà, để chị em tôi đi thăm mồ mả một chút "

Mỹ dắt Quí ra gò mả mà chỉ mộ cha, một vùng đất nằm dài bên mộ cha mẹ, đứng suy niệm tiên nhơn, rồi ngồi bẹp trước mộ mà nói: " Cha nghèo em không giúp được, cha buồn em không làm vui được cha đau em không nuôi bịnh được, cha chết em không có mặt được, thế thì em đã lỗi đạo làm con, lỗi hết rào. Nhưng mà nếu cha ở dưới Cửu tuyền cha thấu hiểu được tâm sự của em, thì có lẽ cha cũng dung thứ cho em, chớ không nỡ chấp".

Mỹ ngồi lại một bên em mà nói:

- Em về, chị mừng quá. Em đi chẳn 12 năm, không có tin tức, nên chị lo sợ hết sức, nghi em đã mất rồi. Té ra chị em còn gặp nhau. Em làm ăn khá hay không? Có vợ con hay chưa?.

- Để rồi em sẽ thuật chuyện của em cho chị nghe, không gấp gì. Chị thấy em thế nào cứ tưởng em như vậy, là đủ rồi. Em muốn biết đời sống của chị ở nhà, biết cho tường tận. Dì Ba đã thuật sơ cho em nghe rồi, song em muốn hỏi lại cho rành rẽ. Em đi rồi, cha muốn gả chị cho thầy giáo trên Giồng Ké phải không?

- Phải.

- Tại sao họ cây mai nói rồi họ không cưới?

- Tại cha bán ruộng chớ sao. Người ta muốn cưới chị, là vì thấy cha đứng bộ ruộng, chắc sau chị sẽ có phần ăn, nên người ta mới cậy mai nói. Chừng nghe cha mắc nợ nhiều quá, ruộng đất bán hết phân nửa, nên người ta hồi hôn, chớ có chi đâu?

- Khốn nạn qua! Thầy giáo đó tên gì?

- Tên Lễ.

- Không cưới chị rồi có cưới người khác hay chưa?

- Chị không hiểu.

- Ví như chưa cưới người khác, bây giờ xin cưới chị thì ưng hay không?

- Ai thèm.

- Sao vậy?

- Con người chỉ biết bạc tiền, không kể nhơn nghĩa, không trọng liêm sỉ, có ra gì mà cần họ. Chị nhứt định không thèm lấy chồng nào hết.

- Phải lấy chồng đặng thân chị được sung sướng một chút, lẽ nào chị đành chịu cực khổ mãn đời như vậy sao?

- Có cực gì đâu em.

- Thân chị như đầy tớ, sao chị lại nói không cực.

- Ở trong nhà làm công việc nhà chớ cực giống gì.

- Nếu em chết mất, em không về đây, chắc chị cũng ở đây tới già sao?

- Vậy chớ đi đâu? Chị em thì ở với nhau; không lẽ bỏ em mà đi ở với người dưng.

- Thằng Sen nó có thương chị hay không?

- Có lẽ nó cũng thương chớ?

- Sao chị lại nói "có lẽ"?

- Chị là chị nó. Chị thương nó, lẽ nào nó không thương chị.

- Chị thương nó lắm hả?

- Nó là em út. Em đi rồi thì có còn có một mình nó.

- Hồi ra đi, em có xin chị thương nó. Chị không trái ý em, thiệt em vui lắm. Còn đối với chị, dì Ba ăn ở thế nào?

- Cũng vậy, như hồi em có ở nhà.

- Cha mất rồi, mà dì vẫn khắc khổ với chị hoài như vậy hay sao?

- Tại tánh dì như vậy mà, đổi sao được em. Dì hay la rầy, chớ không khắc khổ chi lắm. Chị quen rồi cũng không hại gì.

- Chị là Phật bà, nên không biết giận hờn gì hết, giỏi quá!

- Chị tập tánh ý quen rồi, chị không thèm buồn việc gì hết mà cũng không muốn giận ai hết em ạ.

- Chồng chê không phiền, mẹ ghẻ khổ khắc không tức, em đày đọa cũng không giận, rõ ràng chị là Phật sống.

- Chị có phải tiên Phật gì đâu em. Chị nghĩ phiền giận khóc than vô ích mà chỉ làm cho mình ốm đau thắt thẻo ruột gan mà thôi, nên chị không thèm để ý những ai làm cho chị phiền giận hết.

- À, chị Hai, thầy Nhứt Vĩnh còn dạy ở đây hay không chi?

- Không. Thấy hưu trí hồi năm ngoái, nghe nói thầy về ở đâu dưới Trà Vinh.

- Không biết thầy khá hay không?

- Chị không hiểu được. Nghe như thầy có người con học ngoài Hà Nội, cách mấy năm trước thi đậu về dạy học bên Mỹ tho.

Chị em nói chuyện tới xế mát mới dắt nhau trở về nhà.

Sen ở trưởng gà về hồi nào không biết, mà Quí bước vô nhà thì thấy Sen mặc quần với áo thung vàng, đương ngồi mang giày đá banh.

Sen thấy Quí thì cứ ngồi mang giày như thường, chỉ ngó anh mà cười và hỏi:"Anh mới về anh ba".

Quí đứng nhìn em, trề môi lắc đầu, rồi nghiêm nét mặt mà hỏi lại "Tao bỏ nhà đi làm ăn cực khổ trót 12 năm. Nay tôi về. Mầy mừng tao như vậy đó hợp tình huynh đệ, nghĩa đồng bào lắm hả!"

Sen mang giày xong rồi, vừa nghe anh bắt lỗi thì đứng dậy muốn đi và cùng quằng đáp:

- Vậy chớ mừng sao nữa?

- Mầy đi gà về, có lẽ chú Tiền đã cho hay tao về chớ? Có không?

- Có.

- À! Lẽ thì mầy phải đi kiếm mừng tao liền. Chú Tiền chắc có nói với mầy rằng tao với chị đi thăm mộ cha chớ. Chú có nói không?

- Có.

- Ừ. Mầy không đi kiếm mừng tao, mà cũng không ở nhà chờ tao về. Mầy lại thay đồ tính đi đá banh. Cử chỉ của mầy như vậy chứng rõ mấy không có tính nghĩa với anh mầy một chút nào hết. Mầy biết lỗi mấy chưa?

Sen xụ mặt, không trả lởi.

Quí nói tiếp: "Bây giờ cha đã mất rồi. Tao là anh lớn, tao thế quyền cho cha. Từ rày sắp tới mầy phải tuân lịnh tao. Hiện giờ mầy phải ở nhà cho tao hỏi việc nhà, không được đi đá banh. Kể từ ngày mai, mầy không được đi đá gà nữa. Tao cấm tuyệt sự ấy, ăn no rồi đi đá gà, hết gà rồi đi chơi, làm trai như mầy không hổ hay sao? A lê, đi thay đồ cho mau, thay đồ đặng tao có công chuyện hỏi mầy"

Sen ríu ríu đi vô buồng thay đồ, không dám chống cự, nhưng sắc bất bình lộ khắp mặt mày bộ tịch.

Mỹ lo sửa soạn nấu cơm chiều, ôn lại mấy phẩm thực, thì chẳng có chi xứng đáng dọn bữa cơm mừng em, nên đương tính trong trí coi có phải làm thịt một con gà không mà như phải làm thì làm con gà nào, con gà mái tơ gần nhảy ổ hay là làm một con trong bầy gà nhỏ mới đúng giò.

Quí cởi áo bành tô móc trên gạc nai, rồi lấy nón máng luôn trên đó nữa. Thấy chú Tiền đương quét nhà, Quí mới biểu:

- Chú Tiền, chú làm ơn quét dọn cái phòng ở chái trên cho sạch sẽ giùm đặng tôi nghỉ, dọn y như hồi trước, chú nhớ không?

- Tôi quét dọn rồi, cậu ba à. Hồi trưa cậu ra ngoài mộ, tôi ở nhà tôi lo việc ấy xong rồi hết. Tôi đem hoa ly của cậu tôi để trong phòng, cậu vô đó má thay đồ.

- Tôi có cái giỏ mây, chớ có hoa ly đâu.

- Tôi nghe họ gói cái đó là hoa ly nên tôi bắt chước ...Hoa ly mây.

- Không. Giỏ mây, chớ không phải hoa ly. Tôi chưa có thể sắm hoa ly được. Chú hiểu không?

Không biết chú Tiền, hiểu thế nào mà chú chẳng miệng cười hịt hạt và đáp:

- Giỏ hay hoa ly cũng vậy, thứ nào cũng để đựng quần áo, miễn kín đáo thì thôi, nhứt là cần có đồ ở trong, chớ phía ngoài tốt hay xấu cần gì đâu.

- Chà chà, năm nay chú nói giọng triết lý nghe thông quá!

- Triết lý gì?. . . Tôi không hiểu.

- Chú không hiểu nổi đâu.

- Cậu đi thay đồ đi, thay đồ cho mát mà chơi, bận đồ đó coi nực quá.

- Không. Đồ nầy mát lắm chớ.

- Tôi quét giường, trải chiếu, có để gối cho cậu nằm nghỉ. Ngặt nhà không có mùng, không biết làm sao.

- Không có thì thôi. Chú đừng lo.

- Để bà về, tôi thưa với bà kiếm mùng cho cậu ngủ chớ.

- Không cần. Tôi ngủ trần quen rồi. Tháng này có muỗi mòng gì đâu mà phải có mùng.

- Cậu dễ quá. Lớn rồi mà tánh ý cũng còn vậy hoài. Ngộ quá.

- Chú lầm. Tôi đổi tánh nhiều lắm. Để tôi ở ít bữa tôi chú sẽ thấy.

Hai người ngó nhau mà cười, cái cười chơn chất thương yêu, dan díu.

Quí đi thẳng lại chái trên và vô phòng của mình ngày xưa mà coi. Chú Tiền đi theo nói: "Tôi có để cái bàn nhỏ của cậu ngồi học hồi trước vô phòng nữa, để cho cậu sắp đồ vặt"

Quí gật đầu, bước lại đứng dựa cửa sổ ngó ra vườn, rồi trở ra đi khắp hết nhà trên mà coi từ ngoài tới trong.

Sen đã cởi bộ đồ đá banh ra rồi, bây giờ mặc bồ đồ vải trắng, chưng mang guốc sơn, đầu chải láng mướt, ra đứng dựa lan can ngoài hàng ba mà hút gió, dường như không có anh về trong nhà.

Coi hết nhà trên rồi, Quí xuống nhà dưới. Mỹ vui vẻ ngó em, kêu chú Tiền mượn rượt bắt giùm con gà mái tơ. Quí không cản ngăn, để chị thong thả sắp đặt cách ăn mừng tái hiệp, nên bỏ đi thẳng ra ngoài vườn, nhìn lại cảnh cũ dấu xưa.

Cặp cu đất đậu trên ngọn tre đương hiệp nhau mà gáy, thuyền chở lúa đi ngàng qua dưới sông, trạo phu cất tiếng hát du dương. Quang cảnh mà Quí đã từng nghe thấy hồi nhỏ, bây giờ lại diễn trước mắt như xưa, diễn một cách rõ ràng, lại có pha trộn ít nhiều thú vị, làm Quí đã lịch duyệt nhơn tình cao thấp, mùi đời đắng cay, nên không khỏi lộ ngoài miệng một nụ cười, cười chán nản, hay cười khinh ngạo, duy Quí biết mà thôi, chớ ngoại nhơn không thấu hiểu được.

Trở vô nhà, Quí thấy Sen sớ rờ thì hỏi:

- Ở nhà em có đi học hay không?

- Có.

- Học đến bực nào?

- Học trường Càng Long đây.

- Có bằng Sơ học hay không?

- Có đi thi mà không đậu.

- Sao không đi học nữa?

- Cha mất rồi má bắt ở nhà.

- Nếu vậy em thôi học đã 5 năm rồi? Ở nhà em làm việc gì?

- Có việc gì đâu mà làm?

- Tại không muốn đi làm, chớ sao không có việc. Dọn dẹp vườn tược cho sạch sẽ, trồng khoai tỉa đậu, làm việc nhà. Tại sao không làm những việc ấy, để vườn như đất hoang, bỏ nhà gần sụp đổ, mà đi theo gà như vậy hử?

Sen đứng buồn xo, không trả lời được.

Quí nói tiếp: "Từ rày sắp lên em phải làm việc, không đước phép đi du hí hay là đi đá gà nữa. Luật trời đã định cho con người phải làm việc mới được ăn, ai không làm việc thì không được phép ăn cơm, qua sẽ chỉ công việc cho em làm"

Lúc ấy, Thị Mùi đi đánh bài vừa về tới. Bước vô ngó thấy Quí thì nàng chưng hửng nên nàng đứng khựng lại và hỏi:

- Quí hả?. . . Về bao giờ vậy?

- Dạ, tôi mới về hồi trưa. Dì ở nhà mạnh giỏi?

- Mạnh. Mầy đi đâu mất biệt mười mấy năm vậy hử?

- Thưa, đi làm ăn.

- Làm ăn ở đâu mà không chịu về, đến nỗi cha mầy mất, mầy cũng không thấy mặt.

- Tôi ở xa quá không hay cha mất, mà dầu có hay cũng không về kịp.

Thị Mùi ngó cái quần vàng cũ, áo sơ mi rách và đôi giày mòn của Quí rồi đi vô trong cất dù, vừa đi vừa nói: "Làm ăn ở đâu cũng làm được, cần gì phải đi xa"

Quí đứng ngó theo mẹ ghẻ mà cười, thấy thân thể vẩn còn tráng kiện, y phục vẫn lành mạnh như xưa, nhưng da mặt đã dùn, mái tóc đã điểm bạc nhiều ít.

Thị Mùi đã thay áo dài mà mặc áo bà ba lụa trắng, rồi ra ngồi trên ván ăn trầu.

Quí ngồi bên bộ ghế giữa day qua hỏi:

- Năm nay dì có làm ruộng hay không?

- Ruộng xa nhà quá, làm gì được.

- Dì đánh bài đủ ăn hay không?

Nghe hỏi tới ruộng thì Thị Mùi đã kém vui rồi. Lại nghe hỏi tới nghề bài bạc nữa, Thị Mùi thẹn thẹn, nên phiền ngay, song phải gượng mà đáp:

- Buồn quá nên đánh bài chơi chớ ăn thua gì.

- Tôi tưởng ăn thua nhiều chớ. Có người thua đến bán ruộng bán nhà, chớ có phải chơi đâu.

Thị Mùi châu mày lặng thinh một chút, rồi dường như muốn dọ ý Quí nên chậm rãi hỏi:

- Mày về đây ở là về ở luôn hay là về thăm nhà rồi đi nữa. ?

- Việc ấy tôi chưa nhứt định. Để thủng thẳng tôi liệu coi như ở đây có thể làm ăn được thì tôi ở nhà luôn. Còn như không có bề thế làm ăn, thì tôi sẽ đi nữa, đi kiếm việc làm.

- Ở đây có nghề gì làm ăn được đâu?

- Có lẽ lập tiệm buôn bán được. Để tôi nói với bà con trong làng coi như có ai chịu giúp vốn cho tôi vài trăm, tôi sẽ mướn phố ngoài chợ ở hoặc hớt tóc hoặc bán hàng vặt.

- Vốn ít trăm mà buôn bán gì được.

- Ban đầu làm nhỏ, rồi sau sẽ mở lớn. Chớ muốn làm lớn, phải vay hỏi đến đôi ba ngàn, sợ người ta không cho.

- Ở đây vay hỏi cũng khó lắm.

- Mình vay bạc, thì mình chịu lời cho họ. Mình có vốn làm ăn, mà họ có lợi, thế thì có chi đâu mà khó. Chớ chi mình vay tiền để bài bạc, thì họ sợ là phải.

Những tiếng "bài bạc" của Quí nói đi nói lại hoài làm cho Thị Mùi khó chịu, nên bỏ đi xuống nhà dưới, không muốn nói chuyện nữa. Quí thấy mình chọc mà mẹ ghẻ biết nhột thí đắc ý nên chúm chím cười, rồi đứng dậy đi ra ngoài sân, ngắm tứ phía, ngó cái sân, ngó tòa nhà, ngó cửa ngõ, đi thơ thẩn, sắc bàng hoàng dường như suy nghĩ một việc chi quan hệ khó khăn lắm vậy.

Bây giờ đã chiều rồi. Mặt trời đã xuống khuất vuông tra phía ngoài lộ, trước sân đã mát rượi, ngọn gió chướng lại cất thổi lao xa. Dưới mẫu trâu bò thả ăn từng bầy, mấy đứa chăn hoặc ngồi trên lưng trâu, hoặc đứng dưới bờ mẫu, lý hát inh ỏi.

Mỹ làm thịt gà xào nấu rồi dọn cơm chiều. Chú Tiền ra mời Quí vào ăn cơm. Thị Mùi với Sen đương đứng nói chuyện, nói lầm thầm rồi đưa tay ra dấu, thấy Quí bước vào mẹ con liền dang ra.

Quí tươi cười nói "Mời dì với em Sen đi ăn cơm"

Tiếng mời của Quí nghe dịu ngọt lại hiệp lẽ lắm, nhưng nó có hàm súc một ý nghĩa kín, là chủ mời khách, có lẽ vì nghĩ đến chỗ đó nên Thị Mùi khó chịu muốn nói mà không có lời, muốn giận mà không có ớc, nên dằn lòng làm vui đi với Sen xuống nhà dưới mà ăn cơm.

Cũng còn theo thói hồi trước, Mỹ coi dọn rồi ăn sau, chớ không chịu ngồi ăn một luợt. Quí bất bình nên nói cứng cỏi: "không được. Chị không phải đầy tớ mà ăn sau, từ rày sắp lên chị ăn trên ngồi trước hai em, vì chị là lớn. Đây, chị lại ngồi đối diện với dì đây. Em ngồi sau, đối diện với Sen; ngồi cho có thứ tự coi mới được"

Mỹ dục dặc nhưng liệu không thể khang cự với lời cương quyết của Quí, nên phải làm theo ý em muốn.

Thị Mùi càng thêm khó chịu với lời cương quyết với cách mạnh mẽ của Quí, nhưng quyết dằn lòng để dọ coi, nên cứ ngồi lại mâm cơm và hỏi Mỹ:

- Làm gà hay sao?

- Dạ, không có đồ ăn nên tôi làm gà cho thằng ba ăn.

- Làm con gà nào vậy?

- Thưa, con gà mái tơ.

- Con gà máy in là nó muốn nhảy ổ.

- Bầy gà giò còn nhỏ quá.

Quí ngồi ăn vui vẻ, nói nói cười cừơi, khen thịt ngon, nhớ cá nướng trui, nhắc bò tái mướp, không để ý tới sắc mặt đầm đầm của mẹ ghẻ và bộ tướng bất mãn của em Sen.

Sen gắp miếng thịt gà mà thấy dĩa muối ớt đã hết, bèn kêu Mỹ biểu đi lấy thêm. Quí chận mà trách: "Mầy phải tập lại tánh cho trúng lễ nghĩa. Chị Hai là chị cả, chớ không phải là đầy tớ của mầy mà mây được phép sai khiến. Chị Hai chịu cực nấu cơm đã quá rồi. Ngồi ăn nếu có cần dùng thứ chi, thì mầy phải chịu khó đi lấy thêm mà dùng, đừng có nhọc lòng chị Hai nữa. Làm người phải ăn ở cho hợp lễ nghĩa, phải biết trọng tôn ty, mới khỏi mang tiếng thất giáo."

Mỹ buông đũa đi làm thêm muối ớt, vừa đi vừ nói: "Để chị đi làm, nó là con trai biết đâm muối ớt bao giờ đâu".

Thị Mùi chúm chím cười, cái cười khinh khi, ngạo báng, và nói cái giọng gay gắt cao kỳ: "Ở trong nhà hơi nào mà giữ lễ nghĩa. Chị em chịu khó với nhau mà hại gì"

Quí cương quyết đáp:

- Thưa dì, đã đành thương nhau, phải chịu cực với nhau. Nhưng bánh sáp đi thì bánh quy phải lại, có vậy mới công bình, chớ bánh sáp đi hoài, mà bánh quy không lại, thì bất công. Còn lễ nghĩa là điều cần ích của con người, nhờ giữ lễ nghĩa con người mới khác cầm thú.

- Không chắc.

- Thưa chắc lắm

- Thấy có người, hễ mở miệng là nói lễ nghĩa, mà họ có ra gì đâu.

- Nếu bữa nay họ chưa " ra gì", thì ngày mai họ sẽ " ra gì" trời không phụ họ đâu, xin dì đừng lo.

Thị Mùi cười ngạo, không cãi nữa.

(15)

Sáng bữa sau, mặt trời đã mọc rồi mà Thị Mùi cũng như Sen, hai mẹ con vẫn còn an giấc.

Mỹ gở đầu thay áo đặng đi chợ mua ăn.

Quí trong phòng bước ra đi chơn không, mình mặc cái quần vắn bằng bố xanh cũ mèm với một cái áo thun giả có rách sau lưng vài lỗ, cổ quấn khăn lông cũng cũ. Thấy chị sửa soạn bận áo dài thì hỏi:

- Chị sửa soạn đi chợ phải không?

- Ừ, đi mua đồ ăn.

- Có tiền hay không?

- Có. Dì đưa hồi hôm.

- Trước khi đi, chị kêu giùm thằng Sen thức dậy đặng em chỉ công việc cho nó làm.

Quí đi xuống nhà dưới kiếm nước rửa mặt. Mỹ lật đật đi theo lấy thau múc nước cho em.

Mỹ đứng cài nút áo mà coi Quí rửa mặt. Mỹ thấy em, tuy y phục lam lũ, mặt và .. tuy bị nắng táp nên nám đen, song hai bàn chân trắng hồng, móng tay cắt sạch, còn trên đầu thì tóc hớt thiệt khéo. Mỹ nhìn cùng hết rồi vui thầm, biết em mình đi làm ăn dầu không được vui sướng, chớ cũng không đến nỗi cực khổ vất vả.

Qui lau mặt rồi lấy một cái luợt nhỏ trong túi quần ra mà chải tóc. Liếc thấy chị đương đứng nhìn mình thí Quí cười và thôi thúc: "Chị kêu giùm thằng Sen dậy rồi đi chợ đi, kẻo trưa".

Mỹ đi lên nhà trên.

Quí thấy chú Tiền đi ngàng nhà thì nói: " Chú Tiền, bữa nay anh em tôi sẽ phụ với chú mà dọn dẹp sân và vườn cho sạch sẽ. Đợi Sen dậy rồi tôi chia công việc cho mỗi người. Chú kiếm cuốc, xuổng dao, mác đem ra để ngoài sân cho sẵn đi, đặng chúng ta ráp làm việc"

Chú Tiền đi lấy klhí cụ, Quí đi thẳng ra sân, thấy dáng Sen thức dậy, đương đi sật sừ trong nhà thì kêu:"Sen a, rửa mặt riết đi, rồi ra đây cho qua biểu"

Chú Tiền ôm ra hai cái cuốc với hai cái mác, Sen rửa mặt rồi cũng ló ra, Quí thấy Sen mặc bộ đồ vải trắng thì nói: "không được. Em phải vô thay đồ cũ mà bận. Như không có đồ bận thì bận đồ đá banh cũng được. Làm cỏ chớ không phải đá gà hay là đánh bài đâu mà bận đồ mới".

Sen cũng quằng trở vô, tuy bất bình song không dám trái lịnh. Một lat Sen ra lại, bây giờ mặc đồ đá banh, song chân mang guốc. Quí biểu bỏ guốc rồi kêu lại gần mà nói, có chú Tiền đứng một bên: "Qua về đây, qua thấy nhà bỏ xập xệ, còn từ trước ra tới sau vườn, thì cỏ mọc lan đền nền nhà, chẳng khác nào nhà vô chủ ở trong miếng đất hoang.

Qua thấy vậy qua đau lòng quá, chịu không được. Người ta thường nói nghèo cho sạch rách cho thơm. Dầu bây giờ anh em mình nghèo đi nữa, mình cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ tử tế. Nếu mà mình có tiền dư thì mình mướn năm ba người giúp chú Tiền mà dọn dẹp trong năm bảy bữa chắc xong. Ngặt anh em mình không có tiền mà mướn người ta, vậy anh em mình phải ra công mà làm, mình làm dở thì mười bữa hoặc quá lăm là một tháng rồi cũng được. Em phải ráng làm với qua và chú Tiền, làm việc nhà không ai chê cười đâu mà sợ. Bây giờ lo dọn dẹp cái sân cho sạch sẽ. Nhổ cây bắp khô cho trống, dẫy cỏ cho sạch hết rồi giăng dây làm bồn tròn bồn vuông cho vui mắt. Dọn sân rồi mình dọn mé nhà bếp để trồng rau, trồng ớt, trồng cải trồng hành mà ăn cho khỏi mua.

Còn sau vườn lúc nầy trời nắng cỏ đã chết rồi, nhưng còn rải rác những cây tạp nạp mọc tràn lan. Mình đốt hết những cây bậy đó đi, đào gố cỏ khô cho tuyệt giống, dọn dẹp cho trống trải bằng thẳng đặng trời sa mưa mình tỉa đậu trồng bắp cho giáp vườn.

Vuông tra mình cũng phải sửa lại. Trước hết phải rút chà gai, đốn gốc mục, đem bùn bồi dài theo mấy hàng tre, đào mương phía trong cho sâu lám như vậy tre mới phát. Nầy chú Tiền, chương trình của tôi sắp như vậy đó, cứ theo đó mà làm tới. Để trồng tỉa cho có huê lợi, hoặc đợi mùa lúa tới thâu lúa ruộng hương hỏa rồi tôi sẽ tính tới việc tu bổ nhà. Thôi bây giờ ráp làm việc. Sen em nhổ hết những cây bắp khô mà để đống lại đi. Việc ấy nhẹ nhàng em làm được, để qua với chú Tiền nhổ cỏ. "

Quí nói dứt lời liền lấy một cái cuốc đi thẳng vô thềm nhà rồi bắt đầu từ đó mà cuốc ra.

Chú Tiền thấy Quí hăng hái, hễ nói là làm, chú chúm chím cười, rồi cũng lấy cuốc mà cuốc cỏ với Quí.

Sen từ nhỏ chỉ biết ăn, ngủ và đi chơi, chưa hề hạ mình và ra sức làm việc lao động, nên nghe lời anh chỉ dạy thì không vui chút nào; nhưng thấy Quí đã mạnh dạn cầm cuốc mà cuốc cỏ cũng như chú Tiền, liệu không thể đứng ngó hay bỏ đi chơi được, cực chẳng đã Sen phải lại đám bắp mà nhổ cây bắp khô, mặc dầu lòng không thỏa thích nên làm không sốt sắng, nhổ bắp mà nhổ một tay cây nào trốc là may, cây nào chắc gốc thì trì kéo cù lơ cù dựt.

Quí dòm thấy thì kêu mà nói: "Ê, Sen! Làm cho mạnh mẽ chớ, nhổ hai tay thử coi nào! Làm việc sao mà yếu ớt như con gái vậy? Con trai phải cứng cỏi lanh lẹ mới được mình là thể thao gia, mình không được phép làm thẹn cho sắc phục thể thao chớ"

Sen vứa giận vừa thẹn ráp cả hai tay mà nhổ bắp, nhổ lẹ làng mạnh mẽ, nhổ đâu bỏ đó, tính nhổ sạch sẽ hết rồi sẽ gom đống.

Quí thấy lời khiêu khích của mình đã hiệu quả thì gật đầu và ngó chú Tiền mà cười.

Những tiếng om sòm rần rạc ngoài sân làm cho Thị Mùi không thể ngủ nán được, bởi vậy bà thức dậy bước ra cửa mà dòm. Bà thấy Sen hè hụi nhổ bắp, làm như hạng nông phu thì bà bực tức, nhưng thấy Quí cũng cuốc cỏ, xốc bụi cát bay lên tưng bừng như lục lộ ngoài đường, thì lòng bực tức ấy yên tĩnh lần lần, rồi bà ngoe ngoẩy bỏ đi rửa mặt.

Mỹ đi chợ về thấy hai em làm việc thì đứng lại mà coi. Sen nhổ bắp hết rồi, đương sắp đống dựa bờ tre. Chú Tiền với Quí cuốc cũng đã sạch cỏ được gần phân nửa sân vì cỏ mọc trên cát nên dễ cuốc, lại nhờ tháng nắng cỏ chỉ còn từ khóm từ chòm nên làm không nặng công lắm.

Mỹ bưng rổ đi vô nhà bếp vừa đi vừa nói: "Hai em dọn sân mệt nhọc chắc đói bụng sớm. Vậy để chị nấu cơm riết cho mà ăn. "

Quí thấy Sen dọn đám bắp xong rồi, thì kêu mà biểu lấy mác đốn bỏ bụi keo tây vô duyên đứng xớ rớ gần cửa ngõ. Vì không quen lao động, nên Sen làm việc mà mồ hôi tuôn ra mặt ướt dầm. Trước thái độ cứng cỏi mà vui vẻ của Quí, sự tức giận của Sen lần lần tiêu tan mà nhường chỗ lại cho sự hăng hái nhậm lẹ, là tánh tự nhiên trời phú cho hạng thanh niên.

Sen chặt cây keo vài cái, nhưng không quen đốn cây, lưỡi mác cứ lãi hoài, liệu thế làm không kham, mới đổi với chú Tiền đặng cuốc cỏ, để chó chú đốn keo.

Quí với Sen bây giờ đứng gần nhau mà cuốc cỏ, Quí muốn an ủi em, nên vui vẻ hỏi:

- Làm việc phải vui hay không em?

- Vui.

- Ừ, cần lao nó có cái thú vui đặc biệt, nhờ thú vui ấy nên hạng lao động mới sống được. Thú vui ấy nó cũng nồng nàn, khoẻ khoắn như thú vui theo thói cờ bạc hay chơi bời, nhưng nó cao thượng hơn, vì nó làm phấn khởi tinh thấn của mình, mà nó cũng hữu ích, vì nó không làm mất tiền, trái lại nó có thể dựng sự nghiệp nếu mình siêng năng kiên nhẫn. Em ráng tập cần lao cho quen, rồi em sẽ thấy thú vui của nó. Mà hễ em biết vui thú cần lao rồi, tự nhiên em ghét chơi bời, bài bạc, dâm dật, xa hoa.

Muốn chọc em nói chuyện, mà thấy Sen cứ lặng thinh. Quí bèn hỏi:

- Làm việc từ hồi sớm mai đến giờ em mệt hay chớ?

- Chưa.

- Hứ !Phải thành thiệt, đừng dối trá. Làm việc chưa quen hễ làm một lát thì đã mệt rồi. Ai cũng vậy, không có ai hèn mà phải thẹn, nên giấu giếm. Em có mệt thì ngồi nghỉ một chút cho khoẻ rồi sẽ làm tiếp.

- Thiệt em chưa mệt.

- Tốt lắm. Vậy thì cứ làm, chừng nào mệt thì nghỉ. Để rồi em coi, mình làm việc mệt, lát nữa ăn cơm ngon lắm.

- Em đói bụng rồi.

- Qua cũng đói nữa. Chị Hai đã biết mình sẽ đói, nên hồi nãy đã hứa lo nấu cơm sớm cho anh em mình ăn. Vậy mình chẳng nên thúc cơm mà làm rộn cho chị.

- -Mấy năm nay anh đi làm ăn, anh làm việc như vầy hay sao?

Thấy em đã bắt đầu nói chuyện, Quí mừng thầm nên vui vẻ đáp liền:

- Việc gì qua cũng có làm qua hết thảy.

- Vậy mà người ta nói anh ở bồi.

- Phải. Lúc nhỏ sức yếu, nên qua ở bồi. Chừng lớn lên qua làm tới việc nặng. Ở đời phải cực rồi mới biết khoẻ. Em còn nhỏ, qua muốn em cực như qua, đặng tập cho quen tánh siêng năng kiên nhẫn, mà đảm đương với đời.

- Thiệt từ nhỏ đến giờ em không có làm việc chi hết.

- Uổng lắm! Mà không trễ đâu. Em còn thì giờ mà tập làm việc. Biết làm việc rồi chơi mới vui em à.

- Phải, nhớ hồi nhỏ anh làm ná cho em bắn cu vui quá.

- Phải, Qua cũng còn nhớ chuyện đó. Nếu em nghe lời qua mà làm việc thì qua sẽ bày cho em nhiều cách chơi khác vui hơn.

Với gịong vừa thân yêu vừa khuyên dỗ của Quí, Sen không thể không cảm xúc. Đã vậy mà nghĩa đệ huynh đứt đoạnh mười mấy năm nay, bây giờ mới nối lại, Sen không thể không vui mừng. Sự phiền giận gây trong lòng Sen từ hôm qua, nhờ giọng thân với nghĩa huynh đệ ấy phá tan lần lần, bây giờ Sen hết sụt sè, hết cùng quẳng, mà lại dạn dĩ vui cười, mặc dầu mệt đổ mồ hôi, bụng đói thắt thẻo.

Thấy Mỹ bước ra kêu ăn cơm, Quí với Sen mừng rỡ, buông cuốc đi vô liền, thầm cám ơn chị nấu cơm mau, vui thấy chị em người lo trong, kẻ lo ngoài, hiệp nhau làm việc chung cho gia đình, cho cả ba chị em do một cha sanh ra.

Quí với Sen rửa mặt rửa tay rồi ngồi ăn cơm, vui cười hòa nhã.

Mỹ bữa nay cũng lại ngồi ăn chung, không đợi Quí biễu, và thấy hai em vui cười Mỹ rất đẹp ý.

Duy có Thị Mùi sắc mặt đầm đầm không vui, vì trong lòng phiền Quí nhiều khoản, phiền công kích bài bạc, phiền bắt Sen cuốc cỏ, nhứt là phiền cử chỉ tự tôn của Quí, hễ mở miệng thì lên giọng chủ nhơn ông, không kiêng nể uất hạ mình nữa.

Ăn cơm rồi, thấy trời nắng gắt. Quí biểu Sen nghỉ đến chiều mát sẽ làm việc nữa, để chú Tiền coi hốt cỏ đã cuốc rồi và dọn dẹp chỗ bụi kéo cho sạch sẽ.

Thị Mùi sửa soạn lấy dù mà đi. Quí liếc thấy liền hỏi:

- Thưa dì, vậy chớ dì tính đi đâu mà lấy dù đó?

- Đi ra chợ chơi.

- Thưa dì, nếu thiệt dì đi chơi thì tôi không dám cản. Còn nếu dì đi đánh bài thì tôi xin dì đừng đi.

- Tại sao mầy không muốn tao đánh bài.

- Tại nghề đánh bài đã làm hại cha tôi nhiều lắm rồi.

- Tiền của tao thì tao chơi, tao có biểu ai chịu tiền đâu mà nói tao làm hại!

- Xin lỗi dì, tôi lăn lộn trong trường đời mười mấy năm nay, tôi luôn luôn thấy thiên hạ giả dối tôi giận lắm, nên tôi tập tánh thành thiệt. Bất luận việc gì hễ tôi nói thì tôi cứ nói ngay bon, không chịu trớ trêu quanh quẹo. Dì nói dì đi đánh bài dì không có làm hại ai. Thưa dì, dì làm hại cha tôi nhiều lắm, trước kia vì dì đánh bài nên cha tôi mới nghèo, nghèo đến nỗi không cho tôi đi học được rồi còn mắc nợ mà tiêu tan sự nghiệp.

- Mầy đừng có nói như vậy. Cha mầy nghèo, mắc nợ là tại ổng đá gà đánh bài ổng thua chớ phải tại tao sao.

- Thưa, cha tôi cũng có thua, chớ không phải một mình dì. Tôi công nhận sự đó là sự thiệt. Nhưng mà nếu dí lo làm ăn, dì siêng năng tiện tặn, và khuyên giải cha tôi đừng chơi, thì gia đạo đâu đến nỗi suy sụp. Dì đã không khuyên giải, mà dì lại trưởng chí đổ bác cho cha tôi, rồi dì cũng chèo xuôi một mái, tại như vậy nên mới nguy đó. Sự ấy cũng là sự thiệt, dì chối sao được. Cha tôi chết rồi, lẽ thì dì phải tự hối mà bỏ tật cũ để lo làm ăn. Té ra dì cũng cứ đánh bài hoài, huê lợi ruộng hương hỏa của tôi năm nào dì cũng thua hết, bỏ chị tôi rách rưới, lại làm gương xấu cho em tôi nữa. Đánh bài nó kết quả như vậy đó, sao mà dì nói không hại?

- Cha chả! Bây giờ mầy về đây mấy bắt lỗi tao hà?

- Thưa dì, tại dì nói đánh bài không hại, nên tôi phải chỉ rõ chỗ hại cho dì thấy. Vì tôi quen tánh thành thiệt, nên lời tôi nói không làm cho dì vui, chớ không phải tôi bắt tội bắt lỗi. Tôi xin nói thêm rằng tôi về đây tôi thấy em tôi nó 20 tuổi rồi mà nó không biết nghề nghiệp chi hết, chỉ biết đi chơi với đá gà, ấy là tại nó noi theo gương của dì. Xin dì suy nghĩ lại, sanh con thì phải gíao hoá cho nó thành người đúng đắn chớ ai đành un đúc thành " bợm bài bạc" bao giờ.

- Quá rồi ! Hồi nãy mầy bắt lỗi tao, rồi mầy dạy khôn tao nữa. Tao ở với cha mấy hơn 15 năm, ổng chưa có nói nặng lời với tao lần nào. Mầy là con sao mầy vô lễ, mầy dám mắng nhiếc tao?. . . Ông Bồi ơi ! Ông đội mồ về mà coi nó hỗn ẩu với tôi đây nè!.

- Dì kêu cha tôi làm chi! Cha tôi uất ức nên hiện hồn biểu tôi về đặng việc nhà kẻo chị tôi khổ, em tôi hư, tại vậy nên tôi mới về, tôi nói thiệt cho dì biết. Tôi về từ trưa hôm qua, tôi thấy nhà cửa như nhà hoang, dì đi đánh bài, thằng Sen đi đá gà, chị Mỹ rách rưới lao khổ như con mọi. Thấy tình cảnh khốn nạn thiệt tôi muốn chết cho rồi. Mẹ tôi cần kiệm dư tiền mua được 25 mẫu ruộng để cho con thì bán mà nuôi mấy ông tướng. Ông nội bà nội tôi để lại một sở 13 mẫu, cha tôi chết rồi, chủ nợ thi hành cũng lấy tuốt. May còn được 12 mẫu ruộng hương hỏa chị tôi với em tôi còn có cơm mà ăn. Lại cũng nhờ nhà nầy là nhà thờ họ thi hành phát mãi không được, nên chị tôi với em tôi mới có chỗ mà ngủ. Mà ruộng hương hòa với nhà thờ đều thuộc tôi làm chủ. Cha tôi mất rồi, mấy năm nay dì thâu góp huê lợi của sở ruộng hương hoả, lẽ thì mỗi năm dì phải xuất ít chục bạc may quần áo cho chị tôi mặc lành lẽ với người ta, sao dì bỏ túi hết đặng đi đánh bài, bỏ chị tôi lang thang lưới thưới như vậy? Ông nội bà nội tôi lập ruộng hương hỏa để lại cho chị em tôi cúng quảy, chớ đâu có phải để cho dì thâu huê lợi đặng đánh bài đâu.

- Sở ruộng hương hỏa mỗi năm cho mướn có mấy trăm thùng lúa, bán mà đi chợ mua ăn hàng ngày không đủ, chớ phải nhiều nhõi gì hay sao mà nói tao giựt tao xài riêng.

- Có mấy trăm thùng lúa đó nếu đừng chơi bời biết cần kiệm, thì cũng đủ sống thong thả. Người ta không có gì hết mà người ta khéo lo thì người ta cũng được sung sướng thay. Tôi nói thiệt với dì, tôi về đây là vì tôi vưng theo ý cha tôi ứng mộng dạy tôi phải về mà sắp đặt việc nhà lại cho chị tôi hết cực khổ, em tôi hết ta bà. Vậy từ bữa nay tôi nắm quyền làm chủ nhà thờ với ruộng hương hoả. Ai ở trong nhà nầy đều phải tùng quyền tôi. Ai cũng phải làm ăn, không được chơi bời nữa. Tôi cấm nhặt không được bài bạc và đá gà. Nếu ai không chịu nghe lời tôi thì cất nhà riêng mà ở, rồi muốn chơi bời bài bạc tuỳ ý.

- Mầy muốn đuổi tao ra khỏi nhà nấy hảø?

- Không. Tôi không đuổi ai hết. Tôi buộc phải ăn ở tử tế, đừng chơi bời đánh bài mà thôi. Nếu dì bỏ được tật đánh bài, thì dì cứ ở đây với tôi. Tôi hứa tôi sẽ nuôi dì đến trăm tuổi già.

Thị Mùi tức giận cành hông. Nãy giờ muốn xách dù mà đi, nhưng nghe Qúi nói gắt quá nên không dám đi đánh bài, còn muốn cãi lẽ thì nói không lại miệng Quí. Chị ta bực mình bỏ đi vô buồng mà nằm.

Quí biết tâm lý, thấy vậy thì hiểu mình đã thắng được bàn đầu rồi, nên bước ra ngoài sân chỉ công việc cho chú Tiền làm rồi trở vô nằm nghỉ.

Đến xế mát, Quí kêu Sen ra phụ với chú Tiền mà cuốc cỏ hốt rác nữa. Ba người làm tới chiều thì cái sân trứơc nhà sạch trơn. Chừng Mỹ ra kêu ăn ơcm, Quí đứng ngó cái sân và nói với Sen: "Em thấy chưa? Mình chịu cực mới một bữa mà nhà của mình bây giờ coi vui vui, hết cái cảnh hoang vu ưu tệ nữa. Vậy từ rày về sau em đừng thèm đi chơi bậy bạ nữa, cứ đồng tâm hiệp lực với qua mà lo làm việc, để đem sanh khí trở lại cho nhà mình, đặng anh em chung hưởng cái vui với nhau, cái vui ấy khỏi tốn hao mà nó lại thanh nhã hơn cái vui của trường gà hay sòng bạc"

Sen cười. Hai anh em dắt nhau đi tắm, Sen nói chuyện vui vẻ, chớ không phải quạu quọ như bữa trước.

Thị Mùi dậy ra ăn cơm chiều, chị ta ngồi mà sắc mặt đầm đầm, không nói mà cũng không ngó qua con ruột con ghẻ nào hết, dường như thù oán tât cả những người trong nhà.

Quí lại kiếm chuyện mà nói không ngớt, hỏi thăm Mỹ coi những người hồi trước thân thiết với cha bây giờ ai còn mất, rồi dặn Sen ngày mai sẽ làm tiếp những việc gì, tính dọn dẹp chung quanh nhà cho sạch sẽ, sửa chữa cửa ngõ lại cho coi được, rồi sẽ lo tới phía sau vườn đặng qua mùa mưa mà trồng khoai trồng bắp. Quí nói chuyện tự nhiên với chị với em, không nói động tới Thị Mùi nữa, làm như không kể có chị ta ngồi đó.

Ăn cơm rồi Quí rủ Sen đi ra lộ chơi. Anh em đi lên đi xuống nói chuyện. Quí chăm chú giảng giải em về tư cách con người ở đời phải tu tâm dưỡng tánh, phải tập ăn ở cho ngay thẳng, trong sạch, hiền lành, biết phân biệt phải quấy, hay dở, cao thấp, đặng tránh cái quấy, cái dở, cai thấp. Phải lo làm cho tròn phận sự đối với thân danh, đối với gia đình, đối với xã hội, đối với đất nước. Được giàu hay là chịu nghèo cũng vậy, phải biết thương người, phải ham làm việc, đừng thèm tham lam, đừng ham xa hoa, đừng sợ cực nhọc, đừng chịu dua nợ.

Người quen trong xóm ai thấy Quí cũng mừng, rồi hỏi về bao giờ, mấy năm nay đi đâu, làm việc gì, làm ăn có khá hay không. Quí vui vẻ trả lời với mọi người, cứ nói đi khắp xứ, làm ra đồng nào ăn hết đồng ấy, nên không khá mới trở về đây.

Trong mấy ngày sau, Quí cũng hiệp với Sen và chú Tiền mà cuốc cỏ hoang bang đất trong vườn, không nới ra khỏi nhà.

Thị Mùi cũng không đi đánh bài. Nhưng lục đục ở nhà được 3 bữa chị ta bực tức quá, mà không nói ra được đặng xả hơi cho bớt giận. Một bữa, lối nữa chiều chị ta bận áo đội khăn mà đi. Quí ngó thấy, nhưng làm bộ như không hay, biết mẹ ghẻ đi giờ đó là đi than phiền với người quen về sự con ghẻ hỗn hào ngang ngược, chớ không đi đánh bài.

Thiệt quả Quí định trúng ngay. Thị Mùi ra chợ Càng Long ghé nhà cựu Hương quản Đề là nhà chị ta thường tới đánh bài. Hôm nay thiếu tay nên gầy sòng không được, nhưng có Sáu Trừ với Tư Tàu đương ngồi nói chuyện với chủ nhà. Mấy người thấy Thị Mùi bứơc vô thì hỏi lăng xăng, người hỏi tại sao để chiều mới ra, người hỏi mấy bữa rày đi đâu mà vắng mặt.

Thị Mùi ngồi bí xị rồi thở dài mà nói: "Thằng Quí đó nó về nó kiếm chuyện nói xóc óc, làm cho tôi giận tôi nằm trong nhà chớ có đi đâu".

Vợ Hương quản Đề hỏi thằng Quí nào. Thị Mùi mới kể chuyện Quí về mấy bữa rày làm dông làm gió, trợn trạc rầy thằng Sen sao lo không làm ăn gì hết cứ đá gà đá banh. Nó lại băt lỗi bắt phải, dạy dại dạy khôn tới chị ta, nó nói tại chị ta làm cho cha nó mang nghèo mắc nợ phải bán hết ruộng đất. Nó làm phách đòi làm chủ nhà thờ và hương hoả, cả nhà đều phải tùng quyền nó, phải lo làm ăn, không ai được phép đi chơi, nhứt là đánh bài đá gà. Nó nói ai không chịu phục tùng nó, thì cất nhà riêng mà ở rồi thong thả muốn làm gì thì làm, chớ ở trong nhà nó thì không được chơi bời nữa.

Hương quản Đề nói:

- Cha chả! Thằng Quí nó về nó muốn đuổi bà đa. Nó đi ở bồi mười mấy năm nay coi bộ nó khá hay không?

- Khá giống gì. Thấy có cái giỏ mây nhỏ. Còn ăn bận thì như cu ly.

- Vậy mà đi đâu làm chi?

- Tôi ghét tôi không thèm hỏi.

Sáu trừ nói: "Nếu Quí buộc gắt, bà Bồi hết đi đánh bài được, chợ mình bị thiệt hại, vì mất hết một tay bài".

Tư Tào nói: "Quí là con ghẻ, nó có quyền gì mà cấm không cho bà Bồi đánh bài?"

Thị Mùi nói: "Ý nó nói như tôi muốn đi đánh bài thì đi chỗ khác mà ở, nó không cho ở trong nhà nó. Mấy bà con nghĩ coi nó ngang ngược đến bực nào. Cha nó cưới tôi về đó. Cha nó chết thì tôi ở đó mà phụng tự. Vợ chồng ăn ở có con chớ phải cặp xách gì hay sao mà nó đuổi tôi được, tôi không thèm đi đâu hết. Tôi ở đó với con tôi đặng đi đánh bài chơi. Nó giỏi nó đi kiện tôi tời đâu nó kiện ".

Hương quản Đề nói: "Không được đâu bà. Tôi thấy bà thất thế rồi. Bà cự không lại đâu. Bà làm bạn với ông Bồi, tôi nghe nói hồi đó làm sơ sịa, không có lập hôn thú. Ông Bồi mất, chớ chi bà có hôn thú thì bà là kế mẫu của các dòng con, bà được ở nhà thờ, được góp huê lợi hương hỏa mà cúng ông bà. Bà không có hôn thú, thì thằng Quí là trưởng nam nó phải ở nhà thờ ăn hương hoả. Huống chi lúc ông Bồi gần chết tôi nghe nói ổng có mời làng đến lập di chúc để nhà thờ và hương hỏa cho con trai trưởng nam nữa. Thế thì bà với thằng Sen không thể nào tranh nỗi với thằng Quí đâu".

Thị Mùi nghe như vậy thì bủn rủn, nên thở dài mà than: "Thiệt hồi ổng cưới tôi, không có lập hôn thú. Tôi có dè ngày sau có chuyện rắc rối nhhư vầy đâu mà bắt ổng làm. Còn lúc ổng bịnh nặng, ổng có mời làng đến lập tờ gì đó tôi không biết. Chớ chi tôi biết, tôi xin ổng biên trong di chúc để nhà thờ với hương hỏa cho tôi thì xong quá".

Sáu Trừ nói: " Đâu mà được bà! Có phép nào mà để hương hỏa nhà thờ cho đàn bà, nhứt là có con trưởng nam sờ sờ đó. Để cho thằng Sen cũng không được. Vậy bà phải nhịn. Nếu bà cự thì bà thua. Thầy Hương quản biết luật bà hỏi thầy thử coi. "

Hương quản Đề tiếp nói: " Tôi đã nói không có hôn thú thì thất thế rồi. Chúng đuổi phải đi không cãi lẽ gì được mà cãi".

Thị Mùi ngồi buồn hiu, thấy Sáu trừ nói với Tư tào về, chị ta cũng từ giã vợ chồng Hương quản mà về.

Ăn cơm chiều, Thị Mùi bắt đầu đổi thái độ, khởi nói êm ái với Quí, biểu Quí làm ơn tập giùm cho thằng Sen biết công việc trong nhà, rồi dạy nó trồng dưa đậu cải cà, nhờ miếng đất lớn, nếu trồng cho giáp, thì bán lấy lợi xài không hết.

Quí biết mẹ ghẻ ra chợ hồi chiều nghe người ta bày biểu sao đó, nên xuống nước mới dã lã làm quen. Anh ta biết mẹ ghẻ đã biết lỗi, mình không nên làm oai nữa, nên cũng lấy lời dịu ngọt má đối đáp. Thấy hổm nay thằng em đã sợ nên biểu đâu làm đó; bây giờ mẹ ghẻ cũng nể không dám đánh bài, vậy mình nên lấy chữ hòa mà dìu dắt cả hai trở về đường phải, cần gì mà làm hùm làm hổ nữa.

(16)

Cách vài bữa sau, lúc tảng sáng Quí rủ Sen đi ra chợ Càng Long coi cuộc buôn bán bây giờ có thạnh vượng hơn hồi trứơc hay không. Hai anh em thay đồ đi chơi. Quí mặc bộ đồ khác bằng bố xám, nhưng cũng cũ mèm, trên bâu cũng như hai cửa tay đều xười rách, đầu đội nón dơ cảy, chưn mang đôi giày đen mòn gót.

Sớm mai tự nhiên có nhiều người ở trong giồng đi ra chợ mua ăn, đàn bà con gái xách giỏ hoặc bưng rổ đi xung xăng, dằn ông con trai đi bộ có dọc, hoặc cỡi xe máy rung chuông ren ren. Người lạ thì ngó Quí trân trân, không biết Quí ở đâu má ăn mặc không giống người trong xứ. Còn người quen biết hồi trước thì chào hỏi, hỏi thăm mạnh giỏi, hỏi về bao giờ, hỏi lơ là rồi bỏ mà đi, dầu nói ốm đau họ cũng không làm sao, dầu nói về bữa nào họ cũng không cần nhớ.

Ra tới bên xe đò, mặt trời vừa lú mọc, chiếc xe chạy Trà Vinh đã bóp kèn lìa bến, còn chiếc xe đi Sài Gòn nằm đó chờ ba bốn hành khách đem đồ lên xe rồi mới đi.

Quí đứng lại coi chơi, nhớ 12 năm trước, cũng giờ nầy mình lên xe theo quan Kinh lý La-Co mà đi Sài Gòn, có chị Mỹ với cô Hường ra đây tiễn hành, hai cô đứng chận nước mắt, làm cho mình héo gan lạnh ruột.

Sáu Trừ ở trong căn phố gần đó bước ra coi xe chạy, anh ta ngó thấy Quí đứng gần xe thì kêu ma hỏi: "Quí, em đi Sài Gòn hay sao?"

Quí lắc đầu.

Sáu Trừ ngoắc mà nói: "Không đi thì lại đây chơi, Mới nghe nói em về mà không gặp. Lại đặng hỏi thăm một chút".

Quí đi lại tiệm Sáu Trừ. Sen đi theo sau. Xe Sài Gòn rút chạy.

Sáu Trừ biểu anh em Quí vô tiệm chơi rồi hỏi:

- Nghe nói em về đã mấy bữa rồi, sao không thấy đi chợ chơi vậy?

- Về tới nhà tôi thấy nhà cửa bỏ u tệ như nhà hoang. Tôi buồn quá nên không muốn đi đâu, để ở nhà cuôc cỏ hốt rác đặng coi cho sạch sẽ vui vui một chút. Mấy năm nay anh ở nhà bình an mạnh khoẻ phải hôn anh Sáu?

- Ừ bình an, cám ơn.

- Tôi về, thấy ai còn mạnh giỏi tôi mừng. Mà nghe nói có người cũng chết mất vì buồn quá nên không muốn đi đâu, để ở nhà cuốc cỏ hốt rác đặng coi cho sạch sẽ vui vui một chút. Mấy năm nay anh ở nhà bình an mạnh khoẻ phải hôn anh Sáu?

- Ừ, em đi lâu quá. Mấy người già phải chết chớ sao. Rất đỗi là ông Bồi không già gì lắm, mà ông chờ em cũng không nổi. Em đi đâu mà lâu quá không về thăm nhà vậy?

- Nói thiệt với anh, thân tôi ra đi chẳng khác nào một lá cây rụng giữa đường. Gió thổi bay qua bên này tôi nằm bên này. Người đi đường hất qua bên kia thì nằm bên kia. Nằm chỗ nào cũng có, không biết ở đâu mà nói được.

- Em đi như vậy mà khá hôn? Có vốn liếng chút đỉnh hay không??

- Làm ra đồng nào lũm[1] hết đồng nấy. Ra đi tay không trở về cũng vậy. Mà có tiền hay không tôi không cần lo, thân trơ trọi một mình, tay chơn đây đủ dầu thế nào mỗi bữa cũng có được vài chén cơm dằn bụng, đói điếc gì mà lo.

- Té ra em chưa có vợ con hay sao?

- Chưa. Quyết lập thân mà chưa lập được, thì đâu dám nghĩ tới gia đình.

- Thấyđi lâu quá tưởng khá lắm chớ.

uí cười rồi đứng dậy từ giã Sáu trừ dắt Sen đi, nói đi lại chợ xem coi buôn bán thế nào.

ai anh em đi giáp vòng chợ gặp Mỹ. Quí dở rổ coi Mỹ mua những vật gì mà ăn rồi móc túi đưa cho Mỹ hai đồng bạc mà nói: "Chiều hôm qua tôi thấy trong bụi tre sau nhà có một mụt măng ngon lắm. Chị trở lại mua vài cái giò heo đem về rồi tôi sắn mụt măng đó hầm ăn chơi.

Mỹ trở lại mua giò. Quí với Sen đi thủng thẳng[2] mà chờ rồi một chị với hai em hiệp nhau mà về một lượt, hòa hòa thuận thương yêu, nên vui vẻ vô cùng.

Thị Mùi cũng không đi đánh bài nữa, bây giờ cứ ở nha phụ với Mỹ lo nấu cơm nước vá may, Quí rất vui lòng, nên ban ngày hiệp với Sen giúp chú Tiền làm lo sạch sẽ trong vườn, chiều mát anh em dắt nhau thăm mấy nhà trong xóm, rồi tối lại Quí lựa những chuyện Á Rập trong bộ sách "Một ngàn lẻ một đêm" mà thuật cho dì ghẻ vơi chị và em nghe chơi, cả ba đều mê hết, ngày nào cũng trông cho mau tối đặng nghe Quí nói chuyện đời xưa của Á Rập.

Quí về chưa được một tháng tình cảnh trong nhà ông Bồi Bái Tồn đều đổi khác hết. Nhà cửa bây giờ coi khoăn khoát vui vẻ, trong ngoài đều sạch hóc, không cóc cái vẻ u tệ điêu tàn như trước nữa.

Sen cứ đeo theo anh luôn, biết cung kính anh chị, không thèm đi chơi, mỗi ngày tự kiếm công việc trong nhà hoặc ngoài vườn mà làm, không đợi anh biểu.

Mỹ thì lúc này sung sướng chẳng có lúc nào bằng, trên mẹ ghẻ đã bỏ những lời mắc mỏ đắng cay, dưới được hai em tỏ tình thương yêu kính mến.

Còn Thị Mùi vì cô thân thất thế nên phải nhẫn nhịn con ghẻ, nhưng không đi đánh bài được thì không thể nào vui. Mà có phiền giận thì phải giấu kín trong đáy lòng, còn ngoài mặt thì phải bải buôi cho an thân phận.

Chú Tiền thấy bây giờ cả nhà đều thuận thảo thì chú rất vừa lòng, nên chú nỗ lực mà giúp công, cực mà vui nên không nệ.

Một bữa đương ăn cơm, Thị Mùi nhắc mùng 10 tới đây là ngày giỗ ông Bồi.

Quí nói: "Chị Hai tôi có nói bữa hổm. Khi cha tôi mất không tôi có nhà, mà báo hiếu cho cha không được. Nay tôi về đây nhơn dịp giỗ, tôi tính mua một con heo đặng cúng cha tôi, rồi mời bà con trong làng đến ăn uông chơi một bữa. Để tôi đưa tiền cho chị Hai tôi kiếm mua một con heo để bữa đó làm thịt mà cúng. Mua heo chừng vài ba chục, không cần phải mua heo lớn lắm".

Mỹ nói: "Heo bây giờ rẻ. Heo 30 lớn cả tạ, chớ phải nhỏ sao?"

Thị Mùi làm lơ, để cho chị em Quí tính sao tự ý.

Ăn cơm chiều rồi Quí đưa cho Mỹ một trăm đồng bạc biểu cất đặng mua heo, còn dư thì mua đồ nấu cúng. Thị Mùi tưởng Quí nói mình góp huê lợi hương hỏa mình phải chịu tiền làm đám giỗ, té ra thấy Quí đưa tiền thì chị ta rất vui lòng, nên sốt sắng bàn tính với Mỹ coi mua heo rối phải mua thứ gì nữa. Chị ta lại hỏi Quí muốn mời ai. Quí nói việc đó cho Quí lo, Quí sẽ đích thân đi mời hương chức trong làng, còn bà con lối xóm thì biểu Sen đi mời cũng được.

Chạng vạng tối, Quí đi vô ngã ba Suối cạn đặng thăm dì Ba Thới, vì hổm nay mắc lo dọn dẹp nên không có trở lại mà nói chuyện với dì.

Tại ngã ba vô Suối Cạn chỉ có ba cái nhà nên chiều tối ít có con nít tụ tập ngoài lộ mà giỡn chơi.

Trong tiệm dì Ba Thới, cô Hường thấy trời đã tối, cô quẹt đốt cái đèn gọi là tọa đăng, bưng để trên bàn giữa và ngó mẹ nằm trên bộ ván lót phía trong mà nói: "Anh Quí về hổm nay cả tháng mà ảnh trốn mất, không thấy ảnh vô đặng hỏi thăm coi ảnh sắp đặt việc nhà của anh xong hay không"

Dì Ba Thới nói: "Bữa hổm má đi chợ, má nghe họ nói nó về nó quậy trong nhà thất kinh hết thảy. Ba Mùi hết dám xách đít đi đánh bài. Còn thằng Sen thì tối ngày phải cuốc cỏ hốt rác, hết thả rểu như hồi trước nữa. Quí không muốn vô chơi cũng phải. Nó đương làm hùm làm hổ, nó sợ tới lui nhà mình rồi Ba Mùi nghi má cấm cán, xúi giục, nên nó tính tránh tiếng cho mình đó chớ gì"

Mẹ con nói chuyện tới đó thì Quí ở ngoài bước vô, Hường mừng nên vứa cười vừa nói: "Mới nhắc anh thì có anh liền. Bộ anh rình đâu ngoài cửa hay sao anh Quí?"

Dì Ba Thới ngồi dậy.

Quí kéo ghế ngồi chống tay lên trên bàn má hòi: "Em nhắc anh hay sao? Có việc chi hay không?"

Hường ngồi cái ghế phía bên kia mà đáp:

- Có việc chi đâu. Anh về rồi anh biệt cả tháng nay không thấy tăm dạng gì hết, nên em hỏi má em chớ.

- Mắc dọn dẹp nhà cửa nên anh chưa đi đâu hết. Cách vài bữa có ra chợ một lát coi bây giờ cuộc buôn bán thế nào vậy thôi.

- Ngoài chợ người ta nói con về rầy rà mẹ con thằng Sen xếp ve hết. Con hăm đuổi hết đi ra khỏi nhà rồi mặc sức mà đánh bài đá gà. Con làm Ba Mùi nằm co ở nhà hết dám thả đi đánh bài nữa. Còn thằng Sen dọn dẹp trong vườn tối ngày với chú Tiền hết dám ló ra khỏi nhà. Quả có như vậy hay không con?

- Không biết chừng dì con thêu dệt với người ta sao đó, rồi họ thêu dệt thêm một mớ nữa, thành ra con mang tiếng tàn bạo, chớ lẽ nào con dám nói nặng lời vời dì con. Dì con là bạn trăm năm của cha con, dầu không tình cũng nghĩa, còn thằng Sen là máu thịt của cha con, tức thị nó là em cuả con, có lẽ nào con nỡ xua đuổi. Việc thiệt như vầy: con về nhà con thấy nhà cửa như nhà hoang, chị Hai con cực khổ rách rưới như con mọi. Dì con thì đi đánh bài, còn thằng Sen thì đeo trong trường gà. Thấy tình cảnh như vậy con đau đớn quá, chịu không nổi.

Chiều thằng Sen về, nó thấy con nó làm lơ như thấy người hàng xóm, không lộ vẻ cảm tình chút nào hết. Con giận con có rầy nó. Con buộc nó từ rày sắp lên nó phải dọn dẹp trong nhà, cuốc cỏ ngoài vườn như con. Con cấm nó không được đi chơi, không được bài bạc. Sáng hôn sau con ra cuốc cỏ, đốn cây, con buộc nó phải làm với con. Ban đầu coi bộ nó giận con lắm, nhưng con làm oai với nó một buổi, rồi con bôm ngọt nó, nên nó hết giận và từ đó tới nay nó siêng năng lắm, không thèm đi chơi nữa, còn dì của con đi đánh bài chiều về như thường.

Sáng bữa sau ăn cơm rồi lấy dù ra, tính đi nữa, chừng đó con mới cản ngay. Con dùng lời hết sức êm ái mà chỉ tác hại của tật bài bạc cho dì con thấy, con nói vì thói đó mà ruộng đất của cha con tiêu hết, làm cho cha con buồn rầu đến nỗi phải chết. Thiệt con có trách dì con, con chỉ cái lỗi của dì đối với cha con và đối với chị Hai con, rồi con khuyên nếu muốn con cứu chữa gia đạo lại thì phải nghe lời con, đừng có bài bạc nữa. Còn như muốn chuyên nghề đó, không chịu hiệp với con mà cứu chữa gia đạo của các con, thì phải cất nhà mà ở riêng. Con nói ngay ra từ đây với quyền đích tôn thừa tự và quyền trưởng nam trong gia đình con làm chủ hương hỏa và nhà thờ để lo sửa chữa nhà cửa, cúng quải ông bà, giúp cho chị hết khổ, dạy cho em khỏi hư. Con nói êm ái nhưng cương quyết, làm cho dì con khó chịu, nên dì khóc mà la trời la đất, kêu vong linh cha con mà méc con đuổi xô. Con cứ giữ thái độ cứng cỏi, con không xiêu lòng. Dì con giận không thèm nói tới con nữa, nhưng thiệt cũng không dám đi đánh bài.

- Con làm cứng nên con mẻ sợ chớ gì?

- Chưa sợ đâu. Nằm dàu dàu vài bữa rồi một buổi chiều lén con đi ra đâu ngoài chợ, chắc là đi nói hành nói tỏi, nói cho thiên hạ ghét con. Té ra nghe họ cắt nghĩa lý luật sao đó không biết mà chừng về ăn cơm chiều dì con dã lả kiếm chuyện nói với con, không làm giận làm hờn nữa, cứ ở nhà mà phụ với chị Hai con mà lo cơm nước vá may. Dịu ngọt với chị Hai con lắm, lại theo o bế con, xin con dạy dỗ thằng Sen cho nó biết làm ăn như người ta, đừng lo chơi bời nữa. Dì con nói vườn lớn, đất rộng, làm sạch cỏ rác rồi, vậy thì mưa xuông đây trồng cà cải bắp khoai, bán lấy tiền xài trong nhà không hết.

- Dữ hôn! Đến bây giờ mới biết lo! Chớ chi thuở nay lo như vậy thì tuộng đất làm sao má tiêu được.

- Hồi chiều này dì con nhắc mùng 10 tới đây là ngày giỗ cha con.

- Chà chà ! Còn nhớ ngày giỗ. Vậy thì khá thiệt mà.

- Thưa, bây giờ đổi tánh khác hẳn, chớ không phải như hồi trước đâu. Con mời dì bữa nào rảnh dì ghé nhà con chơi. Bây giờ trong nhà đầm ấm vui vẻ, từ trước ra sân sau vườn đều sạch bóc.

- Ừ, để bữa nào rảnh dì ghé chơi.

Hường nói: "Vuông đất rộng hơn một mẫu, nếu trồng cho giáp hết thì huê lợ lớn lắm"

Quí ngó Hường vừa cười vừa nói: "Em giỏi trồng thì ra đó mà trồng"

Hường mạnh dạn nói:

- Anh nói thiệt hay là nói chơi?

- Nói thiệt chớ.

- Nếu nói thiệt thì chừng trời sa mưa anh gieo trồng, em sẽ trồng với anh chơi cho vui.

Dì Ba Thới ngó hai trẻ mà cười. Quí hỏi dì:

- Hổm nay con về con chưa đi đâu. Nhưng mà con dòm coi dường như người trong làng trong xóm thấy con nghèo họ lãnh đạm với con lắm. Dì có tiệm. Người ta hay tới chơi. Dì có nghe họ dị con, họ chê khen thế nào hay không dì Ba?

- Oái thiên hạ hễ thấy giàu thị họ bợ đỡ, thấy nghèo thì khinh khi, hơi nào mà lo con.

- Thưa không. Con hỏi cho biết nhơn tình vậy thôi chớ con có lo chi đâu. Giàu hay nghèo đều là việc riêng của con, con giàu họ không hưởng được, con nghèo họ cũng không giúp được, thế thì sự giàu nghèo của con có can hệ gì đến ai mà con lo.

Hường nói: "Có nhiều người lại đây uống rượu họ nói lén anh lung lắm". Hường vừa nói vừa ngó Quí mà cười. Quí bình tĩnh mà nói lại:

- Qua rất tiếc không nói ngay với qua đặng qua có thể đàm luận với họ chơi. Đâu, họ nói lén qua về việc gì đâu, em thuật lại cho qua nghe chơi.

- Thôi thuật cho anh nghe, anh thêm buồn, chớ có ích gì.

- Không buồn đâu. Ở đời qua cần phải biết chỗ nào người ta chỉ mà tránh, chỗ nào người ta khen mà làm, chê hay khen qua cũng vui hết, chớ sao lại buồn mà em ngại.

- Người ta nói anh bỏ xứ mà đi mười mấy năm, tưởng đi làm ông làm thấy gì, té ra trở về lang thang lưới thưới, không bằng một tên trùm ở trong làng, vậy mà đi làm gì. Nhà sẵn có ruộng có đất. Vậy ta ở nhà, ta làm ruộng, làm rẫy cho khoẻ tấm thân, đã được lành lã mà còn dư dả nữa.

- Thiệt họ chê qua như vậy hay sao em?

- Họ chê như vậy.

- Qua nghi em chê quá, chớ không có họ nào hết.

- Không mà. Em nghe họ nói, em thuật lại thôi. Em đặt chuyện làm chi.

- Qua muốn biết coi như em chê thì qua cắt nghĩa cho em hiểu. Còn như thiên hạ chê thì để cho họ thong thả mà chê, qua không cần cãi lẽ làm gì.

- Sao lại không cần? Người ta nhạo báng, anh phải trả lời chớ. Anh cắt nghĩa cho em nghe đi đặng có ai dị nghị anh nữa thì em sẽ thay mặt cho anh mà trả lời với họ.

- Ạ ! Em muuốn như vậy thì qua phải nói cho em hiểu. Dì Ba với em điều biết ngày trước qua ra đi là vì sự bất đắc dĩ, chớ không phải qua mê chức "Bồ của quan Kinh lý" nên bỏ xứ mà đi. Từ nhỏ qua quyết chí học cho giỏi, cho tột bực, đặng lập thân. Vì gia đạo ép buộc, chận bít đường, không cho qua đi tới nữa được, qua bực tức nên phải tìm ngã khác mà đi.

Ra đi, qua quyết đi đặng kiếm thế lập thân, đi đến 12 năm qua mới trở về được. Qua về với hai bàn tay không, quần áo lang thang, bạc tiền không có thiên hạ chê cười qua là phải phải lắm, họ có chê bậy đâu em. Qua xách cái nghèo ra đi, chừng nghèo qua cũng đem cái nghèo mang về, thế thì người ta cười qua không đáng hay sao em? Nhưng mà qua nghèo tiền bạc người ta thấy được, còn qua giàu cái khác người ta không thể thấy được. Đây, em coi cặp mắt của qua đây...

Quí đưa tay vạch cặp mắt mà nói tiếp: "Cặp mắt này thấy nhiều cái Quí giá lắm em, dầu người ta có tiền đến bao nhiêu cũng thể không thấy được. Còn em coi cái bụng của qua đây nữa...".

Quí dở vạt áo lên vỗ bụng và nói tiếp: "Túi thì nhẹ, nhưng mà cái bụng này có chứa đủ thứ hết, chứa dại chứa khôn, chứa xấu chứa tốt, không thiếu gì, nên nó Quí báu lắm, không có bụng nào dám bì đâu. Người ở xứ mình họ chỉ thấy Trà Vinh, Vũng Liêm, có giỏi lắm là Vĩnh Long, Sa Đéc, họ có thấy xa hơn nữa đâu. Trong bụng họ trạo trực có hai vật là lợi với danh, nghĩa là bạc tiền với chức tước, chớ chẳng có thứ gì khác. Mà chánh thứ khác đó mới Quí chớ. Qua đi 12 năm,bây giờ qua trở vầ, bề ngoài thì qua nghèo thiệt, mà bề trong qua giàu lắm, qua có đủ những cái người ta chê không chịu mua, với những cái người ta muốn mà không được. Để thủng thẳng rồi họ sẽ thấy những cái họ không thấy nổi, chừng đó họ mới bối rối, không biết phải chê hay là khen"

Hường chúm chím cười mà nói:

- Anh đi xa, anh học nói cái điệu úp mở kỳ cục quá. Ai mà hiểu cho nổi. Người ta thấy anh đi không về không, người ta tiếc chớ chi anh ở nhà cày ruộng làm rẫy cho khoẻ thân lại có tiền.

- Hay là cái đi đó đa. Em không nên tiếc. Để qua nói thí dụ cho em hiểu: trời mưa nước đọng trong mấy ao mấy vũng. Nước ấy ngọt thiệt, nhưng cứ đọng một chỗ hòai, lâu ngày phải cạn nên nổi bùn đục ngầu, rồi còn thúi hôi nữa. Cón nước trong sạch không phải vậy. Nhờ có ròng có nước lớn sông vận chuyển vô tận chân núi cánh đồng, rồi rút ra tới vàm to biển cả. Được vận chuyển như vậy nước sông mới có đủ mùi mặn lạt chớ không bao giờ có đục có hôi. Vì vậy nên thiên hạ ưa tắm nước sông hơn là tắm nước ao nước vũng. Em hiểu hôn?

- Anh nói cao kỳ quá ! Nghe bắt mệt.

- Thiệt quá nói minh mông, bóng dáng, một chút, nhưng nếu em chịu khó suy nghĩ thì em sẽ hết tiếc 12 năm lưu linh của qua.

Dì Ba Thới: " Con Hường nó thiệt thà. Con nói chuyên cao xa quá, làm sao nó hiểu cho nổi. Nhưng dì hiểu. Tuy con đi không về không, con không lập được công danh, không gây được sự nghiệp, song nhờ có đi xa, đi nhiều nơi, con mới nghe đủ thấy rộng, mới hiểu thế thái nhơn tình, mới biết dại khôn cao thấp. Tuổi con còn nhỏ, đời con còn dài, có chí thì lo gì giàu nghèo, hễ trời giúp vận thì tiền bạc ở đâu ngón tay chớ đâu. Họ khen hay chê mặc kệ họ, kể làm chi con".

Quí nói: "Thưa, con nghe em con nói, con phải cắt nghĩa xa gần mà chơi chớ con đã từng lội lặn trong biển khổ, trong đời tục, con xá gì miệng thiên hạ. Nếu nói ra thì con mang tiếng nói phách, nhưng trước mặt dì cũng như mẹ của con, bởi vậy con phải nói thiệt, con coi người đời rẻ lắm dì à. Con coi thiên hạ ở trong làng mình đây chẳng khác nào bầy chim se sẻ đậu trên hàng rào kiếm ăn kêu chót chét, bầy chim ấy mà sao hiểu nổi tấm lòng thơ thới của mấy con diều, mấy con hạc, bay liệng trên mây xanh.

Hường đứng dậy và nói: " Anh khinh bỉ thiên hạ quá" Nói rồi Hường vô trong bưng bình trà với cái tách đem ra rót mời Quí uống.

Dì Ba Thới hỏi Quí muốn ăn bánh ngọt hay không Quí lắc đầu bảo không hảo ngọt rồi bưng tách nước trà mà uống.

Nghe trống canh ngoài quận đánh 9 giờ Quí mới nói:"Hồi nãy con có nói mùng 10 tới đây là ngày giỗ cha. Hồi cha con mất, không có con ở nhà mà báo hiếu. Năm nay con về đây nhơn dịp giỗ con có đưa tiền cho chị Hai con kiếm mua một con heo đăng con làm thịt mà cúng cha con. Vậy trước khi mời bà con trong làng, con đích thân vô đây mời dì với em Hường trưa mùng 10 ra nhà chứng kiến cho con cúng cha mẹ và ở ăn một bữa con của con".

Dì Ba nói:" Con cúng anh Bồi bái thì dì phải ra chớ. Dì sẽ ra sớm. Còn con Hường, cha chả, không biết nó đi được hay không. Dì có một đứa cháu gái, tên con Điệu, ở Láng Thé. Nó kêu dì bằng cô. Nó có chồng, rồi cha mẹ nó khuất hết, vợ chồng nó dắt nhau qua bên Ngã Bảy ở làm ruông mấy năm nay. Dì mới nghe chồng nó chết, để lại một đứa con sáu bảy tuổi, nó đem con về Láng Thé mà bơ vơ không có nơi nương tựa. Dì có nhắn biểu nó đem con lên ở với dì. Nếu nó lên trước mùng 10 thì nó coi tiệm cho con Hường đi với dì. Còn nếu nó lên chưa kịp thì con Hường mắc coi nhà không đi được".

Quí nói:

- Còn tới sáu bữa nữa, chắc lên kịp mà.

- Nếu nó lên kịp, thì con Hường sẽ đi đám giỗ vời dì. Mấy bữa rày con Hường trông nó dữ lắm, trông lên coi nhà để dì dắt Hường đi Trà Vinh.

- Có việc chi dưới Tà Vinh hay sao?

- Nó đi coi đền đài gì mới cất đó, họ trầm trồ khen tốt. Người ta rủ nhau đi coi. Nó nợp nợp đòi đi hổm nay, Ngặt bỏ nhà không được nên nó trông con Điệu lên coi nhà đặng dì dắt nó đi.

- Ạ! Té ra em Hường muốn đi coi! Chị Hai con bữa hỏm đi chợ về, chỉ cũng thỏ thẻ nói người ta đồn đền đài gì đó. Chỉ không có đòi đi coi. Nhưng chỉ nói chuyện đó, chắc ý chỉ cũng muốn đi. Vậy để đám giỗ xong rồi tôi dắt hết đi với tôi. Tôi nghe nói, nhưng chưa biết cất lối nào ở đâu.

- Người ta nói cất dựa bên đường trên mình xuống, còn không đầy một ngàn thước thì tới chợ. Xe đò biết hết. Mấy cậu lơ quảng cáo quá, nên thiên hạ đi dập dìu.

- Được, Tôi cũng đi chơi cho biết. Nhơn dịp tôi kiếm nhà thăm ông thầy cũ của tôi luôn thể.

- Con muốn thăm thầy Nhứt Vĩnh phải hôn?

- Thưa, phải.

- Thầy hưu trí. Nghe người ta nói thầy cất một ngôi nhà nhỏ mà đẹp lắm ở dựa đường đi ra vàm.

- Biết như vậy thì xuống đó dễ kiếm.

Quí từ giã mẹ con dì Ba mà về.

Hường đua ra cửa mà nói:" Vài ba bữa anh vô nói chuyện chơi. Bộ anh nghèo anh thẹn sao mà không dám ló ra khỏi nhà".

Quí đứng lại ngoài sân mà nói:" Qua ngó từ trên trời xuống dưới đất qua không thẹn với cái gì hết em à. Hổm nay qua không đi đâu là vì qua mắc sắp đặt việc nhà. Bây giờ coi mòi đã xong rồi. Vậy có lẽ từ bữa nay qua có thể vô thường mà thăm dì với em".

Quí xây lưng đi.

Hường trở vô đóng cửa.

Cô Mỹ lãnh một trăm đồng bạc của em rồi thì bữa sau cô cậy chú Tiền đi hỏi coi có ai bán heo đặng trả giá mà mua.

Chú Tiền vô Sóc Quan nghe người ta nói bà Các có một con heo đen gần một tạ bà muốn bán. Chú lại coi thấy con heo ú lắm. Chú hỏi giá. Bà các nói nếu muốn mua thì phải trả 30 mươi bà mới bán. Chú Tiền trả 25 đồng. Bà lắc đầu. Chú về nói lại cho công Mỹ hay và xin cô vô coi như chịu thì trả thêm mà mua.

Đến xế Ba Mùi với cô Mỹ đi xem con heo. Mẹ con đều ưng bụng mới trả giá thêm từ đồng, đến 28 đồng thì bà Các chịu bán. Cô mỹ trả tiền đủ rồi về bảo chú Tiền với thằng Sen vô bắt heo khiên về nuôi.

Quí thấy con heo thì khen rẻ. Tối lại anh ta đưa thêm cho chị một trăm đồng bạc nữa, dặn mua đồ làm đàm giỗ coi cho được, vì anh ta về mới cúng cha lần đầu, anh ta tính mời làng xóm đông, nên phải nấu đồ nhiều mới đủ mà đãi khách.

Quí bàn tính với mẹ ghẻ coi đám giỗ phải mời ai. Mẹ con mới chia phần: Quí lãnh đi mời Hương chức Hội tề với mấy ông Hương chức cựu. Sen lãnh đi mời mấy nhà trong xóm, còn Ba Mùi thì mời mấy người ngoài chợ, lúc ông Bồi mất họ có đến điếu bái phân ưu.

Bữa mùng 8, Quí ăn cơm sớm mơi rồi mới đội nón đi mời mấy ông già và Hương chức. Đi giáp hết đến nữa chiều mới trở về. Trời nắng lại đi bộ nên đổ mồi hôi và khát nước.

Trong Suối Cạn về ngang tiệm dì Ba Thới, Quí ghé vô đặng xin nước uống.

Hường ra chào mừng và nói: "hồi trưa em thấy anh đi vô cầu Suối, em biết anh đi mời đám giỗ và chắc bận về anh sẽ ghé, nên hồi trưa em không kêu".

Quí nói:" Ừ, qua đi mời đám giỗ. Nực và khát nước quá. Em cho qua một tô nước lạnh đi"

Quí cởi áo bành tô máng trên ghế, rồi lại nằm trên võng, lúc lắc đưa cho mát.

Hường bưng ra một ly nước lạnh đi ngay lại đưa cho Quí. Quí ngồi dậy tiếp ly nước uống liền rồi hỏi:

- Dì Ba đâu?

- Má mới lên xe đò đi ra ngoài chợ.

- Buổi chiều chợ có bán gì đâu mà đi mua?

- Má đi mua gì đó không biết.

- Quí trả cái ly cho Hường, thấy có một chị đàn bà lấp ló trong cửa buồng thì hỏi:

- Ai kia? Phải chị Điệu mà Dì Ba nói bữa hổm đó hay không?

- Phải. Chỉ mới lên hôm qua.

- Vậy thì mốt, mùng 10 em ra đám giỗ được.

- Được, có chị Điệu coi nhà rồi.

- Em làm ơn sáng mốt ra sớm đặng tiếp tay với chị Mỹ.

- Còn má thì trưa má sẽ ra sau. Hồi hôm má đã tính với em như vậy rồi.

- Em đi cất cái ly rồi lại đây nói chuyện chơi.

- Hường đem ly để trên bàn rồi trở lại ngồi tại đầu ván gần cái võng.

- Quí nằm cứ ngó Hường mà cười, nhưng không nói gì hết.

- Hường cũng chúm chím cười và ngó Quí cười mà hỏi:

- Anh muốn nói chuyện chi? Sao không nói lại cứ ngó em mà cười?

- Qua ngó em là vì qua muốn lấy cặp mắt lưu lạc của qua mà dòm thấu ruột gang em coi hiện giò em ao ước việc gì hơn hết.

- Vậy hả? Anh thấy rồi hay chưa? Nếu anh chưa thấy thì để em nói phứt cho anh khỏi kiếm. Hiện giờ em muốn gắt có một chuyện là đi Trà Vinh xem đền đài gì đó mà thiên hạ đồn quá, làm cho em nôn hết sức.

- Chuyện đó có khó gì đâu mà ao ước. Muốn đi thì bữa nào leo lên xe đò, đi chừng nửa giờ, tốn có vài cắt, em sẽ thấy được. Mà qua tưởng họ cất nhà tốt vậy thôi tại mấy anh lơ xe đò quảng cáo để rù quyến khách đi xe mà thủ lợi, chớ có gì lạ đâu mà em nôn.

- Dù! Người ta đi coi dập dìu, đến người Vĩnh Long Cần Thơ cũng qua coi. Ai đi coi về cũng trầm trồ khen ngợi dữ quá, chớ nào phải mấy anh lơ bày chuyện đặng quyến khách. Bây giờ có chị Điệu coi nhà rồi. Vậy bữa nào rảnh anh dắt má với em đi coi một bữa.

- Không gấp gì lắm.

- Em nôn quá, mà anh nói không gấp. Tại sao anh không muốn đi? Em bao[3] tiền xe cho mà. Anh khỏi tốn hao chi hết.

- Đi chơi mà khỏi tốn hao thì qua có ngại gì đâu mà không chịu đi. Sở dĩ qua không sốt sắng là vì cặp mắt của qua đã thấy xấu tốt đủ thứ, như qua đã có nói với em bữa hổm. Cặp mắt này khôntg còn thấy khao khát cái gì hết, cũng như cái bụng này không còn ham hố vật gì nữa vậy.

- Anh đi mấy năm nay chắc anh cực khổ lắm nên anh chán đời phải hôn?

- Không cực chi lắm. Mà đời có phụ qua đâu mà qua chán. trái lại qua muốn giúp đời lắm chớ. Nếu bộ qua lơ lững ấy là vì qua đương tìm kiếm một người bạn trăm năm đồng tâm đồng chí để cùng qua chia cay đắng, chung ngọt bùi, mà qua tìm chưa ra, nên qua chưa biết vui.

- Người bạn đồng tâm đồng chí là người thế nào? Anh nói rõ cho em hiểu rồi em sẽ tìm giùm cho anh.

- Qua muốn có một người vợ từ đầu óc cho tới ruột gan thảy đều giống như qua là: không nhiễm thế tục, không kể nhơn tình, không ham bạc tiền, không chịu gian dối, biết thương người nghèo khổ, biết trọng kẻ thẳng ngay, dám chê việc bất công, dám binh việc oan ức.

- Cha chả, cưới vợ mà anh kén gắt quá, em chắc trong nước Việt Nam mình không có người vừa con mắt anh đâu.

- Nếu chưa có thì một cô gái nào đó làm gan ưng qua, rồi về nhà qua sẽ ráng tập luyện tánh tình theo các điều kiện qua buộc đó cũng được.

- Nếu người tập không được thì làm sao?

- Hễ muốn thì phải được. Tục ngữ của người Pháp có một câu như vậy. Nếu một người vợ thành thiệt thương chồng, cứ làm theo tâm chí của chồng thì xong.

- Anh tính việc minh mông làm chi cho mệt trí. Anh còn 12 mẫu ruộng hương hỏa với một sở đất giồng lớn hơn một mẫu. Bây giờ anh cứ cưới một người vợ biết tiện tặn ham làm ăn, rồi vợ chồng ra công cày cấy sở ruộng và gieo trồng đất giồng, trong ít năm nhà sẽ dư dả thảnh thơi chớ có gì đâu.

- Ừ, phải, làm cho có tiền rồi mua thêm ruộng. Vợ chết buồn đi đánh bài. Cưới vợ khác đem về cho nó phá của, lại hành hạ con. Nó làm cho nghèo, rồi con đi ở đợ. Em muốn xúi qua diễn lại cảnh đời giống như cảnh đời của ông già qua hồi trước vậy phải hôn?

- Mình ở ruộng giồng, thì tính làm ruộng giồng chớ sao. Tại mạng cậu Bồi khiến cậu phải chịu tai họa nên mới có việc chẳng may như vậy. Mạng của anh khác, có lẽ nào lại bị như cậu Bồi hồi trước mà sợ.

- Qua muốn bay nhảy, bay cho xa, nhảy cho cao kia. Qua muốn tách khỏi thế tục mà làm theo chí hướng của qua, đặng qua đạt được mấy mục đích nói hồi nãy đó. Em hiểu không?

- Hiểu.

- Em hiểu rồi em dám lãnh tuồng làm người vợ qua đặng vợ chồng đâu lưng sát cánh mà mạnh bước trên đường đời với chí hướng đó hay không?

Hường lặng thinh ngồi suy nghĩ.

Quí ngồi dậy ngó ngang Hường mà nói:

- Từ hôm qua về đến nay, qua muốn hỏi em một chuyện, nhưng chuyện không gấp nên qua chưa hỏi. Bữa nay sẵn dịp, qua phải hỏi luôn. Qua xin nói trước việc này là qua lấy lòng thành thiệt mà hỏi, thì em cũng phải lấy lòng thành thiệt mà đáp, đừng sụt sè, đừng giấu diếm.

- Anh muốn hỏi việc chi cứ hỏi. Em sẻ trả lời ngay.

- Qua đi 12 năm. Em ở nhà, em không lấy chồng. Phải em chờ qua hay không? Nói thiệt đi.

- Phải.

- Cám ơn em, cám ơn về cách thành thiệt. Qua nhớ khi qua đi, em bịn rịn, em hỏi đi chừng nào về. Qua nói không định trước được. Qua không có hứa hẹn. Tại sao em chờ?

- Tại em thương anh, nên em quyết chờ hoài.

- Như qua chết mất, hoặc sống mà qua không về, rồi em làm sao?

- Em chờ đến chết thì thôi.

- Như qua về mà qua có vợ rồi, thì em làm sao?

- Em ở độc thân mà nuôi má em.

- Vậy thì tình cảm của em đối với qua nặng lắm. Tình đó không dễ kiếm được, dầu em chưa tập chí như qua, nhưng đã có sẵn tình yêu ấy, thì tự nhiên làm vợ qua em vì thương mà làm theo qua được. Em chịu làm vợ qua đặng tập theo chí hướng của qua hay không?

- Để tập thử coi.

- Được biết tình em rồi, bây giờ qua mới buồn.

- Sao mà buồn?

- Qua nghèo lắm em ơi. Em yêu qua đến nỗi dám thí khoảng đời xuân xanh mà chờ qua. Té ra qua về mà qua lại đem túi nghèo về hiến cho em, không có bạc tiền chi hết!.

- Anh đã lập tâm không ham tiền bạc thì làm sao mà giàu được. Giàu nghèo không cần, miễn vợ chồng yêu nhau thì trong nhà vui sướng.

- Em vì tình mà không chê qua nghèo. Còn dì Ba, biết dì Ba có bằng lòng cho em lấy thằng chống nghèo hèn rách rưới hay không?

- Thuở nay má xem anh cũng như con của má đẻ. Anh nghèo má lại càng thương thêm,có lẽ nào má chê.

- Tuy vậy mà bữa nào có dịp qua cũng phải nói ngay vói dì coi dì bằng lòng hay không.

- Anh muốn nói bữa nào thì tối vô mà nói. Ban đêm không có khách.

- Thôi, để qua về cho em nấu cơm chiều. Việc hôn nhơn để thủng thẳng rồi sẽ tính. Em nhớ sáng mốt ngày 10, em ra giùm sớm sớm.

- Em nhớ.

Quí bận áo ra về. Chiều mát, đi trên lộ, trong mình khoẻ khoắn vô cùng. Quí nhớ chừng câu chuyện mới nói với Hường thì chàng nhếch miệng cười, không dè một cô gái sanh sống trong chốn thôn quê, không có học, không đi xa, mà cũng gây được một khối tình chắc chắn bền dai khối tình ấy nếu biết sử dụng thì nó có thể đưa con người lên tận mây xanh, còn nếu dẫn nó đi sái đường thì nó cũng có thể đưa con người xuống địa phủ.

Mà khối tình của phụ nữ có một ám lực mạnh mẽ đáng ghê đáng sợ. Nó chịu nhẫn nhịn mà điều hòa để cho người sử dụng hay là nó sẽ làm cho tâm hồn người phải mê muội rồi nó điều khiển lại người.

Đó là một vấn đề cần phải suy nghĩ.

Sáng mùng 10 cả nhà Quí đều dậy sớm. Cô Mỹ sửa soạn đi chợ. Vài chị đàn bà với vài chú trai lối xóm lại lo bắt nước cạo heo. Ba Mùi lăng xăng dặn Mỹ mua đồ. Quí với Sen phụ chú Tiền quét dọn trong ngoài cho sạch sẽ.

Cô Hường ra tới, có xách theo hai chai rượu chát, một gói trà với một gói bánh, cô sắp lên bàn mà nói với Quí rằng dì Ba Thới gởi trà rượu ra để phụ cúng ông Bồi. Mỹ với Quí tỏ lời cảm ơn rồi Mỹ cậy Hường phụ với cô đi chợ mua đồ một lát.

Ba Mùi thấy chòm xóm lại giúp dọn đám giỗ chị ta rất vui lòng, phải làm mặt bà mẹ trong nhà, nên ngon ngọt với các con, bãi buôi với khách khứa.

Ăn cơm sớm mai rồi, dì Ba Thới che dù ra chơi. Mấy bà già ở gần lần lượt cũng tựu lại. Đến xế khách đàn ông mới bắt đầu đi đám giỗ.

Quí không có áo dài. Một người trai ở gần về nhà lấy đem lại cho Quí mượn một cái áo xuyến dài đặng Quí bận mà tiếp khách và cúng lạy cho khỏi thất lễ.

Nửa chiều thì cúng đã xong. Quí mượn mấy người trai bưng dọn trên ván mà đãi khách.

Hương chức còn trai trẻ với bạn đánh bài của Ba Mùi đều tới đủ. Vài ông hương chức cựu cũng tới, duy có chủ cả với mấy ông nhà giàu hôm Quí mời thì xin kiếu, người nói không mạnh khoẻ, kẻ nói bận việc nhà, nên không đến mà thôi.

Tuy đám giỗ làm sơ sài không có gì lắm, nhưng lâu rồi trong nhà không có khách khứa ăn uống đông như vầy, bởi vậy Ba Mùi với cô Mỹ rất vui lòng, mẹ con chăm nom coi đãi khách, không bỏ sót ai hết.

Ă uống xong rồi, khách ra về lần lần.

Dì Ba Thới kêu với Quí với Sen mà khen khéo dọn dẹp trước sân sau vườn đều sạch sẽ, và khuyên hai anh em hễ trời mưa xuống thì gieo trồng cho giáp hết sẽ có huê lợi nhiều. Sen được khen nó khoái chí, bây giờ nó mới thấy làm việc tuy cực nhọc, song có cái vui tinh thần nó làm cho con người thỏa thích vô cùng.

Dì Ba Thới nhắc Quí về sự đi Trà Vinh xem lầu đài. Quí dụ dự. Dì Ba nói: "Nhà cửa dọn dẹp đã xong rồi sáng mốt dắt bà con đi coi một lát chơi cho biết với người ta, kẻo con Hường nó nập nợn[4] đòi đi hoài, chịu không nổi".

Quí không thể từ được, nên phải hứa sáng mốt sẽ đi.

Dì Ba Thới rủ Ba Mùi với cô Mỹ đi một lượt cho vui. Cô Mỹ chịu, còn Ba Mùi nói ít đi đâu rồi quen tánh nên thích nằm nhà cho khoẻ.

Gần tối mẹ con dì Ba Thới mới về. Quí đưa ra tới lộ, dì Ba còn nhắc mốt vô sớm đặng đón đi chiếc xe thứ nhứt cho mát.

(17)

Tội nghiệp phận cô Mỹ hết sức, từ ngày biết đi chợ nấu ăn thì cô ở nhà cứ lục đục trong bếp, ra ngoaì chỉ biết chợ Càng Long. Cô thấy xe đó chạy Trà Vinh, cô không hiểu chợ đó lớn hay nhỏ, ở xa hay gần. Gần hai tháng nay cô nghe người ta đồn dưới Trà Vinh có ông gì đó đương cất đền đài kinh dinh rất đồ sộ rồi rủ nhau đi xem chơi. Nghe thì nghe vậy chớ cô biết thân phận thiểu phước vô duyên, cô không thảnh thơi như người ta mà dám mơ ước đi xem đền đài như thiên hạ,

Hôm nay nhờ dì Ba Thới tọc mạch, cô Mỹ được đi Trà Vinh, được xem đền đài như người ta, lại được thằng em cứng cỏi theo dìu dắt, thì cô khoái chí phỉ tình, nên đêm ấy cô trông cho mau sáng mà đi, cứ nằm mơ màng ngủ mà không được.

Khuya gà mới gáy hiệp đầu, thì cô thức dậy rửa mặt bới đầu, sửa soạn đồ cho sẳng sàng đặng cô đi Trà Vinh. Cô lấy bộ đồ hàng của cha may cho năm tính gả cô lấy chồng. Cô bận thử thì quần như áo có vắn một nhút, nhưng đồ cất hoài nên còn mới tinh.

Thấy trời rạng đông Mỹ mới vô buồng kêu Quí dậy, nên mời chị Hai đi chơi cho vui. Chị ta không muốn đi, biểu Quí dắt Mỹ đi cho biết Trà Vinh, để chị ta ở nhà đặng coi cho Sen và chú Tiền làm vườn.

Hừng sáng Quí mới dắt chị vô dì Ba Thới chờ xe và hiệp với mẹ con dì mà đi. Quí cũng mặc đồ xập xệ như hổm nay chớ không có đồ khác; mà thấy chị mặc đồ vắn chủn, đi chưn không, chớ không có giài guốc, Quí cũng không thèm để ý, hay tỏ lời than phiền.

Mẹ con dì Ba Thới đã sửa soạn trước rồi, hai mẹ con đều mặc quần lẳnh đen, chớ không có chưng diện chi hết, nhưng tóc bới vén khéo, chưn đều mang guốc mà thôi. Cô Hường có đeo dây chuyền với một chiếc vàng.

Dì Ba nhắm nhía cô Mỹ rồi nói: " Con bận đồ vàn quá coi không được. Dì nhớ một buổi anh Bồi có khoe với dì ảnh có sắm vàng với dây chuyền cho con. Đồ đó ở đâu? Sao đi chơi con không đeo?

Mỹ tự nhiên đáp: " Lúc cha con bịnh, hụt tiền hốt thuốc nên con lèn bán mà chạy thuốc cho cha con"

Quí châu mày, nghe được việc này trong lòng rung động. May, chuyến đò thứ nhứt chạy vô gần tới ngã ba bóp kèn vang rân. Ba người đàn bà lật đật đội khăn mà đi, làm rộn hối Quí đi, nên Quí được khuây lãng.

Chuyến này ít có hành khách nên trên xe còn chỗ trống nhiều. Bốn người lên ngồi chung một băng. Anh lơ lại góp tiền. Quí móc túi lấy tiền trả hết bốn người. Dì Ba Thới không cho, dì giành trả. Quí nhịn thua không dám cãi.

Anh lơ thối tiền và xé giấy đưa cho dì Ba mà hỏi:

- Mấy bà con đi coi đền đài dưới Trà Vinh phải hôn dì Ba?

- Phải.

- Vậy tôi sẽ dặn anh sốp phơ hễ xe tới ngang cửa thì ngừng cho mấy bà xuống

- Muốn vô coi phải xin phép hay không?

- Người ta cho coi thong thả mà. Để tôi cắt nghĩa cho bà nghe. Lúc nầy trong nhà làm xong rồi hết. Tủ bàn cũng chở xuống đủ cả rồi. Nhưng dân còn xẻ đường đi, xây bồn bông, làm đông lắm. Có một người Pháp lai Việt coi sếp. Cửa ngõ sắt đóng luôn luôn, mà có treo một cái chuông nhỏ. Ai muốn vô coi thì nắm dây chuông mà giựt. Chuông kêu tự nhiên có người ra mở cửa một trong hai cái cửa sắt nhỏ kèm hai bên cho mình vô, cửa sắt lớn chính giữa chừng nào có xe vô kia mới mở. Mình vô sân rồi thì có người dắt đi cùng hết cho mình coi. Bà Ba nhớ làm y như lời tôi nói đó, khỏi xin phép xin phù gì hết.

- Dễ quá há.

Dì Ba day qua nói với Quí:" Con nhớ nghe hôn con. Xuống xe con lại cửa mà giựt chuông, Nhưng người ta ra mở cửa, mình cũng phải nhỏ nhẹ xin phép người ta mà đi coi chớ"

Quí gật đầu nói:" Để cho con liệu. Không sao đâu."

Hường ngồi cư chúm chím cười, chớ không nói chi hết. Còn Mỹ mới ngồi xe đò lần đầu, mà đi Trà Vinh cũng lần đầu, bởi vậy cô giớn giác lo sợ lộ cái vẻ quê mùa, nhút nhát, làm cho Quí dòm thấy Quí cảm động vô cùng.

Xe tới Làng Thé rước hành khách. Mỹ nhờ cô Hường nói mới hay, rồi tơi Ba Si cũng vậy. Qua khỏi ngã ba Nguyện Hoá rồi, Hường nói gần tới, Mỹ hồi hộp, dòm ra phía trước, ý muốn coi Trà Vinh ở chỗ nào.

Thình lình phía trước, bên tay mặt, hiện ra một quang cảnh đồ sộ, đền đài cao ngất, nhơn công lăng xăng là mé trước rất đông, mà coi lại thì mé sau còn đông hơn nữa.

Anh lơ xe ngồi trước day lại kêu mà nói: " Tới đó bà con, sửa soạn đặng xuống ".

Xe bớt máy chạy chậm rồi ngừng ngay cửa ngõ sắt đóng kín. Quí để cho ba người đàn bà xuống trước rồi Quí xuống sau.

Xe hơi rút chạy.

Quí chưa chịu giựt chuông đó thấy hôn, chàng đương nhắm nhía từ ngoài cửa vô trong xa. Bà Ba Thới với Mỹ và Hường cũng đứng một bên mà ngó.

Quang cảnh cuộc nầy ai thấy xũng trầm trồ rồi đồn dội nghĩ thiệt phải. Nếu nghi cho mấy anh lơ xe đò bày chuyện dụ khách đi xem cho đông đặng chủ xe thủ lợi thì oan cho mấy ảnh.

Cuộc như vầy miệt Lục Tỉnh chưa có chỗ nào lập được. Một sở đất cao ráo bằng thẳng, nằm dọc theo mé quan lộ hơn 150 thước, còn bề vô hơn 600 thước, nghĩa là đất lớn lối 10 mẫu cách tỉnh lỵ Trà Vinh không tới một cây số.

từ cửa ngõ chạy vô lối 100 thước thì để trống đặng làm hoa viên, rồi dựng lên một cái đền cao lớn nằm ngang, chính giữa thì có hai từng, còn hai đầu xông thì cao tới ba tầng, lại có địch lầu nên coi vừa hùng vĩ vừa xinh đẹp. Sau cái đền ấy thì có mấy căn nhà trệt, dãy làm nhà bếp, dẫy để giao dịch ở, và dãy để chứa xe hơi.

Còn phía sau nữa thì bị cái đền cản bít, phần thì đứng ngoài lộ ngó vô xa quán, nên phía không biết có vật gì.

trước sân chỉ có ba bốn mươi người đương cuốc đất, bưng đất, làm lăng xăng.

Một người mặc quần sọt trắng, áo sơ mi xanh, đầu đội nón trắng, ở trong đền đi ra, rồi cống nạnh đứng trên thềm nhà ngó nhơn công làm.

Dì Ba Thới nhắc Quí giựt chuông đặng xin phép vô coi. Quí mới bước lại giựt chuông reo tới bốn năm chập, rồi bỏ đi lại, cúi mặt ngó xuống đất, coi bộ suy nghĩ lắm.

Người mặc đồ sọt xanh nón trắng đó bươn bả đi ra. Chừng người ra gần tới, dì Ba Thới với cô hai nhìn kỹ thì là người Pháp. Nhớ lời anh lơ đã nói trên xe, nên ai cũng biết người này coi sếp cho thợ với nhơn công làm.

Người Pháp dở nón chào, miệng lại chúm chím cười. Quí lại xây mặt ngó ngoài lộ, dường như không thấy người ta chào, nên không đáp lễ.

Tưởng là mở cửa nhỏ cho khách vô như lời anh lơ đã nói, té ra người sếp đó đi ngay lại cửa lớn chính giữa mà tháo sợi dây xiềng sắt rồi mở bét ra một cánh cửa lớn.

Quí day lại nói ít câu tiềng Pháp, rồi nói với dì Ba với cô vô, nói rằng mình đã xin phép rồi. Người sếp tiếp mà nói tiếng Việt rõ ràng như người Việt " Tôi kính mời ba bà vô. Tôi sẽ dắt mà chỉ cho ba bà xem đủ hết. Ở đây cho phép người xem thong thả tối ngày. Ba bà đừng ngại chi hết, cứ việc vô"

Dì Ba thấy ông sếp nói tiếng Việt lanh như người mình, lại nghe ông nói tử tế thì cười mà đi vô cửa. Hai cô theo đi vô rồi Quí vô chót hết.

Ông sếp với khép cánh cửa sắt lại mà hỏi:" Mấy bà ở đâu mà đi xem đây? "

Dì Ba nói ở Càng Long.

Ông sếp nói:" Hèn chi xuống sớm dữ. Mấy tháng nay bà con trên Càng Long xuống coi đông hơn hết. Thôi mấy bà con đi theo tôi đặng tôi chỉ cho mà xem ".

Ông sếp dắt ba người đi trước. Quí thủng thẳng đi theo sau. Vô gần tới chỗ nhơn công làm, ông sếp dừng lại rồi đưa tay ra chỉ mà nói:" Người ra đương đổ đất xây một cái bồn bông lớn và tròn tại giữa sân đây. Bồn bông sẽ xẻ hai đường. một đường dọc, một đường cho xe chạy, Chính giữa một, chỗ hai đường gặp nhau đó sẽ chừa trống một khoản tròn, rồi đắp vại cái băng xi măng lớn để đêm trăng ngồi chơi mà hưởng mùi hoa thơm, ngó vừng trăng cỏ.

Cô Hường níu cô Mỹ và cười và nói:" Ổng người Pháp mà ổng nói tiếng Việt hay hơn chị em mình

Ông sếp cười mà nói: " Tôi ăn cơm, tự nhiên tôi nói tiếng Việt được. Nếu tôi có nói trật, xin hai cô sửa giùm. Để tôi chỉ tiếp cho bà lão xem. Tại cửa ngõ hồi nãy đó, cũng như trước thềm nhà trong kía, sẽ để trống thành hai cái bùng binh, tại cửa ngõ đó, sẽ làm hai đường xe tẽ hai bên, ông cái bồn bông chính giữa, hai đường vô giáp nhau tại thềm nhà. Còn dài theo hàng rào sắt phía trước kía cỹng như dài theo hai vách thành hai bên đây thì có đường lớn chạy xe chạy vòng được, hai bên đường sẽ trồng xoài, mít, nhãn, mãn cầu, vú sữa, sa bô chê. Cây đã đặt chiết sẵn rồi, đợi mưa sẽ trở về trồng liền. Trong ít năm sẽ có đủ thứ trái ăn không hết. Mà từ đường dài theo rào vô tới đường bao bồn bông, hai bên có hai miếng đất nằm dài. Trong hai miếng đó không trồng bông mà cũng không trồng cây, chừa trống trồng vật có ích theo mùa như: đậu xanh, đậu trắng, gừng, nghệ, rau, cải. Theo ý ông chủ, phải làm như vậy cho người ta thấy tuy chủ nhà thưởng thức cái xinh đẹp của bông hoa, song cũng không quên những thứ bổ ích cho sự sống của con người ".

Dì Ba Thới chận mà khen.

- Giàu sang đã muốn hưởng sung sướng mà cũng tính lợi ích. Ông chủ là người Pháp hay là người Việt vậy ông?

- Nửa Pháp nửa Việt.

- Sao vậy? Lai hả?

- Để ổng qua rồi bà sẽ biết.

- Ổng ở đâu mà qua?

- Ở bên Pháp.

- Ở bên Pháp mà lập chi một cuộc quá xá như vầy nè.

- Đợi làm xong ổng sẽ qua mà ở bên này chớ.

- Bộ ổng giàu lắm hả?

- Nghèo mà làm như vầy sao nổi.

- Ông làm gì mà giàu dữ vậy? Nhà buôn bán hay là nhờ ruộng đất.

- Nhờ đủ thứ. Ổng có ruộng bên Rạch Giá, có vườn cà phê trên Ban mê Thuộc, có sở cao su trên Biên Hoà, lại có nhiều phần hùn trong hãng thuốc với hãng bán xe hơi trên Sài Gòn nữa.

- Quá xá ! Vậy mà không giàu sao được, mà cất nhà sao ổng không cất mấy chổ ổng có vườn có đất, ổng lại cất tại đây làm chi?

- Ý ổng tôi biết sao được.

Ông sếp trả lời lơ là rồi dắt khách đi vô trong; nhưng chưa vô đền lớn, ông dắt đi vòng phía ngoài. Tới đầu xông bên tay mặt ông chỉ cái sân đánh tennis đã làm rồi. Vô phía sau ông chỉ nhà bếp, nhà bồi,nhà xe; ông lại chỉ một khoảnh đất rộng lớn nằm phía sau nữa, có mấy chục người đương đào gốc cây và ban cho bằng thẳng, mà nói với khách:" Sở đất lớn đương dọn dẹp đó thì ông chủ định lập một sở nuôi dạy trẻ nhỏ mồ côi. Tiếp với cuộc nầy sẽ cất một cái nhà lầu 5 căn nằm ngang để cho ông hoặc bà quản lý với mấy người phụ sự ở. Từ đó trở vô trong sẽ cất mỗi bên một dãy nhà dài, một bên nuôi con gái, một bên nuôi con trai. Chính giữa thì cất trường dạy chữ, nhà dạy may vá, nhà dạy nấu ăn. Phía trong hết thì đào giếng làm rẫy để cho con trai tập gieo trồng.

Cô Hường lắc đầu ngó Quí mà nói: "Làm việc có ích quá ! Ngặt phải tốn hao dữ lắm. Biết được lâu dài hay không?"

Quí cười mà đáp:" Chắc người ta liệu làm được, nên người ta mới định làm đó chớ "

Ông sếp dắt qua đầu xông phía trái. Ông chỉ miếng đất trống mà nói:" chỗ nầy có một cái giếng sẵn. Thử rồi, nước tốt lại nhiều. Sẽ xây một cái bồn chứa nước trên cao, đặt máy bơm nước lên bồn, rồi làm ống cho chạy cùng hết đặng có nước dùng và tưới đồ trong mùa nắng. Phía nhà mồ côi cũng phải xây bồn nước như vậy nữa mới có nước đủ dùng "

Di Ba Thới nói:" làm công chuyện quá nhà nước "

Ông sếp nói:" Xin bà lão đừng nói vậy không nên ". Bây giờ ông mới dắt đi vòng ra phía trước rồi lên thềm mà vào đền.

Vừa bước vô cửa thì dì Ba Thới với cô hai vội đứng lại. Một cái phòng: rộng bề ngang, hiện ra trước mắt, dưới đất có lót gạch bông láng mướt, trên tường và trên trần vẽ vời tốt tươi, đèn ống gắn nhiều màu, ghế bàn dọn hực hỡ. Chính giữa dọn một bộ sa lông lớn, nệm may bằng nhung màu vàng, hiện giờ chưa dùng, nên tròng bao bằng bố xám. Bên tay mặt có một bộ sa lông khác cũng đẹp nhưng nhỏ hơn, nệm may bằng nỉ xanh cũng có bao bằng bố xám. Còn bên tay trái thì lót một cái bàn lớn có thể 24 người ngồi ăn cơm rộng rãi. Mà thiệt có 24 cái ghế lót nệm xanh đậm, chồng để dọc theo vách rồi phủ vải trắng cho khỏi bụi.

Ông sếp mời vào mà nói:" Đây là phòng khách. Nếu đãi tiệc đông thì dẹp hết xa lông mà đặt bàn thì 120 khách ngồi ăn rộng rãi. Nếu nhảy đầm thì dẹp bàn mà khiêu vũ, mấy chục cặp cũng đủ chỗ "

Có trổ hai cửa vô phía sau. Ông sếp mở mà mời khách vô. Một cái phòng nhỏ có một bộ ván cẩm lai, lại một bên để tủ rượu, một bên để máy lạnh. Trước bộ ván thì có một bàn ăn cơm, còn dựa vách mỗi bên có một bàn nhỏ với hai cái ghế để hai người ngồi uống nước hoặc uống trà mà nói chuyện thân mật. Ông sếp nói đây là chỗ gia đình ăn cơm hằng ngày, chỗ tiếp bà con thân thích hoặc người thường. Còn hai bên đây có hai cái phòng ngủ để cho bà con trong thân ngủ. "

Ông sếp dắt qua coi hai cái phòng thì có giường sắt, tủ áo, bàn ghế đủ hết. Mỗi phòng có kềm một giường nhỏ để tắm rửa và trong đó có cầu tiêu máy.

Xem dưới đất đủ rồi ông sếp mời khách lên. Hai bên có hai thanh lầu xây bằng xi măng lót đá cẩm thạch trắng, muốn lên bên nào cũng được. Lên mút đầu thang thì gặp một phòng lớn rộng rãi mát mẻ, Ông sếp nói:" Bây giờ mấy bà bước vào cảnh sống thân mật một gia đình của ông chủ tôi. Cái phòng nầy người Pháp gọi là phòng tiếp khách riêng của bà chủ nhà. Ngày đêm nếu không làm việc gì thì bà chủ thường ở đây đặng thêu thùa hoặc đọc sách, hoặc trò chuyện vợi chị em. Vì vậy nên đồ đạc trong phòng đều thuộc đồ của phụ nữ dùng"

Dì Ba Thới vụt nói:" Bà chủ ở cái chỗ đẹp đẽ quá há. Sung sướng sang trọng biết chừng nào. Người có phước lắm mới được hưởng như vầy "

Dì Ba Thới với cô hai ngó chung quanh trong phòng thì thấy có một cái đi hoăn thiệt đẹp, vì ba phía có đóng hộc chạm trổ kiển thiệt khéo. Có bàn viết nhỏ để viết thơ, có bàn dồi phấn, có ghế xích đu,có một bộ sa lông nhỏ để ngồi nói chuyện,.

Ông sếp liệu mấy bà xem rồi ông mở cái tủ nhỏ lấy ra một cái chuông đồng cũng nhỏ, ông lắc kêu reng reng, rồi ông bỏ chuông vô tủ mà khép cửa lại.

Một anh bồi ở từng dưới chạy lên. Ông sếp nói nho nhỏ vài câu rồi anh bồi xây lưng đi xuống.

Ông sếp mới mời khách theo ông vào một hành lang dài từ phòng đó ra tới phía trước. Khách mút hành lan rồi đứng ngó xuống sân mà chơi. Ông sếp để cho khách bàn luận, ông đi mở cửa hai cái phòng, nằm hai bên hành lan rồi mời khách lại xem. Ông cho vô phòng bên tay mặt mà nói đây là phòng ngủ của ông chủ bà chủ. Có giường đồng có ván gõ, có tủ áo, có bàn cẩm thạch, có ghế phô tơi, có phòng tắm rửa, có chỗ ngồi trang điểm. Coi bên nầy rồi ông dắt qua phòng bên kia, thì đồ đạc cũng giống y như vậy, mà ông nói phòng nầy là phòng riêng của chị ông chủ ngủ.

Cô Hường nghe nói như vậy thì ngó cô Mỹ và chúm chím cười.

Dì Ba ngó Quí đứng dựa cửa phòng dì nói:" Té ra ông chủ có vợ lại có chị nữa "

Quí làm lơ.

Ông sếp cũng không trả lời, mà ông mời liền mấy bà và cô trở lại phòng khách hồi nãy.

Dì Ba thấy phía sau còn ba cái phòng để làm chi mà nhiều vậy. Quí châu mày ngó lơ.

Ông sếp bước tới cửa phòng giữa thì thấy có dọn một bàn thờ ông bà, có lục bình, lư hương chưa có đèn đủ chi hết.

Dì Ba ngạc nhiên nên nói:" Ủa ! ông chủ là người Pháp, mà ổng thờ ông bà hay sao?"

Ông sếp bình tĩnh đáp:" Người Pháp cũng có nhiều đạo vậy chớ. Ông chủ tôi theo đạo Nho. Còn tôi đây, tôi cũng người Pháp mà tôi thờ đạo phật "

Ông sếp mở cửa cái phòng bên tay mặt nữa mà nói phòng nầy là phòng đọc sách của ông chủ; rồi ông trở qua mở luôn cái phòng bên tay trái mà nói phòng nầy là phòng của ông chủ làm việc. "

Dì Ba Thới đứng ngoài ngó vô thấy bàn viết, có tủ nhỏ, trên tường lại có treo một khuôn hình lớn. Dì chỉ hình ấy mà hỏi ông sếp:

- Phải hình của ông chủ hay không sếp?

- Không, đó là hình ông già của ông chủ.

- Trời ơi! Hình đó là hình ông Kinh Lý La-Co. Té ra ông chủ là con của ông La-Co mà.

Quí lật đật bước vô mà nói:" Không phải đâu dì Ba. Tại dì không có gần người Pháp, dì coi họ giống nhau hết nên dì lầm. Con có làm với ông La-Co mấy năm. Mặt ổng khác, chớ không phải vậy"

Hường với Mỹ nói hình giống như ông La-Co quá. Không biết sao mà nói không?

Anh bồi bưng lên để tại sa lông một mâm có lave, mô nát, nước cam, nước đá, một hộp bánh mì với 5 cái ly.

Ông sếp mời khách lại giải khát, mời dì Ba ngồi cái ghế ca na bê, hai cô ngồi hai cái ghế một phía, còn phía bên nầy thì Quí và ông sếp ngồi.

Ông sếp gắp nước đá bỏ vô năm cái ly. Dì Ba nói dì với hai cô không biết uống rượu mà sợ say. Ông sếp cười mà nói nước cam ngọt, uống nước đá cho mát, chớ không phải rượu đâu mà sợ say, Ông mở hai chai nước cam rót 3 ly khách đàn bà, còn 2 ly thì ông mở la ve rót uống với Quí.

Ông sếp ép mời Quí cũng tiếp mời nữa, nên dì Ba với cô hai mới chịu bưng ly mà nếm thử. Nếm ngon ngọt mà mà không có mùi rựơu, ba người mới dám uống.

Quí bưng ly la ve lại đứng dựa cửa mà uống, có ý muốn để cho mấy người đàn bà thong thả trao đổi cảm tưởng với nhau cho vui. Ông sếp cũng bưng ly lại đứng với Quí. Hai người nói tiếng Pháp với nhau.

Hường chú ý rình coi tuy không hiểu hai người nói chuyện gì song thấy ông sếp nói nhiều mà bộ lại bải buôi chiều chuộng. Còn Quí thì trầm tĩnh, ông sếp nói thì lóng tai nghe, mà không thèm ngó, một lát thấy gật đầu mọt cái, hoặc nói lại ít tiếng mà thôi. Hường không hiểu hai người có quen nhau hay không, nhưng cô nhận thấy chắc chắn mấy đièu nầy là Quí rành tiếng Pháp, hiểu mau, nói dễ, nói chuyện với ông sếp, Quí vững vàng, không sụt sè, không kiêng nể, bộ còn oai hơn nói chuyện với người trong làng.

Còn dì Ba Thới thì dì khoái quá, vì được ông sếp tiếp rước tử rế, dắt đi xem cùng hết, tới đâu cũng cắt nghĩa rõ ràng, mời ngồi tại phòng tiếp khách của bà chủ, lại còn đãi nước đá nước cam. Dì nói với Mỹ và Hường:" Có lẻ mình nhờ Quí biết nói tiếng Pháp nên ông sếp mới đối đãi với mình một cách tử tế đặc biệt. Mấy tháng nay trên mình họ đi xem dập đền mà, chắc không có người nào được biệt đãi trọng hậu như mình vầy đâu "

Thấy Quí uống hết ly la ve, dì Ba mới kêu lên mà nói:" Con, mình xem đủ hết rồi, thôi mình cám ơn ông sếp đặng di xuống chợ Trà Vinh một chút "

Ông sếp nói:" Mấy bà muốn xuống chợ, chớ không phải ở đây đón xe đò mà về? Được. Tôi có việc nên tôi cũng phải đi chợ đây. Vậy mấy bà uống cho hết ly nước cam đi. Đợi tôi soạn đồ một chút xíu rồi tôi đem xe ra tôi đưa mấy bà đi với tôi. Trời nổi nắng rồi. Đi bộ từ đây xuống tới chợ mệt lắm. "

Ông sếp nói rồi liền đi vô phòng làm việc, chỗ có treo khuôn hình hồi nãy đó.

Dì Ba ngoắt Quí lại mà biểu ngồi một bên rồi hỏi:

- Tại sao ông sếp tử tế với tụi mình dữ vậy?

- Tại con biết nói tiếng Pháp nên ông ưa. Người Pháp đều vậy hết. Ai biết nói tiếng của họ thì họ chịu lắm.

- Ông đãi rượu, rồi còn mời đi xem nữa. Nên đi hay không con?

- Sao ông có dịp đi xuống chợ, ổng chở giùm mình luôn, có tốn hao gì cho ổng mà mình ngại.

Hường cười mà nói:" Em coi bộ ổng trọng anh lắm. Nếu anh o bế ổng, anh cậy ổng đưa giùm mình về Càng Long, chắc ổng cũng chịu. Thiệt vậy à."

Quí đứng dậy và nói:" Có lẽ ổng vị quá như vậy. Thôi, uống cho hết ly nước cam rồi ổng ra mình đi "

Ông sếp trở ra, tay có ôm một cặp đựng giấy tờ đầy nhóc. Ông mời khách theo ông xuống lầu đặng ông đem xe ra mà đi với nhau.

Xuống tới sân sau, ông biểu khách đứng đó mà chờ. Ông vô nhà lấy xe lấy chiếc xe trắc xông chạy ra sân. Ông nhảy xuống mở cửa xe mời dì Ba với hai cô ngồi phía sau mời Quí lên ngồi phía trước với ông rồi chạy ra cửa ngỏ. Một người cặp rằng thấy xe ông sếp ra, lật đật chạy lại mở cửa lớn cho xe ra rồi quanh chợ. Quí day lại hỏi dì Ba Thới muốn ghé chỗ nào. Dì biểu lại chợ thì ngừng đặng xuống cho Mỹ xem chợ rồi sẽ lại xe đò mà về.

Ông sếp nghe lời chạy lại ngừng ngay nhà chợ, Quí leo xuống mở cửa xe cho dì Ba với hai cô ra. Quí với dì Ba tỏ lời cám ơn ông sếp rồi chào hết bốn người khách, lái xe mà đi.

Dì Ba Thới dắt hết đi một vòng chung quanh chợ cho Mỹ xem chợ, xem các tiệm lớn thì trầm trồ, khen buôn bán lớn bằng mười chợ Càng Long.

Dì Ba Thới mới được xem đền đài, lại được ông sếp hậu đãi, trong lòng dì đương hân hoan nên nghe nhắc ăn uống thì dì sẵn lòng đãi con cháu một bữa cơm khách trú để kỷ niệm cái ngày đi chơi vui vẻ, dầu phải tốn một chục đồng cũng đáng.

Mấy bà con dắt nhau vô tiệm cơm. Lúc ấy gần 10 giờ. Tốp ăn lót lòng thì họ đã đi hết rồi, còn tốp ăn trưa thì còn sớm quá họ chưa tới, bởi vậy trong tiệm trống trơn, không có khách. Quí lựa một bàn lớn chính giữa mà mời dì Ba với cô hai ngồi. Quí hỏi dì Ba muốn ăn thứ gì. Dì suy nghĩ một chút rồi nói: "Lâu ăn mì quá. Vậy nấu cho mỗi người một tô mì ăn chơi rồi sẽ ăn cơm. "

Quí bèn kêu bốn tô mì nước, dặn phải nấu cho ngon,

Lúc ngồi chờ mì dì Ba nhắc chuyện xem đền đài hồi nãy, được ngồi phòng tiếp khách của bà chủ, được uống nước đá nước cam, lại được xe nhà đưa xuống chợ. Dì hỏi Mỹ khoái hay không. Dì dặn Hường về hỏi mấy người đi coi rồi có ai được vậy hay không. Dì khen, cuộc rộng lớn, nhà kinh dinh, đồ Quí giá. Dì khen hết thẩy, không chê chỗ nào.

Hường với Mỹ cứ ngồi cười, không chê mà cũng không khen, chắc là tại quang cảnh quá trí tưởng tượng của hai cô, nên hai cô không bình phẩm nỗi.

Vì đi hồi tảng sáng đến bây giờ đã đói hung nên mì lại bưng bốn người ăn rất ngon.

Quí biểu nấu một tô canh cải bẹ xanh, lấy một dĩa thịt xá xiếu, một dĩa lạp xưởng đặng ăn cơm, nghe rằng ăn một tô mì đã muốn no rồi, nên không cần kêu đồ ăn cơm nhiều sợ ăn không hết, thiệt quả chừng ăn cơm mỗi người ăn có một chén mà thôi, không thể ăn nhiều được.

Chủ tiệm tính tiền cả thẩy có 2 đồng 2 cắt. Quí móc tiền mà trả. Dì Ba rầy, dì giành mà trả tiền. Dì nói cô Hường có hứa đi chơi cô bao hết thảy, nên chị em Quí không phép phải trả.

Uống nước rồi lại bến xe đò thì xe Càng Long đợi nữa mới có xe mới, nên dắt Mỹ với mẹ con dì Ba đi xem toà án. Toà bố, công sở, phố phường trong châu thành đến gần 12 giờ mới trở lại bến xe.

Quí xin dì Ba với cô hai về trước vì Quí phải ở lại kiếm thăm thầy Nhứt Vĩnh rồi xế chiều Quí sẽ về sau.

Dì Ba với cô Hai lên xe ngồi trước. Quí xẩn bẩn ở đó mà chơi cho đến xe chạy rồi Quí mới đi bộ lại Bungalow là nhà của nhà nước cất ra và sắm đồ đạc rồi giảo giá giao cho người ngoài cai quản để khách phương xa đến có sẵn chỗ tử tế mà ăn ngủ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro