Tieu Thuyet Ngọn Cỏ Gió Ðùa Hồ Biểu Chánh Chương 10-12

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

* Nắng táp mưa sa

Chương 10

Trời mưa mới tạnh, đường sá trơn-trợt bẩy-lầy; cây cỏ loi-ngoi lót-ngót. Bên hướng tây mặt trời ngó ra, chiếu nắng xuống mấy tàu lá chuối ướt, rồi nước động trên tàu chuối dọi lại, nên chớp nhán[1] coi sáng ngời. Ở ngoài đồng ngọn gió thổi lai-rai, đưa đẩy mấy chòm lau bóng giũ phất phơ, cộng ngã oặc-òa uặc-oại. Con cò ngà đậu trên nhánh bần rạch, sè cánh ra phơi; vịt xiêm[2] mái lội xuống mé đường mương kêu con đi rút tép.

Lý-ánh-Nguyệt ngồi chồm hổm dựa cửa, ngó ra trước sân, mặt mày buồn hiu. Con Thu-Vân bước lẩm đẩm trong nhà, chạy vịn sau lưng, miệng cười hịt-hạt.

Ngoài sân nước mưa còn đọng vũng; trong bụi chàng-hiu nhảy lom-xom. Mấy đám rau đắng đóng mọc tàn lan[3] sát cửa gốc ngập xấp-xấp, lá ướt loi-ngoi. Mấy về rong-rêu đóng theo đường vô nhà, chỗ thấy xanh vờn, chỗ coi láng mướt.

Ánh-Nguyệt ngồi ngó mấy đám rau đắng, thì tủi phận mình chẳng khác chi rau cỏ kia, thân dãi-dầu mưa nắng mà chưa hề nếm được chút ngọt bùi, rồi nàng ngó lại mấy về rong-rêu, càng phiền não trong lòng, giận người giả dối bạc đen, để cho mình đeo sầu, làm cho mình mang nhục, ở trong nhà tức tủi đêm ngày, ra ngoài đường hổ ngươi cùng thiên hạ.

Con Thu-Vân đeo sau lưng kêu "má, má"; nàng ngoái đầu ngó lại, con cười mà mẹ lụy ứa rưng-rưng.

Con Thu-Vân nay đã gần giáp hai đôi-tôi[4] rồi, coi thiệt là ngộ-nghĩnh, môi đỏ lòm như thoa son, mắt sáng ngời như sao đóng, nước da mỏng mà trắng nõn, cườm tay nhỏ mà no tròn, diện mạo giống hịch Từ-Hải-Yến như khuôn đúc.

Ánh-Nguyệt một tay vịn con, còn một tay thì lấy vạt áo lau nước mắt rồi ôm con vào lòng mà hun. Thình-lình có dạng một người đàn bà ở xa xa đi lại gần tới cửa, Ánh-Nguyệt lật đật đứng dậy bồng con đi vô, dường như trốn tránh, không dám để cho thiên-hạ thấy mặt.

Tấm vách xông hư đổ xịt-xạt, nên nắng ở ngoài dọi vô nhà, vẽ mấy khóm vàng-vàng. Lá sấp nóc tốc bay tan-hoang nên lọt giột mưa làm khuyết bẩy một đường ướt nhẹp. Ánh-Nguyệt bồng con đi thẳng vô nhà sau, rồi leo lên võng mà nằm. Phía sau gió thổi đánh lá mái nhà nghe lạch xạch, đằng xóm heo kêu đòi ăn tiếng ột-ẹt vang rân.

Con Thu-Vân nằm trên võng với mẹ, cứ đỏ-đẻ nói chuyện hoài. Ánh-Nguyệt thương con mà ít dám ngó con, vì hễ ngó một hồi thì nước mắt ở đâu cuồn-cuộn chảy ra, khó cầm cho được. Thình-lình con Thu-Vân chờn-vờn ngồi vỗ tay trên ngực nó mà hỏi rằng: „Cha đi đâu má?"

Chết chưa! Làm sao mà trả lời!

Từ ngày con Thu-Vân biết đi biết nói thì Ánh-Nguyệt tập nó nói đủ hết, nhưng mà chẳng hề dám dạy nó nói „cha", vì tiếng ấy hễ nói tới thì tức-tủi đau đớn lòng nàng, nên nàng dạy không được. Vì cớ nào bữa nay con Thu-Vân lại biết nói tiếng „cha", mà lại còn hỏi „cha đi đâu?"

Ánh-Nguyệt làm lơ day mặt chỗ khác như không nghe. Thu-Vân kêu hỏi nữa. Nàng không thế không trả lời được; mà trả lời bây giờ biết nói làm sao với con? Hải-Yến bạc bẽo đáng giận thiệt song Thu-Vân là con nít thơ ngây chưa có trí khôn, mình có nên tập lần đặng ghi cái sự oán cha nó vào trong trí nó hay không? Con oán cha là một tội đại ác, dầu mình hờn Hải-Yến, song mình không nên xúi con mang tội đại ác với đời. Vậy mình chẳng khá tỏ lòng hờn của mình cho con biết làm chi. Mà bây giờ nếu mình giấu-giếm, hoặc kiếm chuyện nói dối với con, thì là trái với sự thiệt, nên mình cũng không nỡ làm. Cha chả là khó! Con nhỏ thiệt là tệ! Ai xui khiến nó hỏi cắc cớ chi lắm vậy không biết! Nàng đương suy nghĩ, con Thu-Vân lại hỏi nữa. Nàng cùng thế, nên lau nước mắt và thở dài mà đáp rằng:

- Cha con đi khỏi.

- Ði đâu, má?

Trời ơi! Biết nói đi đâu bây giờ! Ánh-Nguyệt chảy nước mắt dầm-dề, song nàng gắng gượng mà nói giọng rất bi thảm rằng: „Về An-Giang".

Thu-Vân ngước mắt ngó mẹ trân-trân một hồi rồi hỏi rằng: „Sao mẹ khóc?"

Ánh-Nguyệt lấy vạt áo đậy mặt, hết trả lời với con nữa được. Chẳng hiểu con Thu-Vân vì thấy mẹ như vậy mà nó buồn, hay là vì nó ăn-năn mấy lời nó mới hỏi đó, mà nó ngó dáo dác một hồi rồi nằm ngửa trên võng, nhắm riết hai con mắt lại, cách chẳng bao lâu nó ngoẻo đầu ngủ khò.

Ánh-Nguyệt nghe con hỏi cha, thì nàng tức-tủi đau-đớn, mà vì thương yêu con, nàng không muốn khóc, bởi vậy nàng ấm-ức trong lòng, không khóc mà thở hơi nghe khì-khịt, không giận mà ngực nhảy coi xoi-xói. Chừng nàng nghe con nằm im lìm, nàng dở áo mở mắt ra mà dòm, thì con đã ngủ lâu rồi. Nàng chống tay ngồi dậy, sửa con nằm lại cho ngay-ngắn rồi nhẹ-nhẹ lén bước xuống đi lấy nồi vo gạo nấu cơm chiều.

Cơm cạn rồi, nàng ra trước sân ngắt ít ngọn rau đắng đặng luộc mà chấm mắm. Mặt trời đã chen lặn. Ráng chiều ửng đỏ nhuộm cỏ cây một màu vàng-vàng. Ánh-Nguyệt lum-khum hái rau, bị ráng dọi nên da mặt trắng mà ửng hồng-hồng.

Năm nay nàng mới vừa 25 tuổi, mà vì lắm dày bừa gió bụi, rồi lại nặng mang niềm thảm sầu, bởi vậy tóc nàng đã thưa, thân nàng đã ốm, gò má nàng đã thỏn, da mặt nàng lại dùn làm cho có hai lằn nhỏ-nhỏ trên trán. Tuy nhan sắc nàng mười phần kém hơn xưa hết hai ba phần, nhưng mà nếu ngó cho kỹ thì thấy gương mặt nàng có vẻ nghiêm-trang tề chỉnh hơn, vóc vạc có tướng dịu-dàng dung-dảy hơn.

Nàng hái rau mà mắt ngó chừng ra ngoài đường hoài, hễ thấy dạng ai đi gần tới thì nàng cúi đầu xây lưng, không muốn cho họ thấy mặt. Lòng sầu não đã chịu không được rồi, mà mặt lại hổ ngươi không thể tỏ nỗi niềm tâm sự của mình cho ai biết, đau-đớn nầy nghĩ thử coi còn có đau-đớn nào bằng!

Cơm chín rau luột rồi, thì trời đã tối mò. Nàng sập cửa đốt đèn rồi vô võng phá con thức dậy bồng ra để ngồi trong lòng mà đút cơm. Hễ nàng đút cho con một miếng thì nàng và một miếng, mà phần con thì con ăn coi ngon lành, còn phần nàng thì nàng ngồi chống đũa nhai hoài dường như nhai đất nhai bùn, nuốt không qua khỏi cổ. Nàng ngẩn-ngơ quên lửng thế sự đến nỗi con Thu-Vân nuốt hết cơm rồi, phải hả miệng đòi đút cơm nàng mới nhớ mà đút cho nó một miếng cơm khác.

Cơn nước xong rồi, Ánh-Nguyệt mới gài cửa tắt đèn bồng con vô buồng mà vỗ ngủ. Ngoài sân vắng-vẻ, trong nhà tối mò. Ánh-Nguyệt ôm con nằm lim-dim, nhớ mấy lời con hỏi hồi chiều thì lòng càng thêm chua xót. Người sao mà tệ lắm vậy! Ðã thông thuộc năm kinh ba truyện, hễ mở miệng ra thì nói luân lý cang thường mà sao sở học với sở hành lại khác nhau, nỡ quên câu sách „Tào khang chi thê bất khả hạ đường", để cho phận gái liễu bồ nhục nhã không dám trở về cố hương, mà lại còn đành bỏ con thơ bơ-vơ không biết cha là ai nên phải hỏi. Thói đời giả dối, càng nghĩ càng thêm phiền; lòng người bạc đen, càng nhớ càng thêm giận. Ối thôi, ấy cũng là tại mạng số mình vô duyên nên khiến cho mình phải chịu đau lòng hổ mặt, dầu bây giờ mình có than trời trách người cho lắm đi nữa thì cũng đã muộn rồi. Bởi tại mình vội tin người, nên mình mới bị người gạt-gẫm. Bây giờ mình có con thì mình phải lo nuôi nó, chớ ngồi mà khoanh tay mà rầu hoài đặng bỏ con chết hay sao. Vậy người ta bỏ mình thì mình phải rán mà lo cho thân phận mình, đừng thèm nhớ tới người vô tình bạc bẽo nữa. Mình phải lăn-lóc rán nuôi con cho nó khôn lớn, nó không có cha thì mình thế làm cha mà dạy nó học. Mình kể như cha nó đã chết rồi, đừng thèm tưởng tới làm chi. Mấy năm nay vì con còn nhỏ, mình mắc cho bú, mắc dỗ ngủ, không đi buôn gánh bán bưng được, nên 5 nén bạc đã tiêu mòn gần hết 3 nén rồi. Nay con đã thôi bú, vậy mình phải tính bề mà nuôi miệng nuôi con, chớ nếu ở không hoài chừng tiêu hết mấy nén bạc rồi thì mẹ con làm sao mà sống được.

Ánh-Nguyệt suy nghĩ tới đó rồi lại tính tầm rằng: „Bữa nay là 18 tháng 5, ngày 20 mình bồng con qua viếng ông ngoại nó một bữa rồi sẽ tính phương buôn bán làm ăn".

Nàng còn đương bàn-hoàn suy tính, bỗng nghe ngoài đường có tiếng đông người đi ngang qua cửa, nói chuyện lào-xào, động đất thịch-thịch. Nàng ngóc đầu ngồi dậy dòm ra cửa, có ý lóng tai nghe coi canh khuya rồi mà người ta còn đi đâu.

Trăng đã mọc lên cao. Cửa lá thưa-thớt nên yếng mặt trăng rọi vô nhà thấy mờ-mờ. Dế trốn dưới chơn giường gáy tiếng xè-xè; dơi đáp trên nhành ổi đập cánh xạch-xạch.

Cách chẳng bao lâu, lại nghe có tiếng người đi ngang qua nhà nữa, mà lần nầy số lại đông hơn, nên đi nghe rần-rần. Ánh-Nguyệt lấy làm kỳ, song nàng không muốn cang dự đến việc của người, nên nàng không để ý đến.

Nàng nằm xuống, day qua hun con hai ba cái rồi nói một mình rằng: „Mẹ kiếp nó, mới vừa biết nói thì hỏi thăm cha! Ðồ nó là đồ bạc, con hỏi đến nó làm chi, con? Chớ phải mà nó biết thương con, thì có đâu mẹ con mình bơ-vơ như vầy. Vì nó mà má chịu tiếng đời cười chê, vì nó mà mấy năm nay má đau lòng cực trí. Con có thương má thì cứ biết một mình má đây mà thôi, đừng có thèm hỏi ai nữa hết. Mẹ con mình hẩm hút nuôi nhau cũng xong, vái trời cho mẹ con mình mạnh giỏi thì thôi, cha con nó giàu sang thì nó nhờ, con đừng có trông nhờ cậy nó. Nó không biết thương má, thì nó thương con bao giờ. Dầu ngày sau con khôn lớn rồi cha con có tìm con, thì con cũng đừng thèm nhìn, nghe hôn con".

Vì là vậy nóc nhà bị giông gió tốc làm trống lổng một đường, nên mặt trăng dọi xuống giường sáng hoắt. Ánh-Nguyệt nựng con nói tầm phào. Thu-Vân đương ngon giấc mà nó lại nhích miệng cười, dường như nó chịu lãnh mấy lời nhỏ to của mẹ nó dặn.

Ánh-Nguyệt hả hơi chút đỉnh được thì nhẹ lòng thỏa dạ, mới tính nhắm mắt mà ngủ, không thèm buồn rầu lo tính việc chi nữa. Nàng nằm mơ-màng, cách chẳng bao lâu, bỗng nghe trong thành tiếng la vang-vầy, tiếng trống hồi inh-ỏi. Nàng giựt mình, lồm cồm ngồi dậy lóng tai mà nghe.

Ngoài đường thiên hạ chạy rần-rần, nàng không hiểu có việc chi, nên lén con bước xuống đất, rồi lần ra mở hé cửa mà dòm. Ðường sá ướt-át, mà mặt trăng tỏ rạng soi cảnh vật thấy rõ ràng. Ánh-Nguyệt ngó thấy có một tốp đông người ở phía trong thành chạy ra, không hiểu tại họ mệt hay họ sợ, mà người nào người nấy đều thở hào hển. Chừng họ chạy ngang qua nhà, Ánh-Nguyệt muốn kêu hỏi thăm, mà chưa kịp hỏi, bỗng có một người trong đám ấy kêu lớn rằng: „Hai a! Bớ Hai! Cháu thức hay là ngủ đó cháu?"

Ánh-Nguyệt biết tiếng ông ba Cửu là người ở gần, nàng không còn ái ngại chi hết, nên vùng dở cửa chun ra và nói rằng: „Dạ, cháu thức đây. Bác kêu chi vậy bác? Có việc chi mà trong thành nổi trống quân ..."

Nàng nói chưa dứt câu, thì ông ba Cửu nói tiếp rằng: „Có giặc! Có giặc! Chạy trốn đi cho mau, kẻo chết bây giờ". Nàng nghe mấy lời thì kinh tâm thất sắc, bủn rủn tay chơn, muốn hỏi nữa, mà ông ba Cửu đã chạy xa rồi, nàng hỏi không kịp. Nàng chắc lưỡi nói có ba tiếng: „Trời đất ôi!", rồi dở cửa chun vô nhà hai tay xốc bồng lấy con mà chạy ra ngoài sân nữa.

Lúc ấy thiên-hạ chạy tới càng đông hơn nữa: kẻ mang gói, người cỏng con, kẻ dắt cha, người dắt vợ, ông già lụm-cụm trợt té bò càn, con nít lao-nhao sợ khóc thút-thít. Ánh-Nguyệt thấy vậy càng thêm kinh hãi, nên bồng con nhập vào đám đông mà chạy theo họ, không biết chạy đi đâu, không kịp đem vật chi theo hết.

*

* *

Người đời nay ai nghe nói „Giặc Khôi" thì cũng tưởng là giặc chòm giặc khóm, tùng tam tụ ngũ rồi nổi lên đặng cướp giựt của lương dân, hoặc khuấy rối trong thôn xã. Có người không rõ căn nguyên lại khinh khi Lê-văn-Khôi đến nỗi con hư thì mắng nó là đồ „Ngụy Khôi đầu thai" coi Khôi như người nghịch của mình, tưởng Khôi là một tên đê tiện.

Ðã biết người viết tiểu-thuyết không nên giành nghề với người chép sử ký. Nhưng vì giặc Khôi có can thiệp với những người thuộc trong bộ tiểu-thuyết nầy, bởi vậy dầu không muốn cũng nhắc sơ truyện giặc Khôi cho độc giả dễ hiểu.

Ai có đọc Việt-Nam sử-ký thì cũng đều biết, lúc gần hết thập bát thế kỷ chúa Nguyễn bị binh Tây-Sơn thâu đoạt giang san; Ðịnh-vương với Ðông-cung đều bị Nguyễn-Huệ và Nguyễn-Lữ bắt giết hết. Nguyễn-phước-Ánh, là cháu Ðịnh-vương, chiêu mộ anh hùng, viện binh Pháp-quốc, xung đột với Tây-Sơn trót 24 năm. Ðến năm tân-dậu (1801) Nguyễn-phước-Ánh mới lấy đô-thành Phú-Xuân (Huế) lại được rồi qua năm sau lên ngôi vua, xưng hiệu là Gia-Long.

Tuy vua Gia-Long có cậy sức ngoại bang giúp, song ngài thâu phục cơ phục nghiệp của chúa Nguyễn lại được, nhứt là thống nhứt sơn hà từ Nam chí Bắc, thiệt phần nhiều là nhờ công lao tài cáng của các đứng anh-hùng nghĩa-sĩ trong nước là mấy ông: Ðỗ-thanh-Nhơn, Châu-văn-Tiếp, Tôn-thất-Hội, Võ-Tánh, Nguyễn-huỳnh-Ðức, Nguyễn-văn-Thành, Lê-văn-Duyệt, Lê-Chất, Nguyễn-văn-Trương, Võ-duy-Nguy v.v.

Vua Gia-Long trị vì được 18 năm. Lúc ngài gần băng thì những vị khai quốc công thần lần hồi đã chết hết rồi, duy còn có một ông Tả-Quân Lê-văn-Duyệt, đương làm chức Nam-thành Tổng-trấn mà thôi. Ngài mới triệu quan Tả-Quân về kinh mà thương nghị việc lập hoàng Thái tử để nối ngôi cho ngài. Ngài tỏ ý muốn lập ông Hoàng-Ðảm. Ông Lê-văn-Duyệt không vừa lòng, ông muốn lập con của Ðông-Cung Cảnh, nên ông tâu rằng: "Ðích tôn thừa trọng". Vua phán rằng con của Ðông-Cung Cảnh còn nhỏ, không thế cầm quyền cả được, mà ông Hoàng-Ðảm thì lớn tuổi, lại tư chất thông minh, ham học, hay làm, nên vua không nghe lời Tả-Quân, nhứt định lập ông Hoàng-Ðảm.

Ông Lê-văn-Duyệt không dám cải, song ý ông không vui. Vua sợ ngày sau ông không phục ông Hoàng-Ðảm rồi sanh rối, nên phải bắt ông Hoàng-Ðảm làm con nuôi ông Lê-văn-Duyệt.

Ðến năm kỷ mão (1819) vua Gia-Long băng. Ông Lê-văn-Duyệt hay tin lật đật về kinh mà chịu tang. Song về triều ông không thèm yết-kiến Ðông-Cung, làm cho Ðông-Cung phải cà rà trước cung Thái-Hậu mà chờ chực. Vì ông không dám cãi di-chiếu nên cực chẳng đã ông phải tôn Ðông-Cung Ðảm lên ngôi, xưng hiệu là Minh-Mạng, nhưng mà tôn vương rồi, thì ông bỏ đi Gia-Ðịnh liền, không chịu chầu vua.

Ông Lê-văn-Duyệt đả không phục vua Minh-Mạng rồi, mà đến chừng ông hay tin vua hãm hại vợ con của Ðông-Cung Cảnh, thì ông càng bất bình, không thèm kể triều đình nữa. Ở trong Gia-Ðịnh ông hoành hành, muốn làm việc gì tự ý ông định, không cần tâu cho vua hay. Ông cho tàu ngoại quốc vô ra buôn bán thong-thả, ông cho phép mấy linh-mục đi truyền đạo Thiên-Chúa, ông sai sứ qua giao-hảo với Miến-Ðiện, ông lãng bảo-hộ nước Cao-Mên, ông phá rừng lấy cây đóng chiến thuyền, ông bắt dân đào kinh Vĩnh-Tế, rồi tích trử lương thực tính đi đánh Xiêm-La, làm cho vua Xiêm sợ phải đem lễ vật tấn cống.

Vua muốn rõ việc hành tàng của ông, mới sai Huỳnh-công-Lý là cha của vị vương-phi, vào lãnh chức Nam-Thàng Ký-lục để thám dọ tình hình. Lúc ấy trong Gia-Ðịnh chưa phân tỉnh, nên trên thì chức Tổng-Trấn, dưới thì chức Ký-lục coi việc thâu thuế, điền lính. Huỳnh-công-Lý, là cha của một vị vương-phi, vào lãnh chức Nam-thành Ký-lục để thám dọ tình hình. Huỳnh-công-Lý ỷ thế cha vợ vua không ai dám làm tội, nên hà khắc nhơn dân. Ông Lê-văn-Duyệt bắt hạ ngục rồi chạy sớ về kinh cho triều đình định tôi. Ông Lê-văn-Duyệt biết trước hễ giải về kinh thì vua tha, bởi vậy ông chém Huỳnh-công-Lý rồi gởi cái đầu về Huế.

Vua Minh-Mạng nghĩ công khai quốc, lại vị tình thượng phụ, nên trót mấy năm trường quan tả quân khinh dể triều đình thái thậm, nhưng mà ngài cứ dằn lòng mà chịu, không nỡ bắt tội. Ðến chừng chém tới Huỳnh-công-Lý thì ngài giận quá, ngài mới trù hoạch kế sách mà trừ quan Tả-Quân. Cái kế sai người vào Nam-Thành ăn cắp ấn của tổng trấn là kế hay lắm, rủi thay thằng ăn trộm bị bắt nên lậu mưu, hết làm chi được. Mà quan Tả-Quân thiệt cũng là một đứng trí lược ít ai bì kịp. Các quan xin tra vấn thằng ăn trộm coi ai xuối nó đi ăn cắp như vậy. Quan Tả-Quân nói rằng: "Tra vấn làm gì? Nó khai ra càng thêm xấu chớ có ích lợi chi đó. Ðem chém phứt đi". Các quan phải vưng lịnh chém liền.

Bởi các cớ bày giải trước đó nên vua Minh-Mạng không ưa quan Tả-Quân, mà quan Tả-Quân cũng không ưa vua Minh-Mạng.

Ðến ngày 30 tháng 7 năm nhâm-thìn (1832), quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt mất lộc. Vua liền bãi chức Nam-Thành-Tổng-Trấn, chia đất Gia-Ðịnh ra làm sáu tỉnh và đặt chức Tổng-Ðốc, Tuần-Phủ, Bố-Chánh, Án-Sát, Lãnh-Binh để cai trị mỗi tỉnh.

Thành Gia-Ðịnh thuộc vào tỉnh Phan-Yên. Vua sai ông Nguyễn-văn-Quế làm Tổng-Ðốc, ông Bạch-xuân-Nguyên làm Bố-Chánh, ông Nguyễn-chương-Ðạt làm Án-Sát.

Vã Bạch-xuân-Nguyên ngày trước có giúp việc với quan Tả-Quân, nhơn vì có tánh tham-lam gián tà, nên quan Tả-Quân cách chức đuổi về kinh. Anh ta về Huế lập mưu thiết kế thế nào không biết, mà triều đình lại trọng dụng, rồi chừng nghe tin quan Tả-Quân mất, vua lại phong tới chức Bố-Chánh tỉnh Phan-Yên và giao mật chỉ dạy vào tra xét các việc riêng của quan Tả-Quân làm khi ngài còn sanh tiền.

Bạch-xuân-Nguyên vừa tới Gia-Ðịnh thì tra xét lăng-xăng, đòi hỏi chứng cớ, bắt những người thủ-hạ và người tâm phúc của quan Tả-Quân mà hạ ngục hết thảy.

Vã quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt là một vị khai-quốc công-thần, trót 15 năm trời trải nắng dầm mưa, xông tên lướt đạn mà giúp vua Gia-Long thâu phục giang sơn cũ.

Ðã vậy mà ngài làm chức Tổng-Trấn đất Gia-Ðịnh gần 20 năm, thi ân bố đức, chánh trực công bình, trong sạch, kẻ tà khiếp oai, ngoài lân bang nễ mặt, bởi vậy từ quan chí dân chẳng ai mà chẳng kính phục yêu mến. Nay ngài vừa mới mất mà Bạch-xuân-Nguyên muốn làm nhục thinh danh phẩm giá của ngài, nên kiếm chuyện tra xét, bởi vậy ai nghe cũng đều tức giận, mà nhứt là bọn thủ-hạ của ngài lấy làm oán trách, ứa mật sôi gan không thế dằn được.

Trong đám thủ hạ có Lê-văn-Khôi là người võ nghệ cao cường, làm quan tới chức Phó-vệ-úy, mà cũng bị Bạch-xuân-Nguyên bắt giam vào ngục nữa. Khôi là nguời gốc ở tỉnh Cao-Bằng, ngoài Bắc-Kỳ thiệt tên là Nguyễn-hữu-Khôi. Vì ngày trước anh ta dấy binh làm loạn, bị quan quân đánh đuổi, anh ta yếu thế cự không lại, mới chạy vào Thanh-Hoá, may gặp quan Tả-Quân Lê-văn-Duyệt, anh ta ra xin đầu thú. Quan Tả-Quân thấy Khôi có tài, bèn xin với vua Gia-Long tha tội, rồi ngài nhận làm con nuôi, đổi họ lại mà kêu là Lê-văn-Khôi, và đem về Gia-Ðịnh tin dùng, cho làm quan lần lần phong đến chức Phó vệ-úy.

Lê-văn-Khôi bị Bạch-xuân-Nguyên bắt giam trong ngục, chẳng phải là sợ tội nên kiếm thế thoát thân, ấy là vì giận Triều đình vội quên công lao của đứng khai-quốc đại thần, đã không kính trọng bực tiền hiền, lại còn dám cả gan kiếm chuyện làm nhục. Khôi hỏi những người trong ngục vậy chớ ai dám lấy máu mà rửa hờn cho quan Tả-Quân hay không? Chẳng những bọn thủ-hạ của quan Tả-Quân mà thôi, thậm chí lính coi ngục phần nhiều cũng tình nguyện theo Khôi, quyết ra sức anh-hùng đặng trừng trị kẻ vong ân bội nghĩa.

Lê-văn-Khôi thấy dân tâm dường ấy lấy làm đắc chí, nên khắc kỳ[5] rồi đến đêm 18 tháng 5 năm quí-tị (1833) mới giựt khí giái[6] phá cửa khám dắt nhau ra hết. Khôi cầm đầu kéo dân đi riết lại vây dinh quan Bố-Chánh Bạch-xuân-Nguyên, quyết bắt giết mà rửa hờn. Bạch-xuân-Nguyên kinh hãi bỏ chạy ra ngoài trốn. Khôi kiếm không được thì giận quá, nên bắt giết hến cả nhà Bạch-xuân-Nguyên.

Khôi lại nghi cho Bạch-xuân-Nguyên chạy qua dinh quan Tổng-Ðốc, bèn kéo quân qua đó mà kiếm nữa.

Quan Tổng-Ðốc Nguyễn-văn-Quế nghe quân báo rằng Lê-văn-Khôi muốn làm dữ nên vây quan Bố-Chánh, thì ngài lật-đật đem quân đến cứu. Ði nửa đường gặp bọn Lê-văn-Khôi kéo qua. Khôi lầm tưởng quan Tổng-Ðốc là Bạch-xuân-Nguyên, nên xốc tới đánh giết quan Tổng-Ðốc với bọn tùy tùng không còn sót một người.

Người ở trong thành thảy đều kinh hãi; bực quan lại sợ Khôi không dung, nên chạy trốn chẳng nói làm chi, thậm chí bực bình dân chẳng hề dám binh ai bỏ ai. Mà thấy quan Tổng-Ðốc bị giết cũng sợ liên lụy, nên dắt vợ cõng con kéo nhau mà chạy.

Ông ba Cửu kêu Lý-ánh-Nguyệt mà biểu chạy đó là chạy giặc nầy, giặc Lê-văn-Khôi rửa nhục cho quan Tả-Quân. Giặc anh-hùng vì ân nghĩa, vì phẩm giá mà nổi lên, chớ không phải là muốn cướp giựt của lương-dân, hay là muốn khuấy rối trong xã-hội.

Lê-văn-Khôi phá ngục mà ra, sơ tâm quyết giết cho được Bạch-xuân-Nguyên mà rửa hờn cho Tả-Quân chớ không phải muốn sát hại Nguyễn-văn-Quế. Ðến chừng giết lỡ quan Tổng-Ðốc rồi biết mình giết lầm, bề nào cũng chẳng khỏi tôi bội phản, nên phải làm luôn, truyền cho người trong đảng tìm mà bắt cho được Bạch-xuân-Nguyên, đừng để cho nó thoát về kinh.

Dân đáo soát, đến sáng mới gặp Bạch-xuân-Nguyên đương ngồi chồm-hổm tay chơn run lập cập, trong đám bắp ở phía sau đình, bèn bắt trói đem nạp cho Khôi. Còn quan Án-Sát với quan Lãnh-Binh thấy binh lính phần nhiều đều theo Khôi hết thảy, thế Khôi mạnh mẽ không dám chống cự, nên trà trộn với dân thoát khỏi thành rồi trốn đi mất.

Khôi thấy mặt Bạch-xuân-Nguyên thì lửa giận phừng phừng, mà rồi thấy Nguyên run-rẩy sợ chết, thì lấy làm khinh bỉ, không thèm mắng nhiếc chi hết, cứ biểu nấu sáp rồi bắt Bạch-xuân-Nguyên lăng đèn đem để tế Tả-Quân.

Tế lễ xong rồi, Khôi mới hội chư tướng mà thương nghị việc thâu phục 6 tỉnh và việc ngăn đón binh triều. Chư tướng đồng cử Lê-văn-Khôi làm Ðại-Nguyên-Soái. Khôi nhận chức, mới sắp đặt binh cơ, phong cao:

Thái-công-Triều với Lê-đắc-Lực quản trung quân, Nguyễn-văn-Ðà với Nguyễn-văn-Tông quản tiền quân, Dương-văn-Nhã với Huỳnh-Nghĩa-Thơ quản tả quân, Võ-vĩnh-Tiền với Võ-vĩnh-Tài quản hữu quân, Võ-vĩnh-Lộc với Nguyễn-văn-Bột quản hậu quân, Lưu-Tín với Trần-văn-Tha quản thủy quân, Nguyễn-văn-Tâm với Nguyễn-văn-Chơn quản tượng quân.

Ðại-Nguyên-Soái Lê-văn-Khôi lại đặt đủ quan văn để chuyên việc cai trị, tổ chức rành rẽ như một triều đình ở trong đất Gia-Ðịnh. Sắp đặt an bài rồi, Khôi mới sai Thái-công-Triều dẫn binh đi thâu phục các tỉnh. Trong 6 tỉnh ai cũng mến đức quan Tả-Quân, mà ai cũng biết Lê-văn-Khôi, nên Thái-công-Triều đi đến chỗ nào quan sở tại cũng qui thuận, chẳng ai chống cự, bởi vậy Lê-văn-Khôi lãnh chức Ðại-Nguyên-Soái mới một tháng thì 6 tỉnh trong đất Gia-Dịnh đều thuộc về trong tay hết.

Triều-đình được tin Lê-văn-Khôi giết quan trấn Gia-Ðịnh rồi điều binh khiển tướng thâu phục các tỉnh, thì sợ nếu để diên trì, thế Khôi càng thêm mạnh, ắt khó mà trừ được, bởi vậy vua Minh-Mạng liền sai Tống-phước-Lương làm Thảo-nghịch tả-tướng-quân, có Nguyễn-Xuân làm Tham-tán và sai Phan-văn-Túy là Thảo-nghịch hữu-tướng-quân, có Trương-minh-Giảng làm Tham-tán, hiệp với Bình-khấu tướng-quân Trần-văn-Năng, rồi người lãnh thủa-binh, người lãnh bộ-binh, người lãnh tượng-binh, kéo vào đánh Lê-văn-Khôi mà thâu đất Gia-Ðịnh lại.

Lê-văn-Khôi biết trước hễ mình độc lập thế nào triều-đình cũng không nhịn, nhưng mà đến chừng nghe binh triều sắp kéo vô thì trong lòng có hơi lo, bởi vậy mới sai người đi các tỉnh chiêu tập những nghĩa-sĩ anh hùng để làm trảo nha[7] mà chống cự với binh triều.

*

* *

Dựa mé sông Vũng-Gù, thuộc trong phủ Tân-An, tỉnh Ðịnh-Tường, có một xóm không đông cho lắm, đếm hết thảy được có chín cái nhà, mà ở giữa xóm có một tòa nhà lớn tốt hơn hết, ở trong làng người ta kêu là nhà ông Chấn.

Nhà ông Chấn cất day cửa xuống mé sông, mà trước cửa ông lại trồng cây leo cặp làm hàng rào kín-mít, dường như ý ông không muốn quan làng dòm thấy tài sản của ông, hoặc không muốn ngoại nhơ hiểu biết việc gia đình của ông vậy. Phía sau hè ông có lập một thớt vườn gần một mẫu, trồng cau ngay hàng ngay lối mà giữa liếp cau chỗ thì ông trồng xen ổi, chỗ thì ông xen trầu. Phía ngoài ông lại trồng mấy hàng dừa xiêm bao vòng, rồi ngoài nữa ông mới trồng tre gai, đặng chận kẻ gian không cho chun vô mà bẻ trộm cau, hoặc hái trộm ổi của ông được.

Nhà lớn ở giữa, bên tay mặt có một cái chuồng nhốt hơn một chục con trâu, bên tay trái có một cái lẫm[8] chứa gần ba ngàn giạ lúa. Sân thì lớn mà không trồng bông hay là trồng kiểng chi hết, chỗ thì để trống đặng làm sàn đạp lúa, chỗ thì trồng rau hún, bạc-hà để ăn cá, nấu canh.

Ông Ðàm-tự-Chấn là chủ nhà nầy tuổi đã chừng năm mươi lăm rồi, mà vóc-vạc vậm-vỡ, sức-lực mạnh-mẽ, ông làm xốc-vác chẳng thua gì trai 25 tuổi. Ông góa vợ đã 20 năm rồi, chẳng hiểu tại ông thương bạn xưa hay tại ông sợ cưới vợ khác thêm miệng ăn, mà bấy lâu nay ông không chịu chấp nối. Ông không có con trai, chỉ có hai đứa con gái mà thôi. Con gái lớn của ông tên là Ðàm-kim-Huê, lúc nầy đã được 33 tuổi rồi mà chưa chịu lấy chồng. Còn con gái nhỏ tên là Ðàm-kim-Diệp, 26 tuổi, có chồng rồi lại có một đứa con trai được 6 tuổi.

Ông Ðàm-tự-Chấn có học nho chút đỉnh, mà ở đời ông tập tánh ham làm giàu, chớ ông không ưa thú thanh nhàn, bởi vậy ông có cơm tiền nhiều rồi, mà ông cũng cứ lăn-lốc theo nghề nông, có khi thiếu bạn[9] ông ra ruộng cầm cày, có lúc rảnh rang ông vô vườn mà bồi liếp. Ông thủ phận làm ăn, chẳng hề cậy mượn ai, mà cũng chẳng hề gây-gổ với ai, chẳng hiểu tại sao ông sợ quan sợ làng, dầu quan làng làm quấy đi nữa ông cũng không dám cãi, mà còn cho là nói đúng làm phải.

Hai nàng con gái của ông dung nhan đều đẹp-đẽ, tánh nết đều hiền-lương, mỗi ngày cứ lúc-thúc ở trong nhà lo may áo nấu cơm tuy là con nhà giàu, không ỷ của mà hà hiếp tôi tớ.

Tuy nói tánh hai nàng đều hiền-lương nhưng mà có chỗ không giống nhau: Kim-Huê thì hòa-huỡn chẫm-rãi, những tôi tớ trong nhà dầu thương đứa nào cũng không tỏ cho nó biết. Còn Kim-Diệp thì nóng-nảy hốt-tốc hễ trái ý thì nói liền, không chịu dằn lòng, hễ thương ai thì tỏ ngay không biết dè dặt.

Bởi tánh nết Kim-Diệp như vậy, nên ngày trước nàng đi cúng chùa về dọc đường bị ăn cướp chận ghe mà bắt. Nàng than trời trách đất, tưởng chút thân bồ liễu đã phải gảy nhánh lìa hoa, may đâu có một vị tráng-sĩ, cũng một tuổi với nàng, tên là Vương-thể-Hùng. Người võ nghệ cao cường tánh tình khẳng-khái gặp nàng bị nạn bèn đánh ăn cướp chạy hết mà cứu nàng, rồi hỏi nàng ở đâu mới đưa nàng về tới nhà. Ðàm-tự-Chấn nghe con thuật chuyện ấy lại thì ông cảm mến ân đức của Thể-Hùng, nên lật-đật lấy 5 nén bạc mà đền ơn đáp nghĩa. Thể-Hùng không chịu nhận của ấy, liền từ rồi xuống ghe mà đi. Ðàm-tự-Chấn đền ơn không được, ông lấy làm ái-ngại, nên chạy theo hỏi thăm quê quán tên họ thì Thể-Hùng nói mình ở Bến-Lức rồi chèo ghe đi mất.

Kim-Diệp cảm nghĩa đêm nào nằm trong phòng một mình vắng vẻ, nàng cũng nhớ ơn-nhơn, nhớ riết rồi nàng lại động tình, lần lần sanh bịnh tương tư ăn ngủ không được. Chưa đầy một tháng mà tinh thần mờ mệt, hình vóc ốm-o, ngồi hay ngó sững trí lảng lơ, nằm hay mơ-màng lòng lạnh-ngắt.

Ðàm-tư-Chấn mắc lo ruộng, vườn, trâu, lúa, không có giờ mà dòm ngó đến con, bởi vậy Kim-Diệp ốm ông không hay, Kim-Diệp sầu ông không biết. Một đêm nọ, lúc canh ba, Kim-Huê thức dậy thấy em đương ngồi ngó đèn mà nước mắt rưng rưng, biết em có tâm-bịnh, bèn lấy lời dịu ngọt mà dọ ý. Kim-Diệp đau đớn trong lòng mà không thố-lộ ra được thì lấy làm khó chịu, bởi vậy vừa nghe chị hỏi thì nàng khóc mướt, rồi ngồi khỉ-khăn[10] tỏ nỗi tương-tư cho chị nghe. Nàng nói rằng chẳng hiểu tại ai xui khiến mà từ ngày Vương-thể-Hùng cứu nàng rồi, đêm nào nằm nhắm mắt cũng thấy hình dạng Thể-Hùng trước mặt hoài, nàng muốn làm lơ lại càng thấy thường hơn, nàng muốn giả quên lại càng nhớ nhiều nữa. Nàng lại nói nếu nàng không kết tóc trăm năm ngõ đền ơn đáp nghĩa cho Thể-Hùng được, thì chắc nàng phải buồn rầu mà chết.

Kim-Huê dùng lời ngon-ngọt mà khuyên giải em và hứa sẽ nói giúp với cha đặng cho người đi tìm Thể-Hùng mà tính việc giai-ngẫu.

Sáng bữa sau Kim-Huê vì thương em, sợ em mang bịnh, mới thỏ-thẻ tỏ tâm sự của em cho cha nghe, và xin cha vui lòng mà định chữ vu qui cho em, trước tròn nghĩa tròn ân, sau khỏi sầu khỏi não. Ðàm-tư-Chấn nghe nói chuyện đó thì ông giận Kim-Diêp làm con gái không biết trọng danh-tiết, cha mẹ không định mà dám trộm nhớ thầm yêu con trai, bởi vậy ông châu mày xụ mặt mà đáp rằng: "Thứ đồ hư, nó chết đau thì chết cho rảnh. Làm con gái mà muốn làm nhục tông môn, thì sống càng thêm xấu chớ có ích gì". Kim-Huê thấy cha giận thì không dám nói nữa. Ông ngồi lặng thinh ngó ra sân một hồi rồi nói tiếp rằng: "Không được, bộ thằng đó tao coi nó dữ tợn lắm, chớ không phải là đứa hiền lương. Tao có kén rể là kén đứa biết lo mần ăn, chớ kén đứa phóng tù buông lung mà làm gì. Ðã biết Thể-Hùng nó cứu con Kim-Diệp, thì tao mang ơn nó, mà mang ơn thì tao mang ơn, tốn hao bao nhiêu tao cũng không nại, chớ gả con cho nó sao được".

Ông nói dứt rồi đứng dậy đi ra sau vườn.

Kim-Huê đem mấy lời ấy mà thuật lại cho em nghe, thì Kim-Diệp không dám phiền cha, song nàng đau lòng tủi phận, nên ngồi khóc rấm rức. Kim-Huê thấy tình cảnh như vậy thì nàng động lòng, nhưng vì nàng thật thà, không còn lời chi mà khuyên dỗ em nữa, nên nàng ngó em mà khóc, không nói tiếng chi hết.

Kim-Diệp rầu buồn bỏ ăn bỏ ngủ, cách vài ngày thì nàng mang bịnh cứ thiếp-thiếp hoài. Kim-Huê lo sợ, mới khóc-lóc năn-nỉ với cha, xin cha thuận tình gả Kim-Diệp cho Thể-Hùng, vì nếu khắn-khắn ôm lòng giận Kim-Diệp hoài, thì sợ e nó buồn rầu rồi không khỏi tuyệt mạng. Ðàm-tự-Chấn giận mà cũng thương con, bởi vậy ban đầu thì ông gắt-gao, mà chừng thấy con mang bịnh rồi thì ông bối-rối, lật-đật sai người nhà chèo ghe lên Bến-Lức tìm Thể-Hùng mời xuống cho ông nói chuyện.

Vả Ðàm-tự-Chấn là người chơn-chất thiệt-thà, không môi miếng, bởi vậy Vương-thể-Hùng đến nhà thì ông đem việc Kim-Diệp tương-tư mà tỏ thiệt hết cho Thể-Hùng nghe, rồi hỏi Thể-Hùng như có bằng lòng thì ông gả Kim-Diệp cho.

Thể-Hùng ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi nói rằng: "Cháu là con mồ-côi, từ nhỏ chí lớn cháu tập tánh giang hồ quen rồi; ở đời cháu ưa làm nhơn nghĩa chớ không ưa hưởng phú quí. Vả bác là một ông phú-hộ, còn cháu là một đứa bần-hàn. Nay bác thương tình gả con cho cháu, lẽ thì cháu phải lạy mà vưng lời, ngặc vì thuở nay cháu chưa tính lập gia thất, lại cũng không tính lo làm ăn, cháu sợ vào làm rể nhà bác, cháu đã không giúp ích cho bác được, mà lại còn không làm cho bác vui lòng được nữa".

Ðàm-tự-Chấn mới thấy tướng Thể-Hùng một lần đầu, thì ông đã không ưa rồi, ông kêu gả con ấy là bất đắc dĩ ông phải kêu, chớ không phải tự ý ông muốn; nay ông nghe mấy lời ấy nữa thì ông ngẩn-ngơ dụ dự, tính ép thì ông không nỡ ép mà tính thôi thì ông sợ nỗi con nên ông không đành thôi. Ông ngồi gãi đầu mà suy nghĩ; ông đo đắn trong lòng thì cái tình thương con nó nặng hơn cái ý riêng của ông, bởi vậy ông trầm-ngâm một hồi rồi ông năn-nỉ khuyên Thể-Hùng thuận tình đặng chi Kim-Diệp khỏi thất tình vong mạng. Thể-Hùng nghe cái tình của Kim-Diệp như vậy thì chàng không nỡ kháng cự, mà nghe ông nói đã cạn lời, chàng không nỡ chối từ, bởi vậy chàng xiêu lòng, chịu cưới Kim-Diệp và chịu ở luôn tại đó.

Từ ngày Thể-Hùng với Kim-Diệp thành hôn rồi thì chồng thương vợ, vợ kính chồng, chẳng hề có một lời chi xích-mích. Kim-Diệp phỉ nguyền mơ ước, nên đã hết buồn rầu, mà lại được tươi cười. Kim-Huê có công cứu mạng em, nàng toại chí nên nàng cũng vui mừng. Duy có ông Ðàm-tự-Chấn vì tánh ý của Thể-Hùng không thích hiệp với tánh ý của ông, nên ông không được vui, bởi vậy ở chung một nhà mà ít khi ông ngồi nói chuyện với chàng rể.

Thể-Hùng ở với Kim-Diệp đến năm mậu tí (1828) sanh được một đứa con trai rồi chàng nhớ thú giang hồ, nhớ tình bậu bạn nên trong lòng không vui. Kim-Diệp thấy chồng ngơ-ngẩn, tưởng chồng có chỗ phiền mình, nên theo thỏ-thẻ mà hỏi cho rõ duyên cớ. Thể-Hùng tỏ thiệt với vợ rằng mình là một trang nghĩa-sĩ, tánh khí buông lung, vì lục đục ở nhà hoài nên trong lòng không vui, chớ không có phiền trách chi hết. Kim-Diệp biết được tâm-sự của chồng rồi thì nàng cười mà nói rằng: "Ngày trước anh cứu em khỏi tay kẻ dữ, sau anh lại cưới em đặng cứu em khỏi buồn rầu. Ơn anh cứu em hai lần, mà em chưa đền đáp cho anh được một lần nào hết, có lý nào em dám ràng buộc làm cho anh bực chí buồn lòng. Anh có buồn thì cứ đi chơi mà giải khuây. Em chẳng phải như đàn bà khác vậy đâu. Em có chồng thì lo trưởng chí cho chồng, ví dầu phỉ chí chồng mà em phải chích bóng cô phòng trọn đời thì em cũng vui, chẳng hề khi nào em phiền trách".

Thể-Hùng nghe vợ phân mấy lời hữu tình hữu nghĩa thì lấy làm cảm phục, nên không thèm tính đi giao du nữa. Ngặt vì cái thói giang hồ tập từ nhỏ đã quen rồi, bây giờ không bỏ được, bởi vậy cách chẳng bao lâu Thể-Hùng mới nói với vợ và cha vợ đi thăm anh em chơi ít ngày. Ban đầu chàng đi chơi chừng 10 bữa rồi trở về. Lần lần chàng đi tới nửa tháng hoặc hai mươi ngày. Ðến sau chàng đi một hai tháng mới về một lần, mà về nhà ở chừng năm mười bữa rồi chàng đi nữa. Có khi chàng lại rước bậu bạn về nhà đãi đằng lưu liên, ban mai uống rượu làm thơ, ban chiều tập luyện võ nghệ, đã không giúp đỡ cho cha vợ trong việc ruộng vườn, mà còn nhọc lòng mệt trí cho ông nữa.

Ðàm-tự-Chấn phiền trong lòng, mà ban đầu ông làm lơ, không muốn nói ra. Lần lần ông dằn không được nữa, nên ông phải tỏ lời phiền trách. Thể-Hùng không dám cãi lẽ với ông, mà chàng cũng cứ đi chơi hoài, song thấy ông bất bình, nên không dám dắt khách về nhà nữa.

Kim-Diệp hai vai gánh nặng, một bên thì kính mến cha, một bên thì kính mến chồng, nàng không biết liệu thế nào cho cha với chồng khỏi xích-mích, nên cứ theo năn-nỉ cha dung thứ chồng đặng phỉ chí giang hồ, rồi lại năn-nỉ chồng đừng có cãi lẽ với cha, mà mất niềm hòa khí.

Cảnh gia đình của ông Ðàm-tự-Chấn, lúc viết truyện nầy thì là vậy đó. Ông thì chuyên lo vườn ruộng, mà trong lòng thì phiền trách Thể-Hùng. Thể-Hùng thì giao du với chúng bạn, không cần danh lợi. Kim-Diệp thì lo nuôi con, lại lo cho cha với chồng khỏi mích nhau. Còn Kim-Huê thì lo việc nhà, không tính việc tóc tơ chi hết.

Chương 11

Lúc nửa chiều, mặt trời thấp-thoáng trên ngọn cau sau vườn, làm cho ngoài sân bóng dọi chỗ mát chỗ nắng. Con chó mực nằm khoanh trước cửa, mắt nhắm lim-dim. Gà mái xám dắt bầy con xẩn-bẩn theo lúa, mẹ đi trước bộ na-nần, con đi sau kêu chéo-chét. Bầy trâu đen đứng trong chuồng vin râu nhơi[1] cỏ, mũi thở khì khịt, đuôi ngoắt phất-phơ.

Ông Ðàm-tự-Chấn ngồi dưới mái hiên chẻ tre đương rổ, trí mắc lo công việc làm, nên không thấy cảnh thú tiu-hiu. Ðàng kia nàng Kim-Diệp tay vịn vai thằng con, tay thò chọc con két, bộ khi chơi ở đây, mà lòng thì tưởng ở đâu. Con kết chớp cánh rồi hả miệng cạp tay nàng làm cho thằng con của nàng, tên là Vương-thể-Phụng, năm nay được 6 tuổi, sợ mẹ nó trầy tay, nên trợn mắt dậm chơn la "két! két!".

Nàng Kim-Diệp ngó con mà cười song nếu ai coi cho kỹ thì ắt thấy vẻ cười của nàng có xen lộn nét lo. Nàng liếc mắt dòm cha, rồi lại ngó ra trước cửa, bộ coi lơ lửng dường như trông ai đợi ai. Cách chẳng bao lâu Vương-thể-Hùng ở ngoài hàng rào bước vô sân, thấy vợ con đương đứng trước cửa thì chúm-chím cười. Thể-Phụng mừng cha, nên chạy ra nói lăn-líu.

Thể-Hùng dắt con đi lại chỗ Ðàm-tự-Chấn ngồi chẻ tre chấp tay cúi đầu xá ông và nói rằng: "Thưa cha, con đi chơi mới về". Ðàm-tự-Chấn ngồi chăm chỉ mà chẻ tre, không thèm ngó chàng rể, mà cũng không ừ hử chi hết.

Thể-Hùng thấy cha vợ không vui, thì chàng xẽn-lẽn, nên đứng ngó quanh-quất rồi dắt con vô trong nhà. Chàng muốn kiếm chuyện nói dã-lã cho cha vợ hết giận, nên lúc ăn cơm chiều chàng nói rằng: "Tôi đi chơi chuyến nầy có nghe một chuyện lạ quá, không biết cha ở nhà cha có nghe hay chưa".

Ðàm-tự-Chấn có tánh hễ ai trái ý thì giận, mà hễ nghe chuyện gì lạ thì hay hỏi, bởi vậy vừa nghe rể nói dứt lời vụt hỏi rằng:

- Chuyện gì?

- Ông Khôi đã trả thù được rồi.

- Ông Khôi nào?

- Ông Khôi là dưỡng-tử của Tả-quân, làm chức Vệ-Úy trên thành Gia-Ðịnh đó.

- Trả thù cho ai?

- Thưa, trả cho quan Tả-quân.

- Thù gì mà trả?

- Thưa, cha không hay hay sao? Quan Tả-quân là một vị khai-quốc công-thần, thanh-liêm chánh-trực; nhà Nguyễn khôi phục giang sơn lại được, ấy cũng là nhờ sức ngài nhiều lắm. Ngài vừa mới tạ thế, triều-đình không nghĩ công lao của ngài, liền sai lũ quan nịnh hót tham nhũng vào chia trấn Gia-Ðịnh mà cai trị, rồi lại bươi móc kiếm chuyện mà làm nhục danh tiết của ngài nữa. Những đứng anh-hùng nghĩa-sĩ ai nghe việc ấy cũng đều sôi mật bấy gan.

- Ðừng có quen cái thói ngang tàng đó tao không ưa. Triều-đình mà làm quấy bao giờ. Mầy nói phạm thượng đây đố mầy khỏi bị chết chém.

- Ai dám chém con?

- Quan chém, vua chém chớ ai.

- Hứ! Có giỏi chém rồi đây sẽ chém! Ông Khôi đã giết hết rồi, còn gì mà chém được nữa.

- Giết ai?

- Nghe nói Tổng-Ðốc, Bố-Chánh gì cũng đều bị giết hết. Ông Khôi bây giờ chiếm thành Gia-Ðịnh xưng là Ðại Nguyên-Soái, quan dân trong 6 tỉnh thảy đều qui phục hết rồi. Ông đương chiêu tập anh-hùng đặng kéo binh ra đàng ngoài mà rửa hờn cho quan Tả.

- Thứ đồ nguỵ dám cả gan dữ! Chộn rộn đây chẳng khỏi bay đầu hết!

- Ông Khôi đương là đại nghĩa, sao cha lại kêu là đồ nguỵ? Phàm đứng anh-hùng sư nên hư, còn mất, có gì. Mình muốn luận phải quấy, thì xét cái sở hành mà thôi, cần gì xét sự kết quả. Ví dầu ông Khôi không thành công đi nữa, danh thơm tiếng tốt của ông cũng còn roi dấu đời đời, con cháu ngày sau cũng khen cái giận anh-hùng của ông lắm chớ. Người nghĩa-sĩ lo là lo cho tròn danh tiết, chớ lo chi sự mất còn.

- Mầy giỏi thì mầy đi theo quân phản tặc đó mà nhờ.

Ðàm-tự-Chấn nói lẫy mấy lời rồi buông đủa đứng dậy đi uống nước, không thèm ăn cơm nữa. Thể-Hùng mắt ngó theo cha vợ mà miệng chúm-chím cười. Kim-Huê và Kim-Diệp mặt buồn xo, không dám xen vô mà phân phải trái chi hết.

Ðêm ây Thể-Hùng to nhỏ nói cho vợ hay rằng Lê-văn-Khôi đã truyền hịch chiêu mộ anh-hùng đặng báo nghĩa cho Tả-quân và tru diệt những tham quan ô lại. Các nghĩa-sĩ trong 6 tỉnh ai ai cũng đều ra đầu quân, quyết giúp Lê-văn-Khôi mà chống cự với binh triều, cho rõ mặt anh-hùng trong đất Gia-Ðịnh. Những anh em bậu bạn của chàng đều đi hết rồi; chàng trở về đây là về đặng từ giã vợ con mà xông vào nước lửa.

Kim-Diệp không thông quốc-sự, mà vì chữ thương nên nàng hết dạ tin chồng, bởi vậy Thể-Hùng nói đi đầu quân đó là phải, thì nàng cho là phải, không dám cản trở chồng trong việc nghĩa.

Sáng bữa sau Thể-Hùng thưa với Ðàm-tự-Chấn xin gởi vợ con ở lại nhà đặng đi đầu quân. Ðàm-tự-Chấn nghe nói thì chưng-hửng, không dè hồi chiều hôm qua mình nói lẫy mà rể lại làm thiệt, bởi vậy ông ngẩn-ngơ một hồi rồi nói rằng:

- Hôm qua tao nói lẫy, bộ mầy giận tao nên mầy đi thiệt hay sao?

- Thưa cha, con đâu dám giận cha, việc nầy con đã quyết định hỗm nay rồi, nên về đây thưa cha hay đặng con đi chớ.

- Thế ra mầy quyết chí há? .... Lếu lắm, lếu lắm!

- Thưa cha, làm việc nghĩa mà sao cha gọi rằng lếu?

- Nghĩa gì? Làm giặc, làm giã, làm phản, làm nghịch, mà mầy nói làm nghĩa! Nghĩa với ai? Mình là con dân trong nước, nhờ có vua chúa mới no cơm ấm áo. Nay mầy trở lòng theo quân nguỵ mà nghịch với vua, sao mầy dám xưng là làm nghĩa. Nghĩa đâu tao chưa thấy, mà bây giờ tao đã thấy mầy bất nghĩa rồi.

Thể-Hùng muốn cãi với cha vợ mà rồi anh ta nhắm có cãi cũng vô ích, nên anh ta lắc đầu ngó chỗ khác, không thèm nói nữa.

Ðàm-tự-Chấn bèn nói tiếp rằng:

- Tao không hiểu mầy ở đời nầy mà mầy đọc sách đời nào ở đâu, nên tính làm những việc kỳ cục quá. Hay là thuở nay mầy du đảng với bọn hung đồ, mầy tập quen cái thói ngang ngược nên mầy sanh tâm muốn làm quấy như vậy. Bây giờ để tao hỏi xắc mầy một đều nầy: mầy tính đi lên thành Gia-Ðịnh xin làm quân lính cho Lê-văn-Khôi đặng có đánh với binh tướng của vua phải hôn?

- Thưa, phải.

- Mầy làm như vậy, mầy mang 3 điều bất nghĩa; thứ nhứt mầy nghịch với vua, mầy trái nghĩa quân thần, thứ nhì mầy làm nguỵ gây hại đến tao, mầy lỗi niềm phụ tử, thứ ba mầy bỏ vợ yếu con thơ, mầy lỗi đạo phu phụ. Mầy là đứa có học, tao nói ít mầy phải biết nhiều.

- Thưa cha, xin cho phép con trả lời trong ba điều ấy cho cha nghe.

- Mầy muốn nói giống gì thì nói, xin phép xin tắc mà làm gì. Vậy chớ nãy giờ mầy cãi lẽ om sòm đó mầy mấy xin phép ai.

- Thưa cha, đạo quân thần há con lại chẳng biết hay sao. Nhưng mà con xin hỏi vắn tắt lời nầy: Hễ làm vua mà không biết trọng nghĩa của tôi, thì tôi phạt, chẳng còn biết ai là quân, ai là thần, mà gọi là phản nghịch.

- Hứ! Lời nói vô quân vô phụ dữ! Vậy câu "Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu" rồi sao.

- Thưa, câu sách đó là câu của người nịnh hót nhà vua họ đặt ra mà làm ám muội lòng dân đặng tiện bề cai trị, câu đó là câu hại dân, chớ có ích chi đâu mà phải làm theo.

- Bây giờ nó cãi với thánh hiền nữa chớ!

- Còn hai điều sau, thiệt con có lỗi với cha và vợ của con, chớ con không dám cãi. Tuy vậy mà con xin cha nhớ lại: ngày cha kêu mà gả vợ con cho con, thì con đã có thưa với cha rằng tánh con ưa thú giang hồ, không quen nưng đở vợ con, nên sợ con kham đạo làm rể, làm chồng, làm cha được. Cha nói không hại gì, vậy bây giờ như cha không thương, cha có quở trách thì con chịu, chớ con không sửa tánh khí của con được.

- Phải. Tao nói thì tao nhớ. Hồi trước mầy nói mầy quen đi chơi với anh em, chớ không biết làm ăn. Tao vì thương con nên chịu bướng. Mà mấy năm nay mầy giao du tháng nầy qua tháng kia, tao phiền song tao để bụng, chớ tao có rầy mầy đâu. Bây giờ mầy lại sanh tâm đi làm giặc, muốn hại cho tao chết chém cả nhà; mầy làm thái quá, rồi biểu tao cũng phải nín mà chịu, cha chả! Nín sao cho được "

Ðàm-tự-Chấn nói tới đó coi bộ tức giận lắm, vì ông châu mày trợn mắt rồi đứng dậy bỏ đi ra ngoài sân. Còn Vương-thể-Hùng chắc là cảm động hay sao, nên chàng ngồi cúi mặt lặng thinh, coi bộ không vui mà lại có mòi lo tính.

Ngày ấy Thể-Hùng không nói chuyện đó nữa. Ðến chiều, ăn cơm rồi, chàng lần bước đi ra mé sông đứng ngó mông. Nước đầy mà gió thổi mặt dun da, chàng ngó nước rồi phới động thú giang hồ nên trong lòng khấp khởi. Chim về ổ, tiếng kêu nhau chéo-chét, chàng thấy chim rồi sực nhớ tánh hộc hồng[2] nên trong dạ bàng-hoàng. Ðứng anh-hùng trong bốn biển đâu cũng là nhà, trang nghĩa-sĩ nội một kiếp tử sanh cũng vậy. Gầy gia thất làm chi mà bây giờ phải nhọc lòng cực trí, nếm mùi đời làm chi mà bây giờ phải ngậm đắng trêu cay.

Thể-Hùng đi thơ-thẩn dọc theo mé sông mà suy nghĩ, đi cho đến tối rồi chàng mới chịu trở về nhà. Ðêm ấy chàng không tính chuyện đi nữa, mà lại còn giỡn trững với con, nói chuyện với vợ cho đến khuya rồi đi ngủ. Qua ngày sau chàng cũng vui vẻ như thường; Kim-Diệp tưởng là chồng hồi tâm muốn vui thú thê nhi, nên nàng trong dạ mừng thầm, không dè bề ngoài thì chàng làm vui, mà hễ chàng ngó vợ con thì nét mặt chàng lơ-lơ lửng-lửng.

Qua đêm sau chàng nằm thiếp-thiếp trên bộ ván ngoài trước, ai cũng tưởng chàng ngủ, nên đóng cửa sớm mà ngủ hết. Gần hết canh ba, chàng thức dậy lóng tai nghe trong nhà vắng teo, lại thấy trong phòng vợ con có đèn đốt sáng-sáng. Chàng lén bước nhẹ-nhẹ vào phòng, đứng ngó tứ phía rồi lại đầu giường dở mùng lên mà dòm. Nàng Kim-Diệp nằm ngoài, cong bàn tay trái chống gò má, sè bàn tay mặt vịn vai con, tối mà rỡ-rỡ mặt mày như trăng tròn, ngủ mà chúm chím miệng cười như hoa nở. Còn thằng Thể-Phụng nằm trong, mặt mũi phương-phi, tay chơn mạnh-mẽ, ngủ mà nằm nghiêng thấy gò má muốn hun.

Thể-Hùng đứng ngó vợ ngó con một hồi, chẳng hiểu tại sao chàng cảm xúc, mà chàng lại lấy tay chùi nước mắt. Ban đầu thấy mặt chàng buồn, một lát rồi lại thấy chàng châu mày trợn mắt, coi bộ như quyết đoán việc chi vậy. Chàng chăm-chỉ nhìn mặt vợ rồi thò tay vô mùng lần lần lén cởi chiếc vòng đồng thòa của vợ lấy lận vào lưng. Chàng lại cúi mặt xuống mà hun con, giọt nước mắt nhểu xuống gò má của Thể-Phụng ướt-rượt.

Chàng chun ra ngoài, đậy mùng lại, rồi quày-quả bỏ đi; đến cửa buồng, chàng day đầu ngó lại một lần chót rồi đi. Chàng ra ngoài trước rồi lần mò đi lại cửa mạch, lén mở cửa nhẹ-nhẹ chun ra sân đi tuốt.

*

* *

Sớm mai mưa tuôn lát-đát, gió thổi lao-rao; ngoài bưng đế sậy tranh tươi, trong rừng thú cầm biếng dậy.

Vương-thể-Hùng cậy thuyền câu chèo đưa chàng qua sông Vũng-Gù rồi chàng leo lên mé vạch cỏ mà đi. Chàng ngó tứ phía thì thấy tay trái rừng giăng mịch-mịch, bên tay mặt bưng trải minh-mông; cách xa xa mới thấy một chòm nhà, mà hễ có nhà thì mới có ruộng vườn chút đỉnh.

Chàng đi hơn nửa ngày mới tới mé sông Bến-Lức. Chàng đương xăng-văng xéo-véo đứng đợi ghe mà xin quá giang, thình lình có một người, trạc chừng 45 tuổi, gương mặt thỏn, nước da đen, cầm nhọn-nhọn, mép có râu lún-thún, ở đàng xa lơn-tơn đi lại, mắt nháy lia-lịa, miêng chúm-chím cười. Thể-Hùng không biết người ấy là ai, nên đứng ngó trân tran. Người ấy tới rồi hỏi Thể-Hùng rằng:

- Cậu đợi ghe đặng qua sông phải hôn?

- Phải.

- Tôi cũng đợi từ hồi trưa cho đến bây giờ mà không có chiếc ghe nào hết. Cậu qua sông đặng lên Gia-Ðịnh hay đi đâu?

- Tôi lên Gia-Ðịnh.

- Tôi chắc cậu nghe Ðại Nguyên-Soái qui tập anh-hùng nên cậu đi ứng nghĩa đây chớ gì, phải hôn?

- Phải. Còn chú đi đâu đó?

- Tôi cũng ứng nghĩ như cậu vậy chớ đi đâu. Lúc nầy Ðại Nguyên-Soái đương dụng nhơn, tuy tôi bất tài, song cũng là một đứng tu mi nam tử, lẽ nào tôi lại trốn lánh.

Thể-Hùng nghe người ấy nói có hơi đồng-chí với mình thì mừng, nên liếc ngó tướng mạo người ấy một lần nữa rồi hỏi rằng:

- Chú quê quán ở đâu?

- Khi trước tôi ở trên Gia-Ðịnh làm ăn, mới về tổ quán ở Vũng-Gù bốn năm năm nay. Ðỗ-Cẩm là tôi đây. Còn cậu ở đâu?

- Tôi tổ quán ở Bến-Lức, song mấy năm nay tôi cũng về ở dưới Vũng-Gù.

- Té ra hai anh em mình ở một xứ, đi một chỗ, làm một việc, vậy thì mình hiệp nhau mà đi cho có bạn. May dữ! Ðường sá sầm-uất quá, từ hồi sớm mai cho tới bây giờ tôi đi có một mình, tôi sợ gặp "ông thầy" [3] bất tử[4] không xong.

- Có sao đâu mà sợ. Ðường nầy tôi đi hoài, không gặp chi hết, mà dầu có gặp đi nữa cũng không hại gì.

Thể-Hùng mới nói tới đó, bỗng thấy có một chiếc ghe lường ở trên chèo xuống. Hai người đều mừng rỡ, áp kêu ghé lại mà xin quá giang. Hai người qua sông rồi nhắm hướng Gia-Ðịnh mà đi riết. Thể-Hùng với Ðổ-Cẩm vào thành xin đầu quân, Thể-Hùng sức lực mạnh-mẽ lại võ-nghệ cao-cường nên tháo luyện trong ít ngày Thái-công-Triều thấy chàng có tài mới thưa với Ðại Nguyên-Soái phong cho chàng chức đội-trưởng.

Cách chừng một tháng, binh triều và bộ và thủy kéo vô tới một lượt. Lê-văn-Khôi sai Thái-công-Triều với Nguyễn-văn-Ðà dắt binh chận đường bộ và sai Lưu-Tín với Trần-văn-Tha dẫn chiến thuyền đón đường thủy mà đánh.

Thái-công-Triều gốc ở Thừa-Thiên, ngày trước làm Vệ-Úy coi vệ biền binh đóng tại Gia-Ðịnh. Nay vâng lịnh Lê-văn-Khôi dẫn binh đi ngăn giặc, qua tới Ðồng-Nai gặp Phan-văn-Túy, Trương-minh-Giảng và Trần-văn-Năng dẫn bộ binh và tượng binh đông hơn binh mình thập bội, thì kinh tâm tán đởm, đã không dám giáp chiến mà lại còn truyền lịnh thối binh ba bốn dậm rồi nhơn lúc đêm tối trốn qua đầu giặc.

Thể-Hùng làm đội-trưởng trong đạo binh của Thái-công-Triều hay tin tướng Trung-quân đã phản thì tức giận, bèn thương lượng với Nguyễn-văn-Ðà rồi hiệp quân lại mà đánh vùi một trận. Ðã biết binh Gia-Ðịnh ít tự nhiên thắng không đặng, nhưng mà tướng triều thấy Nguyễn-văn-Ðà điều binh có qui củ, và thấy binh Gia-Ðịnh mỗi tên đều hùng tráng can đởm thì khen ngợi vô cùng.

Nguyễn-văn-Ðà dẫn bại binh về phục tội, Lê-văn-Khôi nổi giận bổn thân cầm binh ra đánh. Hai bên chống cự với nhau trên mé sông Ðồng-Nai, không bên nào thắng nổi bên nào.

Thái-công-Triều bày mưu với Bình-khấu Tướng-quân là Trần-văn-Năng và xin làm hướng đạo dẫn binh triều lén đi đánh mà thâu phục các tỉnh lại. Lê-văn-Khôi mắc lo giữ mặt Ðồng-Nai, không đề phòng chỗ khác được, bởi vậy binh triều lần lần lấy các tỉnh lại được hết.

Vả thành Gia-Ðịnh là thành của quan Tả-quân Lê-văn-Duyệt mới xây rồi hồi năm canh-dần (1830). Thành xây toàn bằng đá ong[5], thành thì cao mà lại rộng, hào thì sâu mà lại có chông, ở trong thành chứa lương thực khí giới rất nhiều, bởi Lê-văn-Khôi chia binh ra giữ các mặt thành, binh tướng của triều đến phủ vây, hễ hãm thành bao nhiêu thì chết hết bao nhiêu, không thế nào hạ thành được.

Mấy vị mưu-sĩ trong thành bèn khuyên Lê-văn-Khôi làm theo như vua Gia-Long lúc phục quốc. Lê-văn-Khôi nghe lời, bèn sai người nhứt diện qua nước Xiêm-La mà viện binh, nhứt diện đi tìm một vị linh-mục đạo Thiên-Chúa rước vào thành mà vấn kế.

Binh triều hạ thành Gia-Ðịnh chưa được mà qua tháng chạp lại nghe có giặc Xiêm. Các tướng hội nhau thương nghị rồi chia ra, Trương-Minh-Giảng, Tống-phước-Lương với Trần-văn-Năng thì dẫn binh lên An-Giang ngăn đánh binh Xiêm, còn Nguyễn-Xuân với Phan-văn-Túy thì ở lại vây thành. Lê-văn-Khôi hay giặc đã chia binh yếu sức, nên tính sắp đặt rồi thừa lúc binh ở ngoài ơ hờ, lén mở cửa thành xông ra mà đánh. Kế ấy thiệt là hay, rủi thay Lê-văn-Khôi vừa tính chớ chưa làm kịp, kế mang bịnh nặng không ngồi dậy được. Chư tướng chia nhau giữ thành, trông cho Ðại Nguyên-Soái lành bịnh đặng xuất trận, chẳng dè Lê-văn-Khôi đau có mấy ngày rồi chết.

Binh tướng ở trong thành thấy tướng-soái mất rồi thì ngơ-ngẩn, phần nhiều thất chí muốn đầu hàng, may nhờ mấy anh em Võ-vĩnh-Tiền cứng cỏi, lại nhờ có bà vợ của Lê-văn-Khôi phán rằng đầu cũng chết mà cự hoài cũng chết, làm tướng thà ngồi trên lưng ngựa mà chết, chớ có lẽ nào lại chịu quì dưới đất mà chết bao giờ, bởi vậy binh tướng vì danh dự không ai tính đầu hàng nữa, mỗi người đều quyết nỗ lực mà chống cự cho đến cùng. Bởi nhờ thành chắc-chắn, quân tận-tâm, nên quân triều vây gần 2 năm, bị chết không biết bao nhiêu mà hạ thành không nổi, cứ đi các tỉnh vận lương đem về ăn mà thôi.

Qua đến mùa hạ năm ất-mùi (1835) lương thực trong thành đã gần hết, các tướng sĩ có hơi sợ, song cũng tính chống giữ hoài, chớ không ai chịu đầu hàng.

Hai tướng triều vây ở ngoài muốn lấy thành cho mau, mà sợ hao binh tổn tướng không dám công kích mới bày kế cho rút binh ra xa xa, để cho quân lính trong thành ra vô thong thả, và truyền ngôn rằng người nào đi về nhà thì khỏi tôi, còn người nào chừng hạ thành mà bắt được ở trong thành thì bị chết chém.

Lương thực lần lần tiêu hết, quân lính ở trong thành bị đói, nên ban đêm lén đi ra ngoài kiếm ăn. Ðỗ-Cẩm là người tánh tình đê tiện, tưởng có lợi nên đầu quân chớ không phải là vì tiết nghĩa, chẳng dè làm lính mấy năm nay bị xông tên lướt đạn chớ không ích gì, mà nay chịu đói khát nữa thì lấy làm phiền muộn, nên thấy người ta vô ra được, một đêm nọ mới lén chun ra ngoài thành. Anh ta ra khỏi cửa, đi chưa được bao xa, xảy gặp một tốp quân triều đi tuần họ bắt quách anh ta đem vào trại nạp cho quan Tham-Tán Nguyễn-Xuân.

Ðỗ-Cẩm sợ chết, nên lạy-lục khóc-lóc xin tha, nói rằng anh ta bị Lê-văn-Khôi bắt ép đem vô thành, chớ không a ý với Khôi mà làm phản, nếu không phải làm tội anh ta, thì anh ta sẽ chỉ cách cho mà hãm thành.

Nguyễn-Xuân là người học giỏi, thấy cử chỉ đê tiện của Ðỗ-Cẩm như vậy thì khinh bỉ vô cùng, muốn giết phứt cho tuyệt bớt cái nòi di tâm phản phúc, song nghĩ vì làm tướng phải lợi dụng mọi người, nên cực chẳng đã phải làm lơ lấy lời dịu ngọt mà dụ-dỗ Ðỗ-Cẩm đặng hỏi cho biết việc bí mật ở trong thành. Ðỗ-Cẩm khai thiệt rằng ở trong thành đã hết lương, bây giờ phải làm thịt tới ngựa voi mà ăn. Binh tướng chết đói lần lần còn chừng vài ngàn người, tuy vậy mà mỗi người thệ tâm tử chiến chớ không chịu giao thành. Vả thành thì cao, mà hào lại sâu, một người ở trong thành có thể chống cự một trăm người ở ngoài được, nếu tính áp tới 4 cửa mà công thành thì chết, chớ không ích gì. Ðỗ-Cẫm bày kế khuyên Nguyễn-Xuân đào hầm khai nước cho rút cạn nước hào thành lòi cừ lên, rồi nhổ cừ đánh đường đi qua hào cho được, thì mới có thể hãm thành được.

Nguyễn-Xuân được kế ấy lấy làm mừng, lật-đật thương nghị với Phan-văn-Túy đặng có làm y theo lời Ðỗ-Cẩm chỉ. Phan-văn-Túy nói rằng trong thành đã hết lương, nếu quân ngụy không chịu đầu, thì sớm muộn gì chúng cũng chết đói hết; vậy thì mình cứ vây mà chờ chẳng cần phải nhọc công lo mưu tính kế cho mệt trí. Nguyễn-Xuân nghĩ vì mình làm tướng phải hạ thành cho được công mới lớn, chớ ngồi khoanh tay mà chờ cho giặc chết đói hết rồi mình lấy thành thì không có công gì, nên hiệp với bộ-tướng là Nguyễn-văn-Trọng đốc quân đào hầm khai mương cho rút cạn nước hào thành, rồi đánh đường vô tới hào thành như Ðỗ-Cẩm chỉ.

Ðến tháng 7 năm ất-mùi, Nguyễn-Xuân làm mới xong. Ðêm nọ thừa lúc trời tối, Nguyễn-Xuân khuyên Phan-văn-Túy dẫn binh đến bắc môn giả công thành cho quân ngụy xúm lại đó mà chống giữ, đặng mình với Nguyễn-văn-Trọng dẫn binh lén đi theo đường mới khai qua hào mà hãm thành.

Trong thành binh tướng phần thì bị đói khát, phần thì bị canh gát luôn luôn 2 năm trời, nên mệt-mỏi ốm-o xanh-xao vàng-vọt hết. Thình-lình nửa đêm nghe phía bắc môn trống đánh đùng-đùng, tiếng la inh ỏi, chắc là giặc công thành phía đó, nên áp nhau chạy lại đó mà chống giữ. Ở ngoài giặc la ó vang rân, đèn đuốc sáng quắc mà không có một tên quân sáp lại gần cửa thành. Tuy vậy mà ở trong không dám không phòng bị. Vương-Thể-Hùng tay cầm một cây siêu, Võ-Vĩnh-Lộc tay cầm búa, tay cầm khiên, hai người đốc suất quân lính giữ cửa thành.

Ðến đầu canh tư quân chạy lại báo cho Võ-vĩnh-Lộc hay rằng binh triều ở đâu không biết mà thình-lình leo vách thành tràn vào hai bên, chớ không phá cửa. Võ-vĩnh-Lộc nghe báo thì biến sắc, bèn kêu Vương-thể-Hùng mà dặn phải đốc binh gìn giữ bắc môn, để cho mình chạy qua bên kia mà xem hư thiệt. Võ-vĩnh-Lộc nói vừa dứt lời thì ở ngoài binh triều áp lại cửa mà công thành, còn phía bên kia binh triều tràn vào như nước chảy, đương rượt binh ở trong mà đánh. Võ-vĩnh-Lộc thấy thế đã nguy, dầu giữ bắc môn nữa cũng không ích gì nên lấy lưỡi búa cắt họng mà chết. Vương-thể-Hùng lấy làm bối-rối, vừa muốn bỏ bắc môn chạy qua bên kia liều chết mà đánh với tướng triều, thì cửa bắc môn bị phá, binh ở ngoài tràn vào nữa.

Binh lính ở trong kinh hãi, kiếm đường mà chạy, không dám chống cự. Thể-Hùng thấy vậy tức giận, nạt lên tiếng lớn rồi huơi siêu xốc lại cửa mà đánh với binh triều . Thể-Hùng đi tới đâu thì binh triều ngả rạp tới đó. Chàng đánh riết ra khỏi cửa thành, kế gặp một tướng triều, chẳng biết tên chi, chận lại mà đánh. Hai người đánh với nhau một hồi, Thể-Hùng bị một lưỡi mác, nhờ trớ lẹ nên khỏi đứt đầu, song còn bị sả một đường đứt tuốt cái tai bên tai mặt, lại cái vai cũng bị vít luôn nữa.

Thể-Hùng liệu thế cự không lại, nên lật-đật rút mà chạy. Nhờ trời tối, lại ở ngoài thành cây cối rậm rạp, bởi vậy Thể-Hùng qua khỏi vòng binh rồi vạch đường tẩu thoát. Chàng chạy được một đổi xa-xa thì bắp chưn trái ê-ê, chàng vén quần lên mà coi, mới hay mình bị thương tại bắp chưn nữa. Cái tai phía tay mặt với cái vai chảy máu dầm-dề. Phần thì mệt đuối, phần thì bị thương nặng, bởi vậy Thể-Hùng đi được một khúc nữa rồi hết sức nên té xỉu nằm dựa gốc cây, bất tỉnh nhơn sự.

Ðỗ-Cẩm đã ứng nghĩa theo Lê-văn-Khôi, sau lại trốn đi ra ngoài rồi bày mưu chỉ kế cho Nguyễn-Xuân; mà chừng Nguyễn-Xuân khắc kỳ hạ thành thì anh ta lại sợ đường tên mũi đạn, nên trốn đi ra ngoài xa kiếm nhà tá túc, chớ không dám ở trong vòng binh. Ðến lúc rựng sáng anh ta muốn thám dọ coi kế của mình chỉ có thành hay không, nên men-men đi lần vào vòng binh, trong bụng thầm tính nêu Nguyễn-Xuân hạ thành được thì chắc mình cũng có công.

Lúc mặt trời mọc, Ðỗ-Cẩm tới một cụm rừng nhỏ, bỗng thấy Vương-thể-Hùng đương ngồi dựa lưng vào một gốc cây mặt mày xanh dờn. Anh ta bước lại gần thì thấy máu chảy ướt dầm quần áo, mới cúi xuống hỏi rằng: "Cậu bị thương nặng lắm hay sao?"

Thể-Hùng nhướng mắt ngó Ðỗ-Cẩm và gặt đầu, rồi lần tay trong lưng lấy ra một chiếc vòng đồng-thòa cầm mà nhìn. Anh ta nhìn chiếc vòng mà nước mắt chảy ròng-ròng. Anh ta nhìn một hồi rồi đưa chiếc vòng cho Ðỗ-Cẩm. Ðỗ-Cẩm chưng hửng, không hiểu Thể-Hùng gởi hay là cho mình, nên thò tay lấy chiếc vòng, mà mắt ngó Thể-Hùng trân-trân. Thể-Hùng thở dài một cái bộ coi mệt lắm song ráng nói nhỏ từ tiếng rằng "Tôi chết ... chú làm ơn ...cõng tôi vô rừng ... kiếm chỗ để tôi nằm .... đặng tôi chết cho yên thân ...". Nói có mấy lời mà đã mệt thở dốc, nói không được nữa.

Ðỗ-Cẩm đứng dậy ngó quanh-quất chẳng thấy ai, bèn lận chiếc vòng vào lưng, rồi cổi áo kề vai cõng Thế-Hùng, vạch đường đi vô rừng. Anh ta mới đi vài chục bước mà đã mệt, thấy có một cây lớn, dưới gốc lá khô rụng nằm sắp lớp, bèn để Thể-Hùng nằm ngửa tại đó. Anh ta vói tay rờ sau lưng thì có máu của Thể-Hùng dính ướt-rượt, lật-đật lấy lá khô mà chùi, rồi mới bận áo lại. Anh ta không thèm ngó Thể-Hùng, cứ bận áo riết rồi đi ra. Khi anh ta dợm muốn đi, thì Thể-Hùng đưa tay mà ngoắt, bộ muốn biểu bước lại gần đặng tỏ việc chi đó. Ðỗ-Cẩm làm lơ bỏ đi ra, bộ như lấy một chiếc vòng cõng một khúc đường đó là đủ rồi, không còn ơn nghĩa chi nữa.

Người thường nếu ngồi cái địa-vị của Ðỗ-Cẩm đó, thì hoặc là sợ, hoặc là hổ, không dám trở lại thấy thành Gia-Ðịnh nữa. Ðỗ-Cẩm sợ mà không hổ, lại có lễ cái lòng tham nó nặng hơn sự sợ chết nhiều lắm, nên anh ta mới men-men trở lại thành, rồi tìm đến ra mắt Nguyễn-Xuân mà kể công ơn mình bày đường chỉ nẻo cho quan triều hạ thành.

Nguyễn-Xuân vừa thấy mặt Ðỗ-Cẩm thì nạt lớn rằng: "Á! Thằng khốn kiếp hắn trở lại đây há! Có tên quân nào đó, bây bắt nó đem ra cửa mà chém quách cho ông. Thứ đồ phản để mà làm gì".

Ðỗ-Cẩm khóc lạy và thưa rằng:

- Bẩm cụ lớn, con bị thằng Khôi nó bắt con, chớ con đâu dám làm phản. Xin cụ lớn tha con, kẻo oan ức con lắm.

- Mi còn dám kêu oan nữa à?

- Bẩm cụ lớn, dầu con theo thằng Khôi con có tội đi nữa, mà con đã có công chỉ đường cho cụ lớn hạ thành đó, công của con chuộc tội được rồi. Trăm lạy ngàn lạy cụ lớn xuống phước xét giùm lại cho con nhờ.

- Ông không bắt tội mi theo thằng nguỵ Khôi. Ông chém mi là chém về cái tội mi đã theo rồi mà còn phản nguỵ trở đầu ông. Mi biết hay chưa?

Ðỗ-Cẩm nghe nói thất sắc, song vì sợ chết nên phải ráng già hàm mà chữa mình. Anh ta lạy nữa và thưa rằng: "Bẩm cụ lớn, nếu cụ lớn phán như vậy thì từ rày còn ai dám cải tà qui chánh nữa".

Nguyễn-Xuân châu mày, vuốt rau suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: "Mi lẻo mồm thiệt! Thôi ông lấy lòng nhơn tha mi mà làm phước. Quân bây, căng nọc đánh hắn 50 trượng rồi thả hắn về".

Quân triều hạ thành rồi bắt thủ phạm 6 người bỏ vào củi mà giải về kinh cho vua định tội. Sáu người ấy là 1. Vợ của Lê-văn-Khôi, 2. con của Lê-văn-Khôi mới được 7 tuổi, 3. Nguyễn-văn-Bột, quản hậu quân, 4. Nguyễn-văn-Chơn, quản tượng quân, 5. một ông linh-mục tên Marchand, 6. một khách trú tên Mạch-tấn-Giai. Còn quân lính dân dã trong thành bắt được cả thảy 1831 người, thì đem chém hết rồi đào lổ lớn dựa bên trường đua ngựa bây giờ đó, mà bỏ chung một lỗ, đến nay người ta vẫn còn kêu là "mả ngụy".

Việc triều đình xử lăng trì 6 người thủ phạm và nghe lời Phan ...(mối cắn mật 2 chữ) ở Ðô-sát-viện, mà làm án truy tội quan Tả-quân Lê-văn-Duyệt chẳng nói ra đây làm chi. Bây giờ chỉ nói Ðỗ-Cẩm bị 50 trượng nát đít, văng thịt, song không chết, nên ráng la lết mà về nhà ở dưới Vũng-Gù được.

Thị-Phi thấy chồng thân thể như vậy thì mắng rằng: "Ỡ! thứ đồ ngu! Cãi ta nữa thôi? Chết đâu sao không chết phứt cho rồi, còn về mà báo ta nữa sao?"

Ðỗ-Cẩm lần lưng lấy chiếc vòng đưa cho vợ và nói rằng: "Ðừng có ào-ào. Ðể tao lành cái đít rồi đây tao đi kiếm tiền thiếu gì".

Thị-Phi cầm chiếc vòng đồng mà coi, rồi đeo vào tay, mặt mày tươi tắn, không mắng nhiếc chồng nữa.

Chương 12

Những kẻ độc ác chẳng có giờ nào mà chẳng tính chuyện hại người. Ðỗ-Cẩm tuy bị đánh nứt da lòi thịt, ngày như đêm cứ nằm sấp trên giường mà khóc, không bước ra khỏi nhà được, song lúc nào bớt đau bớt nhức thì anh ta thầm tính hễ lành bịnh rồi sẽ đi kiếm bà con Vương-thể-Hiền mà hăm dọa, hoặc may họ sợ tội lây ho lo lót chút đỉnh tiền mình ăn. Những người theo Lê-văn-Khôi đều bị chết chém hết thảy. Thể-Hùng theo Khôi, tuy đã bị thương chết rồi, song nếu quan họ hay Thể-Hùng làm phản, thì cha mẹ vợ con cũng khó ngồi yên.

Ðỗ-Cẩm nhớ lại ngày trước Thể-Hùng có nói tổ quán ở Bến-Lức, song đã dời nhà về ở Vũng-Gù. Vậy nếu tìm trong hai xứ ấy cho kỹ thì ắt ra mối. Mà khi Thể-Hùng gần chết, anh ta có cho mình một chiết vòng đồng. Vòng là đồ nữ trang sao anh ta lại giữ trong mình? ... Chuyện cũng kỳ! ... Mình lếu quá, lúc mình cõng anh ta đem vô rừng rồi, mình lại bỏ mà đi liền, không thèm gạn hỏi coi cha mẹ vợ con gì, nhà cửa ở đâu, chớ chi mình hỏi kỹ thì bây giờ dễ kiếm lắm.

Ðỗ-Cẩm nằm hoài, đến ba tháng mới lành mấy lằn roi. Anh ta đi được rồi, liền tuốt lên Bến-Lức mà hỏi thăm cha mẹ bà con của Thể-Hùng. Có người biết thì họ nói cha mẹ của Thể-Hùng chết hết, còn Thể-Hùng bỏ xứ đi đâu không biết, đã gần mười năm rồi không thấy trở về làng. Ðỗ-Cẩm không thối chí, lần-lần trở qua Vũng-Gù mà hỏi thăm nữa. Anh ta đi từ xóm mà hỏi, nhưng vì lúc Thể-Hùng ở nhà ông Ðàm-tự-Chấn không giao tiếp với ai, nên không ai biết mà chỉ.

Một bữa nọ Ðỗ-Cẩm đi tới nhà ông Ðàm-tự-Chấn. Khi bước vô sân, thì thấy Tự-Chấn trong nhà đi ra, tay cầm cái mác, coi bộ hầm-hừ lắm. Tự-Chấn thấy Ðỗ-Cẩm dị hình dị dạng thì mắt ngó lườm, miệng hỏi rằng: "Chú đi đâu đây?"

Ðỗ-Cẩm và thụt lui và đáp rằng: "Tôi đi kiếm bà con của anh Vương-Thể-Hùng".

Tự-Chấn thấy hình dạng của Ðỗ-Cẩm đã ghét rồi, mà nghe nói tới tên Vương-thể-Hùng thì lại nổi giận, nên nạt lớn rằng: "É! Ði ra cho mau, ai biết Thể-Hùng Thể-Hèo nào mà hỏi! Ta cho một mác đứt đầu bây giờ".

Ðỗ-Cẩm nghe lời gây-gổ quá như vậy thì kinh lắm, nên ríu-ríu bước ra không dám hỏi nữa.

Khi ở nhà đi ra thì Ðỗ-Cẩm lấy làm chắc ý, chừng trở về sẽ có bạc tiền. Chẳng dè đi hơn nửa tháng mà không tìm được bà con Thể-Hùng, bởi vậy chừng trở về nhà chỉ mang một cái bụng đói, với một cặp giò mỏi, lưng không có một đồng tiền nào hết.

Thị-Phi thấy chồng về mặt mày buồn xo, thì biết đi không về rồi[1], nên tỏ sắc giận, không thèm hỏi tới. Ðỗ-Cẩm lén xuống bếp kiếm cơm nguội mà ăn, bộ xẻn-lẻn, và ăn và ngó chừng vợ. Cơm nguội còn chừng một chén, nên anh ta ăn hết rồi mà chưa no, mới lấy vá (muỗng lớn dùng xúc cơm hay mút canh) cạo đít nồi mà cạy cơm cháy khua lộp-cộp. Thị-Phi ở nhà trên óng tiếng la rằng: "Làm cho bể nồi đi! Ði đâu hổm nay rồi bây giờ về lục nồi lục ơ đó?"

Ðỗ-Cẩm nín khe một hồi, nửa muốn đem cái nồi đi cất, nửa tiếc về[2] cơm cháy, nên nghiêng mình ngoáy cổ ngó chừng vợ rồi cạy nhẹ nhẹ, không dám cho vợ nghe nữa. Anh ta đương cạo nồi bỗng nghe vợ hỏi lớn rằng: "Dữ hôn! Mầy đi đau mà lạc đến đây?" Rồi lại thấy có một nàng bồng con xăm-xăm bước vào nhà. Anh ta không biết là ai, lật-đật đem cất cái nồi, ngay cổ nuốt phứt búng[3] cơm cháy, rồi lấy vạt áo chùi miệng và bước lên nhà trên.

Ðỗ-Cẩm ngó thấy Lý-ánh-Nguyệt đương lum khum để một đứa nhỏ, chừng năm sáu tuổi, đứng xuống đất, thì anh ta chưng hửng. Vì cách nhau đã 6 năm, bởi vậy gặp nhau cả 3 người đều mừng, nên hỏi nhau lăng-xăng. Ðõ-Cẩm thấy Ánh-Nguyệt tuy quần áo lang thang, tuy tay chơn lem-luốt, nhưng mà gương mặt còn sáng rỡ, bộ tướng còn dịu dàng, nhắm thế chắc nghèo nàn, mà nhan sắc càng xinh đẹp.

Ánh-Nguyệt ngồi ghé tại đầu ván, kéo con Thu-Vân đứng trong lòng rồi lột khăn lau mồ-hôi cho con. Thị-Phi hỏi: "Con nhỏ nầy là con của ai? Hải-Yến bây giờ ở đâu, còn mầy đi đâu?" Ánh-Nguyệt rưng-rưng nước mắt mà đáp: "Con của tôi chớ con ai! ... Hải-Yến thi đậu rồi bỏ tôi đi về An-Giang, mấy năm nay biệt tích. Mẹ con tôi bơ-vơ nghèo khổ hết sức, rồi lại vị giặc-giả xiêu lạc, nay ở chỗ nầy, mai ở chỗ kia, khi cấy mướn, khi may vá kiếm cơm mà ăn, trôi nổi mấy năm nay bây giờ mới tới đây, chớ có nhà cửa chi đâu. Khi Hải-Yến bỏ tôi thì tôi có qua kiếm chú thím, té ra nhà cửa đã dỡ đi đâu mất hết, tôi hỏi thăm người lân cận họ nói chú thím về Vũng-Gù. Tôi muốn đi tìm chú thím đặng kể chuyện bạc-bẽo của Hải-Yến cho chú thím nghe, ngặt vì khi trước tôi bị mang-mển trong lòng, nên phải nấng ná ở Gia-Ðịnh mà nuôi con. Lúc trong thành Gia-Ðịnh nổi giặc, tôi kinh tâm bỏ nhà bồng con mà chạy. Phần thì tôi không biết đường sá, phần thì tôi sợ hãi, nên cứ chạy theo thiên-hạ, họ chạy ngả nào tôi theo ngả nấy, bởi vậy xiêu-lạc lên tới Bến-Lức. Chừng tôi nghe yên giặc rồi, tôi mới lần-lần đi xuống mà tìm chú thím đây".

Thị-Phi nghe Ánh-Nguyệt nói sơ mấy điều thì xụ mặt châu mày; còn Ðỗ-Cẩm lại chúm-chím cười, dường như vui mà nghe được sự khốn khó của người khác. Thị-Phi không có con, mà thấy con Thu-Vân ngộ-nghĩnh, nói tiếng ráo-rẻ, gương mặt sáng trưng, thì đem lòng thương, nên theo vuốt-ve rờ-rẩm hoài.

Trời vừa xế qua, nhưng mà Thị-Phi lấy nồi đi vo gạo nấu cơm trong ý muốn nấu sớm mà ăn, đặng cho mẹ con Ánh-Nguyệt ăn luôn thể.

Ăn cơm rồi mà trời mới nửa chiều. Thị-Phi ôm bó lác lại ngồi dựa gốc cột mà đánh võng. Ánh-Nguyệt với Thu-Vân lại ngồi gần một bên, còn Ðỗ-Cẩm thì đi xách nước tưới rau sau hè. Thị-Phi biểu Ánh-Nguyệt kể hết đầu đuôi việc Hải-Yến bạc-bẽo cho mình nghe. Ánh-Nguyệt day qua ngó Thu-Vân rồi cúi mặt xuống, miệng chúm-chím cười mà không chịu nói.

Ðến tối, Thu-Vân ngủ rồi, Ánh-Nguyệt mới thỏ-thẻ kể rõ đầu đuôi sự Hải-Yến bạc tình bội nghĩa cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm nghe. Ðỗ-Cẩm nghe rồi vụt nói rằng: "Nếu Hài-Yến thi đậu thì chắc năm nay nó đã làm quan. Vậy để tao hỏi dọ coi nó làm quan tại xứ nào, tao đến đó tao rầy nó. Nó sợ xấu chắc nó cũng phải lòi tiền bạc mà cho mẹ con mầy".

Ánh-Nguyệt châu mày đáp rằng; "Chú đừng có làm như vậy, người còn không phải, thứ tiền bạc mà kể gì. Tôi chẳng hề tham tiền của kẻ bội nghĩa đâu".

Thị-Phi xen vô mà nói rằng: "Tiền bạc sao lại không thèm. Mình nghèo, nếu họ đưa tiền mà mình không lấy thì té ra mình dại. Nhưng mà tao nghĩ dầu tìm cho được Hải-Yến, cũng không dễ gì lấy tiền nó được đâu. Bây giờ nó làm quan, mình tới mình nói xính cường, nó nổi giận nó thộp đầu mình mà bỏ tù càng khổ mình nữa. Mình là dân, người ta là quan, mình cự sao cho lại".

Ðỗ-Cẩm nghe vợ nói như vậy thì khen phải. Còn Ánh-Nguyệt trề môi, cười gằn, song không nói chi hết. Thị-Phi ngồi suy nghĩ một hồi rồi ngó Ánh-Nguyệt mà nói rằng: "Thôi, thứ đồ bạc mà kể đến nó nữa mà chi, bỏ nó đi, lo kiếm chồng khác làm ăn. Cháu cũng chưa bao lớn tuổi, đã vậy mà nhan sắc của cháu coi cũng còn ngộ lắm. Ðờn ông con trai thiếu gì người thấy cháu họ nhểu nước miếng. Ðể thủng-thẳng thím coi chỗ nào giàu có, thím làm mai giùm cho mà nhờ tấm thân. Nếu kiếm được chỗ họ chết vợ thì sướng, bằng không thì làm bé cũng chẳng hại gì".

Ánh-Nguyệt nghe mấy lời khuyên bất nhã đó thì nàng hổ ngươi nghẹn cổ nên nàng cúi đầu rưng-rưng nước mắt, rồi nhỏ nhẹ đáp rằng:

- Cháu lấy chồng nữa sao được. Phận cháu là gái, sống thác thờ một chồng mà thôi. Chồng cháu nó ở bạc, thì lỗi về nó chịu; nếu cháu giận lẫy mà cải giá, thì cháu lại càng quấy hơn nữa.

- Ôi! Ðời nầy mà kể gì phải quấy, miễng là có tiền nhiều, cho sung sướng tấm thân thì thôi mà!

- Thím nói như vậy sao phải. Cháu là đứa có học, cháu phải trọng danh dự trinh tiết chớ.

- Trinh tiết làm gì? Trinh tiết mà quần áo lang thang, trinh tiết mà đói cơm khát nước, trinh tiết mà ngủ bờ ngủ bụi, trinh tiết mà cực khổ tấm thân; còn họ bạc tình mà họ lên võng xuống dù, họ nhà cao cửa lớn, họ nằm nệm bông gối gấm, họ ăn mâm cao cỗ đầy, mình dại gì mà giữ trinh tiết cho thiệt thân.

Ánh-Nguyệt nghe như vậy lại càng đau-đớn trong lòng, nên ngồi khóc ngay không còn lời chi đáp.

Ðỗ-Cẩm mới hỏi rằng:

- Nếu cháu không chịu kiếm chồng khác, thì cháu làm nghề gì cho có cơm mà ăn? Cháu cũng biết, chú thím không phải giàu có chi đây mà nuôi cháu cho nổi. Hay là cháu muốn về xứ mà tìm cô bác bà con.

- Thưa chú thím, từ khi chồng cháu nó bỏ cháu cho đến nay, thiệt cháu muốn trở về xứ mà tìm bà con cô bác lắm. Ngặt khi ra đi, cháu không có chồng, bây giờ trở về, cháu cũng không có chồng mà lại có con. Thoảng như bà con xóm riềng người ta hỏi chồng cháu ở đâu, con đâu mà bồng đó, thì cháu biết lấy lời chi mà đối đáp. Nếu cháu nói thiệt thì ai tin cho cháu. Còn như nói dối thì nói sao cho xuôi. Vì có cáo cớ đó, nên mấy năm nay cháu muốn về xứ, mà sợ xấu hổ không dám về.

- Cháu phải một là lấy chồng khác, hai là phải về xứ mới yên thân.

- Phải chi chú thím làm phước cho cháu ở đây với chú thím.

- Không được. Mà như muốn ở, hễ tao gặp chỗ nào giàu có, tao gả cho họ, thì phải ưng, chớ không phép vặn nài bẻ ách[4] như trước nữa, chịu hôn?

Ánh-Nguyệt suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: "Thà là cháu chịu cái nhục trở về xứ, chớ cháu không đành chịu cái nhục lấy chồng khác".

Ðổ-Cẩm nói: "Tự ý cháu".

Trời đã khuya rồi, Ðỗ-Cẩm gài cửa rồi vợ chồng dắt nhau vào trong buồng mà ngủ. Ánh-Nguyệt với Thu-Vân nằm trên cái sập ở ngoài, muỗi ào-ào áp cắn. Con Thu-Vân nguy không biết sợ, khổ không biết lo, nên nằm ngửa chinh chòng-chòng mà ngủ. Ánh-Nguyệt ngồi một bên con, tay cầm vạt áo phất qua phất lại mà đuổi muỗi, hồn vởn-vơ nơi cố lý, trí nghĩ ngợi nỗi cựu tình, tính việc sẽ tới, nhớ việc đã qua, đôi tròng giọt lụy chứa chan không ngăn đặng. Nàng ngồi suy tới nghĩ lui, buồn rồi lo, lo rồi tính, chờ đến mặt nhựt rạng đồng, gà đua gáy sáng, nàng mới nằm mà nghỉ.

Chằng biết đêm ấy nàng toan liệu phận nàng thế nào, mà sáng ngày sau, vợ chồng Ðỗ-Cẩm vừa thức dậy thì nàng nói mà gởi con Thu-Vân ở ít ngày, đặng nàng đi về Cần-Ðước tìm chú với cậu mà thăm coi còn mạnh giỏi hay không. Ðỗ-Cẩm nghe nói thì châu mày đáp rằng: "Úy! Ðược đâu nà! Giao thứ tội báo đó, ai dám lãnh. Vợ chồng tao nghèo, làm hết sức cũng chưa đủ mà đút vô miệng. Bây giờ mầy gởi con mầy, lớp thì phải chạy cơm cho nó ăn, lớp thì phải giữ nó nữa, ai chịu cho nổi".

Ánh-Nguyệt nhỏ-nhẹ nói rằng: "Thưa chú, con nít mà ăn hết bao nhiêu cơm. Mà nó chơi một mình được, chú thím coi chừng coi đổi nó vậy thôi, chớ cũng khỏi giữ. Cháu về xứ tìm chú và cậu của cháu trong ít ngày, như cháu gặp và như cháu lệu có thế nương náu được, thì cháu sẽ trở lên đây mà rước con Thu-Vân. Còn như cháu tìm không gặp, hoặc gặp mà không có thế được, thì cháu cũng trở lên đây liền, đặng mẹ con cháu tính thế khác. Bề nào cháu cũng trở lên, cháu không nỡ lìa con cháu lâu đâu mà chú sợ".

Thị-Phi vốn không con, lại thấy con Thu-Vân ngộ-nghĩnh thì thương, nên muốn lãnh con Thu-Vân mà nuôi, bởi vậy đáp rằng: "Ðược. Mầy muốn gởi thì để nó ở đó. Mầy muốn cho đứt nó tao cũng chịu nữa".

Ðỗ-Cẩm trợn mắt ngó vợ mà nói rằng: "Nuôi làm gì? Mầy giàu lắm há, nên ai mầy cũng muốn nuôi hết thảy". Anh ta lại day qua ngó Ánh-Nguyệt mà nói tiếp rằng:

- Không được đâu. Mầy nói mầy gởi ít bữa, mà biết đi rồi mầy có trở lại hay không?

- Thưa chú, có lý nào mà cháu không trở lên. Vì việc bứt lắm nên cực chẳng đã cháu mới tạm lìa con cháu, chớ tình mẹ con, thà là cháu chết, cháu đâu nỡ bỏ nó mà chú lo.

- Không lo sao được. Mầy bỏ đây rồi mầy báo hại người ta chớ. Mà tao hỏi gắt một điều nầy: mầy gởi nó lại đây mấy bữa?

Ánh-Nguyệt trầm ngâm một lát rồi đáp rằng:

- Chừng một tháng.

- Lâu quá! Chừng 10 bữa nữa vợ chồng tao mắc đi Bến-Tranh, rồi ai mà giữ nó?

- Thưa chú, cháu nói một tháng đó là nói phòng hờ, vì đường sá xa xuôi cách trở nên cháu phải nói nhiều ngày một chút, chớ không biết chừng mười bữa hoặc nửa tháng, thì cháu sẽ trở lên.

- Tao không nói dài chi nữa. Mầy nói vài bữa mầy trở lên, mà tao làm sao dám tin. Vậy tao nói trước một cái, như mầy gởi đôi ba bữa thì được, chớ gởi lâu phải chịu tiền cơm và tính công giữ.

- Trời ôi! Cháu không có một đồng một chữ, tiền đâu mà trả.

- Như không có tiền, thôi thì bồng nó theo.

- Chẳng phải là cháu không muốn bồng con cháu theo, ngặt vì bổn phận của cháu khó liệu lắm, nên cháu mới tính gởi nó ở lại đây với chú thím.

- Việc gì mà khó liệu?

- Chú nghĩ đó mà coi, phận cháu là gái, dầu cha mẹ khuất hết, song cũng còn cậu cô chú bác. Khi cháu lấy chồng, cháu không đợi lịnh chú với cậu, bây giờ bồng con về, thoảng như chú với cậu của cháu hỏi cháu lấy chồng hồi nào, ai đứng mà gả, thì cháu biết lấy lời chi mà đối đáp. Vì vậy cháu mới xin gởi con nhỏ ở lại đây.

- Dữ ác! Tưởng là chuyện gì nữa! Thứ chuyện như vậy mà lo dữ hôn!

- Thưa, cháu là con nhà học trò, nên phải lo sợ về danh tiết, về lễ nghĩa.

- Ừ, mầy lo giống gì thì lo. Tao nói như vậy đa. Như muốn gởi con ở lại đây thì phải tính tiền cơm với công giữ.

Ánh-Nguyệt ngó ra cửa mà thở dài, không có lời chi mà đáp.

Thị-Phi bèn nói với chồng rằng:

- Nó đã nói nó không có tiền, thì nó làm giấy biếu. Nó về dưới xin tiền bà con rồi chừng nào nó trở lên rước con nhỏ thì nó trả cũng được. Tôi ở cũng là rộng rãi, chớ có gắt gao gì đâu.

- Ờ, mình tính như vậy thì hoặc may được, chớ bây giờ buộc nó phải trả tiền trước thì tiền đâu nó có.

Ánh-Nguyệt ngồi lặng thinh mà nghe hai vợ chồng Ðỗ-Cẩm nói với nhau. Nàng suy nghĩ giây lâu thì hỏi Ðỗ-Cẩm rằng:

- Như chú cho cháu làm tờ thì có lẽ được. Mà cháu gởi con nhỏ ở lại đây, chú tính bao nhiêu tiền?

- Và tiền cơm và công giữ mỗi tháng một quan.

- Cha chả! Chú tính như vậy thì thành ra một năm tới 12 quan, tiền đâu cháu trả.

- Mầy gởi nó một năm lận sao? Mầy nói mầy đi chừng mười bữa hoặc nửa tháng mà mầy sợ nỗi gì.

Ánh-Nguyệt ngồi trầm-ngâm một hồi nữa rồi nàng chịu. Ðỗ-Cẩm đi lại đàng xóm xin một tờ giấy và mượn viết mực đem về cho Ánh-Nguyệt làm tờ. Ánh-Nguyệt làm tờ mướn vợ chồng Ðỗ-Cẩm nuôi con Thu-Vân tiền công giữ và tiền cơm tính mỗi tháng một quan, y theo lời Ðỗ-Cẩm buộc.

Ánh-Nguyệt tính bữa sau lối mặt trời rạng đông thì nàng tìm đường đi bộ mà về Cần-Ðước. Con Thu-Vân tuy còn khờ dại, nhưng mà có lẽ nó hiểu mẹ nó sẽ lìa nó hay sao nên ngày ấy nét mặt nó coi hết vui, mẹ nó ra vô nó cứ lẩm đẩm chạy theo một bên hoài. Ánh-Nguyệt thấy vậy lấy làm tủi lòng, hễ nhìn mặt con thì nàng ứa nước mắt, bởi vậy nàng làm lơ không dám ngó.

Tối lại vợ chồng Ðỗ-Cẩm khuyên Ánh-Nguyệt ngủ sớm đặng khuya thức dậy nấu cơm ăn rồi đi cho sớm, Ánh-Nguyệt cũng tính như vậy, nhưng mà đêm ấy nàng nằm một bên con cứ hun hít con hoài, lại mỗi lần hun thì nàng ứa nước mắt ướt mặt con Thu-Vân nên nàng phải lấy vạt áo mà lau. Ðến đầu canh năm nàng lén con thức dậy lấy nồi nấu cơm. Ăn cơm rồi thì mặt trời đã rạng đông và vợ chồng Ðỗ-Cẩm đã thức dậy. Ánh-Nguyệt bưng thếp đèn lại rọi mặt con Thu-Vân, lén hun nó một lần nữa rồi mới từ tạ vợ chồng Ðỗ-Cẩm mà đi. Nàng ra khỏi cửa rồi nàng lại trở lại mà dặn Thị-Phi rằng: "Thím làm phước coi chừng giùm con nhỏ, thím dặn nó đừng có ra chơi ngoài mé sông, nghe hôn thím". Thị-Phi gặt đầu. Ánh-Nguyệt liếc mắt nhìn con một lần nữa rồi mới đi.

Trong quyển thứ nhứt chúng tôi đã có thuật truyện một người cùng khổ, tên là Lê-Văn-Ðó, vì lén bưng có một trã cháo heo đem về cho mẹ và sấp cháu ăn đỡ đói mà phải bị quan bắt đày 20 năm tù. Ở tù mãn hạn rồi anh ta tìm đường về xứ, đi dọc đường đói lạnh, ghé nhà nào xin ăn họ cũng xô đuổi, là cho anh ta phiền lòng cực trí, đổi tánh hiền ra tánh dữ, oán hờn hết thảy xã-hội nhơn-quần. Anh ta giận loài người đến nỗi vào chùa Hòa-Thượng Chánh-Tâm cho ăn no ngủ ấm, mà anh ta không thèm tạ ơn, lại ăn cắp bộ chén với cái bình trà mà đi, giận loài người đến nỗi vào một chòi rách, gặp bọn ăn mày mà cũng không biết thương, đàng giựt nồi cơm mà chạy. May nhờ có mấy tiếng chuông là cho anh ta tỉnh giấc say mê; trở lại cái chòi ấy mà trả nồi cơm và lén cho một nén bạc. Anh ta lại nhớ những lời đạo đức của Hòa-Thượng Chánh-Tâm khuyên giải, nên trong lòng cảm xúc, quyết cải tà qui chánh, không hờn trời đất, không oán loài người nữa.

Lê-văn-Ðó còn bốn nén bạc, xuống xứ Cần-Ðước, cải danh diệt tánh, xưng mình là Trần-chánh-Tâm, rồi đốn cây cất nhà ở khai phá rừng hoang mà làm ruộng. Nhờ có mấy nén bạc của Hòa-Thượng Chánh-Tâm, nên anh ta mới có thế mà qui tụ dân đông, mà nhứt là anh ta bền chí dày công, nên trong bốn năm thì anh ta đã mở rừng cấy lúa hơn một ngàn mẫu đất. Ruộng có sẵn, lúa có nhiều, mà chủ ruộng lại từ thiện, bởi vậy dân nghèo ở mấy huyện gần đó dắt vợ cõng con đến Cần-Ðước mà xin ở làm ruộng cho Chánh-Tâm.

Ðến năm quí-tị (1833) là năm nổi giặc Lê-văn-Khôi tại đất Gia-Ðịnh, thì tên Trần-chánh-Tâm đã bay khắp các phủ các huyện, ai ai cũng biết Chánh-Tâm là người cự phú, ai ai cũng nghe Chánh-Tâm là người nhơn từ. Cái danh ấy không phải là danh giả, bởi vì lúc ấy thiệt Chánh-Tâm chứa lúa trong các lẫm kể hơn 10 vạn giạ (một vạn là 10 ngàn), còn những dân nghèo bất luận già trẻ, hễ đến than nghèo thì Chánh-Tâm làm cho no cơm ấm áo hết thảy.

Lúc binh triều kéo vô vây Lê-văn-Khôi trong thành Gia-Ðịnh, quan cần dùng lương thực mà nuôi quân lính, nghe Chánh-Tâm có lúa nhiều, bèn hạ lịnh truyền cho Chánh-Tâm phải chở lúa nạp cho quân lính ăn. Có một mình Chánh-Tâm chịu lúa cho mấy ngàn binh triều trót 3 năm trời. Thảo-nghịch hữu-tướng-quân là Phan-văn-Túy nghĩ vì Trần-chánh-Tâm có công với triều đình, nên làm sớ gởi về Huế mà tâu với vua. Vua Minh-Mạng bèn phong cho Trần-chánh-Tâm đén tước "Tùng thất phẩm Thiên-Hộ".

Từ ấy về sau danh thơm của Chánh-Tâm lại càng thên lừng-lẫy; quan dân ở đất Gia-Ðịnh đã tôn-trọng người giàu sang, mà lại còn kính mến lòng hiền đức nữa.

Mà Chánh-Tâm được giàu, được sang rồi, chẳng hề tính hưởng sự giàu sang ấy bao giờ. Trong nhà chẳng có một vật chi quí, y phục thì quần vải áo vải mà thôi. Ban ngày thì cứ ở hoài ngoài ruộng, hoặc chỉ đấp bờ đào ao, hoặc coi cày bừa trục phát. Ban đêm thì thường khi chong đèn ngồi cả một hai canh. Trong buồng chẳng có vật chi, chỉ có cái giường ngủ với một cái ghế, trên ghế có để một bộ chén chung với một cái bình, nhưng mà cấm nhặc không cho người ở trong nhà bước chơn vào đó.

Lê-văn-Ðó vừa được phong Thiên-Hộ thì hay tin Hòa-Thương ở chùa Chánh-Tâm đã tịch rồi. Thiên-Hộ nhớ mình nhờ ơn người giảng dạy đường ngay lẽ chánh ngày trước nên mình mới hồi tâm định tánh trở nên người có ích cho đời, bởi vậy Thiên-Hộ nghe tin ấy thì lật-đật đi lên Rạch-Kiến mà điếu tang. Khi Thiện-Hộ trở về, thì trong lòng buồn bực ăn ngủ không được, cứ thương tiếc Hòa-Thượng Chánh-Tâm hoài. Ðêm nào Thiên-Hộ cũng chong đèn ngồi mà suy nghĩ. Người ở đời hung dữ rồi cũng chết, từ bi rồi cũng chết, nghèo khổ rồi cũng chết, giàu sang rồi cũng chết. Mình bây giờ giàu có, bạc tiền chất đầy kho, lúa gạo trữ mấy lẫm, những vật ấy để làm gì? Những người ở đất mình, kể hết nam phụ lão ấu gần đến số một ngàn người, ai cũng đều no ấm, nhưng mà ở chốn dương trần nầy có phải chỉ bao nhiêu đó mà thôi đâu. Ngày trước mình nghèo đói, có lẽ ngày nay cũng còn nhiều người khác nghèo đói như mình. Vì ngày trước không có ai hảo tâm cứu giúp, nên thân mình mới lọt vào vòng khốn khổ, còn mẹ thì chết, cháu thì tiêu tan hết. Ngày nay mình có tiền dư, có lúa sẵn, nếu mình dùng tiền với lúa ấy mà cứu kẻ bần hàn, cho khỏi có những Lê-văn-Ðó khác nữa, há chẳng tốt hay sao?

Thiên-Hộ nghĩ như vậy rồi trong lòng hớn-hở, dường như có người khuất mặt xúi dục biểu phải làm cho mau. Thiên-Hộ mới xuất tiền cất nhà dãy ngang dãy dọc, chỗ thì để dạy trẻ nhỏ học, chỗ thì nuôi người có bịnh, chỗ thì để nuôi người tật nguyền, chỗ thì để nuôi con nít mồ-côi, chỗ thì để nuôi người già yếu. Trường học thì có rước thầy nho ở dạy, nhà dưỡng bịnh thì có danh-y điều trị, còn chỗ nuôi người tàn tật, người già cả và con nít mồ-côi thì có đặt mỗi chỗ một người đàn bà để điều định xem xét. Vì Thiên-Hộ mắc lo nhiều việc, không thế coi sóc cho hết được, nên Thiên-Hộ cậy bà Hai, là người cho Thiên-Hộ ở đậu lúc mới đến Cần-Ðước, cai quản giùm việc xuất phát trong nhà. Rủi thay bà Hai coi giùm có một tháng kế bà chết, túng thế Thiên-Hộ phải cậy một bà khác, tên là Bạch-Thị, cai quản giùm.

Những kẻ bịnh hoạn, già cả, côi cúc nghe Thiên-Hộ Chánh-Tâm thi ân bố đức mà nưng đỡ cứu giúp con nhà nghèo thì xa gần đều kéo nhau đến đó mà cầu cứu. Vì Thiên-Hộ có dặn trước nên ai đến bà Bạch-Thị cũng cho ở hết thảy, song vì bà ghét đờn ông gian-giảo với đờn bà trắc nết nên duy có hai hạng người ấy bà không chứa mà thôi.

Một buổi chiều Thiên-Hộ đi viếng nhà nuôi bịnh, vừa vô thì nghe ông lương-y Sanh nói với Bạch-Thị rằng có một người đờn-bà bịnh nặng sợ cứu không được. Thiên-Hộ liền biểu lương-y dắt mình đi lại chỗ người đờn bà ấy nằm mà thăm. Thiên-Hộ vừa thấy mặt thì biến sắc, lại đứng gần một bên giường mà dòm, muốn kêu người ấy mà rồi không kêu, lại day qua dặn lương-y Sanh rằng: "Thầy ráng hột thử một thang thuốc cho uống hoặc may có khá chăng". Lương-y Danh đáp rằng: "Tôi đương biểu sắc thuốc, để thuốc tới rồi tôi cho uống thử coi như đêm nay tỉnh lại, thì có lẽ tôi cứu được". Thiên-Hộ gặt đầu rồi bỏ đi ra; Bạch-Thị liếc coi thì thấy Thiên-Hộ ứa nước mắt.

Tối lại, chờ ai nấy đều ngủ hết, Thiên-Hộ mới lén đi một mình xuống nhà nuôi bịnh. Thiên-Hộ cầm đèn đi thẳng lại chỗ người đờn bà hồi chiều đo, thấy trên ghế để gần đầu giường có một chén thuốc còn vài muỗng, mới lấy muỗng múc mà cho uống. Người đờn bà ấy uống rồi mở mắt ngó Thiên-Hộ. Thiên-Hộ đưa đèn nhìn kỹ thấy người ấy già nên mặt dùn da, mà lại đau nên mình ốm nhách, song gương mặt coi giống hịt Thị-Huyền là chị dâu của mình, Thiên-Hộ bèn cúi xuống hỏi nhỏ-nhỏ rằng: "Chị gốc gác ở đâu? Chị phải tên Huyền, hồi trước ở Giồng-Tre hay không?"

Người ấy nhướng mắt đáp rằng: "Phải. Tôi tên Huyền. Sao ông biết tôi?"

Thiên-Hộ nghe mấy lời thì bủn-rủn tay chơn, nước mắt chảy ròng ròng nên và khóc và nói rằng: "Té ra chị hay sao? Em là thằng Ðó đây. Chị đi đâu mà mấy năm trước em về Giồng-Tre kiếm chị hết sức không được ...?"

Thiên-Hộ nói chưa dứt lời thì Thị-Huyền lại nói rằng: "Té ra chú nó còn sống hay sao? Trời ôi! Tôi có dè ngày nay còn được gặp chú nó đâu. Chú nó ôi! Tôi chết chớ không chịu nổi."

Thiên-Hộ thảm thiết hết sức, song gắng gương hỏi nữa rằng: "Còn sắp nhỏ ở đâu mà chị xiêu lạc đén đây?"

Thị-Huyền lăng thinh coi bộ mệt lắm. Cách một hồi rồi ráng nói rằng: "Còn đâu mà hỏi! Bị nghèo đói quá nên chết lần làn hết ...".

Thiên-Hộ nghe nói như vậy thì đau lòng như dao cắt, dằn không được nữa, nên ngồi chồm hổm dưới đất, dựa bên giường; cứ lắc đầu chắc lưỡi kêu trời, chớ không nói được tiếng chi nữa hết. Cách một hồi lâu Thiên-Hô đứng dậy tính hỏi thăm thêm việc nhà, chẳng dè Thị-Huyền đã nhắm mắt tắt hơi rồi. Ðau đớn thay!

*

* *

Ánh-Nguyệt gởi con cho vợ chòng Ðỗ-Cẩm mà đi tìm chú với cậu. Phần thì không biết đường nên đi lấn-quấn, phần thì trong lưng không có một đồng tiền, gặp xóm phải ghé xin ăn, qua truông phải đợi có người rồi mới dám đi, ban đêm phải kiếm chỗ ngơi nghỉ, bởi vậy nàng đi tới nửa tháng trường về mới đến quê xưa.

Khi nàng đi gần tới xóm nàng ở hồi trước, thì lòng khoăn-khoái mà lại bưng-khuân, khoăn-khoái là vì bỏ xứ mà đi chẵn 9 năm trường, nay trở về thấy bước đường cũ, thấy cảnh vật quen thì nàng mừng quýnh, còn bưng-khuân là vì khi xưa ở đây có cha, nay trở về một mình, đã vậy mà thấy cỏ cây sông rạch cũ mà thẹn-thùa cho chút phận vô duyên, nên nàng tủi thầm.

Nàng đi riết lại chỗ nhà cũ, thì nhà đâu mất, duy còn cái nền trọi-lỏi, với cái sân rậm-rạp đó mà thôi. Những bông huệ, bông lan trồng chỗ nầy, vì mất chủ xem, nên điêu tàn, nhường chỗ cho cỏ cú, cỏ cầm chầu tranh tươi, những rau râm, rau vấp trồng chỗ nầy, vì không ai tưới nên rụi hết, nhường chỗ cho rau đắng, rau sam đua mạnh nên rụi hết, không còn được một cây; mấy bụi chuối tiêu trồng phía sau tuy còn sống đủ, song lá rách, đọt còi, nhìn xem càng thê thảm.

Ánh-Nguyệt nhìn xem nhà cũ vườn xưa dường ấy, thì tâm thần áo não, giọt lụy tràn-trề, nàng lấy làm đau-đớn cho con người hiệp tan, nàng lấy làm chán ngán cho cuộc đời dời. Nàng ngó qua phía nhà bà Hai, thì nhà bà sập nát, sân bà cỏ cũng mọc tàn-lan. Nàng ngó quanh-quất thì không thấy một người quen nào mừng rỡ, hoặc ái truất. Nàng khoanh tay ngồi trên đám cỏ mà khóc, khóc nỗi mẹ cha vô phước, khóc nỗi mình phận bạc vô duyên, khóc nỗi con lìa mẹ bơ vơ, khóc nỗi chồng phụ tình bội ước, khóc nỗi cửa nhà tan nát, khóc nỗi danh tiết nhuộm bùn, nàng ngồi khóc cho đến buổi chiều, rồi mới lần đi tìm nhà ông sáu Thới mà hỏi thăm bà con.

Ông sáu Thới năm nay tuổi đã gần 70, mà sức lực ông còn mạnh, cặp mắt còn tỏ. Vợ ông chết đã 2 năm rồi, nên ông quạnh hiu có một mình, may nhờ có chút cháu là tên Hiển cưới vợ cất nhà ở một bên, nên lúc buồn mới có người nói chuyện.

Ông đương ngồi trước sân mà vá tay lưới, thình-lình Ánh-Nguyệt bước vô, ông hết sức mừng rỡ, nên lật đật đứng dậy hỏi lăng-xăng rằng: "Cháu về hồi nào? Mấy năm nay cháu ở đâu? Bất nhơn quá! Năm trước ông đi với cháu lên Gia-Ðịnh cháu bỏ đi đâu mất làm cho ông chờ đến ba bốn ngày. May là ông hỏi thăm, có người biết họ nói cha cháu đã khuất, còn cháu thì bị quan bắt, nên ông mới biết mà đi về, chớ phải hỏi không ra mối, ông ở chờ hoài, còn cơm gạo đâu mà ăn. Mà tại sao cha cháu chết, rồi quan lại bắt cháu? Mấy năm nay cháu ở đâu? Có chồng hay chưa?"

Ông hỏi nàng chưa kịp trả lời, rồi ông thôi-thúc khuyên nàng đi thẳng vô nhà mà nói chuyện. Ánh-Nguyệt nghe hỏi thì lòng thêm chua xót, song nàng không biết làm sao mà đáp cho xuôi, chỉ ứa nước mắt ríu-ríu đi theo ông sáu Thới vô nhà mà thôi.

Ông sáu Thới quét ván mời, rồi hỏi lăng-xăng nữa. Ánh-Nguyệt lấy làm bối-rối, nửa muốn tỏ thiệt tâm sự, nửa lại hổ ngươi thất tiết, bởi vậy nàng ú-ớ một hồi rồi kiếm lời nói dối rằng vì cha nàng thiếu nợ Ðỗ-Cẩm, vợ chồng Ðỗ-Cẩm đi kiện nàng, nên quan mới bắt rồi dạy nàng phải ở đợ mà trừ nợ. Mấy năm nay nàng ở với vợ chồng Ðỗ-Cẩm, may nhờ có giặc, vợ chồng Ðỗ-Cẩm xiêu lạc, nên nàng mới thoát thân trốn mà về đây. Còn sự chồng con thì nàng sợ nói ra xấu hổ, nên nàng giấu biệt chẳng hề nói đến.

Nàng nói chuyện của nàng rồi mới hỏi thăm rằng: "Không biết bà Hai bây giờ bà ở đâu, mà nhà của bà bỏ hư sập vậy ông?"

Ông sáu Thới lắc đầu đáp rằng:

- Còn đau mà bỏ! Bả chết hồi năm ngoái.

- Tội nghiệp dữ hôn! Còn ông có nghe chú và cậu của cháu bây giờ ở đâu hay không?

- Chú của cháu là Lý-kỳ-Phùng chết đã lâu rồi, cháu đi có mấy tháng rồi kế nó chết. Còn cậu của cháu là Ðinh-Hòa, ảnh đui mù bóng quáng, phần thì không có ai nuôi dưỡng, nên tội nghiệp thân ảnh quá. Mấy năm nay nhờ có ông Thiên-Hộ làm phước lập nhà nuôi kẻ tật nguyền, ổng cho ảnh vô đó mà ở nên ảnh no ấm, chớ nếu không ai nuôi thì chắc đã ảnh chết rồi. Năm nay ảnh yếu lắm, ảnh lớn hơn ông có 5 tuổi mà coi ảnh già cúp.

- Ông Thiên-Hô làm phước nuôi cậu của cháu, ông Thiên-Hộ nào ở đâu?

- Ờ, có một người tên là Trần-chánh-Tâm ở đâu không biết, mà lại đây ở mấy năm nay. Người sẵn có tiền qui dân phá rừng làm ruộng lần lần rồi giàu lớn quá. Ông nhớ hồi (khi) người lại ở xứ nầy, còn cháu ở nhà mà!

- Không có. Hồi cháu còn ở nhà thì cháu không có nghe ai lạ đến đây.

- Nói vậy cháu đi rồi ông Thiên-Hộ mới đến. Bây giờ ổng thiệt là giàu. Cháu nghĩ đó mà coi, mấy năm binh triều vây thành mà dẹp giặc Khôi, có một mình ổng chịu lúa mà đủ cho quân lính ăn hết thảy, bởi vậy vua mới phong cho ổng chức Thiên-Hộ đó đa. Ổng giàu mà nhơn đức lắm. Ai nghèo nàn hay là tật nguyền bịnh hoạn đến ổng ổng nuôi hết thảy.

- Nhà ổng ở đâu?

- Ở dưới vàm rạch Mát. Ối! Cháu xuống thấy công việc ổng làm cháu thất kinh. Ổng làm kinh-dinh lắm.

- Nói vậy té ra bây giờ cậu của cháu ở tại nhà ông Thiên-Hộ?

- Phải. Mà không phải ở tại nhà ổng, ở tại cái nhà của ổng cất để nuôi kẻ già cả tật nguyền đó.

- Nhà ấy chỗ nào?

- Cũng trong vuông rào của ổng.

- Vậy thì để cháu xuống đó cháu tìm mà hỏi thăm việc nhà.

- Mà cháu mới về tới đây, chắc chưa ăn cơm. Thôi, để ông đi nấu cơm cho cháu ăn.

Ông sáu Thới và nói và đi lấy nồi xúc gạo nấu cơm. Ánh-Nguyệt ăn cơm rồi ở ngủ đó một đêm. Nàng suy tới nghĩ lui, tưởng mình về xứ tìm bà con mà nương nhờ, chẳng dè về đến đây, chú đã chết rồi, cậu bịnh hoạn đương nương nhờ người ta, bây giờ mình làm sao?

Sáng ngày sau Ánh-Nguyệt đi viếng mộ của mẹ thấy nó hoang, cỏ mọc, nền sụp, núm lạn[5] thì nàng rất buồn tủi trong lòng. Ðến trưa nàng mới từ giả ông sáu Thôi mà đi xuống rạch Mát tìm cậu.

Nàng vừa ra khỏi xóm, ngước mặt ngó về phía Rạch Mát, thì giặng rừng cóc ngày xưa đã biến đi đâu mất, bây giờ chỉ thấy đồng ruộng minh-mông bằng thẳng, dài theo rạch nhà lại cửa cất dày đeo. Khi nàng đến tận nơi rồi, nàng thấy công cuộc của ông Thiên-Hộ làm kinh-dinh thì nàng lắc đầu le lưỡi. Dài theo mé rạch đếm có 10 lẫm lúa, còn sụt vô thì chíng giữa là nhà ông Thiên-Hộ ở, một bên là trường học với nhà nuôi trẻ mồ-côi, còn một bên là nhà nuôi kẻ bịnh hoạn tật nguyền với nhà nuôi người không con già cả.

Ánh-Nguyệt hỏi thăm lần lần vô tới nhà nuôi kẻ già. Lúc ấy đã nửa chiều rồi. Nàng bước vô ngó thấy người cậu là Ðinh-Hòa, đương ngồi ngoáy trầu mà ăn. Tuy Ðinh-Hòa đã ốm và già hơn xưa, song Ánh-Nguyệt ngó thấy thì biết liền, bởi vậy nàng đi riết lại vỗ vai và khóc và nói rằng: "Cậu năm nay trong mình cậu mạnh giỏi thể nào? Cháu mới về tới hôm qua, hỏi thăm họ nói cậu ở đây, nên cháu vô đây mà thăm".

Ðinh-Hòa mù quáng không thấy mặt Ánh-Nguyệt, phần thì cậu cháu xa cách nhau đã 9 năm rồi nên không nhớ tiếng, bởi vậy Ðinh-Hòa vinh mặt, nhai trầu, nháy mắt mà hỏi lơ láo rằng:

- Ai đó?

- Cháu là Ánh-Nguyệt.

- Ờ, té ra cháu hay sao?

- Dạ.

- Bất nhơn dữ hôn! Năm trước cậu nghe nói dượng ba nó mất, mà chừng nghe nói thì cháu đã đi rồi. Sao cháu đi rồi mấy năm nay cháu không về, vậy chớ cháu ở đâu?

Ánh-Nguyệt và khóc và kể chuyện của mình lại cho cậu nghe, song nàng cũng giấu biệt không dám tỏ sự có chồng có con, vì sợ e nói ra cậu trách sao lấy chồng không đợi lịnh của cậu. Ðinh-Hòa nghe thân cháu cực khổ ông thương, nên ông khóc ròng. Mấy ông già ở trong nhà ấy thấy cậu cháu gặp nhau mà kể việc nhà thê-thảm quá như vậy, thie hết thảy đều cũng động lòng.

Chừng Ánh-Nguyệt nói dứt chuyện của nàng rồi, Ðinh-Hòa mới nói rằng: "Bây giờ cháu tính đi đâu nữa, hay là về ở luôn dưới nầy?"

Ánh-Nguyệt lấy làm bối rối, nên ngồi suy nghĩ một hồi rồi đáp rằng: "Cháu về đây thiệt ý cháu tính về nương dựa cô bác bà con, chẳng dè về đến đây mới hay chú của cháu đã mất rồi, còn cậu thì tật nguyền nghèo khổ đến nỗi phải nương náu chỗ nầy. Trong vòng bà con bây giờ còn ai nữa đâu, bởi vậy chắc cháu phải đi xứ khác kiếm nơi nương dựa".

Ðinh-Hòa khóc và nói rằng: "Con cháu bây giờ còn có một mình cháu, nếu cháu bỏ xứ mà đi, đến chừng cậu chết chắc là không thấy mặt...."

Ánh-Nguyệt nghe cậu nói mấy lời ấy, nàng càng thêm cảm xúc, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Hai cậu cháu đương ngồi khóc với than, thình-lình Bạch-Thị, là người của ông Thiên-Hộ đặt ra để thay mặt cho ông mà quản suất mọi việc, bà ở ngoài bước vô nhà dưỡng lão. Bà nầy tuổi chừng lói 55, vóc lớn cao, da trắng nõn, răng chưa rụng, tóc còn đen, tướng đi đứng dịu dàng, cách ăn nói hòa huỡn. Tuy bà ít nói ít cười, song bà có thiện tâm, thường thương yêu người nghèo khổ. Bà có tánh nầy ai ai cũng đều kính sợ, là bà ăn ở ngay thẳng, mà bà lại ghết những kẻ giả dối, nhứt là không ưa trai gian tà, bà không chịu gái mất nết. Khi bà bước vô nhà dưỡng lão bà thấy cậu cháu Ðinh-Hòa đương ngồi khóc thì bà chưng-hửng, đứng nhìn Ánh-Nguyệt trân-trân. Mấy ông già với Ánh-Nguyệt thấy bà vô thì đứng dậy chào bà hết thảy, duy có một mình Ðinh-Hòa không ngó thấy nên cứ ngồi mà khóc.

Bặch-Thi ngó Ánh-Nguyệt mà hỏi rằng:

- Cháu ở đâu? Vô đây có việc chi?

- Thưa bà, cháu đi xa mới về, nghe nói cậu của cháu nhờ ân đức ông Thiên-Hộ nên được vô đây mà dưỡng bịnh, bởi vậy cháu tìm đến đây mà thăm.

- Cháu là con của ai, cháu tên chi?

- Thưa, cháu là con của Lý-kỳ-Nguyên, tên là Lý-ánh-Nguyệt, gốc ở xứ Cần-Ðước nầy.

- Có phải ông già cháu năm trước đi thi, rủi nhuốm bịnh bỏ mình trên Gia-Ðịnh đó hay không?

- Thưa phải.

- Tội nghiệp dữ hôn! Cháu có mấy anh em? Từ khi ông già cháu mất rồi cháu ở đâu? Có chồng hay chưa?

- Thưa bà, cháu một mình, không có anh em chi hết. Khi cháu hay tin ông già cháu đau nặng, cháu lật-đật lên Gia-Ðịnh tính đem ông già cháu về mà lo thuốc thang. Chẳng dè lên đến đó thì ông già cháu đã mất rồi. Vì ông già cháu lúc đau ốm có mắc nợ người ta nên họ bắt cháu ở cố công, chừng nào có tiền trả đủ rồi mới được về. May nhờ có giặc, thiên hạ chạy trốn hết, nên cháu mới thoát thân, rồi lần-lần mới trở về đây.

- Nhà giàu nào mà bất nhơn dữ vậy, thiếu bao nhiêu tiền mà đến nỗi bắt người ta ở cố công. Mà bây giờ cháu đã có chồng hay chưa?

Ánh-Nguyệt cúi đầu đáp nhỏ rằng: "Thưa chưa".

Bạch-Thị hỏi tiếp rằng: "Vậy thì bây giờ cháu ở với ai? Cháu có phương thế chi làm ăn hay không?"

Ánh-Nguyệt nhỏ-nhẹ đáp rằng:

- Bà con của cháu bây giờ chỉ còn có một mình cậu của cháu đây mà thôi. Mà cậu của cháu thì già cả nghèo nàn, cháu không nương dựa được, bởi vậy cháu tính rồi đây cháu phải đến xứ khác kiếm chỗ làm ăn. Ngặt vì cậu của cháu già mà lại có bịnh, không biết còn mất bữa nào, nên cháu không nỡ bỏ mà đi. Vậy để vài bữa rồi cháu sẽ liệu.

- Thôi thì ở đây, đi đâu làm chi. Sắp nhỏ mồ côi càng ngày càng đông, có một mình Hồng-Thị coi không xiết. Vậy thì cháu ở đây giúp vớI Hồng-Thị mà săn sóc giùm sắp nhỏ đó. Cháu làm tại đây thì ăn ở tại đây. Ðể bà nói với ông Thiên-Hộ mỗi năm cho cháu thêm vài ba quan tiền, được hôn?

Ánh-Nguyệt cúi đầu suy nghĩ. Bạch-Thị ngó nàng rồi nói tiếp rằng: "Phận cháu là gái, bây giờ không có chỗ nương dựa, vậy ở đây thì tốt hơn hết. Bà dặn cháu có một đều nầy: Ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, song ổng không ưa con gái trắc nết. Vậy cháu ở đây, thì làm việc phải siêng-năng, lại nết-na phải giữ cho tử-tế. Nếu cháu chịu ở thì ở liền bây giờ cũng được".

Ánh-Nguyệt vì con nên dụ-dự, mà nếu không ở đây, bây giờ biết đi đâu. Ðã vậy mà Ðinh-Hòa thương cháu nên cũng khuyên nàng ở đặng gần-gũi, bởi vậy Ánh-Nguyệt chịu ở.

*

* *

Ánh-Nguyệt ở tại nhà mồ côi của ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm mà săn sóc sắp nhỏ. Nàng nghe danh ông Thiên-Hộ có đức, lại thấy công việc của ông làm thiệt là có nhơn, bởi vậy nàng có ý trông gặp mặt ông đặng xem coi tướng mạo thế nào mà tánh tình tốt dường ấy.

Từ khi ông Thiên-Hộ gặp chị dâu là Thị-Huyền một cách rất thảm thiết, thì ông buồn rầu áo-nảo, bởi vậy ông cứ ở trong nhà riêng hoài, không muốn đi xem xét các công việc của ông làm nữa. Lâu lâu ông mới đi coi trường học và mấy nhà nuôi bịnh, nuôi kẻ già, nuôi kẻ mồ côi một lần, song ông có đi thì đi thì đi lúc ban đêm, nên ít ai thấy mặt. Ai muốn nói việc chi với ông thì cứ nói với Bạch-Thi, rồi Bạch-Thị chuyển đạt lại cho ông, bởi vậy Ánh-Nguyệt ở với ông mà không thấy mặt ông được.

Ánh-Nguyệt thấy trẻ nhỏ mồ côi thì nàng càng nhớ con tha-thiết, ăn ngủ không yên. Có đêm nàng nằm mà khóc đến sáng. Nàng nghĩ phận nàng thiệt là khó liệu. Trong vòng bà con bây giờ chỉ còn có một ông cậu mà thôi. Còn ông cậu thì còn có một mình nàng, chớ không có con cháu nào khác. Cậu già yếu tật nguyền. Mình tính đi xứ khác làm ăn. Cậu mở miệng than mấy lời như vậy, mình đi sao đành. Tuy ở đây thì đã yên thân lại được gần cậu song ở đây rồi bỏ con hay sao? Nếu lên Vũng-Gù đem con về, người ta hỏi chưa có chồng sao lại có con, thì mình nói sao cho xuôi? Mình tỏ thiệt sự Hải-Yến bạc-bẽo thì manh lỗi với cậu, vì lấy chồng sao không thưa cho cậu hay, mà dầu mình tỏ thiệt biết người ta có tin hay không, sợ người ta nghi mình là trắc nết thì càng xấu hổ cho tông môn mình nữa. Mà bây giờ mình lên Vũng-Gù rước con, tiền đâu mà trả cho Ðỗ-Cẩm. Hễ gởi con ở lâu chừng nào thì số tiền càng tăng lên chừng nấy. Theo lời bà Bạch-Thị nói thì mình ở đây ông Thiên-Hộ trả cho mình mỗi năm vài ba quan tiền, còn mình gởi con cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm thì mỗi tháng phải chịu một quan, tính ra mỗi năm tới 12 quan, tiền đâu đủ để trả. Khổ thay! Khó liệu thay!

Nàng suy tới tính lui một đàng thương con, một đàng thương cậu, một đàng nữa là danh dự của tông môn. Tuy cha mẹ mình nghèo, song xưa nay ở trong làng trong xóm đã giữ cái danh cho họ Lý trắng như tuyết, trong như gương, sanh mình là gái, mình đành đem cái danh thơm tiếng tốt của cha mẹ mà chôn xuống bùn hay sao?

Nàng dụ-dự hoài không biết lẽ nào phải mà quyết định. Nếu vì con mà đi thì lỗi với cậu. Nếu vì cậu lại vì luôn con mà đem con về đây, thì nhơ danh tiếng của họ Lý. Bởi nàng liệu định không được, nên nấn ná ở đó hoài.

Ngày qua tháng lại, Ánh-Nguyệt tính lại thì nàng ở nhà nuôi trẻ mồ côi đã gầy 6 tháng rồi. Một đêm nọ nàng thương nhớ con quá, dằn lòng không đặng, nàng mới tính mươn ông sáu Thới lên Vũng-Gù mà thăm giùm con coi nó mạnh giỏi thể nào. Sáng bữa sau nàng xin phép bà Bạch-Thị đặng lên nhà ông sáu Thới. Nhưng vì nàng sợ xấu nên lên tới đó nàng nói dối với ông sáu Thới rằng lúc ở Gia-Ðịnh nàng có quen với một người chị em bạn gái. Người ấy vì giặc-giã vợ chồng xiêu lạc nên buồn rầu nhuốm bịnh mà chết, song trước khi chết có gởi lại cho nàng một đứa con gái. Nàng nuôi mấy năm nên thương yêu cũng như con ruột. Khi về đây nàng gởi lại cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm. Vậy nàng cậy ông sáu Thới lên thăm giùm vì phận nàng là gái đi xa chẳng tiện.

Nàng nói thì ông sáu Thới sẵn lòng đi giùm liền. Nàng mới viết một phong thơ nói riêng cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm hay sự nàng khốn đốn ở dưới nầy và cậy vợ chồng Ðỗ-Cẩm ráng nuôi giùm con Thu-Vân: nàng hứa hễ ông Thiên-Hộ mỗi năm phát tiền công cho nàng bao nhiêu thì nàng gởi hết lên cho.

Ông sáu Thới lãnh thơ rồi mượn xuồng lối xóm bơi mà đi. Cách ít ngày ông về tới, ông xuống sở của ông Thiên-Hộ kiếm Ánh-Nguyệt mà trao một phong thơ của Ðỗ-Cẩm trả lời và nói rằng con Thu-Vân không bịnh hoạn chi, song nó ốm lắm. Ánh-Nguyệt nghe nói con ốm thì đau lòng, mà chừng đọc thơ thấy Ðỗ-Cẩm thôi thúc biểu phải đem 6 quan tiền trả cho đủ mà rước con Thu-Vân, nếu để trể anh ta phải bán nó, vì nghèo nuôi không nổi nữa, thì nàng càng thêm bối rối. Nàng tạ ơn ông sáu Thới và khuyên ông về nghỉ, song nàng dặn ông chừng đôi ba bữa ông trở xuống đặng cho nàng cậy việc khác.

Nàng lấy làm buồn-bực xốn-xang vô cùng. Tiền đâu có mà gởi cho Ðỗ-Cẩm. Mà dầu có tiền đi nữa, nếu rước con Thu-Vân về rồi để nó ở với ai. Nếu không trả tiền đủ số mà rước con thì Ðỗ-Cẩm nó bán cho họ, rồi sau mình biết đâu mà tìm. Có lẽ rước về đây mình gởi cho ông sáu Thới nuôi giùm thì được. Ngặt vì bây giờ làm sao cho có đủ 6 quan tiền.

Ðêm ấy nàng nằm gát tay qua trán mà lo tính. Nàng nghĩ ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, ai nghèo ông nuôi, ai bịnh ông cũng cứu. Thân mình khốn khổ nếu ông rõ thấu, có lẽ nào lại chẳng giúp mình hay sao? Nàng nghĩ như vậy nên nàng mới tính lập thế giáp mặt với ông Thiên-Hộ đặng tỏ thiệt tâm sự của mình cho ổng nghe, rồi lạy mà xin ổng 6 quan tiền đem lên trả cho Ðỗ-Cẩm và rước con Thu-Vân đem về để tại nhà mồ côi mà nuôi.

Ánh-Nguyệt tính như vậy có lẽ nàng tưởng là tính nhằm lối, bởi vậy nàng hớn-hở trong lòng, nên mới ngủ được. Qua ngày sau nàng dợm muốn đi đại lên nhà ông Thiên-Hộ hai ba lần, mà vì nàng ở đây gần 6 tháng rồi nàng chưa thấy mặt ông Thiên-Hộ cho chán chường, bởi vậy nàng sợ oai nên phập phồng hoài, nàng dợm mấy lần, mà không dám đi lần nào hết.

Tối lại ai nấy đều ngủ hết. Ánh-Nguyệt ngồi một mình dựa cửa mà ngó lom-lom lên nhà ông Thiên-Hộ. Trăng mùng 8 đã không tỏ, mà lại còn bị mây án nên trời đất lờ-mờ. Cách một hồi, Ánh-Nguyệt thấy nhà ông Thiên-Hộ mở cửa rồi có một người đờn-ông bước ra sân. Nàng tưởng chắc người ấy là ông Thiên-Hộ, nên nàng khấp-khởi trong lòng, lật-đật đứng dậy rồi bước nhẹ-nhẹ đi lần lại gần. Nàng thấy người ấy ra trước sân, ngước mặt ngó lên trời một lát rồi cuối mặt xuống mà đi. Người ấy ngó xuống đất mà đi, không hay nàng đi theo sau lưng. Người ấy đi một vòng chung quanh nhà rồi tới cửa bước vô đóng cửa lại, không thấy Ánh-Nguyệt, mà Ánh-Nguyệt vì người ta không thấy, nên cũng không nói tiếng chi được. Ánh-Nguyệt lấy làm ức-uất trong lòng, quyết đợi đêm khác ông Thiên-Hộ đi ra nữa, nàng sẽ đón đường mà nói chuyện.

Vì có lời dặn trước, nên sáng bữa sau ông sáu Thới xuống kiếm Ánh-Nguyệt mà hỏi coi nàng còn cậy việc chi nữa. Ánh-Nguyệt lại trường học xin thầy giáo một miếng giấy và mượn viết mực về viết một bức thơ cho Ðỗ-Cẩm mà xin huỡn huỡn đợi ít ngày, nàng sẽ gởi đủ số tiền lên rồi rước con Thu-Vân. Nàng trao bức thơ ấy cho ông sáu Thới và mượn ông đón coi có ghe nào đi Vũng-Gù thì gởi cho họ đem giùm lên cho Ðỗ-Cẩm. Ông sáu Thới lãnh bức thơ rồi ra về.

Vã trong nhà mồ côi thì có Hồng-Thị cai quản. Hôm trước ông sáu Thới vô nói to-nhỏ rồi đưa thơ cho Ánh-Nguyệt, Thị-Hồng đã ngó thấy. Ánh-Nguyệt đọc thơ rồi buồn rầu mấy bữa rày Hồng-Thị cũng liếc thấy. Nay Ánh-Nguyệt viết thơ trao cho ông sáu Thới, Hồng-Thị cũng ngó thấy nữa. Hồng-Thị nghi cho Ánh-Nguyệt ở đây mà tình ở đâu, nên mới có thơ vô thơ ra. Hồng-Thị liền đem chuyện ấy mà thuật lại cho Bạch-Thị nghe, mà khi thuật chuyện lại lấy sự nghi ngờ mà đổi ra sự quả quyết.

Thị-Bạch nghe rồi, không gạn đục lóng trong, không hỏi đi xét lại, đến nửa chiều bà vào nhà mồ côi kêu Ánh-Nguyệt mà nói trước mặt sắp con nít rằng: "Phận làm con gái phải ở cho có nết na, phải giữ cho tròn trinh tiết. Theo như lời cháu tỏ bà nghe ngày trước, thì cháu là con nhà lễ nghĩa, sao cháu không biết giữ danh giá, học đòi thói huê nguyệt gió trăng chi vậy? Bà có nói trước: ông Thiên-Hộ là người nhơn đức, song ông thương kẻ phải, mà ông lại ghét kẻ quấy, nhứt là ông ghét thứ con gái trắc nết lắm. Mấy bữa rày cháu lãnh thơ vô, cháu gởi thơ ra mà tỏ tình với trai. Vậy ông Thiên-Hộ đã nhứt định đuổi cháu ra khỏi nhà ông, rồi mặc tình cháu muốn gió trăng chừng nào cũng được, vì cháu ở đây mà làm quấy như vậy thì treo cái gương xấu cho sắp nhỏ nó bắt chước không nên. Thôi cháu đi đi".

Bạch-Thị nói dứt lời liền xay lưng đi ra. Ánh-Nguyệt ức-uất mà lại thẹn thùa, nàng muốn trả lời mà nghẹn cổ nói không ra tiếng. Bạch-Thị ra tới cửa rồi day lại nói vói rằng: "Ông Thiên-Hộ nói cháu phải đi ra lập tức. Vậy cháu phải đi liền bây giờ, đừng ở nán lại đó ông hay ông rầy".

Sắp con nít mồ-côi đứng ngó Ánh-Nguyệt trân-trân. Ánh-Nguyệt nghe lời vu oan thì tức lòng, mà thấy trẻ nhỏ ngó lại hổ thẹn, bởi vậy nàng cúi mặt bước ra cửa đi liền, mà nước mắt tuôn dầm dề. Lúc đi ngang qua nhà dưỡng lão, nàng ghé lại đó vỗ vai Ðinh-Hòa và khóc mà nói rằng: "Người ta đuổi không cho cháu ở đây nữa. Người ta lại nói chuyện xấu hổ cho cháu lắm. Thôi cậu ở đây mạnh giỏi, để cho cháu ra".

Ðinh-Hòa nghe cháu nói như vậy thì chua xót trong lòng nên hỏi rằng:

- Cháu ra rồi nương dựa với ai?

- Cháu không cần gì. Thân cháu bây giờ còn kể gì nữa. Miễn là ra khỏi chốn xưng làm phước mà thiệt làm ác nầy rồi thì thôi, cháu đi đâu hay là ở đâu cũng không sá gì.

- Phải chi cậu sáng sủa hai con mắt, cậu mạnh giỏi như người ta, thì thân cháu có đến nỗi như vầy đâu! Cháu đi thì cậu ở đây sao yên! Trời đất ôi! Khổ chi dữ vầy!

Ánh-Nguyệt nghe cậu than mấy lời, thì nàng đứt ruột. Nàng đã buồn thảm mà thấy cậu lại buồn thảm hơn nàng nữa, bởi vậy nàng tủi lòng khóc rống lên một hồi, rồi gắng gượng làm khuây khuyên cậu hãy ở đó mà dưỡng bịnh, nàng hứa rằng nàng sẽ kiếm chỗ ở đậu tại Cần-Ðước mà làm ăn cho gần gũi cậu, chớ nàng không đi xa.

Ðinh-Hòa căn dặn chừng ở chỗ nào yên rồi thì cho ông hay, kẻo ông lo. Ánh-Nguyệt chịu lời, rồi từ biệt cậu mà trở lên nhà ông sáu Thới.

Ông sáu Thới đương ngồi trong nhà, thấy Ánh-Nguyệt bước vô mà nước mắt nước mũi chàm-ngoàm thì ông lấy làm lạ nên lật-đật hỏi có việc gì. Ánh-Nguyệt ngồi xề lại góc ván rồi khóc mà kể sự nàng bị đuổi rất oan-ức lại cho ông nghe. Ðương lúc tức-tủi, nàng mất hết trí khôn, nàng không còn kể danh dự chi nữa, nên nàng tiếp mà thuật luôn sự Hải-Yến giả dối, gạt nàng rồi bỏ giữa đường làm cho nàng đã hư danh tiết mà lại có con lòng-thòng thêm nữa.

Ông sáu Thới nghe đủ mọi đều, ông cũng tức giận nên, nên đứng dậy bước ra đứng dựa cửa mà nói rằng: "Ở đời thiên-hạ họ giả dối độc ác lắm, không biết thương con nhà nghèo. Vậy mà họ lại giàu sang, mới kỳ chớ!"

Ánh-Nguyệt nghe mấy lời ấy như dục lòng nàng oán hận thêm nữa, bởi vậy nàng cũng đứng dậy mà nói rằng: "Cháu đã hết sức giữ tử-tế; thiên hạ họ xấu quá, họ hiệp nhau quyết làm cho nát thân cháu, thì cháu làm sao mà tránh cho khỏi. Trời Phật, xin chứng giùm cái lòng trinh bạch nầy, xin chứng giùm cái thói độc ác của thiên-hạ một chút!"

Ðêm ấy Ánh-Nguyệt sòng-sòng quyết lên Vũng-Gù tìm con, dầu Ðỗ-Cẩm làm khó dễ thế nào cũng được, miễn là mẹ con được gần nhau thì thôi. Ông sáu Thới theo can hoài, ông khuyên ở đây với ông, thủng thẳng là kiếm tiền rồi sẽ lên chuộc con Thu-Vân đem về nhà ông mà nuôi. Ánh-Nguyệt tuy muốn đi, song nghe ông sáu Thới khuyên nhằm lý, lại nhớ mấy lời thảm thiết của Ðịnh-Hòa nữa, bởi vậy nàng dụ-dự, không biết tính lẽ nào. Nàng sực nhớ nàng ở với ông Thiên-Hộ trọn 6 tháng, mà chừng ông đuổi nàng, không trả tiền, thì nàng càng oán ông Thiên-Hộ nhiều hơn nữa.

Ánh-Nguyệt còn lưỡng-lự, chua quyết phải ở hay là đi, thình lình nàng nhuốm bịnh nóng vùi, mê sảng không biết chi hết. Ông sáu Thới lo sợ, rước thầy thuốc coi mạch giùm, thì thầy thuốc nói Ánh-Nguyệt bị ban cua lưỡi trắng, bịnh nặng nên khó mạnh, mà dầu có mạnh thì cũng lâu lắm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro