Tieu Thuyet Ngọn Cỏ Gió Ðùa Hồ Biểu Chánh Chương 13-15

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

* Ðường ngay nẻo vạy

Chuong 13

Trong lúc Lê Tả-Quân ngồi chức Nam-Thàng Tổng-Trấn, ngài có lập tại xứ Cần-Dước một cái đồn gần mé sông Bao-Ngược, và có cắt một vị suất đội với năm tên lính ở thủ đồn. Mấy năm giặc Khôi nổi lên, thì đồn ấy bỏ trống không có quân lính ở thú nữa.

Khi giặc Khôi giẹp yên rồi, triều-đình mới chia đất Nam ra làm 6 tỉnh và mỗi tỉnh đặt quan cai trị. Qua năm mậu-tuất (1838) quan Tổng-Ðốc tỉnh Gia-Ðịnh sắp đặt việc chánh-trị lại, ngài muốn ngăn ngừa đạo tặc trong miền Bao-Ngược nên ngài sai một vị suất đội tên là Phạm-Kỳ với 10 tên lính xuống thú đồn Cần-Ðước.

Phạm-Kỳ nầy ngày trước làm lính coi tội-nhơn tại khám đường Gia-Ðịnh. Khi giặc Khôi nổi lên, quân lính đều theo Khôi hết thảy, duy có một mình Phạm-Kỳ không chịu theo, lập thế thoát thân ra khỏi thành rồi tìm đường bộ tuốt ra kinh-đô mà báo tin cho triều-đình hay. Vua sai tướng đề binh dẹp loạn, thì Phạm-Kỳ dắt đường cho binh triều vào Gia-Ðịnh. Chừng giẹp loạn xong rồi, quan xét công cho Phạm-Kỳ, dưng sớ về triều, nên vua mới phong cho Phạm-Kỳ làm chức suất-đội.

Phạm-Kỳ được lịnh sai xuống thú đồn Cần-Ðước, khi sửa soạn ra đi thì quan Án-Sát có kêu mà dặn rằng: „Trong xứ Cần-Ðước có ông Thiên-Hộ Trần Chánh-Tâm là người cự phú mà lại hiền đức, nhơn dân hết thảy đều kính phục. Ðã vậy mà người lại có công lớn với triều-đình, bở vậy ngươi xuống đó mỗi việc đều phài do nơi người, đừng có làm trái ý người mà mang lỗi".

Phạm-Kỳ ghi mấy lời dặn ấy vào trí, nên xuống tới đồn Cần-Ðước rồi, thì liền đến nhà ông Thiên-Hộ mà xin ra mắt người. Ngày ấy nhằm ngày rằm tháng giêng, ông Thiên-Hộ mắc đi lên chùa Phật mà niệm hương. Phạm-Kỳ phải ở đó mà chờ; anh ta đi dạo chơi từ trường học, nhà dưỡng lão, qua đến mấy lẫm lúa, ngó thấy công việc của ông Thiên-Hộ làm thì anh ta lấy làm kính phục vô cùng.

Ðến trưa Phạm-Kỳ thấy có một chiếc ghe lường[1] ghé dưới bến, rồi dưới ghe có một người bước lên. Người ấy độ chừng 50 tuổi, cao lớn, vậm vỡ, râu le-the, mà cặp mắt sáng ngời, mặc áo dài, quần rộng bằng vải đen, trên đầu cũng quấn khăn vải đen. Phạm-Kỳ đương đứng tại cửa mà ngó người ấy, thình-lình Bạch-Thị đương ở nhà dưỡng lão bước ra nói rằng: „Ông Thiên-Hộ về". Phạm-Kỳ lấy làm mừng, bèn đứng nép lại một bên mà chờ. Chừng ông Thiên-Hộ bước vô cửa, Phạm-Kỳ chào ông và nói rằng: „Tôi làm suất-đội, quan trên sai tôi đến thú đồn Cần-Ðước. Tôi dẫn lính xuống tới hôm qua, nên bữa nay tôi lại đây viếng ông".

Ông Thiên-Hộ đáp lễ, liếc ngó Phạm-Kỳ một cái rồi châu mày day mặt chỗ khác, dường như ông có việc lo ra. Tuy ông day chỗ khác, song ông day rồi thì liền day trở lại mà mời Phạm-Kỳ vô nhà. Ông mời ngồi xong rồi, ông mới hỏi Phạm-Kỳ rằng:

- Ông đội quê quán ở tỉnh nào?

- Tổ quán tôi ở Diên-Khánh.

- Chẳng hay ông đội quý danh là chi?

- Tôi họ Phạm tên Kỳ.

Hai người ngồi ngang nhau mà lén liếc ngó nhau hoài. Mà chừng ông Thiên-Hộ nghe ông đội xưng tên là Phạm-Kỳ thì ông lại nháy mắt lia-lịa, rồi ngửa bàn tay mà chống cái trán coi bộ ông suy nghĩ lắm.

Phạm-Kỳ thừa dịp ông Thiên-Hộ không ngó mình mới lén nhìn ông không nháy mắt.

Bạch-Thị biểu người nhà bưng nước trà đem ra. Ông Thiên-Hộ mời khách uống nước. Phạm-Kỳ uống một chén nước rồi cười và nói rằng: „Lúc tôi còn ở trên tỉnh thì tôi đã nghe danh ông là người giàu có, mà lại nhơn đức lắm. Nay tôi xuống đây tôi thấy công cuộc làm của ông thiệt tôi thất kinh. Ông làm giàu mà thiên hạ được nhờ hết thảy chớ không phải như họ giàu rồi lại ỷ thân ỷ thế khắc bạc húng hiếp kẻ nghèo. Chẳng hay ông là người gốc-gác ở xứ nầy, hay là ở đâu đến đây mở ruộng?"

Ông Thiên-Hộ day mặt ra cửa mà đáp rằng: „Tôi gốc ở Rạch-Kiến".

- Té ra ông không phải là người ở đây. Vậy chớ ông đến đây mà ở đã bao lâu rồi, mà ông làm giàu lớn dữ vậy?

- Ít năm nay.

Ông Thiên-Hộ trả lời cụt ngủn như vậy rồi kêu Bạch-Thi mà hỏi thăm ông già đau nặng hôm qua đó, bữa nay bịnh ổng có bớt được chút nào hay không tỏ ý rằng không muốn nói chuyện nhiều với ông Ðội. Phạm-Kỳ muốn dua-bợ, mà thấy ông Thiên-Hộ không vui nghe lời khen của mình thì buồn nên đứng dậy từ giả mà về đồn.

Ông Thiên-Hộ không lưu khách, ông đợi Phạm-Kỳ bước ra khỏi cửa thì ông liền thay áo rồi đi xuống nhà dưỡng lão mà thăm ông già bịnh.

Phạm-Kỳ về dọc đường trong trí nghi-nghi ngại-ngại hoài, chẳng hiểu tại sao mà ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm hình dạng, mặt mày đều giống Lê-văn-Ðó là một tên tội-nhơn ở tại khám-đường Gia-Ðịnh hồi trước quá. Hay là Lê-văn-Ðó ra khám-đường rồi cải danh diệt tánh xuống đây mở ruộng mà làm giàu. Không lẽ, Lê-văn-Ðó hồi trước ngu lắm, nó có tài trí gì mà làm giàu được, rồi lại thi ân bố đức và được phong tới chức Thiên-Hộ. Chắc là người giống người, không phải Lê-văn-Ðó đâu. Lê-văn-Ðó bị chồng án đến 20 năm. Khi mãn tù nghe nói nó đi ăn trộm đồ đạt của chùa nào đó, rồi nó lại giựt một nồi cơm của tụi ăn mày nào đó nữa, quan có tập nã bắt nó mà xử trảm. Có lẽ nó đã bị chết chém đã lâu rồi, chớ còn đâu mà làm giàu, làm Thiên-Hộ.

Phạm-Kỳ suy nghĩ như vậy rồi bỏ dẹp việc Lê-văn-Ðó không nghi-ngại nữa. Còn ông Thiên-Hộ, chẳng hiểu tại ông biết Phạm-Kỳ rồi ông sợ Phạm-Kỳ nhìn ông hay sao, mà ông ít muốn gặp mặt Phạm-Kỳ. Khi nào rủi phải gặp thì ông lại không chịu nói chuyện dài. Vì có lời của quan Án dặn trước, nên Phạm-Kỳ đã có ý kiên ông Thiên-Hộ mà đến nơi thấy công việc của ông kinh-dinh, thì anh ta lại càng kính nhường hơn nữa, bởi vậy dầu ông Thiên-Hộ gặp mặt anh ta, ông tỏ ý không vui, song anh ta cũng không dám phiền trách.

Ðến tháng tư trời sa mưa, những người ở trong điền ông Thiên-Hộ ai cũng lo cày bừa. Mỗi buổi chiều, trời mưa nhỏ nhỏ mà giông gió ồ ào. Dân làm ruộng lạnh quíu nên ái nấy đều vác cày lùa trâu đi về hết thảy.

Sông Bao-Ngược vì có giông lớn, nên sóng nổi lên như gò, rồi giập vô mé nghe ầm-ầm.

Ông sáu Thới chèo ghe đi xuống dưới phía rừng sát đốn củi chở về đổi gạo mà ăn; khi đi ngang vàm rạch Mái ông bị sóng nhận chìm ghe. Ông đeo cái bánh lái ghe mà hụp lặn theo lượng sóng. Hồi ghe chìm thì ông ở gần mé, mà vì gió ngược sóng đùa, ông lội vô không được, nên lần lần ông trôi ra xa.

Có người ngó thấy như vậy thì la làng chói-lói đặng cho xóm riêng chạy tới mà cứu ông. Dân ở trong điền ông Thiên-Hộ xúm nhau đứng dài theo mé sông kể hơn một trăm người. Phạm-Kỳ cũng dắt lính chạy tới đó. Ông sáu Thới đeo tấm bánh lái, hễ lương sóng chụp tới thì ông hụp mất, cách một hồi lâu ông mới nổi lên được, mà hễ thấy ông nổi lên thì lại thấy ông dang ra xa. Ai nấy đứng dọc theo mé sông đều than trời trách đất, ai cũng đưa tay mà chỉ, nhướng mắt mà dòm ông sáu Thới, song không có người nào dám liều mình hoặc biết cách chi mà cứu ông.

Ông Thiên-Hộ thấy người ta náo-nức dựa mé sông, ông cũng lật-đật chạy ra đó. Chừng ông thấy ông sáu Thới bị hiểm nguy như vậy, ông nóng lòng chịu không được nên ông hô lớn lên rằng: „Người ta bị sóng như vậy, bây giờ xúm nhau mà coi người ta chết chìm hay sao? Nội đây không ai dám chèo ghe ra cứu sao?"

Ai nấy đều nín khe, không dám trả lời. Phạm-Kỳ bước lại gần ông Thiên-Hộ mà nói rằng: „Sóng to quá ai mà dám ra. Hễ ghe ra đây ắt bị sóng nhận nữa".

Ông Thiên-Hộ không thèm nói chuyện với Phạm-Kỳ, ông lại hô lớn lên nữa rằng: „Ai cứu người ấy được, tôi thưởng 10 nén bạc".

Ai nấy đều nín khe.

Ông Thien-Hộ nói: „ Hai chục nén ... Năm chục nén".

Không một người nào có gan liều mình.

Ông Thiên-Hộ thấy vậy thì nhăn mặt châu mày. Ông tuốt áo quần dựa mé bờ, ông nhảy xuống chiếc xuồng nang của ai buộc gần đó, ông cầm cây giầm bơi riết, coi bộ mạnh dạn vô cùng. Hơn một trăm người đứng trên bờ ai thấy cũng đều chắc lưỡi xanh mặt.

Chiếc xuồng nang cởi sóng xông ra giữa vời, khi hụp xuống, khi trồi lên, coi cũng như đã chìm rồi, nên giậm đất kêu trời, chẳng dè một lát thấy nổi lên thì lại mừng mà rồi sợ nữa. Cách một hồi lâu chiếc xuồng ra tới chỗ ông sáu Thới trôi. Ông Thiên-Hộ gát cây giầm, rồi hai tay chụp ông sáu Thới mà kéo lên xuồng. Vì chiếc xuồng thì nhỏ, mà ông sáu Thới thì nặng, bởi vậy ông sáu Thới vừa lên được thì chiếc xuồng lật úp.

Phần thì xa, phần thì mưa gió, phần thì đã tối rồi nên những người đứng trên bờ không còn thấy xuồng ông Thiên-Hộ nữa. Ông Thiên-Hộ thấy xuồng úp ông liền đưa tay trái cho ông sáu Thới níu, còn tay mặt thì ông níu chiếc xuồng. Ông tỉnh-táo như thường, không sợ sệt chi hết. Ông nương theo lằn sóng mà lật chiếc xuồng lại, lắc nước[2] cho nhẹ, đỡ ông sáu Thới lên trước rồi ông leo lên sau, chừng ngồi yên rồi, ông lượng sóng mà bơi trở vô bờ, tuy hiểm nguy nhiều, song ông cứu ông sáu Thới được.

Những người đứng ngóng trông trên bờ ngó thấy xuồng của ông Thiên-Hộ chở ông sáu Thới vô tới, thì áp chạy lại hỏi thăm lăng-xăng. Ông sáu Thới mệt thở dốc, nói không ra tiếng. Ông Thiên-Hộ biểu dân dắt ông sáu Thới về nhà dưỡng bịnh, lấy quần áo khô cho ông thay, để ổng nghỉ một lát rồi sẽ dọn cháo cho ổng ăn, chớ đừng cho ăn gắp.

Ông Thiên-Hộ bận áo vô rồi cũng đi về nhà, ông đi trước, tá-điền kéo theo sau, chẳng ai mà chẳng trầm-trồ khen ngợi.

Phạm-Kỳ dắt lính trở về đồn, hễ nhớ tới sự Thiên-Hộ vớt ông sáu Thới thì hết sức kinh sợ. Ðêm ấy anh ta sực nhớ lại năm trước trong khám-đường có tên Lê-văn-Ðó lội lặn cũng hay lắm. Lính dắt tội nhơn xuống Cần-Giờ đốn củi bị chìm ghe, tội nhơn với lính đều chết hết, duy có một mình Lê-văn-Ðó lội vô mé được mà trở về. Ông Thiên-Hộ nầy hình dạng đã giống Lê-văn-Ðó, mà lội giỏi cũng như Lê-văn-Ðó nữa, thế khi chắc ông nầy Lê-văn-Ðó chớ ai. Vả Lê-văn-Ðó bị quan tập nã về tội ăn cắp và giựt đồ. Nếu chắc ông nầy là Lê-văn-Ðó thì mình phải bắt mà giải lên tỉnh. Cha chả, mà ổng giàu có, lại thêm thân-thiết với quan trên quá, nếu bắt mà phải thì tốt, còn như không phải thì mình chết. Phạm-Kỳ dụ dự nửa muốn bắt tra, nửa sợ lầm nên không dám, bởi vậy lo lắng trong trí ngủ không yên.

Còn ông sáu Thới nhờ ăn cháo rồi nghỉ một đêm, nên sáng ra trong mình khỏe-khoắn như thường. Ông lên nhà lạy ông Thiên-Hộ mà tạ ơn cứu tử rồi từ giã đi về. Ông Thiên-Hộ cười và nói rằng: „Tôi không giỏi gì hơn họ. Nhưng vì hôm qua tôi thấy ai nấy đều nhác quá, tôi tức giận nên phải liều mạng mà cứu ông. Làm người hễ gặp nguy hiểm thì phải cứu nhau, có ơn chi đâu mà ông phải cảm tạ".

Ông sáu Thới quê mùa, không biết lựa lời khôn khéo nên nghe ông Thiên-Hộ nói như vậy thì ổng cúi lạy và nói cụt ngủn rằng: „Nhờ có ông nên tôi mới còn sống đây chớ. Sao mà không có ơn".

Ông Thiên-Hộ hỏi rằng:

- Ông năm nay được mấy mươi tuổi?

- Tôi trên bảy mươi.

- Già quá! Vậy thì ông mang ơn tôi cũng không mấy ngày.

- Tôi sống được ngày nào thì tôi nhớ ngày nấy. Mà hễ tôi nhớ thì tôi phải lo đền ơn cho ông.

- Xin ông đừng lo mà nhọc lòng. Ông phải lo làm nghĩa với người khác, chớ đừng lo đền ơn cho tôi. Tôi giàu sang, có thiếu vật chi đâu?

- Biết chừng đâu!

Ông sáu Thới tạ từ rồi lui ra về. Khi đi ngang qua nhà dưỡng-lão, ông gặp dân đương lụi-hụi khiêng một cái linh cửu mà đi chôn. Ông hỏi thăm thì họ nói ông Ðinh-Hòa đã chết rồi. Ông nghe nói thì chưng-hửng. Ông lật đật đi riết về nhà đặng thuật chuyện mình chìm ghe và việc ông Ðinh-Hòa chết lại cho Ánh-Nguyệt nghe.

*

* *

Lý-ánh-Nguyệt từ ngày bị Hồng-Thị vu oan, làm cho Bạch-Thị đuổi ra khỏi nhà nuôi mồ côi của ông Thiên-Hộ thì nàng hổ thẹn mà lại tức tủi vô cùng. Nàng trở về nhà ông sáu Thới rồi khóc tỏ thiệt tâm sự của nàng lại cho ông nghe. Ban đầu nàng muốn trở lên nhà Ðỗ-Cẩm mà tìm con, dầu vợ chồng Ðỗ-Cẩm không thương, muốn đày đọa thân nàng thế nào nàng cũng cam chịu, nghĩ vì danh dự của tổ-tiên còn để cho nhơ-nhuốt, chút thân bèo-bọt nầy còn kể nữa làm chi. May nhờ có ông sáu Thới khuyên giải cắc nghĩa chỗ lợi hại cho nàng nghe, mà nhứt là nhờ mấy lời than thảm thiết của cậu là Ðinh-Hòa, nên nàng còn dụ-dự, không nỡ vì con mà xa cậu.

Nàng chưa quyết định coi phải ở hay là phải đi, rủi thay! Thình-lình nàng vướng lấy chứng bịnh rất hiểm nghèo là bịnh ban cua lưỡi trắng. Người ta giàu, có tiền sẵn, có thầy hay, dầu người ta mang bịnh nặng, người ta cũng có thể thoát khỏi. Phận nàng nghèo hèn, không có tiền bạc, không có thuốc men, ông sáu Thới thương thì kiếm cỏ kiếm cây cho uống đỡ mà thôi, chớ ổng cũng nghèo, có tiền đâu mà chạy thuốc, bởi vậy tuy nàng khỏi chết, nhưng mà bịnh dây-dưa, trở đi trở lại hoài, làm cho nàng phải nằm tại nhà ông sáu Thới hơn một năm, không đi tìm con được mà cũng không làm việc gì có tiền để dành mà chuộc con được.

Trong lúc nàng ngọa bịnh, nàng buồn rầu thương nhớ con chịu không được, nên nàng có cậy ông sáu Thới lên nhà Ðỗ-Cẩm mà thuật việc khốn khổ của nàng cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm nghe rồi xin rước con Thu-Vân đem về cho mẹ con gần nhau đặng nàng vui lòng mau mạnh được.

Ông sáu Thới đi về nói rằng Ðỗ-Cẩm liệu thế không đòi nhiều tiền được nữa, nên coi ý muốn cho rước con Thu-Vân. Ngặt vì Thị-Phi kháng cự không chịu thả con Thu-Vân, bởi vậy Ðỗ-Cẩm đổi ý mới buộc nếu không có tiền trả đủ, thì cũng phải trả năm ba quan, anh ta mới cho rước. Ông sáu Thới lại to nhỏ cho Ánh-Nguyệt hay rằng; „Ông lên đó, ông thấy con Thu-Vân thiệt ông đứt ruột. Con nhỏ có bao lớn mà ở truồng ở trần, không có áo quần. Con mẹ Phi nó lại ác nghiệt lắm! Cay cú miệng chửi, nó gọi[3] trên đầu con nhỏ côm-cốp tối ngày .... Bộ nó bỏ đói con nhỏ hay sao mà con nhỏ ốm quá, da bọc xương chớ không thịt".

Ánh-Nguyệt nghe nói thân con khổ cực dường ấy, thì nàng đau đớn trong lòng không biết chừng nào, nàng muốn liều cái thân của nàng mà cứu chữa sự cực khổ của con, ngặt vì bịnh trầm-trệ phải nằm đây hoài, phần thì trong mình không có một đồng một chữ, biết làm sao mà giải con thoát tay Ðỗ-Cẩm được.

Nàng nghĩ nàng trách riêng tại nàng vụn tính, chớ chi hồi đi về đây nàng bồng con đi theo, thì đâu có nỗi thương nhớ như vầy. Nàng muốn giữ cho tròn danh giá, nàng bỏ con ở lại, vậy mà rồi nàng có giữ trọn được đâu! Nàng suy đi xét lại, suy xét đủ mọi đều[4] rồi, thì chỉ có một cái nghèo nó làm cho thân nàng đê tiện cực khổ, chớ chẳng phải tại đều chi khác. Vì cái nghèo nên cha chết dọc đường dọc sá; vì cái nghèo nên thân mình phải ở đợ cố công; vì cái nghèo nên phải chịu lấy chồng mà không kịp trình cho cô bác; vì cái nghèo nên Hải-Yến mới bội bạc; vì cái nghèo nên mẹ con phải xa nhau; vì cái nghèo nên không dưỡng nuôi cậu được; vì cái nghèo nên phải thọ ơn của người rồi người nhục mạ; vì cái nghèo nên chứng bịnh lâu lành. Y hị! Cái nghèo nó báo hại vô cùng! Vì nó mà người phải trở ra quấy, người nên trở ra hư, người ngay trở ra dại!

Nàng xét tới đó rồi nàng phiền ông Trời sao nỡ khiến nghèo hèn cho nàng làm chi, thà là nghèo hèn thì nghèo hèn hết thảy hoặc giàu sang thì cũng giàu sang hết thảy, dường ấy thì ai cũng như ai, chớ đặt chi cho có kẻ sang người hèn, kẻ giàu người nghèo, rồi người giàu sang họ hiếp kẻ nghèo hèn như vầy, thiệt là ức quá!

Mà ông Trời định có kẻ giàu người nghèo, có kẻ sang người hèn, nhưng mà nào ông có hiểu ai hún hiếp ai, nào ông có hiểu ai khinh khi ai? Ấy là tại lòng người nham hiểm, độc ác, nên mới có việc ức-uất. Nàng nghĩ như vậy rồi nàng không phiền ông Trời nữa, nàng trở lại nàng oán loài người, nàng oán Ðỗ-Cẩm hồi trước bó buộc rồi còn gạt-gẫm nàng; nàng oán Hải-Yến bội nghĩa bạc tình, được sang quên hèn; nàng oán ông Thiên-Hộ làm mặt nhơn từ, mà đã không cứu nàng, lại còn làm nhục cho nàng nữa.

Nàng nằm một chỗ mà oán hết mọi người, mà oán người thì oán chớ không quên nhớ con, cũng không quên thương cậu. Ðến tháng tư năm mậu tuất (1838) nàng mới ngoắt-ngoải đi ra đi vô được, nhưng mà bữa nào trời mưa thì nàng cũng còn ớn lạnh, nên nàng biết bịnh nàng chưa dứt.

Ông sáu Thới chèo ghe đi đốn củi đã mấy bữa rồi chưa về, bỏ một mình Ánh-Nguyệt ở nhà. Một buổi sớm mơi, nàng đương ngồi dựa cửa ngó ra sân mà trông con, thình-lình nàng thấy ông sáu Thới quần vo lên trên bắp vế, băng ngang đám ruộng mà về. Nàng lấy làm lạ, không hiểu ông bỏ ghe ở đâu, sao lại lội ruộng mà về như vậy. Ông sáu Thới thấy dạng nàng thì ông lội riết. Chừng ông bước lên tới sân ông mới kêu nàng mà nói rằng: „Cháu ơi! Cậu của cháu đã chết rồi".

Ánh-Nguyệt chưng-hửng nên vụt hỏi rằng:

- Chết hồi nào? Sao ông hay?

- Ông mới gặp người ta khiên đi chôn hồi nãy đây, nên lật đật lội về cho cháu hay.

Ánh-Nguyệt khóc rống lên mà kể ra-rít, nghe rất thảm-thiết. Ông sáu Thới cảm động, không muốn đi vô nhà; ông bước trái lại cái hào[5] gần đó mà rửa chơn, song ông đứng kỳ mài hoài, cho đến chừng Ánh-Nguyệt bớt khóc ông mới chịu vô nhà. Ông muốn khuyên giải Ánh-Nguyệt song không biết dùng lời chi, chỉ nói rằng: „Ảnh cũng đã già rồi, chết cũng phải cái mồ. Mà ảnh nghèo khổ tật-nguyền, chết phứt cho mát tấm thân, sống càng thêm cực khổ, chớ sống làm gì".

Ánh-Nguyệt lau nước mắt rồi hỏi thăm họ chôn cậu chỗ nào, ông đi đâu đó mà gặp. Ông sáu Thới mới ngồi mà thuật việc ổng bị giông chìm ghe, ông Thiên-Hộ vớt lên, cho ăn cơm ăn cháo và cho ngủ đậu một đêm, nên sáng ra ổng mới gặp dân đi chôn ông Ðinh-Hòa. Ông thuật hết rồi ông lại than rằng: „Gia tài có một chiếc ghe; bây giờ chìm mất rồi, thôi co tay, biết lấy chi mà đi làm ăn". Ánh-Nguyệt nghe lời than như vậy thì nàng thở dài.

Tối lại Ánh-Nguyệt khóc mà nói với ông sáu Thới rằng: „Cháu nương náu tại xứ nầy, ấy là vì cháu thương cậu của cháu, nên không đành bỏ mà đi xa. Chẳng dè ở gần mà cậu của cháu chết, cháu cũng không thấy mặt. Ðã vậy mà hơn một năm nay cháu báo cho ông cực khổ với cháu nhiều lắm. Bây giờ cháu đã lành mạnh rồi, không lẽ cháu dám ở đây mà báo ông nữa. Vậy xin ông để cháu đi, cháu đi lên Vũng-Gù mà tìm con Thu-Vân, đặng mẹ con gần nhau. Cháu đã nguyền với Trời Phật thà là cháu bán cái thân của cháu mà nuôi con, chớ cháu không nỡ để cho con cực khổ nữa".

Nàng nói tới đó thì nàng khóc mướt một hồi rồi nói tiếp rằng: "Ơn của ông bảo bọc nuôi dưỡng cháu hơn một năm nay thiệt là nặng-nề. Thân cháu khốn khổ như vầy biết làm sao mà đền đáp cho được. Cháu xin thưa thiệt với ông, nếu kiếp nầy cháu không có thế mà trả ơn cho ông, thì cháu nguyền kiếp sau cháu sẽ đầu tai lên làm trâu ngựa mà đáp nghĩa cho ông, cháu chẳng hề dám quên".

Ông sáu Thới thở dài mà đáp rằng: „Cháu đừng có nói chuyện ơn nghĩa. Ở đời phải vần công[6] với nhau. Vậy chớ ông Thiên-Hộ mới cứu ông khỏi chết hôm qua, ông lại đền ơn cho ổng vật gì đâu? Còn cháu tính đi tìm con, cháu nói liều mạng vậy sao được. Vợ chồng Ðỗ-Cẩm nó tham tiền, nó đã báo hại làm nhơ danh tiết của cháu một lần rồi cháu chưa tởn hay sao? Cháu lên trển đây nó sanh chuyện rồi làm nhục cho cháu nữa đa. Cháu ở đây với ông. Cháu rán dưỡng bịnh ít ngày cho thiệt mạnh rồi ông cháu lo làm ăn, lần lần kiếm được năm bảy quan, ông đem lên ông chuộc con nhỏ về cho, chớ cháu lên đó sợ e cháu về không được. Từ ngày ông lên thăm con nhỏ ông nghe Ðỗ-Cẩm bằng lòng cho chuộc năm ba quan, thì ông đã có tính rồi, ông quyết làm để dàng tiền đặng ông đi chuộc. Xưa rày ông chắt lót để dành đã được một quan rồi, ông chôn dưới chưn giường, đợi chừng nào được ba quan rồi ông đi nói thử coi nó chịu hay không. Như nó không chịu thì ông về làm kiếm thêm nữa. Cháu đừng có lo, bề nào ông kiếm tiền cũng được mà".

Ánh-Nguyệt nghe những lời háo nghĩa như vậy thì nàng càng thêm cảm xúc, bởi vậy nàng ngồi bẹp dưới đất lạy ông sáu Thới mà khóc chớ không biết lấy lời chi mà tạ ơn cho vừa. Ông sáu Thới thấy vậy cũng cảm động, nên ông cũng khóc theo.

Từ ấy Ánh-Nguyệt quyết làm thuê làm mướn mà kiếm tiền, không tính đi Vũng-Gù nữa. Ông sáu Thới không có ghe, thì ông mướn ghe của họ đi đốn củi chở về đổi gạo mà ăn. Ánh-Nguyệt chưa thiệt mạnh, không dám xuống nước, không dám dầm mưa, nên cứ ở nhà chờ có ai mướn may áo may quần thì nàng may, chớ không dám đi xúc tôm, hoặc đi cấy mướn.

Ngày qua đêm lại thắm thoát đã đến tiết Trung-Thu. Có một cậu trai, vốn con nhà giàu ở xứ Cần-Ðước, tên là Cao-trinh-Tường, tính dọn ghe và mời bằng-bối ít người rồi thả ra sông lớn uống rượi thưởng nguyệt chơi. Từ xưa cậu ta đã biết danh Ánh-Nguyệt đờn hay, mà nay lại nghe Ánh-Nguyệt tá-túc với ông sáu Thới. Chàng muốn rước Ánh-Nguyệt xuống ghe đặng đờn giúp vui cho bậu-bạn, nên trưa bữa rằm tháng 8 chàng ghé nhà thằng Hiền, là cháu của ông saú Thới, mà cậy nó rước giùm, chàng hứa rằng, nếu Ánh-Nguyệt chịu đờn giúp vui một đêm, thì chàng sẽ huờn công cho một nén bạc.

Thằng Hiển thấy Ánh-Nguyệt nghèo khổ, muốn giúp cho nàng có tiền, nên nghe như vậy thì vội vã qua nhà ông sáu Thới mà tỏ sự ấy lại cho ông sáu Thới với Ánh-Nguyệt nghe. Ông sáu Thới nạt rằng: „Khéo nói chuyện bá láp! Nghèo thì chịu, chớ ham một nén bạc rồi đem thân làm đĩ hay sao?"

Thằng Hiển cải rằng:

- Sao mà kêu là làm đĩ? Người ta mướn mình đờn cho người ta nghe thì mình đờn mà lấy tiền, có cái gì xấu ở đâu?

- Mình đi đờn như vậy, thì mình cũng như bọn ca xướng, vậy tốt lắm sao?

- Ối! Miễn là được nhiều tiền thì thôi, tốt xấu mà hại gì! Mà nghề đờn cũng là nghề. Nếu mình biết nghề ấy mà không dùng, thì học mà làm gì?

Ánh-Nguyệt nghe hai ông cháu cãi với nhau như vậy thì nàng cười mà nói rằng: „Ông rầy chú hai Hiển thì phải lắm. Học đờn để dưỡng chí, chớ không phải để kiếm tiền. Mà thân nghèo khổ của cháu đây, còn tâm chí gì nữa mà dưỡng! Xin ông vui lòng để cho cháu đi đờn cho họ nghe một đêm đặng lấy tiền mà chuộc con của cháu. Thuở nay cháu ở phải mà cũng thành ra quấy. Bây giờ đã đến nước nầy, còn gì nữa mà lựa tốt xấu".

Ông sáu Thới thở ra mà đáp rằng:

- Tự ý cháu. Chớ ham tiền mà làm như vậy thiệt kỳ lắm.

- Không hại gì. Cháu biết giữ mình cháu. Miễn là cháu biết cháu trong sạch thì thôi, ai không rõ họ cười chê mặc ý họ.

Thằng Hiển thấy Ánh-Nguyệt chịu, liền chạy báo tin cho cậu Trinh-Tường hay.

Tối lại, trăng thu vừa ló mọc, thì có một chiếc ghe lường chèo lại đậu trước nhà ông sáu Thới mà rước Ánh-Nguyệt. Nàng gỡ đầu, gài nút áo, rồi từ ông sáu Thới mà đi, tuy trong lòng hổ thẹn không biết chừng nào, nhưng vì muốn có tiền mà chuộc con, nên phải rán[7] chúm-chím cười, song cười mà chảy nước mắt.

Ghe ra tới vàm, Ánh-Nguyệt thấy có một chiếc ghe lớn đậu chực tại đó, trong ghe đốt đèn sáng trưng, lại có bốn năm người con trai đương uống rượu cười giởn om-sòm. Hướng đông bóng trăng tỏ rạng, tư bề mặt nước lao-xao, trăng dọi nước vàng-vàng, gió đưa mây cuộn-cuộn.

Ghe lường vừa cặp một bên chiếc ghe lớn, thì cậu Trinh-Tường ngồi trong mui ló đầu ra mà mời Ánh-Nguyệt bước qua, còn mấy cậu kia thì chong mắt ngó chừng, chớ không nói chi hết. Ánh-Nguyệt lấy làm thẹn-thùa hết sức, song nàng phải gượng gạo mà vưng lời. nàng bước qua ghe lớn rồi ngồi phía ngoài, thấy trong mui rượu thịt dọn đầy mâm, đờn địch để đủ hết.

Trinh-Tường mời nàng bước vô trong mui. Nàng cáo từ xin cho ngồi ngoài. Trinh-Tường mời hai ba lần không được, chàng giận nên vói nắm tay nàng mà kéo vô. Nàng lật-đật giựt tay và ngó Trinh-Tường rất nghiêm-nghị mà nói rằng: „Thưa cậu, để cho em ngồi ngoài nầy, em không lẽ dám đồng tọa với mấy cậu".

Ánh-Nguyệt tuy mặc quần áo lam-lụ, tuy rầu buồn rồi lại bịnh hoạn nên vóc ốm mình gầy, nhưng mà gương mặt thêm yểu-điệu. Mấy cậu ngồi trong mui thấy nàng rồi ngó nhau miệng chúm-chím cười hoài. Trinh-Tường mời vô không đặng bèn hối bạn nhổ sào mà thả ghe trôi dọc theo mé sông Bao-Ngược, rồi lấy cây đờn tỳ-bà trao cho Ánh-Nguyệt đờn.

Ánh-Nguyệt đã lâu rồi không dám rờ tới cây đờn, nhưng mà hôm nay nàng ôm cây tỳ-bà mới lên dây, thì tiếng to như khóc, tiếng nhỏ như than, rồi đến chừng nàng gài vô bản, thì khúc mau như nước đổ, như mưa tuôn, khúc chậm như gió đàn, như chim hát. Trăng thanh, gió mát, nước dợn, đờn tươi, cảnh tình dường ấy người phong lưu ai cũng phải cảm hứng. Mấy cậu ngồi trong tiệc ai ai cũng đều ngơ-ngẩn. Mà cậu Trinh-Tường lại ngơ ngẩn nhiều hơn người ta hết thảy, bởi vậy khi Ánh-Nguyệt đờn dứt bài rồi, cậu cảm xúc dằn lòng không được, nên vói tay nắm áo kéo Ánh-Nguyệt mà biểu ngồi xê lại gần. Ánh-Nguyệt thưa rằng: „Phận em là đờn-bà con gái xin cậu thương giùm danh tiết của em, đừng có làm như vậy tội nghiệp thân em lắm".

Nàng và nói và giựt vạt áo, còn cặp mắt thì giọt lụy rưng rưng chảy. Trinh-Tường cười mơn, đã không buông vạt áo, mà lại còn thò tay mặt choàng ngang cổ Ánh-Nguyệt mà ôm. Ánh-Nguyệt la lớn lên rằng: „Cậu không được phép vô lễ như vậy. Cậu phải buông tôi ra". Nàng và la và gỡ tay Trinh-Tường. Mấy cậu kia ngồi cười ngất, tuy không xúi, song cũng không cãn Trinh-Tường.

Trinh-Tường nói rằng: „Nội đây là anh em hết thảy, có ai đâu mà mắc cỡ". Chàng và nói và kề mặt vào mặt Ánh-Nguyệt mà hun. Ánh-Nguyệt thấy Trinh-Tường vô lễ thái thậm, nàng giận quá, không thế dằn được nữa, bởi vậy nàng chụp cây tỳ-bà mà đập trên đầu Trinh-Tường một cái bốp, cây đờn bể nát.

Trinh-Tường bị nhục trước mặt chúng bạn thì chàng nổi giận, nên vùng đứng dậy đạp Ánh-Nguyệt hai đạp rồi xô tuốt nàng xuống sông. Ánh-Nguyệt la làng inh-ỏi. Trinh-Tường đứng trước mui ghe hối bạn gay chèo mà chèo thẳng lại đồn. Chàng to nhỏ với ông đội thế nào không biết, mà ông đội không rầy chàng, lại sai lính đi kiếm bắt Ánh-Nguyệt.

May ghe thả dựa mé sông, lại cũng nhờ Ánh-Nguyệt biết lội, bởi vậy nàng lần vô mé rồi leo lên ruộng ngồi mà la làng. Những người ở gần không rõ chuyện chi nên áp chạy tới hỏi thăm. Cách chẳng bao lâu có một tên lính chạy tới nắm đầu Ánh-Nguyệt mà dắt đi.

Ánh-Nguyệt thấy lính bắt thì thất kinh, nên nàng run lập-cập và khóc và nói rằng: „Bẩm cậu, người ta hiếp tôi quá; thân tôi là đờn-bà, mà họ làm ngang ôm tôi; tôi không chịu tôi cự, họ lại đánh tôi rồi xô xuống sông. Tôi bịnh hoạn, xin cậu thương giùm tôi, tội nghiệp ...". Tên lính trợn mắt, nắm đầu nàng mà kép xển đi, rồi nói rằng: „É! Thứ đồ đĩ khéo nhiều chuyện! Về đồn đây rồi mi coi". Ánh-Nguyệt đã bị đánh, rồi bây giờ còn bị bắt và bị nhiếc nữa, nàng nghĩ thân nàng thiệt là tức-tủi, bởi vậy nàng than khóc nghe rất thảm thiết.

Tên lính dắt Ánh-Nguyệt chưa được mấy bước, thình-lình ông Thiên-Hộ đứng cản đường và hỏi rằng: „Việc gì mà người ta là đờn-bà con gái, mi lại nắm đầu người ta mà dắt đi. Dẫu có tội thì mi biểu người ta đi với mi không được hay sao nên phải nắm đầu. Buông ra coi nào". Tên lính lật đật buông Ánh-Nguyệt ra, rồi xá ông Thiên-Hộ và thưa rằng: „Thưa ông Thiên-Hộ, con nầy nó làm đĩ, nên ông Phạm-Kỳ sai tôi bắt nó mà đem về đồn".

Ông Thiên-Hộ dòm mặt Ánh-Nguyệt và nói rằng: „Khốn nạn dữ hôn! Sao không lo làm ăn, để đi làm cái nghề nhục-nhã như vậy?"

Ánh-Nguyệt bị ướt áo ướt quần, rồi lại bị gió thổi, nên nàng lạnh run lập-cập. Nàng đương lạnh, đương sợ, mà lại đương tức, thình-lình nghe tên lính kêu người đứng trước mặt mình đó là ông Thiên-Hộ, rồi lại nghe mấy lời người ấy trách mình đó nữa, bởi vậy nàng giận quá, nên xốc lại xỉ trong mặt ông Thiên-Hộ mà mắng rằng: „Ờ! Mi là Thiên-Hộ há? Sao mi dám trách ta không lo làm ăn? Ta lo sao nữa hử? Ta nghèo khổ vô ở đợ với mi, ta làm việc gì quấy đâu mà mi nhục mạ ta rồi đuổi ta ra. Mi là đồ giả nhơn nghĩa! Tại mi độc ác, nên ngày nay thân thể ta mới ra thúi-tha như vầy, danh tiết ta mới ra nhơ-nhuốt như vầy, sao mi còn dám trách ta".

Tên lính nghe Ánh-Nguyệt mắng nhiếc ông Thiên-Hộ thì nổi giận, nên chụp nắm đầu nàng nữa mà kéo đi, chuyến nầy đi riết về đồn, miệng lại chửi láp-dáp.

Ông Thiên-Hộ muốn cứu Ánh-Nguyệt mà lại bị nàng mắng, bởi vậy ông chưng-hửng, không hiểu tại sao mà nàng nhiếc mình. Ông đứng châu mày suy nghĩ một hồi, rồi ông cũng phăng-phăng đi lại đồn.

Chương 14

Phạm-Kỳ ngồi tại đồn mà trông tên lính sai đi bắt Ánh-Nguyệt, sắc mặt hầm hừ, coi bộ giận lắm. Cách một hồi, thấy tên lính nắm đầu Ánh-Nguyệt mà kéo vô, thì anh ta la hét vang rân, và dạy đem Ánh-Nguyệt mà đóng gông lại. Tên lính chưa kịp dắt Ánh-Nguyệt đi, thì kế ông Thiên-Hộ bước vô đồn. Phạm-Kỳ chào hỏi rồi mời ngồi.

Tên lính thấy ông Thiên-Hộ, liền thưa với Phạm-Kỳ rằng: „Bẩm ông, con nầy dữ thiệt! Hồi nãy nó mắng nhiếc ông Thiên-Hộ nữa". Ông đội day lại nạt rằng: „Thì tao biểu mi đem nó ra sau mà đóng gông nó cho tao mà".

Ông Thiên-Hộ đưa tay ra cản và nói rằng: „Khoan! Nó tội gì mà ông đóng gông nó? Ông phải tra hỏi coi nó có phạm tội hay không đã chớ".

Phạm-Kỳ trề môi đáp rằng:

- Nó làm đĩ, thì nó phạm luật triều đình rồi, còn hỏi chi nữa.

- Sao ông biết nó làm đĩ?

- Người ta đến thưa với tôi đây.

- Người ta thưa nó như vậy, thì ông phải hỏi nó coi người ta thưa ngay hay là thưa gian rồi sẽ định tội, chớ ông nghe người ta thưa rồi ông bỏ tù nó liền, không hỏi đi hỏi lại, thì sao cho công bình được.

- Người ta giàu có, lời người ta không chắc hay sao? Còn con nầy là đồ khốn nạn, cần gì mà phải hỏi nó.

- Ông nói như vậy té ra nhà giàu thì phải, còn nhà nghèo thì quấy hết thảy hay sao? Tôi đây cũng là nhà giàu, nhưng mà tôi nói cho ông biết, có nhiều nhà giàu họ gian giảo đê tiện hơn nhà nghèo lắm, ông đừng có tưởng nhà giàu là phải hết thảy. Ông phải hỏi coi con nầy tại sao mà phải đem thân đi làm đĩ, rồi tại sao làm đĩ mà đến nỗi người ta thưa kiện.

Ông đội Phạm-Kỳ nghe ông Thiên-Hộ nói hơi binh con đĩ và kích bác nhà giàu thì ông lấy làm bất bình, nhưng vì ông sợ làm mích lòng kẻ có thế lực, nên cực chẳng đã ông phải ép trí kêu Ánh-Nguyệt ra đứng trước mặt ông mà tra hỏi.

Ánh-Nguyệt sợ run bây-bẩy, nên ngồi bẹp xuống đất và lạy và khóc và tỏ rằng: „Bẩm ông, xin ông thẩm xét cho con nhờ. Phận con nghèo đói, con xiêu-lạc phương xa, khi mới về đây con vô ở đợ với ông Thiên-Hộ đặng coi sắp nhỏ mồ côi. Ông Thiên-Hộ không biết thương con nhà nghèo, con ở mới có 6 tháng, ổng kiếm chuyện nói con lấy trai mà đuổi con ra đặng khỏi trả tiền công. Con ra khỏi rồi con ở đậu trong nhà người quen, con bị đau hơn một năm trời, không làm ăn chi được hết. Vả con có một đứa con nhỏ, con mượn người ta nuôi ở trên Vũng-Gù. Con thương nhớ nó, con cậy người lên rước giùm đem về đặng mẹ con gần nhau. Họ không cho rước, lại buộc con phải đem năm bảy quan tiền lên họ mới cho chuộc. Con nghèo nàn không có tiền, nên con chưa hết đau, mà vì thương con nên phải ráng làm thuê làm mướn đặng kiếm tiền mà chuộc con. Cậu Trinh-Tường nghe nói con biết đờn, hôm qua cậu sai người biểu con đi đờn cho cậu nghe một đêm rồi cậu cho con một nén bạc. Con cũng biết vưng lời cậu thì thân con đê tiện lắm. Ngặt vì phần thì đói rách, phần thì muốn kiếm tiền mà chuộc con, nên con phải đánh liều đặng cho có một nén bạc. Cậu Trinh-Tường là bực giàu sang, con tuởng cậu biết lễ, chẳng dè con xuống ghe mà đờn cho cậu nghe, cậu cứ theo nắm áo con. Con khóc mà năn-nỉ hết lời, xin cậu đừng có làm nhơ danh tiết của con. Cậu đã chẳng nghe, mà cậu lại còn làm ngang quá nữa, cậu ôm con mà hun. Con hổ thẹn tức giận cùn trí, nên con chụp cây đờn mà đánh cậu. Cậu nổi giận cậu đánh đạp con rồi xô con xuống sông cái, may con biết lội, nên con lần lần thả trôi vô mé được, bằng không thì con đã chết rồi. Việc thiệt như vậy đó, xin ông làm ơn thẩm xét cho con nhờ".

Ông Thiên-Hộ chăm chỉ nghe Ánh-Nguyệt cung khai, ông nhớ lại chuyện của ông năm xưa, cũng vì nhà giàu bất nhơn, mà ông phải chịu 20 năm tù, bởi vậy ông cảm động, nên rưng-rưng nước mắt.

Còn ông Ðội Phạm-Kỳ, vì ông quen tánh giữ luật pháp, và quen tánh binh nhà giàu, chớ không biết thương ai hết, bởi vậy trong lúc Ánh-Nguyệt thuật chuyện nghe rất thảm thiết, mà ông ngồi trơ-trơ, không cảm động chút nào hết; mà chừng Ánh-Nguyệt nói dứt rồi ông lại nạt rằng: „É! Thứ đồ làm đĩ, còn nói nhiều chuyện. Mi già hàm lắm! Tao biểu lính nó vả mi bể mồm bây giờ! Người ta mướn mi đờn cho người ta nghe, hễ người ta biểu sao mi phải vưng theo vậy. Sao mi vô phép, mi không chịu đờn, người ta rầy, rồi mi lại vác đờn mà đập người ta? Mi không biết luật triều đình cấm nhặc sự làm đĩ hay sao? Ðể ta giải mi lên tỉnh rồi mi coi. Có thằng lính nào đó? Dắt con nầy ra sau rồi đóng gông nó lại đó cho tao".

Ông Thiên-Hộ vùng đứng dậy nói rằng:

- Ông Ðội, ông xử hiếp nhà nghèo quá!

- Sao mà hiếp? Hiếp chỗ nào?

- Ðã biết luật triều đình cấm đờn-bà con gái làm đĩ, nhưng mà con nầy nó có làm đĩ hồi nào mà ông bắt nó? Vậy chớ ông không nghe mấy lời nó khai đó hay sao? Thân nó nghèo hèn đói rách không có cơm ăn, không có áo mặc, lại nó cần dùng tiền để chuộc con nó, nên cực chẳng đã nó phải liều thân đi đờn mướn cho người ta nghe đặng lấy một nén bạc mà đi chuộc con nó về; nó làm như vậy là bất đát dĩ nó phải làm, chớ nào phải nó muốn làm nhơ-nhuốt danh tiết nó hay sao? Ông làm quan, ông phải biết tâm-lý của dân, chớ ông bó buộc quá như vậy thì chết hết con nhà nghèo còn gì! Nếu ông xử con nầy làm đĩ, thì tôi không nghe cho ông.

- Tôi không hiểu tại sao ông binh thứ đồ khốn nạn như vầy làm chi.

- Tại nó khốn nạn nên tôi mới binh.

- Tôi nghe nói hồi nãy nó mắng tới ông, mà ông còn binh nỗi gì?

- Không biết chừng nó mắng đó nhằm lý, chớ không phải mắng bậy.

- Hứ! Ông nói nghe lạ đời quá!

- Tôi nói đó là nói theo chánh lý.

- Chánh lý nỗi gì? Nó đi làm đĩ, mà còn nhục mạ người ta, đến nỗi người ta thưa với tôi đây. Tôi bắt nó, ông không cho, sao ông gọi rằng chánh lý?

- Tôi đã nói không phải nó làm đĩ! Vì nó nghèo nên phải đi đờn mướn cho người ta nghe đặng lấy tiền.

- Nó nghèo mặc kệ nó, ai biểu nó đi làm bậy làm chi.

- Ông nói lời bất nhơn quá! Nó có muốn nghèo làm chi đâu; nó muốn làm quan như ông vậy lắm chớ, ngặt vì trời khiến mạng nó nghèo hèn, nó phải ráng mà chịu, sao ông không thương giùm nó, nỡ buông lời bất nhơn chi vậy?

- Tôi làm quan tôi cứ luật pháp tôi giữ; tôi không vì ai, mà tôi cũng không thương ai hết.

- Vậy thì ông là một ông quan bất nhơn.

- Sao ông cứ mắng tôi bất nhơn hoài? Nó làm đĩ, tôi bắt nó, có cái gì đâu mà nói tôi bất nhơn.

- Nó đờn mướn, chớ không phải làm đĩ. Ông xử như vậy thì hiếp nó. Huống chi Trinh-Tường ỷ giàu, ỷ sang, ỷ thân. ỷ thế làm nhục nó, nó cự, lại đánh đạp nó rồi xô nó xuống sông. Trinh-Tường đã vô lễ, bất nhơn, lại tàn bạo, lẽ thì ông phải bắt Trinh-Tường mà trị tội, sao ông tư vị, nhà giàu ông không nói tới, lại theo bắt mà làm hại một người đờn-bà nghèo hèn bị tai nạn như vầy. Tôi nói cho ông biết, nếu ông bắt con nầy thì tôi phải lên tỉnh mà cáo ông, vì tôi không đành để cho ông làm hại một người nghèo hèn vô tội.

Ông đội Phạm-Kỳ giận hết sức, mặt mày tái xanh, tay chơn run-rẩy, ông muốn bắt luôn ông Thiên-Hộ mà giải lên tỉnh một lượt với con Anh-Nguyệt, đặng cho quan trên tra xét coi ông Thiên-Hộ Chánh-Tâm nầy có phải là Lê-văn-Ðó hay không, và nàng Ánh-Nguyệt làm như vậy có phải là làm đĩ hay không phải, nhưng vì ông nhớ lại Thiên-Hộ là bực giàu sang, lại thân thiết với các quan trên tỉnh, sợ chén đá khó hơn chén kiểu được, bởi vậy anh ta phải dằn lòng ép trí mà nhịn thua. Anh ta day lại nói quùng-quằng với tên lính rằng: „Thôi, mi thả con đĩ đó cho nó đi đâu nó đi, vậy cho vừa lòng ông Thiên-Hộ".

Trong lúc ông Thiên-Hộ cãi lẽ với Phạm-Kỳ thì Ánh-Nguyệt ngồi chồm hổm dựa gốc cột. Nàng nghe nói đóng gông thì sợ, lại bị quần áo ướt nên lạnh, bởi vậy nàng ngồi đó mà miệng đánh bò-cạp, còn tay chơn run như con thằn-lằn đứt đuôi. Nàng oán hận ông Thiên-Hộ, nên mới mắng nhiếc ổng đó, mà vô đến đây sao ổng lại binh vực nàng, bởi vậy nàng lấy làm lạ, chẳng hiểu tại sao ổng đã không giận mà lại còn muốn cứu nàng. Chừng nàng nghe ông Ðội kêu lính biểu thả nàng thì nàng mừng quýnh, nên lật đật cúi lạy ông Ðội rồi bước ra cửa mà đi. Ông Thiên-Hộ đi theo sau lưng nàng. Phạm-Kỳ đứng ngó cặp mắt lườm lườm.

Ánh-Nguyệt với Thiên-Hộ đi rồi thì Phạm-Kỳ tức giận nằm ngồi không yên. Anh ta cứ đi qua đi lại trong đồn hoài, mình hỏi riêng lấy mình, Thiên-Hộ chắc là Lê-văn-Ðó, vậy chớ có nên bắt mà giải hay không. Theo lương tâm thì phải bắt, còn theo thế cuộc thì không nên bắt, vậy phải theo bên nào? Anh ta suy đi tính lại, cân lợi đong hại, rồi nhứt định không bắt Thiên-Hộ mà cũng không tha, quyết đợi có dịp sẽ xin đổi đi thú đồn khác cho khuất con mắt. Anh ta tự liệu như vậy rồi mới chịu đi ngủ.

Còn ông Thiên-Hộ ra khỏi đồn rồi ông mới kêu Ánh-Nguyệt mà nói rằng: „Cháu coi bộ bịnh lắm. Vậy đi thẳng lại nhà ông rồi ông biểu thầy thuốc coi mạch hột thuốc cho cháu uống". Ánh-Nguyệt chẳng hiểu vì cớ nào ngày trước mình chẳng có làm việc chi quấy, mà ông Thiên-Hộ ghét mình, dạy Bạch-Thị đuổi mình ra khỏi nhà, bây giờ mình đã làm việc tồi-tệ, ổng nghe thấy rõ ràng, mà ổng lại thương mình, đã cứu mình khỏi tay ông Ðội, rồi còn biểu mình về nhà ổng nữa. Nhưng vì lúc ấy nàng chẳng khác nào chim bàng gảy cánh, như chim én lạc đường, nên nàng không còn biết chi là phải quấy, nghe ông biểu về nhà ông thì cũng như lội giữa vời gặp được cái bụp dừa[1], bởi vậy nàng vưng lời liền, không dám từ chối.

Ông Thiên-Hộ dắt Ánh-Nguyệt về tới nhà, liền kêu Bạch-Thị mà dạy lấy quần áo khô đem cho Ánh-Nguyệt thay và dẫn nàng đem xuống nhà dưỡng bịnh đặng cho nàng nghỉ rồi sáng sẽ biểu ông lương-y Sanh chẩn mạch hốt thuốc cho nàng uống.

Ðêm ấy ông ngủ không được, cứ chong đèn ngồi chống tay trên trán mà suy nghĩ hoài. Ông chẳng hiểu vì cớ nào Ánh-Nguyệt lại có lời phiền trách hồi hôm đó. Nàng nầy là ai, sao ông không biết? Ở với ông hồi nào? Làm việc chi quấy mà ông đuổi? Ông đuổi bao lâu nay? Thiệt có như lời nàng nói hay không? Nếu thiệt tại ông đuổi nàng, nên nàng phải bị khốn khó, đến nỗi phải đem thân bồ liễu mà làm đồ chơi cho thiên-hạ, thì cái khổ của nàng đây quả tại ông mà ra, tội ấy ông không thế nào chối được. Ông nghĩ như vậy rồi ông nhớ lại thân ông ngày trước, vì nhà nghèo, mẹ và sắp cháu đói quá, cùng thế phải đi giựt một trã cháo heo, tính đem về cho mẹ với cháu ăn cho khỏi chết. Mà quân nhà giàu ác nghiệt không thương nên bắt buộc, rồi quan bất nhơn nó không xét nên đem bỏ tù làm cho gia quyến ở nhà không ai nuôi, mẹ thì chết trước, một bầy cháu cũng đói nên lần lần chết theo sau, còn chị dâu khốn khổ quá nên mang bịnh rồi sau rốt cũng phải chết luôn nữa. Thân Ánh-Nguyệt ngày nay vì thương con quá, nên không nỡ lìa con, nên mới toan đem danh tiết mà bán đặng lấy tiền chuộc con. Nếu không gặp ông thì thân người mẹ đây còn gì, mà thân đứa con sau cũng phải mang khổ nữa! Mà trong dương trần nầy còn biết bao nhiêu Lê-văn-Ðó khác, còn biết bao nhiêu Ánh-Nguyệt khác chớ phải một Lê-văn-Ðó với một Ánh-Nguyệt nầy mà thôi đâu!

Ông Thiên-Hộ nghĩ đến đó thì ông khóc rấm-rứt. Ông khóc một hồi lâu rồi ông đứng dậy mở cửa đi ra ngoài sân. Mảnh trăng tỏ treo giữa trời vằng-vặc, ngọn gió vung phất phất mặt cỏ hiu-hiu. Ông Thiên-Hộ lần bước đi vòng chung quanh nhà. Khi đi ngang qua nhà dưỡng bịnh, ông nghe tiếng rên nhỏ nhỏ. Ông đứng lại lóng tai mà nghe rồi ông bước vô. Trong nhà dưỡng bịnh có một cái đèn leo-lét. Ông thấy Ánh-Nguyệt nằm trên chõng, đập tay xuống chiếu mà rên. Ông vói tay lấy thếp đèn rồi bưng đi riết lại bên nàng. Ánh-Nguyệt nằm nhắm mắt, mà mặt mày đỏ au, thở hơi nóng hực. Ông kêu nàng mà hỏi rằng: „Cháu nóng phải hôn?" Ánh-Nguyệt nhướng mắt ngó thấy ông rồi lắc đầu, chớ không trả lời.

Ông Thiên-Hộ thấy nàng bịnh nhiều nên lật đật đem đèn để tại chỗ cũ rồi kêu Hồng-Thị biểu đi kêu Lương-y Sanh cho mau. Ông đứng tại cửa mà chờ. Cách chẳng bao lâu lương-y Sanh chạy lại, ông biểu chẩn mạch coi bịnh Ánh-Nguyệt ra thế nào.

Lương-y chẩn mạch rồi nói rằng: Ánh-Nguyệt bị đau ban mà không uống thuốc nên lâu ngày ban nó lậm vô trong. Tuy mấy tháng nay hết bịnh, nhưng mà gốc ban cũng còn ở trong hoài. Hôm nay nàng té xuống sông bị nước, rồi lại bị gió nữa, bởi vậy bịnh trở lại bằng hai hồi trước, coi thế khó cứu được.

Ông Thiên-Hộ nghe nói như vậy thì ông đổ mồ hôi trán. Ông châu mày suy nghĩ một hồi rồi nói với lương-y Sanh rằng: „Phải ráng mà cứu nàng. Nếu nàng chết thì tôi cũng có lỗi với nàng nhiều ít chớ chẳng không". Lương-y Sanh hứa rằng ổng sẽ ráng hết sức mà cứu nàng, nếu sáng mai mà nàng hết nóng thì chắc ông sẽ cứu được. Ông Thiên-Hộ căn dặn rồi ông mới trở lên nhà.

Trời vừa mới mờ-mờ thì ông Thiên-Hộ đã xuống nhà dưỡng bịnh mà hỏi thăm bịnh Ánh-Nguyệt. Ông lương-y Sanh đương xẩn-bẩn một bên Ánh-Nguyệt mà cho nàng uống thuốc, ông thấy ông Thiên-Hộ thì lắc đầu nói rằng: „Còn nóng lung quá, tôi làm hết sức một đêm nay mà nàng chưa mát".

Ông Thiên-Hộ ngồi ghé lên cái chõng để một bên đó, coi bộ ông buồn dàu-dàu. Ðến chừng mặt trời mọc được một lát, Ánh-Nguyệt mát-mát được một chút. Nàng mở mắt ra rồi xin nước mà uống. Hồng-Thị lật đật rót một chén nước trà nóng mà bưng lại cho nàng. Nàng gương ngồi dậy uống hết chén nước trà rồi nằm xuống liền. Cách một hồi, nàng day qua ngó thấy ông Thiên-Hộ, nàng lấy tay ngoắt ông và nàng chảy nước mắt mà nói rằng: „Ông không đuổi tôi nữa phải hôn? ... Tội nghiệp tôi lắm ông ôi! Ông làm ơn cho tôi tiền đặng tôi chuộc con tôi. Tôi nhớ nó quá; nó ở tại nhà Ðỗ-Cẩm trên Vũng-Gù ... Vợ chồng Ðỗ-Cẩm đánh khảo nó, bỏ nó đói khát tội nghiệp lắm. Ông làm ơn cho tôi tiền, nghe hôn ông. Ông cho tôi 7 quan thì đủ tôi chuộc. Hồi trước tôi ở với ông 6 tháng mà ông không cho tiền. Bây giờ ông cho tôi nghe hôn ông".

Ông Thiên-Hộ thấy Ánh-Nguyệt thương con như vậy thì ông cảm động hết sức, nên ông liền đáp rằng: „Cháu ráng uống thuốc cho mạnh đi. Cháu mạnh rồi muốn xin tiền bao nhiêu ông cho hết thảy".

Ánh-Nguyệt nói rằng: „Không. Ông làm ơn cho tiền bây giờ. Ông cho tôi 7 quan đặng tôi cậy ông sáu Thới đi chuộc con tôi. Ông sáu Thới biết chỗ Ðỗ-Cẩm ở".

Ông Thiên-Hộ gặt đầu đáp rằng: „Ừ, thôi để rồi ông biểu ông sáu Thới đi chuộc".

Ánh-Nguyệt nghe ông Thiên-Hộ nói như vậy thì mừng trong lòng nên nàng cười và nói rằng: „Hễ tôi thấy mặt con tôi thì tôi mạnh liền. Ông chưa biết nó. Con nhỏ ngộ lắm. Tôi đạt tên nó là Thu-Vân. Năm nay nó đã 8 tuổi rồi. Cha nó tên là Từ-hải-Yến. Cha nó bạc lắm. Gạt tôi ăn ở với tôi cho có nghén rồi chừng thi đậu, cha nó tuốt về trên An-Giang cưới vợ khác, bỏ mẹ con tôi bơ-vơ từ hồi đó tới bây giờ. Người vô tình bạc nghĩa quá như ậy mà sao lại đậu không biết? Ôi! Mà tôi có kể gì thứ đồ bạc. Tôi lo nuôi con tôi. Tôi gởi nó cho vợ chồng Ðỗ-Cẩm là vì tôi sợ đem nó về đây thiên hạ chê cười. Bây giờ tôi không cần gì nữa, ai cười mặc ai, miễn là tôi được gần con tôi thì thôi. Tôi lạy xin ông làm ơn trao 7 quan tiền cho ông sáu Thới rồi biểu ổng nội ngày nay ổng đi rước liền con tôi giùm chút, nghe hôn ông".

Ông Thiên-Hộ thấy Ánh-Nguyệt tỉnh trí, nói rõ việc riêng của mình được như vậy thì ông mừng, nên ông đáp rằng:" Cháu đừng lo, để ông biểu rước con nhỏ về đây cho. Mà cháu phải ráng uống thuốc và ăn cơm ăn cháo cho mạnh đi rồi ông sẽ cho cháu gặp con, chớ nếu cháu còn đau thì ông không dám cho cháu gần con cháu".

Ánh-Nguyệt chằng miệng mà cười và nói rằng:

- Tôi mạnh rồi. Tôi có đau bịnh gì nữa đâu. Ông muốn tôi đi bây giờ, tôi đứng dậy tôi đi cho ông coi.

- Thôi, thôi, cháu nghỉ đi. Ðể ông lo việc rước con nhỏ cho. Cháu hãy yên tâm.

- Ông ở như vậy mới thiệt là người nhơn đức.

Ông Thiên-Hộ chúm chím cười rồi xây lưng trở lên nhà.

*

* *

Ông Thiên-Hộ ngồi ăn cơm sớm mơi, mà trí ông suy nghĩ việc của Ánh-Nguyệt. Ông tính để rồi sai người đi kêu ông sáu Thới đặng cậy ổng đem tiền lên Vũng-Gù tìm nhà Ðỗ-Cẩm mà chuộc con Thu-Vân. Ông lại tự nguyện rằng dầu chẳng may Ánh-Nguyệt có chết đi nữa, thì ông sẽ hết lòng nuôi dưỡng bảo bộc giùm con nhỏ, bởi vì theo lời Ánh-Nguyệt nói đó, thì nàng đau đây là tại ông đuổi, nàng nghèo khổ buồn rầu nên mới sanh bịnh, nếu ông không hết lòng mà chuộc cái lỗi ấy, thì ông là người bất nhơn.

Ông vừa suy nghĩ tới đó, bỗng thấy Bạch-Thị bưng đồ ăn bước lên nhà. Ông liền kêu mà hỏi rằng:

- Con Ánh-Nguyệt vô ở phụ giúp trong nhà tôi thì phải rồi, sao thím lại đuổi nó mà thím không cho tôi hay?

- Bẩm ông, chuyện nhỏ mọn, tôi liệu định cũng được, chẳng cần phải làm nhọc lòng ông.

- Chuyện nhỏ mọn mà bây giờ thành ra chuyện lớn, thím thấy chưa? Tại thím đuổi nó, làm cho nó không có nơi nương dựa, bởi vậy nó đói khó mới sanh bịnh, rồi lại phải liều thân đi làm đĩ nữa. Thím không suy đi xét lại cho kỹ, bây giờ cái lỗi ấy về tôi chịu. Mà con Ánh-Nguyệt làm lỗi việc chi mà thím đuổi nó?

- Bẩm ông. Hồng-Thị thấy nó viết thơ ra, tiếp thơ vô, coi nết nó không tốt, nên tôi đuổi nó.

- Nó viết thơ mà thăm con nó chớ.

- Bẩm ông, hồi mới vô ở nó nói nó chưa có chồng con.

- Việc ấy chẳng quan hệ gì. Mình làm phước, hễ thấy khổ thì mình cứu, cần gì phải gạn đục lóng trong. Dầu con Ánh-Nguyệt nó có hư đi nữa, ấy là vì sự nghèo khổ buộc nó phải hư, cũng như có nhiều người vì nghèo đói mà phải đi ăn cướp, ăn trộm vậy ...

Ông Thiên-Hộ nói tới đó, thình-lình ông đội Phạm-Kỳ ở ngoài bước vô. Ông chào rồi mời ngồi, mà coi lợt lạt lắm.

Từ khi Phạm-Kỳ mới giáp mặt với ông Tiên-Hộ lần đầu, nghi ông là Lê-văn-Ðó, thì trong lòng đã có một khinh khi. Mà hôm qua ông Thiên-Hộ lại binh vực một con đĩ, nói nhiều tiếng xúc phạm đến Phạm-Kỳ, bởi vậy Phạm-Kỳ giận ông, giận đến nỗi toan bắt ông mà giải nạp. Tuy ông Thiên-Hộ làm lơ, song ông đã thấy ý tứ của Phạm-Kỳ. Mà bữa nay Phạm-Kỳ tới nhà ông, bộ coi sục-sè khép nép chẳng phải như mấy lần trước, bởi vậy ông Thiên-Hộ lấy làm lạ, nên có ý đợi nghe coi Phạm-Kỳ muốn nói việc chi.

Phạm-Kỳ ngồi rồi nói rằng: „ Tôi đến trình cho ông hay, tôi phải lên tỉnh vài bữa, vì có tờ của quan Án đòi tôi lên làm chứng vụ Lê-văn-Ðó". Phạm-Kỳ nói tới đó rồi ngừng lại mà ngó ông Thiên-Hộ. Ông Thiên-Hộ ngồi tỉnh táo như thường, ông cũng ngó ngay Phạm-Kỳ mà hỏi rằng:

- Chuyện Lê-văn-Ðó là chuyện gì?

- Hồi trước có tên Lê-văn-Ðó ăn trộm bị đày 20 năm. Khi ở tù ra ngoài, nó không chịu bỏ thói gian, nó còn ăn trộm đồ trong chùa nào đó không biết, và giựt cơm gạo gì của người ăn mày nữa. Mấy năm nay quan tập nã mà bắt nó không được. Nghe nói lính mới bắt được nó hôm đầu tháng, mà nó chối hoài, nó nói không phải là Lê-văn-Ðó. Mấy tên tù biết nó, quan đem ra nhìn mặt nó thì đứa nào cũng đều quả-quyết nó là Lê-văn-Ðó hết thảy, mà nó cũng còn chối hoài. Quan Án muốn lên án, cho nó hết kêu oan kêu ức được, nên ngài đòi thêm tôi về mà nhìn mặt nó nữa.

- Ông biết mặt nó hay sao mà nhìn?

- Tôi biết nó lắm. Lúc nó ở tù, thì tôi làm lính coi khám, tôi dắt nó đi đốn củi hoặc đấp bờ mỗi ngày.

- Nó mãn tù đã mấy năm nay?

- Tám chín năm.

- Dữ hôn! Ông không thấy mặt nó đã lâu rồi, làm sao ông nhớ nó được mà biểu ông nhìn.

- Giống gì mà tới quên lận.

- Như ông nhìn quả nó rồi, thì quan kêu án nó bao nhiêu năm?

- Phàm ăn trộm bị đày đến 20 năm, mà còn tái phạm, thì luật xử tử giam hậu, nghĩa là đày chung thân. Tôi chắc tên Ðó ăn trộm ăn cướp chi đây, nên người ta mới bắt được nữa. Mà dầu nó không có ăn trộm nữa, nội vụ nó ăn trộm đồ trong chùa và giựt cơm của ăn mày đó, thì cũng đủ cho nó bị xử tử giam hậu rồi.

- Tội gì mà xử năng-nề giữ vậy?

- Tại luật như vậy đó.

- Nếu vậy thì ông đi làm chứng ông phải xem xét cho kỹ lưỡng, chẳng nên nói bướng mà tội nghiệp cho người ta, việc ấy tội phước lắm, nếu ông làm chứng mà ông nhận lầm thì oan cho người ta lắm.

- Phải chớ! Tôi có oán thù chi nó đâu. Hễ tôi nhìn phải thì tôi nói phải, còn như không phải thì thôi. Mà mấy người tù quen với nó đã nhìn phải nó rồi, có lý nào nó chối được. Ðể tôi lên đó coi.

- Chừng nào ông đi?

- Tối nay.

- Không biết chừng mai mốt, bữa nào rảnh tôi cũng lên tỉnh mà thăm quan Án.

- Vậy sao?

- Ừ.

Phạm-Kỳ nghe ông Thiên-Hộ nói sẽ lên tỉnh mà thăm quan Án thì trong trí lo riêng, nên cúi mặt xuống rồi nói nhỏ nhẹ rằbg: „Chuyện con Ánh-Nguyệt hôm qua, tại tôi nghe nói nó làm đĩ tôi giận quá, nên tôi mới biểu bắt nó. May có ông kêu nài nên tôi mới tha nó. Hôm qua đương cơn giận tôi có cãi lẽ với ông. Vậy nếu tôi có nói tiếng chi nặng-nề mích lòng ông, xin ông đừng chấp".

Ông Thiên-Hộ cười mà đáp rằng: "Ông đừng ngại chuyện đó. Ông sợ tôi lên tỉnh tôi cáo ông hay sao? Chuyện qua rồi thì thôi, ai nói đi nói lại mà làm gì." Ông Thiên-Hộ ngừng một hồi rồi ông chau mày nói tiếp rằng: "Tôi nói như vậy, chớ không chắc tôi đi lên tỉnh được hay không. Con Ánh-Nguyệt nó đau nhiều lắm. Tôi dắt nó về từ hồi hôm cho đến bây giờ nó nóng lạnh nằm mê-man măng giường măng chiếu, nói xàm nói mã hoài. Tôi sợ nó phải chết. Nó có gốc đau ban. Trinh-Tường xô nó xuống sông, nó bị nước nên trúng lại nặng lắm. Quân nhà giàu ỷ tiền nó làm ngang quá!"

Phạm-Kỳ hồi hôm mượn luật pháp mà binh vực Trinh-Tường, bây giờ nghe ông Thiên-Hộ nói như vậy thì hổ thầm, nên ngồi lặng thinh một hồi rồi đứng dậy từ ông Thiên-Hộ mà về.

Phạm-Kỳ ra khỏi cửa rồi thì ông Thiên-Hộ châu mày xụ mặt, coi sắc ông buồn mà lại lo nữa. Ông chậm rãi đứng dậy, cúi mặt ngó xuống đất một hồi rồi thủng-thẳng đi vô trong buồng. Ông đóng cửa buồng lại rồi leo lên giường nằm gát tay qua trán mà thở ra.

Mây giăng trên trời đen kịch, gió thổi mái nhà lào-xào. Cách chẳng bao lâu mưa ào tới, giọt nươc tuôn trước hiên rôn-rổn, mà ông Thiên-Hộ nằm trong buồng mồ hôi chảy ướt dầm. Ông nằm im-lìm như ngủ, mà trí ông lo tính không yên. Ông suy nghĩ hoài, chẳng hiểu người mà Phạm-Kỳ nói đó, hình dạng thế nào, mà đến nỗi người ta nhận quyết là Lê-văn-Ðó. Ðã biết người hay giống người, mà giống thì giống, chớ cũng có chỗ khác nhau, có lý nào giống đến mặt mày, giống đến tướng đi, giống đến tiếng nói nữa hay sao, mà đến nỗi người ta nhìn lầm được. Theo lời Phạm-Kỳ nói, thì mấy tên tội-nhơn quen biết với mình hồi trước đã nhận quyết người nầy là mình rồi. Vậy mình có nên nín khe, để cho người ấy chịu khổ hình thế cho mình hay không?

Ông Thiên-Hộ hỏi riêng ông như vậy rồi ông cũng trả lời với riêng ông rằng: Không nên. Một người thường phạm tội ăn cắp hễ bắt được thì quan trên kêu án chừng năm ba năm. Nếu người ta nhận người nầy là mình thì người ta xử tử giam hậu, vì mình đã có án 20 năm tù rồi bây giờ tái phạm nên hình phạt nặng nề. Chớ chi mình không hay không biết, thì ai xử thế nào mặc ai, ai bị đày bao lâu chẳng can gì, ngặc bây giờ mình đã hay quan người ta nhận lầm, mình đã biết người ta bị bắt đó là oan-ưc, có lý nào mình đành làm lơ, để cho người vô tội phải thọ khổ hình thế cho mình. Mấy năm nay mình tu nhơn tích đức, mình tự nguyện cứu khổ phò nguy, nếu mình để cho người bị án, thì mình làm một đều đại bất nhơn, dầu mình tu mãn đời cũng không thế chuộc cái tội ác đó được. Tội mình làm thì mình phải chịu, lòng ngay hay là gian, phú cho Trời Phật xét soi cho mình. Mà trong việc nầy có ai nói gian cho mình đâu. Ăn trộm đồ của chùa, có, giựt nồi cơm của ăn mày, cũng có, tội đã đáng tội, có oan ức chỗ nào. Vậy mình phải ra mà chịu tội, chẳng nên để người khác thế cho mình.

Ông Thiên-Hộ quyết định rồi ông vùng ngồi dậy bước đi ra ngoài. Mưa đã tạnh rồi, mặt trời đã ló ra dọi nắng coi tứ hướng đều vui vẻ. Ông dựa cửa mà ngó mông ra ruộng. Một cánh đồng rộng minh mông giăng trước mắt ông, lúa cấy hôm tháng trước, nay đã bén, lá coi xanh mướt. Bên nây có mấy xóm, ấy là chỗ tá điền của ông ở, đông đảo thạnh mậu vô cùng. Trong kia có một cái kinh, ấy là mương của ông phóng cho dân đào, đặng tiện đường cho dân chở lúa.

Ông ngó xa ngó gần chung quanh nhà ông. Ðây là nhà để dạy trẻ nhỏ học văn học lễ, đây là nhà để nuôi trẻ nhỏ không mẹ không cha, đây là nhà để cứu những người bịnh hoạn tật nguyền, đây là nhà để nuôi những người già cả lụm cụm. Mười lẫm lúa cất trước kia, lẫm nào lúa cũng còn đầy nhóc, ấy là lúa để sẵn cho thiên-hạ ăn, chớ trong thân tộc của ông bây giờ chỉ còn có một mình ông, làm sao mà ăn cho hết.

Những ruộng kia, những nhà nọ, ấy là sự nghiệp của ông. Công phu của ông trọn 10 năm trời mới gây dựng được ra đó. Bây giờ ông ra chịu tội mà lãnh án tử giam hậu đặng thọ khổ hình chung thân, thì sự nghiệp nầy phải tan như tro tàn, phải rã như bọt nước. Những tài sản của ông thì không sá gì, kiếp sống nầy là giấc chiêm bao, sanh tay không chừng chết cũng tay không, dầu làm quan to, dầu làm giàu lớn, cũng không ai đem tước quyền hay là đem vàng bạc theo được. Ngặc vì hễ ông ra chịu khổ hình, thì cả ngàn dân làm ruộng, mấy mươi người già cả bịnh hoạn, mấy mươi con nít nhỏ mồ côi, còn biết lấy ai mà cậy nhờ!

Ông đã định làm nghĩa, ra thọ tội đặng cứu người oan ức, mà chừng ông nhớ đến công việc phước thiện của ông lập ra đặng cứu kẻ cơ hàn bịnh hoạn, thì ông dụ-dự bàng-hoàng. Ông cứ đi ra đi vô hoài không biết liệu lẽ nào. Ra chịu tội thì khỏi hổ với lương tâm, song hết thế cứu giúp cả ngàn người nghèo khổ nữa. Còn như nín luôn, thì cả ngàn người được nhờ, song mình đối với Phật Trời, chắc cả đời phải ăn-năn hổ thẹn. Ông bức-rức trong lòng, nên buổi chiều ông không ăn cơm, cứ nằm dàu-dàu trong buồng hoài.

Ðêm ấy ông chong đèn ngồi lo tính, lúc thì muốn ra chịu tôi đặng cứu một người bị án oan, lúc thì ông tính làm lơ nín luôn đặng giúp cả ngàn người nghèo khổ. Ôi tính đi rồi tính lại, ông lo tới rồi lo lui, ông tính cho tới gần sáng rồi mới nhứt định thà ông hại một người bị án oan, chớ không đành bỏ cả ngàn người nhờ ông mà khỏi nghèo khổ. Ông quyết làm lơ, không thèm nhớ tới chuyện đó nữa, để trí thong thả mà lo cứu khổn phò nguy,ví dầu người chịu án oan đó có chết đi nữa cũng chẳng hại bao nhiêu, chớ nếu ông bỏ sự ngiệp của ông đây thì mấy mươi ông già phải chết đói, mấy mươi con nít phải hoang-đàng, cả ngàn dân tá điền phải thất sở.

Ông nhứt định rồi ông mở cửa buồng bước ra, thì mặt trời đã ló mọc. Bạch-Thị dòm thấy tóc của ông, bữa trước còn đen mướt, mà bữa nay lại điểm bạc hoa râm, thì lấy làm kỳ, nên hỏi ông. Ông lắc đầu rồi bỏ đi xuống nhà dưỡng bịnh, không thèm trả lời với Bạch-Thị.

Ông đi thẳng lại chỗ Ánh-Nguyệt nằm mà hỏi thăm. Ánh-Nguyệt thấy ông thì nàng mừng rỡ hết sức, tuy nàng ngồi dậy không nổi, song nàng ráng ngóc đầu chào ông và hỏi rằng: "Ông có biểu đi chuộc giùm con tôi rồi hay chưa? Tôi gần mạnh rồi, hễ tôi thấy mặt con tôi thì tôi hết đau liền."

Vì ông mắc lo việc của ông nên ông quên lững việc của nàng. Chừng ông nghe nàng hỏi, ông nhớ lại thì ông lấy làm bối rối, song ông muốn cho nàng yên lòng mà dưỡng bịnh, nên ông nói dối rằng: " Rồi. Ông có cậy ông sáu Thới đi rồi. Cháu cứ lo uống thuốc cho mạnh đi. Trong vài ba bữa sẽ có con nhỏ về tới đây. Mà cháu phải uống thuốc cho mạnh, thì ông mới cho gặp con, chớ nếu cháu mê sảng nói xàm hoài, thì ông không dám cho con nhỏ gần cháu đâu."

Ánh-Nguyệt liền đáp rằng: Tôi mạnh rồi. Tôi có mê sảng chi đâu. Chừng mấy bữa nữa ông sáu Thới về mới tới? Cha chả! mà không biết vợ chồng Ðỗ-Cẩm nó có cho ổng rước hay không đây. Tôi được gần con tôi thì tôi vui biết chừng nào! Ông cho mẹ co tôi ở đây với ông. Tôi không đòi tiền công ông đâu, miễn là ông cho mẹ con tôi đủ cơm ăn cho no, đủ áo quần mặc cho ấm mà thôi."

Ông Thiên-Hộ gặt đầu lia-lịa rồi bước lại hỏi nhỏ lương-y Sanh coi bịnh Ánh-Nguyệt bữa nay thêm hay có giảm được chút nào. Lương-y Sanh đáp rằng bịnh tuy không thêm, song cũng chưa thấy giảm, chẳng nên thấy nàng nói lia-lịa như vậy mà mừng, bởi vì tại trong tim nàng nóng nên nàng nói, chớ không phải nàng hết bịnh.

Ông Thiên-Hô nghe nói như vậy thì buồn. Ông cúi mặt xuống đất suy nghĩ một hồi rồi thủng thẳng trở lên nhà. Ông kêu Bạch-Thị mà biểu sai người lập tức đi kêu ông sáu Thới xuống cho ông nói chuyện.

Ðến trưa ông sáu Thới xuống tới. Ông Thiên-Hộ tỏ việc Ánh-Nguyệt bị Trinh-Tường hiếp đáp lại cho ổng nghe. Ông Thiên-Hộ lại nói ổng đã cứu Ánh-Nguyệt đem về nuôi tại nhà dưỡng bịnh. Ánh-Nguyệt bây giờ đau nặng lắm, mà cứ theo đòi con hoài, vậy ông sáu Thới phải làm ơn đem tiền lên Vũng-Gù mà chuộc giùm con nhỏ dắt về, hoặc may Ánh-Nguyệt mừng con mà mạnh được.

Từ bữa Trinh-Tường cho ghe rước Ánh-Nguyệt đi cho đến bữa nay, ông sáu Thới không thấy Ánh-Nguyệt về, thì ổng có ý lo sợ. Ổng biểu thằng Hiển đi hỏi thăm thì họ nói Ánh-Nguyệt vô lễ với Trinh-Tường sao đó không biết, Trinh-Tường giận đến thưa với ông Ðội, nên ông Ðội đã bắt Ánh-Nguyệt rồi. Bây giờ ông Thiên-Hộ thuật rõ công việc của Ánh-Nguyệt như vậy ổng mới hay. Ổng liền xin ông Thiên-Hộ cho phép ổng xuống nhà dưỡng bịnh mà thăm Ánh-Nguyệt một chút. Ông Thiên-Hộ can rằng:

- Không nên. Vì tôi đã nói dối với nó rằng tôi đã mượn ông đi rước con nhỏ rồi. Nếu ông xuống đó, nó thấy ông nó hỏi con nó, thì ông trả lời làm sao cho xuôi được. Chi bằng ông đi luôn thì hay hơn; để chừng ông rước con nhỏ về đây rồi ông sẽ thăm nó. Nghe nói ông có lên Vũng-Gù mà xin rước con nhỏ một lần rồi. Vậy chớ vợ chồng Ðỗ-Cẩm nó đòi tiền công nuôi là bao nhiêu?

- Thưa, nó biểu phải trả năm bảy quan thì nó mới cho rước.

- Ông coi ý thiệt nó muốn cho chuộc con nhỏ hay không?

- Thưa, nó cho, song phải có tiền mới được.

Ông Thiền-Hộ liền kêu Bạch-Thị biểu lấy một chục quan tiền đem ra, rồi nói với ông sáu Thới rằng: "Tôi nghe nói ông nghèo mà ông sẵn lòng thương con Ánh-Nguyệt, nên ông nuôi dưỡng nó hơn một năm nay. Hễ làm ơn thì phải làm cho trót. Vậy ông chịu phiền lấy một chục quan tiền nầy rồi mướn ghe đi lên Vũng-Gù nói mà chuộc giùm con nhỏ đem về đây cho nó. Ông đi cho mau mau vì nó trông lắm."

Ông sáu Thới bái ông Thiên-Hộ rồi kề vai vác 10 quan tiền mà đi về.

Ông Thiên-Hộ đứng tại cửa ngó theo, miệng chúm-chím cười, vì ông mới làm được thêm một việc phải, nên trong lòng thơ-thới.

Chương 15

Ông Thiên-Hộ không tính ra thọ tội nữa, ông sai ông sáu Thới đi chuộc con Thu-Vân rồi, thì ông cứ xẩn-bẩn dưới nhà dưỡng bịnh mà nhắc chừng lương-y Sanh cho Ánh-Nguyệt uống thuốc. Buổi chiều ông qua nhà mồ-côi mà thăm sắp nhỏ, ông hỏi chuyện đứa nầy, ông vuốt-ve đứa nọ. Ông lại đi thẳng qua trường học mà hỏi thăm thầy giáo coi học trò học có tấn phát hay không.

Ông thăm con nít rồi ông đi thăm tới mấy ông già, gặp người nào ông cũng lấy lời nhơn-từ mà an-ủi.

Ông lại đi luôn ra xóm tá-điền, đi tới đâu ông cũng dạy cách làm ăn, hoặc ông khuyên đừng tham lạm.

Ông đi cho đến tối mò ông mới chịu trở về nhà. Ông ăn cơm rồi ông còn xuống thăm Ánh-Nguyệt một lần nữa.

Ông đi đứng lăng-xăng, ông nói chuyện lộn-xộn, thì ông quên hết việc riêng của ông. Mà đến tối ông vô buồn nằm một mình, thì trí ông bắt nhớ người vì ông phải chịu án oan đó hoài, bởi vậy ông nhắm mắt mà ngủ không được. Ðã biết ông đã nhứt định để hại một người mà cứu cả ngàn người, bởi vậy ông không còn ăn-năn nữa. Nhưng mà chẳng hiểu vì cớ nào trong trí ông cứ ái-ngại hoài, dường như ông làm việc quấy nên lương tâm trách ông vậy. Ông nghĩ chắc là tại ông không thấy mặt người chịu án thế cho ông đo, nên ông không yên lòng. Ông mới tính ông đi lên tỉnh hỏi thăm coi quan kết án người ấy thế nào, và nếu có thế gặp mặt được thì ông sẽ coi người ấy hình dạng ra làm sao mà đến nỗi người ta nhận là ông. Ông lại tính nếu quan lầm mà kêu án người ấy, thì ông sẽ hỏi thăm cha mẹ hoặc vợ con ở đâu, rồi ông rước hết về ông nuôi, đặng đền bồi cái ơn thọ khổ hình thế cho ông đó.

Mới tảng sáng ông kêu Bạch-Thị mà phú thác các việc nhà. Ông lại kêu lương-y Sanh mà căn dặn phải cần cho Ánh-Nguyệt uống thuốc. Ông nói rằng ông lên tỉnh thăm quan Án chừng một bữa thì ông về, như có trễ lắm là 2 bữa, chớ không ở lâu hơn nữa. Ông cho kêu hai đứa tá-điền mạnh dạng, một đứa tên là hai Hí, còn một đứa tên là sáu Tâm, đặng chèo ghe cho ông đi. Ông nghĩ Phạm-Kỳ đã đi trước ông đã hai đêm một ngày rồi, nếu ông trì huởn sợ e không kịp coi quan xử vụ Lê-văn-Ðó. Ông bèn dạy hai Hí với sáu Tâm kiếm một chiếc ghe lường nhỏ, mà nhẹ chèo đặng đưa ông đi cho mau. Hai người kiếm ghe thì mấy chiếc ghe tốt đều lớn hết thảy, duy có một chiếc ghe nhỏ nhẹ chèo, ngặt chiếc ghe ấy cũ quá, nên có nước. Ông Thiên-Hộ muốn đi cho mau, nên biểu lấy chiếc ghe nhỏ mà đi.

Ghe đi được vài khúc sông thì nước vô lung quá, chèo không nổi. Ông Thên-Hộ phải cởi áo mà tác nước, đặng để cho hai Hí với sáu Tâm chèo cho mau. Ông tát một hồi cái gào rách tét, không thế tát được nữa. Ông không biết liệu làm sao, vì ghe đã khỏi chợ Thủ-Bô rồi, nếu trở về đổi ghe khác thì xa quá. Ông nóng-nảy trong lòng như lửa đốt, ông quyết thế nào chiều bữa ấy ông cũng phải lên cho tới tỉnh. Ông mới dạy ghé lại xóm dựa mé sông đặng kiếm ghe khác ông mướn. Hai người chèo vưng lời, ghé vô xóm ở dựa mé sông. Ông liền mướn một chiếc xuồng rồi biểu sáu Tâm bơi cho ông đi, còn hai Hí thì ở lại đó kiếm giẻ[1] xăm mấy lỗ rồi chờ ông trở về mà rước ông.

Ông Thiên-Hộ đi thiệt là mau; trời mới xế qua một lát thì ông đã lên tới tỉnh. Ông bận áo bịt khăn, rồi dặn sáu Tâm ở dưới xuồng mà chờ ông. Ông vô thành, hỏi thăm lần lần, đi lại trước dinh quan Án. Ông dòm, thấy trong dinh náo-nức, kẻ vô người ra không ngớt. Ông đó một người đi ra mà hỏi thăm, thì họ mới nói quan Án đương xử vụ Lê-văn-Ðó.

Ông nghe nói như vậy thì biến sắc, chơn thối lui hai ba bước, đứng lại châu mày mà ngó sững vô dinh. Ông ngó một hồi rồi hâm hở đi thằng vô. Ông đứng nép dựa cánh cửa mà dòm. Ông thấy quan Án ngồi tại bộ ván giữa, một tay chống một cái gối dựa, còn một tay thì cầm vòi bình điếu mà hút thuốc. Trước mặt ngài thì có người cao lớn, cổ manh gông, tay bị trói, đứng day lưng ra ngoài cửa, nên ông không thấy mặt được. Bên tay mặt thì Phạm-Kỳ với 10 tên lính đứng khoanh tay mà hầu. Bên tay trái thì có 3 tội nhơn, ông biết mặt biết tên hết thảy, vì 3 người ấy bị án đày chung thân, ngày trước ở chung một khám với ông, một người tên Tánh, một người tên Lãnh, còn một người tên Thà. Phía trong có hơn 10 người, ngồi hai bộ ván hai bên, hết thảy đều mặc áo dài khăn đen, song ông không biết người nào hết.

Quan Án hút thuốc một hồi rồi hỏi người mang gông đứng giữa đó rằng: "Bữa nay ta có đòi đủ chứng lên đây đặng nhìn mặt mi. Mi còn dám chối rằng mi không phải là Lê-văn-Ðó nữa thôi?"

Người ấy đứng lặng thinh. Quan Án nạt rằng: "Mi câm rồi hay sao? Ta hỏi sao không thưa? Mi chờ ta khảo rồi mới chịu nói hả?"

Người ấy ngó qua ngó lại rồi nói rằng: "Dạ, bẩm quan lớn, tôi là tư Hoành, tôi họ Nguyễn chớ."

Quan Án cười gằn rồi nói rằng: "Mi còn chối nữa há? Ðể ta hỏi chứng rồi mi sẽ hay. Ðội Kỳ đâu? Ra nhìn thử coi thằng nầy có quả là Lê-văn-Ðó hay không."

Phạm-Kỳ bước ra chỉ mặt người mang gông mà nói rằng: "Lê-văn-Ðó là mi chớ ai! Còn chối gì nữa?" Phạm-Kỳ vừa nói mấy lời, bỗng thấy ông Thiên-Hộ ló mặt vô cửa mà dòm. Anh ta đã sợ ông Thiên-Hộ lên tỉnh mà cáo về vụ anh ta bắt Ánh-Nguyệt, bởi vậy thấy mặt ông Thiên-Hộ thì anh ta biến sắc, lật-đật cúi đầu, rồi bước vô bẩm nhỏ-nhỏ việc chi với quan Án, không rõ được.

Quan Án ngồi thẳng mà nói rằng: "Có Thiên-Hộ lên đó hay sao? Mời ông vào, đi mời ông vào uống nước chớ."

Ông Thiên-Hộ thụt đầu ra đứng núp cánh cửa. Phạm-Kỳ bước ra thưa rằng quan Án cho mời ông, và nói và nắm tay ông mà kéo vô. Ông Thiên-Hộ lấy làm bối rối song cùng thế ông không chối từ được, nên bất đặc dĩ ông phải theo Phạm-Kỳ mà bước vô.

Quan Án đứng dậy chào hỏi, coi bộ niềm nỡ lắm. Quan Án cứ mời ông Thiên-Hộ lên bộ ván giũa ngồi chung với ngài mà uống nước. Ông Thiên-Hộ khiêm nhượng không dám ngồi, xin cho ngồi nơi bộ ván bên tả đó mà thôi. Quan Án ép không được, cùng thế phải vừa theo ý ông song ngài hối lính hầu bưng bình nước với bộ chén đem qua mà mời ông giải khát.

Quan Án hỏi ông Thiên-Hộ rằng:

- Ông lên tỉnh có việc chi?

- Bẩm quan lớn, tôi đi mua đồ vặt chút đỉnh, nhơn dịp ghé thăm quan lớn.

- Á, ruộng ông năm nay lúa tốt hay không?

- Bẩm, tốt.

- Trúng mùa hoài, lúa ông biết làm việc gì cho hết.

- Bẩm, không biết.

- Nếu dùng không hết, để mục còn gì?

- Bẩm, không mục.

- Nếu không mục cũng ẩm chớ?

- Bẩm. không ẩm.

Quan lớn thì muốn nói chuyện, mà ông Thiên-Hộ mắc ngó chăm bẳm người mang gông đứng trước đó, bởi vậy ông trả lời cụt ngủn, làm cho quan Án buồn trí hết muốn nói nữa.

Ông Thiên-Hộ nhìn phạm-nhơn hình dạng mặt mày giống hịch mình ngày trước, ông lấy làm cảm xúc, nên trong lòng bưng-khuân, ngoài mặt bợ-ngợ, hết biết chuyện gì mà nói với quan Án nữa.

Quan Án hút thêm vài hơi thuốc rồi nói với ông Thiên-Hộ rằng: "Tôi làm quan thuở nay mới xử một vụ nầy kỳ hơn hết. Phạm nhơn tên là Lê-văn-Ðó, mà nó cứ chối hoài." Ông Thiên-Hô đáp rằng:

- Không biết chừng người ta bắt lầm nó, chơ nó không phải tên đó.

- Không lầm được. Ông ngồi đó nghe chơi. Ðể tôi đối chứng cho ông coi.

Quan Án liền day lại hỏi phạm-nhơn rằng: "Mi khai tên mi là Tư Hoành, họ Nguyễn phải hôn? Mi khai gian, tội mi còn nặng hơn nữa. Ta không thèm cãi với mi, ta để cho mấy người biết mi họ nhìn coi mi là Hoành hay là Ðó rồi sẽ biết." Quan Án nói dứt rồi liếcngó Phạm-Kỳ.

Phạm-Kỳ thấy ông Thiên-Hộ không nhắc tới việc Ánh-Nguyệt, thì hết lo sợ nữa, nên xốc ra rất mạnh-mẽ mà nói với phạm-nhơn rằng: "Ðể ta nói gốc tích của mi cho mi nghe. Mi tên là Lê-văn-Ðó, gốc ở huyện Tân-Hòa. Hồi nhỏ mi ăn trôm một trã cháo heo, bị án 5 năm tù. Ta dẫn mi lên rừng đốn củi, mi trốn nên bị chồng án thêm 5 năm cọng là 10 năm. Sau mi trốn một lần nữa, bị bắt và chồng án thêm 10 năm nữa, cọng là 20 năm. Khi mi mãn tù rồi, quan thả cho mi về xứ, mi vào một cảnh chùa nào đó, ta không nhớ, mi ăn cắp đồ của chùa, rồi mi lại giựt một nồi cơm của hai vợ chồng tên ăn mày nào đó nữa. Quan có tập nã bắt mi, mà tìm không gặp, rồi kế có giặc nên không ai lo kiếm mi nữa. Sự tích của mi ta biết rõ hết, mi chối không được đâu."

Trong lúc Phạm-Kỳ nói thì phạm-nhơn đứng bơ-bơ, nhướng mắt hả miệng mà nghe, rồi lại chúm-chím cười, không cãi lẽ chi hết.

Phạm-Kỳ nói tiếp rằng: "Hồi mi ở trong khám, ta dẫn mi đi làm công việc mỗi ngày, lẽ nào ta quân mi được hay sao mà mi chối. Mi phải lạy quan lớn mà thú thiệt đi, hoặc may quan lớn dung chế cho chút đỉnh mà nhờ."

Phạm-nhơn cười ngỏn-ngoẻn, ngó Phạm-Kỳ rồi ngó quan Án, song không nói tiếng chi hết.

Phạm-Kỳ nổi giận đưa tay muốn đánh. Quan Án nói rằng: "Mặc kệ nó, đánh nó làm gì. Ðể đối chứng xong rồi, mà nó còn chối nữa, thì sẽ hành hình nó." Phạm-Kỳ nghe nói như vậy thì không đánh, song thò tay nắm cánh tay phạm-nhơn mà dặt hai ba cái rồi nói rằng: "Mi chịu mi là Lê-văn-Ðó hay chưa, hử? Còn chối nữa hay thôi?"

Phạm-nhơn không buồn, mà cũng không sợ chi hết, đứng ngó dáo-dác rồi nói rằng: "Lê-văn-Ðó gì đâu? ... Ai biết ... Ta nói ta tên Hoành mà."

Quan Án cười ngất rồi nói rằng: "Thằng tê khôn quá! Nó làm bộ điên khùng đặng khỏi tội. Mi điên chớ ta có điên bao giờ đâu. Mấy tên tội nhơn đâu, bây ra từ đứa mà nhìn thử coi."

Ba tên tội nhơn đứng phía bên tay mặt ứng tiếng lên dạ một lượt. Tên Thà bước ra trước thưa rằng: "Bẩm quan lớn, thằng nầy là thằng Ðó chớ ai; nó ngủ chung một sập với tôi năm sáu năm trường, tôi quên nó sao được."

Tên Tánh bước ra nữa mà thưa rằng: "Bẩm quan lớn, nó là thằng Ðó. Nãy giờ tôi nhìn kỹ rồi, nó làm bộ khật-khùng đặng chối cho dễ; mà nó làm bộ với ai kìa, chớ mấy anh em tôi ở chung một khám với nó, nó làm bộ lạ sao cho được."

Tên Lãnh bước tiếp ra nữa, rồi lại gần nắm tay phạm-nhơn mà nói rằng: "Ðó, mầy thú thiệt đi còn chối chi nữa, mậy. Mầy chối bây giờ mầy khỏi hay sao? Chịu đi."

Phạm-nhơn đứng ngó 3 người ấy trân-trân một hồi rồi nói rằng: "Chịu giống gì? ... Ai biết Ðó gì đâu? ... Ta nói ta là tư Hoành mà ... Ta ở Rạch-Kiến biết hôn. Rạch-Kiến chỗ cô ta ở đó: hông trước ta đi phát về, đi ngang qua vườn người đó, ta thấy trái mãn-cầu chí ta leo vô hái ăn chơi. Họ bắt họ đánh ta dữ. Nhà đó là nhà tên Ðó hay sao?"

Phạm-Kỳ trợn mắt nạt rằng: "Ðừng nói bậy! Tên Ðó là mầy đây nè!"

Phạm-nhơn cứ cười ngỏn-ngoẻn, mà cũng không chối cãi.

Quan Án tằng-hắng rồi phán rằng: "Thôi, đủ bằng cớ rồi, nó chối mặc kệ nó. Ta cứ chiếu luật triều-đình mà lên án. Lê-văn-Ðó, ta nói cho mi biết, vì mi phạm tội ăn trôm đã bị án 20 năm, khi mãn tù mi tái phạm, ăn cắp của chùa, giựt của ăn mày thì tội mi phải đày chung thân. Nay mi còn ăn trộm một trái mãn-cầu của người ta mà ăn nữa, vậy ta xử tội mi phải bị an trảm giam hậu. Lính đâu, bây dẫn nó xuống khám đi, đợi triều đình phê án rồi sẽ đày nó vô Hà-Tiên."

Hơn mười tên lính dạ rân rồi áp ra dẫn phạm-nhơn đi.

Ông Thiên-Hộ đi lên tỉnh dọ coi quan kêu án người thế tội cho mình đó thế nào, chớ không phải quyết lên coi xử; chẳng dè lên đến tỉnh lại gặp quan đương xử, muốn bỏ đi ra, lại đi không đành, muốn lén mà coi, lại bị quan mời vô. Ông ngồi coi xử, ông thấy phạm-nhơn khùng-khịu, lòng thì ngay, mà trí thì tối, nên không biết lời lẽ mà đối đáp với người ta, thì ông lấy làm cảm xúc bồi hồi. Khi ở nhà ông đã quyết liều một người để cứu ngàn người, mà đến đây ông thấy mặt kẻ chịu oan thì ông thương tâm, nên ngồi coi mà mặt mày tái lét, cứ hỏi trong trí rằng: có nên để cho người khùng nầy chịu án oan, đặng mình an hưởng phú quí hay không? Ðến chừng ông nghe quan Án định án trảm giam hậu người khùnh ấy, rồi lính áp lại dẫn đi, thì ông cảm động quá, dằn trí không được nữa, nên ông đứng dậy đưa tay mà nói lớn lên rằng: „Khoan! lính khoan dẫn người đó. Oan cho người ta lắm. Thiệt Lê-văn-Ðó là tôi đây, chớ không phải người ấy đâu." Ông lại day vô mà bẩm với quan Án rằng : " Bẩm quan lớn, Phạm-Kỳ với mấy tội nhơn đều nhìn lầm hết thảy. Xin quan lớn làm án lại mà tha người ấy, chớ xử như vậy thì oan ức cho người ta, tội nghiệp lắm."

Quan Án, Phạm-Kỳ cùng quân lính ai nấy đều chưng hửng, cứ nhìn nhau trân-trân. Còn ông Thiên-Hộ nói dứt lời rồi, ông liền xá quan Án mà đi ra. Ông ra khỏi dinh quan Án, thì mặt trời đã lặn mất rồi. Ông xâm-xâm đi riết xuống mé sông, xăn áo nhảy xuống xuồng rồi hối sáu Tâm bơi đi về cho mau.

Khi ông Thiên-Hộ đi rồi, quan Án mới tỉnh ngộ. Ngài dạy Phạm-Kỳ phải giữ phạm-nhơn là Tư Hoành lại đó, để ngài quá báo sự nầy cho quan Tổng-Ðốc hay coi quan Tổng-Ðốc định đạt lẽ nào. Ngài đi một hồi lâu rồi ngài trở về, dạy quan Kinh-Lịch làm án Tư Hoành một năm tù. Người lại viết tờ sai lính đi đòi Tri-Huyện Bình-Dương là Từ-hải-Yến đến hầu lập tức.

Từ-hải-Yến thi đậu cử nhơn hồi năm tân-mão, mà đến năm đinh-dậu mới được bổ đi ngồi Tri-Huyện Bình-Dương. Khi được tờ của quan Án đòi thì Hải-Yến tức tốc đến hầu liền. Quan Án dạy Tri-Huyện Từ-hải-Yến với suất đội Phạm-Kỳ phải hiệp nhau đi xuống Cần-Ðước bắt cho được Lê-văn-Ðó mà giải nạp.

*

* *

Trời mưa rỉ-rả gió thổi lao-rao. Ông Thiên-Hộ ngồi trong xuồng cho sáu Tâm bơi về, trong trí ông mắc lo tính nên quên che dù, bởi vậy đầu cổ áo quần đều bị mưa ướt loi ngoi lót ngót.

Gần hết canh một, xuồng về tới xóm ghé hồi trưa. Sáu Tâm vừa muón bơi vô đặng trả xuồng cho người ta rồi sang qua ghe mình mà về, ông Thiên-Hộ cãn không cho ghé, biểu bơi riết đưa ông về tới nhà rồi sẽ trở lên trả xuồng vả đổi ghe.

Mưa đã dứt hột, trăng đã ló mọc nhưng vì bị mây áng nên không tỏ. Ông Thiên-Hộ ngồi cứ ngó ngay trước mũi xuồng không nói chuyện vãn chi hết, chỉ lâu lâu ông thôi thúc sáu Tâm bơi cho mau mà thôi.

Vừa bước qua đầu canh ba, thì xuồng ông đả về tới bến. Trong mấy tòa nhà của ông, đâu đó đều im-lìm ngủ hết. Ông bước lên bờ rồi lằm lủi đi vô nhà. Khi ông bước tới cửa, Bạch-Thị nghe đồng đất thì lên tiếng hỏi coi ai đó. Ông đánh tiếng lên, Bạch-Thị biết tiếng ông, nên lật đật bước ra mở cửa. Bạch-Thị thấy quần áo ông ướt loi-ngoi, thì lấy làm kỳ, nên trở vô lấy một bộ áo quần khô cho ông thay.

Ông không kể áo quần, lại hỏi Bạch-Thị rằng :

- Ngày nay con Ánh-Nguyệt ở nhà bịnh nó có bớt được chút đỉnh gì hay không?

- Thưa, coi bộ nó không bớt. Từ hồi trưa cho đến tối, nó mê sảng nằm nói xàm hoài. Nó cứ theo hỏi ông đi đâu, rồi một lát nó năn nỉ xin đi rước giùm con nó, tôi với ông thầy thuốc không biết làm sao mà trả lời, nên phải nói dối rằng ông đã đi rước con nó rồi, mai mốt ông mới về. Nó nghe nói như vậy thì bộ nó mừng lắm, nó theo căn dặn hễ ông rước con nó về tới thì dắt liền con nó xuống nhà nuôi bịnh đặng nó thấy mặt con nó cho mau. Nó nói hễ nó thấy mặt con nó thì nó mạnh liền.

- Vậy chớ ông sáu Thới chưa về hay sao?

- Thưa, chưa.

- Ổng đi từ hồi trưa hôm qua ....

Ông Thiên-Hộ nói có nửa câu, rồi ông châu mày ủ mặt, ông đứng suy nghĩ một dây lâu rồi mới nói tiếp rằng : "Thôi, thím đi nghỉ đi. Ðể cửa đó cho tôi"

Bạch-Thị vưng lời vào buồng riêng ngủ.

Ông Thiên-Hộ chong đèn, ngồi trên ván ngó ra cửa, không nói chi hết, mà nước mắt chảy ròng ròng. Công phu mười năm nay gầy nên sự nghiệp nầy, té ra không ích chi hết! Thân mình trở vô chốn lao tù, dầu cực khổ chẳng sá chi, ngặc vì bầy con nít mồ-côi đây, từ rày còn ai mà dưỡng nuôi dạy dỗ chúng nó? Những người già cả bịnh hoạn có chỗ đâu nữa mà nương nhờ? Sắp tá-điền thiệt thà còn ở đây được nữa mà cày cấy nuôi cha mẹ vợ con, hay là phải bị đuổi đi tứ tán rồi chịu nghèo nàn đói rách? Còn thân con Ánh-Nguyệt biết làm sao đây? Mình đã quyết cứu nó đặng chuộc tội, vì mình mà nó phải nhơ danh xủ tiết, vậy mà biết cứu nó được hay không? Mình đã hứa chộc con nó đem về trả cho nó, mà bây giờ ông sáu Thới chưa về tới, còn quan trên chắc họ đã sai người xuống bắt mình, ví như một chút nữa đây họ tới họ bắt mình thì làm sao?

Ông ngồi lo tới tính lui, suy đi xét lại, song ông chẳng hề ăn-năn sự ông ra chịu thiệt đặng cứu Tư Hoành bao giờ. Ông lo tính một hồi rồi ông đứng dậy cầm đèn đi vô buồng. Ông để cái đèn trên ghế, dựa bên bình trà với bộ chén. Ông vừa thấy vật ấy thì ông sực nhớ tới Hòa-Thượng Chánh-Tâm, mà chừng nhớ tới Hòa-Thượng Chánh-Tâm, thì ông nhớ tới những lời từ-bi của ngài giảng dạy. Các vật ở dương-thế nầy đều là tro bụi, kiếp sống mấy mươi năm đây ví như giấc chiêm-bao. Mấy năm nay Trời Phật khiến mình phải cứu giúp chúng sanh, nên mình làm. Ngày hôm nay Trời Phật muốn cho mình phải lao khổ đặng trả cho tròn nợ cũ, thì mình chịu, có chi đâu mà mình lo buồn. Nếu mình còn buồn, té ra mình chưa thoát khỏi tam chướng, vậy thì Hòa-Thượng giảng dạy mình ngày trước có bổ ích chi đâu. Thôi, còn cũng vậy, mà mất cũng vậy, sướng cũng vậy, mà cực cũng vậy, còn cứu giúp thiên-hạ được nữa cũng nhờ Phật Trời, kiếp trần ai nầy dầu thế nào cũng được, miễn là mình toàn vẹn phận làm người thì thôi.

Ông suy nghĩ như vậy rồi ông hết buồn hết lo, mặt mày coi thơ-thới, chớ không ủ-dột như hồi nãy nữa. Ông lần bước đi ra đứng tại cửa mà ngó ra sân. Mây giăng đen kịt hồi hôm, bây giờ đã tan rã hết, nên bầu trời trắng trong ; trăng lu-lu lờ-lờ hồi hôm, bây giờ đã tỏ rạng, nên dọi cây cỏ sáng trưng.

Ông đứng ngắm cảnh vật một hồi, chẳng hiểu ông suy nghĩ thế nào, mà ông lại xăm-xăm đi ra nhà sau, kiếm lấy một cái cuốc rồi xách đem vô buồng. Ông rinh cái giường ông ngủ đem ra xa tấm vách chỗ đầu nằm, rồi ông mới lấy cuốc mà cuốc đất. Ông cuốc năm bảy cái, thì thấy lòi lên hai cái ché[2]. Ông bỏ cuốc, lấy tay hốt đất và moi riết rồi bưng hai cái ché đem lên. Ông giở nắp ché, thì thấy hai cái đều đựng bạc nén, cái nào cũng gần đầy. Ông bước lại ghế lấy bộ chén chung bỏ vô một ché, và lấy cái bình tích bỏ vô cái ché kia nữa, rồi đậy nắp lấy dây ràng lại cứng ngắt.

Trống ngoài đồn đã trở canh năm. Ông để hai cái ché bạc tại đó, ông đi xuống bến mà thăm chừng. Chiếc xuồng ông về hồi nãy đã đi đâu mất rồi, chắc là sáu Tâm bơi đi trả đặng lấy ghe đem về. Gần đó may có một chiếc ghe lường, đã có sẵn chèo sẵn sào, lại không có đứa nào ngủ mà giữ. Ông thấy vậy lấy làm mừng, ông liền trở vô nhà. Ông khỏa đất lấp cái lỗ ông mới đào hồi nãy đó lại, ông lấy gót chơn mà nện dẽ đăt, rồi ông nhắc cái giường để lại y như cũ. Các việc xong rồi, ông mới kê vai vác từ ché bạc mà đem xuống ghe. Ông vác hai lần thì rồi, mà không ai thấy hết.

Tuy ông nhổ sào gay chèo êm-ái, không ai hay, nhưng mà trước khi xô ghe ra, ông đứng ngó quanh-quất, ông lóng tai nghe tứ hướng, thấy đâu đó đều im-lìm, rồi ông mới cất mái chèo mà chèo. Ghe ra tới sông lớn, ông cạy[3] mà đi xuống dưới phía rừng sát. Ông chèo cho tới sáng bét, gặp một cái vàm rạch nhỏ, mà hai bên vàm có hai cây đước lớn, ông bèn quay ghe vô vàm. Rạch thì quanh co khó đi, mà hai bên mé lại vẹt[4], cóc, bần mọc xen lộn với nhau, nhánh giao đu, lá rậm rợp, bởi vậy ghe chèo trong rạch mà cũng như chun trong hang.

Ông không chèo được nữa, nên phải buông chèo lấy sào mà chống. Ông chống quanh qua, quẹo lại, đếm đủ 5 khúc rồi, ông mới chui mũi vô cái doi[5] bên tay mặt. Ông cắm sào nhảy lên rừng, vẹt ô-rô[6], cóc-kèn[7] mà đi. Ông và đi và đếm đủ 50 bước, rồi ông đứng mà ngó tứ hướng. Phía nào vẹt, cóc cũng mọc dày, cây nào cũng coi sum-sê.

Ông nhắm phía một hồi rồi trở xuống ghe vác một ché bạc và xách cái cuốc đem lên chỗ đó. Ông lấy cuốc đào một lỗ rất sau, bưng ché bạc mà để xuống đó, rồi mới lấp đất khỏa mặt bằng thẳng. Ông nhắm ngay rrước mặt đi mười bước nữa, rồi đào một cái lỗ khác cũng như cái lỗ hồi nãy. Lỗ đào xong rồi, ông kiền trở xuống ghe vác ché bạc thứ nhì đem lên mà chôn nữa.

Ông đứng nhắm tứ hướng, coi bộ như ông nhìn mấy cây chung quanh đó, rồi ông mới vác cuốc trở xuống ghe. Ông chống trở ra vàm mà về. Ông về tới nhà thì mặt trời đã cao quá nửa buổi.

Ông Thiên-Hộ đi giấu bạc trở về, vừa bước vô nhà thì kêu Bạch-Thị mà hỏi rằng :

- Ở nhà có ai đến hỏi thăm tôi hay không?

- Thưa, không.

- Từ sớm mơi cho tới bây giờ, coi bộ con Ánh-Nguyệt có bớt chút nào hay không?

- Thưa, nó cũng vậy. Nó cứ hỏi ông về chưa. Tôi nói dối chưa về.

- Ông sáu Thới về hay chưa?

- Thưa, chưa thấy.

- Ði sao mà lâu quá.

Ông Thiên-Hộ châu mày nhăn mặt, rồi xây lưng đi riết xuống nhà dưỡng bịnh. Bữa ấy trong nhà dưỡng bịnh duy có một mình Ánh-Nguyệt mà thôi ; lương-y Sanh mắc đi coi mạch cho một người tá điền ở trong ngọn, còn Hồng-Thị thì mắc săn-sóc cho sắp nhỏ mồ-côi. Ông bước vô, thấy Ánh-Nguyệt nằm day mặt ra cửa, hình vóc ốm teo nhách, mặt mày nóng đỏ au, môi miệng khô queo. Ông đi nhẹ nhẹ lại gần, ông lấy tay rờ trán nàng. Ánh-Nguyệt nhướng mắt ngó thấy ông, vùng ngồi dậy hỏi rằng: "Ông mới về phải hôn? Ðâu? Con nhỏ tôi đâu?"

Ông Thiên-Hộ lấy làm bối-rối, không biết lời chi mà đáp. Ánh-Nguyệt thấy ông làm lơ, nàng bèn chấp tay xá ông và khóc và nói rằng: "Tội nghiệp cháu lắm ông ôi! Xin ông làm phước cho cháu thấy mặt con cháu một chút, rồi chết cũng mát ruột."

Ông Thiên-Hộ ứa nước mắt mà đáp rằng :

- Con nhỏ còn đi sau, nó chưa về tới.

- Nó đi với ai? Sao ông không cho nó đi với ông một lượt?

- Nó đi ghe khác với ông sáu Thới.

- Té ra ông đi với ông sáu Thới mà rước nó hay sao?

- Ừ.

- Ghe của ông sáu Thới chừng nào mới tới?

- Cháu nằm xuống mà nghỉ đi, trưa hoặc chiều ghe mới tới.

- Lâu quá.

Ánh-Nguyệt khóc, nước mắt nước mũi chàm-ngoàm. Nàng ráng chống tay nằm xuống rồi nói rằng : "Hễ con nhỏ của cháu về tới, ông làm phước dắt nó vô đây cho cháu thấy mặt nó liền, nghe hôn ông". Ông Thiên-Hộ gặt đầu. Bạch-Thị ở ngoài bước vô nói nhỏ với ông Thiên-Hộ ít tiếng, không biết nói chuyện chi. Ông Thiên-Hộ quày quả trở ra, rồi đi thẳng lên nhà. Ông vô cửa thấy ông sáu Thới đứng chờ tại đó, ông liền hỏi rằng :

- Con nhỏ đâu?

- Thưa, rước không được.

- Húy! Sao vậy?

- Vợ chồng thằng Ðỗ-Cẩm khốn nạn lắm. Năm ngoái tôi lên nói chuyện con Ánh-Nguyệt nghèo khổ, tôi xin vợ chồng nó làm phước cho tôi rước, chừng nào con Ánh-Nguyệt làm ăn khá thì sẽ đem tiền lên mà huờn công nuôi dưỡng cho nó. Vợ chồng nó không chịu, buộc phải đem ít nữa là năm bảy quan mà chuộc. Bây giờ tôi đem 7 quan, nó thấy có tiền lại làm khó ; nó nói có lời giao nuôi con nhỏ mỗi tháng một quan. Nó nuôi 27 tháng, tính tiền cơm là 27 quan. Còn con nhỏ đau mấy trận, chạy thuốc hết 10 quan, và may áo quần cho con nhỏ hết 10 quan nữa, cọng hết các hạng là 47 quan. Phải đủ 47 quan nó mới cho rước con nhỏ. Túng thế tôi trao hết 10 quan tiền mà năn nỉ với nó. Nó lấy 10 quan tiền rồi mà cũng không cho bắt, bắt phải đem thêm 37 quan nữa mới được. Quân ác-nghiệt mà lại trận thượng quá! Tôi năn-nỉ hết sức mà cũng không được. Tôi sợ ông trông, nên lật đật trở về cho ông hay.

- Nó thêm 37 quan, thì đem đủ mà trả cho nó, chớ hại gì. Ngặc con Ánh-Nguyệt bịnh nặng nó theo đòi con nó hoài biết làm sao mà nói với nó bây giờ? Tôi sợ nó chết gắp, không thấy mặt con nó được.

Ông sáu Thới nghe nói như vậy thì chảy nước mắt. Ông Thiên-Hộ kêu Bạch-Thị biểu lấy 37 quan tiền mà trao cho ông sáu Thới. Ông nói rồi thì ông đứng suy nghĩ giây lâu rồi nói với ông sáu Thới rằng :

- Ðem đủ số tiền mà chuộc con nhỏ. Chừng ông rước nó về tới đây, như ông nghe mẹ nó còn sống thì ông cho mẹ con nó gặp nhau, song ông cũng bảo bọc giùm cho mẹ con nó. Còn như ông trở về đây mà rủi con Ánh-Nguyệt có chết rồi, thì ông đem con nhỏ về nhà ông nuôi dưỡng giùm cho tôi. Hồi trước tôi cứu ông khỏi chết chìm, ông nói ông không biết làm sao mà đền ơn cho tôi. Ông bảo bọc giùm con nhỏ đó, là ông đền ơn cho tôi. Vậy xin ông phải gắng công giùm.

- Thưa ông, bảo bọc mẹ con con Ánh-Nguyệt thì tôi phải lo tự nhiên, làm như vậy có can hệ gì đến ông mà ông nói rằng tôi trả ơn cho ông. Mà việc đó để tôi về tới đây rồi sẽ tính, cần gì ông phải dặn trước.

- Tôi sợ chừng ông về tới đây, ông không gặp tôi nữa.

- Sao lại không gặp? Ông tính đi đâu hay sao?

- Ừ.

- Ông có đi thì trong ít bữa rồi ông cũng về chớ.

- Không biết chừng tôi lâu về lắm. Trong lúc không có tôi, ông phải lo bảo bọc giùm mẹ con con Ánh-Nguyệt cho tôi.

- Dạ, tôi vưng. Mà bây giờ ông cho phép tôi thăm con Ánh-Nguyệt một chút, được hay không?

- Húy, không được.

- Sao vậy?

- Hồi nãy tôi có nói dối với nó rằng trưa chiều gì đây ông sẽ rước con Thu-Vân về tới. Nếu nó thấy ông, mà không có con nó, tôi sợ nó buồn rầu rồi làm xung, thuốc đâu mà cứu nó cho kịp.

- Hổm nay nó đau mà tôi không thấy mặt nó, tôi buồn qua. Xin ông cho tôi thăm nó một chút mà thôi. Không có sao đâu mà sợ. Việc thiệt cứ nói thiệt với nó, thà là làm cho nó để ý trông con đôi ba ngày nữa, đặng lương-y thừa dịp ấy mà điều trị cho nó, chớ nói trưa chiều sẽ có con nó, mà nó không thấy rồi nó rầu, sợ e nó chết gắp còn gì.

- Ông nói nghe cũng có lý. Vậy thôi, như ông muốn nói thiệt với nó thì ông đi theo tôi.

Hai người dắt nhau đi xuống nhà nuôi bịnh. Khi bước ra khỏi cửa ông Thiên-Hộ thấy Bạch-Thị đương đếm 37 quan tiền đặng có giao cho ông sáu Thới, thì ông đứng lại châu mày rồi nói rằng : "Thím vô lấy thêm cho đủ một trăm quan cho ổng. Thím chồng cho sẵn tại đây, rồi một lát nữa ông trở lên ổng vác." Ông Thiên-Hộ day lại mà nói với ông sáu Thới rằng :

- Ông lấy một trăm quan tiền nầy đem về mà cất. Ông đem 37 quan mà chuộc con Thu-Vân, còn lại bai nhiêu thì ông để dành mà nuôi mẹ con nó.

- Thưa ông, nội 37 quan thì đủ. Như ông muốn cho mẹ con nó bao nhiêu thì chừng con Ánh-Nguyệt mạnh rồi ông sẽ cho nó, chớ ông đưa cho tôi làm chi.

- Ông cứ việc cất đi, đừng ngại chi hết. Ông thăm nó một chút rồi trở lên vác tiền xuông ghe mà đi liền đi. Nếu ông về mau thì có lẽ ông còn gặp tôi.

Hai người nói với nhau có bao nhiêu đó thì đã vô tới cửa nhà nuôi bịnh. Ánh-Nguyệt dòm thấy ông sáu Thới thì nàng chống tay ngồi dậy và cười và nói rằng : "Con tôi về tới rồi, may lắm. Con ôi! má đây con ; má trông con quá." Nàng nói tía-lia mà cặp mắt lại liếc dòm ngoài sân, vì nàng tưởng ông sáu Thới đi vô trước, còn con Thu-Vân còn đứng ngoài. Ông Thiên-Hộ lấy làm đau đớn trong lòng, nên ông xây mặt chỗ khác, không dám ngó Ánh-Nguyệt.

Ông sáu Thới thấy Ánh-Nguyệt ốm teo, thì ông khóc ròng và bệu-bạo nói rằng : "Cháu ôi! vợ chồng thằng Ðỗ-Cẩm khốn nạn lắm. Hồi trước nó đòi 7 quan, ông đem tới 10 quan lên ông chuộc con Thu-Vân ; nó lấy tiền rồi nó làm trận làm thượng đòi thêm 37 quan nữa nó mới cho rước con Thu-Vân. Ông phải trở về đây mà cho ông Thiên-Hộ hay. Ông Thiên-Hộ mới đưa tiền cho ông rồi, một lát nữa ông đem lên đủ số mà chồng cho nó. Vậy cháu phải ráng mà uống thuốc. Ông hứa chắc chiều mai ông sẽ đem con Thu-Vân về tới đây cho cháu."

Ánh-Nguyệt ngồi ngó sững ông sáu Thới mà nước mắt chảy ròng ròng. Nàng lắc đầu nói rằng: «Ông cũng nói gạt cháu nữa! Ai cũng nói gạt cháu hết thảy! Tội nghiệp cháu lắm mà! Hồi nãy cháu nằm chiêm bao thấy con Thu-Vân về tới rồi, nó chơi với sắp nhỏ ngoài sân, mà cháu kêu nó không chịu vô. Ông nói gạt cháu chi vậy ông? Ông làm phước ra kêu nó vô cho cháu thấy mặt nó một chút mà. »

Ông sáu Thới lắc đầu đáp rằng : « Ông nói gạt cháu làm chi. Nếu ông rước được nó về tới, thì ông dắt nó vô cho mẹ con gặp nhau, chớ sao lại bắt nó ở ngoài sân. Cháu phài nghe lời ông, cháu nằm xuống mà nghỉ. Bây giờ ông có đủ số tiền rồi, để ông lên Vũng-Gù trả cho Ðỗ-Cẩm rồi rước nó mới được. »

Lúc ấy sắp nhỏ mồ-côi đương chơi ngoài sân cười giởn om sòm. Ánh-Nguyệt ngồi im-lìm, lóng tai mà nghe, rồi day qua bên ông Thiên-Hộ và nói rằng : « Thưa ông, tội nghiệp cháu lắm mà! Cháu nghe tiếng con Thu-Vân cười ngoài sân kia, ông giấu cháu chi vậy? Ông làm phước kêu giùm nó vô cho cháu thấy mặt một chút mà. Hễ cháu thấy mặt được con cháu thì cháu mạnh liền ... »

Ông Thiên-Hộ vừa bước lại gần Ánh-Nguyệt mà khuyên dỗ thì thấy có bóng hai người bước vô cửa. Ông lật-đật day lại thì thấy có một người trai, y-phục đoan-trang, vô trước, còn suất-đội Phạm-Kỳ nối gót theo sau. Ông biến sắc, đứng khựng dựa bên giường Ánh-Nguyệt và trợn mắt hỏi rằng : « Ði đâu? »

Người trai ấy xốc tới nói rằng : « Ta là quan Tri-Huyện Bình-Dương, vưng lịnh quan Án đến bắt mi. Mi phải đưa tay chịu trói cho mau. » Ông Thiên-Hộ nạt rằng : « Ði ra ngoài, chờ một chút nữa không được hay sao! »

Ánh-Nguyệt ngó sững Từ-hải-Yến rồi vùng bước một chơn xuống đát, chờn vờn hai tay, và la lớn rằng : « Hải-Yến! Mi tới đây làm gì? Mi làm Tri-Huyện rồi há! Mi là quân vô tình vô nghĩa, làm cho nhơ danh xủ tiết ta, làm cho mẹ con ta cực khổ trôi nổi mấy năm nay, mi làm Tri-Huyện mặc kệ mi, ta chết mặc kệ ta, mi còn thấy mặt ta chi nữa? Mi là đồ khốn kiếp. »

Từ-hải-Yến nhìn biết Ánh-Nguyệt thì biến sắc, nên vội vã bước lui lại một bước, rồi hô lớn rằng : Ông Ðội, bắt Lê-văn-Ðó dẫn về đồn đi. »

Phạm-Kỳ xốc tới mà nắm cổ ông Thiên-Hộ mà kéo. Ông sáu Thới không hiểu chuyện gì, thấy Ánh-Nguyệt dám mắng Tri-Huyện rồi lại thấy ông Ðội dám nắm cổ ông Thiên-Hộ, bởi vậy ông kinh hãi, lật đật rút vô một góc đứng run lập-câp. Ánh-Nguyệt đương giận Hải-Yến, mà Hải-Yến xuối Phạm-Kỳ bắt ông Thiên-Hộ nữa, thì nghẹn cổ không nói ra tiếng, nàng đưa tay mà cản, song tay run đỡ không nổi, bởi vậy nàng ú-ớ chờn vờn, rồi té ngửa, đít ngồi dưới đất đầu nghẻo trên giường, cặp mắt lộn thinh, miệng sôi bọt mồm bọt miếng.

Lúc Phạm-Kỳ nắm cổ ông Thiên-Hộ mà kéo thì ông Thiên-Hộ không chỏi lại, song ông không dùng tay mà cản. Ðến chừng ông thấy Ánh-Nguyệt té xỉu, ông dửng râu, xửng tóc chuyển tay mặt mà gạt ngang một cái mạnh quá, Phạm-Kỳ văng ra xa lắc. Ông trợn mắt ngó Hải-Yến với Phạm-Kỳ lườm-lườm và nạt rằng : « Quân bây là quân khốn nạn! Bây giết con Ánh-Nguyệt đó, thấy chưa? Ði ra ngoài. »

Phạm-Kỳ bị ông Thiên-Hộ gạt trúng cánh tay đau quá, nên nổi giận, nhảy xốc tới muốn bắt nữa. Ông Thiên-Hộ tràng qua, thấy có một cái chõng trống gần đó, ông giựt sứt một cái chõng rồi cầm trong tay chỉ Phạm-Kỳ mà nói rằng: "Thằng nào lại gần tao đánh nát đầu. Bây giết người ta rồi bây không thấy hay sao?"

Hải-Yến thấy ông Thiên-Hộ muốn làm dữ thì sợ, nên lật đật thối lui ra đứng tại cửa ngó. Phạm-Kỳ vẫn biết sức Lê-văn-Ðó mạnh-mẽ bằng hai ba người thường, nên cũng kiêng nể, và thối lui ra ngoài rồi kêu lớn rằng: "Lính đâu, áp vô đây."

Ông Thiên-Hộ cầm cây đứng ngó lườm-lườm, thấy lối 10 tên lính áp lại, song cũng đứng sau lưng Phạm-Kỳ với Hải-Yến, chớ không dám vô cửa. Ông bèn đi lại chỗ Ánh-Nguyệt tè ngồi đó, ông để khúc cây dưới đất, ông thò hai tay ẳm Ánh-Nguyệt mà để nằm trên giường. Ánh-Nguyệt trợn mắt lộn thinh, mặt mũi nước mắt chảy ướt mèm, tay chơn oặc oà oặc oại, mà đã tắt hơi rổi. Ông Thiên-Hộ chống hai tay trên thanh giường, cúi mặt ngay mặt Ánh-Nguyệt, nước mắt chảy nhểu xuống mặt nàng. Ông nói lầm thầm một hồi lâu, không ai rõ ông nói chuyện gì. Ông và nói và khóc một hồi rồi ông đứng dậy, lấy tay trái mà vuốt mặt Ánh-Nguyệt. Ông lại đưa tay mặt lên rồi ông ngước mặt lên rồi ông mới ngó lên nóc nhà. Ánh-Nguyệt nhắm mắt coi nằm như người ngủ.

Từ-hải-Yến đứng ngó trân trân, mà mặt mày xanh như chàm.

Ông Thiên-Hộ ngó quanh-quất, thấy ông sáu Thới đứng trong góc, tay chơn run bây bẩy, thì chỉ mà nói rằng: "Mấy lời tôi dặn ông đó, xin ông đừng quên. Ông phải thế cho tôi mà nuôi giùm con nhỏ. Ánh-Nguyệt chết rồi, vậy ông lên rước con nhỏ về thì để ở trên nhà ông đừng đem nó xuống đây." Ông nói dứt lời, ông cúi xuống ngó Ánh-Nguyệt một lần chót, rồi xăm-xăm đi lại cửa và nói với Hải-Yến và Phạm-Kỳ rằng: "Việc đã xong rồi. Bây giờ bắt buộc gì thì bắt đi."

Phạm-Ký nắm tay ông Thiên-Hộ rồi hai tên lính lấy dây trói lại mà dẫn đi. Hải-Yến ở lại đó với 5 tên lính và dạy lính phải coi chừng chung quanh nhà, đừng cho ai vô ra và đừng cho ai chuyển vận vật gì.

Quan Án-Sát đã làm án Lê-văn-Ðó trảm giam hậu, còn sự sản hết thảy đều nhập kho. Khi Phạm-Kỳ giải Lê-văn-Ðó lên tới tỉnh thì quan Án liền hạ ngục, chờ triều-đình phê án rồi mới giải vô Hà-Tiên.

Cách vài năm sau, ông Ðội Phạm-Kỳ đi lên tỉnh về, ông nói lại với các nhà thân hào trong xứ Cần-Ðước rằng có tờ của quan Tổng-Ðốc An-Hòa chạy lên nói Lê-văn-Ðó bị đày ở Hà-Tiên, hôm tháng trước có một chiếc ghe bị sóng to gió lớn nên chìm ở ngoài khơi, anh ta ngồi ghe nhẹ ra mà cứu vớt. Ghe của anh ta bị sóng nhận chìm luôn, nên anh ta cũng chết.

Ai nghe tin ấy cũng đều thương tiếc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro