Tieu Thuyet Ngọn Cỏ Gió Ðùa Hồ Biểu Chánh Chương 15-18

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

* Nghĩa nặng tình sâu

Chương 16

Tiết tháng hai, mặt trời chen lặng chói cây cỏ, chỗ đỏ-đỏ, chỗ vàng-vàng. Lúc gần tối, chim trở về rừng bay có bầy, tốp kéo ngang, tốp kéo dọc.

Trong xứ Cần-Ðước, tại chỗ ông Thiên-Hộ Trần-chánh-Tâm ở cách hai năm trước người ta xúm-xít đông đầy, nhà cửa cất chật đất, bây giờ người ta thưa thớt, nhà cửa lại tan-hoang. Mấy lẫm lúa hồi trước lẫm nào cũng vun-chùn, bây giờ trống trơn chứa gió chứa mưa, chớ không chứa lúa nữa. Mấy dưỡng đường hồi trước để nuôi người bịnh, chỉ thấy thằn-lằn rắn mối mà thôi. Trường học ngả nghiêng, nhà dưỡng lão hư sập. Cả ngàn nông phu đã tản lạc, hồi trước mười phần bây giờ còn không được ba phần. Trong sở ruộng ngày xưa cày cấy không bỏ sót một chỗ nào, bây giờ thấy gốc rạ từ khoảnh từ chòm, còn bao nhiêu thì cỏ mọc cao lên tới ngực.

Có một người cao lớn vậm-vỡ, tóc xấp-xải chấm hai vai, quần xà lỏn, áo cụt tay, thủng thẳng lội xa xa trong ruộng, mà đi ít bước rồi lại đứng ngóng dòm mấy tòa nhà của Thiên-Hộ Chánh Tâm ngày trước.

Mặt nhựt đã lặn mất rồi, một lát kế thấy nửa mặt nguyệt treo giữa bầu trời. Cây cỏ ruộng đồng lần-lần lu lờ mà người lội trong ruộng hồi nãy đó lại lần lần đi sát phía sau vuông rào của ông Thiên-Hộ. Nếu lúc ấy ai rình mà coi, thì ắt thấy người ấy ngó vô nhà, mà hai hàng nước mắt rưng-rưng. Ngặt vì trong nhà thấy đốt đèn leo lét mà không thấy dạng người vô ra, bởi vậy người ấy xẩn bẩn đi tới đi lui, cho đến hết nửa canh một rồi mới nhằm phía vàm rạch Cần-Ðước mà đi.

Người nầy chẳng phải là ai lạ, ấy là Lê-văn-Ðó, lúc thanh niên vì lén bưng một trã cháo heo tính đem về cho mẹ và cháu ăn đỡ đói, mà phải bị đày 20 năm. Khi mãn tù nhờ đợc nghe lời phải nên đổi lòng sửa tánh, cãi tên là Chánh-Tâm, thi ân bố đức, cứu khổ phò nguy, sau được triều đình phong chức Thiên-Hộ. Cách 2 năm trước, vì không để người thọ tội thế cho mình, nên mới xưng thiệt tên họ cho quan xử trảm giam hậu và đày vô Hà-Tiên. Nhơn vì đã nặng lời hứa sẽ bảo bọc con Thu-Vân thế cho Ánh-Nguyệt, nên ra thọ tội rồi lại lập mưu làm cho người ta tưởng mình đã chết, đặng lén trở về đây.

Lê-văn-Ðó nhắm phía vàm Cần-Ðước mà đi, song hễ đi ít bước thì quày đầu ngó ngoái lại chỗ mình ở hồi trước một cái, mà mặt mày buồn xo, dường như trong lòng còn tiếc hay là mến chỗ mình dày công sáng tạo. Anh ta đi đến trăng gần lặn, lên tới vàm Cần-Ðước, gặp một người câu hỏi thăm rồi đi lần lại nhà ông sáu Thới.

Trong nhà im-lìm, mà lại tối mò, Lê-văn-Ðó thấy có một gốc cây để ngoài sân, bèn lại đó mà ngồi. Ông sáu Thức dậy chống cửa bước ra sân. Lê-văn-Ðó vùng đứng dậy rất gọn-gàng. Ông sáu Thới giựt mình la bài-hãi hỏi rằng: „Ai đó?" Lê-văn-Ðó liền bước lại nói nhỏ-nhỏ rằng:

- Tôi. Xin ông đừng nói lớn.

- Tôi là ai?

- Tôi là Lê-văn-Ðó.

- Lê-văn-Ðó nào?

- Lê-văn-Ðó là Thiên-Hộ Chánh-Tâm, ông quên tôi hay sao?

- Húy! Mẹ ơi! Nói chơi hay hay sao chớ!

Ông sáu Thới và nói và đi xít lại gần đặng nhìn mặt, ngặt vì cặp mắt ông đã lờ rồi, mà trời thì lại còn tối, bởi vậy ông dòm mà không thấy rõ. Tuy vậy mà ông nắm tay Lê-văn-Ðó vô nhà và hỏi nhỏ rằng : « Vậy mà họ nói ông chết rồi chớ! Sao ông lại được trở về đây? »

Lê-văn-Ðó không trả lời, lại hỏi ông sáu Thới rằng :

- Con Thu-Vân còn ngủ phải hôn? Ðâu ông đốt đèn lên coi.

- Cha chả! Nhà tôi không có đèn. Tôi nghèo, hễ tối thì ngủ, đốt đèn làm chi cho tốn dầu tốn mỡ. Còn con Thu-Vân tôi rước nó không được.

- Sao vậy ông.

- Có tiền đau mà chuộc!

- Vậy chớ tiền tôi đưa cho ông hồi đó ông để làm gì?

- Ông biểu bà Bạch-Thị đếm cho tôi một trăm quan. Tôi chưa kịp vác, kế lính nó áp tới bắt ông, nó làm dữ quá, nó đuổi tôi về, rồi niêm nhà niêm cửa hết, tôi có lấy tiền được đâu.

Lê-văn-Ðó nghe nói như vậy thì chắc lưỡi lắc đầu, rồi ngồi khoanh tay thở ra, không nói chi nữa hết. Ông sáu Thới hỏi nữa rằng : « Mà ông làm sao được về đây? » Lê-văn-Ðó lặng thinh một hồi rồi nói rằng : « Tôi trốn, nên về đây tôi không dám cho ai thấy mặt. Vì tôi chắc ông không nỡ hại tôi, nên tôi mới dám vô nhà ông. Vậy ông dám giấu dùm tôi ít ngày hay không? »

Ông sáu Thới cười và đáp rằng : « Ông hỏi kỳ quá! Sao tôi không dám? Tôi nhờ ơn ông vớt tôi khỏi chết chìm năm trước nên tôi mới còn sống cho đến bây giờ đây. Nói cùng mà nghe, ví dầu tôi giấu ông trong nhà, mà quan có hay, họ bắt họ giết tôi đi nữa, thì tôi lại càng vui lòng, bởi vì tôi muốn đem thân già nầy mà thế mạng cho ông đặng tôi trả ơn ngày xưa, nên chết tôi có sợ chi đâu. Thân già nầy dầu còn hay là mất nghĩ cũng không ích lợi gì, chớ ông sống thì có ích cho nhiều người ; tôi tưởng trong xứ nầy chẳng luận là nhà tôi, dầu ông đến nhà nào họ cũng sẵn lòng giấu-giếm giùm cho ông hết thảy. »

Lê-văn-Ðó gặt đầu rồi hỏi rằng : « Hồi chiều tối tôi có lén về gần nhà tôi mà thăm coi những công nghiệp của tôi gầy-dựng hồi trước, bây giờ ra thể nào, tôi thấy nhà cửa xơ-rơ, nông phu tản lạc tôi buồn quá. Vậy chớ từ khi họ bắt tôi rồi họ làm sao đâu, ông nói lại cho tôi nghe thử coi. Quan Tri-Huyện là người đi với ông Ðội đó, có dạy chôn cất con Ánh-Nguyệt cho tử tế hay không? »

Ông sáu Thới nghe hỏi ông rất cảm động, bởi vậy ông nói bệu-bạu rằng : « Ông nhắc tới chuyện đó tôi buồn quá » rồi ông ngồi trên sập mà khóc rắm-rứt.

Nãy giờ hai người nói chuyện thầm trong nhà, vì trời còn tối, mà lại không có đèn, nên không thấy mặt nhau cho rõ. Ông sáu Thới khóc một hồi, trời đã sáng bét. Ông bước lại nắm tay Lê-văn-Ðó dắt ra cửa mà dòm mặt cho kỹ, thì thấy Lê-văn-Ðó cặp con mắt cũng ướt rượt. Ông nhìn rồi nói rằng : « Ông bây giờ coi ốm hơn hồi trước, mà da mặt da trán lại dùn nữa. Người như ông biết thương kẻ nghèo hèn, lẽ thì trời cho hưởng sung sướng mới phải, chớ sao lại khiến hoạn nạn cực khổ như vậy không biết. »

Lê-văn-Ðó không giống như người thường, nên nghe than như vậy mà không buồn, đứng nói hòa huởn rằng : « Kiếp trần nầy còn cũng vậy mà mất cũng vậy, sướng cũng vậy mà cực cũng vậy, tôi có sá chi đâu. Tôi về đến đây tôi thấy sự nghiệp của tôi hư hết, thiệt tôi buồn, nhưng mà tôi buồn chẳng phải là tiếc chức Thiên-Hộ hay là tiếc tiền tiếc của chi đâu, tôi buồn là vì tôi vừa ra khỏi nhà rồi thì đã thấy thiên-hạ không còn ai biết thương yêu cứu giúp con nhà nghèo nữa. Mà thôi, chuyện ấy nói không hay cùn, vậy ông thuật sơ công việc của tôi, trong 2 năm nay ở nhà họ làm làm sao, cho tôi nghe một chút. »

Lê-văn-Ðó nắm tay ông sáu Thới kéo trở vô nhà. Ông sáu Thới và đi và nói rằng : « Việc ấy nói lại nghe buồn lắm. Ông Ðội với lính bắt dắt ông đi rồi, thì quan Tri-Huyện dạy lính bao nhà hết thảy, cấm không cho ai ra vô. Tô sợ quá nên ngồi chồm hổm trong hốc, ngó cái thây ma của con Ánh-Nguyệt mà khóc. Ðến chiều có một cậu lính vô đuổi tôi ra. Tôi chỉ con Ánh-Nguyệt mà nói rằng cháu tôi nó chết còn nằm đó, xin cho phép tôi vác nó về tôi chôn. Cậu nạt tôi, biểu phải đi cho mau. Tôi ra ngoài rồi tôi lại xin phép lên nhà lớn mà vác một trăm quan tiền của ông cho tôi. Họ nhảy lại đạp tôi rồi xô đùa tôi đi. Tôi ra tới mé sông, tôi gặp Bạch-Thị, Hồng-Thị, thầy thuốc, thầy giáo đương ngồi chùm-nhum mà khóc. Mấy ông già bà già và sắp con nít mồ-côi đều bị đuổi ra hết thảy. Tôi hỏi thăm mới hay quan Tri-Huyện dạy đuổi ra hết, không cho ai ở trong sở của ông nữa. Ðêm ấy ngài coi cho lính đào xới cùng trong nhà ngoài sân đặng kiếm coi ông có chôn vàng bạc chi hay không. Qua bữa sau ngài dạy làng lấy hai chiếc ghe lớn mà chở tiền bạc và đồ đạc của ông đem về tỉnh. Người thiệt ác quá, tiền bạc thì biết lấy, còn cái thây con Ánh-Nguyệt người ta không thèm dạy lính chôn giùm. Quan Tri-Huyện đi rồi, cái thây sình bay hơi thúi quá, lính ở lại giữ lúa họ chịu không nổi, nên túng thế họ mới bắt dân khiêng ra ruộng đào lỗ mà dập. »

Lê-văn-Ðó nghe nói tới đó thì nổi giận nên trợn mắt nói rằng :

- Quân khốn nạn! Không có lương tâm.

- Ông nói ai?

- Thằng Tri-Huyện Hải-Yến đó chớ ai.

- Hễ làm quan thì họ làm như vậy hết thảy.

- Ông biết Tri-Huyện là ai hay không? Nó là chồng của con Ánh-Nguyệt đó đa.

- Húy! Sao ông biết?

- Hồi nó bước vô bắt tôi, con Ánh-Nguyệt thấy mặt, nó la om, ông không nghe hay sao? Con Ánh-Nguyệt ngó thấy nó giận quá, nên làm xung mới chết đó chớ. Nó nhìn cũng biết con Ánh-Nguyệt, nên mặt mày nó tái xanh. Vậy mà nó không lo chôn cất cho tử-tế, để lo kiếm tiền bạc, quân đó thiệt là ác nghiệt.

- À! Ông nói tôi mới nhớ, con Ánh-Nguyệt hồi trước nó có nói với tôi rằng người chồng bạc bẽo bỏ mẹ con nó đo tên là Hải-Yến. Té ra Hải-Yến là quan Tri-Huyện nầy hay sao? Bất nhơn dữ hôn! Tôi có dè đâu! Hồi họ áp bắt ông đó, tôi thất kinh, hồn vía bay mất hết, có hiểu chuyện gì nữa đâu.

- Tri-Huyện chở đồ-đạt của tôi đi về tỉnh rồi quan trên dạy lẽ nào? Ông có nghe nữa hay không?

- Không biết quan trên dạy làm sao, mà ít bữa ghe tới chở hết mấy lẫm lúa của ông đi đâu không biết. Ông Ðội với lính bỏ đồn, vô nhà ông mà ở, đốc dân làm ruộng, tính làm như ông hồi trước, mà không làm phước cho ai hết. Mây ông già bà cả với sắp nhỏ mồ-côi, không có chỗ nương dựa, nên tác lạc đi đâu không biết. Ông Ðội làm ruộng năm ngoái thất, phần thì ổng thâu góp gắt gao, phần thì đánh khảo hèn (hành)-hạ người ta, nên dân lần lần trốn đi xứ khác. Năm nay còn ít người làm chút đỉnh, còn bao nhiêu thì bỏ hoang. Tôi nghe nói quan trên rút đội lính về tỉnh chi đó không biết mà hôm tháng trước đi hết, để lại có một người lính ở lại giữ nhà đó mà thôi.

- Ứ hự! Tôi lo cứu giúp thiên-hạ mà cứu không được! Tội nghiệp cho kẻ nghèo quá!

- Bây giờ ông về đây, ông ra mặt làm như ngày trước được hay không?

- Không được.

- Sao vậy?

- Quan trên làm án trảm giam hậu tôi, nên tôi phải đày chung thân. Vì tôi thấy thân con Ánh-Nguyệt tôi thương xót lắm nên lúc nó tắt hơi, tôi có thề với nó rằng tôi sẽ hết lòng lo bảo bọc con nó. Khi vô tới Hà-Tiên, tôi thầm nghĩ trong mấy năm tôi ở Cần-Ðước, tôi dốc lòng lo cứu khổ phò nguy ; con Ánh-Nguyệt là đứa hiếu nghĩa, vì nhà nghèo nên phải chịu lao khổ, rồi lại bị kẻ bất lương gạt gẫm nên xủ tiết ô danh, nó xiêu lạc khắp xứ, mà cũng giữ chặc một lòng trinh bạch. Khi nó vô ở nhà tôi, tôi không xem xét mà cứu vớt nó, để cho Bạch-Thị đuổi lầm nó đi, làm cho thân nó phải trở ra đê tiện. Cái lỗi ấy tại tôi mà ra. Tôi nghĩ đến việc đó tôi ăn-năn vô cùng, rồi tôi nhớ lời tôi thề với nó nữa, thì tôi càng xốn-xang chịu không được. Trong 2 năm nay tôi thường lo mưu tính kế trốn về đặng bảo bọc con Thu-Vân mà tôi tính hoài không biết làm thế nào trốn cho khỏi. Cách năm sáu tháng trước tôi nhơn có một chiếc ghe bị giông đương chìm ngoài khơi, tôi ngồi ghe nhỏ xông ra mà vớt. Tôi ra đến đó thì họ đã chìm mất hết, không vớt được người nào. Tôi bèn thừa dịp ấy nhận luôn chiếc ghe của tôi rồi ôm bánh lái nương theo lượn sóng mà vô mé. Tôi trôi trọn nửa ngày một đêm vô tới Hòn Chông. Quan làng ở Hà-Tiên đều tưởng tôi bị chìm ghe chết rồi. Tôi lên bờ rồi lần lần tìm đường đi mấy tháng nay mới về tới đây.

- Hèn chi họ đồn ông chết cũng phải lắm. Ông giỏi quá. Ở ngoài biển mà ai dám nhận ghe đặng lội vô bao giờ.

- Bây giờ ông dắt tôi đi tìm con Thu-Vân được hay không?

- Ðược chớ, mà tìm nó rồi có tiền đâu mà chuộc. Hồi trước vợ chồng Ðỗ-Cẩm đòi thêm 37 quan, con Thu-Vân ở thêm trong nhà nó 2 năm nữa, bây giờ chắc nó đòi cả trăm quan, tiền đau có mà chạy cho đủ.

- Ông đừng lo. Tôi có tiền.

- Tiền bạc của ông thì Tri-Huyện đã tịch mà chở đi hết rồi, tiền đau ông còn nữa?

- Tôi có tiền. Ông cho tôi mượn một chiếc ghe tôi đi chở về đây cho ông coi.

- Ðược. Thằng cháu tôi là Hiển nó có một chiếc ghe trọng đến. Ðể tôi đi mượn về cho ông. Ông tính chừng nào ông đi?

- Chừng nước ròng tôi mới đi. Vậy ông có gạo thì nấu cho tôi ba hột cơm đặng ăn rồi ông sẽ đi mượn ghe.

- Ghe ở gần một bên đây. Muốn lấy chừng nào cũng được.

Ông sáu Thới lật đật đi lấy gạo nấu cơm. Chừng cơm chín rồi hai người dọn ăn với nhau, mà cửa thì chống sụp-sụp, không dám cho người ngoài thấy.

Ăn cơm rồi thì nước đã dậy nhà, ông sáu Thới đi mượn ghe đem về đậu trước cửa. Lê-văn-Ðó đứng dậy tính xuống ghe mà đi, mà chừng bước được một bước anh ta đứng lại suy nghĩ một hồi rồi nói với ông sáu Thới rằng :

- Tôi muốn nói với ông một chuyện, không biết ông chịu hay không.

- Ông muốn nói mấy chuyện cũng được mà, cần gì ông phải ái-ngại.

- Ông ở có một mình, mà thân tôi đây cũng một mình, vậy ông với tôi kết làm anh em, từ rày về sau sanh tử có nhau, đi hay ở gì cũng chung với nhau, chẳng biết ông có bằng lòng hay không?

- Ông đã cứu tôi khỏi chết, ơn ấy tôi phải theo làm tôi mọi mà đền cho ông ; ông muốn sai khiến việc chi tôi cũng vưng hết thảy, tôi đâu xứng làm anh em với ông. Khi trước ông dặn tôi phải lo bảo bọc con Thu-Vân, mà ông đi rồi tôi có tay, không chuộc nó được, tôi buồn quá, bởi vậy từ hồi khuya cho đến bây giờ tôi hổ thẹn vô cùng.

- Việc con Thu-Vân ông đừng ngại. Ông đã già cả mà lại nghèo, còn vợ chồng Ðỗ-Cẩm thì đòi tiền trăm, ông làm sao mà lo cho được. Tôi chịu gian-nan mà về đây là vì con Thu-Vân. Vậy xin ông hãy hiệp lực với tôi mà nuôi dưỡng dạy dỗ nó, cho khỏi thất ước với con Ánh-Nguyệt.

- Tôi xin vưng.

- Vậy thì ông đi với tôi.

Hat người dắt nhau xuống ghe rồi gay chèo chèo ra sông Bao-Ngược mà đi xuống rừng sát. Khá khen Lê-văn-Ðó trí nhớ giỏi, từ vàm Cần-Ðước xuống rừng sát, rạch nẽo rất nhiều, mà anh ta còn nhớ cái vàm rạch có 2 cây đước lớn, nên khi ghe đến đó thì anh ta cạy (dùng mái chèo hay mái giằm lái ghe xuồng để thay hướng) vô, chèo hết năm khúc sông rồi chúi mũi vô doi (vùng cạn của sông rạch tại khúc quanh, vùng sâu gọi là vịnh) mà nhảy lên bờ. Ông sáu Thới cột ghe vô cây rồi lót cót theo sau. Lê-văn-Ðó đếm bước nhắm hướng mà đào hai chỗ, lấy lên đủ hai ché bạc chôn năm trước.

Ông sáu Thới phụ đem 2 ché bạc xuống ghe. Lê-văn-Ðó móc bạc ra thì chén với bình còn đủ. Anh ta để riêng đồ ấy một chỗ, còn bạc thì đếm được 200 nén, rồi bỏ dưới khoang ghe móc bùn trét lên trên. Các việc xong rồi, Lê-văn-Ðó tính đi luôn lên Vũng-Gù mà tìm con Thu-Vân. Ông sáu Thới không chịu, khuyên phải trở về lấy gạo rồi sẽ đi.

*

* *

Dựa mé sông Vũng-Gù có một xóm đềm hết thảy chừng 10 cái nhà, mà mỗi cái đều trở cửa xuống sông, day hè ra ngoài ruộng, lại ở cách nhau xa xa, chớ không phải khít nhau. Cái nhà lá 3 căn ở đầu dưới chung quanh có trồng mấy bụi chuối đó là nhà Ðỗ-Cẩm.

Lê-văn-Ðó với ông sáu Thới chèo ghe lên tới đó, thì đã gần hết nửa canh một rồi. Bữa ấy nhằm ngày mùng 8 nên trăng không được tỏ. Ông sáu Thới chúi mũi ghe đậu ngay cửa Ðỗ-Cẩm. Lê-văn-Ðó thấy trên nhà có đốt đèn, lại nghe có tiếng mắng chửi om-sòm. Anh ta mò trong khoang ghe lấy 5 nén bạc lận vào lưng, rồi bước lên bờ. Trước khi đi anh ta kêu ông sáu Thới mà dặn nhỏ-nhỏ phải dời ghe xuống chỗ bụi bần rạch dưới kia mà đậu, phải thức canh ghe, và phải coi chừng đừng cho Ðỗ-Cẩm thấy mặt.

Ghe sụt ra rồi, Lê-văn-Ðó đi nhẹ-nhẹ vô sân, lại đứng núp trong bụi chuối rậm đặng lóng tai mà nghe. Trong nhà có tiếng đờn-bà la lớn rằng : « Thu-Vân, sao tao biểu mầy đi kiếm con heo mà mầy còn lục-đục ở đó. » Kế có tiếng con nít nói nhỏ-nhỏ nghe không được. Thoạt có tiếng đờn-bà la lớn nữa rằng : « Kiếm trong xóm không có thì mầy ra ngoài đồng mà kiếm chớ. Mầy đi hay không hử? ... Cha chả! Thứ mới bây lớn mà biết sợ ma nữa. » Nói vừa dứt tiếng lại nghe tiếng roi quất trót-trót, rồi đứa nhỏ la ôi-ôi. Nghe trót-trót hơn 10 tiếng nữa, rồi cái cửa vụt hé ra, có một con nhỏ chạy ra sân, hai tay ôm đít mà khóc hụ-hụ. Trong nhà có tiếng đờn-bà nói lớn nữa rằng : « Phải kiếm cho được con heo đem về đây cho tao. Mầy kiếm không được tao giết mầy chết. Cái mạng của mầy đó không bằng con heo của tao đâu, nói cho mà biết. »

Trăng mờ-mờ, Lê-văn-Ðó lum-khum trong bụi chuối, thấy con nhỏ chừng chím mười tuổi, dưới bận một quần rách lang thang, trên ở trần không có áo. Ðứa nhỏ ấy và khóc và đi vòng sau hè rồi băng xuống ruộng.

Lê-văn-Ðó biết con nhỏ nầy là Thu-Vân, bèn đi theo xa xa mà nom coi nó đi đâu. Ruộng tháng nầy trời nắng nên khô queo, song gốc rạ còn đứng sững, nên cản chưn khó đi lắm. Con nhỏ đi xa-xa nhà một chút, rồi bộ nó sợ hay sao nên đứng ngó dáo-dác. Lê-văn-Ðó đi riết theo mà kêu nhỏ-nhỏ rằng : « Thu-Vân, cháu đi đâu đó? » Con nhỏ day lại rồi đứng mà chờ. Lê-văn-Ðó theo kịp, lấy tay vuốt đầu nó mà nói rằng : « Cháu đi kiếm heo phải hôn? Cháu có sợ ma, thì ông đi giùm với. »

Con Thu-Vân thấy mặt lạ hoắt, không biết là ai, nên đứng run. Lê-văn-Ðó bèn cười và nói rằng : « Cháu đừng có sợ, ông đây là người ta, chớ không phải ma quỉ chi đâu. Ông thấy cháu đi đêm hôm trong ruộng một mình cháu sợ, nên ông đi theo mà kiếm giùm heo cho cháu. Ði, đi với ông. » Lê-văn-Ðó nói dứt lời bèn nắm tay Thu-Vân mà dắt đi.

Thu-Vân đi theo mà còn khóc thút-thít. Lê-văn-Ðó hỏi rằng :

- Vợ thằng Ðỗ-Cẩm nó đánh cháu hồi nãy đó phải hôn?

- Phải.

- Nó đánh đau hôn?

- Ðau.

Thu-Vân nói đau mà một tay lại rờ sau lưng. Lê-văn-Ðó cúi xuống coi thì thấy lưng con nhỏ có năm sáu lằn roi đỏ lòm. Anh ta vạch quần coi mông đít, thì lại thấy lằn ngang lằn dọc nữa. Lê-văn-Ðó biểu con nhỏ vận quần lại rồi dắt nhau đi nữa. Anh ta thấy con nhỏ như vậy thì cảm động, nên lặng thinh cúi đầu mà đi, không nói chuyện nữa được. Anh ta dắt con nhỏ đi lẩn-quẩn trong ruộng gần một canh mà không gặp con heo. Thu-Vân mỏi chơn, nên đi lệt-bệt, xảy gặp một cái gò, Lê-văn-Ðó bèn dắt nó lên đó ngồi nghỉ chơn, Lê-văn-Ðó mới hỏi nó rằng :

- Cháu năm nay mấy tuổi?

- Mười tuổi.

- Cha mẹ cháu là ai?

- Cha tôi là Từ-Hải-Yến, còn mẹ tôi là Lý-Ánh-Nguyệt.

- Cháu biết cha cháu ở đâu hôn?

- Cha tôi ở trên An-Giang, còn mẹ tôi về dưới Cần-Ðước.

- Sao lại bỏ cháu ở đây?

- Không biết nữa ...

- Cháu có bà con chi với vợ chồng Ðỗ-Cẩm hay không?

- Có.

- Cháu kêu nó bằng giống gi?

- Ông bà.

- Vợ chồng nó thương cháu không?

- Không.

- Cháu sợ nó hôn?

- Sợ.

- Thuở nay nó hay đánh khảo cháu, hay là mới đánh bữa nay?

- Ðánh hoài chớ. Ông tôi thì hay bạt tai, đạp, bà tôi thì ngắt véo đau quá.

- Cháu ở với nó cực hay sướng?

- Cực.

- Mỗi bữa cháu ăn cơm no hay không?

- Không.

- Cháu muốn đi theo về ở với ông hay không?

Thu-Vân nghe hỏi tới câu đó thì ngó Lê-văn-Ðó rồi day mặt chỗ khác, không trả lời. Lê-văn-Ðó ngồi ngó nó, mà cũng lặng thinh. Cách một hồi lâu anh ta hỏi nữa rằng : « Cháu nhớ má cháu hôn? » Thu-Vân nói « nhớ » nhỏ-nhỏ rồi xụ mặt bộ coi buồn bực lắm. Nó nằm ngoẻo trên đám cỏ, hai cơn co rút lại, còn hai tay thì nắm vuốt lá cỏ. Lê-văn-Ðó ngồi khoanh tay một bên, mà ngó mông trong đồng. Trăng non đã xế bóng, mà vì mây bay từ cụm, nên khi tỏ khi lờ, ngọn gió thổi lao rao, đèn đầu cỏ ngã qua ngã lại. Tư bề vắng vẻ, chẳng thấy một bóng đèn, chẳng nghe một tiếng người, duy lâu lâu hoặc thấy vài con vạc bay kiếm ăn, hoặc nghe tiếng dế gáy ro-re trong gốc rạ.

Lê-văn-Ðó ngồi nghĩ cuộc đời, trong dạ bắt não-nề. Cách một hồi anh ta ngó lại thì thấy con Thu-Vân đã ngủ khò. Anh ta lấy tay vuốt đầu nó, rồi rờ xuống mặt, đụng cặp con mắt nó ướt rượt, mới hay nó khóc. Vì nó ở trần, lại bị gió thổi mát, nên mình nó lạnh ngắt. Lê-văn-Ðó bèn cổi áo mà đấp cho nó ngủ ấm.

Lê-văn-Ðó thấy thân con nhỏ như vậy thì thương xót hết sức, thương con nhà nghèo phải chịu cay đắng trăm chiều, rồi lại giận kẻ giàu sang không biết nghĩa nhơn danh dự. Anh ta nhắm-nhía muốn bồng con Thu-Vân đem tuốt xuống ghe mà chở đi phứt cho rồi. Ðỗ-Cẩm bắt con nhỏ làm tôi mọi cho nó mấy năm nay, lại đã lấy 10 quan tiền rồi, nghĩ chẳng hẹp chi đó. Mà rồi anh ta lại nghĩ chớ chi con Ánh-Nguyệt còn sống, mình bắt trộm đem về cho mẹ con nó gặp nhau, con thấy mẹ vui mừng ắt nó không oàn hờn mình chi hết chớ phần mình là người lạ, còn Ðỗ-Cẩm tuy dày đọa nó song cũng là người quen, mình quyết đem nó đi mà dưỡng nuôi dạy dỗ nó đặng ngày sau nó trở nên người phải, mà mình dùng chước bất lương, mình bắt trộm nó, thì dầư bây giờ nó thoát khỏi tay Ðỗ-Cẩm nó không buồn, nó không oán mình đi nữa, mà chừng nó khôn lớn rồi, nó nhớ tới chuyện mình làm hôm nay đây, sợ e nó không kính trọng mình chăng. Anh ta xét như vậy nên không nỡ bắt trộm con Thu-Vân, quyết chờ đến sáng đem nó về cho Ðỗ-Cẩm rồi sẽ nói mà chuộc cho minh bạch.

Thu-Vân nằm giữa trời, trên cỏ, mà nhờ có mảnh áo của Lê-văn-Ðó đắp ấm-ấm nên nó ngủ ngon giấc, đến trăng lặn, trời tối thui nó cũng không hay. Lê-văn-Ðó ngồi một bên coi chừng, lâu lâu nó cựa mình thì nó mớ kêu « má » rồi ngủ nữa. Lê-văn-Ðó thấy tình cảnh như vậy càng thêm áo-não.

Ðến khuya, chừng sao mai ló mọc, con Thu-Vân thức giấc, nó lồm cồm ngồi dậy lấy tay dụi hai con mắt rồi ngó quanh quất tứ phía. Lê-văn-Ðó ngồi khoanh tay liếc mắt coi chừng coi nó làm sao. Thu-Vân rờ đụng cái áo bao chung quanh mình nó, nó bèn thò tay phăng mà rút rồi trao lại cho Lê-văn-Ðó và hỏi rằng : « Áo của ông phải hôn? » Lê-văn-Ðó cười và đáp rằng :

- Áo của ông. Cháu có lạnh thì để mà quấn cho ấm.

- Không lạnh. Tôi ở trần quen rồi.

- Cháu còn buồn ngủ nữa hôn?

- Không. Ông làm giống gì mà ngồi đây?

- Ông ngồi coi chừng ma cho cháu ngủ. Cháu sợ ma hôn?

- Sợ.

- Có ông đây, cháu còn sợ hôn?

- Không.

- Ừ, cháu đừng có sợ. Hễ có ông thì ma nó không dám lại gần đâu.

- Ma nó sợ ông phải hôn?

- Ừ.

- Vậy ông làm phước dắt giùm cho tôi đi kiếm con heo được hôn?

- Cháu biết nó đi đâu mà kiếm?

- Hồi chiều tôi kiếm cùng trong xóm mà không có. Chắc nó ăn nội đồng nầy chớ đâu.

- Ðồng rộng minh-mông biết nó ăn chỗ nào. Thôi, bỏ nó cho rảnh, đừng thèm kiếm.

- Không kiếm nó đây, về bà tôi đánh chết.

- Ông thường[1] cho.

- Ông đâu có heo mà thường.

- Ông thường tiền.

Thu-Vân ngó Lê-văn-Ðó rồi chúm-chím cười, trong trí nó tưởng Lê-văn-Ðó ăn mặc lèn-xèn, tiền đâu có mà thường con heo cho nổi. Lê-văn-Ðó hiểu ý nó, nên nói tiếp rằng :

- Ông thiếu gì tiền. Cháu chịu đi theo về nhà ông mà ở hôn? Cháu về, ông may áo quần tốt cho cháu bận, ông mua bánh trái cho cháu ăn, cháu muốn vật chi ông mua cho hết thảy, cháu chịu hôn?

- Không dám.

- Sao vậy?

- Ông bà tôi đánh chết.

- Ông nói với vợ chồng Ðỗ-Cẩm rồi ông mới đem cháu đi chớ.

Thu-Vân ngồi chim-bỉm, không trả lời nữa. Cách một hồi lầu, Lê-vănÐó mới hỏi nữa rằng :

- Sao? Cháu chịu đi với ông hay không?

- Không.

- Cháu ở với Ðỗ-Cẩm nó đánh đập chưởi bới tối ngày, còn ở với ông cháu sung-sướng lắm, sao cháu không chịu đi với ông?

- Tôi đi với ông rồi, chừng má tôi trở lên đây, biết tôi đâu mà kiếm.

Lê-văn-Ðó nghe con nhỏ nói mấy lời như vậy thì biến sắc, hết biết lời chi mà dỗ nó nữa. Anh ta ngồi suy nghĩ, vừa muốn nói thiệt cho con Thu-Vân nó biết mẹ nó đã chết rồi, mà rồi anh ta lại hồi tâm, nghĩ rằng con nhỏ còn khờ dại quá, nó chịu lao khổ phần xác đã nhiều rồi, mình không nên làm cho nó đau-đớn phần trí nữa. Chi bằng mình dùng lời giả dối mà dụ nó, chừng nào mình nói hết sức mà không được thì mình sẽ nói thiệt, gẫm cũng không muộn gì. Anh ta mới nói với Thu-Vân rằng :

- Ông biết cha mẹ cháu hết thảy. Nhơn vì có việc riêng nên cha mẹ cháu không thế nào gặp cháu nữa đâu. Cháu hãy đi với ông ; ông thề với cháu rằng ông thương cháu, ông cưng cháu còn hơn cha mẹ cháu nữa.

- Tôi không biết cha tôi. Má tôi có nói cha tôi bạc lắm, vậy tôi không cần cha tôi. Còn má tôi thương tôi lắm, lẽ nào má tôi bỏ tôi. Vì như má tôi không kiếm tôi đi nữa, thì trong ít năm nữa, tôi khôn lớn rồi, tôi cũng xuống Cần-Ðước mà tìm mẹ tôi.

- Cháu nhỏ mà có lòng thương mẹ như vậy thì tốt lắm, phải lắm. Như cháu đi với ông, ông nói cho Ðỗ-Cẩm nó biết ông ở chỗ nào, đặng mẹ cháu có trở lên Ðỗ-Cẩm nó chỉ cho mẹ cháu để tìm. Mà ở đây cháu cũng chờ, về với ông cháu cũng chờ. Chi bằng về nhà ông chờ mà khỏi bị đòn bị chửi, chừng cháu khôn lớn rồi ông sẽ dắt cháu đi tìm cha mẹ cháu, cháu nghĩ thử coi có phải đi với ông tốt hơn là ở đây hay không.

Thu-Vân ngồi suy nghĩ một giây lâu rồi ngước mặt ngó Lê-văn-Ðó và hỏi rằng :

- Nhà ông ở đau?

- Ở dưới vàm Cấn-Ðước.

- Họ nói má tôi về đâu dưới Cần-Ðước. Vậy chớ xưa nay ông có gặp má tôi hay không?

- Không.

- Kỳ dữ hôn! Vậy chớ má tôi đi đâu kia. Má tôi lén tôi mà đi, tôi không hay. Chớ hồi đó tôi hay thì tôi đi theo.

- Nếu má cháu đi xuống phía Cần-Ðước thì cháu nên đi với ông, đặng rồi sau cháu tìm má cháu cho dễ.

Thu-Vân ngồi lặng thinh một hồi nữa, không biết trong trí nó tính lẽ nào mà nó vùng đứng dậy và nói rằng : « Tôi chịu đi, mà ông phải nói với ông bà tôi hay rồi tôi mới dám đi. »

Lê-văn-Ðó nghe con Thu-Vân chịu đi thì mừng rở hết sức. Anh ta liền đứng dậy bận áo vô. Hướng đông mây đã giăng ngàng mấy vừng, yến mặt trời đã lố rạng đỏ-đỏ. Xóm Ðỗ-Cẩm ở đã thấy láp-xúp nóc nhà dạng-dạng, dàn bần mọc theo mé sông đã thấy lúm-khúm đen-đen. Lê-văn-Ðó vói tay ẳm con Thu-Vân rồi nhắm xóm mà trở về.

Ði dọc đường Lê-văn-Ðó nói rằng : « Chừng về gần tới nhà ông thả cháu xuống đặng cháu về trước, rồi thủng thẳng ông vô sau. Ông nói thế nào tự nơi ông, cháu đừng có nói gì hết, miễn là Ðỗ-Cẩm nó hỏi cháu thì cháu cứ nói chịu đi với ông. Có ông nó không dám đánh cháu đâu, cháu đừng sợ. »

Thu-Vân nói rằng :

- Mất con heo đây tôi bị đòn chết.

- Ậy, không sao đâu. Như nó bắt thường thì ông thường cho. Ông thiếu gì tiền mà cháu lo.

Thu-Vân nghe nói như vậy thì nó bớt buồn song trong lòng cũng còn bưng-khuân hoài. Bước vô tới xóm thì trời đã sáng thiệt mặt rồi. Lê-văn-Ðó thả con Thu-Vân đứng xuống đất rồi biểu nó đi trước về nhà. Anh ta đứng ngó cho nó đi khuất rồi lội xuống mé sông, dòm thấy chắc chắn ghe của ông sáu Thới còn đậu dưới lùm bần, cách xóm chừng 10 công đất, anh ta gặt đầu rồi trở lên đi lại nhà Ðỗ-Cẩm.

*

* *

Con Thu-Vân đi về nhà, mà ngoài mặt xẻn-lẻn, trong dạ bồi hồi. Khi nó bước vô sân, nó thấy con heo quẳn đương đứng mà ủi dựa bụi chuối thì nó mừng quýnh, nên chạy a lại. Sân khô-khốc, mà đất lại long-chong. Con Thu-Vân chạy vấp một cục đất, té nằm sấp sải tay. Tuy té đau, song nó mừng khỏi mất con heo nên nó lồm cồm đứng dậy phủi sơ bụi dính bụng và dính mặt rồi phăng-phăng đi lại con heo, bụng bị đất khô quào rướm máu mà nó không kể.

Con heo quẳn dạn lắm, nghe Thu-Vân té một cái đụi thì nó day lại mà ngó đuôi ngoắt phất-phơ miệng kêu ịch-ịch, rồi cúi xuống ủi đất nữa. Con Thu-Vân lại ngồi chồm-hỗm một bên, choàng một tay qua lưng con heo mà gãi, còn một tay thì vỗ gáy nó mà nói rằng : « Em đi đâu dữ vậy em? Em báo hại qua bị đòn quá! Phải mà em đi mất thì qua chết còn gì. »

Thị-Phi là vợ Ðỗ-Cẩm thức dậy, nghe lụi-hụi ngoài sân, thì chống cửa bước ra. Chị ta thấy con Thu-Vân đương ngồi ôm con heo quẳn, khỏi mất heo đã không mừng, bắt con Thu-Vân đi sáng một đêm đã không thương, mà lại còn nói những tiếng bất nhơn rằng : « Con mắc dịch về hồi nào đó! Ờ tao tưởng mầy kiếm không được con heo, tao giết mầy chết. Tao nói cho mầy biết, cái mạng của mầy không bàng con heo tao đâu. Nếu mầy muốn sống thì phải giữ nó. »

Con Thu-Vân đứng dậy, cúi mặt xuống đất, không nói chi hết.

Lê-văn-Ðó tay cầm một cái cây, ở ngoài hăm-hở đi vô. Thị-Phi thấy người lạ tới nhà mà bộ coi hầm-hừ lắm không biết người ấy đi đâu, nên đứng ngó trân-trân. Lê-văn-Ðó hỏi lớn rằng : « Phải nhà nầy là nhà Ðỗ-Cẩm không thím? »

Thị-Phi dụ-dự một chút rồi đáp rằng : « Phải. Chú đi đâu? Hỏi chi vậy? » Lê-văn-Ðó day qua phía con Thu-Vân đứng, đưa cái cây cầm trong tay lên mà chỉ nó và hỏi Thi-Phi rằng :

- Phải con nhỏ con của Ánh-Nguyệt hay không?

- Phải. Sao chú biết nó?

- Ờ, biết. Chồng thím có ở nhà hay là đi khỏi?

- Ở nhà.

Lê-văn-Ðó xốc-xốc đi vô cửa, Thi-Phi cũng quày-quã trở vô nhà.

Ðỗ-Cẩm đã thức dậy rồi mà còn leo lên võng nằm ráng. Chừng anh ta nghe tiếng nói om-sòm ngoài sân, anh ta mới lồm-cồm ngồi dậy. Anh ta vừa đứng dậy bới đầu thì Lê-văn-Ðó đã bước vô tới nhà. Anh ta liền hỏi Lê-văn-Ðó rằng : « Anh đi đâu? Có chuyện chi hay không? »

Lê-văn-Ðó đứng ngó ngay Ðỗ-Cẩm rồi đáp rằng :

- Tôi ở dưới Cần-Ðước, lên thăm chú. Tôi là cậu của con Ánh-Nguyệt.

- Vậy hay sao? Anh ngồi trên ván đây. Con Ánh-Nguyệt nó mạnh anh há?

- Ừ, mạnh.

- Nó làm ăn khá hay không?

- Làm giống gì mà khá. Nó nghèo quá.

- Nó báo hại tôi quá! Nó mướn tôi nuôi con nhỏ nó mấy năm nay, nó không trả cho tôi một đồng tiền làm tôi tốn hao phải mang nghèo. Tôi tốn cơm nước quần áo đã nhiều, mà con nhỏ nó bất nhơn, cứ đau hoài, nay nhức đầu, mai nóng lạnh, mốt có ban, bữa kia kiết, vợ chồng tôi chạy thuốc chơn không bén đất, tốn tiền bạc không biết bao nhiêu. Tôi bị nó đó mà lần lần vợ chồng tôi bán đồ đạc hết ráo. Anh coi đó mà coi trong nhà tôi bây giờ trống lỗng, có còn vật gì đáng năm bảy tiền hoặc một quan đâu. Hồi trên Gia-Ðịnh tôi khá lắm tôi mới trở về quê quán chớ, chẳng dè về đây tôi vì thương con Ánh-Nguyệt mà gia tài tôi tiêu hết.

- Chú nuôi có một con nhỏ xíu mà tốn hao giống gì tới hết gia tài lận?

- Thiệt chớ, ai nói chơi hay sao!

- Chú nuôi giùm con cho Ánh-Nguyệt thì nó biết ơn, chớ không phải quên. Ngặt vì nó nghèo mà nó lại thương nhớ con nó quá, nên nó cậy tôi lên năn-nỉ với chú mà rước giùm con nó về cho nó. Bạn nghèo xin thương nhau. Tôi chắc ngày nào nó làm ăn khá thì nó không dám quên ơn hai ông bà đâu.

- Ý! Ðược đâu. Lươn phải nắm đàng đầu, chớ vuốt đuôi sao được. Vì con nhỏ đó mà vợ chồng tôi tan nát. Phải đem tiền cho đủ mà chuộc tôi mới cho chơ rước không vậy sao được.

- Nó nghèo khổ tội nghiệp quá. Chú bó buộc nó quá như vậy nó làm sao.

- Nó làm sao được nó làm chớ. Nó nghèo mà nó còn báo hại vợ chồng tôi mang nghèo nữa đây, ai tội nghiệp cho tôi?

- Nó phải trả cho chú bao nhiêu tiền, chú mới cho bắt con nhỏ?

- Không biết. Anh tính lấy. Nó có làm giấy hẵn-hòi, nó mướn tôi nuôi con nhỏ mỗi tháng một quan tiền. Tiền đó là tiền cơm và tiền giữ. Tôi nuôi 4 năm nay anh tính coi là bao nhiêu. Còn tiền áo tiền quần, tiền thầy tiền thuốc cho nó nữa, cọng hết thảy có hơn tiền trăm chớ phải ít ỏi gì hay sao.

- Cách vài năm nay con Ánh-Nguyệt có cậy một ông già đem lên trả cho chú được 10 quan.

- Ðâu có! Hồi nào? Nẳm nay tôi có thấy ông già nào đâu.

- Tôi hỏi thiệt chú vậy chớ bây giờ chú đòi bao nhiêu tiền?

Ðỗ-Cẩm đứng gãi đầu suy nghĩ một hồi rồi nói rằng : « Thôi em cháu nó nghèo tôi không nỡ làm gắt nó. Bây giờ nó trả đỡ cho tôi một trăm quan mà thôi. »

Lê-văn-Ðó châu mày đáp rằng :

- Nhiều quá.

- Nhiều sao? Vậy là tôi thương nó lắm chớ. Anh tính thử coi, tiền cơm 4 năm là 48 quan, tiền áo quần ít nào cũng 30 quan, còn tiền thuốc trên 50 quan nữa, cộng hết thảy gần một trăm rưỡi quan, mà tôi biểu trả có 100 quan, sao lại kêu là nhiều?

- Tôi nói thiệt với chú như vầy: Tôi cũng nghèo chớ không giàu có gì, song tôi thấy con Ánh-Nguyệt nó thương nhớ con nó quá, tôi cầm lòng không đậu, tôi mới đi giùm cho nó đây. Vậy như chú có bằng lòng lấy 50 quan tiền, thì tôi cho nó mượn mà trả cho chú, bằng không chịu thì thôi, chớ chú đòi nhiều quá tiền đâu tôi trả cho chú đủ.

- Không được. Phải cho đủ 100 quan, chớ thiếu một quan tôi cũng không chịu.

Lê-văn-Ðó ngồi lặng thinh một hồi rồi nói rằng : « Ðâu chú kêu con nhỏ ra đây cho tôi coi một chút. » Ðỗ-Cẩm cất tiếng kêu con Thu-Vân om-sòm. Con Thu-Vân ở ngoài bụi chuối chạy vô, đứng dáo dác. Lê-văn-Ðó ngó nó rồi day lại nói với Ðỗ-Cẩm rằng : « Chú nuôi nó như vầy mà chú đòi mắc quá. » Ðỗ-Cẩm làm bộ không nghe, bỏ đi lại ghế ăn trầu. Lê-văn-Ðó hỏi Thu-Vân rằng : « Cháu chịu đi với ông hay không? » Con Thu-Vân cúi đầu nói nhỏ-nhỏ rằng : « Chịu », mà hai hàng nước mắt nó chảy rưng-rưng.

Lê-văn-Ðó liền day lại nói rằng : Tôi thấy con nhỏ tôi thương quá. Thôi, tôi trả phứt cho chú một nén bạc đây, đặng tôi dắt nó về cho rồi. » Anh ta và nói và lần lưng lấy ra một nén bạc mà để trên ghế. Ðỗ-Cẩm thấy nén bạc thì mừng nên chúm chím cười và nói rằng : « Anh nghĩ đó mà coi, tôi nuôi 4 năm trường cực khổ tốn hao nhiều quá mà. Trả cho tôi một nén bạc có nhiều đâu. Thu-Vân, thôi con sửa soạn rồi đi với ông nghe hôn con. »

Thị-Phi ở nhà sau bước lến nói rằng :

- Mình cho chuộc con Thu-Vân hay sao? Chuộc bao nhiêu đó?

- Một nén.

- Không được. Tôi nuôi nó mấy năm nay đã mến tay mến chơn, nên tôi không bằng lòng để cho nó đi. Tôi không có con, bởi vậy tôi thương nó lắm, tôi không đành rứt nó đâu.

- Thôi mà! Mình kiếm đứa khác mà nuôi, con nầy xui lắm. Phần thì má nó nhớ nó, thôi để cho nó về má nó.

- Mình không biết anh nầy, mà mình làm bướng giao con Thu-Vân cho ảnh, rồi sau con Ánh-Nguyệt nó lên nó đòi con nó, mình mới liệu làm sao?

- Anh nầy là cậu con Ánh-Nguyệt mà.

- Hứ! Không dữ!

Thị-Phi nguých một cái, rồi bỏ đi ra nhà sau.

Ðỗ-Cẩm biểu Thu-Vân lấy quần áo rồi có đi với ông cậu cho sớm. Thu-Vân vô trong buồng lục lộp-cộp một hồi, lấy ra một cái áo cụt cũ xì và rách tan nát. Lê-văn-Ðó hối nó bận vô, lấy nén bạc đưa tới tay Ðỗ-Cẩm, rồi từ giả nắm tay con Thu-Vân mà dắt đi.

Ðỗ-Cẩm cầm nén bạc đi ra sau, cười ngỏn-ngoẻn mà khoe với vợ. Thị-Phi trợn mắt và nói rằng : « Nhiều lắm hay sao mà mừng? Thằng cha đó coi bộ nó còn nhiều bạc nữa, không biết chừng Hải-Yến sai nó đi chuộc con Thu-Vân đó đa. Ta kiếm chuyện cản trở đặng nó đòi bạc nữa, mà cứ làm lanh theo cãi hoài. Giỏi dữ! »

Ðỗ-Cẩm xụ mặt châu mày, bỏ đi lên nhà trên rồi leo lên võng nằm đưa tòn-ten. Không biết anh ta suy nghĩ thế nào, mà cách một hồi lâu, anh ta ngồi dậy đi ra nhà sau đưa nén bạc cho vợ, rồi chạy ra đường. Anh ta hỏi thăm người ở gần có thấy một người mới dắt con Thu-Vân đi ngang đó hay không. Họ nói mới thấy dắt nhau đi xuống. Ðỗ-Cẩm xăn quần tốc theo, xuống tới lùm bần, thấy Lê-văn-Ðó với Thu-Vân đã ngồi dưới ghe rồi, và ghe đương dang ra mà đi. Anh ta tay ngoắt miệng kêu rằng : « Anh ơi anh không được. Anh phải đem con nhỏ trả lại cho tôi ... Vợ tôi nó không chịu, nó rầy quá. »

Lê-văn-Ðó không thèm trả lời, cứ chèo ghe mà đi. Ðỗ-Cẩm đi dọc theo mé sông kêu hoài mà ghe không chịu ghé, anh ta giận nên chửi láp-dáp. Lê-văn-Ðó buông chèo, chỉ Ðỗ-Cẩm mà mắng rằng : « Mầy là quân ăn cướp, quen thói ngược-ngạo hoài. Giựt một nén bạc rồi chưa đủ hay sao, mà còn ào-ào nữa hử? Lấp-lửng tao đập nát đầu, chớ không phải chơi đâu. »

Chẳng hiểu Ðỗ-Cẩm thấy bộ Lê-văn-Ðó hầm-hừ mà sợ, hay là nghĩ mình ăn cướp một nén bạc đã nhiều rồi, mà anh ta nghe Lê-văn-Ðó nói như vậy rồi nín khe, ríu-ríu trở về, không theo nữa.

Lê-văn-Ðó với ông sáu Thới rước được con Thu-vân thì cả hai đều mừng, nên theo nói với con nhỏ hoài đặng cho nó quen. Ði đến mặt trời nửa buổi mới đậu ghe lại nấu cơm mà ăn. Lê-văn-Ðó nhìn con Thu-Vân tỏ-rõ, mới thấy gương mặt nó giống hịch Tri-Huyện Hải-Yến còn cặp mắt với miệng thì lại giống Ánh-Nguyệt.

Con Thu-Vân thấy trái bần rạch lòng-thòng trước mũi ghe nó mới ra hái mà ăn ngổm-ngoảm.

Ông sáu Thới vo gạo rồi, đương ngồi nhúm lửa mà nấu cơm. Lê-văn-Ðó lết lại gần dặn nhỏ-nhỏ đừng cho con Thu-Vân hay Ánh-Nguyệt chết, mà cũng đừng nhắc tới tên Ánh-Nguyệt. Hai người bàn tính với nhau coi bây giờ phải đi đâu mà ở cho yên đặng nuôi con Thu-Vân. Lê-văn-Ðó nói rằng trở về Cần-Ðước mà ở sợ lâu ngày bể chuyện, quan bắt buộc, thành ra công việc dỡ-lỡ nữa. Vả khi Ánh-Nguyệt tắt hơi anh ta có hứa với nàng sẽ hết lòng lo dưỡng nuôi dạy dỗ con Thu-Vân đặng ngày sau nó trở nên người phải. Bây giờ anh ta thì dốt nát, mà kiếm chỗ cất nhà ở, rồi rước thầy dạy riêng nó nghĩ cũng bất tiện,chi bằng cạo đầu dắt nhau đi kiếm một cảnh chùa yên tịnh rồi vô đó mà tu, làm như vậy mình có thế nuôi con Thu-Vân, mà nó cũng có sẵn người hay chữ mà học nữa. Ông sáu Thới khen phải. Lê-văn-Ðó tính đưa ổng về nhà, rồi anh ta mua đứt chiếc ghe mà đi với Thu-Vân. Ông sáu Thới quyết chí không chịu lìa Lê-văn-Ðó, nên cứ nài-nỉ xin cho ông theo mà đỡ tay đỡ chơn.

Lê-văn-Ðó thấy ông già có lòng với mình, không nỡ phụ rãy ổng, nên bằng lòng cho ổng theo.

Hai người tính xong rồi mới chèo ghe trở về Cần-Ðước. Lê-văn-Ðó cho thằng Hiển một nén bạc mà mua đứt chiếc ghe. Ông sáu Thới lại cho nó cái nhà của ông đặng rảng tay mà đi cho yên. Thằng Hiển theo cật hỏi ổng đi đâu, ổng cứ nói đi buôn bán, không chịu nói thiệt.

Nước vừa lớn, Lê-văn-Ðó với ông sáu Thơi dắt Thu-Vân xuống ghe. Nhổ sào xô ghe ra rồi, Ðó gay chèo lái, Thới gay chèo mũi mà chèo ra vàm.

Con Thu-Vân ngồi trong mui ngó ra, mặt tươi rói, miệng chúm chím cười bộ nó hân-hoan, chớ không phải ưu sầu như hồi ở nhà Ðỗ-Cẩm nữa.

Chương 17

Trong quyển thứ ba chúng tôi có thuật truyện Vương-thể-Hùng, là người trọng nghĩa hơn tình, vì muốn phỉ chí anh hùng, nên lén vợ con đi lên thành Gia-Ðịnh mà giúp với Lê-văn-Khôi. Chàng đi rồi thì vợ con nương náu ở với cha vợ là Ðàm-tự-Chấn.

Khi chàng ra đi thì con của chàng là Vương-thể-Phụng mới được 6 tuổi. Vợ của chàng là Ðàm-kim-Diệp, vì muốn trưởng chí cho chồng, nên chàng ra tùng chinh nàng không nỡ cản, nhưng mà nàng đối với chồng thì nghĩa đã nặng mà tình lại sâu, bởi vậy Thể-Hùng đi rồi thì nàng thắt-thẻo nhớ thương đêm ngày, mà nàng lại còn lo sợ từ chút nữa. Nàng buồn rầu ăn không biết ngon, nằm không chịu ngủ. Tuy nàng không đau, song máu một ngày một mất, thịt một ngày một tiêu, chàng đi vừa mới một năm, mà nàng đã ốm xanh như tàu lá.

Ðã biết nàng không được tin chồng thì nàng buồn, nhưng mà nàng nghe thành Gia-Ðịnh còn vững thì nàng vẫn còn trông mong phu phụ trùng-phùng. Ðến chừng nàng hay binh triều đã hạ thành, quan triều bắt giết hết thảy tướng sĩ trong thành, thì nàng hết cớ trông đợi nữa được, bởi vậy nàng nhuốm bịnh có mấy ngày rồi chết.

Vương-thể-Phụng mới lên 8 tuổi, mà cha không có, rồi mẹ lại chết nữa; tuy vậy mà chàng không khổ cho mấy, vì có ông ngoại với dì là Ðàm-kim Huê nuôi.

Ông Ðàm-tự-Chấn tánh ý không hiệp với chàng rể, bởi vậy bất đắc dĩ ông phải gả con mà ông không ưa. Nhưng mà khi trước không ưa thì ông để bụng, chớ ông không nói ra. Ðến chừng Thể-Hùng cãi ông, đi phụ sức với Lê-văn-Khôi mà làm nghịch triều-đình, thì ông sanh ghét, cấm tuyệt trong nhà không ai được nhắc tới Thể-Hùng nữa, còn người quen biết có hỏi thăm thì ông nói Thể-Hùng đã chết rồi. Mà ghét cũng chưa hại cho mấy, đến khi con gái út ông, là Kim-Diệp chết, ông thương tiếc rầu buồn, ông sanh tâm thù oán nữa, ông cố tưởng trong trí rằng Thể-Hùng giết con ông.

Ông oán cha, mà ông lại thương con.

Kim-Diệp chết rồi, Thể-Phụng ở với ông thì ông tưng-tiu như trứng mỏng.

Việc tắm rửa, cho ăn cho uống, thì ông giao cho con gái lớn của ông là Kim-Huê coi, nhưng mà tối ngủ thì ông bắt Thể-Phụng ngủ với ông, chớ ông không cho ngủ với ai hết. Có đêm ông nói chuyện đời xưa cho cháu nghe, có bữa ông dắt cháu đi dạo xóm.

Thể-Phụng gần-gũi với ông ngoại, lần lần rồi trìu mến ông; sớm mai ông ra vườn trồng cây, chàng xẩn-bẩn đứng sau lưng, buổi trưa ông ngồi dựa cửa vót nang, chàng chà lết ngồi một bên; ông giận, nói đỏ-đẻ ông tức cười: ông buồn, hát om sòm ông giải muộn.

Mỗi ngày ông nói chuyện với Thể-Phụng, hễ có dịp thì ông nói cha mẹ Thể-Phụng đều chết hết, lại hễ nói tới cha Thể-Phụng thì ông mắng „nó là quân phản-thần tặc-tử, nó là đồ vô-đạo bát-lương" rồi ông lộ sắc bất bình, coi bộ ông khinh bỉ lắm. Ông lại dặn-dò người trong nhà thế nào không rõ, mà hết thảy đều đồng ý với ông, ai cũng nói cha mẹ Thể-Phụng đều chết hết, ai cũng khinh bỉ Thể-Hùng như khinh bỉ đạo-tặc.

Thể-Phụng còn nhỏ ở trong nhà nầy tự nhiên tập quen phong tục nhà nầy, mà lại gần-gũi với những người ấy tự nhiên cảm nhiễm ý trí của nhhững người ấy, bởi vậy chàng lớn khôn lần lần, rồi trí não của chàng cũng giống hịch trí não của ông ngoại chàng, cũng khinh bỉ cha; tuy chàng không nói ra, song trong trí chàng tưởng-tượng cha đồng một bực với cường-đồ cướp-đảng.

Khi Thể-Phụng được 10 tuổi, có ông nhiêu Khoa, người gốc-gác ở đâu không biết tới cất nhà tại đầu xóm của ông Ðàm-tự-Chấn mà ở, đặng mở trường dạy học. Người trong xóm ai có con cũng đều cho đến học văn học lễ với ông nhiêu. Ông Ðàm-tự-Chấn tuy cưng Thể-Phụng, song ông muốn cho chàng theo đạo nho đặng khác tánh nết với cha, bởi vậy ông cũng đến nói với ông nhiêu Khoa đặng cho chàng thọ giáo.

Ông nhiêu Khoa là người học rộng, ông đã thông suốt các kinh các truyện, mà ông giảng sách câu nào bài nào ông cũng diễn giải nghĩa lý rõ ràng, bởi vậy học trò học với ông mau thông lắm. Chẳng những là người ở gần mà thôi, thậm chí nhà giàu ở phủ khác huyện khác, có nhiều người nghe lài ông dạy mau hay, cũng cho con đem cơm tiền đến ở nhà ông mà học nữa.

Thể-Phụng tuy mhỏ, mà trí thông minh, tánh mẫn cán, bởi vậy chàng đến năm bình-ngọ (1846) thì đã thi đậu tú-tài.

Ông Ðàm-tự-Chấn với nàng Ðàm-kim-Huê mừng rỡ vô cùng, cả hai đều muốn kiếm nơi tử tế mà cưới vợ cho Thể-Phụng. Thể-Phụng đậu tú-tài rồi mà chưa vừa lòng, chàng muốn ôn nhuần kinh sử thêm đặng sau giựt cho đặng cử-nhơn rồi có đi đình thi. Chàng nhứt định không chịu cưới vợ, bởi vậy hễ ông ngoại với dì nói tới việc ấy thì chàng gạt ngang, cứ nói để cho chàng lo lập công danh, chừng nào công danh lập được rồi chàng sẽ lo bề gia thất. Ban ngày chàng ở tại nhà trường, ban đêm về nhà thì chàng cứ rút ở trong buồng riêng mà đọc sách làm bài, có đêm chàng thức tới canh tư canh năm mà học tập.

Năm mậu-thân (1848) nhằm năm Tự-Ðức nhị niên, Vương-thể-Phụng đã được 21 tuổi rồi. Nghĩ vì năm sau sẽ tới khoa thi, nên chàng càng gia công mà học nhiều hơn nữa. Trong lúc ấy trí chàng chẳng tưởng việc chi khác hơn là văn sách kinh nghĩa, ý chàng chẳng mơ việc chi khác hơn là ông cống ông nghè, bởi vậy chẳng những là chàng chẳng chịu nói tới hôn nhơn mà thôi, mà cũng chẳng hề nghĩ tới công sanh thành của cha mẹ.

Ðến tháng 5, ông nhiêu Khoa nghỉ dạy bốn năm bữa, đặng ông đi Nhựt-Tảo mà thăm bà con. Các môn đệ ai ở xa thì về thăm nhà, ai ở gần thì ở nhà mà học ôn. Chừng học-trò nghe ông nhiêu trở về, thì mới tới mà học lại.

Ông nhiêu giảng sách đến chiều, ông bèn cho học trò nghỉ. Vương-thể-Phụng ôm sách đi về. Ông nhiêu đi theo. Thể-Phụng thấy thầy đi một đường với mình, bèn đứng nép một bên, nhường cho thầy đi trước.

Từ nhà ông nhiêu Khoa lại nhà Thể-Phụng, có đấp một cái bờ đất dựa theo mé sông để cho người trong xóm đi cho tiện. Hai bên mé bờ cỏ mọc rậm-rạp, nhưng mà chính giữa bờ có một đường mòn trống trơn, lại người ta đi thường, nên đất láng-lẫy. Dọc theo mé sông chủ đất lại có trồng một hàng dừa, cây cao tàn rậm mà buồng lại sai nữa.

Ông nhiêu và đi và nói chuyện lơ là với Thể-Phụng. Khi đến khoảng trống, không nhà cửa ai, một bên thì thì sông, một bên thì ruộng, mà phía bên sông lại có một cây dừa gốc cong vòng, gie trên mặt nước, ông nhiêu mới đứng lại rồi chăm-chỉ ngó Thể-Phụng mà nói rằng:

- Cháu học với thầy đã gần 10 năm nay, cháu có chuyện gì cháu cũng đều nói với thầy hết thảy. Thầy lấy làm lạ một đều[1] nầy, là thuở nay thầy chẳng hề nghe cháu nhắc chuyện cha mẹ cháu. Tại sao vậy? Cháu học văn mà cũng có học lễ, phụ hề sanh ngã, mẫu hề túc ngã, ai ai phụ mẫu sanh ngã cù lao dục báo thâm ân biều nhiên võng cực, cháu nhờ ai mà có hình-hài, cháu nhờ ai mà nên vai nên vóc, sao không nghe cháu nhắc đến cha mẹ vậy?

- Thưa thầy, cha mẹ cháu khuất hết, còn nhắc đến làm chi?

- Ai nói với cháu rằng cha mẹ cháu khuất hết?

- Thưa cha cháu khuất hồi nào cháu thiệt không biết, chớ mẹ cháu khuất hồi cháu được 8 tuổi, việc ấy cháu còn nhớ.

- Mà ai nói với cháu rằng cha cháu khuất kìa?

- Thưa ai cũng nói hết thảy: ông ngoại cháu, dì cháu, nội nhà ai lại không nói.

- Họ nói gạt cháu.

- Thưa gạt làm chi? Cha cháu chết thì nói chết chớ.

- Không có chết đâu. Còn sống.

- Thưa thầy, sao thầy biết?

- Thầy mới giáp mặt với cha cháu mấy bữa rày đây.

Thể-Phụng chưng-hửng đứng ngó ông nhiêu Khoa trân trân. Ông nhiêu cười và hỏi rằng:

- Thầy nói như vậy cháu không tin hay sao?

Thể-Phụng đứng lặng thinh. Ông nhiêu nói nghiêm chỉnh rằng:

- Thầy nói thiệt, chớ không phải nói chơi với cháu đâu. Thầy có một người anh là nhiêu Toại mới đến ở dạy học bên Nhựt-Tảo từ hồi năm ngoái. Mấy bữa rày thầy qua bển thăm ảnh. Tình cờ cha cháu lại nhà ảnh chơi nên mới gặp thầy. Thầy hỏi thăm tông tích vợ con, mới hay là cha của cháu chớ hồi mới gặp thầy cũng không dè. Cha cháu gương mặt giống hịch gương mặt cháu, song mặt có thẹo cùng hết, còn chơn trái có tật. Ông năm nay tuổi chừng bốn lăm năm mươi rồi đó. Người cao lớn vậm vỡ, song coi bộ có bịnh.

- Thầy nói cháu phải tin, nhưng mà chuyện nầy cháu nghe kỳ quá.

- Thuở nay cháu không dè cha cháu còn sống chút nào hết hay sao?

- Thưa không dè chút nào hết.

- Nếu vậy thì ông ngoại cháu với dì cháu có ý gì đó nên mới giấu cháu nói cha cháu chết chớ gì!

- Thưa, cháu không hiểu. Mà ông ngoại cháu với dì thương cháu lắm, có lý nào gạt cháu làm chi?

- Có lẽ tại việc nhà sao đó thầy có biết đâu.

Thể-Phụng đứng suy nghĩ một hồi rồi mặt biến sắc và nói rằng:

- Ờ, ờ, thưa thầy, cháu hiểu rồi.

- Hiểu sao đó?

- Cháu nhớ lại thuở nay ai nói tới cha cháu thì ông ngoại cháu giận lắm, ông ngoại cháu mắng là quân phản-thần tặc-tử, vô đạo bất lương. Thưa thầy, thầy cũng như cha cháu, nên không lẽ cháu không nói hết ý cho thầy rõ. Có lẽ tại ông ngoại cháu là người giàu có, còn cha cháu tánh tình không tốt, ông ngoại cháu sợ mang lây tiếng xấu nên mới nói cha cháu chết chớ gì.

- Chuyện nhà của cháu, thầy không rõ. Còn hôm gặp cha cháu đó thầy hỏi thăm sơ qua rồi đàm luận việc đời mà thôi, chớ không lẽ thầy móc moi tới việc riêng của người. Song mấy lời cháu mới nói đó, thầy nghĩ chắc là không trúng. Cháu nói có lẽ cha cháu tánh tình không tốt. Thầy xem tướng mạo của cha cháu, thầy nghe cha cháu nghị luận việc đời, thì thầy biết cha cháu là người đúng-đắn lắm, chớ không phải người quấy đâu.

- Nếu cha cháu là người đúng-đắn, sao sanh cháu ra rồi bỏ cháu đi, không nhìn cháu, không nuôi dưỡng dạy dỗ cháu.

- Chuyện đó thầy không hiểu. Song thầy biết chắc cha cháu thương cháu lắm, vì ông hỏi thăm sự học của cháu, mà ông ứa nước mắt.

Thể-Phụng đứng ngẩn-ngơ coi bộ lộn-xộn trong trí lắm. Ông nhiêu thấy vậy ông muốn khuyên giải cho Thể-Phụng bớt lo nên nói rằng: „Tại thầy thấy việc kỳ nên thầy nói riêng cho cháu nghe. Vậy cháu phải kín miệng, về nhà cũng chẳng nên nói đi nói lại cho ông ngoại hoặc dì cháu hay làm chi. Việc đâu thôi bỏ đó. Còn không mấy tháng nữa tới thi. Vậy cháu phải để trí bình-tịnh mà ôn nhuần kinh sử, chừng lập được công danh rồi sẽ hay."

Thể-Phụng thở dài và thưa rằng:

- Cháu nghe thầy nói nãy giờ trong lòng cháu bức-rức lắm. Nếu cháu không tìm cho ra mối bối-rối nầy, thì cháu không thế nào mà học được. Thưa thầy, xin thầy nghĩ lại mà coi, làm con chẳng trọng ai hơn là trọng cha. Thuở nay con tưởng cha cháu chết rồi, nên cháu không để ý tới. Bây giờ cháu biết cha cháu còn sống, mà cháu không thấy mặt, thì làm sao cháu yên lòng được.

- Việc đâu còn đó, cháu thi đậu rồi cháu sẽ tìm mối manh mà nhìn cha, lại muộn gì hay sao?

- Thưa thầy, cháu buồn quá.

- Ậy! sao mà buồn? Cháu đừng có buồn chớ. Theo như lời cháu nói đó, thì cha cháu với cháu không gặp nhau là tại duyên cớ nào đó, chớ phải tại cha cháu hay sao mà cháu buồn.

- Vì tại như vậy đó, nên cháu mới buồn.

- Phải thầy dè như vậy, hồi nãy thầy không nói chuyện với cháu.

- Thưa thầy, thầy thương cháu, thầy vén mắt cho cháu thấy trời xanh, thiệt cháu đội ơn thầy lắm chớ.

- Thôi cháu bỏ chuyện đó đi, để trí rảnh-rang mà học. Việc đó để thủng-thẳng rồi thầy tìm mối giùm cho.

- Ðội ơn thầy.

- Tối rồi. Thôi, cháu về đi, kẻo ở nhà ông chờ ăn cơm.

Thể-Phụng chấp tay cúi đầu xá thầy. Ông nhiêu khoan thai trở lại. Thể-Phụng lần bước về nhà, chàng châu mày cúi mặt xuống đất, lầm-lủi đi tới, không ngó cỏ cây chi hết.

Ông Ðàm-tự-Chấn thấy trời đã tối rồi mà cháu đi học chưa về ông bèn ra đứng dựa cửa mà ngó chừng. Cách chẳng bao lâu ông thấy Thể-Phụng ở ngoài xâm-xâm đi vô, ông bèn hỏi rằng: „Học bữa nay sao về tối dữ vậy? Dẹp sách riết[2] đi rồi xuống ăn cơm, kẻo đồ ăn nguội hết."

Thể-Phụng và đi vô nhà và đáp rằng:

- Thưa, ông ăn đi, bữa nay cháu không đói.

- Hứ! Sao không đói? Ham học đến bỏ ăn bỏ uống lận sao?

- Thưa ông, hồi trưa cháu có ăn bánh đằng trường nên bây giờ cháu không đói.

- Thôi, không ăn thì thôi. Như tối có đói thì biểu bầy trẻ nó dọn cho mà ăn.

- Dạ.

Ông Ðàm-tự-Chấn đi xuống nhà sau mà ăn cơm. Thể-Phụng đốt một thếp đèn, bưng vô trong phòng riêng rồi đóng cửa phòng lại. Chàng ngồi xếp bằng trên giường, tay chống cầm, mắt ngó đèn mà suy nghĩ. Trời chuyển mưa nổi gió thổi lá cây chung quanh nha nghe ồ-ồ. Ngọn đèn bị gió tạt nên ngã lại nghiêng qua, làm cho bóng dọi trong vách khi mờ khi tỏ.

Thể-Phụng suy tới xét lui, chẳng hiểu vì cớ nào ông ngoại mình nói cha mình chết mà thầy mình nói cha mình sống, chẳng hiểu vì lý gì ông mình nói cha mình là đồ bất lương vô đạo mà thầy mình lại khen cha mình là người đúng-đắn hẵn hòi. Mà nếu cha mình còn sống, thì sao thuở nay không nuôi dưỡng mình, lại bỏ mình cho ông ngoại. Hay là tại ông mình giành, nên cha mình mới để cho ông ngoại nuôi?

Ví dầu có nhượng cho ông ngoại nuôi đi nữa, thì cũng tới lui mà thăm nom, chớ sao lại bỏ biệt từ hồi mình còn nhỏ cho tới bây giờ. Con có phận sự làm con, mà cha cũng có phận sự làm cha. Con bỏ cha thì con mang tội bất hiếu, còn cha sanh con ra mà cha bỏ con, không dưỡng nuôi, không dạy dỗ, há cha không có tội với trời đất hay sao?

Có bao nhiêu đó mà Thể-Phụng bối rối trong lòng không biết liệu lẽ nào. Ðêm ấy chàng không ăn cơm, mà học không được lại ngủ cũng không được. Ðến khuya chàng nghe ông ngoại thức dậy uống nước trà ở ngoài, chàng muốn ra mà hỏi thử coi tại cớ nào ông không ưa cha, mà cha cũng không nhìn mình. Chàng muốn ra hỏi rồi chàng giựt mình nếu ông không giấu việc nầy với mình, thì từ ngày mình lớn khôn ông đã nói rồi, chớ đợi chi tới mình hỏi ông mới nói, bởi vậy có hỏi cũng không ích. Mà nếu không hỏi người trong thân thì biết hỏi ai? Thôi ông ngoại có giấu thì mình sẽ hỏi cha. Thế nào cũng phải đi tìm cha một lần mới được.

Thể-Phụng nhứt định rồi, qua ngày sau đến trường giả vui như thường, thừa lúc thầy rảnh ngồi một mình mới hỏi thăm chắc chỗ cha chàng ở, hỏi coi nhà cửa thế nào. Ông nhiêu tình cờ nên chỉ thiệt, ông không dấu Thể-Phụng .... trong trí.

Cách vài bữa, Thể-Phụng tỏ với ông ngoại và dì rằng có một người bạn học ở Bến-Tranh về thăm nhà mời chàng đi theo chơi vài bữa cho biết nhà nên chàng xin phép đặng đi với bạn.

Ông Ðàm-tự-Chấn không dè cháu có ý riêng, ông liền thuận tình cho đi, biểu Kim-Huê đưa cho cháu 5 quan tiền làm hành lý và dạy bạn dọn ghe cho cháu đi chơi, Thể-Phụng nói rằng có sẵn ghe của nhà người bạn qua rước nên không cho ghe nhà đưa, chỉ lấy 5 quan tiền mà thôi.

Thể-Phụng thay áo đổi quần, từ giả ông với dì rồi xách tiền ra đi. Ông Ðàm-tư-Chấn cưng cháu, không đành để cho nó đi một mình, nên ông kêu một đứa bạn nhỏ tên Son mà dạy nó theo hầu hạ cháu. Thể-Phụng cãn không được, nên bất đắt dĩ phải để xho thằng Son đi theo. Chàng ra khỏi xóm rồi, chàng bèn mướn một chiếc ghe lườn mà đi qua Nhật-Tảo.

*

* *

Lúc nửa chiều trời chuyển mưa kéo mây đen kịt, thổi gió ào-ào. Vương-Thể-Hùng ngồi dựa cửa ngó ra sân thấy con gà cồ đứng bươi giữa đống trấu, đuôi giũ phất-phơ, rồi lại nghe sau vườn, hàng tre bị gió quặt nên tiếng kêu trèo-trẹo.

Nhà của Vương-thể-Hùng ở dựa mé rạch Nhựt-Tảo, cất cheo-leo phía cuối xóm, bởi vậy chỉ có một cái nhà bà tư Tung ở gần mà thôi. Tiếng kêu cái nhà, chớ kỳ thiệt là cái chòi, bởi vì nhà gì mà cọng hết thảy có 3 hàng cột, mỗi hàng đếm có 3 cây, lại cây nào cây nấy vạy[3] ngoe như ống điếu. Trong nhà không có vật chi hết, chính giữa có bắt một cái chõng tre, bên nây giăng một cái võng lác còn bên kia có dụm ba ông táo đát mà thôi. Ðã vậy mà nóc nhà thì trống lổng, khi dột mưa, khi dọi nắng, mái nhà thì thấp xủn, vô phải khòm lưng, ra phải cúi đầu.

Tuy vậy mà sau hè có trồng ít bụi chuối xơ-rơ, dưới sông có buộc chiếc xuồng nhỏ nhỏ. Ðã biết Thể-Hùng không hay săn sóc vườn chuối, nhưng mà anh ta xưa nay dùng chiếc xuồng mà đi, khi thì đi trễ[4] tôm, khi thì đi câu cá, rồi đem đến mấy xóm đông đổi gạo dùng mà độ nhựt.

Vương-thể-Hùng ngồi chồm hổm dựa cửa ngó ra sân một hồi rồi chàng đứng dậy đi cà nhắc lại bếp mà xới nồi cơm. Chàng vừa muốn trở lại cái chõng mà ngồi, thấy Vương-thể-Phụng ngài sân xâm-xâm đi vô, sau lưng lại có một đứa tùy tùng nhỏ nhỏ, Thể-Hùng lấy làm kỳ, không hiểu con tìm đến nhà có việc chi nên ngồi ngó trân trân.

Thể-Phụng cúi đầu chun vô nhà, Thể-Hùng ngồi trên chõng thì ngó sững và hỏi trổng rằng: „Không biết nhà nầy của ai vậy há?"

Thể-Hùng dụ dự một chút rồi cúi mặt đáp nhỏ nhỏ rằng: „Nhà của cha, con đến đây chi vậy?"

Thể-Phụng ngó cha không nháy mắt và nói rằng: „Nếu vậy thì tôi đi trúng rồi". Chàng liền day lại thấy thằng Son còn đứng ngoài cửa bèn nói với nó rằng: „Thôi, mầy xuống dưới ghe mà chơi, biểu hai người chèo họ nấu cơm ăn đi."

Thằng Son đi rồi, Thể-Phụng mới bước tới đứng dựa đầu cái chõng rồi ngó ngay Thể-Hùng mà hỏi rằng:

- Té ra cha tôi đây hay sao?

- Phải. Ai biểu con qua đây?

- Không có ai biểu hết, con lén con đi.

Thể-Hùng nghe nói như vậy thì châu mày ngó Thể-Phụng mà lặng thinh không nói nữa. Cách một hồi rồi chàng tằng hắng mà hỏi dịu dàng rằng:

- Con lén đi tìm cha chi vậy?

- Thưa, con có một việc riêng con muốn hỏi cha, nên con mới đi tìm đến đây.

- Sao xưa nay con không tìm, bây giờ con tìm làm chi?

- Thưa cha, xưa nay con không dè cha còn sống; từ nhỏ chí lớn con tưởng con mồ côi cha mẹ hết thảy. Cách mấy bữa rày con nhờ thầy của con, là ông nhiêu Khoa, nói cha còn sống, ổng có gặp cha, ổng chỉ chỗ cha ở, nên con mới biết mà tìm đến đây.

- Ông nhiêu thèo-lẻo quá!

- Thưa cha, cha trách thầy con như vậy sao phải. Thầy con nói cho con biết đó là làm ơn cho con chớ.

- Báo hại con, chớ làm ơn nỗi gì!

- Thiệt đó chớ! Ông nói rồi mấy bữa rày con ăn học không được nữa. Tuy vậy mà con mang ơn ổng lắm, nhờ có ổng nói con mới hay con còn một ông cha, bằng không thì con cứ tưởng cha mẹ đều chết hết, con có cha mà không chịu nhìn, thì con mang lỗi với trời đất lắm.

- Con nhìn cha thì hại cho con chớ có ích chi đâu mà nhìn.

- Con nhìn cha mà sao lại gọi rằng hại?

- Con không cần gạn hỏi làm chi. Cha muốn cho con đừng có nhìn biết cha. Con làm như vậy là con trọn hiếu đa.

- Thưa cha, sao vậy? Con không nhìn cha mà sao gọi rằng trọn hiếu?

- Con đừng có hỏi nữa. Con nghe lời cha, con đi về đi, rồi cứ tưởng cha đã chết như xưa nay đó vậy, ấy là có hiếu với cha lắm.

- Thưa, không được. Cha nói như vậy thì con không về được đâu. Nay con đã khôn lớn rồi, còn cha thì đã già yếu mà tật nguyền nữa. Theo phận làm con của con, thì con phải nuôi dưỡng cha, nếu con không làm như vậy, dầu con học thi đậu tới trạng-nguyên, dầu con giàu có như Thạch-Sùng đi nữa, con cũng không đáng làm người. Ðã vậy mà con còn nhiều việc ức nữa, con muốn hỏi cha, nên con phải tới đây.

- Con còn muốn hỏi việc chi?

- Thưa, con muốn hỏi coi vì cớ nào cha còn sống mà nội nhà ông ngoại con thuở nay đều nói với con rằng cha đã chết rồi? Tại sao vậy?

- Ðó cũng có duyên cớ, song con không cần phải biết làm chi.

- Con cần phải biết lắm chớ. Thuở nay thiên hạ nói cha đã chết rồi mà cha còn sống nhăn đây, nếu vậy thì họ nói mẹ của con chết con chắc mẹ của con cũng còn sống nữa, phải vậy hay không cha?

Thể-Hùng nãy giờ buồn lắm, bây giờ lại nghe con hỏi tới mẹ nó nữa, thì càng thêm buồn, bởi vậy chàng ứa nước mắt và đáp rằng:

- Mẹ của con đã chết thiệt.

- Nếu mẹ con chết thiệt thì thôi, con không dám hỏi tới việc đó nữa. Bây giờ cha còn sống, con may mắn được gặp cha, vậy con xin hỏi cha một đều nầy nữa: cha có công sanh con ra, mà sao cha không thương con, cha không dưỡng-nuôi dạy-dỗ con, cha lại bỏ cho ông ngoại, rồi thuở nay cha không thèm lui tới mà thăm con, đến bây giờ cha còn biểu con đừng nhìn cha nữa? Thưa cha, xin cho con biết coi hồi nhỏ con làm đều chi lỗi với cha, hoặc tại con mà cha khốn khổ lắm hay sao nên cha phiền, đến nỗi cha bỏ con như vậy?

Thể-Hùng nãy giờ tuy buồn, song còn nói đi nói lại được. Ðến chừng chàng nghe con hỏi tới sự đó, chàng nghẹn cứng cổ, không có lời chi mà đáp, nên chàng đứng dậy bỏ đi ra ngoài cửa.

Trời mưa ào tới, giọt đổ lộp-bộp trên mái nhà, sân cỏ nổi bùn, nước đọng lấp xấp mấy khoảng thấp. Thể-Phụng liếc dòm, thì thấy Thể-Hùng đứng ngó trời mưa mà hai hàng nước mắt chảy dọc xuống dưới hai gò má. Chàng lén bước sụt lại vài bước đặng nhìn xem mặt cha cho tường tận. Người cao lớn, miệng rộng môi dày, vai ngang, mày rậm, cặp mắt có tinh thần, mà gò má bên tả lại có một cái thẹo rất lớn, bởi vậy gương mặt thì coi không thấy vẻ ác, mà vì mang cái thẹo nên dễ tưởng là người hung. Chàng nhìn cha rồi ngó khắp trong chòi, nửa buồn về tình, nửa buồn về cảnh, nên cảm xúc trong lòng, chàng đứng khoanh tay mà thở ra.

Thể-Hùng đứng ngó trời mưa mà suy nghĩ một hồi lâu rồi trở vô ngồi trên cái chõng, không thèm lau nước mắt, lại ngó ngay Thể-Phụng mà đáp rằng: "Bình sanh cha không quen thói có lỗi rồi đổ cho người khác. Nhưng mà trong việc nầy cha khuyên con đừng có hỏi chi hết, con cứ tin chắc rằng cha là một người ngay thẳng, con kêu cha bằng cha chẳng hổ thẹn chi đâu. Tình của cha đối với con thế nào, có lẽ ngày sau cha chết rồi con sẽ biết. Mà năm nay trong mình cha yếu lắm, cha liệu chắc không còn sống bao lâu nữa đâu, nên con chẳng vội cho mà hỏi."

Thể-Phụng cũng ngó ngay cha mà nói rằng: "Dầu cha là người phải hay là người quấy, cha cũng là đứng tạo-hoá của con, con cũng phải kính trọng cha, nên con không cần hỏi tới việc đó. Con quyết muốn biết một đều nầy là muốn biết coi vì cớ nào cha sanh con ra mà cha không thương, đã bỏ cho ông ngoại nuôi, rồi thuở nay lại không thèm lui tới mà hỏi thăm."

Thể-Hùng châu mày ngó xuống, nước mắt đổ từ trên vạt áo từ hột. Chàng nói nhỏ-nhỏ rằng: "Con chớ nên tưởng rằng cha không thương con. Cha thương con lắm, cái tình của cha thương con cha dám chắc không thua ai đâu. Con nên biết rằng vì cha thương con nên cha phải xa lánh con, vì cha thương con nên cha thăm con mà cha phải giấu, không dám cho con biết. Thuở nay cha đi thăm con hoài, chừng vài ba tháng cha đi thăm một lần, mà mỗi lần thăm thì cha đậu xuồng dựa bên đường con đi học, rồi ngồi dưới xuồng lén ngó con mà thôi, chớ không dám nói tiếng chi, hoặc làm đều chi cho con biết. Vậy con đừng có tưởng cha không thương con."

Thể-Phụng nghe cha nói như vậy thì chưng-hửng, đứng ngó cha trân trân và suy nghĩ riêng một hồi rồi nói rằng:

- Té ra người ở dưới chiếc xuồng hay đậu dựa gốc cây dừa quằn ra ngoài sông đó là cha hay sao?

- Phải.

- Cha có nói con mới nhớ. Lâu lâu con có thấy một chiếc xuồng đậu chỗ đó một lần, mà người ngồi dưới xuồng thường đội cái nón sụp-sụp che khuất hết nửa cái mặt, bởi vậy con không thấy cho rõ mà nhớ được.

- Cha không muốn cho con thấy rõ mặt cha.

- Thưa cha, tại sao vậy? Tại sao cha thương nhớ con, cha đi thăm con, mà không dám thăm chán chường, lại thăm núp lén như vậy?

- Tại cha thương con quá, nên phải làm như vậy đó.

Thể-Phụng đứng ngẫm-nghĩ, sắc mặt coi còn buồn hơn hồi mới bước vô nữa, chàng đi lại đứng dựa cây cột, gần một bên Thể-Hùng và nói rằng:

- Thưa cha, cha không chịu nói rõ cho con hiểu, cha cứ nói mí-mí[5] hoài, con càng buồn bực khó chịu hơn nữa. Xin cha nói việc nhà cho con hiểu. Con đã khôn lớn rồi, con đã đủ trí mà phân quấy phải, chớ phải con còn nhỏ dại chi hay sao mà cha ngại. Có phải là tại ông ngoại với cha không thuận với nhau, nên cha giận cha không chịu tới lui nữa hay không?

- Chuyện đó con không nên biết làm chi. Con phải thương ông ngoại con cho nhiều, vì con nhờ ông ngoại nuôi con mới nên vai nên vóc, con mới học thi đậu Tú-Tài. Con phải kính trọng ông ngoại, chớ đừng có nghi-ngại[6] rồi bạc ông mà manh lỗi. Cha nói con phải nghe lời. Cha xin con một đều nầy, là con đừng tưởng cha là người quấy, bấy nhiêu đó thì đủ rồi.

- Thưa cha, không được. Con muốn hiểu cho rõ việc nhà, nên cha không chịu nói thì con ở luôn theo đây với cha, con không rời cha nữa.

- Cha nghe nói qua sang năm con đi thi, vậy con phải để trí thong-thả mà học, chẳng nên lo việc chi khác hơn là việc đèn sách.

- Nếu cha không chịu nói thì con không thế nào học nữa được.

- Con muốn biết thì chờ chừng nào cha chết rồi con sẽ biết, không muộn gì đâu.

- Nếu cha chết rồi con mới biết thì muộn lắm chớ, chừng đó mới biết thì có ích chi đâu. Chẳng dấu gì cha làm chi, từ ngày con nghe thầy con nói gặp cha thì con lờ-đờ lững-đững như đứa không hồn, ngày như đêm con tự quyết phải đi tìm cho được cha mà hỏi coi vì cớ nào cha sanh con được, mà không dưỡng nuôi dạy dỗ được. Nãy giờ con nói chuyện với cha thì con đã biết không phải cha không thương con, con đã hiểu cha không phải là người quấy. Con tuy còn nhỏ tuổi, nhưng mà con có đọc sách ít nhiều. Ví dầu việc xưa mà có cái chi buồn thảm cho mấy đi nữa, hễ cha tỏ thiệt với con thì con chẳng nao núng chi đâu mà cha ngại, chớ con đã biết một phần rồi, mà cha còn giấu nữa, thì con làm sao được yên lòng mà học.

Thể-Hùng day qua ngó con, rồi ngó ra ngoài sân. Mưa đã tạnh rồi mà trời đã gần tối. Dưới rạch bìm-bịp kêu inh-ỏi, trước cửa cặp sóc nhảy om-xom. Thể-Hùng bần-dùng[7] một hồi rồi nói rằng: "Ðến nước nầy còn giấu-giếm mà chi nữa. Trước hay sau cũng phải nói. Thôi thà nói phứt cho rồi chớ biết ngày chết có được gặp nhau nữa hay không. Con muốn hiểu việc xưa, thì con ngồi đó, cha nói hết cho con nghe".

Thể-Hùng vấn một điếu thuốc rồi đi lại bếp lửa đốt mà hút. Chừng chàng trở lại thấy con đứng xẩn-bẩn dựa cây cột, bèn biểu con lên cái chõng mà ngồi, còn chàng thì đi thẳng lại võng rồi ngồi lên võng nhún mình mà đưa.

Chừng thấy Thể-Phụng ngồi rồi. Thể-Hùng mới nói rằng: "Hồi cha còn nhỏ, ông nội bà nội con khuất sớm, cha buồn rầu nên bỏ đi xứ nầy xứ kia mà kết bạn với những tay nghĩa sĩ anh hùng. Nhờ cha biết võ-nghệ chút đỉnh nên đi đến đâu cũng có người trọng hậu. Năm nọ mẹ của con đi cúng chùa về dọc đường bị ăn cướp bắt. Cha đi tình cờ may cha gặp, nên cứu mẹ của con khỏi tay kẻ quấy rồi đưa về tới nhà. Mẹ của con cám nghĩa cha cứu nguy, nên thầm nguyện kết tóc trăm năm với cha, song không tỏ tình riêng cho ai biết. Vì ôm ấp tình ấy trong lòng lâu ngày nên sanh bịnh. Dì hai của con lo nuôi đau, chị em nói chuyện với nhau, rồi mẹ con mới tỏ thiệt tâm sự. Dì của con hay việc ấy mới khuyên ông ngoại con gả mẹ con cho cha. Ông ngoại con ban đầu nói cha là quân bình-bồng nên không chịu gả, đến chừng thấy mẹ của con bịnh một ngày một nặng, sợ làm bức mẹ của con rầu buồn mà chết đi, nên mới cho người tìm cha mời đến nhà mà nói chuyện hôn nhơn. Cha vẫn biết, chí của cha đễ chết với việc nghĩa, chớ không phải để vui thú thê-noa[8], bởi vậy cha cố từ hoài, sợ có vợ rồi làm buồn cho vợ nên cha không dám chịu. Ông ngoại con nói thiệt rằng mẹ của con vì cha mà nhuốm bịnh, nếu cha không ưng thì mẹ của con rầu chắc phải chết, vậy hễ cha ưng, ấy là cứu giùm mạng của mẹ con. Cha nghe nói như vậy cha động lòng, nên bất đắc dĩ cha phải ưng đặng mà cứu mẹ của con. Nhắc tới việc xưa cha buồn lắm. Mẹ của con thiệt là một người hiền đức, đáng kính đáng trọng lắm. Nhưng mà cha tiếc vì tánh của cha hồ hải đã quen rồi, chừng cưới mẹ của con rồi, mẹ con vui vẻ hết bịnh, thì cha không ở nhà với ông ngoại con, cha cứ đi giao du với chúng bạn hoài. Tuy vậy mà mẹ của con chẳng có một tiếng chi phiền cha, vì muốn trưởng chí cho chồng, nên cha làm việc gì cũng không ngăn cản. Ðến năm quí-tị, khi ấy con đã được năm sáu tuổi rồi, trên Gia-Ðịnh có ông Lê-văn-Khôi vì muốn rửa hờn cho quan Tả-quân Lê đại-nhơn, nên kéo cờ độc lập, chiêu nghĩa binh mà chống cự với triều-đình. Từ nhỏ chí lớn cha nuôi chữ nghĩa trong lòng, dầu gặp tiểu nghĩa cha cũng không nỡ ngó ngơ, huống chi là đại nghĩa, bởi vậy cha trở về nói cho ông ngoại và mẹ của con hay đặng cha đi. Ông ngoại con là người chơn chất thiệt thà, bình sanh cố lo làm giàu, chớ không chịu việc khác. Tánh ý của cha không giống với tánh ý của ông ngoại con, bởi vậy thấy cha không lo làm ruộng hay là lập vườn như ông thì ông đã không ưa rồi, mà chừng nghe cha tính lên Gia-Ðịnh mà giúp với ông Lê-văn-Khôi nữa, thì ông lại càng thêm ghét. Tội nghiệp mẹ của con quá, nhắc tới đây cha nghĩ cha thương mẹ của con vô cùng. Cha nói chuyện đi Gia-Ðịnh, thì mẹ của con vui như thường, không cản một tiếng nào hết. Vì cha không muốn cho mẹ con buồn, nên tối lại trong lúc mẹ con của con đương ngủ mê, cha lén mở cửa ra đi ...."

Thể-Hùng nói tới đây, chàng nhớ thương vợ nên nước mắt tuôn rơi, cuống họng nghẹn cứng, chàng nói không được nữa. Thể-Phụng nghe chuyện xưa đã cảm động, mà thấy cha như vậy nữa, chàng dằn không được, nên chàng cũng ngồi mà khóc. Trời đã gần tối mò. Thể-Hùng khóc một hồi rồi lần đi kiếm thếp đèn đem lại bếp thổi lửa lên ngọn mà đốt. Chàng để thếp đèn trên chõng, vấn một điếu thuốc nữa mà hút rồi cũng leo lên võng ngồi mà nói tiếp rằng: "Vì trời khiến người phải còn bị ép, mà cũng vì quả bất năng địch chúng, bởi vậy trót 3 năm trường cha với các nghĩa sĩ cực nhọc hết sức mà không được thành công. Thành Gia-Ðịnh bị hạ, cha tả xông hữu đột mà phá vây, cha bị thương rất nặng, tưởng đã vong mạng rồi. Cái mặt cha có thẹo, cái chơn cha bây giờ còn đi cà nhắc, ấy là bởi cha bị thương trận đó. Chớ chi hồi đó giặc giết cha chết phứt đi, thì mát thân cha biết chừng nào! Trời khiến cha còn sống làm chi mà cha phải chịu áo-não như vầy. Cha mang bịnh trở về nhà ông ngoại con, thì mẹ của con mới chết trước mấy bữa. Ðau đớn chưa! Ông ngoại con một là nói tại cha nên mẹ con buồn rầu mới chết, hai là sợ cha lân-la quan họ nói đồng lõa với quân ngụy họ bắt, bởi vậy ông ngoại cố xô đuổi cha, không cho cha vô nhà. Cha xin lãnh con cha nuôi. Ông ngoại con nói rằng cha muốn bắt con thì ông giao, nhưng mà hễ bắt rồi thì đem đi luôn, ông không nhìn biết tới nữa, chừng ông mãn phần con cũng không được ăn gia tài. Còn như để cho ông nuôi thì ông cho ăn học, ngày sau ông để trọn gia tài cho con. Cha thương con mà nghe ông ngoại giao kết như vậy cha không biết liệu làm sao. Cha mới xin để cho cha suy nghĩ một vài ngày rồi cha sẽ trả lời. Cha nghĩ phận cha nhà cửa không có, cơm tiền cũng không, mà cha lại mang tật manh bịnh, không biết chết sống bữa nào, nếu nhận con về mà nuôi thì thân con đã cực khổ, mà cha cũng không có sức mà cho con ăn học đặng lập công danh với đời được. Vì cha thương con, cha muốn cho con lúc nhỏ được sung-sướng tấn thân, chừng lớn sẵn có gia tài mà hưởng, bởi vậy cha phải cắt ruột của cha, cha phải nhường con lại cho ông ngoại con nuôi. Qua ngày sau cha đến trả lời, xin để con lại cho ông ngoại con nuôi. Ông ngoại con gắt-gao quá, ông thấy cha yếu thế ông buộc cha như vầy: nếu để con cho ông nuôi thì tự hậu cha không được tới nhà ông nữa, dầu gặp con đi ngoài đường cha cũng không được phép nhìn con. Cha năn nỉ xin cho cha lâu lâu tới thăm con một lát. Ông nhứt định cấm tuyệt không cho nhìn biết đến con. Cha năn-nỉ quá ông mới chịu cho đều nầy, là ngày nào cha chết, thì ông sẽ cho con đến mà chịu tang. Nghĩ vì thương con thì phải làm cho con nên, chớ không lẽ làm cho con hư, bởi vậy cha phải bóp bụng dằn lòng mà ưng chịu, thà là cha vì con mà áo-não, chớ cha không nỡ làm cho con phải vì cha mà hạ tiện bần cùng. Bởi tại như vậy, nên mười mấy năm nay cha núp lén mà thăm, chớ không dám chường mặt, còn ông ngoại con sợ con đi tìm cha, nên ông nói dối với con rằng cha đã chết rồi.

Thể-Hùng nói vừa dứt lời thì Thể-Phụng chạy lại ôm cha mà khóc. Thể-Hùng nói được tâm sự cho con nghe thì trong lòng phơi phới, nên miệng chúm-chím cười, mà hai hàng nước mắt nhỏ giọt. Cha con khóc với nhau một hồi rồi Thể-Hùng nhớ lại mình chưa ăn cơm nên lật đật đốt lửa nướng ít con khô cá sặc mà dọn cơm ăn với con. Cha con tuy mới hiệp nhau, mà tình dan-díu coi chẳng khác nào như ở chung một nhà từ nhỏ tới lớn.

Ðêm ấy cha con nằm chung một chõng mà nói chuyện với nhau. Thể-Phụng biết được tâm chí của cha, hiểu được tâm sự của cha, thì kính phục hết sức, quyết ở luôn nơi đây mà nuôi dưỡng cha, không chịu trở về nhà ông ngoại nữa. Thể-Hùng khuyên giải con, biểu trở về, bởi vì nếu bạc ông ngoại, ông giận ông từ, thì ngày sau mất ăn gia tài. Thể-Phụng đáp rằng: "Cha tưởng gia tài đó quí cho bằng cha hay sao. Con không màng đâu. Thử đem 10 cái gia tài như vậy mà đổi cha, coi con có thèm hay không mà!"

Thể-Hùng thấy con trọng nghĩa khinh tài, thì chàng lấy làm mừng, nhưng mà chàng sợ thất ước với cha vợ, lại cũng vì chàng thương con, cố lo cho thân con ngày sau, nên chàng cứ theo khuyên con khuya phải dậy mà về, bởi vì còn chẳng bao lâu nữa tới khoa thi, nên phải về mà lo ôn nhuần kinh sử. Ðã vậy mà ông ngoại có công nuôi dưỡng từ nhỏ chí lớn, ơn ấy cũng trọng như ơn sanh thành, bởi vậy không nên bạc ông.

Thể-Phụng dụ-dự không chịu về. Thể-Hùng nói rút rằng: "Việc gia tài, con cần hay là không cần cũng chẳng quan hệ chi lắm. Ngặt vì có lời hứa của cha, nên ông ngoại con mới nuôi con cho tới ngày nay, con đã khôn lớn rồi, lại thi đậu Tú-Tài rồi nữa. Nếu bây giờ con bỏ ông ngoại mà theo cha, chi cho khỏi ông nói cha thấy con nên vai nên vóc, con đã có chút công danh rồi, nên cha dụ dỗ con. Thuở nay cha nghèo, song chẳng hề mang tiếng chi hết. Nay con đành vì cái tình thương cha, mà làm nhơ danh cha hay sao?"

Thể-Phụng nghe tới cái lý-thuyết ấy, chàng mới chịu vưng lời cha, nhưng mà chàng bịn-rịn hoài, cứ nấn ná ở cho tới chiều bữa sau chàng mới chịu về.

Trước khi Thể-Phụng xuống ghe, thì Thể-Hùng dặn rằng: "Con về ráng lo ăn học đặng lập công danh với người ta, con đừng có nhớ đến chuyện cha nói với con đó làm chi. Con cũng đừng có lui tới mà thăm cha nữa. Nếu cha có bịnh cha sẽ cho con hay, mà hễ con hay thì xin phép ông ngoại mà đi cho minh-bạch. Cha ước có một đều nầy, là ngày nào cha hấp hối, con cho cha thấy mặt con một chút rồi sẽ nhắm mắt."

Thể-Phụng cúi đầu và khóc và bái biệt cha mà về.

Chương 18

Vương-thể-Phụng trở về đến nhà, trong lòng tuy buồn thảm nhưng mà ngoài mặt làm vui như thường. Vì chàng đã có dặn trước thằng Son, nên nó cũng giấu giùm, trong nhà ai hỏi đi đâu, thì nó cứ nói đi theo cậu qua Bến-Tranh, chớ không nói đi Nhựt-Tảo.

Ông Ðàm-tư-Chấn tình cờ tưởng cháu thiệt đi chơi, nên ông cũng chẳng gạn hỏi cho lắm.

Thể-Phụng đi học tối ngày, hễ về đến nhà ăn ba hột cơm rồi thì rút vào trong thơ phòng không nói chuyện với ông ngoại như khi trước nữa. Ông Tự-Chấn tưởng cháu lo ôn nhuần kinh sử đặng chờ ngày thi, nên ông cũng không nghi ngại chi hết.

Một bữa nọ thừa lúc ông nhiêu Khoa rảnh-rang, Thể-Phụng mới hỏi thăm căn nguyên giặc Khôi và hỏi thăm tài lực tướng sĩ làm ngụy. Ông nhiêu Khoa bèn tỏ thiệt đầu đuôi các việc cho Thể-Phụng nghe, nhơn dịp ấy ông lại khen ngợi tài chánh trị của quan Tả-quân, khen trí dõng của Lê-văn-Khôi và khen sự can-đởm của tướng sĩ bị vây trong thành Gia-Ðịnh.

Thể-Phụng hiểu rõ việc ấy lại càng kính phục cha nhiều hơn nữa. Ban đêm chong đèn lấy sách ra đọc, chàng cứ ngồi ngó ngọn đèn mà tưởng cha hoài. Chàng thương cha trước vì nghĩa mà phải mang tật bịnh trọn đời, rồi sau lại vì con mà phải chịu đớn đau hằng bữa, bởi vậy hễ nhớ tới cha thì chàng ứa nước mắt; có khi chàng muốn dẹp hết việc học hành, để theo cha mà nuôi dưỡng, cho cha hết cực- khổ, bớt sầu thảm quạnh-hiu. Chàng muốn như vậy mà chàng lại nhớ những lời cha dặn, bởi vậy chàng sợ trái ý cha nên chàng không dám bỏ học.

Bữa rằm tháng 8 lúc gần tối khi Thể-Phụng từ thầy cặp sách đi về nhà rồi thì ông nhiêu Khoa tiếp được một bức thơ của ông nhiêu Toại ở Nhựt-Tảo gởi lên nói rằng Vương-thể-Hùng đau nặng, sợ e qua không khỏi, và cậy ông nhiêu Khoa nói giùm lại cho Vương-thể-Phụng hay. Ông nhiêu Khoa lật đật sai một đứa học-trò nhỏ cầm bức thơ lại nhà ông Ðàm-tự-Chấn mà trao cho Thể-Phụng.

Rủi thay bữa ấy Thể-Phụng đi học về gặp sắp bạn trong nhà đương dọn ghe đi câu theo mé sông. Chàng học đã mệt trí mà lại thấy trời tốt bởi vậy chàng ăn một chén cơm rồi đi theo ghe câu đặng hưởng trăng trong gió mát mà giải trí một vài canh.

Ghe câu mới lui một lát thì đứa học-trò đem thơ tới. Ông Ðàm-tự-Chấn hỏi thăm mới rõ mọi việc rồi ông xin lãnh bức thơ, ông nói dối rằng Thể-Phụng đi chơi sau vườn, để một lát trở vô ông sẽ trao lại, Ðứa học-trò trở về, vừa mới bước ra khỏi cửa thì ông Tự-Chấn quạu mặt châu mày nói lầm-bầm rằng: "Quân khốn kiếp mấy năm nay tưởng đâu nó đã chết rồi, té ra còn sống. Ta đã có giao rồi, còn nhắn nhe chi nữa. Thứ đồ đó chết đâu thì chết phứt cho rảnh, sống thêm báo đời chớ có ích gì."

Cách đã gần 15 năm mà ông Tự-Chấn cũng chưa hết ghét Thể-Hùng. Ông cầm bức thơ trong tay rồi leo lên võng mà nằm. Ông suy tới nghĩ lui một hồi rồi ông nhứt định giấu bức thơ, không cho Thể-Phụng hay.

Lối nửa canh hai Thể-Phụng đi câu về. Ông Ðàm-tự-Chấn còn thức, ông ra mở cửa cho Thể-Phụng vô, mà không nói chuyện Thể-Hùng đau. Thể-Phụng đi ngủ, mà chẳng hiểu vì cớ nào trong lòng bứt rứt, trong trí bưng-khuân, bởi vậy nằm thao thức hoài ngủ không được. Chàng giận nên ngồi dậy đốt đèn lấy sách ra mà đọc cho tới sáng. Bữa sau Thể-Phụng sửa soạn ôm sách đi lại trường. Ông Tự-Chấn sợ cháu lại đó ông nhiêu Khoa nói lậu việc, nên ông cản lại, biểu ở nhà đi đòi lúa giùm cho ông. Thể-Phụng không chịu ở nhà, chàng nói rằng chàng mới làm một bài phú để chàng đem trình cho thầy xem.

Ông Tự-Chấn liệu cản không được, mà nghĩ bây giờ cho người đi dặn trước ông nhiêu Khoa cũng không tiện, bởi vậy ông biểu Thể-Phụng ở nhà cho ông nói chuyện riêng một chút rồi sẽ đi. Thể-Phụng để sách trên ván đứng ngó ông ngoại trân-trân, có ý đợi coi ông nói việc gì. Ông Tự-Chấn lặng thinh một hồi rồi ông tằng-hắng hai ba tiếng và nói rằng:

- Thuở nay ông nói với cháu rằng cha mẹ cháu chết hết, ấy là vì cha cháu là đứa bất tiếu, ông không muốn cho cháu nhìn nên ông nói như vậy, chớ thiệt cha cháu còn sống.

- Việc ấy cháu biết.

Ông Tự-Chấn chưng hửng, lỏ mắt ngó thể-Phụng rồi hỏi rằng: "Ai nói với cháu?"

Thể-Phụng cũng ngó ngay ông mà đáp rằng: "Tự nhiên cháu biết. Cha của cháu bên Nhựt-Tảo. Hôm tháng năm cháu có đi thăm một lần rồi. Ông ghét cha cháu nên ông nói cha cháu bất tiếu, chớ theo ý cháu thì cha cháu tuy nghèo, song thiệt là đứng anh-hùng quân tử." Ông Tự-Chấn giận đỏ mặt, ông vùng đúng dậy trợn mắt nói rằng:

- Ông nhiêu Khoa chỉ cho mầy đó, phải hay không?

- Ai chỉ cũng được. Mà người dứt tình phụ tử của người ta mới có tội, chớ người giúp cho phụ tử tương phùng có tội chi đâu.

- Hay! Cha chả khôn dữ! Thiệt nòi nào giống theo nòi nấy. Nuôi nó từ nhỏ chí lớn rồi bây giờ nó muốn trở mỏ về rừng.

- Thưa ngoại sao ngoại nói như vậy, ngoại nuôi cháu cho cháu ăn học. Ơn ấy rất nặng nào cháu dám quên bao giờ, còn cha cháu sanh cháu, ơn ấy cũng rất nặng. Sao ngoại nỡ muốn cho cháu trọng ơn của ngoại mà phụ ơn của cha cháu chớ?

- Cha mầy là cái quân khốn kiếp. Nó theo côn đồ cướp đảng, nó báo hại cho mẹ mầy chết. Tao với mầy đó, thiếu chút nữa cũng bị chết chém. Thứ đồ như vậy còn nhìn nó làm cái gì?

- Cha cháu tánh tình cao thượng, chớ không phải như lời ngoại mới nói đó đâu! Bây giờ cháu biết phân biệt phải quấy rồi. Xin ngoại đừng có mắng nhiếc cha cháu như vậy, tội nghiệp cho cháu lắm. Nói cùng mà nghe, ví dầu cha cháu có bất hiếu cho mấy đi nữa. Ấy cũng là đấng tạo hoá của cháu. Có lẽ nào cháu dám khinh bạc đó ngoại.

- Thôi! Ðừng có nhiều chuyện nữa. Tao biết rồi, cha mầy nó xúi mầy chưởi tao đó! Hứ! Cái thứ đồ bạc, phải tao dè như vậy đó thì thuở nay tao để cơm cho chó nó ăn còn có ơn.

Ông Tự Chấn nói mấy lời rồi ngoe ngoảy bỏ ra sau vườn mà sắc giận lộ ra ngoài mặt đỏ au. Thế Phụng có dịp tỏ ý kính trọng cha được thì chàng đắc ý ôm sách đi học mà chẳng có dấu chi ăn năn những lời đối đáp với ngoại hồi nãy đó hết. Khi Thể Phụng bước vô nhà trường ông Khoa ngó thấy liền hỏi:

- Ủa! Cháu chưa đi hay sao?

- Thưa đi đâu?

- Hồi chiều hôm qua thầy biểu bầy trẻ đem thơ của anh Nhiêu Toại cho cháu coi. Vậy cháu không có đọc cái thơ đó hay sao?

- Thưa, cháu đâu có thấy thơ từ gì đâu? Ðưa cho ai?

- Ông ngoại cháu lấy thơ nói rồi trao lại cho cháu mà!

- Thơ không có, thơ nói việc chi?

- Anh Nhiêu Toại nói cha cháu đau nặng lắm, nên cậy viết thơ nhắn cháu qua cho mau mau.

- Trời đất ơi! Vậy mà ông ngoại tôi đành dấu thơ chớ! Hèn chi...

Thể Phụng vừa nói vừa khóc, nước mắt nước mũi chàm ngoàm. Chàng bối rối trong lòng, không biết liệu làm sao đi qua Nhật Tảo cho mau được. Chàng dụ dự một hồi rồi trình với thầy mà về. Chàng bước vô nhà thì thấy ông ngoại với dì đang nói chuyện. Vừa thấy dạng chàng bước vô thì nín hết nên chàng không hiểu nói việc gì. Chàng đặt sách rồi thưa lại với ông ngoại rằng:

- Thưa ngoại cháu mới hay tin cha cháu đau nặng, nhắn cháu qua cho mau đặng cha con thấy mặt nhau lần chót. Vậy cháu xin ngoại cho cháu đi ít bữa mà thăm coi cha cháu đau bịnh gì.

- Há, Thể Phụng à, cháu dại quá, ngoại nghĩ vì cha cháu là đứa hoang đàng, khi mẹ cháu còn nó không lo làm ăn mà lại tụ đảng với quân bất lương mà làm ngụy nữa.

- Thưa ngoại, cháu biết hết rồi. Tánh tình của cha cháu...

- Ậy, để ngoại nói hết cho mà nghe. Cha cháu sanh tâm theo quân ngụy, may đó! Không thì bà con dòng họ chết hết rồi còn gì! Ngoại sợ cháu dại, cháu theo cha cháu rồi tập cái tánh ngang tàng đó mà mang hại nên ngoại dành cháu lại ngoại nuôi. Cha cháu nó cũng bằng lòng bỏ cháu mà. Thuở nay cháu có thấy nó lui tới lần nào không? Cha con như vậy có tình nghĩa gì mà thương. Tuy vậy mà chiều hôm qua ngoại được thơ nói nó đau nặng, ngoại tính dọ lại coi, hễ nó thiệt đau nhiều thì ngoại cho cháu hay để cháu đi thăm. Chớ phải ngoại hẹp hòi gì hay sao! Hồi sớm ngoại mới nói, cháu mắng ngoại thật là bậy lắm nghe!

Thể Phụng nghĩ giây lâu rồi đáp:

- Thưa ngoại cháu nghe cha cháu đau nặng cháu nóng lòng lắm, vậy xin ngoại cho cháu đi liền bây giờ đi nghe!

- Ði đâu mà gắp vậy! Ðể ngoại sai bầy trẻ qua coi như thiệt nó đau rồi hẳn đi.

- Thưa ngoại cháu gặp cha cháu hôm tháng năm, cha cháu có rầy biểu cháu đừng có tới lui, ngoại hay ngoại buồn. Song chừng ra về cha cháu có dặn rầng: "Cha cháu năm nay yếu lắm. Vậy hễ ngày nào đau nặng thì cha cháu cho hay để qua mau mau. Vậy xin ngoại để cho cháu đi, nếu cha cháu không đau nhiều thì hổng nhắn cháu bao giờ đâu.

Ông Tự Chấn ngồi lâu không trả lời. Ðàm Kim Huê mới rước mà nói:

- Nó nói như vậy thôi cha để cho nó đi đi cha!

- Cháu sữa soạn rồi biểu bầy trẻ chèo cho mà đi.

Thế Phụng vội vả đi thay áo và muốn đi cho mau nên biểu hai tên gia đinh bơi xuồng mà đưa chớ không chịu đi ghe lớn. Lúc ra đi thì Kim Huê lén cho một quan tiền và nói:

- Dì gởi một quan tiền cho dượng ba uống thuốc nghe. Cháu thăm rồi về mau mau cho dì hay kẻo dì trông, nghe cháu.

Thế Phụng qua tới Nhật Tảo thì mặt trời đã xế bóng rồi, vừa ghé bến thì chàng nhảy phóc lên, ngó trong nhà thì thấy nhà im lìm, chàng bươn bả đi vô. Thình lình bà Tư Tùng trong nhà chun ra lấy tay che mắt ngó chàng và hỏi:

- Ai đó, cậu Thể Phụng phải không vậy?

Thể Phụng không biết là ai nên đứng lại mà đáp:

- Phải! Tôi là thể Phụng đây. Sao bà biết tôi vậy?

- Cha Chả, cậu qua sao mà trể quá vậy!

- Cha tôi bịnh sao đó bà?

- Hứ! Còn đâu mà hỏi nữa, cậu ơi! Tắt hơi hồi nửa buổi sớm mơi rồi.

Thể Phụng nghe nói hồn siêu phách lạc. Chàng chạy a vô nhà, thấy trên một cái võng có một người nằm chiếu phủ sùm sề, bèn dở chiếu ra thấy cha nằm ngữa mắt nhắm thiêm thiếp như ngủ thì thò tay ôm cha mà khóc rống lên, nghe rất thảm thiết. Bà Tư Tùng đứng một bên thấy vậy cũng động lòng. Thể Phụng khóc một hồi rồi day lại hỏi bà rằng:

- Thưa bà, cha tôi bịnh bửa nào, rồi chết hồi nào vậy vậy bà?

- Mấy tháng nay chú bịnh hoài mà chú cũng ráng đi câu đi lưới được, mới bốn bữa rày chú đi hổng nỗi nữa. Tôi ở gần thấy chú đau có một mình chú muốn bịnh tôi phải chạy đi chạy lại nấu cháo cho chú ăn. Hồi khuya nầy tôi lại thăm thì chú còn tỉnh. Chú trông cậu quá. Hồi sáng cứ biểu tôi ra ngoài bến mà coi chiếc ghe của cậu hoài. Tới chừng mặt trời mọc chú làm xung, tôi tưởng đã không xong rồi. Ai dè chú còn nuối[1] cậu nên một lát rồi chú khoẻ lại, ông Nhiêu có lại thăm, chú mượn viết mực rồi ráng ngồi dậy viết giống gì ở trong miếng giấy gì đây hổng biết nữa, rồi biểu tôi cất. Chùng nào cậu có qua thì đưa cho cậu. Ông Nhiêu cũng còn ngồi chơi đó tới nửa buổi chú mới tắt hơi.

- Cha tôi viết làm sao đâu? Bà cho tôi coi một chút được hôn bà?

Bà Tư Phùng mò trong lưng quần lấy ra một miếng giấy cuộn tròn bằng ngón tay cái mà đưa cho Thể Phùng. Thể Phụng mở ra thì thấy có mấy hàng chữ nôm như vầy:

"Con ơi, mạng của cha đã hết rồi! Cha muốn thấy mặt con một lần chót rồi cha sẽ nhắm mắt mà trông con hổng được. Thôi cha chết, cha chẳng có điều chi mà dặn con, chỉ khuyên con ở đời phải trọng nghĩa khinh tài và xin con, con hễ gặp Ðỗ Cẩm thì đền ơn cho cha. Vì năm trước cha nhờ người ấy cứu cha nên cha mới còn sống đến ngày nay mà được thấy mặt con. Cha chết mà cha không ăn năn việc gì hết, duy chỉ có buồn về sự cha làm cho mẹ con sầu não ngày trước đó mà thôi.

Gia định thành, Chánh Vệ Úy Vương Thể Hùng."

Thể Phụng đọc bức thơ di ngôn rồi chàng khóc một hồi nữa, chàng xếp bức thơ rất kỹ lưởng rồi bỏ vào túi rồi chàng hỏi bà Tư Tùng rằng:

- Thưa bà, bà có nghe cha tôi chối lời chi nữa hay không, thưa bà?

- Hổng có.

- Gần đây có ai bán hòm không vậy?

- Có, ở ngoài nhà có bán, mà ông Nhiêu đã đi mua rồi. Ổng đi từ hồi trưa chắc ổng gần về rồi. Kìa, kìa ổng về tới kìa.

Thể Phụng ngó ra sân thì thấy ông Nhiêu Toại đi vô rồi bước ra làm lễ ông rồi hai người nói chuyện với nhau. Ổng cũng nói Thể Hùng trông đợi cũng như bà Tư Phùng nói lúc nãy. Còn chàng tỏ cho ông biết vì cớ nào mà chàng tới trể. Thế Phụng lấy một quan tiền của dì gởi cho mà lo đám tang cha. Hôm bửa sau chôn cất xong rồi Thế Phụng mới tạ từ Nhiêu Toại với bà Tư Tùng mà về. Lúc bước xuống xuồng thì mưa dầm dề. Ðến dọc đường chàng nghĩ, nếu ông ngoại khi được thơ cho chàng biết ngay, chàng đi liền nội đêm đó thì cha con còn thấy mặt nhau một lần nữa được. Tại ông dấu thơ nên cha gìa chết mà không thấy được mặt chàng. Chàng nghĩ tới chuyện đó thì chàng buồn ông ngoại lắm.

Tuy vậy mà về đến nhà Thể-Phụng buồn mà thôi chớ không tỏ dấu chi phiền ông.

Ðàm-tự-Chấn với Ðàm-kim-Huê thấy Thể-Phụng mặc đồ tang-phục thì biết Thể-Hùng đẵ chết rồi, nhưng mà Kim-Huê hỏi thăm chớ Tự-Chấn không thèm hỏi đến.

Thể-Phụng đêm ngày thương tiếc cha nên nằm trong buồng mà khóc hoài. Chàng hết muốn học mà đi thi nữa, nghĩ vì tưởng cha còn sống ráng lập công danh đặng nuôi dưỡng cha và làm vinh hiển cho cha. Hôm nay mẹ cha không có, thì dầu có thi đậu ông nghè ông cống, dầu làm quan tới nhứt phẩm đi nữa, nghĩ cũng không vui-vẻ chi.

Chàng dọn trong buồng một cái bàn để thờ cha. Chàng căng bức thơ di-ngôn của cha mà treo ở giữa, còn hai bên có kềm hai bài vị, bên tả thì bài vị biên như vầy: "GiA-ÐỊNH THÀNH ÐẠi NGUYÊN SOÁi LÊ-VĂN-KHÔi: Còn bên hữu thì bài vị biên như vầy: "GiA-ÐỊNH THÀNH CHÁNH VỆ-ÚY VƯƠNG-THỂ-HÙNG."

Ðêm ngày chàng đốt đèn đốt nhang mà khẩn cầu cho vong hồn cha được âm cảnh tiêu diêu, mà mỗi lần chàng vái cha thì chàng cũng không quên mẹ. Chàng ước nguyện sẽ tận tâm tận lực mà học đòi chí cao-thượng, tập theo thói trong sạch của cha mà ở đời, nghĩ vì nghèo mà không hổ với lương tâm, hèn mà không thẹn với non nước, dường ấy thì quí báu hơn giàu mà bất nhơn, sang mà bất nghĩa. Chàng cứ bàng-hoàng tư lự hoài, thất chí ngã lòng, không cần cố việc bút nghiên đèn sách như trước kia nữa.

Một bữa nọ lúc nửa chiều, Thể-Phụng buồn nên bước ra ngoài đường rồi thơ thẩn đi dọc theo mé sông mà suy nghĩ việc đời.

Ông Ðàm-tự-Chấn thấy cháu từ khi đi Nhựt-Tảo về đến nay, ngày như đêm cứ lờ-đờ lững-đững, không lo đèn sách nữa thì ông lấy làm bất-bình. Ông chắc tại Thể-Hùng nói với Thể-Phụng chuyện gì đó, nên chàng mới đổi tánh nết như vậy. Tuy ông không nói ra song trong lòng ông giận Thể-Hùng lắm. Ðã vậy mà ông thấy Thể-Phụng cứ lục đục ở trong buồng hoài, thì ông sanh nghi, muốn vô coi chàng làm việc gì, ngặc có chằng ở đó hoài ông vô không đặng. Hôm nay ông thừa dịp chàng đi ra ngoài, ông mới bước vô buồng. Ông dòm thấy cái bàn thờ, ông đọc hai bài vị với bức thơ di-ngôn, thì ông giận run; ông thò tay giựt hai bài vị với bức thơ rồi ông co giò đạp bàn thơ ngả lăn cù, nhang đèn đổ dưới đất hết thảy.

Ông bước ra ngoài rồi lại bộ ván giữa mà ngồi, tay còn cầm 2 bài vị với bức thơ, mà ông giận quá nên môi tái xanh, tay chơn run bây-bẩy. Lúc ấy Thể-Phụng lại trở về, chàng vừa bước vô cửa, ông đương giận nên ông mắng om-sòm rằng: "Vô đây, con ông Chánh Vệ-Úy, vô đây. Mầy tôn trọng quân đó lắm há! Nếu vậy thì mầy cũng một phồn với quân đó rồi. Mầy phải ra khỏi nhà tao cho mau, tao không cho ở một lát nào nữa. Ra cho khỏi nhà tao rồi mầy muốn thờ ai mầy thờ. Ði, đi cho mau! Chánh Vệ-Úy gì! Ðại Nguyên-Soái gì! Quân đó là đồ chó má, mầy sùng bái há!"

Ông nói dứt lời thì ông vò xé hai bài vị với bức thơ di-ngôn của Thể-Hùng, rồi ông chà dưới đít trước mặt Thể-Phụng.

Thể-Phụng tức giận, chàng đứng lỏ mắt ngó ông ngoại mà vì chàng không dám mắng lại ông, nên chàng cuồng trí vùng la lớn rằng: "Vậy chớ họ đó lại hay gì lắm hay sao mà ông sùng bái."

Ông Ðàm-tự-Chấn đã giận, mà thấy cháu vô lễ và nghịch ý, thì ông càng giận thêm nữa, nên ông giựt cây chổi để trên ván rồi rượt mà đập lên đầu Thể-Phụng và mắng rằng: "Ðồ phản nghịch, đồ ngụy Khôi đầu thai, mầy phải ra khỏi nhà tao cho mau. Tao đố mầy làm sao mà khỏi chết đâm chết chém như thằng cha mầy đó."

Thể-Phụng chạy vô buồng, ngó thấy bàn thờ cha ngã ngang, hai bài vị xé mất, mà bức thơ di ngôn của cha cũng không còn, chàng mới hiểu mấy tờ giấy ông xé chà dưới đít hồi nãy là giấy ấy, bởi vậy chàng càng đau đớn mà lại càng tức-tủi trong lòng. Chàng không còn kể chi nữa hết, chàng bỏ trở ra cửa mà đi, không thèm lấy một vật chi, mà cũng không thèm nói một tiếng chi. Chàng đi khỏi nhà đã xa rồi mà ông cũng còn ngồi tại bộ ván giữa chưởi mắng Lê-văn-Khôi với Vương-thể-Hùng om-sòm.

*

* *

Ông Ðàm-tự-Chấn giận Thể-Phụng đến nỗi ông ăn ngủ không được. Ông dặn hết thảy những người ở trong nhà, hễ thấy Thể-Phụng về thì phải đuổi, đừng cho chàng vô. Ông lại cấm nhặt, từ Kim-Huê cho đến tôi tớ hết thảy, không ai được nói tới tên Thể-Phụng, nếu ai chẳng tuân lời thì ông sẽ đập chết.

Tuy ông giận, nên ông dặn như vậy, ông cấm như vậy, nhưng mà Thể-Phụng đi rồi, thì ông buồn bực, ông cứ châu mày xụ mặt hoài. Ông đi thăm ruộng hoặc đi dạo vườn thì thôi, mà hễ ông về nhà thì ông quạu-quọ, nội nhà ông thấy mặt ai ông rầy nấy, việc quấy ông rầy mà việc phải ông cũng rầy, dường như ông oán hết thảy cả nhà, sao ông giận ông đuổi Thể-Phụng mà không ai chịu kiếm chàng đem về, lại bắt chước ông mà giận luôn chàng nữa. Có lẽ ý ông thì giận như vậy, mà vì ông cấm nhặt nên có ai dám hở môi, thậm chí Kim-Huê thuở nay hay cãi lẽ với ông, mà trong việc nầy nàng thấy ông giận qua nên nàng cũng không dám nói.

Còn Thể-Phụng, chàng ra khỏi nhà rồi chàng xâm-xâm đi riệt lại nhà ông nhiêu Khoa mà thuật chuyện ông ngoại mắng chưởi vong hồn của cha mình lại cho ông nhiêu nghe. Ông Nhiêu nghe rõ rồi ông nói rằng:

- Mấy ông già tánh họ chơn chất, họ không chịu dời đổi, sao cháu không nhịn, lại đi làm mích lòng ông chi vậy?

- Thưa thầy, ví như cháu ăn ở đời mà cháu có làm đều chi quấy, hoặc cháu có ở vô lễ hay là bất nghĩa với ông ngoại cháu thì ông ngoại cháu đánh chưởi mà sửa trị cháu, dường ây cháu càng cảm ơn đức, cháu đâu dám phiền hà. Ngặc vì cháu không làm đều chi quấy, cháu chỉ muốn báo hiếu cho cha mà thôi, mà ông ngoại cháu không thương, lại sỉ nhục vong hồn của cha cháu, thì cháu còn ở đó nữa mà làm chi. Xin thầy xét đó mà coi, tình cha con mà ông ngoại cháu đành dứt, ngày trước lấy thế lực tiền tài mà ép cho cha cháu phải lìa cháu đi, sau nầy còn nhẫn tâm giấu thơ đặng cho cha cháu nhắm mắt đừng thấy mặt cháu được, bao nhiêu đó thì đã đủ cho cháu phiền rồi. Nhưng mà cháu nghĩ công ơn ông ngoại cháu nuôi cháu từ nhỏ chí lớn, nên cháu ép mình ở mà đền đáp ơn nghĩa cho tròn. Sự nghiệp của cha cháu để lại cho cháu chỉ có mấy hàng chữ là dấu tích mà thôi, mà ông ngoại cháu lại lấy xé mà chùi đít, rồi người đã chết rồi mà còn kêu tên mà mắng chưởi, thế thì thà cháu mang tiếng bạc ơn, chớ cháu không để mang tiếng bất hiếu được.

- Bây giờ cháu tính sao đây?

- Thưa, ông ngoại đuổi cháu thì cháu đi, mà dầu không đuổi, cháu ở nữa cũng không được.

- Cháu tính như vậy thì quấy lắm. Cháu đi đâu?

- Thưa, đi đâu cũng đặng, đất sáu tỉnh nầy rộng lắm có lẽ nào không có chỗ cho cháu dung thân hay sao.

- Cháu tính như vậy rồi làm sao mà đi thi?

- Thôi, thi cử mà làm chi. Cha mẹ cháu chết hết rồi, thân cháu còn kể chi nữa mà lo công danh.

- Cháu tính như vậy thì uổng công cháu ăn học quá.

- Thưa, không uổng. Cháu học được bao nhiêu thì có ích cho cháu bấy nhiêu, chớ uổng là sao?

- Còn gia tài của ông ngoại cháu đây, cháu đi rồi cháu bỏ cho ai ăn?

- Thưa, cháu có lòng dạ nào mà hưởng gia tài đó. Cháu nghĩ cháu oán cái gia tài đó lắm, vì nó mà cha cháu phải chịu thương thầm thăm trộm cháu mười mấy năm nay, vì nó mà cháu chịu thất hiếu với cha, vì nó mà cha cháu chết không thấy mặt cháu được. Gia tài như vậy mà cháu hưởng sao đành!

- Những lời cháu nói với thầy nãy giờ đó thầy nghe phải hết thảy. Nhưng mà cháu phải xét lại đều nầy: mấy việc mà ông ngoại cháu làm cho cháu phiền đó, ấy là vì ông thương cháu, ông muốn cho cháu như ông, ông muốn cho trong trí cháu tưởng có một mình ông mà thôi, đừng có tưởng ai khác nữa, chớ không phải ông ghét-gơ chi cháu đâu. Còn sự ông ghét cha cháu đó, là tại hai đàng tánh tình khác nhau, nhứt là tại ông là người kính phục pháp luật triều-đình, mà cha cháu lại nghịch hẵn với chỗ ông kính trọng nên ông ghét, chớ không phải ông có ý chi khác.

Thể-Phụng ngồi ngẫn-nghĩ một hồi lâu rồi thở ra. Ông nhiêu Khoa tưởng ông nói như vậy chàng xiêu lòng, nên ông khuyên lơn chàng trở về lo ôn nhuần kinh sử đặng đến kỳ thi mà lập công danh, chẳng dè chàng quyết chí không chịu về, mà cũng không thèm lo thi cử chi nữa.

Ðến trưa có ghe đi qua Nhựt-Tảo, Thể-Phụng xin quá giang tính qua viếng mồ cha ít ngày rồi sẽ đi kiếm chỗ làm ăn.

Qua đến nơi. Chàng thấy nhà cửa còn y nguyên, duy có chiếc xuồng bà tư Tùng đem về đậu ngay bến của bà mà thôi. Chàng bước vô nhà, thấy chỗ cha nằm ngồi hồi trước, thì chàng động lòng, nên nước mắt tuôn dầm-dề. Ban đầu chàng không tính qua ở đây bao giờ, mà qua đến đây chàng thấy cảnh như vậy, chàng lại quyết ở đây, chớ không tính đi đâu nữa.

Chàng kế nghiệp cha, cũng đi câu tôm câu cá đem mấy xóm gần đổi gạo mà ăn. Chàng lo đấp mồ mả của cha cao-ráo, rồi lo sửa nhà cửa lại cho vẻn-vang. Chàng dọn bàn thờ rồi cũng viết 2 bài vị để mà thờ, còn bức thơ di-ngôn duy đã mất rồi, song chàng nhớ thuộc lòng hết, nên chàng viết lại rồi cũng treo dựa bên bài vị. Bữa nào rảnh rang thì chàng lại nhà ông nhiêu Toại mà đàm luận thế sự, hoặc rèn tập phú thi. Ông nhiêu biết chí của chàng cao, thấy văn của chàng nhã, thì ông khen mà lại tiếc cho chàng lắm.

Thể-Phụng ở Nhựt-Tảo được vài tháng, bữa nọ có hai tên gia-đinh của ông ngoại chở qua 100 quan tiền mà nói rằng Ðàm-kim-Huê lén ông biểu chở tiền châu cấp cho chàng ăn học. Thể-Phụng thấy dì có lòng thương tưởng thì chàng cảm động, nhưng mà chàng cố từ không chịu lấy, biểu gia-đinh về thưa với dì rằng mình có đủ tiền dùng.

Chàng cư tang báo hiếu cho cha, tấm thân tuy cực khổ, song lòng dạ bớt đeo sầu. Có khi chàng nhớ tới phận ông ngoại hiu-quạnh chàng thương, nhưng mà thương thì thương chớ chẳng bao giờ chàng tính trở về mà ở với ông nữa.

Khi mãn tang rồi chàng cũng không tính đi đâu hết, quyết mai một cái mạng bạc trong xứ Nhựt-Tảo nầy, đặng khỏi nếm thế thái đắng cay, khỏi thấy nhơn tình ấm lạnh. Vì ông nhiêu Toại tiếc văn hay của chàng, ông cứ theo khuyên chàng phải lo thi cử hoài, bởi vậy chàng nghe lời, nên năm canh-tuất (1850), nhằm Tự-Ðức tam niên, chàng mới từ biệt mồ mả của cha mà đi du học.

Thể-Phụng qua Ðịnh-Tường, nghe quan Bố-Chánh đương cần dùng một người làm đề lại, chàng bèn đến xin mà làm. Quan Bố-Chánh xem tướng, thấy bộ chàng đoan-trang, thử tài, thấy văn chàng tao nhã, nên ngài liền nạp dụng. Thể-Phụng làm ít ngày, quan Bố-Chánh càng thấy tài càng thêm yêu, càng biết nết càng thêm mến. Từ đây Thể-Phụng được yên ổn tấm thân, ban đêm chàng mới lo đọc sách, đặng chờ khoa thi năm tí.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro