CHƯƠNG BA

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chương này chỉ nói về Kawa Hihara, quá khứ của hắn, gia đình hắn và dư luận về hắn… Tôi muốn kể đơn giản một chút, nhưng lại có linh cảm cho dù có viết đơn giản đi chăng nữa, cũng có thể vẫn là trường giang đại hải. Bởi vì hắn quá phức tạp, còn phức tạp hơn cả tưởng tượng và cảm nhận của tôi. Nói thật, cảm nhận của tôi hồi đầu về hắn và ấn tượng về hắn sau này có sự khác biệt rất lớn, đến cuối cùng, thậm chí tôi còn cảm thấy sợ và hận hắn. Bởi vì, toàn bị giễu cợt. Phải thừa nhận, tiếp cận hắn, tôi có cảm giác giống như đi vào một mê cung, khắp nơi toàn là ngả rẽ và những ảo ảnh ma quái, kiến thức và trí lực của tôi luôn bị thách thức, thử thách và giễu cợt.

Sử sách ghi về Kawa Hihara rất nhiều, bao nhiêu nhân vật trong câu chuyện gom lại cũng không nhiều bằng hắn. Hắn giống như một danh nhân trong lịch sử hiện đại của Trung Quốc và Nhật Bản, đến bảo tàng lịch sử hiện đại Trung Quốc tìm kiếm lật giở, tư liệu liên quan đến cuộc đời của hắn chỗ nào cũng có. Thật ra, Kawa Hihara chính là tên giặc Nhật mấy năm trước đến Cầu trang tìm kho báu, kho báu đâu chẳng thấy, trái lại còn gặp họa mất vợ. Lại nói về trước nữa, hai mươi năm trước, Kawa Hihara là phóng viên của tờ Tin tức hàng ngày của Osaka thường trú tại Thượng Hải, hắn đã từng lấy bút danh Nakahara viết hàng loạt bài ghi chép, bài thông tấn giới thiệu văn hóa, phong cảnh, đất nước, con người Trung Quốc, rất có ảnh hưởng trong giới trí thức Nhật Bản. Trở về trước nữa, nói cho cùng, bốn mươi năm trước, Kawa Hihara sinh ra trong một gia tộc võ sĩ ở Kyoto, Nhật Bản có quan hệ hơn ba trăm năm với Trung Quốc thời cổ, ngọn nguồn là từ danh sĩ Chu Thuấn Thủy cuối thời Minh phản Thanh. Sau khi tham gia các hoạt động phản Thanh phục Minh thất bại, Chu chạy trốn sang Nhật Bản, dạy học kiếm sống. Năm 1682, chết nơi đất khách quê người tại Mito, một thành phố phía Đông đảo Honshu, Nhật Bản. Thượng tổ của Kawa Hihara là một dòng họ thịnh vượng ở Mito, những năm cuối đời Chu Thuấn Thủy có quan hệ rất mật thiết với cụ tổ của Kawa Hihara. Cụ tổ của Kawa Hihara thì đam mê học vấn, tư tưởng và thư pháp của Chu Thuấn Thủy, còn Chu Thuấn Thủy là vì kế sinh nhai. Cuối cùng Chu Thuấn Thủy ở nhờ nhà cụ tổ của Kawa Hihara, đàm cổ luận đạo, dạy người nhà làm thơ Trung Quốc, có phần giống với gia sư hiện nay. Sau khi Chu Thuấn Thủy chết, học vấn, tư tưởng, tình cảm, sách vở, kể cả lời ăn tiếng nói dường như thấm sâu vào máu cụ tổ của Kawa Hihara và tồn tại mãi mãi. Mấy thế kỷ đã trôi qua, sau khi Thượng tổ của Kawa Hihara cũng đã vài đời, sinh rồi chết, chết rồi lại sinh, con người đâu phải đồ vật, nhưng niềm đam mê văn hóa nho nhã Hoa Hạ vẫn đời đời truyền kể. Đến thời cụ nội của Kawa Hihara, trong gia đình liên tục có người sang thăm Trung Quốc, tận mắt thưởng ngoạn cảnh đẹp của Trung Quốc, khi về mang theo hàng thuyền thư họa và các tác phẩm nghệ thuật của Trung Quốc, và mở một học đường truyền bá văn minh Trung Hoa. Bỗng chốc, cả gia tộc trở thành gia tộc am hiểu Trung Quốc nổi tiếng khắp Nhật Bản. Ông nội Kawa Hihara sinh thời đã từng ba lần du ngoạn Trung Quốc, là nhân vật quyền uy tuyệt đối của Nhật Bản về nghiên cứu thơ Đường Trung Quốc, từng có các tác phẩm nổi tiếng như Thơ ngắn Nhật Bản và thơ tứ tuyệt Trung Quốc, Thi sơn từ hải, Đường thi Tống từ, v.v… là những tài liệu dạy học không thể thiếu của giới văn học Nhật Bản khi nghiên cứu học tập về thơ từ Trung Quốc.

Năm 1914, ông nội Kawa Hihara đáp thuyền từ Hạ Môn tới Đài Loan, khi chuẩn bị từ Đài Loan trở về thì thuyền chìm, người chết, thân táng nơi biển cả. Vài người bạn thân và đồng hương của ông đang làm ăn ở vùng tô giới Thượng Hải sau khi biết tin đã mua ba thước đất trong nghĩa trang tô giới, đắp một ngôi mộ chôn quần áo cùng di vật, và dựng cho ông một tấm bia mộ. Năm sau, cha Kawa Hihara đưa Kawa Hihara tới Thượng Hải, tảo mộ nhập hồn cho người chết. Cha Kawa Hihara đem theo vong hồn phiêu dạt của ông nội về Nhật Bản, nhưng để lại đứa con trẻ dại của mình bên sông Hoàng Phố, làm bạn với vong linh của ông nội. Năm ấy, Kawa Hihara mới mười ba tuổi, vẫn là một học sinh trung học cơ sở còn chưa biết gì. Kawa Hihara sống nhờ trong nhà một người bạn thân của ông nội, học tiếng Hán, nói tiếng Hán, mặc quần áo thời Đường, đọc thơ Đường, vịnh thơ Tống, Hán hóa tới mức còn Hán hơn cả người Hán, đến mức bạn thân của ông nội Kawa Hihara cảm thấy Kawa Hihara hình như không phải là người Nhật Bản cùng tổ cùng tông, mà là một người Trung Quốc trở về từ Nhật Bản.

Mùa xuân năm 1921, khi Kawa Hihara chuẩn bị tốt nghiệp chương trình học tập tại Viện Sư phạm Khoa học Xã hội và Nhân văn Phúc Đán, nhà văn nổi tiếng của Nhật Bản Ryunosuke Akutagawa xuất hiện ở Thượng Hải với thân phận là phóng viên của tờ Tin tức hàng ngày Osaka, Kawa Hihara ngưỡng mộ đến thăm. Lúc ấy, mười năm trước, Nhật Bản là nước chiến thắng trong cuộc chiến Nhật ‐ Nga, tại vùng Đông Bắc có được quyền lực và tự do nhất định không thể kháng cự. Mười năm sau, Nhật Bản biến Trường Xuân thành quốc gia ngụy Mãn Châu. Tóm lại, kể từ khi bước vào sau thế kỷ hai mươi, lòng ham muốn Tây quốc Hoa Hạ của Nhật Bản đang lớn dần từng ngày là điều ai cũng biết. Đến những năm hai mươi, thế lực cực hữu của quốc đảo Nhật Bản vô cùng lớn mạnh, trong triều ngoài dân, trong chính phủ ngoài dân gian đều mãnh liệt lên tiếng, xây dựng các đảo thành một đế quốc, mở rộng quân sự chuẩn chiến tranh, hòng sáp nhập các nước Trung Quốc, Triều Tiên vào Nhật Bản, xây dựng vành đai Đại Đông Á cùng phồn vinh. Kawa Hihara đã kịch liệt đả kích chủ trương này, khiến Ryunosuke Akutagawa hết lời ngợi khen.

Hai người vừa gặp mà như đã quen từ lâu. Ryunosuke Akutagawa cần có một phiên dịch đưa ông đi tham quan ngắm cảnh, lấy đâu ra người thích hợp hơn Kawa Hihara. Vậy là, hai người như hình với bóng, lượn khắp khu tô giới, ngắm bãi ngoài, thăm dân chúng. Ít ngày sau, hai người hẹn nhau rời khỏi Thượng Hải đi thăm thú các nơi như Tô Châu, Hàng Châu. Đi cùng nhau, biết rõ về nhau, hiểu nhau hơn. Sau khi trở về Nhật Bản, Ryunosuke Akutagawa viết một loạt bài tản văn về chuyến đi như Thượng Hải du ký, Giang Nam du ký, Trường Giang du ký. Trong đó, bài Thượng Hải du ký có đoạn nói riêng về Kawa Hihara:

Cậu ta mới chỉ hai mươi tuổi, nhưng kinh nghiệm và trí tuệ là của một người từng trải. Bản tính của cậu có lẽ là người ôn hòa, thêm đó là sự hiểu biết và thấu tình đạt lý, sự lễ phép của cậu đủ để khiến người khác cảm thấy vừa phải. Nhưng trong lúc quốc dân nhiệt tình bàn tán về mưu lược quân sự đại Nhật Bản, sự phẫn nộ của cậu khiến người ta nghĩ cậu không phải là cậu. Với tuổi của cậu, sự phẫn nộ thường chỉ là biểu hiện của lòng nhiệt tình, sự bồng bột, nói thẳng không úp mở, không chú trọng ăn nói thế nào cho dễ nghe, cũng chẳng để ý, cũng chưa đến tuổi nghĩ đến trách nhiệm mỗi khi nói. Nhưng chàng trai trẻ ngồi trước mặt tôi, hành động bằng ý chí, nói năng theo lý lẽ, hợp tình hợp lý. Cậu đọc sách nhiều nên ăn nói đâu ra đấy, có dẫn chứng cụ thể, rất đáng tin cậy. Cậu hùng biện như đăng đàn, nói năng lưu loát, đầy biểu cảm. Chỉ có điều, quốc dân nghe thấy sẽ nguyền rủa cậu là mọc chí nô lệ, mất đi linh hồn của Đại Hòa[1]. Cứ như cậu đang sống trong thời Đường cổ, hễ mở miệng nói là tràn đầy ước vọng hướng tới và sự cao cả của nền văn minh Hoa Hạ. Còn ý tứ trong cách ăn nói vô cùng chặt chẽ, thấu tình đạt lý. Ít nhất, tôi nghe là như thế. Thực sự là tôi kinh ngạc về sự hiểu biết rộng rãi của cậu, tư duy của cậu cũng như sự độc đáo về kiến thức của cậu! Cậu tung hoành giữa tri và thức, giữa trí và tuệ, giữa tư và tưởng, giống như dệt vải thêu hoa, có lên có xuống, có ẩn có hiện. Từ chỗ lên đến chỗ xuống, dung hợp hòa quyện. Từ ẩn đến hiện, vận dụng thần kỳ. Như thế, quốc dân có thể nguyền rủa cậu, nhưng tuyệt nhiên không thể giễu cợt được cậu. Bởi vì, cậu không chỉ có lòng nhiệt tình, mà còn có lý, có chứng cứ…

[1] Yamato, một triều đại Nhật Bản cổ.

Đại khái là như vậy, tiếp sau câu chuyện còn rất dài, ví như nói rất cụ thể, trình bày đầy hứng khởi. Có tới đầy trang cả nghìn chữ, ca ngợi Kawa Hihara có thể coi là không tiếc giấy mực. Người có hứng thú viết ra những dòng này, đương nhiên cũng là người thích làm thầy. Sau khi Ryunosuke Akutagawa về nước không lâu, Kawa Hihara nhận được thư mời thếp vàng của tòa soạn Tin tức hàng ngày (Osaka). Thật đúng lúc! Vì cũng là lúc Kawa Hihara chuẩn bị tốt nghiệp, đang muốn tìm một công việc ổn định để lập nghiệp. Akutagawa tặng cho Kawa Hihara món quà tốt nghiệp đúng lúc nhất, cũng là thực tế nhất, khiến Kawa Hihara cả đời không quên. Mấy năm sau, ngày 24 tháng 7 năm 1927, Akutagawa đã uống thuốc ngủ tự vẫn tại nhà riêng, Kawa Hihara đã về nước chia buồn. Đây là lần về nước đầu tiên sau hơn mười năm xa cách, mấy năm trước, bà nội mất Kawa Hihara không về, có thể thấy Akutagawa có vị trí cao như thế nào trong Kawa Hihara.

Thế nhưng, Kawa Hihara lúc ấy đã thay đổi rất nhiều so với Kawa Hihara khi Akutagawa gặp. Đến khi Kawa Hihara một lần nữa rời xa Nhật Bản, đi về phía Tây (chỉ Trung Quốc), Kawa Hihara càng thay đổi nhiều hơn, sâu sắc hơn. Là sự thay đổi kinh thiên động địa, thay đổi toàn diện, khác lạ toàn diện. Dường như thật khó tin, nhưng sự là như vậy, khi Kawa Hihara một lần nữa tới Trung Quốc, thân phận thật của Kawa Hihara không còn là phóng viên gì nữa, mà là một điệp viên cao cấp do lực lượng Lục quân Nhật Bản phái tới Trung Quốc, có tổ chức nghiêm ngặt, kỷ luật nghiêm minh và nhiệm vụ rõ ràng: Thu thập tin tức tình báo quân sự của Trung Quốc, dọn đường trên bộ cho lực lượng Lục quân Đại Hòa đế quốc (chỉ Nhật Bản), người làm việc này phải thật dũng cảm, mưu trí và hiểu biết. Quả là một trung thần Đế quốc! Cũng may là Akutagawa đã qua đời, chứ nếu không sự phản bội này của Kawa Hihara có thể sẽ khiến cho Akutagawa chết thêm một lần nữa. Kawa Hihara của quá khứ và hiện tại, sự thay đổi quá lớn, cũng chẳng khác gì Akutagawa từ cuộc sống tìm đến cái chết.

* * *
Akutagawa từ cuộc sống tìm đến cái chết, là câu chuyện thay đổi quan niệm, chỉ bằng mấy chục viên thuốc ngủ. Còn Kawa Hihara của quá khứ và hiện tại, là một quá trình thay đổi dần dần, nói theo một ý nghĩa nào đó, là dựa vào tấm thẻ nhà báo mà Akutagawa đã tặng cho hắn.

Kawa Hihara vốn sống trong biển sách, trong đoạn nói về Kawa Hihara, Akutagawa từng viết:

Cậu có kế hoạch nhân sinh chi tiết lấy sách làm bạn: Trước năm hai mươi lăm tuổi đọc đủ một nghìn cuốn sách tiếng Hán, sau đó chọn những tinh hoa từ trong đó, dùng khoảng năm năm thời gian đọc, nghiên cứu, sửa chữa, sau năm ba mươi tuổi bắt tay vào dịch, viết sách, xuất bản sách…

Thư trung tự hữu hoàng kim ốc.

Thư trung tự hữu nhan như ngọc.[2]

[2] Tạm dịch: Trong sách có nhà nguy nga. Trong sách có ngọc lung linh.

Đó là nhân sinh tâm đắc của Kawa Hihara, cũng là thứ Akutagawa ca ngợi. Nhưng giờ đây, chỉ một tấm thẻ nhà báo nhỏ bé mà đã làm thay đổi hắn, khiến hắn bước ra khỏi biển sách, bước vào cuộc sống thực tại. Trong mấy năm, Kawa Hihara đã lấy Thượng Hải làm đại bản doanh, đi khắp mọi nơi, phía Bắc có Bạng Phụ, Từ Châu, Tế Nam, Thanh Đảo, Thạch Gia Trang, Thiên Tân, Bắc Kinh, Cẩm Châu, Thẩm Dương, Trường Xuân…; phía Nam có Hàng Châu, Thượng Nhiêu, Phù Châu, Giang Tây, Ưng Đàm, Nam Bình, Phúc Châu, Hạ Môn, Chương Châu và Quảng Châu; phía Tây có Vũ Hán, Trường Sa, Nghi Xương, Trùng Khánh, Quý Dương… Đi tới mỗi nơi, ngắn là hơn một ngày, dài là vài ngày, vài tháng, Kawa Hihara làm quen, tiếp xúc, giao lưu với các ngành, các nghề và mọi tầng lớp xã hội, khảo sát sâu rộng các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, địa lý, phong tục, tình hình nhân dân, văn hóa nghệ thuật và học thuật… của Trung Quốc thời đó, ghi chép nhiều và cũng đã viết nhiều bài báo về Trung Quốc.

Bên cạnh việc viết tin nhanh thời sự, Kawa Hihara mỗi tháng còn viết hai bài cho chuyên mục Vòng quanh Trung Quốc trên phụ san bán nguyệt của tờ Tin tức hàng ngày. Đúng là hắn đã đi khắp quá nửa Trung Quốc, phỏng vấn không biết bao nhiêu người, trải qua biết bao nhiêu là chuyện, nghe thấy nhìn thấy biết bao điều: Đất nước con người, thiên tai nhân họa, bi hoan li hợp, sinh tử âm dương, nam đạo nữ quyền, yêu ma quỷ quái, anh hùng hào kiệt… không chuyện gì là chưa thấy, không chuyện gì là không có. Đây là một quyển sách khác, một quyển sách lớn. Lớn đến nỗi khiến Kawa Hihara bị suy nhược cơ thể và cảm thấy lo lắng vì không biết làm cách nào để có một kế hoạch đọc và nắm vững nội dung, triển vọng của sách.

Hắn không biết bắt đầu từ đâu, cũng khó tự thoát ra, đành dựa vào đôi chân, đi một cách không biết mệt mỏi, xem, nghĩ và viết.

Không ngừng đi.

Không ngừng xem.

Không ngừng nghĩ.

Không ngừng viết.

Không ngừng lại được. Không làm sao ngừng lại được. Ngừng lại chỉ là tờ báo ngừng mà thôi.

Không, thực ra tờ báo cũng không thể ngừng lại được, chỉ là đổi tên, từ Tin tức hàng ngày (Mainichi) đổi thành Tin tức buổi sáng (Asahi), rồi thành Vạn triều báo, sau đó là Dân báo, Sáng tạo báo, Nhật xuất đông phương báo, cuối cùng là Thời sự tân báo. Chính là nói, ngừng lại là tiếp tục: bên này ngừng lại, bên kia để tiếp tục. Tóm lại, chuyên mục Vòng quanh Trung Quốc không ngừng lại, giống như một cây gậy tiếp sức, thay đổi từ tờ báo này sang tờ báo khác, chuyển giao, anh lên tôi xuống, anh xuống tôi lên.

Mỗi lần xuống là từ biệt. Từ biệt tờ báo cũ, từ biệt độc giả cũ. Càng là sự từ biệt của Kawa Hihara mới với Kawa Hihara cũ. Tờ báo cũ, độc giả cũ, Kawa Hihara cũ đều theo cánh tả ‐ tờ Tin tức hàng ngày cũ ban đầu là tả nhất. Đại diện cho cánh hữu ‐ tờ Thời sự tân báo mới là Hữu, vào những năm hai mươi của thế kỷ trước, nó giống ma quỷ cổ vũ quốc dân Nhật Bản xâm lược Trung Quốc. Chính vì thế, mỗi lần từ biệt của Kawa Hihara với tờ báo và độc giả, là bỏ cũ thay mới, thực tế là mỗi lần chuyển dần sang hữu. Đến thời kỳ cuối, những người quen biết Kawa Hihara trước đây đều không còn nhận ra hắn nữa. Ngay cả chính hắn cũng không còn nhận ra mình. Mỗi lần xuất hiện trên tờ Thời sự tân báo, là y như rằng hắn viết một cách ngang ngược:

Đấy là một dân tộc không có triển vọng, hay là vì trước đây họ đã quá có triển vọng rồi. Trung Quốc ngày nay, thật giống với con hổ lạc về đồng bằng, chim phượng gẫy cánh, chỉ còn hư danh. Thực chất là yếu ớt và mê muội, bị thuần phục và đáng thương, yêu cũng không được, hận cũng không xong, tiêu diệt thì không đáng một trận. Chỉ có tiêu diệt Trung Quốc, thiết lập vành đai Đại Đông Á cùng phồn vinh, mới có thể khiến Trung Quốc hồi sinh, cũng không uổng là hậu nhân của năm nghìn năm lịch sử…

So với mấy năm trước, luận điệu trên chuyên mục Vòng quanh Trung Quốc của Kawa Hihara ban đầu khởi xướng trên tờ Tin tức hàng ngày đã hoàn toàn khác. Không dính dáng gì tới nhau. Không liên quan gì tới nhau. Khác nhau một trời một vực. Thời đó, cho dù chỉ là trong một bài ghi chép đơn giản về phong cảnh sơn thủy, hắn cũng không thể kìm nén được sự sùng kính đối với Đại Trung Hoa và sự hiềm khích đối với quốc đảo Nhật Bản:

Qua mỏm Bành Lãng là đến huyện Bành Trạch. Nơi đây thuộc bờ Nam sông Trường, mỏm đá lởm chởm, nguy hiểm dữ tợn. Giữa núi và sông, hoa lau bạt ngàn, phóng hết tầm mắt, phong cảnh thật tuyệt vời. Dọc theo đường đi, men bên bờ sông, trên những cồn cát, lau mọc ngút ngàn, mênh mông đến hàng chục dặm. Khi giữa mùa đông, lá rụng hoa bay, như sương như tuyết, mênh mông hết tầm mắt; hoặc là cây cao chọc trời, cây và mây cùng hòa quện; hoặc là mây nước cùng một sắc, trời đất như nối liền… cảnh đẹp hùng vĩ này duy chỉ có thể thưởng ngoạn ở Trung Quốc, như tôi đã quá quen với thắng cảnh nơi đây, quả thực vẫn khó có thể tưởng tượng, chỉ có thể trầm trồ thán phục cùng trời đất…

Nói một cách ngắn gọn, cảnh đẹp của Trung Quốc là ở chỗ mông lung mịt mù, hùng vĩ, mạnh mẽ, triền miên, khúc khuỷu, xa xăm, thưởng ngoạn cho ta cảm giác ngọt ngào như mía đường; còn cảnh đẹp của ngã bang (nước tôi, chỉ Nhật Bản) tươi đẹp, tú lệ, thanh nhã, mặn mà, thưởng ngoạn cho ta cảm giác ngọt lịm như đường mật. Song tôi thấy, đường mật quá ngọt, ngắm mãi cũng nhàm chán. Một người bưng ly thưởng mật lâu ngày, cho dù là có thanh tao đến mấy, cũng luôn cảm thấy thiếu cái hồn và cảm hứng của thiên nhiên…

Giờ đây, sau vài năm, Kawa Hihara đã trở lại Trung Quốc, nhưng dưới ngòi bút của hắn, con người và sự vật đều đã khác:

Phóng tầm mắt nhìn, sông núi tan hoang, lều lán nhà tạm khắp nơi, đến đâu cũng thấy cảnh hoang tàn… Suốt dọc đường, từng đoàn dân tị nạn, ăn mày thành từng nhóm… trên mỗi khuôn mặt đều hiện lên vẻ bi ai cùng cực, như thủa hồng hoang giáng thế. Còn bên trong bức tường cao, trong thâm viện, thê thiếp từng bầy, tì nữ như mây, chó mèo được chiều, của ngon vật lạ từng đống, chuột nhà từng đàn, len lỏi qua những chú mèo. Đáng ghê tởm hơn nữa là lũ quan lại, chỉ biết mưu cầu thăng quan tiến chức, không biết mưu cầu việc công, trên dưới câu kết với nhau, tả hữu đấu đá tranh giành, tham ô hối lộ không coi pháp luật ra gì; trong quan quân, nuôi lính không để bảo vệ đất nước, nuôi chó không phải để giữ nhà, cát cứ xưng hùng, nội chiến triền miên, cậy thế hiếp yếu, như một lũ lưu manh trộm cắp. Càng bi thảm hơn là văn nhân học sĩ, có tri mà không có thức, thấy lợi trước mắt là quên hết nghĩa khí, lương tri của những kẻ tri thức hiển nhiên không tồn tại…

Nhìn chung, Trung Quốc cổ đại với sức sống mãnh liệt thời Hán, Đường xưa kia, do không biết đường cải tiến, tự kìm hãm mình, chẳng phải ngạo mạn, cũng chẳng phải tự ti, rặt một điều mê muội với phong tục cổ xưa, tham lam hưởng lạc, trăm nghìn năm sau vẫn không thay đổi, nghìn năm không có gì khác, vạn năm cũng vẫn vậy. Là nguyên nhân khiến sức sống ngày một lụi tàn, tham nhũng ngày càng thịnh hành, kết cục là vũng bùn lầy, bãi cát hoang…

Có người nghi ngờ phản bác Kawa Hihara tự mãn, hắn luôn có những biện hộ qua loa:

Trước đây, tôi là một thư sinh, ngày ngày vùi đầu vào đống sách, chuyện gì cũng đều lấy sách ra để phán đoán, từ văn chương sinh ra nghĩa khí. Nhưng, trong sách và bên ngoài là hai thế giới khác nhau, là thế giới cõi âm và thế giới cõi dương, là sự khác nhau giữa trắng và đen… Đến nay, tôi hối hận đã ra khỏi biển sách, tận mắt thấy được thực tế. Không thấy, không biết thực tế, mơ màng trong biển sách hun đúc tinh thần, chắt lọc tinh hoa, tự lấy đó làm vui, có gì không được? Đúng vậy, đó là thượng sách. Có điều, hận cho một tấm thẻ nhà báo đã đưa tôi đến khắp mọi nơi, thấy được thực tế. Ván đã đóng thuyền, làm sao có thể quay đầu được nữa? Không thể. Sự thật đã thấy, khắc sâu tâm cốt, sao có thể nghe thấy mà làm ngơ, nhìn thấy mà bỏ qua được? Không thể! Không không thể! Trong tôi đã có linh hồn của Đại Hòa, lẽ nào như vậy được…

Ý tứ rất rõ ràng, chính là trước đây sở dĩ Kawa Hihara si mê Trung Quốc, là do chuyên tâm học hành, hai tai không nghe những gì xảy ra ngoài cửa sổ, nên đã bị lừa gạt. Giờ đây, bước ra khỏi thư phòng, cuộc sống rộng mở chào đón, nhưng lại vô cùng đau lòng, không cam chịu bị che mắt nữa. Như vậy, đây cũng chỉ có thể là hắn tự nói ra. Đúng như Akutagawa nói, Kawa Hihara là một người có tài ăn nói, giỏi hùng biện, huống hồ đây là hùng biện cho chính mình, làm sao không thể hoàn hảo được? Hoàn hảo rồi. Không hố chút nào. Tròn trĩnh như ban đầu, hoàn chỉnh như trời sinh. Cho nên, ý tứ trong đó là không cần phải nghi ngờ, hơn thế giá trị ngày càng cao, rất có hơi hướng của “kẻ chơi bời lêu lổng khi đã ăn năn hối lỗi thì còn quý hơn vàng”. Lực lượng Lục quân sau khi nghiên cứu hàng loạt các bài viết “chuyển sang cánh hữu” của hắn, nhận định hắn là sự lựa chọn tin cậy, mới giao cho hắn những nhiệm vụ quan trọng.

Thế là, cái chết của ân sư chính là thời cơ Kawa Hihara gia nhập tổ chức bí mật. Điệp viên của lực lượng Lục quân đã tìm gặp ra hắn trong lễ tang của Akutagawa, giao nhiệm vụ quan trọng cho hắn. Hắn không từ chối, cảm giác của hắn là khách đến để khách như được về nhà (ý nói hắn làm vừa lòng khách). Trời sinh ta có tài tất sẽ dùng đến. Anh hùng đã có đất dụng võ. Hắn ngoài hoan hỉ ra vẫn là hoan hỉ. Như vậy, hắn không chút đau khổ biến mình từ con người công khai thành gián điệp hoạt động bí mật, giống như Akutagawa đã dùng thuốc ngủ để bình thản, lặng lẽ từ cõi dương chui xuống cõi âm mà không hề đau đớn.

Có một điểm không thể xem nhẹ, Akutagawa đã coi Kawa Hihara như chính bản thân mình, nhưng rồi trên thực tế chính Akutagawa đã đẩy Kawa Hihara sang phía đối diện với mình: Thẻ nhà báo, mở chuyên mục, cơ hội gia nhập vào tổ chức bí mật, v.v… tất cả đều do Akutagawa hoặc vô tình hoặc hữu ý gây ra. Thế giới là hoang đường vậy đấy, chết cũng đã chết rồi, chẳng có gì đáng để lại làm kỷ niệm cả. Cho nên, sau này cũng có người gắn sự tuyệt vọng của Akutagawa và sự tuyệt tình của Kawa Hihara lại với nhau. Nhưng đó chỉ là đồn đại, không đủ làm căn cứ. Nói một cách công bằng, Kawa Hihara không tuyệt tình với Akutagawa, mà chỉ là tuyệt giao. Chí bất đồng, đường không chung, ai đi đường nấy.

Là thầy của Kawa Hihara, sinh thời Akutagawa luôn quan tâm chuyên mục Vòng quanh Trung Quốc của Kawa Hihara, Akutagawa đã theo sát và đọc rất nhiều bài viết của hắn trên chuyên mục này, và thường nhắc đến những bài viết này mỗi khi trả lời phỏng vấn của phóng viên: Ban đầu là thưởng thức, sau là chán ghét. Trước khi chết nửa tháng, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên tờ Thời sự tân báo, Akutagawa đã nói về chủ đề này. So với những lần trả lời phỏng vấn trước đây, lần ấy, Akutagawa trả lời phỏng vấn có rất nhiều lời bộc bạch thẳng thắn, rõ ràng là đang có tâm trạng. Không biết là do Akutagawa đã sớm nghĩ đến cái chết của của mình, hay là do nguyên nhân Akutagawa đã quá tâm trạng với tờ Thời sự tân báo cực hữu này. Đoạn đối thoại của hai người như sau:

Akutagawa: Nửa năm về trước tôi đã biết sẽ có ngày hôm nay.

Phóng viên: Xin lỗi, tôi không hiểu ông nói đến “hôm nay” là chỉ điều gì?

Akutagawa: Chính là hôm nay, ngay lúc này, tình cảnh chúng ta đang nhìn thấy lúc này đây, “Vòng quanh Trung Quốc” sẽ “vòng” tới tờ báo của các anh, còn anh, hoặc là một con người khác của anh, sẽ đến phỏng vấn tôi, hỏi tôi câu hỏi anh vừa hỏi tôi.

Phóng viên: Vậy ông có thể nói đôi điều được không? Tôi nghĩ rằng, chắc ông cũng có điều muốn nói.

Akutagawa: Những điều tôi muốn nói đã sớm nói rồi. Anh phóng viên, anh đến phỏng vấn tôi, cần quan tâm đến tôi, thực tế là vài ngày trước tôi đã trả lời phỏng vấn một nữ phóng viên nữ của quý báo về vấn đề tương tự rồi.

Phóng viên: Tôi rất quan tâm đến ông, tôi đã xem bài phỏng vấn ấy rồi, ông bảo, có người đi lên thiên đường, có người đi xuống địa ngục. Tôi muốn hỏi là, theo ông, Kawa Hihara đã đi theo hướng nào? Lên thiên đường hay xuống địa ngục?

Akutagawa: Đương nhiên là xuống địa ngục. Tôi cho rằng, tờ báo của các anh là một địa ngục, chỉ có những người sống trong bóng tối không biết đâu là đáy, những người sống trong địa ngục, mới có thể viết những bài như vậy cho tờ báo của các anh. Tôi biết, hắn bây giờ rất phù hợp với các anh.

Phóng viên: Cũng là cho số đông người. Tờ báo của chúng tôi đại diện cho đại đa số người Nhật Bản.

Akutagawa: Vậy thì tôi nằm trong số ít rồi. Phóng viên: Kawa Hihara trước đây cũng là một người nằm trong số đó ít, đây cũng là nguyên nhân ông ngưỡng mộ Kawa Hihara. Ông nghĩ, liệu ông có giống như Kawa Hihara hay không? Sẽ rời bỏ số ít và gia nhập vào số đông người Nhật Bản?

Akutagawa: Không đời nào. Không đời nào. Hơn nữa tôi cũng không cho rằng tôi đại diện cho số ít. Anh nên biết rằng số lượng phát hành tờ Tin tức hàng ngày của chúng tôi không hề thua kém gì tờ Thời sự tân báo của các anh.

Phóng viên: Ít nhất là thiếu một Kawa Hihara tiên sinh.

Akutagawa: Có thiếu cũng có thừa. Mỗi người một chí hướng, điều này có gì lạ đâu.

Phóng viên: Như vậy, ông cũng thừa nhận, chí hướng của Kawa Hihara tiên sinh đã thay đổi?

Akutagawa: Không phải là thay đổi mà là tha hóa, biến chất.

Phóng viên: Cứ coi là tha hóa, nhưng ông đã nghĩ chưa, điều này là tại sao?

Akutagawa: Thời gian của tôi không nhiều, có rất nhiều vấn đề có giá trị hơn điều này để tôi suy nghĩ.

Phóng viên: Tôi thấy, đây là vấn đề rất có giá trị, cho nên đã suy nghĩ cẩn thận. Tôi cho rằng, Kawa Hihara tiên sinh rõ ràng là đang đi trong địa ngục. Tháng trước tôi mới từ Trung Quốc trở về, Kawa Hihara tiên sinh đã dẫn tôi suốt nửa tháng trời đi dọc theo bờ sông Hoàng Hà, nơi nuôi dưỡng nền văn minh Trung Hoa, cảm nhận của tôi trên suốt chặng đường là đang đi dưới địa ngục, những con người mà chúng tôi gặp trông thật đáng thương, họ ăn vận rách rưới, gày gò yếu đuối, ăn mày còn nhiều hơn cả người đi đường, khi thấy chúng tôi họ liền xếp thành hàng rồi quỳ xuống trước mặt chúng tôi xin tiền, xin đồ. Tôi thấy, những điều mà Kawa Hihara tiên sinh viết đều là sự thực, những điều tiên sinh suy nghĩ và hành động cũng đều hợp tình hợp lý, đáng để chúng ta suy ngẫm nghiêm túc.

Akutagawa: Tôi cũng đã từng đến Trung Quốc, không chỉ một lần. Tôi cũng đã từng đi cùng với Kawa Hihara, cùng nhìn thấy những cảnh tượng mà anh vừa nói đến. Nhưng đây là chuyện của bọn họ, chẳng có liên quan gì đến chúng ta cả.

Phóng viên: Tôi nhớ có lần ông đã từng nói, nhà văn cần phải có chủ nghĩa nhân đạo, tại sao lại nói bọn họ chịu khổ chịu đói lại không liên quan gì đến chúng ta?

Akutagawa: Chẳng lẽ điều quân phát động chiến tranh thì là chủ nghĩa nhân đạo?

Phóng viên: Chiến tranh? Đó là họ tự tàn sát lẫn nhau. Theo tôi được biết, cho đến nay, quân đội đế quốc chúng ta chưa từng giao chiến với quân đội chính phủ Trung Quốc.

Akutagawa: Bây giờ không có, không có nghĩa là tương lai sẽ không có. Anh còn trẻ, tôi nghĩ, cứ tình hình như thế này, nhất định anh sẽ được nhìn thấy ngày Nhật ‐ Trung giao chiến.

Phóng viên: Nếu thực sự có ngày ấy, Quân đội Nhật hoàng nhất định sẽ chiến thắng…

Ngày ấy nói đến là đến, đến liên tiếp.

Ngày 18 tháng 9 năm 1931, Đông Bắc thất thủ. Ngày 28 tháng 1 năm 1932, chiến dịch Thượng Hải lần thứ Nhất bùng nổ, Thượng Hải thất thủ.

Ngày 7 tháng 7 năm 1937, quân Nhật tạo ra sự biến Lư Cầu Kiều (Bắc Kinh), bắt đầu tổng tấn công đánh chiếm Hoa Bắc (khu vực phía Bắc Trung Quốc).

Ngày 13 tháng 8 năm 1937, Chiến dịch Thượng Hải lần thứ Hai nổ ra, quân đội Trung Quốc trên dưới hợp lực, quân Nhật dồn ép, cuối cùng thất bại, Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu lần lượt thất thủ… những sự kiện như vậy rất nhiều, đâu chỉ có một. Tóm lại, sau ngày 18 tháng 9 năm 1931, Trung Quốc có rất nhiều, rất nhiều ngày ấy. Trong ngoài Trường Thành, khắp nơi Nam Bắc, trên dưới Thần Châu (chỉ Trung Quốc), khắp nơi nơi đều đang tái hiện ngày ấy. Trong đó, phần lớn ngày ấy đều kết thúc bằng Quân đội Nhật Hoàng tất thắng ‐ đúng như chàng phóng viên đã nói, cũng ứng nghiệm với dự báo của Kawa Hihara: tiêu diệt thì không đáng một trận.

* * *
Tôi đã từng nói, ngày ấy rất nhiều, tháng 8 năm 1937, ngày ấy từ trên trời giáng xuống, giáng xuống Hàng Châu.

Ngày ấy, một trăm hai mươi bảy chiếc máy bay phản lực cất cánh cất cánh từ tàu sân bay Izumo neo đậu ở vùng biển cửa sông Tùng (Thượng Hải), bay thẳng đến Hàng Châu, bom đạn ném xuống nhiều vô kể. Dưới những đợt oanh tạc liên tiếp của máy bay quân địch, Tây Hồ vô cùng nguy cấp. Người Hàng Châu dù gì cũng được hưởng ân trạch của Tây Hồ, khi họ bỏ thành tháo chạy thoát thân, nghĩ đến Tây Hồ đang khó tránh khỏi tai vạ, trong lòng thấy quyến luyến không muốn rời xa, hoặc tiện đường, hoặc đi đường vòng, già trẻ nam nữ cứ nườm nượp kéo về tập trung bên bờ Tây Hồ, với lòng thành kính cầu xin thần linh che chở cho Tây Hồ. Nếu như Tây Hồ là vàng bạc trang sức và gia bảo, có thể mang theo được, tôi nghĩ chắc chắn họ sẽ bỏ lại tài sản để mang Tây Hồ đi. Chân tay không thể mang Tây Hồ đi, cũng sẽ dùng ánh mắt của mình để mang Tây Hồ đi theo. Đây là lần ngắm cuối cùng, nói thế nào cũng là lần ngắm cuối cùng, chạy thoát cũng vậy, không chạy thoát cũng vậy. Bởi vì, cứ cho là thoát chết, sống trở về, ai mà biết được Tây Hồ đã bị đạn bom tàn phá thế nào rồi? Nhìn thấy một Tây Hồ tan hoang xơ xác, thà không nhìn còn hơn.

Thôi, thôi, thôi, Tây Hồ thế là hết rồi.

Thật không ngờ, khi các trận oanh tạc đã ngừng, Tây Hồ vẫn còn nguyên vẹn. Bình yên vô sự. Tám trăm mẫu diện tích mặt nước, hàng chục khu cảnh quan quanh hồ, từ đầu đến cuối, đều không thấy vết tích của bom đạn. Dưới hồ, trên bờ, cảnh này, cảnh kia đều vẫn còn nguyên vẹn, nhà vẫn là nhà, vườn vẫn là vườn, cầu vẫn là cầu, đê vẫn là đê. Ngay cả một gốc cây cũng không thiếu, một chậu hoa cũng không sứt mẻ. Có thể nói không mất một sợi lông sợi tóc, cứ như là có thần linh che chở vậy.

Là thần linh phương nào đã ban cho ân điển lớn đến vậy? Người Hàng Châu muốn biết rõ ngọn ngành, để còn báo đáp. Nhưng thần linh nào thấy lại là ác quỷ, muốn báo đáp cũng không được. Ác quỷ có tên có họ, là Iwane Matsui, hiện là Tổng Chỉ huy của quân Nhật tại chiến khu Thượng Hải, sau này sẽ được bổ nhiệm chức Tổng Tư lệnh lực lượng quân Nhật tại Thượng Hải. Hắn không chỉ là một con ác quỷ, mà còn là một con ác quỷ dã man! Mùa hè ấy, hắn ngồi trên tàu sân bay Izumo neo đậu ở vùng biển cửa sông Tùng, đằng đằng sát khí khởi động cỗ máy giết người, điên cuồng thảm sát hàng trăm nghìn quân dân Trung Quốc. Vài tháng sau, chính là hắn dung túng gây ra vụ đại thảm sát đẫm máu tại Nam Kinh.

Có vẻ như rất khó tin, một con quỷ khát máu như vậy lại ban đặc ân cho Tây Hồ. Nhưng sự thực là vậy. Sử sách ghi chép lại, trước khi Iwane Matsui tập hợp hơn một trăm chiếc máy bay chuẩn bị oanh tạc thành Hàng Châu, một nhà báo Nhật Bản nổi tiếng hồi đó đã bất ngờ viếng thăm hắn. Kết quả cuộc nói chuyện bí mật giữa người này và Iwane Matsui đã khiến Iwane Matsui lệnh cho không quân dùng bút đỏ khoanh một vùng cấm oanh tạc lên tấm bản đồ chiến khu Hàng Châu. Vạch đỏ này chạy bao quanh bờ Tây Hồ, bên trong vạch đỏ là vùng hồ và những danh lam thắng cảnh xung quanh hồ.

Trong đó, Iwane Matsui còn lưu lại chỉ thị viết tay đầy uy lực:

Trong vùng xanh thẳm, có vưu vật đế quốc, cấm oanh tạc! Kẻ trái lệnh sẽ bị xử theo quân pháp.

Chẳng cần biết người đến thăm Iwane Matsui là ai, tóm lại vạch đỏ vẫn là do Iwane Matsui vẽ, chỉ thị viết tay do chính hắn viết. Chính vạch đỏ có kèm chỉ thị viết tay, giống như Tôn Hành Giả dùng gậy thiết bảng vẽ một vòng tròn bảo vệ sư phụ, đã cứu Tây Hồ. Ồ, vạch đỏ! Vạch đỏ ngoằn ngoèo, giống như một tấm bình phong do ông trời tạo nên, ngăn cách giữa thiên đường và địa ngục: bên ngoài đường vạch đỏ khói lửa ngút trời, thịt nát xương tan; bên trong vạch đỏ, bên trong đường vẽ sóng xanh dập dềnh, cá lượn nước nông. Đây là một cảnh tượng đặc biệt của Hàng Châu vào tháng 8 năm 1937, có chút ý nghĩa như là ông trời hai mặt, có chút gì đó ngoài sức tưởng tượng, có chút gì đó như là có thể gặp mà không thể cầu, có chút gì đó… không thể nói rõ. Thế nhưng, có một điểm có thể nói rõ được, chàng phóng viên nổi tiếng bất ngờ viếng thăm Iwane Matsui chính là Kawa Hihara. Nói cách khác, suy cho cùng, người mà dân Hàng Châu muốn cảm ơn là Kawa Hihara, chính Kawa Hihara là người đã thuyết phục Iwane Matsui vẽ vạch đỏ đầy uy lực ấy.

Không cần phải nghi ngờ, chứng cứ rất rõ ràng. Nói đúng sự thật, từ khi tháp tùng Akutagawa du ngoạn Hàng Châu, Kawa Hihara đã luôn nhớ đến Hàng Châu, tình cảm sâu đậm khó phai. Nhất là với Tây Hồ non xanh nước biếc, càng là tình cảm đặc biệt. Hắn từng viết bài ví Tây Hồ như là: Mặt trăng lạc xuống trần gian, tình đầy nước biếc… đi khắp nơi nơi, đọc hết ngàn trang sách cũng chỉ uổng công, không tìm thấy được nơi nào như Tây Hồ. Là một cảnh quan độc đáo, ngắm mãi không chán. Từ sau khi trở thành gián điệp của lực lượng Lục quân, cứ đến mùa hè, hắn thường đưa người vợ trẻ của mình đến Hàng Châu, sống bên bờ Tây Hồ, thuê một căn nhà rồi ở đó cả mùa hè, vừa đọc sách vừa du ngoạn sơn thủy. Du ngoạn sơn thủy cũng là thực hiện nhiệm vụ, những thứ nhìn thấy, nghe được cũng có thể là thông tin tình báo, có thể tận trung báo quốc, cũng có thể đổi lại được rất nhiều tiền, quả đúng là một gián điệp ngàn người mới có một. Khi chiến dịch ngày 13 tháng 8 bùng nổ, Kawa Hihara đang cùng vợ ở bên bờ Tây Hồ nghỉ hè tránh nóng. Bỗng một ngày, Kawa Hihara bất ngờ nhận được thông báo từ cấp trên, yêu cầu hắn nhanh chóng rời khỏi Hàng Châu. Kawa Hihara lúc đó rất nhạy cảm, hắn rất nhanh đoán được Hàng Châu sắp có chiến sự. Quả nhiên, sau khi Kawa Hihara về đến Thượng Hải, nhận được thông tin từ cấp trên ở Thượng Hải, tân Tư lệnh Iwane Matsui đã ra lệnh oanh tạc Hàng Châu.

Dự đoán đã được chứng thực, Kawa Hihara cảm thấy hụt hẫng, theo như hắn chỉ cần tấn công Thượng Hải, Hàng Châu sẽ chẳng cần đánh cũng chiếm được. Trong “Báo cáo phân tích chiến lược” hàng tháng mà hắn gửi lên cấp trên, mấy lần đều đưa ra nhận định và dự báo như vậy. Xem ra bây giờ, tân Tư lệnh Iwane Matsui đã không còn coi trọng dự báo và ý tốt của hắn. Iwane Matsui cũng là một người am hiểu Trung Quốc, trước đây từng giữ chức Trưởng cơ quan đặc vụ Phụng Thiên ‐ Thẩm Dương, phó Tư lệnh lực lượng Quan Đông, sau này từng là Tùy viên quân sự Công sứ quán Nhật Bản tại Quảng Đông, Thượng Hải của Trung Quốc, thời gian ở Trung Quốc đến hơn mười năm, am hiểu về Trung Quốc chẳng kém gì Kawa Hihara. Chính vì vậy, khi chiến dịch Thượng Hải nổ ra, Iwane Matsui tuy đã nghỉ hưu do tuổi cao lại được triệu hồi nhập ngũ, giữ chức Tư lệnh lực lượng điều động tới Thượng Hải. Nhưng dù sao cũng đã hơn mười năm trôi qua, đối với tình hình mới, cục diện mới và quan hệ hiện tại giữa Thượng Hải và Hàng Châu, Kawa Hihara hiểu rõ hơn, sâu hơn, chính xác hơn nhiều so với Iwane Matsui. Hắn tin vào phán đoán của mình, kiên quyết gặp Iwane Matsui để thuyết phục.

Thế là có câu chuyện như đã nói ở trên, cuộc gặp lịch sử giữa Kawa Hihara và Iwane Matsui trên tàu sân bay Izumo.

* * *
Câu chuyện sau đây phần nhiều là từ dân gian, không đủ làm bằng chứng.

Nghe nói, quá trình và kết quả cuộc gặp giữa Kawa Hihara và Iwane Matsui khá kịch tính. Ban đầu, Iwane Matsui từ chối tiếp Kawa Hihara, bản thân hắn xuất thân cũng là gián điệp, đối với kiểu thích lý sự của gián điệp, trước tiên là thuộc làu làu như cháo chảy, thứ đến là không có gì ngạc nhiên. Không quan tâm. Không sợ hãi ngươi. Iwane Matsui cau mày nói với viên Tham mưu, có tin tình báo gì thì bảo hắn viết thành báo cáo trình lên. Cau mày chứng tỏ Iwane Matsui đối với Kawa Hihara không chỉ không quan tâm, mà còn là rất chán ghét. Nhưng sau đó, nghe nói Kawa Hihara là tác giả của chuyên mục Vòng quanh Trung Quốc, Iwane Matsui lại tiếp đón Kawa Hihara như khách quý. Thì ra, Iwane Matsui là một độc giả trung thành của một loạt bài hịch văn chiến đấu của Kawa Hihara trên tờ Thời sự tân báo sau này. Một kẻ bảo vệ, một kẻ thực hiện. Cả hai đều là kẻ cổ vũ hô hào cho thuyết “Tấn công Trung Quốc”. Hai trái dưa trên cùng một dây leo. Iwane Matsui từng nhiều lần thẳng thắn tuyên bố trước Quốc hội, chỉ cần Chính quyền Quốc dân[3] Nam Kinh tồn tại một ngày, cái gọi là sự biến Trung Quốc cũng chỉ là giấc mơ đẹp mà thôi, vành đai Đại Đông Á cùng phồn vinh sẽ mãi mãi không có ngày thực hiện. Cuộc sống của tùy viên quân sự nhiều năm, khiến Iwane Matsui có những tiếp xúc và hiểu biết về chính quyền Nam Kinh mà người bình thường không thể có được, cũng khiến hắn có thêm nỗi đau và thù hận mà người bình thường không có, từ đó nảy sinh lòng thù hận vô cớ đối với thành phố Nam Kinh. Không lâu sau, cũng chính một tay hắn đã gây ra vụ đại thảm sát Nam Kinh gây chấn động thế giới, bóc trần sự thù hận tột cùng của hắn đối với thành phố Nam Kinh.

[3] Chỉ Quốc Dân đảng.

Thù hận là quỷ sa tăng.

Thù hận đã khiến hắn trở thành quỷ sa tăng, ác ma, mất hết nhân tính. Ngày 23 tháng 12 năm 1948, với tội danh tày trời là trực tiếp dung túng cho vụ đại thảm sát Nam Kinh, Iwane Matsui bị Tòa án quân sự Viễn Đông phán quyết phạm tội “tội ác chiến tranh loại A”, bị xử treo cổ. Nhưng lúc ấy, mùa hè năm 1937, con người Iwane Matsui phát đi mệnh lệnh từ trên tàu sân bay Izumo ấy, mặc dù luôn có dự đoán siêu phàm về chiến sự, nhưng lại không có chút dự đoán cần có nào về kết cục của chính mình. Không hề có linh cảm.

Iwane Matsui mời Kawa Hihara lên tàu, vui vẻ dẫn Kawa Hihara thả bộ trên boong tàu đón những làn gió biển sảng khoái, phân tích tình hình, nói chuyện về tương lai. Hai người đều chung một cảm giác là hận vì gặp nhau quá muộn. Chỉ có điều khi Kawa Hihara nói đến công việc cụ thể, Iwane Matsui chỉ cười với quan điểm tấn công Thượng Hải, Hàng Châu không cần đánh sẽ tự đầu hàng của Kawa Hihara. Iwane Matsui đưa Kawa Hihara vào phòng làm việc, chỉ vào sa bàn tác chiến năm màu có các mô hình cụ thể, và một bản thống kê tình hình chiến sự treo trên tường đối diện với sa bàn rồi để Kawa Hihara tự mình quan sát.

Kawa Hihara quan sát hồi lâu, phát hiện tại sân bay Hiện Kiều đang có hơn ba trăm chiếc máy bay, liên tục cất cánh bay qua vịnh Hàng Châu, lao vào bầu trời đầy khói của cuộc chiến Thượng Hải, đã hạn chế rất nhiều uy lực hùng mạnh của lực lượng Không quân Nhật Bản.

Đấy là trên bầu trời.

Trên mặt đất, ba sư đoàn chủ lực chia làm hai hướng đánh thọc sườn, tấn công Thượng Hải, trong ngày có thể tham gia chiến đấu, ngoài ra còn có binh lực của chín sư đoàn khác có thể chia thành ba hướng tấn công Thượng Hải bất cứ lúc nào. Nói như vậy, binh lực đồn trú ở Hàng Châu đã trở thành mầm họa lớn cho chiến thắng của quân Nhật trong cuộc chiến tranh này. Mầm họa không loại bỏ, sao có thể tấn công Thượng Hải? Vì vậy, không thể nói, tấn công Thượng Hải, Hàng Châu sẽ tự đầu hàng, mà phải nói ngược lại, muốn chiếm được Thượng Hải, thế tất phải san bằng Hàng Châu trước, diệt trừ mầm họa.

Kawa Hihara chợt bừng tỉnh, hiểu rõ kế sách của Iwane Matsui là cắt đứt tuyến chi viện từ hậu phương của quân đội Trung Quốc, vì vậy không nói không rằng, nuốt chửng kiến nghị ấp ủ trong lòng. Chỉ có điều nghĩ đến Hàng Châu tươi đẹp, thiên đường Tây Hồ, nơi lý tưởng để hắn nghỉ ngơi, sắp bị tàn phá, trong lòng luôn cảm thấy như có gì đó không phải lẽ. Đó là tâm trạng xót thương mù quáng, nuối tiếc. Trong lòng tâm tư, không nói ra cũng hiện rõ trên nét mặt. Trong lòng tâm tư, bất chợt nói ra, cũng là bình thường. Ngay lập tức, Iwane Matsui đã nhận ra nỗi buồn chia ly của Kawa Hihara trước kế hoạch oanh tạc Hàng Châu của mình, liền nói đùa rằng: phải chăng trong thành Hàng Châu có ngọc nữ thướt tha khiến Kawa Hihara tương tư không ngớt? Đã là nói đùa, nên Kawa Hihara cũng cười đùa đáp rằng: ngày thì nhớ, đêm thì mong. Iwane Matsui nghe xong liền lệnh cho viên Tham mưu đem tới một tấm bản đồ chiến khu Hàng Châu tỉ lệ 1:3000, rải xuống đất cho Kawa Hihara xem, rồi bảo Kawa Hihara chỉ rõ nơi ở của người trong mộng. Iwane Matsui bảo, không quân của hắn là số một thế giới, được lắp đặt hệ thống định vị từ trên cao tiên tiến nhất thế giới, chỉ cần chỉ rõ nhà ngọc nữ ở đâu, nói rõ đường phố, ngõ ngách, số nhà, đến lúc đó hắn ra lệnh bổ sung, lấy địa chỉ nhà ngọc nữ làm trung tâm, nội trong vòng tròn bao nhiêu mét sẽ không bị tổn hại đến một sợi lông cọng tóc. Nói rất khảng khái, thân thiện, hài hước và đại lượng. Kawa Hihara nhanh trí, lấy giả thiết Tây Hồ là ngọc nữ, lấy bờ đê Tô làm đường kính, vẽ một vòng tròn tùy ý rồi nói: Đây là nhà ngọc nữ hắn yêu thương.

Cứ ngỡ Iwane Matsui nhất định sẽ nhận ra đây là trò đùa, lấy đùa vui để kết thúc. Đâu ngờ, Iwane Matsui không nghĩ ngợi gì liền vớ lấy cây bút đánh dấu, vạch một vòng tròn đỏ đại khái theo nét vẽ của Kawa Hihara, rồi ghi vài chữ như đã nói ở trên bên trong vòng tròn đỏ.

Kawa Hihara từ đầu đến cuối đều không hiểu, Iwane Matsui hồ đồ thật hay chỉ là giả vờ hồ đồ. Thật cũng tốt mà giả cũng chẳng sao, tóm lại trong dân gian Hàng Châu, không thiếu những truyền thuyết như: Tây Hồ đã tránh được bom đạn của máy bay quân Nhật như thế đấy. Tôi nghĩ nếu đây là sự thật, quả tình có chút gì đó khiến người ta dở khóc dở cười. Nhưng, cá nhân tôi thấy truyền thuyết này cũng giống như đa số truyền thuyết trong dân gian Trung Quốc, quá coi trọng vào sức tưởng tượng mà xem nhẹ khả năng tồn tại của nó. Chính là có ý nói, cá nhân tôi xem nhẹ tin đồn về việc Kawa Hihara và Iwane Matsui gặp nhau ‐xem nhẹ sức tồn tại của tin đồn. Thế nhưng, trước khi Iwane Matsui hạ lệnh oanh tạc Hàng Châu, Kawa Hihara đã kịp thời viếng thăm Iwane Matsui, mà Kawa Hihara lại rất ngưỡng mộ Tây Hồ, nên cuối cùng Tây Hồ tránh được kiếp nạn, tất cả những điều này thật không dễ nghi ngờ, trong Tây Hồ ký có ghi chép, chính Kawa Hihara trong bài viết có liên quan cũng nhắc tới:

Sức mạnh của Đế quốc (Nhật Bản), thế yếu của Trung Quốc, yếu đến nỗi gió thổi cũng ngã, chẳng chịu nổi một trận chiến. Đã không chịu được một trận chiến, nên thỉnh thoảng nới tay, mở rộng cửa lưới, cũng có thể chấp nhận được. Cũng giống như đàn ông đánh đàn bà, khi cần thương hoa tiếc ngọc thì lại không biết thương hoa tiếc ngọc. Mấu chốt là có những thứ không thể đánh, ví dụ như Tây Hồ của thành Hàng Châu, nơi nguyệt lạc trần gian, cảnh đẹp kỳ ảo, phá hỏng rồi quả là đáng tiếc. Để lại, sau này ta lại được thưởng thức, cũng là điều vui…

* * *
Từ sau lần gặp mặt đầu tiên ấy, Iwane Matsui trở thành một ân sư nữa của Kawa Hihara, tôn sùng hết mực. Kawa Hihara dùng cây bút trong tay mình, viết điều tốt đẹp, tâng bốc lão tướng quân, ca công tụng đức, nối giáo cho giặc. Một lần rồi hai lần qua lại, tình thân hai người trở nên sâu đậm. Một hôm, khi Iwane Matsui đang đi du thuyền trên sông Hoàng Phố thì gặp Kawa Hihara. Đúng lúc Quân đội Nhật Hoàng thắng lợi liên tiếp, hai người nâng cốc chúc mừng. Trong bữa tiệc, Iwane Matsui lệnh cho viên Tham mưu trải ra một tấm bản đồ, Kawa Hihara nhận ra đó là tấm bản đồ du lịch Hàng Châu mà hắn quá đỗi quen thuộc. Iwane Matsui bảo với Kawa Hihara, lực lượng của hắn đêm trước đã dễ dàng chiếm được khu vực này, hắn có thể du ngoạn nơi này bất cứ lúc nào, hẹn hò với ngọc nữ yêu kiều. Hắn chỉ vào nơi mà trước đây đã vạch vòng tròn đỏ, khoe với Kawa Hihara: Mọi thứ bên trong khu vực này đều không bị hư hại chút nào, thiết nghĩ ngọc nữ thướt tha của cậu chắc chắn bình an vô sự, v.v…

Kawa Hihara cho rằng cuối cùng cũng đã đến lúc nói ra tất cả, trong lòng không khỏi thấp thỏm. Dù gì thì đây cũng là sự dối trá tày đình, ai mà biết được sau khi sự thật phơi bày, Iwane Matsui sẽ phản ứng thế nào. Không ngờ, Iwane Matsui lại không khoanh vùng vấn đề này, hình như hắn cố ý né tránh, chấm dứt cái gọi là ngọc nữ thướt tha ở đây, di đầu ngón tay dừng ở một chỗ trên đường Bắc Sơn ven Tây Hồ, giọng điệu nghiêm túc hơn, giới thiệu tình hình Cầu trang.

Cầu trang, một nơi “bán thịt” nổi tiếng, Kawa Hihara thường đến Tây Hồ, đương nhiên là biết rõ chuyện này. Vài năm trước, hắn thậm chí còn hay tới đó uống trà thưởng nguyệt, hóng mát, cho tới khi lấy vợ rồi mới không lui tới nơi ấy. Thế nhưng, tình hình mà sau này Iwane Matsui nói với hắn, hắn không hề biết.

Iwane Matsui bảo với hắn: Cầu trang đang cất giữ hàng vạn lượng vàng!

Iwane Matsui làm thế nào mà lại biết được chuyện này, không ai biết, dù sao thì lực lượng của hắn tiến tới đâu, ở đó mọc lên một lũ nô tỳ, chó săn vẫy đuôi đi theo hầu, làm mọi cách để lấy lòng hắn, có người hiến kế hiến sách, cũng có người hiến thân hiến của. Có người dâng lên hắn nơi cất giữ châu báu ‐ miếng mồi mê hoặc con người, điều này cũng không có gì kỳ lạ. Điều kỳ lạ là, Iwane Matsui tại sao không điều động lính công binh của mình đi đào kho báu, mà lại ra vẻ quan trọng nói với Kawa Hihara? Đây chính là lòng dạ ma quỷ của Iwane Matsui: Hắn muốn ôm trọn hàng vạn lượng vàng!

Cùng với ai ôm vàng làm của riêng? Hắn nghĩ đến Kawa Hihara. Kawa Hihara là sự lựa chọn tốt nhất, có hai lý do: Một là, Kawa Hihara thường đi Hàng Châu, quen thuộc tình hình ở ấy; hai là, để Kawa Hihara đi tìm vàng, dễ dàng bịt tai che mắt người khác. Ai có thể nghĩ, hắn lại phái một anh chàng thư sinh đi làm việc này? Đây là công việc của bọn cướp, phái một anh chàng thư sinh đi, nói với bên ngoài là thu thập tư liệu văn vật Tây Hồ cho Quốc dân, trời biết đất biết, anh biết tôi biết, ai có thể biết được bí mật. Sẽ không có ai nghĩ theo hướng này! Việc thông thường dùng kỳ tài có thể nắm chắc phần thắng, giống như đánh trận vậy. Chiến dịch Thượng Hải cò cưa kéo dài hơn ba tháng, hai bên thương vong gần triệu người, vẫn chưa thể thu dọn chiến trường, nhưng cuối cùng chỉ trong một đêm đã chấm dứt, chính là nhờ Iwane Matsui đã ra chiêu bất ngờ, điều động một phân đội, đi vòng qua Kim Sơn Vệ thuộc vịnh Hàng Châu bất ngờ đổ bộ tập kích. Hướng chính đánh mãi không thắng, hai bên đều đã thương vong vô kể, mọi sự chú ý đều đổ dồn vào hướng chính, chẳng ai hơi đâu để ý đến vùng đất vô danh phía sau lưng. Anh không đủ sức quan tâm, nhưng hắn có thừa khả năng, lặng lẽ ra tay, đâm một nhát dao chí mạng từ phía sau lưng nhằm trúng tim anh, lẽ nào anh còn sống nổi? Trừ phi quả tim của anh không còn trong cơ thể. Phái Kawa Hihara đi làm chuyện này, về lý là giống như vậy, hắn không phải là sự lựa chọn thông thường, nhưng hắn lại là sự lựa chọn lý tưởng nhất. Cái gọi là lý tưởng, lại có hai mặt:

Một mặt không ai ngờ đến, có cái hay của việc không theo lẽ thường; mặt khác, thiết nghĩ hắn cũng không quá tham lam, là lao động giá rẻ.

Quả nhiên, Kawa Hihara không hề mở mồm ra giá, hắn nguyện làm không công. Có nghĩa là, tất cả vàng bạc sau này sẽ đều là của Iwane hết ‐ không phải là tư chiếm mà là độc chiếm. Kawa Hihara bày tỏ, nếu như có thể, sau khi công việc hoàn tất, chỉ cần thưởng cho hắn một chức vụ. Hình như hắn đã chán ghét cảnh làm con chuột cống chui rúc dưới lòng đất rồi, hắn muốn chui lên mặt đất, danh chính ngôn thuận. Điều này thì có khó khăn gì đâu? Rất dễ! Iwane Matsui vui vẻ nhận lời ngay, đồng thời cũng khẳng khái bày tỏ: Sau này vàng bạc tìm được sẽ chia theo tỉ lệ tám trên hai. Cảm nhận của mọi người trong chuyện này là cả hai đều quân tử khiêm nhường, bao dung rộng lượng. Chỉ có điều bản thân sự việc đã là dơ bẩn, đen tối, thuộc loại trộm gà bắt chó, không thể công khai, gặp ánh sáng sẽ chết.

Như trên đã nói, công việc tìm kiếm kho báu đã uổng công vô ích. Không chỉ uổng công mà còn trả giá cả mạng sống của vợ hắn. Bắt cá trong chậu mà không bắt nổi, công việc này quả thực có gì đó hơi ma quái. Nói thực ra, cũng may Kawa Hihara trả giá bằng mạng sống của vợ, không thì hắn đừng hòng rời khỏi nơi ấy, khi chưa tìm ra vạn lượng vàng. Không tìm thấy cũng phải biến hóa ra. Không tìm thấy màcũng không biến hóa ra được, hắn muốn đi, đi đâu? Đi nổi không? Hắn bảo không tìm thấy vàng, ai tin? Iwane Matsui sẽ tin hắn chắc? Trên thế gian, chuyện thấy lợi quên nghĩa nhiều vô kể, huống hồ đây lại là cả vạn lượng vàng. Không mang được vàng về đây, thì cứ ở đó đi, Kawa Hihara. Cho nên, từ một khía cạnh nào đó, khi bốn tên bịt mặt đang đêm tiễn người vợ yêu quý của Kawa Hihara xuống suối vàng, Kawa Hihara mới có cơ hội để đi khỏi nơi ấy.

Sau này nghĩ lại, chuyến đi Cầu trang, với Kawa Hihara chẳng khác gì một cơn ác mộng. Ác mộng cuối cùng kết thúc bằng ác mộng, có chút kiểu như lấy độc trị độc. Nói trắng ra, tất cả những gì mà Kawa Hihara có lúc này, công khai và tự do, chức vụ và quyền lực, đều đổi bằng mạng sống của vợ. Chính vì vậy, Kawa Hihara sao có thể quên được cái chết của vợ? Không thể quên được. Hằn sâu trong lòng. Như hình với bóng. Ban ngày nhìn thấy vợ, đêm ngủ nằm mơ thấy vợ. Mở mắt nhìn thấy vợ, nhắm mắt lại nghe tiếng vợ. Lúc thì đến theo gió, lúc thì đội đất chui lên, lúc thì mượn vật gửi tình. Lúc thì từ trên không đi xuống… nói gọn một câu là: âm hồn không rời.

Chuyện dưới cõi âm, không thể tìm thấy câu trả lời trong biển sách, quyền lực của ông thầy cao tay ấn cũng không giải quyết được. Chỉ còn một cách, tìm người thông linh, nửa âm nửa dương, nửa người nửa ma. Cuối cùng hắn tìm được một pháp sư thân Nhật trong chùa Kim Sơn, Thượng Hải, trung thành giúp hắn siêu thoát linh hồn của người đã chết, chỉ rõ con đường lầm lạc. Pháp sư nói, thi thể và máu của người chết đã bị phân li, linh hồn không được yên ổn, nếu muốn yên ổn, hợp nhất thi thể và máu là thượng thượng sách. Nhưng sự việc đã xảy ra cách đây hơn nửa năm rồi, xương cốt thi thể người chết đã sớm hóa thành tro bụi, đưa về nước an táng, làm sao còn có thượng thượng sách được nữa? Không thể được, chuyện này còn khó hơn cả gọi người chết sống lại. Nói cách khác, khi xương cốt người chết đã bị hóa thành tro bụi, thượng thượng sách thực ra cũng theo đó hóa thành tro bụi, rất khó thực hiện. Thế là, đành thoái lui, dùng hạ sách. Hạ sách khá đơn giản, dễ thực hiện, chỉ cần tìm đến hiện trường xảy ra án mạng, nhặt hết đất đá nơi máu người chết thấm xuống, lấy làm xương cốt xây một nấm mồ, để vong linh người chết đang lưu lạc có nơi an định. Sau đó, quả nhiên Kawa Hihara đã làm đúng như vậy, trở lại hiện trường ngày nào, đào sâu ba thước, đắp một ngôi mộ mới, hàng năm đến Tết Thanh Minh và ngày rằm tháng Bảy, Kawa Hihara đều đến đây khấn bái. Bình thường, Kawa Hihara đến thành Hàng Châu hoặc khu vực gần Hàng Châu công tác, cũng giống như về nhà, đều thăm viếng, thông báo đã đến, nhìn ngắm một hồi, vấn an, lễ bái. Tối hôm Vương Điền Hương nhìn thấy chính là lúc Kawa Hihara tới thăm mộ vợ, Yoshiko là vợ hắn. Vợ chết dưới lưỡi đao của người Trung Quốc, nói ra thật mất mặt, hắn đương nhiên không thông báo sự thật.

Tôi đang nghĩ, tại sao hồi đó Kawa Hihara lại tích cực đến Cầu trang “xử án” như vậy, buổi sáng nói, buổi chiều đã đến ngay, sao lại hứng thú đến vậy chứ. Ngoài việc ái mộ Tây Hồ ra, còn kèm theo tình cảm thương nhớ khôn nguôi với người vợ đã mất của hắn. Hắn muốn mượn việc công, làm việc riêng. Hắn thường tìm mọi cơ hội đến thành Hàng Châu, ngắm cảnh Tây Hồ, thăm mộ vợ, như vậy quá tiện mà! Khi Cố Tiểu Mộng đem bốn thỏi vàng ra để mua mạng sống của hắn, khỏi phải lo không có cơ hội.

* * *
Đây không phải là truyền thuyết, mà có đăng cả lên báo, có đăng kèm cả ảnh.

Theo ghi chép, đêm Trung Thu năm 1942, Kawa Hihara cùng với người vợ mới, đứa con gái nhỏ, người hầu gái ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ, uống rượu ngắm trăng trên mặt Tây Hồ ngập tràn ánh trăng bàng bạc, nhưng rồi không bao giờ lên bờ được nữa. Khi lên đến bờ, người đã thành ma, tắt thở hồn bay. Chiếc thuyền cũng biến thành ma, chìm xuống đáy hồ, phải trục vớt. Ánh trăng sáng bạc, cũng tiện cho công việc trục vớt con thuyền, nhưng cuối cùng chỉ trục vớt lên có ba thi thể: vợ, con gái và người hầu, không có Kawa Hihara. Chờ khi trời sáng, người đi đường mới phát hiện, thi thể của Kawa Hihara đã bị chặt thành ba khúc, treo ở Nhạc miếu. Điều khiến mọi người thấy lạ là cả bốn thi thể đều giống như thi thể chết oan của Võ Đại Lang trong tiểu thuyết, đen như than củi, có thể thấy bọn họ đã trúng độc rất nặng. Sau khi trục vớt chiếc thuyền đưa lên bờ, nhân viên điều tra phát hiện, đáy thuyền đã bị đục thủng hai lỗ to bằng nắm tay, lỗ đục rất tinh xảo, công phu, chứng tỏ không thể đục dưới nước được.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, đây rõ ràng là một vụ ám sát đã được lên kế hoạch tỉ mỉ và chuẩn bị kỹ lưỡng, sát thủ trước đó đã cho thuốc độc cực mạnh vào rượu, đồ ăn, bánh Trung Thu, bốn người ăn xong, kêu gào thảm thiết, sát thủ tận dụng trời tối lặn xuống nước, thong dong cậy bỏ nắp bịt lỗ đục sẵn dưới đáy thuyền, để thuyền chìm xuống đáy hồ. Khả năng bơi lặn của sát thủ chắc chắn không kém gì anh em nhà họ Nguyễn trong truyện Thủy hử, bởi vì đánh đắm thuyền xuống đáy hồ không chỉ với mục đích xóa dấu vết, mà còn phải kéo xác của Kawa Hihara đi trong nước. Theo nhân viên điều tra vụ án sau này kể, dưới đáy hồ có một đường vết chân người, dài hơn bảy mươi mét; vết chân hằn sâu xuống bùn, có thể nhận thấy có hai người kéo xác của Kawa Hihara đi trong nước, như đi trên cạn, đi thẳng về phía đường Bắc Sơn, đến gần bờ thì không còn vết chân nữa.

Nếu như vết chân còn lưu lại trên cạn, vụ án còn có khả năng phá được, nhưng vết chân để lại trên bùn, muốn phá án không dễ chút nào. Công tác điều tra kết thúc mà không thu được kết quả gì, sát thủ là ai, tên họ là gì, tướng mạo thế nào, có lẽ chỉ Tây Hồ mới biết. Tôi không biết, là một người có công với Tây Hồ, khi chứng kiến cảnh Kawa Hihara bị sát hại dã man, bị chặt thây như vậy thì Tây Hồ liệu có cảm thương, nhưng rốt cuộc tôi là người, Tây Hồ là vật, không thể nói chuyện được với nhau. Nhưng mà tôi nghĩ, tôi muốn nói, người đã chết, vụ án không thể điều tra của Kawa Hihara là xứng đáng, lẽ nào những vụ chặt đầu do bàn tay tàn bạo hắn gây ra còn ít hay sao? Không hề ít. Lưới trời lồng lộng, pháp hải vô biên. Tục ngữ có câu, ác giả ác báo, vạn vật có cả vạn kiểu logic thần bí, đúng như câu: Ngươi dùng tay phải móc mắt trái của người, người sẽ dùng tay trái để bóp nát mắt phải của ngươi. Đời là vậy, chỉ có điều không trực tiếp, rõ ràng mà thôi, thật mông lung, có chút cảm giác như vụng trộm vậy.

Thị trấn cổ Phù Dung, Thành Đô, ngày 31/7/2007

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro