CHƯƠNG HAI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Đài Bắc tháng Tư, sắc xuân ngập tràn, trên phố chỗ nào cũng có thể thấy người mặc váy và ăn kem. Buổi trưa, dưới ánh nắng, mặt đường như bốc hơi, khắp nơi mọi người đều đeo kính râm. Mà lúc đó, ở nhà tôi mọi người có lẽ vẫn còn mặc áo ấm. Tôi nghĩ, tôi từ quê tới Đài Bắc, thực ra là từ mùa đông đi tới mùa hè.

Con gái bà Cố nói với tôi, mẹ cô không thể chịu được điều hòa, mỗi khi tới mùa hè bà đều rời Đài Bắc, về một biệt thự ở quê để sống. Thường thì tới cuối tháng Tư là chuyển, năm nay vì tôi nên sẽ đi sớm một tuần. Căn biệt thự thường xuyên có hai người đàn ông làm vườn cùng một người quét dọn vệ sinh chăm nom, ngoài ra còn có một cô người Malaysia gốc Hoa phục vụ các sinh hoạt thường ngày cho bà Cố từ nhiều năm nay. Người này họ Trần, năm mươi tuổi, dáng người tầm thước, hơi béo, tôi gọi cô ấy là chị Trần. Chị Trần có thể nói tiếng Phổ thông, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, quê gốc ở Phật Sơn, Quảng Đông, hai mươi năm trước bắt đầu phục vụ bà Cố, bây giờ tiền lương tháng của chị đổi sang nhân dân tệ cũng gần mười nghìn tệ, ở Đại lục là thuộc lớp người phụ vụ được trả lương cao.

Ngày thứ hai tôi tới, bà Cố vẫn chưa xuống lầu, phòng khách chỉ có mình chị Trần, chị đang cẩn thật đặt chiếc kính lão của bà Cố lên chiếc bàn trà, bên cạnh là bản phô tô tác phẩm kém cỏi Tân lắng nghe trong gió của tôi, được chặn bằng một cái chặn giấy bằng gỗ pơ mu, có ý thể hiện sự trân trọng.

Chị Trần chào tôi rồi vội lên lầu dìu bà Cố xuống, đồng thời mang theo xuống một chiếc hộp nhỏ được đan bằng nan tre, sơn màu nâu, nước sơn bóng nhoáng, mang phong vị cổ xưa. Bà Cố vừa ngồi xuống, liền bảo chị Trần mở chiếc hộp, bảo tôi tới xem. Tôi thấy trong đó là một đống hỗn độn gồm một tấm ảnh đã ố vàng, một chiếc lược cũ đã gãy vài răng, một chiếc bút máy có nắp trên màu trắng, một thỏi son, hai viên thuốc và ba đồng tiền bạc, thậm chí còn có cả một lọn tóc. Người trong ảnh bện tóc hai bên, hơn ba mươi tuổi, khuôn mặt thanh tú, miệng không cười, ánh mắt lạnh lùng, có chút gì đó như oán hận.

Bà Cố hỏi tôi: “Cậu biết đây là ai không?”. Tôi tất nhiên là biết. Tôi vừa nhìn tấm ảnh là nhận ra Lý Ninh Ngọc, những thứ đồ kia thiết nghĩ chính là di vật của Lý Ninh Ngọc. Điều khiến tôi không hiểu là có hai thứ: Chiếc bút máy có nắp trên màu trắng và chiếc lược rách đã gẫy vài răng, tôi cũng đã từng nhìn thấy chúng ở nhà ông Phan rồi, chẳng lẽ những món đồ này đều có hai?

Bà Cố sau khi nghe tôi thắc mắc, lại chửi mắng ông Phan một hồi, sau đó với giọng trầm trầm giải thích: “Chỉ những thứ tôi giữ đây mới là thật, ông ấy không thể có những thứ này! Những gì ông ấy có là đồ giả, lừa người ta! Ông ấy còn dám nói là tin tức tình báo do Lý Ninh Ngọc chuyển ra, thì còn có gì là không dám lừa người khác! Một tên lừa đảo chính trị, cả ngày chỉ nghĩ cách lừa đời lấy tiếng!”.

Tôi thấy bà Cố lại bị kích động, liền an ủi: “Vâng, muốn tìm được hai thứ ấy thì quá dễ, bất kể ở chợ đồ cũ của thành phố nào cũng có thể mua được, tôi tin những thứ trước mặt tôi đây mới là thật”. Để chuyển chủ đề, tôi hỏi bà Cố:

“Bà à, năm nào thì bà quen Lý Ninh Ngọc? Là khi ở Mỹ về quen ngay cô ấy à?”.

“Không phải sớm như vậy.” Bà Cố ngả dựa vào thành sofa, có vẻ không muốn trả lời tôi.

“Tôi nghe nói sau khi bà từ Mỹ về, mới đầu hình như làm việc ở Cục Cảnh sát Thượng Hải một thời gian?” Tôi hỏi tiếp.

“Đúng vậy…”

Bà Cố bảo tôi, khi bà từ Mỹ về, cha của bà đã trở thành một người nổi như cồn bên cạnh Uông Tinh Vệ, là tên đại Hán gian trong cộng đồng, đảm nhiệm chức phó Chủ tịch Hội Bảo vệ đặc biệt Thượng Hải, mỗi khi Uông Tinh Vệ đến Thượng Hải đều gặp ông. Lúc đó bà muốn tới đâu làm việc cũng được, nhưng xét thấy bà tốt nghiệp trường cảnh sát, trong nháy mắt đã vào làm việc trong quân đội dễ khiến người ta sinh nghi, cẩn thận vẫn hơn, tạm thời làm việc ở Cục Cảnh sát thuộc Hội Bảo vệ đặc biệt. Trong thời gian này, thông qua quan hệ của cha, bà được cử đi học kỹ thuật vô tuyến điện và giải mã tại Nam Kinh. Thực ra, khi ở Mỹ đã học những thứ này rồi, bây giờ học chẳng qua chỉ là gắn mác, học xong có thể danh chính ngôn thuận vào làm việc tại bộ phận hạt nhân của quân đội. Khi ấy, chính quyền Ngụy của Uông Tinh Vệ đang trong quá trình xây dựng rầm rộ, tại các vùng địch chiếm đều tổ chức xây dựng lực lượng quân ngụy, trong đó Tổng đội tiễu phỉ Hoa Đông có trụ sở ở Hàng Châu là lực lượng trực thuộc mà tên giặc Uông đã dốc nhiều công sức để xây dựng, phía dưới có bốn đại đội độc lập, lần lượt đóng tại Trấn Giang, Hàng Châu, Thường Châu và Thượng Nhiêu, đây chính là chiếc ô bảo hộ giúp chính quyền ngụy của Uông Tinh Vệ tổ chức xây dựng thuận lợi và ổn định tình hình trong tương lai.

“Bánh ngọt của kẻ thù cũng là bánh ngọt của chúng tôi”, bà Cố cười nhạt, nói ngọt như không, “đương nhiên là chúng tôi cài cắm người vào rồi. Cài cắm ai là thích hợp nhất? Cấp trên bắt đầu toan tính, cuối cùng đã chọn cha con tôi.”

“Do nhà bà ở Hàng Châu?”

“Đây chỉ là một cái cớ.” Bà Cố bảo, nguyên nhân chủ yếu là do không có người nào phù hợp hơn bà, lúc ấy bà vừa học xong kỹ thuật giải mã vô tuyến điện, có đủ điều kiện xâm nhập vào bộ phận cơ yếu của địch, “chắc chắn không phải là tổ điện tín, cũng là tổ dịch điện, hai bộ phận này đều là những bộ phận nắm được bí mật cốt lõi nhất, có hiệu quả một bằng mười”.

“Cuối cùng bà vào tổ giải mã?” “Đúng vậy.”

“Thế là bà quen Lý Ninh Ngọc?” “Đâu chỉ dừng lại ở quen.”

Bà Cố thở dài, cầm chiếc lược mân mê, lật đi lật lại, dường như muốn dùng chiếc lược gãy để chải lại ký ức đang ngày một mất dần và mờ nhạt. Có thể thấy, ngón tay của bà Cố đã không còn linh hoạt, tuổi tác không tha cho con người đã mang lại sự vụng về, khiến tôi lo lắng chiếc lược có thể rơi xuống đất bất kỳ lúc nào. Một lúc lâu sau, bà Cố mới nói tiếp: “Chúng ta hãy bắt đầu nói từ chiếc lược này. Ngày đầu tiên tôi quen Lý Ninh Ngọc, nó là vật làm chứng; lần cuối cùng tôi nhìn thấy Lý Ninh Ngọc, cũng là nó làm chứng…”.

* * *
Thời gian quay trở lại một buổi chiều của tháng 12 năm 1939, đương kim Tư lệnh Tổng đội tiễu phỉ lúc đó, Tiền Hồ Dực dẫn Cố Tiểu Mộng tới phòng làm việc của Tổ trưởng Tổ dịch điện Lý Ninh Ngọc. Lúc ấy, hình như Lý Ninh Ngọc vừa gội đầu xong, đang vừa vùi đầu đọc báo, vừa chải mái tóc còn ướt. Cố Tiểu Mộng ngạc nhiên với mái tóc đẹp đến vậy của Lý Ninh Ngọc, vừa đen vừa suôn, như những sợi tơ tơi mềm, xõa xuống phía trước mặt, chiếc lược đỏ chải từ trên xuống dưới, vừa mang ý thơ, vừa có chút gì đó thần bí. Nói theo bất kì ý nghĩa nào, Cố Tiểu Mộng vẫn là quen mái tóc và chiếc lược trước rồi mới quen Lý Ninh Ngọc.

Con người ấy thực ra chẳng ý nhị, dịu dàng chút nào, mặc dù mắt xanh mày tú, làn da trắng, gương mặt xinh đẹp, nhưng vẻ nghiêm nghị khiến người ta có cảm giác chẳng dễ gần.

Cố Tiểu Mộng tới đây là do Uông Tinh Vệ đã ký và còn gọi điện thoại đến nữa, khi Tiền Hổ Dực giới thiệu Cố Tiểu Mộng, đã cố ý làm nổi bật điều này. Cố Tiểu Mộng ngỡ rằng điều này nhất định sẽ khiến cấp trên quản lý trực tiếp trước mắt mình vứt bỏ thái độ cấp trên đi, nhiệt liệt chào đón cô với những lời chân thành. Nhưng Lý Ninh Ngọc không thế, mà vẫn giữ vẻ mặt lạnh tanh, chỉ lạnh lùng nói một câu:

“Hoan nghênh.”

Tiếc chữ như tiếc vàng, ngữ điệu cũng giống như chiếc lược trên tay, lạnh lẽo, âm thanh giống như từ một cỗ máy phát ra.

Cố Tiểu Mộng cũng muốn tạo dựng hình tượng của mình: Một tiểu thư con nhà giàu có quyền quý, không hiểu sự đời, cá tính, sắc sảo, không màng quyền quý, dám nói dám làm. Cho nên, khi thấy cấp trên như vậy, cũng không hề khách sáo đáp lại:

“Nhưng tôi cảm thấy chị không hề hoan nghênh tôi.”

Ngỡ là như vậy sẽ khiến Lý Ninh Ngọc khó xử.

Nào ngờ Lý Ninh Ngọc không hề thua kém, trịnh trọng nói: “Đương nhiên là tôi không hoan nghênh cô, gốc gác của cô quá lớn, cái miếu nhỏ của tôi không chứa nổi cô”.

[Ghi âm]

Chúng tôi quen biết nhau như vậy đấy, như một cặp cừu địch, gặp nhau là sinh sự. Có thể cậu sẽ cho rằng, Lý Ninh Ngọc đối xử với tôi như vậy chắc sẽ khiến tôi hận muốn chết, không, ngược lại hoàn toàn, tôi lại có cảm tình tốt với chị ấy, có kì lạ không chứ? Thực ra cũng không có gì lạ, từ bé đến lớn xung quanh tôi toàn là những người nịnh bợ, người dám xúc phạm tôi như Lý Ninh Ngọc rất ít. Của hiếm là của quý mà, bà ấy không theo thói thường khi gặp tôi, đối với tôi lại là một sự kích thích, khiến tôi cảm thấy hay hay, hiếu kỳ và rất có ý nghĩa. Đó là cảm nhận bản năng của tôi, rất chân thực, có lẽ chỉ có những người như tôi mới có thể cảm nhận được. Tôi nghĩ nếu Lý Ninh Ngọc cũng giống những người khác, coi tôi là một tiểu thư quyền quý, bởi vì có gốc gác, dù chuyện gì cũng nhường nhịn tôi, dung túng tôi, sau này chúng tôi có thể sẽ không thể trở thành bạn tốt. Tất nhiên xuất phát từ mục đích cá nhân, để hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên tôi phải tìm cách tiếp cận, lung lạc bà ấy, nhưng không thể trở thành bạn được.

Thực ra, tôi nói cho cậu biết, cừu địch thật ra rất dễ trở thành bạn, một típ người thế này thích kết bạn với một típ người khác, chính là chân lý này. Tôi và Lý Ninh Ngọc là hai típ người khác nhau. Tôi thường nói, bà ấy là núi băng ở Nam cực, cỏ không mọc được, không có màu sắc, lạnh đến bốc khói, không ai dám lại gần. Còn tôi, ha ha, là núi Tử Kim ở Nam Kinh, xây thành công viên rồi, rất náo nhiệt, ai cũng đi vây quanh tôi. Ở cơ quan, bà ấy ngồi yên cả ngày, hơn nữa thường xuyên vài ngày không nói lấy một câu, coi im lặng như là cơm để ăn vậy. Còn tôi thì, như bôi dầu ở mông, không có việc gì thì không thể ngồi nổi ở phòng làm việc, chạy khắp mọi chỗ, tán phét, đấu khẩu, cãi lộn, không nghiêm túc chút nào. Đây một phần là tính nết trời sinh, một phần là biện pháp để tôi mê hoặc kẻ thù. Cha từng nói với tôi, tính cách bẩm sinh của một con người không bao giờ có thể giấu được, chi bằng cứ để như vậy, hơn nữa ai cũng biết thân phận đặc biệt của tôi, tôi hoàn toàn có thể lợi dụng điều kiện tuổi còn nhỏ và có chỗ dựa vững chắc, tạo dáng thành một tiểu thư con nhà giàu, ăn chơi, không cần biết đến thế sự, làm việc không cần khuôn phép, dám nói lớn tiếng, qua đó tạo cho mọi người ấn tượng là mình vô tâm, vô tư. Hồi ấy, phòng tôi có ba tổ là Tổ điện tín, Tổ dịch diện và Tổ Nội bộ, cả sĩ quan và lính cộng lại khoảng ba mươi người, tôi chưa cần tới một tuần đã quen hết mọi người, phương pháp rất đơn giản: Đối với đồng nghiệp nữ, dẫn họ dạo phố tiêu tiền, rủ đi xem phim, mua quần áo, ăn nhà hàng, đi chụp ảnh; đối với những đồng nghiệp nam thì ngược lại, tôi nhờ họ đưa tôi đi phố tiêu tiền. Có một lần, tôi còn gọi tất cả sĩ quan trong phòng về nhà tôi đánh chén một trận, cha tôi còn tặng quà cho từng người, sau đó phân tích về từng người riêng với tôi. Khi phân tích tới Lý Ninh Ngọc, cha tôi đưa ra dự kiến giống như một thầy bói, bảo chúng tôi sau này chắc chắn sẽ trở thành bạn tốt. Tôi hỏi vì sao, cha tôi bảo vì những thứ mà chúng tôi cần, đa số là nằm trong tay bà ấy.

Ý của cha tôi thực ra là nói, tôi muốn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, cần phải trở thành bạn tốt với Lý Ninh Ngọc, như vậy tôi mới có thể có được nhiều tin tức tình báo.

Cho nên, tôi thường luôn cố gắng tiếp cận Lý Ninh Ngọc, ví như mua một bộ đồ mới, tôi liền tới tìm bà ấy, mặc thử, xem màu sắc có phù hợp hay không, trưng cầu ý kiến của bà ấy, sau đó là công việc, tôi thường xuyên nhờ bà ấy chỉ bảo, một bức điện báo rõ ràng tôi biết dịch thế nào, những cố ý giả như không biết, nhờ bà ấy chỉ bảo giúp. Tóm lại, tôi tìm mọi cách để gần gũi bà ấy, tạo quan hệ riêng tư. Nhưng hiệu quả thì rất tồi, bà ấy trước sau vẫn giữ bộ dạng lạnh lùng như tủ nước đá, cứ để lờ tôi. Ngoài quan hệ công việc ra, dứt khoát không quan hệ gì với tôi, khiến tôi cũng bó tay hết cách.

Tình hình chuyển biến tốt đẹp hơn khi sang đầu năm mới, sau Tết Nguyên Đán. Hôm ấy, Cố Tiểu Mộng vừa bước tới hành lang trên tầng dẫn tới phòng làm việc thì thấy Lý Ninh Ngọc đang cãi cọ với một người đàn ông mà không can nổi, một đám người chen chúc ngoài hành lang dỏng tai lên nghe họ cãi lộn, chỉ có một mình Trưởng phòng Kim khuyên can. Nhưng không can được, người đàn ông đang rất tức giận, nhảy chồm chồm chửi mắng Lý Ninh Ngọc là con điếm, tuyên bố sẽ bẻ gãy chân Lý Ninh Ngọc và cấm cửa không cho bước vào nhà.

Chửi là chửi như vậy, những không ai nghĩ rằng anh ta ra tay đánh người thật, hơn nữa còn ra tay rất mạnh, đấm đá liên tục, khiến Lý Ninh Ngọc kêu oai oái, Trưởng phòng Kim cũng sợ hãi tránh sang một bên. Những người khác thấy sự việc chẳng lành, có người lui về phòng làm việc, có người xuống tầng vệ binh, chẳng có ai dám đứng ra can ngăn, chỉ có Cố Tiểu Mộng kịp thời xông lên, bảo vệ Lý Ninh Ngọc, đồng thời chửi mắng gã đàn ông, bao nhiêu lời lẽ thô tục, bẩn thỉu văng ra hết, chửi đến mức gã đàn ông phải lầm lũi bỏ đi.

* * *
Tôi biết, người đó chính là ông Phan khi còn trẻ, ông mượn cớ nghe đồn Lý Ninh Ngọc đang có quan hệ khá tốt với người đàn ông khác ở bên ngoài, nên đến để hỏi tội. Thực ra đây chính là màn khổ nhục kế Lý Ninh Ngọc và ông Phan cùng diễn, mục đích chính là để đuổi Lý Ninh Ngọc ra khỏi nhà, khiến bà ấy buổi tối không về nhà, ở lại luôn cơ quan, tiện theo dõi mọi việc trong cơ quan bất cứ lúc nào. Sau đó, quả nhiên cơ quan đã cấp cho Lý Ninh Ngọc một căn phòng đơn, ăn ở đều tại cơ quan, trở thành một quả phụ, chỉ có buổi trưa mới có thể về nhà thăm con ‐ thực ra là để mang tin tức tình báo về nhà.

Tất cả những việc này, lúc ấy Cố Tiểu Mộng tất nhiên không biết, cho nên bà đặc biệt ủng hộ Lý Ninh Ngọc. Tối hôm ấy, Lý Ninh Ngọc có nhà nhưng không thể về, không có nơi nào để đi, Cố Tiểu Mộng gọi cho lái xe của cha tới, đưa Lý Ninh Ngọc về nhà mình một đêm. Do nhu cầu kịch giả diễn thật, Lý Ninh Ngọc đã chấp nhận lòng tốt của Cố Tiểu Mộng. Từ đó về sau, quan hệ của hai người dần trở nên thân thiết. Sau đó, phòng ở mà cơ quan cấp cho Lý Ninh Ngọc lại cùng một tầng với phòng của Cố Tiểu Mộng, đi làm hay tan ca họ đều ở cùng nhau, cúi đầu không thấy nhưng ngẩng đầu lên là thấy mặt nhau, quan hệ giữa hai người càng gần gũi hơn, thường xuyên cùng đi cùng về, cùng ăn cùng làm, như hai chị em vậy.

[Ghi âm]

Hồi đó, tôi thường xuyên về nhà đột xuất, chỉ cần trong tay có “hàng”, gọi một cuộc điện thoại, lái xe sẽ tới đón. Chỉ có cuối tuần, bất kể là có được tin tức tình báo hay không tôi cũng về nhà ăn một bữa cho đã, cơm nước trong nhà ăn của cơ quan quá chán. Thường thì cuối tuần khi về nhà tôi thường rủ cả bà ấy, không phải lần nào bà ấy cũng đồng ý, nhưng đồng ý cũng khá nhiều. Dần dần, bà ấy cũng quen thân với cha tôi hơn. Cha tôi cảm thấy bà ấy trầm mặc kiệm lời, tính cách chỉ biết đến mình rất phù hợp để làm cộng sự với tôi, cha từng kiến nghị tôi coi bà ấy là đối tượng phát triển, tìm cách phát triển bà ấy. Lúc ấy, chúng tôi nghĩ tới việc bà ấy là người của Diên An, của Đảng Cộng sản.

Nói đi nói lại, chính vì bà ấy là người của Diên An, cho nên bà ấy mới sẵn sàng kết thân với chúng tôi, ban đầu bà ấy lạnh nhạt với tôi, thực ra cũng là sách lược để tiếp cận tôi: Vờ tha để bắt. Bà ấy muốn thăm dò bí mật trong cấp cao chính quyền ngụy Uông từ cha con tôi! Cậu bảo công tác hoạt động ngầm này có mệt không chứ? Sớm biết là như vậy, thì cứ nói rõ ra, hà tất phải làm phức tạp như vậy? Suy cho cùng đối với bọn giặc Nhật và lũ chó săn Uông Tinh Vệ của chúng, Quốc Cộng[1] vẫn có rất nhiều lợi ích chung. Nhưng không được, ai cũng muốn làm người bịt mặt, không dám tiết lộ thân phận thật sự của mình, để lộ ra không khéo bị mất đầu.

[1] Quốc Dân đảng và Đảng Cộng sản.

Vừa nãy tôi đã nói rồi, cha tôi đã từng kiến nghị tôi phát triển bà ấy, nhưng chưa lâu, có người từ Trùng Khánh đến, sau khi tình cờ nghe thấy cha tôi nói tới chuyện này đã gọi tôi về nhà gấp, kiên quyết không cho tôi phát triển bà ấy ‐ không được phép phát triển bất kỳ ai! Tại sao? Chính là sợ ngộ nhỡ phát triển không được, hỏng việc lớn. Cha tôi là con cá lớn mà Trùng Khánh đã bỏ ra một số tiền lớn để nuôi, sao phải mạo hiểm vậy? Như vậy khác nào chui vào tận hang ổ kẻ thù khi chưa nắm chắc được tình hình, được mất quá mơ hồ, quả là quá ngu xuẩn. Đừng nói tới việc phát triển người mới, lúc đó bên cạnh tôi có rất nhiều đồng chí Quân Thống, có người từng là đồng chí cũ, trên tổ chức cũng nghiêm cấm chúng tôi tiếp xúc với họ. Cả vùng Chiết Giang khi ấy, chúng tôi có rất nhiều người là người của mình, nhưng biết rõ thân phận của cha con tôi thì không có mấy người, vì sao sau khi Đới Lạp chết lại có nhiều người đưa ra sự nghi ngờ về thân phận của cha con tôi như vậy, nguyên nhân là ở chỗ ấy đấy, họ không biết, cũng chưa từng nghe. Họ cho rằng cha mua chuộc Uông Tinh Vệ và cũng dùng biện pháp cũ này để mua chuộc cả Đới Lạp, bây giờ Đới Lạp chết rồi, lại muốn thay đổi gốc tích, hoang đường! Thực ra, trong số họ, mạng sống của nhiều người là do cha tôi cứu.

Nói tóm lại, nếu lúc đó trên tổ chức đồng ý cho tôi phát triển Lý Ninh Ngọc, nói không chừng tôi đã sớm biết bà ấy là người của Đảng Cộng sản rồi.

* * *
Bà Cố nói tới đây, tôi không chịu nổi liền hỏi: “Vậy khi nào thì bà mới biết Lý Ninh Ngọc là người của Đảng Cộng sản?”.

“Sau khi vào Cầu trang”, bà đành trả lời.

“Lẽ nào cả một thời gian dài như vậy mà bà không hề có cảm nhận gì sao?”

“Cậu thấy thế nào?” Bà Cố hỏi lại tôi. Tôi biết nói thế nào.

Bà Cố lại hỏi tôi: “Lẽ nào cậu thực sự thấy tôi kém cỏi như vậy sao, ngay cả một bức điện báo nội cũng không dịch nổi?”.

Bức điện báo nói đến là điện từ Nam Kinh. Bà Cố bảo với tôi, mặc dù bức mật điện này có cài thêm mật mã, nhưng trò vặt vãnh này với bà chẳng có gì là khó. “Nên biết, tôi đã được huấn luyện chuyên môn ở Mỹ về, sau này còn đi học ở Nam Kinh nữa, trò vặt vãnh ấy mà không nhận ra, hóa ra tôi học công toi à? Tôi đần độn đến vậy sao? Nếu tôi đần độn như thế, có thể sống nổi tới hôm nay sao?” Bà Cố không khách khí quăng ra cho tôi một loạt câu hỏi chất vấn, mục đích chỉ có một: Phê phán tôi! Bà Cố bảo tôi, thực ra bà đã sớm dịch được bức điện mật ấy, căn bản không giống như trong tiểu thuyết tôi đã viết, do không dịch nổi nên bà mới đi tìm Lý Ninh Ngọc giúp.

Tôi không nhịn được hỏi: “Đã dịch được rồi, sao bà còn đi nhờ Lý Ninh Ngọc?”.

Bà Cố cười nhạt: “Chẳng phải cậu đã hỏi tôi, suốt một thời gian dài như vậy mà tôi không có cảm nhận gì Lý Ninh Ngọc là người của Đảng Cộng sản rồi sao? Thực ra tôi đã trả lời cậu rồi đấy. Cậu nghĩ xem, nếu không có cảm giác ấy, liệu tôi có đi nhờ bà ấy giúp không?”.

Có lẽ là do làm công tác bí mật trong suốt thời gian dài, bà Cố nói chuyện vòng vo, rào trước đón sau, chỉ nói một nửa, nửa kín nửa hở, khiến tôi rất mệt mỏi, giống như đang chơi trò chơi trí tuệ. trò chơi kết thúc, tôi biết được, bà Cố lúc đó đã có phần nghi ngờ về thân phận của Lý Ninh Ngọc, chính vì có nghi ngờ, nên sau khi dịch điện xong, phát hiện sự việc có liên quan tới sự sống chết của Lão K và tổ chức Đảng Cộng sản bí mật ở Hàng Châu, do vậy mới giả vờ không dịch nổi để nhờ Lý Ninh Ngọc.

“Tôi đâu có đi nhờ, mà là tôi đang thử may rủi, nếu Lý Ninh Ngọc đích thực là người của Đảng Cộng sản, coi như tôi đã làm được việc tốt.” Bà Cố như trút được nỗi niềm, giải thích tiếp, “nhưng, tôi cũng muốn thông qua việc này để chứng minh rốt cuộc Lý Ninh Ngọc có phải là Đảng Cộng sản hay không. Nói thực, nghi ngờ của tôi đối với bà ấy không hề có căn cứ gì, thậm chí ngay cả cảm giác cũng không, chỉ là dựa vào một câu nói của cha tôi”.

* * *
Ông chủ Cố đã nói điều gì?

Cố Tiểu Mộng dường như thấy mọi thứ rõ ràng ngay trước mắt. Lúc đó là Tết Trung Thu năm 1940, Cố Tiểu Mộng và Lý Ninh Ngọc sau hơn nửa năm kết thân, quan hệ đã rất gắn bó, coi nhau như chị em. Có một chuyện có thể chứng minh cho sự thân thiết giữa họ, chính là chuyện về Giản tiên sinh. Giản từng là một thanh niên tiến bộ, rất yêu văn nghệ, nhưng bản tính có phần tham lam hư vinh, thích huênh hoang. Để thỏa mãn ham muốn hư vinh, hắn ta có thể vứt bỏ tư cách là một thanh niên tiến bộ của mình, hát những bài hát ca ngợi thay cho giặc Nhật quân ngụy, diễn những vở kịch ca ngợi quân ngụy. Không cần phải nói, hắn quỳ gối dưới hiên nhà họ Cố, theo đuổi Cố Tiểu Mộng, cũng là tham vọng hư vinh. Hắn đâu có biết thân phận thật sự của Cố Tiểu Mộng, đường đi khác nhau, mưu cầu khác nhau. Nhưng con mắt tinh đời của ông chủ Cố sớm đã nhận ra giá trị kết thân với hắn: Hắn ta là một diễn viên, đại diện cho thế hệ Hán gian trẻ, kết thân với hắn, chẳng phải đã chứng minh người nhà họ Cố và hắn là cùng một giuộc? Một sự che chắn tuyệt vời. Thế là, Cố Tiểu Mộng bắt đầu đóng kịch với Giản tiên sinh, gọi điện thoại, viết thư tình, hò hẹn… Tất cả đều như là tình yêu, từng bước từng bước cứ như thật. Trò đóng kịch này có lợi cho việc che giấu thân phận của bà, nhưng lại nguy hiểm cho việc bảo vệ sự trinh tiết của bà, đặc biệt là đến giai đoạn hẹn hò, trăng thanh vắng vẻ, ngộ nhỡ hắn động chân động tay thì phải làm sao? Không được, nhất định phải có người đi cùng. Ai đi cùng? Lý Ninh Ngọc. Mỗi lần đều là Lý Ninh Ngọc. Những chuyện riêng tư như thế, đều có bà ấy tham gia, có thể thấy quan hệ của hai người không chỉ ở mức bình thường.

Quan hệ tốt như vậy, ăn Tết, không thể để bà ấy một mình ở cơ quan?

Đương nhiên là không.

Tết Trung Thu năm ấy, là cái Tết Trung Thu cuối cùng trong đời của Lý Ninh Ngọc, ăn Tết Trung Thu ở nhà ông chủ Cố. Dịp Tết đến càng nhớ người thân, dù gì thì chuyện vợ chồng bất hòa, có nhà mà khó về cũng chỉ là giả, dưới ánh trăng sáng, Lý Ninh Ngọc nhớ người thân đến thắt ruột, liền kiếm cớ đi trước. Cố Tiểu Mộng vốn đã quyết định buổi tối về nhà đoàn viên với cha, nên không đi cùng, chỉ tiễn Lý Ninh Ngọc ra cửa. Tiễn khách xong quay trở về, dưới ánh trăng sáng ông chủ Cố nghiêm khắc hỏi con gái:

“Con thấy chị Lý của con có phải là người Đảng Cộng sản không?”

Câu hỏi khiến người ta phát sợ.

Cố Tiểu Mộng ngạc nhiên, hỏi lại cha sao lại nghĩ như vậy.

Ông chủ Cố nói: “Hiện nay lực lượng chủ yếu của Tân Tứ quân đều ở Giang Nam, cha đoán Đảng Cộng sản chắc chắn cũng sẽ cài cắm người vào làm nội tuyến trong lực lượng của bọn con”.

Điều này có thể hiểu được, nhưng tại sao lại là Lý Ninh Ngọc chứ?

Ông chủ Cố nói: “Cha cũng không chắc chắn là cô ấy, chỉ tự nhiên nghĩ như vậy thôi. Nhưng phân tích theo lý thông thường, Đảng Cộng sản muốn cài cắm người, nhất định sẽ cài cắm vào bộ phận chủ chốt, không ngoài mấy chỗ: Phòng cơ yếu quân sự của con, Sở Đặc vụ của Vương Điền Hương, còn nữa là Văn phòng thư ký. Bây giờ đương nhiên chúng ta chưa biết rốt cuộc là chỗ nào, nếu như có thể khẳng định là trong phòng của con, cha thấy khả năng là Lý Ninh Ngọc rất lớn, bởi vì những người trong phòng của con cha đều gặp, những người ấy không thể ăn nổi bát cơm này đâu”.

Hóa ra, kết luận của ông chủ Cố là từ phân tích mà ra, chưa có chứng cứ thực tế. Nhưng phân tích như vậy không phải là không có lý, bản thân Cố Tiểu Mộng cũng cảm thấy, những người khác ở phòng của họ đều rất đơn giản, chỉ cần thoáng qua là đã hiểu thấu, duy có Lý Ninh Ngọc, hai người thân thiết đến vậy, nhưng bà vẫn không thể hiểu rõ Lý Ninh Ngọc, lại thêm câu nói như vậy của cha, bà dường như đã được đánh thức. Như vậy, chính là đêm Trung Thu ấy, Cố Tiểu Mộng đã ngầm nghi ngờ Lý Ninh Ngọc và những ngày sau đó bắt đầu thăm dò Lý Ninh Ngọc. Đáng tiếc là, quả đúng như bà Cố nói: Cho đến cuối cùng (một ngày trước khi vào Cầu trang), thăm dò của bà còn chưa có kết luận, vẫn đang trong quá trình thăm dò.

Buổi chiều hôm đó, câu cuối cùng bà Cố nói với tôi là ngửa đầu than trời: “Bà ấy giấu tôi quá kỹ!”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro