Tieu Thuyet Tân Phong Nữ Si Biểu Chánh Chương5-het

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

VI

Đồng hồ gõ 5 giờ.

Cô Tân Phong viết dứt bài xã thuyết cho số báo ngày mai, cô buông cây viết, duỗi hai chưn ra, rồi dựa lưng vào ghế mà đọc. Cô đọc rồi, chắc cô đắc ý, nên miệng chúm chím cười.

Cô ngó đồng hồ, rồi tính đi qua phòng rửa mặt mà dồi phấn lại. Mà cô vừa mới đứng dậy thì cô Thiên Hương với chồng là bác vật Qui mở cửa bước vô. Ba người chào nhau rất vui vẻ.

Cô Tân Phong hỏi bác vật Qui:

- Bữa nay anh về trước tan hầu hay sao, mà mới chừng nầy mà hai ông bà đã xuống tới đây?

- Phải. Tôi về hồi 4 giờ.

- Sớm mai chị Thiên Hương hẹn 6 giờ sẽ đi, nên tôi chưa kịp rửa mặt dồi phấn.

- Để như vậy coi cũng đẹp lắm rồi, cần gì phải dồi phấn lại.

- Tôi đẹp lắm hay sao?

- Đẹp lắm.

- Vậy mà có người chê tôi đa anh.

- Tại họ khờ nên họ mới chê chớ.

Cô Tân Phong cười rồi ngó cô Thiên Hương mà nói:

- Chị nầy bữa nay bận áo tốt dữ!

- Ở nhà tôi kiếm mua cho tối đó.

- Chị được chồng cưng, kiếm áo tốt mua cho như vậy, thì chị sung sướng quá!

- Chị muốn sung sướng như tôi thì chị lấy chồng đi, rồi chồng cũng mua áo cho chớ gì.

- Cám ơn, tôi chưa mắc lấy chồng.

- Chị nầy nói nghe phát ghét, lấy chồng mà "mắc " nỗi gì? Anh Chí Thành quyến luyến chị quá. Chị ưng ảnh đi. Chị làm vợ anh Chí Thành, chị sung sướng hơn người ta hết thảy.

- Chắc hôn?

- Chắc lắm chớ.

- Chị đừng nói bướng. Tôi không tin chắc chút nào hết.

- Ảnh có học thức đủ dùng, mà ảnh giàu lớn, lại ảnh yêu chị nữa, có chồng như vậy, làm sao mà không sung sướng được.

- Được giàu, được yêu, chưa phải là có hạnh phúc đâu chị. Như người ta yêu mình theo cách mà chị không thích, thì mình có sung sướng gì đâu? Như người ta giàu, mà mình không cần sự giàu ấy, thì có ích gì cho mình?

Cô Thanh Lệ bước vô cửa, thấy ba người thì cô đứng lại nói lớn rằng: "Sửa soạn đi Biên Hòa phải không? Còn sớm lắm mà. Cha chả, chị Thiên Hương bận áo tốt dữ! Buổi chiều nay ở nhà gò cái áo đó, hèn cho không xuống báo quán. "

Cô Thiên Hương đáp:

- Đi ăn tiệc mà không gò áo sao được kìa.

- Tôi bận như vậy đi được hôn?

- Bận như vậy thì thôi, chớ còn muốn gì nữa.

- Ối! Mà anh Chí Thành muốn chị Tân Phong, chớ phải ảnh muốn tôi hay sao mà tôi phải chưng diện.

Cô Tân Phong bước tới vả mặt cô Thanh Lệ mà nói: "Chị yêu nầy cũng còn nói như vậy nữa! Nè. Tôi cấm nhặt không cho ai được nói người ta muốn tôi. Tôi sanh ra để làm việc gì, chớ không phải là để người ta muốn đâu."

Bác Vật Qui cười và hỏi:

- Trời sanh đờn bà con gái cốt để cho đờn ông con trai muốn, chớ để làm gì?

- Thủ cựu! Óc xưa! Trời sanh đờn bà để trừng trị những người đàn ông quấy, để sửa lòng sửa tánh cho đờn ông trở nên đứng đắn, biết hay chưa?

- Cô nói như vậy sao cô không trừng trị anh Chí Thành, để ảnh theo ve cô hoài vậy?

- Ve hồi nào? Ảnh tới lui, chà lết, ảnh mời đi ăn uống chớ ảnh có dám nói một tiếng chi khiếm nhã với tôi đâu. Chừng nào ảnh ló mòi quấy, rồi mấy anh chị sẽ thấy mà.

- Tốt! Tốt! tôi sẽ chống mắt mà coi.

Cô Tân Phong cười và nói: "Bữa nay anh Chí Thành đãi tiệc lớn trên vườn cao su của ảnh. Ảnh mời bọn mình, mà cũng mời người ta nữa. Vậy tôi phải thay đồ rửa mặt cho sạch sẽ mới được. Thôi, mấy anh chị ngồi đó chờ tôi một chút. Chị Thanh Lệ, chị làm ơn sai lon ton chạy xuống bảo anh Hạo Nhiên sửa soạn đi với mình."

Cô nói dứt lời, vừa xây lưng, thì nghe chuông điện thoại reo ren ren. Cô lấy ống kề vô tai mà nghe mà nói: "Phải đây là phòng Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ" ...Phải, tôi là Tổng lý báo...Tôi hân hạnh nói chuyện với ai đó...Hả...ông đốc tơ Vĩnh ...Vĩnh Xuân?...A! Tôi kính chào ông đốc tơ, ông cần tôi về việc chi? ...Ông muốn đến thăm tôi đặng nghị luận về tôn chỉ tờ "Tân Phụ Nữ" ...Xin ông cho tôi biết coi ông muốn đến giờ nào, rồi tôi sẽ liệu mà trả lời...6 giờ chiều nay đây? Xin lỗi ông! Tôi không thể hầu chuyện với ông được, bởi vì tôi mắc đi Biên hoà liền bây giờ đây...Tôi cũng tiếc lắm, mất một dịp đàm luận với một nhà bác sĩ cao tài... Cám ơn ông ...Được, bữa khác được, song ông đến giờ nào, xin ông làm ơn cho tôi hay trước, bởi vì tôi hay đi lắm, nếu ông đến thình lình chắc không gặp tôi ...Cám ơn. Tôi cũng kính chúc ông mạnh giỏi. "

Cô Tân Phong gác ống điện thoại, mặt coi biến sắc.

Cô Thanh Lệ liền hỏi:

- Đốc tơ Vĩnh Xuân xin phép đến nói chuyện với chị phải hôn?

- Phải.

- Bữa hổm ổng có nói với tôi để bữa nào rảnh ổng sẽ đến thăm chị mà nghị luận về vấn đề phụ nữ. Sao chi không chịu tiếp rước ổng? Mình định 6 giờ đi, nếu nói chuyện thì bất quá đi trễ một chút, có hại gì?

- Tôi không thể tiếp chuyện với người đó được.

- Sao vậy, chi sợ nỗi gì?

- Tôi có sợ ai đâu? Tại sao mà tôi không muốn giáp mặt với ổng, hôm nọ tôi đã nói chuyện với chị rồi, sao chị còn hỏi nữa.

- À, à, tôi nhớ rồi.

- Nếu mai mốt ổng còn xin đến nói chuyện nữa thì tôi cậy chị, hoặc chị Thiên Hương tiếp dùm, chớ tôi không thể tiếp được. Thôi, để tôi thay áo, trễ rồi.

Cô Tân Phong quày quả qua phòng rửa mặt mà trang điểm.

Hạo Nhiên lên bắt tay chào ba người, rồi dắt tay ra phòng khách ngồi nói chuyện.

Đúng 6 giờ cô Tân Phong bước ra, tay cầm bóp, miệng chúm chím cười. Cô mặc bộ đồ hàng màu trứng gà, may thiệt khéo, gương mặt rạng rỡ, tướng đi dịu dàng.

Cô hiệp với bốn người kia mà xuống lầu. Cô kêu sốp phơ biểu đem xe về, rồi hết thảy lên đi chung xe của bác vật Qui, hai người đờn ông ngồi trước, ba cô ngồi phía sau.

Ông Tạ Chí Thành có một cơ sở vườn cao su rộng lớn mà thạnh mậu ở trong tỉnh Biên Hoà, dọc theo đường đi Long Thành. Cách tỉnh lộ chừng 50 thước, ông có cất một cái nhà cao cẳng, cột với thang đều đúc bằng đá sạn. Nhà tuy không lớn mà kiểu coi đẹp đẽ, trong chia phòng ngủ, phòng ăn, phòng rước khách, phòng làm việc, có chỗ thọc bi-da[1], có chỗ tắm rửa.

Trước nhà có dọn một cái sân tròn, xe hơi vô quanh được. Vòng theo cái sân thì trồng cây cao su, trên lá sum xuê, dưới gốc sạch sẽ. Từ sân ra tới lộ thì có dọn một con đường ngay. Hai bên đường trồng cây soài lại trồng xen những cây lá đỏ vàng, nên ở ngoài lộ ngó vô thấy có vẻ im lìm mà mát mẻ.

Xe hơi của bác vật Qui quẹo vô cửa ngỏ, thì thấy ttừ trong nhà ra đến ngoài sân tuy trời có trăng mà đèn măn-sông (manchon) đốt sáng trưng, lại dọc theo đường vô và vòng xung quang sân đều có đốt đèn giấy đủ màu, coi có vẻ long trọng lắm. Vô gần tới sân, bác vật Qui thấy có mấy cái xe hơi sắp hàng đậu đó, nên ông cũng ngừng noi theo.

Mấy cô mở cửa xe bước ra. Thì có Chí Thành đứng sẵn mà tiếp rước chào hỏi.

Cô Tân Phong vừa thấy Chí Thành thì nói:

- Ông mời thì ông nói lên ăn thịt bò tái lụi sơ sịa trong vườn chơi, mà sao ông đốt đèn cùng hết, dường như có một cuộc lễ lớn vậy?

- Tiếp rước cô Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ" tự nhiên phải đốt đèn cho sáng sủa, chớ để lờ mờ sao mà được.

- Ông trọng tôi quá làm cho tôi ái ngại hết sức.

- Hễ gặp tôi thì cô cứ nói ái ngại hoài. Tôi xin cô bỏ hai tiếng ấy đi. Tôi thiệt tình! Cô phải coi nhà tôi như là nhà của cô vậy, đừng ái ngại chi hết.

Cô Tân Phong châu mày, rồi ngó vô sân thấy năm sáu khách đang ngồi uống rượu thì hỏi rằng:

- Ông mời khách đông lắm sao?

- Không đông gì lắm, tôi chỉ có mời ít anh chị em thân thiết đến chơi đặng làm quen với mấy cô ở báo "Tân Phụ Nữ" mà thôi. Tôi xin mời mấy cô, mấy ông vô đặng tôi giới thiệu cho biết nhau.

Chủ khách đắt nhau vô sân. Chí Thành giới thiệu mới biết khách đó trước đờn ông là ông Hộ Hai ở Chợ Lớn, ông Trạng sư Hùng ở Sài Gòn và ông Đốc học Liễng ở Biên Hoà, còn đờn bà là bà Trạng sư Hùng và bà Đốc học Liễng.

Chào mừng nhau rồi, bà Trạng sư Hùng kéo ghế ra mời cô Tân Phong ngồi một bên và nói:

- Tuy chưa gặp nhau, nhưng đọc báo "Tân Phụ Nữ" mấy tháng nay tôi vẫn biết bà và biết hết mấy bà trong toà soạn. Bữa hổm anh Chí Thành ghé mời vợ chồng tôi lên vườn ăn cơm chơi, ảnh nói có mời đủ mấy bà trong toà soạn báo, thì tôi mừng quá. Nhờ dịp nầy tôi mới được hội diện với mấy bà mà khen ngợi lòng nghĩa hiệp của mấy bà đối với chị em phụ nữ.

- Bà khen chúng tôi thì chúng tôi cám ơn bà lắm. Có vậy chúng tôi càng thêm phấn chí mà theo đuổi cái mục đích của chúng tôi.

- Tôi xin bà kể tôi là một người đồng tình với bà và thường cầu nguyện cho tờ "Tân Phụ Nữ" vững bền rực rỡ đặng làm biểu hiện cho chị em tấn hóa.

- Tôi thay mặt cho cả toà soạn mà tạ ơn bà. Ước mong chị em trong ba Kỳ đều có lòng hưởng ứng như bà vậy hết, thì chắc hẳn đường chúng tôi mở đó chẳng có chông gai chi hết.

- Tôi cũng mong lắm.

Ông Trạng Sư Hùng nãy giờ ngồi nói chuyện với ông bác vật Qui, bây giờ ông mới xen vô nói với tới rằng: "Mấy bà đương hạ đờn ông đó, xin mấy ông hãy giữ mình. Phận tôi thì tôi không lo, bởi vì tôi đã mời vợ tôi lên đứng trên tôi lâu rồi".

Cô Tân Phong đáp rằng: "Xin ông Trạng sư đừng nhạo chị em chúng tôi tội nghiệp. Có bao giờ chị em chúng tôi nài đứng trên đờn ông đâu, chị em chúng chỉ xin đờn ông rộng lượng cho phép chị em chúng tôi đứng ngang hàng mà thôi chớ."

Chí Thành sợ khách lấy tư tưởng mà cãi nhau rồi câu chuyện không vui, nên lật đật bước lại mời cô Tân Phong dùng rượu khai vị. Cô Tân Phong đứng dậy nói rằng:

- Cám ơn ông. Việc ấy tôi không dám. Hễ tôi uống một chút rượu thì mặt phừng lên, rồi nhức đầu liền.

- Cô uống một ly nhỏ rượu Porto được mà.

- Cám ơn. Để tôi đi một vòng theo sân coi cây chơi.

- Tôi xin dắt cô đi.

- Vườn ông coi mát mẻ quá.

- Mát lắm.

Cô Tân Phong ngó quanh quất rồi ngó lên nhà mà nói tiếp:

- Nhà vườn để nghỉ mát mà ông cất coi thiệt là đẹp.

- Chẳng những coi đẹp mà thôi, mà dọn ở trong cũng có thứ tự lắm. Ngặt vì trong nhà không có đờn bà, nên dầu coi đẹp chớ cũng còn thiếu cái nét vui vẻ. Tôi xin mời cô bước thẳng lên nhà mà coi chơi cho biết.

- Xin ông đi trước.

- Tôi đâu dám. Tôi phải nhượng cho khách chớ. Cô Tân Phong thấy mấy ông mấy cô mắc đàm luận với nhau, thì cô cũng chúm chím cười rồi đi lại cái thang mà lên nhà.

Chí Thành dắt cô đi coi đủ hết các phòng chẳng sót một chỗ nào. Cô Tân Phong khen nhà cất kiểu vở tối tân, thấy bàn ghế cái nào cô cũng trầm trồ khen khéo. Chí Thành đắc chí bèn mời cô đi luôn ra coi suối.

Hai người dắt nhau đi dưới một giàn nho, hai bên trồng dạ lý hương bốc mùi thơm ngát. Ra tới suối, cô Tân Phong thấy cây cối rậm rạp, Đường nước trên cao chảy xuống ro re cô đứng ngắm trăng, ngắm cảnh rồi cô nói: "Chỗ nầy đẹp quá. Nếu ông xây một cái hồ tắm thì phải chỗ lắm".

Chí Thành cười mà đáp: "Tôi vẫn có ý đó đã lâu rồi; nhưng mà chưa làm vì tôi biết vui chơi với ai mà làm. Chớ chi có người nào chẳng chê tôi quê dốt, khứng làm bạn trăm năm để chung vui chia buồn với tôi, thì chẳng là tôi xây hồ tắm trong vườn đặng khi trời nóng nực vợ chồng ra đây lội chơi cho mát mẻ, mà tôi còn tạo thêm nhiều cái cảnh khác nữa, để uống rượu thưởng trăng để nhậu trà hứng gió. Tôi sẽ xuất tiền dọn dẹp đủ cách cho thục nữ hưởng đủ mùi sung sướng trên trần gian, dầu tốn hao bao nhiêu tôi không cần, miễn là bạn trăm năm của tôi khỏi buồn là tôi vui lắm vậy."

Chí Thành vừa nói vứa liếc mắt nghó cô Tân Phong. Trăng rằm tỏ rạng soi mặt cô sáng loà. Cô mỉm cười mà đáp:

- Đời nầy thiếu gì gái ham hưởng mùi sung sướng thế gian. Nếu ông muốn kiếm bạn trăm năm để hiệp với ông mà hưởng thú bồng lai, thì ông hô lên một tiếng, tự nhiên họ giành nhau chạy tới mà xin vô chớ gì? Ông có ý đó sao mà ông không chịu bố cáo lên? Ông muốn tôi bố cáo dùm trong báo "Tân Phụ Nữ" tôi bố cáo giùm, tôi không ăn tiền đâu.

- Không, Không ...Chọn một người bạn trăm năm có phải như mua vườn mua đất hay sao mà rao trong nhựt trình.

- Thì ông muốn chọn, ông phải rao lên người ta mới biết mà đến cho ông chọn chớ.

- Không được, chọn bạn trăm năm cũng không phải như mua cau tươi nên coi mặt mà chọn được.

- Vậy chớ phải làm thế nào?

- Người bạn trăm năm của tôi phải là người cho có tài có sắc, có đức có hạnh, mà cũng là người tôi thương yêu mới được chớ.

- Cha chả, ông buộc nhiều khoản quá, khó cho tôi giúp ông được.

- Được. Cô giúp cũng được, duy có một mình cô giúp được mà thôi.

- Giúp thế nào?

Chí Thành bước lại đứng gần cô Tân Phong vừa cười mơn vừa hỏi:

- Tôi nói như vậy cô không hiểu hay sao?

- Không, tôi không hiểu.

- Người bạn trăm năm mà tôi muốn chọn đặng chung hưởng thú bồng lai với tôi đó chính là cô! Mấy tháng nay nhiều lúc tôi muốn nói thiệt với cô, mà tôi sợ quá, tôi sợ cô chê tôi lớn tuổi, lại có một đời vợ rồi, nên tôi không dám nói.

Cô Tân Phong ngó ngay Chí Thành, rồi cô cười và xây lưng đi vô. Chí Thành theo hỏi:

- Tôi nói vậy, sao cô lại cười mà không trả lời?

- Tôi cười là cười ông chọn sai chỗ.

Chí Thành ngẩn ngơ rồi hỏi nữa:

- Tại sao mà tôi chọn sai chỗ? Cô chê tôi hay sao?

- Không. Tôi có nói tôi chê ông đâu. Tôi nói ông chọn sai chỗ chớ.

- Nếu cô không chê, thì cô cắt nghĩa cho tôi hiểu coi tại sao mà tôi chọn sai chỗ.

- Ông nhè ông chọn người thệ tâm cô đơn, thì không sai sao được.

- Cô có thề cô không chịu lấy chồng hay sao?

- Chớ sao.

- Trời đất ôi! Tại sao vậy?

- Tại tôi đã tự quyết hy sinh cái đời của tôi cho chị em Việt Nam chớ sao. Ấy vậy tôi đã là tướng của phụ nữ xã hội, thì không thể nào tôi làm vợ của ai được hết.

Chí Thành đứng chần ngần, không nói một tiếng chi được nữa.

Cô Tân Phong thấy dạng Hạo Nhiên đi ra thì kêu mà nói: "Ngoài sau đây có một ngọn suối, nước tốt mà lại chảy mạnh lắm. Tôi mới khuyên ông Chí Thành xây một cái hồ tắm để tháng nóng nực mình lên đây tắm nhờ chơi". Cô nói rồi dắt Hạo Nhiên trở vô sân.

Chí Thành thở dài rồi cúi mặt đi theo sau.

Chủ nhà coi bồi đã đặt bàn xong và coi khách cũng đã dùng rượu khai vị rồi, bèn mời nhập tiệc.

Cô Tân Phong ngồi ngang với chủ nhà, cô ăn uống tự nhiên, nói cười vui vẻ như thường. Chí Thành cũng làm vui mà đãi khách, nhưng mà ông thất vọng nên vui là vui gượng, chớ không phải là vui thiệt.

Đến 10 giờ mãn tiệc. Vợ chồng ông trạng sư Hùng nói rằng hôm nay được kết bạn với cô Tân Phong nữ sĩ, thì vợ chồng ông mừng lắm nên mời cô trở về Sài Gòn phải ghé nhà hàng Bá Lạc dùng với vợ chồng ông một tiệc rượu sâm banh. Vợ chồng ông cũng mời luôn hết các ông các cô đi dự tiệc rượu ấy rồi sẽ giải tán. Duy có vợ chồng ông đốc học Liễng cáo từ, còn bao nhiêu đều nhận lời mời, nên lên xe mà đi.

Chí Thành mời cô Tân Phong đi xe của ông. Cô chịu nên bước lên xe của ông, lại kêu cô Thanh Lệ mà biểu đi với cô.

Xuống tới Sài Gòn, ba xe là xe của trạng sư Hùng, xe của bác vật Qui và xe của Chí Thành nối đuôi nhau mà đậu trước nhà hàng Bá Lạc.

Bà trạng sư Hùng bây giờ là chủ tiệc, nên bà ân cần mời khách vô nhà hàng, còn ông trạng sư thì kêu bồi biểu dọn hàng, sắp ghế, và đem rượu sâm banh.

Tuy đã khuya rồi, nhưng mà khách uống rượu còn ngồi được năm sáu bàn, còn khách khiêu vũ cũng được bốn cặp đương ôm nhau mà nhảy theo nhịp đờn.

Rượu sâm banh rót rồi. Vợ chồng ông trạng sư bèn đứng dậy mời khách cụng ly mà uống, chủ khách vui cười, tiếng luận đàm không dứt.

Ông trạng sư ngó quanh quất một hồi rồi kêu bác vật Qui mà nói:

- Ê, bữa nay là ngày rằm, mà Phật bỏ toà sen, lén vô nhà hàng khiêu vũ ngồi kia chớ!

- Phật nào đâu?

- Phật Vĩnh Xuân kia, chớ phật nào.

- Đâu?

- Kia kìa, ngồi cái bàn trong góc đầu đằng đó; ngồi với đốc tơ Mười và cô Julie Mai đó, thấy hôn. Cha chả, cặp với cô Julie Mai mà đi chơi đó thì không dở đâu!

Ai nấy đều chong mắt ngó cái bàn trong góc, thì thiệt quả thấy hai ông đương ngồi uống rượu với một cô, y phục không loè loẹt, mà dung nhan rất xinh đẹp, nhưng vì cô trang điểm khéo nên không ai dám đoán cô mấy tuổi cho được.

Cô Tân Phong cũng dòm coi như chúng bạn, nhưng mà ai nấy đều chúm chím cười, còn cô thì biến sắc.

Bà trạng sư Hùng nói với chồng: "Thôi, đừng có ngạo người ta! Mình cũng vậy, chớ không giỏi gì đâu. Mà ông đốc tơ Vĩnh Xuân đi chơi còn có cớ, chớ mình đi chơi mà không có cớ thì cái tội của mình còn lớn bằng hai người ta nữa".

Ông trạng sư ngó cô Tân Phong vừa cười vừa hỏi:

- Cô thấy hay chưa hử?

- Thưa, ông muốn hỏi thấy việc chi?

- Cô có nghe bà nhà của tôi mới nói đó hôn?

- Tôi nghe.

- Những lời ấy đủ chứng tỏ đờn bà đã có quyền rầy đờn ông rồi, cần gì còn phải đòi quyền thêm nữa.

- Thưa, những lời ấy là lời của một người vì thương chồng nên ghen rồi nói bướng đặng gìn giữ ái tình của mình, chớ nào phải có quyền nên mới được nói như vậy đâu.

- Thì đờn bà bây giờ dám rầy chồng, dám trách chồng trước mặt công chúng, là có quyền hơn chồng rồi, còn muốn sao nữa?

- Thưa, đó là ỷ chồng thương nên mới dám nói, chớ không phải cậy quyền mà nói. Bởi vì ông thương bà, mà ông tự xét ông cũng có khi làm cái lỗi bà trách đó, nên ông cười rồi thôi. Ví như ông không thương bà, mà bà ghen bà dám nói như vậy, ông đuổi bà đi, hoặc ông vô đơn xin ly dị, bắt lỗi bà làm nhục ông trước mặt công chúng, thì bà có quyền gì mà chống cự lại đâu.

Ai nấy đồng vỗ tay khen cô Tân Phong nói phải. Ông trạng sư không chịu thua, ông vừa muốn cãi lại, thì bác vật Qui cản và hỏi bà trạng sư:

- Thôi, chịu thua đờn bà không xấu hổ gì đâu mà phải tranh biện cho mất thì giờ. Để cho tôi hỏi bà trạng sư một chút.

- Thưa bà nói ông Vĩnh Xuân được đi chơi có cớ, những lời ấy làm tôi điên đảo quá; tôi xin bà làm ơn cho tôi biết cái cớ mà ông Vĩnh Xuân cậy đặng đi chơi cho khỏi lỗi đó, được hay không?

- Được lắm chớ. Mà ông muốn biết chi vậy?

- Tôi muốn biết đặng tôi liệu coi tôi có thể cậy cớ ấy mà đi chơi hay không?

- Không được. Bà bác vật thương ông mà lại trọng ông, không áp chế ông, thì ông không được lấy cớ nào mà đi chơi.

- Ạ! Vậy chớ sao ông Vĩnh Xuân mà được?

- Ông Vĩnh Xuân được, vì vợ ông thương ổng hay không, mình không hiểu, song ở trong gia đình áp chế nhục mạ ổng thái thậm, làm cho ổng phải vào đơn tại tòa mà xin li dị. Bây giờ vợ chồng ai ở nhà nấy, ổng buồn, tự nhiên ổng phải đi chơi. Tôi nói ông Vĩnh Xuân đi chơi có cớ là tại vậy đó. Còn ông được vợ yêu, được vợ trọng thì có cớ chi mà đi chơi đâu?

- Ạ! Nói rành như vậy tôi mới hiểu.

Cô Tân Phong ngó cô Thanh Lệ và cô Thiên Hương, bộ ngẩn ngơ.

Cô Thiên Hương hỏi bà trạng sư:

- Tôi nghe nói ông Vĩnh Xuân cưới vợ chưa đầy một năm, mà sao vợ chồng li dị nhau lẹ quá. Bà nghe như vậy có chắc hay không?

- Chắc lắm chớ. Ổng cậy ông trạng sư chồng tôi lãnh vụ kiện ấy mà cãi lẽ cho ổng, không chắc làm sao được.

- Nếu vậy thì chắc rồi.

- Cô Thanh Lệ vỗ vai cô Tân Phong mà nói: "Chị coi ông Vĩnh Xuân kìa ; ổng ngồi bộ như trên mây mới rớt xuống, cô Julie ghẹo ổng mà ổng không muốn cười".

Ông trạng sư Hùng nói: "Phật mới nhập trần gian nên còn bợ ngợ chút đỉnh. Đi chơi được vài lần đây, rồi mấy cô coi mà".

Mấy ông mấy cô bắt tay từ giã nhau. Cô Tân Phong kêu ông Hạo Nhiên. Dắt ông đi xê ra mấy bước, nói nhỏ với ông ít câu, rồi cậy ông Chí Thành đưa giùm cô với cô Thanh Lệ về nhà cô. Chí Thành lật đật mở cửa xe mời hai cô lên rồi ba xe lần lượt rút chạy hết, duy chỉ còn ông Hạo Nhiên thủng thẳng trở vô nhà hàng.

Xe về tới nhà ngừng ngoài cửa, cô Tân Phong biểu cô Thanh Lệ leo xuống, cô ngỏ lời cám ơn ông Chí Thành rồi dắt cô Thanh Lệ vô nhà. Ông Chí Thành không được mời vô nhà, thì ông thất vọng một lần nữa, song ông cũng ngó theo hai ông mà cười, không phiền trách chi hết.

Vô nhà, cô Tân Phong vặn đèn trong phòng khách sáng trưng, kêu bồi biểu nấu nước làm cà phê rồi cô ngồi nghiêm chỉnh, không nói tới chuyện Vĩnh Xuân.

Cô Thanh Lệ liếc mắt ngó bạn một hồi rồi hỏi:

- Chị biểu tôi về đây làm chi?

- Tôi muốn noí chuyện với chị một chút.

- Chuyện gì?

- Chuyện anh Vĩnh Xuân.

- Tôi đoán không sai! Tôi biết chắc chị muốn nói chuyện đó. Nên mới dắt tôi về đây chớ.

- Sao chị biết trước?

- Có khó gì mà không biết? Hồi nãy thấy Vĩnh Xuân, thì chị biến sắc, rối chừng nghe nói Vĩnh Xuân ly dị vợ rồi thì ngơ ngẩn, bao nhiêu đó cũng đủ cho tôi thấy lòng dạ của chị rõ ràng.

Cô Tân Phong ngồi êm, cô châu mày suy nghĩ một hồi rất lâu, rồi cô cười mà hỏi:

- Thiệt hồi nãy chị thấy tôi như vậy hay sao?

- Tôi thấy rõ ràng.

- Nếu vậy thì người ta nói trái tim đờn bà yếu đuối lắm, lời ấy không sai hay sao? Tôi hứa với chị tôi sẽ sửa trái tim tôi lại. Từ rày về sau tôi sẽ cứng cỏi, chớ không yếu ớt như vậy nữa đâu.

- Cứng sao được? Về ái tình, thì có ai dám khoe mình cứng? Kìa, xưa kia bao nhiêu anh hùng hào kiệt họ cũng cứng lắm chớ, mà vì ái tình họ ngã lăn hết thảy, chị không thấy hay sao?

- Chị không tin thì để chị coi mà.

- Tôi sẽ chống mắt mà coi. Tôi đố chị cái đời của anh Vĩnh Xuân sẽ trở ra làm sao?

- Đời của anh ấy hỏng rồi, sự ấy mình thấy rõ ràng, chị còn đố làm chi nữa?

- Phải, cái đời của anh ấy hỏng thì đã đành. Mà theo ý tôi, thì lúc nầy ảnh đương đứng ở ngã ba đường: một ngã là ảnh chịu lỳ mà ở với cô Ngọ; một ngã là ảnh rứt cô Ngọ mà cưới vợ khác, lập gia thất lại; một ngã là ảnh ly dị vợ rồi sống độc thân trọn đời. Tôi đố chị theo ba ngã ấy thì anh Vĩnh Xuân sẽ theo ngã nào?

- Chịu lỳ mà ở với vợ, thì trọn đời ở trong vòng địa ngục. Thôi vợ rồi sống với vợ khác, thì cái tình đã tán loạn rồi, dầu có lập gia thất khác thì cũng không vui sướng gì. Còn cô thân độc lập thì tự nhiên phải chơi bời, lâu ngày chầy tháng ắt sẽ gặp một cô giang hồ sanh con rồi mang một cái gia đình không chánh đáng trọn đời. Ấy vậy trong ba đường ấy, đường nào cũng chông gai nguy hiểm hết thảy mà tôi muốn cho ảnh đi đường thứ nhứt là ở với vợ đặng ảnh trả cái nợ của ảnh vay. Mà tôi sợ ảnh đi theo con đường thứ tư nữa, là ảnh hoặc cạo đầu đi tu, hoặc là tự vận mà chết chớ.

- Chị rủa người ta làm chi!

Hai người nói chuyện đến đó thì ông Hạo Nhiên bước vô.

Cô Tân Phong mời ngồi rồi hỏi:

- Sao anh về mau vậy?

- Cô đi rồi tôi trở vô nhà hàng uống rượu, Vĩnh Xuân khiêu cũ với cô Julie Mai một chập rồi kêu đốc tơ Mười ra xe hơi mà đi. Tôi không có xe mà theo nên trở về đây.

- Cám ơn anh. Bao nhiêu đó đủ rồi. Bồi làm cà phê mau mau đem ra đây uống chớ.

Cô Thanh Lệ hỏi cô Tân Phong:

- Té ra hồi nãy chị cậy anh Hạo Nhiên theo rình anh Vĩnh Xuân hay sao?

- Ế! Cái gì mà rình! Tôi cậy ngồi nán lại coi cử chỉ của anh Vĩnh Xuân ra làm sao đặng mình biết mà cười chơi chớ. Xin anh đừng phiền, nghe hôn anh.

Hạo Nhiên cười và đáp:

- Có chi đâu mà phiền. Tôi giúp cô được một chút gì, tôi vui lắm chớ.

- Tôi nói thiệt với anh trong đời tôi oán một người là anh Vĩnh Xuân, vì đã khinh bỉ tôi và tôi sợ một người là anh Chí Thành, vì cứ theo ve tôi. Phận tôi là gái yếu đuối tôi sợ người ta lập thế hoặc làm nhục tôi, hoặc áp bức tôi. Tôi tin cậy anh nên tôi xin anh bảo hộ cho tôi.

- Tôi sẵn lòng nhận lời cô. Tôi nói thiệt tôi không sợ ai hết. Họ phải giết tôi chết thì họ mới làm nhục cô được. Mà muốn giết tôi, không phải là dễ đâu. Cô muốn việc gì, cô cứ nói ngay cho tôi biết, tôi sẽ làm theo ý cô muốn.

- Nếu tôi muốn giết một người nào, anh cũng dám giết nữa hay sao?

- Dám.

- Cám ơn, vậy thì từ rày tôi có hai người bạn thiết: gái thì chị Thanh Lệ còn trai là anh.

Cô Tân Phong đứng dậy bắt tay Hạo Nhiên rồi bắt tay cô Thanh Lệ tỏ dấu kết nghĩa đồng tâm.

Bồi bưng cà phê lên bỏ trên bàn. Ba người uống rồi Thanh Lệ với Hạo Nhiên mới mời từ cô Tân Phong đặng về nghỉ.

Tân Phong Nữ Si

VII

Cô Tân Phong ngồi tại Phòng Tổng lý báo "Tân Phụ Nữ". Cô châu mày suy nghĩ rồi cô với tay nhận chuông kêu ren ren.

Một người lon ton[1] mở cửa bước vô. Cô hỏi:

- Có chị Thiên Hương ngồi bureau[2] hay không?

- Thưa, cô Thiên Hương viết bài rồi cô mới đi về.

- Còn chị Thanh Lệ có đó hay không?

- Thưa, có.

- Anh mời chị Thanh Lệ lại cho tôi nói chuyện.

Người lon ton bước ra rồi khép cửa lại. Cô Tân Phong cúi mặt xuống bàn, tay chống trán, bộ cô tư lự lắm. Cách một hồi cô Thanh Lệ mở cửa bước vô, miệng chúm chím cười mà hỏi rằng:

- Có việc gì đó?

- Chị khép cửa lại rồi ngồi đây, tôi sẽ nói cho chị nghe.

- Cha chả! Chuyện quan hệ lắm hay sao mà chị nầy làm bộ bí mật dữ!

Cô Tân Phong cười. Cô Thanh Lệ khép cửa rồi kéo ghế ngối ngay mặt mà hỏi:

- Chuyện gì thì nói đi?

- Hồi nãy anh Vĩnh Xuân kêu điện thoại xin phép đến nói chuyện với tôi nữa.

- A! Chị có trả lời chịu tiếp hay không?

- Vì hôm trước tôi đã từ một lần rồi, nếu tôi từ nữa thì té ra tôi sợ nên không dám tiếp rước. Đã vậy mà ảnh nói ảnh muốn nghị luận về tôn chỉ của tờ "Tân Phụ Nữ" tôi không có lý gì mà trốn lánh được.

- Té ra chị chịu rồi.

- Phải, tôi chịu rồi; tôi hứa 4 giờ nầy tôi sẽ tiếp chuyện với ảnh.

- Đã 3 giờ 3 khắc rồi. Vậy chị sửa soạn mà tiếp khách, còn kêu tôi làm chi. Chị muốn tôi ngồi chứng kiến cho chị nói chuyện với Vĩnh Xuân hay sao?

- Không. Không phải vậy. Tôi hứa tiếp chuyện với Vĩnh Xuân, mà nãy giờ tôi nghĩ lại, tôi thấy có chỗ bất tiện. Ví như Vĩnh Xuân vô đây, ảnh không biết tôi, thì chuyện dễ lắm. Còn ảnh nhìn, ảnh biết tôi là người phụ nữ mà ảnh phụ bạc ngày trước thì tôi phải lấy thái độ nào mà đối với ảnh?

- Nếu ảnh biết, thì chị cho ảnh một bài học đặng ảnh biết đường mà đi.

- Trả thù không hạp với thái độ quân tử.

- Nếu chị bất nhẫn, chị không nỡ trả thù thì chị kiếm lời mà an ủi.

- Còn nhân nghĩa gì nữa, mà phải thí công an ủi.

- Người ta làm nhục chị, bây giờ chị không nỡ trả đũa, mà không chịu tha thứ, vậy chớ chị muốn làm sao?

- Tôi mời chị đến đây là muốn hỏi chị về khoản đó. Bây giờ phải làm thế nào cho người ta kiêng, người ta sợ, người ta hổ thẹn, người ta ăn năn, mà mình khỏi mang tiếng tiểu nhơn.

- Khó quá, tôi biết làm sao?

Hai cô ngồi nhìn nhau không biết phải làm thế nào cho vừa ý mình muốn. Cách một hồi cô Tân Phong quả quyết nói rằng: "Ối! dầu thế nào cũng không hại đến phẩm giá của tôi mà tôi sợ. Tôi rước đùa, dầu ảnh biết tôi, tôi cũng làm bộ như tôi không biết ảnh. Nhưng mà trước khi tôi tiếp rước ảnh, tôi phải làm khó chút đỉnh mới được. Vậy khi ảnh lại đây, chị làm ơn rước ảnh trước. Chị nói tôi mắc bận việc, không thể tiếp rước ảnh được, nên cậy chị tiếp khách thế. Như ảnh muốn nói chuyện gì, thì cứ nói với chị rồi chị sẽ nói lại với tôi. Chừng nào ảnh nài nỉ lắm, rồi chị dắt ảnh lại đây."

Cô Thanh Lệ gật đầu nói:

- Được. Để lát nữa Vĩnh Xuân lại rồi tôi sẽ thay mặt chị mà tiếp rước ảnh.

- Chị phải cẩn thận nghe hôn.

- Tôi biết mà.

- Thôi, chị về bureau của chị đi. Nè, Chị dặn trước lon ton hễ có Vĩnh Xuân lại thì cho vô phòng chị, chớ đừng có cho vô phòng tôi. Chị làm ơn biểu giùm anh Hạo Nhiên lên cho tôi nói chuyện liền bây giờ.

Cô Thanh Lệ ra một chút thì kế Hạo Nhiên vô. Cô Tân Phong biểu khép cửa lại, cô mời ngồi rồi hỏi rằng:

- Việc tài chánh tháng nầy ra thể nào?

- Khá lắm. Tháng nầy lời trên một ngàn.

- Tốt. Nếu vậy thì nhà báo của mình vững lắm.

- Vững lắm. Xin cô đừng lo về mặt tài chánh. Cô cứ lo bài vở, còn các việc khác để tôi lo cho. Có lẽ cuối năm nay mình sẽ mua thêm một cái máy nữa được.

- Nhà nhựt trình mà được thạnh vượng, ấy là nhờ có sức anh nhiều lắm.

- Nhờ cô và mấy cô ở tòa soạn viết bài hạp thời, được công chúng hoan nginh, nên nhựt trình mới bán chạy, chớ tôi có công gì đâu.

- Nếu viết bài hay mà quản lý dở cũng phải sập vậy chớ. Anh đừng có khiêm nhượng. Ai giúp tôi thì tôi biết ơn lắm. Kể từ tháng tới làm sổ lương anh nhớ anh biên số lương của anh lên 20 đồng là 100 nghe hôn.

- Chi vậy? Tôi lãnh 80 là đủ rồi.

- Phải 100 mới được, chớ 80 ít quá.

- Tôi có một mình, cần gì phải lãnh tới một trăm.

- Anh đừng cãi tôi chớ. Vì tôi thấy anh có một mình nên tôi mới biểu anh đem số lương lên một trăm đặng anh cưới vợ.

- Tôi cưới vợ?

Cô Tân Phong thấy bộ ông Hạo Nhiên bối rối thì thì tức cười. Cô ngó ngay anh và hỏi:

- Anh cũng quyết độc thân như tôi hay sao?

- Có lẽ.

- Tôi thấy anh hay buồn bực lắm, tôi tưởng anh nên cưới vợ đặng vui lên một chút.

- Tôi buồn? Tôi có buồn bao giờ đâu? tôi được giúp cô mà lập tờ báo "Tân Phụ Nữ" thì tôi vui lắm đó chớ.

- Cám ơn, mà dầu anh không chịu cưới vợ thì anh cũng đem số lương lên như tôi dặn. Tôi thưởng công anh đó.

- Cô tin cậy tôi, là cô thưởng công tôi nhiều rồi, tôi không muốn cô thưởng bằng tiền bạc nữa.

Cô Thanh Lệ gõ cửa rồi mở mà vô. Cô cườp mà nói với cô Tân Phong:

- Anh Vĩnh Xuân lại nãy giờ.

- Thì chị tiếp ảnh đi.

- Tôi tiếp chuyện với ảnh. Tôi nói chị mắc tính chuyện sổ sách với tòa quản lý nên tiếp ảnh không được. Vậy ảnh muốn nói chuyện gì thì ảnh cứ nói với tôi chừng chị rảnh tôi sẽ chuyển đạt lại cho chị. Ảnh không chịu, cứ nài nỉ xin giáp mặt chị. Ảnh nói ảnh uất về vấn đề gia thất. Ảnh muốn gặp chị đặng ảnh nghị luận về cái thái độ của phụ nữ. nếu chị mắc việc thì ảnh ngồi ảnh chờ, dầu phải chờ một hai giờ đồng hồ ảnh cũng chịu.

- Ảnh nài cho gặp tôi lắm hay sao?

- Nài lắm.

- Được. Nếu trái đã chín muồi, thì hái phứt cho rồi. Thôi, anh Hạo Nhiên xuống làm việc đi. Còn chị Thanh Lệ thì chị về biểu anh Vĩnh Xuân ngồi chờ tôi một chút, để tôi thâu xếp công việc rồi tôi sẽ tiếp ảnh.

Hạo Nhiên với Thanh Lệ trở ra. Cô Tân Phong bước qua phòng rửa mặt mà trang điểm lại. Cách một hồi cô trở ra bureau, mặt mày tươi rói, kêu lon ton mà biểu cô Thanh Lệ với đốc tơ Vĩnh Xuân vô.

Cô Thanh Lệ mở cửa, rồi cô đứng nép một bên mà mời Vĩnh Xuân vô.

Cô Tân Phong đứng dậy bước ra, mặt sáng như trăng rằm, miệng cười như hoa nở; cô đưa tay ra mà bắt tay chào Vĩnh Xuân mà nói: "Một nhà bác học đến thăm em thì làm vinh diệu cho em nhiều lắm. Mà em chậm trễ, không tiếp rước liền được, thiệt em lỗi không biết chừng nào. Nhưng mà nếu ông biết công việc của em đa đoan, làm cho em không có một chút thời giờ dư, thì chắc là ông sẽ tha thứ cho em liền ".

Vĩnh Xuân ngó cô Tân Phong trân trân, rồi ông châu mày, dường như ông gom trí mà nhớ một việc gì đó vậy. May cô mắc lo trách nhiệm Tổng lý nên bây giờ cô ốm và nghiêm nghị hơn hồi trước, bởi vậy ông nhìn không được ; tuy vậy mà cô sợ, nên cô lật đật chỉ một cái ghế mà mời ông ngồi và mời luôn cô Thanh Lệ vô ngồi nói chuyện chơi.

Cô Thanh Lệ nói:

- Không được. Tôi đương viết bài nửa chừng kế ông đốc tơ vô. Tôi phải viết cho dứt bài ấy rồi tôi nói chuyện mới được. Thôi, để chị nói chuyện với ông đốc tơ. Tôi rất cám ơn ông đốc tơ cho tôi mượn mấy cuốn sách quí báu ấy. Để tôi đọc ít bữa rối tôi sẽ trả lại cho ông.

Cô Thanh Lệ bắt tay từ giã Vĩnh Xuân rồi bước ra khép cửa lại.

Cô Tân Phong hỏi Vĩnh Xuân:

- Ông nhọc lòng đến báo quán của chúng tôi, ông có điều gì hay muốn dạy dỗ chị em chúng tôi hay chăng?

- Tôi chuyên nghề trị bịnh mà cứu sanh mạng cho thiên hạ. Về vấn đề cãi lương phong tục cho xã hội thì dốt lắm, tôi đâu dám dạy dỗ các cô. Tôi tới đây là chẳng qua tôi thấy tôn chỉ của tờ báo "Tân Phụ Nữ" tôi thấy cái đường của mấy cô đương ruồng[3] mở đó, tôi lấy làm ái ngại, vì tôi sợ cái tôn chỉ ấy làn hại cho gia đình, cái đường ấy mở sớm quá, nên tôi đến chẳng phải dám dạy các cô, tôi chỉ xin mấy cô suy nghĩ lại coi nên sửa đổi cái tôn chỉ một chút, đặng khỏi hại mà lại bổ ích cho đời được.

- Trước khi chị em chúng tôi ruồng mở một con đường mới cho chị em phụ nữ, chị em tôi đã có khoa cứu kỹ lưỡng. Tờ báo "Tân Phụ Nữ" ra đời chưa đầy một năm, mà đã được trên 20 ngàn độc giả. Ấy vậy là một triệu chứng chỉ rõ đoàn chị em phụ nữ hoan nghinh cái đường của chị em chúng tôi mở đó. Tôi cũng muốn làm cho vừa lòng ông lắm, ngặt vì sợ vừa lòng ông rồi mích lòng công chúng chăng. Mà ý ông muốn chị em tôi sửa đổi tôn chỉ, vậy chớ sửa đổi như thế nào?

- Tôn chỉ của mấy cô là giải phóng phụ nữ Việt Nam đặng cho nam nữ bình quyền phải hôn?

- Thưa, phải.

- Đờn bà con gái An Nam trình độ học thức còn thấp thỏi lắm. Từ Nam chí Bắc những người thiệt có học thức đếm hết chưa được một trăm. Những người biết đọc nhựt trình, biết đọc tiểu thuyết, biết nói tiếng Tây, đếm hết thì mới được chừng ít ngàn. Còn mấy triệu người khác nữa thì không biết học là gì hết. Trình độ trí thức của phụ nữ Việt Nam như vậy, mà mấy cô muốn cho được giải phóng, muốn cho được đồng quyền với đờn ông làm chi? Theo ý tôi tưởng cái vấn đề giải phóng không cần kíp. Điều cần ích cho phụ nữ bây gìơ là học. Tôi nói học, chẳng phải là học cho biết chữ bập bẹ đặng đọc nhựt trình và tiểu thuyết mà thôi. Học là thiệt học kia, nghĩa là học cho rành văn chương, triết lý, khoa học, hay là học cho tinh xảo các nghề, mà nhứt là học cho biết tam tòng tứ đức, cho biết đạo làm vợ đối với chồng, cho biết đạo làm mẹ đối với con. Tôi ước mong mấy cô sửa đổi tôn chỉ là sửa đổi như vậy đó.

- Em xin nhắc cho ông nhớ, chị em chúng tôi là bọn làm báo, chớ không phỉa là hàng giáo sư chuyên dạy luân lý. Chị em chúng tôi chuyên lo mở đường tấn hóa cho phụ nữ về phương diện xã hội. Chị em chúng tôi tranh đấu đặng giành lại cho phụ nữ một chỗ đứng dưới mặt trời cũng bằng chỗ của nam nhi vậy, ức vì xưa nay nam nhi chán hết chỗ mà đứng, bắt phụ nữ phải núp dưới cánh tay, hoặc trong vạt áo hoài. Hồi nãy ông nói đờn bà có học số còn ít lắm, nên chẳng cần lo giải phóng. Em xin hỏi ông vậy số đờn ông có học lại nhiều lắm hay sao? Số người thiệt có học bất quá cũng chừng mấy trăm. Số người có học bập bẹ bất quá chừng vài muôn, còn mười mấy triệu kia cũng chưa biết mùi học là gì hết. Ấy vậy đờn ông chẳng hay gì hơn đờn bà, mà sao lại cứ bắt đờn bà làm tôi mọi, không cho đồng quyền đồng đẳng?

- Ai nghe lời cô nói thì trong trí cũng tưởng đờn ông Việt Nam là một giống người dã man tàn bạo, không biết trọng đờn bà, mà lại áp chế húng hiếp đờn bà lung lắm. Dầu ở nước nào cũng vậy, thế nào cũng phải có một phần người thô lỗ, không biết lễ nghĩa, không biết thương yêu kính trọng bạn trăm năm của mình. Tôi công nhận nước An Nam của mình cũng có một phần người như vậy. Nhưng mà phần đông đều biết quí trọng đờn bà lắm, coi vợ là một người đi chung với mình trên đường đời, chớ nào phải coi vợ như tôi như mọi đâu. Cái tục lệ đờn bà góa chồng, nếu không cải giá thì được thay thế cho chồng mà phụng tự ông bà và được hưởng sự nghiệp của chồng cho đến mãn đời, đó không phải là cái bằng cớ là đờn bà bình quyền với đờn ông hay sao? Đã vậy mà hiện bây giờ người đờn ông có học thức chẳng có ai mà chẳng biết trọng vợ. Tiếc vì đờn bà con gái con gái của mình bây giờ không biết tam tòng tứ đức, thấy chồng trọng rồi trở lại lẫy lừng lất lướt, làm nhọc trí cực lòng chồng không biết chừng nào. Cô nói tờ báo "Tân Phụ Nữ" được nữ lưu hoan nghinh lắm. Vậy tôi xin cô thừa vận hội ấy mà cổ động cho đờn bà biết trọng chồng, dạy dỗ cho đờn bà biết đạo làm vợ thì cô sẽ có công với xã hội lớn lắm.

- Thưa ông, tôi cũng công nhận trong đám nữ lưu cũng không phải tốt hết được ; thế nào cũng phải có một phần ngu xuẩn, thấy chồng trọng thì tưởng chồng sợ nên lấn lướt, hoặc ỷ mình có tiền nhiều, và có dùng tiền ấy mà giúp làm nên cho chồng, rồi coi chồng như rơm như rác. Mà những người ấy là người không có học thức, dầu chị em tôi có cổ động khuyến khích chắc cũng không có công hiệu gì, bởi vì óc họ như đá, lòng họ như bùn, nói sao cho thủng, rửa sao cho sạch được.

Vĩnh Xuân ngồi lặng thinh mà suy nghĩ một hồi rồi thở ra mà nói:

- Cô nói như vậy nghe cũng phải. Mà cái họa gia đình của người mình bây giờ tôi coi lớn lắm. Cô làm báo, cô có cái thiên chức duy phong diệt tục. Cô nên lưu ý về cái vấn đề vợ chồng; nếu có công kích đờn ông áp chế vợ thì cô cũng đừng quên bài bác cái sự đờn bà hỗn ẩu lấn lướt chồng.

- Kích bác hôn nhơn hủ tục cũng là tôn chỉ của chị em chúng tôi. Xưa rày chị em tôi thường luận về vấn đề hôn nhơn hoài. Đờn ông xứ mình cưới vợ, một phần thì chọn vợ cho có cái sắc đẹp, một phần thì chọn vợ cho có nhiều tiền, còn một phần nữa thì chọn vợ trong nhà sang trọng, chớ còn ít ai chọn tánh tình. Vì kết hôn như vậy nên phần nhiều vợ chồng không hiểu nhau, không đồng tâm hiệp ý, tự nhiên trong nhà phải sanh sự rầy rà hoài, rồi gia đình là địa ngục, ăn ở không được phải rã rời ly dị. Chớ chi biết hôn nhơn là biết lựa vợ chồng đồng chí hướng với nhau, đồng trình độ học thức với nhau, tự nhiên vợ chồng hiểu nhau, thì đâu có sanh cái họa ông mới nói đó.

- Phải, cô nói phải lắm. Vợ chồng không hiểu nhau có lẽ tại học thức bất đồng... mà trai với gái dầu có học thức như nhau, tôi cũng chưa chắc tâm đầu hiệp ý được.

- Tại sao vậy?

- Đờn ông dầu học cao đến bực nào đi nữa thì cái óc của họ vẫn còn cái óc An Nam. Còn đờn bà con gái , hễ họ có chút học thức, thì họ làm đầm thái quá, vì vậy nên khó hiệp ý nhau được.

- Làm đầm là làm sao?

- Làm đầm là cư xử tự do không nề nết theo gái An Nam.

- Nếu tôi hiểu không lầm thì ông chê gái An nam kim thời, không đủ tư cách làm vợ một người có học rộng phải không?

- Không phải tôi chê không đủ tư cách. Ý tôi muốn nói là cử chỉ tự do của người vợ e không phải cái hạnh phúc của gia đình đó chớ.

- Vậy cái cử chỉ ngu xuẩn của người vợ lại chắc gì là hạnh phúc của gia đình? Người có học thức rộng, nếu cưới một con vợ, thiệt nó không giao thiệp với ai hết, mà nó ở nhà cứ câu mâu hoài, không bàn tính việc gì với nó được hết, mà nói chuyện gì nó cũng không hiểu, vợ chồng như vậy vui lắm hay sao?

Vĩnh Xuân ngồi cúi mặt không đáp được.

Cô Tân Phong cười mà nói tiếp rằng:

- Ông thử nghĩ coi: cái xe hai bánh, một cái bánh lớn đại, còn một cái bánh nhỏ xíu, thì chạy sao cho được. Cái nồi thì tròn, còn cái vung thì vuông làm sao mà đậy cho kín được.

- Phải, cô nói phải lắm.

- Tôi xin ông đừng có sợ cái cử chỉ tự do của gái đời nay. Hư hay không đều tại cái óc, tại cái lòng, chớ không phải tại cái cử chĩ bề ngoài đâu. Có người họ làm bộ dè đặt nhu mì, họ lục đục trong nhà, họ không dám ngó ai hết mà có khi họ cũng hư vậy.

Cô Tân Phong nói tới đó, thì người lon ton mở cửa bước vô nói rằng: "Thưa cô, có ông Chí Thành lại biểu tôi hỏi thăm cô có thể tiếp ổng được hay không?".

Cô Tân Phong châu mày đáp rằng: "Không được. Anh nói với ổng bữa nay tôi có khách mà lại có công chuyện nhiều lắm. Ổng muốn nói chuyện thì để bữa khác sẽ lại".

Vĩnh Xuân đứng dậy nói rằng: "Tôi làm mất thì giờ của cô nhiều quá, xin cô tha lỗi."

Cô Tân Phong cũng đứng dậy vừa cười vừa đáp rằng:

- Câu chuyện của ông có ích cho em nhiều lắm. Dầu hầu chuyện với ông mà mất bao nhiêu thời giờ, thì em cũng không tiếc.

- Cám ơn cô. Tôi cũng vui mà nghe cô nói chuyện lắm. Tôi xin cô vui lòng lúc nào cô rảnh cô cho phép tôi đến hầu chuyện nữa.

- Em đến báo quán thì chẳng bao giờ rảnh được. Tuy vậy mà nếu ông có lòng huệ cố, ông đến thăm em, thì em cũng vui mà tiếp chuyện với ông.

- Cám ơn. Thôi, tôi xin từ mà về, để cho cô làm việc. Bữa nào rảnh rỗi chúng ta nghị luận tiếp về vấn đề hôn nhơn.

Cô Tân Phong bắt tay từ giã Vĩnh Xuân, đưa ông ra cửa, rồi biểu lon ton kêu cô Thanh Lệ.

Cô Thanh Lệ bước vô, thì cô Tân Phong cười mà nói rằng:

- May quá, chị. Anh Vĩnh Xuân không biết tôi.

- Thiệt không biết hay sao?

- Hồi mới vô, ảnh ngó tôi rồi ảnh suy nghĩ. Tôi sợ ảnh nhìn được. Té ra ảnh quên.

- Sao? Ảnh nói chuyện gì vậy?

- Ảnh nghị luận minh mông chớ không có chuyện riêng của ảnh. Tuy vậy mà tôi cứ kéo chuyện vô gia đình của ảnh hoài, coi bộ ảnh buồn. Ảnh xin phép lại nói chuyện nữa. Để thủng thẳng rồi tôi làm cho ảnh điên đặng ảnh biết gái đời nay chơi.

- Chị phải coi chừng. Lửa ái tình nhạy lắm đa chị.

- Chị khinh khi tôi quá!

Cô Thanh Lệ cười mà đi ra.

VIII

Một đêm, trời mưa râm râm nên ngoài đường ướt át, làm cho nam thanh nữ tú đều rúc ở trong nhà, không ai muốn đi chơi.

Lối 8 giờ, cô Tân Phong ăn cơm rồi, cô đương ngồi tại bàn viết vừa uống nước trà vừa đọc sách. Bồi bếp đều lo dọn dẹp phía sau, nên phía trước im lìm song đèn trước cửa và trong salon đều đốt sáng hoắc.

Thình lình nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài ngõ rồi lại nghe có tiếng người kêu bồi. Anh bồi chạy ra một lát rồi trở vô thưa cho cô Tân Phong hay rằng có ông đốc tơ Vĩnh Xuân lại xin phép vô thăm cô. Cô suy nghĩ một chút rồi biểu anh bồi ra mời khách vô.

Cô xếp sách lại rồi thủng thẳng đi ra cửa mà tiếp khách. Cô vừa tới cửa thì Vĩnh Xuân cũng vừa vô tới. Cô bắt tay chào hỏi rất vui vẻ và mời khách vô salon mà ngồi. Cô ngồi ngang Vĩnh Xuân và hỏi: "Ông đến thăm em, vậy mà ông có cần em về việc chi không?"

- Có người rước tôi coi mạch phía trên Đakao. Tôi về ngang đây thấy đèn đốt sáng lòa, tôi chắc cô có ở nhà, nên tôi ghé thăm cô, chớ không có việc chi hết. Ban đêm tôi đến thăm cô như vầy, chắc tôi làm cô phiền lòng lắm, xin cô tha lỗi.

- Không. Em có phiền lòng đâu. Trời mưa ướt át mà ông đến thăm em, thì sự thăm ấy càng thêm giá làm cho em càng thêm vinh hạnh nữa chớ. Sao ông biết nhà em ở đây mà ông ghé?

- Tôi nhờ cô Thanh Lệ chỉ hôm trước nên tôi mới biết.

- Ông cố tâm hỏi đặng đến tận nhà thăm em, thiệt em cám ơn ông lắm.

- Tôi bạo gan đến đây là vì trước cô có cho phép nên tôi mới làm.

- Em nhớ là hôm trước ông xin cho ông đến báo quán mà thăm em nữa, chớ không phải là xin cho ông đến nhà riêng.

- Phải hôm trước tôi xin phép lại báo quán, nhưng mà tôi thấy ở báo quán cô bận việc quá nên tôi tính tới nhà riêng của cô mà nói chuyện có lẽ tiện hơn, vì câu chuyện của chúng ta còn dài, bữa hổm tôi nói chưa hết, mà cô vui lòng tiếp chuyện với tôi hay không? Nếu cô không vui, xin cô cho tôi biết đặng tôi về liền.

- Không, không. Được hầu chuyện với một nhà bác học như ông thì em vui lắm chớ. Em là gái độc thân nên trong nhà không có thuốc điếu mà cũng không có rượu để đãi khách. Xin ông miễn lễ.

- Không, tôi không biết hút thuốc mà cũng ít uống rượu.

- Vậy em xin phép ông để cho em đãi ông một ly cà phê.

- Được lắm, uống cà phê mà đàm luận thì phải hơn.

- Cô Tân Phong kêu bồi biểu làm hai ly cà phê đậm.

Vĩnh Xuân ngồi ngó vào cùng[1] trong nhà rồi hỏi:

- Hồi nãy cô nói cô độc thân thiệt vậy hay sao?

- Em đâu dám nói dối ông.

- Cô còn trẻ tuổi mà hôm trước cô đàm luận với tôi thì tôi thấy cô là người có học thức rộng. Tôi không hiểu tại sao cô không lấy chồng mà lại ở một mình như vậy?

- Làm thân con gái hễ có chồng rồi thì phải lo chăm sóc cho chồng, rồi khi có con thì phỉa lo nuôi dưỡng con. Em đã hy sanh cái đời của em đặng lo giải phóng cho phụ nữ. Nếu em lấy chồng thì sợ em không tròn đạo làm vợ, vì vậy mà em thệ tâm cô độc suốt đời để theo đuổi mục đích của em.

Vĩnh Xuân ngó cô Tân Phong trân trân, coi bộ ông lấy làm ngạc nhiên về những lời cô nói. Ông suy nghĩ rồi hỏi nữa:

- Cô còn cha mẹ đủ hết hay không?

- Còn đủ hết.

- Sao ông bà không ở chung với cô?

- Cha mẹ em có gia sản ở dưới quê, nên không thể bỏ mà lên trên nầy ở với em cho được.

- Ông bà cũng vui lòng để cho cô tự do độc lập như vậy hay sao?

- Em lớn tuổi rồi, em không thèm lấy chồng, để lo giải phóng phụ nữ. Em có làm điều chi quấy đâu mà không vui lòng?

- Thiệt tôi không ngờ gái An Nam có người lập tâm như cô vậy.

- Ông nói như vậy là khen em hay là ông chê?

- Tôi khen lắm chớ.

- Em có tài gì đặc biệt đâu mà ông khen. Đời nay gái có học thiếu gì người như em vậy. Tại ông mắc lo khảo cứu y khoa, ông ít đi chơi, nên ông không gặp chớ!

- Tôi không dè... Thiệt tôi không dè chút nào hết. Tôi xin thú thiệt với cô, từ ngày tôi ở bên Tây về, tôi thấy gái kim thời tôi sợ quá. Tôi thấy nết na cử chỉ của mấy cô như đầm, mà tôi e là đầm giả, rồi không phải đầm mà cũng không phải là gái An Nam , nên tôi sợ.

- Em tưởng ông sợ lầm. Hôm trước, em đã có nói với ông: hư hay không cũng đều tại cái óc, tại cái lòng ở trong, chớ không phải tại cái nết na, cái cử chỉ bên ngoài. Gái đời nay, vì lo học thức ung đúc, hoặc vì sóng tân hóa lôi kéo, nên họ đổi cử chỉ nhu nhược ra cử chỉ hùng tráng, ăn nói quả quyết, đi đứng tự do, nhưng cái óc của họ cũng còn là óc An Nam, làm sao mà họ bỏ cái chủ nghĩa gia tộc, làm sao mà họ thoát được những thành kiến của xã hội An Nam cho được mà ông sợ. Em xin ông suy nghĩ lại coi mấy lời mà em nói đó phải hay quấy.

Vĩnh Xuân thở dài mà nói: "Hôm trước cô luận việc hôn nhơn, cô làm cho tôi về nhà suy nghĩ hoài, ngủ không được. Bữa nay cô luận về gái kim thời nữa, thiệt cô càng làm thêm rối trí cho tôi không biết chừng nào."

Cô Tân Phong cười mà đáp:

- Em không dè nói chuyện chơi mà em làm ông cực lòng đến thế. Em xin ông tha lỗi.

Vĩnh Xuân ngượng ngập rồi nói tiếp nho nhỏ rằng: "Tôi tưởng nếu tôi có một người ... một người bạn như cô, thì chẳng những là cái óc tôi thơ thới, cái đời tôi vui vẻ mà thôi, mà có lẽ tôi sẽ làm có ích cho nhơn quần được nữa".

Cô Tân Phong làm bộ như không nghe mấy lới nói sau đó. Cô ngó ra ngoài sân mà nói lảng rằng: "Trời bây giờ lại mưa lớn nữa chớ".

Bồi bưng ra một mâm cà phê với đường mà để trên bàn. Cô Tân Phong đứng dậy hỏi Vĩnh Xuân dùng mấy cục đường. Vĩnh Xuân nói hai cục là đủ. Cô bỏ đường vô ly cà phê rồi bưng một ly để ngay trước mặt Vĩnh Xuân mà mời ông uống.

Vĩnh Xuân với tay lấy cái muỗng đặng khuấy cho tan đường. Cô Tân Phong đứng dậy và nói: "Ông để em khuấy cho" Cô đứng khuấy ly cà phê, ngón tay dịu nhỉn. Ông ngồi ngó tay cô, ngó mặt cô, ngó cả mình cô rồi ông thở dài mà nói: "Ở nhà tôi buồn quá. tôi được đến đây bàn luận với cô, thiệt tôi vui không biết chừng nào".

Cô Tân Phong cười mà đáp rằng:

- Em nghe nói ông lập nhà Thương một bên nhà để nuôi bịnh. Ông đi ra đi vô ông thấy bịnh nhân hoài, tự nhiên ông phải buồn, chớ vui sao được.

- Thiệt cũng có như vậy, mà thăm bịnh hay coi mạch đều có giờ. Hễ làm phận sự xong rồi, thì tôi cũng là một người như các người khác, tôi cũng cần phải nói chuyện chơi cho giải trí, tôi cũng cần phải tỏ việc vui, than việc tôi buồn. Tôi bực mình là không biết nói chuyện với ai, không ai chung vui chia buồn với tôi hết.

- Xin ông uống cà phê, kẻo nguội... Vậy mà em tưởng ông có vợ chớ. Sao ông không cưới vợ, đặng có người ở trong nhà làm vui cho ông?

- Vợ! Vợ! - Cô nhắc tới vợ tôi càng thêm buồn. Tôi có vợ rồi. Tại có vợ nên không vui mà lại buồn quá.

- Ông nói em không hiểu được. Vợ là một người để xem xét món ăn chỗ ngủ cho ông, để khi ông lo phận sự mệt nhọc thì kiếm thế mà giải trí cho ông, để khi ông có việc buồn rầu thì kiếm lời an ủi cho ông khỏi ngã lòng thối chí. Em tưởng vợ giúp ích cho ông lắm. Sao ông lại nói vợ làm buồn cho ông? Chắc là tánh ý ông khó lắm hay sao chớ?

- Việc nhà của tôi khó nói ra cho được. Nếu vợ tôi ăn ở theo cách như cô mới nói đó, thì tôi là tiên, tôi vui lắm, có cớ gì mà tôi buồn.

- Em tưởng đờn bà ai cũng vậy, hễ có chồng thì đối với chồng tự nhiên phải làm như vậy chớ sao?

- Cô tưởng chớ cô chưa thấy. Cô tưởng như vậy còn tôi thấy rõ đờn bà lấy chồng quyết báo hại chồng, quyết làm cho nhục nhã, làm cho rối trí chồng mới thôi.

- Em không lấy chồng, nên em không tính phải ăn ở với chồng như thế nào. Nhưng em sợ e mấy lời ông bình phẩm đờn bà có lẽ quá đáng chăng?

Vĩnh Xuân châu mày ngẫm nghĩ rồi ngó cô Tân Phong mà nói:

- Ðàm luận với cô, nếu tôi đem chuyện riêng của tôi ra mà nói, thì e khiếm nhã một chút. Nếu cô cho phép thì tôi tỏ tâm sự của tôi ra cho cô nghe, rồi cô sẽ hiểu lời bình phẩm đờn bà đó không phải là quá đáng.

- Xin ông chớ ngại, ông muốn nói chi, em vui lòng mà nghe hết.

- Có vậy tôi mới dám nói. Khi tôi còn học bên Tây, cha mẹ tôi có hứa làm sui với một ông ở trong Chợ Quán đây. Chừng tôi về xứ, cha mẹ tôi có dắt tôi đến giáp mặt với một cô đã hứa hôn cùng tôi. Tôi thấy cô là một người gái tân thời quá, nết na cử chỉ không phải là gái An Nam như tôi tưởng tượng. Tôi cưới vợ là tính kiếm một người nhu mì lễ nghĩa để lo tề gia nội trợ, đặng cho tôi khỏe trí mà trau dồi y khoa. Cô hứa hôn với tôi đó nói năng lia lịa, đi đứng tự do, tôi thấy thì tôi thất vọng, bởi vậy mà tôi từ hôn liền.

- Ông sợ phải hôn?

- Phải. Tôi sợ quá.

- Hồi nãy em đã cắt nghĩa tư cách của gái đương thời rồi, bây giờ ông còn sợ nữa không?

- Gái đương thời như cô thì tôi kính, tôi trọng lắm, tôi có sợ chi đâu.

- Thôi, ông nói tiếp chuyện của ông coi ông chê gái tân thời rồi ông cưới vợ về hạng nào mà ông lại buồn?

- Tôi nhứt định chọn một người vợ ở nhà quê, có học chút đỉnh, song biết giữ nề nếp theo lễ nghĩa An Nam. Người ta làm mai cho tôi cưới con gái của một bà điền chủ ở trong tỉnh Tân An. Người ta hứa chắc cô gái ấy tánh tình y như ý tôi muốn. Té ra khi cưới về rồi thì tôi thấy vợ tôi thiệt cử chỉ theo gái xưa, chớ không phải như gái tân thời, nhưng mà tánh nết vị kỷ quá, không hạp với tánh nết của tôi chút nào hết. Chuyện tôi vui vợ tôi lại buồn, chuyện tôi buồn vợ tôi lại vui, tôi nói chuyện vợ tôi không hiểu, còn vợ tôi nói chuyện thì tôi nghe bắt nhức đầu. Đã vậy mà vợ tôi ở trong nhà còn làm nhiều điều cực lòng, nhọc trí, nhục nhã cho tôi, không lẽ tôi nói ra. Tôi chê gái tân thời, tôi cưới con gái giữ nề nếp xưa, rồi tôi mang một cái họa lớn như vậy đó, cô nghĩ coi sao mà tôi không phiền trách đờn bà cho được.

- Em nhớ hôm trước em luận hôn nhơn với ông, em có nói vợ chồng phải đồng chí hướng, đồng trình độ học thức với nhau, thì mới hiểu nhau, mới hòa thuận với nhau được. Gia đình ông không đần ấm có lẽ là tại ông với bà học thức bất đồng chớ gì?

- Phải, chắc là tại như vậy. Tôi lập gia thất là tính kiếm hạnh phúc, té ra hạnh phúc không thấy mà tôi lại thấy cảnh địa ngục ở trong nhà. Tôi xin tỏ thiệt với cô, tôi chán vợ rồi. Tôi nhứt định lìa cái vòng khốn khổ ấy, nên tôi đã vào đơn mà xin phá hôn thú.

- Cha chả! Ông hốp tốp quá như vậy, em sợ sau ông ăn năn.

- Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi. Thà li dị phức cho rồi, chớ để dây dưa sanh con, thì càng thêm rối.

- Ông quyết ly dị rồi ông kiếm người khác mà cưới đặng lập gia thất lại hay sao?

Vĩnh Xuân ngồi lặng thinh một hồi rất lâu, rồi mới đáp:

- Việc đó tôi chưa tính. Mà cưới ai bây giờ? Tôi sợ chạy ô mồ rồi mắc ô mả cũng vậy nữa.

- Em tưởng ông chẳng nên thối chí. Đờn bà có người dữ, mà cũng có người hiền, chớ chẳng lẽ hết thảy đều dữ. Ông chọn gái xưa mà cưới, ông bị thất vọng. Thôi, bây giờ ông thử cưới gái kim thời coi?

- Cái đời tôi nếu để mà thử các loại đờn bà, thì không vui sướng gì cho tôi, mà cũng không lợi ích cho ai hết.

- Có lợi ích chớ. Ông sẽ có được cái kinh nghiệm về hôn nhơn, rồi ông chỉ đường giùm cho bọn thanh niên tân học biết mà đi cho khỏi lầm.

- Cha chả, nếu tôi phải liều thân mà thí nghiệm thì khổ cho tôi lắm.

- Làm người muốn giúp ích cho đời thì phải hy sanh cái bản thân mình chớ. Mà thí nghiệm có lẽ nào bị khổ hoài hay sao? Nếu ông gặp được một người hạp ý với ông thì ông cũng được hưởng hạnh phúc vậy chớ.

- Chọn gái tân thời bây giờ tôi biết ai đâu mà chọn. Chừng tôi ly dị vợ xong rồi, nếu tôi tính lập gia thất lại, thì có lẽ tôi sẽ cậy cô kiếm dùm cho tôi.

Cô Tân Phong cười. Cô liếc mắt ngó Vĩnh Xuân mà đáp:

- Em còn trẻ tuổi quá, em đâu dám lãnh vai tuồng mai dong. Ông nói hồi trước ông có hứa hôn với một cô gái tân thời nào ở trong Chợ Quán đó, vậy thôi bây giờ ông xin cưới cổ thì tiện hơn.

- Có lẽ nào cổ ở vậy mà chờ tôi. Mà dầu cổ chưa lấy chồng đi nữa, tôi đã chê cổ rồi, bây giờ tôi có mặt mũi nào dám trở lại mà cưới cổ.

- Thiệt đó chớ! Bây giờ ông cầu người ông đã chê thì hổ thẹn nhiều lắm; lại không chắc người ta quên cái nhục trước mà ưng ông. Mà đời nầy thiên hạ họ mê những bằng cấp cao đẳng lắm, họ không kể vinh nhục là gì. Có lẽ cô ấy cũng theo thường tình, cổ quên chuyện xưa mà chắp nối mối tóc tơ với ông lại.

- Nếu thái độ của cô ấy như vậy, thì cổ không đáng người bạn trăm năm của tôi.

- Ông quan niệm việc đời còn theo xưa nhiều quá. Ông kể phẩm giá, mà ông không kể ái tình. Sóng tình mãnh liệt lắm, nó có thể đánh đổ luân lý, danh dự, gia đình hết thảy. Nếu cô ấy thiệt thương ông, thì chắc cô không lấy chồng khác, mà cổ cũng không oán thù ông đâu.

Vĩnh Xuân ngồi suy nghĩ. Cô Tân Phong rót thêm cà phê mà mời ông uống. Ông uống một hớp rồi mới nói chậm rãi:

- Nếu cô ấy đối với tôi mà có cái ái tình mãnh liệt như là cô nói đó, thì tôi đối với cổ, tôi càng hổ thẹn nhiều hơn nữa... Tôi coi cái đời của tôi hỏng rồi. Tôi không phép ước mơ lập gia thất nữa. Chỉ ước mong gặp một người bạn tâm tánh giống tôi, hiểu ý tứ tôi, để nắm tay nhau mà đi trong đương thời, cho tôi vui vẻ đặng trau dồi y khoa mà cứu chữa bịnh của thiên hạ mà thôi.

Vĩnh Xuân mới nói tới đó rồi ông ứa nước mắt.

Cô Tân Phong thấy ông ảo não thì cô lại nghiêm nết mặt mà nói:

- Ông nói chuyện nãy giờ, ông làm em thấy rõ ông là một người yếu trí thế quá. Đứng nam nhi thì phải có tánh hùng tráng, quả quyết mới được. Ông ở bên Tây về, ông thấy người hứa hôn của ông không hạp tánh ý với ông, ông chê, ông từ hôn liền. Ông cương quyết như vậy thì phải lắm. Em khen ông chỗ đó. Sau ông cưới vợ khác, vợ ông không đồng tâm hiệp ý, cứ làm cực chí ông, ông làm đơn xin phá hôn thú. Ông cương quyết một lần thứ nhì nữa. Em khen ông chỗ nầy nữa. Như cuộc gia thất trước đã phá rồi, thì ông lo lập gia thất khác. Ông đã cương quyết được hai lần rồi, thì ông cương quyết nữa đi, vậy mới phải tâm tánh của bực nam nhi, cớ sao ông lại thối chí ngã lòng mà coi cái đời ông đã hỏng. Nếu ông thất chí, thì em chê ông lắm.

- Cô chê tôi chỗ đó là đúng lắm. Phải, đứng nam nhi thì phải có tánh hùng tâm cương quyết. Về gia đình thì tôi cương quyết đã hai lần rồi, bây giờ nghị lực của tôi dường như đã mòn mỏi, nên tôi thất chí. Ấy vậy, tôi không cần lập gia thất khác, mà tôi cần có một người bạn cho cao thượng, để trưởng dùm cái chí của tôi.

- Người bạn mà ông cần dùng đó phải là đờn ông hay là đờn bà?

- Đờn ông hay là đờn bà nghĩ không quan hệ gì. Mà nếu được một người bạn đờn bà thì chắc quí hơn, bởi vì đờn bà họ biết cách an ủi, họ có thể làm cho tôi hết thất chí được.

- Theo lễ nghĩa An Nam thì nam nữ thọ thọ bất thân. Đờn bà biết giữ lễ phép xưa, thì có ai khứng làm bạn với ông. Ông kiếm bạn như vậy thì chắc ông phải kiếm trong đám gái tân thời. Mà ông đã chê gái tân thời, thì có thể nào ông gặp bạn đờn bà cho được.

- Nếu gái tân thời mà như cô thì tôi có dám chê đâu.

- Lời ông nói đó là lời thiệt, hay là ông đến nhà em, ông phải vị em nên ông mới nói như vậy?

- Tôi nói thiệt chớ. Tuy cô thuộc về hạng gái tân thời, song tôi được hầu chuyện với cô đã hai lần rồi, tôi biết rõ cử chỉ của cô thì mới, mà tánh tình của cô đứng đắn lắm. Tôi kính, tôi phục, tôi trọng cô không biết chừng nào. Tôi chẳng dám ước ao có một người vợ như cô, mà nếu tôi được một người bạn như cô mà thôi, thì cái đời tôi chắc sẽ đẹp đẽ vui vẻ lắm vậy.

Cô Tân Phong châu mày ngó ra sân, nhìn hạt mưa dứt nối, lá cây lúc lắc, khiến cho cô cảm trong lòng, nên cô muốn tỏ thiệt cho Vĩnh Xuân biết cô là ai đặng ông hổ thẹn chơi, mà cô không nỡ, nên cô day vô mà nói:

- Em là gái tân thời mà ông không chê, ông lại trọng em, thiệt em cám ơn ông lắm. Tuy ông chưa dám nói rõ ràng, nhưng mà em hiểu ý ông muốn em làm vợ ông, ví như không được thì kết làm bằng hữu với ông, phải như vậy hay không?

- Thiệt cô là một người sáng trí lạ lùng. Tôi mới mở hơi, mà cô đã thấu đáo lòng dạ của tôi. Thiệt, tôi muốn như vậy lắm. Tôi được giáp mặt với cô hôm trước, tôi được nghe cô đàm luận, thì về nhà mấy bữa nay tôi hoài vọng cô đêm ngày. Tôi ôm ấp sự hoài vọng ấy trong lòng chẳng khác nào như tôi ôm một cục đá nặng. Tuy lòng tôi nặng nề mà trí tôi lại sáng suốt. Chẳng có giờ nào mà hình dạng cô không phảng phất trước mặt tôi, tiếng nói của cô không văng vẳng bên tai tôi; mà hễ nhớ hình dạng, nhớ giọng nói thì trí tôi được thơ thới, rồi tôi thấy cái tiền trình của tôi lúc trước nó mịt mù buồn thảm, bây giờ nó mở rộng sáng lòa. Tôi xin thú thiệt với cô, tôi chắc nếu tôi được gần gũi với cô, thì cái đời của tôi đã thấy hỏng rồi, nó sẽ gượng lại làm cho tôi vui với sự sống đặng lo trau dồi nghề thuốc. Hôm nay tôi bạo gan đến đây là tôi quyết đến đặng yêu cầu cô hứa với tôi: hễ tôi thôi vợ tôi xong rồi, thì cô ưng tôi đặng tôi cưới. Mà đến đây nãy giờ, tôi thấy mặt cô, tôi nghe cô nói thì tôi kính cô quá, rồi sự cương quyết nó hóa ra mềm mỏng, nên muốn mà không dám nói thiệt ra. Bây giờ cô hiểu ý tứ tôi rồi, vậy tôi xin cô làm ơn cho tôi biết coi sự ước mơ của tôi có chút hy vọng gì hay không?

- Ông yêu em, mà ông biết trọng em, thiệt em cảm tình lắm. Phải người có học thức cao mới có thái độ cao như vậy. Em không dám lấy thái độ thấp mà đối với ông, nghĩa là em không dám phỉnh phờ gạt gẫm ông. Đã vậy mà em lại là gái tân thời, hễ nghĩ thế nào thì cứ nói ngay ra, chớ không ưa nói quanh quẹo. Ông hỏi như vậy, em xin trả lời rằng: "Em cảm tình ông lắm, nhưng mà em không thể làm vợ ông được ".

Vĩnh Xuân biến sắc; ông ngó cô rồi rưng rưng nước mắt mà nói giọng buồn thảm rằng:

- Tôi vẫn biết tôi vô phước về chuyện gia đình! Cái mạng số tôi như vậy, thì tôi phải chịu, không nên cưỡng. Tôi không dám nài nhưng tôi xin cô cho tôi biết coi cô không ưng tôi, vậy mà cô có chê tôi hay không?

- Em không dám chê ông, mà em cũng không dám chê ai hết. Nếu phải nói cho hết ý, thì em xin tỏ thiệt em chê hết thảy đờn ông.

- Tôi hiểu. Bởi cô chê hết thảy đờn ông, nên cô mới nhứt định độc thân. Tôi vẫn biết cô cũng bị một việc uất nào đó, nên cô mới quyết định như vậy. Mà đó là tâm sự cùa cô, tôi không dám nói tới. Tôi chỉ xin hỏi cô: cô bị uất nên cô mới quyết thờ chủ nghĩa độc thân, không thèm lấy chồng. Tôi cũng bị uất nên nếu tôi không cưới được cô, thì tôi cũng không cưới vợ nào khác. Vậy thì cô với tôi không làm vợ chồng được, mà có thể kết nghĩa làm bằng hữu với nhau được hay không?

- Thưa ông, hễ kết bằng hữu thì phải tới lui chuyện vãn với nhau. Phận em đa đoan công việc quá, em không thể giao thiệp, nên em cũng không dám nhận lời ông.

Vĩnh Xuân lắc đầu rồi đứng dậy ngó ra sân mà nói:

- Lúc bây giờ tôi như là người đương chơi vơi giữa dòng. Tôi cầu cứu, tôi xin cho tôi một cây sào đặng tôi vịn mà lội. Cô cầm sào sẵn trong tay, mà cô dành lòng đề cho tôi chết chìm, cô không thèm cứu hay sao?

- Xin lỗi ông, ông là nam nhi, ông phải dùng sức riêng của ông mà thoát nạn, ông chẳng nên cầu ai cứu làm chi, nhứt là chẳng nên cầu đờn bà.

Nói như vậy mà Vĩnh Xuân buồn quá nên không biết hổ, lại ngó cô mà trách:

- Té ra gái tân thời ác quá.

- Thưa ông, không phải là ác, muốn để ông tập tành tự cường đó chớ. Em khuyên ông hãy ráng mà lội. Lội một mình mà khỏi chìm mới giỏi.

- Cám ơn cô!

Vĩnh Xuân lấy nón, bắt tay từ giã cô Tân Phong rồi nghoe ngoẩy dầm mưa mà đi ra xe.

Cô Tân Phong đứng trong cửa mà ngó theo, miệng chúm chím cười.

IX

Một bữa chúa nhựt, cô Tân Phong uống cà phê sớm mơi rồi, cô ngồi xe vô trường Chasseloup-Laubat rước em là Nghĩa, đem về Chợ Quán mà thăm cha mẹ.

Cũng như các chúa nhật khác, bữa nay vợ chồng ông Từ Đại Đạo cũng có ý trông hai con, song bà ngồi tại bộ ván giữa cứ ăn trầu hoài, còn ông thì đi xẩn bẩn trước sân, vạch lá cây mà bắt sâu, cắt nhánh úa cho sạch sẽ.

Xe hơi vô sân rồi ngừng. Cô Tân Phong với trò Nghĩa nhảy xuống mừng cha, rồi mỗi người nắm một tay mà dắt vô nhà. Ông Đại Đạo đi với hai con, mặt ông tươi rói.

Vô tới nhà, cô Tân Phong với trò Nghĩa thấy mẹ, liền buông cha ra mà chạy lại, rồi cô Tân Phong ôm ghì mẹ mà hun, trò Nghĩa thì ngồi trước mặt, nói giọng nhõng nhẽo theo con cưng. Bà Đạo xô cô Tân Phong nhẹ nhẹ mà nói: "Con xuống bảo bầy trẻ dọn đồ lót lòng đặng ăn với thầy con. Từ hồi sớm mai tới bây giờ, ổng chờ bây nên ổng chưa ăn lót lòng".

Cô Tân Phong coi dọn đồ rồi mời cha mẹ đi ăn. Hai ông bà ngồi lại bàn mà ăn với hai con, hai ông bà vui cười mà hai con cũng hớn hở. Cô Tân Phong nói: "Con xin phép thầy má Tết nầy cho con đi Nha Trang nghỉ ít bữa".

Bà Đạo hỏi:

- Con đi với ai?

- Con mời chị em bạn đi với con.

- Đi chơi xa, mà con gái đi với nhau như vậy sao được?

- Má sợ họ bắt cóc con hay sao?

- Biết chừng đâu.

- Má đừng lo, gái nào thì con không biết, chớ chị em bạn của con với con đây thì đủ sức giữ mình.

- Con đừng có nói giỏi. Như đi dọc đường kẻ hung hãn nó đón nó ăn cướp con thì sao?

- À, với bọn cường khấu thì con phải chịu thua. Má nói như vậy, thôi để con rủ hai vợ chồng anh bác vật Qui đi với con. Có ảnh thì khỏi lo, mà như ảnh không chịu đi thì con bảo anh Hạo Nhiên đi cũng được.

- Má nghe nói đi đâu con cũng dắt Hạo Nhiên theo hết thảy. Hạo Nhiên chưa có vợ, con làm như vậy khó coi quá.

- Hạo Nhiên là bạn thiết của con. Ảnh kính trọng yêu mến con lắm, dầu con bảo anh chết thì ảnh cũng vui lòng mà chết liền. Ấy vậy có đi đâu con cũng dắt ảnh theo, đặng ảnh bảo vệ cho con, có gì đâu mà khó coi.

- Trai chưa vợ, gái chưa chồng mà đi cặp với nhau hoài thiên hạ người ta dị nghị chớ.

- Thiên hạ họ biết gì mà dị nghị. Con thường nói với má, con là con trai, chớ không phải là con gái mà sợ họ dị nghị. Vậy chớ hơn một năm nay con ở một mình, con giao thiệp với đờn ông con trai má có thấy con hư chỗ nào hay sao mà má lo.

- Phải, về cái hạnh của con thì má không thể trách con được. Tuy vậy mà con cũng phải vừa vừa vậy, đừng có làm thái quá.

- Trong việc nào cũng vậy, hễ con liệu không phạm đến danh dự hoặc nhân phẩm của con thì con làm, không biết sao là vừa sao là thái quá. Thầy hiệp ý với con nên thầy cho con tự do hành động. Con xin thầy phán đoán cho quân bình, thầy nói ngay ra hơn một năm nay con có làm gì trái mắt hay thầy không?

Ông Đại Đạo ăn rồi, ông đứng dậy dợm đi qua phòng khách, ông nghe con hỏi thì ông đáp:

- Được lắm, nếu con giữ được như vậy hoài thì thầy toại ý không biết chừng nào. Má con lo, chớ thầy có lo chi đâu.

- Con nói thiệt, con lập tờ „Tân Phụ Nữ" thì con cũng như người cầm đuốc mà soi đường cho chị em phụ nữ thấy mà đi theo. Con phải giữ phẩm hạnh cho cao mà làm gương cho chị em phụ nữ, nhứt là con quyết làm cho thiên hạ khỏi chê bọn con gái tân thời nữa.

Bà Đạo với hai con cùng ăn rồi trở qua phòng khách mà uống nước.

Ông Đại Đạo ngồi hút thuốc phì phà mà nói: "Đốc tơ Vĩnh Xuân chê con mình không có nết na, nó từ hôn đặng kiếm con nhà gia giáo mà cưới. Sao cưới vợ không đầy một năm, rồi lại nghe bỏ nhau không biết".

Bà Đạo chưng hửng nên hỏi:

- Vĩnh Xuân thôi vợ hay sao? Sao ông hay?

- Bữa hôm tôi ghé trạng sư Hùng mà giao cái toa của thầu khoán Kiển mua cây mà cậy ông kiện. Tôi đương nói chuyện, kế Vĩnh Xuân vô. Tôi nghe nó nói chuyện với trạng sư Hùng, tôi mới hay.

- Té ra ông có gặp Vĩnh Xuân, nó biết ông hay không?

- Cái đó tôi không hiểu. Nó vô nó cúi đầu chào tôi rồi đứng nói chuyện với trạng sư. Chừng đi nó cũng cúi đầu chào, chớ không nói một tiếng chi với tôi hết.

Cô Tân Phong chen vô nói: "Con chắc Vĩnh Xuân không biết thầy đâu. Người đó không nhớ ai hết. Nói chuyện với con đã hai lần mà cũng không biết con".

Ông Đại Đạo ngạc nhiên hỏi con:

- Nói chuyện với con ở đâu? Nói chuyện gì?

- Ảnh lại thăm con một lần tại báo quán, một lần tại nhà con. Lần đầu tại báo quán thì ảnh cải tôn chỉ tờ báo của con. Lần sau tại nhà thì ảnh đến đặng ve con.

- Người như vậy mà con tiếp rước nói chuyện làm chi?

- Có hại chi đâu, thầy. Nói chuyện đặng coi ý họ muốn việc gì chớ.

- Con tiếp rước nó, ví như nó nhìn nó biết con thì kỳ quá.

- Dầu họ nhìn họ biết con, thì họ hổ, chớ con có hổ đâu mà con sợ.

Bà Đạo chen vô nói:

- Thiệt như vậy. Họ chê con, mà bây giờ họ lết đít đến nhà, thì họ mắc cỡ, chớ mình có mắc cỡ đâu. Ham cưới vợ giàu, rồi sao bây giờ lại để bỏ đi.

- Chớ ở sao được mà ở, má. Tính cưới vợ theo nề nếp xưa. Nề nếp ở đâu không thấy, mà nói chuyện gì nó cũng không hiểu, nó giỏi có cái tài ghen. Ghen làm sao ai rước đi coi bịnh nó cũng ghen, ai đến coi mạch nó cũng ghen bởi vậy mà trong nhà tối ngày sáng đêm ghe những tiếng vô vị, mà đi đâu cũng không được. Vợ chồng như vậy thì ở với nhau sao được. Mà để cũng không phải dễ đâu. Vĩnh Xuân vô xin đơn để vợ, viện cớ vợ hỗn ẩu, lại bỏ nhà chồng. Bà vợ hay, lại mướn trạng sư cãi lại về tội sang đoạt, viện lẽ hồi cưới có đưa cho chồng 20 ngàn đồng bạc đặng lập nhà thương, bây giờ chồng muốn giựt số bạc ấy, nên kiếm chuyện để bỏ. Tòa còn đương tra xét. Con tưởng thoát cho khỏi cái ách vợ nề nếp ấy không dễ gì đâu.

- Đáng kiếp! Có vậy họ mới tởn, mà chuyện của người ta sao con rõ dữ vậy.

- Con biết hết, bà trạng sư Hùng quen với con, nên bà thuật hết cho con nghe. Anh Vĩnh Xuân cũng thuật rõ việc nhà của ảnh cho con hiểu nữa.

- Hồi nầy coi nó lết tới nó ve con. Nó không biết con là ai, mà sao nó dám tới ve?

- Bởi ảnh không biết con nên ảnh mới dám tới chớ.

- Nó ve nó nói làm sao?

- Ảnh nói chuyện với con lần đầu, coi thế ảnh mê con nên lần sau ảnh năn nỉ xin con hứa để ảnh để vợ xong rồi thì con ưng ảnh đặng ảnh cưới.

- Hứ! sao hồi trước chê, rồi bây giờ năn nỉ xin cưới. Con chịu hay không?

- Thưa không. Con nói hẳn hòi, con không chịu ưng ảnh. Ảnh thất vọng, ảnh xin kết làm anh em bạn với con, con cũng không chịu.

- Con trai với con gái mà kết làm anh em bạn lỗi gì?

- Cũng được vậy chớ, có hại gì. Con có mấy người bạn đờn ông, họ yêu mến kính trọng con lắm, có sao đâu. Mà con không chịu kết bạn với anh Vĩnh Xuân, con muốn để ảnh chơi vơi giữa dòng sông cho ảnh sáng con mắt. Lúc nầy ảnh coi bộ muốn đuối rồi.

- Sao nó xin cưới con, con không nói thiệt con là ai, cho nó mắc cỡ chơi?

- Có gấp gì đâu má, trước sau rồi thì ảnh sẽ biết. Mà biết muộn chừng nào thì càng hổ thẹn thêm chừng ấy.

- Ví như Vĩnh Xuân nó để vợ xong rồi, nó ăn năn chuyện cũ, nó tới đây năn nỉ với thầy má mà xin cưới con, con có ưng hay không?

Cô Tân Phong nghe mẹ hỏi như vậy thì cô cười ngất. Cô không trả lời theo câu hỏi ấy mà cô lại nói:

- Hôm nọ con có khuyên ảnh như vậy, mà coi bộ ảnh mắc cỡ quá, ảnh không dám tới đây đâu.

- Hồi trước nó từ hôn vì nó sợ con không có nết na. Bây giờ nó không dè con là người nó chê hồi trước, mà nó thấy nết na con nó lại ái mộ. Má tưởng hồi nó biết con là ai rồi, nó đến đây năn nỉ thì thầy con với má cũng nên hỉ xả, đặng con có đôi bạn với người ta.

- Ý! không được đâu má. Sự hứa hôn hồi trước đã dự[1] rồi. Bây giờ phận con tự do. không có cái gì ràng buộc con hết. Ưng hay không đều tự ý con, má đừng có ừ bất tử.

- Nếu người ta biết lỗi, người ta xuống nước thì con cũng hỉ xả cho xong.

- Má cứ muốn cho con lấy chồng hoài!

- Không muốn sao được. Con gái ở một mình, làm việc với đờn ông con trai, mà đi chơi cũng với đờn ông con trai. Má lo quá, má muốn con lấy chồng phứt cho rồi.

- Con làm việc và đi chơi với đờn ông con trai luôn luôn, mà con không hư thì con mới giỏi. Má nghĩ lại coi, ví như bông sen trắng nó trổ trên ngọn cây, không có bụi cát gì dính nó được, thì nó có quí chi đâu, nó quí là tại vì nó từ dưới bùn mà trổ ra, mà nó không có chút đen đúa, nhơ bợn đó chớ. Một người đờn bà cạo đầu rồi lập tịnh thất, vô đó ở mà tu, đóng cử kín mít, chẳng bao giờ ngó thấy đờn ông con trai, dầu được thành phật cũng chẳng hay gì. Con năn lộn giữa hồng trần mà con không dính bụi trần, con lội lặn trong ao vũng mà con không vấy bùn đất con mới giỏi.

Ông Đại Đạo cười mà nói: "Con Tân nó nói trúng lý lắm. Để cho nó thong thả mà tự xử, ép nó lấy chồng làm chi".

Bà Đạo đáp:

- Ông cứ đưa hơi theo nó hoài, bởi vậy mà nó sồ sộ rồi mà chưa có chồng.

- Có chồng có ích lợi gì, còn không chồng mà thiệt hại chỗ nào, nên bà cứ theo ép nó lấy chồng. Nó đã nói nó nguyện độc thân trọn đời mà còn ép nó làm chi. Chừng nào nó muốn lấy chồng thì nó lấy, còn nó chưa muốn thì thôi đừng có khuyên lơn ép uổng chi hết.

Bà Đạo không thèm cãi nữa.

Cô Tân Phong ở chơi tới chiều, ăn cơm rồi cô đưa em về trường rồi cô mới về nhà riêng của cô.

X

Tới lễ ngươn đán, các nhựt báo ở Sài Gòn đều đình bản năm ngày cho tòa soạn và nhà in nghỉ ăn tết. Báo quán „Tân Phụ Nữ" cũng đóng cửa nghỉ.

Cô Tân Phong định ra Nha Trang hứng gió biển ít bữa, song cô rủ vợ chồng bác vật Qui không được nên mời cô Thanh Lệ với ông Hạo Nhiên đi với cô.

Khuya, ba người lên xe hơi mà đi, đến sáng ra đến ranh Trung kỳ, thấy núi non chớn chỡ, rừng rậm, khe sâu khác xa với những cảnh đồng ruộng minh mông ở Nam kỳ, thì mỗi người đều khoan khoái trong lòng.

Cô Thanh Lệ nắm tay cô Tân Phong mà nói:

- Tôi ngó núi, ngó rừng, sao nó sanh một mối cảm khác thường. Chị có như vậy hay không? Hay chúng ta sanh trưởng ở chốn đồng ruộng bằng trang, bây giờ chúng ta thấy non cao rừng thẳm, lạ con mắt của chúng ta, nên chúng ta cảm giác chớ có chi đâu.

- Tôi cũng vậy.

- Mình cảm giác khác thường như vậy mà không biết tình của mình có thay đổi hay không?

- Người ta nói thấy cảnh hay động tình. Nhiều khi gặp cảnh rồi tình mới phát hiện, ấy vậy cái cảnh lạ nó đổi tính con người được.

- Chị nói như vậy, nếu ông đốc tơ Vĩnh Xuân, ổng biết tâm lý, ổng đi theo ra giữa chốn núi non nầy năn nỉ với chi, thì chắc chị đã quên cái hờn xưa mà kết bạn với ổng liền.

- Việc đó không chắc.

- Chị phiền hoài hay sao?

- Tôi có phiền ổng chỗ nào đâu. Ổng từ hôn thì tôi với ổng không còn dính dấp chi hết. Không biết chừng đó là cái may của tôi, sao tôi lại phiền.

- Tôi biết chị phiền ổng lung lắm. Sự ổng từ hôn, không thể nào chị quên được. Mà mấy tháng nay ổng theo cô Julie Mai, đêm nào cũng thấy ở mấy nhà hàng khiêu vũ đến khuya, đó là một cái cớ cho chị phiền thêm nữa.

- Ổng dính tới cô Julie Mai là tôi đã biết trước, có chi đâu mà phiền. Chị quên hay sao những ngày nọ chị em mình đàm luận về cái đời của ông Vĩnh Xuân. Chị nói ổng đương đứng tại ngả ba đường, không biết ổng sẽ đi đường nào. Tôi nói nếu ổng thôi vợ rồi mà ổng không cưới vợ khác thì ắt ổng sẽ gặp một cô giang hồ, sanh con rồi ổng sẽ mang một gia đình không chánh đáng trọn đời. Ổng muốn lập gia đình khác, mà ổng lại xin cưới tôi. Tôi không chịu, ổng thất vọng, tự nhiên ổng phải lọt vào tay khách giang hồ, có gì lạ.

- Chị đành để ổng chơi vơi giữa dòng, chị không thèm đưa cây sào cho ổng níu hay sao?

- Tôi đã có nói với ổng, nam nhi phải tự cường. Ổng không biết tự cường thì ổng chịu. Vậy chớ hồi trước ổng đem tôi ra giữa dòng rồi ổng buông tôi đó, tôi nào có cầu ai cứu.

Cô Thanh Lệ vỗ vai Hạo Nhiên mà nói:

- Chị Tân Phong gắt gao quá há?

- Phải ở như vậy mới được chớ. muốn cho người ta trọng mình, thì mình phải trọng người ta trước đã. Mình đã khinh người ta, bây giờ muốn cho người ta trọng sao được.

- Chị Tân Phong làm việc gì hay là nói tiếng gì, anh cũng cho là đúng hết thảy.

- Làm toán trúng thì tôi nói trúng, chớ nói trật sao được.

- Thôi đi, tôi biết anh giỏi về khoa bút toán mà, anh chưng làm chi. Ra đây, thấy núi non như vầy, anh có động tâm rồi đổi tánh của anh hay chưa?

- Tánh gì mà đổi?

- Tánh gấu của anh đó.

- Đổi không được đâu.

- Ừ, để ra Nha Trang rồi, tôi sẽ lột da gấu của anh cho anh coi, anh ráng mà giữ mình.

Cô Tân Phong thấy cô Thanh Lệ ghẹo, mà Hạo Nhiên bơ bơ, thì cô cười ngất.

Vì ghé Phan Thiết, Phan Rang mà chơi nên chiều tối xe mới ra đến Nha Trang.

Cô Tân Phong bảo sốp phơ chạy thẳng xuống nhà hàng dựa bãi biển, rồi cô mướn hai cái phòng, một cái để cho Hạo Nhiên ở, còn một cái thì cô ở với cô Thanh Lệ.

Ăn cơm tối rồi, vừa tính dắt nhau ra mé biển ngồi hứng gió, thì thấy ông Chí Thành xâm xâm từ ngoài sân đi vô nhà hàng. Ông đưa hai tay lên mà la lớn rằng: " Chào hết mấy cô! Té ra chúng ta ra hết ngoài nầy mà ăn tết. Bất kỳ nhi ngộ, thiệt là vui quá".

Hạo Nhiên bắt tay chào Chí Thành mà sắc mặt không vui.

Cô Tân Phong hỏi Chí Thành:

- Ông ra tới ngoài nầy hồi nào?

- Tôi ra tới hồi sớm mơi.

- Nếu vậy thì ông đi hồi chiều hôm qua.

- Phải. Còn cô ra tới hồi nào?

- Chúng tôi mới tới hồi tối nầy. Sao ông biết chúng tôi ở đây mà ông lại?

- Hồi tối tôi đứng chơi trong nhà hàng gare. Tôi thấy xe của cô chạy ngang, tôi thấy nghi nên tôi đi kiếm.

- Té ra ông không dè chúng tôi ra đây hay sao?

- Không dè. Chớ chi tôi biết thì chúng ta hiệp nhau đi một lượt cho vui.

Cô Thanh Lệ ngó ngay ông Chí Thành mà nói: " Ê ông nói không thiệt! Hôm kia ông hỏi tôi tết nầy chị Tân Phong có tính đi chơi đâu hay không. Tôi nói chị em tôi đi Nha Trang. Ông biết trước như vậy nên ông ra trước ngoài nầy ông đón. Ông đừng nói dối".

Chí Thành cười mà đáp: "Ví dầu tôi biết hai cô sẽ ra đây tôi đi trước ra đón mà dìu dắt bảo hộ hai cô, thì tình của tôi càng thêm giá, chớ có hại chi đâu".

Hạo Nhiên nói: "Cảm ơn ông, ông khỏi lo việc đó. Có tôi theo bảo hộ hai cô thì đủ rồi".

Chí Thành ngó sang Hạo Nhiên rồi không thèm trả lời lại hỏi cô Tân Phong:

- Ăn cơm rồi cô muốn ngồi xe đi vòng chơi hay không?

- Không, tôi ngồi xe đi một ngày nay mỏi quá, tôi muốn xuống mé biển hứng gió một chút rồi nghỉ.

- Được, mời cô đi với tôi.

Bốn người đi xuống mé biển, Chí Thành bươn bả đi trước với cô Tân Phong, còn Thanh Lệ thủng thẳng đi sau với Hạo Nhiên.

Gió bấc thổi hiu hiu, sóng bủa lên bãi cát tiếng nghe ào ào hoài. Vì trời tối nên ngó qua mấy hòn đảo chỉ thấy mờ mờ từng cụm mà thôi.

Cô Thanh Lệ rủ Hạo Nhiên đi dài theo mé nước mà xem sóng đánh.

Cô Tân Phong không chịu đi. Cô ngồi bẹp trên bãi cát mà hứng gió. Chí Thành ngồi xề một bên rồi hỏi cô:

- Cô ra ngoài nầy cô coi phong cảnh có đẹp ý không?

- Tôi đẹp ý lắm, trên non dưới nước mình nhìn xem cảnh ấy rồi mình thơi thới, có thể mình trưởng chí rộng lòng thêm được.

- Nếu cô bằng lòng, thì tôi sẽ mua đất mà cất một cái nhà dựa bãi biển đây đặng khi nào cô buồn hay là mệt, cô ra đây ở hứng gió. Cô chịu hay không?

- Tôi có làm sự chi lợi ích cho ông mà ông phải tốn hao đến thế?

- Nhà đất tôi để cho cô đứng hộ hết thảy.

- Cám ơn ông. Tôi không có công, lẽ nào tôi dám thọ của như vậy.

Chí Thành kề mặt gần cô Tân Phong mà nói: "Cô, tôi thương cô quá, cô biết hôn? Cô ưng tôi đi. Hễ cô ưng tôi thì tôi giao hết gia tài sự nghiệp của tôi cho cô làm chủ. Cô muốn giống gì cũng được hết thảy. Tôi hay cô ra đây nên tôi đi trước mà đón cô, đặng tôi tỏ thiệt chuyện ấy với cô. Cái sắc, cái tuổi với cái tài của cô, phải có thêm tiền bạc của tôi nữa thì mới thật đáng quí, cô hiểu không?"

Chí Thành nói tới đó rồi đưa tay muốn ôm cô Tân Phong. Cô gạt tay đứng dậy gọn gàng và nói lớn rằng: "Ông là một người thô lỗ thái thậm. Ông đã ve tôi một lần rồi. Tôi đã nói cho ông biết tôi nhứt định không lấy chồng. Lẽ thì ông hiểu tâm trí của tôi như vậy, ông phải kính trọng tôi lắm mới phải. Sao ông dám vô lễ theo ve vãn tôi nữa? Sao ông dám lấy tiền bạc mà lòe tôi? Ông tưởng tiền bạc của ông đó quí lắm hay sao? Tôi nói cho ông biết, từ rày sắp lên tôi không muốn thấy mặt ông nữa. Nếu ông muốn khỏi mang xấu thì ông ráng mà tránh tôi".

Chí Thành bị mắng thì giận lắm, song thấy dạng Hạo Nhiên với Thanh Lệ đi trở lại nên không dám làm dữ, đứng xuôi xị mà nói:

- Tôi nói như vậy, như cô nghe không bằng lòng thì thôi chớ tôi có lỗi gì mà cô mắng nhiếc tôi.

- Ông vô lễ với tôi, tôi nhiếc ông đó là tử tế lắm đa. Lẽ thì tôi trừng trị ông một cách nặng nề hơn mới phải.

- Tôi muốn cho cô sung sướng, chớ tôi có làm việc chi đâu mà cô bắt lỗi tôi.

- Ông muốn ôm tôi, ông chưa biết lỗi nữa sao?

Chí Thành đứng trơ trơ, không cãi được nữa.

Cô Tân Phong thấy Hạo Nhiên và Thanh Lệ trở lại gần tới, thì cô nói tiếp: " Thôi ông đi đi, tôi không còn chuyện chi mà nói với ông nữa".

Chí Thành xây lưng đi một vài bước rồi trở lại nói nho nhỏ:

- Chuyện tôi vô lễ với cô đó, xin cô đừng có thuật lại cho ai biết.

- Sao vậy?

- Nếu người ngoài họ biết thì tôi mang tiếng không tốt.

- Được. Tôi hứa lời với ông. Mà tôi buộc ông trong sáng mai phải bỏ đất Nha Trang mà về đi. Nếu tôi còn thấy ông ở đây mà theo tôi nữa thì tôi sẽ làm cho ông mang nhục.

- Tôi về liền bây giờ, không chờ tới sáng mai đâu. Mà tôi xin cô chừng về Sài Gòn cô cũng cho phép tôi tới lui như thường, chớ nếu cô bít đường giao thiệp với tôi thì sợ e anh em người ta dị nghị.

- Mà tôi cấm ông không được ve vãn tôi nữa.

- Tôi vưng lời, thôi, tôi chào cô.

- Tôi cũng chào ông.

Chí Thành lên lộ rồi kêu xe kéo mà vô chợ.

- Cô Tân Phong đi đón Hạo Nhiên và Thanh Lệ. Chừng gặp nhau, cô Thanh Lệ hỏi cô Tân Phong:

- Phải ông Chí Thành kêu xe kéo mà đi đó không?

- Phải.

- Ủa, coi bộ ổng đeo theo chị lắm, mà sao ổng lại bỏ mà về trước đi?

- Tôi biểu cậu về.

- Hôm kia ổng hỏi thăm tôi, nên ổng mới biết mà ra đây đón mình đó. Con dê già đó cứ mài sừng hoài.

- Tôi bẻ sừng rồi, chị đừng lo.

Hạo Nhiên nói: "Bộ hệ của cậu đó không hợp với con mắt tôi chút nào hết".

Cô Tân Phong cười mà nói: "Cậu hứa với tôi, cậu sẽ về Sài Gòn liền bây giờ. Nếu mai mà tôi còn thấy cậu ở đây thì tôi sẽ làm cho cậu mang nhục".

Hạo Nhiên hỏi: " Nó có vô lễ với cô hay không?".

Cô Tân Phong do dự rồi mới đáp: "không".

Hạo Nhiên nói: "Tưởng nó dám vô lễ thì tôi sẽ theo cho nó một bài học".

Ba người dắt nhau đi dọc theo bãi biển một hồi nữa rồi mới trở về nhà hàng mà nghỉ.

Sáng hôm sau, ba người thức dậy rửa mặt thay đồ rồi mới đi với nhau xuống phòng ăn mà lót lòng. Bước vô phòng ăn cô Tân Phong thấy khách rất đông, lại thấy đốc tơ Vĩnh Xuân với cô Julie Mai đang ngồi ăn lót lòng. Cô liền đi lại mà chào. Vĩnh Xuân chưng hửng mà lại bợ ngợ. Tuy vậy mà ông cũng gượng tiến dẫn cô Julie Mai với cô Tân Phong. Cô Thanh Lệ thấy vậy liển dắt Hạo Nhiên lại mà chào Vĩnh Xuân. Hỏi thăm nhau mới hay Vĩnh Xuân và cô Julie Mai ra tới hồi 12 giờ khuya, khách trong nhà hàng đã ngủ hết nên không ai hay.

Hạo Nhiên kêu bồi dọn đồ ăn nơi một cái bàn trống gần đó, rồi mời cô Tân Phong với cô Thanh Lệ lại lót lòng.

Ăn rồi Vĩnh Xuân bước lại hỏi Tân Phong có tính đi chơi chỗ nào hay không. Cô nói có lẽ sẽ chạy xe dài theo mé biển vô coi sở cá rồi vòng mé núi mà qua cửa Bé. Ông nói lần nầy ông mới ra Nha Trang lần thứ nhứt. Ông chưa ra lần nào hết nên ông xin cô đi dâu cũng cho phép ông đi theo sau.

Hai xe nối đuôi nhau mà đi như ý cô Tân Phong định, đi đến trời nổi nắng mới trở về nhà hàng.

Buổi chiều cô Thanh Lệ bày đi ra đèo Rù Rì đặng leo lên núi chơi. Cô Tân Phong chịu, Vĩnh Xuân cũng đi theo. Cô Julie Mai nhức đầu nên nằm ở nhà hàng mà nghỉ.

Gần 4 giờ ra tới đèo. Hai xe đậu nối đuôi nhau. Leo xuống xe, cô Thanh Lệ đứng ngó tứ phía, thấy đường quanh quẹo, núi chập chồng, nhiều cục đá cheo leo, nhiều lùm cây rậm rạp mặt trời chiếu dọi mấy khe nước trên triền núi coi cũng như lằn bạc chảy, mây vần vũ trên mấy đỉnh xa xa coi như khói cuồn cuộn bay ra thì cô cảm xúc trong lòng nên nói rằng: "Hèn chi thi sĩ người ta nói giang sơn cẩm tú nghĩ cũng phải lắm, tôi không dè nước ta cũng có cảnh sơn thủy tuyệt đẹp như vậy. Có vào chốn lâm tuyền mình mới biết cái đời cạnh tranh của loài người là vô vị".

Cô Tân Phong cười nói:

- Cha chả! Chị nầy bữa nay chị lãng mạn rồi chớ.

- Không phải lãng mạn. Chị nghĩ lại mà coi, loài người cạnh tranh làm chi? Cạnh tranh đặng lấy một chút danh giả dối, đặng cho người đồng thời họ khen mình khôn, họ khen mình giỏi, họ trọng mình, họ phục mình, mà sự khen, sự trọng, sự phục đó bất quá cũng trong ít năm rồi không ai còn nhớ đến tên mình, mà có nhiều khi có người nhớ thì họ lại chê, họ lại khinh, họ lại kích bác sở hành của mình nữa. Cạnh tranh đặng giành một số tiền bạc cho lớn, rồi cất nhà tốt, mua đất nhiều, hưởng mùi phú quý trong ít năm, kế thở hơi cuối cùng, rồi nhà hư sập, đất tan hoang hết. Chi bằng mình kiếm một người bạn đồng tâm đồng chí, mình lựa mấy chỗ u nhàn thanh tịnh như vầy, mình cất một cái chòi tranh mà ở với nhau, mình đốn cây cuốc đất mà trồng bắp, trồng khoai. Đói thì mình ăn những đồ mình trồng, khát thì lên núi múc nước trong mà uống, thân mình thong thả, trí mình thảnh thơi, không chìu lụy ai, không kiêng nể ai, như vậy há chẳng cao thượng hay sao?

- Rõ ràng lãng mạn đến trăm phần trăm, mà còn chối chớ.

CôThanh Lệ cười, rồi nắm tay Hạo Nhiên mà kéo, biểu đi kiếm đường mòn của tiều phu Khai, đặng dắt cô lên núi, hai người dắt nhau đi lên núi.

Cô Tân Phong thấy triền núi bên phía tay mặt, có một thạch bàn, cô tính lên đó ngồi chơi được nên cô vạch cây, trèo đá mà đi. Vĩnh Xuân đi theo cô.

Hai người lên đứng trên thạch bàn, ngó qua hòn núi phía bên kia đường, thì thấy Hạo Nhiên lui cui đi trước mở đường cho cô Thanh Lệ đi, gặp đá cản đường phải lấy tay mà kéo. Ngó về hướng Nha Trang thì thấy nhà thờ với nhà lầu lố xố, lại thấy một góc cái vịnh có vài chiếc thuyền chạy buồm, ngoài có mấy cái cù lao tiếp nhau mà ngăn sóng to gió lớn.

Cô Tân Phong ngồi giữa thạch bàn, thấy Vĩnh Xuân đứng một bên thì hỏi: "Sao ông bỏ cô Julie Mai nằm ở nhà có một mình, ông không ở lại đặng cho cô khỏi buồn?"

Vĩnh Xuân không trả lời, mà sắc mặt coi buồn bã.

Cô Tân Phong hỏi nữa: "ông nhờ cô Julie Mai đưa cây sào cho ông níu, nên ông mới lội được đó phải hôn?"

Vĩnh Xuân thở dài, ngồi xeo xéo với cô, tay thì gạch, mắt thì ngó thạch bàn mà đáp:

- Tôi gần chết chìm rồi, mỗi ngày nước ngập thêm một ít, chớ lội!

- Ủa! Sao vậy? cô Julie thuộc hạng gái tân thời, cô có sắc đẹp, cô có tánh vui, cô nói chuyện hay, cô yêu ông lắm. Ông làm bạn với người có tánh chất quí như vậy, lẽ thì ông quên hết những việc quá vãng, rồi hớn hở mà rước cái cực lạc tương lai mới phải chớ, sao ông lại nói ông gần chết chìm?

- Phải, cô Julie Mai đẹp đẽ, vui vẻ, khôn ngoan. Cổ lại sẵn lòng yêu tôi, bởi vậy từ ngày tôi bày tỏ tâm sự của tôi cho cổ hiểu, thì cổ gắng sức làm cho tôi vui, đặng tôi quên các việc buồn xưa. Cô là người ơn của tôi, nếu tôi phủi ơn, thì té ra tôi bất nghĩa. Nhưng đây cô là gái tân thời cao thượng, lịch lãm thể tình, dầu tôi không nói ra cô cũng biết hết. Ấy vậy tôi phải tỏ thiệt với cô những việc cô Julie Mai sắp đặt làm cho tôi vui đó là những cách thế nhận tôi cho chìm. Tôi vẫn thấy rõ ràng như vậy, nhưng mà mấy tháng nay tôi phải gần cổ, tôi không thể lìa cổ được, là vì cổ cũng như một khúc gỗ nặng, hễ đeo cổ thì thỉ chung gì cũng phải chìm với cổ. Nhưng nếu buông cổ ra thì chìm liền, nên tôi phải níu đặng hụp lặn mà kéo dài sự sống tới đâu hay tới đó.

Nghe mấy lời tâm huyết ấy, chắc là cô Tân Phong cảm xúc nhiều lắm, bởi vì cô không dám nói tiếp chuyện ấy nữa, cô ngồi lặng thinh mà ngó mông vô núi.

Vĩnh Xuân ngó chỗ khác mà nói: " Tôi chắc duy có một mình cô cứu tôi được mà thôi. Cô không làm cho tôi đẹp con mắt, vui xác thịt mà cô biết nói cho tôi vui trong óc, an trong lòng. Cô Julie Mai, tuy cũng là gái tân thời như cô, nhưng vì cổ không có học thức rộng, không có giáo dục kỹ, bởi vậy dầu có biết căn bịnh của tôi, cổ cho thuốc cũng không trúng, mà rồi đây chắc bịnh còn trở qua chứng khác nữa".

Cô Tân Phong ngồi trơ trơ ngó mông trước mặt bộ suy nghĩ nhiều. Thình lình cô day qua ngó ngay Vĩnh Xuân mà hỏi.

Ông có biết căn nguyên em là ai, ở đâu hay không mà ông cứ theo cầu em cứu ông?

Tôi không cần biết căn nguyên cô làm chi. Tôi biết cô thì đủ rồi. Dầu cô là con nhà bình dân lao động thì tôi cũng kính trọng cô vậy.

Cô Tân Phong cười ngất mà đáp: " Em không phải là con nhà bình dân lao động nào hết. Chánh em là con Hai Tân, con của ông Từ Đại Đạo ở Chợ Quán, ông đã hứa hôn rồi ông chê em không có nề nếp lễ nghĩa theo An Nam, nên ông từ hôn đó, ông nhớ hay không?"

Vĩnh Xuân vùng đứng dậy gọn gàng, ông ngó cô Tân Phong, mặt ông tái xanh.

Cô Tân Phong không nói nữa, cô ngồi đợi xem ông biết cô rồi bây giờ ông lấy cử chỉ nào mà đối phó với cô.

Vĩnh Xuân đứng tần ngần một hồi rồi nói thủng thẳn rằng: " Ôi không dè sự tôi kiên quyết năm trước là lầm, mà sự lầm đó bây giờ bị hình phạt về thần trí nặng nề đến thế nầy!...Hứ! Hạnh phúc có sẵn mà không thèm hưởng, để đi tìm hạnh phúc khác, rồi hạnh phúc không gặp, lại gặp hoạn họa!...

Vĩnh Xuân đứng ngập ngừng một hồi nữa rồi nói tiếp: " Đối với cô tôi làm một cái lỗi lớn lắm, bởi vậy dầu cô quảng đại đến cỡ nào đi nữa. Tôi cũng không dám xin cô tha lỗi cho tôi. Tôi chỉ nhắc cho cô nhớ tôi đã có nói với cô rằng cái đời của tôi đã hỏng rồi. Đến thế nầy thì chẳng còn gì mà tiếc cái đời ấy nữa mà chi. Tôi thấy mặt cô lần nầy là lần chót. Vậy tôi trân trọng xin cô một điều nầy, là từ rày sắp lên cô tin chắc tôi là người lầm lạc, chớ cô đừng tưởng tôi là đứa bội nghĩa. Được như vậy thì cũng đủ cho tôi bớt ăn năn nhiều lắm vậy. Tôi cung kính mà xin từ biệt cô".

Vĩnh Xuân cúi đầu chào cô Tân Phong rồi kiến đường mà đi xuống chỗ xe đậu.

Cô Tân Phong ngồi ngó theo Vĩnh Xuân với cặp mắt nghiêm nghị, rồi cô ngó qua hòn núi bên kia, thấy Hạo Nhiên còn ngồi chơi trên cao với cô Thanh Lệ thì cô kêu mà hỏi: "Ông đốc tơ, ông đi đâu vậy? Ông phải trở lại mà dắt em xuống với chớ".

Vĩnh Xuân đứng lại, ngơ ngẩn, rồi thủng thẳng trở lại mà không dám ngó cô Tân Phong.

Cô Tân Phong chỉ tay mời ông ngồi ngay trước mặt cô. Vĩnh Xuân ngồi liền, như hình máy.

Cô Tân Phong suy nghĩ rồi nói: "Đối với em, thiệt ông làm một cái lỗi lớn lắm. Theo thường tình thì cái lỗi ấy có tánh cách làm mất danh giá của em. Nhưng mà theo em, là gái có cái óc mới, nên em coi sự ông từ hôn đó không có nhục em chút nào hết. Chớ chi em thất tiết, hay là gian giảo, hay là vô lễ, nên ông chê em ông không thèm cưới, thì là em hổ thẹn thiệt. Chớ em xét mình em, thì em không có mấy tánh xấu ấy, mà ông chê là chê bề ngoài, thì em tức cười cho cái lý tưởng sai lầm của ông mà thôi, nào em có mắc cỡ đâu. Đã vậy có người cho ông từ em cưới người khác là tại ý ông ham giàu. Em không thể tin lời ấy được. Em biết chắc ông bội ước là vì ông tưởng lầm, chớ không phải ông ham giàu. Tuy vậy mà bây giờ hay chừng nào đi nữa, em cũng không thể làm vợ ông được. Ông biết tại sao hay không?

Vĩnh Xuân nói nho nhỏ: "Không, xin cô nói tiếp".

Cô mỉm cười mà đáp: "Cái bình tốt đẹp hễ đập bể rồi, dầu ráp lại khéo cho mấy đi nữa, cũng mất giá trị. Ông ấp cái hy vọng dồi dàu đẹp đẽ trót bốn năm năm trường, bỗng cái hy vọng ấy tan như sương, tiêu như khói, bây giờ làm thế nào mà tom góp lại cho được".

Cô liếc mắt thấy Vĩnh Xuân ngồi gục gặc mà nghe, nước mắt nhễu có giọt. Cô nói nữa: "Hôm nọ tại nhà em, ông xin em hứa lời hễ chừng ông để vợ xong rồi thì em ưng ông đặng ông cưới. Em không chịu là tại như vậy đó, ông lại nài xin em như không chịu lấy chồng, thì kết tình bằng hữu với ông. Em biết ông có bịnh về trí não, bịnh nặng lắm, phải có người lão luyện về tâm bịnh cứu ông mới được. Tuy em tội nghiệp cho phận ông dữ lắm, nhưng mà em cũng từ luôn cái vai tuồng bằng hữu nữa. Em nhớ hôm đó ông trách em là người ác. Không phải ác đâu, em có nhơn lắm. Em sợ bằng hữu với ông, lân la với ông nhiều lần, rồi ông nhìn biết em là con Hai Tân mà ông chê ngày trước thì ông hổ thẹn hoặc ông ăn năn quá, chắc cái tâm bịnh của ông thêm nặng nữa, ông không thể sống được. Rõ ràng hồi nãy em vừa cho ông biết tin em rồi, thì ông liền tính tự vận đó. Tại như vậy em không dám chịu làm bằng hữu với ông, chớ không phải em ác. Bữa nay em phải tỏ thiệt căn nguyên cho ông biết, là vì..., là vì...".

Cô nói tới đó rồi cô ngập ngừng, dường như cô không muốn bày tỏ hết ý của cô ra. Cô tằng hắng rồi mới nói lại: 'Bữa nay em nói thiệt cho ông biết là vì ông còn theo em cầu cứu giùm ông nữa. Ông nghĩ lại mà coi, dầu em theo ở tân thời đến thế nào đi nữa, em không hờn giận ông đó, xét cũng đã quá rồi, nếu em còn khứng cứu ông nữa, thì thành ra em là phật chớ không phải tổng lý báo "Tân Phụ Nữ".

Cô không nói nữa, Vĩnh Xuân mới thỏ thẻ nói: " Té ra cô thật không tưởng tôi là đứa bất nghĩa, mà cũng không hờn, không giận tôi, tôi cám ơn cô lắm".

Cô hỏi lại: "Đối với ông em ở như vậy mà ông còn tính tự vận nữa hay không?"

Vĩnh Xuân nín thinh một hồi rồi mới đáp:

- Cái đời của tôi đã hỏng rồi, nếu tôi còn tiếc mà đi trót đường đời nữa thì đi xuống, chớ không thể đi lên được, bởi vậy tôi tưởng, thà chết trước cho khỏi buồn khỏi nhục.

- Ông là một nhà bác học, không lẽ em dám cãi việc đời với ông. Nhưng mà theo trí mọn của em con người có nhiều mục đích, chớ không phải hễ làm trai chỉ biết lo cưới vợ hễ làm gái chỉ biết lo lấy chồng đặng lập gia thất rồi sanh con đẻ cháu mà nối dòng, tuy em thuộc trong hạng gái tân thời nhưng em chưa có cái tư tưởng quá khích đến nỗi đạp đổ cả gia đình là cái gốc của xã hội. Song em nghĩ mình đi đường hễ gặp khúc chông gai, thì mình tránh mà kiếm ngã khác bằng thẳng mà đi. Ông đi học thành danh rồi, ông tính cưới vợ để hưởng hạnh phúc. Nếu ngã đường ấy không làm cho ông thấy hạnh phúc được, thì ông bỏ mà đi ngã khác, chớ sao ông lại ngã lòng thối chí, ông lại tính tự vận mà làm uổng cái công phu ăn học của ông, và làm cho cha mẹ buồn rầu thương tiếc.

- Tôi bây giờ như người bị bít đường, tôi không thấy ngã nào mà đi!

- Phải, ở bên Tây trở về xứ, ông chỉ lo lập gia thất. Cuộc gia thất làm ông không được mãn ý, ông nhứt định phá hủy cho rồi. Mà phá hủy tồi, ông cũng chưa biết chán, ông cũng muốn lập gia thất lại. Những câu chuyện ông nói với em, tại nhà em hôm nọ, đủ làm chứng cho mấy lời em muốn nói đó. Ông muốn cưới vợ khác mà ông lưỡng lự, không biết phải chọn gái kiểu xưa mà cưới nữa, hay là chọn gái kiểu nay. Ông bối rối không nhứt định, tự nhiên ông phải chơi vơi giữa dòng sông, rồi ông phải đeo khúc cây nặng, dầu ông biết khúc cây ấy nó sẽ kéo ông chìm lần lần. tại sao mà ông lưu tâm về gia thất quá như vậy? Ở đời phải có vợ mới có hạnh phước hay sao? Ông là một vị danh y, ông mới mở phòng khám bịnh, ông mới lập nhà thương thì thân chủ đã tới nườm nượp. Ông lấy sự cứu nhơn độ thế mà làm mục đích, ông tận tâm kiệt lực lo trau dồi y khoa, cái mục đích ấy đã đạt được rồi thì ông cũng vui lòng, ông cũng thấy hạnh phước được vậy chớ, cần gì gia thất.

Vĩnh Xuân ngồi suy nghĩ một hồi rất lâu, rồi ngó ngay cô Tân Phong mà nói: " Cô chỉ dùm đường cho tôi đi, tôi cám ơn cô lắm. Tôi hứa chắc với cô tôi sẽ đi cái đường ấy. Tôi sẽ lìa cô Julie Mai, mà từ rày sắp lên tôi không tính cưới vợ và cũng không gần người đờn bà nào nữa hết. Tôi sẽ lấy sự cứu nhơn độ thế mà làm mục đích".

Cô Tân Phong cười mà nói: "Ái tình là tình chung của loài người, dầu ở giai cấp nào cũng vậy. Không phải vì em không thể làm vợ ông được mà em khuyên ông phải tuyệt ái tình. Không, em không có ý như vậy. Ái tình là một thứ tình mạnh mẽ hơn các tình khác hết thảy, không ai có tài nào mà dập nó được. Đã vậy mà nó cũng là một thứ tình có thể làm cho mình trở nên anh hùng, chí sĩ, nếu mình biết nuôi nó cho cao thượng. Ấy vậy em không dám khuyên ông phải bỏ dứt ái tình, em chỉ khuyên ông, nếu có nuôi nó, thì phải nuôi cho cao thượng, chớ đừng có làm cho nó hèn hạ".

Vĩnh Xuân gật đầu đáp: "Tôi hiểu, tôi hiểi rồi. Mấy lời cô nói đó thật là chánh đáng. Tôi sẽ làm cho ái tình của tôi cao. Mà nếu tôi đi cái đường của cô chỉ, tôi nuôi ái tình của tôi cao rồi, tôi có được cái hy vọng kết bằng hửu với cô hay không?"

Cô Tân Phong chúm chím cười mà đáp:

- Việc chưa tới, không nên nói trước.

- Tôi quyết làm cho việc sẽ tới gấp bây giờ.

- Ông làm thử coi.

Hai người nói chuyện tới đó thì nghe kèn xe hơi dưới lộ bóp vang rân. Cô Tân Phong ngó xuống thì thấy Hạo Nhiên với Thanh Lệ đương giơ tay mà ngoắt. Cô đứng dậy và rủ Vĩnh Xuân trở xuống.

Chừng cô Tân Phong xuống tới xe, cô Thanh Lệ nói rằng: " Tụi tôi đi chơi bên núi bên kia, tuy bị mệt mà vui quá. Sao chị không leo lên cao, lại ngồi chỗ đó. Chắc chị bị ông đốc tơ theo cải tôn chỉ „Tân Phụ Nữ" nên chị đi không được chớ gì?

Cô Tân Phong đáp: "Phải, bị ông đốc tơ nên tôi đi xa không được. Mà ngồi trên thạch bàn xem tứ hướng cũng có thú vị nhiều lắm rồi, chẳng cần phải trèo cao nữa làm chi cho mệt".

Hai xe nối nhau mà trở về Nha Trang.

Ăn cơm tối rồi. Vĩnh Xuân từ giã cô Tân Phong, cô Thanh Lệ với Hạo Nhiên mà về, nói rằng không dám bỏ nhà thương lâu, rồi dắt cô Julie Mai mà về ban đêm.

Chừng Vĩnh Xuân đi rồi, cô Thanh Lệ ngó cô Tân Phong mà cười và nói:

- Chắc Vĩnh Xuân cũng bị chị biểu về, nên mới về gấp đó chớ gì?

- Phải, tôi biểu về.

- Tụi đờn ông đó, ngày tết mà họ xui xẻo quá! Theo ra đây đều bị đuổi về hết thảy.

Hạo Nhiên nói: "Ê, cô đừng nói xô bồ xô bộn, đờn ông nào chớ đờn ông nầy cao thượng lắm, cao thượng đến cùng, chẳng bao giờ chịu thấp thỏi đâu".

Cô Thanh Lệ cười mà đáp:

- Anh đừng có nói phách. Ra đây tôi đã đổi tánh anh được rồi.

- Bao giờ mà cô đổi được.

- Ở Sài Gòn anh buồn luôn luôn, mà ra đây tôi làm cho anh bỏ cái mặt đi đám ma, rồi mang cái mặt đi đám cưới, không phải đổi tánh anh được hay sao?

Hạo Nhiên châu mày và ngó vô vách mà nói: "Cô lầm, cô lầm to. Tôi vui là tôi thấy thiên hạ thờ ái tình mà họ thờ cách hèn hạ quá, nên bị nhục nhã, mà tôi vui chớ".

Cô Tân Phong ngó Hạo Nhiên trân trân, rồi cô lắc đầu mà chúm chím cười.

Ở Nha Trang hứng gió cho hết lễ tết rồi, cô Tân Phong mới chịu đi về với cô Thanh Lệ và Hạo Nhiên.

Báo „Tân Phụ Nữ" xuất hiện tiếp, công chúng càng hoan nghênh hơn nữa.

VĨNH HỘI, Décembre 1937

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro