Chương 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần 01

Đám tang của Aki được tổ chức vào một ngày lạnh giá cuối tháng Mười hai. Từ sáng, những đám mây màu xám đã sà xuống thấp, chẳng thấy bóng dáng mặt trời đâu. Rất nhiều bạn bè và thầy cô giáo ở trường đến dự lễ tang. Tôi chợt nhớ đến đám tang cô giáo chủ nhiệm của Aki mất vào dịp Giáng sinh năm lớp chín. Khi ấy Aki là người đọc điếu văn. Vừa tròn hai năm. Tôi không cảm nhận được quãng thời gian hai năm đó. Không dài cũng không ngắn. Tựa như tôi đã mất hết khái niệm về thời gian.

Khi một học sinh đại diện lên đọc điếu văn, trời đổ mưa đá dữ dội. Mưa khiến mọi người tham dự hơi nhốn nháo, nhưng bài điếu văn vẫn được đọc cho tới cuối. Có nhiều bạn gái òa khóc. Sau đó nghi thức thắp hương bắt đầu. Tôi thắp một nén hương, chắp tay trước bàn thờ theo đúng nghi lễ. Khi ngẩng đầu lên, tôi thấy di ảnh Aki trước mặt mình. Trong bức ảnh, Aki là một thiếu nữ đẹp tuyệt trần. Chính vì thế, cô gái ấy chẳng có chút gì giống với Aki. Hay ít ra, cô ấy không giống với Aki mà tôi biết.

Hầu hết mọi người đến viếng đều chỉ tiễn Aki ra đến cổng chùa, nhưng riêng tôi thì được đi theo đến nhà hỏa thiêu. Tôi lên chiếc minivan của công ty tang lễ cùng gia quyến. Chúng tôi chậm chạp bám theo xe chở linh cữu đang đi đằng trước. Chốc chốc lại có một cơn mưa tuyết và mỗi lần như thế người lái xe lại phải bật cần gạt mưa kính trước. Nhà hỏa thiêu nằm giữa những ngọn núi bên ngoài thị trấn. Chiếc xe bò lên một con đường núi cô quạnh có những hàng tuyết tùng. Dọc đường, chúng tôi đi qua một bãi đất có nhiều chiếc ô tô bị vứt bỏ đã biến thành sắt vụn. Đi ngang qua cả một trại gà. Ý nghĩa về một Aki được đem tới chốn cô quạnh này và sắp bị đốt thành tro bụi thật mơ hồ.

Trong tâm trí tôi chỉ có hình bóng của một Aki còn đang khỏe mạnh. Tôi đưa em về lúc chạng vạng tối của một buổi chiều thu năm lớp mười, tóc em xõa dài trên vai, làm nổi bật lên màu áo trắng. Tôi vẫn nhớ bóng tôi và em in trên bức tường bao xây bằng xi măng. Tôi vẫn nhớ em đã bơi ngửa bên cạnh tôi một ngày hè. Mí mắt em nhắm chặt trong nắng, tóc em trải dài trên mặt nước, làn da trắng nơi cổ em lấp lánh… Tôi không thể chịu nổi ý nghĩ là cơ thể ấy sẽ bị đốt thành tro bụi. Tôi mở cửa sổ xe, để không khí lạnh phả vào mặt mình. Những giọt không phải tuyết cũng không phải mưa đập vào mặt tôi rồi tan chảy. Giá như tôi có thể làm việc này, việc kia, rồi việc kia nữa cho em. Những ý nghĩ kiểu đó cứ lần lượt xuất hiện rồi tan biến như mưa tuyết.

Trong lúc thi thể em bị thiêu đốt, tôi được những người lớn chuốc rượu. Tôi thử một mình vòng ra phía sau tòa nhà. Ngay mép tường là sườn núi. Những thảm cỏ úa vàng dạo mùa đông giờ đang hồi sinh. Tro đen bị vứt lung tung ở một nơi giống như bãi rác. Xung quanh im lặng, không có tiếng người hay chim chóc. Dỏng tai lên, tôi có thể nghe thấy tiếng nồi hơi đang thiêu đốt Aki mơ hồ vọng tới. Tôi giật mình nhìn lên không trung. Trên đó có một ống khói xây bằng gạch đỏ và khói đang phả ra từ cái miệng hình vuông đầy bồ hóng.

Cảm giác thật kỳ quặc khi ngắm nhìn làn khói bốc lên từ ngọn lửa thiêu đốt người tôi yêu quý nhất đời đang lặng lẽ tỏa vào bầu trời mùa đông. Tôi đứng đấy một lúc lâu, dõi theo đám khói, lúc đen, lúc trắng. Khi những làn khói cuối cùng lẫn vào tầng mây xám, tôi thấy trái tim mình trống rỗng.

Năm tháng trôi qua, những ngày Aki và tôi ở bên nhau biến mất cùng tờ lịch cũ. Tôi dành cả tuần đầu của năm mới xem ti vi trong phòng khách. Tôi hiếm khi ra khỏi nhà. Tôi cũng không đi lễ chùa đầu năm mới. Trên ti vi, những người nổi tiếng ăn vận đẹp đẽ, hát và chơi trò chơi. Tôi không nhận ra được mặt cũng như tên của họ. Chiếc ti vi màu của tôi không có màu. Đám nghệ sĩ đang reo hò, cười nói chỉ còn là những khối hình đen trắng trong mắt tôi. Thế rồi họ tan chảy vào một khung cảnh lạ lẫm cùng với sự tĩnh lặng đến nhức óc.

Cuộc sống mỗi ngày của tôi giống như sự lặp đi lặp lại những cuộc tự tử rồi hồi sinh tinh thần. Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều ước mình sẽ không tỉnh lại. Hoặc ít ra, tôi không muốn tỉnh dậy trong thế giới không có Aki. Nhưng khi trời sáng, tôi luôn luôn thức dậy với một thế giới lạnh lẽo, trống rỗng và thiếu vắng em. Và tôi hồi sinh giống như Chúa Jesus đầy tuyệt vọng. Một ngày mới bắt đầu, tôi sẽ ăn cơm và nói chuyện với mọi người. Nếu trời mưa, tôi sẽ xòe ô và hong khô quần áo ướt. Nhưng chẳng điều gì có nghĩa với tôi. Tựa như những phím đàn dương cầm bị đánh loạn nhịp đang phát ra những âm thanh lộn xộn.

Tôi thường mơ thấy Aki và mình lênh đênh trên một vùng biển yên bình. Em đang nói về đường chân trời. Rằng liệu có phải đường chân trời được gọi như thế từ khi người ta tin rằng biển là một mặt phẳng giống cái mâm, và nó trút xuống như một thác nước ở nơi tận cùng thế giới? Tôi trả lời rằng kể cả đúng là như thế thì nơi tận cùng của thế giới cũng ở rất xa, xa tới mức không một con thuyền nào có thể đi tới được, thành ra nó cũng giống như không tồn tại vậy. Khi tôi vừa nói vừa ngoảnh lại phía sau thì thấy biển đang đổ xuống cách đó chỉ vài mét, một lượng nước khổng lồ bị hút xuống hung bạo trong im lặng.

Tôi giục Aki cùng nhảy xuống biển và bắt đầu bơi ngược dòng thác. Một dòng chảy mạnh mẽ đang cuốn lấy mặt nước tĩnh lặng mà mới rồi tôi còn thấy lúc ở trên thuyền. Chúng tôi chống chọi với nó, quẫy đạp chân tay và ráng sức bơi. Bơi được một lát thì sức hút của dòng chảy yếu dần và tôi nhận ra mình đã thoát. Nhưng khi nhìn sang bên, tôi không còn thấy Aki đang bơi cạnh mình nữa.

Tôi nghe thấy một tiếng hét và quay lại. Aki đang bị hút vào thác nước. Bị quăng quật giữa dòng chảy xiết, cơ thể em xoay tròn như một con quay. Em thét lên và vùng vẫy trên mặt nước. Đằng sau em, nước biển đổ xuống không một tiếng động. Biển trở nên tàn bạo hơn trong sự tĩnh lặng hoàn hảo. Tôi bắt đầu cuống quýt bơi trở lại. Nhưng quá muộn. Tôi thừa biết là đã quá muộn. Mình luôn luôn chậm chân, tôi cay đắng nghĩ trong lúc rẽ nước.

Giọng Aki vọng đến từ rất xa. Tôi gào đáp lại. Nhưng dòng nước đã nuốt chửng đôi bàn tay, khuôn mặt, mái tóc trải dài trên mặt nước của em. Điều cuối cùng tôi nhìn thấy là đôi mắt mở to đầy kinh hoàng và tuyệt vọng của em trước khi biến mất vào làn nước xanh thẫm.

*****

Sự trống trải vẫn ngự trị trong tôi ngay cả khi kỳ học mới bắt đầu. Bạn cùng lớp không làm tôi thấy khuây khỏa hay được an ủi. Tôi có thể giả bộ như thể mình thích trò chuyện với họ, nhưng tôi hoàn toàn không có cảm giác ấy. Tôi chẳng có cảm nhận gì đối với những lời mình nói. Tôi thấy mình không có thực trước mặt lũ bạn, và dường như cả giọng nói cũng không phải của tôi. Tôi dần cảm thấy sự có mặt của bọn chúng là một gánh nặng. Tôi bắt đầu tránh những nơi đông người và thích ở một mình hơn. Tôi không còn cảm giác mình đang tồn tại cùng những người khác. Tựa như chỉ có mình tôi trên thế gian này.

Về đến nhà là tôi liền mở sách tham khảo và bài tập ra học. Tôi có thể chúi mũi vào đó hàng giờ. Giải những bài toán vi phân hay tích phân hóc búa và tra từ điển tiếng Anh khiến tôi không còn đau khổ. Chính vì chẳng còn chỗ cho cảm xúc nên công việc ấy trở nên dễ chịu hơn những thứ khác. Dẫu vậy, thỉnh thoảng những hồi ức vẫn bất ngờ đánh úp tôi. Chẳng hạn như khi tình cờ bắt gặp thành ngữ “rain cats and dogs” trong một câu văn tiếng Anh, tôi liền nhớ lại ngày Aki và tôi đi trong cơn mưa tầm tã. Chúng tôi chui vào chiếc ô em mang và sánh vai nhau đi về trên con đường quen thuộc. Khi đến nhà em, cả hai đều ướt sũng. Aki lấy cho tôi khăn tắm, nhưng tôi bảo đằng nào rồi cũng ướt và cứ thế đi bộ về nhà với chiếc ô của em. Mỗi khi những kỷ niệm ấy tràn về, trái tim tôi lại đau rất như làn da cháy nắng mùa hè.

Mỗi ngày đều chẳng có liên quan tới ngày trước đó. Thời gian không chảy thành một dòng liên tục trong tôi. Cảm giác về sự tiếp diễn, phát triển hay thay đổi của mọi vật đã biến mất. Đối với tôi, sống chỉ có nghĩa là đang hiện diện. Không có tương lai, cũng chẳng có hy vọng nào mở ra cho tôi. Còn quá khứ thì đầy những kỷ niệm đau đớn đến ứa máu mỗi khi chạm tới. Mặc cho máu chảy, tôi vẫn vui đùa với những kỷ niệm. Tôi tự nhủ máu cuối cùng rồi sẽ đông lại và vết thương sẽ đóng vẩy. Và rồi liệu có lúc nào tôi không còn thấy đau khi chạm đến những hồi ức về Aki?

Phần 02

Một hôm, sau khi đã sang năm mới ít lâu, tôi có xem một chương trình ti vi tổng hợp ở nhà ông, trên đó, một nhà văn nổi tiếng đang nói về thế giới bên kia. Con người tồn tại trong trạng thái mà ý thức và thân xác là một thể hỗn hợp, ông ta nói. Bằng cái chết, chúng ta sẽ lột bỏ đi lớp áo khoác bên ngoài là thân xác. Theo đó, ý thức sẽ bay ra khỏi người chết như cách bướm rời cái kén của mình và bắt đầu hành trình sang thế giới bên kia, nơi những người thân yêu đã qua đời đang chờ đợi. Ông ta cũng nói, thế giới bên kia đã gửi cho chúng ta rất nhiều tín hiệu, nhưng chúng ta đã quá quen với lý tính đến mức không nhận ra chúng. Chúng ta cần phải để ý hơn để đừng bỏ lỡ những tín hiệu đó. Đấy là tất cả những gì ông nhà văn nói, nhưng tôi thì cho rằng ông ta là một tay nhảm nhí.

“Ông nghĩ thế nào ạ?” tôi hỏi khi chương trình kết thúc. “Liệu thế giới bên kia có tồn tại? Nơi chúng ta có thể đoàn tụ với những người thân yêu?”

“Nếu thế thì thật tuyệt,” ông trả lời, mắt vẫn dán vào màn hình.

“Cháu không nghĩ rằng nó tồn tại.”

“Nếu thế thì thật buồn.”

“Khi người ta chết, họ sẽ nằm đó, và ta sẽ không bao giờ gặp lại họ nữa. Chẳng phải ai cũng biết điều này sao?” Tôi hơi gắt gỏng.

Ông tôi có vẻ lúng túng. “Cháu bi quan quá mức rồi đấy.”

“Lúc nào cháu cũng nghĩ về nó. Rằng tại sao con người lại tạo ra thiên đường và thế giới bên kia.”

“Thế cháu cho rằng tại sao?”

“Vì những người họ yêu quý đã chết đi.”

“Ồ.”

“Con người sáng tạo ra thiên đường và thế giới bên kia vì có quá nhiều người họ yêu đã chết. Ý cháu là, người chết bao giờ cũng là người khác, không phải mình, đúng không? Nên những người còn sống thường muốn bấu víu vào cái quan niệm ấy để cứu rỗi người chết. Nhưng cháu cho rằng tất cả đều không có thật. Thiên đường và thế giới bên kia chỉ là sự hư cấu của con người, thế thôi.”

Ông tôi cầm điều khiển trên bàn lên và tắt ti vi.

“Trong thế giới của chúng ta, chết là một điều tàn nhẫn, Sakutaro ạ.” Ông nói với một giọng thân tình. “Không có gì sau cái chết, và cũng chẳng có tái sinh, cái chết chỉ đơn giản là hư vô… Quá tàn nhẫn phải không?”

“Nhưng sự thực là thế, chúng ta đâu còn lựa chọn khác?”

“Ông cho rằng đó chỉ là một cách nhìn.”

“Khi đọc được rằng những tín đồ Cơ Đốc giáo coi cái chết là đẹp đẽ và không có gì phải sợ, cháu thực sự phát điên. Thật ngu ngốc và ngạo mạn. Cái chết không đẹp. Nó chỉ kinh khủng và trống rỗng. Ta chẳng thể làm gì với nó cả.”

Ông tôi im lặng nhìn lên trần nhà một lúc. Cuối cùng ông nói, mắt vẫn ngước lên trên.

“Người ta nói rằng Khổng Tử không bàn về Trời, nhưng khi một môn đệ của ngài chết, ngài đã khóc váng lên mà rằng, ‘Trời đã hại ta!’ Và Hoằng Pháp Đại Sư Không Hải, người thuyết giảng về cõi bất sinh bất diệt, cũng đã ứa nước mắt trước cái chết của một đệ tử.” Ông quay sang tôi và hỏi, “Tại sao mất một người thân yêu lại đau đớn đến vậy?”

Thấy tôi im lặng, ông tiếp tục.

“Ông thì cho rằng lý do nằm ở chỗ cháu đã yêu người đó. Không phải bản thân sự chia lìa hay vắng bóng họ làm cháu thấy buồn. Mà bởi những ý nghĩ về họ khiến sự chia lìa trở nên đau đớn, và những hình bóng cũ vẫn cứ bám theo. Vả lại, sự thương tiếc chẳng bao giờ cạn kiệt. Vì thế, đau buồn hay thương tiếc chẳng qua chỉ là một hình thức biểu lộ của thứ tình cảm yêu thương lớn lao mà cháu dành cho họ. Chẳng vậy sao?”

“Cháu không biết nữa.”

“Cứ nghĩ sẽ thế nào nếu một ai đó chết đi. Nếu một người cháu không hề quan tâm chết đi, hẳn là cháu sẽ chẳng nghĩ ngợi gì. Như thế không tính là một nỗi mất mát. Chỉ khi cháu không muốn ai đó chết đi lúc ấy cháu mới nhận thấy sự ra đi của họ. Nghĩa là, sự ra đi của một người nào đó có thể là một phần những ý nghĩ của cháu dành cho họ. Vì cháu yêu người đó, nên sự vắng mặt ấy trở thành vấn đề, sự vắng mặt ấy gây ra nỗi đau cho người ở lại. Và sự đau buồn luôn đưa cháu đến một kết luận, giống như: chia lìa thật đau đớn, nhưng rồi chúng ta sẽ gặp lại.”

“Ông có nghĩ ông sẽ gặp lại bà ấy?”

“Khi cháu nói ‘gặp lại’, có phải ý cháu là gặp lại dưới một hình dạng cụ thể?”

Tôi không trả lời.

“Nếu cháu cho rằng những thứ nhìn thấy được, ý ông là những thứ hữu hình, mới là tất cả thì chắc hẳn cuộc đời chúng ta sẽ chẳng còn gì thú vị,” ông nói. “Không, ông không nghĩ là người ông yêu sẽ xuất hiện trước mặt ông trong cái thân xác ông từng biết. Và nếu quên cái thể xác ấy đi thì ông và bà ấy vẫn luôn ở bên nhau. Suốt năm mươi năm qua, chẳng có giây phút nào mà bọn ông không ở bên nhau cả.”

“Nhưng đó chỉ là sự tưởng tượng.”

“Tất nhiên là tưởng tượng. Nhưng tưởng tượng có gì xấu? Chẳng phải khoa học cũng chỉ là những tưởng tượng hay sao? Mọi tư duy bằng đầu óc con người đều không nằm ngoài sự tưởng tượng. Vấn đề còn lại là mức độ của những tưởng tưởng ấy đến đâu thôi. Các nhà khoa học chứng minh những tưởng tượng của mình bằng kính viễn vọng hay kính hiển vi. Nhưng chúng ta không phải nhà khoa học, nên hoàn toàn có thể chứng minh bằng cách khác. Ví như tình yêu chẳng hạn.”

“Ông vừa nói gì ạ?”

“Tình yêu, ông nói là tình yêu. Cháu không biết tình yêu là gì sao?”

“Tất nhiên cháu biết, nhưng khi từ miệng ông phát ra, nghe nó chẳng giống bình thường.”

“Đó là bởi, xét về vẻ bề ngoài, tình yêu của ông có thể giống với thứ tình yêu mà người ta thường nhắc tới nhưng xét về bản chất thì lại khác nhau.”

Tôi nghĩ rằng đó chỉ là sự huyễn tưởng của một người già. Sau khi Aki mất, sự cảm thông và những lời khuyên nhủ của người lớn với tôi đều có vẻ ngụy tạo và bao biện. Tôi không thể tiếp nhận những điều mình không thực sự cảm thấy. Tôi không thể chấp nhận cái logic chẳng ăn nhập gì với cảm giác thực của mình, rằng em đã ra đi.

“Vào phút cuối cùng, cô ấy không yêu cầu gặp cháu,” tôi nói, cất lên suy nghĩ đã đè nặng lên tôi từ bấy lâu nay. “Thậm chí cô ấy có vẻ còn không muốn gặp cháu. Ông nghĩ tại sao ạ?”

“Vậy là cả hai chúng ta đều không có mặt khi người phụ nữ ta yêu ra đi.” Ông không trả lời thẳng vào câu hỏi của tôi.

“Nhưng tại sao cô ấy không muốn cháu ở bên cho đến phút cuối?”

“Cháu biết không, Sakutara,” ông tôi nói. “Con người phải đối mặt với đủ loại chia ly, nhưng thật ra là ông và cháu lại có chung một trải nghiệm. Cả hai đều không thể chung sống với người ta yêu hoặc ở bên khi người ấy mất.

Ông hiểu những gì cháu đang phải trải qua. Nhưng kể cả như thế, ông vẫn nghĩ đời người là một thứ không tồi. Ông nghĩ rằng nó rất tuyệt. Nói về vẻ đẹp của nó hẳn sẽ không phù hợp với cảm giác của cháu lúc này, Sakutaro ạ, nhưng đó là cảm giác của ông. Ông thấy cuộc đời thật đẹp.”

Ông như đắm chìm vào những gì mình vừa nói. Rồi ông quay sang và hỏi, “Cháu nghĩ cái đẹp thực sự là gì?”

“Bỏ qua,” tôi đáp cụt lủn.

“Trong cuộc đời, có thứ chúng ta thực hiện được, có thứ không,” ông nói. “Chúng ta quên ngay những thứ đã thực hiện được rồi. Còn những thứ chưa bao giờ được thực hiện thì luôn nằm ở chỗ quan trọng nhất trong trái tim ta. Những gì được gọi là mơ ước và khát khao đều như vậy cả. Thành ra ông nghĩ, chính nỗi đau đáu về những điều chưa thực hiện được đang duy trì vẻ đẹp của cuộc đời này. Và vì thế, chính cái chưa thực hiện được kia đã thực hiện cho chúng ta một điều, đó là vẻ đẹp.”

Tôi cầm điều khiển lên và bật ti vi. Mọi chương trình đều tẻ ngắt và vô vị giống như sự mệt mỏi của những ngày Tết.

“Cứ đổi kênh liên tục như thế này, cháu có cảm giác Aki sẽ xuất hiện,” tôi nói, tay không ngừng bấm điều khiển. “Và thật tuyệt nếu chúng cháu có thể nói chuyện được với nhau.”

“Kiểu như mấy cái máy của Doraemon?”

“Cũng có thể.”

“Nhưng sẽ như thế nào nhỉ. Cháu không nghĩ con người ta sẽ tồi tệ hơn nếu ai đó phát minh ra một chiếc máy có thể giúp họ nói chuyện với người chết một cách đơn giản theo cái cách như cháu vừa nói hay sao?”

“Ông cho rằng sẽ tồi tệ hơn?”

“Sakutaro này, khi nghĩ về những người đã mất, cháu không cảm thấy gì đặc biệt sao?”

Tôi im lặng, không đồng tình cũng không phản đối.

“Cháu không bao giờ có những tình cảm tiêu cực đối với người chết. Cháu không thể ích kỷ hay toan tính với người chết. Dường như đó là cơ chế của con người. Cứ phân tích những tình cảm cháu dành cho Aki mà xem, Sakutaro. Buồn bã, hối tiếc, thương cảm… Tất cả những tình cảm đó thật khó khăn đối với cháu lúc này nhưng hoàn toàn không tiêu cực, không một chút nào. Chúng sẽ giúp cháu trưởng thành. Tại sao cái chết của người ta yêu thương lại làm ta tốt đẹp hơn? Có lẽ bởi cái chết luôn tách rời khỏi sự sống và không chịu bất cứ tác động nào từ sự sống. Chính vì lẽ đó, cái chết của người này có thể hóa thành chất mùn nuôi dưỡng cuộc đời một người khác.”

“Cháu có cảm giác như đang được ông an ủi.”

“Không, không phải vậy.” Ông cười gượng. “Đúng là ông muốn làm thế đấy, nhưng không thể. Không ai an ủi được cháu cả, Sakutaro ạ. Cháu phải tự mình vượt qua thôi.”

“Làm sao ông vượt qua được?”

“Ông quyết định suy nghĩ về trường hợp ngược lại,” ông tôi nheo mắt nhìn ra xa và nói. “Sẽ thế nào nếu ông chết trước. Nếu chuyện đó xảy ra, hẳn là bà ấy sẽ phải nếm trải cái nỗi đau mà ông đang cảm thấy lúc này. Và chắc chắn việc bới trộm mộ để lấy cho mình một ít xương của ông là quá sức đối với bà ấy. Vả lại, ông không chắc có đứa cháu nào của bà ấy có được sự thấu hiểu như Sakutaro của ông không. Khi nghĩ đến đó, ông thấy việc bị bỏ lại giúp ông gánh thay bà ấy những đau khổ. Để bà ấy khỏi phải chịu đựng những dằn vặt không cần thiết.”

“Và ông đã có được di cốt của bà ấy.”

Mặt ông bỗng trở nên rất kỳ lạ. Ông nói, “Cháu cũng vậy thôi, Sakutaro ạ. Cháu đang chịu đựng thay phần con bé. Con bé chết rồi nên không thể đau buồn cho cảnh ngộ của chính mình. Vì thế mà cháu đang đau buồn thay cho con bé. Nói cách khác, cháu đã thế thân cho con bé trong cảnh ngộ đau buồn này. Và như thế, Sakutaro à, chẳng phải cháu đang sống thay cho con bé đấy sao?”

Tôi thử nghĩ về điều ông nói.

“Nghe vẫn giáo điều thế nào ấy ông ạ.”

“Cũng chẳng sao.” Ông tôi cười hiền hậu. “Đó là những suy nghĩ của ông, mà suy nghĩ vốn là như thế. Không ai có thể suy nghĩ thấu đáo ngay từ đầu. Ngay cả khi cháu tưởng mọi chuyện đã thấu đáo rồi, thị lại không phải như vậy, vẫn có thứ còn thiếu. Và cháu sẽ tiếp tục suy nghĩ về cái còn thiếu đó. Cuối cùng, suy nghĩ sẽ đem đến cho cháu những cảm giác thật. Vậy thôi.”

Chúng tôi ngừng nói chuyện và lắng nghe những âm thanh bên ngoài. Hình như gió bắt đầu thổi. Thỉnh thoảng, một cơn gió lắc mạnh cánh cửa sổ ban công như muốn giật tung nó ra.

“Đi Úc đi!” Ông nhẹ nhàng nói. “Hãy ngắm nhìn hoang mạc và lũ chuột túi cùng con bé.”

“Cha mẹ cô ấy muốn rắc tro cô ấy ở đó.”

“Ừ, có nhiều cách an táng mà.”

“Hồi cô ấy còn khỏe, cháu đã kể chuyện ông cháu mình đi trộm di cốt với cô ấy.”

“Thật vậy sao?”

“Chúng cháu còn cùng nhau xem phần di cốt ấy nữa.”

Tôi đưa mắt dò xét phản ứng của ông thì thấy ông đang khoanh tay và nhắm nghiền hai mắt.

“Cháu làm ông giận ạ?”

Ông từ từ mở mắt và mỉm cười.

“Ông đã trao nó cho cháu nghĩa là cháu có quyền làm gì mình thích.”

“Sau khi ngắm phần di cốt ấy, chúng cháu đã trao nhau nụ hôn đầu tiên. Cháu không hiểu tại sao. Chúng cháu không định làm vậy, nhưng chuyện cứ thế xảy ra.”

Ông giữ im lặng hồi lâu, rồi cất tiếng.

“Một câu chuyện hay.”

“Vâng, nhưng cô gái cháu hôn bây giờ cũng trở thành tro bụi rồi.”

***
Phần 03

Vùng đất hẻo lánh mà người tacấp cho thổ dân Úc là một hoang mạc cằn cỗi còn hạt phía Bắc là xử sở của những vách đá dựng đứng và cây bụi. Chiếc Land Cruiser của chúng tôi lắc mạnh trên con đường bụi bặm bị cày nát bởi những vệt bánh xe chạy dọc bờ sông. Một trạm trung chuyển điện tín xây bằng đá hiện ra trước mắt chúng tôi. Ở phía xa hơn là một bình nguyên thưa thớt cây cối và không một bóng nhà. Chúng tôi đi qua mấy cánh đồng dưa. Con đường thẳng tắp trải dài đến bất tận. Con đường rải nhựa sớm kết thúc khi chúng tôi rời khỏi thị trấn. Chúng tôi hầu như không thể nhìn thấy gì phía sau qua đám khói bụi khổng lồ đang cuộn lên vì chiếc xe. Một lúc sau cánh đồng biến mất và chúng tôi qua một trang trại chăn nuôi. Từng đàn bò đi dọc hai bên đường. Những con bò chết bị bỏ lại trên đồng cỏ. Lũ quạ đang bu đầy trên những cái xác đã trương lên vì nắng nóng.

Chúng tôi đến một thị trấn nhỏ giống như trong một bộ phim miền Tây. Những dãy phố oi bức và bụi bặm. Cạnh trạm xăng là một quán ăn có quầy bar bán rượu. Chúng tôi quyết định dừng lại để nghỉ ngơi và ăn uống. Có mấy người đàn ông đang chơi phi tiêu ngay gần lối vào. Bên trong quán tối tăm, những gã lái xe tải và công nhân xây dựng đang uống bia và ăn bánh nhân thịt. Cẳng chân lông lá thò ra khỏi quần soóc của họ to gần bằng eo tôi.

“Có phải tên của Aki được lấy từ Hakuaki, Kỷ Phấn Trắng không ạ?” Tôi hỏi mẹ Aki, bà đang ngồi cạnh tôi, mắt lơ đãng nhìn ra xa.

Bà giật mình quay về phía tôi. “Ừ. Bác trai nghĩ ra đấy. Sao vậy cháu?”

“Cháu cứ nghĩ Aki là mùa thu, suốt từ khi biết bạn ấy đến giờ. Bạn ấy lúc nào cũng ký tên theo kiểu chữ katakana khi gửi thư cho cháu.”

“Con bé lười lắm,” mẹ Aki nói. “Ngay cả Hiro trong Hirose cũng vậy đấy.”

Bà lấy ngón tay viết chữ “Hiro” theo lối phồn thể.

“Nếu viết tên đầy đủ của nó bằng chữ Hán thì nhiều nét lắm. Thế nên con bé dùng toàn chữ katakana để viết tên mình. Đấy là thói quen từ hồi tiểu học.”

Cha Aki trải bản đồ lên quầy tính tiền và xem xét cùng người hướng dẫn du lịch thuê ở Cairns.

“Đi khoảng 50 km nữa về phía Nam ta sẽ bắt gặp thánh địa của thổ dân Úc,” người hướng dẫn giải thích bằng một thứ tiếng Nhật trôi chảy. Anh ta từng sống ở Nhật Bản. “Chỗ đó bị cấm, nhưng tôi có giấy thông hành đặc biệt.”

“Có vào được bằng xe hơi không?” cha Aki hỏi.

“Chắc phải đi bộ một đoạn cuối.”

“Không biết tôi có theo được không,” mẹ Aki nói vẻ lo lắng.

Người hướng dẫn khẽ mỉm cười rồi ý tứ hỏi, “Bà tới đó để rắc tro con gái mình?”

“Con bé thật lạ phải không?” mẹ Aki đáp. “Trước khi mất, nó nhắc đi nhắc lại chuyện này như bị mê sảng. Lúc ấy, chắc con bé đã bắt đầu lẫn rồi, nhưng nó vẫn khiến chúng tôi thấy canh cánh ở trong lòng. Nếu không thực hiện được di nguyện cuối cùng ấy của Aki thì chúng tôi sẽ ân hẫn mãi về sau.”

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Một người thổ dân luống tuổi với bộ râu quai nón đang ngồi dưới bóng cây keo uống rượu vang từ cái bịch giấy màu nâu. Một đám choai choai da đen độ mũ cao bồi đang đi ngang qua chỗ ông ta. Ngay cả đã sang đến Úc, tôi vẫn không thể tưởng tượng được Aki đã mất. Tôi cứ cảm thấy như em đang ở đâu đây. Tôi cứ cảm thấy sẽ bất đồ nhìn thấy em ở đây đó.

Người phục vụ bưng đến trước mặt tôi một cái hamburger khổng lồ và một chai coca. Thật kệch cỡm khi cứ phải ăn mà không có tâm trạng nào để ăn.

***
Một bình nguyên màu nâu trải dài ngút mắt. Hầu như chẳng có lấy một vạt rừng. Chỉ có đám cỏ dại bám chặt vào mặt đất khô cằn đến nao lòng. Trên đỉnh một ngọn đồi đã phong hóa, một vài cây bạch đàn mọc tụm vào nhau. Đây đó, những tảng đá lớn nằm rải rác khắp nơi, người ta bảo chúng bị bắn ra khi núi lửa phun trào. Không có dấu hiệu của sự sống. Người hướng dẫn bảo ban ngày những con thú nghỉ ngơi trong hang và dưới các tảng đá để tránh nóng. Con đường trải nhựa đột ngột kết thúc, thỉnh thoảng bánh xe như bị thụt xuống vì mặt đất đỏ rất mềm. Chúng tôi đi qua vài con kangaroo đã chết. Trong số đó, có một con đã phẳng dẹt như tấm thảm lông bên vệ đường. Khi tôi quay lại nhìn, nó đã chìm sâu trong bụi.

Sau khoảng một giờ, trước mắt chúng tôi đột nhiên hiện lên một khu rừng xanh tốt. Phía trước rừng là một dòng sông nhỏ. Nước rất cạn, và một cây bạch đàn trắng đang mọc lên từ lòng sông. Một chiếc xe cắm trại đậu trên bờ, gần đó có hai gia đình người da trắng đang quay một con lợn. Người hướng dẫn ra khỏi xe, bước về phía gia đình đang ngồi trên mặt đất uống bia. Anh ta nói gì đó, giọng vui vẻ, và họ chỉ về phía con sông, tay vẫn cầm tập giấy dùng để lót đồ nướng.

“Họ nói nó ở phía bên kia dòng sông,” anh ta quay lại nói với cha Aki, lúc đó đang ngồi ở ghế lái. “Tôi sẽ dẫn đường.”

Anh ta lội nguyên giày xuống nước và dẫn chiếc Land Cruiser đến chỗ nước cạn có nền đất chắc chắn. Nhóm người da trắng nhìn theo chúng tôi vẻ tò mò. Khi xe qua được sông, người hướng dẫn trở lại ghế phụ.

“Nào, ta đi thôi.”

Một lối mòn đầy cát chạy dài trong khu rừng lờ mờ tối. Cha Aki thận trọng lái xe về phía trước trong ánh sáng yếu ớt. Trời bắt đầu nhá nhem. Bầu trời nhợt nhạt hiện ra giữa khoảng trống ít ỏi của những tán cây. Ánh sáng lờ mờ soi lên mặt đất.

“Tôi vẫn chưa hiểu lắm về chuyện giấc mơ của thổ dân Úc,” cha Aki nói trong lúc lái xe.

“Ừm, đối với người Úc bản địa, ‘giấc mơ’ có nhiều nghĩa,” người hướng dẫn giải thích. “Một trong số đó, theo thần thoại của một bộ lạc, có nghĩa là ‘tổ tiên’. Ví dụ, với bộ lạc ấy, nhắc tới một giấc mơ về wallaby thì trong đó, wallaby chính là tổ tiên của họ.”

“Ý anh là con chuột túi wallaby?” mẹ Aki cắt ngang.

“Không, wallaby ở đây với nghĩa là giấc mơ, tức là tổ tiên theo thần thoại của họ. Vị tổ tiên này tạo ra loài chuột túi wallaby và bộ tộc đó. Vậy nên họ và loài chuột túi wallaby đều là con cháu của thủy tổ wallaby.”

“Tức là bộ tộc wallaby và loài chuột túi wallaby là anh em?”

“Đúng. Và đấy là lý do bộ tộc wallaby không giết và ăn thịt wallaby vì điều đó đồng nghĩa với việc giết và ăn thịt anh em của mình.”

“Thật thú vị,” cha Aki nói, hoàn toàn bị thuyết phục. “Vậy ra chủ nghĩa Tô tem là như thế.”

“Ngoài ra còn có giấc mơ của mỗi cá nhân,” người hướng dẫn tiếp tục.

“Đó là gì?” cha Aki hỏi.

“Khi một người nào đó chào đời thì thứ mà mẹ anh ta nhìn thấy hay con vật hoặc cây cối mà mẹ anh ta bắt gặp trong mơ vào ngày hôm đó sẽ có chung linh hồn với anh ta. Những giấc mơ đó không bao giờ được nói ra. Đó là bí mật của từng cá nhân và được coi là đối tượng của tín ngưỡng.”

“Như vậy mỗi bộ tộc có một giấc mơ và mỗi người lại có một giấc mơ của riêng mình?”

“Đúng là như vậy.”

Thật khó để phân biệt mọi thứ. Cảnh vật mất đi độ sâu, hay đúng hơn, mất tính xa gần của chúng. Những thứ đáng ra phải ở xa lại trông rất gần trong khi những thứ đúng ra phải ở gần thì lại xa đến nỗi tưởng như không bao giờ chạm đến được.

“Người ta nói thổ dân chôn cất người chết hai lần,” người hướng dẫn tiếp tục. “Đầu tiên họ được chôn dưới đất như bình thường. Đây là lần chôn cất thứ nhất. Sau khoảng hai hay ba tháng, người ta đào lên và thu nhặt xương cốt. Họ sắp xếp xương trên một mảnh vỏ cây theo đúng hình dạng lúc còn sống của người chết, từ đầu đến chân. Sau đó họ đặt tất cả vào một khúc cây rỗng, đây là lần chôn cất thứ hai.”

“Tại sao họ lại làm thế?” mẹ Aki hỏi.

“Người ta tin rằng lần chôn cất đầu tiên dành cho da thịt và lần thứ hai dành cho xương cốt.”

“Tôi hiểu. Rất hợp lý,” cha Aki nói.

“Cuối cùng xương được mưa gột rửa và trở về với đất. Máu và mồ hôi trong cơ thể người chết thấm vào lòng đất và chảy xuống dòng suối ngầm thần thánh. Linh hồn cũng theo đến dòng suối, trở thành hồn sống và cư ngụ ở đó.”

Chúng tôi càng đi cây cối càng rậm rạp. Khi không thể đi ô tô được nữa, chúng tôi xuống xe. Rừng đã trở thành một thảm cây bụi với những cành gầy guộc, cong queo đan xoắn vào nhau tạo nên một cảnh tượng lạ lùng. Xuyên qua đó là một lối mòn chỉ đủ dành cho loài thú. Chẳng có gì ngoài tiếng bước chân chúng tôi. Thỉnh thoảng có cái gì động đậy trong những lùm cây gần đó, nhưng chúng tôi không thấy con thú nào.

Chúng tôi đi qua một bụi cây có gai nhọn tốt um như một con nhím khổng lồ giữa thảo nguyên vàng úa. Tới đây rồi thì chẳng còn biết lấy gì để làm mốc nữa. Ngoài một nhóm bạch đàn tươi tốt, thứ duy nhất mở rộng ra trước mắt chúng tôi là thảo nguyên khô cằn. Không ai nói gì. Trời vẫn sáng. Tôi nghĩ chúng tôi đã đi hàng giờ liền, nhưng có thể mới chỉ ba mươi phút. Môi tôi nứt nẻ bởi không khí khô rát. Tôi khát và ước gì có thể uống chút nước lạnh, nhưng đồng thời, tôi cũng cảm thấy như cơn khát ấy chẳng phải của mình.

Không lâu sau, chân chúng tôi bắt đầu bước lên cát và đá. Bên cạnh một tảng đá cuội khổng lồ mọc lên một loài thực vật giống như cây vạn tuế. Một con chim lớn màu nâu đang lượn vòng trên cao. Trèo lên khỏi một sườn dốc khá đứng, chúng tôi tới được bờ đá phẳng có vài ngọn cây trơ trụi lá, lớp vỏ xám của chúng nhăn nhúm nha da bà già. Một con chim lạ kêu lên. Một con thằn lằn bò qua tảng đá khố.

“Tôi nghĩ đến đây là được rồi,” người hướng dẫn nói.

“Chỗ này ư?” mẹ Aki hỏi, như thể nơi này không như bà mong muốn.

“Toàn bộ khu vực này.”

“Thế thì bắt đầu thôi,” cha Aki nói.

“Ông làm đi,” mẹ Aki nói, đưa chiếc bình cho chồng.

“Sao tất cả chúng ta không cùng làm?”

Lớp bột trắng lạnh ngắt trên tay tôi. Tôi không hiểu nổi nó là gì. Có lẽ trí óc tôi có thể, nhưng trái tim tôi thì không muốn hiểu. Nếu chấp nhận điều đó, tôi sẽ vỡ vụn. Như cánh hoa đóng băng trước cái búng tay, trái tim tôi sẽ vỡ tan thành từng mảnh nhỏ.

“Vĩnh biệt Aki,” tôi nghe mẹ em nói.

Những bụi tro màu trắng rời bàn tay cha mẹ Aki. Chúng theo làn gió bay đi khắp vùng hoang mạc đỏ. Mẹ Aki khóc. Cha Aki vòng tay qua vai bà, họ chậm rãi quay trở lại con đường đã đưa chúng tôi tới. Tôi không thể cử động. Thứ vừa bay đi kia như thể những mảnh vỡ của tôi, những mảnh vỡ không thể gom lại được nữa.

“Ta đi chứ?” người hướng dẫn giục giã. “Trời tối ngay bây giờ đấy. Đêm hoang mạc rất khắc nghiệt.”

Phần 04

Khi tôi từ Úc trở về, trời đã bắt đầu sang xuân. Khi kỳ thi cuối khóa kết thúc, lớp học chỉ còn như những trận bóng chày biết trước nhà vô địch. Tôi bắt đầu có thói quen nhìn lên trời nhiều lần lúc đang trên đường đến trường hay về nhà và giữa các tiết học tẻ nhạt. Đôi khi tôi nhìn lên đó rất lâu, bần thần tự hỏi liệu em có ở nơi ấy. Trong tất cả những tia nắng còn sót lại của mùa đông giá lạnh và những tia nắng mềm mại của mùa xuân, trong mọi thứ tới từ bầu trời, tôi đều cảm thấy sự hiện diện của Aki. Thỉnh thoảng, giữa lúc nhìn ngắm bầu trời, có những đám mây không biết từ đâu trôi ngang qua đầu tôi. Mỗi lần mây bay qua, tôi lại thấy tiết trời như khác đi một chút.

Vào một ngày Chủ nhật ấm áp giữa tháng Ba, tôi nhờ Oki đưa ra đảo. Khi tôi giải thích lý do mình muốn đi, Oki nhiệt tình đồng ý. Sau khi buộc dây vào cầu tàu, tôi đi dọc bãi biển một mình. Oki bảo đợi tôi trên cầu tàu. Bờ biển tháng ba, nước trong và mát lạnh. Ánh nắng dịu dàng làm ánh lên những ngọn sóng đang gột sạch đám đá cuộ bên bờ. Một con cua màu đá bò dọc chỗ nước cạn rồi lẩn xuống biển. Đám cỏ chân ngỗng tỏa những chiếc tua rực rỡ giữa những tảng đá, và lũ ốc xà cừ trắng phau bám chặt vào những hòn sỏi lớn hơn. Chẳng hiểu sao có vẻ như tôi chỉ để ý những thứ nhỏ nhặt.

Xa trên bãi cát, nơi sóng không chạm đến, hoa muống biển nở rộ. Ở phía trên, một chú bướm trắng đang bay lượn. Tôi vẫn nhớ đôi bướm phượng sau khách sạn dạo chúng tôi tới đây mùa hè trước. Những gì xảy ra đêm ấy lướt qua đầu tôi như những đốm sáng chói lòa. Mỗi kỷ niệm, dù là nhỏ nhất, đều thân thương và rực sáng, tựa như chưa bao giờ xảy ra.

Phía trên bờ biển một chút là con đê trải dài tới tận vách đá phía sau. Trên đó có một vị Địa Tạng Bồ tát bằng đá. Tôi tự hỏi liệu ai đã đặt ở đó và với mục đích gì. Phải chăng xưa kia đã có ai đó gặp nạn trên biển? Không có am miếu, bức tượng phơi mình giữa nắng gió. Tất nhiên ở đó không có đồ cúng lễ như hoa hay tiền xu. Gió mang hơi muối từ biển đã bào mòn mắt và miệng của Địa Tạng. Tất cả những gì còn sót lại là phần sống mũi nhô lên lờ mờ giữa khuôn mặt. Những đường nét đã mờ đi của mắt mũi trên khuôn mặt, ngược lại, khiến cho bức tượng trông có vẻ đôn hậu.

Tôi ngồi xuống nền sỏi khô ráo cạnh bức tượng và nhìn ra mặt biển hiền hòa. Trên cái dải màu xanh giống như một vệt bút lông đưa ngang, muôn vàn tia sáng đang nhảy nhót. Màu xanh trên mũi đất nhô ra biển từ bên trái đang tắm mình trong nắng, tới độ tôi dường như có thể nhìn rõ từng cành thông dưới đó. Quá đẹp để ngắm nhìn một mình. Tôi ước gì Aki đang ở đây với tôi. Tôi có cảm giác như mình đang sống với những mong ước không bao giờ thành hiện thực.

Tôi khẽ gọi tên em. Hơn bất kỳ ai trong cái thế giới rộng lớn này, đôi môi của tôi được sinh ra chỉ để dành gọi tên em. Nhưng phải mất một lúc tôi mới hình dung ra khuôn mặt em. Và hình như khoảng thời gian ấy cứ ngày càng dài hơn. Rất có thể sẽ tới lúc nhớ lại khuôn mặt em cũng sẽ chẳng khác nào tìm một bức ảnh trong quyển album cũ. Tôi cảm thấy một nỗi bất an. Liệu ký ức về Aki có bị xói mòn trong tâm trí tôi giống như bức tượng Địa Tạng bên biển kia? Và liệu thứ còn lại sau cùng chỉ là tên em? Cái tên tôi luôn nhầm tưởng là mùa thu?

Tôi nằm xuống nền sỏi và nhắm mắt lại. Mí mắt tôi ửng đỏ như lúc chúng tôi đi bơi mùa hè trước. Thật lạ khi nghĩ rằng dòng máu lúc ấy vẫn đang chảy trong tôi lúc này.

Hình như tôi đã ngủ quên. Điều tiếp theo tôi biết là có người gọi tôi. Mở mắt ra, tôi thấy Oki đang cúi sát xuống nhìn mình với vẻ ngạc nhiên.

“Chuyện gì vậy?” tôi ngồi dậy hỏi.

“Tớ mới là người phải hỏi câu đấy,” cậu ta nói. “Chờ mãi chẳng thấy cậu quay lại, tớ lo lắng quá nên đi tìm.”

Oki ngồi xuống cạnh tôi. Chúng tôi lặng lẽ nhìn ra biển. Gió từ ngoài khơi thổi vào nồng mùi muối. Nhìn lên không trung, tôi thấy mặt trời đã vòng qua mũi đất bên trái và gần như ở ngay trên mặt biển phía trước.

“Tớ luôn cảm thấy cô ấy ở bên,” tôi nói. “Ở đây, ở kia…, ở khắp mọi nơi tớ đến. Cậu có nghĩ đấy là ảo giác?”

“Ừm… Biết nói thế nào nhỉ?” Oki nói lúng bùng trong miệng.

“Chắc chắn người ngoài sẽ cho đó là ảo giác.”

Chúng tôi im lặng, tiếp tục nhìn ra biển. Oki nhặt một hòn sỏi lên, ném về phía biển. Cậu ta làm thế vài lần.

“Cậu đã bao giờ mơ thấy mình đang bay chưa?” tôi hỏi.

Cậu ta quay sang tôi với vẻ mặt như không hiểu tôi đang nói gì. “Ý cậu là bay bằng máy bay hay cái gì tương tự?”

“Không, cậu tự bay cơ, giống như siêu nhân ấy.”

“Chừng nào là mơ,” cậu ta cười, “cậu mơ gì cũng được. Đấy là việc của cậu.”

“Ừ, nhưng cậu chưa bao giờ mơ thế à? Những giấc mơ không thể thành hiện thực ấy?”

“Tớ thì không.”

Cậu ta lại nhặt một hòn sỏi khác, ném về phía biển. Viên sỏi gây ra một âm thanh đanh gọn rồi nảy trên mép nước trước khi chìm xuống.

“Thế cậu muốn nói gì về việc mơ thấy mình đang bay?” Cuối cùng thì cậu ta cũng tỏ vẻ sốt ruột muốn nghe.

“Cậu không thể làm thế trong đời thực, đúng không?” Tôi tiếp tục câu chuyện đang bỏ dở. “Về mặt logic mà nói, nó không thể xảy ra, đúng không?”

“Đúng.” Cậu ta cảnh giác gật đầu.

“Cậu có thể bay trong mơ. Đó là điều không xảy ra ngoài hiện thực. Mặc dầu vậy khi mơ, cậu không nhận ra sự phi lý. Cậu không vừa bay vừa nghĩ, ồ, nó thật trái logic. Mà giả sử cậu có nhận ra thì cậu vẫn cứ bay. Cậu nhìn xuống thị trấn và thực sự cảm thấy mình đang bay. Vì thế nó không phải là ảo giác.”

“Ừ, nhưng đó là mơ,” Oki cắt ngang lời tôi.

“Đúng, là mơ,” tôi thản nhiên thừa nhận.

“Ý cậu là gì?”

“Aki chết rồi. Cơ thể cô ấy bị thiêu thành tro bụi. Tớ đã rắc tro ấy trên sa mạc, bằng chính đôi tay mình. Nhưng cô ấy vẫn ở đây. Tớ chẳng thể nào nghĩ khác được rằng cô ấy vẫn ở đây. Đấy không phải là ảo giác. Không thể nào là ảo giác. Tớ không thể phủ nhận việc cô ấy đang ở đây cũng giống như không thể phủ nhận rằng tớ đang bay trong mơ. Ngay cả khi tớ không thể chứng minh thì cảm giác cô ấy đang ở quanh đây vẫn là một sự thật.”

Khi tôi ngừng lời, Oki nhìn tôi thương hại.

“Tớ đang mơ sao?”

Trong lúc quay lại cầu tàu, tôi nhìn thấy một viên sỏi lấp lánh ở mép nước. Tôi nhặt lên, hóa ra đó không phải một viên sỏi mà là một mảnh thủy tinh bị sóng mài mòn đến độ nhẵn thín. Trong làn nước, mảnh thủy tinh trông như một viên ngọc xanh. Tôi đút nó vào túi áo choàng.

“Cậu không muốn đến khách sạn đó à?” Oki hỏi khi gần đến cầu tàu. “Nó làm cậu nhớ, đúng không?”

Trong một giây, ngực tôi như đông cứng lại. Thay vì trả lời, tôi hắt ra một tiếng thở dài. Oki không nói gì nữa.

Tôi lấy chiếc lọ thủy tinh trong suốt từ túi áo ra. Bên trong đó là một thứ trắng mịn như cát.

“Tro của Aki đấy.”

“Cậu định rắc ở đây?” Oki lo lắng hỏi.

“Tớ chưa biết.”

Tôi định rắc tro của Aki xuống biển trước khi vào tới đảo. Đấy chính là lý do tôi nhờ Oki đưa đến đây.

“Tớ thấy hơi tiếc. Mặc dù mang theo mãi bên mình cũng chẳng ích gì.”

“Cứ giữ lấy nếu cậu không chắc,” Oki nói với vẻ tốt bụng. “Lỡ cậu cảm thấy hối hận sau khi rắc nó thì sao? Chừng nào biết chắc cảm giác của mình rồi thì hẵng làm. Tớ sẽ đưa cậu đến đây bất cứ khi nào cậu muốn.”

Thủy triều đang rút. Con thuyền hạ xuống thấp hơn cả rầm tàu. Biển lặng và xanh thẫm đến nao lòng.

“Cậu đã nghe Hirose hát chưa?” Một lát sau Oki đột nhiên hỏi. “Cậu còn nhớ hồi cấp hai chúng mình thường có bài kiểm tra trong giờ học nhạc không? Họ bắt chúng mình hát toàn những bài chết tiệt. Có lần Hirose phải hát, giọng cô ấy nhỏ đến mức cậu không nghe thấy được gì. Tớ ở ngay hàng đầu mà còn không đoán được đấy là bài gì.”

“Một lần, đang giữa chừng thì có người hét lên, ‘Tớ không nghe thấy gì!’, đúng không?”

“Đúng, đúng. Thế rồi giọng cô ấy càng nhỏ hơn và mặt cô ấy đỏ dừ đến mức đáng thương. Suốt đoạn còn lại cô ấy chỉ nhìn xuống đất.”

“Cậu nhớ ghê nhỉ?”

“Hả? Không, không, không phải như thế.” Oki bối rối. “Tớ không thích cô ấy. À mà thích thì có thích, nhưng không giống kiểu của cậu.”

Tôi cũng đang nghĩ đến giọng hát của Aki. Không phải trong giờ học nhạc mà trong cái đêm ở lại khách sạn. Khi ấy, hai chúng tôi đang sửa soạn bữa tối thì đột nhiên phát hiện ra thiếu một thứ. Tôi đi xuống tầng ba để lấy rồi quay lên thì thấy Aki đang khe khẽ hát trong lúc thái rau. Tôi dừng lại ở cửa bếp và lắng nghe. Giọng em nhỏ đến mức tôi không nghe ra giai điệu gì chứ đừng nói đến lời bài hát, nhưng Aki xem chừng rất vui khi hát. Nó làm tôi nghĩ rằng khi ở nhà, lúc nấu cơm, em cũng hát như thế này. Nếu tôi lên tiếng, em sẽ dừng lại. Thế nên tôi chỉ dừng ở cửa và tiếp tục lắng nghe.

“Thôi, tớ sẽ giữ lại.”

Tôi đút cái lọ vào túi và đứng lên.

“Thế à?” Oki gật đầu nói, trông nhẹ nhõm hẳn đi.

Tôi chạm phải vật gì lành lạnh trong túi. Hóa ra là mảnh thủy tinh tôi vừa nhặt được lúc nãy. Bề mặt nó đã chuyển màu trắng đục, có lẽ tại tiếp xúc với không khí. Trong nước thì đẹp và long lanh như ngọc bội thế mà giờ đây chỉ còn là mảnh thủy tinh không hơn không kém. Tôi ném mảnh vỡ về phía biển, thật dứt khoát. Nó vẽ lên nền trời một đường vòng cung tuyệt đẹp rồi rơi tõm xuống nước.

“Về thôi chứ, chàng trai phong tình?” Oki cất tiếng từ phía sau.

Chàng trai phong tình quay lại.

“Xin vâng lệnh ngài, thưa thuyền trưởng.”

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro