tim gi o du lich tnb

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tìm gì ở du lịch Miền Tây Nam Bộ ?

Miền Tây cũng như mọi miền đất khác, là thiên nhiên và con người, mà thiên nhiên cùng con người ở đây thì quả thật rất độc đáo, con người hồn hậu mà mạnh mẽ và phóng khoáng như thiên nhiên, tự do và nghệ sỹ tận trong đáy tâm hồn.

Tôi không phải là chuyên gia về Miền Tây, song do yêu mến vùng đất và con người nơi này nên cũng thường suy nghĩ về một số vấn đề ở đây. Tôi chú ý đến hai vấn đề, quan tâm và trằn trọc, trước hết là để cố thử tự lý giải cho chính mình.

Một là: những ai từng đến miền đất này trước đây mươi, mười lăm năm chắc không thể không nhận thấy và ít nhiều có một băn khuăn, thậm chí lo lắng và ray rứt: Miền Tây ngày nay, đương nhiên cũng như mọi miền đất khác của nước ta, tất phải hiện đại hoá và trong thực tế đang hiện đại hoá rất nhanh, Hiện đại hoá có phá cỡ, đến làm biến mất đi những nét độc đáo vẫn được coi là : đặc sản" độc nhất vô nhị của thiên nhiên cùng con người, và từ đó cả văn hoá của Miền Tây không?Gần đây tôi có trở về Năm Căn, Kinh Năm, Rạch Gốc, cả bên phía sông Đốc, Đầm Cùng, Đá Bạc... Không còn những chiếc tàu đò nặng nề mà thú vị rời bến Cà Mau tờ mờ sáng, ì ạch tối mịt mới về tới Năm Căn, lại gần một ngày nữa lang thang hết sông lớn đến kinh,đến rạch, đến tắc, đến vàm kín bưng như những đước cùng mắm và chằng chịt như mạng nhện, mới tới Rạch Gốc. Bây giờ thì hết rồi, toàn ca nô cao tốc và tàu cánh ngầm, hùng hổ phóng như điên, hỗn hào đánh giạt những chiếc vỏ lãi ngày trước thơ mộng là thế, nay không thật khéo tay là bị lât nhào chìm nghỉm ngay.Và các bờ kinh thì bị sóng ca nô đánh cho lở lói tan tành, nham nhở, hai bờ kinh như hia dãy vết thương rớm máu bùn đen, nhà hai bên kinh đổ nhào cả xuống sông, may lắm còn lại được một bức tường hay vài cây cột trơ trụi. Còn rừng thì năm này qua năm khác, năm nào cũng bị phá và cháy, Đồng Tháp Mười rồi U Minh, hết tràm đến đước, sự tàn rụi của một vùng rừng ngập mặn và ngập nước vào loại quý nhất trên trái đất coi như cầm chắc rồi... Cái hiện đại đang đánh tả tơi cái trong trắng,hoang sơ và thơ mộng hôm qua một cách không thương tiếc. Qủa thật, có một mâu thuẫn, cũng có thể gọi là một thách thức không nhỏ, không dễ, hăm hở. ồ ạt và dữ dằn giữa cái đi tới gấp gáp và cái biến đi từng ngày, cái được của ồn ào hôm nay và cái êm lặng trầm tĩnh của ngày hôm qua - mà nghịch lý thay, cũng lại là của ngày mai, biết đâu đấy, bởi đến một lúc thật giầu lên rồi, quay nhìn lại thì có tiếc đến đứt ruột và dẫu có ngàn vàng cũng không mua lại được. Nhưng chẳng lẽ dừng lại mãi trong nỗi tiếc nuối hoài cổ?...Cô nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã có một tạp bút rất hay nói về điều nay, liên quan trực tiếp đến chính câu chuyện du lịch chúng ta đang bàn đây: ấy là chuyện một ông già ở cuối Xóm Mũi Năm Căn giận dữ phản ứng với các chú làm du lịch cứ muốn buộc ông cứ phải sống mãi trong cái chòi rách nát trống trơ của ông ở nơi cùng trời cuối đất ấy... để cho họ làm du lịch, có thế thì mới là " độc đáo", mới là của lạ trong mắt khách du lịch, để cho khách đến xem và trầm trồ, nhất là khách Hà Nội, khách Tàu, khách Tây, mới là " sản phẩm du lịch đắt giá", mới là : "hàng độc" của xứ lạ, lia lịa chụp ảnh, quay phim mang về làm kỷ niệm và khoe với bạn bè ở Hà Nội hay ở bên Tây,bên Tàu. Ông già ấy mà cải thiện được đời sống, xây được cái nhà đàng hoàng thì còn gì là " độc đáo Đất Mũi" kỳ lạ và hấp dẫn nữa! Người ta bỏ tiền ra là để mua cảnh nghèo xác xơ đến chừng man dã kia cơ! Nghành du lịch thì quyết giữ sao cho ông già thật lạc hậu, còn ông già thì giận dữ đòi cũng phải trở nên người văn minh như ai... Vậy đó, có một xung đột thật sự, và xung độ đó thường diễn ra nhất chính là trong các vấn đề không dễ lý giải của nghành du lịch! Câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư chỉ là một ví dụ, nhưng là ví dụ khá điển hình. Nó đặt một câu hỏi vậy mà thật lớn và không dễ chút nào. Tôi không được biết nghànhdu lịch đã và đang nghĩ gì về chuyện này.

Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên và thấy ở Tây Nguyên cũng đang có những vấn đề tương tự. Cuộc sống đi tới, hiện đại hóa tất yếu đang làm chuyển động mọi mặt đời sống, trong đó có những giá trị văn hoá truyền thống, và sự chuyển động đó không hề là một chiều, mà đầy nghịchlý,từng ngày. Những vấn đề giữa đi tới và gìn giữ, được và mất cũng gay gắt chẳng kém gì dưới này. Tôi chỉ mới nghĩ được đến một hướng: vì sự biến đổi, biến động là tất yếu, tức ở ngoài mong muốn của chúng ta, vậy không nên và dẫu có nên và có muốn thì thật ra cũng chẳng có cách gì cưỡng lại được. Trái lại rất có thể chính trong chuyển động đó lại đang nảy sinh ra cái độc đáo mới. Hà Nội hay Sài Gòn chuyển động sang hiện đại thì có gì là lạ.Tây Nguyên hay Miền Tây, Cà Mau, Năm Căn, Rạch Gốc, Kinh Năm...chuyển động mới là lạ, thật thú vị và hấp dẫn. Có phải chính sự chuyển động khó khăn dó ở những vùng đất đặc biệt này và trong những con người này lại có thể chính là những sản phẩm du lịch mới độc đáo của chúng ta? Có lẽ nên có một cách nhìn lại như thế chăng, đối với du lịch, quan niệm về du lịch, sản phẩm du lịch.

Tôi kể câu chuyện này để xin thử gợi ý có phải "sản phẩm" du lịch văn hoá ở Miền Tây của chúng ta mà chúng ta sẽ định đem chào hàng cùng khách du lịch bốn phương không phải, không nên là những " phục chế" giả cái hoang dã đã đang mất đi (một cách tất yếu), đóng kịch trở lại như kiểu đám cưới thì lại phải áo dài khăn đóng, giả vai diễn, để lừa chào khách. Mà là đưa khách cùng vào thâm nhập , thấy, hiểu được con người, văn hoá ở đây đang vật vã và dũng cảm chuyển động như thế nào để trở nên những con người miền Tây, thật Miền Tây mà cũng sẽ thật hiện đại như ai. Tất nhiên trong cuộc chuyển động khó khăn vật vã đó,có cái, có chỗ đã và đang thành công, có chuyện, có nơi đang rối rắm, rất rối rắm, thậm chí cũng không ít cái đổ vỡ, thất bại.Tất cả đều quý, và tôi nghĩ đưa người khách du lịch thật sự đến, biết, hiểu được tất cả những cái ấy thì sẽ là thật sự trao cho họ một sản phẩm du lịch rất quý, rất lạ và hiếm, rất đắt giá, cả sâu sắc nữa. Tôi tin con người Miền Tây, với chiều sâu nhân văn không khoa trương, ồn ào mà thâm trầm theo cách rất riêng của mình, đang và sẽ có cách đi của mình, hẳn rất độc đáo, trên đường hiện đại hoá tất yếu. Đang và sẽ có một kiểu văn hoá mới của riêng Miền Tây, độc đáo chẳng kém xưa, trong phát triển hôm nay. Du lịch bao giờ cũng là văn hoá, là trao đổi văn hoá, là hành động của những con người tìm đến nhau bằng văn hoá, qua văn hoá. Du lịch rất cần tìm hiểu cho ra sự chuyển động và hình thành văn hoá mới của chuyển động đó trên vùng đất này để làm món " hàng độc" của mình. Cần tìm một hướng đi mới, và theo tôi hướng đi đó chính là một hướng đi văn hoá, theo nghĩa sâu xa và cũng rất thời sự của văn hóa.

Còn một điều thứ hai hẳn không thể không quan tâm và không nói đến: đồng bằng Miền Tây, như ai cũng biết, là vựa lúa lớn nhất nuôi sống cả nước, nhưng nông dân ở đây lại nghèo, rất nghèo, và cái nghèo đó đã và đang đưa đến những vấn đề xã hội không lấy gì làm vui, có khi còn đau đớn nữa. Chắc ai cũng biết hàng vạn cô gái lấy chồng Hàn, chồng Đài, hàng trăm cô gái kéo lên thành phố tập họp, sắp hàng, làm cả những gì đó nữa đẻ cho vài ba kẻ nước ngoài kệch cỡm và lố bịch " xem mắt", những cô gái mơn mởn, hiền hậu và hiếu thảo của vùng đất đẹp biết bao này đã phải ném đời mình vào cuộc phiêu lưu may ít rủi nhiều ấy để cứu gia đình, mong mang lại một chút thư thới cho cha mẹ mình trong tuổi già, cho các em của mình được đi học, các cô gái ấy đều phần lớn từ Miền Tây này ra đi. Muốn nói gì thì nói, đây là một vết thương trong đời sống đất nước của chúng ta hiện nay, của chính mỗi chúng ta, mà chúng ta nhất thiết không thể làm ngơ.Chúng ta đang bàn đến chuyện du lịch cộng đồng ở Miền Tây. Tại sao không nghĩ đến việc tìm mọi cách đưa lực lượng ấy vào dự án du lịch của chúng ta, như một trong những mục tiêu quan trọng nhất của dự án, hay đúng hơn,của công cuộc xã hội quan trọng này. Một số anh em chúng tôi ở Miền Trung đang làm một trường đại học, trong đó một trong những khoa quan trọng mũi nhọn là khoa du lịch. Và trong khoa du lịch, bên cạnh các lớp chính quy,đào tạo nhân lực cao cấp cho nhu cầu du lịch cao cấp đang phát triển mạnh ở ta, chúng tôi chủ trương rất coi trọng việc mở những lớp ngắn hạn về du lịch nhằm đối tượng là cộng đồng dân cư rộng rãi và bình thường, để giúp họ chuyển nghề khi các ngành kinh tế đang phát triển sẽ đẩy người nông dân ra khỏi đồng ruộng của họ. Chẳng hạn những lớp ngắn hạn mươi, mười lăm ngày, vài ba tuần, một tháng...về dịch vụ du lịch cho các ông chủ nhà để khi có thểhọ làm được kiểu du lịch home stay, hoặc những chỉ dẫn chuyên môn tối thiểu về du lịch và ngọai ngữ cho người dân thường làm hưóng dẫndu lịch. Ở Nepal có một lực lượng hướng dẫn leo núi là nghề hết sức cần thiết và có thể đem lại thu nhập cao. Tất nhiên ta không phải là Nepal và không có Himalaya, nhưng ta có Đồng Tháp Mười, có U Minh Thượng và Hạ, có biển và hàng trăm đảo huyền ảo Kiên Hải, có những cánh đồng mênh mông và sông nước tuyệt đẹp...Tôi hình dung, được huấn luyện không nhiều và chắc cũng không khó khăn lắm, các chàng trai, cô gái rất lanh lợi, thông minh, chất phác và đôn hậu của chúng ta ở vùng đất này làm hướng dẫn du lịch cho khách xa đến, hẳn sẽ rất thú vị và hấp dẫn. Chắc chắn không ai hiểu người và đất ở đây bằng họ... Ít ra, hãy thử làm xem. Sẽ là đóng góp xã hội lớn lắm của ngành du lịch nếu chúng ta góp phần tích cực " giải phóng" được hàng vạn chị em đồng bằng này ra khỏi cái dịch vụ đang là mối ô nhụcmà có người đã gọi là có tính cách quốc thể kia.

Để làm được, hẳn phải tiếp tục nghiên cứư kỹ lắm, tìm hiểu chi li và tổ chức tận tuỵ, chu đáo lắm. Nhưng chắc chắn đây là việc rất lớn đáng bỏ trí tuệ và công sức để làm cho kỳ được. Vì nhân dân, vì Miền Tây thân yêu của chúng ta, mong sao ngành du lịch thật sự vào cuộc, đúng như chủ đề của hội thảo, du lịch cộng đồng, vì cuộc sống của nhân dân.

Một số ý kiến thô thiển của một người không chắc chắn là không am hiểu bao nhiêu vùng đất này, nhưng từng và vẫn thiết tha yêu mến nó, xin trình bày. Rất mong được trao đổi.

Hình như trên thế giới các vùng miền Nam đều vậy, miền Nam nước Pháp, ai từng đọc Tartarin de Tarascon của Anphonse Daudet đều biết, lãng tử, phiêu lưu tự do, hơi khoác lác rất đáng yêu kiểu bác Ba Phi. Miền Nam của châu Mỹ cũng vậy, với Cu Ba, Brasil, Chilê...thật lạ, hiện đại mà cổ xưa, tự do và phóng đạt, hoành tráng và nồng cháy. Các vùng cực nam càng đặc biệt. Miền Tây là cực nam của đất nước, của Nam bộ. Tôi có biết một câu ca dao hẳn do một anh chàng lãng tử miền Tây nào đó cao hứng ứng tác để nói về chính mình: ' Ra đường thấy vịt cũng lùa, thấy duyên cũng bén , thấy chùa cũng tu!".Có lẽ đấy chính là tâm hồn con người Miền Tây. Ở miền Bắc chặt chẽ nề nếp, ở miền Trunh cần cù và khắc nghiệt chắc chắn không thể có thế, chỉ Nam Bộ, chỉ miền Tây mới được vậy. Hồn nhiên và tự do đến thế là cùng, gặp chùa ta ghé vào tu cái chơi, rồi từ chùa bước ra, đầu chưa kịp chớm tóc, đụng duyên liền cứ bén bừa, tội gì để uổng của đời, còn vịt của ai đó giữa đường thì cứ coi là vịt của đất trời, tiện tay lùa luôn có sao đâu!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro