Chương 1: Từ nơi bắt đầu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 Chương 1: Từ nơi bắt đầu

-       Lan, Lan ơi! ôi chết thôi à nhầm, Chi! Chi! con xong chưa ra đây xem này. Hôm nay bố nấu đặc sản đấy nhé.

Tiếng bố văng vẳng từ ngoài sân. Ngồi trong phòng đóng vali mà khói từ bếp than cũ bay xộc vào làm Chi ho sặc sụa. Sợ bố lại phải khập khễnh bước vào gọi thêm lần nữa mất công nên Chi vội ra ngay, cười toe vui vẻ:

-         Hôm nay bố chiêu đãi con gái gì đây ta?!

Bố đang vừa chổng mông lên quạt cho bếp to lửa hơn vừa quay ra mặt mũi lem nhem, hớn hở nói:

-       Cá thu Mỹ rán giòn dim nước mắm! Bố phải chỉnh lửa to lên để bên ngoài nó giòn rụm đúng sở thích Lan nhé.

Chi chạy lại gần nhìn vào chiếc chảo đang sôi, mấy khúc cá còn chưa ráo nước gặp dầu sôi tạo tiếng nổ lép bép:

-         Chi chứ bố! Woa, hôm nay mình ăn sang nhé. Mà sao không đầu cá rán nữa ạ?

Bố lấy tay quệt ngang mũi, khịt khịt một cái rồi cười hề hề:

-         Dạo này bố làm thêm có nhiều tiền rồi, mình ăn đầu cá thế thôi để dành cho người ta còn mua với chứ. Mà mấy nữa Lan đi du học chả có nhẽ không đãi con được một bữa. Tẹo nữa ăn xong nghỉ ngơi, bố chở Lan đi mua áo mới luôn, sang đó cho các bạn tây lác mắt chơi.

-         Chiiii! Không phải Lan bố ơi!

-         À ừ ừ, Chiiiii.

Bố vừa cười cười bắt chiếc điệu Chi sít hai hàm răng lặp lại to và rõ tên mình, vừa đập đập mấy tờ báo cũ xuống đất. Bố bảo như vậy lửa bếp mới lớn lên, thức ăn mới giòn!

Lần nào Chi cũng nghe như vậy nhưng từ lâu đã thừa biết, chỉ vì tiết kiệm hai nghìn đồng một viên than mà bố mua loại ẩm, chất lượng kém cháy rất không đều, thỉnh thoảng còn tắt ngấm lại phải lọ mọ mất công nhóm lại từ đầu.

Ngày ba lần bố con nấu cơm là ba lần hun khói cả khoảng sân nhỏ. Đôi lúc còn bị hàng xóm than phiền vì mùi khét bay sang cả những nhà bên cạnh. Riết rồi cũng chẳng ai nói nữa vì thương bố chịu thương chịu khó, gà trống nuôi con.

Tìm cả cái tổ dân phố này chắc chỉ còn mình nhà Chi là “chuộng” bếp than tổ ong vào thời điểm năm 2013, khi mà người người nhà nhà ai cũng bếp ga, lò “nhanh chóng” (vi sóng). 

Đợt bố qua nhà ông bạn cũ chơi thấy có cái máy hiện đại lắm, bỏ thức ăn vào trong xoay xoay tẹo, đợi nó kêu tách cái là lấy ra có đồ nóng hổi. Bố hỏi máy gì mà kì diệu thế. Họ bảo lò vi sóng, thế mà bố nghe không ra cũng sĩ diện không hỏi lại. Về nhà bố đặt đại tên nó là cái gì lò “nhanh chóng”.

Lúc đầu bố thích cái máy ấy lắm, tiện lợi hiện đại, khen ngợi hết lời. Bố gật gù bảo là mua được nó thì bớt được việc Chi đi học quần áo khét và dính vụn than các bạn trêu. Thế nhưng lúc chở con gái ra cửa hàng hỏi giá tiền thì bố lè lưỡi vì đắt, bảo bằng tiền đi làm cả tháng giời.

Về nhà hôm đấy lại thấy bố ra sức chê, mấy cái đồ điện này làm nóng thức ăn nhanh vậy chắc không tốt cho sức khỏe đâu! Thế nên có tiền bố cũng không mua lò “nhanh chóng”. Không thèm!

Chi buồn cười bố lắm, lúc nào cũng nghĩ lạc quan, lúc nào cũng vui vẻ, thế nhưng mà siêu đãng trí. Chuyện bố đi chợ mua đồ xong, trên đường ghé hàng xóm chơi nói dăm ba câu chuyện rồi về nhà tay không là chuyện thường ngày ở huyện.

Sau một hồi quạt mỏi nhừ tay thì món cá thu “chiên khói” của bố cũng đã xong. Mấy cái vụn than bị quạt mạnh quá bay lên rồi đậu luôn vào lòng chảo. Bố vừa lấy đũa ra khều lấy khều để cho nó khỏi dính vào thức ăn, vừa chửi cha cái thằng làm than, lấy cả đống tiền của người ta mà bán hàng đểu, thiếu trách nhiệm. Thế này người ta nhiễm độc than mà chết!

Chi muốn cúi xuống ghé mặt vào gần bếp phụ thổi giúp mà bố không cho. Chả là tuần trước bố mới rinh về cho con gái cái áo mới để chuẩn bị đi tây nên từ đấy cấm tiệt không cho Chi động vào việc nhà kẻo nó nhây bẩn ra.

Thế mà nãy giờ bố gọi con gái ra đứng cạnh, khói mù mịt, vụn than bay tứ tung, áo sống thì lấm lem hết cả. Bố luôn là thế, suy nghĩ rất cẩn thận, thấu đáo xong lại quên béng mất mình đã định làm gì cực nhanh sau đó.

+ + +

Lại nói tới quần áo, trước giờ đồ của Chi luôn thuộc dạng độc nhất vô nhị, ít khi đụng hàng với ai. Bố mà mua thì lật ra toàn Gucci, Puma, Adidas, cái này bọn nhà giầu mới có!

Phải cái chẳng hiểu sao đồ mới mua về mà đã có mùi nước giặt tẩy, thỉnh thoảng còn thấy bố đem về tới sân là lôi báo ra “đốt vía” vòng quanh cái túi quần áo. Hàng hiệu mà không xem kĩ là mặc áo thủng nách như chơi!

Nhưng bố chọn màu và kiểu dáng đẹp lắm, lần nào Chi cũng thích. Bố con ngồi phân tích phối hợp cái nào với cái nào như những chuyên gia thời trang thực thụ.

Sau này Chi mới tình cờ biết mấy bộ cánh oách số zoách ấy là kết quả mấy hôm bố phải canh ở khu chợ bán hàng thùng. Quần áo đồng giá quật ra la liệt trên cái bạt trải thẳng trên đất. Ai nhanh chân nhanh tay thì vớ được cái lành lặn không bị sứt chỉ, đứt cúc.

Bố bị nhức chân từ nhiều năm nay nên chắc dành dật đồ với người ta cũng vất vả hơn. Mấy lần Chi phải nói với bố đừng mua nữa tốn kém không cần thiết mà bố có nghe đâu.

Nhìn thấy mấy đứa con gái cạnh nhà đến tuổi lớn diện áo xanh áo đỏ về bố lại buồn rầu, thở dài sườn sượt. Xong tích cóp được bao nhiêu lại bỏ lợn lại đi mua đồ cho con.

Có con lợn nhựa tiết kiệm tháng moi mấy lần, chưa kịp ăn đã phải nhả, thành ra lúc nào nó cũng ở tình trạng “suy dinh dưỡng”, tội nghiệp.

Mỗi lần bố cầm đồ mới mua về Chi lại cố cười, nhận lấy đồ rồi chạy vào trong phòng khóc. Không phải vì tủi mình mặc đồ thừa, mà vì thương bố. Lúc nào bố cũng cố gắng bù đắp khoảng trống của mẹ, để Chi lớn lên không bị thiệt thòi quá so với các bạn..

…Mẹ Lan..

Người mà ngoài cái tên ra Chi chẳng biết gì hơn về bà…

+ + +

Tranh thủ lúc viên than còn cháy âm ỉ, bố đặt lên trên bếp thêm ấm nước nóng để tí còn pha nước tắm, trời hơi se lạnh rồi, mà lạnh thì chân cẳng lại nhức.

Hôm trước đi dọn đồ cho một nhà nhặt được cái vỏ bình nóng lạnh, bố hớn hở đem về nhà đặt lên bệ cửa sổ. Từ đấy nhà tắm bé tẹo có thêm sự xuất hiện của “đồ điện tử”, oai như cóc! Đồ điện tử này nấu nước nóng thông qua…bếp than, hiện đại nhất Hà Nội! Bố bảo cứ có cái vỏ, rồi ta sẽ phấn đấu cái ruột.

Chi phụ bê đồ vào nhà rồi nhanh chóng bầy cơm ra. Còn mấy ngày nữa là bay, chẳng biết bao giờ mới được ngồi ăn với bố thế này nữa. Nghĩ tới đó mắt Chi rưng rưng, thấy thế nên bố cố tỏ giọng vui vẻ:

-        Thôi con đi học trời tây là mừng, lại có nhà nước lo. Lan à, sau này con có thể ăn những món ngon  hơn rồi…

Nói xong bố lật đật đứng dậy lấy cái này cái kia, giấu vội đi giọt nước mắt đã chực lăn ra khỏi khóe mắt.

-        Bố! Chi chứ!

Chi nói giọng to lên để thay đổi không khí. Bố hơi giật mình quay ra cười mà như mếu:

-       À ừ, Chi, Chi.

Vừa ngồi ăn bố vừa kể chuyện ngày xưa Chi bé tí xíu, bố lóng ngóng sợ bàn tay thô ráp của mình làm xước làn da sơ sinh của con thế nào, tới lúc Chi mới lớn phải  nhờ cô hàng xóm dẫn con đi mua “đồ con gái” ra sao…

…Có những khoảnh khắc thật đẹp trong đời mà người ta muốn giữ nó lại, sống mãi trong nó, nhưng điều đó thật không dễ.

Vì ngày mai…

…sẽ không bao giờ giống như ngày hôm nay được nữa…

Mấy ngày  trôi nhanh như cái chớp mắt cũng đến lúc Chi lên đường du học theo diện học bổng toàn phần của chính phủ.

Đêm trước bố không ngủ được lục cục cả đêm kiểm tra lại đồ đạc cho con có thiếu gì không. Bố lấy bút dạ mầu viết tên Chi lên từng thứ đồ một, như kiểu chuẩn bị đồ cho bé ngày đầu đi mẫu giáo.

Từ chiều bố cứ ra ra vào vào, hỏi còn thiếu gì không? Cố nghĩ xem chứ sang đó đắt đỏ tiền đâu mà mua, thiếu thốn lại khổ ra. Rồi bố dặn đủ thứ phải chú ý, giữ gìn.

Sáng hôm sau, bố dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng, rồi lại nhắc lại y hệt những điều đã dặn dò con gái từ hôm qua. Lúc trên đường đi xe buýt ra sân bay Nội Bài, bố bảo tự hào về Chi lắm, bao năm vất vả nuôi con chỉ mong con được một ngày bay cao bay xa.

Trước khi vào phòng chờ bố còn dúi vội vào tay Chi tờ 20€ chẳng biết dành dụm rồi đổi ra từ lúc nào. Tờ tiền phẳng phiu gói qua mấy lớp giấy. Chi bật khóc. Số tiền này của bố đáng giá hàng triệu, hàng tỉ đối với Chi.

Từ đây, sau khi xa bố rồi, cuộc sống sẽ không như xưa nữa…

-         Lan! Con cố gắng nhé, đừng lo cho bố!

-         Bố ơi, con yêu bố nhiều lắm..-Chi vòng tay ôm bố, nước mắt trào ra ướt đẫm khuôn mặt….- Nhưng bố ơi, con tên là Chi nhé, con của bố tên là Bùi Lan Chi!

                                                                                                                                         Vì ngày mai…

                                                                                                                       …chẳng trở về như xưa…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro