TÍNH CHÍNH LUẬN - TRỮ TÌNH TRONG "ĐẤT NƯỚC" CỦA NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đất Nước trích từ chương V - trường ca Mặt đường khát vọng. Tác giả chia đoạn thơ thành 5 khổ, mỗi khổ ứng với một luận điểm nhằm làm sáng tỏ tư tưởng: Đất nước này là Đất Nước Nhân dân. Nguyễn Khoa Điềm trình bày rất nghệ thuật nhiều cảm nhận, lý giải mới về đất nước. Từ đó, ta hiểu thêm tính chính luận - trữ tình của thơ ông nói riêng và thơ chống Mỹ nói chung.

Mặt đường khát vọng có tính luận đề (chính luận). Qua cảm nhận mới về đất nước, với những tri thức lịch sử, địa lý, văn hoá, nhà thơ nhằm thức tỉnh tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ, thúc giục họ đứng về phía nhân dân, tham gia đấu tranh cách mạng. Về phương diện nghệ thuật, cả bốn khổ đều viết theo lối quy nạp, ghi lại những luận điểm làm sáng tỏ chủ đề. Tính chính luận còn thể hiện qua giọng thơ hào hùng, kêu gọi thiết tha, hàm súc, cô đọng như những lời tục ngữ.

Tính luận đề dễ làm thơ khô khan. Nguyễn Khoa Điềm vượt qua khó khăn ấy khi đặt giữa chính luận và trữ tình một dấu gạch nối. Chất trữ tình bộc lộ ở cảm xúc nồng nàn, say đắm, trân trọng và tha thiết đối với đất nước. Qua giọng tâm sự lứa đôi, khi thì như độc thoại, lúc lại như đang trò truyện với bạn tình, Nguyễn Khoa Điềm đã kết hợp hài hoà giữa chính luận hùng hồn và trữ tình thiết tha. Phong cách ấy thấm vào từng câu chữ của bốn khổ thơ.

Khổ thơ thứ nhất (9 câu đầu): Sau khi điểm qua hai quá trình “bắt đầu” và “lớn lên” của đất nước, tác giả khẳng định :“Đất Nước có từ ngày đó...” - từ rất xa xưa. Những cái xa xưa thường hay xa lạ, nhưng đất nước thì không - đất nước gần gũi với mọi người.

Mở đầu là những lời bình dị nhưng hàm súc: “Khi ta lớn lên, Đất Nước đã có rồi”. Đất nước thành bậc tiền nhân. Mọi người đều được nuôi dưỡng từ đất nước... Nhắc lại điệp khúc “ngày xửa ngày xưa...”, tác giả muốn chứng tỏ đất nước hình thành từ rất lâu, đất nước có trong từng lời mẹ kể.

Gắn liền với sinh hoạt gia đình: “Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn”. Tứ thơ này làm sống lại nhiều câu tục ngữ, ca dao và truyện Trầu cau bi thương, tình nghĩa. Qua hình ảnh “miếng trầu”, Nguyễn Khoa Điềm “nhân dân hóa” thơ mình và có thêm một bằng chứng về đất nước hình thành từ xa xưa. Tuy vậy, đất nước chỉ lớn lên với truyền thống: “dân mình biết trồng tre mà đánh giặc” và quá trình hình thành nhiều phong tục, tập quán:

Tóc mẹ thì bới sau đầu

Nguyễn Khoa Điềm thật sự xúc động khi nói đến:“Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn”. Đó lời ngợi ca tình nghĩa, thuỷ chung trong gian khó. Chữ “thương” giúp thơ ông gần văn học bình dân. “Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi”- điều ấy, hiển nhiên như khi ta lớn lên đã có ông bà, cha mẹ... Đất nước gắn bó, thân thiết như người ruột thịt và bao công việc lao động khác:

Cái kèo, cái cột thành tên

Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng

Đó là lúc con người khép lại thời “dã man” bước vào giai đoạn văn minh. Tứ thơ “cái kèo, cái cột thành tên” còn gợi tập tục đặt tên mộc mạc để mong sự bình yên. Đất nước ta gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước: “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng”. Làm nên hạt gạo trắng thơm phải trải qua nhiều công đoạn, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Quá trình hình thành đất nước cũng đau đớn như chuyện nhân loại hoài thai, sinh nở.

Từ những lời phân tích trên đây, có thể thấy Nguyễn Khoa Điềm đã khai thác một cách triệt để vốn văn hoá dân gian. Hàng loạt câu tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, phong tục, tập quán đã được tái tạo, sáng tạo lại. Không chỉ hay ở phương diện câu chữ, cấu trúc và lời kết đoạn đã gây được ấn tượng. “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi”, đất nước bắt đầu, đất nước lớn lên... chặng đường nào cũng song hành với cuộc sống nhân dân. Tác giả nêu nhiều chứng cứ để làm sáng tỏ kết luận: “Đất Nước có từ ngày đó...” - từ “ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể”. Trong suốt quá trình ấy, đất nước gắn bó với mọi gia đình và từng cá nhân. Đó là cơ sở vững chắc để tác giả tiếp tục triển khai tư tưởng Đất Nước này là đất Nước Nhân dân ở 3 khổ thơ sau.

Khổ thơ thứ hai (33 dòng): Một định nghĩa mới, quan niệm mới về đất nước. Đất nước gắn liền với tình yêu lứa đôi. Trong “anh” và “em”, cũng như trong mọi người đều có một phần đất nước, cho nên :

“Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời”


Tác giả tách hai âm tiết “Đất Nước” (viết hoa) để thể hiện tình, ý mới. Chỉ trong tiếng Việt và một số tiếng phương Đông, từ này mới gồm hai yếu tố mang nghĩa (ngôn ngữ phương Tây không thể làm như thế). Cách triết tự thông minh đem lại cảm nhận thú vị :

Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi ta hò hẹn


Có 3 lần từ “Đất Nước” được tách riêng ra rồi kết hợp lại theo quy luật trên để tạo nên ba điệp khúc với âm điệu khác nhau:

Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”.

Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”

Thời gian đằng đẵng

Không gian mênh mông

Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ...


Song song với quá trình tách - hợp nói trên, là sự hài hòa trong mối quan hệ: “anh” - “em” thành “ta” và “Chim về”, “Rồng ở” tạo nên mối tình Lạc Long Quân - Âu Cơ. Qua các câu thơ, tác giả cho ta thấy: đất nước “bắt đầu” hình thành, “lớn lên” như những mối tình thân thiết, yêu thương.

Trình tự “nơi anh đến trường”, “nơi em tắm”, tưởng như tình cờ mà không sao đảo ngược. Thay đổi dưới dạng : Đất là nơi em đến trường, Nước là nơi anh tắm, cảm hứng thơ sẽ tan biến. Dòng viết trên thành một câu văn xuôi bình thường.

Đất nước không phải chỉ là núi sông, rừng bể, không chỉ nâng đỡ tình yêu của anh và em, đất nước còn là nơi dân mình đoàn tụ với mối tình vĩ đại: Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Từ đó, đất nước thành không gian cộng đồng sinh tồn. Qua khổ thơ thứ hai, đất nước được cảm nhận như sự thống nhất hài hòa giữa cái hàng ngày và vĩnh hằng, trong mỗi cá nhân và toàn dân tộc, trong quá khứ, hôm nay và mai sau. Từ suy ngẫm trên, Nguyễn Khoa Điềm kết luận:

Trong anh và em hôm nay

Đều có một phần Đất Nước


Đất nước không xa xôi mà tồn tại trong mỗi con người. Cá nhân không tách rời đất nước; vì thế, ai cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ. Đoạn thơ kết lại với lời nhắn nhủ chân thành, thiết tha:

Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên Đất Nước muôn đời...


Khổ thơ thứ 3: Tư tưởng “đất nước nhân dân” còn được thể hiện qua cách cảm nhận sâu sắc, độc đáo về phương diện địa lý. Núi Vọng Phu, hòn Trống Mái... chỉ thành thắng cảnh khi gắn liền với đời sống văn hóa dân tộc, được cảm thụ qua tâm hồn quần chúng và lịch sử đất nước. Vẫn dùng lối quy nạp, từ hàng loạt hiện tượng cụ thể, nhà thơ đi đến nhận xét phổ quát:

Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hoá núi sông ta...


Trong không gian địa lý, trên khắp ruộng đồng gò bãi, Nguyễn Khoa Điềm đều thấy dấu tích nhân dân để lại... Cái nhìn hai chiều trên đây thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân và đất nước.

Khổ 4: Tác giả cùng “em” nhìn đất nước theo một phương diện khác - phương diện lịch sử:

Em ơi em hãy nhìn rất xa

Vào bốn nghìn năm Đất Nước


Nếu ở khổ 2 và 3 là cái nhìn gần, thời hiện tại thì ở đây là cái nhìn xa, nhìn về quá khứ. Suy ngẫm về lịch sử, Nguyễn Khoa Điềm không điểm lại các triều đại “... Đinh Lý, Trần bao đời gây nền Độc lập”, hoặc các anh hùng nổi tiếng với chiến công hiển hách. Ông nhấn mạnh vai trò của những người trẻ tuổi vô danh. Chính họ đã giữ gìn, truyền lại cho con cháu mọi giá trị tinh thần, vật chất. Không chỉ bảo tồn hạt lúa, ngọn lửa, tiếng nói, tên xã tên làng qua các cuộc đi xa mà họ còn quyết tâm: Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm. Có nội thù thì vùng lên đánh bại.

Đỉnh cao của tính chính luận và cảm xúc trữ tình hội tụ trong câu: “Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân”. Chân lý ấy thể hiện đầy đủ trong ca dao. Bởi vậy, ngoài việc nhấn mạnh qua từ “để”, tác giả còn láy lại điệp khúc “Đất Nước của ca dao thần thoại”. Hai câu thơ - hai vế song song, đồng đẳng là một cách định nghĩa mới về đất nước. Tác giả chọn ba tứ ca dao để nói về truyền thống dân tộc: Say đắm trong tình yêu (Yêu em từ thuở trong nôi...); coi trọng tình nghĩa (Quý công cầm vàng ...); thật quyết liệt trong chiến đấu (Đi trả thù mà không sợ dài lâu)

Qua đoạn thơ, ta thấy sự vận dụng sáng tạo văn học dân gian của Nguyễn Khoa Điềm. Ông ít lặp lại nguyên văn mà thường sử dụng từng ý, từng hình ảnh thơ của người xưa. Giọng chính luận - trữ tình phù hợp với nội dung tác phẩm. Thực ra, tư tưởng đất nước nhân dân đã hình thành từ lâu. Nguyễn Khoa Điềm chỉ nâng cao tầm tư tưởng ấy và diễn đạt nó bằng ngôn từ, giọng điệu mới, độc đáo. Ông tạo được một đoạn thơ hiện đại đậm đà bản sắc dân gian. Bởi vậy, thơ Nguyễn Khoa Điềm vừa quen vừa lạ và có sức thuyết phục cao.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro