tinh hieu qua cua ttck

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

KIỂM ĐỊNH TÍNH HIỆU QUẢ CỦA TTCK VIỆT NAM THEO LÝ THUYẾT THỊ TRƯỜNG HIỆU QUẢ

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện nay được giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội (HASTC). Liệu có sự khác biệt nào giữa hai Trung tâm này về tính hiệu quả (theo Lý thuyết thị trường hiệu quả), và liệu chúng có đạt hiệu quả hay không? Tìm được câu trả lời cho các câu hỏi này sẽ rất có ý nghĩa đối với các nhà điều hành thị trường, người đầu tư... Bài báo trình bày việc kiểm định lý thuyết thị trường hiệu quả dạng yếu cho các Trung tâm trên theo các mốc thời gian, qua đó làm rõ hơn lý thuyết thị trường hiệu quả - lý thuyết nền tảng của tài chính học hiện đại.

1. Khái quát Lý thuyết thị trường hiệu quả (EMH)

EMH (về mặt thông tin) cho rằng, giá cả của loại hàng hóa giao dịch trên thị trường được phản ánh đầy đủ và tức thời bởi nhiều loại thông tin khác nhau như thông tin về môi trường kinh tế vĩ mô, thông tin về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh, thông tin về thị trường...

EMH hàm ý rằng, khi tham gia vào một thị trường hiệu quả, nhà đầu tư sẽ ít có cơ hội vượt trội hơn so với những người khác vì hiệu quả của TTCK sẽ khiến cho giá của các cổ phiếu hiện có trên thị trường luôn gắn kết và cung cấp các thông tin tương thích, tức là mọi người đều có khả năng tiếp cận thông tin như nhau. Người chơi luôn được tin tưởng rằng, thị trường đối xử công bằng với tất cả mọi người.

Thị trường hiệu quả được phân chia ra thành 3 cấp độ hiệu quả (hay 3 dạng hiệu quả), đó là thị trường hiệu quả dạng yếu, thị trường hiệu quả dạng trung bình và thị trường hiệu quả dạng mạnh.

2. Kiểm định tính hiệu quả của TTCK Việt Nam

Việc nhận dạng được thị trường hiệu quả ở cấp độ nào có ý nghĩa thực tiễn lớn. Khi biết được dạng cụ thể của thị trường, các thành phần tham gia thị trường sẽ có thể điều chỉnh các hoạt động của mình để thị trường trở nên hiệu quả hơn.

Đối với các nước phát triển, TTCK thường được đánh giá bằng thực nghiệm với các kết quả là TTCK của các nước này hầu như đạt hiệu quả dạng yếu, một số nước đạt đến hiệu quả trung bình, còn hiệu quả ở dạng mạnh thì không tồn tại. Tại các TTCK mới nổi tương tự như của Việt Nam thì kết quả còn nhiều tranh cãi. Các kết quả kiểm định của TTCK Việt Nam trước đây cho thấy, TTCK Việt Nam không đạt hiệu quả dạng yếu, khi cho rằng các mức giá chứng khoán hay lợi suất trong quá khứ là không độc lập với nhau, có thể dự báo được nhờ các mức giá trong quá khứ.

Bài viết này sẽ kiểm định TTCK Việt Nam ở dạng yếu, nhưng sẽ sử dụng mô hình - mà qua mô hình này ta sẽ phân tích sâu hơn được về tốc độ và biên độ điều chỉnh giá (các xu hướng giá tăng và giá giảm) tới mức giá hiện tại.

2.1. Mô tả số liệu và mô hình nghiên cứu

2.1.1. Số liệu

Trong bài viết này số liệu dùng để kiểm chứng mô hình gồm bốn chuỗi chỉ số:

- Chuỗi HASTC index kể từ phiên giao dịch đầu tiên của Trung tâm này đến tháng 5.2009.

- Chuỗi VN index kể từ khi HoSE mở cửa đến khi có HASTC.

- Chuỗi VN index của HoSE cùng thời điểm HASTC hoạt động đến tháng 5.2009.

- Chuỗi VN index trong cả giai đoạn gần 9 năm hoạt động của HoSE (từ khi mở cửa đến tháng 5.2009).

2.1.2. Mô hình sử dụng

Từ các nghiên cứu của Hagerman và Richmond (1973), Duffy - Deno's (1996) và Hwey - Chyi Lee, Sheng - Shyr Cheng (2004), bài báo này đề xuất mô hình sau:

Tiến hành hồi quy mô hình (*) với biến phụ thuộc là sự thay đổi chỉ số giá giữa hai thời điểm liên tiếp - ở đây là sự thay đổi chỉ số chứng khoán theo ngày (VN index hoặc HASTC index); các biến độc lập là sự thay đổi chỉ số tăng và chỉ số giảm giữa các thời kỳ tính theo các trễ. Trong mô hình trên, thông thường trễ được xét đến bậc 5.

Từ mô hình (*), nếu tất cả các ai và bj bằng 0 thì biến sự thay đổi chỉ số giá DP sẽ chỉ phụ thuộc vào biến nhiễu et (thành phần phi hệ thống), mà không phụ thuộc vào các biến trễ (thành phần hệ thống), tức là sự thay đổi giá tiếp theo sẽ không thể dự đoán được nếu như dựa vào sự thay đổi giá trong quá khứ. Như vậy, TTCK sẽ là thị trường hiệu quả dạng yếu đúng theo định nghĩa. Nếu tồn tại ai và bj khác 0 thì sẽ có sự phụ thuộc giữa những thay đổi giá trong quá khứ tới giai đoạn tiếp theo và đó chính là sự phản ánh về một thị trường không hiệu quả.

Tức là, giả thuyết để kiểm định như sau:

H0: ai = bj = 0 với mọi giá trị của i - Mô hình (*) thoả mãn tiêu chuẩn thị trường hiệu quả dạng yếu.

H1: $ ai ạ 0 hoặc bj ạ 0 - Mô hình (*) không thoả mãn tiêu chuẩn thị trường hiệu quả dạng yếu.

Hơn nữa, theo Hwey - Chyi Lee (2004) nếu có kết luận thị trường không hiệu quả thì sẽ có thể phân tích sâu hơn về tốc độ, biên độ điều chỉnh chỉ số giá tới giá hiện tại bằng việc kiểm định tính bất đối xứng của hai chiều hướng tăng và giảm chỉ số giá (để có thể đưa ra dự báo về sự thay đổi giá).

Có 3 kiểm định cơ bản về tính đối xứng của giá, đó là đối xứng về mặt thời gian (timing symmetry), đối xứng về biên độ thay đổi (magnitude symmetry) và đối xứng về cách thức điều chỉnh chỉ giá (pattern symmetry). Nếu chuỗi giá bất kỳ vi phạm 1 trong 3 kiểm định này thì chuỗi giá đó được coi là bất đối xứng.

Trước hết, đối xứng về mặt thời gian, tức là sẽ xem xét liệu rằng trễ của xu hướng giá tăng và trễ tương ứng của xu hướng giá giảm có bằng nhau hay không? Tiêu chuẩn này phản ánh tốc độ điều chỉnh giá tăng và giá giảm trong quá khứ đến giá hiện tại.

Thứ hai, đối xứng về biên độ thay đổi giá, kiểm tra xem liệu rằng tổng các hệ số của xu hướng giá giảm có bằng tổng các hệ số của xu hướng giá tăng hay không (ai = bj). Nếu các tổng này bằng nhau thì tiêu chí thứ hai của giá đối xứng được thoả mãn. Giải thích hành vi phản ứng trước các thông tin giá tăng và giá giảm của người đầu tư.

Thứ ba, đối xứng về cách thức điều chỉnh giá. Kiểm tra khi r = s thì từng hệ số ai và bj tương ứng có bằng nhau hay không (ai = bj). Tiêu chuẩn này giải thích diễn biến phản ứng trước các thông tin trong quá khứ - phản ứng từ từ hay ngay lập tức trước các đợt tăng giá và giảm giá.

2.1.3. Kết quả nghiên cứu

• Đối với HASTC index:

Tiến hành hồi quy mô hình (*) với chuỗi số liệu của HASTC index, sau khi loại bỏ những hệ số không có ý nghĩa về mặt thống kê cho kết quả như bảng sau:

Bước 1 - Kiểm định về tính hiệu quả của thị trường:

Như lập luận ở phần trên, việc kiểm định tính hiệu quả của thị trường cũng chính là kiểm định tính bằng 0 của các hệ số ai và bj. Nhìn vào bảng kết quả trên ta thấy, hệ số ứng với DUt-1, DUt-2, DLt-1, DLt-2 đều khác 0 về mặt thống kê. Điều đó chứng tỏ HASTC là thị trường chưa hiệu quả dạng yếu về mặt thông tin. Tức là, tại Trung tâm này, chỉ số giá biến động không hoàn toàn ngẫu nhiên và độc lập với nhau - chúng chịu tác động của nhau, giá quá khứ có thể dùng để tham khảo cho việc quyết định giá sắp tới. Chúng ta có thể kết luận sâu hơn các quá trình này thông qua việc phân tích kết quả ở bước 2.

Bước 2 - Kiểm định về tính đối xứng của các tác động điều chỉnh giá từ các xu hướng giá tăng và giá giảm tới giá hiện tại ở HASTC:

Chúng ta sẽ lần lượt kiểm định 3 dạng đối xứng đã được trình bày tại mục 2.1.2.

- Kiểm tra tính đối xứng về thời gian: H0: r = s, H1: r ạ s

Rõ ràng, xu hướng giá tăng trong quá khứ có trễ tương ứng bằng 2 và bằng với trễ của xu hướng giá giảm (r = s), vì vậy chấp nhận giả thuyết H0. Điều này chứng tỏ chỉ số HASTC thoả mãn tiêu chí đầu tiên của giá đối xứng. Tức là, tại sàn Hà Nội, thời gian tác động của các lần tăng và giảm giá tới giá hiện tại là như nhau và khá ngắn trong 2 phiên. Điều này có thể lý giải rằng, phản ứng của người đầu tư trước các đợt tăng giá và giảm giá là khá nhanh nhạy và người ta cho rằng, sự phụ thuộc giá là rất gần nhau. Nhưng nó cũng phản ánh tình trạng "lướt sóng" của người đầu tư.

Hơn nữa, độ trễ đều bằng 2 ở đây cũng có thể hiểu rằng, những người đầu tư cổ phiếu tại HASTC không quan tâm nhiều đến mốc thời gian t+3. Họ không cần trông chờ khi chứng khoán về tài khoản để tiếp tục vòng quay mà có thể sử dụng luôn nguồn tiền khác của mình để tham gia đầu tư chứng khoán. Điều này lại phản ánh rằng, có thể người đầu tư không tin nhiều vào tính thanh khoản của thị trường. Họ nghĩ rằng chưa chắc chờ đến ngày t+3 là đã có thể quay vòng được chứng khoán.

- Kiểm định tính đối xứng về biên độ thay đổi, xem liệu rằng tổng các hệ số của xu hướng giá giảm có bằng tổng các hệ số của xu hướng giá tăng hay không? Nếu bằng nhau thì tiêu chí thứ hai của giá đối xứng được thoả mãn. Các kết quả kiểm định này được đưa ra trong bảng dưới đây:

Với mức ý nghĩa 5% thì giả thiết C(1)+C(2) = C(3)+C(4) được thừa nhận (do P - value = 0.056899 > 0.05). Như thế, tiêu chí thứ hai đã được thoả mãn. Tức là, tổng biên độ điều chỉnh sau các lần tăng giá tác động tới giá hiện tại cũng bằng tổng biên độ của các lần điều chỉnh giảm tới giá hiện tại. ở đây, có thể giải thích "lòng tham và nỗi sợ hãi" của người đầu tư là khá cân bằng trong khoảng thời gian được nghiên cứu. Nếu xét trong từng thời kỳ khi thị trường tăng trưởng nóng hay thị trường ảm đạm, các phản ứng có thể là khác nhau. Nhìn tổng thể trong cả giai đoạn nghiên cứu thì người đầu tư có thể đua nhau mua cổ phiếu để giá đẩy lên rất cao, tuy vậy họ cũng có thể bán tháo cổ phiếu để giá xuống mức rất thấp, dẫn đến tình trạng các tác động dương và âm là khá cân bằng.

- Kiểm định tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá. Kết quả kiểm định được đưa ra dưới đây:

Ta nhận thấy, với mức ý nghĩa 5% thì giả thiết tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá được thoả mãn. Điều này có thể giải thích rằng các phản ứng của người đầu tư trước các thông tin tốt làm cho tăng giá cũng tương tự với những gì họ phản ứng lại trước các thông tin xấu khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Thể hiện sự phân tích thông tin của người đầu tư còn rất mơ hồ, không sâu sắc để xử lý và ra quyết định với các mức giá hợp lý hơn.

Như vậy, TTCK Việt Nam, nếu xét theo phân đoạn thị trường từ HASTC là thị trường không hiệu quả dạng yếu và tuân theo mô hình giá đối xứng. Việc dự báo về các mức giá, thời gian điều chỉnh giá là khá dễ dàng bởi mô hình đối xứng.

Tương tự với việc kiểm định EMH tại HASTC, dưới đây sẽ giới thiệu các phân tích còn lại đối với chuỗi VN index tại các thời kỳ khác nhau, phân biệt bởi sự ra đời của HASTC.

• Đối với VN index khi chưa có HASTC index

Tiến hành hồi quy mô hình xem xét tác động của hai xu hướng tăng và giảm giá tới xu hướng giá hiện tại ta được kết quả như bảng dưới đây:

Bước 1- Kiểm định tính hiệu quả của thị trường:

Hệ số a tương ứng với DUt-1, DUt-2, DLt-1, DLt-2 đều khác 0. Vì vậy, giả thuyết H0 bị bác bỏ, chấp nhận H1, tức là tại phân đoạn này thị trường cũng không hiệu quả (TTCK Việt Nam kể từ khi mở cửa đến thời điểm có thêm HASTC là thị trường không đạt hiệu quả dạng yếu).

Bước 2 - Kiểm định tính đối xứng về giá:

- Kiểm định tính đối xứng về thời gian:

Trễ của xu hướng giá tăng bằng trễ của xu hướng giá giảm (cùng bằng 2), do đó thoả mãn tiêu chí đầu tiên (timing symmetry) của giá đối xứng, tức là chuỗi chỉ số cho thấy VN index trong giai đoạn đó đối xứng về mặt thời gian. Như vậy, cũng giống như tại HASTC, trong giai đoạn này tại HoSE, sự phản ứng của người đầu tư dựa vào các thông tin quá khứ là rất ngắn, họ tin rằng giá quá khứ có tác động trực tiếp tới hiện tại, và thậm chí giá ngày hôm trước tác động luôn tới giá ngày hôm sau, bất chấp giá tăng hay giá giảm, bất chấp các thông tin khác về thị trường.

- Kiểm định tính đối xứng về mặt biên độ điều chỉnh giá. Kết quả kiểm định được đưa ra dưới đây:

Vì P - value = 0.140779 > 0.05 nên giả thiết C(1)+C(2)=C(3)+C(4) được thừa nhận, thoả mãn tính đối xứng về biên độ thay đổi giá. Như vậy, tại HoSE, ở giai đoạn khởi động của thị trường thì "lòng tham" và "nỗi sợ hãi" của người đầu tư là cũng cân bằng. Việc mức giá tăng trong cả giai đoạn cũng chỉ bằng với mức giá giảm trong khoảng thời gian ấy.

- Kiểm định tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá. Kết quả kiểm định được đưa ra dưới đây:

Với mức ý nghĩa 5% thì giả thiết tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá được thoả mãn.

Như vậy, hành vi nhà đầu tư của HoSE giai đoạn này là khá giống với những người đầu tư tham gia tại HASTC khi tuân theo mô hình đối xứng.

TTCK Việt Nam, nếu xét theo phân đoạn TTCK từ HoSE trong giai đoạn từ khi mở cửa đến thời điểm có thêm HASTC, là thị trường không hiệu quả dạng yếu và tuân theo mô hình giá đối xứng. Hành vi của người đầu tư trước các thông tin là khá đơn giản, không có các phân tích cần thiết với những sự phân biệt và sàng lọc.

• Đối với VN index khi HoSE hoạt động cùng HASTC mở cửa đến nay

Tiến hành hồi quy mô hình xem xét tác động của hai xu hướng tăng và giảm giá tới xu hướng giá hiện tại ta được kết quả như bảng dưới đây:

Bước 1- Kiểm định thị trường hiệu quả dạng yếu:

Hệ số a tương ứng với DUt-1, DUt-2, DLt-1, DLt-2 khác 0. Như vậy, giả thuyết H0 bị bác bỏ và chấp nhận giả thuyết H1, tức là phân đoạn thị trường này không đạt hiệu quả dạng yếu.

Bước 2 - Kiểm định tính đối xứng về giá của mô hình:

- Kiểm tra tính đối xứng về thời gian:

Vì trễ của xu hướng giá tăng bằng với trễ của xu hướng giá giảm nên chuỗi VN index thời kỳ này đối xứng về mặt thời gian. Tốc độ tác động của việc tăng và giảm giá tới giá hiện tại là như nhau. Như vậy, trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay (tính cả khi thị trường tăng rất nóng hơn 1 năm, từ 2006 đến 2007), nhìn chung tốc độ điều chỉnh giá tăng và giá giảm là khá nhanh và sự phụ thuộc của giá hiện tại theo giá quá khứ là rất sát.

- Kiểm tra tính đối xứng về mặt biên độ điều chỉnh giá:

Kết quả được đưa ra trong bảng dưới đây:

Với mức ý nghĩa 5% thì giả thiết tính đối xứng về mặt biên độ được thỏa mãn. ở đây, các tác động tăng giá và giảm giá cùng có mức như nhau. Thị trường đã cho thấy có những thời gian dài tăng giá kỷ lục nhưng lại có thời kỳ giá rớt xuống rất thấp và trong cả thời kỳ, các tác động tăng và giảm giá vẫn như nhau.

- Kiểm định tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá:

Do P - value = 0.054688 > 0.05 nên giả thiết tính đối xứng về mặt cách thức điều chỉnh giá được thỏa mãn. Tức là phản ứng điều chỉnh tăng giá và giảm giá là khá giống nhau. Người ta sẵn sàng điều chỉnh tăng và giảm giá dựa theo các thông tin quá khứ, bất chấp các thông tin khác của thị trường.

VN index giai đoạn này cho thấy, HoSE là thị trường không đạt hiệu quả dạng yếu, tức là có thể dự đoán giá tương lai dựa vào giá quá khứ, nhưng giá chứng khoán tuân theo mô hình đối xứng - nghĩa là từ các xu hướng biến động giá trong quá khứ có thể suy luận hoàn toàn theo một cách đối xứng cho chiều hướng của tương lai.

• Đối với VN index xét trong cả giai đoạn gần 9 năm hoạt động của HoSE

Tiến hành hồi quy mô hình xem xét tác động của hai xu hướng tăng và giảm giá tới xu hướng giá hiện tại ta được kết quả như bảng dưới đây:

Bước 1 - Kiểm định tính hiệu quả của thị trường:

Từ mô hình kết quả ở trên ta thấy, các hệ số a ứng với DUt-1, DUt-3, DUt-2, DLt-1, DLt-2 đều khác 0. Như vậy, giả thuyết H0 bị bác bỏ và chấp nhận giả thuyết H1, tức là phân đoạn thị trường này không đạt hiệu quả dạng yếu.

Bước 2 - Tiếp tục xem xét tới tính đối xứng về giá của mô hình:

Với bảng kết quả trên, ta thấy, trễ của xu hướng giá tăng (=3) khác trễ của xu hướng giá giảm (=2) nên chuỗi VN index trong toàn bộ khoảng thời gian xem xét kể từ khi HoSE mở cửa đến nay không đối xứng về mặt thời gian. Có thể giải thích rằng, ở đây "lòng tham" và "nỗi sợ hãi" có sự khác nhau, người ta sợ hãi hơn là tham lam, khi giá tăng thì chưa tác động ngay lập tức đến mức giá hiện tại mà họ còn nghe ngóng, sàng lọc thông tin xem đã nên tham gia ngay hay chưa. Tuy vậy, khi giá xuống họ có xu hướng lo sợ và bán tháo cổ phiếu đi, không cần chờ đợi thông tin và phân tích thông tin. Một lần nữa ta lại khẳng định được rằng, người đầu tư sử dụng thông tin cho đầu tư chứng khoán là quá đơn giản.

Khi tính đối xứng về thời gian đã vi phạm thì rõ ràng chuỗi VN index giai đoạn này cũng sẽ không đối xứng về biên độ và cách thức điều chỉnh giá.

Từ đây ta có thể kết luận rằng, với VN index trong cả giai đoạn hoạt động của HoSE như kiểm định trên thể hiện là thị trường không đạt hiệu quả, tức là có thể dự đoán giá tương lai dựa vào giá quá khứ, nhưng cũng ở mức độ không quá tồi khi giá chứng khoán không tuân theo mô hình đối xứng - nghĩa là người đầu tư đã có sự phản ứng thông tin về giá quá khứ ở những mức độ khác nhau trong trường hợp các mức giá lên xuống, "lòng tham" và "nỗi sợ hãi" không phải hoàn toàn giống nhau...

3. Kết luận

Tổng kết lại từ các kiểm định thị trường hiệu quả dạng yếu bằng việc sử dụng mô hình hồi quy ta được bảng (ở cột sau).

Xét về tổng thể, theo hướng nghiên cứu trên, toàn TTCK Việt Nam không hiệu quả về mặt thông tin (dạng yếu) ở cả hai Trung tâm giao dịch chứng khoán, trong mọi thời kỳ xem xét. Tại HASTC, dường như sự không hiệu quả là rõ nét hơn HoSE (vì xét trong cả 9 năm HoSE không đối xứng về giá). Sự không hiệu quả ở mức độ yếu và tính đối xứng về các tác động điều chỉnh giá ở HASTC hay HoSE trong thời kỳ đầu có thể là do khi tổ chức này mới đi vào hoạt động, người đầu tư hiếu kỳ hoặc chưa hiểu biết về thị trường còn chiếm quá nhiều. Khi đã tham gia thị trường nhiều hơn và kiến thức tích lũy, cũng như kinh nghiệm thực tế cho thấy người đầu tư đã tinh vi hơn trong quá trình ra quyết định của mình.

_______________________

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Quang Dong (2002), Kinh tế lượng - chương trình nâng cao, NXB Khoa học và Kỹ thuật.

3. Vũ Việt Hùng (2003), Đầu tư tài chính, NXB Thống kê.

4. Asma Mobarek and Keavin Keasey (2003): Weak-form market efficiency of an emerging Market: Evidence from Dhaka Stock Market of Bangladesh.

5. Duffy - Deno, Kevin (1996), Retail price asymmetries in local gasoline markets. Energy Economies, 18, pp. 81-92.

6. Fama, Eugene. F. (1970), Efficient capital markets: A review of theory and empirical work. Journal of Finance, 25, pp.

7. Fama, Eugene, F. (1990), Efficient Capital markets: II, Journal of Finance, 46(5), pp. 1575-1617.

Trang chủ > Home / Chứng khoán / Học thuyết thị trường hiệu quả với TTCK Việt Nam

Học thuyết thị trường hiệu quả với TTCK Việt Nam

October 19, 2007 | In trang này

Từ trước đến nay, để phân tích đầu tư chứng khoán, nhà đầu tư (NĐT) thường sử dụng 2 học thuyết phân tích thông dụng là: phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

Đây là 2 học thuyết phân tích có từ những ngày đầu tiên trong lịch sử TTCK thế giới. Một học thuyết phân tích được ra đời muộn hơn, phủ định lại 2 học thuyết kia, đó là học thuyết thị trường hiệu quả (efficient market theory).

Học thuyết thị trường hiệu quả (theo tài liệu học tập của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) được định nghĩa như sau: thị trường hiệu quả là thị trường trong đó giá cả của chứng khoán đã phản ánh đầy đủ, tức thời tất cả thông tin hiện có trên thị trường. Việc giá tăng hay giảm là do thị trường phản ứng đối với các thông tin mới, mà thông tin mới thì không thể dự báo được.

Để hiểu rõ hơn về thị trường hiệu quả, đầu tiên chúng ta phải biết thế nào là thị trường kém hiệu quả. Thị trường kém hiệu quả là thị trường mà ở đó các hiện tượng có thể dự báo được. Chẳng hạn, trên TTCK Việt Nam có thời gian xuất hiện những hiện tượng mang tính quy luật như hiện tượng đầu tuần (giá cả đầu tuần luôn đi ngược lại giá cuối tuần trước, cuối tuần giá tăng thì đầu tuần sẽ giảm hoặc ngược lại); hiện tượng mỗi lần phát hành thêm hoặc thưởng cổ phiếu thì thị giá sẽ tăng trước ngày chốt danh sách; giá cổ phiếu trên thị trường OTC (over the counter) thường rẻ hơn trước khi được niêm yết, nên có thời gian khi thông tin DN sắp sửa được niêm yết thì NĐT sẽ mua gom loại cổ phiếu này đợi ngày lên sàn... Những dạng thị trường như thế được xem là thị trường kém hiệu quả.

Tuy nhiên, giống như hiện tượng "nước chảy chỗ trũng", khi thị trường trở nên kém hiệu quả, quy luật cung cầu trên thị trường do NĐT cạnh tranh lẫn nhau khai thác các hiện tượng đã được nhận biết để kiếm lợi nhuận. Và chính điều này sẽ đưa thị giá trở về trạng thái cân bằng, đồng thời xóa bỏ hiện tượng đó. Thị trường khi đó sẽ bắt đầu phát sinh những hiện tượng mới và trở thành thị trường hiệu quả ở hình thái mạnh bởi những hiện tượng, quy luật mới chưa được NĐT nhận biết. Đối với nhiều NĐT chuyên nghiệp thì TTCK không bao giờ có quá khứ, nghĩa là những hiện tượng không bao giờ lặp lại giống nhau, vì thế khó mà dự đoán được.

Việc nắm bắt được những hình thái thị trường ở các mức độ hình thái hiệu quả yếu (weak form) và mạnh (strong form) sẽ giúp NĐT có thêm cơ hội đánh giá danh mục đầu tư của mình, giúp NĐT tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Ví dụ, trong quá khứ, có thời điểm mà đi đâu bạn cũng nghe thấy, ai cũng "trúng" chứng khoán, cứ ai tham gia là thắng, sự tin tưởng tràn ngập. Hoặc khi thị trường đi xuống, không khí trầm lắng, thị trường ảm đạm, bạn nghe được nhiều người phải bán tài sản của mình để trả nợ, niềm tin bị đẩy xuống. Những lúc như thế, thị trường đã trở thành thị trường kém hiệu quả.

Bởi vì tất cả thông tin cảnh báo khi thị trường tăng nóng, chứng khoán vượt quá giá trị thật đã được NĐT nhận biết và sự cạnh tranh của họ đã đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng. Ngược lại, khi thị trường giá lên là do NĐT nhận thấy, chứng khoán trở nên rẻ hơn so với giá trị nội tại, đồng thời những thông tin về DN, về thị trường nói chung đã làm NĐT bắt đầu mua vào và cũng chính sự cạnh tranh của NĐT đã hình thành thị trường hiệu quả mạnh (strong form) thoát khỏi hình thái thị trường hiệu quả yếu (weak form). Chính điều này đã mang lại sự hấp dẫn của TTCK. Tóm lại, thị trường mà ở đó giá thay đổi ngẫu nhiên, không có quy luật về sự thay đổi và không thể dự đoán được, đồng thời do có sự cạnh tranh giữa các NĐT dẫn đến một thị trường hiệu quả.

Học thuyết thị trường hiệu quả xem 2 học thuyết phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật không có giá trị. Theo đó, kết quả của phân tích cơ bản dựa trên những thông tin đại chúng, công khai mà NĐT đều có thể biết được. Bởi vậy, kết quả này sẽ được NĐT sử dụng để đầu tư và chính sự cạnh tranh của các NĐT sẽ đưa giá chứng khoán trở về trạng thái cân bằng dẫn đến lợi nhuận không có sự đột biến, chỉ có NĐT xuất sắc mới có thể mang lại lợi nhuận siêu ngạch trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này. Với phân tích kỹ thuật, sử dụng những thông tin về giá, sức cung cầu trong quá khứ là những thứ đã diễn ra và được nhận biết nên đều được NĐT sử dụng để đầu tư. Chính sự cạnh tranh của NĐT trong việc sử dụng các thông tin này cũng sẽ đưa giá chứng khoán trở về trạng thái cân bằng. Khi đó, lợi nhuận của chứng khoán có thể chỉ đủ bù đắp cho các khoản chi phí và cũng chỉ có NĐT tài giỏi mới có thể dùng những thông tin trên để tạo lợi nhuận đột biến.

Nhìn lại quá khứ, tại thời điểm năm 2001 khi mà thị trường đang ở giai đoạn cao trào (chỉ có mấy loại chứng khoán trên sàn giao dịch) cầu nhiều hơn cung, lẽ ra nên bơm thêm hàng vào thị trường nhưng cơ quan quản lý thị trường khi đó quyết định mỗi lệnh mua chỉ được phép mua 2.000 chứng khoán và thế là thị trường lao xuống, VN-Index từ 571 điểm còn 130 điểm trong thời gian ngắn và mãi đến 4 năm sau thị trường mới lên thêm được 100 điểm nữa và 5 năm sau mới lên lại được giá trị cũ. Hay mới đây là Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước về khống chế tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán được đưa ra khá bất ngờ làm cho NĐT, cộng đồng tài chính và thị trường phản ứng. Với học thuyết thị trường hiệu quả thì những thông tin này đã ảnh hưởng gì đến tâm lý hành vi của các chủ thể tham gia thị trường, đến quy luật thị trường, đồng thời phản ánh vào giá chứng khoán. Những NĐT vận dụng học thuyết thị trường hiệu quả khi đó sẽ xác định chiến lược đầu tư phù hợp.

Những phương pháp dùng để phân tích đầu tư chứng khoán như phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật hay học thuyết thị trường hiệu quả đều có những ưu điểm và nhược điểm. NĐT phải lựa chọn, sử dụng phương pháp nào phù hợp với bản thân và ở từng thời điểm của thị trường. Có thời điểm sử dụng phương pháp này là phù hợp, còn phương pháp kia không phù hợp nữa. Tuy nhiên, để đầu tư thành công, ngoài việc có phương pháp phân tích tốt, NĐT còn phải biết sử dụng chúng sao mang lại kết quả. Biết phối hợp tất cả các phương pháp phân tích đầu tư lại với nhau sẽ chính là phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất.

(Theo ĐTCK - online)

Theo EconetThị trường chứng khoán Việt Nam có hiệu quả?

SanOtc - 21/05/2009 11:20:00 SA -

Facebook |

Twitter |

Google Bookmarks |

In tin |

Gửi email |

Xuất PDF |

RSS

Trong hoạt động đầu tư chứng khoán giới đầu tư không mấy ai không biết đến lý thuyết thị trường hiệu quả một trong những lý thuyết được lấy làm nền tảng và là tiên đề bất di bất dịch cho trường phái phân tích kĩ thuật.

Trong phân tích kĩ thuật người ta giả định rằng các biến động của thị trường được phản ánh đầy đủ và ngay lập tức vào giá chứng khoán hay nói một cách khác thị trường đạt đến mức hiệu quả tuyệt đối và do đó các nhà phân tích chỉ cần quan tâm duy nhất đến việc phân tích biến động giá chứng khoán.

Do đó một câu hỏi cần đặt ra là mức độ hiệu quả của thị trường Việt Nam hiện nay đang ở mức nào từ đó suy ra khả năng vận dụng phân tích kĩ thuật trong đầu tư Chứng khoán ở Việt Nam ra sao.

Trước hết một thị trường chứng khoán được cho là hiệu quả khi nó đảm bảo các tiêu chí cơ bản sau:

• Các thông tin luôn được cung cấp chính xác và kịp thời đến tất cả các nhà đầu tư bao gồm các thông tin tham chiếu trong quá khứ đến các thông tin hiện tại và các dự đoán nhận định cho tương lai của giới phân tích. Nói cách khác tiêu chí này yêu cầu sự đa dạng, phong phú và minh bạch của các kênh cung cấp thông tin cho thị trường. Tiêu chí này thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang khá yếu khi các nhà đầu tư chưa được tiếp cận với các thông tin cập nhật kịp thời về doanh nghiệp niêm yết do các doanh nghiệp không chú trọng đến công bố thông tin. Hiện tượng các thông tin đưa ra muộn, sai lệch thường xuyên diễn ra. Ngoài ra các thông tin quá khứ nhằm tham khảo về thị trường và doanh nghiệp niêm yết hiện không đầy đủ và khó tiếp cận.

• Khả năng thanh khoản cao của các chứng khoán được giao dịch trên thị trường biểu thị qua khối lượng giao dịch lớn và đều đặn. Điều này khiến cho giá chứng khoán phản ánh chính xác quan hệ cung cầu của thị trường và loại bỏ hiện tượng làm giá. Tuy nhiên giao dịch trên thị trường Việt Nam hiện nay ngoại trừ một số mã cổ phiếu lớn còn phần đông có khối lượng giao dịch khá thấp điều này khiến cho hiện tượng các mã không có giao dịch trong một phiên thường xuyên xảy ra.

• Chi phí giao dịch thấp cũng là một điều kiện kiên quyết của thị trường hiệu quả nếu chi phí giao dịch quá cao sẽ hạn chế bớt các giao dịch tiềm năng do mức giá mua và bán chứng khoán phải gánh thêm chi phí này khiến nó không phản ánh được giá trị thật của chứng khoán. Chi phí giao dịch hiện nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang khá rẽ do sự cạnh tranh của các công ty chứng khoán với nhau do đó tiêu chí này là tiêu chí mà thị trường Việt Nam đảm bảo được.

• Thông tin được phản ánh hiệu quả, điều này có nghĩa là tất cả các thông tin được phản ánh ngay lập tức vào giá của chứng khoán do tất cả các đối tượng đều có khả năng tiếp cận thông tin như nhau và đưa ra các nhận định giống nhau. Tiêu chí này thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang khá yếu khi sự bất công trong việc tiếp cận thông tin là thường thấy.

Qua các bước phân tích trên cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay mức hiệu quả còn khá thấp do đó khả năng áp dụng phân tích kĩ thuật trong đầu tư chứng khoán còn hạn chế. Điều này cũng giải thích cho hiện tượng khi thị trường hưng phấn đã liên tục tăng ngoài sự dự liệu của các nhà phân tích và khi thị trường xuống thì không mức hỗ trợ nào đủ sức giữ thị trường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#quynh