Tình tính tang là tang tính tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cậu Hai, tuổi đã qua tam tuần nhưng người vẫn đơn chăn gối chiếc. Thầy u nhiều lần giục cậu lấy vợ nhưng cậu nào nghe, chỉ biết cười giả lả qua chuyện. Dân ở trong làng ai nấy cũng nóng lòng thay cho cậu, vì cậu Hai nhà bá hộ ấy, ngoài chuyện chưa vợ ra thì mặt nào cũng giỏi. Tuy thân phận giàu sang nhưng cách cậu đối nhân xử thế chưa bao giờ làm phật lòng ai, năm ấy khi mùa màng thất bát do bệnh dịch hoành hành, cậu đã vui lòng miễn thuế cho nông dân, thậm chí còn mở kho san sẻ phần ăn cùng họ. Bởi vậy nên dân làng ai cũng thương mến cậu như người nhà mình, các công đức cậu Hai tích được nếu đem ra so thì có thể cao bằng cả một cây đại thụ đầu làng rồi. Vì vậy chuyện người trai ấy đến giờ vẫn lẻ loi một mình vốn vẫn luôn là nỗi trăn trở (lẫn bàn tán) của nhiều người.

Nhắc đến cậu Hai thì ngoài chuyện chưa vợ ra còn phải kể đến cái tài của cậu, chính là cậu hát quan họ rất hay. Hay như thế nào thì không nhiều người biết, bởi do cậu chỉ toàn hát trong nhà mình, chưa lúc nào chịu ra sân đình chung vui cùng hội làng. Lời đồn về giọng hát của cậu được truyền đi từ mấy kẻ người ở mỗi khi cậu có dịp tụ họp các liền anh liền chị về, họ đều là con nhà quyền quý từ các làng bên đến để chơi quan họ. Tụi con sen sau đấy thường khen giọng cậu hay như chim, nhưng đàn ông làm sao có thể như chim được. Có đứa lại bảo giọng cậu nghe như tiếng vọng từ những ngôi đền cổ, nhưng đây là ca quan họ, thứ làn điệu trữ tình mượt mà như nước thì ai lại hát như thế. Dần dần trở về sau các câu từ miêu tả về giọng ca của cậu đã dâng đến hàng loạt nhưng chẳng câu nào đồng nhất với câu nào, làm chẳng một ai có thể mường tượng ra được cậu ca ra sao. Nhưng tất cả đều chắc chắn về một chuyện, đó là cậu hát rất hay, ít nhất cũng phải đến mức chim sa cá lặn.

Và bởi cậu thường có những buổi tụ họp bạn bè từ những làng kế bên nên người ta cũng hay đồn đoán về ai trong số các nàng ấy là người cậu đã kết duyên cùng. Có khi họ bảo là cô con gái bá hộ làng Bưởi, khi lại là cô con quan thôn Đoài, cũng có lần là nàng em địa chủ vùng Thượng. Họ cứ đồn mãi nhưng chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra, cái nhóm liền anh liền chị ấy sau khi đến nhà cậu thì đều rời đi vào đúng giờ Mùi cùng hôm, chẳng một ai nán lại qua đêm thì làm sao có cơ hội mà nói chuyện thân tình được. Thế là những mẩu chuyện lứa đôi của cậu Hai từ miệng mấy cô hàng nước liên tục bị dính những đoạn kết đoản hậu do chẳng về đâu. Lâu dần, khi các lời đồn không còn đủ thu hút, dân tình liền bắt đầu trêu nhau về chuyện của cậu, rằng có khi ý trung nhân mà cậu Hai nhắm tới từ trước đến nay vốn vẫn là... cậu Minh nhà thầy đồ ở làng Nhài. Vì sao lại nói chuyện khó tin như thế? Trong số những người đến chơi quan họ thì rõ ràng cậu Minh kia là người thân với cậu Hai nhất, cả làng ai cũng rõ việc đó. Cậu ấy cũng là người duy nhất được ở lại đến cả tuần, có khi là tháng cùng cậu Hai, thế chẳng phải cậu ấy là người hợp nhất để có thể nói chuyện thân tình cùng cậu Hai sao? Mỗi khi thứ lập luận này được phát ra từ miệng một ai, mọi người xung quanh thường ngay lập tức phì cười.

Lần nữa, những lời nói thế này về cậu Hai đa phần đều được dân tình không để tâm lắm do ai cũng biết chỉ là đùa thôi. Ở làng này ai mà không rõ nguyên nhân cậu Minh kia được ở lại là vì luyện học chứ. Nghe bảo trong một lần cậu Hai sang thăm bá hộ làng bên đã vô tình bắt gặp cậu Minh - khi ấy đang ca rất hăng say trên thuyền, và vì ấn tượng quá đỗi, cậu ngay lập tức liền ngỏ ý muốn mời cậu Minh vào nhóm liền anh liền chị của mình. Sau những cuộc tâm tình thì cậu Hai phát hiện ra cậu Minh kia có chí làm quan, năm ngoái đã từng thi Hương nhưng ngặt nỗi lại rớt ở vòng thi thơ phú. Thầy của cậu ta nay tuổi đã cao nên chẳng thể liên tục đôn thúc cậu, và bởi quá cảm thông nên cậu Hai cứ cách vài tháng liền mời Minh sang nhà mình, bữa đầu là để chơi quan họ cùng mọi người, những bữa sau để giúp đỡ cậu ấy chuyện đèn sách. Hai người qua lại như vậy với nhau cũng đã gần tròn một năm. Thoạt đầu người ta không ưa cậu Minh kia lắm, nhưng dần dần cũng hiểu và quen với con người của cậu hơn.

Ấn tượng đầu tiên của những ai gặp Minh chính là dáng người nhỏ con, nước da cháy nắng cùng nụ cười tươi với lúm đồng tiền như bông lúa trên đồng. Cậu ấy thường hay cười, ít nhất là ai bao giờ cũng thấy cậu cười mỗi khi ra chợ cùng cậu Hai. Cả năm nay cứ vài tháng dân làng bắt gặp cảnh hai cậu ấy đi với nhau như hình với bóng, ai cũng thấy cậu Hai gần như đã dành toàn bộ tâm tư của mình vào việc dạy học khi liên tục giảng giải, bàn luận về mọi thứ cùng Minh trên đường đi. Nhưng tính cách của cậu Minh này đôi khi cũng kỳ quặc lắm, cô Mận hàng vải - người từ trước đến nay vốn nổi tiếng có ý với cậu Hai, hễ cứ có sấp vải đẹp nào nhập về thì cô liền mang cho cậu. Một lần kia khi đến nhà cậu như mọi khi thì cô gặp ngay cậu Minh, chẳng biết cậu ta đã nói gì nhưng đêm đó về ai cũng nghe tiếng cô khóc tức tưởi vọng ra từ vách ngủ. Lúc đó mọi người cho rằng hẳn cậu đã nói lời độc địa với cô nên ai nấy đều tránh xa Minh, Minh có lẽ cũng ý tứ được việc này nên vài hôm sau liền chạy đôn chạy đáo khắp nơi giúp đỡ mọi người, từ khiêng hàng, gánh đòn, dọn dẹp,... việc nào cũng làm hăng hái mà không cần trả lễ. Vốn người dân nơi đây đều là những kẻ ruột để ngoài da, dần dần họ liền quên đi chuyện trước đó mà dần xem cậu như người trong làng.

Cách cậu Hai và cậu Minh cứ quấn nhau như sam hẳn sẽ khiến những ai không rành chuyện tưởng nhầm hai người là anh em mất. Cậu Hai ngày thường bao giờ trông cũng điềm đạm và trầm lặng nhưng chẳng hiểu sao hễ cứ đi cạnh cậu Minh lại phải luôn nén đi nụ cười đến tận mang tai. Con nhỏ Bông sạp trái cây thề rằng lúc trước nó đã từng thấy cảnh cậu Hai đứng cạnh cậu Minh lúc cậu ấy đang lựa trái cây, cậu Hai cách vài khắc liền lén liếc sang cậu Minh rồi đổi hướng nhìn đi, miệng mím lại gắng không cười nhưng gò má thì đã nâng cao, thậm chí còn đỏ ửng. Thằng Bần nửa đêm đi chụp ếch cũng bảo rằng nó đã trông thấy cậu Minh và cậu Hai ngồi với nhau gần đình làng để bàn luận về thiên văn, về mấy vì sao trên trời mà nó chẳng đời nào hiểu được. Đôi khi người ta còn nghe hai cậu đối thơ với nhau, nhưng ý tứ ra sao thì ngoài tầm hiểu biết của dân suốt ngày chỉ biết chân lấm tay bùn như họ. Từ đó trở về sau, cậu Minh bao giờ cũng có mặt đầy đủ ở các ngày hội của làng cùng cậu Hai, việc hai người họ ở bên nhau theo thời gian được coi thành lẽ thường tình trong làng, như cách trăng vẫn luôn nhịp bước theo người vậy.

Thêm hai năm nữa trôi qua, cái ngày mà cậu Minh mừng rỡ chạy đến báo tin mình đã đậu kỳ thi Hương, bọn người ở nói rằng cậu Hai khi biết được đã mừng rỡ đến rơi nước mắt. Dân làng hễ ai gặp Minh cũng đều tới tấp chúc mừng, nụ cười của cậu thường ngày đã tươi rói nay lại càng ngoác miệng hơn đến độ chẳng thấy mắt đâu. Cậu Minh, cuối cùng sau bao năm khổ luyện nay cũng đã hoàn thành xong chặng đường đầu tiên đạt đến ước mơ, nhưng do kỳ thi Hội tiếp theo sẽ diễn ra vào năm sau ở kinh thành xa xôi, cậu phải đến kinh đô ngay từ lúc này để tìm thầy và ôn tập tại đó. Lần cuối cùng mọi người được thấy cậu Minh, họ nhớ rằng hôm đó trời đã mưa tầm tã.

Thời gian lại tiếp tục qua đi, những ai vẫn còn để ý thì sẽ biết các lá thư từ cậu Minh vẫn được gửi về đều đặn hàng tháng cho cậu Hai, những ai không để tâm hẳn đã quên sự hiện diện của cậu Minh từ lâu rồi. Kể từ ngày cậu Minh vắng mặt, các buổi họp của hội bạn cậu Hai cũng bắt đầu giãn ra, dần dà về sau thì gần như không còn nữa. Giờ đây mọi người lại bắt đầu đặt cho cậu ấy thêm một biệt danh mới, đó là "Bia đá", bởi đã gần sang tuổi tứ tuần nhưng người đàn ông ấy vẫn nhất quyết không lấy vợ mà kiên trì sống tốt đẹp với mọi người xung quanh. Mấy người nhiều chữ trong làng hay ví von cuộc đời cậu Hai cứ như mặt hồ bình lặng không bao giờ đón gió, lần đón gió duy nhất ắt hẳn là ngày u thầy cậu ra đi. Ngày hôm đó cả làng ai cũng sững sờ vì lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt bơ phờ đến thê thảm của cậu như vậy.

Rồi bẵng đi hồi lâu, khi đã qua vài mùa cây thay lá, căn nhà khang trang của cậu Hai giờ đây hàng ngày đều nghe thấy tiếng ê a ủa bọn trẻ con đồng thanh đọc chữ. Cậu, nay đã là thầy, quyết định mở một lớp học miễn phí cho tụi nhỏ trong làng, và dường những lời bàn tán về cậu từ xưa cũng bắt đầu trôi vào dĩ vãng. Cậu vẫn y như cũ, đơn côi lẻ bóng một mình, nhưng cũng chẳng còn ai bận bịu để bàn về những chuyện này nữa, nó đã trở nên nhàm chán trong lòng mọi người khi tuổi xuân của họ dần trôi đi. Bây giờ hễ nhắc đến cậu, trong lòng mọi người chỉ nhớ đến người thầy hết lòng vì học trò thôi.

Trung Thu đến, cậu đi đến thăm từng nhà của trò mình để cho các em thêm gạo thóc. Trăng rằm tròn trĩnh lẽo đẽo theo cậu Hai khắp nơi, tụi giúp việc theo chân đằng sau cảm giác như cậu đang cố tình đi chậm hơn thường ngày, hẳn là để ngắm trăng lâu thêm chút nữa rồi. Hầu cậu lâu ai cũng biết tính cậu mê trăng, cứ tới ngày trăng lên lại ngồi bên hiên nhà ngắm nhìn thật lâu, tựa như đang trò chuyện cùng nó vậy.

Đêm Trung Thu năm ấy, có rất nhiều người nghe được một bài dân ca thân thuộc mà các u thường dùng để ru con mình vang vọng khắp nơi. Nhưng điều khác lạ nhất ở đây chính là chủ nhân câu hát kia lại là nam, khoan bàn đến chuyện hay hay không hay, nhưng những ai nghe qua đều có thể cảm nhận niềm u sầu đang lấp đầy trong giọng hát người nọ. Lời ca day dứt như có cơn mơ ùa về từ một thời dĩ vãng bao trùm toàn bộ không gian, tuy không nhìn được, nhưng họ có thể vẽ ra trong đầu một hình bóng người đợi chờ người kia, dầu cho không biết mất bao lâu nữa người nọ mới trở về.

"Em ơi, trăng đã ngả ngang đầu...

Sao chẳng thấy đâu?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro