Áo gấm của một quan Tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người ta bàn tán nhau mãi về cái dinh cơ bỏ hoang nằm ở số 10 đường Premier. Ở giữa đất Sài thành phồn hoa tấp nập, người ta tranh nhau từng mảnh đất, từng khoảng trời, người ta đua nhau xây nên những dinh thự mang lối Phục Hưng với sắt thép và bê tông, với những gạch men trắng đến từ thẩm mỹ của bên kia đại lục. Thì một khoảng đất rộng ở ngay nơi đắc địa của Sài Gòn lại có một ngôi nhà theo lối Nam Bộ cũ, với ngói âm dương, gạch lá nem, cột gỗ đánh màu nâu bóng, rồi giếng nước, hàng cau và bộ ván ngựa, thì ai đi ngang mà không chú ý cho được.

Giữa những biệt thự rất hiện đại lại có một nếp nhà rất cổ kính, như một cô gái áo bà ba, quần vải nâu đứng giữa các cô đầm váy trắng và đội mũ lông chim. Đẹp hay không thì tuỳ vào mắt nhìn của người đối diện, nhưng sự lạc lõng, chơ vơ thì hiện rõ ra đấy. Như một người tù đi đày khổ sai ở châu thổ lạ, ở giữa đám người nhưng vời vợi cách ngăn.

Mà cái dinh thự bỏ hoang gần năm mươi năm ấy đúng là một nhà tù giam lỏng người. Đấy là theo lời của người đầy tớ già, giờ là chủ một tiệm hàng mã ở cửa ga. Người đầy tớ trung thành ấy hơn mấy mươi năm trước đã từng phục dịch trong dinh thự 'Nam Bộ' kia. Và khi đám kí giả các tờ nhật báo, tuần báo tìm đến để nghe kể chuyện thì lão bõ già kia lại hấp háy cặp mắt đã mờ đục mà nói thế.

"Cái dinh thự ấy là nơi đi đày của cậu Nguyên." – Người nô bộc cũ nói.

Cậu Nguyên? Cậu Nguyên nào? Hỏi thì lão chẳng chịu trả lời, chỉ lầm lũi thắp nhang, cắm vào lư hương đặt trên bàn thờ ở góc nhà. Trang thờ ấy không có bài vị, không có ảnh truyền thần. Chỉ có một lồng kính nhỏ, đặt bên trong một đôi áo dài gấm xanh, đỏ và một đôi quần lụa trắng.

Cậu Nguyên ấy lúc sinh thời chưa từng dính một án tích nào ở toà tư pháp, nhưng cái đời sống của cậu ở đất Sài Gòn này có khác gì người bị án tù đày đâu. Người đầy tớ đã già, tóc mai đã bạc nhớ lại hình ảnh của người thanh niên hơn bốn mươi năm trước. Vào thuở lão hãy còn là thằng bé theo hầu trong dinh thự kia, cậu Nguyên vẫn hay gọi thằng bé chạy vặt ấy là Bảy.

***

Bảy được chủ nhân dinh thự kia, ngài Robert, mua về để hầu cậu Nguyên. Bảy không theo cậu Nguyên từ thuở nhỏ như những người hầu trung thành của các cậu ấm nhà có của. Nhưng Bảy biết kể từ khi dọn vào dinh thự, cậu Nguyên không có lấy một ngày vui, cậu không nói nhiều và gần như chẳng mấy khi cười. Bảy đã từng mất nhiều tâm tư để nghĩ xem mình hầu hạ có chỗ nào thiếu sót không mà chủ lại không vui đến thế.

Và giả như cậu Nguyên biết được tâm tư đứa đầy tớ của mình, thì hẳn người lương thiện ấy sẽ giải thích rằng cậu chẳng có chút phiền lòng gì về thằng bé hầu tận tuỵ kia đâu. Cậu buồn chẳng qua vì cuộc đời mình cầm như bị vùi vào một cái áo quan bằng gỗ và đóng đinh thật chặt, chẳng còn thấy được chút gì của ánh sáng, gió trời, và cũng chẳng mong có ngày thoát ra được. Cuộc đời cậu Nguyên là bị chôn sống kể từ đấy, và đất Sài Gòn rực sáng ánh điện thành thị này là một nấm mồ sống.

Cậu Nguyên vốn không phải là dân sinh ra ở đất Gia Định này, quê cậu ở tận miền Tây kia, đất Long An. Gia đình cậu là một địa chủ trung lưu, nghe đâu ông nội cậu là một ông quan cựu học, kể từ ngày lều chõng bị xếp xó đi, ông quan ấy phẫn uất cho cái buổi giao thời nên đã chuyển từ một ông quan đọc sách sang một ông địa chủ và một lái buôn. Buôn thóc lúa, mua ruộng về cho tá điền thuê, còn mở thêm một xưởng làm dầu mù u phân phối khắp Lục Tỉnh nữa.

Gia đình cậu Nguyên bao lâu nay có tiếng là địa chủ có đức, không hay hạch sách tá điền, không thu sưu cao còn gánh giúp tá điền một phần thuế nặng, đối đãi với người ăn kẻ ở cũng rộng rãi. Cậu Nguyên là con út trong nhà, lớn lên trong sự cưng chiều của cha mẹ và anh trai, của người vú già và mười mấy đầy tớ, con sen trong nhà. Nên từ lúc ra đời cho đến năm hai mươi tuổi, cậu Nguyên chưa bao giờ phải sầu lo, nặng nghĩ vì ai hay vì bất kì điều gì.

Bá hộ Phương, bố cậu Nguyên, tuy mỗi năm đều phải đôi ba phen qua lại với quan Tây để "các ngài" bớt những điều hạch sách công việc làm ăn trong nhà. Nhưng thân là con một nhà Nho, dù là một nhà Nho cuối mùa đi chăng nữa, thì ông bá hộ căm ghét việc phải học chữ Tây, phải học theo lối học tân thời. Nên đứa con đầu, cậu Phước, ông đã thu xếp cho không cần phải học trường tỉnh, nhưng đến đứa con út, cậu Nguyên, thì nhà nước bắt buộc phải đi. Thế là ông tìm một đứa bé mồ côi trong làng, mang về nhận làm con nuôi để đi "học thay" cậu út.

Còn cậu Nguyên, bá hộ Phương rước ngay một thầy đồ về để dạy chữ Nho, dạy sách thánh hiền. Nên cậu Nguyên lớn lên trong buổi Tây Tàu lẫn lộn nhưng chẳng có chút gì giống văn minh mới, ở cậu là tất cả những gì của nghìn năm văn hiến hội tụ lại. Áo dài the gấm, khăn đóng, quần lụa, guốc mộc, quạt châm, cậu còn học cả lối uống trà xưa và nhai trầu nữa.

Cậu thích đọc sách, uống trà, cậu chỉ giỏi ngâm Kiều, bình Lục Vân Tiên nên trong nhà cũng không nỡ để cậu phải làm việc gì nặng nhọc hay dính đến những việc con buôn như cò kè mặc cả với thương lái, hoặc đi giao thiệp với Tây. Cậu Nguyên thường chỉ làm mỗi việc là thay cha đi thăm ruộng đất cho tá điền thuê. Và mỗi khi ra ngoài đi thăm ruộng, người ta vẫn thấy cậu diện áo dài gấm, quần lụa trắng, đầu đội khăn xếp, tay cầm quạt châm, vừa đi vừa phe phẩy với nụ cười tủm tỉm trên môi. Trông phong lưu, nhàn hạ lắm.

Cậu Nguyên tính tình hiền lắm, lúc nào cũng tủm tỉm cười, nụ cười trong vắt, mát lành như hương sen ngày hạ, khiến ai nhìn vào cũng thấy êm ả trong lòng. Ở con người cậu là tất cả những gì thuộc về nền nếp hương xưa. Mà nào chỉ có vẻ bề ngoài, cách ăn nói, dáng điệu của cậu cũng ra vẻ con nhà gia giáo lắm. Với tá điền bao giờ cũng nói năng nhỏ nhẹ, dịu dàng, không có thói hạch sách và nói trên đầu trên cổ người ta như các cậu ấm khác. Dân làng xung quanh ai cũng khen nhà bá hộ Phương là "thế gia có học" và lấy làm kính trọng gia đình ấy, sự kính trọng xuất phát từ tấm lòng chứ không phải vì dăm ba sưu thuế ngày mùa.

Nhưng có lẽ cái nền Nho gia của nước Nam đã đến hồi tàn tận, nên đến cái gia đình địa chủ chỉ còn phảng phất chút Nho phong kia cũng chẳng tránh khỏi phận phải vùi trong lịch sử. Gia đình ấy bị quan Tây đến hạch sách là trong nhà có quân phản loạn, muốn tịch biên nhà cửa ruộng vườn.

Và ông bá hộ Phương, vì không muốn của cải bao thế hệ rơi vào tay quân "mắt xanh mũi lõ", đã châm lửa đốt nhà, đốt cả cơ nghiệp ra tro.

Mười mấy người đầy tớ, nô bộc, cả người vú già và cụ đồ ăn nhờ ở đậu để dạy chữ cho cậu út, với lòng trung thành đáng kính, đã nguyện ở lại trong đám lửa để theo hầu chủ ở thế giới bên kia.

Cậu Nguyên biết cha mình bao năm ăn chay niệm phật, đến cả một con dế con cua còn không nỡ giết, thì sao đủ nhẫn tâm mà đốt chết những mấy mươi mạng người ăn kẻ ở trong nhà. Nhưng quan Tây sau khi thu thập đám tro tàn, đã viết báo chiêu cáo thiên hạ như thế thì biết làm sao. Quan Tây lên án "phường nghịch tặc" giết tôi tớ trong nhà, là tội ác mà chính quyền Bảo Hộ liệt vào hạng phải tử hình và phạt vạ luôn cả con cháu.

Trong cái đêm lửa loạn ấy, có ba người của gia đình "phản tặc" kia thoát chết. Một là cậu cả Phước đang đi ngao du ở đâu đó tận miền Bắc, hai là cậu Nguyên và mẹ, hai người thuê xe lên Sài Gòn để khám bệnh cũ cho bà bá hộ. Và tin dữ kéo đến khiến chuyến xe đường về bị huỷ, bà bá hộ và cậu Nguyên phải ở lại Sài Gòn, không dám về quê cũ để thắp một tuần hương thất đầu cho cha, cho chồng mình.

Tang chồng, con trai cả bặt vô âm tín, mất cả cơ nghiệp bao đời, bà bá hộ trong một đêm mà như già đi mười mấy tuổi, bệnh kéo đến nhanh như ngã rạ, chả mấy chốc mà bà bá hộ đã thành kẻ ốm liệt giường.

Tang cha, mẹ ốm, nhưng cậu Nguyên giờ chẳng còn tiền để mua thuốc thang cho mẹ, nói chi tiền mua mâm cỗ cúng cha hay gửi thư ra Bắc cho anh trai. Thế là ở trong một gian nhà thuê ọp ẹp ở ngoại ô Sài Gòn, có người con trai cởi áo gấm the đi cầm cho hiệu buôn, mặc vào chiếc áo sơ mi trắng, thắt nơ bướm ở cổ, kiểu đồ tân thời mà trước đây cậu vẫn cho là "a dua a tòng" để vào làm bồi bàn cho khách sạn Parisien hòng mong kiếm được ít tiền thuốc thang cho mẹ.

Ở đây, cậu Nguyên vứt bỏ tên cha sinh mẹ đẻ của mình mà lấy một cái tên nghe rất Tây cho khách dễ gọi. Giờ cậu là John, là một thằng bồi có nhiệm vụ bưng rượu, bưng món ăn cho khách. Khi khách cần thì tháo chiếc khăn vắt ở thắt lưng ra để lau những đôi giày cao su cho bóng loáng, và sau khi xong việc sẽ kính cẩn ngửa hai tay để nhận vài đồng tiền "boa" của khách.

Ngoài những việc "nổi", phận bồi bàn ở một khách sạn cho Tây còn có những việc "chìm", tỉ như cầm chìa khoá phòng cho một cô gái Việt có cái tên đầm du dương đến một gian khách sạn được một viên quan Pháp, một nhà buôn Tây thuê sẵn. Hay chạy đi mua mấy viên thuốc "khẩn" cho khách tránh để lại một giọt máu bỏ hoang trên đời, hay nhận lệnh pha một vị thuốc nào đấy vào ly rượu để một "thượng đế" đã già héo gầy hom có được một cơn hoan lạc ngắn ngủi với những cô gái đáng tuổi cháu mình. Hay cầm lấy những chiếc khăn dính máu đỏ đánh dấu những "lần đầu tiên" gói lại cho khách, khi có một nhà buôn tin vào phong thuỷ và cho rằng chỉ có trinh nữ mới có thể giải cái xui rủi của việc thông thương.

Một năm làm ở khách sạn Tây, là một năm cậu Nguyên chôn hết những đạo đức, luân lý của tư tưởng vào nơi sâu nhất trong lòng mà trơ ra một nụ cười hiếu khách, để nhìn những cảnh trái tai gai mắt, để chứng kiến "những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Cậu chứng kiến những cô gái giọng Lục Tỉnh, tóc đen mắt đen, người lấm láp trong bộ bà ba, theo chân khách Tây vào khách sạn, để bước ra là những bà đầm sang trọng với cái tên Tây rất du dương, cậu nhìn những người phu xe già An Nam, cúi cái lưng còng, biến tấm lưng gồ ghề ấy thành chiếc ghế lót bằng da bọc xương cho những lão Tây bệ vệ dẫm lên mà bước lên xe kéo, cậu nhìn những người thiếu phụ trẻ ôm đứa bé đến trước cửa khách sạn mà bán tháo giá mấy đồng tiền.

Và những đứa bé ấy, tốt số gặp một ông tây bà đầm tốt bụng thì được phận con nuôi, hay một con sen thằng ở nhà trong nhà.

Còn như gặp nhầm mụ đầm nhà chứa, hay những lão Tây buôn mà cậu vẫn nghe đồn thích trẻ con, thì nơi đến là những nhà thổ, hay một dinh cơ nào đó mà sau này mười ba mười bốn tuổi sẽ có "lễ trưởng thành" và sau đấy là sống phận nhân tình nhân ngãi cho một người chồng hờ đáng tuổi ông mình.

Hoá ra cái "Hòn ngọc Viễn Đông" này là một nấm mồ sống, là nơi chôn sống bao nhiêu cuộc đời, là nơi ăn thịt người mà không để rơi vãi tí xương tí thịt nào. Cậu Nguyên thầm nhủ. Và rồi từ đó cậu thấy ghê sợ cái ánh sáng đô thị, cái khoảng trời bị thắp sáng bởi ánh điện của Sài Gòn. Ánh sáng của nơi ăn chơi bậc nhất Nam kì này là lối thắp sáng thâu đêm, cả một vùng trời đều bị ánh điện dưới mặt đất hắt lên thành một khoảng sáng rực rỡ mà không cần đến mặt trời. Dưới sức chi phối của ánh đèn màu ấy, đêm tối mất đi sự huyền bí của nó, và con người ta ở đây mất đi quyền được ngắm bầu trời đêm, bao nhiêu tinh tú, rồi trăng già hay non, đều trở nên ảm đạm trước cái ánh sáng nóng bức và rực rỡ kia.

Nhưng lúc ấy đời cậu Nguyên vẫn chưa bị cái mồ sống ấy vùi xuống đất. Nghĩa là cậu vẫn còn giữ chút giá mình và tự cho mình chưa làm ra chuyện gì phải nhơ nhuốc gia giáo và mất mặt tổ tiên. Dù cậu được nhận vào làm khách sạn bởi khuôn mặt thanh tú, đượm nét nho nhã của người phương Đông mà theo lời người bồi trưởng khách sạn là: "Mấy ngài, mấy quan thích nhất kiểu phong tình Đông phương thế này."

Cậu Nguyên ghét chữ "phong tình" mà tay bồi trưởng, kiêm dắt mối gán lên người mình. Cậu chỉ ước ao dành dụm được một số tiền khấm khá, và bệnh tình của mẹ thuyên giảm, sẽ dắt mẹ rời khỏi nấm mồ sống này ngay lập tức. Xa hắn cái ánh sáng đô thị rực rỡ đến loá mắt này.

Nhưng sống ở nơi lẫn lộn giá người thế này, cậu Nguyên chưa kịp rời đi thì đã bị thứ ánh sáng của Sài thành nuốt chửng. Và cái mồ sống của đời cậu đã mở sẵn cửa, đợi người rơi vào là lấp đất và đặt ngay bài vị cho một đời lương thiện.

Ấy là khi cái bệnh lao bùng phát khắp nơi, và những xóm nghèo ngoại thành, nơi người dân sống lây lất, lần hồi, phải chen chút trong những căn nhà ọp ẹp là nơi phát dịch dữ dội nhất. Cậu Nguyên còn trẻ và khoẻ mạnh nên không sao, nhưng mẹ cậu, người đàn bà goá chồng đã liệt giường trường kì thì không sao tránh khỏi.

Bệnh lao cần phải đến nằm ở nhà thương Tây thì mới có cơ may khỏi bệnh. Mà tiền để mua thuốc ngoài còn chẳng có, nói chi là mua giường nằm ở nhà thương.

***

Khi còn người ta lâm vào cảnh cùng thời mạt vận, đã túng quẫn đến độ chẳng còn biết lần hồi vào đâu được nữa thì cái giá để làm người mà một kẻ tự cho là lương thiện cố giữ cũng chẳng thể trông cậy vào. Lúc này đồng tiền có sức mạnh ghê gớm, có ma lực mãnh liệt riêng của nó, nó mua được hết thảy, kể cả thiên lương của đời người.

Cậu Nguyên cay đắng nghĩ, và sau bao đêm dài thức trắng nhìn mẹ mình ho ra máu, cậu Nguyên cắn răng đem bán cái giá mình mà cậu gìn giữ suốt hai mươi năm, và vẫn cố giữ rịt lấy trước sự nuốt chửng của thị thành.

Giờ cậu Nguyên đem mình ra bán. Nếu là một kẻ không có lấy chút tự trọng nào cho đời mình, thì bán thân cũng như bán đồ vật, bán công hay bán sức mà thôi, vui thì bán buồn thì lại thôi. Nhưng với người lớn lên trong nền nếp, biết trọng lấy mình như cậu, thì bán một lần chính là bán đứt. Bán hết đi cái lương thiện của con nhà lành, bán đi luân lý của một người con trai gia giáo, từ rày về sau chẳng còn chút gì nữa.

Cậu Nguyên nghe theo lời tay dẫn mối, phải tắm rửa sạch sẽ, phải xức thứ nước thơm được cất tại Châu Âu và rồi nằm trần trong phòng khách sạn mà đợi khách mua đến.

Cậu Nguyên ngâm mình trong bồn tắm bằng bê tông mà nhớ lại ngày cũ, lúc gia đình vẫn còn sung túc, mấy ngày tiên thường và chánh kỵ, mấy ngày rằm và mùng một, cậu đều dùng nước giếng để rửa ráy sạch sẽ, gội đầu bằng thứ nước nấu với hoa bưởi để bản thân được thanh tịnh mà dâng hương cho tiên tổ, hay đi lễ chùa.

Lúc ấy, tắm là để bản thân thêm trong sạch, để đợi lấy những gì trang nghiêm, thành kính nhất. Nhưng giờ tắm là để chờ đợi những nhơ nhuốc trát vào mình, và rồi từ nay về sau cái cậu Nguyên mặc áo the gấm, quần lụa, khăn đóng gọn gàng, cầm lấy nén hương mà khấn vái trước bàn thờ tiên tổ, cậu Nguyên ấy đã chết, chết hẳn đi không tìm lại được.

Kể cả qua đêm nay và sau này, giả như cậu còn sống, thì cậu Nguyên cũng chẳng còn dám đứng trước bàn thờ tổ tiên hay thần Phật, nói chi đến dâng hương, cậu tự thấy mình nhơ nhuốc đến cực độ.

Và rồi thời gian chờ đợi dài và tuyệt vọng như tử tù chờ ngày hành quyết cũng hết. Cửa phòng khách sạn mở ra, và vị "khách quý" của cậu, ngài Robert, đến.

Bọn trai trẻ làm nghề ăn sương đêm cùng khách sạn với cậu tấm tắc bảo cậu tốt số. Ngài Robert còn trẻ, nhiều tiền và lịch thiệp, không như những lão già mà các cậu ấy phải hầu ngủ.

"Ngài Robert trước đây không thích đàn ông, nhưng thấy cậu thì ngài ta chọn cậu và chỉ muốn mỗi cậu thôi." – Người chủ quản đám "cậu khách" trong khách sạn nói.

Ngài Robert trong mắt cậu Nguyên cũng không có chỗ nào đặc biệt cho lắm. Một cái mũi, một cái miệng và hai con mắt, màu mắt xanh biếc đặc trưng của người Pháp, tóc vàng dày mướt như tơ, mũi cao môi mỏng, với dân Tây thì thế là điển trai và phong lưu. Nhưng cậu Nguyên chỉ quen với nét đẹp phương Đông thì trông không có gì khác nhau giữa những khuôn mặt Tây cứ nhan nhác nhau như thế.

Ngài Robert lột tấm chăn trùm trên người cậu ra, và thân thể không còn gì che đậy của cậu bị lột trần ra hết. Cậu Nguyên tuy chưa trải qua chuyện phong tình, nhưng hai mươi tuổi ở quê đã là tuổi cưới vợ gả chồng, cậu được dạy về chuyện chăn gối là thứ thiêng liêng và cao quý trong đời sống tình cảm, là sự quý giá mà vợ chồng trao nhau. Khi người ta trần trụi trước mặt nhau nghĩ là trao nhau hết cả, từ tấm lòng đến thể xác.

Nhưng giờ cậu Nguyên đang trần trụi trước mặt kẻ lạ, cậu đem sự thiêng liêng của đời người ra đổi lấy tờ bạc Tây.

Nghĩ đến đó, cậu Nguyên phải nhắm mắt lại để giọt nước mắt tủi nhục không tràn ra khỏi khoé mi, để không phải đối diện với đôi mắt xanh biếc đang nhìn chằm chằm vào cậu, ánh mắt miết trên da thịt ấy khiến cậu rợn người.

Ngài Robert vươn tay tắt đèn phòng, bóng tối ập đến và cậu Nguyên cảm thấy thân hình to lớn của ngài đè lên người mình, da thịt kề nhau và mỗi lúc càng gần thêm nữa.

***

Sau đêm đầu tiên ấy, cậu Nguyên dọn vào dinh cơ mà ngài Robert đã chuẩn bị trước. Bởi cậu Nguyên bán cho ngài Robert không phải một đêm hay vài đêm, mà là bán lâu dài. Ngài Robert sẵn lòng chi trả một số tiền để cứu chữa cho mẹ cậu, thậm chí lo chỗ ăn chỗ ở cho cậu, cậu có mỗi công việc là chiều chuộng mỗi khi ngài muốn. Bọn bồi bàn, các cô gái cậu trai buôn phấn bán hương vẫn cho đó là sung sướng.

Khi đến ngôi nhà gạch lợp ngói âm dương, nền nhà lát gạch lá nem, tường treo những bức hoành phi ghi câu đối chữ Hán, trước nhà có sân gạch đặt chậu hoa, có hòn non bộ, sau nhà có vườn tược, giếng nước hàng cau và bộ ván ngựa, cậu Nguyên đã suýt bật khóc. Ngôi nhà này làm cậu nhớ đến ngôi nhà tổ của dòng họ, nơi mình đã lớn lên.

Hơn một năm từ cậu ấm phong lưu thành gã bồi khách sạn, chật vật với cuộc sống nơi đô hội, cậu Nguyên gần như đã quên mất gian nhà cổ tĩnh lặng, quên nơi chôn rau cắt rốn của mình. Nhưng giờ đây đến nơi từa tựa cảnh xưa, cậu mới biết hồn quê của mình còn sâu lắm, chỉ cần chút ngờ ngợ thôi đã ào ạt kéo về.

Nhưng cạnh bên cái tình cố lý đang chảy tràn trong cậu, là sự tủi nhục như cô gái ăn sương phải về thăm cha mẹ, cái nhục luỵ và nhơ nhuốc của tấm thân truỵ lạc ở trước nơi thân thuộc này như đang phơi bày rõ hơn bao giờ hết. Cậu cảm thấy cái thân rẻ rúng của mình mà đặt vào cảnh thanh tịnh cổ kính này là sự xúc phạm một gian nhà xây công phu theo lối Nam bộ.

Và từ đó, một gian nhà trông không khác mấy ngôi nhà tổ đã cháy ra tro của cậu lại thành một cái nhà giam, giam lỏng cậu Nguyên.

Ngài Robert không cấm cậu ra ngoài, nhưng cậu Nguyên không muốn lấy khuôn mặt đã "dày dạn gió sương" của mình mà nhìn đời. Ngài cũng cho cậu một món tiền nhỏ để mua sắm theo sở thích, nhưng cậu Nguyên chưa bao giờ đụng vào. Cậu thấy đồng tiền của Tây là đồng tiền bẩn. Sự căm thù bọn Tây trước đây chỉ ngờ ngợ trong lòng, từ ngày tan cửa nát nhà đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nên cậu Nguyên thấy làm việc ở khách sạn phục vụ Tây Tàu là nhục cho mình, thì ngửa thân ra mà ăn nằm với Tây lại càng là chuyện đồi bại gia phong, xấu mặt tổ tiên và cậu thì chẳng khác nào lũ me tây hay bọn bán nước cầu vinh. Lấy thân mình ra mà đổi lấy vài đồng tiền của bọn cướp nước và giày xéo quê hương mình, phá hoại cả cơ nghiệp nhà mình. Còn gì nhục nhã, tồi tàn hơn thân cậu lúc này.

Dù tên quan Tây đã ra lệnh khám nhà, tịch biên gia sản của gia đình cậu không dính dáng gì đến ngài Robert cả.

Ngài Robert là con trai một viên quan lớn ở Sài Gòn, nghe đâu ngài còn có dính dáng đến quân bảo hộ nữa cơ. Chuyện ấy càng làm cậu Nguyên thấy lờm lợm, ngoài kia máu đỏ thịt vàng của những đầu tóc đen đã mất ít nhiều trong tay tên quan Tây này?

Cậu đang ăn ở với một tên ác quỷ, một con quái vật giết chóc đồng bào mình, bàn tay đang vuốt ve người cậu đây phút trước đã thấm bao nhiêu máu của dân An Nam rồi?

Cậu Nguyên sợ, tởm và thói quen ấy thể hiện ra ngày một rõ. Cậu nhắm tịt mắt lại mỗi khi chung chăn gối, sau khi xong việc mà ngài Robert còn chưa về và muốn ngủ lại thì cậu bao giờ cũng co người lại và lui tuốt vào trong xó.

Thậm chí mỗi khi qua một lần chung đụng, cậu Nguyên vào nhà tắm với cái cớ tắm rửa, nhưng thật ra là nôn thốc nôn tháo vào cái bồn cầu men sứ.

Cậu Nguyên và ngài Robert sống cùng nhau đã ba tháng, nhưng cả hai chưa nói với nhau được lời nào. Cậu không sõi tiếng Tây, còn Robert chắc chắn không giỏi tiếng Việt. Từ đêm đầu tiên trong khách sạn cho đến lúc về nhà, đều có một thằng bé thông ngôn ở giữa làm cầu nối cho cả hai. Nhận thấy không có người phiên dịch thì thật không tiện nên ngày Robert đã mua luôn thằng bé ấy làm người hầu cho cậu Nguyên, đó là lý do Bảy dọn vào ngôi nhà gạch cổ kính ở số 10 đường Premier.

***

Trong những năm tháng hầu hạ và kiêm luôn công việc thông ngôn cho hai người sống trong căn nhà này. Bảy thấy chưa có sự chung đụng tình ái nào, kể cả tình ái mua bằng tiền, lại có thể lạnh lẽo được như ở đây.

Những gì ngài Robert muốn nói với cậu Nguyên chỉ vỏn vẹn mấy câu:

"Sức khoẻ mẹ cậu đang được chăm sóc tốt tại bệnh viện."

"Ngày mốt ta sẽ đến đây nghỉ đêm, cậu hãy chuẩn bị và đêm đó ta sẽ ăn tối ở đây."

"Ta sẽ đến đây ở liền ba ngày, bảo cậu ấy hãy chuẩn bị."

Còn những gì cậu Nguyên muốn nói thì chưa bao giờ ngoài hai chữ: "Biết rồi."

Ngôi nhà này như một nấm mồ hoang vậy, và hai người ra vào nơi này là hai cái xác người. Mồ hoang vô chủ, không khói hương cũng chỉ lạnh được đến thế này thôi. Bảy nhủ thầm.

Nhưng sau đó, Bảy mới biết mình lầm. Xác người còn thở của nhà này chỉ có cậu Nguyên thôi. Còn ngài Robert hãy còn "ấm" lắm, ấm cả trong tâm hồn, ấm cả trái tim.

***

Ngài Robert rộng lượng, hay giúp đỡ người dân An Nam nghèo như Bảy, nhưng điều ấy cậu Nguyên không biết. Vì cậu cả ngày chỉ ngồi thẫn thờ như một cái xác không hồn mà thôi. Thứ duy nhất giữ cậu còn sống là nhịp thở thoi thóp của một con bệnh đang nằm trong nhà thương Tây, người mẹ mắc bệnh lao của cậu.

Ngài Robert cố níu kéo cậu Nguyên, dù tuyệt vọng,  khỏi nấm mồ hoang ở số 10 đường Premier, ngài mua những áo the áo gấm, quần lĩnh quần lụa, quạt châm, khăn đóng, đặt vào rương trong phòng ngủ, số đo đều vừa vặn với cậu Nguyên. Bảy nghe nói vào thuở còn giàu có, đấy là trang phục câu Nguyên hay mặc, cậu yêu áo gấm xanh màu mạ non và quần lụa trắng, cậu thích chiếc quạt châm đậm chất An Nam thay vì áo sơ mi, quần âu của văn minh mới.

Những thứ đó, cậu Nguyên chưa bao giờ đụng vào, cậu chỉ mặc áo ngủ lụa kiểu Tây. Và đôi mắt xanh của ngài Robert khi nhìn đến những chiếc quần lĩnh và áo gấm còn mới nguyên chưa động đến, đã thoáng một nỗi buồn da diết như người bị phụ tình.

Ngài Robert mua trà mạn, mứt sen, bánh đậu xanh, bánh cốm và cả cau trầu cho cậu Nguyên dùng. Ngài sai Bảy bày hết những thứ đó ra bộ ván ngựa kê ngoài vườn rồi gọi cậu Nguyên đến, cậu Nguyên đã dợm bước đến cửa rồi nhưng nhìn thấy những thức quà rất đỗi quen thuộc kia, đã lập tức quay gót trở về và cáo ốm không đến.

Thế là ngài Robert ngồi uống trà mạn, ăn mứt sen và nhai trầu một mình.

Một ông quan Tây lại cầm chén quân của bộ đồ trà Tàu, nhai trầu được têm sẵn trong cơi đựng sơn đen kiểu Việt, đúng là cái cảnh ngược đời, và mặt ông Tây ấy trông cũng lạc lõng y như cảnh vậy.

Nhiều lần Bảy muốn nói với cậu Nguyên về những sự vụn vặt của ngài Robert, muốn nói cho cậu giấy quyển cậu dùng viết chữ Nôm chữ Hán, mấy quyển Đoạn Trường, Lục Vân Tiên hay Vũ Trung Tuỳ Bút cậu đọc đều do ngài Robert dặn dò mua cả.

Đến mâm cơm rất cổ điển theo kiểu An Nam với canh riêu cua đồng, cá kho, mắm kho,... cũng là ngài Robert dặn dò chuẩn bị cho cậu.

Nhưng Bảy biết cậu Nguyên sẽ không nghe, bởi vào một ngày hiếm hoi cậu chịu ngồi vào mâm cơm với ngài Robert, thấy ngài cầm đũa gắp cho mình miếng cá trê chiên mắm gừng, ngượng nghịu nói bằng giọng An Nam: "Cậu ăn đi cho nóng!"

Cái sắc mặt cậu Nguyên lúc ấy đến là đáng sợ. Bảy rùng mình khi nhớ lại, như thể thấy thứ gì đáng ghê sợ, kinh khiếp lắm, mặt cậu nhăn như nuốt phải ruồi, chén cơm bằng sứ Bát Tràng rơi xuống đất, tiếng loảng xoảng của chiếc bát vỡ, của miếng cá vừa được gắp lẫn vào cơm trắng đã khiến mâm cơm nóng sốt thoáng chốc đã lạnh. Cái lạnh từ lòng người thấm cả vào những món ăn ấm cúng.

"Cậu Nguyên lúc ấy đã nghĩ gì mà lộ vẻ mặt đáng sợ như thế?" - Bảy tự hỏi.

Bảy không biết, nhưng ngài Robert thì rất rõ. Cậu cảm thấy tức giận khi một gã Tây mũi lõ lại có thể dùng đũa thành thạo như một người An Nam thuần tuý, quân cướp nước lại dám mở miệng nói tiếng An Nam của cậu. Sự căm thù, ghét bỏ của cậu Nguyên đã cao lắm, đã ngập qua đầu rồi. Cậu giờ như một món đồ sứ đã nung quá lửa mà vẫn còn đặt trong lò, lúc nào cũng có thể nứt vỡ.

Cậu căm hận dân Tây, quan Pháp cực độ, lại bị bắt phải ở cạnh một thằng Tây có quân hàm của chính phủ Pháp. Hỏi trên đời còn sự gì hành hạ, dày vò con người ta nhiều hơn thế.

Ngài Robert biết, nên từ đấy ngài không dám mở miệng nói nữa. Ánh mắt của ngài nhìn cậu cũng đã giấu kín đi nhiều sự thiết tha, quý trọng. Cậu Nguyên luôn tránh khỏi nhãn tuyến của ngài như tránh tà nên chắc cậu cũng chẳng nhận ra.

Mà kể ra cặp mắt xanh của ngài cũng khó biểu lộ cảm xúc chân thật nhất, bởi cái màu xanh trong ấy hơi đùng đục, nhìn giả như một thứ nhựa nào đấy và không có chút hơi người nào.

Ừ thì cái màu xanh này vốn do một vật nhân tạo hô biến ra mà. Robert gỡ cái thấu kính tạo màu xanh lam trên mắt mình xuống, đây là thứ mà père – tức là bố đẻ của ngài – tướng Robin – đặt mua từ tận những nhà khoa học bên trời Âu gửi về cho ngài, cái thứ này đeo thì xốn mắt, khó chịu và về lâu về dài thì suy giảm thị lực nhiều lắm. Nhưng Robert vẫn phải đeo để vui lòng bố, vì nó giấu đi đôi mắt tối màu của dân An Nam, chặt đứt gốc gác ti tiện của ngài trong mắt bố, để ngài trở thành một đứa con thuần tuý Tây phương đích thực.

Những lúc ở riêng một mình, ngài Robert mới dám cởi hai miếng nhựa mỏng treo trên mắt mình, lấy nước gội sạch thứ thuốc nhuộm màu vàng dính trên đầu mình, màu tóc và mắt đen của phương Đông hiện ra. Lúc này những đường nét sắc sảo phương Tây trên mặt ngài Robert dịu lại. Và nếu cậu Nguyên có ở đây, cậu sẽ nhận ra chẳng còn ngài Robert nào cả, chỉ có một chàng Tây lai có nét mặt ngờ ngợ quen thuộc, đang ngồi đó nghĩ về người yêu với ánh mắt dịu dàng, say đắm.

***

Vào lúc bá hộ Phương còn sống, vì không muốn con trai út phải đi học trường Tây, ông đã tìm một thằng bé mồ côi, sống nhờ cơm canh cả làng về làm con nuôi và gửi nó đi học trường tỉnh. Đấy là thằng Hợi, cũng là 'tiền thân' của ngài Robert.

Thằng Hợi là con lai, bị bỏ ở đình làng, không biết mẹ nó là ai nhưng ai cũng chắc mẩm mẹ nó là một con me Tây thứ thiệt, đến cả con với Tây còn đẻ cơ mà. Nên thằng Hợi mồ côi tuy không chết đói, nhưng bao giờ cũng là đứa cuối cùng xin được cơm của các gia đình trong làng, là đứa bị lũ trẻ con trong làng đánh đập nhiều nhất, và mỗi khi có ai trong làng bị mất cắp, dù chỉ là cuộn chỉ cái kim hay vài quan tiền, nó đều bị lôi ra mắng chửi.

"Thằng con hoang của đứa me tây không lấy thì ai lấy?"

Câu chửi đó Hợi nghe đã quen.

Nên khi được bá hộ Phương mang về nhà, nhìn thằng bé xinh trai chỉn chu trong bộ áo dài gấm xanh, ngồi trên ghế tuy không ném nghiên mực hay thứ gì về phía nó, nhưng ánh mắt nhìn đến gương mặt có sóng mũi cao đặc trưng của người Tây phương thì lộ vẻ khinh ghét và khó chịu, Hợi cũng không lấy làm kinh ngạc.

Bá hộ Phương ngồi cạnh, thấy con mình như thế thì lên tiếng răn dạy:

- Đây là thằng em con, nó sẽ thay con học trường Tây. Nó thay con nhận một việc con không muốn thì con phải đối xử thế nào với nó cho phải đạo?

Nghe cha mắng, thằng bé cúi đầu ra vẻ hối lỗi. Và ánh mắt khi nhìn về phía Hợi tuy vẫn còn e dè, nhưng đã mất đi sự thù hằn khinh thị.

Vào lúc đôi mắt đen láy kia nhìn về mình không còn vẻ ghét bỏ nữa, Hợi mới đủ can đảm để nhìn kĩ dung mạo "anh trai mới" nhỏ hơn mình tận ba tuổi.

Và khi "anh trai mới" ấy mỉm cười nhìn nó, Hợi thấy mình đã gặp được nụ cười đẹp nhất trần gian.

Nguyên nhìn đứa bé mồ côi vô tội, mỉm cười bao dung, như lời xin lỗi cho sự khinh thị vừa rồi. Nụ cười trong trẻo, mát lành, đẹp và hiền như hoa sen ngày hạ, khiến thằng Hợi quê mùa chỉ đứng nhìn thôi đã nghe lòng mình ngây ngẩn, cái đẹp không chỉ ở mắt nhìn, mà còn vì sự thân thiện, hiền hoà trong nụ cười ấy cứ như hương sen thoang thoảng thấm vào trong dạ, làm lòng đứa bé mồ côi đã chan chứa tủi cực vợi đi ít nhiều.

Nụ cười thơ ngây mà đẹp nao lòng ấy khiến bao nhiêu buồn khổ như đi đâu hết cả, tâm hồn Hợi tươi mát và trong lành như người đang đứng giữa đầm sen, trong buồng phổi tràn ngập hương vị mát lành của trời đất.

Ai bảo cậu Nguyên là đứa trẻ đầu tiên gặp Hợi mà không ghét bỏ cái khuôn mặt lai căng của nó.

Kể từ đó, sống ở nhà bá hộ Phương, Hợi không còn lo ăn lo mặc nữa, ngoài việc mỗi ngày đi trường tỉnh thay cậu, thời gian còn lại Hợi được ông Phương sắp xếp cho theo hầu "anh trai" – tức cậu Nguyên. Bưng nghiên mực, thay bút, đóng giấy quyển cho "anh", hay cùng anh đi ra đầm hái sen, hái hoa bưởi nấu nước, đi tìm hoa nhài để sao chè. Bao nhiêu thú chơi thanh nhã của người xưa, cậu Nguyên làm gì thì Hợi theo đấy.

Thế nên Hợi hiểu về cậu Nguyên nhiều lắm. Hợi biết cậu Nguyên thích lối ăn mặc của người xưa, ghét tân thời. Hợi biết cậu Nguyên trong chuyện thơ văn hay pha trà nấu nước thì khó khăn, nước sôi quá cũng chẳng được, mà nước nấu chưa đủ nóng cũng chẳng xong. Nhưng với chuyện ăn uống thì cậu chân chất dễ tính lắm, cứ cá đồng mắm nội mà ăn, không đòi cao lương mỹ vị gì cả. Và ghét nhất là mấy thứ bánh tây, bơ sữa của Pháp.

Và tính cậu Nguyên thì lành lắm, lòng cậu mềm mại như cánh sen non và tâm tính của cậu thì trong trẻo như những giọt sương đọng lại trên lá sen mà Hợi hay thu lấy để cậu pha trà. Năm ấy cậu Nguyên tám tuổi, chưa đủ tuổi để ăn trầu uống trà như người lớn, nhưng việc têm trầu cho cha mẹ và thầy, cũng như pha trà tiếp khách trong nhà do một tay cậu làm cả.

Có lần tay chân Hợi vụng về têm hư một lá trầu tươi, cậu Nguyên gắt:

- Trầu cau là thứ cha ông để lại, cái gì có thể dễ dãi chứ tục lệ của người xưa thì phải làm cho đúng chứ?

Bị mắng, Hợi không dám lên tiếng, chỉ tủi thân cúi đầu nhìn xuống ngón chân mình.

Vẻ buồn bã của thằng bé lớn xác kia khiến cậu Nguyên mủi lòng, và giọng cậu dịu lại:

- Em đừng têm gấp gáp thế, cái gì cũng phải học từng chút một. Lại đây, cậu dạy em têm.

Và rồi cậu chủ sang trọng mặc áo gấm trắng, cầm lấy tay thằng hầu quê mùa mà chỉ nó têm từng lá trầu một, hay phải làm sao để pha một ấm trà thật khéo.

Tay cậu Nguyên từ xưa đến giờ chưa động đến việc gì nặng nhọc, nên mềm lắm, trắng lắm, cầm lấy bàn tay nhiều vết chai và đen đúa của Hợi trông chênh lệch nhau là thế mà cậu chẳng có chút gì e ngại, cứ đặt tay thằng bé trong tay mình, cầm từng ngón mà chỉ bảo cẩn thận.

Thằng Hợi lần đầu được nắm tay, và nó nghĩ đó là đôi bàn tay ấm và đẹp nhất trên đời.

Còn cậu Nguyên là đứa bé xinh xẻo và tốt bụng nhất nó từng gặp. Cứ như cậu là tiên đồng bước ra từ truyện cổ nào đấy vậy, ở cậu thấm đượm mùi thơ văn, thanh tao và tinh khiết như búp sen non được tỉ mẩn chọn ra để dâng lên bàn thờ Phật. Được theo hầu cậu, Hợi nghĩ không có việc gì ở thế gian này vui sướng hơn thế nữa.

Hợi tưởng mình sẽ được theo hầu cậu Nguyên đến lớn, đến già. Đến khi cậu Nguyên cưới vợ sinh con, Hợi lại chăm con cho cậu Nguyên, từ 'thằng Hợi' đến 'lão Hợi', rồi lúc nằm xuống sẽ được cái vinh dự nằm trên đất của cậu Nguyên.

Nhưng ngờ đâu cái ước mong giản dị ấy không thành, vì bố đẻ của Hợi – tướng Robin tìm đến. Không muốn để lộ thằng con độc đinh của mình là lai gốc An Nam, ngài Robin làm giả tin tức Hợi té sông bị nước cuốn trôi và mang Hợi đi.

Phải rời đi đột ngột nên Hợi chẳng có dịp quay về ngôi nhà gạch của bá hộ Phương để xem xem cậu Nguyên sẽ thế nào nếu không có mình hầu hạ bên cạnh. Nghe nói cậu Nguyên khóc và buồn nhiều lắm, còn xin cha cho lập mộ gió thờ mình, để mình không thành cô hồn lủi thủi.

Nghe người vú già An Nam kể lại như thế, trên ô tô lên Sài Gòn, Hợi bật khóc.

***

Thằng Hợi té sông bị nước cuốn trôi chết, giờ chỉ còn Robert.

Robert phải học tiếng Pháp, theo đạo Chúa, học lấy vinh dự của con dân đế quốc mặt trời vĩ đại. Robert được dạy dân An Nam là giống cứng đầu cần phải mạnh tay mà "khai hoá", mà "mở mang văn minh", để cái nền văn minh sáng rọi của nước Pháp diệt hết đi những "phong tục dị đoan" của dân An Nam.

Trong những năm tháng thằng Hợi được trui rèn thành ngài Robert điềm đạm, lạnh lùng và tàn nhẫn ấy. Hợi bị bố ném vào trại giam của Pháp, để Hợi chính tay tra tấn đồng bào An Nam, Hợi được bố mang ra pháp trường xem xử tử dân An Nam phiến loạn, Hợi được bố dẫn đi tàn sát cả một dòng họ, một ngôi làng "nuôi giấu địch". Và từ thằng Hợi để thành được Robert là bao nhiêu máu tươi của dân An Nam đổ xuống.

Đến ngài Robert còn tự thấy ghê tay, tự thấy những oan hồn người chết – nếu như ngài vẫn tin vào chân lý luân hồi của An Nam mà thằng Hợi từng được cậu Nguyên giảng giải cho, thay vì thiên đàng và luyện ngục của phương Tây – thì bao nhiêu oan hồn đang đè nặng trên đầu, trên vai mình. Máu tươi rờn rợn khắp nơi trên da thịt, có tắm táp bằng bao nhiêu thứ nước thơm cũng không phai đi mùi máu.

Cái quá trình trui rèn từ thằng Annamite(*) mồ côi tên Hợi thành vị tướng trẻ tuổi Robert tàn nhẫn quá, nó không chỉ cướp đi hết những gì lương thiện, tốt lành mà thằng Hợi có, nó còn khiến Robert không lúc nào yên khuây.

Hợi biết ông bố Pháp của mình, sau một trận bạo bệnh và con trai cả bị giết, tuổi già không thể có thêm đứa con thứ hai, mới nhớ đến đứa con rơi con rớt mà mình vô tình để lại sau một cuộc tình qua quýt nào đấy. Nên Robert trong mắt ông chỉ như một thứ công cụ sống, ông cần người kế nghiệp có quốc tịch Pháp, tham gia vào quân đội của chính quyền, tiếp tục giữ vững quyền lực ở đất An Nam này, để bao nhiêu của chìm của nổi mà tướng Robin tích góp cả đời không rơi vào tay những viên tướng khác.

Robert được dạy nhiều thứ mà thằng Hợi không học được. Robert phải học cách tàn nhẫn với lũ An Nam "quỷ quyệt", Robert phải học cách viết những chiến công nộp cho chính quyền bằng máu và những cái đầu phản loạn của dân da vàng, có tội hay không có hề chi, chỉ cần chém nhiều hơn nữa, giết nhiều hơn nữa thì chiến công sẽ dày thêm một bậc.

Tướng Robin không phải một ông bố hiền lành, nhưng Robert luôn cố gắng làm một đứa con chí hiếu, sẵn sàng làm vui lòng bố. Ai bảo ông bố ấy của ngài có quyền uy quá, nếu ngài không làm ông vui lòng thì biết đâu ngôi làng nhỏ ở đất Long An nơi mà thằng Hợi lớn lên sẽ không thành một ngôi làng bị bêu đầu cho cái danh phản loạn, chỉ vì một cơn giận của tướng Robin.

Ngài Robin vẫn thường chỉ vào thằng Hợi - lúc chưa thành được Robert - mỗi khi nó vô tình nói tiếng An Nam hoặc có một cử chỉ gì giống dân thuộc địa, như ăn món mắm kho đồng quê, hay uống chè tươi:

- Mày bỏ ngay cái thói ti tiện ấy cho ta. Sống mấy năm với lũ An Nam, bọn nó toàn dạy mày những thói ăn lông ở lỗ thế à? Lũ mạt hạng.

Kể từ đó, Robert tịnh không dám mở mồm nói một câu tiếng An Nam nào nữa. Và ngài quyết thành một đứa con ngoan, tạo thật nhiều huân công để làm vui lòng bố. Ngài giấu thằng Hợi chất phác, quê mùa của năm xưa vào lòng, để một Robert mạnh mẽ, tàn nhẫn chiếm lấy mình.

Nhưng chỉ có ngài biết, thằng Hợi năm xưa không chết hẳn đi, sức sống của nó mãnh liệt lắm. Ai bảo cái quãng thời gian ở trong ngôi nhà của ông bà bá hộ hiền lành và được hầu hạ kề cận cậu chủ nhỏ hạnh phúc quá, êm đềm quá, khiến thằng Hợi nhớ hoài không buông được.

Trời ơi, giá như không có ba năm ấy, biết đâu thằng Hợi mồ côi quen chịu nhiều khinh nhục sẽ chẳng sinh lòng oán ghét trời Nam mà thành Robert thực thụ.

Nhưng ai bảo số trời như thế, ông bà bá hộ nhân từ quá và cậu chủ nhỏ thì đẹp và hiền quá, nên thằng Hợi không bị giết hẳn đi.

Thành ra có một Robert không hoàn toàn, một Robert không biết rằng giữa thằng Hợi và vị quan Tây Robert thì đâu mới là cái bóng, đâu là người thật.

Thế nên có một viên quan Tây Robert vào mỗi ngày Chúa Nhật đều đến nhà thờ như tín đồ trung thành nhất. Và rồi trước tượng Chúa chỉ là một thằng người với những câu hỏi mông lung: rốt cục Robert là gì? Hắn sinh ra để làm gì? Hắn là người hiền lành hay tàn nhẫn? Trong hắn có còn chút tính người nào không? Những gì mà "thằng Hợi" để lại đã chết hẳn trong hắn chưa? 

Nên cậu ấm Robert ấy khi được bố cho gặp mặt người đời, đã không còn chút gì của Annamite cả. Cậu ta trông lịch lãm và sang trọng lắm. Và cái gốc gác An Nam, ngôi nhà gạch với ông bà bá hộ hiền từ, những người đầy tớ luôn vui cười vì có chủ nhân tốt bụng, và cậu chủ hay dẫn mình đi hái hoa sen về lấy hạt, dạy mình mài mực, cầm tay mình mà tập từng nét bút lông,... Tất cả đã thành một dĩ vãng mờ mịt trong tâm trí. Nếu như không gặp lại người xưa ở ngay đất Sài Gòn này.

Người mà năm xưa mình không dám có một ý nghĩ gì lớn mật, người mà tưởng rằng mình chỉ có thể theo hầu phía sau và câm lặng mà nhìn cậu chủ cưới vợ sinh con. Cái người đã từng bao phen làm lòng mình ngây ngẩn, người con trai đất Nam kì đẹp và hiền như hoa sen, một người nho nhã và phong lưu mà bản thân không dám tìm về giáp mặt. Một người xa vời vợi tưởng như không bao giờ chạm đến, giờ đã một đoá sen bị cắt ngang cuống và mang khỏi đầm, đã chớm khô héo giữa nơi không còn nắng gió, đã là những cánh hoa mà mình vươn tay là nắm được, là có thể bóp nát cánh sen mềm ấy trong tay.

Ngài Robert bao năm nổi tiếng ăn chơi đến chốn và trên chiến trường cũng như quan trường sát phạt quyết đoán là thế, giờ lại ngập ngừng, nửa muốn nửa không. Nhưng rồi sự tàn nhẫn, ích kỷ của Robert đã thắng, hay cái sở nguyện nhỏ nhoi chôn sâu trong lòng của "thằng Hợi" ngày xưa cũng dần bị sự tham lam bao phủ, khiến Robert đưa ra một quyết định mà ngài cũng tự thấy là hèn hạ. Lấy tiền tài ra để ép chủ cũ vào đường cùng, để rồi ánh mắt, nụ cười và cả trong lẫn ngoài của người con trai ấy đều thuộc về ngài.

Ngài không mang sen trở về với ao đầm quen thuộc, ngài mang đoá sen ấy vào phòng mình, để cái khí lạnh rin rít của quạt gió làm sen ngày một khô héo thêm.

***

Đêm đầu tiên với cậu chủ, ngài Robert mới lờ mờ nhận thấy dường như mình đã không đối đãi với hoa sen đúng cách.

Ngài có được người trong lòng trọn vẹn, ngày miết môi lên da thịt mình đã khát khao, ngài hôn lên gương mặt thanh tú mà mình vẫn hay gặp trong mơ, ngài ngậm cánh môi mềm, ấn sâu lửa dục vào thân thể mềm mại để thoả mãn thở dài như một người nghiện rượu được thoả cơn say. Ngài có được tất cả, nhưng ngài lại bắt hụt ánh mắt của cậu chủ.

Ánh mắt không còn trong trẻo, tươi tắn của ngày xưa. Giờ đây trong ánh mắt ấy là một nỗi buồn thẫm lại, đặc quánh như hắc ín, đấy là nỗi thê lương tuyệt vọng của một kẻ tù đày vĩnh viễn, là ánh mắt để tang cho cậu Nguyên nho nhã, phong lưu và trong sạch của năm xưa, một cậu Nguyên trong kí ức của ngài đã chết.

Ngài chỉ muốn có được người trong lòng một lần này thôi, nhưng với bản tính trọng sự sạch sẽ trong tâm hồn như cậu Nguyên, thì một lần của ngài là một án tử hình cuộc đời cậu, tử hình tất thảy những lương thiện mà cậu cố giữ gìn kể từ ngày thất thế sa cơ.

Thế nên sau đấy Robert không dám thả cậu Nguyên ra, ngài giữ rịt lấy cậu, lại lấy bạc tiền mà ép cậu ở cạnh mình. Ngài muốn làm sống lại những gì đã tàn, đã phai trong cậu. Áo the áo gấm, quần lĩnh, quạt châm, ngâm Kiều, bình Lục Vân Tiên, uống trà, ăn trầu,... Ngài muốn đem cậu Nguyên lương thiện, sạch sẽ, vui tươi, trong sáng của năm xưa về nguyên vẹn.

Nhưng đổi lại chỉ là sự ghét bỏ, ghê tởm, là hận thù đã hiện rõ trong mắt. Bởi một thằng quan Tây và một đứa Annamite bị tịch thu gia sản thì làm gì có chút đồng cảm nào với nhau.

Cậu Nguyên không đụng vào áo dài bằng the, bằng gấm và những chiếc quần lĩnh, quần lụa ngài mua, bởi cậu thấy thân mình chẳng còn đủ sạch để mặc thứ quần áo cổ điển của người xưa ấy.

Cậu Nguyên không muốn uống trà, ăn trầu với ngài, vì cậu cho là thứ mắt xanh mũi lõ như quan Tây thì làm gì hiểu được giá trị của một ấm trà mạn hay một miếng trầu têm khéo.

Robert tuyệt vọng, vì nhận ra người thương đang ở bên, da thịt cận kề, nhưng nợ máu của một gia đình chết cháy, sự ngăn cách giữa hai màu da và trên hết cả là thân phận khách mua hoan ái và người bán xuân tình thì làm sao mà có thể gần gũi cho được. Đâu đâu cũng thăm thẳm, vời vợi cách ngăn.

Robert nhận ra chẳng sớm thì muộn mình cũng phải thả cậu Nguyên đi, cậu phải về với cuộc đời dài rộng của cậu, chỉ có ngài mắc kẹt lại đây, trong cuộc đời sung sướng giả tạo và quyền thế giả vờ bằng máu của quê hương mà thằng Hợi được nuôi lớn. Sự giày xé giữa hai dòng máu trong một thằng Tây lai ở Robert như được nhân lên gấp mấy lần, khiến thần trí của ngài càng lúc càng bất ổn.

Một lần ra quân giết giặc (da vàng), là một lần Robert chùn tay, run rẩy, đêm về ngài mơ thấy ác mộng, sáng ra ngày như kẻ mất hồn.

Một lần cầm mũi mác cắt đầu quân phiến loạn (mà người dân An Nam gọi là quân Cách Mạng), ngài lại muốn lia mũi mác đó về bọn sĩ binh người Pháp, mà đâm chém cho thoả thuê, để xem máu của lính bảo hộ có gì quý giá hơn máu của dân Annamite.

"Mình sắp phát điên mất rồi!" – Ngài thầm nghĩ.

Và để ngăn chặn sự cuồng loạn trong mình, ngài tìm về gian nhà lợp ngói âm dương ở số 10 đường Premier, để nhìn lại cậu trai Á Đông thanh tú dịu dàng kia, để ấn cậu lên giường, như dã thú mà xé toạc quần áo cậu, để dấn lửa nóng đang rạo rực bên dưới mình vào thân thể mềm dịu của cậu, để nghe lửa lòng dịu đi trong hương thơm thoang thoảng của hoa sen, đoá sen mà trong một phút yếu hèn trước nhục dục, ngài đã lỡ tay khiến cánh sen ấy mất cả hương thơm.

Dù ngài biết sau đấy là sự dày vò của cậu Nguyên, cậu vào phòng tắm để rửa ráy, nhưng sau đó ngài vào toàn thấy những bãi nôn.

Robert nghĩ rồi mình sẽ thả cậu đi, nhưng ngài lại lần lữa. Bởi chút gốc gác An Nam của ngài, chút tính người trong ngài đều đã gieo đậu hết ở nơi này. Cậu đi, chắc chắn ngài sẽ chẳng còn giữ được vẻ thản nhiên giả vờ được nữa.

"Mình nên thử rời đi một chút, không thử làm sao biết được." – Ngài tự nhủ. Ngài muốn tập cho mình cái khả năng buông lơi cậu Nguyên, để giải thoát cho cậu về với cuộc đời dài rộng ngoài kia.

***

Nhưng cuộc thí nghiệm tình cảm ấy không thành, nó từ một phép thử thành sự thật. Cậu Nguyên tự rời khỏi ngài, sau khi cậu nhận được tin báo của nhà thương Tây là mẹ cậu qua đời.

Người đàn bà đã yếu như ngọn nến trong gió ấy chẳng biết lấy đâu ra can đảm nhảy từ tầng năm nhà thương xuống đất. Sau khi nghe câu bàn tán của bà vú già nuôi mình với cô hộ lý: "Con trai bà lão này bán thân cho Tây đấy, giờ sống sung sướng lắm, nhà to như hoàng cung kia."

Người đàn bà ấy hiểu được món tiền từ "người bạn cũ" mà con trai vẫn hay nói mỗi khi bà vặn hỏi từ đâu mà ra là  lời nói dối. Lúc nhảy xuống, không biết bà cụ nghèo khó từng là bà bá hộ ấy nghĩ gì? Xót thương con trai phải bán thân nuôi mẹ? Cảm thấy đứa con làm mất mặt tổ tiên khiến bà không còn mặt mũi để nhìn chồng? Hay chỉ đơn giản là vì bệnh tình hành hạ mà muốn chết cho xong.

Nhưng cậu Nguyên khi nhận xác mẹ, làm lễ tang và hạ huyệt đâu đó xong xuôi. Hôm sau cậu đi, không ra khỏi cổng lớn, cậu rời đi bằng cái giếng sau nhà, sau khi tắm rửa sạch sẽ, gội đầu bằng thứ nước nấu với hoa bưởi và mặc áo gấm xanh quần lụa trắng, khoác the ngoài, khăn đóng, chỉn chu như cậu ấm Nguyên ngày xưa mỗi khi đi chơi lễ.

"Sự ấm áp của ngài Robert không đủ làm lòng cậu Nguyên ấm lại." – Bảy cay đắng nghĩ khi vớt xác cậu Nguyên lên.

Cậu Nguyên đi vội, nên Bảy không biết, hoặc là cậu cố giấu đi. Bởi sau khi mẹ mất, lúc cậu ngồi bần thần bên xác mẹ thì ngài Robert đến, không còn áo mũ chỉn chu, không có đầu tóc gọn gàng, trông ngài tơi tả, xộc xệch như mới ở rừng về. Vẻ lo lắng, yêu thương hiện cả lên trong mắt, điều đó khiến cậu Nguyên ngỡ ngàng.

Đêm đó, ngài Robert đã thức trắng đêm cùng cậu ở nhà xác nhà thương Tây, ngài không đến gần cậu, không chạm vai an ủi, không nói một câu gì, chỉ ngồi cách cậu một khoảng, đủ để nhãn tuyến của ngài dõi theo cậu, đủ để cậu mỗi lần quay đầu lại biết rằng có một người đang ở đây cùng mình.

Sau khi cất đám, cậu Nguyên theo tục xưa muốn cắt một dãy khăn trắng cho mình, nên cậu lục hòm xiểng để tìm vuông vải trắng.

Ở đáy hòm, cậu thấy một gói giấy nhật trình bọc mớ trầu đã héo và buồng cau đã khô. Món quà mà sau khi dọn vào đây ít lâu, ngài Robert đưa cho cậu, dù cả hai đều biết cậu sẽ chẳng bao giờ mở những gói giấy ấy ra.

Cậu Nguyên nghĩ đến đôi mắt xanh vẫn dõi theo mình, tự cho là giấu kín kẽ lắm, nhưng đôi lần cậu soi mình trong gương, vẫn thấy ánh mắt ấy chập chờn phía sau, bao nhiêu yêu thương, dịu dàng, khắc khoải, trông mong hiện cả lên đáy mắt.

Ánh mắt ấy từng khiến cậu Nguyên phải nghĩ nhiều, cậu ám ảnh, bứt rứt, không yên lòng trước ánh nhìn tha thiết ấy. Nên cậu phản ứng dữ dội hơn, căm hận hơn để ngăn lòng mình thôi nghĩ đến ánh mắt kia.

Cậu đánh vỡ chén sứ, cậu từ chối cơm canh ngon lành được nấu theo kiểu An Nam, và từ đó về sau cậu không bao giờ ngồi vào bàn ăn với ngài Robert thêm lần nào, bởi cậu sợ cái giọng An Nam cứng nhắc nhưng quá đỗi dịu dàng kia lại vang lên bên tai. Giọng nói không giấu được trìu mến như một đôi vợ chồng già lão đã ở bên nhau mấy chục năm, đầy thân thương và săn sóc, cậu Nguyên sợ cứ sa đà vào những giây phút như thế thì cái ranh giới và nỗi hận đến từ màu da và dòng máu mà cậu giữ trong lòng bấy lâu sẽ đổ nhào đi cả.

Bọn trai gái điếm trong khách sạn năm xưa cho rằng cậu Nguyên tốt số. Bởi ngài Robert dịu dàng, lịch sự lắm. Mà cậu Nguyên đâu phải không biết, ngay từ lần đầu tiên chung chăn gối cùng nhau ở phòng số hai mấy hay ba mươi gì đó của khách sạn, ngài Robert khi thấy khuôn mặt chật vật của cậu, đã tắt đèn đi để giữ chút kín đáo cho bạn tình, ngài Robert chạm vào cậu nhẹ nhàng, nâng niu như hòn ngọc quý, cả cái việc bản năng nhất ngài cũng rất kiên nhẫn để cậu không thấy đau.

Và cậu Nguyên còn nhớ tiếng thở dài của ngài khi lần đầu vào sâu trong cậu, tiếng thở không mang dục vọng chiếm đoạt, tàn phá, tiếng thở không có hương máu tươi như dã thú săn mồi, tiếng thở xa xăm, đượm nồng thương nhớ của người tìm lại được vật quý mà mình trót đánh mất năm xưa.

Sau đó nữa, những lần chung chăn gối với nhau trong ngôi nhà số 10, ở trên một cái giường tre kiểu An Nam, ngài Robert cũng vẫn dịu dàng như thế. Sự dịu dàng, nâng niu làm cậu Nguyên nhớ đến những phòng tân hôn, nơi có một chú rể mới ngượng nghịu, e ấp khi lần đầu chạm vào bạn trăm năm của mình.

Trời ơi, cái ảo ảnh mới khốn nạn, gian dối làm sao. Quan hệ giữa cậu và gã quan Tây kia có trầu cau mối lái à mà nằm được trong một gian phòng dán chữ hỉ. Gã bỏ tiền ra mua, cậu đem thân mình ra bán cơ mà. Cậu Nguyên tức giận đập vỡ bát cơm có miếng cá trê được gắp khéo, gỡ hết cả xương ra vì lẽ như thế. Cái mâm cơm làm cậu nhớ đến những đôi vợ chồng sum họp nhau sau mỗi ngày mùa, nhường nhau chút thức ăn ít ỏi. Cậu Nguyên muốn đập vỡ ảo ảnh lộn sòng ấy đi, mà trả về cho đúng cái mối quan hệ người mua kẻ bán của cả hai.

Nên sau lần đó, ngài Robert không còn muốn dùng cơm cùng cậu nữa. Và trong chuyện gối chăn cũng mất đi sự dịu dàng, nâng niu của ngày xưa. Ngài thường xộc đến, thô bạo ấn cậu lên giường. Sự thô bạo ấy lại khiến cậu Nguyên an lòng, bởi lúc này cậu mới thấy mình giống các cậu trai hay đi khách trong khách sạn, khi cần thì chủ mua lật cạch mình ra để thoả mãn, xong rồi lại đi. Có như thế mới khiến cậu thôi nghĩ liên miên về những thứ mối lái keo sơn, những thứ mà cậu không cho phép xảy đến giữa mình và tên quan Tây kia.

Nhưng sau bao nhiêu cố gắng để xua tan ảo ảnh của cậu, thì giờ sau một cái đại tang bậc sinh thành, không còn lý do để nấn ná lại nơi này. Cậu nghĩ rồi mình sẽ đi, nhưng đi đâu, làm gì, và cậu có quên được quãng thời gian nhơ nhuốc trong ngôi nhà này không. Cậu Nguyên nghĩ đến ánh mắt chật vật, lo lắng và tràn ngập yêu thương ở cái đêm trắng trong nhà xác, cái ánh mắt ấy chập chờn, ám ảnh quá, cậu không tài nào xua tan khỏi óc.

Rồi cậu nghĩ đến ba năm bên nhau, từ cái nhìn ngây ngẩn khi bị cậu đánh rơi bát cơm vào lúc cất câu tiếng Việt đầu tiên. Cái nhìn buồn tủi của chàng trai bị trả lại tín vật đính ước, của cô gái bị gửi lại chiếc khăn thêu, dù qua cái màn xanh biếc đùng đục kia vẫn trông rõ lắm.

Cậu Nguyên nhớ đến lời Bảy thì thầm với người phu xe già: "Chuyện cơm nước, chuyện sách báo của cậu Nguyên là ngài Robert dặn dò cả."

Cậu Nguyên nghĩ đến những sớm chiều cận kề da thịt bên nhau, ba năm chung đụng gối chăn. Quen thuộc đến từng hơi thở, từng cái hôn nhẹ vụn lên trán, từng mầm lửa dục dấn sâu vào nhau, cậu Nguyên miết lấy da thịt mình, rồi tự hỏi mình không thấy khoái lạc trong những giờ phút ấy à?

Cậu Nguyên bỏ lửng câu hỏi ấy, cậu thấy đau đầu và nghĩ mình cần phải đi nằm.

Và trong giấc mơ cuối cùng của đời mình, cậu Nguyên mơ thấy một giấc mộng đầy hương lửa tình nồng, có hai bóng người quấn riết vào nhau trong nhục dục vô hạn. Mà người ở phía trên thấp thoáng cánh mũi cao và bờ môi mỏng quen thuộc.

Chỉ là trong giấc mơ ngài Robert có mái tóc đen và đôi mắt màu tối.

Giấc mơ ấy làm cậu Nguyên bừng tỉnh giữa đêm, và cậu nghe mồ hôi túa ra như tắm, hơi lạnh ở đâu tràn về khiến lòng cậu như nghẹn ứ lại trong run rẩy.

Cậu Nguyên nghĩ đến những người đàn bà An Nam bỏ gốc gác, lấy cái tên đầm rất du dương mà vào nhà thờ làm lễ cưới với dân ngoài lục địa, dân tình vẫn gọi là "lũ me tây", cho rằng vì tiền, vì ăn sung mặc sướng.

Nhưng trong một trăm bà "me tây", chẳng lẽ không có lấy một người vì tình mà đánh rơi gốc gác? Ừ có thể lắm chứ, nếu như nhân tình của người đàn bà ấy là một người có ánh mắt thăm thẳm ái tình, chan chứa yêu thương dù nó có màu xanh biếc lạ lùng, nó không giống với những đôi mắt huyền lay láy của phương Đông.

Cậu Nguyên thấy cổ mình như đặt một thòng lọng, nó đang siết dần dần. Cậu thấy mình đang mất dần đi nhiều thứ mà cậu tưởng vốn đã mất rồi. Nhưng không, cậu có thể mất nhiều hơn thế nữa, nếu như đến cả lòng mình mà cậu cũng chẳng giữ được.

Tên quan Tây đó có dịu dàng bao nhiêu, chu đáo bao nhiêu thì cái gốc gác của hắn và cậu cũng chẳng bao giờ xoá được.

Thế nên cậu Nguyên thấy có một việc mình cần phải làm ngay, cậu phải sống và chết như một người con trai An Nam thuần nhất.

Cả Bảy, cả ngài Robert đều không biết cậu Nguyên đã khám phá ra mớ trầu khô và cau héo kia. Không biết cõi lòng đang động của cậu và lời thì thầm của cậu trước khi gieo mình vào giếng:

- Giá như như gã là dân An Nam...

Nếu giữa cả hai không có màu da vời vợi ngăn cách, không có nợ máu của nước và nhà, thì biết đâu cậu lại chẳng sợ một lần trái lại quy củ cha ông, mà dập đầu tạ lỗi tổ tiên, xin cho đứa cháu bất hiếu được nợ lấy cái nghĩa vụ nối dõi tông đường. Để rồi cậu sẽ từ chối hết bao má phấn môi hồng mà nhận lấy trầu cau thắm đượm nghĩa keo sơn từ một gã trai khác.

Rồi sau đó, mặc thiên hạ chê cười, mặc người đời chỉ trỏ, đôi người ấy vẫn cứ thế mà sống, chẳng thể ngửa mặt nhìn đời thì mỗi ngày nhìn nhau thôi cũng đủ.

Nhưng đáng tiếc, cái viễn cảnh ấy sẽ không bao giờ xảy đến.

Cậu Nguyên lẩm bẩm mà không biết cái gã cậu nhắc đến cũng từng là dân An Nam, chỉ là gã bị tàn nhẫn bứng khỏi gốc rễ của mình.

***

- Vậy sau khi cậu Nguyên chết thì thế nào? – Có người hỏi.

- Thì cái dinh thự ấy đóng chứ sao! – Ông già Bảy rít thêm một hơi thuốc, kể tiếp. Ông giấu nửa câu sau, vì chủ nhân thực sự của ngôi nhà cổ ấy, người đã đích thân bảo thợ xây nên ngôi nhà gạch kiểu cổ có ngói âm dương, có gạch lá nem ấy, đã phát điên.

Phải, ngài Robert từ một viên tướng có tài của chính quyền bảo hộ, thành một người điên.

Ngài Robert khi nhìn thấy xác người yêu trong áo gấm quần lụa như xưa, đã ngã quỵ xuống, thất thần. Và rồi khi tỉnh lại, trên mặt ngài là nụ cười ngây ngẩn và ánh mắt dài dại.

Sau đó ngài bị bố giam lỏng trong ngôi nhà ấy, ngài không còn cần đến thuốc nhuộm hay mấy miếng nhựa dẻo để che đi gốc gác An Nam của mình. Ngài mỗi ngày vòng quanh cái giếng, lẩm bẩm:

- Cậu ơi, em là thằng Hợi đây. Em xin lỗi vì trót lừa cậu, cậu dậy nhìn em đi. Cậu ơi... cậu mà dậy thì cậu cứ đi, em không dám giữ cậu nữa, cậu ơi...

Nhưng nức nở nhất, đau lòng nhất vẫn là câu rên rỉ thê thiết giữa đêm của ngài:

- Cậu ơi, phải chi em không bị bắt thành dân Pháp...

Ngài Robert thành kẻ ngớ ngẩn, cứ lòng vòng quanh cái giếng mà lúc thì reo lên, lúc thì kêu gào. Ai cũng cho là đáng tội nghiệp.

Nhưng chỉ có người điên ấy, giá như người ấy có tỉnh, mới biết lúc này đây điên là một phép màu, là một lệnh ân xá. Cho kẻ bị bứt khỏi cội nguồn kia thôi việc chĩa súng vào những người dân đã từng là đồng bào của mình. Để kẻ ấy thoát khỏi số phận quân cờ trong tay bố đẻ mà sống trọn với tình yêu duy nhất của đời mình.

Dù người mà ngài dành quá nửa cuộc đời để yêu thương đã tàn nhẫn rời đi trước, không một lời trối trăng, còn chẳng cho ngài được quỳ xuống tạ lỗi cùng cậu chủ, được lấy thân phận thằng Hợi năm xưa mà nhìn cậu.

Ngài Robert mỗi ngày đi quanh giếng, pha trà, têm trầu. Những ấm trà pha rất thơm, trầu têm vừa khéo, nếu không phải có kết luận của ông bác sĩ tâm thần thì chẳng ai tin là ngài phát điên. Cứ thế cho đến ngày giỗ ba năm của cậu Nguyên, ngài đi theo.

Lúc ấy, ngài mặc áo the gấm đỏ, quần lụa, đóng khăn, giống với quần áo lúc cậu Nguyên đi. Lúc vớt xác lên, bọn thợ lặn giếng thì thầm với nhau bằng vẻ mặt kinh ngạc:

"Thấy gì không, Quan Tây lại đi mặc áo gấm!"

Đấy là chiếc áo gấm thành một đôi với áo gấm mà cậu Nguyên mặc lúc đi. Một xanh một đỏ, ngài Robert đã chuẩn bị nó cùng với mớ trầu đã khô và cau đã héo.

Cau trầu, áo dài gấm xanh đỏ, một cuộc vu quy chưa thành lễ rước, cứ thế mà tàn.

- Hai cái bộ đồ ấy, trông chẳng khác gì đồ cưới đúng không, nhưng chẳng phải đâu. Hai cái đều là áo kiểu của đàn ông cả. – Bảy chỉ lên bàn thờ, nói. Để lại khuôn mặt tẽn tò vì khó hiểu của đám kí giả.

Bảy có nhiều điều không nói, vì thân nhân của cậu Nguyên và ngài Robert đều còn đấy, Bảy chỉ là phận tôi tớ chẳng dám cãi lý gì. Mà làm gì có lý lẽ gì để bảo vệ cho đôi người ấy được nằm cạnh nhau. Lấy một mớ trầu khô và cau héo ra để làm đầu câu chuyện à?

Cách đây độ chục năm, cậu Phước, anh trai cậu Nguyên về. Hoá ra năm xưa cậu Phước ra Bắc là để theo Cách Mệnh. Giờ việc lớn thành thì cậu ấy về mới hay nhà cửa đều tan, thân nhân chết cả. Thế mới thấy ở đời làm anh hùng cũng chả phải chuyện sung sướng gì.

Cậu Phước đã mang di hài của cậu Nguyên và mẹ về quê. Còn ngài Robert theo luật thì an táng trong nghĩa trang của Tây. Bảy chỉ có thể lấy bộ đồ cả hai mặc lúc tự vẫn mà thân nhân hai bên sai người đem đốt. Lén đánh tráo, mang về mà thờ cạnh nhau.

Bảy thắp một tuần hương trước hai chiếc áo gấm. Thầm nguyện nếu hai vong linh người đã khuất có thiêng, xin hãy phù hộ nước Nam này không mất đi hồn thiêng nghìn năm của sông núi, rồi đường trường của Cách Mệnh sẽ thành. Và rồi kiếp sau cả cậu cả ngài hãy làm con dân của một nước Nam thái bình mà ở bên nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro