Chương 1: Chữ "duyên"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Xứ Đoài vốn nổi tiếng trù phú, non nước hữu tình, trai tài gái sắc đếm không xuể hết. Xuôi theo dòng chảy của thời gian, tinh hoa đất trời như thấm nhuần vào máu thịt của từng con người nơi đây. Biết bao anh tài sinh ra từ chốn này, người ra trận hùng dũng giết giặc, có người lại dùi mài kinh sử trở thành bậc thanh liêm.

Quan Tri phủ là người xứ Đoài, làng nào thì không ai rõ. Chỉ biết khi hay tin ông về là các đình làng chật ních người, ai ai cũng muốn nhìn lấy ông quan này một lần cho bằng thiên hạ.

Cứ nghĩ rằng quan đã già, trung niên hay đã có cái bụng to như bụng của các chị chửa sáu bảy tháng. Nhưng quan hãy còn trẻ lắm, mặt mũi sáng láng, không cười thì trông dữ dằn mà cười lên lại hiền như ông Bụt trong truyện cổ tích mà bà hay kể.

Chớp mắt đã ba năm trôi qua, quan đã tập để râu, nhưng trông mà xem, râu ria chẳng hợp mới mặt quan chút nào cả. Cái mặt tiền sáng láng như kia mà để râu, đúng là phí.

Ấy thế mà các cô hãy còn chưa chồng vẫn mê quan như điếu đổ. Có cô rình mãi mới gặp được quan đi lễ, có cô thì tự nguyện vào nhà quan hầu nước hầu trà. Mà mấy cái trò mèo này quan biết hết, nhưng vẫn không mảy may động lòng, nhẹ thì từ chối khéo, nặng thì về báo lại thầy u. Chẳng ai rõ quan thích kiểu con gái thế nào, cũng không ai dám mở miệng ra hỏi, lâu dần cũng chẳng còn ai quan tâm chuyện gia thất của vị quan trẻ.

Ánh nắng nhàn nhạt của buổi sớm mùa đông chiếu lên mặt kênh, trên những con đường đất người ta đã loáng thoáng thấy bóng của các cô các bà quảy gánh ra chợ. Trời đông rét buốt cũng không xua tan được cái náo nức của những ngày cuối năm, lũ trẻ túm năm tụm ba chơi ô ăn quan rồi lại hò hét làm rộn cả một vùng.

Chị Đào vẫn ngồi trước cái hàng hoa quen thuộc, từng khóm hoa thược dược đủ sắc màu như tô điểm thêm nét mĩ miều của chị. Cứ cách một lúc là lại có mấy ông khách đi ngang, tiền thì không có mà cứ thích ghẹo chị Đào, chị ta cũng không vừa mà đứng dậy chống nạnh chửi cho bay cái mặt dày hơn cái thớt ở nhà. Cái Huế tay chân tất bật đong dầu cho khách, gần Tết nên dầu lên giá, thầy u nó cũng kiếm được một khoản kha khá rồi.

Ông đồ đã già lắm rồi, chẳng ai biết ông ngồi ở cổng chùa làng này từ lúc nào, chỉ biết mỗi khi đi lễ lại gặp cái lưng còng nhưng hãy còn vững vàng của ông cụ. Giấy đỏ mực tàu sắp sẵn trên chiếc bàn gỗ cũ kĩ, ông đồ chấm đầu bút lông mềm mại lên chất mực đen óng, khẽ phết một hai cái lên thành nghiên, bàn tay già nua nhưng dẻo dai uốn từng nét mềm mại.

Duyên.

Ông đồ nghĩ bụng, hôm nay sẽ tặng chữ này cho người có duyên.

Những khóm trúc còn vương sương sớm, từng hạt long lanh rơi xuống như hạt ngọc, tinh khiết vô ngần.

"Con chào ông ạ."

Một giọng trai trẻ vang lên bên tai ông đồ, nó không ồm ồm như giọng đám trai làng mà trong trong dễ nghe như tiếng chuông khánh.

Ông ngước đầu lên, nheo mắt nhìn cậu trai trẻ trước mặt. Tuổi độ mười tám đôi mươi, mắt sáng như sao trời, khóe môi khẽ cong một độ cong vừa đủ, nhíu mày nghĩ ngợi một chốc và rồi ông đồ già chợt nhận ra, còn ai vào đây ngoài cậu út nhà lý trưởng nữa.

"Cậu út Tân đấy à."

Cậu Tân biết ông đồ đã nhớ ra mình, vui vẻ gật đầu, đáp: "Vâng, con đây ạ."

Ông đồ chống bàn đứng dậy, nhìn cậu Tân thật kĩ. Rồi không biết có phải bị ma nhập không, ông lão thốt ra một câu làm tất cả mọi người đều sững sờ: "Thân là nam nhưng lại có phận nữ, gian truân khó nói lắm."

Cậu Tân tròn mắt nhìn ông đồ, không hiểu ông lão đang nói gì. Còn ông đồ cũng biết mình đã lỡ lời, nói ra chuyện không nên nói, vội vàng cúi đầu xin lỗi rối rít. Xung quanh có vài người nghe thấy câu nói của ông đồ, không khỏi chỉ trỏ bàn tán.

Không biết là giọng ai vang lên từ trong đám đông: "Ông cụ đồ biết xem tướng đấy, các bác đừng vội chửi người ta mà tội."

Cậu Tân ngượng nghịu gãi đầu, tiếng xì xầm ngày một nhiều. Lúc này ông đồ mới nâng tờ giấy đỏ còn chưa khô mực kia lên, nhẹ nhàng đạt vào tay cậu.

Ông đồ ho hai tiếng, khàn giọng nói: "Cái này lão tặng cậu, mong rằng nửa đời sau cậu đầu xuôi đuôi lọt."

Chữ duyên hãy còn chưa khô mực, tờ giấy đỏ trông như nhẹ bẫng nhưng lòng cậu lại trĩu nặng. Ông đồ nói xong thì quay người đi vào trong đám đông, bóng lưng gầy gò đã hơi còng mang cảm giác lẻ loi đến lạ. Không hiểu tại sao Tân lại thấy lòng buồn rười rượi, cậu không để ý lời của ông lão, cũng không để tâm đến những lời bàn tán xung quanh mình, nhưng sâu trong lòng cậu lại mơ màng cảm nhận được một chút bất an.

Cảm giác bị nhìn chằm chằm đến nghẹt thở, Tân quay đầu lại, vô tình rơi vào một ánh mắt sâu hun hút. Người ấy nhìn cậu đầy chăm chú, cảm giác như đã trôi qua cả thế kỷ, Tân cúi người chào, người nọ cũng không phản ứng lại.

"Con chào quan ạ."

Xung quanh cũng đã nhận ra sự xuất hiện của quan Tri phủ, ai nấy đều rối rít cúi lạy quan, nhưng quan vẫn thế, không hề rời mắt khỏi cậu út nhà lý trưởng dù chỉ một li. Cậu Tân xấu hổ cúi gằm mặt, chân đá mấy hòn sỏi vương vãi trên đường.

Thật ra không phải khi không mà cậu xấu hổ, cái gì cũng phải có nguyên do của nó. Chuyện là cách đây ba hôm, quan có đến nhà cậu Tân chơi, mà hôm ấy ông lý lại đi vắng không có nhà. Quan cũng chẳng đi một mình, còn dắt theo cả mấy thằng người ở bê ba bốn cháp lễ. Cậu Tân thấy vậy nên hoảng lắm, trong nhà không có ai đang tuổi cưới hỏi, chị cả hai năm trước đã lấy chồng, anh hai thì đã ra ngoài lập nghiệp, quan lại vì cớ gì mang lễ cau trầu sang đây.

Cậu hoảng hốt bảo thằng Tèo sang nhà ông ông phó lý gọi thầy mình về, còn bản thân thì vội vàng mời khách vào nhà. Đặt cái khay trầu bằng gỗ lên bàn, Tân rót cho quan một chén nước chè đặc. Màu nước nâu sẫm như nước nhân trần, quan nhấc chén lên nhấp môi, rồi nhắm mắt lại chậm rãi hưởng thụ vị đắng của chè sen mới ủ.

"Chè này là chè mới, có vừa ý quan không ạ?" Tân đứng một bên hầu nước, e dè hỏi.

"Cũng tàm tạm."

Cậu Tân lại hỏi: "Thế quan có ưng không ạ?"

Trong phút chốc mặt quan đen hơn đít nồi, vẻ khó chịu hiện rõ trên mặt. Tân biết mình lỡ lời, dám cả gan hỏi dò ý quan. Không dám hó hé thêm gì nữa, lòng chỉ mong thầy mau về đi, cậu không dám nói chuyện với quan, mặt quan lúc nào cũng lạnh như tiền, sợ lắm.

Lúc này mới nghe tiếng loẹt xoẹt ở sân trước, thằng Tèo cùng ông lý hớt ha hớt hải chạy về. Ông lý đưa tay giữ cái vành khăn xếp, nhìn điệu bộ là biết vừa chén chú chén anh ở đâu về. Còn thằng Tèo thì vừa chạy vừa giữ lưng quần, chỉ sợ nó tụt lúc nào chẳng hay.

Tân thấy ông lý về thì mừng hẳn ra mặt, lặng lẽ thở phào một hơi, mà đâu biết chuyện tiếp theo còn kinh khủng hơn việc đứng hầu nước quan nhiều. Ông lý vội vàng cúi chào quan, rồi lại đưa vẻ mặt khó hiểu nhìn ba bốn cái cháp lễ kia.

Cả hai cùng ngồi xuống bàn uống chè nói chuyện, lúc này Tân đã được phép xuống nhà dưới, cũng không biết ông lý và quan nói gì mà mặt người làm cha kia nặng nề đến lạ. Cho đến trưa thằng Tèo bưng mâm cơm lên đãi khách mới biết được cớ sự ra sao mà về kể cho cậu chủ nghe.

Tân nghe thằng Tèo nói xong mặt cắt không còn giọt máu, hóa ra quan mang lễ trầu cau sang đây để hỏi cưới cậu ư? Nhưng Tân là con trai kia mà, tại sao lại làm vậy chứ? Thầy đồng ý mất rồi, cậu hoàn toàn không có quyền quyết định.

Cậu đi vào nhà hỏi thầy, ông lý chỉ trầm ngâm không đáp. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ chứng minh lời thằng Tèo nói. Tân ngồi thụp xuống, ôm lấy hai đầu gối mà tủi hờn.

"Sao thầy lại nỡ làm thế với con cơ chứ."

Ông lý nâng chén trà sen nóng, từng sợi khói trắng quanh quẩn mãi không tan, "Thầy cũng không muốn, nhưng người ta là quan, thầy còn làm gì được nữa."

Ông lý nói tiếp: "Chuyện cưới xin đã quyết định rồi. Lời cha mẹ khó cãi, thầy mong con trước khi làm gì thì hãy suy nghĩ cho thật kĩ."

Chớp mắt một cái đã hết ba ngày, hai ngày sau chính là ngày làm lễ ăn hỏi của cậu. Đã từng muốn bỏ trốn, nhưng lại sợ quan trút giận lên người cha già, thẫn thờ chỉ biết ngồi một góc nhìn mây bay, đếm thời gian tẻ nhạt dần trôi.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#boylove