Một - Ai đi giữa mùa gió đông về.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thế thầy không định tìm mẹ cho con thật à?"


Chẳng ai rõ tại sao cậu kỹ sư lại bỏ công việc lương cao ngất, đi gánh trên vai cái nợ văn chương.

Tác phẩm đầu tiên của cậu còn chưa ra mắt, nên càng chẳng ai biết, cậu viết về chuyện anh thương binh, ngày xưa học Bách Khoa, có cái chân phải bằng gỗ, nhặt được một thằng bé ăn mày mồ côi trên đường từ chiến trường trở về quê cũ.


Lúc ấy, thằng bé nọ đương mải mê dùng mấy đầu ngón tay nhỏ xíu bới tung đống rác ở góc chợ, phiên chợ rằm đông đúc tấp nập của dân đất "kinh kỳ" mấy xưa mà nay đã vãn người cả. Chiếc xe chở anh và đồng đội vừa dừng tạm lại để mọi người mua chút đồ lót dạ là anh đã trông thấy nó, thấy cái bóng gầy guộc của nó qua khung cửa sổ bám mờ bụi của chiếc xe đã đi muôn dặm đường xa.

Anh nhìn nó sao mà thương đến là thương, bèn nhờ người chiến hữu gọi nó lại hỏi han lấy dăm câu, tặng lại cho nó chiếc áo bông đã sờn vai nhưng vẫn còn ấm lắm. Vốn chẳng định mang nó theo về, nhưng nghe nó kể, bố nó mất hồi nó chưa đầy một tuổi, nó không có anh chị em, mẹ nó hồi xưa đi ở cho nhà giàu, nửa năm trước bị bà cả nhà đó nổi máu ghen tuông sai người đánh chết, anh lại nghĩ tới cái phận mình. Bố mẹ và ông bà anh đều đi rồi. Mà cả bố và mẹ anh đều là con một của ông bà anh, nên anh chẳng có bác bá chú cô, chẳng có anh chị em họ, chỉ có độc người anh trai ruột, nhưng người ấy cũng đã đi xa. Đi trên chiến trường, vì một mảnh đạn găm trúng thái dương, sát kề tóc mai còn chưa hề điểm bạc.

Nó cũng như anh thôi, chẳng còn ai để nương tựa trên đời.

Anh hỏi người tiểu đoàn trưởng, anh ơi, cho em đem thằng bé theo về nhé. Giọng anh rầu rầu, nghe chẳng biết có bao hờn bao tủi.

Chú tiểu đoàn trưởng ngồi ở ghế lái, vừa châm một điếu thuốc rút ra từ cái bao giấy đã hơi ẩm của ông bạn ngồi ghế phó lái, chưa kịp đưa lên miệng, nghe thấy câu ấy thì sửng sốt lắm, tròn mắt nhìn anh.

"Kiểu gì đấy, đây có phải chuyện mày đùa được đâu?" Chú chau mày.

"Anh cũng nghe nó nói chẳng sót chữ nào thây. Nó giống em mà. Nhé, anh?"

"Mấy đôi câu thế mà mày nghe luôn được à? Nhỡ còn người giám hộ, hoặc ít nhất cũng phải tìm người có thẩm quyền hỏi han. Chứ nghĩ cứ bốc nó lên xe đi về là được đấy hử? Khéo mấy lại chả đi tù vì bắt cóc trẻ con."

"Thì em cũng tính thế đấy chứ. Nhưng em đi lại bất tiện thế này, đương là ngỏ lời nhờ anh đó thôi."

Chú tiểu đoàn trường nghe thấy lại phải đi thì oải, nhưng đám anh em khác thì tản đi ăn quán hoặc "giải quyết" hết rồi, nên cũng đành nhảy xuống xe, dắt thằng bé định đi tìm ủy ban nhân dân xã, nhưng ngẫm bụng, xã bao người, lại đương cái thời khó khăn chật vật, chắc gì đã có ai để ý chuyện thằng oắt con, thế là lại đành đi tìm nhà ông trưởng thôn.

Ông bảo, nhà nó ngày trước chuyển từ nơi khác đến đây, ông cũng chẳng biết là chuyển từ đâu tới. Anh em họ hàng thì chưa thấy bao giờ, lần mẹ nó bị đánh chết mà chẳng thấy ai thăm. Mọi người đều xót, nhưng ai cũng túng bấn quá, chẳng cưu mang nó được, chỉ đành để vậy.

Ông còn nói thêm, hồi mẹ nó đẻ nó không đi làm giấy đâu, giờ cậu mang nó về thì đi làm cho nó rồi nhập vào khẩu, bớt được cái vụ sửa đổi. Để lại tên tuổi quê quán cậu là được, lỡ mai này có người đến tìm.

Chú tiểu đoàn trưởng ghi xong họ tên nguyên quán anh thương binh vào giấy, thay anh ký tên rồi bế thằng bé đi. Đáng lý chú phải quay về hỏi ý kiến anh thêm lần nữa, nhưng bấy lâu nay chú lại chẳng hiểu tính anh quá, đã quyết rồi thì chẳng đổi bao giờ, nên chú dứt khoát thay anh luôn.

Trước khi đưa nó về xe, chú dẫn nó đi rửa sạch tay chân và lau mặt. Khi nước rửa trôi đi lớp bụi ghèn trên khuôn mặt nó, chú nhận ra đứa nhóc này cũng là một anh bé ra trò. Làn da sạm bủng vì phơi ngoài mưa nắng và vì đói khổ của nó ấy à, nuôi dăm ba bữa là nhìn có sức sống ngay. Còn đường nét nó ấy, chú càng nhìn càng thấy ưng mắt. Vì răng nó trắng đều, cười lên trông nhanh nhẹn, sáng sủa. Vì mắt nó sáng, trong veo như nước hồ thu soi tỏ ánh trăng rằm.

Chú càng nhìn, càng thấy đôi mắt thằng bé sao quen quá. Nó gợi cho chú nhớ tới một người đã đi xa, một cậu em chung tiểu đoàn.

Chú buồn, chú tiếc, mà thằng bé này lại gợi cho chú nhớ cảnh xưa người cũ, nhớ về cái chốn bão đạn mưa bom nơi chú đã mất không biết bao anh em đồng đội, mất cả người mà chú mến trộm thương thầm.

Chú thở dài, bứt mình ra khỏi dòng hoài niệm, dắt tay nó đi.

Thế là thằng bé ấy về với anh thương binh mà sau trở thành anh giáo dạy Toán ở trường cấp ba. Nó sống với anh trong cái gian phòng tập thể nhỏ bé nghèo nàn dành cho cán bộ viên chức, cái gian phòng nhỏ chỉ đủ kê một cái bàn học đi với một cái ghế cao và một cái ghế thấp, một cái tủ quần áo mấy ngăn và một cái giường mét hai; nhà vệ sinh ở cuối dãy, còn cơm thì nấu bếp củi ở sân sau.

Nó sống với anh qua những mùa xuân với hoài niệm về tấm áo bông ấm áp đã cũ năm xưa bên bộ đồ mới mua, qua những mùa hạ oi bức rôm nảy đầy mình, qua những mùa thu khai trường háo hức, qua những mùa đông gió buốt luồn qua phên cửa.

Để rồi, nó ôm mãi cái lạnh xứ Bắc ấy, say ngủ trong một vòng tay ấm áp khôn cùng.


Một ngày mùa đông khác, nó quấn lấy cái góc chăn, ngả đầu lên những ngón tay cầm bút của anh, thỏ thẻ: "Thế thầy không định tìm mẹ cho con thật à?"

"Mà thế cũng được", nó lầm bầm, "trong truyện thầy kể chẳng có bà mẹ kế nào tốt cả."

Anh cười khẽ, vuốt lọn tóc dài chấm vào mi mắt nó. "Ừ, thầy thương mày nên mới không tìm mẹ cho mày đấy. Nên nhớ phải thương thầy, biết chưa?"

"Nhưng thầy không thương thầy..." Nó ngập ngừng, "chẳng phải, tìm mẹ cho con, chẳng phải thầy sẽ hạnh phúc hơn sao."

Anh lặng im không đáp, nó nhìn thấy trong đôi mắt anh một nỗi buồn đã cũ.

Đó cũng là lúc nó tự dặn lòng mình rằng, phải thương thầy thêm mấy vạn, sau này phải bù đắp lại thật nhiều những tháng ngày khó khăn xưa, bù đắp lại cả những nỗi buồn.

Và để rồi lại một ngày mùa đông, thằng bé năm nao, nay đã là cậu sinh viên Bách Khoa tài giỏi, trở về gian phòng tập thể vẫn còn vương đẫm hơi thở hoài niệm, quỳ sụp xuống và khóc thật lâu.


"Thầy..."
"Ừ, gì nào?"
"Con muốn học Bách Khoa, muốn giống như thầy."

Anh cười hiền, chỉ âm thầm cổ vũ nó. Học Bách Khoa thì được, nhưng đừng giống như thầy. Rồi lại khổ mãi con ơi. 

Anh không nói ra lời ấy, nhưng rõ biết người con trai của mình đã đủ lớn để hiểu.

Mà anh cũng già rồi.


Thầy ơi, thầy ơi, con còn chưa kịp cảm ơn người vì đã ban cho con cả một đời.

Thầy ơi.


Và, nó cứ khóc mãi trong giấc mộng chưa tàn ngày xưa ấy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro