TLBBpt10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi 26

Ngàn Năm Một Thuở

Sáu đường bạch tuyến đó lại tới trước mặt bọn Thiên Nhân cách chừng ba thước tức khắc ngừng lại không chuyển động nữa. Mọi người thấy thế đều kinh dị. Vì dùng nội công để thúc đẩy luồng khói trắng đi là việc bình thường nhưng làm thế nào cho luồng hơi lờ lững, vô định ngưng đọng, đứng nguyên một chỗ trên không là một việc rất khó.

Thiên Tham đưa thẳng ngón tay út bên trái lên, tức thời một đường kiếm khí từ trong huyệt "thiếu xung" bắn ra, nhằm đâm vào luồng khói trắng ở trước mặt. Luồng khói trắng lập tức bị đẩy hất ngược trở lại với tốc độ rất mau nhằm vào người Cưu Ma Trí. Luồng khói còn cách lão chừng hai xích, lão phải tăng gia nội lực vào thế hoả diệm đao để chặn đứng.

Cưu Ma Trí gật đầu lẩm bẩm:

-Người ta bảo môn Lục mạch thần kiếm có thế "thiếu xung kiếm" quả nhiên không sai.

Hai bên dùng nội lực dằng co vài hiệp nữa, Thiên Tham đại sư nhận thấy nếu mình cứ ngồi lỳ một chỗ thì khó lòng phát huy được uy lực trong kiếm pháp, liền đứng dậy tiến lên ba bước, đi chênh chếch về phía bên trái. Luồng nội lực đó tức khắc từ phía bên trái tấn công chéo sang mé bên phải. Cưu Ma Trí liền đưa tay trái ra dùng chưởng lực để chặn đón. Thiên Quan chĩa thẳng ngón tay giữa lên để phóng "trung xung kiếm" đâm thẳng về phía trước.

Cưu Ma Trí la lên:

-Phải lắm! Quả có "trung xung kiếm pháp" thật.

Mình lão đánh với hai người mà chưa hề nao núng.

Ðoàn Dự ngồi trước mặt Khô Vinh đại sư, ghé cổ nghiêng đầu, chăm chú theo dõi cuộc đấu kiếm lớn lao, nghìn năm chưa có một lần trong võ lâm. Tuy chàng chưa hiểu võ nghệ, song chàng cũng hiểu rõ cuộc đấu kiếm bằng nội lực của mấy vị cao tăng đây đem so sánh với những cuộc đấu bằng gươm đao thực sự cầm trong tay còn nguy hiểm và khốc liệt hơn nhiều.

May nhờ có sáu nén hương của Cưu Ma Trí thắp lên, Ðoàn Dự mới căn cứ vào những luồng khói trắng phất phơ bay đi bay lại để nhận định những đường kiếm thế đao của ba người. Sau khi xem được tới mười mấy hiệp Ðoàn Dự chợt nghĩ ra lẩm bẩm:

-À đúng rồi! Trung xung kiếm pháp của Thiên Quan đại sư giống hệt nét vẽ trong đồ hình.

Ðoàn Dự khẽ mở đồ hình về "trung xung kiếm" xem lại và đối chiếu những luồng khói trắng đi quanh quẩn với những đường kiếm trong đồ phổ lập tức nhận ra ngay, không còn điểm nào nan giải cả.

Ðoàn Dự say sưa theo dõi cảm thấy hứng thú vô cùng. Khi xem đến Thiếu Trạch kiếm pháp của Thiên Tham cũng vậy,

chẳng qua mỗi kiếm pháp có một đặc sắc riêng. Trung xung kiếm thì phép phóng ra thu về phải rộng lớn, khí thế rất là hùng mạnh. Thiếu trạch kiếm thì đường qua lại vun vút, biến hoá thật tinh vi. Thiên Nhân phương trượng thấy cả hai sư huynh và sư đệ liên hiệp động thủ mà vẫn chưa chiếm được mảy may ưu thế, trong bụng thầm nghĩ: "về kiếm pháp bọn ta luyện chưa được thuần thục, đường kiếm không đánh được lâu. Cần phải dùng chiến thuật đánh mau và đánh mạnh. Vậy sáu người phải sớm đồng thời xuất thủ là hơn. Ðại Luân Minh Vương là tay thông minh tuyệt đỉnh, lão vẫn để ý xem kiếm pháp của Thiên Quan và Thiên Tham chứ chưa đưa toàn lực ra công thủ. Thiên Nhân nghĩ vậy liền hô:

-Hai sự đệ Thiên Tướng và Thiên Trần! Chúng ta nhất tề động thủ.

Vừa dứt tiếng Thiên Nhân đã phóng ngón tay trỏ để phát huy "thương dương kiếm", theo liền với "thiếu xung kiếm" của Thiên Tướng và "quan xung kiếm" của Bảo Ðịnh Ðế.

Ba đường kiếm khí đồng thời nhằm đánh vào ba đường khói trắng.

Ðoàn Dự bắt đầu nhìn "thiếu xung kiếm" rồi đến "quan xung kiếm", "thương dương kiếm" cùng một lúc. Chàng nhận thấy cả mấy thế kiếm đem đối chiếu với quyển đồ hình tuy cũng hiểu được nhưng thấy rối loạn, không ra mạch lạc nào nên không nhớ được.

Ðoàn Dự đang chú ý nhìn nhận về "thiếu xung kiếm" trên đồ hình chợt thấy một ngón tay gầy đét thò ra viết lên trên quyển đồ hoạ: "học riêng biệt từng thế kiếm một", thuộc rồi sẽ học sang thế khác!". Chàng hiểu ngay là Khô Vinh đại sư chỉ điểm cho mình biết cách học liền quay đầu lại, mỉm cười tỏ ý tạ ơn.

Không ngờ Ðoàn Dự vừa nhìn lên, chàng bỗng cả kinh thất sắc vì khuôn mặt Khô Vinh đặc biệt kỳ dị: nửa mặt bên trái hồng hào tươi nhuận, da thịt đầy đặn mũi mĩm như đứa trẻ nít, còn nửa mặt bên phải thì ngược lại: chỉ có làn da vàng héo bọc ngoài xương, những đầu xương gồ lên, trông như nửa cái đầu lâu người chết.

Ðoàn Dự sợ quá trông ngực đánh hơn trống làng, không dám nhìn lâu và cũng không dám nghĩ tới, mặc dầu chàng biết rõ đó là kết quả của công phu luyện "khô thuyền" mà nhà sư đã đạt được. Cái khuôn mặt nửa tươi, nửa héo trông rất khó coi và đáng sợ, khiến ai đã nhìn thấy cũng không thể bình tĩnh được.

Khô Vinh đại sư lại đưa ngón tay viết thêm: "Dịp may đừng bỏ lỡ, chú ý xem kiếm pháp".

Ðoàn Dự gật đầu chú ý xem "quan xung kiếm pháp" của bá phụ rồi lại lần lượt xem đến hai kiếm pháp "thiếu xung" và "thương dương". Trong năm ngón tay của con người thì ngón vô danh vụng về nhất và ngón trỏ là nhanh nhẹn hơn. Vì thế nên kiếm pháp "quan xung" thủ thắng ở điểm vụng về chất phác mà kiếm pháp "thương dương" thủ thắng ở điểm xảo diệu, linh hoạt, biến hoá khôn lường. Hai kiếm pháp "thiếu xung" và "thiếu trạch" đều phóng ra bằng ngón tay út, song một bên tay phải, một bên tay trái nên kiếm pháp cũng khác nhau ở chỗ khéo hoặc vụng, mau hay chậm.

Tuy nhiên vụng mà vẫn được việc, chậm mà không giảm uy lực chỉ cần phân biệt ở phương pháp sử dụng: đánh bất ngờ hay đánh thẳng thắn mà thôi.

Ðoàn Dự lúc đầu chỉ là do tính hiếu kỳ thúc đẩy, nhìn đường khói trắng bay đi bay lại, đem đối chiếu với những đường vẽ trong đồ hình, chẳng qua cũng coi như một trò chơi đánh đố,mỗi lần đường kiếm diễn biến là một lần suy nghĩ cho ra. Nhưng từ lúc được nghe lời chỉ điểm "dịp may đừng bỏ lỡ" của Khô Vinh, Ðoàn Dự mới chuyên tâm, nhất trí nhận xét.

Ðoàn Dự vừa học xong được ba thế kiếm thì Thiên Tham và Thiên Quan lại sử dụng kiếm pháp đến lần thứ hai. Lần này Ðoàn Dự không cần xem đồ hình nữa, chỉ để mắt nhìn đương khói trắng và đem những đường kiếm đã thuộc

lòng ra đối chứng. Chàng nhận ra rằng những nét vẽ trong đồ hình chỉ là những đường chết mà những đường khói trắng đi đi lại lại một cách linh động, biến hoá vô cùng, có phần phong phú phiền phức hơn nhiều.

Ðoàn Dự theo dõi một hồi thì Thiên Nhân, Thiên Tướng và Bảo Ðịnh Ðế lại sử dụng xong một lượt kiếm pháp nữa. Thiên Tướng bật ngón tay út một cái, sử dụng đường kiếm lần thứ hai theo thế "phân hoa phất liễu". Ðoạn tiếp đến Thiên Nhân và Bảo Ðịnh Ðế cũng sử dụng lại hai kiếm pháp vừa đánh xong.

Cưu Ma Trí khẽ gật đầu rồi đột nhiên những tiếng "vu vu" phát ra, huy thế hoả diệm đao mạnh lên gấp bội, đẩy lui tất cả nội lực kiếm khí của năm người trở lại.

Lúc đầu Cưu Ma Trí chỉ giữ thế thủ, cốt để xem xét đủ các thế đánh trong Lục mạch thần kiếm rồi mới phản kích. Ðang thế thủ đổi sang thế công, năm luồng khói trắng bay lượn tung hoành, linh hoạt vô song, còn luồng thứ sáu vẫn ngưng lại ở phía sau Khô Vinh đại sư cách chừng ba bốn thước, đứng im tăm tắp, không chuyển động chút nào.

Khô Vinh đại sư để ý nhận xét cho thấu triệt tình hình địch thủ, xem Cưu Ma Trí duy trì tình trạng "năm ngả công một ngả đừng" này được đến bao giờ. Quả nhiên Cưu Ma Trí không kéo dài tình trạng đó được nữa vì muốn giữ cho luồng khói trắng thứ sáu đứng yên một chỗ như thế hao tốn rất nhiều sức lực. Lão phải di động cho nó tiến dần từng bước một, thẳng đến sau gáy Khô Vinh đại sư.

Ðoàn Dự hốt hoảng la lên:

-Ðại sư phụ ơi! Ðường khói trắng của địch đã tập công tới nơi !

Khô Vinh gật đầu và mở tới chỗ "thiếu thương kiếm" trong quyển đồ hoạ đưa cho Ðoàn Dự xem.

Ðoàn Dự thâm cảm mỹ ý của Khô Vinh, để hết tinh thần vào nhận xét đồ hình,thấy kiếm pháp "thiếu thương" này giống như một bức tranh thuỷ mạc, tuy chỉ dọc ngang xiên chếch sơ sài nhưng sức đánh mãnh liệt như phong ba bão táp, đá lở trời long.

Ðoàn Dự tuy mắt xem kiếm phổ nhưng vẫn để ý tới luồng khói trắng tiến lại sau gáy Khô Vinh. Chàng vừa quay đầu lại thấy luồng khói trắng chỉ còn cách độ ba bốn tấc là tới nơi, hoảng hốt kêu:

-Ðại sư phụ! Hãy coi chừng!

Khô Vinh đại sư đưa tay về đằng sau đồng thời búng mạnh hai ngón tay cái, tức thời hai luồng kiếm khí vù vù phát ra nhằm đánh vào hai điểm trước ngực bên phải và vai bên trái Cưu Ma Trí.

Khô Vinh đại sư không cần chống đỡ thế công của đối phương mà lại phóng ra hai đạo "kỳ binh" đánh gấp vào địch thủ, vì đại sư tin chắc là Cưu Ma Trí kìm hãm nội lực "hoả diệm đao" cho tiến một cách từ từ thì dù có đả thương được mình cũng còn phải mất giây lát nữa, nếu mình dùng lối đánh "hậu phát, tiên đáo" thì đối phương không kịp trở tay.

Cưu Ma Trí cũng không phải tay vừa, liệu lượng rất chu đáo, đã dự bị sẵn một đường chưởng lực phòng hờ trước ngực để kịp thời ứng phó với miếng đánh hiểm độc bất thần của đối phương. Tuy nhiên lão mới nghĩ tới một thế công ác liệt của "thiếu dương kiếm" thôi chứ chưa nghĩ tới Khô Vinh lại đồng thời xuất phát luôn hai đường kiếm khí đánh vào hai chỗ khác nhau.

Cưu Ma Trí giơ tay phát động đường chưởng lực đã phục sẵn để chống đỡ với một đường kiếm khí của đối phương đâm vào trước ngực bên phải và tiếp liền nhún chân bên phải vội lùi lại phía sau. Song dù lão có mau lẹ mấy chăng nữa vẫn không lẹ bằng kiếm khí.

Bỗng nghe "xoẹt" một tiếng nhe nhẹ, vai áo thầy tu của Cưu Ma Trí đã bị rách một miếng và máu tươi ròng ròng chảy ra.

Hai ngón tay Khô Vinh quay tròn một vòng,kiếm khí rút trở lại, sáu nén hương của Cưu Ma Trí đều bị đứt tày giữa quãng.

Bọn Thiên Nhân, Bảo Ðịnh Ðế đều thu kiếm khí về ngừng chiến. Trong tay ai nấy đều đẫm mồ hôi và đến bây giờ họ mới yên lòng.

Cưu Ma Trí rảo bước tiến vào trong nhà nói:

-Thiền Công của Khô Vinh đại sư thật là siêu việt, tiểu tăng đây rất lấy làm bội phục. Còn về Lục mạch thần kiếm nguyên chỉ có hư danh mà thôi.

Thiên Nhân phương trượng hỏi:

-Thế nào Minh Vương lại bảo là chỉ có hư danh? Bần tăng cần phải lãnh giáo mới được.

Cưu Ma Trí đáp:

-Năm xưa Mộ Dung tiên sinh ngưỡng mộ Lục mạch thần kiếm là ngưỡng mộ về kiếm pháp chứ không phải ngưỡng mộ về kiếm trận. Một toà kiếm trận này của Thiên Long tự, cố nhiên là uy lực lớn lắm. Song xét cho cùng chỉ ngang hàng với "La hán kiếm trận" của phái Thiếu Lâm, hoặc "hỗn độn kiếm trận" của phái Côn Luân mà thôi, dường như chưa phải là một kiếm pháp vô song.

Cưu Ma Trí nói kiếm trận chứ không phải là kiếm pháp là có ngụ ý chỉ trách đối phương về điểm sáu người nhất tề tham chiến, bày thành thế trận chứ đâu phải một người sử dụng cả Lục mạch thần kiếm như một mình lão sử dụng "hoả diệm đao".

Thiên Nhân thấy Cưu Ma Trí nói có lý chưa tìm được câu trả lời thì Thiên Tham đã cười lạt, hỏi lại:

-Bất luận kiếm pháp hay kiếm trận gì gì đi nữa nhưng cuộc tỷ đao luận kiếm vừa đây thì Minh Vương được hay chùa Thiên Long chúng tôi được?

Cưu Ma Trí không trả lời, nhắm mắt trầm tư một lát chừng uống cạn chén trà rồi mở to mắt ra đáp:

-Trận đấu thứ nhất thì quý tự hơi chiếm được ưu thế nhưng trận đấu thứ hai đây thì tiểu tăng sẽ nắm chắc phần thắng.

Thiên Nhân kinh ngạc hỏi:

-Minh Vương lại muốn liều một trận thứ hai nữa ư?

Cưu Ma Trí đáp:

-Ðại trượng phu đã nói thì phải giữ lời, tôi đã hứa với Mộ Dung tiên sinh đâu có thể ngại khó mà rút lui được?

Thiên Nhân hỏi tiếp:

-Nhưng sao Minh Vương biết đã nắm chắc phần thắng?

Cưu Ma Trí hơi nhếch mép cười đáp:

-Các vị đều là những bậc đại sư võ học uyên thâm, chẳng lẽ lại không suy đoán ra hay sao? Xin hãy tiếp chiến đã!

Nói dứt lời hai bàn tay lão từ từ đẩy ra phía ngoài. Bên Khô Vinh, Thiên Nhân,Bảo Ðịnh Ðế sáu người đều cảm thấy hai luồng kình lực phân tách ra và tập trung vào nhiều chỗ khác nhau. Bọn Thiên Nhân đều nhận thấy không thể dùng kiếm pháp "Lục mạch thần kiếm" mà chống đỡ kịp nên ai cũng đánh luôn hai chưởng một lúc để chống với hai luồng chưởng lực của đối phương. Riêng Khô Vinh đại sư vẫn dùng hai ngón tay cái búng mạnh ra, dùng thiếu dương kiếm để tiếp chiến với nội lực của địch thủ.

Cưu Ma Trí sau khi đẩy hai luồng chưởng lực ra lại thu về ngay nói:

-Xin lỗi!

Thiên Nhân, Bảo Ðịnh Ðế và đồng bọn đưa mắt nhìn nhau và cũng hiểu ngầm rằng chưởng lực của đối phương có thể chia tách ra làm mấy đường cùng một lúc.

Thiếu dương song kiếm của Khô Vinh sư thúc nếu có chia ra hai đường đánh ập lại, lão vẫn đủ sức chống đỡ. Chúng ta cần phải bỏ kiếm dùng chưởng, vì Lục mạch thần kiếm hiển nhiên thấy không kịp "hoả diệm đao" của lão rồi. Giữa lúc

mọi người đương suy tính, chợt thấy trước mặt Khô Vinh đại sư khói bốc lên ngùn ngụt, một luồng khói đen tách ra làm bốn nhằm bay về phía Cưu Ma Trí tập công.

Từ lúc vào đến giờ Cưu Ma Trí vẫn thấy lão hoà thượng ngồi quay mặt vào vách, không lúc nào ngoảnh mặt ra, trong bụng lão lúc nào cũng nơm nớp e ngại.

Bây giờ thốt nhiên thấy những luồng khói đen tấn công, không hiểu đối phương dụng ý ra sao. Lão vẫn dùng hoả diệm đao chia ra làm bốn đường chống đỡ.

Cưu Ma Trí hiện giờ chỉ giữ thế thủ, chứ chưa thể khởi công, một mặt phòng bị bọn Thiên Nhân đánh ập tới, một mặt cần bình tĩnh để coi tình hình biến chuyển, xem Khô Vinh còn có đòn gì ác hại hơn đánh tiếp chăng? thấy luồng khói đen mỗi lúc một dày đặc, thế công rất là lợi hại Cưu Ma Trí rất đỗi ngạc nhiên, tự hỏi: người ta đã có câu: "Mưa không qua ngọ, gió không qua mùi". Không hiểu đối phương sao lại dùng toàn lực ra đánh thì phỏng được mấy hơi?

Khô Vinh là một vị cao tăng như thế lẽ nào không nghĩ đến? Y dùng thủ đoạn hấp tấp cứng rắn như thế để ứng địch tất phải có quỷ kế gì đây. Vì nghĩ thế nên Cưu Ma Trí chỉ giữ môn hộ vững vàng để tâm linh sáng suốt nhận định tình thế và tuỳ cơ ứng biến.

Chừng uống cạn tuần trà, thì bốn luồng khói đen đó đột nhiên mỗi luồng chia ra làm hai, hai lại chia ra bốn, cộng lại tất cả thành mười sáu luồng vây bọc bốn bên tám mặt, tiến ập vào đánh Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí vẫn bình tĩnh cho là cung mạnh đã đến cuối tầm, không còn gì đáng kể nữa. Lão liền sử dụng hoả diệm đao và cũng chia ra thành nhiều đạo để ngăn chặn các lực đạo của đối phương. Hai lực đạo vừa chạm nhau thì 16 tia khói đen của Khô Vinh thốt nhiên tản ra bốn phía,chỉ trong tích tắc hơi khói toả ra mờ mịt khắp trong nhà.

Cưu Ma Trí vẫn điềm nhiên không hề nao núng, phát động chân lực tới mức độ cực mạnh, phòng giữ khắp toàn thân. Ðược một lát lớp khói lạt dần. Trong lớp khói lạt lờ mờ thấy bọn Thiên Nhân cả thảy năm hoà thượng đều quỳ dưới đất coi vẻ rất trang nghiêm. Ðặc biệt là Thiên Quan và Thiên Tham, hai mắt đầy vẻ bi phẫn.

Cưu Ma Trí không khỏi ngạc nhiên trước tình thế ly kỳ, song chỉ thoáng một cái là lão hiểu ngay và nói thầm một mình: "Hỏng rồi! Khô Vinh biết rõ không chống cự nổi nên đem quyển đồ hoạ Lục mạch thần kiếm đốt đi". Khô Vinh đại sư không muốn để Lục mạch thần kiếm lọt vào tay Cưu Ma Trí nên một mặt dùng nội lực Nhất Dương Chỉ đốt cháy hết cho thật mau mọi trang trong quyển đồ hoạ, một mặt thúc đẩy những luồng khói đen đến tập kích cho lão phải ra sức chống đỡ. Tới khi khói lạt thì sách đã cháy hết rồi.

Bọn Thiên Nhân đều là những bậc cao thủ nghiên cứu về Nhất

Dương Chỉ nên vừa nhìn thấy luồng khói đen đã hiểu rõ nguyên do nghĩ bụng:

"đây là sư thúc đã quyết tâm cam bề ngọc nát còn hơn yên phận ngói lành nên đã đem bảo vật trấn tự huỷ đi chứ nhất định không chịu để lọt vào tay kẻ địch".

Thế là từ đây đã gây nên mối thâm cừu giữa Thiên Long tự cùng Ðại Luân Minh Vương, khó mà gỡ ra được nữa.

Cưu Ma Trí vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ, lão vốn tự phụ là người có mưu trí mà hôm nay hai lần liên tiếp bị bại dưới tay Khô Vinh đại sư. Quyển đồ hình Lục mạch thần kiếm đã bị thiêu huỷ hoàn toàn. Thế là chuyến đi này chẳng những

không thu hoạch được chút gì còn kết thêm mối thâm cừu. Cưu Ma Trí đứng dậy,chắp tay nói:

-Khô Vinh đại sư hà tất phải nóng tính như thế? Thà rằng gẫy nát không chịu cong queo kể cũng cao thượng đấy. Vì tiểu tăng mà đại sư huỷ mất bảo kinh của quý tự, trong lòng tiểu tăng có điều áy náy. Nhưng xét cho cùng quyển kinh này không phải sức một người nào luyện được, thế thì huỷ đi hay không cũng thế mà thôi. Tiểu tăng xin cáo biệt.

Cưu Ma Trí xoay người đi một chút, không đợi Thiên Nhân và Khô Vinh trả lời,bất thình lình đưa tay ra nắm chặt mạch đạo ở cổ tay phải Bảo Ðịnh Ðế rồi nói tiếp:

-Quốc vương tôi lâu nay vẫn ngưỡng mộ phong độ hoàng đế, ao ước được gặp một lần, xin mời bệ hạ khuất giá tới Thổ Phồn để quốc vương tôi được dịp thừa tiếp.

Sự biến diễn bất ngờ, mọi người đều giật mình. Cưu Ma Trí hành động một cách quá đột ngột. Bảo Ðịnh Ðế dù là bậc võ công cao cường nhưng không kịp phòng bị, hơn nữa thủ pháp bắt người của Cưu Ma Trí rất là kỳ dị. Bảo Ðịnh Ðế vừa bị nắm chặt cổ tay, vội vàng vận động nội lực, thúc đẩy chân khí ra huyệt đạo, liên tiếp chuyển đẩy tới bảy tám lần mà vẫn không sao gỡ tay ra được. Những bậc cao thủ tỷ thí với nhau, chỉ lỡ một nước là người ngoài khó bề cứu gỡ. Bảo Ðịnh Ðế đã bị địch thủ chế ngự được yếu huyệt rồi tức là tính mạng ở trong tay đối phương, bất cứ giờ phút nào lão bắt chết cũng phải chết. Bọn Thiên Nhân đều biết Cưu Ma Trí hành độngnhư vậy là quá ư đê hèn, mất hết danh sự một bậc cao thủ tuyệt đỉnh song chỉ căm phẫn ngấm ngầm chứ không có cách gì cứu gỡ được.

Khô Vinh đại sư cười nói:

-Ðoàn Chính Minh trước đây là Bảo Ðịnh Ðế, hiện giờ đã thoái vị đi tu pháp danh Thiên Trần. Quốc vương Thổ Phồn đã có ý thỉnh mời Thiên Trần cứ đi cũng được.

Bảo Ðịnh Ðế không sao được nên cũng gượng đáp:

-Xin vâng.

Bảo Ðịnh Ðế biết rõ dụng ý của Khô Vinh thiền sư. Cưu Ma Trí thấy mình là một vị quốc vương mà lão bắt được mới coi là một hoá phẩm trân kỳ. Ðằng này mình đã thoái vị đi tu, bất quá là một hoà thượng ở chùa Thiên Long, lão bắt được cũng chẳng có gì kỳ lạ. Chưa biết chừng vì thế mà lão thả ra cũng nên.

Sử dụng Lục mạch thần kiếm dù chỉ là một thế trong lục kiếm cũng phải là tay cao thủ bậc nhất, tinh thần cả võ lực lẫn nội công mới mong đạt được kết quả.

Những tay cao thủ hạng này đều biết nhau cả. Nhất là những bậc danh gia họ Ðoàn, cả tăng lẫn tục ở nước Ðại Lý hay chùa Thiên Long đối với Cưu Ma Trí thì chẳng những về diện mạo và niên kỷ lão đã dò hỏi tận tường mà cả về tính khí

cùng bản lãnh từng người lão cũng biết rõ đến chín phần mười. Cưu Ma Trí còn thông tỏ ngõ ngách trong chùa Thiên Long, ngoài Khô Vinh đại sư ra các vị cao thủ cùng hàng pháp danh đệm chữ Thiên chỉ có bốn người. Bây giờ thốt nhiên xuất hiện thêm một vị Thiên Trần nữa mà nội lực võ công cũng tương đương với bốn vị hoà thượng kia, dung mạo oai nghiêm, khí sắc đầy vẻ phú quý vinh hoa thì làm gì mà lão chẳng nhận ra ngay là Bảo Ðịnh Ðế. Vừa nghe Khô Vinh đại sư nói Bảo Ðịnh Ðế đã thoái vị đi tu Cưu Ma Trí sực nhớ ra lâu nay vẫn nghe các bậc đế vương họ Ðoàn nước Ðại Lý khi cao tuổi rồi thường thoái vị, xuất gia thì đối với việc Bảo Ðịnh Ðế thốt nhiên vào tu tại chùa Thiên Long cũng chẳng lấy gì làm lạ.

Chỉ có rằng một vị Hoàng đế xuất gia đi tu tất có toàn quốc cử hành diễn lễ rất trọng thể: thết sư, lễ Phật, tu lý chùa chiền cho nổi đình đám mấy hôm. Có lý nào nhà Vua lại xuất gia một cách không trống không kèn? Cưu Ma Trí nghĩ vậy liền đáp:

-Bảo Ðịnh Ðế xuất gia hay không xuất gia cũng được, dù sao cũng xin mời người sang chơi Thổ Phồn một chuyến để triều kiến quốc vương bên bần tăng.

Lão vừa nói vừa dắt Bảo Ðịnh Ðế ra ngoài. Thiên Nhân liền lên tiếng:

-Hãy khoan!

Ðoạn cùng với Thiên Quan nhảy ra, đứng chắn trước cửa.

Cưu Ma Trí nói:

-Tiểu tăng quyết không có ý gia hại Bảo Ðịnh hoàng thượng nhưng nếu các vị bức bách tiểu tăng quá thì tiểu tăng cũng không thể bảo toàn được đâu.

Lão vừa nói vừa vờ đưa tay trái đánh dứ vào hậu tâm Bảo Ðịnh Ðế. Bọn Thiên Nhân trong lúc giao thủ với Cưu Ma Trí vừa rồi đã hiểu rõ chưởng lực "hoả diệm đao" của lão lợi hại thế nào rồi. Bảo Ðịnh Ðế hiện bị lão nắm chặt mạch đạo rồi thì lão muốn giết hay làm gì thì làm nhà Vua không còn sức phản kháng được nữa.

Nếu mọi người hợp lực tấn công phần thì e ném chuột tất vỡ đồ phần e chưa chắc nắm được phần thắng.

Cưu Ma Trí nói tiếp:

-Tiểu tăng mất công đi lại vất vả, rất hổ thẹn cùng người bạn đã khuất, may mà mời được Bảo Ðịnh hoàng đế cùng về mới khỏi mang tiếng là một chuyến đi không về rồi. Xin tránh đường cho tôi đi chứ!

Bọn Thiên Nhân do dự đứng đờ người suy nghĩ: Bảo Ðịnh Ðế là một vị quốc vương nước Ðại Lý, không lẽ để cho địch nhân bắt đem đi? nhưng chưa biết đối phó bằng cách nào đánh tháo cho được.

Cưu Ma Trí lại nói lớn:

-Tôi vốn nghe đại danh các vị cao tăng chùa Thiên Long, không ngờ đối với một việc nhỏ mọn thế này mà cũng bịn rịn, bắt chước thói đàn bà con nít.

Ðoàn Dự thấy bá phụ bị bắt rất buồn bực. Lúc mới đầu chàng vẫn tưởng võ công của bá phụ cao cường tới bực nào, có sợ gì Cưu Ma Trí? Chẳng qua người phải tạm thời nhẫn nại, chờ cơ hội đến là người có thể tự thoát thân được ngay. Không ngờ mỗi lúc một thấy nguy nan. Giọng nói và nét mặt Cưu Ma Trí đầy vẻ kiêu ngạo,thần sắc Thiên Nhân, Thiên Quan và mọi người đều lộ vẻ buồn phiền phẫn nộ mà không làm sao được. Tới lúc Cưu Ma Trí cầm tay Bảo Ðịnh Ðế lôi đi, chạy ra ngoài cửa, Ðoàn Dự hoảng hốt không kịp nghĩ ngợi gì nữa, chàng la ầm lên:

-Ối ! Mi buông bá phụ ta ra!

Ðoàn Dự vừa la vừa đứng phắt dậy chạy theo. Cưu Ma Trí ngay lúc mới vào đã thấy một người ngồi trước mặt Khô Vinh đại sư nhưng vẫn chưa suy đoán người đó là ai và cũng không hiểu Khô Vinh bảo gã ngồi đó có dụng ý gì. Bây giờ thấy Ðoàn Dự đứng dậy đuổi theo, liền động tính hiếu kỳ quay lại hỏi:

-Tôn giá là ai?

Ðoàn Dự đáp:

-Mi đừng hỏi ta là ai vội! Hãy buông bá phụ ta ra trước đã rồi sẽ nói chuyện sau!

Nói xong Ðoàn Dự đưa tay ra nắm lấy cổ tay Bảo Ðịnh Ðế. Bảo Ðịnh Ðế lật bàn tay lại, nắm lấy tay Ðoàn Dự nói:

-Dự nhi! Cháu không phải bận lòng vì ta nữa! mau mau về giục phụ thân cháu lên ngôi Ðại Bảo, nắm lấy việc triều chính. Còn ta bây giờ đã thành một vị lão tăng mây ngàn hạc nội, không đáng quan tâm nữa.

Bàn tay Bảo Ðịnh Ðế vừa chạm vào tay Ðoàn Dự người bỗng giật thót lên một cái và cảm thấy hấp lực của Chu cáp thần công hút mạnh. Cưu Ma Trí cũng đồng thời cảm thấy chân lực trong mình cứ cuồn cuộn tiết ra ngoài. Song công lực của lão rèn luyện còn cao cường hơn Bảo Ðịnh Ðế nhiều. Lão ngờ là Bảo Ðịnh Ðế vận dụng công phu kỳ lạ để hút lấy nội lực của mình, lão liền ngưng tụ nội lực, định tranh đoạt cùng chân khí của Bảo Ðịnh Ðế.

Bảo Ðịnh Ðế sở dĩ bị Cưu Ma Trí chế ngự được là do trong lúc bất ngờ không đề phòng, bị đối phương đột nhiên dùng kỹ thuật tiểu nhân nắm được mà thôi, còn về nội lực võ công trong bản thân chưa bị hao tổn mảy may. Bỗng nhiên nhà Vua cảm thấy hai tay đồng thời có một mãnh lực giằng co liền dùng ngay phương pháp tá lực đả lực dẫn hai luồng nội lực cho gặp nhau ở một chỗ để hai bên kháng cự lẫn nhau.

Bảo Ðịnh Ðế lợi dụng lúc đó chỉ khẽ vẫy tay một cái đã thoát khỏi sự trói buộc của Cưu Ma Trí một cách dễ dàng, đem Ðoàn Dự cùng nhảy lùi lại và thầm tự nhủ: "Kể cũng đáng hổ thẹn, hôm nay mình phải nhờ đến Dự nhi cứu cho mới thoát được".

Cưu Ma Trí kinh hoảng vô cùng nghĩ thầm: "trong võ lâm lại mới xuất hiện một vị cao thủ thế mà sao mình không hay biết gì hết? Người này tuổi còn nhỏ, mới độ hai mươi trở lại mà sao bản lĩnh cao cường đến thế?".

Thấy Ðoàn Dự gọi Bảo Ðịnh Ðế bằng bá phụ Cưu Ma Trí trong lòng nghi hoặc tự hỏi: "Quái lạ! Sao ta chưa hề nghe nói tới trong đám con em họ Ðoàn nước Ðại Lý có một nhân vật đặc sắc như thế bao giờ?".

Cưu Ma Trí dở thủ đoạn thầm lén,nắm giữ được mạch đạo Bảo Ðịnh Ðế một cách dễ dàng, tưởng thành công đến nơi

mà lại sẩy. Lão không ngờ một gã thanh niên xen ngang vào phá đám, khiến lão căm giận, không thể nào nhịn được. Vẫn ra vẻ bình tĩnh, lão gật đầu lên giọng nói mát:

-Tiểu tăng vẫn tưởng họ Ðoàn nước Ðại Lý xưa nay chỉ chuyên về võ học tổ truyền, không theo những môn tạp nham không ngờ các bậc hiền tài hậu bối lại đi kết giao cả với Tinh tú Hải lão nhân để khảo luyện các kỳ môn võ học như môn "hoá công đại pháp" chẳng hạn. Thế thì lạ thật, quả là lạ thật!

Cưu Ma Trí tuy là người uyên bác hiểu rộng vẫn lầm tưởng "chu cáp thần công" của Ðoàn Dự là môn "hoá công đại pháp". Có điều lão còn biết tự trọng, không buông lời nói phũ phàng đả kích ai. Vì thế nên "Tinh Tú Hải lão ma" lão gọi đổi ra "Tinh Tú Hải lão nhân". Nhân vĩ võ lâm đều gọi "hoá công đại pháp" là yêu công hay tà thuật lão lại gọi tránh đi là kỳ môn võ học. Lão không dùng chữ đệ tử lão ma mà chỉ dùng chữ kết giao đủ biết lão là người rất tế nhị. Tuy lão cũng ngộ nhận như Thạch Thanh Tử song biết lựa lời thanh lịch, không như Thạch Thanh Tử hỏi một cách sống sượng, bốp chát.

Bảo Ðịnh Ðế cũng cười lạt nói móc:

-Lâu nay bần tăng vẫn ngưỡng mộ Ðại Luân Minh Vương là bậc đại trí tuệ, kiến thức sâu xa, thế mà sao cũng ăn nói hồ đồ đến thế? Tinh Tú lão ma làm nhiều điều phi nghĩa, con cháu họ Ðoàn khi nào lại có liên lạc với hắn?

Cưu Ma Trí đã hơi chột dạ, Ðoàn Dự lại nói tiếp:

-Mi là khách ở xa tới, chùa Thiên Long ta tiếp đãi trọng thể, thế mà mi cả gan dám xúc phạm đến bá phụ ta. Chẳng qua chúng ta thấy mi cũng là đệ tử nhà Phật nên mọi việc đều nhân nhượng, thì trái lại mi lại càng ngang ngược thêm. Những

người đã xuất gia có ai lại như mi? Chẳng biết giữ thanh quy một chút nào hết.

Mọi người thấy Ðoàn Dự lấy đại nghĩa trách mắng Cưu Ma Trí cũng hả dạ, đồng thời để hết tinh thần giới bị, sợ Cưu Ma Trí cáu tiết lên lại gia hại Ðoàn Dự một cách đột nhiên. Song lão sắc mặt vẫn điềm nhiên và nhã nhặn nói:

-Hôm nay được biết thêm một bậc cao hiền, còn hân hạnh nào bằng? xin đừng tiếc công chỉ giáo cho mấy hiệp, khiến tiểu tăng được thêm phần tiến ích.

Ðoàn Dự thản nhiên đáp:

-Ta không hiểu võ công và cũng chưa học võ bao giờ.

Cưu Ma Trí cười khành khạch đáp:

-Thật là cao minh! Cao minh! Thôi tiểu tăng xin cáo biệt vậy!

Lão vừa nghiêng người đi một chút đã phất tay áo đồng thời vươn bàn tay ra, lập tức bốn đường "hoả diệm đao" phát xuất nhằm đánh vào Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự hoàn toàn không hiểu cách chống đỡ môn võ công thượng thặng này,chợt thấy những đòn ác liệt tập công tới chàng vẫn ù ù cạc cạc đứng ỳ ra.

Bảo Ðịnh Ðế và Thiên Tham đồng thời đánh luôn hai ngón tay ra để ngăn chặn bốn đường "hoả diệm đao". Bỗng thấy Cưu Ma Trí thân hình rung động không ngừng, chính là lúc lão tăng cường nội kình đến cực độ để xung kích. Thiên Tướng "oẹ" một tiếng, hộc máu tươi ra.

Bấy giờ Ðoàn Dự mới biết Cưu Ma Trí lại dùng cách đánh lén lút,liền nổi cơn thịnh nộ, chỉ vào mặt Cưu Ma Trí mắng:

-Gã phiên tăng kia! Mi thật là dã man vô lý.

Ðoàn Dự vừa mắng vừa đưa ngón tay trỏ dùng sức phóng mạnh ra, tâm khí giao thông, tự nhiên sử dụng thành thế "phương dương kiếm" với một nội lực hùng hậu vô song.

Ðoàn Dự lúc trước ngồi trước mặt Khô Vinh đại sư để xem đồ hình và các vận dụng Lục mạch thần kiếm. Sau khi nhận xét và ghi nhớ tỏ tường bây giờ đem sử dụng thí nghiệm một ngón đầu tiên không ngờ lại ám hợp đúng như trong kiếm phổ. Sức nội kình phóng ra mãnh liệt, nghe kêu "vo vo" nhằm đâm thẳng vào Cưu Ma Trí, đấy chính là đòn "kim châm độ kiếp".

Cưu Ma Trí không thể tưởng tượng được nội lực của Ðoàn Dự lại ghê gớm đến thế. Ðòn "kim châm độ kiếp" này lúc phóng ra tuyệt ở chỗ vụng mà khéo, trơn mà rít hợp với yếu quyết của kiếm pháp thượng thừa.

Cưu Ma Trí hốt hoảng, vội vàng dùng chưởng lực đẩy mạnh "hoả diệm đao" để chống đỡ.

Ðoàn Dự ra tay chẳng những làm cho Cưu Ma Trí phải kinh dị mà ngay đến Khô Vinh cùng bọn Thiên Nhân cũng cho là một sự không bao giờ nghĩ tới. Nhất là Bảo Ðịnh Ðế và chính Ðoàn Dự lại càng lấy làm quái lạ.

Ðoàn Dự tự nghĩ: "sao mình ngẫu nhiên đánh ra một chỉ mà Cưu Ma Trí lại phải để hết tâm thần ra chống đỡ như thế? Rồi chàng lại tự trả lời: phải rồi, phải rồi, chắc là mình xuất chỉ đúng cách thức nên lão cho là mình biết sử dụng Lục mạch thần kiếm. Ha ha! đã thế ta phải cho lão hoảng vía một phen". Chàng liền quát lớn:

-Thế "thương dương kiếm" có chi đáng kể? Ðể ta sử dụng mấy đường "trung xung kiếm" cho mi coi!

Nói xong chàng đưa ngón tay giữa ra điểm. Song chỉ pháp tuy đúng nhưng kình lực không vận dụng tiếp theo được, thành ra chỉ là đường đánh hư không, mà chẳng có mảy may hiệu lực.

Cưu Ma Trí lúc mới thấy Ðoàn Dự điểm ngón tay giữa đã sắp sẵn các thế để tiếp chiến, không ngờ đối phương đánh không thấy một chút kình lực nhưng lão vẫn còn nghi hoặc cho là đối phương dùng lối hư hư thực thực mà sẽ có đường đánh lợi hại tiếp theo. Dợi tới khi Ðoàn Dự sử dụng đường thứ hai vẫn rỗng tuếch như trước, lúc đó Cưu Ma Trí mới mừng thầm nghĩ bụng: "ta vẫn nói ở trên đời này làm gì có người sử dụng được "thương dương kiếm" mà kiêm được cả "trung xung kiếm" nữa? quả nhiên thằng lỏi này hư trương thanh thế để chộ người. Ðã thế thì ta cho nó một phen bở vía chơi".

Cưu Ma Trí là người rất tự phụ, mà đã tự phụ tất sinh lòng đố kỵ. Chuyến này lão đến chùa Thiên Long bị thất thế luôn mấy lần. Lão nghĩ nếu không làm cho tỏ mặt một phen thì oai danh Ðại Luân Minh Vương bị tổn thương nhiều lắm. Tức thì lão đưa tay trái đánh liên tiếp hai chưởng, hướng cả về hai bên tả hữu, dùng kình lực để phong toả đường cứu viện của Bảo Ðịnh Ðế và mọi người. Tiếp theo lão dùng thế "bạch hồng quán nhật" trong đao pháp "hoả diệm đao" chém thẳng vào vai bên phải Ðoàn Dự. Lão dùng đường đao tinh diệu này cốt chém cho Ðoàn Dự cụt cánh tay phải.

Bảo Ðịnh Ðế, Thiên Nhân và Thiên Tham đồng thanh la lên:

-Phải cận thận đấy!

Rồi mọi người đều đưa ngón tay ra điểm về phía Cưu Ma Trí. Ba người xuất chiến đều là những đòn trong võ công thượng thừa, bắt buộc đối phương phải thu chiêu về để tự cứu. Nào ngờ Cưu Ma Trí đã vận dụng nội kình để phòng giữ tất cả các chỗ yết huyệt trong toàn thân rồi nên lão không cần thu đao về, cứ nhằm thẳng Ðoàn Dự bổ xuống. Ðoàn Dự nghe tiếng bá phụ biết ngay là nguy đến nơi rồi,chàng vội đưa hai tay đồng thời đánh luôn hai chỉ. Trong lúc kinh hoảng, chân khí tự nhiên xuất phát, "thiếu trạch kiếm" bên tay phải, "thiếu xung kiếm" bên tay trái,hai kiếm đồng thời xông ra đón "hoả diệm đao". Dư thế vẫn còn phát ra những tiếng "vo vo", phản kích lại Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí hốt hoảng không kịp suy nghĩ gì hết, vội dừng tay trái phát động kình lực để chặn đòn. Ðoàn Dự sau khi phóng mấy thế kiếm, trong lòng đã hơi hiểu rõ cách sử dụng kiếm khí. Trước hết phải có một ý niệm, rồi mới vận chân khí ra ngón tay, có thế chân khí mới xuất phát ra được. Song chàng vẫn không hiểu tại sao phải làm như vậy. Ðoàn Dự khẽ búng ngón tay giữa, lại sử dụng "trung xung kiếm pháp". Chỉ trong chớp mắt, sáu đường kiếm ở trong quyển đồ hình mà chàng vừa được xem qua trong lúc ngồi trước mặt Khô Vinh đại sư lần lượt hiển hiện ra trước mặt chàng một cách rất rõ ràng. Mười đầu ngón tay cứ liên tiếp bật ra, qua đường này tiếp đến đường khác, tự nhiên thấy kiếm pháp nhập diệu, tựa hồ một nghệ sỹ tài cao tay vẫn gẩy đàn mà mắt vẫn nhìn chim nhạn bay qua.

Cưu Ma Trí lại càng kinh hoảng, luôn luôn tiếp vận nội lực để chống đỡ với Lục mạch thần kiếm.

Trong căn nhà lúc này chỉ thấy kiếm khí dọc ngang, gươm đao bay lượn, xung kích chen lấn nhau tựa hồ sấm vang gió rít. Giao đấu được một lúc, Cưu Ma Trí nhận thấy đối phương kình lực mỗi lúc một mạnh,kiếm pháp cũng biến hoá khôn lường, tuy từng lúc từng chỗ nó tự sáng tác ra những điểm mới lạ khiến cho người không biết đâu mà mò.

Cưu Ma Trí mỗi lúc một thêm kinh hoảng và hối hận, lão nghĩ thầm: "không ngờ trong chùa Thiên Long lại có bậc cao thủ còn nhỏ tuổi như thế. Hôm nay Cưu Ma Trí này chính là tự mình đi chuốc lấy cái nhục vào thân". Ðột nhiên nghe "vu vu vu". Cưu Ma Trí đánh liền ba đao và nói:

-Hãy ngừng tay!

Ðoàn Dự tuy học được Lục mạch thần kiếm song chưa thể phát động chân khí hay thu về theo ý mình được. Vừa nghe đối phương kêu ngừng tay, chàng luýnh quýnh không biết cách thu nội lực về, đành đưa ngón tay chỉ thẳng lên nóc nhà

đồng thời bụng nghĩ: "thôi ta cũng không nên phát kình lực ra nữa, để xem y nói gì đã".

Cưu Ma Trí quả thông minh hơn người, nhìn Ðoàn Dự có vẻ lờ ngờ, đồng thời lúc thu điểm chân khí chân tay luống cuống, trông rõ dáng điệu người kém võ công. Lão chợt nảy ra một ý nghĩ, tức thời nhảy lên một bước giơ tay đấm thẳng một quyền vào mặt Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự nhờ duyên cơ đưa tới, tuy có học được môn võ rất cao thâm Lục mạch thần kiếm nhưng ngoài ra về các môn quyền cước binh khí thông thường khác chàng hoàn toàn không hiểu tý gì.

Ðoàn Dự đưa cánh tay lên đỡ đường quyền của đối phương một cách rất ngượng nghịu.

Cưu Ma Trí liền lật bàn tay phải túm ngay "thần phong huyệt" ở trước ngực chàng. Tức khắc người chàng mềm nhũn, chân tay không cử động được nữa.

Cưu Ma Trí tuy đã khám phá được nhược điểm trong võ học của Ðoàn Dự nhưng cũng không ngờ bắt được chàng một cách quá dễ dàng như thế. Lão vẫn còn sợ chàng giả vờ ngớ ngẩn mà dùng quỷ kế gì khác chăng nên lúc nắm được "thần phong huyệt" rồi lão đưa ngón tay điểm luôn thêm ba đại huyệt: "đản trung", "đại thôi" và "kinh môn". Người đã bị điểm những đại huyệt đó rồi, quyết không thể nào còn phản kháng lại được nữa. Song đồng thời Cưu Ma Trí cảm thấy chân lực trong mình luôn luôn theo bàn tay phải tiết ra ngoài. Lão vội vàng đưa bàn tay trái nắm chặt lấy tay phải của mình, lùi lại ba bước rồi nói:

-Vị tiểu thí chủ này trong bụng đã nhớ hết đồ hình về Lục mạch thần kiếm.

Quyển đồ hình đã bị Khô Vinh đại sư đốt cháy rồi...

Lúc Cưu Ma Trí cất tiếng nói thì lại không giữ được chân khí khỏi bị tiết ra ngoài nên y vội vội vàng vàng nói vắn tắt:

-Tiểu thí chủ đây là quyển đồ hình sống... đem gã đốt sống trước mồ Mộ Dung tiên sinh, cũng như là đốt quyển đồ hình vậy...

Cưu Ma Trí sợ phe Khô Vinh đại sư nhận thấy nhược điểm của mình trong lúc nói năng mà xúm lại tấn công chăng, lão liền giơ tay trái đánh luôn ra năm đường đao, nhằm về phía trước. Bóng lão thoáng chuyển động một cái đã rút lui ra khỏi cửa mầu ni đường. Bọn Bảo Ðịnh Ðế, Thiên Quan, Thiên Nhân rượt theo để cướp người lại đều bị sức ngũ đao liên hoàn vây bọc, ngăn giữ không có cách nào tiến lên được.

Cưu Ma Trí cầm Ðoàn Dự quăng cho chín tên hán tử đợi ở ngoài cửa rồi quát giục:

-Các người rút cho mau!

Hai tên hán tử đồng thời đưa tay đón lấy Ðoàn Dự, rồi đi xuyên qua rừng cây,chạy rẽ đi lối khác chứ không theo đường cái.

Cưu Ma Trí sau khi trao Ðoàn Dự cho người khác, chân khí không bị tiết ra nữa. Lão lại huy động "hoả diệm đao"

chém tới tấp vào cửa mầu ni đường.

Bọn Bảo Ðịnh Ðế đều dùng phép Nhất Dương Chỉ xung kích nhưng vẫn không sao phá vỡ được vòng vây bằng lưỡi đao vô hình của đối phương.

Cưu Ma Trí nghe thấy tiếng vó ngựa dồn dập, biết là thủ hạ đã đem Ðoàn Dự lên đường về Bắc rồi.

Lão đắc ý cười một tràng dài nói:

-Ðốt mất quyển đồ hình chết, lại được quyển đồ hình sống. Mộ Dung tiên sinh lại có bạn ở dưới suối vàng sẽ khỏi phải tịch mịch.

Ðoạn lão dùng tay phải đánh chéo lại một chưởng. Nghe tiếng kêu rắc rắc. Hai cây cột ở toà mầu ni đường đã bị "hoả diệm đao" chém gẫy rồi. Lão phi thân thoảng như một làn khói, thoắt đã biệt dạng, không biết đi về phương hướng nào.

Bảo Ðịnh Ðế và mọi người đều dùng kinh công tuyệt đỉnh đuổi theo, nhằm thẳng về phía Bắc.

Ðoàn Dự bị Cưu Ma Trí điểm các huyệt đạo, không cử động gì được nữa, chàng bị gác ngang lưng ngựa, mặt cúi sấp xuống, chỉ nhìn thấy mặt đất như chạy lùi về phía sau. Vó ngựa chạy như bay, miệng mũi đầy cát bụi, tai nghe những tên hán tử nói líu lo toàn tiếng Phiên, chẳng hiểu là chúng nói gì. Ðoàn Dự đếm được bốn mươi chân ngựa, biết là cả bọn chúng đi có mười người. Ði được chừng hơn mười dặm, tới khúc đường rẽ, chàng thấy Cưu Ma Trí nói líu lo mấy câu rồi năm con ngựa đi về bên trái, còn Cưu Ma Trí và một tên áp giải chàng cùng ba người nữa đi rẽ về bên phải. Lại đi chừng hai dặm nữa thì tới chỗ rẽ thứ hai năm người này lại đi ra làm hai ngả.

Ðoàn Dự biết Cưu Ma Trí sở dĩ chia ra đi mấy ngả như thế là chủ ý đánh lạc hướng, khiến cho truy binh không biết đâu mà đuổi theo. Lại đi một hồi nữa, Cưu Ma Trí xuống ngựa, lấy một đoạn dây da, buộc ngang lưng Ðoàn Dự, tay

trái lão xách ngang người chàng đi về phía rặng núi còn hai tên hán tử đi rẽ về phía Tây.

Ðoàn Dự ngấm ngầm xuýt xoa và tự nghĩ: "dù bá phụ có phái một đoàn thiết giáp kỵ binh, đuổi theo không ngừng bước, bất quá cũng chỉ bắt hết được chín tên tuỳ tùng là cùng, không thể nào cứu được mình về.

Cưu Ma Trí xách một người bên tay mà lão đi nhẹ như không, mỗi lúc đi một mau hơn. Ði như thế chừng độ ba giờ mà toàn xuyên qua rừng qua núi. Mặt trời đã ngả về phía tây, ánh nắng rọi từ bên trái tới Ðoàn Dự biết là Cưu Ma Trí đem mình về hướng bắc. Ðến lúc gần tối,Cưu Ma Trí gác Ðoàn Dự lên một cành cây rồi lấy dây da trói vào. Lão chẳng nói

câu gì hết, thậm chí chẳng thèm nhìn đến nữa, chỉ đặt lên trên lưng chàng mấy cái bánh khô rồi đưa ngón tay giải một huyệt đạo cổ tay trái cho chàng để có thể lấy được bánh mà ăn.

Ðoàn Dự duỗi tay trái ra, định vận khí để sử dụng "thiếu trạch kiếm" để đánh lão nhưng chàng có biết đâu sau khi các đại huyệt trong người bị điểm rồi thì toàn thân chân khí bị phong toả nên ngón tay chàng hí hoáy mãi mà không có chút nội lực nào phát ra hết. Hai ngày liền Cưu Ma Trí vẫn xách Ðoàn Dự đi về phía Bắc.

Mấy lần chàng gợi chuyện, hỏi lão sao lại bắt chàng và đem chàng về Bắc để làm gì Cưu Ma Trí vẫn làm thinh không trả lời. Ði mãi tới mười ngày, đã ra khỏi địa giới nước Ðại Lý, Ðoàn Dự nhận thấy Cưu Ma Trí lại xoay hướng đi về phía Ðông Bắc nhưng vẫn tránh không đi đường lớn, cứ đi tắt qua những cánh rừng hoang núi rậm.

Chàng để ý nhìn nhận thấy địa thế mỗi lúc một bằng phẳng, núi dần dần ít đi mà sông ngòi lại nhiều ra.

Trong một ngày phải đi qua mấy lần đò.

Cưu Ma Trí xách Ðoàn Dự đi đường như vậy cũng làm cho người qua đường phải kinh khủng. Về sau hễ ra cửa là gặp người đi lại rồi song cũng không có ai hỏi han gì.

Ðoàn Dự lòng phẫn uất, chàng nhớ lại lúc bị cô em Mộc Uyển Thanh bắt, tuy ngày nào cũng bị đánh vùi đánh dập kể có đau thật nhưng không đến nỗi buồn bực như lần này. Lại đi hơn mười ngày nữa, Ðoàn Dự nghe thấy tiếng người nói thanh nhã dịu dàng thì nghĩ bụng: "chắc đây là địa giới Giang Nam rồi, nếu lão đem mình đi tế sống Mộ Dung tiên sinh thì chỉ một ngày nữa là tới nơi. Lão Phiên tăng này võ công lợi hại như thế, ngay phe bá phụ mình sáu

người hợp lại mà còn không ngăn nổi lão. Bây giờ mình đã lọt vào tay lão rồi, chỉ có cách để mặc lão muốn giết thì giết, muốn mổ thì mổ chứ chẳng còn hi vọng gì nữa. ý chí ngang bướng đã chớm nở, chàng không thèm lo nghĩ gì hết ngẩng đầu lên ngắm phong cảnh. Tiết trời đang độ tháng ba, ngõ hạnh đầy hoa, ven hồ rủ liễu, gió xuân phơi phới thổi nhẹ bên mình khiến cho người chàng như say sưa ngây ngất.

Ðoàn Dự bị Cưu Ma Trí xách đi hơn một tháng, khổ cũng quen rồi, bây giờ thấy thắng cảnh ngày xuân phong quang như vậy, bất giác trong lòng sảng khoái, buột miệng ngâm:

Trường Giang từng đợt sóng dồi

Ngẩn ngơ bờ liễu lôi thôi mấy hàng

Bốn bề xa vắng thôn trang

Phất phơ hoa hạnh, ánh dương tà tà.

Hồi 27

Cái Mũi Thần Tình

Cưu Ma Trí nghe Ðoàn Dự ngâm thơ, cười lạt nói:

-Chết đến gáy mà mi vẫn còn khoái lắm nhỉ. Vài bữa nữa rồi xuống âm cung mà ngâm thơ vịnh phú vớ Diêm Vương.

Ðoàn Dự cười nói:

-Thiên hạ ai là ngườ i không chết? Mi sống thêm mấ y năm nữa có hơn ai được cái gì không?

Cưu Ma Trí không nói nữa, quay ra hỏi thăm những người qua đường Tham Hợp trang ở đâu. Lão hỏi đến bảy tám người mà chẳng ai biết. Sau có ông già bảo:

-Thành Cô Tô không có đâu là Tham Hợp trang cả. Có lẽ hoà thượng nghe lầm chăng?

Cưu Ma Trí lại hỏi:

-Lão trượng có biết đại trang chúa người họ Mộ Dung ở đâu không?

Ông già đáp:

-Trong thành Tô Châu này chỉ có họ Cố, họ Lục, họ Trương, họ Chu, họ Văn...làm gì có đại trang chúa cùng Mộ Dung? Tôi chưa thấy ai nói đến cả.

Cưu Ma Trí chưa biết tìm cách nào để hỏi cho ra địa chỉ Mộ Dung tiên sinh, chợt nghe tiếng một người đang đi trên còn đường nhỏ về phía tây nói: tôi nghe nói họ Mộ Dung ngụ ở ngoài thành, đi về phía Tây chừng 30 dặm, chỗ đó gọi là Yến Tử Ổ.

Chúng ta tới đó xem sao?

Rồi lại có tiếng người khác gạt đi:

-Thôi! Ðây đã đến địa đầu rồi. Ta phải cẩn thận mới được.

Hai người nói rất khẽ, Ðoàn Dự không nghe thấy chi cả Cưu Ma Trí vì tuyệt giỏi nội công mới nghe rõ. Lão nghĩ thầm: phải chăng hai người này chủ tâm nói cho ta nghe tiếng?

Cưu Ma Trí đưa mắt nhìn về phía vừa phát ra tiếng nói thì thấy một người khí vụ hiên ngang, vận đồ tang phục còn một người thấp lủn thủn và gầy đét, trông chẳng khác chi ác quỷ hung thần.

Cưu Ma Trí biết ngay người đó có võ công đáng kể.

Lão còn đang suy nghĩ có nên cùng bọn này bắt chuyện không bỗng Ðoàn Dự lên tiếng gọi to:

-Hoắc tiên sinh! Hoắc tiên sinh đi đâu đấy?

Nguyên người thấp lủn thủn, hình dung cổ quái đó chính là Kim Toán bàn Thôi Bách Kế và sư điệt ông là Truy hồn thủ Quá Ngạn Chi. Hai người sau khi từ biệt Trấn Nam Vương phủ nước Ðại Lý ra đi, quyết tâm báo thù cho Kha Bách Tuế.

Mặc dầu họ biết rõ khó có thể địch lại nhà Mộ Dung, mối thù không đội trời chung vị tất đã trả được nhưng là những người nghĩa dũng, họ can đảm tìm đến Cô Tô.

Công việc đầu tiên của hai người là thám thính họ Mộ Dung ngụ tại Yến Tử Ổ, đang đi trên đường thì gặp Cưu Ma Trí cùng Ðoàn Dự.

Thôi Bách Kế chợt nghe tiếng Ðoàn Dự gọi rất đỗi ngạc nhiên nhảy ngay đến trước mặt Cưu Ma Trí hỏi:

-Tiểu Vương gia đó ư ? Ô kìa đại hoà thượng ! Xin buông ngay công tử xuống cho! Hoà thượng có biết công tử là ai đó không?

Thực ra Cưu Ma Trí chẳng coi hai người vào đâu nhưng lão nghĩ rằng từ lúc chưa đến Trung Nguyên mình đã biết khó lòng tìm ra chỗ ở của Mộ Dung tiên sinh. Nay có bọn này dẫn lối cho kể cũng là một dịp may cho mình bèn buông

Ðoàn Dự xuống, để chàng đứng vững rồi giải các huyệt đạo ở hai chân chàng, đoạn quay lại bảo hai người:

-Tôi cũng đến chỗ Mộ Dung tiên sinh đây. Phiền hai vị dẫn đường cho!

Thôi Bách Kế tuy là người lịch duyệt giang hồ, biết nhiều hiểu rộng mà chưa đoán ra lai lịch nhà sư này, bèn hỏi:

-Xin hỏi đại sư chúng tôi xưng hô với đại sư thế nào cho phải? sao đại sư lại làm khó dễ với tiểu Vương gia họ Ðoàn như vậy? Ðại sư lên phủ Mộ Dung có việc gì?

Cưu Ma Trí đáp lộc cộc:

-Bất tất phải hỏi nhiều, tới nơi sẽ biết!

Thôi Bách Kế lại hỏi:

-Phải chăng đại sư là chỗ bạn thân với nhà Mộ Dung?

Cưu Ma Trí đáp:

-Phải! Mộ Dung tiên sinh ở Tham Hợp trang, không biết đi về ngả nào? Hoắc tiên sinh có biết thì chỉ dùm cho!

Lão thấy Ðoàn Dự gọi Thôi Bách Kế là Hoắc tiên sinh cũng tưởng y là Hoắc thật mặc dầu lão trí mưu hơn người nhưng cũng chưa hiểu lý do.

Thôi Bách Kế bóp trán suy nghĩ rồi hỏi Ðoàn Dự:

-Tiểu vương gia! Bây giờ Tiểu Vương gia tính sao đây?

Câu hỏi này khiến cho Ðoàn Dự phải chưng hửng. Chàng nghĩ thầm: "Cưu Ma Trí võ công ghê gớm, trên đời này sợ không ai địch nổi. Bọn Thôi, Quá tất nhiên so vớ i lão không thấm vào đâu. Nếu hai người này lại cố ý cứu mình thì chẳng những không ăn thua gì mà chết uổng hai mạng". Nghĩ vậy chàng dùng lời cảnh cáo để bọn họ biết đường cao chạy xa bay là hơn chàng nói:

-Vị đại sư đây một mình mà đánh bại bá phụ tôi cùng năm tay cao thủ nước Ðại Lý, bắt tôi đem đến đây. Nguyên đại sư là bạn cố tri với Mộ Dung tiên sinh, nay đại sư đưa tôi đến hoả thiêu trước mồ Mộ Dung tiên sinh để tế vong hồn người bạn quá cố. Tôi tưởng hai vị không có dính líu gì đến nhà Mộ Dung thì nên chỉ đường cho đại sư rồi về đi là hơn.

Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi nghe lão đại sư này đánh bại Bảo Ðịnh Ðế cùng bọn cao thủ nước Ðại Lý quả nhiên chột dạ, khi nghe lão là bạn với bọn Mộ Dung thì lại càng khiếp sợ.

Thôi Bách Kế tuy mặt mũi xấu xa, hình dung cổ quái nhưng có nghĩa khí hào hiệp nghĩ thầm: "mình đã ẩn thân tại phủ Trấn Nam Vương mười mấy năm trời chưa từng báo đáp ơn sâu. Nay tiểu vương gia gặp nạn có lý đâu mình tự thủ bàng quan được? Hơn nữa mình đã tìm vào Cô Tô thì cái mạng này coi có cũng như không, bất luận chết dưới lưỡi đao của kẻ địch hay chết bới tay người khác cũng thế thôi". Nghĩ vậy Thôi liền thò tay vào bọc lấy ra một cái bàn tính bằng hoàng kim sáng rực, giơ cao lên, lắc cho nó kêu loảng xoảng rồi bảo Cưu Ma Trí:

-Này này đại hoà thượng! Ðại hoà thượng là bạn thân với Mộ Dung tiên sinh thì tiểu vương gia đây cũng là hảo hữu của tôi, đại hoà thượng nên buông tha tiểu vương gia ra!

Thôi Bách Kế chưa nói dứt câu Cưu Ma Trí đã vươn tay ra giựt được cây nhuyễn tiên của Quá Ngạn Chi đang cầm, rồi thuận tay lão quăng nhuyễn tiên quấn lấy bàn tính ở trong tay Thôi Bách Kế. Hai binh khí chạm vào nhau, rời khỏi tay người cầm, bay tung ra rớt xuống hồ. Ai nấy đều nhìn thấy cặp khí giới quý báu này sắp chìm xuống đáy hồ. Không ngờ đà kình lực Cưu Ma Trí xử khéo làm sao, một đầu cây nhuyễn tiên văng lại, mắc vào một cành liễu trên mặt hồ.

Quá Ngạn Chi ngoại hiệu là "truy hồn thủ" ra tay cực kỳ mau lẹ, sử dụng cây nhuyễn tiên lại là một môn tuyệt kỹ của chàng vậy mà chưa đánh xong một đòn đã bị Cưu Ma Trí giật rời khỏi tay. Mấy cử động của Cưu Ma Trí: nào xích lại gần,nào vươn tay giật roi nhuyễn tiên, nào vẫy roi cuốn lấy bàn tính, nào lui về chỗ cũ lẹ đến nỗi cả Thôi Bách Kế lẫn Quá Ngạn Chi hai người cũng không trông rõ nữa.

Cưu Ma Trí chắp hai tay để trước ngực, nét mặt vẫn thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra nói:

-Phiền đại giá hai vị dẫn đường cho!

Thôi, Quá hai người ngơ ngác nhìn nhau, không biết làm thế nào. Cưu Ma Trí lại nói tiếp:

-Nếu hai vị không dẫn đường thì xin chỉ nẻo cho biết Yến Tử ổ, Tham Hợp trang đi về ngả nào, đường lối ra sao, để tiểu tăng tự đi đến nơi cũng được.

Thôi, Quá hai người thấy võ công lão vô cùng lợi hại mà vẻ mặt lại khiêm tôn,ôn hoà là thế muốn trở mặt không được mà không trở mặt không xong. Giữa lúc ấy bỗng nghe có tiếng rạt rào, trên mặt hồ nước biếc một con thuyền nhỏ đang rẽ nước lướt tới.

Trên thuyền một thiếu nữ áo xanh cầm đôi mái chèo khuấy nước cho thuyền chạy, miệng cô đang ca khúc "Hạm thiều hương". Giọng hát dịu dàng không có vẻ lả lơi khiến người nghe cũng cảm thấy nỗi vui mừng.

Ðoàn Dự ở nước Ðại Lý từng đọc văn chương thơ phú của cổ nhân, tán tụng phong cảnh nhân vật Giang Nam. Nay chàng được nghe khúc hát này tâm hồn bất giác say sưa như lạc vào cõi mộng. Quên mình đang đứng trước hoàn cảnh hiểm nghèo quay ra nhìn thiếu nữ. Tay nàng nhỏ nhắn, nước da trắng mịn ánh xuống hồ nước xanh biếc và trong leo lẻo.

Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi tuy đứng trước mặt kẻ địch ghê gớm cũng không khỏi đưa mắt nhìn cô gái mấy lần. Chỉ mình Cưu Ma Trí là tựa hồ như không trông thấy hay không nghe thấy gì mà thôi. Lão nói:

-Nếu hai vị không chịu chỉ Tham Hợp trang cho thì tiểu tăng xin cáo từ.

Lúc đó thiếu nữ đã chèo thuyền đến gần bờ. Nàng nghe Cưu Ma Trí nói vậy liền cất tiếng:

-Chẳng hay đại hoà thượng đến Tham Hợp trang có việc gì?

Giọng nàng cực kỳ thanh tao êm ái khiến ai nghe cũng lọt tai. Thiếu nữ mới chừng 15, 16 tuổi, nét mặt ôn nhu, con người thanh tú.

Ðoàn Dự nghĩ thầm: " các cô gái ở Giang Nam có tiếng là xinh đẹp tưởng cũng đến thế này mà thôi".

Cưu Ma Trí hỏi:

-Tiểu tăng muốn đến Tham Hợp trang. Tiểu nương tử có thể trỏ đường lối cho tiểu tăng được không?

Thiếu nữ mỉm cười hỏi lại:

-Cái tên Tham Hợp trang người ngoài không ai biết đến. Ðại sư nghe đâu mà biết?

Cưu Ma Trí đáp:

-Tiểu tăng là bạn phương xa với Mộ Dung tiên sinh. Hôm nay đến tế mộ tiên sinh cho vẹn lời ước năm xưa.

Thiếu nữ trầm ngâm rồi nói:

-Nếu vậy không may cho đại sư rồi! Hôm kia Mộ Dung công tử mới ra đi. Giả tỷ đại sư đến đây trước ba hôm thì được gặp.

Cưu Ma Trí nói:

-Tiểu tăng thật vô duyên cùng công tử nghĩ cũng đáng buồn. Song tiểu tăng từ nước Thổ Phồn, đường xa muôn dặm, lặn lội về đến Trung Nguyên chỉ mong được tới trước mồ Mộ Dung tiên sinh lạy một lạy cho chọn nghĩa xưa.

Thiếu nữ nói:

-Nếu đại sư đã là chỗ giao hữu cùng Mộ Dung tiên sinh thì xin mời đại sư hãy vào dùng trà để cháu sẽ vào báo trang nên chăng?

Cưu Ma Trí hỏi lại:

-Tiểu nương tử là người thế nào trong phủ công tử? Xưng hô sao cho phải phép?

Thiếu nữ mỉm cười đáp:

-Cháu là kẻ nữ tỳ chầu chực công tử trong cung đàn tiếng sáo tên gọi A Bích.

Xin đại sư miễn khách sáo và đừng kêu bằng đại nương tử tiểu nương tử chi hết.Cứ gọi thẳng tên A Bích cho tiện.

Ðoạn nàng tiếp:

-Từ đây vào Yến tử ổ toàn là đường thuỷ. Quý vị có muốn vào thì xuống thuyền để tiểu nữ chở đi.

Cưu Ma Trí cám ơn rồi nắm tay Ðoàn Dự nhẹ nhàng nhảy xuống thuyền, thuyền chỉ đầm xuống một chút chứ không tròng trành.

A Bích nhìn Cưu Ma Trí và Ðoàn Dự mỉm cười tựa hồ thán phục võ công của hai người.

Quá Ngạn Chi khẽ hỏi Thôi Bách Kế:

-Sư thúc tính sao bây giờ?

Hai người cốt tìm đến nhà Mộ Dung để báo thù nhưng chưa tới nơi đã xẩy ra mấy vụ rùng rợn vẫn còn nơm nớp lo âu.

A Bích tươi cười nói:

-Hai vị đã đến Tô Châu nếu không có việc gì gấp xin mời vào tệ xá xơi nước.

Cái thuyền này tuy nhỏ nhưng hai vị xuống nữa cũng được.

Nàng vừa nói vừa ghé thuyền vào bên cây liễu, giơ bàn tay xinh xắn ra với lấy cây bàn tính, tiện tay nàng gẩy bàn tính lách cách.

Ðoàn Dự nghe vui tai buột miệng nói:

-Cô gẩy khúc thái tang tử phải không?

A Bích mỉm cười nói:

-Công tử tinh thông âm nhạc gẩy chơi một khúc đi!

Ðoàn Dự thấy nàng ăn nói tự nhiên, tính tình khả ái cười đáp:

-Tôi không biết gẩy đàn bằng bàn tính.

Rồi chàng quay lại bảo Thôi Bách Kế:

-Hoắc tiên sinh! Cái bàn tính của tiên sinh mà cô nương đây gẩy nghe cũng vui tai đấy chứ?

Thôi Bách Kế cười hềnh hệch đáp:

-Quả vậy! Hay lắm! Cô nương thực là người tao nhã. Cái đồ vật phàm tục dùng làm sinh kế vào tay cô nương cũng thành ra nhạc khí được.

-Trời ơi! ghê quá! Của tiên sinh đấy ư? Bàn tính gì mà đẹp quá vậy? Chắc tiên sinh giàu có lắm, cái bàn tính cũng đúc bằng vàng ruột. Tôi xin trả tiên sinh đây!

Nàng vừa nói vừa cầm bàn tính giơ lên. Thôi Bách Kế đứng trên bờ không với tới, lẹ làng nhảy xuống thuyền, đưa tay ra với lấy bàn tính rồi quay đầu lại trừng mắt nhìn Cưu Ma Trí một cái.

Cưu Ma Trí thuỷ chung vẫn giữ bộ mặt tươi cười vui vẻ, tuyệt không lộ vẻ gì tức giận cả.

A Bích lại đưa tay trái ra lượm cây nhuyễn tiên, năm ngón tay nàng cũng bật cũng gõ vào cây roi thành những âm thanh trong trẻo vang dội như kiểu gẩy đàn tỳ bà. Thì ra cả đến những binh khí của các bậc anh hùng hào kiệt vào tay nàng cũng thành nhạc khí cả.

Ðoàn Dự lại reo lên:

-Tuyệt diệu! Thật là tuyệt diệu! Cô nương gảy khúc nữa đi!

A Bích trông lên Quá Ngạn Chi hỏi:

-Cây nhuyễn tiên của tiên sinh phải không? tôi đem ra nghịch thực vô lễ quá.

Tiên sinh xuống thuyền đi rồi tôi hái cho tiên sinh mấy trái hồng lăng.

Quá Ngạn Chi nóng lòng báo cừu cho sư phụ chàng căm thù cả bè lũ nhà Mộ Dung thấu xương nhưng thấy cô bé này xinh tươi, chất phác không có vẻ gì là nham hiểm độc ác nên chàng tuy giận đầy ruột mà không dám phát cáu. Chàng

nghĩ thầm: "thị dẫn ta về nhà là có chuyện không hay đây. Thôi được, nếp tẻ gì không cần, ta hãy vào giết mấy đứa cho hả giận đã". Nghĩ vậy chàng gật đầu bước xuống thuyền.

A Bích trịnh trọng quấn cây nhuyễn tiên lại đưa cho Quá Ngạn Chi. Ðoạn thả mái chèo xuống nước, quay thuyền bơi về hướng Tây.

Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi đưa mắt nhìn nhau mấy lần. Hai người cùng nghĩ bụng: "nay mình vào hang cọp, chưa biết sống chết ra sao. Bọn Mộ Dung thủ đoạn ác độc vô cùng. Cô bé này xem ra tuy không phải là hạng đóng kịch giả hiệu nhưng biết đâu chẳng là kế kiêu binh của chúng để mình phóng tâm không đề phòng cho chúng dễ bề hạ thủ?". Thuyền đi vòng vèo vài khúc quanh thì đến cái hồ lớn rộng bát ngát, mông mênh những nước cùng trời. Quá Ngạn Chi chột dạ nghĩ thầm: "cái hồ này có lẽ là Thái Hồ đây. Mình cùng Thôi sư thúc đều không quen bơi lội, thuyền chỉ lật đi một cái thời mình đành làm mồi cho cá, còn đâu nữa mà báo cừu cho sư phụ?".

Thôi Bách Kế cũng tưởng đến chỗ đó tự nhủ: "giả tỷ mình cầm mái chèo trong tay thì ả này có muốn lật thuyền cũng không phải dễ",liền nói:

-Cô nương! cô để tôi bơi thuyền đỡ một lúc. Cô cứ chỉ đường cho tôi là được.

A Bích cười nói:

-Trời ơi! cháu đâu dám thế? Công tử mà biết ra sẽ trách phạt cháu về tội khinh mạn tân khách.

Thôi Bách Kế thấy nàng không chịu lại càng ra dạ ngờ vực bèn xoay chiều:

-Thật ra không dám giấu gì cô nương. Xin cô nương cho chúng tôi nghe thêm vài khúc đàn nhuyễn tiên tuyệt kỹ nữa.

A Bích cười nói:

-Tiên sinh dạy quá lời.

Thôi Bách Kế lấy cây nhuyễn tiên trong tay Quá Ngạn Chi đưa cho A Bích miệng bảo nàng gẩy đàn, tay đưa ra đón lấy mái chèo.

A Bích nói:

-Tiên sinh cho tôi mượn cả cái bàn tính nữa.

Thôi Bách Kế ngấm ngầm nghĩ bụng: "ả thu cả khí giới của bọn mình, hay là có âm mưu gì đây?". Nghĩ vậy thì nghĩ chứ không có cách nào từ chối đành cầm bàn tính đưa cho nàng.

A Bích đặt bàn tính xuống tấm ván gỗ đầu thuyền ngay trước mặt. Tay trái nàng giữ lấy chuôi nhuyễn tiên, chân phải dậm lên một đầu cho cây roi dựng thẳng lên,năm ngón tay phải vừa bật vừa vê đi vuốt lại, cây nhuyễn tiên phát ra tiếng leng keng, tuy không trong trẻo vang dội bằng tiếng đàn tỳ bà nhưng nghe cũng thành nhạc điệu giòn dã, du dương. Năm ngón tay A Bích vừa lần gẩy nhuyễn tiên vừa gẩy xen lẫn tiếng bàn tính kêu lách cách tựa hồ tiếng sắt tiếng vàng chen nhau nghe càng thêm thú vị. Giữa lúc đó đôi chim én lượn qua đầu thuyền, bay về hướng tây. Ðoàn Dự nghĩ bụng: chỗ Mộ Dung ở gọi là Yến Tử ổ chắc có nhiều chim én.

Bỗng nghe A Bích cất tiếng hát. Ðoàn Dự nghe giọng hát du dương mà lòng những bâng khuâng như say như tỉnh. Chàng lẩm bẩm một mình: "nếu mình suốt đời ở tận nơi đèo heo hút gió thì làm sao nghe được những khúc tiên nhạc

này? Công tử Mộ Dung có những ả nữ tỳ tài tình thế này tất không phải hạng tầm thường".

A Bích ca hát một hồi rồi đưa trả bàn tính cùng nhuyễn tiên cho Thôi,Quá và cười nói:

-Ðàn hát kém quá, chỉ tổ làm trò cười cho quý khách. Xin Hoắc tiên sinh quay mũi thuyền về mé tả, sắp đến nhà rồi.

Thôi Bách Kế lái mũi thuyền theo tay nàng trỏ, đi vào lạch nước đầy sen mọc.

Nếu không có A Bích trỏ nẻo thì không ai ngờ giữa chỗ lá sen chi chít lại là lối thuyền đi.

Thôi Bách Kế chèo một lúc nữa A Bích lại trỏ tay bảo:

-Ði vào nẻo trong kia!

Quãng này trên mặt nước toàn một giống hồng lăng. Nước biếc lá xanh, phong cảnh tuyệt đẹp. A Bích đưa tay ra hái ít trái hồng lăng đưa cho mọi người.

Ðoàn Dự tuy hai tay đã cử động được nhưng từ sau khi bị điểm huyệt không còn mảy may khí lực nào nữa, vỏ trái hồng lăng hơi rắn một chút mà chàng không sao bóc được.

A Bích cười nói:

-Công tử không phải là người Giang Nam, không biết bóc vỏ hồng lăng, để cháu bóc cho.

Nàng bóc luôn mấy trái đặt vào tay Ðoàn Dự. Nhân cùng thịt trái này trắng bóng và tinh khiết.

Ðoàn Dự cầm bỏ vào miệng ăn, vừa ngọt vừa thơm, chàng cười bảo A Bích:

-Mùi vị của trái thuý hồng lăng này cũng ngon ngọt như khúc hát của cô nương.

A Bích hai má ửng hồng cười nói:

-Ða tạ công tử. Ðem điệu hát ví với trái hồng lăng, nay cháu mới nghe thấy công tử nói là một.

Chưa đi hết lạch hồng lăng, A Bích lại trỏ tay cho thuyền đi ra ngả có lau sậy rậm rạp. Ðến khu này cả Cưu Ma Trí cũng phải lưu tâm nhớ lấy nẻo đi, để đề phòng lúc về biết lối mà ra. Vì chỉ trông thấy toàn một mầu lá lau, lá lăng, lá giao,lá sen rất khó phân biệt đường đi. Hơn nữa chỉ một cơn gió là các thứ hoa trên mặt nước này bay qua, lướt lại, mất hết dấu vết, dù có nhận xét kỹ càng nhưng thoáng cái cụ diện lại biến đổi khác đi.

Cưu Ma Trí, Thôi Bách Kế, Quá Ngạn Chi ba người đều để ý nhìn nhận phương pháp tìm nẻo đi của A Bích, xem nàng lấy gì làm mục tiêu nhưng chỉ thấy nàng cứ điềm nhiên hái trái hồng lăng mà chẳng cần để ý gì đến đường đi. Thuyền đến chỗ quanh, chỗ rẽ là nàng thuận miệng chỉ bảo, tựa hồ những lối dọc ngang trên mặt hồ nàng đã thuộc lòng, không cần để ý nhìn nhận nữa. Thuyền đi ngang rẽ dọc không biết bao nhiêu chỗ vào khoảng giờ mùi thì xa

xa giữa rặng liễu xanh om lộ ra một mái nhà.

A Bích nói:

-Ðến nơi rồi, hôm nay cháu làm nhọc sức Hoắc tiên sinh bơi thuyền đến quá nửa ngày.

Nàng thấy Ðoàn Dự gọi Thôi Bách Kế là Hoắc tiên sinh cũng tưởng ông ta họ Hoắc.

Thôi Bách Kế miệng cười méo mó đáp:

-Cứ được ăn hồng lăng, lại được nghe thanh ca, dù có phải bơi thuyền hàng năm cũng không biết mỏi.

A Bích vỗ tay cười nói:

-Tiên sinh muốn ăn hồng lăng cùng nghe hát thì khó gì? Cứ ở cùng tụi trên hồ này không ra nữa là được.

Thôi Bách Kế nghe A Bích nói: "cứ ở trên hồ này, không ra nữa" bất giác thất kinh, đưa mắt nhìn hồi lâu thì chỉ thấy lúc nào nàng cũng tươi cười dễ dãi, tuyệt không lộ vẻ con người tâm cơ xảo trá. Tuy nhiên Thôi vẫn không vững dạ chút

nào.

A Bích đón lấy mái chèo, gạt thuyền vào dưới bóng liễu, đến chỗ có cành cây tùng rủ xuống mặt nước. Nàng vừa buộc thuyền vào cành cây xong, chợt nghe tiếng một con chim nhỏ hót líu lo, giọng hót rất trong trẻo và vang dội.

A Bích cũng bắt chước giọng chim gáy lên vài tiếng rồi quay lại bảo mọi người:

-Xin mời quý vị lên bờ.

Mọi người lên bờ trông vào thấy lưa thưa có bốn năm căn nhà nhỏ, dựng trên một cái đảo nhỏ hay cái bán đảo thì đúng hơn. Các phòng ốc tuy bé nhỏ nhưng rất sáng sủa, xinh xắn.

Cưu Ma Trí hỏi:

-Phải chăng đây là Tham Hợp trang trong Yến Tử ổ?

A Bích lắc đầu đáp:

-Không phải! chỗ này công tử dựng lên cho cháu ở, chật hẹp, quê mùa không đáng để tiếp khách. Ðại sư bảo vào tế mồ Mộ Dung tiên sinh, tôi đâu dám tác chủ,chẳng qua thỉnh quý vị vào đây ngồi chờ, để cháu nói cho A Châu tỷ nương hay.

Cưu Ma Trí có vẻ không bằng lòng, nét mặt lầm lỳ. Cưu Ma Trí là một vị hộ quốc pháp vương nước Thổ Phồn, địa vị cao sang là thế. Phi chỉ quốc vương nước Thổ Phồn đem lòng kính trọng, mà sang đến triều đình nước Ðại Tống hay các nước Ðại Lý, Liêu Quốc các vị vua chúa cũng tiếp đãi lão vào hàng thượng khách.

Huống chi lão là bạn cố tri với Mộ Dung tiên sinh, vì tình nghĩa mà thân hành đến tế mộ. Công tử Mộ Dung vắng nhà không biết đã đành còn những người ở nhà cũng không mời lão vào đại sảnh, tiếp đãi long trọng, lại để cho con thị tỳ đưa vào nhà riêng, thực là đáng giận. Nhưng lão thấy A Bích luôn miệng tươi cười, tuyệt không tỏ vẻ khinh mạn thì nghĩ rằng: "Nó là con ăn con ở, có hiểu gì đâu mà mình đem đặt nó vào địa vị người có kiến thức?". Nghĩ vậy lão trở lại nét mặt ôn hoà vui tươi.

Thôi Bách Kế hỏi:

-A Châu tỷ nương là ai?

A Bích cười đáp bằng một giọng ngây thơ:

-A Châu tỷ nương là A Châu tỷ nương! vì chị A Châu lớn hơn cháu một tháng nên cháu kêu bằng A Châu tỷ nương chứ biết sao được? Ai bảo chị lớn hơn cháu một tháng làm gì? Như tiên sinh thì cần gì phải gọi A Châu là tỷ nương? nhưng nếu cứ gọi A Châu tỷ nương thì chị ta cũng khoái lắm.

Nàng nói liến láu một hồi, giọng nói trong trẻo như người tấu nhạc rồi dẫn bốn người vào trong nhà. Ðoàn Dự nhìn lên thấy trên cửa căn nhà nhỏ có tấm biển viết hai chữ "cầm vân", nét chữ rất tốt. A Bích mời mọi người ngồi chơi. Một lát có gã con trai bưng trà và bánh điểm tâm ra.

Ðoàn Dự vừa cầm chén trà thì một mùi thơm ngát đưa lên mũi. Chàng thấy nước trà màu xanh lạt, cánh trà mầu xanh biếc,nhỏ như hạt châu, trên mặt lá có lông nhỏ li ti. Thứ trà này chàng chưa thấy bao giờ. Chàng vừa nhấp thử một hớp, miệng đượm mùi thơm, lưỡi dơm dớp vị ngọt.

Cưu Ma Trí và Thôi Bách Kế thấy lá trà kỳ dị không dám uống. (Nguyên thứ trà này là đặc sản ở miền phụ cận Thái Hồ, đời sau gọi là trà Bích La Xuân. Bấy giờ về đời Bắc Tống, chưa có cái tên thanh nhã này.) Cưu Ma Trí ở khu Tây Vực và cư trú tại miền rừng núi nước Thổ Phồn, chỉ quen uống trà sắc đen, vị chát, giờ thấy thứ trà sắc xanh biếc, có lông ngờ là có chất độc.

Bốn thứ điểm tâm là mứt mai côi, bánh dẻo phục linh, bánh nướng Phi Thuỷ và bột ngó sen. Thứ nào cũng chế rất công phu, tựa hồ như làm để bày cho đẹp chứ không phải để ăn. Ðoàn Dự khen nức nở rồi hỏi:

-Những món điểm tâm coi đẹp thế này mà bỏ vào miệng ăn đi thì uổng quá phải không cô nương?

A Bích nói:

-Mời công tử dùng đi! Trong nhà hãy còn.

Ðoàn Dự ăn đến đâu lại trầm trồ khen ngợi đến đó. Cưu Ma Trí và Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi không dám ăn. Ðoàn Dự thấy vậy trong lòng sinh nghi tự hỏi: "Cưu Ma Trí tự xưng là bạn thân với Mộ Dung tiên sinh vậy mà sao chỗ nào lão cũng gia tâm đề phòng? Nhà Mộ Dung đối đãi với lão tựa hồ không có vẻ trịnh trọng là nghĩa gì?

Cưu Ma Trí thật là người rất nhẫn nại, lão đợi đến nửa ngày chờ sau khi Ðoàn Dự đã uống trà và ăn điểm tâm đủ thứ mới cất tiếng giục A Bích:

-Bây giờ xin cô nương đi mời A Châu cô nương đến cho!

A Bích cười đáp:

-Trại chị A Châu ở cách đây xa tới bốn chín đường thuỷ, bữa nay đi không kịp mất rồi. Mời bốn vị hãy ở lại đây một đêm, sáng sớm mai cháu sẽ đưa quý vị sang "thính hương tiểu trúc".

Thôi Bách Kế hỏi:

-Bốn chín đường thuỷ là nghĩa làm sao?

A Bích đáp:

-Một chín là 9 dặm, hai chín là 18 dặm, bốn chín là 36 dặm.

Nguyên một giải Giang Nam tính lộ trình từng 9 dặm một.

Cưu Ma Trí lại nói:

-Giá biết thế này thì cô nương đưa chúng tôi đến thẳng Thính hương tiểu trúc có phải hay hơn không?

A Bích cười đáp:

-Cháu ở đây một mình không có ai trò chuyện, buồn chết đi được. Chẳng mấy khi có quý khách đến chơi, thế nào cũng lưu quý vị ở lại đây một hôm.

Từ hồi nào tới giờ Quá Ngạn Chi chỉ ngồi lầm lỳ không nói câu gì, đột nhiên đứng phắt dậy, quát hỏi:

-Thân nhân nhà Mộ Dung trú ngụ nơi đâu? Quá Ngạn Chi này đến Tham Hợp trang không phải để ăn cơm, uống nước cũng không phải để gẫu chuyện giải buồn cho ai đâu nhé. Ta đến để giết người báo thù, để đổ máu cùng gây án mạng. Quá mỗ đã vào trong này, cô nương đi bảo chúng hay, ta đây là đệ tử Kha Bách Tuế phái Tung Sơn đến đòi món nợ máu của sư phụ ta.

Nói xong cầm cây nhuyễn tiên đập mạnh làm cho chiếc kỷ trà gỗ đàn hương cùng cái ghế bằng thứ trúc Tương Phi gẫy ra từng mảnh.

A Bích không sợ hãi mà cũng không tức giận nàng nói:

-Các vị anh hùng hào kiệt đến chơi với Mộ Dung công tử mỗi tháng mấy lần,cũng đã nhiều vị hùng hùng hổ hổ như Quá đại gia đây...

Nàng chưa dứt lời, chợt thấy một lão già nhỏ bé thấp lủn thủn, đầu tóc bạc phơ chống gậy từ hậu đường đi ra hỏi:

-A Bích! Ai làm gì mà ầm lên thế?

Thôi Bách Kế đang ngồi ghế cũng nhảy vọt ra, đứng bên Quá Ngạn Chi quát hỏi:

-Sư huynh ta là Kha Bách Tuế bị ai sát hại? Nói mau!

Ðoàn Dự thấy lão già lưng còng, mặt mũi dăn deo chừng tám chín chục tuổi nói ấp úng trong cổ họng:

-Kha Bách Tuế, Kha Bách Tuế ư? đã thọ đến Bách Tuế thì chết là đáng đời rồi còn gì?

Từ lúc Quá Ngạn Chi đến Tô Châu, tưởng đến thẳng nhà Mộ Dung chém giết để báo thù cho ân sư nào ngờ gặp phải Cưu Ma Trí đoạt khí giới, mất hết nhuệ khí,

đang bực mình thì lại gặp A Bích, một cô gái rất hiền hoà khả ái, bao nhiêu thù oán không phát tiết vào đâu được nên giờ vừa nghe lão già ăn nói ỡm ờ, vô lễ liền vung roi nhằm hậu tâm lão quất xuống.

Chàng sợ Cưu Ma Trí ra tay can thiệp nên thấy Cưu ngồi đầu đằng tây liền giơ roi về phía đông quất tới. Nào ngờ Cưu Ma Trí vươn tay ra, bàn tay lão tựa hồ có đá nam châm, lão ngồi xa mà chụp được nhuyễn tiên nói:

-Quá đại hiệp! Chúng ta là khách phương xa đến, lấy lời lẽ dàn xếp với nhau là hơn, hà tất phải dùng đến võ lực?

Ðoạn lão cuộn cây nhuyễn tiên lại, trao trả cho Quá Ngạn Chi. Quá Ngạn Chi thẹn mặt đỏ bừng, đón lấy roi thì tức mình mà không đón lấy cũng không tiện. Sau cùng nghĩ bụng: "mình đến đây cốt để báo thù là việc lớn, hãy tạm nhẫn nhục trong nhất thời rồi sẽ liệu sau". Nghĩ vậy chàng đưa tay ra đón lấy cây roi.

Cưu Ma Trí hỏi lão già:

-Tôn tính đại danh thí chủ là gì? Là người thân thích hay bạn hữu với Mộ Dung tiên sinh?

Lão già toét miệng ra cười đáp:

-Già này là lão bộc của công tử Mộ Dung, làm gì có tôn tánh đại danh? Già nghe nói đại sư là bạn thân với cố chủ nhận, vậy người có điều chi dạy bảo?

Cưu Ma Trí nói:

-Bần tăng cần gặp Mộ Dung công tử để trình bày.

Lão già đáp:

-Thế thì không may rồi! Công tử tôi mới ra đi hôm kia, không chừng một hai ngày nữa mới về.

Cưu Ma Trí lại hỏi:

-Công tử đi chơi đâu?

Lão già nghiêng đầu, nghẹo cổ, đưa ngón tay lên gõ trán rồi nói:

-Tôi tuổi già lẫn lộn, không nhớ được rành mạch, dường như công tử sang Tây Hạ hay Liêu Quốc gì đó, mà không chừng còn qua Thổ Phồn, Ðại Lý cũng nên.

Cưu Ma Trí hứ một tiếng, tỏ vẻ không bằng lòng vì lão già ấm ớ, chỉ trừ có Ðại Tống là không còn bốn nước thuộc hạt lão nói hết. Cưu lại biết rõ lão già này giả bộ ngớ ngẩn liền nói tiếp:

-Ðã vậy thì bần tăng không thể chờ công tử được, nhờ quản gia đưa bần tăng đến tế mồ Mộ Dung tiên sinh cho tận tình cố nhân.

Lão già khua tay rối lên nói:

-Việc này tôi không thể tác chủ được đâu, tôi cũng không phải là quản gia, quản giếc chi cả.

Cưu Ma Trí lại hỏi:

-Vậy ai là quản gia tôn phủ? Xin mời ra đây nói chuyện?

Lão già gật đầu luôn mấy cái nói:

-Ðược thế thì được lắm! Tôi xin mời quản gia đến.

Lão trở gót người run lẩy bẩy đi ra, vừa đi vừa càu nhàu: "Cha này đáo để thật!

Trên đời chẳng có việc ác nào là lão từ, lại giả bộ thầy tu. Mình đã ngần này tuổi đầu còn lạ gì trò hề mà lão toan bịp cả mình nữa mới đáng ghét".

Ðoàn Dự nghe lão nói bật lên tiếng cười khanh khách. A Bích vội quay sang nói với Cưu Ma Trí:

-Xin đại sư phụ đừng giận, Hoàng lão bá có tính lẩn thẩn lại phải cái tật là tự cho mình thông minh hiểu đời, ai cũng chê bai.

Thôi Bách Kế kéo áo Quá Ngạn Chi ra một chỗ khẽ bảo:

-Cái thằng trọc tự xưng là bạn với Mộ Dung tiên sinh kia, sao nhà này không thấy ai tiếp đãi y một cách trọng vọng? Hiền điệt đừng có xung khắc với lão, phải để ý xem sao rồi sẽ liệu.

Quá Ngạn Chi vâng lời về lại chỗ ngồi. Nhưng cái ghế dành cho chàng đã bị đập gẫy nát rồi, thành ra phải đứng. A Bích vội bê cái ghế nàng đang ngồi lại, tươi cười nói:

-Mời Quá đại gia ngồi đây.

Quá Ngạn Chi gật đầu, chàng tự nhủ: "giả tỷ mình vào đây, có giết hết cả nhà Mộ Dung, cũng nên tha cho con nhỏ này".

Từ lúc lão bộc họ Hoàng ra nhà khách, Ðoàn Dự cảm thấy trong lòng thắc mắc,hình như có điều chi lệch lạc, không ăn nhập với nhau trong hoàn cảnh chỗ này mà chàng nghĩ mãi không ra. Chàng hết nhìn cái phòng khách nhỏ bé cùng đồ cần thiết trong nhà, lại nhìn mấy bức hoạ treo trên vách, các khóm hoa ngoài sân rồi chàng lại nhìn A Bích, Cưu Ma Trí, Thôi Bách Kế, Quá Ngạn Chi mà không sao tìm ra cái trạng thái mỗi lúc chàng càng cảm thấy kỳ dị hơn.

Ðoàn Dự còn đang nghĩ ngợi phân vân, bỗng nghe thấy tiếng chân người rồi từ trong nhà đi ra một ông già trạc ngoại ngũ tuần, người ốm o, nước da vàng vọt, dưới cằm có một túm râu ngắn như râu dê nhưng vẻ mặt tinh lanh mẫn cán, cách phục sức rõ ra một tên quản gia trong phủ Mộ Dung.

Gã gầy nhom quay mặt về phía Cưu Ma Trí cùng mọi người thi lễ nói:

-Tiểu nhân là Tôn Tam xin bái kiến liệt vị. Thưa đại sư phụ! Nay người có thịnh ý đến tế mồ Mộ Dung lão gia chúng tôi cảm kích vô cùng. Song công tử chúng tôi vắng nhà, không ai đáp lễ sao cho phải đạo kính khách. Vậy chờ công tử về, tiểu nhân sẽ đem thịnh ý của đại sư phụ trình lại công tử là đủ...

Gã vừa nói đến đây thì mũi Ðoàn Dự bỗng thoáng ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng, chàng chợt nghĩ ra điều gì tự hỏi: "chẳng lẽ lại thế ư?".

Nguyên lúc nãy người lão bộc họ Hoàng đến, Ðoàn Dự cũng đã ngửi thấy một mùi hương u nhã. Mùi hương này cũng phảng phất như mùi hương trong người Mộc Uyển Thanh tiết ra. Tuy có chỗ khác nhau thật song lại vẫn là mùi hương của thiếu nữ. Thoạt tiên thì chàng cho là mùi hương ở mình A Bích tiết ra nên không để ý.

Thế rồi sau khi lão bộc ra khỏi nhà khách, mùi hương đó tự nhiên đi đâu mất. Ðoàn Dự sở dĩ thắc mắc mãi là ở điểm này: có lý đâu một ông già tám chín chục tuổi đầu lại còn tiết ra một mùi hương của cô gái mười tám đôi mươi. Bây giờ gã gầy nhom tự xưng là Tôn Tam này vừa vào, chàng lại ngửi thấy mùi hương ban nãy. Trong bụng suy nghĩ lung lắm, bao nhiêu câu hỏi xoay lộn trong óc: phải chăng phía sau nhà khách có thứ kỳ hoa, dị thảo gì nên mỗi khi người ở nhà trong đi ra lại quyện lấy mùi hương này đi theo, khiến người ngửi phải mê mẩn tâm thần? Nếu không đúng thế thì cả lão bộc già nua kia lẫn quản gia gầy nhom này đều do một thiếu nữ đóng vai. Mùi hương tuy làm cho Ðoàn Dự sinh nghi nhưng nó rất đạm bạc, nó rất vi tế, phải là cái mũi đặc biệt của Ðoàn Dự mới ngửi thấy còn Cưu Ma Trí, Thôi Thiên

Bách Kế và Quá Ngạn Chi thì không hay biết gì hết. Sở dĩ Ðoàn Dự có được cái mũi thần tình như thế là vì chàng đã bị giam cầm trong thạch thất với Mộc Uyển Thanh. Trải qua một thời gian cực kỳ nguy hiểm mũi chàng quen thuộc với mùi

hương của nàng. Có thể nói là chàng đã khắc xương ghi dạ cái mùi hương thiếu nữ tiết ra. Ðối với cái mũi của chàng, mùi hương này mạnh hơn cả cái thơm của gỗ đàn hương hay của bách hoa.

Ðoàn Dự tuy nghi Tôn Tam là thiếu nữ hoá trang, song chàng ngó lui, ngó tới mà không sao khám phá ra được. Gã Tôn Tam cũng rất thần tình, từ tướng mạo cho đến cử chỉ, nói năng hoàn toàn ra vẻ đàn ông, không có kẽ hở mảy may nào để lộ chân tướng. Sau chàng chợt nghĩ ra: Gái giả trai muốn giỏi đến đâu thì giỏi cũng không thể nào giả ra được cái bìu cổ họng. Thế rồi chàng cứ nhè chỗ cổ họng Tôn Tam để khám phá... Nhưng gã đã khôn ngoan để chùm râu dê rủ xuống che khuất cái bìu đi, không sao mà nhìn thấy được.

Chàng liền đứng dậy, giả vờ xem những chữ treo trên vách, rồi lại gần bên Tôn Tam, ghé mắt trông vào chỗ bìu cổ, quả cổ phẳng lỳ không có tật nổi lên, rồi thì chàng lại nhìn xuống thấy bộ ngực gồ lên.

Tuy chưa chắc đã là ngực đàn bà nhưng đã trông nét mặt gầy đét của gã đàn ông thì quyết nhiên ngực không thể đầy thế được. Ðoàn Dự khám phá ra điều bí mật này, chẳng lấy làm thú vị, lẩm bẩm: vai trò vẫn còn dài, chưa hết. Thử xem cô ả diễn xuất ra sao?

Bỗng thấy Cưu Ma Trí thở dài nói với Tôn Tam:

-Bần tăng gặp quý chủ nhân hồi ở bên Thiên Trúc có bàn đến võ nghệ rồi cùng nhau ý hợp tâm đầu, kết bạn tâm giao. Ai ngờ trời chẳng cho thọ, để mình kẻ phàm phu tục tử này sống trộm ở đời, còn quý chủ nhân vội về thế giới cực lạc. Bần tăng lặn lội từ nước Thổ Phồn xuống đến Trung Nguyên chẳng qua vì tình bạn hữu thâm trọng, cốt sao được lạy trước mộ một lạy còn có người đáp lễ hay không phỏng có chi là quan hệ? Phiền quản gia dẫn bần tăng đến nơi là được.

Tôn Tam chau mày ra chiều suy nghĩ, gã ngập ngừng:

-Việc này... việc này...

Cưu Ma Trí ngắt lời:

-Nếu có điều chi nan giải, xin nói rõ cho biết!

Tôn Tam nói:

-Ðại sư phụ là chỗ thâm giao với lão gia tiểu nhân, hẳn biết rõ tính người lúc sanh thời. Lão gia tiểu nhân ghét cay, ghét đắng bất luận là ai đến thăm người.

Người thường bảo: những bọn đến đây chẳng là hạng tới sinh sự báo thù thì lại là kẻ đến tầm sư học nghệ, dưới nữa là phường đến vay mượn, hoặc thừa cơ đục nước buông câu, nhân lúc lộn xộn chẳng dắt trộm cừu cũng khuân đồ vật. Người còn nói:

đám sư mõ đến lại càng khó chịu... Chết rồi... khó nói quá...

Gã nói đến đây tựa hồ như người buột miệng lỡ lời xúc phạm đến Cưu Ma Trí,vội giơ tay lên bịt miệng. Những cử chỉ càng rõ ra vẻ một thiếu nữ, mắt tròn xinh xinh và con ngươi đen láy. Tuy gã vội chớp mắt, rủ lông mày xuống che đi nhưng làm sao dấu nổi Ðoàn Dự đang lưu tâm dò xét. Chàng thấy nàng bại lộ cơ quan,bất giác cả mừng lẩm bẩm: Gã Tôn Tam phi chỉ là đàn bà mà còn là một vị nữ lang đang độ xuân xanh. Chàng liếc nhìn A Bích thì khoé hạnh cô này đang nở một nụ cười ranh mãnh. Chàng không còn nghi ngờ gì nữa, nghĩ thầm: "Cả gã Tôn Tam này cho chí lão già họ Hoàng lúc nãy chỉ là một người, chưa biết chừng chính là A Châu tỷ nương".

Cưu Ma Trí vẫn giữ một bộ mặt từ bi than rằng:

-Người đời gian trá thì nhiều mà thật thà thì ít, Mộ Dung tiên sinh không muốn giao kết với người phàm tục là phải lắm.

Tôn Tam nói:

-Quả vậy! Lão gia tiểu nhân có di ngôn rằng bất luận kẻ nào đến xin viếng mồ quét mả, nhất thiết không cho vào. Thậm chí người còn bảo: mấy thằng cha trọc,đa số không phải vì hảo tâm mà đến, chúng chỉ có ý muốn quật mả ta lên mà thôi.

Trời ơi! Ðại sư phụ đừng phiền, lão gia tiểu nhân thoá mạ thằng trọc là thoá mạ người ta kia, không phải có ý mạt sát sư phụ đâu.

Ðoàn Dự nghe nói phải cười thầm: ai đời lại trước mặt nhà sư mà thoá mạ thằng trọc bao giờ? Rồi chàng lại nghĩ: lão Cưu Ma Trí này bị người thoá mạ đến thế mà y vẫn bình tĩnh được, tuyệt không lộ vẻ cáu giận chút nào. Lão là con người đại gian đại ác phi thường mới giữ được thái độ này.

Cưu Ma Trí nói:

-Quý chủ nhân di ngôn lại mấy câu đó rất có lý. Vì hồi sinh thời ông uy danh lừng lẫy khắp thiên hạ, do đó mà dễ kết mối thâm cừu rất nhiều. Còn sống họ không làm gì được nên ông chết rồi tất họ cố tình tìm đến động chạm vào di thể

ông để trả thù đó là một điều dĩ nhiên.

Hồi 28

Tài Cải Trang Tỏ Mặt Gái Cô Tô

Tôn Tam đáp:

-Muốn động đến di thể lão gia tiểu nhân ư? Ha ha! Cái đó thì đừng hòng.

Cưu MaTrí nói:

-Tôi với Mộ Dung tiên sinh vốn là chỗ tri giao, nên tôi chỉ cốt đến viếng mộ thôi, ngoài ra không có ý gì khác, quản gia bất tất phải đa nghi?

Tôn Tam vẫn cương quyết đáp:

-Thực ra việc này tiểu nhân không thể tự chủ được. Nếu làm trái với lời di ngôn của lão gia, khi công tử về tra hỏi ra sẽ đánh tiểu nhân gãy cẳng mất. Thôi để tiểu nhân hỏi ý kiến lão thái thái xem sao, rồi sẽ trả lời.

Cưu Ma Trí hỏi:

-Lão thái thái là ai?

Tôn Tam đáp:

-Là thúc mẫu lão gia tiểu nhân. Các bạn hữu của lão gia mỗi khi tới đây vào chào lão thái thái đều phải cúi đầu lạy. Khi công tử vắng nhà thì mọi việc đều phải lĩnh ý lão thái thái.

Cưu Ma Trí nói:

-Như thế càng hay! Nhờ quản gia vào bẩm với lão thái thái là có Cưu Ma Trí ở nước Thổ Phồn tới thăm.

Tôn Tam đáp:

-Ông khách khí quá, chúng tôi không dám.

Khi Tôn Tam quay vào nhà trong rồi, Ðoàn Dự ngẫm nghĩ: "cô gái này thật là tinh quái. Không hiểu cô ta trêu cợt Cưu Ma Trí với dụng ý gì?".

Ðược một lúc văng vẳng có tiếng hòan hội leng keng, một bà già từ trong nội đường đi ra, người chưa tới mà mùi hương đã thoang thoảng đưa vào mũi Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự không nhịn cười được. Lần này chàng nhận rõ đó là một thiếu nữ hoá trang thành bà lão,mình mặc áo đoạn màu da đồng, cổ tay đeo vòng ngọc, cách phục sức rất sang trọng, trên má có nhiều vết nhăn, mặt mũi kèm nhèm, tựa hồ như không trông rõ gì hết.

Ðoàn Dự trong bụng không khỏi khen thầm: cô bé này hoá trang giỏi tuyệt, trá hình ai ra người ấy, khó mà khám phá ra được. Tài nhất là chỉ trong khoảnh khắc nàng đã cải trang xong, chân tay mau lẹ đến cực điểm.

Bà già tay chống gậy, người run lẩy bẩy tiến ra tới nhà ngoài liền hỏi:

-A Bích! Bạn của lão gia mi đã tới đấy ư? Sao không thấy bái kiến ta?

Mụ nghiêng đầu nhìn bên đông lại nghẹo cổ ngó bên tây, hai mắt như bị quáng loà, không nhận ra người nào ở chỗ nào. A Bích quay sang Cưu Ma Trí, khoa tay làm hiệu và khẽ nói:

-Hòa thượng mau mau dập đầu bái kiến đi! lão thái thái mà vừa lòng thì muốn yêu cầu việc gì cũng được hết.

Bà già nghiêng đầu, đưa bàn tay lên, kéo vành tai lại tựa hồ để nghe cho rõ rồi lớn tiếng hỏi:

-Con ranh con! Mi nói cái gì vậy? Người ta đã cúi đầu lạy chưa?

Cưu Ma Trí bèn lên tiếng:

-Lão phu nhân mạnh giỏi! Tiểu tăng xin thi lễ.

Ðoạn chắp tay xá dài, kình lực từ hai bàn tay phát ra, đập xuống thềm gạch kêu "binh binh" nghe tựa như là tiếng dập đầu xuống đất lạy.

Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi đưa mắt nhìn nhau và phập phòng lo sợ: lão sư này nội lực mạnh đến thế, e rằng khó lòng đấu nổi với lão được một đòn.

Bà già gật gù thủng thẳng nói:

-Ngán cho cái thế giới này! Kẻ gian trá thì nhiều, người thực thà thì ít. Ngay một việc cúi đầu lạy còn có đứa tồi tệ, dở tuồng ranh mãnh giả dối, rành rành nó không sụp lạy mà nó làm trò cho dưới đất phát ra tiếng kêu tựa hồ như tiếng đập đầu xuống thềm. Nó khinh ta không nhìn thấy gì mà! Ðể xem ta có khen nó ngoan, nó giỏi, sụp đầu lạy vang lên những tiếng "bốp bốp".

Ðoàn Dự không nhịn được, phì ra một tiếng cười lí nhí.

Bà già từ từ quay đầu lại hỏi:

-A Bích! Ðứa nào hư hỗn, vô ý thế hử?

Bà vừa nói vừa đưa tay lên bưng mũi. A Bích bật cười nói:

-Thưa lão thái thái! không phải cái trò bất lịch sự đâu. Ðoàn công tử phì ra tiếng cười trong cổ họng đấy ạ.

Bà già làm bộ nghễnh ngãng, nghe không ra hỏi lại:

-"Ðoạn" gì? Làm sao mà đoạn? Cái gì đứt đoạn?

A Bích đáp:

-Không phải đoạn. Người ta họ Ðoàn, công tử họ Ðoàn.

Bà già gật đầu nói tiếp:

-Chà! Công tử gì mà lắm thế? Mi nhớ công tử của mi lắm nhỉ!

A Bích đỏ mặt đáp:

-Lão phu nhân cũng mong nhớ công tử hoài đấy thôi.

Bà già lại hỏi:

-Mi... mi nói cái gì? Công tử muốn ăn dưa hấu ư?

A Bích bĩu môi cười đáp:

-Vâng! công tử muốn ăn dưa hấu, đồng thời muốn ăn cả anh đào nữa.

Ðoàn Dự nghe hai người nói nói cười cười mà câu nào cũng có thêm nghĩa bóng nữa. Càng nghe càng thấy rõ người giả dạng bà già này đúng là một cô gái khác cải trang.

Bà già đó quay sang hỏi Ðoàn Dự:

-Thằng lỏi này! Sao thấy lão thái thái lại không cúi đầu lạy?

Ðoàn Dự nói lảng sang chuyện khác:

-Lão thái thái! tại hạ có câu chuyện riêng muốn thưa cùng lão thái thái nhưng cần phải giữ kín, không thể để cho người thứ hai nghe được.

Bà già quay đầu lại hỏi:

-Mi bảo sao?

Ðoàn Dự ghé tai nói nhỏ với bà lão:

-Tại hạ có một đứa cháu gái tên gọi A Châu dặn bảo: Y có câu chuyện khẩn yếu cần trình lão thái thái trong phủ Mộ Dung.

Bà già đó lắc đầu lia lịa đáp:

-Không được nói nhảm, nói láo.

Ðoàn Dự mỉm cười nói tiếp:

-Con cháu A Châu quả là đứa hay nói nhảm, nói láo, lại ưa hoá trang, chơi cái trò con khỉ con hươu, nay giả dạng đàn ông, mai lại giả dạng đàn bà, nó còn biết cả nghề đóng kịch nữa. Mỗi khi tôi bắt được đánh cho bết đít mà vẫn không chừa.

Bà già này chính là A Châu, một ả nha hoàn khác trong phủ Mộ Dung hoá trang.

Thuật hoá trang của nàng khéo nhất trần gian, chẳng những về dung mạo, mà về ngôn ngữ, cử chỉ, giọng nói điệu cười nhất nhất giống như in. Có thể nói không sơ hở chút nào để người khám phá ra được. Chả thế mà thông minh giảo quyệt như Cưu Ma Trí, lão luyện giang hồ như Thôi Bách Kế cũng đều tin là thực chứ không mảy may nghi ngờ. Ai ngờ Ðoàn Dự lại phát giác ra được chân tướng của nàng nhờ ở cái mùi hương thoang thoảng êm dịu từ trong người nàng tiết ra mà nàng vô phương che dấu.

Nghe Ðoàn Dự nói A Châu giật mình. Song nàng trấn tĩnh được ngay không hề thay đổi sắc mặt vẫn giữ bộ dạng già nua, mắt mờ tai điếc, nàng nói bóng với Ðoàn Dự:

-Ừ thằng nhỏ tinh khôn lắm, thực là một đứa thông minh tuyệt trần. Trên đời này ta chưa thấy đứa nhỏ nào tinh khôn được thế. Mi phải khôn ngoan giữ mồm giữ miệng, bà thương yêu đặc biệt nghe!

Ðoàn Dự nghe lời nàng biết nàng có ý khuyên chàng đừng tiết lộ hành tông của nàng, để nàng đối phó với thằng giặc Cưu Ma Trí. Chính chàng cũng cần nàng giúp sức để thoát hiểm thế thì nàng đối với chàng là bạn chứ không phải là thù nên chàng đáp:

-Xin lão thái thái cứ yên tâm! Tại hạ đã tới tôn phủ thì nhất thiết mọi điều đều tuỳ ở nơi lão thái thái xếp đặt.

A Châu ưa đóng kịch, nàng nói tiếp:

-Mi có biết nghe lời ta mới là đứa trẻ ngoan ngoãn. Trước hết hãy cúi đầu lạy ta ba lạy đi đã! Ta sẽ nhất quyết không để thiệt cho mi đâu.

Ðoàn Dự ngẩn người ra và tự nghĩ: "ta đường đường là một vị thế tử con Trấn Nam Vương ở nước Ðại Lý, lẽ nào lại lạy một ả nữ tỳ?".

A Châu thấy Ðoàn Dự có vẻ lúng túng, nàng cười khà khà nói tiếp:

-Có kẻ chết đến sau gáy mà còn tự cao, tự đại. Thằng nhỏ ngoan! Ta bảo mi, mi hãy lạy lão nương mấy lạy đi nào!

Ðoàn Dự quay đầu sang bên chợt thấy A Bích nhếch mép tủm tỉm cười ranh mãnh liếc mắt nhìn chàng, nước da trắng mịn như nhân trái hồng lăng mới bóc vỏ,ở bên mép có một nốt ruồi nhỏ lại càng tăng thêm vẻ kiều mỵ khiến lòng chàng

rung động, cất tiếng hỏi:

-A Bích tỷ nương! nghe nói trong tôn phủ còn có chị A Châu tỷ nương, nàng có mỹ miều nhuần nhã như tỷ nương không?

A Bích mỉm cười đáp:

-Trời ơi! Tôi xấu như ma lem có chi đáng kể? Chị A Châu mà nghe thấy công tử hỏi thế tất giận lắm đó. Tôi đâu dám bì với chị A Châu, chị còn tuấn tú gấp mười tôi.

Ðoàn Dự hỏi lại:

-Quả vậy ư?

A Bích đáp:

-Tôi nói dối công tử làm gì?

Ðoàn Dự lắc đầu hoài nghi:

-Ðẹp gấp mười chị? Trên đời này làm gì có người như vậy? Trừ phi là... là nàng tiên ở trong thạch động kia thôi, còn người thì đẹp xuýt soát như chị cũng đã là hiếm có lắm rồi.

A Bích hai má ửng hồng có vẻ thẹn thùng, nàng nói:

-Lão thái thái bảo anh cúi đầu lạy chứ ai bảo anh tán róc lấy lòng tôi.

Ðoàn Dự lại hỏi:

-Lão phu nhân lúc đương thì chắc cũng là một vị tuyệt sắc giai nhân nghiêng nước, nghiêng thành đấy nhỉ. Nói thực ra, lão thái thái đối với tôi tốt hay không chưa biết nhưng Ðoàn Dự này vẫn chưa có một ấn tượng gì ở trong lòng. Có điều

cúi lạy một vị tuyệt thế giai nhân thì tôi rất cam tâm.

Nói xong quỳ gối xuống liền và nghĩ thầm: "Ta đã lạy thì phải dập đầu cho thật kêu. Trước mình lạy pho ngọc tượng trong động hàng nghìn lạy còn được thì nay có lạy người đẹp đất Giang Nam ba lạy đã ăn thua gì?". Thế rồi chàng dập đầu xuống đất kêu "kịch kịch kịch" ba tiếng.

A Châu rất hài lòng nghĩ thầm: "Ðoàn công tử biết rõ ta là một đứa nha hoàn mà công nhiên chịu cúi đầu lạy, thật là hiếm có".

Nàng khen:

-Thằng nhỏ ngoan lắm! Tốt lắm! Tiếc rằng ta không đem tiền kiến diện... để thưởng cho mi.

A Bích nói xen vào:

-Lão thái thái đừng quên là được rồi. Lần sau sẽ bù cho người ta cũng thế.

A Châu đưa mắt nguýt A Bích rồi quay sang nói với Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi:

-Còn hai vị khách này tại sao không cúi đầu lạy, làm lễ bái kiến ta?

Quá Ngạn Chi hứ một tiếng và hỏi một cách sống sượng:

-Mụ có biết võ nghệ hay không?

A Châu ra vẻ nghễnh ngãng chưa nghe rõ, hỏi lại:

-Ngươi bảo sao?

Quá Ngạn Chi nhắc lại:

-Ta hỏi mụ có biết võ nghệ không? nếu là người võ công cao cường thì Quá Ngạn Chi này tình nguyện lãnh cái chết ở dưới tay Mộ Dung lão thái thái, còn nếu không phải là nhân vật trong võ lâm thì ta bất tất nhiều lời với mụ làm gì?

A Châu vờ nhãng tai nghe "võ công cao cường" ra "ngô công bách cước" nàng lắc đầu đánh trống lảng:

-Ngươi bảo "ngô công bách cước" chi chi đó, ta xem chừng ngươi say mất rồi.

Con rết trăm chân thì đâu mà chẳng có nó cắn người đau lắm đấy.

A Châu lại quay sang hỏi Cưu Ma Trí:

-Còn đại hòa thượng! Nghe nói mi muốn quật mả Mộ Dung tiên sinh lên, định lấy trộm bảo bối phải không?

Cưu Ma Trí tuy không ngờ mụ là thiếu nữ hoá trang nhưng cũng biết là mụ giả điếc, giả ngây, quyết không phải là một bà già đã đến mức lẫn lộn như thế nên lão vẫn dè dặt và nghĩ thầm trong bụng: "Mộ Dung tiên sinh đã giỏi như thế thì bậc tiền bối tiên sinh tất nhiên không phải hạng bản lãnh tầm thường". Lão liền vờ như không nghe rõ hai chữ "quật mả" bèn đáp:

-Tiểu tăng cùng Mộ Dung tiên sinh là chỗ bạn tri giao, được nghe tin buồn tiên sinh tạ thế nên lặn lội từ nước Thổ Phồn đến đây với mục đích duy nhất là kính bái trước linh vị Mộ Dung tiên sinh mà thôi. Tiểu tăng có một điều ước hẹn với tiên sinh từ lúc sinh tiền là lấy được quyển đồ hoạ Lục Mạch Thần Kiếm đưa cho tiên sinh xem. Lời ước đó không thực hành được, tiểu tăng rất lấy làm hổ thẹn.

A Châu nghe đến chữ "Lục Mạch Thần Kiếm" không khỏi giật mình, nàng cũng biết đó là một môn võ công siêu việt, gần đây chính nàng cũng được nghe công tử nhắc tới.

A Châu và A Bích đưa mắt nhìn nhau và đều biết là Cưu Ma Trí đã nói vào chính đề rồi. A Châu hỏi:

-Lấy được quyển đồ hoạ "Lục Mạch Thần Kiếm" thì sao? Mà không lấy được thì làm gì?

Cưu Ma Trí đáp:

-Năm xưa tiên sinh cùng ước hẹn với tiểu tăng: nếu tiểu tăng lấy được quyển đồ họa Lục Mạch Thần Kiếm đưa cho tiên sinh xem mấy ngày thì tiên sinh sẽ cho tiểu tăng đến xem mấy quyển thiên thư tại Lang hoàn thuỷ các trong quý tự.

A Châu thất kinh nghĩ bụng: "lão sư này biết cả đến cái tên Lang hòan thuỷ các,có lẽ lão nói thực cũng chưa biết chừng". Tức thời nàng giả vờ nghễnh ngãng nghe "lang hòan thuỷ các" ra "đường cao thuỷ giáo" liền hỏi lại:

-Ngươi muốn ăn bánh ngọt, canh gà ư? Cái đó dễ lắm nhưng ngươi đã xuất gia làm sao ăn được món mặn?

Cưu Ma Trí quay sang bảo A Bích:

-Lão thái thái đây không hiểu là lẫn lộn thực hay giả vờ. Tôi có nghe những tay cao thủ các phái võ Trung Nguyên đương tụ họp tại Thiếu Lâm tự để thương nghị đối phó với nhà Mộ Dung ở Cô Tô đây. Tiểu tăng nghĩ tình hữu nghị với Mộ Dung tiên sinh, cũng muốn đem chút tài mọn để giúp một tay. Song xem thái độ lão thái thái thế này là cự tuyệt cả đến người ở xa hàng mấy ngàn dặm há chẳng khiến cho bạn hữu phải bào tâm ru?

A Châu vẫn một giọng ỡm ờ:

-Sao? Nhà sư lạnh bụng à? A Bích đâu mau đi lấy một tô cháo tiết gà tiết vịt nóng để đại sư ăn cho ấm ruột gan lại.

A Bích nhịn cười đáp:

-Ðại sư phụ có ăn mặn được đâu?

A Châu đưa tay lên gõ nhẹ vào trán nói:

-Phải đó, phải đó! Nhà sư không ăn mặn được, thế thì đừng dùng gà vịt thật mà dùng gà vịt chay vậy!

A Bích hỏi:

-Thưa lão thái thái! Gà chay thì làm gì có tiết?

A Châu phều phào:

-Ừ nhỉ! Thế ra mình lẩn thẩn thực biết làm thế nào bây giờ?

Hai nàng đối thoại, kẻ tung người hứng, toàn là chuyện bịa đặt. Người ở Tô Châu ai cũng mồm miệng bẻo lẻo, nói năng hoạt bát. Ðời sau nơi đây kỹ thuật ca kịch nổi tiếng với thiên hạ cũng do tập quán này mà ra. Hai ả nha hòan này bình

nhật vẫn trơ tráo cười đùa quen rồi, cái lối đùa dai của chúng khiến cho Cưu Ma Trí bực mình mà không làm gì được. Cưu Ma Trí đi Cô Tô chuyến này cốt gặp Mộ Dung công tử để thương lượng một công cuộc to tát. Nào ngờ không gặp được người chủ mà lại gặp toàn những người ngoài cuộc xen vào chẳng hiểu tâm địa họ ra sao? Cách đón tiếp hữu ý hay vô tình, hư hư thực thực, khiến cho lão không biết đối phó thế nào cho phải.

Ðại Luân Minh Vương Cưu Ma Trí cũng là một nhân vật ghê gớm, sau một lúc suy nghĩ lão đã đoán chắc cả ba người: lão thái thái, Tôn Tam và Hòang lão bộc đều có ý thoái thác, không muốn cho y xem sách trong lang hòan thuỷ các. Lão quyết định: bất chấp đối phương bày mưu lập kế thoái thác bằng cách nào đi chăng nữa lão cũng nói thẳng vào đề ngay rồi sau hoặc đối xử bằng cách nhân nhượng hay là phải cương quyết dùng võ lực, cũng cần hiểu rõ để liệu chiều đối phó.

Cưu Ma Trí ôn tồn nói:

-Quyển đồ họa Lục Mạch Thần Kiếm tiểu tăng đã mang theo đây nên mới dám cả gan muốn vào xem sách trong lang hòan thuỷ các của quý phủ.

A Bích đáp:

-Mộ Dung tiên sinh đã qua đời, hòa thượng nói sao chúng tôi hay vậy chứ khẩu thuyết vô bằng biết đâu mà tin. Hơn nữa giả tỷ đại sư có mang đồ hình tới đây chúng tôi cũng không ai xem được. Thế thì trước kia hai bên có lời giao ước với nhau thế nào bây giờ cũng không còn hiệu lực nữa.

A Châu hỏi xen vào:

-Quyển đồ hoạ gì vậy? ở đâu đưa ta coi trước xem thật hay giả?

Cưu Ma Trí chỉ Ðoàn Dự đáp:

-Ðoàn công tử đây đã thuộc lòng quyển đồ hoạ đó nên tôi có đem chàng đi theo cũng như mang quyển đồ hoạ đó vậy.

A Bích mỉm cười nói:

-Tôi cứ tưởng có quyển đồ hoạ đó thật, té ra đại sư nói đùa.

Cưu Ma Trí nói tiếp:

-Tôi đâu dám nói đùa? Nguyên quyển đồ hoạ chính đã bị Khô Vinh đại sư chùa Thiên Long nước Ðại Lý đốt mất rồi. Cũng may mà Ðoàn công tử còn nhớ được rành mạch cả, vậy công tử đây tức là quyển đồ hoạ sống đó.

A Bích nói:

-Ðoàn công tử nhớ được thì việc đó thuộc về việc riêng Ðoàn công tử mà người được vào lang hòan thuỷ các xem sách cũng sẽ phải là Ðoàn công tử, có can dự gì đến đại sư?

Cưu Ma Trí đáp:

-Tiểu tăng muốn được thực hiện lời ước ngày trước, đem Ðoàn công tử đốt trước mộ phần Mộ Dung tiên sinh.

Mọi người nghe nói đều thất kinh, nhìn nét mặt Cưu Ma Trí vẫn thản nhiên chứ không có vẻ gì là lão nói đùa cả.

A Bích hỏi:

-Ðại sư phụ nói đùa hẳn. Ðường đường là một con người chứ có phải mớ củi đâu mà muốn đốt lúc nào thì đốt?

Cưu Ma Trí đáp:

-Tiểu tăng mà định đốt y thì tin chắc rằng y không thể chống cự lại được.

A Bích nhếch mép cười nói tiếp:

-Thế mà đại sư phụ bảo Ðoàn công tử thuộc lòng cả quyển đồ hoạ Lục Mạch Thần Kiếm! Ðiều đó hòan toàn bịa đặt. Tôi nghe nói "Lục Mạch Thần Kiếm" lợi hại vô cùng, nếu Ðoàn công tử biết kiếm pháp đó thì khi nào lại chịu khuất phục dưới bàn tay đại sư?

Cưu Ma Trí gật đầu đáp:

-Ðiều đó cũng có lý nhưng cô nương mới biết có một mà chưa biết hai. Ðoàn công tử đã bị tiểu tăng điểm huyệt nên kình lực trong người không thể vận dụng được, vì thế mà y phải chịu khuất phục.

A Châu vẫn lắc đầu lia lịa nói:

-Ta không thể tin ngươi được. Ngươi hãy giải các huyệt đạo cho công tử, để chàng sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm cho ta xem đã. Chứ ta thấy chín mươi phần trăm là ngươi nói dối.

Cưu Ma Trí gật đầu đáp:

-Ðược rồi! Ðể tiểu tăng thử cho lão thái thái coi.

A Bích và A Châu rất có cảm tình với Ðoàn Dự. Nghe Cưu Ma Trí nói đã điểm huyệt chàng, hai nàng tìm cách bịp lão để lão chịu giải huyệt đạo cho chàng.

Không ngờ hai nàng vừa nói, Cưu Ma Trí đã đưa bàn tay vỗ hờ trên các chỗ huyệt đạo ở lưng, trước ngực và vế đùi Ðoàn Dự mấy cái. Lập tức Ðoàn Dự đã cảm thấy những mạch máu trong các huyệt đạo lưu thông được ngay chứ không còn bế tắc nữa. Chàng chỉ hơi vận khí một chút đã thấy nội lực chuyển động dễ dàng như không. Chàng lại thử chiêu theo phương pháp vận khí trong "trung xung kiếm pháp" vận nội lực ra huyệt trung xung ở ngón tay giữa bên phải, tức khắc cảm thấy ngón tay giữa nóng ran, chàng biết chỉ duỗi ngón tay ra là một đường kiếm khí đã

phóng theo liền.

Cưu Ma Trí nói:

-Ðoàn công tử! Mộ Dung lão thái thái không tin rằng công tử đã luyện được Lục Mạch Thần Kiếm, xin công tử như tôi đây để chém đứt một cành trên cây quế kia xuống.

Lão nói xong vận động chân lực vào bàn tay, rồi giơ tay chém một đường theo pháp hoả diệm đao. Bỗng nghe rắc một tiếng, một cành quế rất lớn ở trên cây giữa sân đã không gió mà gãy và chỗ gãy tầy như dùng dao kiếm sắc bén chém đứt vậy.

Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi bất giác đều kêu lên một tiếng "úi chà". Hai người tuy biết võ công Cưu Ma Trí rất ghê gớm từ lâu, khó lòng mà địch nổi lão được, song chỉ cho là loại có tà thuật về bàng môn tả đạo mà thôi. Bây giờ thấy lão dùng chưởng lực chặt đứt một cành cây to như thế mới biết nội lực lão thâm hậu đến cực điểm trên đời ít người bì kịp.

Ðoàn Dự lắc đầu đáp:

-Tôi không hiểu một chút võ công nào hết và cũng chẳng biết gì về Lục Mạch Thần Kiếm hay Bát mạch thần đao nào cả. Một cành quế hoa đẹp đẽ như thế của người ta, sao ngươi lại chặt đi?

Cưu Ma Trí nói:

-Công tử quá khiêm làm gì thế? võ nghệ công tử vào bậc nhất trong các vị cao thủ họ Ðoàn nước Ðại Lý. Hiện nay ngoại trừ Mộ Dung công tử và tại hạ ra thì ít ai địch nổi công tử. Trong phủ Cô Tô Mộ Dung đây là một kho tàng về võ học, công tử hãy thi thố vài đường để lão thái thái chỉ điểm thêm cho! Ðó là một điều rất hay chứ sao?

Ðoàn Dự giận dỗi đáp:

-Suốt dọc đường ngươi đối với ta vô lễ như thế nào, đem ta cắp ngang, xách dọc,rút xuôi, kéo ngược, lôi ta đến Giang Nam này thế tức là ta đã bị khuất nhục dưới võ công của ngươi mà đành bó tay không làm sao được. Chính ta không muốn nói gì với ngươi nữa. Nhưng ta thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, lại có người đẹp như tiên, những sự oán hờn chứa chất trong lòng ta đã tiêu tan hết. Thế là thôi, sự liên quan giữa chúng ta từ đây cắt đứt, không ai nói đến ai nữa.

A Châu và A Bích thấy cái dáng điệu đồ gàn của Ðoàn Dự cũng đã buồn cười lại nghe thấy chàng nói tán dương mình bất giác trong lòng cũng cảm thấy hứng thú.

Cưu Ma Trí lại nói:

-Công tử không chịu diễn thử Lục Mạch Thần Kiếm, tức là cố ý để tỏ ra lời tôi nói bịa đặt chứ gì?

Ðoàn Dự đáp:

-Chính ngươi vẫn quen mở mồm bịa chuyện, nếu thực có ước hẹn với Mộ Dung tiên sinh thì sao ngươi không đến Ðại Lý lấy kiếm kinh sớm đi mà lại đợi Mộ Dung tiên sinh quy tiên rồi, không còn người đối chứng mới đến phủ Mộ Dung nói thiên hô bách sát? theo chỗ ta nhận xét thì ngươi có ý hâm mộ võ công cao siêu của nhà Mộ Dung đây rồi bịa chuyện ra, đánh lừa lão thái thái cho ngươi vào tàng thư các,xem trộm hộ kinh kiếm pháp để xưng hùng với thiên hạ. Cưu Ma Trí ngươi thử nghĩ coi! Người ta đã là nhân vật lừng danh trong võ lâm chẳng lẽ lại không hiểu rõ cái mánh khoé bịp bợm của ngươi hay sao? Nếu ngươi dùng những lời hoa mỹ xảo trá mà đánh lừa lấy cắp được bí quyết võ công của nhà Mộ Dung thì những kẻ lừa bịp thiên hạ này thiếu gì? Còn đâu đến lần ngươi nữa mà hòng?

Cưu Ma Trí lắc đầu cải chính:

-Ðoàn công tử! Sự suy đoán của công tử sai rồi. Tiểu tăng và Mộ Dung tiên sinh tuy đính ước với nhau đã lâu, song vì tiểu tăng còn phải đóng cửa luyện môn "hoả diệm đao" trong chín năm chưa thành, không ra khỏi ngõ. Vì thế mà chưa đến nước Ðại Lý. Giả tỷ tiểu tăng chưa thấu đáo được môn "hoả diệm đao" thì lần này không yên thân mà ra khỏi chùa Thiên Long được nữa...

Ðoàn Dự ngắt lời:

-Ðại hòa thượng! Ngươi đã có tham danh lại đủ quyền vị võ công cao cường đến thế, ung dung là một vị hộ pháp quốc vương nước Thổ Phồn. Cứ ở yên trong cái địa vị đó há chẳng vinh dự rồi sao? Hà tất còn xuống Giang Nam đánh lừa người ta?

Ta khuyên ngươi nên quay về sớm đi là hơn!

Cưu Ma Trí nói:

-Nếu quả công tử không chịu diễn Lục Mạch Thần Kiếm thì đừng trách tiểu tăng vô lễ.

Ðoàn Dự đáp:

-Ngươi đã vô lễ nhiều rồi, chẳng lẽ lại còn cách nào vô lễ hơn thế nữa? Chỉ còn cách chém ta một đao giết đi là cùng chứ gì?

Cưu Ma Trí lại hỏi vắn tắt:

-Bây giờ công tử có theo lời tiểu tăng hay không?

Ðoàn Dự thủng thẳng đáp:

-Thế hử! Rất có thể...

Cưu Ma Trí hớn hở nói:

-Thế thì xin diễn thử mấy đường thần kiếm!

Ðoàn Dự hỏi lại:

-Thần kiếm à? Mi có kiếm không? cho mượn một thanh coi!

Cưu Ma Trí trong lòng có vẻ bực bội đáp:

-Công tử chủ ý định làm nhục bần tăng! hãy coi đao pháp đây!

Nói xong lão giơ tay trái lên, tức thời một luồng kinh phong từ trong tay phát ra nhằm đánh thẳng vào mặt Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự đã có chủ ý từ trước, tự biết võ công mình không kịp đối phương, có giao đấu hay không giao đấu kết quả cũng như nhau mà thôi. Lão đã muốn bắt buộc chàng phải chứng minh là có biết sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm cho mọi người hay, đã thế chàng làm ngược hẳn lại ý định của Cưu Ma Trí. Chàng thấy đao của lão chém tới, cứ để mặc, chẳng đánh lại mà cũng chẳng thèm chống đỡ.

Cưu Ma Trí kinh hoảng vì lão chưa có ý định dùng kình lực giết chàng ngay bây giờ. Lão vội đưa bàn tay hất ngược lên, một luồng gió lạnh vèo qua, xén đứt hẳn một mớ tóc trên đầu chàng. Thôi Bách Kế và Quá Ngạn Chi nhìn nhau hoảng vía.

A Châu và A Bích cũng đều tái mặt.

Cưu Ma Trí tiu nghỉu nói:

-Thế nào công tử đành chịu chết chứ không chịu ra tay sao?

Ðoàn Dự đã sớm gạt sự sống chết ra ngoài tâm trí rồi nên chàng khanh khách cười đáp:

-Ðại hòa thượng đủ cả: tham, sân, ái, dục, si mà còn công nhiên nhận làm một vị cao tăng cửa Phật thì ra chỉ có hư danh thôi.

Cưu Ma Trí đột nhiên đánh luôn vào A Bích một chưởng và nói:

-Dùng lời tử tế không xong thì trước hết ta phải giết một con bé trong phủ Mộ Dung cho biết tay.

Bị đánh bất thình lình A Bích thất kinh vội nghiêng người né tránh khỏi đường đao. Bỗng nghe thấy "sầm" một tiếng, chiếc ghế ở sau nàng đã bị kình lực đụng phải gãy vụn ra. Cưu Ma Trí lại giơ tay phải đánh luôn đao thứ hai. A Bích nằm phục xuống, lăn đi một vòng. Tuy nàng mau lẹ nhưng cũng sợ hãi rụng rời. Cưu Ma Trí quát to lên một tiếng rồi phóng ra đường đao thứ ba chém tới. A Bích sợ tái mặt. Tuy nàng chân tay lanh lẹ nhưng đối với sức nội kình vô hình vô ảnh nàng không biết đánh đỡ cách nào cho đúng.

A Châu đối với A Bích như tình ruột thịt.

Thấy bạn bị nguy nàng không kịp suy nghĩ gì hết liền giơ gậy lên nhằm đánh thẳng vào sau lưng Cưu Ma Trí. Lúc A Châu đứng nói chuyện hay là lúc từ từ cất bước đi trông giống hệt như một bà già bảy tám mươi không sai một mảy may nào nhưng lúc này vì sự nguy cấp đành liều mạng thì thân pháp nàng lại cực kỳ mau lẹ.

Cưu Ma Trí thoáng nhìn đã khám phá ra ngay, lão mỉm cười nói:

-Ồ thiên hạ lại có bà già 17, 18 tuổi, nàng định lừa bịp hòa thượng này đến bao giờ?

Nói xong lão đánh trả lại luôn một chưởng. Chiếc gậy trúc của A Châu bị gãy làm ba đoạn. Ðồng thời lão lại phóng luôn một đao nhằm chém bổ vào A Bích.

Trong lúc hoảng hốt A Bích quờ tay vớ liều một cái bàn, nghiêng mặt bàn ra đỡ.

Bỗng nghe "chát chát" mấy tiếng, chiếc mặt bàn bằng gỗ tử đàn đã bị gãy vụn, chỉ còn trơ lại hai chân trong tay A Bích.

Ðoàn Dự thấy A Bích lưng tựa vào vách, không còn đất lùi mà Cưu Ma Trí lại đánh tiếp luôn chưởng nữa. Lúc đó Ðoàn Dự chỉ nghĩ đến việc cứu người là khẩn cấp chứ không kịp suy tính ra mình không phải là địch thủ của Cưu Ma Trí, chàng liền duỗi ngón tay giữa ra một cái, luồng kình lực từ huyệt trung xung bắn vụt ra kèm những tiếng kêu "vo vo". Ðó chính là trung xung kiếm pháp.

Kỳ thực Cưu Ma Trí đâu có định giết A Bích, bất quá lão chỉ cần bức bách Ðoàn Dự phải ra tay. Không thế thì lão đã sử dụng những thế thần diệu trong "hỏa diệm đao" là A Bích hết đường né tránh.

Cưu Ma Trí thấy Ðoàn Dự quả nhiên trúng kế, lão lại trở tay đánh luôn A Châu một chưởng. Luồng chưởng lực phát ra làm cho A Châu lảo đảo cả người, vai áo rách toạc, A Châu kinh hoảng rú lên. Ðoàn Dự lại tức khắc sử dụng "thiếu mạch kiếm" ở bên tay trái để chặn đón hoả diệm đao ở tay trái Cưu Ma Trí. Hai đao của Cưu Ma Trí đều bị Lục Mạch Thần Kiếm của Ðoàn Dự chặn đón, chàng đã bảo vệ cho hai nàng A Châu, A Bích thoát khỏi cơn nguy hiểm.

Cưu Ma Trí vừa muốn biểu dương bản lĩnh của mình vừa muốn cho mọi người thấy Ðoàn Dự biết sử dụng Lục Mạch Thần Kiếm nên cố ý phát huy kình lực cho thật mạnh, những tiếng gió phát ra "vu vu" không ngớt. Ðoàn Dự nhờ có chu

cáp thần công đã thu hút được bao nhiêu nội lực của mấy tay đại cao thủ vào trong người nên lúc này nếu so về nội lực thì Ðoàn Dự có phần mạnh hơn Cưu Ma Trí.

Song khốn nỗi chàng không hiểu một tý võ công nào ngoài mấy thế kiếm mà chàng học được ở chùa Thiên Long. Chàng chỉ nhớ một cách bất di bất dịch mấy đường trong Lục Mạch Thần Kiếm theo đúng chiêu thức của nó chứ không biết biến hoá để ứng dụng. Cưu Ma Trí đem chàng ra để đùa giỡn với chưởng lực. Nội lực hai bên xung đột, sức mạnh phát ra làm cho tường vách và cửa sổ chung quanh nhà vỡ nát thành nhiều lỗ thủng.

Cưu Ma Trí vừa đấu vừa khen:

-Lục Mạch Thần Kiếm quả nhiên lợi hại, trách nào năm xưa Mộ Dung tiên sinh đã đem lòng hâm mộ.

Thôi Bách Kế cũng rất lấy làm kinh ngạc, lão lẩm bẩm: "trước mình vẫn tưởng Ðoàn Dự võ công tầm thường, nào ngờ lại có bản lãnh đến thế? họ Ðoàn nước Ðại Lý đúng là danh bất hư truyền. Cũng may mà mình khi ở phủ Trấn Nam Vương chưa làm việc gì xằng bậy nếu không thì chắc đã bị họ Ðoàn tống cổ đi rồi". Thôi Bách Kế nghĩ lại, mồ hôi toát ra lạnh toát cả người.

Hai người giao đấu một hồi lâu, kỳ thực thì hiểm nào Cưu Ma Trí cũng có thể đẩy Ðoàn Dự vào tử địa được. Có điều lão cố ý kéo dài cuộc đấu để đùa giỡn và phô trương tài năng. Sau lão hiểu rằng kiếm pháp Ðoàn Dự quả có chỗ độc đáo nhưng không hiểu sao chàng lại không biết phát huy ra chẳng khác gì một đứa trẻ lên ba mà trong tay lại có gia tài hàng triệu nhưng không biết tiêu xài. Rồi lão đâm ra khinh thị. Ðánh vài hiệp nữa, thốt nhiên Cưu Ma Trí lại nghĩ khác "nếu cứ giằng dai mãi, lỡ ra đối phương chỉ tâm linh lĩnh hội được yếu quyết võ công, thêm vào nội lực kiếm pháp hai môn sở trường riêng của chàng chẳng hoá ra trở thành một kẻ kình địch vô cùng lợi hại ư?".

Ðoàn Dự cũng biết là giờ phút này sự sống chết của chàng hòan toàn đặt trong tay Cưu Ma Trí, chàng gọi:

-A Châu! A Bích! Hai vị tỷ nương chạy đi mau lên! Không thì không kịp đâu.

A Châu hỏi:

-Ðoàn công tử! Tại sao công tử lại cứu chị em chúng tôi?

Ðoàn Dự đáp:

-Vì tôi ghét tên hòa thượng này ỷ mình võ công cao cường, hòanh hành bá đạo,khinh khi người chung quang. Ðáng tiếc tôi không hiểu về võ công, khó lòng địch lại lão. Các chị chạy mau đi thôi!

Cưu Ma Trí mỉm cười nói:

-Chạy cũng không thoát đâu!

Vừa nói dứt lời, Cưu Ma Trí đưa ngón tay trỏ bên trái nhằm điểm huyệt của Ðoàn Dự.

Ðoàn Dự kêu rú lên toan né tránh nhưng đã muộn. Ba yếu huyệt của chàng đã bị Cưu Ma Trí điểm trúng, tức thời hai chân bị tê bại, té nhào xuống đất.

Chàng gọi ầm lên:

-A Châu, A Bích! Chạy mau đi! Chạy mau đi!

Cưu Ma Trí bật cười nói:

-Chết đến cổ họng, thân không giữ nổi lại còn thương hoa tiếc ngọc.

Ðoạn lão ung dung lại chỗ ngồi nói với A Châu:

-Cô nương cũng bất tất phải dở trò quỷ quái làm gì nữa. Ai là người làm chủ mọi việc trong phủ này? Ðoàn công tử đã thuộc lòng cả quyển đồ hoạ Lục Mạch Thần Kiếm. Có điều hắn không hiểu võ công nên khó mà sử dụng được đó thôi. Ngày mai tôi sẽ đem hắn ra đốt trước mồ Mộ Dung tiên sinh, nếu tiên sinh dưới suối vàng có linh thiêng, chắc cũng chứng dám lòng thành cho người bạn già đã không phụ lời ước năm xưa.

A Châu cũng hiểu rằng hiện tình trong toà "cẩm vận tinh xá" này không có ai đối thủ nổi với Cưu Ma Trí. Nàng chau đôi mày liễu gượng cười nói:

-Ðược rồi! Lời lão hòa thượng nói chúng tôi có thể tin được. Phần mộ của lão gia tôi cách đây chừng một ngày đường thuỷ. Hôm nay thì trời đã tối rồi, sáng sớm mai chị em chúng tôi xin thân hành dẫn hòa thượng cùng Ðoàn công tử đi tảo mộ. Xin bốn vị hãy nghỉ ngơi một chút để đợi dùng cơm chiều.

Nói dứt lời A Châu đứng dậy kéo tay A Bích cùng đi vào trong nhà. Ðoàn Dự nhìn theo bóng hai nàng nhăn nhó cười.

Sau độ nửa giờ thì thấy một tên hầu trai ra nói:

-Hai cô nương có lời mời bốn vị qua nhà "thính vũ" dùng cơm chiều.

Cưu Ma Trí cám ơn rồi dắt tay Ðoàn Dự đi theo tên hầu trai. Quanh co theo một con đường nhỏ rải toàn đá sỏi lớn bằng quả trứng ngan một vòng, qua mấy chỗ núi đá, cây hoa ra bờ hồ. Dưới một gốc liễu có buộc chiếc thuyền nhỏ. Tên hầu chỉ một căn nhà nho nhỏ ở giữa hồ, bốn mặt đều có cửa sổ nói:

-Nhà "thính vũ" kia rồi.

Tên hầu mời bốn người xuống thuyền rồi từ từ chèo ra. Khi tới gần thấy toà nhà này làm toàn bằng cây thông, để cả vỏ trông thực trang nhã và đượm vẻ thiên nhiên. Ðoàn Dự vừa bước lên bờ đã thấy A Bích đứng đó đón khách. Nàng mặc áo dài màu xanh lạt, má thoa một lần phấn mỏng. Ðứng tựa bên nàng là một vị nữ lang mặc áo hồng tuổi chừng 15, 16 nhìn Ðoàn Dự tựa như cười mà không phải cười, nét mặt đầy vẻ khôn ngoan lanh lợi. A Bích thì khuôn mặt trái xoan trông rất thanh nhã và tươi đẹp, còn nữ lang kia khuôn mặt tròn hai mắt linh động, mỗi người có một vẻ kiều diễm riêng để làm rung cảm lòng người.

Ðoàn Dự tới gần ngửi thấy một mùi hương phảng phất êm dịu và quen quen, chàng mỉm cười hỏi:

-A Châu tỷ nương! cô là một vị nữ lang xinh đẹp như vậy mà giả trang làm đàn bà lại giống đến thế? thật là tài tình.

Nữ lang này chính là A Châu. Nàng liếc mắt mỉm cười hỏi Ðoàn Dự:

-Công tử bấy giờ phải cúi đầu lạy tôi ba lạy chắc bực mình lắm phải không?

Ðoàn Dự lắc đầu ngoay ngoảy đáp:

-Ba lạy đó rất có ý nghĩa. Có điều tôi đoán không được trúng lắm thôi.

A Châu hỏi:

-Công tử đoán thế nào mà không trúng?

Ðoàn Dự đáp:

-Trước tôi đã đoán cô nương và cô A Bích cũng như nhau, đều là mỹ nhân hiếm có ở đời. Tôi đinh ninh là hai cô chẳng khác nhau mấy, nào ngờ tới khi gặp mặt thì cô này... cô này...

A Châu cướp lời:

-Phải chăng tôi còn kém A Bích xa?

Ðồng thời A Bích cũng chen vào:

-Công tử thấy chị ấy đẹp gấp mười tôi, nhìn thấy phải giật mình chứ gì?

Ðoàn Dự lắc đầu đáp:

-Trật hết, tôi cảm thấy cái tài tình của ông tạo hoá thực là khiến cho người ta phục sát đất. Ông đã dốc tâm trí ra tạo nên một trang tuyệt sắc giai nhân là A Bích cô nương, tưởng rằng bao nhiêu linh tú ở Giang Nam đã dùng hết nhẵn rồi nào ngờ ông lại còn tạo thêm được một vị A Châu tỷ nương nữa. Hai dung mạo khác nhau nhưng mỗi người đều có một vẻ đẹp ưa nhìn riêng, tôi nghĩ mãi mà chưa tìm được câu nào để tỏ được cái vẻ diễm lệ của hai cô.

A Châu cười nói:

-Chà công tử thật là mồm mép trơn như mỡ, đã tán dương một tràng dài lại còn bảo là không tìm được một câu nào để mô tả.

A Bích chậm rãi mời:

-Bốn vị giá lâm nơi hoang dã này không có gì đặc biệt để thết các vị, hãy xin các vị dùng ly rượu nhạt và dùng mấy thứ món ăn ở địa phương Giang Nam.

Ðoàn nàng mời bốn người vào tiệc. Nàng và A Châu ngồi bồi tiếp ở ghế đầu.

Ðoàn Dự thấy bát chén toàn bằng đồ sứ rất mỹ thuật và tinh xảo trong bụng đã khen thầm. Ngoài các món xào nấu: tôm, cá, thịt còn bao nhiêu hoa quả, bánh trái,trông đã đẹp mắt lại có mùi hương ngào ngạt.

Ðoàn Dự tán dương:

-Có non sông gấm vóc mới nảy ra những bậc tuyệt thế giai nhân, có những nhân vật tuyệt thế, tất có thông minh tài tử đặc biệt để chế tạo những món ăn mỹ vị thanh cao.

A Châu hỏi:

-Công tử thử đoán xem các món ăn đây tôi làm hay A Bích làm?

Ðoàn Dự đáp:

-Các món ăn mầu sắc rực rỡ mùi hương nồng nàn là của cô nương làm, còn những món mầu sắc đạm nhạt, mùi vị thanh tân là cô A Bích làm.

A Châu vỗ tay cười đùa nói:

-Không ngờ thầy đồ gàn đoán đúng thế. A Bích cô bảo thưởng cho thầy cái gì đây.

A Bích tủm tỉm cười đáp:

-Ðoàn công tử sai bảo điều gì chúng ta sẽ hết sức tuân theo. Làm gì mà thưởng mới chả thưởng, chúng ta chỉ là người phục dịch cho công tử.

A Châu hừ một tiếng và nói:

-Hễ cô mở miệng là nói bênh người ta rồi. Trách nào ai ai cũng bảo cô tốt, còn tôi chẳng ra gì.

Ðoàn Dự mỉm cười:

-Một cô thuỳ mị ôn hòa, một cô hoạt bát lanh lợi mỗi cô một vẻ riêng. A Bích cô nương! lúc ngồi thuyền tôi có được nghe cô nương gẩy một khúc đàn bằng cây nhuyễn tiên, dư âm hãy còn văng vẳng bên tai. Vậy dám cả gan xin cô nương cho nghe một khúc bằng nhạc khí thực. Ðược thế thì dù ngày mai có bị Cưu Ma Trí đốt thành tro cũng không uổng một đời.

A Bích nhẹ nhàng đứng dậy nói:

-Công tử không hiềm nhơ tai tôi xin hiến cái nghề mọn vụng về để vui lòng quý khách.

Nói xong liền chạy vào phía sau bình phong lấy một cây dao cầm. Cây đàn này ngắn hơn cây thất huyền cầm một thước mà có những chín dây, các dây mầu sắc khác nhau. A Bích ngồi ngay ngắn trên chiếc cẩm đàn, để cây cửu huyền cầm trước mặt và quay sang nói với Cưu Ma Trí:

-Xin đại sư phụ chỉ giáo thêm cho!

Cưu Ma Trí đáp:

-Không dám.

Cưu Ma Trí băn khoăn, không hiểu sao nàng lại yêu cầu mình chỉ giáo? Chẳng hay nàng có dụng ý gì?

A Bích hai tay trắng muốt như ngọc, hai ngón tay búp măng bên trái lần nhẹ trên dây đàn, tay phải vừa bật vừa gảy, tiếng đàn tình tang nổi lên.

Ðoàn Dự tuy không hiểu gì về võ công nhưng về các môn cầm kỳ thi hoạ chàng rất thông thạo, vừa nghe qua mấy tiếng chàng đã hiểu ngay là chín sợi dây đàn này chế tạo bằng chín thứ chất liệu khác nhau như thép đồng và tơ chẳng hạn, cương thì rất cương mà nhu cũng rất nhu.

A Bích vừa dạo mấy cung, tiếng đàn trầm xuống dần dần, mỗi lúc một nhu hòa.

Bốn người ngồi nghe đều cảm thấy mí mắt nặng chĩu xuống, mơ màng như người buồn ngủ.

Thôi Bách Kế thông hiểu nhiều về các loại quỷ mỵ trên chốn giang hồ nên ngay

từ lúc mới bắt đầu vào Mộ Dung trang đã nhất nhất đề phòng. Y vừa nhắm mắt muốn ngủ nhưng thốt nhiên kinh hòang nghĩ thầm: "không xong rồi! Con ranh này chắc nó ám toán gì chúng ta đây!". Rồi y gọi lớn:

-Quá hiền điệt! Những thủ đoạn gian hiểm trên chốn giang hồ thực đủ điều kỳ dị! Hiền điệt phải lưu ý cẩn thận đó.

Quá Ngạn Chi gật đầu và trả lời một cách hàm hồ:

-Ðúng thế! chúng ta phải sáng suốt mà nhận định.

Nói chưa dứt lời thì lại tiếp luôn một cái ngáp dài. Cái ngáp này tựa hồ có sức truyền nhiễm, rồi cả Thôi Bách Kế, Ðoàn Dự cũng ngáp theo. Tiếng đàn lại càng dịu dàng réo rắt, bốn bề im lặng như tờ, mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn nằm vật ra ngủ liền. Ðột nhiên nghe "tưng" một tiếng nhè nhẹ. Ðoàn Dự đột nhiên cảm thấy trong miệng nóng ran rồi huyệt "thiên trì" ở khuỷu tay thông chuyển được ngay. Ðoàn Dự vừa mừng vừa sợ nhưng chàng vẫn cho là lúc Cưu Ma Trí điểm huyệt chàng lão chưa dùng toàn lực nên hiệu lực không được lâu, tới lúc này là nó tự giải đấy thôi. Nào ngờ A Bích gẩy một lúc nữa lại bật lên một tiếng "tưng" thì huyệt "phách hộ" sau lưng chàng cũng thông chuyển được. Ðoàn Dự ngầm vận nội lực thử xem thế nào thì thấy nội khí nửa người phía trên đã lưu thông được như thường, không còn trở ngại gì nữa. Bấy giờ chàng mới biết là tiếng đàn của A Bích cũng cảm ứng với nội khí người ta, nó công nhiên có năng lực giải được huyệt đạo. Một lúc nữa hai huyệt đạo ở hai đùi cũng theo tiếng đàn mà giải được hết. Ðoàn Dự đưa mắt nhìn A Bích và trong lòng vô cùng cảm kích. Thấy A Bích đang ngưng thần chuyển khí, hai tay lựa nắn giây đàn. Một bên thì Thôi Bách Kế cùng Quá Ngạn Chi đang say ngủ ngáy pho pho, một bên thì Cưu Ma Trí đang

chắp tay ngồi, dường như lão đang vận kình lực để chống lại với tiếng đàn của A Bích. Ðoàn Dự nhìn chừng uống xong chén trà thì thấy trên trán nàng rươm rướm mồ hôi, chỗ mái tóc có làn khói nhè nhẹ bốc lên. Cưu Ma Trí hình lộ vẻ mỉm cười,đôi mắt vẫn sáng rực. Ðoàn Dự có vẻ băn khoăn lo rằng tiếng đàn của A Bích nếu không lung lạc được Cưu Ma Trí thì e rằng trái lại nàng sẽ bị lão đả thương mất.

Thế thì mình đối phó thế nào để cứu được nàng? giữa lúc đó bỗng lại nghe A Châu cất tiếng hát:

Gió heo sông Dịch lạnh lùng

Ra đi tráng sĩ còn mong đâu về?

Tiếng đàn rất là mềm mại mà ý nghĩa trong lời ca thì lại thẳng thắn hiên ngang,hai đằng không ăn nhịp với nhau. Ðoàn Dự lắng nghe cảm thấy có điều quái dị.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tlbb