5. Băm sáu phố phường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nội xưa kia không có các huyện ngoại thành. Lên đến Bưởi đã là ngoại ô. Ra Cầu Giấy, nói đầy đủ là ra ô Cầu Giấy đã hết địa phận thành phố. Người Pháp đưa huyện Hoàn Long – hầu hết quận Đống Đa bây giờ, làm ngoại thành, gọi là đại lý Hoàn Long. Tri huyện Đặng Vũ Niết về vừa nhận chức quan đại lý thì đảo chính Nhật 9.3.1945, thế là tong ghế ngồi.

Tỉnh Hà Đông, tỉnh Bắc Ninh bọc quanh, Hà Nội hẹp toen hoẻn ở giữa. Xuống cuối đường Huế đã hết đất thành phố. Làng Yên Phụ bờ hồ Tây thuộc Hà Đông. Đằng Kim Liên, sau lưng bệnh viện Bạch Mai đã ra khỏi thành phố. Đường lên Bưởi, qua cửa trường Bưởi (trường Chu Văn An) đã gặp làng Thụy Khuê ngoại ô rồi. Bãi Giữa dưới cầu Long Biên giữa sông Hồng đã thuộc đất huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh. Đầu phố Khâm Thiên đằng này, chỗ cái ba-ri-e chắn đường xe lửa, là hết đất Hà Nội. Xe tay bánh sắt, gọi là xe ngoại, cu li kéo hết phố Khâm Thiên, phải đổi khách sang xe bánh cao su mới được vào phố. Vùng Khâm Thiên còn là Hà Đông.

(Bởi vậy, có chuyện kỳ cục: Năm 1972, máy bay B52 ném bom rải thảm xuống Khâm Thiên. Thế giới lên án Mỹ mưu toan hủy diệt Hà Nội. Hãng tin Mỹ UPI cải chính: B52 chưa hề ném bom Hà Nội. Có nghĩa là Mỹ đem bản đồ Hà Nội thế kỷ trước ra làm chứng.)

Phố phường thời Tây chia từng khu khác nhau. Không có bảng chỉ dẫn, không tường chắn, không ai ngăn cấm nhưng người đi đường phải tự hiểu thế, mà liệu bước.

Các phố Hàng Bài, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Điện Biên, Lê Hồng Phong, Hùng Vương bây giờ là khu vực phố tây, phần đông chỉ có nhà người Pháp hoặc người An Nam nhưng giàu có, sang trọng, nhà vườn, tường hoa, cổng sắt riêng cho xe song mã và ô tô ra. Phố Tây vắng, loáng thoáng người qua lại, phần nhiều chỉ những người đi là bồi bếp, tài xế, các cô khâu đầm, chị hai giữ trẻ nhà Tây.

Người như tôi lúc ấy, những thanh niên chân xỏ đôi guốc mộc, áo dài thâm, bước thất thiểu, qua cửa nhà sang trọng hay nhớn nhác nhòm ngó. Thế là cũng có đội xếp dõi mắt xem có phải kẻ gian "chú chích" không. Chẳng ai vạ gì mà lai vãng các phố Tây!

Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân, người chen chúc đông đúc qua lại bên này hồ Gươm. Khu buôn bán sầm uất, ở đây mới lắm các tay "chích cược" (trộm cắp) và du côn du kề.

Sinh sôi với đời sống thành phố, Hà Nội còn có hai khu khác, mà ít người nhận ra và phân biệt được.

Các phố nhỏ yên tĩnh hai bên chợ Hôm và đường Huế. Bây giờ là Trần Xuân Soạn, Ngô Thời Nhiệm, Phùng Khắc Khoan, Hòa Mã và bên này, Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Bùi Thị Xuân. Mới năm nào đi từ dốc cây thị Hàng Kèn xuống Vân Hồ, còn bãi hoang, đầm lầy, tre pheo làng xóm lơ thơ. Trơ trọi cái trường Hàng Kèn, học trò phải gọi là trường Thân Trọng Huề (trường tiểu học Quang Trung bây giờ), đằng xa cũng nhìn thấy những cây bàng xanh rì mới trồng. Rồi nhà cửa, phố xá mọc dần lên. Người làm vô làm việc, người buôn bán, kẻ giàu người nghèo ở chen nhau. Vùng này, phố của những công chức, các ông ký, ông thông và nhà buôn phố trên để dành tiền làm nhà, tậu nhà. Thông thường, ngày nay còn thấy dấu vết ấy, ngôi nhà một hai tầng lợp ngói, nách tường có cửa bên. Tấm gỗ gác lên bậc thềm. Anh xe dắt cái xe cao su nhà ở sân trong ra. Xe đưa cậu đến sở. Xe kéo mợ đi chợ. Bây giờ, nhà cửa ở các phố này còn phảng phất vẻ êm đềm phong lưu bề ngoài thời ấy.

Một vùng khác dưới bãi dọc đê sông Hồng. Các bãi Cơ Xá, Nghĩa Dũng, Phúc Xá – bãi An Dương còn bỏ hoang, xuống dưới tới bến Phà Đen, toàn nhà lá – những túp lều lá. Đến mùa hanh hao (nhà nào, mà theo câu tường thuật của các báo thời ấy, bị "thần hỏa ra oai") thế là cháy luôn cả dãy phố. Đấy là nhà những người nghèo, cu-li dọn kho, bắt-tê cửa ga, kéo xe, phu phen khuân vác, đổi thùng, thợ hồ, người các vùng quê đói rách đổ ra kiếm sống ở thành phố đều chui rúc xuống ở bãi.

Có một hồi, về Hà Nội, Nguyên Hồng cũng ở một gian nhà lá thuê dưới bãi Nghĩa Dũng. Tôi thường xuống chơi. Khi ấy, vợ chồng anh mới có con đầu lòng, cháu Hà. Nhà vách đất tối om, vào cửa phải cúi đầu. Cả gian nhà kê vừa cái giường chõng. Dưới gầm, chiếc hòm gỗ. Tất tật, gạo nước, nồi niêu, quần áo tống cả vào hòm. Bên chân giường dựng bó củi nứa và cái hỏa lò để chị ấy thổi cơm.

Lều lán và người nghèo rúc ráy cả dưới bãi. Đấy cũng lại là vùng tụ tập sòng bạc và các tay chơi có hạng. Bọn trùm gá bạc như Ba Sinh, Cả Vê, Hai Cua và bao nhiêu đầu trộm đuôi cướp khác. Sở mật thám biết rõ tông tích mà không đụng chạm đến. Những tù xổng làm quân cướp ngày, những chúa du côn được chủ xe hàng thuê đứng bến đánh nhau tranh khách đều sinh sống ở các xóm bãi. Ở trên đê trông xuống chỉ thấy những mái lá lươm nhươm, nhôm nhếch bên bãi đất cái lẫn lộn với mặt nước đỏ rực. Sáng sớm, người ra bờ sông ỉa, đi tha thẩn, con chó lũn cũn theo. Các nhà gánh nước ăn về đánh phèn, đôi thùng cũng từ dưới sông lên, bước lẫn giữa mọi thứ củi mục, phân người, rác rưởi. Buổi chiều, gió lạnh ngoài kia quạt hun hút.

Vùng công chức ở và vùng bãi càng ngày càng chen chúc, bởi thành phố mỗi lúc một nhiều người hơn. Dần dần, hầu hết các làng gần xung quanh đều ra làm các nghề phục dịch. Người ta bảo chỉ có chó chợ Canh mới ngon thịt. Những hàng thịt chó chợ Đồng Xuân, Hàng Đồng đều người trong Canh. Làng Mơ có nghề nấu rượu, gọi là Mơ Rượu, lại còn Mơ Cơm – các hàng cơm đầu ghế trên phố đều là người Hoàng Mai. Người Lai Xá làm các nghề chụp ảnh. Ước Lễ làm giò chả, mở hàng cơm tám và hiệu may quần áo tây. Các cửa hàng này hay có chữ Ước, chữ Hương, Tân Ước, Tân Việt, Tân Hương... người Thanh Trì bán đậu phụ, đậu nướng om nghệ và bánh cuốn. Bánh cuốn Thanh Trì là bánh mỏng soi lên được, bóc từng cánh, ăn với giò lụa chấm nước mắm cà cuống. Làng ở các cửa cống và lạch nước rãnh, nước thải, ở Đại Từ, ở quanh Khâm Thiên, Ngã Tư Sở, cống Đõ làng Hồ cắm rau muống bè. Nhà sành ăn chỉ chuộng rau muống sông Tô Lịch. Luộc mềm, xanh nước, ra ống ra lá. Làng Thụy bán quà sáng, quà trưa, bún ốc, bún chả, xôi vò chè đường... Kẻ Nhót chuyên buôn thuốc lào bán lẻ các chợ, thành tên thuốc lào Nhót. Đàn ông làng Thanh Nhàn xách hòm đi cắt tóc rong các phố. Trại Thủ Lệ thầu giặt chăn đệm nhà Tây, trại lính, nhà thương. Người Cổ Nhuế Hoàng làm hàng thầu may cắt quần áo nhà binh.

Đời sống thành phố cò con, có các ông Tây ăn trên ngồi trốc, còn thì, người ta bới bèo tìm bọ, sinh sống trên lưng nhau, nuôi lẫn nhau. Đi ở, đi phu, đổi thùng, làm mướn, phụ bồi, phụ bếp, kéo xe, kéo quạt, cu-li san, làng nào cũng có người. Đêm đêm, bốn phía trong cánh đồng trông lên thấy trời thành phố hửng sáng trong ánh đèn điện, thế là ban ngày lũ lượt người kéo vào. Người vô công rồi nghề, người thất nghiệp đâu cũng nhan nhản.

Người ta thất thểu đi tìm việc qua đêm qua ngày.

Việc ở đâu, cái gì Tây cũng làm cả và từ bên Tây đem sang. Tây moi hết tiền. Cái nắp cống gang, ống nước bằng chì, lọ thủy tinh đựng thuốc, mảnh sắt xanh xanh đề số nhà, tên phố đều làm ở Pháp, có tàu thủy tải sang. Cột đèn tròn, cột dây điện vuông ở góc phố, cũng đúc tận bên ấy. Các hãng Tây buôn càng phát tài bán được nhiều thứ cho thuộc địa. Cả đến hòn gạch, hòn ngói cũng đóng ở lò bên Mạc-xây. Ngói gạch thời ấy thấy đề "làm tại Mạc-xây". Mãi sau mới có nhà máy gạch Satic của chủ Tây đường Quan Thánh, rồi mới đến gạch Hưng Ký chủ ta. Những ngôi nhà được làm từ giữa thế kỷ đổ về trước, cứ xem hòn gạch, hòn ngói, cái ống cống nước có in hiệu đều rõ tuổi công trình.

Cái nhà, bức tường, vòm cống, bờ hè viền xi măng hay viên đá xanh đều có thể đọc ở đấy ra cuộc đời và nhìn thấy tang thương Hà Nội. Những bờ hè đầu tiên bọc vỉa đá xanh, thợ đẽo đá khiêng quảy ở núi Trầm, núi Thầy về. Nay còn thấy cửa cống vỉa đá và đá lát hè ở đôi chỗ quãng giữa các phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền – trung tâm thành phố, nơi người Pháp ở đầu tiên.

Muốn biết rõ tuổi thọ ngôi nhà, ta trông dáng kiến trúc, hòn ngói, cái cửa sổ, hàng hiên với lan can, ở các phố Bà Triệu, Hàng Khay, đôi khi ngước lên còn nhìn thấy trên đầu tường hàng số ghi năm sinh của dinh cơ ấy: 1896, 1902, 1930...

Đừng ai nhầm những ngôi nhà mái cong tường dày, có dáng cổ kính ở đường Nguyễn Du, ở đầu trại Hàng Hoa, nhà "cô Bảo Đại" là những tòa ngang dãy dọc xưa cũ nhất thành phố. Các nhà này còn quá non tuổi là đằng khác. Ấy là khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, hải quân Đức phong tỏa đường biển, Nhật đã đổ bộ lên Đông Dương, sắt thép bên Tây không tải sang được, các nhà thầu nảy ra sáng kiến làm nhà kiểu cổ. Không tốn mấy xi măng, cốt sắt, vôi cát, các mái ngói và bờ tường dày bục bịch. Lại hợp với phong trào "phục cổ" của Nhật!

Cách đây ít năm, lúc chập tối, một tầng trong ngõ Trần Nhân Tông cạnh hồ Thiền Quang bỗng sập xuống nguyên cả trần nhà. Như cái bẫy chuột. Hình như chết vùi mấy người. Ngôi nhà ấy đã xây vào thời "phục cổ" này. Trần nhà, đáng lẽ cốt thép, người ta đã làm bằng xi măng cốt tre.

Chúng tôi lặn lội đi tìm việc kiếm sống giữa đất Hà Nội nhốn nháo. Có lúc bâng khuâng. Có lúc chạy thục mạng. Có lúc đứng lại cả buổi vẩn vơ ngắm tủ kính hàng vải vóc hiệu Tây Quăng, Tây Cú cuối Hàng Đường và gian hàng tạp hóa Tây Lùn mở số quay có thưởng ở chợ Hàng Da. Có khi lên Bách Thảo cả ngày xem chuồng khỉ, chuồng hổ. Không biết ông bà nào vừa hóm vừa vui tính đã đặt tên cho những người thất nghiệp là người "xỉa răng cọp". Có khi lang thang suốt đêm nghe tiếng đồng hồ quả lắc, các nhà Hàng Đào, Hàng Ngang đánh chuông chen nối nhau đầu phố cuối phố. Hàng đàn chuột chạy hai bên cống. Một lúc, thấy hiện ra những bóng người đứng đập cửa chan chát, rồi tiếng gọi: Đổ thùng, đổ thùng. Thật rõ, đấy là tiếng gọi cửa "đổ thùng, đổ thùng", phu đổi thùng xia của nhà thầu Năm Diệm đã đi làm. Vừa đúng nửa đêm.

Trời sắp sáng, rồi trời sáng.

Quanh bờ hồ Gươm, trên chòm lá cây cọ châu Phi, những đàn sếu, đàn mòng két phương xa về đậu đen ngòm, cứt lướt thướt trắng xóa xuống. Thi sĩ Thao Thao làm thơ "tám chữ" đã có câu tả "...ven hồ cứt trắng khô". Trên bờ tường đá nhà pha Hỏa Lò nhô lên cái mặt đen nhoáng của người lính da đen bên đầu lưỡi lê sáng rợn. Đã đến giờ đổi tan canh. Năm trước, còn trông thấy cả đôi giày người lính gác bồng súng đi dạo trên mặt tường chăng dây điện cắm mảnh chai lởm chởm. Bây giờ không thấy nữa. Bức tường quanh nhà Hỏa Lò mới được xây cao thêm, có đến một thước, nay vẫn còn hằn cái ngấn xi măng và gờ đá.

Giữa Hà Nội quen thuộc quá mà phường phố thì thật xa lạ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro