7. Đêm giao thừa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Con đường Thành – bây giờ là đường Hoàng Hoa Thám từ chợ Bưởi ra đến đầu trại Hàng Hoa chỉ khoảng hơn hai cây số. Người các vùng ngoại ô phía Bưởi, Noi, Cáo đi làm ăn trong thành phố thường qua lại đường ấy. Đường xa một chút, nhưng thảnh thơi, thoáng mát hơn đi đường dưới làng Thụy, dẫu cho đi đường dưới, đôi chỗ người cuốc bộ có thể nhảy trộm ngồi đuôi tàu điện được một quãng.

Nhưng đấy là trò nghịch của đám trẻ con ngoại ô ra học các trường Yên Phụ, trường Yên Thành thích chạy thi, đuổi nhau, trèo cây, bám đít toa tàu. Chứ người lớn còn hơi sức đâu mà trèo leo. Suốt ngày làm quần quật. Cu li, gánh cát dưới bãi, phu hồ. Thợ may, thợ mũ, thợ giày gù lưng, mài mắt xuống đầu gối. Người vào phố đi làm về lác đác, lử khử, rũ rượi, âm thầm như những con cú bay đêm, con gà rù về chuồng.

Nhưng cứ vào chập tối thì chú Cát mới ra Kẻ Chợ, đi làm. Cái đèn xe bốn mặt kính vuông giắt trong vạt áo nâu sau lưng, dưới cạp quần lá tọa. Trông trước, trông sau, không thấy ai, chú đi nhanh xuống bờ sông. Đấy là chú Cát đi kéo xe. Cái việc ra Kẻ Chợ làm cu li kéo xe tay làng nước cho là xấu, bần cùng lắm mới phải cúi cổ làm con ngựa người như thế, nên người ta có ý giấu giếm. Chú Cát không đi đằng đầu chợ. Chú lội qua sông bãi trước cửa đình, tắt qua Đồng Vân. Có hôm, ngược lên Cống Vị sang Quần Ngựa. Len lén, cẩn thận, kín đáo. Nhưng cả làng cũng chẳng lạ, cứ xẩm tối, chú Cát lại ra phố kéo xe. Đi kéo xe đêm khó nhọc gấp mấy ban ngày. Đôi khi mới được món khách bở ở cửa ga. Nhưng mà kéo xe ban ngày thì ngượng, khổ thế.

Thế mà – cái sự đi kéo xe ban đêm, ở xóm tôi không mấy nhà có người lớn có sức mà lại chẳng đi, nhất là những năm hàng họ ế ẩm. Còn bất cứ năm nào, vào những ngày áp tết, đêm ba mươi, đều có nhiều người ra Kẻ Chợ kéo xe kiếm cái tết. Đêm ấy, hăm chín bắt làm ba mươi. Mua lại cái xe kéo mấy giờ sắp giao thừa cũng bằng đi đánh bạc. Được thì ăn cả, ngã thì bỏ bầm, nhưng biết sao. Lúc nào người ta chẳng phải đánh bạc với trời.

Ở đầu chợ Bưởi cũng có hàng dãy xe đợi khách ghếch càng lên gốc cây me tây, đầu tường đồn. Nhưng đấy là xe sắt, bánh gỗ, đi kêu lạch xạch. Xe ngoại chỉ được phép kéo khách trên đường đá vào đến đầu ô.

Đêm áp tết, còn ma nào mò mẫm vào đầu ô, những chiếc xe sắt đỗ chổng đuôi, bỏ không.

Đường Thành đêm vắng hơn hẳn mọi khi. Người thấp thoáng chập choạng. Như con dơi ra bắt muỗi, rồi biến mất. Nửa mái lá phên cũng là cái nhà, cái chỗ chui ra chui vào. Phải vội về mà châm nén hương đêm ba mươi. Gốc cây và mặt đường thăm thẳm, như chỉ có một mình chú Cát đi ngược lại. Chú ra phố.

Chú Cát xuống đường Cổ Ngư giữa hồ Tây với hồ Trúc Bạch rồi rẽ trái, theo bờ tường dãy nhà in Ideo. Các phố đã đóng cửa kín mít. Ánh đèn le lói sau cánh cửa. Chú Cát bước xăm xăm.

Chú Cát đến dốc Hàng Than, nơi mua lại giờ xe, vẫn chỗ mọi khi, bãi cỏ góc tường xế ngoài cổng nhà máy điện Yên Phụ.

Trong bóng tối run rẩy rét mướt đã lù lù mấy người bó gối ngồi. Một cái xe tay đến đỗ chổng vộc. Ánh lửa lom đom, mấy mảnh giấy, cành củi, đống bã mía đốt lên sưởi và để người ta lấy cái nòm hút thuốc lào vặt.

Chỗ này là nơi hẹn của những người mua đi bán lại giờ xe kéo. Ai không đủ tiền thuê nhà chủ một ngày xe thì đến đây mua lại giờ của người khác. Lúc hết giờ, người thuê lại dắt xe về trả, phải rút túi đưa cai xe một hào, lão mới chịu nhận cho. Chẳng có lão dọa điệu ra bóp, lu loa: "Thằng này ăn cướp xe vừa mới bị tóm".

Chú Cát đã thuê lại được một cái xe. Trụt chiếc quần cháo lòng và cái mền khố tải đụp khoác vai nhét vào thùng, chú thay bộ quần áo cu li xanh nhợt, chui vào một hàng xe, cung cúc kéo xe chạy ngay.

Năm hết tết đến, phải đuổi từng phút.

Những giờ cuối cùng trong một năm, phố xá vắng ngắt. Chuyến tàu điện chạy vét đã dồn toa về nhà chứa trên Thụy Khuê, bến Hà Đông xe hàng và xe điện Bờ Hồ, chẳng còn một mống người. Đến ngày thường cũng không có ô tô hàng chạy đêm, nói gì đêm nay. Chỉ ra đến đầu ô hay sang bên kia cầu Đu Me, nhá nhem tối đã bị chịt cổ rồi.

Còn chuyến tàu hỏa ở Phòng và chuyến dưới Nam lên. Nhưng chú Cát cũng không dám lảng vảng đến đón khách trước ga Hàng Cỏ, đất làm ăn của bọn xe kéo đã thuộc mặt. Xe nào lạ lớ quớ tới, du côn xông ra đánh gãy tay xe, chạy hộc máu không kịp. Đi kéo xe ngoài phố phải thuộc các phép tắc nghề nghiệp và thông thổ như thế.

Nhưng cũng lại phải biết khôn lỏi thì mới kiếm được. Chú Cát không vào cửa ga, mà lượn lờ đón lõng các ngõ quanh ga.

Từ nãy, chú Cát đã chộp được hai đám khách, làm hai cuốc ngắn. Đêm ba mươi, khách cũng tất tả, lật đật, chẳng còn giá cả ra thế nào. Cu li tha hồ bóp. Chỉ khi thoáng thấy xe khác xộc đến, sợ mất khách, bấy giờ mới chịu hót người ta lên xe đi ngay.

Có thể đã đủ tiền mua lại giờ xe, tiền đút cho cai, còn dư được sáu hào rồi. Chú Cát thong thả bước một. Lúc chiều, ra đầu làng gặp lão Thiện mặt rượu đỏ lựng, dù sao cũng là ra ngõ gặp trai, mới được may thế. Chú Cát dắt xe một tay, lững thững. Từ giờ tới giao thừa, một cuốc, hai cuốc tất niên, còn kiếm nữa, chưa biết chừng.

Chú Cát bước đều đều, cằm tựa càng xe, gà gà mắt.

Qua mấy cái nhà săm. Những nhà săm, bảng và đèn vàng hoe bốn chữ "có phòng cho thuê" hay đặt tên đệm chữ "Lợi" đằng sau. Săm Đồng Lợi, cửa ga Hàng Cỏ, săm Đại Lợi, Sinh Lợi, Tiến Lợi cạnh vườn Bách Thảo. Ở nơi kín đáo, ra vào khuất mắt. Nhưng khi nào ai giờ này còn đi chơi nhà thổ tất niên cho bị xúi quẩy, mà lượn lờ cửa các nhà săm làm gì. Chú Cát chợt nghĩ ra.

Giữa phố Hàng Đẫy im vắng. Tai mình lại nghe thấy tiếng chân mình bước và tiếng bánh cao su rào rạo mặt nhựa sạn cát. Mỗi lần qua dưới một cột đèn, cái mui xe và hai đầu càng lênh nghênh rụt bóng lại rồi lại dài bóng ra.

– Ê!

Chú Cát ngoảnh lại.

Một người đội hay lính chưa rõ, nhưng mũi lõ, ria rậm hẳn hoi, đứng trên bờ hè. Chắc thằng Tây này vừa chơi ở nhà săm đầu phố Sinh Từ ra.

Chú Cát hạ càng xe. Áo thằng Tây có cái lon mờ chắc là cai, là ách chi đó. Lão ách gieo lưng xuống đệm, tựa đánh huỵch một cái, chú Cát lom khom nhấc càng. Lão ách trỏ tay phía vườn hoa Canh Nông. Chắc lão muốn về trong thành. Thằng ách này béo ục ịch nặng đến quá tạ. Chú Cát kéo thong thả. Nhưng lão lại giục tiếng ta lơ lớ: "Mao lên... mao lên... cu li...". Chú Cát cất càng xe, bước nhanh nhanh.

Đã sang đến các phố Tây thanh vắng. Thấp thoáng cửa sổ trong tường hoa lung linh ánh đèn. Những phố sang trọng, chẳng phải tết nhất, quanh năm đèn vẫn rực rỡ thế.

Sau lưng chú Cát, không rõ tiếng ngáy khò khò hay tiếng thở, lão ách say rượu hay lão ngủ. Trong vườn hoa Canh Nông, cái gò pho tượng "sĩ nông công thương" lù lù như đống rạ, trông rõ chiếc sừng trâu đen xì nghênh ra.

Bỗng tiếng giày săng đá nện thình thịch xuống sàn xe. Chú Cát hãm tay xe. Lão Tây bước xuống, loạng choạng. Phải biết cách đối phó với bọn Tây say. Nhưng không ngửi thấy mùi rượu. Lão ách này hay không say, hay lão sâu rượu này đã say lịm trơ ra thế cũng nên.

Lão ách bỗng đặt bàn tay thô lố lên vai chú Cát. Lão cao lênh khênh, hơn hẳn chú Cát một cái đầu. Nhanh như cắt, chú Cát bị nắm vai đẩy vào gốc cây bóng tối trước mặt. Gót giày lão đạp tụt cái quần chú xuống. Chú Cát đã hiểu thằng Tây này định làm gì.

Hì hục xong rồi, lão ách vểnh râu ria, ném cho chú Cát một đồng ván (hai hào). Rồi lại ngồi lên xe như ban nãy.

Chú Cát buộc túm cái quần lá tọa, lại bước vào càng, nhấc xe. Chú cũng chẳng kịp nghĩ chú đương bị đau chân hay đau rát cả đít.

Có thêm hai hào. Chỉ tởm một tý. Thế là được gần đồng bạc. Chú mừng, khấp khởi. Cái tết chắc giắt cạp quần rồi.

Qua tháng giêng năm ấy, chú Cát ốm suốt tháng hai. Không ai biết chú bị bệnh gì. Người cứ trương lên, chỗ nào cũng đau, đít lở loét, tanh hôi không ai dám đến gần. Chú thảm thiết kêu rống suốt đêm. Đến hôm chú hấp hối, chú nói, xóm giềng mới hay đêm ba mươi chú bị thằng Tây đổ bệnh tim la. Xưa nay vẫn nghe nói Tây hay đổ tim la cho trâu, bây giờ tận mắt thấy nó hại cả người ta.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro