TÔ KÝ CHINH PHỤC "NGƯU MA VƯƠNG"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“TIỂU TƯỚNG” TÔ KÝ CHINH PHỤC “NGƯU MA VƯƠNG”

Tướng Tô Ký sinh năm 1922, tại làng Bình Lý, Hóc Môn (nay là xã anh hùng Bình Mỹ, huyện Củ Chi). Ông tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, năm 17 tuổi bị bắt giải đi căng Tà Lài (1940). Đầu năm 1941, ông cùng 7 đồng chí vượt ngục và bị bắt giải lên Bà Rá cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3. 1945. 

Ông là một trong những người lập Giải phóng quân liên quận Hóc Môn- Bà Điểm- Đức Hòa, sau là Chi đội 12. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, được thăng thiếu tướng, Chính ủy quân khu. Ông mất mùng 2 Tết năm Kỷ Mão (1999).

Câu chuyện xảy ra cách nay trên nửa thế kỷ, vào đầu năm 1941, vài tháng sau khi Nam Kỳ khởi nghĩa. Lúc đó, anh Ba Tô Ký mới là một thanh niên 18 tuổi - nhỏ nhất trong đám tù chính trị bị Tây bắt đưa về căng Tà Lài nằm dọc quốc lộ 20, khỏi Định Quán, trên đường Sài Gòn - Đà Lạt. 

Tô Ký quê ở Mỹ Bình, Tân Lý, Hóc Môn. Cha anh là ông Tô Nếp, một người hoạt động cách mạng nên Tô Ký mới 13 tuổi đã là liên lạc, vài năm sau là cán bộ in ấn (in xu xoa truyền đơn) và phân phát trong vùng. Trong khởi nghĩa Nam Kỳ, cả hai cha con cùng bị bắt giam hai nơi khác xa. Ông Tô Nếp bị giam ở Kho Muối (đường Tôn Thất Thuyết, quận 4) sau đó bị đưa xuống sà lan nhận chìm ngoài cửa biển Cần Giờ. Còn Tô Ký bị đưa lên căng Tà Lài.

Sau Tết Tân Tỵ (năm 1941), ba anh em tù được lệnh vượt ngục. Để chuẩn bị cho chuyến vượt ngục được thành công, Sáu Giàu suy tính về mọi mặt. Một trong những lo ngại của anh em vượt ngục là đồng bào thiểu số ở bên ngoài căng Tà Lài . Đó là các bộ lạc Stiêng, Châu Mạ, Châu Ho, Khmer. Do Tây tuyên truyền và treo giải thưởng như muối, vòng vàng đeo tay (vàng giả), nhiều người Thượng khoái săn bắt tù vượt ngục để lãnh thưởng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Sáu Giàu gọi Tô Ký tới: "Nghe nói hồi nhỏ, chú Ba có chăn trâu?". Tô Ký gật: "Có!". "Chú biết xỏ dàm trâu không?". "Biết!". "Nhưng gặp trâu to như voi, chú có dám không?". "Sao lại không? Anh Sáu muốn nói con "Ngưu ma vương" của mấy ông Stiêng bên kia sông chớ gì? Tôi đã thấy nó rồi. Đúng nó là con trâu cổ to lớn dình dàng như voi".

Sáu Giàu hỏi lại cho chắc ăn: "Chú Ba có dám hứa chắc với tôi là xỏ dàm được con Ngưu ma vương chớ? Nghéo tay, nếu chú làm được!". 

Tô Ký mạnh dạn nghéo tay Sáu Giàu. Vài ngày sau, Sáu Giàu tới gặp sếp căng Ménétrier. 

- Lễ Phục sinh tới đây, tôi xin phép ông cho anh em tù vui chơi giải trí. Sẽ có một màn đấu bò hết sức ngoạn mục, không thua gì bên xứ Tây Ban Nha. 

- Đấu bò? Trong đám tù có picador (kẻ đấu bò)? 

- Có chớ! Nên nhớ trong căng này, không thiếu nhân tài thuộc đủ ngành nghề. Xin nói lại cho đúng là không phải màn đấu bò mà là chinh phục con trâu cổ khổng lồ. 

Sếp căng gật gù: 

- Mình cũng đã thấy con trâu cổ đó rồi . Nó là trâu rừng, không hiểu sao lại nhập bầy với đàn trâu nhà? 

Sáu Giàu: - Con trâu này giống như con Bạch Tượng. Dân quê cho rằng, Bạch Tượng xuất hiện là may mắn. Chớ thật ra thì Bạch Tượng vô dụng, không hữu ích như voi thường. 

Sếp căng gật: - Con trâu rừng này cũng vô dụng, không biết kéo cày hay kéo cộ. Nuôi uổng công.

Sáu Giàu hãnh diện: - Rồi sếp sẽ thấy, tay đấu bò của chúng tôi sẽ chinh phục được con Ngưu ma vương này để biến nó trở thành con vật hữu dụng gấp mười lần đồng loại của nó. 

Sếp gật đầu khuyến khích: - Cứ làm đi ! Tôi cho phép!

Ngày trọng đại đã đến. Tất cả tù nhân đều tập trung trên sân cỏ sát bờ sông Tà Lài. Đám lính mã tà cùng mấy thằng cò Tây cũng kéo ra xem màn "Tiểu tướng Tô Ký tử chiến Ngưu ma vương". Tất cả các bầy trâu của đồng bào Thượng ở gần căng đều được lùa vô căng để cho màn "xiếc" thêm phần hào hứng. Tất nhiên, vai chính trong bày gia súc này là con trâu cổ hỗn danh Ngưu ma vương.

Anh em tù đặc biệt lo cho “tiểu tướng Tô Ký". Anh thanh niên 20 tuổi này, cao gầy, tuy rắn chắc nhưng so với Ngưu ma vương thì quả là quá chênh lệch. Anh mặc quần cụt bó sát người, mình trần tay cầm dây mây để xỏ dàm trâu cổ, sắc mặt nghiêm trang nhưng đầy tự tin. Sáu Giàu vỗ vai động viên:

- Cố gắng nghe chú. Việc lớn có thành công hay không là do chú có trị được con Ngưu ma vương hôm nay hay không đó. 

Tô Ký khẽ mỉm cười với anh Sáu như hàm ý: "Anh hãy tin nơi thằng em này !". Sáu Giàu chỉ Tô Ký giới thiệu với bọn Tây: 

- Đây là picador của chúng tôi. Các ông sẽ chứng kiến anh bạn trẻ này chinh phục con trâu rừng khổng lồ như thế nào.

Tô Ký bảo các già làng quất đàn trâu chạy xuống sông. Còn Ngưu ma vương bị đàn trâu kẹp cứng giữa bầy, không tự do hung hăng như ở trên bờ. Tô Ký nhảy từ lưng trâu này tới trâu kia, từ từ bến lại gần con Ngưu ma vương. Nó trông thấy, đoán được ý đồ của Tô Ký nên hung hăng cung sừng to dài và nhọn hoắt cố chém kẻ tới gần... Nhưng nước sông truy cản các cử động ồ ạt của Ngưu ma vương. Đồng thời, tình thế bị kẹp cứng giữa bầy trâu cùng bì bõm trên dòng nước làm cho nó giảm sức hung hãn. Tô Ký đã nhảy lên lưng con Ngưu ma vương. Nó cố hất nhưng không xong, xoay qua hụp đầu xuống mặt nước toan nhận chìm kẻ thù nhưng Tô Ký ngước cao cổ lên trong khi hai tay vẫn bám chặt cổ con trâu mộng. Đợi tới lúc con trâu thấm mệt, Tô Ký mới nhanh tay xỏ dây mây vô mũi nó thật mạnh và gọn. Con Ngưu ma vương đau điếng nhảy đựng lên. Nếu ở trên bờ thì nó đã vật đối thủ văng xa cả chục thước. Nhưng nó lại kẹt dưới nước.

Vùng vẫy cả tiếng, sau cùng Ngưu ma vương chịu để Tô Ký chinh phục, kéo gây dàm trao cho già làng chủ của nó.

Suốt hơn tiếng đồng hồ, cả căng hồi hộp theo dõi trận tử chiến trên sông Tà Lài. Đây là sự kiện lịch sử có một không hai ở căng Tà Lài. Chiến công này đáng ghi lại trong sổ vàng của Hội cựu tù chính trị Nam Bộ. Bí quyết thành công của Tô Ký là dùng trí tuệ để chiến thắng sức mạnh hoang dã. Trí tuệ đó là giam chặt Ngưu ma vương dưới nước giữa vòng vây đồng loại để vô hiệu hóa sức mạnh dễ sợ của con trâu rừng.

Nhưng người lập chiến công đó vẫn không biết vì sao anh Tổng đại diện căng Tà Lài lại bày ra chuyện chinh phục con trâu rừng như vậy.

Đến khi được chọn là một trong số 8 người vượt ngục Tà Lài, Tô Ký mới biết bài bản của Sáu Giàu: "Vượt ngục ra khỏi trại là lọt vô các sóc, các buôn người Thượng. Họ có thể bắt chúng ta để lãnh thưởng. Cho nên phải có một hành động làm cho họ kính phục tài tháo vát của anh em mình. Xỏ dàm trâu cổ là chuyện có lợi về nhiều mặt. Trước hết, là người mình thông minh, trị được con vật hung hăng. Thứ hai, giúp nó trở lại thành gia súc hữu ích cho dân làng. Mình đem cái lợi cho người ta, không lẽ người ta đem cái hại cho mình”.

Bấy giờ Tô Ký mới hiểu hết nội dung lời động viên trước đó của Sáu Giàu: "Việc lớn có thành công hay không là do chú trổ tài ngày hôm nay đó!".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro